Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/4/2005.
Trái tim yêu dấu của thày, bây giờ thày sẽ trao cho con một chìa khóa nữa mà con cần phải hiểu trước khi con có thể thật sự thị hiện sự sống dồi dào. Khi thày quan sát quá trình lịch sử cũng như lịch sử của từng dòng sống riêng lẻ, trong đó có con, thày nhận thấy có một điều thật sự ngăn cản con người thị hiện sự sống dồi dào là xu hướng chờ đợi điều kiện ngoại cảnh phải thích hợp trước khi con có thể hành động, trước khi con thay đổi bản thân, trước khi con từ bỏ một phần nào đó của cái ta hữu diệt. Vấn đề này xuất phát từ chính cái ta hữu diệt và xu hướng cố hữu của nó là muốn đạt được một trạng thái an toàn tối hậu.
13.1. Tự ngã cho con một cảm giác trọn vẹn giả hiệu
Cái ta hữu diệt mang sẵn bên trong một sự xung đột, một mâu thuẫn không thể nào tránh, không thể giải quyết. Cái ta hữu diệt của con ra đời khi cái Ta Biết quyết định không lấy quyết định nữa, cho nên nó muốn lấy quyết định giùm con. Vì cái Ta Biết không bao giờ đánh mất lòng khao khát sự trọn vẹn, cái ta hữu diệt muốn thỏa mãn mong muốn này. Nhưng vì nó không thể hiểu sự trọn vẹn đích thực là gì, cho nên nó tìm cách cho con một cảm giác an toàn bằng cách kiểm soát mọi khía cạnh của đời con.
Nguồn tối hậu và duy nhất của trọn vẹn đích thực là khi cái Ta Biết tự đồng hóa với Hiện diện TA LÀ của con và dự phần, lao mình vào Dòng sông sự Sống. Chỉ khi nào con ở trong dòng chảy dồi dào không ngừng của Thượng đế – dòng chảy tự thăng vượt, trở nên hơn nữa – thì con mới có thể cảm thấy trọn vẹn thật sự. Cái ta hữu diệt không bao giờ có thể ở trong dòng chảy này của sự sống, bởi vì như Giê-su đã nói, nó không có sự sống trong nó (John 6:53). Nó không bao giờ có thể cho con một cảm giác trọn vẹn đích thực. Nó sẽ tìm cách chế tạo một cái gì thay thế, một cảm giác trọn vẹn giả, và điều này được mô tả trong Kinh thánh là những kẻ kêu gọi hòa bình nhưng không có hòa bình (Jeremiah 6:14).
Đây là mâu thuẫn cốt yếu, sự phân rẽ nằm ở trung tâm cái ta hữu diệt. Chìa khóa thực sự của trọn vẹn là nhập vào Dòng sông sự Sống, tức là không ngừng tự thăng vượt. Để thực sự trọn vẹn, con phải liên tục thăng vượt chính mình, liên tục trở nên nhiều hơn những gì con đang là ngay bây giờ. Đây là niềm vui cuộc sống, đây là trọn vẹn đích thực. Cái ta hữu diệt cố tạo ra ảo tưởng trọn vẹn bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng, ngăn chận tự thăng vượt, ngăn cản con trở nên hơn nữa. Hình ảnh nó có về trọn vẹn là một trạng thái “toàn hảo,” có nghĩa là mọi chuyện đều đứng yên và không gì thay đổi. Nó tin nó có thể đạt đến sự toàn hảo này qua việc kiểm soát con, kiểm soát mọi người khác, thậm chí kiểm soát cả vũ trụ vật chất. Cái ta hữu diệt của con và ông hoàng của thế gian không ngừng cố gắng kiểm soát vũ trụ, ép vũ trụ phải tuân theo tâm ảnh của chúng.
Tiếc thay, hình ảnh về sự toàn hảo cố định này vô cùng thuyết phục, và nó đã xâm nhập vào nhiều nền văn hóa lẫn tôn giáo. Nhiều tôn giáo giảng dạy hình ảnh một Thượng đế bên ngoài và quả quyết Thượng đế này toàn hảo. Họ tin là cái gì toàn hảo không thể nào thay đổi. Cái ta hữu diệt và các thế lực phản Ki-tô luôn luôn cố gắng ngăn chặn sự tự thăng vượt, ngăn chặn tăng trưởng, ngăn chặn tiến trình của Thượng đế trở nên hơn nữa xuyên qua con. Chúng cố tạo dựng một vương quốc giả mạo, một vương quốc thế phàm không có tăng triển, nơi chúng đã quy định một trạng thái “toàn hảo” dựa trên tâm thức nhị nguyên. Chúng đã xoay xở để khiến hầu hết mọi người và mọi xã hội chui vào hộp tư duy đó, chui vào khuôn đúc đó của sự toàn hảo.
Đây là một ảo tưởng. Điều này hoàn toàn bất khả thi, là cố làm một chuyện không thể nào làm được. Một trong những cơ chế an toàn được cài sẵn trong vũ trụ vật chất là không gì có thể đứng yên. Vì con đã được ban cho quyền tự quyết, con có thể chọn rút ra khỏi Dòng sông sự Sống chảy không ngừng nghỉ. Con có thể leo lên bờ sông và đứng bất động trên bờ trong khi Dòng sông sự Sống cứ tiếp tục chảy qua mặt con. Vì Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, ngài cũng cho con khả năng làm chuyện đó, nhưng ngài cũng thiết lập vũ trụ vật chất với một yếu tố trì hoãn cho phép con duy trì ảo tưởng là mình đang đứng yên trong thế giới nhỏ bé của mình. Thế là con đã tạo ra một trạng thái toàn hảo nào đó, và nếu như con cứ duy trì hiện trạng như vậy thì con sẽ ở trong thiên đàng này mãi mãi. Ảo tưởng này chỉ có thể tồn tại trong hộp tư duy của cái ta hữu diệt, và cũng giống như mọi khía cạnh khác của cái ta hữu diệt, nó chỉ có thể tồn tại một thời gian. Không thể tránh được lực co lại của Mẹ sẽ rốt cuộc phá vỡ ảo tưởng. Đó là tại sao trong chiều dài lịch sử, nhiều nền văn minh đã đạt đến một trình độ thành đạt rất cao xong đã sụp đổ một cách khó hiểu. Các nền văn minh này đã sụp đổ vì họ nghĩ họ đã đạt được sự toàn hảo và do đó họ đã từ chối thăng vượt chính họ. Điều không tránh khỏi là lực co lại của Mẹ sẽ phá sụp những tòa tháp Babel mà họ đã xây dựng trong ảo mộng tòa tháp sẽ vươn đến tận trời.
Nhân loại đã đeo đuổi mục đích bất khả thi này từ hàng ngàn và hàng ngàn năm trời, lâu hơn cả những gì các nhà sử học và khoa học của con hiện nay công nhận. Con có thể tiếp tục đeo đuổi như vậy, nếu con muốn, cho đến hết thời gian được phân bổ cho con. Thày không ở đây để khuyến khích con làm vậy. Thày ở đây để khuyến khích con kéo mình ra khỏi cuộc tìm cầu vô vọng này, và thay vào đó, con nhận ra sự thật muôn đời rằng chìa khóa cho sự trọn vẹn đích thực, và chìa khóa duy nhất cho cứu rỗi, là quay trở về Dòng sông sự Sống và không ngừng tự thăng vượt.
13.2. An toàn trong nhị nguyên là một tìm kiếm vô vọng
Cái ta hữu diệt của con được lập trình để gắng hết sức ngăn con tự thăng vượt, ngăn con vượt ra ngoài chiếc hộp tư duy được quy định bởi các tin tưởng nhị nguyên của nó. Cái ta hữu diệt đã thành công để khiến cho cái Ta Biết, ít ra phần nào, tin vào lời dối rằng toàn hảo có nghĩa là đứng yên. Cái ta hữu diệt đã thành công khiến cho cái Ta Biết tin rằng con cần an toàn. Trong nhiều trường hợp, nó lợi dụng tình trạng bất an của thế giới bên ngoài, tình trạng hỗn loạn do tâm thức nhị nguyên gây ra, để khiến con đeo đuổi cảm giác ổn định, an toàn và thoải mái đó. Nếu con quan sát loài người trên thế giới một cách trung thực, con sẽ thấy mặc dù có nhiều thói nghiện vỏ ngoài, nhưng đằng sau tất cả thói nghiện đó có thói nghiện an toàn, thói nghiện thoải mái. Nhiều người rất ghiền an toàn, và trên hết, họ cố xây dựng một cảm giác an toàn nào đó. Khi làm vậy, họ sẵn sàng hy sinh sự tăng trưởng, tắt máy cuộc đời, giết chết niềm vui cuộc sống. Họ muốn tiến trình cuộc sống phải ngừng lại để họ có thể có và giữ một cảm giác an toàn dựa trên ý tưởng là nếu không có gì thay đối thì không có gì xấu có thể xảy ra.
Cuộc đeo đuổi trạng thái an toàn này xuất phát từ nỗi sợ tăng trưởng, nỗi sợ thay đổi. Tinh túy của cuộc sống là tăng trưởng, nghĩa là tự thăng vượt. Vì cái ta hữu diệt không thể hiểu nổi điều này, nó đã xoay xở để phóng chiếu vào bản thể con nỗi sợ thay đổi, dựa trên suy luận rằng thay đổi chỉ có thể tệ hơn, thay đổi chỉ có thể xấu, thay đổi chỉ có thể mất mát. Thày đã lặp đi lặp lại là con có quyền tự quyết và tất cả xoay quanh cái Ta Biết cùng các quyết định mà con lấy. Nếu con cho phép cái ta hữu diệt quyết định giùm con, con sẽ không bao giờ phá được gông cùm của cuộc đeo đuổi vô vọng đó – đeo đuổi sự an toàn và ổn định trong một thế giới không ngừng thay đổi và không thể tránh thay đổi. Tại sao không thể tránh được thay đổi? Bởi vì định luật của Thượng đế được thiết lập để ngăn con kẹt lại trong một trạng thái giới hạn. Định luật quy định là hoặc con phải thay đổi bằng cách đi theo động lực trở nên hơn nữa, hoặc con phải thay đổi vì lực co lại của Mẹ sẽ đập bể các hình tượng khô cứng của con, đập bể những gì con đang tìm cách giữ nguyên như cũ. Con phải thay đổi qua sự thăng vượt bản thân hoặc sự co thắt bản thân. Nếu con ôm chặt một hình tượng khô cứng, lực co lại của Mẹ sẽ tạo ra một lực đối chọi sẽ thách thức hình tượng của con hầu giải phóng con.
Cuộc đeo đuổi vô vọng để tìm một sự an toàn không thể đạt được trong thế giới này chính là điều sẽ biến đời con thành một cuộc vật lộn không ngừng. Cái ta hữu diệt tin rằng nếu như nó có thể có được cảm giác an toàn tối hậu đó nơi không có gì thay đổi, thì cuộc vật lộn của con sẽ chấm dứt. Nếu như con ngừng mọi nỗ lực tự thăng vượt thì con sẽ ở lại mãi mãi trong trạng thái thiên đàng đó. Nhưng chính cuộc tìm kiếm ổn định, chính cuộc tìm kiếm sự bất biến, đã tạo ra vật lộn vì nó đặt con vào thế đối nghịch với chính bản chất cuộc sống là luôn luôn thay đổi qua hình thức tự thăng vượt. Cách duy nhất con có thể bắt đầu thoát ra khỏi cảm giác đấu tranh này là cái Ta Biết nhận ra là cái ta hữu diệt đang chạy theo một chuyện không tưởng.
13.3. Để đời con thay đổi, chính con phải thay đổi
Con phải hiểu đầy đủ điều thày vừa nói với con, cụ thể là chìa khóa tối hậu để được an toàn và trọn vẹn là xuôi chảy theo Dòng sông sự Sống, hầu con liên tục tăng trưởng và trở nên hơn nữa thay vì tìm cách giữ nguyên như cũ. Tăng trưởng không có nghĩa là mất mát. Làm sao con có thể mất được khi con tăng trưởng và trở nên nhiều hơn? Cái Ta Biết không thể nào mất mát khi nó tăng trưởng. Nhưng cái ta hữu diệt và các thế lực của thế gian quả thật có thể mất mát khi cái Ta Biết tăng trưởng và thăng vượt các hạn chế mà chúng đã tìm cách định ra cho con. Đó là tại sao chúng đã phóng chiếu nỗi sợ tăng trưởng vào bản thể con và nối liền tăng trưởng với nỗi sợ mất mát. Chính chúng mới là kẻ sợ mất mát, nhưng chúng đã xoay xở để khiến cái Ta Biết tự đồng hoá, một phần hay toàn bộ, với nỗi sợ mất mát này. Đây là lý do tại sao biết bao người trên hành tinh này không muốn thay đổi, họ lo sợ sự thay đổi chỉ có thể tệ hơn. Nhiều người kể chuyện “thuở trước vàng son” để nói về một thời khi mọi chuyện tốt đẹp hơn và sự thay đổi chỉ khiến cho tệ hơn. Trên thực tế, rất nhiều các thay đổi đang xảy ra trên thế giới rõ ràng là tốt hơn, đem lại nhiều trù phú hơn cho nhiều người hơn.
Nếu con muốn thị hiện sự sống dồi dào, con sẽ cần gì? Chúng ta hãy kiểm lại thực tế một cách đơn giản. Thực tế là hiện nay con không có sự sống dồi dào. Nếu con đã có sự sống dồi dào thì tại sao con lại đi học khóa này? Nếu con chưa có sự sống dồi dào, con sẽ cần gì để đạt dồi dào? Để đạt sự sống dồi dào, một điều gì đó phải thay đổi. Nếu con muốn có cái gì con hiện chưa có, thì một điều gì đó phải thay đổi. Nếu con không sẵn lòng thay đổi, nếu con sợ thay đổi, làm thế nào con có thể đạt được cái con chưa có? Đối với một số người, đây có vẻ là một dòng lý luận thật đơn giản, dường như ngây thơ, thô thiển hay hiển nhiên. Nhưng nếu con đã thật sự hiểu nguyên tắc giản dị này thì con đã không đang đọc khóa học này; con sẽ đang tận hưởng sự sống dồi dào đó rồi.
Nếu con muốn được cái gì con chưa có thì một điều gì đó phải thay đổi. Và điều gì phải thay đổi chứ? Điều phải thay đổi là chính con, cái Ta Biết. Con phải thay đổi cách con tiếp cận cuộc sống. Nếu cách tiếp cận hiện thời của con không đem lại sự sống dồi dào, thì cách thực tế duy nhất để thị hiện dồi dào là thay đổi cách con tiếp cận cuộc sống. Nếu những gì con đã làm cho đến nay đã không đem lại kết quả mong muốn, thì con phải thay đổi cách tiếp cận. Một lần nữa, con hãy xem định nghĩa của Albert Einstein về điên rồ – ông nói điên rồ là khi con cứ tiếp tục làm cùng một chuyện nhưng lại chờ đợi kết quả khác hơn. Đây chính là sự điên rồ được cài đặt trong cái ta hữu diệt của con. Cái ta hữu diệt giống như một máy tính được lập trình để làm cùng một chuyện hết lần này sau lần khác. Nó thực sự tin rằng nếu nó cứ tiếp tục làm cùng một chuyện, nếu nó cứ cố ngừng kim đồng hồ, cố ngừng sự tự thăng vượt, thì một ngày nào đó nó sẽ chế tạo ra trạng thái an toàn tối hậu nơi không có gì thay đổi. Cái ta hữu diệt sẽ cứ làm mãi như vậy, giống như chiếc máy tính cứ làm mãi cùng một chuyện cho đến khi con bảo nó làm chuyện khác. Cái ta hữu diệt không thể thay đổi cách tiếp cận cơ bản của nó, nó không có khả năng thay đổi bản chất của nó, tương tự như chiếc máy tính không có khả năng thay đổi lập trình của nó.
Người duy nhất có khả năng thay đổi những gì đang xảy ra trong đời con là cái Ta Biết. Con phải lấy quyết định là con sẵn lòng tự thăng vượt. Con phải đi bước đầu và từ bỏ một số tin tưởng nhị nguyên của cái ta hữu diệt, mặc dù con đã có thể dùng các tin tưởng này để gây dựng một cảm giác an toàn mong manh. Đây là nguyên tắc thiết yếu để thị hiện dồi dào, một nguyên tắc mà hầu hết mọi người đã bỏ sót – ngay cả những người đã tìm hiểu sự dồi dào từ rất lâu, thậm chí cả các đạo sư về dồi dào. Nếu con muốn đời con thay đổi, chính con phải thay đổi. Nếu con muốn thế giới của con thay đổi, con phải bắt đầu thay đổi chính mình. Nếu con muốn trải nghiệm sống của con thay đổi, con phải đi bước đầu bằng cách thay đổi tâm thức của mình, thay đổi cách mình tiếp cận đời sống.
Nền tảng của thay đổi là con sẵn lòng từ bỏ ít nhất một phần ý niệm bản sắc hiện thời của con. Con phải sẵn lòng từ bỏ một số tin tưởng nhị nguyên của cái ta hữu diệt, là những tin tưởng giữ con kẹt lại trong nhà tù của các giới hạn và cảm giác thiếu thốn. Nguyên tắc cơ bản của tăng trưởng là con phải sẵn lòng để cho ý niệm bản sắc hiện thời của con chết đi hầu con có thể tái sinh vào một ý niệm bản sắc mới, rộng lớn hơn. Vấn đề chủ chốt ở đây là con không thể bước vào ý niệm bản sắc mới đó – thậm chí có lẽ con không thể thấy được cả ý niệm bản sắc này – cho đến khi con sẵn lòng để cho bản sắc cũ chết đi. Con không thể nhận được dồi dào cho đến khi con chịu buông bỏ các hạn chế của mình. Cho phép thày nói lớn hết sức: Con phải cho trước khi con có thể nhận!
13.4. Vũ trụ phản chiếu lại tâm thức của con
Con yêu dấu, chuyện này không làm sao khác được, và thày đã giải thích cho con lý do khi thày nói rằng vũ trụ là một tấm gương. Trong một quyển sách [Bước theo con đường thần bí của Giê-su], Giê-su đã đưa ra một minh họa tuyệt vời về nguyên tắc này mà thày sẽ dùng lại ở đây. Hãy tưởng tượng con đang ngồi trước một tấm gương, nhìn vào hình ảnh của chính mình. Bây giờ con quyết định là con muốn hình ảnh trong gương mỉm cười với con. Làm thế nào chuyện này xảy ra được đây? Chỉ một cách mà thôi – chính con phải mỉm cười vào tấm gương. Gương chỉ có thể phản chiếu lại cùng hình ảnh được phóng chiếu vào nó. Nếu con muốn hình ảnh trong gương mỉm cười, con phải mỉm cười trước tiên. Đây là một sự thật hiển nhiên mà ai ai cũng hiểu, nhưng không phải ai ai cũng có thể áp dụng cho hình ảnh lớn hơn của cuộc sống. Vũ trụ vật chất là một tấm gương vũ trụ. Nó chỉ có thể phản chiếu lại cho con những gì con phóng chiếu vào nó. Nếu con muốn dồi dào biểu hiện trong đời con, con phải trước tiên biểu hiện tâm thức dồi dào, và sau đó – xuyên qua tâm thức đó – phóng chiếu sự dồi dào vào gương vũ trụ. Khi con làm vậy, tấm gương vũ trụ sẽ không thể tránh phản chiếu lại dồi dào cho con.
Để hiểu chuyện này vận hành thế nào, con cần biết là vũ trụ vật chất mang sẵn một yếu tố trì hoãn. Sẽ mất một thời gian nào đó trước khi sự phản chiếu quay trở về con. Đây là điều làm rối trí và nản lòng nhiều người tìm kiếm tâm linh chân thành. Thật sự hầu hết mọi người đang ngồi trước tấm gương vũ trụ và muốn thế giới mỉm cười với mình, nhưng họ lại không sẵn lòng mỉm cười với thế giới trước tiên. Họ đang nói, trong nghĩa đen: “Khi nào thế giới mỉm cười với tôi thì tôi sẽ mỉm cười lại. Khi nào thế giới cho tôi những gì tôi muốn thì tôi sẽ vui.”
Đây là một cách tiếp cận ngược chiều, không bao giờ có thể thành công. Tấm gương vũ trụ không thể phản chiếu về con những gì con chưa thể hiện trong tâm thức con. Cũng giống như chuyện chờ đợi hình ảnh của con trên một tấm gương vật lý mỉm cười với con trước khi con mỉm cười với nó. Chuyện này không thể nào xảy ra. Cái ta hữu diệt cứ cố khiến cho chuyện này xảy ra, nó liên tục cố khiến con tin rằng chuyện này có thể xảy ra. Nó bảo, nếu như con cứ tiếp tục làm theo lời chỉ bảo của nó và của ông hoàng thế gian trong một thời gian đủ dài, thì tới lúc vũ trụ sẽ mỉm cười với con mà con không cần mỉm cười trước.
Một trong những lừa dối lớn nhất được sử dụng chống lại nhân loại là niềm tin rằng hạnh phúc của con tùy thuộc hoàn toàn vào các điều kiện ngoại cảnh. Hạnh phúc là một cảm nhận diễn ra trong quả cầu cái ta. Như thày đã cố giải thích qua những chìa khóa trước, con có tiềm năng cai quản quả cầu cái ta của con. Con có khả năng chế tạo hạnh phúc – quả thực con phải chế tạo hạnh phúc – từ bên trong quả cầu cái ta của con. Con sẽ không bao giờ hoàn toàn hạnh phúc được chừng nào con còn tin vào ảo tưởng nhị nguyên rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc vào bất cứ gì bên ngoài quả cầu cái ta của mình.
13.5. Hạnh phúc của con không tùy thuộc ngoại cảnh
Thày cũng biết đây là một lời dối vi tế và nhiều người tin như vậy. Tại sao họ tin như vậy? Vì cái ta ý thức của họ đã quyết định là họ không muốn lấy quyết định. Họ muốn tiếp tục tin rằng cách tiếp cận của cái ta hữu diệt là chính đáng. Họ muốn tiếp tục tin rằng nếu như họ cứ cho phép cái ta hữu diệt lấy quyết định giùm họ, cuối cùng họ sẽ chứng nghiệm thiên đường đã hứa. Mong muốn này có một lý do đơn giản. Nếu họ thừa nhận cách tiếp cận của cái ta hữu diệt không hiệu quả thì sẽ có nghĩa là họ lại phải bắt đầu lấy quyết định. Nếu họ không muốn làm vậy, họ cần phải tiếp tục tin vào ảo tưởng của cái ta hữu diệt. Họ không có chọn lựa nào khác hơn là hỗ trợ ảo tưởng này, và bởi vì cách suy luận của cái ta hữu diệt vốn nhị nguyên và tương đối, họ luôn luôn có thể tìm ra những luận cứ sẽ hỗ trợ lời dối và ảo tưởng của cái ta hữu diệt.
Cách tiếp cận cuộc sống của cái ta hữu diệt không chỉ được hỗ trợ bởi cách suy luận nhị nguyên của tâm phản Ki-tô, mà nó cũng được hỗ trợ bởi kinh nghiệm đời sống của con. Vũ trụ là một tấm gương phản chiếu lại cho con những gì con gửi ra. Nếu con gửi ra một cảm nhận thiếu thốn, tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu lại những điều kiện vật lý có thiếu thốn. Tin tưởng nhị nguyên rằng con sống trong một vũ trụ có dồi dào hạn chế và con chỉ có thể dồi dào bằng cách đoạt từ người khác, có vẻ như được chính cuộc sống xác nhận. Làm sao lập luận do cái ta hữu diệt và ông hoàng của thế gian đưa ra có thể sai được khi chính cuộc sống cũng có vẻ đồng ý? Sự thể biến thành một vòng tròn khép kín, một đường suy luận luẩn quẩn, một thế kẹt lưỡng nan không có lối thoát – trừ khi con với lên sự thật cao hơn của tâm Ki-tô.
Vì vũ trụ là một tấm gương, điều con tin sẽ trở thành một lời tiên tri tự nó ứng nghiệm. Nếu con tin là mình sống trong một thế giới thiếu thốn, đó sẽ là điều con trải nghiệm. Cách duy nhất để thoát ra khỏi thế giới thiếu thốn là thăng vượt trạng thái tâm thức chế tạo ra trải nghiệm này. Trước khi con có thể được sống trong một vũ trụ dồi dào, con phải trước tiên bước vào một trạng thái tâm thức dựa trên sự dồi dào. Như câu nói nổi tiếng của Henry Ford: “Cho dù con tin là con có thể, hay con tin là con không thể – con cũng đúng!”
Trước khi con có thể rời khỏi thế giới thiếu thốn, con – tức cái Ta Biết – phải phá vỡ vòng dây siết cổ của sự đồng hóa với cái ta hữu diệt và tin tưởng nhị nguyên của nó. Con phải cho phép ý niệm cái ta mà con đã xây dựng từ sự đồng hóa này chết đi. Chỉ sau khi con để nó chết thì con mới tái sinh vào một ý niệm bản sắc cao hơn. Con phải chịu được sự thật là trước khi con có được một cái gì tốt hơn, con phải trước hết từ bỏ cái con đang có ngay bây giờ. Và để thực hiện điều này, con phải chấm dứt thói nghiện an toàn đang ngăn con buông bỏ những gì con đang có để được một cái gì chưa biểu hiện trong vật lý. Con phải thay thế nó bằng đức tin – là cái biết nội tâm vượt khỏi mọi sự hiểu biết – đức tin rằng các định luật của Thượng đế thực sự hiệu quả, và nếu con tìm cầu Nước Trời và sự công chính của tâm thức Ki-tô trước tiên, thì mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con (Matthew 6:33).
13.6. Con không thể mua sự trọn vẹn
Con yêu dấu, lời dối do các thế lực thế gian quảng bá là con không cần thăng vượt chính con. Nếu con muốn thay đổi bất cứ gì trong đời mình, nếu con muốn thấy bất cứ thay đổi nào tốt hơn, thì con – tức cái Ta Biết – phải quyết định chấp nhận đó là một lời nói dối. Con phải quyết định là con không còn muốn rơi vào cám dỗ ở lại trong trạng thái thoải mái an toàn. Một khi con quyết định không chấp nhận lời dối này nữa, con phải đi bước lôgíc kế tiếp. Con phải khắc phục lời dối thứ nhì, rằng ngay bây giờ con chưa có những thứ con cần để tự thăng vượt. Lời dối này cố khiến con tin là con cần phải chờ một số điều kiện ngoại cảnh trước khi con có thể bước tới.
Có một kẻ thù bên trong và một kẻ thù bên ngoài đang tìm cách kiểm soát cái Ta Biết. Chúng làm thế nào? Bằng cách khiến cái Ta Biết tin vào lời dối rằng bên trong con không có những thứ con cần, rằng một cách nào đó con không trọn vẹn hay khiếm khuyết. Chúng dùng những hạn chế hiện thời và lỗi lầm quá khứ của con để cố chứng minh điều này. Tại sao cái Ta Biết lại dễ rơi vào lời dối đó? Vì hai lý do. Lý do thứ nhất là vì con cảm thấy không trọn vẹn, và do đó cái Ta Biết mang động lực muốn đạt sự trọn vẹn. Tất nhiên, cái Ta Biết hiện không cảm thấy trọn vẹn vì nó đang thiếu cái gì đó. Cho nên con dễ rơi vào suy luận bảo rằng sở dĩ con thiếu thốn hay thiếu sót gì đó là vì chính bản thân con không trọn vẹn, con cần một thứ gì con không có. Và điều này khiến con dễ rơi vào lời dối thứ nhì mà các lực của thế gian phóng chiếu vào con, là con cần một thứ gì từ bên ngoài chính mình hầu trở về thiên đường trọn vẹn mà con đã mất. Lời dối bảo, tự thân con không có những thứ cần thiết để được trọn vẹn, cho nên con cần một cái gì hay một ai đó từ ngoài. Đương nhiên, cái “ai đó” chính là cái ta hữu diệt và ông hoàng của thế gian, chúng hứa là nếu như con nhắm mắt đi theo chúng thì chúng sẽ dẫn con đến nơi chốn tuyệt vời mà chúng định nghĩa là thiên đường.
Đúng là cái Ta Biết không cảm thấy trọn vẹn vì nó đã đánh mất một cái gì trong quá khứ xa xôi. Cũng rất đúng là con cần cái gì đó từ ngoài cái Ta Biết để tái lập cảm giác trọn vẹn. Lời dối nằm ở chỗ cái đó chỉ có thể tìm thấy bên ngoài quả cầu cái ta của con. Kỳ thực điều con cần để tái lập sự trọn vẹn chỉ có thể tìm thấy bên trong quả cầu cái ta. Con cần tái khám phá mình thực sự là ai, tức một phần nối dài của một sinh thể tâm linh rộng lớn hơn – mà thày đã gọi là Hiện diện TA LÀ của con nhưng thật ra là nguyên một dòng dõi, một hàng ngũ nhiều tầng gồm những sinh thể tâm linh trở ngược lên tận Đấng Sáng tạo của con. Chỉ khi nào con tái lập cảm nhận hợp nhất với Đấng Sáng tạo, hợp nhất với mọi sự sống, thì con mới cảm thấy trọn vẹn. Cảm nhận hợp nhất này chỉ có thể được thiết lập bằng cách đi vào bên trong quả cầu cái ta và tìm thấy những gì đã sẵn ở đó, đã luôn luôn ở đó, nhưng đã bị che phủ bởi tấm màn ảo tưởng do cái ta hữu diệt thêu dệt.
Về nhiều mặt, cái ta hữu diệt giống như chiếc máy tính, nhưng cũng như ông hoàng của thế gian, nó là nhiều hơn một máy tính. Hai kẻ thù của con biết rất rõ con cần gì để tái lập sự trọn vẹn, và chúng phải ngăn con làm vậy để con tiếp tục nuôi béo chúng với năng lượng tha hóa hầu chúng có thể duy trì một sự tồn tại tách biệt. Nhưng chúng không thể mãi mãi ngăn con tìm cầu sự trọn vẹn. Mặc dù chúng có thể dựng lên nhiều chuyện trong thế gian để con bị lạc hướng và bỏ lơ cuộc tìm kiếm trong một thời gian, chúng sẽ không thành công mãi mãi. Các thế lực thế gian không thể mãi mãi ngăn cản một dòng sống đi tìm sự trọn vẹn tâm linh đích thực. Điều ông hoàng thế gian đã làm là bày ra một con đường giả, con đường có vẻ đúng cho người phàm nhưng cuối cùng là con đường chết. Lý lẽ cơ bản của con đường giả là con phải tìm trọn vẹn, tìm cứu rỗi, bên ngoài chính con. Để ủng hộ lời dối này, chúng bảo chính sự kiện con đang không trọn vẹn chứng minh là con không mang sẵn trong con những gì cần thiết để mà trọn vẹn. Con phải tìm cái đó ở bên ngoài, tức là trong thế gian.
Tất cả mọi thứ trong thế gian này được tạo bằng ánh sáng ở một độ rung thấp hơn ánh sáng trong cõi tâm linh. Không có gì trong thế gian này có thể cho con một cảm nhận trọn vẹn đích thực. Dù con có gom góp bao nhiêu tiền bạc, con cũng không thể mua sự trọn vẹn bằng tiền bạc. Tuyệt đối không có cách nào tái lập cảm nhận trọn vẹn xuyên qua tiền bạc hay bất cứ gì mà tiền bạc có thể mua. Chuyện này không thể làm được, và nếu con tìm hiểu cuộc đời của những người giàu nhất thế giới, con sẽ thấy họ đã không thể dùng tiền để mua hạnh phúc và tâm an bình cho dù họ có bao nhiêu của cải. Trong một thời gian, có thể họ nghĩ là họ đã mua được sự trọn vẹn, nhưng ảo tưởng này không thể kéo dài mãi mãi.
13.7. Phục hồi đức tin
Điều này dẫn chúng ta đến một đề tài thày biết sẽ gây khó chịu cho nhiều người trong thế giới hiện đại, cụ thể là đề tài đức tin. Con sống trong một thời đại khoa học, và khoa học đã làm rất nhiều để nâng cao các điều kiện sinh sống vật chất. Khoa học cũng đã làm rất nhiều để năng cao hiểu biết của nhân loại về các quy luật vật chất vận hành vũ trụ nơi con sống. Tiếc thay, khoa học cũng đã làm rất nhiều để làm suy yếu một trong những đức tính thiết yếu cho sự tìm kiếm dồi dào, cụ thể là đức tin – đức tin nơi những gì không thể nhìn thấy, không thể chứng minh qua những phương tiện có thể được nắm bắt bởi giác quan vật lý hay cách suy luận nhị nguyên của cái ta hữu diệt. Như Kinh thánh nói rất thực: “Đức tin là chất liệu của những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều chưa thấy” (Hebrews 11:1).
Một trong những đóng góp quý giá của khoa học là giúp cho con người hiểu được khái niệm về quy luật tự nhiên. Khoa học cũng đã loại bỏ một phần huyền bí và dị đoan ra khỏi cuộc sống, là niềm mê tín tràn lan trong các thời đại trước, phần lớn được khích động bởi tôn giáo, là các tôn giáo chính thống đã dựng lên hình ảnh giả về một Thượng đế bên ngoài. Tuy đây là một diễn biến tích cực, nhưng khoa học cũng đã khiến cho nhiều người lơ là, bỏ qua hay phủ nhận khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Nếu con muốn thị hiện sự dồi dào đích thực và một cảm nhận trọn vẹn đúng nghĩa, con không thể bỏ qua sự kiện con là nhiều hơn một sinh thể vật chất. Con phải nhìn nhận sự thật con là một sinh thể tâm linh, bởi vì chỉ như vậy thì con mới có thể bước vào bên trong và tìm thấy sự trọn vẹn nội tâm mà con tìm cầu, một sự trọn vẹn không bao giờ có thể được chế tạo qua các phương tiện máy móc trong thế giới này.
Khi khoa học bảo rằng vũ trụ vật chất được điều khiển bởi các quy luật cơ học luôn luôn vận hành cùng một cách không bao giờ sai sót, điều này có phần đúng nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Vũ trụ vật chất được điều hành bởi một số quy luật, và các luật này thì không thay đổi trong cách vận hành – chúng hoạt động một cách máy móc, từa tựa như một cỗ máy. Nhưng có một bộ quy luật cao hơn, mà chúng ta có thể gọi là quy luật tâm linh, và đây là những quy luật mà Giê-su đã đến để lưu ý nhân loại. Giê-su làm vậy một phần bằng cách thực hiện những việc người ta gọi là phép lạ. Bất cứ nhà khoa học nào cũng sẽ bảo con là phép lạ của Giê-su không thể nào có thật. Đứng về cơ học thì con không thể nào đi bộ trên mặt nước, biến nước thành rượu hay vực người chết sống lại. Đúng thực là nếu con chỉ vận dụng các quy luật hiện diện trong cõi vật chất, con sẽ không thể nào thực hiện những công việc đó. Nhưng cõi vật chất chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, một phần của một tổng thể rộng lớn hơn. Cõi vật chất là phần nối dài của cõi tâm linh, nó được tạo ra từ năng lượng của cõi tâm linh được hạ thấp độ rung. Bên dưới các quy luật vật chất là một bộ những quy luật tâm linh sâu xa hơn, và sau đây là sự khác biệt cơ bản.
Khi con bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên, con chỉ có thể dùng các quy luật vật chất. Ngay lúc cái Ta Biết bắt đầu đồng hóa như một con người hữu diệt, con đánh mất khả năng sử dụng các quy luật tâm linh cao hơn. Một người kẹt trong nhị nguyên không bao giờ có thể thực hiện những công việc mà Giê-su đã làm. Như Giê-su nói: “Kẻ nào tin ta cũng sẽ làm những công việc ta làm” (John 14:12). Ý nghĩa nội tâm là những ai tin theo Giê-su – đến độ làm theo gương thày và cố gắng đạt đến tâm thức Ki-tô – sẽ có khả năng sử dụng các quy luật tâm linh cao hơn.
Khi con dùng các quy luật tâm linh này, quả là con có thể thực hiện những cái gọi là phép lạ của Giê-su. Những kỳ tích này không thật là phép lạ theo nghĩa chúng không thể được giải thích và chỉ có thể được Giê-su thực hiện. Chúng hoàn toàn là thành quả tự nhiên của một người trong tâm thức Ki-tô sử dụng những quy luật tâm linh cao hơn có khả năng phủ quyết và thay thế quy luật vật chất. Khái niệm tâm làm chủ vật chất là một điều hoàn toàn khả dĩ, nhưng chỉ có tâm Ki-tô mới cho con khả năng điều ngự vật chất thật sự. Khả năng làm chủ vật chất này không phải là chuyện huyễn tưởng, mà thực sự là kế hoạch của Đấng Sáng tạo dành cho con, và đó là tại sao ngài mới bảo những người đồng-sáng tạo của ngài hãy nắm quyền cai quản trái đất. Cách tối hậu để làm chủ vũ trụ vật chất là lấy tâm làm chủ vật chất, hầu Ánh sáng Mẫu-Vật tức khắc trải bày ra hình tư tưởng của con mà không gặp yếu tố trì hoãn. Điều thày đang trình bày ở đây là một cách diễn tả mới cho câu “vũ trụ là một tấm gương.” Có thể nói là con – tức cái Ta Biết – đã được thiết kế để là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế, và con không bao giờ có thể ngừng đồng-sáng tạo. Cho dù con có xem mình là gì đi nữa, con vẫn luôn luôn đồng-sáng tạo. Những gì con đồng-sáng tạo sẽ là sự biểu lộ của trạng thái tâm thức hiện thời của con, của hình ảnh bản thân con trong lúc này. Những gì con đồng-sáng tạo trong trải nghiệm vật chất của con là sự diễn tả của trạng thái tâm thức, hình ảnh về bản thân và thế giới quan của con.
Nếu con tự đồng hóa như một con người hữu diệt sống trong một thế giới hạn chế, những gì con đồng-sáng tạo sẽ là sự trải bày của trạng thái tâm thức này. Có nghĩa là việc đồng-sáng tạo của con chỉ có thể sử dụng các quy luật vật chất cùng những năng lượng đã bị hạ thấp xuống độ rung của phổ tần số vật chất. Đây là tại sao việc thị hiện dồi dào của con sẽ bị hạn chế trong các năng lượng được tìm thấy trong phổ tần số vật chất và các quy luật điều hành năng lượng trong trạng thái rung động này. Đây là tại sao con phải gom góp sự dồi dào bằng cách chiếm đoạt từ người khác thay vì sinh sản ra từ nguồn cung cấp vô tận của vũ trụ. Và đây là tại sao đời con trở thành một cuộc vật lộn thay vì là một trải nghiệm an lạc, tăng trưởng và tự thăng vượt không bao giờ ngừng.
Thượng đế đã cho con quyền tạo ra bất kỳ trải nghiệm nào con muốn – ít ra trong một thời gian. Nếu con muốn đời mình là một cuộc vật lộn, con có quyền tạo ra cuộc vật lộn, và con có quyền kéo dài cuộc vật lộn bao lâu con muốn. Do con đang theo khóa học này, thày đoán con đã đi đến kết luận là con không còn muốn vật lộn nữa, con muốn cái gì hơn thế, cái gì tốt hơn. Nếu thật sự con muốn hơn thế, con phải vươn ra khỏi cái ta hữu diệt cùng lối suy luận nhị nguyên của nó. Con phải vươn ra khỏi các quy luật cơ học và các năng lượng thấp tần số của vũ trụ vật chất. Để bắt đầu sử dụng các quy luật tâm linh, con phải làm hai chuyện. Con phải sẵn lòng đi bước đầu tiên. Và con cũng phải có đức tin là nếu con cứ tiếp tục đi những bước đúng đắn, rốt cuộc con sẽ nhìn thấy thay đổi trong đời mình.
13.8. Đức tin dựa trên hiểu biết Ki-tô
Điều chúng ta làm được trong thời đại hôm nay – một điều rất khó đạt được cho người tầm đạo tâm linh trong các thế kỷ trước – là chúng ta có thể vận dụng những khám phá của khoa học. Thay vì đức tin mù quáng, chúng ta có thể có đức tin dựa trên hiểu biết, dựa trên tảng đá của hiểu biết Ki-tô. Suốt các thời đại, nhiều tôn giáo và nhiều người tâm linh đã nghĩ rằng để thực sự có đức tin, con cần nhắm mắt tin vào hứa hẹn của tôn giáo mình, tin vào các tín điều do tôn giáo mình định ra – mặc dù con không thể hiểu các quy luật đằng sau lời hứa và không thể giải mã tín điều. Đó là loại đức tin giả hiệu phát sinh từ sự kiện tôn giáo chính thống đã tước mất chìa khóa của hiểu biết.
Tôn giáo không thể cho con người sự hiểu biết mà họ cần để có đức tin chân chính, một đức tin dựa trên cái biết nội tâm thay vì sự nhắm mắt tuân thủ các tín điều vỏ ngoài. Đây là khác biệt cơ bản giữa niềm tin mù quáng mà các tôn giáo chính thống cổ võ, và đức tin đích thực mà Giê-su cùng mọi vị thày tâm linh chân chính khuyến khích khắp các thời đại. Giê-su không muốn người ta nhắm mắt tin theo lời dạy của thày, mà thày muốn ai nấy sử dụng chìa khóa của hiểu biết để bước vào bên trong chính mình và đạt được hiểu biết từ cái ta Ki-tô sẽ cho phép mình biết với cái biết nội tâm rằng lời dạy của thày là chân thực.
Điều chúng ta cần làm trong thời đại hôm nay là lấy hiểu biết của khoa học và đưa nó vượt khỏi vũ trụ vật chất. Thật là một diễn biến đáng tiếc khi khoa học đã hoàn toàn xa rời tôn giáo. Điều này cũng dễ hiểu với tình trạng của tôn giáo thời trung cổ và việc giáo hội chính thống đã đàn áp các nhà khoa học đầu tiên như thế nào vì khám phá của họ. Về lâu về dài, đây không phải là một tình trạng có thể bền vững vì cả khoa học lẫn tôn giáo đều không thể phát huy hết tiềm năng thực sự của mình nếu cả hai cứ đối chọi với nhau. Nhân loại không thể tiến vào một thời đại hoàng kim chừng nào khoa học và tôn giáo còn giao chiến với nhau. Cả khoa học lẫn tôn giáo cần đi theo định luật cơ bản về sự tự thăng vượt, vì nếu không thì rốt cuộc cả hai sẽ lỗi thời. Ở một mức cá nhân hơn, con không thể đạt sự sống dồi dào nếu con không giải quyết cái có vẻ là mối xung đột giữa hai thế giới quan khoa học và tôn giáo, một xung đột mà con đã biết đến từ tuổi thơ ấu.
Đúng như khoa học đã nói với con, thế giới vận hành theo một số quy luật cơ học nhất định. Sự thiếu sót của khoa học trong hình thức hiện tại nằm ở chỗ khoa học từ chối nhìn xa hơn vũ trụ vật chất. Con cần thừa nhận sự thật thiết yếu là có một bộ quy luật tâm linh vượt khỏi các quy luật vật chất. Các quy luật này cũng hoạt động một cách máy móc, theo nghĩa là nếu con phóng một hình ảnh đấu tranh vào tấm gương vũ trụ, vũ trụ sẽ phản chiếu lại cho con những điều kiện trải bày ra cảm nhận đấu tranh của con. Nếu con phóng chiếu một hình ảnh hạnh phúc và dồi dào vào tấm gương, vũ trụ cũng sẽ phản chiếu lại điều này cho con.
Các quy luật tâm linh không hẳn là đơn giản như các quy luật vật chất mà khoa học hiện nay biết đến. Vũ trụ vật chất được thiết kế với một yếu tố trì hoãn để cho phép con phạm lỗi mà không tự hủy hoại ngay lập tức. Yếu tố trì hoãn này hoạt động theo các quy luật cơ học, nhưng vì khoa học hiện nay không công nhận bất cứ gì vượt khỏi vật chất, cho nên các nhà khoa học không thể hiểu nổi các quy luật này vận hành thế nào. Kết quả là hầu hết mọi người cũng không hiểu các quy luật này. Khoa học không thể cho họ hiểu biết này, và tôn giáo chính thống cũng vậy khi tôn giáo bám chặt vào tín điều quá khứ và từ chối áp dụng chìa khóa của hiểu biết để dần dần hiểu được sâu hơn.
Trong một chương tới, thày sẽ mô tả chi tiết hơn các chu kỳ của năng lượng chảy xuống từ cõi tâm linh xuyên qua bốn tầng của vũ trụ vật chất. Điều thày muốn con hiểu trong phần này là khi con quyết định thay đổi cách tiếp cận cuộc sống, khi con quyết định với lên một cách tiếp cận tâm linh hơn, con sẽ khởi động những nguyên nhân chắc chắn sẽ được tấm gương vũ trụ phản chiếu lại cho con. Vấn đề là nguyên nhân mà con khởi động sẽ không phản chiếu lại ngay lập tức – ít ra cho tới khi con đạt được tâm thức Ki-tô trọn vẹn. Nguyên nhân mà con khởi động phải làm việc tuần tự xuyên qua hệ thống năng lượng của vũ trụ vật chất trước khi thị hiện thành những điều kiện vật lý thực tế trong đời con, và điều này cần thời gian. Thêm vào đó, cũng có thể là nguyên nhân sẽ bắt đầu quay về con nhưng nó có thể bị cầm chân, ngăn chặn hay đổi hướng bởi một số điều kiện trong tâm con.
13.9. Thị hiện dồi dào là một hành trình
Nỗ lực của con để cải thiện đời mình sẽ gặp một sự chống đối nào đó, và nếu con không hiểu lực kháng cự và làm gì đó để ứng phó, con sẽ không nhìn thấy kết quả nỗ lực của mình. Khắp thế giới có hàng triệu người cầu nguyện thày mỗi ngày. Nhiều người trong số này đã cầu nguyện thày từ nhiều năm hay nhiều thập kỷ, thường là để có sự thay đổi trong đời họ. Lời cầu của họ đã không được hồi đáp và đa số không hiểu nổi tại sao. Hàng tỷ người cầu nguyện bất kỳ vị thần linh nào mà họ biết, nhưng lời cầu của họ cũng không được hồi đáp. Một số đã mất hết đức tin và rời bỏ mọi loại tôn giáo vì lời cầu của họ không được đáp ứng, còn một số khác thì vẫn tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục làm cùng một chuyện với kỳ vọng một ngày kia Thượng đế sẽ cho họ một câu trả lời khác hơn.
Con cần nâng cao hiểu biết của mình về những gì con cần làm để thị hiện điều con mong muốn. Điều con cần làm là con phải nắm lại quyền cai quản đời mình và tích cực loại bỏ những rào cản đang ngăn chặn lời cầu nguyện của con được hồi đáp, ngăn chặn con nhận được sự dồi dào của Thượng đế. Những khối chắn này là do chính con tạo ra xuyên qua sự đồng hóa với cái ta hữu diệt, và chỉ có con mới có thể giải thể chúng. Thày không thể, thày không có ủy quyền từ Thượng đế để bước vào quả cầu cái ta của con và gỡ bỏ các khối chắn của cái ta hữu diệt của con. Thày không thể gỡ bỏ các tin tưởng nhị nguyên của cái ta hữu diệt của con, thày không thể gỡ bỏ năng lượng tha hóa mà con đã cho phép tích tụ trong quả cầu cái ta của mình. Con là người đã tạo ra các điều kiện này và cho phép chúng đi vào quả cầu cái ta, và con chính là người phải gỡ bỏ chúng. Điều thày có thể làm cho con là giải thích cách làm như thế nào, và thày sẽ làm vậy trong các chương tới.
Việc thị hiện dồi dào trong đời con đòi hỏi con phải bắt đầu thay đổi cách tiếp cận cuộc sống bằng cách thay đổi tâm thức của con. Khi con bắt đầu thay đổi tâm thức, con sẽ chắc chắn khởi động một số nguyên nhân, và các nguyên nhân này sẽ tuân theo quy luật tâm linh cao hơn do Thượng đế quy định. Các quy luật này cũng mang tính cơ học và tất yếu y như định luật về trọng lực vậy. Nếu con ném một vật lên không trung, con biết là nó sẽ rơi trở lại mặt đất. Nếu con thực sự thay đổi tâm thức, con nên biết là nó sẽ chắc chắn biểu hiện trong thực tế vật lý của con. Sự biểu hiện sẽ không xảy ra tức thì, vì có thể con đã dựng lên một số rào cản ngăn trở sự biểu hiện tới được phổ tần số vật lý. Cho đến khi con gỡ bỏ các rào cản này đi, thì các nguyên nhân con đã khởi động sẽ vẫn tiếp tục là một tiềm năng chưa thể biểu hiện trong vật lý. Đó vẫn là những điều hy vọng nhưng chưa được nhìn thấy.
Khi con thay đổi cách tiếp cận cuộc sống, con không thể chờ đợi – như nhiều đạo sư về thịnh vượng hứa với con – là con sẽ nhìn thấy kết quả tức thì. Con có thể mất một thời gian để thấy kết quả vật lý cho nỗ lực của mình. Thời gian này sẽ tùy thuộc từng cá nhân, tùy thuộc vào số rào cản mà con đã dựng lên trong quả cầu cái ta. Để thực sự thay đổi trải nghiệm cuộc sống, con phải có một lượng đức tin nào đó. Con phải sẵn lòng đi bước đầu tiên mà không thấy ngay kết quả, không lập tức có ngay bằng chứng là mình đang đi con đường đúng đắn. Hãy thử tưởng tượng là thày nghĩ ra một hệ thống cải thiện bản thân, và nếu con tuân theo lời khuyên của thày thì con sẽ nhìn thấy những thay đổi tức thì trong vũ trụ vật chất. Nếu thày có một hệ thống như vậy, con sẽ có thể chứng mình tức khắc là hệ thống này hiệu quả. Nhưng vũ trụ vật chất không vận hành như thế. Điều thày có thể làm cho con là giải thích cách thức hoạt động của hệ thống năng lượng của vũ trụ vật chất và những gì con cần làm để tạo ra thay đổi vật lý trong đời mình. Vì con sẽ mất thời gian để thị hiện kết quả, con phải có một đức tin nào đó, con phải sẵn lòng làm thử và tiếp tục thử thêm cho dù con không lập tức thấy được kết quả cho nỗ lực của mình.
Người ta từng nói là một hành trình dài ngàn dặm khởi đầu bằng một bước. Con cũng nên xem tiến trình thị hiện dồi dào trong đời con như một hành trình. Con cần thời gian để hoàn tất hành trình. Một chuyến đi dài ngàn dặm khởi đầu bằng một bước, nhưng con không thể hoàn tất chuyến đi trong một bước. Nó chỉ có thể hoàn tất khi con liên tục bước đi từng bước nhỏ một cho đến khi con tới đích. Nỗ lực cải thiện cuộc sống của con cũng giống như vậy. Con phải tiếp cận nó như một hành trình. Con phải sẵn lòng đi bước đầu tiên để hành trình bắt đầu và con không bị kẹt trong thế bất động. Nhưng con không thể chờ đợi là bước đầu tiên này sẽ tự động đưa con tới đích ngay lập tức. Con phải sẵn lòng tiếp tục bước đi từng bước một cho đến khi con thấy kết quả hiện thực từ nỗ lực của mình.
13.10. Vũ trụ sẽ phản chiếu lại đức tin của con
Đây là điểm mà một lần nữa chúng ta gặp phải vấn đề. Ở một mức độ nào đó, vấn đề này được củng cố bởi khoa học, bởi ông hoàng của thế gian, bởi các thày giả. Khoa học đã sản xuất nhiều công nghệ đem lại cho con người những kết quả tức thì, sự thoả mãn tức khắc. Khi con bước vào căn phòng tối và bật công-tắc trên tường, con chờ đợi ánh đèn sẽ bật lên tức khắc. Khi con vào xe và vặn chìa khóa, con chờ đợi xe sẽ nổ máy tức thì. Công nghệ đã dạy cho con người là nếu họ không có được kết quả mong đợi ngay lập tức, thì phải có gì đó không ổn. Ông hoàng của thế gian đã lợi dụng sự phát triển của khoa học để khơi dậy trong tâm con người niềm tin vi tế là họ có quyền được thỏa mãn tức thì. Một lần nữa, chuyện này biến thành một con đường giả mà nhiều đạo sư về thịnh vượng đã khai thác bằng cách hứa hẹn kết quả tức thì. Hầu hết những ai đã tin vào lời hứa hẹn này đều vỡ lẽ là kết quả tức thì thường không tức thì chút nào. Lý do là vì, để đạt được kết quả đích thực, con cần thay đổi tâm thức của con, và tâm thức của con có tới mấy lớp cần được thanh lọc trước khi con nhìn thấy thành quả vật lý cho nỗ lực của mình.
Thày đã đến để cho con con đường đích thực dẫn đến sự sống dồi dào, và vì vậy thày sẽ không hứa hẹn kết quả tức khắc. Thày sẽ làm điều mà nhiều đạo sư về thịnh vượng sẽ bảo là tự sát – xét từ góc độ kinh doanh, nhưng thày đâu làm chuyện kinh doanh. Thày sẽ bảo con, một cách rõ ràng và thẳng thừng, rằng con sẽ không trải nghiệm thành quả tức khắc từ bất kỳ phương pháp nào thày trao cho con trong khóa học này. Ít nhất thày có thể hứa với con là con sẽ không nhìn thấy của cải thừa mứa thị hiện trong đời con ngay lập tức. Con có thể trải nghiệm một loại thành quả khác, cụ thể là sự gia tăng cảm giác an lạc tâm linh, và quả thực đây là điều có thể xảy ra gần như tức khắc khi con đi theo con đường thày phác họa.
Thay vào đó, điều thày sẽ làm cho con là chỉ ra con đường đích thực để thị hiện dồi dào. Thày sẽ trình bày cho con những tầng khác nhau của vũ trụ vật chất, những tầng khác nhau của chính tâm con, và làm thế nào một nguyên nhân mà con khởi động bằng tâm ý thức phải tuần hoàn xuyên các tầng này trước khi có thể thị hiện như một điều kiện vật chất trong đời con. Thày sẽ chỉ cho con làm thế nào con có thể loại bỏ một cách hệ thống những khối chắn trong các tầng của tâm con đang ngăn chặn viễn quan dồi dào của con trở thành hiện thực vật lý. Đây là một cách tiếp cận sẽ đem lại cho con hiểu biết, và dựa trên hiểu biết này, con có thể xây dựng một loại đức tin mới. Đức tin này không mù quáng. Đức tin này đặt nền tảng trên sự hiểu biết về cách vũ trụ vận hành và tại sao viễn quan dồi dào của con phải mất thời gian để trở thành hiện thực vật lý.
Tại sao thày lại dài dòng giải thích cho con sự cần thiết phải có đức tin? Tại sao không đơn giản chỉ cho con làm cách nào con có thể thị hiện mọi thứ? Thày làm vậy vì con cần phải hiểu là thực tế của những gì thày đang nói với con ở đây không thể chứng minh được trừ khi con có đức tin. Thày đã nói với con nhiều lần rằng vũ trụ là một tấm gương. Thày đã thấy nhiều người đọc sách hay tham dự hội thảo để học cách thị hiện dồi dào trong cuộc sống, và họ đã áp dụng một cách miên mật các phương pháp được chỉ dạy.
Ở ngoài kia có nhiều thày giả, nhưng không phải tất cả mọi đạo sư đều là thày giả. Một số đạo sư trong lãnh vực thị hiện thịnh vượng quả thực có dạy một số nguyên tắc chân chính có thể đem lại thành quả nếu áp dụng. Vấn đề là nếu học viên áp dụng các kỹ thuật đạt tăng trưởng tâm linh hay thịnh vượng trong khi vẫn mang trong lòng một số nghi vấn về giá trị hay hiệu quả của kỹ thuật, thì các kỹ thuật đó không thể có tác dụng. Vũ trụ là một tấm gương. Nếu con phóng chiếu lòng ngờ vực vào tấm gương vũ trụ thì gương chỉ có thể phản chiếu lại các điều kiện của tâm thức con. Khi con thực hành một kỹ thuật chính đáng để tăng trưởng tâm linh hay có dồi dào nhưng tâm con vẫn lởn vởn nghi vấn, thì vũ trụ sẽ phản chiếu lại cho con những điều kiện xác nhận nghi vấn của con. Nghi vấn của con về tính hiệu quả của kỹ thuật sẽ làm giảm hiệu quả của kỹ thuật. Nếu con nghi ngờ liệu một kỹ thuật có hiệu quả hay không, thì kỹ thuật đó sẽ không hiệu quả – đối với con. Nếu con áp dụng cùng kỹ thuật đó với đức tin, vũ trụ sẽ phản chiếu lại đức tin này cho con và quả nhiên kỹ thuật sẽ thành công.
Suốt các thời đại, nhiều người đã lấy lời dạy của Giê-su, cố gắng đem ra áp dụng trong đời mình. Vì họ có một số nghi ngờ hay vì họ không hiểu giáo lý đầy đủ, họ đã không đạt được kết quả mong muốn. Rốt cuộc họ suy luận là con đường do Giê-su vạch ra đơn giản không hiệu quả. Họ kết luận những lời hứa của tôn giáo là lời hứa hão. Nhưng con đường do Giê-su vạch ra thật sự đem lại kết quả. Con đường do tất cả mọi tôn giáo chân chính khác vạch ra – có mấy tôn giáo như vậy – thật sự đem lại kết quả.
13.11. Đức tin chính là hiện thực
Quả thật con có trong quả cầu cái ta của con tất cả những gì con cần để thị hiện sự sống dồi dào, tăng trưởng tâm linh và đạt sự cứu rỗi tối hậu. Lời dối của ông hoàng thế gian là con không có trong chính mình những gì con cần để được cứu rỗi, rằng con cần một vị cứu tinh, con cần một ai khác hay một điều gì từ bên ngoài để được trọn vẹn. Đây là lời dối trá vì con vốn có mọi thứ bên trong con rồi. Để tận dụng những gì con có, con phải tới chỗ sử dụng được chúng với đức tin trọn vẹn, một đức tin đích thực dựa trên kiến thức lẫn hiểu biết. Chỉ khi nào con dùng những gì con có với đức tin hoàn toàn thì tấm gương vũ trụ mới phản chiếu lại cho con những gì con tin, những gì con đã chấp nhận là một thực tại hiện thực. Chỉ khi đó con mới thị hiện những kết quả mà con mong mỏi.
Vũ trụ phản chiếu lại cho con những điều kiện vật lý biểu diễn các hình tư tưởng con giữ trong tâm. Nếu hình tư tưởng dựa trên nghi vấn hay giả định không chính xác, đó sẽ là điều tấm gương phản chiếu lại cho con. Nếu hình tư tưởng của con dựa trên một đức tin vượt khỏi sự hiểu biết, sự hiểu biết nhị nguyên của cái ta hữu diệt, thì vũ trụ sẽ phản chiếu lại cho con sự sống dồi dào. Chỉ khi nào con thực sự thay đổi tâm thức, bỏ qua bên các nghi ngờ và lý luận nhị nguyên của cái ta hữu diệt, thì con mới đạt được sự sống dồi dào mà Cha con sẽ hoan hỉ ban cho con. Chỉ khi nào con có niềm tin tuyệt đối vào Thượng đế và thực tại của ngài, thì con mới có khả năng và ý muốn nhận được sự sống dồi dào của ngài. Chỉ khi nào con thực sự chấp nhận mình là ai thì con mới chấp nhận là mình xứng đáng được nhận sự sống dồi dào và mình có khả năng biểu hiện nó từ bên trong chính mình. Chỉ khi nào con có sự chấp nhận nội tâm toàn diện này thì con mới có đức tin tuyệt đối – đức tin dựa trên tảng đá Ki-tô thay vì cát lún của tâm thức nhị nguyên – cho phép con chấp nhận là quả thực sự dồi dào của Thượng đế có thể được biểu hiện và trải bày trong vũ trụ vật chất. Đó là tại sao đức tin là chất liệu của những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều chưa thấy. Con phải có đức tin đến độ khi con với lên tâm Ki-tô và đứng thẳng hàng với thực tại Thượng đế, thì thực tại này sẽ thị hiện trong đời con. Đây không phải là chuyện huyễn tưởng mà là chuyện học cách vận hành của quy luật Thượng đế, xong áp dụng các quy luật này với đức tin trọn vẹn để viễn quan nội tâm của mình trở thành hiện thực – như Giê-su đã có nhiều dịp chứng tỏ.
Con hãy lấy một quyển Kinh thánh và đọc những lần Giê-su chữa bệnh. Con sẽ thấy là trong mỗi trường hợp, đức tin của người bệnh đã giữ một vai trò thiết yếu trong việc chữa lành. Trong một số trường hợp, Giê-su hỏi người đó có thật tin rằng thày có uy lực chữa lành hay không, và chỉ khi họ có đức tin thì họ mới được chữa lành (Matthew 9:28). Lại có trường hợp Giê-su đến thăm một thị trấn, và do sự thiếu đức tin của cư dân ở đó mà không ai được chữa lành (Matthew 13:58). Một lần nữa, đây lại là hệ quả của vũ trụ như một tấm gương. Nếu con tin tuyệt đối là một điều gì sẽ xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Nếu con nghi ngờ thì nó sẽ không xảy ra, và như vậy chính lòng nghi ngờ của con đang được thị hiện. Trước khi thày có thể giải thích cho con làm thế nào các nguyên nhân mà con khởi động di chuyển xuyên qua vũ trụ vật chất, thày cần giảng cho con tầm quan trọng của việc đặt niềm tin vào chính tiến trình đó.
13.12. Trước khi con có thể nhận, con phải sẵn sàng cho
Chìa khóa cốt yếu trong việc thị hiện dồi dào là con phải bắt đầu tỏa rạng dồi dào. Chìa khóa cốt yếu trong việc nhận dồi dào của Thượng đế là buông bỏ trước hết bất cứ dính mắc nào con có với thế gian. Thày đã nghiên cứu con người và tâm lý của họ trong một thời gian rất dài. Thày đã nghiên cứu những người tìm nhiều dồi dào hơn và những người tìm sự tăng trưởng tâm linh dưới mọi hình thức. Thày có thể cam đoan với con là, hơn bất cứ gì khác, vấn đề ngăn cản họ thị hiện sự dồi dào chính là họ thiếu đức tin.
Có một vấn đề cố hữu mà con cần phải hiểu. Hầu hết mọi người khi họ gắng sức đạt được dồi dào, đó là vì họ cảm thấy không dồi dào, họ cảm thấy không trọn vẹn, khiếm khuyết, thiếu thốn. Khi họ bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên thì họ suy luận theo tâm nhị nguyên. Họ cảm thấy là để có dồi dào, họ cần phải nhận được gì đó từ ngoài. Khi đã tìm cầu sự dồi dào thì khó làm sao tránh được tâm trạng cho rằng mình cần nhận được gì đó. Họ cần tìm ra một cách khiến vũ trụ cho họ những gì họ muốn. Vũ trụ là một tấm gương, cho nên nếu họ phóng chiếu sự thiếu hụt ra tấm gương, thì gương sẽ phản chiếu lại một tình trạng thiếu hụt. Nếu con phóng chiếu ra tấm gương một trạng thái dồi dào, sẵn sàng cho ra, thì vũ trụ cũng sẽ phản chiếu lại dồi dào cho con, qua đó vũ trụ và người khác sẽ cho con nhiều hơn. Điều này được Giê-su giải thích khi thày nói: “Ai đã có thì sẽ được cho thêm, và họ được thêm dồi dào. Còn ai không có thì sẽ bị lấy mất, ngay cả những gì họ có” (Matthew 13:12).
Con không thể thị hiện dồi dào chừng nào con còn ở trong trạng thái tâm thức khiến con cảm thấy thiếu hụt. Con không thể có được dồi dào chừng nào con còn ở trong tâm trạng thiếu thốn. Nếu con gửi cái trống không vào tấm gương vũ trụ, gương sẽ phản chiếu được gì cho con ngoại trừ thêm nhiều trống không? Cách duy nhất để nhận được dồi dào là phóng chiếu dồi dào vào tấm gương vũ trụ, và để làm được vậy, con phải thay đổi trạng thái tâm con để con không còn cảm thấy thiếu hụt. Con phải khắc phục xu hướng bám giữ những gì con đang có, sợ phải cho đi cái ít ỏi mà con nghĩ mình có. Con phải đem con vào một trạng thái trù phú nơi con sẵn lòng cho ra. Trước khi con có thể nhận, con phải sẵn sàng cho.
Con phải sẵn lòng cho ra những gì con có trước khi con có thể nhận thêm. Đây là nguyên lý Giê-su đã giải thích khi thày nói là nếu con tìm cách cứu mạng sống của mình – tức ý niệm sống còn hữu diệt của mình – thì con sẽ mất đi sự sống (Matthew 16:25). Nếu con sẵn lòng mất đời sống – tức các dính mắc vào một ý niệm sống còn giới hạn – trong mục đích đạt được tâm thức Ki-tô, thì con sẽ tìm thấy sự sống vĩnh cửu, sự sống dồi dào. Nếu con tìm cách bám chặt những gì con có, con sẽ phóng ra một trạng thái thiếu thốn vào vũ trụ và vũ trụ sẽ phản chiếu nó lại cho con. Cách duy nhất để thay đổi sự thể này là con phải buông bỏ ý niệm bản sắc giới hạn của con. Con phải buông bỏ các dính mắc mà con có ngay bây giờ trước khi Thượng đế có thể cho con nhiều hơn.
Hãy để thày trình bày ý tưởng này từ một góc độ khác. Nhiều người cho rằng điều họ muốn là sự dồi dào, và các thế lực của thế gian đã lập trình khiến họ nghĩ là họ phải nhận được dồi dào từ thế giới vật chất. Kỳ thực, điều họ muốn là sự trọn vẹn, và trọn vẹn thì chỉ có thể tìm thấy trong quả cầu cái ta của họ. Khi con bước vào bên trong và tìm vương quốc của Thượng đế cùng sự công chính của ngài – tức là việc sử dụng đúng đắn các khả năng sáng tạo của mình – con sẽ nhận được sự sống dồi dào trực tiếp từ Thượng đế (Matthew 6:33). Xong con sẽ tỏa rạng tâm thức dồi dào đó, và tấm gương vũ trụ sẽ bắt buộc phản chiếu nó trở về con dưới dạng sự dồi dào vật chất – nếu đây là điều con muốn thật sự. Chừng nào con tin là con cần gì đó từ bên ngoài chính con, con sẽ không thể đạt đến trọn vẹn đích thực. Tấm gương vũ trụ chỉ có thể phản ánh lại cho con trạng thái thiếu thốn.
13.13. Cho ra không nhất thiết là bố thí
Khi thày nói đến việc cho ra, không nhất thiết là thày muốn nói đến việc bố thí của cải vật chất. Thày muốn nói chủ yếu đến việc từ bỏ ý niệm bản sắc giới hạn hữu diệt của mình, ý niệm rằng mình tách biệt khỏi dòng chảy dồi dào bất tận của Thượng đế. Con cần buông bỏ dính mắc tình cảm với những thứ của thế gian, vì những thứ này khiến con cảm thấy như thể con không làm sao trọn vẹn được nếu con không có chúng. Đây là nguyên lý của sự tăng trưởng mà thày đã có đề cập trước đây. Sự tăng trưởng, ngay trong bản chất, là một tiến trình thăng vượt bản thân. Khi con tăng trưởng, con trở nên hơn nữa. Nhưng trước khi con có thể tăng trưởng, con phải sẵn lòng buông bỏ hình tư tưởng hiện thời của con.
Trước khi con có thể nhận dồi dào của Thượng đế, con phải chịu buông bỏ trạng thái thiếu thốn hiện thời của con. Cách duy nhất để buông bỏ trạng thái thiếu thốn, cảm giác mình không có đủ, là con phải chịu buông bỏ những gì con có. Cách duy nhất để nhận một ý niệm sống lớn hơn là con phải sẵn lòng buông bỏ ý niệm sống giới hạn. Con phải sẵn lòng khắc phục các dính mắc con đang có, sẵn lòng mất đi ý niệm sống giới hạn để nhận lấy một ý niệm sống lớn hơn – là ý niệm sống sẽ phóng ra một hình ảnh dồi dào hơn vào tấm gương vũ trụ.
Có một quy luật tâm linh nói rằng bất cứ gì con phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ sẽ – qua quyền năng của tâm con – được phản chiếu lại cho con dưới dạng các điều kiện vật lý trong đời con. Nếu con thay đổi tâm mình từ trọng tâm thiếu thốn sang trọng tâm dồi dào, vũ trụ sẽ theo đó mà hồi đáp. Để chứng minh quy luật này, con phải sẵn lòng buông bỏ cảm nhận giới hạn hiện thời và khoác vào một cảm nhận dồi dào. Xong con phải tin tưởng là trong tương lai, vũ trụ sẽ trả lại cho con những điều kiện phản ánh tâm thái mới của con. Con phải sẵn lòng cho đi mà không có gì chắc chắn, không có bằng chứng vật lý nào là con sẽ nhận lại phần thưởng xứng đáng của mình. Lý do là vì phần thưởng sẽ cần thời gian để quay trở về con. Ngay lúc con cho đi, không thể có bằng chứng vật lý nào cho thấy là con sẽ nhận được. Con phải cho đi trong đức tin, và con phải sẵn lòng giữ vững niềm tin này cho đến khi phần thưởng hiện thực dưới dạng vật lý.
Quy luật của Thượng đế luôn luôn hiệu nghiệm, quy luật của ngài không bao giờ sai sót. Nhưng cách vận hành của quy luật là trả về cho con bất cứ gì con gửi ra. Nếu con tin vào quy luật – nếu con có đức tin là bất cứ gì con cho sẽ được trả lại nhân lên nhiều lần – thì con sẽ chứng minh quy luật. Con sẽ làm vậy bằng cách giữ vững đức tin là cuối cùng mình sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Nếu con nghi ngờ quy luật, hay nếu con không giữ được niềm tin cho đến khi kết quả vật lý thị hiện, thì con cũng sẽ chứng minh quy luật. Con sẽ chứng minh là cảm nhận vật lộn tạo ra vật lộn.
13.14. Con là một mặt trời tỏa rạng dồi dào
Con được thiết kế để là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế, con được thiết kế để ánh sáng Thượng đế, sự dồi dào của Thượng đế, tuôn chảy qua con. Đây là nguyên lý được Giê-su giải thích qua câu: “Con đã được lãnh miễn phí thì hãy cho miễn phí” (Matthew 10:8). Để thị hiện dồi dào trong đời mình, con phải tới điểm xem mình là một mặt trời không ngừng tỏa rạng ánh sáng tâm linh chan hòa từ nguồn cung cấp bất tận của Thượng đế. Nếu con biết là con đang tiếp cận một nguồn ánh sáng bất tận từ Thượng đế, tại sao con lại ngại trao ánh sáng đó đi (dưới sự hướng dẫn minh triết của cái ta Ki-tô của con, để con không ném ngọc trai trước mặt heo)? Con cần mở rộng nhận biết để biết được là mình đang nhận miễn phí ánh sáng từ Thượng đế thì mình cũng có thể trao miễn phí cho người khác. Chỉ khi nào con cho ra những gì con có một cách tự do, thì con mới nhận được nhiều hơn một cách tự do.
Vấn đề, tất nhiên, là ngay bây giờ con không trải nghiệm là mình đang nhận ánh sáng tâm linh từ Thượng đế. Lý do là vì con đã tự đồng hóa như cái ta hữu diệt, và cái ta hữu diệt thì không thể cảm nhận dòng chảy dồi dào của Thượng đế. Đây là điểm cốt yếu – cái ta hữu diệt không bao giờ có thể chứng minh là quy luật của Thượng đế hiệu nghiệm. Để chứng minh quy luật, con phải khởi sự tiến trình tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt. Và để khởi sự tiến trình, con phải sẵn lòng thử nghiệm mặc dù con không có bằng chứng là thử nghiệm của mình sẽ thành công. Con phải sẵn lòng cho ra mặc dù con không có bằng chứng là con sẽ nhận vào. Con phải sẵn lòng đi bước kế tiếp mặc dù con không biết bước này sẽ dẫn mình tới đâu. Để thị hiện dồi dào trong đời con, con phải học cách sử dụng những quy luật tâm linh cao hơn vượt khỏi các quy luật vật chất. Cái ta hữu diệt của con không thể sử dụng, hay thậm chí nhận diện, những quy luật này. Con phải sẵn lòng với tay ra khỏi cái ta hữu diệt, và con phải tiếp tục với đến tâm Ki-tô cho dù con không nhìn thấy kết quả trong một thời gian.
Quá nhiều người đã bắt đầu sử dụng một kỹ thuật để có dồi dào hay tăng trưởng tâm linh. Xong họ chán nản, ngừng lại, ngay trước khi họ sắp sửa nhìn thấy kết quả. Đó là tại sao điều thiết yếu là con hiểu được bốn tầng của vũ trụ vật chất, và làm thế nào những nguyên nhân do con khởi động phải tuần hoàn xuyên qua bốn tầng này trước khi con thấy kết quả vật lý. Đây là hiểu biết thày sẽ cho con trong những chương tới, và thày hy vọng nó sẽ giúp con xây dựng một đức tin dựa trên cái hiểu của tâm Ki-tô, vượt khỏi cái hiểu của cái ta hữu diệt. Một khi con có đức tin này, con sẽ sẵn lòng đi bước đầu tiên về hướng sự sống dồi dào, và con sẽ tiếp tục đi từng bước một cho đến khi con thị hiện dồi dào đó trong trải nghiệm đời sống. Con hãy đi theo thày, để thày trao cho con một tầm hiểu sâu xa hơn về bốn tầng của vũ trụ vật chất, và làm thế nào mọi chuyện trong thế giới vật chất đều khởi đầu bằng một ý tưởng, một hình tư tưởng nơi một cõi cao hơn.