Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain. Sáng nay các con vừa lắng nghe một bài giảng tuyệt vời của thày Giê-su khi thày nói là con cần có khả năng nhìn lại đời mình mà không tiếc nuối, và con lý giải tất cả những gì mình đã sống qua đều là những trải nghiệm mà mình cần có. Này con yêu dấu, như con đã bắt đầu nhận ra, thỉnh thoảng các thày ưa đưa cho con một số điều có vẻ mâu thuẫn, bí ẩn. Vậy thày sẽ đưa cho con thêm một điều nữa đây.
13.1. Khả năng nhìn nhận mình đã sai lầm
Con vừa nghe Giê-su nói rằng con cần có khả năng nhìn lại đời mình mà không hối tiếc. Thế thì thày sẽ đề nghị con suy ngẫm điều này: Đâu là đặc tính hay khả năng quan trọng nhất của một đệ tử ở các tầng cao của đường tu tâm linh khi người đó bắt đầu nhìn thấy, hay sẵn lòng nhìn thấy, những khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình? Con yêu dấu, đó chính là khả năng nhìn nhận mình đã sai lầm.
Làm thế nào con có thể dung hòa hai chuyện đó được đây, khả năng nhìn lại đời mình không hối tiếc và nhìn nhận là mình đã sai lầm? À, tự ngã sẽ chụp lấy lời dạy của Giê-su và bảo: “Có nghĩa là tôi phải nhìn lại đời mình và không bao giờ được thấy mình đã sai lầm. Tôi chưa từng sai lầm bao giờ. Tôi chưa từng làm gì sai trái bao giờ. Tôi đã cần trải nghiệm đó, và vì vậy không bao giờ tôi cần cảm thấy mình sai lầm, thế mà giờ đây Saint Germain lại bảo tôi phải có khả năng nhìn nhận mình sai lầm.”
Con hãy để thày cho con thêm một chút lời giảng, một nhãn quan hơi khác về điểm này. Con thấy đó, con yêu dấu, tất cả vấn đề ở đây là những gì con bỏ vào chữ “tôi”. “Tôi” phải có khả năng nhìn nhận là “tôi” đã sai lầm. Có phải cùng cái tôi mà thày đang nói tới? Đâu là cái tôi có thể sai lầm? Là ngã tách biệt. Liệu ngã tách biệt có bao giờ nhìn nhận nó sai lầm hay chăng? Không – nó không có khả năng đó. Vậy cái gì có thể nhìn nhận mình sai lầm? Cái Ta Biết – khi nào nó ý thức. Cái Ta Biết, cùng khi nó nhìn nhận nó đã sai lầm, cũng có khả năng thấy được cái đã sai lầm là ngã vỏ ngoài, là ngã tách biệt. Khi nó nhìn ra điều này, nó có thể tách mình ra khỏi ngã đó. Và do đó con nhận ra là trong khi con nhìn nhận không phải mọi chuyện mình từng làm trong đời đều hoàn hảo, thì đồng thời con cũng tách mình ra khỏi cái ngã đã khiến con hành xử như vậy.
Đây là tại sao con có thể nhìn lại đời mình mà không hối tiếc. Con thật sự có khả năng nhìn thấy một số chuyện mình từng làm là sai lầm. Giê-su hoàn toàn không hàm ý rằng mọi chuyện con từng làm đều tốt, đều đúng hay có thể chấp nhận được theo bất kỳ chuẩn mực nào của lẽ thường tình. Thày không ngụ ý là con phải nhìn lại đời mình và nói: “Ồ, tôi chỉ làm chuyện đó vì tôi cần trải nghiệm đó, cho nên tôi không cần học hỏi gì từ đó.” Hiển nhiên là con cần học hỏi từ đó, con cần xem xét tâm lý của ngã tách biệt đã khiến con làm điều đó là gì. Cho nên khi con phát hiện ra tâm lý đó, con có thể nhìn thấy cái quyết định nằm ẩn đằng sau, con có thể thay đổi quyết định đó một cách ý thức, và đó là khi con có thể để cho ngã tách biệt chết đi. Tất nhiên ở điểm này, con không phải hối tiếc gì hết vì con đã bước lên cao hơn, và đây chính là mục đích của cuộc sống.
13.2. Sử dụng và lạm dụng ngọn lửa tím
Rất nhiều năm trước đây trong một đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, thày đã công khai hóa và ban truyền những dụng cụ để thỉnh cầu năng lượng của lửa tím – là cái tên mà thày đã chọn. Trong đợt truyền pháp này, các thày đã không nhất nhiết nhấn mạnh điều này, một phần vì rất nhiều lời dạy đã được ban ra trước đây rồi, nhưng tất nhiên các thày cũng đã giải thích ngọn lửa tím là gì. Theo một cách nào đó, lửa tím là dụng cụ tẩy xóa của hoàn vũ. Đó là một năng lượng ở một độ rung động có thể được dùng để tẩy xóa mọi năng lượng thấp kém, mọi năng lượng dựa trên sợ hãi trong bốn tầng của vũ trụ vật chất.
Khi con làm một việc gì thì việc đó sản xuất ra một khối năng lượng, có khi được gọi là “nghiệp”, và trước khi con được giải thoát hoàn toàn khỏi nó thì con cần tiêu hủy nghiệp này đi. Một phương thức rất hiệu quả để làm điều này là thỉnh cầu ngọn lửa tím và sử dụng để tiêu hủy năng lượng đó. Vấn đề là như thày có nói, một số đệ tử trong các đợt truyền pháp trước đã lạm dụng sự ban phát lửa tím. Bất cứ khi nào họ làm điều gì tạo năng lượng tha hóa thì họ lại dùng lửa tím để tiêu hủy, nhưng họ không sẵn lòng xem xét cái tâm lý đằng sau việc làm của họ. Và một tuần sau họ lại lặp lại cùng cách hành xử đó rồi lại dùng lửa tím để tẩy xóa, nhưng làm vậy không thực sự giúp họ tăng triển tâm linh. Cũng giống như một số tín hữu đạo Cơ đốc, họ có thể phạm tội xong họ đi xưng tội, thế là họ cảm thấy mình đã được tha tội, và họ lại thoải mái phạm tội một lần nữa và thêm một lần nữa. Họ biết là họ luôn luôn có thể trở về xưng tội và các linh mục sẽ chỉ cần tha mọi tội cho họ.
Hiển nhiên, đó không phải là điều các thày muốn chứng kiến vì nó sẽ buộc chặt con vào một cái máy chạy bộ là khuôn nếp tâm lý mà con chưa giải quyết và không thể nào thoát ra. Kỳ thực trong trường hợp đó, ngọn lửa tím sẽ không giúp cho con thoát ra, vì thay vì bị năng lượng ngày càng đè nặng nhiều hơn thì con lại có thể tránh né không cảm thấy gánh nặng và cứ tiếp tục y như con đang làm. Điều này, hiển nhiên, không phải là điều các thày muốn thấy. Đó là tại sao trong đợt truyền pháp này, các thày đã trao cho con rất nhiều dụng cụ về tâm lý, về cách giải quyết các vấn đề đó hầu con có thể thoát ra khỏi.
13.3. Tầm quan trọng của việc sai lầm
Dẫu sao thì điều thày muốn trao cho con ở đây là mặc dù sẽ tới điểm con bắt đầu đạt được sự minh mẫn ngày càng lớn hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng vẫn có thể có một điều gì đó đang cầm chân con lại khiến con không thấy được mức kế tiếp. Cái cầm chân con lại chính là sự kiện con không thể hay không muốn nói: “Việc đó là sai.”
Hiển nhiên các thày đã trao cho con nhiều lời dạy về nhị nguyên. Khi thày bảo là con phải sẵn lòng nhìn nhận mình “sai lầm”, thày chỉ đang dùng khái niệm cùng ngôn ngữ thường được con người thời nay sử dụng. Thày có thể nói chính xác hơn rằng điều con cần sẵn lòng nhìn thấy và công nhận là con đã có một cái nhìn về cuộc sống, một cái nhìn về bản thân, một cái nhìn và một cách hiểu về giáo lý tâm linh không là cao nhất.
Con có hiểu chăng, con yêu dấu, là con có thể nhìn vào rất nhiều lãnh vực trên thế giới, chẳng hạn chúng ta có thể dùng lãnh vực tôn giáo – một người đã lớn lên trong đức tin Cơ đốc, trong giáo hội Công giáo ví dụ. Người đó đã được dạy dỗ rằng giáo hội Công giáo là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi, là giáo hội chân chính duy nhất. Y đã chấp nhận niềm tin đó và đặt tin tưởng vào đó. Rồi đến một thời điểm trong đời, y bắt đầu nhìn ra học thuyết Công giáo có một số nghịch lý, một số điều không thể được giải thích, một số điều vô lý, một số sự kiện trong lịch sử giáo hội không thể nào đồng thuận với Ki-tô – nhưng y cưỡng lại, không chịu nhìn nhận ở mức ý thức. Đâu là cơ chế tâm lý ở đây? Con có thể bảo đó là tự ngã, con có thể bảo đó là bất cứ gì, nhưng nếu con thực sự nhìn sâu vào cơ chế tâm lý thì điều nhiều người cảm thấy là như sau: Nếu họ nhìn nhận các niềm tin mà họ đã có hay đã khoác vào ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, nếu họ công nhận các niềm tin đó không phải là cao nhất, thì có nghĩa là họ đã sai lầm, và họ không sẵn lòng nhìn nhận mình đã sai lầm. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là lòng kiêu hãnh mà thôi. Nhưng đối với con là đệ tử tâm linh và đối với đa số các con, kiêu hãnh không là đặc tính chủ yếu trong tâm thức con. Vậy đâu là cái cơ chế ứng dụng cho rất nhiều đệ tử tâm linh?
13.4. Nghi ngờ trực giác của mình
Sứ giả này đã sống qua điều đó khi ông còn trẻ. Ông có chân trong một phong trào thiền quán, và ông cảm thấy mình đã được trực giác dẫn dắt gia nhập phong trào đó. Vì vậy ông cho rằng một khi trực giác đã bảo ông bước vào một giáo lý thì giáo lý đó và phong trào đó phải là chân chính. Sau một vài năm, ông bắt đầu nghi ngờ về sự chính đáng của phong trào. Lúc đầu ông không chịu nhìn nhận điều này vì ông sợ phải thừa nhận là phong trào này không chân chính, không là cao nhất. Lý do ông sợ nhìn nhận như vậy là vì ông sẽ cảm thấy trực giác của ông đã sai lầm khi nó bảo ông gia nhập phong trào.
Nếu trực giác của ông sai lầm và ông không thể tin vào trực giác thì liệu ông còn có thể tin vào gì nữa đây? Trong tiềm thức, ông lo sợ bị ném vào một tâm trạng ngờ vực, một vùng hoang địa nơi ông cảm thấy mình không thể tin vào bất cứ gì nữa. Rồi đến một điểm ông đã thừa nhận là phong trào đó không chính đáng hay cao nhất, và ông bỏ đi. Trong khoảng hai năm trời, ông trải qua một tâm trạng oán giận, ông cảm thấy như mình bị trực giác lừa dối, thậm chí ông còn quyết định sẽ không bao giờ tham gia một phong trào tâm linh nào khác. Đấy, như hẳn con cũng biết qua chính bản thân con, bất cứ khi nào con lấy những quyết định kiểu này: “Tôi sẽ không bao giờ làm chuyện này nữa,” thì gần như chắc chắn con sẽ phải làm chuyện đó. Rất may, sứ giả này đạt tới điểm ông lại sẵn sàng tin vào trực giác khi nó bảo ông gia nhập phong trào tâm linh tiếp theo, là một giáo lý của chân sư thăng thiên và một tổ chức được bảo trợ chân chính. Dù vậy, sự kiện này đã tốn ông nhiều năm trời để ông trả lời câu hỏi trong tâm là tại sao trực giác lại bảo ông bước vào phong trào thiền quán kia. Câu hỏi đã đòi hỏi ông hiểu ra là trên con đường tâm linh, vấn đề không phải là mình có lý theo cách nhìn của tự ngã, mà là mình có được một số trải nghiệm xoay chuyển tâm thức mình. Sau một thời gian khá dài, ông ngộ ra là trực giác của ông đã chính đáng khi nó bảo ông tham gia phong trào thiền quán kia, vì trong Sứ vụ Thiêng liêng của ông có việc kinh qua trải nghiệm đó, và ở đó có một bài học mà ông cần học. Nhưng tâm đường thẳng lại diễn giải sáng ngộ trực giác đó theo nghĩa là một khi nó đã bảo ông gia nhập phong trào thì nhất định phong trào đó phải là chân chính.
Có lẽ con có thể nhận diện cùng khuôn nếp này trong chính con khi con cảm thấy mình phải làm một việc gì đó, con được trực giác thúc giục làm việc gì đó. Con hí hửng bước theo con đường do trực giác chỉ ra, thế rồi bỗng chốc con bị té xuống đống bùn cho đến ngập cổ, và con trách: “Tại sao mi lại bảo ta làm chuyện này?”
Một lần nữa, con cần nhìn nhận là con đã cần trải nghiệm đó, và sau đó tất nhiên, con có thể đi muốt tiến trình suy luận mà thày vừa mô tả và ngộ ra lý do là con cần học một bài học nào đó. Con cần phải xoay chuyển tâm thức và con chỉ có thể xoay chuyển qua trải nghiệm đó thôi.
13.5. Làm thế nào khắc phục các giới hạn
Con cũng có thể đưa tiến trình này xa hơn một bước và nhận ra là thái độ cùng các tin tưởng mà con đã có về những việc mình làm, theo một nghĩa thế phàm nào đó, có thể gọi là “sai lầm” vì chúng không đồng thuận với một thực tại cao hơn. Điều thày muốn nói là thế này: Khi con nhìn vào lãnh vực tôn giáo chẳng hạn, con có thể hỏi: “Tại sao có biết bao người vẫn trung thành với giáo hội Công giáo trong cách thức vỏ ngoài? Tại sao họ vẫn đi nhà thờ cho dù họ không đi mỗi chủ nhật? Tại sao họ vẫn có chân trong hội thánh khi họ không bao giờ đến nhà thờ?”
Con yêu dấu, phần lớn là vì họ không sẵn lòng nhìn nhận các niềm tin Công giáo hay niềm tin vào giáo hội Công giáo của họ là sai lầm. Thày cũng hiểu là có một vết nhơ, có một chấn thương gắn liền với sự sai lầm, vì sa nhân đã tạo ra một tâm thức ăn rất sâu vào thế giới, bảo rằng nếu con sai lầm thì điều này thật “xấu xa”, nó sẽ dẫn đến những hậu quả tàn khốc, con sẽ bị trừng phạt, bị đày xuống địa ngục và điều này điều nọ. Các con là đệ tử của chân sư thăng thiên và các thày đã ban cho con những dụng cụ để con có thể tự kéo mình lên khỏi tâm thức sa ngã đó. Con nhận ra là khi con sai lầm, con sẽ không hề bị kết tội đày xuống địa ngục, vì như các thày đã dạy, không có điều gì mà con không thể vượt qua. Vấn đề là làm sao con sẽ vượt qua được một điều gì nếu con không xem xét nó và không thành thật nhìn nhận là mình cần buông nó thay vì cứ nắm chặt lấy nó.
Con hãy nhìn vào thế giới tôn giáo một lần nữa, nhìn vào khái niệm xưa cổ của hệ biện giải (apologetics) Cơ đốc giáo, là một phong trào nhằm biện minh và giải thích đức tin Cơ đốc. Những niềm tin Cơ đốc đó dựa trên gì? Dựa trên những sai lạc mà giáo hội Công giáo đã cài đặt cách đây 17 thế kỷ! Liệu họ sẽ đạt được gì khi họ tìm cách giải thích cho qua những điều đã sai lạc ngay từ đầu? Tất nhiên là không đạt được gì! Họ sẽ chỉ tự đặt mình vào tâm trạng phủ nhận, và trong sự phủ nhận con sẽ không thể nào nhìn ra các khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của con.
Sự sẵn lòng nhìn nhận: “Các niềm tin của tôi giới hạn cho nên tôi cần buông chúng ra, tôi cần mở tâm ra một ngộ đạt cao hơn, một trải nghiệm cao hơn”, đó chính là nguyên liệu cốt yếu cho một đệ tử đang bước trên đường tu muốn nhìn thấy các tầng cao hơn của Sứ vụ mình. Quá nhiều lần con đã chứng kiến, ngay cả trong số các đệ tử của chân sư thăng thiên, sự kiện họ mang vào một niềm tin, một quan điểm nào đó, chẳng hạn quan điểm về chân sư thăng thiên, nhưng quan điểm này không khế hợp với thực tại, nó sẽ cầm chân họ lại ở một tầng tâm thức thấp hơn, và họ không thể tiến xa hơn tầng đó. Nếu họ không sẵn sàng nhìn nhận niềm tin của họ không phải là cao nhất, không đồng điệu với sự thật và họ đã “sai lầm”, thì làm thế nào họ sẽ tiến lên được đây? Làm thế nào họ thoát ra được đây?
Bây giờ, trong tổ chức của chân sư thăng thiên mà vị sứ giả này từng là một thành viên, có một khái niệm phổ biến bảo rằng bất cứ khi nào con gặp một vấn đề trong tâm lý và con chia sẻ vấn đề này với một thành viên khác: “Tôi phải làm gì trong chuyện này?” thì người kia sẽ nói: “Ồ, chỉ cần bỏ nó vào ngọn lửa tím.” Ai nấy đều nghĩ là bất cứ gì, bất cứ điều gì khó chịu, bất cứ gì khởi lên trong tâm lý thì họ chỉ cần bỏ vào lửa tím. Có một lần sứ giả này nghe thấy một thành viên trẻ tuổi trong phong trào đó nói: “Người ta luôn luôn bảo em chỉ cần bỏ nó vào lửa tím. Em làm theo nhưng nó cứ trở lại hoài!” Dĩ nhiên rồi, quá đúng. Nếu con không giải quyết cái tâm lý tiềm ẩn bên dưới thì nó sẽ trở lại hoài hoài. Con có thể thỉnh lửa tím hết lần này tới lần nọ và nó có thể giải thể năng lượng tha hóa khiến con cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bớt gánh nặng hơn. Nhưng ngọn lửa tím không thể giải quyết tâm lý của con vì con chỉ có thể giải quyết tâm lý bằng cách lấy một quyết định có ý thức.
13.6. Giải thích tại sao mình đã không sai lầm
Con thấy được ở đây điều các thày muốn nói, khi con đi lên những tầng cao hơn của đường tu, con có tiềm năng thấy được những tầng mức cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Các thày đã nói con điều gì? Con bước vào hiện thân ở một tầng tâm thức nào đó. Sứ vụ của con được thảo ra từ một tầng tâm thức cao hơn. Làm thế nào con sẽ thấy được các tầng cao hơn của Sứ vụ? Chỉ bằng cách vươn tới tầng tâm thức đó. Làm thế nào con sẽ vươn tới tầng tâm thức đó? Chỉ bằng cách nhìn vào những niềm tin mà con đã có ở tầng tâm thức thấp hơn và nhìn nhận, thừa nhận một cách ý thức, là chúng không phải là cao nhất. Một số niềm tin đó có thể hoàn toàn không ăn khớp với thực tại, và do đó chúng sai lạc hay sai lầm. Nếu con không thể thừa nhận là mình đã sai lầm, con sẽ không thể tiến lên cao hơn một mức nào đó.
Tất nhiên các thày đã chứng kiến trong lãnh vực tôn giáo, trong lãnh vực chính trị, trong lãnh vực khoa học và ngay cả trong số các đệ tử của chân sư thăng thiên, là người ta có thể chui vào những ngõ cụt gần như không lối thoát khi cố biện giải tại sao niềm tin của mình không sai lầm, hay tại sao mình đã không sai lầm khi khoác vào niềm tin đó. Thẳng thắn mà nói, thật đáng kinh ngạc nhìn thấy trí tưởng tượng mà người ta có thể dùng để giải thích tại sao niềm tin của mình không sai, hay tại sao mình đã không sai khi tin như vậy. Điều duy nhất con thật sự cần làm là nói: “Tôi đã có những niềm tin đó vì vào thời đó, đó là những gì tôi có thể nhìn thấy. Giờ đây tôi đã vươn lên một mức tâm thức cao hơn và tôi có thể thấy nhiều hơn, nhưng để thực sự thực hiện những gì tôi thấy, tôi phải buông bỏ các niềm tin cũ. Khi tôi là trẻ nhỏ, tôi nói chuyện như một trẻ nhỏ. Bây giờ trưởng thành, tôi nên nói chuyện như một người trưởng thành thay vì cứ bám vào niềm tin của thời thơ ấu.”
Con yêu dấu, các thày chứng kiến chuyện này hoài hoài. Người tầm đạo suốt đời mong mỏi tìm được một cái gì đó. Họ tìm thấy một giáo lý tâm linh, bất kể là giáo lý nào. Tâm vỏ ngoài của họ sẽ lý luận: “Đây chắc chắn phải là giáo lý tâm linh tối hậu, là vị đạo sư tối hậu.” Họ quyết định trong tâm vỏ ngoài, có lẽ nửa chừng trong tiềm thức: “Tôi sẽ ở trong phong trào này cho hết phần đời còn lại rồi sau đó tôi sẽ thăng thiên” (hay sẽ giác ngộ, hay bất kỳ tên gọi nào khác). Rồi đến khi họ đạt mức tăng triển tối đa mà họ có thể đạt được trong phong trào này thì tâm họ đóng lại. Họ không sẵn sàng lắng nghe trực giác của họ đang hướng dẫn họ đến một giáo lý khác hơn hay một cách tiếp cận giáo lý khác hơn. Tâm họ trở nên cứng nhắc, đông đặc lại xung quanh niềm tin rằng những gì họ đang làm, những gì họ đang có, là đủ rồi.
Niềm tin này sai lầm. Nó luôn luôn sai lầm vì sự tăng triển là một tiến trình không ngừng. Tất cả các con đều đã hành xử như vậy – và không có gì đáng hổ thẹn trong việc đó. Thày không đang khiển trách con mà chỉ đơn giản chỉ ra sự việc. Tất cả các con đều đã kinh qua những điểm đó khi con nghĩ là giờ đây mình đã đạt được một tầm hiểu biết tối thượng, một niềm tin tối hậu nào đó, rằng đây chính là việc mình phải làm, vì tất cả các con vẫn đều mang một số yếu tố của tự ngã, và tự ngã muốn gì chứ? Nó muốn cảm thấy an toàn.
Con không cần hổ thẹn nhìn nhận chuyện này, đây chỉ là những gì tất cả chúng ta đều kinh qua khi hiện thân, là một phần của thân phận làm người. Có điều, người tiến bước trên đường tâm linh là người sẵn sàng xem xét chính mình và nhìn ra: “Tự ngã của tôi, những cái ngã tách biệt của tôi, chúng đều mang xu hướng này. Không thật là tôi tin rằng tôi không cần tìm kiếm một giáo lý khác hơn, mà một cái ngã tách biệt nằm trong tự ngã, và tôi thì không phải là ngã tách biệt đó. Tôi là nhiều hơn thế! Cho nên ‘cái ta’ mà tôi thực sự là đang sẵn sàng nhìn vào ngã đó và thấy rằng các niềm tin của ngã đó đã sai lầm! Chúng đã lỗi thời, chúng giới hạn, và tôi đang rũ bỏ chúng đây! Tôi đang mở tâm để thấy một cái gì tôi đã không thể thấy qua phin lọc các niềm tin giới hạn đó! Tôi đang làm cho tâm mình lỏng ra để nó không đông đặc lại xung quanh một điểm nào đó, một niềm tin nào đó.”
Con yêu đấu, đấy chính là sự khác biệt giữa những ai tiến lên các tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng để thị hiện tiềm năng cao nhất của Sứ vụ, và những ai ngừng chân lại ở một điểm nào đó trước khi đến được tiềm năng cao nhất của mình. Tất nhiên, các thày không muốn thấy con ngừng chân lại trước khi con đạt mục tiêu mà chính con đã định ra cho kiếp này. Mục tiêu đó không được áp đặt lên con mà là những gì chính con đã muốn. Đó không là điều thày muốn cho con, mà là điều con muốn cho con. Thày chỉ nhắc nhở con thôi. Thày không đang ép buộc con mà thày chỉ nhắc nhở con những gì con đã quyết định muốn làm trước khi con đầu thai. Và thày nhắc nhở làm thế nào con có thể đạt đến đó.
13.7. Quên đi các lỗi lầm của mình
Trong câu chuyện này, chỗ đứng của ngọn lửa tím là gì? À, lấy ví dụ con nhìn lại đời mình và nói: “Những gì tôi đã làm, đã tin, không phải là cao nhất.” Thậm chí có lẽ con đã làm cả những chuyện rõ ràng đã đẩy con vào một tâm trạng dựa trên sợ hãi và tạo ra năng lượng tha hóa. Sau đó con làm hai chuyện. Con sử dụng ngọn lửa tím để trùm lên toàn bộ tình huống đó và tiêu hủy năng lượng. Xong con dùng các dụng cụ và giáo lý mà các thày đã ban truyền về phàm linh nội tại, ngã tách biệt, ngã gốc, để phơi bày niềm tin nằm ẩn đằng sau và thay đổi niềm tin đó – và như vậy con để cho ngã tách biệt đó chết đi. Rồi con chấp nhận, con yêu dấu, là bây giờ con đã làm xong công việc – nó đã xong xuôi, đến độ nó không còn hiện hữu nữa!
Trong Kinh thánh có một câu Thượng đế phán: “Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi của họ nữa.” À, con yêu dấu, có thể là Thượng đế có khả năng quên đi tội lỗi của con, nhưng liệu con có làm được vậy không? Liệu con có thể quên đi những cái gọi là “lỗi lầm” mà con đã phạm? Điều thày muốn nói ở đây là như sau: Con có thể dùng ngọn lửa tím để tiêu hủy năng lượng, sau đó năng lượng biến mất. Nó không còn ở đó nữa như thể nó chưa bao giờ hiện hữu. Con có thể để cho ngã tách biệt đó chết đi và ngã tách biệt không còn đó nữa, như thể ngã tách biệt chưa bao giờ tồn tại. Nhưng! Có thể vẫn còn một yếu tố trong tâm thức con, và đây không phải là cái Ta Biết mà là một ngã tách biệt khác. Có thể trong tâm thức con vẫn còn một yếu tố ghi nhớ lại việc con đã làm và đang phóng chiếu là con cần tiếp tục ghi nhớ nó. Rằng con cần cảm thấy hối hận về nó, hay con cần tìm cách đền bù cho nó – hay bất cứ gì khác để con vẫn chú ý đến nó. Điều thày đang nói là một khi con đã làm xong công việc dọn dẹp, con cần bước lui lại và nhìn xem có ngã tách biệt đó đang phóng chiếu lên con – hoặc thậm chí có cả sa nhân hay người khác đang phóng chiếu cái đó lên con. Và con cần nói: “Mi không phải là ta. Ta không muốn mi trong đời ta nữa! Ta đang để cho mi chết đây!” Sau đó con cần chấp nhận là con không cần nhớ lại điều đó nữa. Con hoàn toàn không cần dành cho nó bất kỳ sự chú ý nào.
13.8. Buông bỏ những người không chịu buông bỏ
Thật ra rất nhiều các con sẽ gặp thử thách này hết lần này đến lần nọ, vì sa nhân sẽ tiếp tục phóng chiếu tới con và nhắc nhở con điều này. Có thể trong gia đình hay các mối quan hệ của con sẽ có người cứ luôn nhắc nhở con về “những chuyện con đã gây cho họ nhiều năm về trước” và tại sao con vẫn phải hối tiếc việc làm đó vì chính họ cảm thấy tổn thương. Họ đã không giải quyết được cái tâm lý đã khiến họ phản ứng lại. Họ đã không giải quyết, không buông bỏ được năng lượng. Thế thì một lần nữa, con cần nói: “Được rồi, tôi tôn trọng quyền tự quyết và tôi tôn trọng bạn có quyền tự quyết của bạn. Nếu bạn muốn ôm giữ những gì đã xảy ra trong quá khứ, tôi sẽ tôn trọng quyền bạn làm như vậy. Nhưng tôi cũng tôn trọng quyền tự quyết của tôi y như thế, tức là tôi có quyền bỏ lại chuyện này đằng sau. Nếu bạn không sẵn sàng bỏ nó lại như tôi thì cũng tốt thôi, nhưng tôi sẽ bỏ nó ra khỏi đời tôi. Tôi sẽ đứng ra ngoài nỗi khổ tâm của tôi.”
Con yêu dấu, trong một số trường hợp, con sẽ có chọn lựa là nếu có ai trong gia đình hay quan hệ của con không buông được quá khứ thì con có thể đạt tới điểm: “Tôi chỉ cần buông bạn ra. Tôi chỉ cần để bạn ra khỏi đời tôi, lựa bỏ bạn ra khỏi đời tôi, vì thật không xây dựng chút nào nếu tôi liên hệ với một người cứ mãi mãi xoay quanh dĩ vãng và không sẵn lòng vượt qua dĩ vãng.” Đây là một quyền mà con có, con yêu dấu, cho dù họ có thể trách móc và bảo con: “Bạn không thể bỏ tôi như thế này, bạn không thể tự dưng bước ra đi như thế này.” Con yêu dấu, con có quyền làm điều này nếu con cảm thấy đây là việc phải đối với con. Thày không bảo con làm gì, mà thày chỉ nói là con có quyền làm sự chọn lựa đó cho dù người kia không chịu buông quá khứ.
13.9. Nhìn ra những niềm tin vi tế hơn
Con yêu dấu, nói thật, con không thể khắc phục một niềm tin giới hạn mà không thấy là nó giới hạn. Nhưng làm thế nào con thấy được niềm tin đó giới hạn? Ít ra ở một mức nào đó, con thấy là nó giới hạn so với một niềm tin cao hơn, rộng hơn, bao quát hơn. Và điều này dẫn chúng ta nói đến một thế bí lưỡng nan mà nhiều người có thể rơi vào.
Nhiều người có một niềm tin giới hạn. Một lần nữa, hãy lấy ví dụ nhiều tín hữu Công giáo. Nếu con đã từng thử thuyết phục một số người Công giáo về các giới hạn của học thuyết và giáo hội Công giáo, con có thể cảm thấy như thể họ không nghe thấy con nói gì. Đó là vì họ ở trong một thế bí lưỡng nan. Một mặt, họ không thể thấy được niềm tin của họ giới hạn vì họ không có khung tham chiếu nào để so sánh. Mặt khác, lý do họ không có khung tham chiếu chính là vì tâm họ bị khóa chặt vào niềm tin của họ đến độ họ không thể thấy có một tầm hiểu rộng hơn.
Lẽ tự nhiên, các con là học trò tâm linh, các con đã sẵn sàng mở tâm ra một tầm hiểu cao hơn về bao nhiêu lãnh vực, bao nhiêu sự việc. Nhưng một số các con sẽ nghiệm thấy là mặc dù con mở tâm ra một cách hiểu cao hơn trong nhiều lãnh vực, vẫn có một số điều cấm kỵ, một số con “bò thiêng” đang lang thang trong cánh đồng của tâm thức con – hay chúng đang nằm nhai lại thức ăn chưa tiêu hóa, chúng nhai, nhai, nhai, hoàn toàn bằng lòng nhai đi nhai lại và nhai thêm nữa. Rồi thỉnh thoảng chúng đưa các niềm tin của con trở lên miệng và nhai, nhai, nhai thêm lần nữa! Đó là một cái ngã tách biệt đang vận hành như vậy. Con có thể gặp tình trạng là con đã khắc phục xong một số ngã tách biệt và biết rõ tiến trình này, nhưng vẫn có điều gì mà con chưa thấy. Đây chính là điểm thày muốn trình bày với con: Có thể một cách để phơi bày các niềm tin giới hạn đó, những điều cấm kỵ, những con bò thiêng đó, là khi con bị khiêu khích bởi một lời dạy của các thày, hay bị dao động bởi một sự việc nào đó – khi có chuyện gì thực sự khiến con điên tiết, thực sự xáo trộn sự thoải mái của con. Không nhất thiết là con sẽ nhìn thấy ngay lập tức niềm tin giới hạn ẩn đằng sau, và có thể con sẽ phải đào sâu hơn một chút. Con cần nhìn: “Tại sao tôi bị xáo trộn? Tại sao nó lại khiêu khích tôi?” Sau đó con cần theo dõi nó, đi xa hơn nỗi cảm xúc và cố nhìn ra cái niềm tin đã khiến con thoải mái – và ngay đó, có một con bò thiêng đang nằm, đang nhai đi nhai lại. Xong con hãy nhìn vào tầm hiểu cao hơn mà các thày đang cố truyền đạt cho con. Một khi con mở tâm ra, con sẽ có thể nắm bắt tầm hiểu cao hơn này, vì các thày đã nói với con là khi con ở tầng tâm thức 56, con có khả năng nắm bắt giáo lý ở tầng 57 hay sự nhận biết liên hệ với tầng 57. Nhưng con cần phải mở tâm ra, con không thể khóa chặt tâm con vào một niềm tin nhất định.
Một khi con mở tâm, con sẽ nhìn thấy nó. Nếu con sẵn lòng nhìn nhận là niềm tin cũ của mình là giới hạn hay “sai lầm”, con sẽ có thể bước tới. Thày chỉ đơn giản nói rằng một số các con là đệ tử cao cấp đã bước trên đường tu, đã áp dụng giáo lý, và các con đã loại bỏ được rất nhiều điều cấm kỵ, nhiều con bò thiêng đó rồi. Một số các con sẽ ngồi đó và tự hỏi: “Ủa, liệu tôi còn gì sót lại hay chăng, tôi còn bị kẹt vào những niềm tin nào chứ?” Và thật con không tìm thấy gì hết. Một số các con không còn sót lại nhiều niềm tin như vậy, nhưng thày xin nói là tất cả các con sẽ được lợi lạc nếu ít nhất con rà xét bản thân và hỏi: “Liệu có còn gì vẫn khiến tôi bị dao động không?” Chẳng hạn khi con đọc cuốn sách Những kiếp của tôi, liệu có điều gì khiêu khích con không? Có điều gì làm con bất an? Nếu có thì con hãy dõi bước theo nó, đi xa hơn cảm xúc, và đâu là niềm tin ẩn đằng sau chứ? Con sẽ tìm thấy một con bò thiêng đang nằm đó… nó đang nhai, nhai, nhai. Khi con thấy nó rồi, con sẽ có thể thốt lên: “À há! Đây chính là điều mà Saint Germain đã nói đến – mi hãy cút khỏi đây!”
13.10. Không có mức tối hậu nào trên địa cầu
Con yêu dấu, thật là một niềm vui cho các thày được nhìn thấy các con đi qua tiến trình này. Con có hiểu chăng? Các thày không đang khiển trách con, các thày không đang nói: “Con không đủ tốt.” Niềm vui của các thày là thấy con chọc thủng một niềm tin giới hạn và bỗng nhiên gánh nặng rơi khỏi vai con. Như sứ giả này đã mô tả, tất cả những giáo lý, tất cả những nỗ lực tu sửa tâm lý của ông sau 40 năm bước trên đường tu đã chưa bao giờ thực sự chạm đến cốt tủy của ngã gốc của ông. Chỉ khi ông nhận được lời dạy của Giê-su về ngã gốc hồi tháng 12 vừa rồi – chỉ cách đây mấy tháng – thì ông mới thực sự đột phá và có thể nhìn thấy một cái gì đó, có thể buông bỏ cái đó và cảm thấy một gánh nặng vĩ đại được trút khỏi chính mình.
Ông còn không dám bảo là ông đã làm xong xuôi công việc – vì sau từng nấy năm trời, ông đã học được là ông không thể tuyên bố kiểu đó. Điều thày muốn nói là như sau: Nếu một người đã bước trên đường tu lâu đến vậy mà vẫn còn những con bò đang nhai đi nhai lại thức ăn chưa tiêu hóa, thì có lẽ điều khôn ngoan là tất cả các con cũng nên nói: “Tôi có còn sót lại gì chăng? Có điều gì tôi chưa nhìn thấy? Làm thế nào để tôi nhìn ra, bởi vì thực sự tôi muốn bước lên viễn quan cao hơn của Sứ vụ của tôi. Tôi rất muốn tiến bước tối đa. Tôi rất muốn đạt đến mức tâm thức nơi tôi có thể là chính mình.”
Một cách khác để phát hiện xem con có bò thiêng, có điều gì cấm kỵ hay không, đơn giản là như sau: Con có cảm thấy mình là chính mình hay chăng? Con có cảm thấy mình tự do biểu lộ chính mình mà không sợ phản ứng của người khác? Một cách khác nữa là: Thái độ của con đối với cõi vật chất, đối với địa cầu này là thế nào? Con có thoải mái khi ở đây, con có cảm thấy mình có thể tự biểu đạt ở đây, hay liệu con cảm thấy một loại bực bội, oán giận hay hạn chế khi mình ở đây? Nếu vậy thì một lần nữa, con có một con bò thiêng đang cầm giữ con lại vì nó không chịu nhúc nhích. Con hãy dõi theo nó, xem xét nó và thừa nhận đó là một niềm tin giới hạn.
Nếu con không thể nhìn nhận mình có một niềm tin giới hạn, con yêu dấu, làm thế nào con có thể vươn lên tầng tâm thức kế tiếp đây? Các thày đã nói điều gì? Có 144 tầng tâm thức, và gắn liền với mỗi tầng có một ảo tưởng. Đến bao giờ con sẽ giải thoát khỏi mọi ảo tưởng? Đúng, đến khi con vươn tới tầng 144 và giải quyết bí ẩn này hầu con sẵn sàng thăng thiên.
Con có thể hỏi: Đâu là một đặc tính rất phổ biến trong các phong trào tâm linh, Thời Mới? Đó là niềm tin cho rằng con có thể đạt tới một giai đoạn tối hậu nào đó khi con vẫn hiện thân trên địa cầu. Con giác ngộ, con là một chân sư thăng thiên chưa thăng thiên, con vô ngã, con đã giải quyết xong tâm lý của mình, con đã tới đích! Quá nhiều người, kể cả sứ giả này trong nhiều năm trời, nghĩ rằng họ phải có khả năng đạt tới điểm đã cải sửa xong tâm lý của mình và giờ đây họ giải thoát khỏi mọi chuyện.
Họ đeo đuổi mục tiêu đó, nhưng ai là người có thể thỉnh thoảng cảm thấy mình đã tới đích rồi chứ? Con thấy ở ngoài kia có nhiều người đưa ra tuyên bố đủ loại, chẳng hạn họ đã khắc phục được tự ngã, đã giác ngộ, đã thế này thế kia. Ai là người đã tới đích chứ? À, đó là tự ngã của họ, vì giờ đây họ nghĩ họ không còn phải tìm kiếm tự ngã nữa vì họ đã khắc phục nó xong rồi. Đó chính là lúc tự ngã thực sự có thể ngả lưng xuống và nói: “À, bây giờ ta có thể thư giãn được rồi, và ta sẽ nhai, nhai, nhai vì y sẽ không bao giờ phát hiện được ta. Thậm chí nếu ta cắn vào đùi y thì y cũng không biết là ta cắn.”
Sẽ khôn ngoan biết mấy nếu con nhận ra đây là một ảo tưởng do sa nhân phóng chiếu, được khuếch đại bởi nhiều người có thiện ý nhưng không đủ hiểu biết về đường tu. Như thày có nói, thật sự con có khả năng có một quyết định sẽ đem lại một sự xoay chuyển cách mạng, qua đó con không còn mong mỏi trạng thái “tới đích” đó trong khi con còn hiện thân. Con sẽ đạt tới đích khi con thăng thiên. Cho tới khi đó, con đừng bận tâm đeo đuổi nó. Hãy đi tìm cái ảo tưởng kế tiếp sẽ đưa con lên tầng tâm thức kế tiếp. Con yêu dấu, đó chính là sự xoay chuyển cách mạng trong nhận biết mà những người thực sự thành công trên đường tu sẽ tìm được cách thực hiện. Họ không còn chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Họ luôn luôn dõi tìm ảo tưởng kế tiếp, bước tiến kế tiếp. Khi họ tìm ra, họ sẵn sàng nhìn nhận: “À, hóa ra cái đó là giới hạn, tôi đã sai lầm.” Không phải là “tôi” đã sai lầm, mà con tìm ra một cách nhìn khác để con không nghĩ đến cả chuyện đúng hay sai, và con nói: “Được rồi, cái này phải ra đi.” Con làm vậy tự nhiên như thể đó là bản chất thứ hai của mình và con không phải vật lộn với nó.
13.11. Vật lộn để nhìn nhận mình sai lầm
Nhiều các con, trong đó có sứ giả này khi ông còn trẻ, đã phải phấn đấu mãnh liệt, có khi nhiều năm trời, để thừa nhận là mình đã sai lầm ở một điểm nào đó. Ông có thể nhìn lại, mỉm cười và công nhận chuyện này vì ông đã vượt xa hơn, cho nên chính con cũng có thể vượt xa hơn tuy con sẽ cần một chút nỗ lực. Lúc đầu, tự ngã sẽ cưỡng chống lại con với tất cả sức bình sinh của nó. Con cũng biết – nếu con từng là một nông gia trong tiền kiếp – khi một con bò đã quyết định không chịu nhúc nhích thì không một thế lực nào trên trời hay dưới đất sẽ có thể xê nó đi.
Con yêu dấu, con hãy sẵn sàng suy ngẫm điểm này vì con sẽ trải nghiệm một niềm tự do to lớn nếu con đạt tới điểm vượt ra khỏi lực cưỡng chống đó. Con chỉ nhìn nhận đó là một niềm tin giới hạn, xong con bước lên tiếp. Tất nhiên, con sẽ phải hy sinh điều gì ở đây chứ? Một lần nữa, con phải hy sinh niềm tin ở một giáo lý tối hậu, một chân lý tối hậu, một cách hiểu tối hậu nào đó mà con có thể có được. Con yêu dấu, con hãy nhận ra điều các thày đã dạy: Chừng nào con còn đầu thai trên một hành tinh dày đặc như địa cầu thì con sẽ không có được một hiểu biết tối thượng về cách vận hành của vũ trụ. Điều này không thể làm được!
Con hãy xoay chuyển và nói rằng con đang có tầm hiểu biết cao nhất mà con có thể có ngay bây giờ, nhưng có một tầm hiểu biết cao hơn ở tầng tâm thức kế tiếp, rồi ở tầng kế tiếp nữa cho đến tầng 144. Con hãy nỗ lực đạt được cái đó. Luôn luôn giữ tâm mình cho thật lỏng, cởi mở để nhìn ra tầm hiểu biết cao hơn đó. Con yêu dấu, khi tâm con mở rộng và sẵn lòng, đó là lúc các thày có thể thực sự làm việc với con. Con có thể đạt tới điểm, như sứ giả này đôi khi ngồi tự hỏi, làm sao có thể tin được là quá nhiều sáng ngộ có thể đến với mình trong một thời gian rất ngắn ngủi như vậy. Nhiều người trong số các con đã có cùng trải nghiệm như thế.
Có những giai đoạn trong đời con như thể mỗi ngày hay mấy lần mỗi ngày, con nhận được một sáng ngộ cách mạng nào đó, con có được một trải nghiệm bất chợt nhìn ra một viễn cảnh hoàn toàn mới. Đây có thể là trải nghiệm thường nhật của con, và nó có thể là một trải nghiệm vô cùng hỉ lạc, vì ở các tầng thấp hơn khi tự ngã vẫn phần nào nắm giữ con thì tự ngã phóng chiếu ra là con sẽ bị mất mát gì đó nếu con từ bỏ một niềm tin đang có. Đó quả là một cuộc chiến đấu, nhưng một khi con thực hiện xoay chuyển này thì con ngộ ra: “Ừ nhỉ, buông bỏ một niềm tin cố hữu, một niềm tin giới hạn, chỉ có thể là một sự giải thoát, và đó là một niềm vui, một sự trút bỏ nhẹ nhõm, là đạt được một tầng cấp tự do mới. Nó đã chứa sẵn phần thưởng của nó rồi.
13.12. Con sẽ được gì qua đó?
Đôi khi tự ngã sẽ tìm cách mặc cả. Thậm chí, tự ngã của một số đệ tử sẽ nói với chân sư thăng thiên: “Thày Saint Germain, vậy thày muốn con từ bỏ niềm tin này à? Trong đó có gì cho con? Con sẽ được gì qua đó?” Có những học trò của chân sư thăng thiên đã tìm cách mặc cả với các thày, thậm chí còn nói rằng: “Nếu con làm điều này cho thày thì con sẽ nhận được gì đây?”
Con yêu dấu, một khi con vượt quá tâm thức đó, phần thưởng của con nằm ngay trong trải nghiệm. Nó đã gắn sẵn trong đó khi con trải nghiệm nhiều tự do hơn. Cái đó là phần thưởng của chính nó. Con cần phần thưởng nào khác nữa? Thày là chân sư của tự do cho địa cầu. Thày không cần phần thưởng nào khác hơn là trải nghiệm Ngọn lửa Tự do và biểu lộ Ngọn lửa Tự do bất cứ khi nào thày có dịp.
Tại sao thày lại tình nguyện ở lại với địa cầu và làm việc để thị hiện một thời đại hoàng kim? Có gì cho thày trong đó? Liệu thày hy vọng được thăng chức lên một cấp chân sư thăng thiên cao hơn chăng? Liệu thày nghĩ có một sinh thể vũ trụ sẽ giáng xuống đây và một buổi lễ hoành tráng sẽ được tổ chức để đeo lên cổ thày một loại huy chương gì đó? Không đâu con, phần thưởng chính là sự cảm nhận dòng chảy tự do đang xối qua Bản thể của thày.
Đúng, dĩ nhiên còn có khía cạnh omega nữa. Phần thưởng cũng là khi thày nhìn thấy mọi người được tự do. Nhưng phần thưởng hàng đầu chỉ đơn giản là cảm thấy dòng chảy của tự do, và đó là tại sao khi con tới điểm này, phần thưởng cho việc phụng sự của con chính là phụng sự! Giản dị đó là trải nghiệm cảm thấy dòng chảy. Dòng chảy, con yêu dấu. Dòng chảy – đó là tất cả. Tự ngã chỉ biết đứng yên, đó là sự chết. Nhưng dòng chảy chính là sự sống. Cho nên để phỏng theo một câu nói của người xưa: “Ta đã đặt trước mặt con sự sống và sự chết. Hãy chọn Sự Sống. Sự Sống mà TA LÀ.”