Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/4/2005.
Trái tim yêu dấu của thày, bây giờ chúng ta đã đến điểm trọng yếu trong loạt bài giảng này từ tim thày đến tim con. Điểm này trọng yếu vì trừ khi con thấm nhuần và chấp nhận trọn vẹn những gì thày sắp sửa nó với con, thì nỗ lực của thày để giúp con đón nhận sự sống dồi dào sẽ thất bại. Thay vì bước theo chân thày vào một cuộc đời sung mãn, con sẽ đi theo – hay tiếp tục đi theo – các đạo sư giả vào một cuộc đời thiếu thốn chật vật.
11.1. Tâm thức nhị nguyên là một mê cung
Cái Ta Biết đã quyết định thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên và, từng bước một, nó càng ngày càng bị bao trùm trong tâm thái đó cho đến khi con đánh mất sự nối kết ý thức với Hiện diện TA LÀ của con và con rơi xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn. Ngay lúc con tuột mất sợi dây liên lạc thì cái ta hữu diệt của con ra đời. Cái ta hữu diệt này hình thành kẻ thù bên trong làm việc đồng hành với kẻ thù bên ngoài, tức các thế lực phản Ki-tô, để cố giam con lại mãi mãi trong tâm thức nhị nguyên. Chúng sẽ làm chuyện này bằng đủ mọi cách, và thày đã phác họa một số chiến lược chúng sử dụng để giữ con trong bẫy. Bây giờ thày sẽ trình bày cho con chiến lược cơ bản, chiến lược chỉ đạo, được các thế lực nhị nguyên sử dụng để giữ con trong cái hộp tư duy đó. Và để hiểu chiển lược này cũng như cách nó được dùng để chống lại con, con cần hiểu đặc tính cốt yếu của cái ta hữu diệt.
Cái Ta Biết là trụ sở của ý chí tự quyết của con. Cái Ta Biết là người lấy quyết định. Cái Ta Biết có khả năng lấy những quyết định thuận hợp với định luật và ý muốn của Thượng đế, hay những quyết định không thẳng hàng với định luật và ý muốn của Thượng đế. Mọi chuyện trong đời con đều xoay quanh cái Ta Biết và các quyết định con lấy. Bất cứ lúc nào cái Ta Biết cũng là những gì nó thấy nó là. Cái Ta Biết lấy quyết định dựa trên ý niệm bản sắc hiện thời của nó, hiểu biết và hệ thống tin tưởng hiện thời của nó. Cái Ta Biết đã được tạo ra như một nối dài của sự nhận biết thuần khiết của Thượng đế. Nó mang sẵn ý muốn được là một phần của Dòng sông sự Sống, tuôn chày với tạo vật của cái Tất cả của Thượng đế và trở thành hơn nữa. Cái Ta Biết luôn luôn muốn làm việc phải. Nó luôn luôn cố chọn phương án nào phù hợp với mục đích nó đang hiện hữu, nâng cao cuộc sống của nó lẫn tạo vật của cái Tất cả – theo cách nó hiện đang hiểu bản sắc và sự nối kết của nó với cái Tất cả.
Cái Ta Biết luôn luôn chọn phương án mà nó xem là tốt nhất cho nó và tốt nhất cho tổng thể. Vấn đề là nếu nó bắt đầu tự đồng hóa với tâm nhị nguyên, nó không thể thấy được cái gì sau cùng sẽ tốt nhất cho nó và cho Tất cả. Thay vào đó, các chọn lựa duy nhất mà nó nhìn thấy là những chọn lựa dựa trên tâm thức nhị nguyên. Cho dù nó lấy chọn lựa nào đi nữa, nó cũng bị bao trùm nhiều hơn trong tâm thức nhị nguyên. Một khi nó vượt quá điểm tới hạn, đánh mất sợi dây liên lạc với Hiện diện TA LÀ, nó không thể nhìn ra lối thoát được nữa khỏi một tình trạng mà giờ đây có vẻ là một mê cung nơi mọi chọn lựa đều dẫn vào ngõ cụt. Con hãy tưởng tượng một mê cung được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, làm bằng những hàng cây cao. Tưởng tượng con đứng trên một bục cao nhìn xuống một mê cung như vậy với bao người đang cố tìm đường thoát ra khỏi mê cung. Khi con nhìn từ trên cao, thật quá dễ nhận ra đường nào dẫn vào ngõ cụt, đường nào đưa ra khỏi mê cung. Bây giờ hãy tưởng tượng con đổi nhãn quan, con ở ngay trong mê cung và tất cả những gì con nhìn thấy là những bức tường xanh bao quanh con. Bỗng nhiên, việc biết được đường nào dẫn đến ngõ cụt hay lối ra trở thành chuyện bất khả. Đây chính xác là sự khác biệt giữa việc con còn một chút tâm thức Ki-tô, một nối kết nào đó với Hiện diện TA LÀ của mình, với việc con hoàn toàn kẹt cứng trong tâm thức nhị nguyên.
Cái ta hữu diệt và ông hoàng của thế gian biết là cái Ta Biết không ngu ngốc và muốn làm điều phải. Vậy làm thế nào chúng có thể khiến con làm điều gì khởi lên từ tâm thức nhị nguyên và do đó sẽ gây hại cho con? Chúng chỉ có thể làm được bằng cách khiến cái Ta Biết bị bối rối trong một hệ thống tin tưởng tương đối, nhị nguyên, che mờ thực tế là một số hành động có thể làm hại con. Trong thế giới nhị nguyên, tất cả mọi thứ đều tương đối và cái ta hữu diệt luôn luôn có thể biện minh cho những việc nó muốn làm. Khi con nhìn cuộc sống xuyên qua phin lọc nhị nguyên này, con không thể thấy là bất cứ gì con làm – ngay cả những chuyện có vẻ tốt đi nữa – sẽ chỉ giam con chặt hơn trong tâm thức phản Ki-tô.
11.2. Nhiều hơn dẫn đến ít hơn
Khi cái Ta Biết quyết định thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên, chính nó đã lấy quyết định này. Chắc chắn nó bị cám dỗ bởi sự có mặt của tâm thức nhị nguyên. Khi đó, cái Ta Biết chưa tạo ra cái ta hữu diệt trong quả cầu cái ta của nó, nhưng nó đã mở cửa ra cho cám dỗ từ kẻ thù bên ngoài, tâm thức rắn. Đây là một quyết định mà cái Ta Biết đã lấy do nó đâm ra nghi ngờ sự chính đáng của vị thày tâm linh của nó cùng sự hướng dẫn của thày. Nó đâm ra hoang mang không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu thay vì làm theo hướng dẫn của thày tâm linh, nó quyết định bước ra ngoài khuôn khổ an toàn của lời hướng dẫn. Tại sao cái Ta Biết lại chọn lựa như vậy? Nó chọn làm vậy chủ yếu là vì ý muốn trở nên hơn nữa, phối hợp với sự thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm về tâm thức nhị nguyên. Cái Ta Biết bắt đầu tự hỏi: “Liệu có gì nhiều hơn để trải nghiệm khi tôi bước ra ngoài khuôn khổ các định luật của Thượng đế và lời hướng dẫn của vị thày? Cảm giác sẽ như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên? Liệu tôi sẽ trở nên hơn nữa, liệu tôi sẽ thu hoạch thêm trải nghiệm mà tôi không có được nếu tôi ở lại trong khuôn khổ lời hướng dẫn của thày?”
Bằng cách thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên, cái Ta Biết quả là đã có những trải nghiệm vượt khỏi những gì nó có thể có nếu nó ở lại trong hợp nhất. Từ một nhãn quan nào đó, có thể nói là quả thực đã có cái gì đó nhiều hơn – nghĩa là cái gì đó khác lạ – để trải nghiệm bên ngoài hợp nhất so với bên trong hợp nhất. Vấn đề là khi thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên, cái Ta Biết đã không trở nên nhiều hơn cái nó là trước khi dự phần vào trạng thái này. Ngược lại là đằng khác, cái Ta Biết đã trở nên ít hơn cái nó đã được tạo ra để là, ít hơn cái nó từng là trước khi thử nghiệm nhị nguyên. Thay vì tự đồng hóa như một sinh thể tâm linh bất diệt với khả năng sáng tạo vô hạn, cái Ta Biết giờ đây bắt đầu tự đồng hóa như một sinh thể giới hạn mắc kẹt trong các chọn lựa cũ của mình, và do đó bị đóng hộp trong rất nhiều hạn chế.
Con càng bước sâu xuống tâm thức nhị nguyên thì con càng chấp nhận nhiều hạn chế là thực và không thể tránh khỏi. Con ngày càng bị bao trùm trong giới hạn, thiếu thốn và khổ đau. Con trở nên kém hơn sinh thể bất diệt, tự do trong Thượng đế, mà con đã được tạo ra để là. Điền này có thể mang lại một ý nghĩa mới cho câu nói dân gian rằng “ít hơn là nhiều hơn.” Bởi vì thật sự, nếu con đi tìm sự nhiều hơn bằng cách bước ra ngoài hợp nhất với Thượng đế và hạn chế tiềm năng sáng tạo của mình, thì cuối cùng con sẽ là ít hơn.
11.3. Con đường dồi dào của hợp nhất
Thượng đế đã cho con quyền tự quyết. Cá nhân con không bắt buộc phải thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên. Nhưng chuyện gần như không thể tránh được là ít nhất có một số người đồng-sáng tạo sẽ chọn thử nghiệm với trạng thái tâm thức đó. Dòng sống của con đã không được tạo ra với sự nhận biết trọn vẹn của Thượng đế, và do đó con đã không có cái biết tuyệt đối về chuyện gì sẽ xảy ra nếu con bắt đầu thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên. Con cũng không có kinh nghiệm nào trước đó để mà so sánh. Tất cả những gì con có thể làm là tuân theo hướng dẫn của thày con, nhưng vị thày này lại ở ngoài con. Câu hỏi trở thành: “Liệu con có thể đi theo hướng dẫn của một vị thày bên ngoài và thể nhập các hướng dẫn này cho đến khi chúng thực sự là một phần của bản thể con và con hiểu rõ tại sao chúng đã được ban ra? Hay liệu con cần trải nghiệm cảm giác đi ngược lại hướng dẫn của thày để biết xem chuyện gì sẽ xảy ra? Qua phương pháp thử và sửa sai, con có thể lấy quyết định và hiểu được tại sao lời hướng dẫn của thày đã được ban ra.”
Có hai cách tăng triển. Một cách là đi theo một vị thày tâm linh chân chính cho đến khi con thấm nhuần hoàn toàn lời hướng dẫn của thày, cho đến khi con trở thành một với thày trọn vẹn đến độ con biết tại sao thày đã ban ra hướng dẫn đó. Con không còn xem thày là một sinh thể bên ngoài và con không còn xem lời hướng dẫn của thày là đến từ một nguồn ở ngoài con. Con đã khuếch lớn ý niệm cái ta của con để bao gồm cả thày. Con đã, trên đường trở thành một với cái Tất cả của Thượng đế, trở thành một với thày. Con xem thày như một phần của bản thể rộng lớn của con, và con xem hướng dẫn của thày như xuất phát từ bên trong bản thể rộng lớn này.
Con đường đích thực dẫn đến cứu rỗi là con đường gia tăng cảm nhận hợp nhất của con với Thượng đế cho đến khi con đạt được tâm thức Thượng đế trọn vẹn, sự hợp nhất trọn vẹn với cái Tất cả của Đấng Sáng tạo ra con. Như một bàn đạp đi lên hợp nhất với cái Tất cả của Thượng đế, Đấng Sáng táo đã định ra một con đường để con theo. Con đường này là cho con một vị thày bên ngoài có nhiều kinh nghiệm hơn con. Nếu con chịu đi theo hướng dẫn của thày, và đi theo trong tinh thần kết hợp, con sẽ cuối cùng đạt tới một trạng thái hợp nhất với thày. Đây là một bàn đạp dẫn đến hợp nhất với Đấng Sáng tạo của con. Khi dòng sống của con lần đầu tiên mạo hiểm vào vũ trụ vật chất, có chút quên lãng xảy ra và con đánh mất cảm nhận trực tiếp rằng con là một với Đấng Sáng tạo, là một nối dài của Đấng Sáng tạo. Con biết mình có một Hiện diện TA LÀ, tức là Sinh thể tâm linh ngụ trên một cõi cao hơn, nhưng con không hiểu được trọn vẹn rằng Hiện diện TA LÀ là một nối dài của Đấng Sáng tạo. Để giúp con tăng triển cái hiểu này, Đấng Sáng tạo ban cho con một vị thày tâm linh có mặt ở cùng tầng rung động nơi cái Ta Biết đã đi xuống. Với mức tâm thức lúc đó, con có thể nhìn thấy và thông hiểu vị thày bên ngoài, và do đó con có thể nghe thấy lời hướng dẫn của thày. Đó chính là khu Vườn Eden, tức một biểu tượng cho trạng thái tâm thức mà dòng sống có khi nó lần đầu tiên đi xuống vùng năng lượng dày đặc của vũ trụ vật chất.
Ngược với một số người thường nghĩ hay lời giảng dạy của một số tôn giáo, con không chỉ đơn giản bị ném vào thế giới này mà không có nơi nương tựa, không có mối liên hệ nào với cõi tâm linh. Con được ban cho một môi trường bảo bọc với một vị thày thương yêu có khả năng hướng dẫn con. Tiềm năng cao nhất cho môi trường này là con không chỉ đơn giản làm theo hướng dẫn của thày mà con sẽ nhìn đằng sau lời chỉ dẫn vỏ ngoài để đạt tới một cảm nhận hợp nhất với thày. Và qua đó con sẽ đạt tới cùng tầng nhận biết tâm linh, cùng mức độ chứng đạt như thày. Điều này sẽ đưa con lên cao hơn trong mối hợp nhất với Thượng đế, đến độ con không thể đánh mất cảm nhận hợp nhất này được nữa, bởi vì giờ đây con đã đồng hóa vĩnh viễn với Hiện diện TA LÀ của con. Con đã thể nhập và chấp nhận trọn vẹn con là một nối dài của Thượng đế, và cái Ta Biết có khả năng thấy mình là một với cái Tất cả của Đấng Sáng tạo, thậm chí là một với cái Tất cả của Bản thể thuần khiết của Thượng đế.
Nhiều dòng sống quả thực đã đi theo con đường hợp nhất với vị thày bên ngoài và nhờ vậy đạt tới hợp nhất với phần rộng lớn hơn của bản thể họ. Chúng ta có thể gọi đây là con đường của sự sống dồi dào vì chừng nào con còn duy trì nối kết với cõi tâm linh, con sẽ có một cảm giác dồi dào trong đời mình.
11.4. Con đường thiếu thốn của tách biệt
Một số dòng sống quyết định bỏ qua cơ hội đạt hợp nhất với vị thày bên ngoài như một bàn đạp cho sự hợp nhất với Thượng đế bên trong. Thay vào đó, họ đi theo một thày bên ngoài khác, là thày giả tượng trưng cho tách biệt khỏi Thượng đế, nghịch lại sự hợp nhất với Thượng đế. Thày giả muốn con vâng lời mù quáng thay vì hợp nhất, và đối với một dòng sống bị kẹt trong trạng thái không muốn lấy quyết định, sự vâng lời là chuyện dễ làm hơn. Đơn giản, đây là con đường ít kháng cự nhất.
Con yêu dấu, đây là cách tăng triển thứ nhì, nhưng tiếc thay, đây là con đường đầy rủi ro. Rủi ro chính là dòng sống có thể bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên và ở lại đó trong một thời gian vô hạn định. Trên lý thuyết thì con có thể tăng triển theo cách này hay cách kia. Nếu một dòng sống đi ngược lại chỉ dẫn của vị thày tâm linh, y sẽ bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống đầy vật lộn và thiếu dồi dào. Dòng sống có thể – qua trải nghiệm trực tiếp – học được là việc ở lại trong vòng tròn hợp nhất là điều lợi ích nhất cho y, va giờ đây y có kinh nghiệm thực tế để làm cơ sở cho hiểu biết của mình. Nhưng có rủi ro là y trở nên đồng hóa với tâm thức nhị nguyên đến độ quên mất vị thày tâm linh, y quên mất là có một con đường khác hơn cuộc vật lộn của nhị nguyên. Dòng sống có thể ở lại trong trạng thái quên lãng này một cách vô hạn định, hay ít ra cho đến hết thời hạn được phân bổ cho y và y phải bỏ lại ý niệm bản sắc hữu diệt của mình. Chọn lựa thử nghiệm tâm thức nhị nguyên luôn luôn là một cách học hỏi rủi ro. Đó thật sự là Trường đời Cay đắng.
Dòng sống của con đã có thể tránh được chọn lựa này, nhưng điều không thể tránh là một số người đồng-sáng tạo sẽ chọn lựa như vậy. Họ muốn tìm xem, như thày giả quả quyết, là họ có thể trở nên hơn nữa bằng cách tách mình ra khỏi vị thày do Thượng đế bổ nhiệm hay không. Lúc đầu thì chuyện này có vẻ là một trò chơi ngây thơ vô hại, và quả thực, nó phần nào vô hại lúc đầu. Miễn là cái Ta Biết còn duy trì một sự nối kết nào đó với Hiện diện TA LÀ, thì con có thể thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên mà không bị mắc kẹt trong đó. Vấn đề là tâm thức nhị nguyên vi tế đến độ nhiều người đồng-sáng tạo không nhận ra là họ đang bắt đầu đồng hóa với tâm thức nhị nguyên. Chuyện này diễn ra từ từ đến nỗi họ không hoàn toàn nhận thức chuyện gì đang xảy ra, và nhận thức này chỉ đến vào giây phút sự thật mà thày đã có mô tả.
Sau khi giây phút sự thật xảy ra, cái Ta Biết phản ứng lại tình huống bằng một loại cảm xúc tiêu cực nào đó. Có nhiều cảm xúc như vậy, chẳng hạn như sợ hãi, tức giận hay trách móc. Con có thể tự trách mình, trách móc Thượng đế, trách móc thày giả hay trách móc cả thày thật. Hoặc con có thể có nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Đằng sau tất cả những cảm xúc này là sự nhìn nhận mình đã đánh mất sự hồn nhiên – cảm nhận hợp nhất nội tâm với Hiện diện TA LÀ của mình – sự nhìn nhận rằng con bị sa ngã khỏi Ân sủng. Vì cái Ta Biết nhìn mọi chuyện qua phin lọc nhị nguyên, nó cũng nhìn giây phút sự thật đó trong quan điểm nhị nguyên. Vì con nhìn mọi chuyện qua tâm thức tách biệt, con phản ứng lại giây phút sự thật một cách tiêu cực. Con tìm cách chạy trốn khỏi nó thay vỉ dùng nó như một cơ hội để trở về với vị thày. Một khi con bắt đầu chạy trốn khỏi Thượng đế thì chọn lựa duy nhất mà con có thể thấy là cứ chạy trốn tiếp.
11.5. Phó mặc quyết định của mình cho tự ngã
Vào lúc đó, có thày giả đứng ngay đó để thì thầm vào tai con rằng con đã tách rời vĩnh viễn khỏi Thượng đế và con không thể nào quay trở lại được nữa. Đây là thời điểm then chốt. Nếu dòng sống quyết định bất chấp lời cám dỗ này và quay trở lại vị thày thật, y có thể nhanh chóng khắc phục tâm thức nhị nguyên bằng cách quy phục sự chỉ đạo của thày thật. Nhưng nếu dòng sống quyết định nghe theo lời gian dối tối hậu này, giờ đây y sẽ phải đối phó với ảo tưởng rằng mình đã vĩnh viễn tách rời khỏi Thượng đế, tách rời khỏi Hiện diện TA LÀ. Khi đối mặt với tâm thái này, với cảm nhận mất mát không thể bù đắp này, dòng sống, cái Ta Biết, thường lấy một quyết định định mệnh.
Dòng sống nhận ra là mình sa ngã vì mình đã lấy một số quyết định. Chỉ vì cái Ta Biết có quyền tự quyết mà nó mới có thể thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên. Một số dòng sống đi đến kết luận là nếu như mình không có quyền tự quyết gì hết, nếu như mình đã không lấy quyết định nào hết, thì mình đã không sa ngã. Họ suy luận là vấn đề nằm ở chỗ họ có quyền tự quyết, vấn đề nằm ở chỗ họ đã lấy quyết định. Họ chỉ quyết định sai lầm là vì họ có khả năng quyết định.
Một lần nữa, thày giả lại đứng ngay đó để cám dỗ, cụ thể là nếu như cái Ta Biết ngừng lấy quyết định thì nó sẽ không quyết định sai nữa. Nó sẽ được cứu chuộc, nó sẽ trở về thiên đàng đã mất bằng cách đi theo một vị thày bên ngoài và vị thày này sẽ quyết định giùm nó. Đây là lời dối bảo rằng một cách nào đó con có thể đền bù những quyết định sai lầm trong quá khứ bằng cách không quyết định sai lầm trong tương lai. Nghĩa là cách duy nhất để tránh quyết định sai lầm là ngừng lấy bất kỳ quyết định nào, bằng cách cho phép một thẩm quyền bên ngoài bảo mình phải cư xử thế nào và phải tin những gì. Con yêu dấu, khi một dòng sống chấp nhận lời dối này và quyết định mình không còn muốn quyết định nữa, mình không còn muốn lấy quyết định nữa, thì ngay lúc đó cái ta hữu diệt chào đời.
Cho đến giờ thày đã giải thích sự xuất hiện của cái ta hữu diệt bằng cách nói rằng các quyết định nhị nguyên của con cùng năng lượng tha hóa do chúng tạo ra đã dần dần tích tụ cho đến khi một khối lượng tới hạn hình thành. Tuy điều này đúng, nhưng cơ chế bên dưới là điều thày đang giải thích cho con ở đây. Cơ chế cơ bản là cái Ta Biết quyết định là nó không còn muốn lấy quyết định nữa. Từ quyết định này, một sinh thể tự nhận biết được sinh ra với khả năng và ý muốn lấy quyết định giùm con. Sinh thể tự nhận biết này là cái thày đã gọi là cái ta hữu diệt và nhiều nhà tâm lý học gọi là tự ngã.
11.6. Tự ngã không bao giờ nhận là nó sai lầm
Vấn đề với diễn biến này là bản chất cuộc sống chính là việc lấy quyết định. Con không có cách chi tránh khỏi lấy quyết định. Đơn giản là con không thể sống, dù trong thế giới này hay trong cõi tâm linh, mà không lấy quyết định. Nếu cái Ta Biết không lấy quyết định thì ai sẽ lấy quyết định trong đời con đây? Nếu cái Ta Biết từ chối thực thi đặc quyền mà Thượng đế đã cho con là lấy quyết định cho dòng sống của con, thì giờ đây cái ta hữu diệt sẽ tiếp quản và quyết định giùm con.
Cái ta hữu diệt ra đời vỉ cái Ta Biết từ chối lấy quyết định. Cái ta hữu diệt được thiết kế để là thế lực thống trị sẽ lấy quyết định cho con. Nó tin là nó đã được tạo ra để quyết định và nó quyết định giỏi hơn cái Ta Biết. Ngay trong bản chất, cái ta hữu diệt là một thế lực hung hãn và nó tin là nó biết cách điều hành cuộc sống của con giỏi hơn cái Ta Biết. Niềm tin này, tất nhiên, được củng cố triệt để bởi ông hoàng của thế gian, là các thế lực bên ngoài sử dụng cái ta hữu diệt để điều khiển đời con. Các thế lực này tin là chúng biết cách vận hành vũ trụ giỏi hơn Thượng đế. Cái ta hữu diệt hoàn toàn tin chắc là nó đúng và bất cứ gì trái với quan điểm và ý muốn của nó đều sai – chẳng hạn một vị thày hay một giáo lý tâm linh. Tất nhiên vấn đề là cái ta hữu diệt, do bản chất của nó, không thể nhìn thấy bất cứ gì vượt khỏi tâm thức nhị nguyên. Nó chỉ có thể suy nghĩ và lý luận trong cõi nhị nguyên, và bất cứ quyết định nào nó lấy giùm con sẽ chỉ giam con chặt hơn vào cõi nhị nguyên. Khi con nhìn xuyên qua phin lọc này, cuộc sống sẽ giống như một mê cung không lối thoát.
Vì cái ta hữu diệt sống trong thế giới nhị nguyên, nó luôn luôn có thể nghĩ ra một luận cứ biện hộ cho những gì nó muốn làm. Nó luôn luôn hoàn toàn tin chắc là nó đúng và tất cả mọi ai khác – kể cả cái Ta Biết, một vị thày tâm linh hay ngay cả Thượng đế – đều sai. Nó tin chắc là nó đang điều hành đời con tốt nhất và nó đang giữ con trên con đường độc nhất dẫn đến cứu rỗi. Con đường này chính là con đường dựa trên lời dối bảo rằng con có thể được cứu chuộc bằng cách không bao giờ quyết định sai lầm. Vì cái ta hữu diệt dùng lý luận nhị nguyên, nó luôn luôn có thể nghĩ ra một lập luận khiến nó có vẻ như chưa bao giờ quyết định sai lầm. Kỳ thực, tất cả mọi quyết định của nó đều sai lầm theo nghĩa là chúng sẽ không đưa con đến gần hơn sự sống dồi dào.
Con hãy nhìn hành tinh này xem làm thế nào một số người có thể lấy những quyết định khủng khiếp nhất mà vẫn tin chắc là mình đúng. Con hãy nhìn – để đơn cử một ví dụ mà ai ai cũng công nhận – làm thế nào một người như Adolph Hitler có thể gây ra cái chết của biết bao triệu người mà vẫn tin chắc là mình làm đúng. Đây là điều các nhà tâm lý học gọi là tư duy phủ nhận, xuất phát từ sự kiện cái ta hữu diệt có một phương thức hoạt động cơ bản, đó là nó không bao giờ có thể sai lầm. Nó sẽ mãi mãi tiếp tục sử dụng lý luận nhị nguyên để “chứng minh” là nó không sai, bất kể những gì xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Từ nhãn quan Thượng đế, việc con phạm lỗi không phải là một thảm họa. Ngài không lên án con mà ngài chỉ muốn con được giải thoát khỏi lỗi lầm và tiếp tục bước tới. Khi con sa ngã vào lời cám dỗ của cái ta hữu diệt và từ chối nhìn nhận mình đã lầm lỗi, con không thể thoát ra khỏi lỗi lầm đó. Thay vào đó, con sẽ tiếp tục lấy những quyết định dựa trên lỗi lầm cũ, và như vậy con chồng chất hết sai lầm này đến sai lầm khác trong một vòng xoáy hướng hạ có thể tiếp diễn gần như mãi mãi. Phạm lỗi không cứ là một quyết định tồi tệ, nhưng từ chối nhìn nhận và sửa chữa lỗi lầm là một quyết định thật tồi tệ vì chắc chắn nó sẽ biến thành một cái bẫy. Cách duy nhất để thoát khỏi bẫy là con thoát khỏi cám dỗ muốn biện minh cho hành động quá khứ của mình qua trí suy luận nhị nguyên của cái ta hữu diệt. Con phải công khai nhìn nhận là mình đã lấy một quyết định tồi tệ và sau đó con thay thế nó bằng một quyết định tốt hơn.
11.7. Nhận lãnh trách nhiện đời mình
Điểm cốt yếu mà thày muốn truyền đạt trong chương này là chỉ có một con đường đích thực đến cứu rỗi, đến sự sống bất diệt mà thôi. Đó là con đường khi cái Ta Biết thức tỉnh với thực tế nó là ai, thực tế là nó đã được Thượng đế phú cho quyền tự quyết. Một khi tỉnh ngộ, cái Ta Biết phải quyết định nắm lại quyền lấy quyết định trong đời mình. Đơn giản không có con đường cứu rỗi nào khác.
Có con đường có vẻ đúng cho con người, và con đường này có vẻ đúng cho con người vì nó có vẻ đúng cho cái ta hữu diệt của bất cứ người nào. Đó là con đường bảo rằng con không cần giành lại quyền lấy quyết định. Đó là con đường bảo rằng con có thể tiếp tục cho phép một ai khác quyết định giùm con và nếu con cứ đi theo đường này thì cuối cùng con sẽ được cứu rỗi. Đó là con đường đã được các thày giả của thế gian thiết lập. Nó có vô số biến thể, nó được ngụy trang bằng nhiều cách. Một số những cách này mang tính tôn giáo công khai, một số khác có vẻ là những kỹ thuật tự cứu (self-help) hay phương pháp vô hại tạo sự dồi dào trong cuộc sống. Cho dù dáng vẻ bề ngoài là gì, chúng đều hứa hẹn cùng một thứ, cụ thể là bằng cách đi theo một triết lý nào đó, thực hành một kỹ thuật hay gia nhập một tổ chức vỏ ngoài, thì bằng cách nào đó con sẽ đạt được mục tiêu được đề ra như trong phép lạ.
Các tôn giáo củng cố thần tượng một Thượng đế bên ngoài cũng cổ võ cho con đường giả này. Có một câu trong Kinh thánh thường bị các tín đồ Cơ đốc chính mạch bỏ qua. Đó là câu chuyện Giê-su quở mắng các thày thông giáo và người Pha-ri-si khi Giê-su khẳng định không một chút nghi ngờ rằng nếu sự công chính của con không trội hơn sự công chính của thày thông giáo và người Pha-ri-si thì con sẽ không vào được Nước Trời (Matthew 5:20). Quá nhiều người đạo Cơ đốc gạt qua bên câu nói này, cho rằng câu nói chỉ áp dụng cho các thày thông giáo và người Pha-ri-si. Họ hoàn toàn quên mất không nhìn vào cái xà trong mắt họ. Họ hoàn toàn không nhận ra là Giê-su không nói đến một nhóm người nhất định, mà Giê-su đang nói đến con đường giả mà thày đây đang mô tả, là con đường tin rằng bằng cách đi theo những giáo điều vỏ ngoài, tuân thủ những quy luật vỏ ngoài hay tham gia những nghi lễ hay pháp tu vỏ ngoài, con sẽ được cứu rỗi một cách tự động và chắc chắn.
Đạo Cơ đốc chính mạch thật ra đang đề cao con đường giả này khi bảo rằng Giê-su, trong tư cách một vị cứu tinh bên ngoài, là chìa khóa cho sự cứu rỗi của con và sẽ làm mọi việc cho con. Chìa khóa đích thực cho sự cứu rỗi của con không phải là Ki-tô bên ngoài mà Ki-tô bên trong, xuyên qua đó con đạt cảm nhận hợp nhất nội tâm với Thượng đế sẽ hồi phục sự hồn nhiên của con, hồi phục chính con trong Ân sủng và đưa con trở vào Nước Trời ở trong con.
Các thày thông giáo và người Pha-ri-si tưởng họ là người công chính, và họ suy luận như vậy dựa trên sự kiện họ thuộc tôn giáo chân chính độc nhất theo định nghĩa của họ. Họ một mực tin vào tất cả các giáo điều vỏ ngoài của tôn giáo này và cách diễn giải từng chữ theo nghĩa đen. Họ cũng tuân thủ mọi quy luật vỏ ngoài mà tôn giáo họ định ra, như họ phải nói năng thế nào, ăn uống những gì, mặc quần áo gì và cư xử làm sao trong mọi khía cạnh cuộc sống. Họ tham gia mọi nghi lễ, và họ nghĩ bởi vì mình làm rất đúng tất cả những chuyện vỏ ngoài như thế thì nhất định Thượng đế sẽ phải cứu mình. Họ đã tạo ra một hình ảnh về sự cứu rỗi dựa trên ý tưởng Thượng đế ở bên ngoài, và một cách nào đó, họ có thể mua bán với ngài. Chỉ cần họ tuân theo mọi quy luật vỏ ngoài thì đương nhiên Thượng đế sẽ phải giao hàng và cho phép họ vào Nước Trời.
11.8. Lật ngược từng quyết định nhị nguyên đã lấy
Nước Trời đích thực ở trong chính con vì đó là một cảm nhận hợp nhất với Thượng đế. Chỉ cảm nhận hợp nhất này mới là chìa khoá cho sự cứu rỗi. Làm sao con có thể đạt được cảm nhận hợp nhất với Thượng đế bằng cách máy móc tuân theo quy luật vỏ ngoài và mù quáng tin vào giáo điều vỏ ngoài? Con đường đến cứu rỗi không phải là một chuyến xe lửa mà con mua vé, bước lên toa và ngồi xuống ghế, và bây giờ con có thể nhắm mắt ngủ vì người lái sẽ đưa xe đến đích. Con đường đích thực đến cứu rỗi là một con đường mà con phải đi từng bước một, và với mỗi bực leo lên cầu thang xoắn ốc đó, con phải lấy một quyết định để lật ngược quyết định nhị nguyên đã khiến con đi xuống cùng bực này trên cầu thang.
Không có cách nào con có thể trở về Nước Trời mà không lấy những quyết định hoàn toàn ý thức. Tuyệt đối không có cách nào con có thể trở về cảm nhận hợp nhất với Thượng đế bằng cách cho phép một ai khác quyết định giùm con. Cái ta hữu diệt của con chỉ có thể lấy những quyết định kéo con xa khỏi hợp nhất với Thượng đế, và bất kỳ thẩm quyền nào bên ngoài cũng vậy. Khác biệt giữa một thày thật và một thày giả là vị thày thật sẽ cho con những sáng ngộ mà con cần có để lấy những quyết định tốt nhất cho con. Thày thật sẽ không bao giờ quyết định giùm con. Thày thật sẽ cho con những thông tin con cần, xong để yên cho con lấy quyết định riêng của mình. Thày thật biết rõ là chỉ bằng cách lấy quyết định riêng của mình thì con mới tăng triển. Thày giả sẽ không cung cấp cho con tất cả thông tin con cần. Y sẽ cố tình giấu giếm thông tin khỏi con và chỉ cung cấp những kiến thức sẽ khiến con ngả theo những gì y muốn con làm. Thày giả cũng sẽ vui mừng lấy quyết định giùm con, và y làm vậy xuyên qua cái ta hữu diệt đã được thiết kế ngay từ đầu để lấy quyết định giùm con.
Có một đường có vẻ đúng cho con người nhưng cuối cùng là con đường của sự chết. Con đường giả này là khi con cho phép người khác bảo con phải làm gì, dù đó là thày bên ngoài, giới chức tôn giáo, đạo sư tự xưng là tâm linh, hay chuyên gia đời sống dồi dào. Thậm chí đó còn là con đường cho phép cái ta hữu diệt tiếp tục lấy quyết định giùm con, là những quyết định chắc chắn phải dựa trên tâm thức nhị nguyên. Chỉ có một con đường chân chính duy nhất. Như Giê-su nói: “Cánh cửa hẹp và đường đi chật chính là con đường dẫn đến sự sống, và chỉ có ít người tìm thấy” (Matthew 7:14). Đó là con đường mà con phải giành lại quyền tự quyết của mình, khả năng quyết định của mình, và con phải lấy những quyết định này ở mỗi bực đưa con trở lên cầu thang xoắn ốc cho đến khi cuối cùng con bước qua ngưỡng cửa ở trên cùng và tắm trong mặt trời của Hiện diện TA LÀ của con. Không có đường nào khác dẫn đến cứu rỗi, và đây chính là điều Giê-su đã nói mọi người, đây là điều Phật đã nói mọi người, đây là điều các hiền giả Vệ đà đã nói mọi người, và đây là điều mọi vị thày tâm linh chân chính đã đến hành tinh này từ hàng ngàn và hàng ngàn năm qua đã nói mọi người. Không hề có con đường bên ngoài nào dẫn đến cứu rỗi. Đường tu là một con đường nội tâm qua đó con lấy những quyết định đưa con gần hơn tới điểm con chấp nhận mình chưa bao giờ thực sự tách biệt khỏi Thượng đế của mình.
11.9. Đấng An ủi
Điểm trung tâm của cuộc sống con người là làm cách nào có những quyết định đúng đắn. Tuyệt đối không có cách chi con lấy quyết định đúng đắn nếu các quyết định này dựa trên suy luận của tâm nhị nguyên, tâm phản Ki-tô. Cách duy nhất để quyết định đúng đắn – là những quyết định sẽ giúp con đến gần hơn hợp nhất với Thượng đế – là đặt chúng trên nền tảng của tâm thức Ki-tô. Làm thế nào một người đã rơi xuống tâm thức nhị nguyên có được những quyết định dựa trên tâm thức Ki-tô đây? Con có thể có được vì Thượng đế đã không bỏ con một mình. Như Giê-su nói: “Và ta sẽ cầu Cha để Cha cho con một đấng An ủi khác sẽ ở với con đời đời” (John 14:16).
Luật cân bằng làm việc rất thuận lợi cho con. Quả cầu cái ta của con đúng lý không được nhận bất cứ ảnh hưởng ngoại lai nào. Nó được dành riêng cho cái Ta Biết cư ngụ, và cái Ta Biết sẽ lần hồi đổ đầy ánh sáng vào đó cho đến khi không còn chỗ nào cho bóng tối. Cả thày giả lẫn thày thật đều không có quyền xâm phạm quả cầu cái ta của con, và không bên nào có thể làm vậy mà không có sự ưng thuận của con. Khi con tạo ra cái ta hữu diệt, con đã cho phép một chất liệu ngoại lai, thậm chí một sinh thể ngoại lai, xâm nhập quả cầu cái ta. Sinh thể này trở thành tiêu điểm cho tâm thức phản Ki-tô. Theo luật cân bằng, con không thể tồn tại nếu quả cầu cái ta của con chứa đựng một tiêu điểm cho thế lực phản Ki-tô mà không có gì để cân bằng lại. Hầu duy trì sự cân bằng, luật này đòi hỏi là nếu con cho phép tiêu điểm của tâm thức phản Ki-tô đi vào quả cầu cái ta, thì các thế lực của ánh sáng, các vị thày tâm linh chân truyền, cũng có thẩm quyền tái lập cân bằng qua việc đặt vào đó một tiêu điểm cho tâm thức Ki-tô.
Chừng nào con còn có sự kết nối nội tâm trực tiếp với Hiện diện TA LÀ và một vị thày bên ngoài đại diện cho Ki-tô, con không cần đến tiêu điểm này trong quả cầu cái ta. Nhưng khi con rơi xuống tâm thức nhị nguyên và bắt đầu đồng hóa với cái ta hữu diệt, con đánh mất sự nối kết trực tiếp với Hiện diện TA LÀ và sự ý thức về vị thày bên ngoài. Giờ đây các thày tâm linh của con cần phải cho con một cái gì để con có thể nối lại liên lạc với cõi tâm linh. Cái đó chính là điều Giê-su gọi là đấng An ủi, và Giê-su nói: “Đấng ấy sẽ dạy con mọi điều, nhắc cho con nhớ lại mọi điều ta đã nói với con” (John 14:26). Đấng An ủi này, mà thày muốn gọi là cái ta Ki-tô của con, là một vị thày nội tâm có khả năng cho con sự thật Ki-tô. Khi con lắng nghe vị thày bên trong này, vị cứu tinh bên trong này, con luôn luôn có thể đạt được những sáng ngộ mà con cần để lấy những quyết định dựa trên sự thật Ki-tô, tảng đá Ki-tô, thay vì cát lún của tâm thức nhị nguyên.
Con không có cách chi quyết định đúng đắn bằng cách lắng nghe cái ta hữu diệt và các thày giả bên ngoài con. Thượng đế đã không bỏ con bơ vơ không an ủi, mặc dù con đã quay lưng lại vị thày bên ngoài mà ngài đã gửi con và đánh mất kết nối với cái ta bất tử của con. Ngài đã vẫn gửi cho con một đấng An ủi dưới dạng cái ta Ki-tô ngụ ngay quả cầu cái ta của con. Cái ta Ki-tô này là vị thày nội tâm có khả năng lẫn ý muốn dạy con mọi điều, nhắc lại cho con mọi điều, để con có nền tảng tốt nhất mà lấy những quyết định sẽ cho phép con thăng lên cầu thang xoắn ốc và đến gần hơn mục đích tối thượng là hợp nhất với Thượng đế.
Đây cũng là điều Giê-su gọi là “chìa khóa của hiểu biết.” Giê-su đã quở mắng các thày luật đã tước mất chìa khóa của hiểu biết (Luke 11:52). Đa số người Cơ đốc không hiểu được câu nói này và tầm quan trọng cốt yếu của nó. Ý nghĩa thật đơn giản. Những ai đi theo con đường vỏ ngoài, con đường do các thày phản Ki-tô vạch ra, đã xem thường chìa khóa của hiểu biết. Chìa khóa của hiểu biết là con có khả năng ngay bên trong mình để biết sự thật, để có sự phân biện Ki-tô sẽ cho con uy lực lấy quyết định đúng đắn. Con làm vậy bằng cách lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của cái ta Ki-tô của con.
Các thày luật quyết định là họ không muốn đi theo con đường nội tâm qua việc lấy quyết định cho riêng mình. Họ quyết định là họ muốn đi theo con đường vỏ ngoài, tức là giấc mơ được cứu rỗi tự động. Để củng cố niềm tin là mình đúng, họ cố ngăn cản mọi người khác khám phá và đi theo con đường nội tâm. Họ muốn mọi người đi theo con đường vỏ ngoài vì họ nghĩ nếu ai ai cũng làm cùng một chuyện thì họ sẽ đúng và Thượng đế sẽ phải chấp nhận họ. Tất nhiên, thực tế là mọi người có thể làm cùng một chuyện mà vẫn sai – nếu ai ai cũng bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Đây là điều Giê-su đã chỉ ra cho họ khi thách thức các thày luật.
11.10. Hãy thỉnh thì sẽ được
Vấn đề trung tâm của cuộc sống con người là con phải lấy quyết định. Bài toán trung tâm là làm cách nào con lấy những quyết định đúng đắn. Nếu con có đầy đủ thông tin cần thiết, nếu con có một cái hiểu xác thực, con có thể lấy quyết định đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Quyết định đúng đắn luôn luôn là quyết định kéo con xa khỏi tâm thức nhị nguyên và đưa con lại gần sự hợp nhất với Thượng đế. Kết quả thực tế của một tình huống nào đó thật không quan trọng chút nào. Điều thực sự quan trọng là tình huống giúp con đến gần hơn sự hợp nhất với Thượng đế, giúp con tách mình ra khỏi các lời dối nhị nguyên. Nếu con tách mình được khỏi lời dối nhị nguyên, thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng là một chiến thắng đưa con lại gần hơn mục đích hợp nhất. Bất cứ quyết định nào đưa con gần hơn với hợp nhất là một quyết định đúng đắn. Thật ra con có thể lấy một quyết định trong một tình huống nào đó có vẻ là một quyết định sai lầm từ nhãn quan người đời vỉ kết quả không đúng như thế gian hay cái ta hữu diệt của con mong muốn. Nhưng nếu quyết định đó đưa con lại gần sự hợp nhất với Thượng đế thì – từ nhãn quan Thượng đế – đó vẫn là một quyết định đúng đắn.
Con luôn luôn có nền tảng cần thiết để quyết định đúng đắn. Con không bao giờ bơ vơ. Nhưng tiếc thay, rất có thể cái Ta Biết sẽ làm ngơ hay ngay cả quên mất sự hiện hữu của đấng An ủi. Cái Ta Biết là con người mà nó nghĩ nó là, và nếu nó tự đồng hóa như một người tội lỗi phàm phu, hữu diệt, bị cắt đứt khỏi Thượng đế và không thể quyết định đúng đắn, thì đây sẽ là “thực tại” tạm thời của nó. Sự thật là con chưa bao giờ bị cắt đứt khỏi Thượng đế, con chưa bao giờ tách biệt, con chưa bao giờ thiếu thốn niềm an ủi và sự hướng dẫn, mà ngược lại con luôn luôn có khả năng đi theo lời gọi của Giê-su: “Hãy thỉnh thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở cửa” (Matthew 7:7).
Con yêu dấu, con có nghĩ Giê-su đang hứa suông ở đây không? Con có nghĩ Giê-su nói lời này mà không có sự thật nào đằng sau? Đa số người đạo Cơ đốc không hiểu được tầm quan trọng của lời dạy này, nhưng con thật sự chỉ có hai chọn lựa. Hoặc Giê-su là thày giả, hoặc đằng sau lời nói của Giê-su có một ý nghĩa sâu xa hơn. Nếu con sẵn lòng đi tìm ý nghĩa sâu xa, con sẽ thấy được thực tế là không bao giờ có tình trạng con hoàn toàn bị cắt đứt khòi mọi sự hướng dẫn từ trên. Cho dù hoàn cảnh con là gì, con luôn luôn có chọn lựa xin được giúp đỡ. Nếu con xin, con sẽ nhận được hồi đáp. Hãy cho thày nhắc lại một lần nữa: “Nếu con yêu cầu sự hướng dẫn từ cái ta Ki-tô, con sẽ luôn luôn nhận được một câu trả lời.”
Điều này sẽ khó chấp nhận cho nhiều người. Thực tế là câu trả lời luôn luôn ở đó. Vấn đề là liệu tâm ý thức của con có sẵn lòng ghi nhận câu trả lời, lưu ý câu trả lời và dựa theo đó mà hành động hay không. Con hãy xem câu nói dân gian này: “Ấn tượng đầu tiên luôn luôn chính xác.” Thử nghĩ đến một hoàn cảnh con gặp một ai đó lần đầu và con có ấn tượng là họ không thể tin được. Lập tức tâm vỏ ngoài bắt đầu tìm lý do tại sao người này thật ra cũng đáng tin cậy đấy, thường thường dựa trên lai lịch hay địa vị của họ trong xã hội. Tâm vỏ ngoài của con đã dùng lý luận để bác bỏ ấn tường đầu. Con có bao giờ gặp một trường hợp như vậy rồi sau đó vỡ lẽ là ấn tượng đầu của mình hoàn toàn chính xác? Hay con có gặp hoàn cảnh tương tự khi con có một ấn tượng đầu và tâm vỏ ngoài dùng lý luận khôn khéo để gạt nó sang bên, xong con khám phá là ấn tượng đầu chính xác? Những tình huống như vậy là ví dụ về điều thày đang nói tới, cụ thể là con luôn luôn nhận được một câu trả lời nhưng tâm vỏ ngoài thường không ghi nhận hay không chú ý đến nó. Hay tâm vỏ ngoài dùng giải thích nhị nguyên để bác bỏ câu trả lời, một điều mà như thày đã đề cập nhiều lần, nó luôn luôn có thể làm vì tâm thức nhị nguyên không bao giờ có thể được chứng minh là sai.
11.11. Hai điều kiện để nhận được trả lời
Hãy để thày diễn đạt câu “Hãy thỉnh thì sẽ được” một cách khác để cho rõ hơn. “Hãy hỏi với tim cởi mở và tâm không phán xét thì con sẽ luôn luôn nhận được câu trả lời.” Để thật sự nhận được câu trả lời từ cái ta Ki-tô, con phải nỗ lực đáp ứng hai điều kiện. Điều kiện đầu là con phải sẵn lòng muốn biết sự thật. Con phải quyết định là con muốn biết một cái hiểu cao hơn những gì con đang hiểu, thay vì muốn một câu trả lời xác nhận những gì cái ta hữu diệt muốn con tin.
Chuyện này không giản dị như nó có vẻ. Thày liên tục được nghe nhiều người Cơ đốc rất sùng đạo và chân thành cầu nguyện xin thày giúp đỡ và can thiệp trong đời họ. Nhiều người trong số này cầu nguyện như thể thày là một ông thần trong lọ sẽ đến giải quyết tất cả mọi vấn đề giùm họ. Thày sẽ vui lòng giúp họ giải quyết vấn đề của họ, nhưng chìa khóa là thày muốn giúp họ tự giải quyết vấn đề của họ bằng cách trao cho họ những sáng ngộ mà họ cần để lấy những quyết định đúng đắn. Nhiều người không cởi mở với cái hiểu cao hơn, với sự thật cao hơn mà họ cần để lấy những quyết định giống như Ki-tô. Họ chỉ muốn một câu trả lời từ thày sẽ xác nhận các tin tưởng Cơ đốc chính thống, không vượt ra ngoài giáo điều của họ. Có sự giới hạn rất gắt gao trong những cách thày có thể giúp họ vì đơn giản là tâm vỏ ngoài của họ không chịu lắng nghe những câu trả lời thày gửi cho họ. Điều kiện đầu tiên là con phải hỏi với một con tim cởi mở và sự sẵn lòng học hỏi một điều gì vượt khỏi cái hiểu hiện thời của con. Con cần sẵn lòng để cho Thượng đế cho con câu trả lời mà con cần nghe, chứ không phải câu trả lời mà cái ta hữu diệt và ông hoàng của thế gian muốn con nghe. Con cần mở cửa ra cho một câu trả lời sẽ giúp con nhìn xa hơn tâm thức nhị nguyên.
Điều kiện thứ hai là con tìm cách lật mặt nạ và vô hiệu hóa cái ta hữu diệt cùng xu hướng của nó là phân tích từng câu trả lời nhận được, rồi cố nhét vào khuôn khổ hệ thống tin tưởng nhị nguyên của nó. Nếu câu trả lời không phù hợp với hộp tư duy này – và tất nhiên bất kỳ câu trả lời nào từ tâm Ki-tô cũng sẽ không nhét vừa một hệ thống tin tưởng nhị nguyên – cái ta hữu diệt sẽ dùng lối suy luận nhị nguyên khôn khéo cố hữu để lập luận rằng câu trả lời không thể nào đúng và tại sao con không nên để ý đến nó. Cái ta hữu diệt luôn luôn đánh giá mỗi ý tưởng mới, và bất cứ gì không nhét vào được hộp tư duy của nó sẽ tự động bị gạt bỏ.
Con luôn luôn có cơ hội tiếp cận sự thật của Ki-tô, nhưng để nhận và nhìn nhận sự thật này, con cần sẵn lòng với ra ngoài hộp tư duy, nhà tù tư duy, được tạo nên bởi cái ta hữu diệt và các tin tưởng nhị nguyên của nó. Nếu con sẵn lòng với ra ngoài thì luôn luôn con sẽ nhận được câu trả lời. Tất nhiên có rất nhiều điều con có thể làm để gia tăng khả năng nhận câu trả lời bằng cách khuếch lớn sự nhận biết và sự nối kết với cái ta Ki-tô cùng tâm Ki-tô rộng lớn, Tâm Ki-tô Hoàn vũ, mà cái ta Ki-tô là một tiêu điểm. Các bài thỉnh của thày là dụng cụ để đạt mục tiêu này.
11.12. Thay thế quyết định dở bằng quyết định tốt
Khi cái Ta Biết bắt đầu tự đồng hóa như một sinh thể hữu diệt, con cũng bắt đầu lắng nghe các thày nhị nguyên, các thày giả. Đây là một khuôn nếp, một thói quen có thể đã kéo dài rất nhiều tiền kiếp. Hầu lật ngược khuôn nếp hướng hạ này, con cần một nỗ lực ý thức để phá vỡ sợi dây đồng phụ thuộc mà con có với những thày vỏ ngoài bảo con phải làm gì. Thay vào đó, con cần tái khám phá và tăng cường sự nối kết bên trong với vị thày nội tâm của cái ta Ki-tô và các vị thày chân chính là chân sư thăng thiên. Những vị này sẽ không bảo con làm gì mà sẽ cho con những thông tin giúp con có uy lực lấy quyết định đúng đắn. Tất nhiên để cất bước trên con đường này, con phải trước tiên đạt tới điểm cái Ta Biết quyết định là nó muốn lấy quyết định trở lại. Và để đến được điểm này, con sẽ phải khắc phục một trong những chướng ngại lớn nhất trên đường tu tâm linh, đó là nỗi sợ phạm lỗi.
Sau khi con có giây phút sự thật và ngộ ra mình đã quyết định sai lầm, con sợ lấy quyết định. Đây là nỗi sợ bảo rằng bởi vì quyết định sai lầm là một chuyện quá khủng khiếp, cho nên tốt hơn con không nên lấy bất cứ quyết định nào. Lối suy luận này thật sự là sản phẩm của tâm rắn và nó hoàn toàn phi lôgíc. Nó bảo nếu con không lấy quyết định nào hết, con sẽ không thể quyết định sai lầm. Nhưng đây là một ảo tưởng toàn diện, một lời dối toàn diện.
Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết. Con có quyền làm bất cứ gì con muốn với quyền này, nhưng con không thể tránh lấy quyết định. Con không thể cho đi khả năng chọn lựa cùa mình. Con không thể cho đi trách nhiệm chọn lựa của mình. Con có thể tìm cách giao nó cho người khác, con có thể tìm cách để người khác quyết định giùm con, nhưng để làm vậy, con vẫn phải lấy một quyết định. Nếu con cho phép cái ta hữu diệt hay một thày giả quyết định giùm con, con vẫn đang lấy quyết định làm vậy. Mỗi khi con cho phép chúng quyết định giùm con thì con đang lấy quyết định tiếp tục tình trạng này. Không có lối thoát nào để khỏi lấy quyết địmh. Bất cứ lúc nào trong đời, con cũng đang lấy quyết định, và không có cách chi con thoát khỏi chuyện này.
Tại sao con lại muốn trốn tránh việc lấy quyết định? Lấy quyết định, có quyền tự quyết, là cơ hội lớn nhất từ Thượng đế, cơ hội lớn nhất để tự thăng vượt và trở nên hơn nữa, nhờ vậy con mới đồng-sáng tạo sự sống dồi dào. Đúng là việc quyết định sai lầm có thể đem đến những hệ quả không mong muốn mà con sẽ phải đối mặt, nhưng cũng đúng không kém là con có thể gỡ bỏ mọi quyết định sai lầm của quá khứ bằng cách quyết định đúng đắn trong giây phút hiện tại. Thật là đúng – mặc dù đây là bí mật mà các thày giả không muốn con biết – là con luôn luôn có một nền tảng đế lấy quyết định đúng đắn nếu con chịu đi tìm công khai câu trả lời từ cái ta Ki-tô của con.
Thật đây chỉ là chuyện xoay tâm thức lên một chút bằng cách nhận ra là việc phạm lỗi không có gì khủng khiếp như các thế lực của thế gian muốn con tin. Chiến lược cơ bản của tà lực là khiến con tin rằng con đã mắc vào một sai lầm khủng khiếp đến độ không bao giờ có thể xóa sạch được. Bất kỳ lỗi lầm nào con đã phạm cũng dựa trên một quyết định con lấy, một quyết định dựa trên cách lý luận sai lạc của tâm nhị nguyên. Điều tuyệt vời là bất cứ quyết định nào cũng có thể được thay thế lập tức bởi một quyết định khác. Bất cứ quyết định dở nào cũng có thể được thay thế lập tức bằng cách lấy một quyết định tốt. Bất cứ một quyết định nào dựa trên tâm thức nhị nguyên, tâm thức phản Ki-tô, cũng có thể được thay thế lập tức bằng cách lấy một quyết định dựa trên tâm thức Một, tâm thức Ki-tô.
Điều này có vẻ như không quan trọng, nó có vẻ đương nhiên. Nhưng nó không đương nhiên chút nào, vì nếu con đã thấm nhuần sự thật mà thày đang nói với con ở đây thì con đã không đang ngồi trên trái đất mà đọc khóa học này, mà con đã ngồi trên kia nơi thiên đàng như một sinh thể tâm linh bất diệt. Và con cũng đã không cần một quyển sách để thày truyền đạt ý tưởng của thày cho con. Sự kiện con đang ngồi đây trên trái đất và đọc khóa học này chứng tỏ cho con thấy là con chưa hoàn toàn tiếp thu sự thật mà thày đang cho con.
Bất cứ quyết định sai lầm nào cũng có thể được thay thế bởi một quyết định dựa trên sự thật của Ki-tô. Nếu con chịu cam kết là con sẽ công khai thỉnh cầu sự thật Ki-tô – bằng cách hấp thu sự thật này vào tâm thức con, thể nhập nó, rồi dùng nó để lấy quyết định đúng đắn – con có khả năng xoay chuyển đời con rất nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với bao nhiêu tiền kiếp con đã bỏ ra để đặt mình vào hoàn cảnh hiện tại. Con có khả năng chặn đứng vòng xoáy hướng hạ và khởi sự một vòng xoáy tích cực, hướng thượng, sẽ dần dần dẫn con xa khỏi cảm giác vật lộn và đưa con vào sự sống dồi dào.
11.13. Thị hiện sự sống dồi dào
Quá nhiều người mong mỏi sự sống dồi dào nhưng lại có một hình ảnh hoàn toàn sai trật về thế nào là dồi dào. Quá nhiều người nghĩ dồi dào đúng nghĩa là một nguồn tiếp tế tiền bạc vô hạn mà họ nhận được từ một nguồn bên ngoài, cho dù đó là trúng số độc đắc hay một trò lừa thần diệu nào đó do thày giả hứa hẹn. Đây là điều các thày giả về thịnh vượng hứa hẹn người ta, cụ thể là có một kỹ thuật thần thông để chế tạo thịnh vượng, và một khi người ta có đủ tiền thì mọi khó khăn sẽ biến mất.
Việc có tiền, dù có bao nhiêu tiền, cũng không giống như sự sống dồi dào. Sống dồi dào là nhiều hơn hẳn chuyện tiền bạc, và đó là tại sao con không thể phục vụ hai chủ, con không thể vừa phục vụ Thượng đế vừa phục vụ Ma-môn (Matthew 6:24). Nếu con nghĩ chỉa khóa của dồi dào là có tiền, con sẽ không bao giờ đạt được dồi dào đích thực của Thượng đế, vì nó hơn tiền bạc rất nhiều.
Dồi dào đích thực là biết mình hợp lẽ Thượng đế, biết mình đang trở về nhà, biết mỗi quyết định của mình đang đưa mình gần hơn tới mục đích tối thượng là sự hợp nhất với Thượng đế. Sự sống dồi dào đích thực là biết mình là một sinh thể tâm linh bất diệt đang ở đây trên trái đất để biểu đạt cá thể thiêng liêng của mình. Con cảm thấy con đang biểu đạt cá thể thiêng liêng này vào mỗi lúc. Con cũng biết con được thiết kế để là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế, con ở đây không chỉ để thực hiện mong muốn riêng của mình mà để đồng-sáng tạo vương quốc của ngài trên trái đất. Con biết là mỗi quyết định con lấy đang đem vương quốc này một bước nhỏ gần hơn đến sự thị hiện vật lý trên hành tinh này. Con biết con là một phần của Dòng sông sự Sống của Thượng đế, con là một phần của phong trào toàn cầu gồm những người đang nỗ lực đến gần với Thượng đế và đem vương quốc của ngài gần hơn ngày thị hiện trên trái đất.
Đây là dồi dào đích thực, là niềm vui biết rằng con là một phần của Dòng sông sự Sống, dòng chảy liên tục của tạo vật tráng lệ của Thượng đế. Điều này vượt xa bất cứ gì hầu hết mọi người có thể hinh dung hay tưởng tượng, vượt xa bất cứ gì người ta có thể mua được bằng tiền bạc dù nhiều biết mấy. Điều này chỉ có thể đem lại từ bên trong, cụ thể là khi con quyết định tách mình khỏi tâm thức vật lộn, tâm thức thiếu thốn. Thay vào đó, con phải lao mình vào Dòng sông sự Sống, vào tâm thức Một, và giờ đây con trôi theo dòng sông đó. Con đang ở trong dòng chảy của sự dồi dào của Thượng đế, và sự dồi dào của Thượng đế đang tuôn chảy qua con vì con ngộ ra con chính là sự dồi dào của Thượng đế đang biểu hiện, con chính là Thượng đế trong biểu hiện.
Trái tim yêu dấu của thày, đây là sự sống dồi dào đích thực mà thày đã đến để cho con chứ không phải một con đường tắt dẫn đến của cải tạm bợ. Thày đã đến để cho con của cải của Tánh linh, vì như Giê-su có nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời và mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con” (Matthew 6:33). Nếu con đi theo con đường thày đang phác họa, rất có thể con cũng sẽ nhận được tiền bạc hay những hình thức dồi dào vật chất khác. Để nhận được tiền bạc này, con phải trước hết tìm cầu sự dồi dào đích thực của tâm thức Ki-tô, sự công chính đích thực khi biết rằng con hợp lẽ với Thượng đế vì giờ đây con sẵn lòng là con người mà con thực là, tức một người đồng-sáng tạo đang ở đây để thị hiện Nước Trời qua những quyết định đúng đắn dựa trên tảng đá Ki-tô. Đây là nền tảng của dồi dào đích thực – con là con người mà con là, sẵn lòng thực thi uy lực mà Thượng đế đã ban cho con để cai trị, trước hết quả cầu cái ta của mình và sau đó vũ trụ vật chất.
A con yêu dấu, có lẽ con đang thoáng thấy sự sống dồi dào là nhiều hơn hẳn chuyện tiền của? Nếu con thấy được như vậy, con hãy cho phép thày trải bày cho con lý do thực sự tại sao con đã đến trái đất, và con ở đây để mang đến món quà độc đáo gì cho thế gian này. Đây mới là sự sống dồi dào, sự phong phú của việc trao tặng món quà vô hạn cho một thế giới hữu hạn, và nhờ vậy đưa thế giới hữu hạn này gần hơn với vương quốc vô hạn của Thượng đế.