Chân sư Thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels, ngày 20 tháng 6 năm 2018. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Kazakhstan.
TA LÀ Phật Quan Âm, thày được nhiều người trong khu vực này của thế giới biết đến như vị Bồ tát của Từ bi, tuy nhiên thày hơn rất nhiều những gì các con người nghĩ về thày trong khu vực này của thế giới. Lẽ tự nhiên, thày nhìn nhận và hân hoan thấy sự sùng kính mà nhiều người bày tỏ với thày và lòng thương yêu mà họ trút vào các câu niệm chú tuyệt vời, giống như chính các con đã làm trong giờ đồng hồ vừa qua. Các con đã thực sự đạt được thành quả lớn trong việc yên lắng thể tình cảm của trái đất.
1.1. Vũng nước xoáy của sự sợ hãi
Các trái tim yêu dấu của thày, sa nhân đã làm gì trên thể tình cảm của trái đất? Họ đã làm nhiều chuyện, nhưng điểm cơ yếu mà thày muốn các con chú ý là họ đã gài vào một vũng nước xoáy, vũng xoáy sợ hãi. Vũng xoáy này mạnh lạ thường. Nếu con nhìn vào nhân loại ở khắp nơi trên thế giới, thì con thấy là rất, rất nhiều người sống suốt đời với cảm thể của họ bị buộc chặt, bị điều khiển, và đôi khi bị choáng ngợp bởi vũng xoáy sợ hãi trong cảm thể của hành tinh hay trong tâm thức tập thể.
Rất, rất nhiều người đã sống với nỗi sợ hãi đó, có khi trong nhiều kiếp sống, nên trong kiếp này họ không thể cảm nhận điều gì mà không bị choáng ngợp bởi nỗi sợ trong cảm thể. Con yêu dấu, con không thể trở thành, con không thể là, Ki-tô hành động khi con còn sự sợ hãi trong cảm thể. Con chắc chắn không thể là Ki-tô hành động khi nỗi sợ đó dính liền với vũng nước xoáy sợ hãi của hành tinh. Lẽ đương nhiên con không thể là Phật nếu con còn sợ hãi, nhưng một số các con chưa thực sự nhận ra là con không thể là Ki-tô nếu con còn sự sợ hãi trong cảm thể.
Do đó, thày giảng bài này không những cho các con hiện diện ở đây mà cho toàn thể đệ tử khắp nơi trên thế giới. Thày nói với tất cả những ai tự nhận mình là đệ tử chân sư thăng thiên, cho dù họ có công nhận vị sứ giả này hay không, thày nói với tất cả những người tâm linh, những người mở tâm đón nhận khía cạnh tâm linh của sự sống, và thày nói vào tâm thức tập thể: “Con không thể là Ki-tô nếu cảm thể của con bị buộc vào động lượng sợ hãi của hành tinh này.”
Con yêu dấu, vì sao cảm thể của con lại bị buộc vào động lượng sợ hãi của hành tinh? Ấy, điều này liên quan đến giáo lý mà các thày đã trao truyền về chấn thương nhập đời. Một số các con (không phải tất cả, nhưng một số) khi đầu thai lần đầu trên trái đất, khi phải gánh chịu biến cố chấn thương do sa nhân gây ra, thì con bị cú sốc quá mạnh nên đã bị một vết nứt trong cảm thể của mình. Các đợt sóng năng lượng đầy rung động sợ hãi, bất hài hòa và hỗn loạn đã qua vết nứt này tràn vào cảm thể của con.
Lẽ đương nhiên, các thày đã trao truyền giáo lý qua quyển sách Các cuộc đời của tôi, là nhiều người trong các con là avatar. Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các con đều là avatar. Một số các con là cư dân nguyên thủy của trái đất. Sau khi sa nhân tới đầu thai ở đây, thì các con cũng phải gánh chịu một hình thức chấn thương đã khiến con bị một cú sốc lớn đến độ con đã mở cửa cảm thể của mình cho năng lượng sợ hãi này tràn vào.
1.2. Giữ con buộc chặt vào sợ hãi
Sa nhân đã rất khôn ngoan, hung hãn và kiên trì trong việc giữ sợi dây buộc cảm thể của con vào động lượng sợ hãi của hành tinh. Con yêu dấu, sợ hãi là một cảm xúc. Sợ hãi hiện diện, ít ra là ở mức cơ bản, trong thể tình cảm. Nó là một năng lượng, một rung động, một động lượng. Nó xô dạt, nó di động, thường khi một cách bất hài hòa và hỗn loạn. Một khi con bị chìm trong đó và bị nó choáng ngợp, thì con có thể làm gì? Ấy, như nhiều người trong các con đã biết, khi mình bị chìm trong nó thì mình không dễ thoát ra khỏi nó. Vì khi con thực sự ở trong rung động sợ hãi, thì cảm thể của con ở trong tình trạng hỗn loạn đến độ thể lý trí của con không thể thủ vai trò chính đáng ngự trị thể tình cảm. Các thày đã trao truyền giáo lý là năng lượng tuôn chảy từ Hiện diện TA LÀ xuống thể bản sắc, qua thể lý trí, thể tình cảm và xuống thể vật lý của con.
Các thày cũng đã trao truyền giáo lý, trong quyển sách mới, là trên trái đất con có thể phải gánh chịu một chấn thương mạnh đến độ dòng năng lượng chảy ngược lại, tức là khi con bị đau đớn thể xác quá mạnh, thì năng lượng chảy ngược lên thể tình cảm, thể lý trí và thể bản sắc, ít ra là phần dưới của thể bản sắc. Một khi con gánh chịu chấn thương đó, thì con đánh mất dòng chảy năng lượng nguyên thủy, và con khó tái lập lại nó nếu con chưa khắc phục được chấn thương nhập đời nguyên thủy.
1.3. Những cư dân nguyên thủy của trái đất
Tuy các thày có trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời cho các avatar, nhưng giáo lý mà thày trao truyền ở đây cũng áp dụng cho các cư dân nguyên thủy của trái đất vì các con cũng đã phải gánh chịu một chấn thương. Nó không phải là chấn thương nhập đời theo nghĩa chấn thương xảy ra trong kiếp đầu thai đầu của các con trên trái đất. Nó xảy ra sau khi các con đã đầu thai trên trái đất từ rất lâu, và sa nhân được phép đầu thai ở đây. Do đó nó không phải là một chấn thương nhập đời theo đúng nghĩa, nhưng nó vẫn là một chấn thương. Gọi nó là chấn thương nhập đời hay chỉ vỏn vẹn là chấn thương chỉ là cách dùng ngôn từ, nhưng nó áp dụng cho tất cả các con là những người tâm linh.
Các thày biết rất rõ là khi các thày trao truyền một giáo lý thì giáo lý đó không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Quyển sách mới được trao truyền trong bối cảnh một avatar tới từ một hành tinh tự nhiên, và do đó người này còn giữ trong tiềm thức ký ức cuộc sống ra sao trên một hành tinh tự nhiên. Lẽ đương nhiên, trong quyển sách cũng có giáo lý áp dụng cho cư dân nguyên thủy của trái đất, chính yếu là giáo lý về chấn thương nhập đời, nhưng giáo lý về hành tinh tự nhiên cũng vậy. Các con là những cư dân nguyên thủy của trái đất, các con đã trải nghiệm trái đất ở một trạng thái cao hơn tình trạng từ khi sa nhân tới đây, và trong thời gian trước đó nữa. Nếu trái đất không xuống thấp hơn trạng thái hành tinh tự nhiên, thì sa nhân đã không thể đầu thai ở đây, họ đã không được phép đầu thai ở đây.
Điều thày muốn trình bày với các con là cư dân nguyên thủy của trái đất, là các con dễ bị vết nứt trong thể tình cảm hơn các avatar. Đối với các cư dân nguyên thủy thì trái đất là khung tham chiếu chính yếu, trong khi đối với các avatar thì khung tham chiếu chính yếu là hành tinh tự nhiên. Các con là cư dân nguyên thủy bị buộc chặt vào trái đất hơn. Do đó, con dễ đi vào rung động sợ hãi chuyện gì có thể xảy ra cho trái đất, chuyện gì có thể xảy ra nơi bát cung vật lý. Có nhiều khả năng là những người trong số các con là những cư dân nguyên thủy đã bị buộc chặt vào vòng xoáy sợ hãi của hành tinh.Nếu đây là trường hợp của con, thì điều rất quan trọng, điều cực kỳ quan trọng, là con cắt đứt sợi dây buộc này trước khi con có thể mang vào quả vị Ki-tô.
1.4. Thoát khỏi nỗi sợ hãi
Con phải làm gì khi con nhận ra là con đang ở trong sự rung động, trong vòng xoáy của sợ hãi? Ấy, như thày đã nói, con không thể làm giống như một số người khác là dùng thể lý trí để bắt đầu suy luận về nỗi sợ, lý luận vì sao nỗi sợ không hợp lý, vì sao nó dựa trên một ảo tưởng, và vì sao con người không nên sợ hãi như vậy. Một số người có thể khống chế nỗi sợ bằng cách đó, nhưng nhiều người thì không làm được, đặc biệt khi họ bị buộc chặt vào động lượng sợ hãi của hành tinh.
Vậy con làm được gì? Ấy, con không thể dùng thể bản sắc hay thể lý trí để khống chế thể tình cảm. Con không thể dùng thể tình cảm để khống chế thể tình cảm. Ấy, phải chăng chuyện hợp lý, con yêu dấu, là khi con bị ảnh hưởng của dòng năng lượng chảy ngược, thì con có thể dùng thể vật lý để khống chế thể tình cảm, để cai quản thể tình cảm?
Con có thể làm chuyện này bằng nhiều cách, nhưng việc các con đã làm là niệm chú (chanting) trong suốt một giờ vừa qua là một thí dụ dùng khả năng của thân thể vật lý. Con có thể đọc một bài thỉnh, hay đọc một bài chú, nhưng nhiều khi niệm chú như các con vừa làm là hữu hiệu nhất. Con có thể dùng bản thu âm của lời niệm chú để làm chủ thể tình cảm mỗi khi con cảm thấy có sự xáo trộn. Khi con dùng khả năng của thể vật lý để niệm chú, để dùng uy lực của lời nói, uy lực của giọng nói của con, thì con có thể yên lắng thể tình cảm. Một khi con đã có được ít nhiều an tịnh trong thể tình cảm, thì con có thể kêu gọi sự trợ giúp của các chân sư thăng thiên, như Đại thiên thần Michael, Astrea, Mẹ Mary hay các vị chân sư khác, để giúp con cắt đứt sợi dây buộc con vào động lượng sợ hãi của hành tinh.
1.5. Nghi ngờ là cánh cửa mở cho sợ hãi
Các con nên biết là tuy các thày có nói về dòng năng lượng chảy ngược, nhưng một cảm xúc không bao giờ tự nó có mặt một mình. Một cảm xúc dựa trên một niềm tin trong thể lý trí, và một niềm tin trong thể lý trí dựa trên một ý niệm bản sắc trong thể bản sắc. Trước khi con có thể cắt đứt động lượng, thì con cần nhận ra là sợ hãi không tự nó khởi lên. Nó lúc nào cũng phát xuất từ lòng nghi ngờ. Nghi ngờ là cánh cửa mở đưa sợ hãi vào cảm thể của con, và nghi ngờ bắt đầu trong thể lý trí nhưng nó bắt rễ từ thể bản sắc.
Giờ đây, con yêu dấu, trong một số bài truyền đọc gần đây các thày có đề cập đến những giới hạn của tâm đường thẳng, phân tích, lý luận, duy lý. Các con đã làm gì trong một giờ niệm chú? Nếu con trụ trong trái tim và thực sự cho phép mình tuôn chảy với lời niệm chú, tuôn chảy với làn sóng âm thanh, tuôn chảy với nhịp điệu, thì con đã vô hiệu hóa tâm đường thẳng, phân tích, lý luận, duy lý. Lúc đó tâm con mở ra để con thấy mối nghi ngờ đằng sau nỗi sợ.
Con có thể dễ nhận ra và nhìn nhận là con có nỗi sợ, và con sợ cái gì, con sợ điều kiện gì. Nhưng mối nghi ngờ nào trong thể lý trí đã mở cửa cho nỗi sợ? Nó có thể là, như một thí dụ trong số nhiều thí dụ, là con đã bị sa nhân đặt con vào một hoàn cảnh khiến con bị giết, hoặc nhiều người trong gia đình hay xã hội của con bị giết. Do đó, trong thể lý trí của con có mối nghi ngờ là con đã không bảo vệ được mình khỏi tình huống đó, con đã không tránh né được nó, Thượng đế đã không bảo vệ được con, không có lực nào trên thế gian có thể bảo vệ được con.
Một khi con nhận diện mối nghi ngờ, thì nó từ đâu đến? Nghi ngờ là một điều kiện của thể lý trí, và nó bắt nguồn từ sự kiện tâm phân tích có thể xem xét bất cứ vấn đề gì và tìm ra luận cứ ủng hộ và chống vấn đề đó, và nó có thể tiếp tục như vậy không bao giờ dứt.
Tình trạng này giống như một trận bóng bàn giữa hai ngã nội tại, hai phàm linh nội tại, trong thể bản sắc của con. Một ngã đưa ra một luận cứ với ngã kia. Ngã kia phản bác lại luận cứ đầu và đưa ra một luận cứ khác và con thấy như hai ngã đó đưa banh qua lại – hai ngã đó đánh banh qua lại bằng các luận cứ. Con đứng giữa, không biết luận cứ nào là luận cứ tối hậu, luận cứ nào đúng, luận cứ nào không đúng.
Cái “ta” đứng giữa là ai vậy? Đó là cái “ta” mà con thấy con là trong thể bản sắc. Cái “ta” đó được tạo ra lúc nào? Lúc con nhận chịu chấn thương! Cho dù đó là chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu, khi con nhận chịu chấn thương đó, thì con tạo ra một bản sắc. Bản sắc đó mang theo nó niềm tin là khả năng của con trên trái đất có giới hạn. Có điều gì đó giới hạn khả năng của con, và do đó có điều kiện nào đó trên trái đất, do sa nhân tạo ra, mà con không thể khắc phục, tránh né hay bảo vệ mình khỏi nó. Con là một sinh thể giới hạn, con tự bản chất là một sinh thể giới hạn – cái ngã đó tin như vậy.
1.6. Giải bùa mê
Vậy con làm sao thoát khỏi thế bí này? Con yêu dấu, vì sao các thày đã không trao truyền giáo lý này một hai năm trước đây, khi nó ứng dụng cho nhiều người? Ấy, đó là vì các thày không muốn trao truyền một giáo lý mà không cho các con một dụng cụ để giải quyết vấn đề mà các thày nêu ra. Cho tới khi các thày trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời, mà nay ta cũng có thể gọi là chấn thương địa cầu, thì các con không có dụng cụ để khắc phục vấn đề. Cho dù con là một cư dân nguyên thủy hay một avatar, thì con đã có những dụng cụ trong quyển Chữa lành chấn thương tâm linh, để bắt đầu nhận ra chấn thương nhập đời và dần dần khắc phục nó.
Khi con khắc phục chấn thương nhập đời, thì con sẽ cảm thấy – đúng theo nghĩa đen – (như nhiều người trong các con đã có thể chứng nhận) là gánh nặng của thế gian đã trút khỏi hai vai con. Đó là gánh nặng thế gian mà con đã mang trên hai vai từ lúc con nhận chịu chấn thương đó. Nó tạo một khe hở trong tâm buộc con vào các năng lượng thế gian, các năng lượng này có thể là vũng nước xoáy sợ hãi của hành tinh, hay động lượng nào khác trên thể lý trí hay thể bản sắc của hành tinh. Con đã bị buộc vào động lượng đó và do đó con đã mang gánh nặng của các năng lượng này, gánh nặng của năng lượng thế gian. Khi con dùng các dụng cụ và giáo lý để khắc phục chấn thương nhập đời, thì con có thể khắc phục nỗi sợ hay bất cứ mọi động lượng khác mà con có trong các thể bản sắc, lý trí và tình cảm, và điều này cho con một cảm giác tự do mới.
1.7. Khắc phục nghi ngờ
Con yêu dấu, thày nói sợ hãi bắt nguồn từ nghi ngờ, nhưng nghi ngờ bắt nguồn từ một ý niệm bản sắc giới hạn. Cách duy nhất để thực sự khắc phục sợ hãi là khắc phục nghi ngờ, nhưng làm sao con khắc phục nghi ngờ? Chỉ bằng cách nhận ra con hơn bản sắc đó, con hơn cái ngã mà con mang theo trong thể bản sắc của con. Cái “ta” nào hơn? Ấy, như thày đã nói, cái “ta” nào đang trải nghiệm nỗi sợ? Cái “ta” nào đang nghi ngờ? Đó là cái “ta” mà con đã tạo ra trong thể lý trí khi con phản ứng lại chấn thương mà sa nhân đã áp đặt lên con. Cái “ta” có khả năng nhận ra nó hơn cái “ta” đó là cái mà các thày đã gọi là cái Ta Biết. Cái Ta Biết không thể bước ra ngoài cái “ngã sinh diệt” khi con còn chấn thương nhập đời, vì chấn thương kéo cái Ta Biết vào chỗ tự đồng hóa với ngã sinh diệt, ngã thế gian.
Khi con giải tỏa chấn thương nhập đời, thì con có cơ hội sử dụng khả năng mà các thày gọi là trực giác (các thày cũng gọi nó là nhận biết thuần khiết) khi con trải nghiệm con bước ra ngoài cái ngã, cái ngã thấp. Lúc đó, con có một trải nghiệm, con yêu dấu, và trải nghiệm mà con có được qua nhận biết thuần khiết, lẽ dĩ nhiên, vượt quá bất cứ gì con thấy hay trải nghiệm trong bát cung vật lý. Nó cũng vượt quá bất cứ mọi cảm xúc con có trong thể tình cảm. Nó vượt quá bất cứ mọi lý luận, suy luận, luận cứ mà con có trong thể lý trí. Nó vượt quá bất cứ ý mọi niệm bản sắc mà con có trong thể bản sắc. Một khi con trải nghiệm nhận biết thuần khiết hay trải nghiệm sự nối kết, sự tuôn chảy với Hiện diện TA LÀ, thì con có một tầm nhìn khác về mọi chuyện đang xảy ra trong bốn thể phàm của con. Con chưa thể thực sự đạt được trạng thái này khi con chưa giải quyết chấn thương nhập đời.
Nhưng, con yêu dấu, các thày không bao giờ nói là khi con khắc phục được chấn thương nhập đời thì con đã khắc phục được mọi khía cạnh của tâm lý của con. Con cũng biết thí dụ của những cục nước đá bó chặt với nhau rất chặt chẽ nhưng có một cục nước đá giữ mọi cục kia tại chỗ, và khi con rút nó ra, thì số còn lại sẽ bắt đầu tuôn chảy. Con biết là thời xa xưa con người biết xây vòm hình cung và họ phải chống giữ những tảng đá hai bên cho tới khi họ đặt đá đỉnh vòm lên trên cùng. Ấy, chấn thương nhập đời của con và cái ngã được tạo ra, mà các thày đã gọi là ngã gốc, nó chính là đá đỉnh vòm của vòm hình cung của con người phàm của con, của cấu trúc nhân phàm của con, của cấu trúc bốn thể phàm của con.
Một khi con rút nó ra, thì con sẽ rất dễ dàng bắt đầu di chuyển các tảng đá khác và khống chế chúng. Đó là lúc con có thể bắt đầu nhận diện một số động lượng trong một trong bốn thể phàm của con, và sau cùng trong cả bốn thể phàm của con. Một số các con, và điều này có thể làm các con ngạc nhiên, đã đi trên con đường tâm linh từ nhiều năm hay nhiều chục năm, nhưng con khám phá là con còn một số ghiền nghiện vật lý hoặc một số dây trói buộc con vào một số sinh hoạt vật lý mà con cảm thấy mình phải làm. Một số các con sẽ khám phá mình có một dây trói buộc mình vào vũng nước xoáy tình cảm của tâm thức tập thể, hay một số khuôn nếp cảm xúc khác. Một số các con sẽ khám phá mình có khuôn nếp lý trí muốn tranh cãi, muốn lý luận, muốn lượng định và phân tích mọi chuyện. Một số các con sẽ nhận ra mình có ước muốn hiểu mọi chuyện, và một số các con sẽ khám phá mình có trong thể bản sắc một động lượng, một loại ghiền nghiện, dựa trên ngã gốc.
1.8. Tìm cách hiểu mọi chuyện
Đây không phải là ngã gốc mà là một nhánh của ngã gốc. Sau khi con tạo ra ngã gốc, thì con bắt đầu tạo ra những ngã khác để phản ứng lại các điều kiện trên trái đất, và chúng có nhiều hình thức khác nhau. Hai ngã chính là con tìm cách lượng định mọi chuyện đang xảy ra trên trái đất, và tìm cách đặt mọi chuyện trong một bối cảnh rộng hơn ngõ hầu hiểu được chúng. Tất cả các con, kể cả vị sứ giả này, khi bắt đầu học giáo lý chân sư thăng thiên đã dùng giáo lý để tạo ra một thế giới quan, một quan niệm về vũ trụ trong thể bản sắc giúp con hiểu những chuyện xảy ra trên trái đất và những chuyện con đã kinh qua trên trái đất.
Con vẫn nghĩ là thể bản sắc của con cần có một hiểu biết tối hậu có thể giúp con giải thích và hiểu mọi chuyện trên trái đất. Con yêu dấu, chuyện này sẽ không bao giờ, không bao giờ xảy ra. Trước tiên, vì bất cứ ngã nào con có trong thể bản sắc đều không có khả năng hiểu, nhưng thứ đến, vì có một số hiện tượng không thể hiểu được. Đây là một điểm quan trọng mà quyển sách Những cuộc đời của tôi đã nêu ra. Có một số điều sa nhân làm mà ta không thể giải thích hay hiểu bằng tâm đường thẳng, duy lý, phân tích. Đôi khi họ cố ý làm một số chuyện để làm con hoang mang, và có khi khác họ làm một số chuyện không có lý do nào khác ngoài ý muốn làm ác, hay như câu nói trong quyển sách: “Để là một nghệ nhân vẽ tranh với máu nhân loại.” Con không thể nào giải thích chuyện này.
Lẽ dĩ nhiên, con có thể có một hiểu biết nào đó, và đó là điều các thày đã trao truyền trong quyển sách và các giáo lý khác về sa nhân, về những chuyên họ làm, về lý do vì sao họ ở đây. Con yêu dấu, con không thể thực sự hiểu xuyên thấu nếu con không bước ra ngoài cái ngã trong thể bản sắc và nối kết thẳng với Hiện diện TA LÀ của con và các chân sư thăng thiên. Con sẽ nhận được, không phải là một hiểu biết mà một trải nghiệm toàn bộ từ các thày, từ Hiện diện TA LÀ của con. Con yêu dấu, có khác biệt giữa hiểu biết và trải nghiệm. Nhiều người trong các con đã tới điểm sẵn sàng trải nghiệm, sau khi đã bắt đầu làm việc với chấn thương nhập đời và khắc phục chấn thương nhập đời.
Tất cả các con đều đã trải nghiệm một cách nào đó sự hiện thực của giáo lý mà các thày trao truyền, vì nếu không thì con đã không có mặt ở đây. Khi con khắc phục chấn thương nhập đời, thì con yêu dấu, con có thể đi vào tiến trình nới rộng một cách có ý thức khả năng trải nghiệm thực tại, một thực tại cao hơn. Thực tại cao hơn đó là gì? Ấy, con yêu dấu, nó không dựa trên bất cứ điều gì mà thể bản sắc của con có thể hiểu, thể lý trí của con có thể hiểu, thể tình cảm của con có thể tiếp cận, hay óc vật lý của con có thể xử lý. Nó vượt quá bốn thể phàm của con. Nó là một ý niệm thực tại vượt lên trên bốn thể phàm, và là điều duy nhất giúp con biết cái thật và cái không thật trên hành tinh này, là nơi mà sa nhân đã dùng tâm nhị nguyên để khiến mọi chuyện mờ tối một cách cùng cực.
1.9. Bù đắp những mất mát
Trên đây thày có nói con có hai khuynh hướng trong thể bản sắc. Một khuynh hướng tìm cách hiểu và đặt vào bối cảnh. Khuynh hướng kia tìm cách bù đắp những gì con cảm thấy bị mất mát khi con nhận chịu chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu. Khi sa nhân cho con cú sốc thì con tạo ra một ngã trong thể bản sắc dựa trên ý niệm mất mát. Có thể là con đã mất một số chuyện vỏ ngoài nhưng con thực sự đã mất gì? Con đã mất đi sự ngây thơ của trẻ thơ, ý niệm nội tại về thực tại. Đó là điều con mất. Từ lúc đó, cái ngã do con tạo ra trong thể bản sắc đã luôn luôn tìm cách bù đắp sự mất mát đó, bằng nhiều cách.
Trong thể bản sắc của con có một cái ngã muốn tìm một bản sắc nào đó. Con thấy một kết quả tối cực của khuynh hướng này nơi một số người cảm thấy họ đặc biệt vì họ thuộc một dòng tâm linh, họ thuộc một dòng họ, họ có một khả năng hay đức tính đặc biệt, họ là một linh hồn già cũ, hay bất cứ lý do nào khác. Quan niệm này đáp ứng nhu cầu của cái ngã muốn bù đắp.
Có nhiều cách khác để đạt cùng mục đích, và tất cả các con khi mới vào con đường tu cũng đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để bù đắp cảm giác mất mát nguyên sơ. Khi con tìm ra giáo lý của các chân sư thăng thiên (mà con tin có mức thực tại cao) thì con bỗng nhiên cảm thấy mình không quá thiếu khả năng, thiếu sót hay bất trọn vẹn như cái ngã trong thể bản sắc cảm thấy. Khi đó một số các con đã tạo ra ngã mới trong thể lý trí luôn tìm cách bù đắp bằng cách tỏ ra mình rất thông minh, thông thái, hợp lý, duy lý, rất giỏi biện luận hay suy luận. Con nghĩ như vậy sẽ bù đắp sự mất mát khi con cảm thấy mất khả năng biết đâu là thực đâu là không thực khi sa nhân gieo mối nghi ngờ vào tâm con.
Một số khác đã tạo ra cơ chế bù đắp trong thể tình cảm bằng cách dùng thể tình cảm để bù đắp nỗi sợ, khắc phục nỗi sợ, chối bỏ nỗi sợ, đè nén nỗi sợ để con không cảm thấy sợ hãi. Con có thể thấy một số người trong các phòng trào tâm linh đã tạo cho mình hào quang nói nhỏ nhẹ, đi chậm rãi, có vẻ hoàn toàn làm chủ tâm nhưng họ đã làm được chuyện này bằng cách đè nén cảm xúc. Một số các con đã nhận ra là đôi khi mình có cảm xúc khởi lên. Đó có thể là do các con đã có một động lượng rất mạnh trong thể lý trí đè nén cảm xúc, nhưng điều này không lành mạnh và sẽ không giúp con giải thoát khỏi cảm xúc. Con cần tới điểm nhìn nhận là không phải con có cảm xúc, mà là có một ngã trong thể cảm xúc có cảm xúc, và con không phải là ngã đó. Do đó, con có thể để cho ngã đó chết đi và con có thể kêu gọi các chân sư thăng thiên tiêu trừ nó cùng với động lượng năng lượng đằng sau nó.
Một số khác đã tạo ra cơ chế bù đắp trong thể vật lý, ở tầng vật lý. Đối với một số các con, điều này thể hiện qua mong muốn làm việc với thân thể vật lý. Rất rất nhiều lực sĩ tập thể hình trên thế giới tìm cách tập cho thân thể trở nên lực lưỡng và mạnh mẽ để cảm thấy bất bại trên mặt vật lý. Đây là một cơ chế bù đắp cho sự có mặt của ngã trên các thể cao cảm thấy rất yếu đuối nơi thể vật lý. Một số khác thích tập võ. Trong những thời đại trước, võ thuật đã được dùng để giúp một số người phát triển tâm linh. Nếu con sống trong một thời nhiều bạo hành, trong một văn hóa nhiều bạo hành, thì học võ để có khả năng tự vệ có thể là một viên đá dẫn tới phát triển tâm linh. Con yêu dấu, một khi con đã đi vào con đường tâm linh của các chân sư thăng thiên và nhắm tới biểu hiện quả vị Ki-tô, thì con không cần võ thuật nữa, con có thể vượt lên trên nó.
Một số khác đã dùng những cách khác, thú vui khác trong bát cung vật lý. Đó có thể là một số ghiền nghiện vật lý giúp con khuây khỏa cảm giác thiếu khả năng hay yếu đuối mà con bình thường cảm thấy. Một số người khác làm những chuyện khác như: làm một số chuyện vật lý, trở nên thiện xảo trong một số công việc vật lý, như trong sự nghiệp, trong việc làm, du lịch, thông thạo mọi chuyện, có một kỹ năng vật lý. Con có thể thấy một số người trên mạng Internet có kỹ năng vật lý kỳ dị hay khả năng kỳ dị với thân thể, và một lần nữa, đây là một cơ chế bù đắp.
Có rất nhiều hình thức bù đắp và thày sẽ không tìm cách liệt kê hết ra ở đây. Điều quan trọng là một khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời hay chấn thương địa cầu, thì con có thể bắt đầu truy tìm chúng trong bốn thể phàm của con. Con sẽ có thể bắt đầu tháo gỡ chúng, và con có thể học cách nhận diện và khắc phục khuynh hướng cảm thấy bị bắt buộc phải theo đuổi một số sinh hoạt. Mỗi khi con cảm thấy bị bắt buộc, cũng là điều mà Phật đã gọi là “dính mắc”, thì con biết là có một ngã đang giới hạn con trên con đường tâm linh và ngăn trở con trở thành Ki-tô hành động.
Con yêu dấu, tới đây là chấm dứt bài giáo lý mà thày muốn trao truyền cho các con. Thày nhận ra đây là một bài dài cho ngày đầu ở hội nghị này. Nhưng mặt khác, các con đã tự chuẩn bị quá chu đáo qua các sinh hoạt mà các con đã làm hôm nay và qua một giờ niệm chú, nên thày cảm thấy trao tặng các con món quà hỷ lạc từ tim thày là điều thích ứng. Thày mong các con nhận ra là thày không muốn cho con một gánh nặng vì nay con cần phải xem xét chính mình và cảm thấy khổ tâm vì đã có động lượng này hay động lượng khác.
Thày cho con một cơ hội giải thoát, và trong giải thoát có niềm vui. Thật sự là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, thì ta có thể nói là chỉ có giải thoát mới đem lại niềm vui, niềm vui thực sự, niềm vui an bình. Nhiều người trên trái đất cho rằng khi họ đạt được một thành tựu nào đó, một chiến thắng nào đó, thì họ cảm thấy vui mừng, họ cảm thấy niềm vui chiến thắng, nhưng đó không phải là niềm vui an bình, niềm vui nội tại hay niềm vui Thiêng liêng.
Ấy, THÀY LÀ niềm vui Thiêng liêng và thày sẽ trao cho con niềm vui Thiêng liêng của thày, nếu con hỏi thày.