16 | Con không là nô lệ của thời gian

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 2/12/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Điều thày muốn trình bày trong bài giảng này là một số chủ đề có vẻ không liên quan nhưng thật sự có liên quan với nhau. Hãy cho thày bắt đầu với một điều tuyệt đối cần thiết trên con đường quả vị Ki-tô, con đường quả vị Phật, là con hiểu rằng cái ngã mà con đã có khi con tìm thấy giáo lý lần đầu và thức tỉnh với sự hiện hữu của một đường tu tâm linh, ngã này không thể đưa con đến quả vị Ki-tô hay quả vị Phật.

Các con vừa đọc bài thỉnh về ngã gốc qua đó con học được là ngã gốc phải chết đi thì con mới tái sinh vào một ngã mới [từ quyển sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]. Tất nhiên đây là một tiến trình hoàn toàn có giá trị, nhưng con không nên đặt mình vào tâm thái nghĩ rằng ngay cả nếu con cảm thấy ngã gốc đã chết, thì ngã mới mà con tái sinh vào đó là cái ngã con sẽ đem theo con cho tới khi thăng thiên. Chắc chắn con đừng rơi vào ảo tưởng cho rằng đây là cái ngã sẽ thăng thiên.

16.1. Thăng thiên sau khi cân bằng toàn bộ nghiệp quả

Trong đợt truyền pháp này, các thày đã cho con một số lời dạy về tiến trình thăng thiên và cái có thể gọi là “tâm lý của sự thăng thiên” cao hơn hẳn những gì các thày đã trao truyền trong mọi đợt truyền pháp trước đây. Không có nghĩa là các giáo lý trước không có giá trị hay không thể đưa hành giả đến điểm thăng thiên. Có một số người trong tiền kiếp đã gần điểm thăng thiên đến độ các giáo lý trước đã có thể dẫn họ đi những bước chót đến mức sẵn sàng thăng thiên, nhưng loại người như vậy không nhiều lắm. Con cũng biết là trong đợt truyền pháp trước có dạy là con có thể thăng thiên sau khi chỉ cân bằng 51% nghiệp quả của mình. Thày sẽ nói là có rất rất ít người đã có thể dùng giáo lý trước để cân bằng được 100% nghiệp quả (cũng có nghĩa là giải quyết xong tâm lý mình) và nhờ vậy thăng thiên khỏi địa cầu. Có thể nói là họ “sạch bong”, sạch không còn bất kỳ chướng ngại nào và ngay lập tức họ trở thành một chân sư thăng thiên.

Tuy nhiên, với giáo lý các thày trao truyền ngày nay đi sâu hơn hẳn vào tâm lý con người, mục đích của các thày là giúp cho một nhóm đông đảo hơn có thể cân bằng nghiệp quả, giải quyết tâm lý của mình rồi có được một ít thời gian trong trạng thái này trước khi họ rời bỏ thân xác vật lý và thăng thiên khỏi hành tinh. Con cần nhìn nhận việc tiết lộ tuần tự là một tiến trình tuần tự. Điều này hiển nhiên mang nhiều hệ quả, nhưng một hệ quả là một số điều giảng dạy trước đây tuy đúng đắn vẫn chưa đầy đủ và chỉ là một cái nhìn giới hạn, một cái nhìn đơn giản hóa về chủ đề.

Quá nhiều người trong các đợt truyền pháp trước đã không đặt câu hỏi: “Nếu một chân sư thăng thiên là một sinh thể đã cân bằng mọi nghiệp quả thì liệu một người thăng thiên – gọi tạm như vậy – đã cân bằng 51% nghiệp quả có trở thành một chân sư thăng thiên sau khi ‘thăng thiên’ hay không?” Người ta cũng đã không hỏi: “Nếu một người đã cân bằng 51% nghiệp quả và do đó không phải trở lại đầu thai vật lý, liệu vị này đã thực sư thăng thiên và trở thành chân sư thăng thiên hay không?” Câu trả lời hiển nhiên là “Không!” Làm sao con có thể trở thành một chân sư thăng thiên nếu còn vẫn còn nghiệp chưa cân bằng và tâm lý chưa giải quyết từ trái đất? Nếu việc này xảy ra thì thật không lô-gíc, con yêu dấu. Cho nên các con, ít ra một số các con, cần nhìn nhận đó là một lời dạy được giản dị hóa chứ không phải là tầm hiểu trọn vẹn về đề tài này. Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, con cần giải quyết xong xuôi mọi chuyện con cần giải quyết trên địa cầu trước khi con có thể thăng thiên và trở thành một chân sư thăng thiên. Như Mẹ Mary có giải thích, tất nhiên cũng có một số người chỉ còn sót lại nghiệp quả đối với chính mình, có nghĩa là nói chung, những gì còn sót lại chỉ là tâm lý chưa giải quyết mà họ có thể giải quyết ngoài hiện thân vật lý.

Vậy tại sao lại có sự đặc miễn chỉ cần cân bằng 51% nghiệp quả? Chính là vì có quá ít người thăng thiên. Với độ dày đặc của tâm thức tập thể, thật quá khó thăng thiên với 100% nghiệp quả đã cân bằng và tâm lý đã giải quyết. Để đẩy nhanh tiến trình nâng cao tâm thức tập thể, một sự đặc miễn đã được ban ra là nếu có ai cân bằng được – giải quyết được – 51% thì người đó không phải trở lại hiện thân vật lý. Họ có thể gia nhập một chương trình đặc biệt ở cõi ê-the nơi họ nhận được sự trợ giúp để giải quyết bất cứ gì còn sót lại. Làm như vậy sẽ dẫn họ đến điểm thăng thiên trọn vẹn nhanh chóng hơn so với tiến trình tái đầu thai trong một cơ thể vật lý, rồi lớn lên cho đến tuổi trưởng thành để có thể đón nhận đường tu tâm linh và bước chân một cách ý thức hơn. Điều này đã gia tốc tiến trình khi một số người đã có thể giải quyết bất cứ gì vẫn chưa giải quyết, rồi thăng thiên nhanh chóng hơn thay vì phải trở lại đầu thai.

Loài người đã bước vào một chu kỳ mới và các thày có chủ ý giúp đỡ một nhóm đông đảo hơn nhiều đi qua tiến trình giải quyết trọn vẹn tâm lý của mình trong khi còn đang hiện thân. Việc này nhắm trước hết vào các avatar, nhưng giáo lý cũng hoàn toàn có giá trị và hữu ích cho những cư dân nguyên thủy của địa cầu đã đạt được một mức tăng triển tâm linh nào đó. Nó cũng hữu ích cho những ai tuy không đúng nghĩa là avatar nhưng có thể đã đến từ một số hành tinh khác đã thăng thiên và họ đã không thể thăng cùng với hành tinh của họ hay cùng với các dòng sống còn lại của hành tinh họ.

16.2. Tinh túy của đường tu là để cho ngã chết

Tất nhiên đây là thách thức mà các thày đã đặt trước mặt con. Con cần nhận ra ở đây là khi con kinh qua một giai đoạn nhất định, chẳng hạn khi con phát hiện ngã gốc như một avatar và con để cho ngã này chết đi, con được tái sinh vào một ý niệm bản ngã mới. Chắc chắn có những cái ngã con đã tạo ra sau khi con tạo ra ngã gốc. Con vẫn có một cái nhìn nào đó về bản thân, một cái nhìn nào đó về trái đất, có nghĩa là khi con tạo ra một ngã mới sau khi khắc phục ngã gốc thì ngã mới này không nhất thiết là cao nhất. Hay nói đúng hơn, ngã này không phải là cao nhất có thể. Khi con bước lên cao hơn và cao hơn nữa trong tâm thức, sẽ có một số điểm nơi con cần đứng lui lại, xem xét ý niệm bản ngã của mình lúc đó và một lần nữa để nó chết đi hầu con có thể lại tái sinh. Con có thể tái sinh trong Ki-tô, con có thể tái sinh trong Phật. Có lẽ con đang bắt đầu nhận ra là tinh túy của đường tu tâm linh là thấy mình có một ý niệm bản ngã giới hạn và mình để cho nó chết đi.

Cho tới giờ các thày đã đề cập đến một số ngã đặc thù là những cái ngã phản ứng được tạo ra để ứng phó với một tình huống đặc thù trên trái đất. Chẳng hạn như khi con tìm thấy con đường tâm linh, con tìm thấy một giáo lý của chân sư thăng thiên – và con bắt đầu học hỏi, bắt đầu thực hành, và có lẽ con gia nhập một tổ chức mang một số nét văn hóa tổ chức – thì kỳ thực con đang tạo dựng một ngã mới. Điều này con không bao giờ ngừng làm, không những trong kiếp này mà cả trong tiền kiếp. Con tạo dựng một số ngã, nói đúng ra không để phản ứng lại một hoàn cảnh chấn thương đặc thù. Kỳ thực con tạo dựng những cái ngã để đáp ứng với cái hiểu và cái biết mà con đang có. Con đang vươn lên một tầm nhận biết cao hơn và con tạo ra một ngã mới dựa trên tầm nhận biết cao hơn này. Khi con lên đến những tầng cao của đường tu, con cần trở nên ý thức về quá trình này, vì suốt một thời gian dài, quá trình xảy ra trong tiềm thức và con không biết là mình đang tạo ra một ngã mới.

Đến một điểm con cần ý thức quá trình này, con cần nhìn thấy: “Tôi đã kinh qua những gì từ khi tôi nhận biết ý thức về đường tu? Trải nghiệm của tôi là gì, sáng ngộ nào tôi đã thu hoạch?” Nói chung con nhìn lại đường tu của con cho tới điểm này và con có thể thấy: “Tôi đã kinh qua những gì, tôi đã chấp nhận những niềm tin nào dựa trên giáo lý tôi đã đi theo, tôi đã tham gia những tổ chức nào? Và kết quả là tôi đã tạo ra những loại ngã nào?” Như Quan Âm có nói, một số người bước vào giáo lý với mong muốn cảm thấy cao trội, và có thể họ sẽ không bao giờ buông được cái ngã cao trội họ đã tạo dựng do là đệ tử của chân sư thăng thiên. Tuy vậy, đa số các con không có vấn đề này nhưng các con đã có tạo dựng những cái ngã khác.

Một lần nữa, không có sự chê trách nào ở đây. Một phần tự nhiên trên hành trình phát triển là con tạo dựng những ngã mới này dựa trên nhận biết và mong muốn của con, những gì con muốn biểu đạt, những gì con muốn trải nghiệm, những gì con muốn thực hiện ở đây trên trái đất. Tất cả các thày cũng từng làm y như vậy. Thày chỉ muốn con nhận biết là nhiều các con đã tới điểm sẵn sàng trở nên ý thức về tiến trình này. Con hãy nhìn vào bản thân và xét xem cho tới giờ con đã tạo dựng loại ngã nào, và liệu ngã này có dựa trên một tầm nhìn hạn hẹp, một cái hiểu hạn hẹp. Khi con làm vậy, một số các con sẽ nhận ra là mình có một cái ngã được tạo dựng trên cơ sở một tầm nhìn nhất định về đường tu, một tầm nhìn nhất định về bản thân từ nhiều năm trước. Nhưng bây giờ trong một phần tâm con, con đã đạt được một cái hiểu cao hơn, một cái nhìn cao hơn, những sáng ngộ cao hơn, một góc độ cao hơn. Cho nên con cần dần dần nhìn thấy là cái ngã con đã tạo ra ở một giai đoạn trước trên đường tu không còn giúp con tăng triển nữa. Thật ra nó còn giới hạn sự tăng triển của con theo một cách nào đó, nó đang cầm chân con lại vì cái nhìn của con đã lỗi thời, đặc biệt về các khả năng của con.

16.3. Những cái ngã giới hạn khả năng của con

Các thày đã từng giảng bằng nhiều cách về việc con cần kinh qua giai đoạn khắc phục sự thúc giục muốn làm một việc gì đó trên trái đất. Tất nhiên việc kinh qua giai đoạn này hoàn toàn cần thiết, nhưng một khi con đã đi muốt giai đoạn này thì con nhận ra mục đích thực sự của con ở đây là để là chính mình, để biểu đạt chính mình. Biểu đạt chính mình có nghĩa là con cho phép Hiện diện TA LÀ của con biểu đạt chính nó xuyên qua con, vì con ngộ ra khi con là chính mình thì cũng có nghĩa con ở trong một trạng thái hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Vậy con có thể được lợi lạc nếu con nhận ra là ngay từ thuở chấn thương nhập đời, con đã tạo dựng một số ngã mang một cái nhìn nhất định về những gì con có thể làm trên trái đất, những gì con được phép làm trên trái đất, những gì con phải làm trên trái đất, và những ngã này có thể đã được củng cố hay điều chỉnh cho tinh vi hơn khi con tìm thấy con đường tâm linh.

Các thày đã có nói là khi con phát hiện một con đường tâm linh, con xem mình là một đệ tử tâm linh. Các thày cũng nói là có một giai đoạn phát triển rất dài khi đường tu tâm linh là một khái niệm hữu ích, xây dựng. Nhưng nếu trong thời gian hiện thân còn lại của con, con vẫn tiếp tục xem mình là một đệ tử thì sẽ tới một điểm nó không còn xây dựng nữa, bởi vì khái niệm đường tu ngụ ý: “Tôi ở một tầng cấp nào đó. Có một tầng cấp cao hơn tôi có thể leo lên nhưng tôi chưa lên đến đó.” Chẳng hạn con có thể nói: “Tôi đang ở tầng tâm thức thứ 88, có tất cả 144 tầng và tôi chưa ở tầng 144.” Tự thân câu nói này không thành vấn đề vì hiển nhiên con sẽ cần thời gian để lên đến tầng 144 và một số các con sẽ không lên đến đó cho tới khi con gần sẵn sàng rời bỏ hành tinh. Nhưng dù sao thì giữa tầng 88 với 144, có một số giai đoạn mà các thày đã đặt tên, chẳng hạn là quả vị Ki-tô. Có thể có một điểm khi con mang trong tâm một hình ảnh mình là một đệ tử đang tiến về hướng quả vị Ki-tô nhưng mình vẫn chưa đến đó. Nếu con mãi mãi bám giữ ý niệm bản ngã này thì làm thế nào con trở thành Ki-tô đang hiện thân được?

Nhưng này con yêu dấu, lại có nhiều ví dụ đệ tử của chân sư thăng thiên đã nghe nói về con đường quả vị Ki-tô và quyết định với tâm vỏ ngoài và tham vọng vỏ ngoài: “Phải, tôi đã là Ki-tô Hằng sống rồi đó.” Thế là họ xông ra ngoài, cho rằng họ phải làm những gì họ phải làm: phán xử sa nhân, đánh thức người khác, phóng tia sáng xanh vào người khác hay bất cứ gì khác. Thày không nói đến những chuyện như vậy mà thày nói đến thời điểm khi con đã tận dụng các dụng cụ mà các thày cho con, con đã chân thành nỗ lực khắc phục ngã gốc cùng nhiều ngã khác, cho nên con đã đạt đến một mức nào đó nhưng con vẫn cứ bám giữ một ý niệm bản ngã được tạo ra ở một mức thấp hơn. Ở mức trước đây, việc đặt quả vị Ki-tô làm mục tiêu là một điều chính đáng khi con chưa đến đó. Giờ đây con đã đạt đến một mức nào đó, ví dụ tầng 110. Có một cấp độ quả vị Ki-tô tương ứng với tầng này. Có một cấp độ quả vị Ki-tô tương ứng với mỗi tầng tâm thức từ 97 trở lên – mặc dù chúng ta có thể nói là sẽ tới điểm các cấp độ quả vị Ki-tô dần dần hoà quyện vào các cấp độ quả vị Phật. Nếu con đến tầng 110 mà vẫn còn giữ hình ảnh mình đã tạo ra ở tầng 95 thì hình ảnh này đang cầm chân con lại.

16.4. Công nhận quả vị Ki-tô của mình

Sẽ tới điểm con cần nhìn nhận, như sứ giả này ở một thời điểm đã sẵn sàng nhìn nhận là ông đã đạt được một cấp độ quả vị Ki-tô nào đó. Điều này không có nghĩa là ông rơi vào hoang tưởng cho rằng mình đã đến mức tối thượng, nhưng ông đã đạt được một mức nào đó và ông cần phải thực tế và công nhận điều này. Sự thể cũng giống như vậy đối với nhiều các con. Thật ra con đã đạt được một mức nào đó trên đường tâm linh nhưng con chưa dám thừa nhận vì con vẫn giữ ý niệm bản ngã con đã tạo ra ở mấy cấp thấp hơn điểm hiện thời của con.

Đúng, tất nhiên là luôn luôn có rủi ro con có thể làm vậy quá sớm khi con chưa hẳn sẵn sàng, nhưng chúng ta cần chấp nhận rủi ro này vì trên thực tế, chuyện xảy ra thường hơn là con không thừa nhận tiến bộ của mình. Điều thày muốn nói ở đây – một lần nữa để khai triển những gì Quan Âm đã giảng – là một số người xây dựng một ý niệm bản ngã vào thời điểm họ khám phá giáo lý lần đầu xong họ cứ nghĩ là họ phải đem nó theo mình. Đây là một ảo tưởng toàn diện và cũng rất nguy hiểm. Không có ai đã từng thăng thiên mà lại thăng thiên với cái ngã họ đã có ở khởi đầu kiếp đầu thai chót hay khi họ tìm thấy đường tu. Không có ai đã từng thăng thiên với ý niệm bản ngã của họ khi họ đạt đến tầng 144, vì hành động cuối cùng trước khi thăng thiên chính là để cho ngã chót cùng này chết đi và khắc phục ảo tưởng chót cùng này.

Tiến trình thăng thiên thật ra là tiến trình để cho hết ngã này tới ngã khác chết đi và sẵn lòng tái sinh vào một ý niệm bản ngã cao hơn. Để cho một cái ngã chết đi, con phải sẵn lòng chất vấn cái mà chúng ta có thể gọi là ảo tưởng, thậm chí cả sự nhận biết mà ngã dùng làm cơ sở. Con có thể nói là ở tầng 88, con đã thu hoạch một sáng ngộ mà con không có ở tầng 87. Đó là một sáng ngộ có giá trị, chỉ có điều đó không phải là sáng ngộ cuối cùng. Nếu con xây dựng một ý niệm bản ngã dựa trên sáng ngộ này, con không thể thực sự bảo rằng sáng ngộ này là một ảo tưởng, nhưng nếu con nghĩ đó là một sáng ngộ tối hậu nào đó, hay một cái ngã tối hậu mà con đã tạo dựng, thì chắc chắn đây là một ảo tưởng. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói mỗi lần con bước lên tầng tâm thức kế tiếp, có một cái ngã chết đi và một ngã khác sinh ra, nhưng con không nhất thiết phải ý thức điều này ở mỗi bước. Nhưng đúng là có những thời điểm con cần đứng lui lại và nhìn vào ý niệm bản ngã của mình. Và một trong những thời điểm này là khi con bắt đầu nhìn nhận là con đã đạt được, con đã chứng được một cấp độ nào đó của quả vị Ki-tô. Hiển nhiên cái ngã con có trước đó dựa trên ý tưởng rằng quả vị Ki-tô vẫn nằm đâu đó trong tương lai ở một mức cao hơn, cho nên ngã này phải chết đi. Và để ngã này chết đi, con phải thấy nó, thấy sự giới hạn của nó.

Giống như trường hợp Quan Âm đã giảng, nếu có ai đã xây dựng cảm nhận là mình cao trội, có thể họ sẽ rất khó lòng chất vấn cái ngã họ có. Đây là tại sao, tiếc thay, các thày chứng kiến một số đệ tử của chân sư thăng thiên bị kẹt cứng trong một ý niệm bản ngã nhất định và đơn giản không thể bước tới cho đến hết kiếp đó. Các thày rất muốn nhìn thấy điều này không xảy ra cho bất cứ ai đã nghe nói hay tìm thấy giáo lý. Có bảo đảm được không? Tất nhiên là không, nhưng ít nhất các thày đã nói ra rất rõ. Giáo lý đã được ban ra và các thày phải trao tự do cho giáo lý, phải trao tự do cho mọi người sử dụng giáo lý theo ý họ.

16.5. Hiện tượng “tiểu đạo sư”

Bây giờ có một chủ đề khác mà thày muốn đề cập ở đây là toàn bộ khái niệm về thời gian. Hôm qua thày đã đưa ra một số nhận xét về thời gian [Xem chương chót trong sách này] nhưng thày muốn nói thêm một chút về chủ đề này. Con có thể lấy nhiều góc nhìn khác nhau về một đề tài như thời gian. Con có thể mô tả nhiều cách khác nhau. Điều thày sẽ trao con ở đây chỉ là một cách thôi, không phải là cách tuyệt đối, chót cùng hay duy nhất.

Thời gian là gì? Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói thời gian không có sự hiện hữu khách quan. Nếu con lấy quyển sách Những kiếp sống của tôi, có rất rất nhiều yếu tố quan trọng trong sách này nhưng từ góc độ thày đang trình bày ở đây, yếu tố quan trọng nhất được đưa ra ở ngay phần giới thiệu, viết rằng: “Mọi người trên trái đất đều đang có một trải nghiệm chủ quan. Tất cả mọi vấn đề trên trái đất đều được gây ra bởi một số người muốn nới rộng trải nghiệm chủ quan của họ để nó trở thành có vẻ phổ quát do sự kiện người khác chấp nhận trải nghiệm chủ quan của họ thay vì chính trải nghiệm chủ quan của mình.”

Đây là điều con thấy lặp đi lặp lại suốt chiều dài lịch sử, rõ ràng và điển hình nhất trong các tôn giáo khi có ai đó đi theo một tôn giáo xong khởi xướng một cuộc thánh chiến để cải đạo mọi người khác, hay trong trường hợp cùng cực, sát hại những người không chịu cải đạo. Con cũng thấy một điều tương tự xảy ra trong số đệ tử của chân sư thăng thiên. Thày không chỉ đang nói đến mong muốn cải đạo người khác để người ta đi theo giáo lý chân sư, mà thày muốn nói đến sự kiện đôi khi các thày chứng kiến đệ tử của mình sử dụng một yếu tố trong giáo lý mà họ xem là rất quan trọng – mà họ xem là đã giúp họ hay có ý nghĩa đối với họ – rồi họ nắm lấy cái này và muốn người khác phải chấp nhận quan điểm này.

Một lần có một đệ tử của chân sư thăng thiên đã gọi đó là hội chứng “tiểu đạo sư”, qua đó người ta có xu hướng – sau khi đã theo học giáo lý được một thời gian – tạo ra một đẳng cấp nào đó hay có thể một bè phái nơi họ cảm thấy mình là đệ tử cao cấp, và họ tự xưng là một loại “tiểu đạo sư” với ý định tập hợp các đệ tử khác thành một đoàn môn đệ sẽ đi theo cách diễn giải và cái nhìn đặc thù của họ về giáo lý.

Thày không chê trách ai ở đây. Thật không thể tránh được chuyện này xảy ra trong bất kỳ phong trào tâm linh hay tôn giáo nào. Điều tự nhiên là một số đệ tử tinh tiến hơn bắt đầu chỉ dạy cho các đệ tử khác. Nhưng điều thày nói đến ở đây là nhiều người như vậy bước vào tâm thái chẳng khác gì cái tâm thái mà con thấy nơi mọi phong trào tôn giáo khi họ tìm cách cải đạo người khác. Con cũng gặp tâm thái này nơi các nhà khoa học duy vật tìm cách cải tạo người khác theo mình. Con chui vào tâm thái này khi con tự thuyết phục là cách mình nhìn giáo lý, nhìn cuộc sống, nhìn Thượng đế, nhìn khoa học hay bất kể gì khác là cách tối hậu hay cách đúng đắn duy nhất, cho nên nếu người khác chấp nhận đi theo quan điểm của mình thì sẽ tốt biết mấy cho họ. Này con, với tất cả những lời dạy mà các thày đã trao cho con, con phải có thể – và tất cả các con sẽ có thể nếu các con sẵn lòng – bước lui lại để nhận ra là cho dù con ở tầng tâm thức nào, thậm chí cả tầng 144, con vẫn đang có một trải nghiệm không tuyệt đối. Trải nghiệm của con không phải là phổ quát theo nghĩa là nó phải áp dụng cho mọi người.

Cho dù con ở tầng 144, thật không chính đáng nếu con cố khiến người khác phải sống đời họ dựa trên trải nghiệm của con. Trong phần giới thiệu sách cũng có nói là con có thể đạt tới điểm con không còn một trải nghiệm chủ quan theo nghĩa thấp, nhưng con vẫn đang có một trải nghiệm cá nhân, và lý do khá giản dị. Ở các tầng tâm thức thấp hơn, con trải nghiệm cuộc sống xuyên qua ngã vỏ ngoài và ngã này là một tập hợp tất cả ngã tách biệt kia. Ở các tầng thấp đó, con không có sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con. Khi con bước lên cao hơn, con lột bỏ một số ngã vỏ ngoài này. Trải nghiệm của con ngày càng ít chủ quan hơn, ít bị pha màu hơn bởi các ngã tách biệt, bởi tâm thức tách biệt, bởi tâm thức nhị nguyên. Con ngày càng trở nên hòa điệu hơn với Hiện diện TA LÀ, nhưng Hiện diện TA LÀ của con không phải là một sinh thể phổ quát toàn vũ, đó là một sinh thể cá biệt.

Hiện diện TA LÀ trải nghiệm hoàn cảnh trên địa cầu xuyên qua cá thể đó. Hiện diện TA LÀ của con có một trải nghiệm về trái đất khác với Hiện diện TA LÀ của một người khác, và điều này hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn ổn thỏa. Điều thày nói ở đây là thế này: Tới một điểm trên đường tu con sẽ cần xoay chuyển và nhìn nhận là người khác không nhằm mục đích có được cùng trải nghiệm như con đang có. Họ nhằm có trải nghiệm riêng của họ. Điều này không có nghĩa là con không thể nói chuyện với họ, tìm cách giúp họ hay tạo cảm hứng cho họ hay bất cứ gì khác, mà có nghĩa là tới một điểm con sẽ bước cao hơn và tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết, qua đó con không còn tìm cách áp đặt trải nghiệm cá nhân của mình lên người khác.

Cũng không có nghĩa là con cần, theo thành ngữ quen thuộc, “câm miệng lại” và không nói năng gì với người khác mà trái lại, thay vì cố thay đổi cách họ trải nghiệm cuộc đời, con chia sẻ trải nghiệm của con. Có một sự khác biệt – thày cũng biết là có khi điều này có vẻ không khác biệt gì hết hay sự khác biệt quá vi tế – nhưng có một sự khác biệt cơ bản giữa việc áp đặt trải nghiệm của mình lên người khác và việc chia sẻ trải nghiệm. Cách thứ nhất mang một yếu tố ép buộc, còn cách thứ hai thì không. Đây là một thử thách, một sự khảo hạch mà con cần vượt qua, và con có khả năng vượt qua với các giáo lý con đã có trong tay.

16.6. Không phải ai ai cũng muốn thoát khổ

Đến một điểm con sẽ chỉ đơn giản lột bỏ cái ngã đang cho con lòng ham muốn đó vì đó là một cái ngã phản ứng với các điều kiện trên trái đất. Các thày có nói, ví dụ con thấy con người đau khổ. Trước khi con đến đây như một avatar, con đã đoán chừng, con đã chờ đợi là nếu con chỉ cho mọi người cách khắc phục đau khổ thì họ sẽ đón nhận lời con và cố gắng thoát khổ. Lý do là vì con, như một avatar và dựa trên trải nghiệm của con, sẵn lòng khắc phục các giới hạn cùng niềm đau khổ của mình. Nếu có ai chỉ cho con cách nào thoát khỏi khổ đau, con sẽ sẵn lòng làm theo và con chờ đợi mọi người cũng giống như con. Một lần nữa, điều này dựa trên trải nghiệm của con. Việc chờ đợi người khác sẽ muốn thoát khổ là chuyện lô-gíc trên một hành tinh tự nhiên nhưng không áp dụng được trên một hành tinh phi tự nhiên.

Tại sao một số người trên địa cầu đau khổ? Tại vì họ chưa chán chê trải nghiệm khổ đau. Khi con bảo họ không được đau khổ và làm thế nào họ có thể chấm dứt đau khổ, họ không thấy nó can hệ đến họ. Đó là chính con đang cố gắng thúc ép trải nghiệm chủ quan của con (rằng họ không được khổ đau) lên họ. Tới một điểm con cần làm việc trên ngã này để nhìn thấy nó. Con buông nó ra, con từ bỏ mong muốn khiến người khác sống theo cách nhìn của con. Một khi con đã buông bỏ ngã này, con có thể bước lui lại một chút và nhận ra là bất cứ khi nào con cảm thấy một sự bó buộc nào đó trong cách mình quan hệ với người khác, bất cứ khi nào con cảm thấy một sự căng thẳng, thì đó là vì có một cái ngã. Ngã này khởi nguồn từ chính thái độ, chính lòng ham muốn thúc ép kinh nghiệm chủ quan của mình lên người khác để khiến họ phải sống cuộc đời của họ dựa theo trải nghiệm chủ quan của con, thay vì đơn giản chấp nhận rằng trải nghiệm chủ quan của con hoàn toàn có giá trị với con, nhưng trải nghiệm chủ quan của họ cũng hoàn toàn có giá trị với họ cho dù trải nghiệm này có là gì ở giai đoạn hiện thời của họ.

Thật ra không bao giờ cần thiết hay chính đáng để con bảo: “Trải nghiệm chủ quan của tôi sẽ tốt hơn cho người khác. Sẽ tốt hơn nếu họ có trải nghiệm của tôi, hay ít ra nếu họ sống đời họ theo trải nghiệm của tôi chứ không theo trải nghiệm của họ.” Việc một người có trải nghiệm chủ quan của một người khác không bao giờ là tốt hơn. Điều luôn luôn tốt hơn cho họ là họ có trải nghiệm chủ quan mà chính họ đang có, vì đây là cách duy nhất họ có thể tăng triển.

16.7. Thời gian là một trải nghiệm chủ quan

Hồi nãy thày đang bắt đầu nói về thời gian thì có vẻ như thày đã chệch sang đề tài ngã tách biệt và vấn đề con áp đặt trải nghiệm chủ quan của con lên người khác, nhưng thày đã nói gì chứ? Thày nói rằng thời gian là một trải nghiệm chủ quan, đó là sản phẩm của một trải nghiệm chủ quan. Thời gian, trong cách nhìn của con người trên trái đất, không phải là một hiện thực khách quan. Nó hoàn toàn là một trải nghiệm chủ quan, tất nhiên được tạo ra một cách tập thể suốt một thời gian rất dài. Con người đã bỏ ra rất nhiều năng lượng của lý trí-cảm xúc-bản sắc để tạo ra cái nhìn hiện thời về thời gian, và cái nhìn này có thể được xem như một ngã tách biệt có mặt trong tâm thức tập thể. Con người nghĩ rằng thời gian rất đường thẳng, rằng họ không thể thay đổi thời gian. Con không thể đi trở ngược thời gian, con không thể thay đổi quá khứ. Như các thày đã giảng, sa nhân muốn con tin là con không thể thoát ra khỏi các lỗi lầm con đã phạm phải trong quá khứ.

Có một trải nghiệm về thời gian đã trở nên rất phổ thông trên địa cầu và tại sao như thế? Thật sự là vì sa nhân đã muốn đem trải nghiệm chủ quan của chúng về thời gian rồi xuất khẩu nó, phóng chiếu nó lên mọi người trên trái đất, và phần lớn chúng đã thành công trong việc này. Đó là tại sao thật ra các phim ảnh, sách báo thách thức quan niệm của con người về thời gian phần nào chính đáng. Mặc dù con không thể chế tạo một cỗ máy vật lý để du hành thời gian như trong phim kể truyện người ta chế được cỗ máy vật lý để trở ngược về quá khứ, nhưng phần nào loại phim như vậy vẫn giúp thách thức cái nhìn rất cứng nhắc về thời gian mà người ta thường có.

Bây giờ câu hỏi là như sau. Phải, đúng là có một cái nhìn tập thể về thời gian nhưng con là một đệ tử tâm linh trưởng thành. Con đã tu tập rất nhiều, con đã phần lớn tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Đến một điểm con cần xem xét: “Đâu là cái nhìn chủ quan của tôi về thời gian, cái nhìn cá nhân của tôi về thời gian?” Hiển nhiên ở một mức cá nhân, con thấy là con đã làm một việc trong quá khứ và việc này đã tạo ra một số hậu quả mà con đem vào cái con xem là tương lai. Con mang quan điểm là hoàn cảnh hiện thời của con bị ảnh hưởng bởi quá khứ của con ở một mức độ nào đó. Thậm chí con có cả những giáo lý tâm linh sẽ củng cố cho quan điểm này, theo nghĩa là con đã tạo nghiệp trong tiền kiếp và nghiệp này đang tác động đến hoàn cảnh hiện thời của con. Rất nhiều người cảm thấy nếu có gì xảy ra cho họ: “Ồ, chắc hẳn đây là kết quả nghiệp chướng của tôi.”

16.8. Một cái nhìn cao hơn về nghiệp quả

Trong nhiều trường hợp, con yêu dấu, những gì xảy ra cho một đệ tử tâm linh không phải là kết quả nghiệp chướng cá nhân của con. Đó là kết quả của sự kiện con đang hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên rất dày đặc, rất hỗn tạp. Có rất nhiều chuyện có thể xảy ra do người khác gây ra, do hành động hay trạng thái tâm thức của họ gây ra, hay do một nghiệp chướng tập thể gây ra nhưng không phải do nghiệp chướng cá nhân của riêng con. Đó là tại sao như thày đã nói, có thể tới một điểm con sẽ lợi lạc nếu con bước lui lại và xem xét cái nhìn về bản thân mà con đã tạo ra dựa trên giáo lý tâm linh, ngay cả dựa trên giáo lý về nghiệp quả. Có thể con đã xây dựng cái nhìn: “Phải, tôi mang nghiệp từ tiền kiếp. Nếu có điều gì tệ hại xảy ra cho tôi, đó là do nghiệp này và tôi cần đọc thỉnh đọc chú hay tập yoga hay bất cứ gì khác hầu chuyển hóa nghiệp quả cho nó không còn nữa.” Nếu như con đã bước trên đường tu được khá lâu và đã thực sự thỉnh cầu đủ lửa tím để hoán chuyển toàn bộ năng lượng cấu tạo nghiệp chướng của con thì điều gì xảy ra? Có nghĩa chăng là con đã cân bằng nghiệp quả của con? À, con đã chuyển hóa năng lượng. Đó là một khiá cạnh của nghiệp quả, nhưng các chân sư kia đã dạy con điều gì về những hình ảnh con còn cầm giữ từ quá khứ?

Nếu con mang hình ảnh về bản thân là con chưa cân bằng hết nghiệp quả thì thật ra con vẫn chưa thoát khỏi nghiệp quả của con. Có lẽ vẫn có một cái ngã thực sự không muốn nhìn nhận là con không còn nghiệp nữa, vì ngã này lo sợ nếu có gì xấu xảy ra cho con, làm sao con sẽ giải thích được ngoại trừ đó là kết quả của nghiệp chướng? Con có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng và tự hỏi tại sao Thượng đế lại để cho chuyện xấu kia xảy ra cho mình nếu con không có nghiêp quả. Con cho rằng lý do chuyện xấu xảy ra cho con là vì con đang bị trừng phạt về những việc xấu con đã làm trong quá khứ. Nhiều người suy nghĩ như vậy.

Nhưng con yêu dấu, dựa trên giáo lý các thày đã cho con, con có thể bước lên một bực và nhận ra là nhiều các con thật ra đã hoàn tất quá trình mà nhiều phong trào tâm linh, ngay cả các phiên bản về nghiệp ở Đông phương, đã mô tả là sự cân bằng nghiệp quả. Nếu có điều tệ hại xảy ra cho con, đó không phải là kết quả của nghiệp chướng cá nhân, không phải là kết quả một lầm lỗi con đã phạm phải, mà là sự kiện con sống trên một hành tinh phi tự nhiên rất dày đặc, rất hỗn tạp. Như các chân sư khác đã nói, con không thể nào tiên đoán chắc chắn và chính xác các sự việc xảy ra. Con hãy dùng câu chuyện ẩn dụ về sự khác biệt giữa viên đạn từ cây súng trường và chùm đạn bắn ra từ súng shotgun. Con không thể đoán trước đường bay của một hạt nhỏ trong nguyên chùm đạn từ lúc nó được bắn ra cho đến lúc nó chạm mục tiêu. Không thể nào tiên đoán được vì quá nhiều hạt nhỏ đang chạm vào nhau, giao với nhau và biến đổi nhau và vì thế chúng cũng đổi đường bay.

16.9. Vũ trụ không phải là một cỗ máy

Điều tương tự cũng xảy ra trong hiện tại. Con không thể bảo là một người đã cân bằng nghiệp quả cho nên không có gì tệ hại được phép xảy ra cho họ. Vì con vẫn đang sống trong một cơ thể vật lý trong một môi trường nhất định, có một mô thức sóng năng lượng vô cùng phức tạp được tạo ra bởi người khác và được duy trì bởi người khác. Không có cách nào, ngay cả đối với một chân sư thăng thiên, để tiên đoán chính xác biến cố nào sẽ xảy đến trong phần đời còn lại của con. Mọi sự quá hỗn loạn, quá bất ngờ đến độ nhiều nhà khoa học phải gọi đó là những “biến số ẩn giấu”. Đối với một chân sư thăng thiên, các biến số này không ẩn giấu. Chỉ có điều, con yêu dấu, vũ trụ không phải là một chiếc đồng hồ, nó không phải là một cỗ máy. Có thể có một hoàn cảnh mà các thày là chân sư thăng thiên có thể nhìn thấy tất cả mọi yếu tố góp phần vào đó, nhưng các thày vẫn không biết được chính xác một người sẽ chọn làm gì. Tất nhiên các thày có thể thấy được xác suất họ sắp sửa chọn làm cùng một việc mà họ đã chọn làm suốt 50 kiếp vừa qua, nhưng các thày không thể biết chắc và do đó không thể tiên đoán chính xác phần còn lại của kiếp này sẽ mang hình dạng ra sao. Nó tùy thuộc vào chọn lựa của con cũng như chọn lựa của nhiều người khác, nó tùy thuộc vào cách tất cả mô thức sóng năng lượng vô cùng phức tạp này sẽ tương tác như thế nào, giao thoa như thế nào với nhau.

Thật không có cách nào mà bảo được trên một hành tinh như trái đất là nếu con không còn nghiệp quả thì không có gì xấu xa có thể xảy đến cho con trong phần còn lại của kiếp này. Chuyện này đơn giản không thể có. Cho nên con cần buông bỏ ngã này. Con cần chấp nhận: “Tôi đã cân bằng nghiệp quả của tôi,” xong con cũng cần chấp nhận: “Vì tôi đang sống trên một hành tinh như trái đất cho nên có thể một chuyện gì đó sẽ xảy ra cho tôi mà không phải là nghiệp của tôi. Nhưng tôi sẽ không trách Thượng đế, tôi sẽ không tự trách mình, tôi sẽ không trách ai hết. Tôi sẽ chấp nhận nó như nó là, sử dụng nó tốt nhất và bước đi tiếp.”

Điều này đòi hỏi một sự xoay chuyển, và đây cũng là một phần của sự chấp nhận mình là một sinh thể Ki-tô. Con yêu dấu, khi Giê-su khởi sự kiếp đầu thai chót của thày, thày có mang một ý niệm bản ngã nào đó. Xong thày đã tuần tự bồi đắp và tinh chế ý niệm bản ngã này, cho nên khi thày bắt đầu sứ vụ công chúng, thày đã làm vậy với một ý niệm bản ngã nào đó. Dựa trên bản ngã này, thày đã có một số chờ đợi như khi thày bảo là không có gì thật sự tệ hại có thể xảy ra cho mình. Và nếu có thì Thượng đế sẽ gửi thiên thần xuống làm phép lạ để giải cứu thày khỏi sa nhân. Giê-su đã giải thích đây chính là cái ngã mà thày đã phải cho phép chết đi khi thày treo thân trên thập tự giá.

Con không phải chờ cho đến khi con mãn thời gian hiện thân này để buông bỏ những ngã đó. Con có thể khởi sự làm vậy ngay bây giờ. Con có thể tới điểm thực sự chấp nhận là con đã đạt được một cấp độ quả vị Ki-tô nào đó, và nếu có việc gì “xấu xa” xảy ra cho con thì rất có thể đây là một phần con đường quả vị Ki-tô của con khi con phải kinh qua trải nghiệm đó, phải chứng tỏ một cách ứng xử cao hơn và không dính mắc. Con phải chứng tỏ làm thế nào con có thể ứng phó với trải nghiệm này mà không còn ngã gốc hay những cái ngã con đã khắc phục.

16.10. Thời gian có và cũng không có

Vậy thời gian là gì? Tại sao thày đã nói là thời gian không có? À, là vì thời gian không có một sự hiện hữu khách quan nào, ít ra theo cách nhìn của mọi người. Bây giờ để minh họa cho điểm này, hãy để thày trình bày một điểm thày đã gợi ý trước đây. Theo truyền thống, hình học nói rằng có ba chiều kích trong không gian: chiều dài, chiều rộng, chiều cao. Con có hệ thống tọa độ truyền thống với ba trục và con bàn về một thế giới ba chiều nơi con có thể di chuyển. Con có thể đi bộ ở lầu này, đi tới và đi lui, nhưng con cũng có thể đi lên lầu trên nếu có một lầu trên, hay con có thể đi xuống lầu dưới. Con có thể di chuyển trong cả ba chiều.

Bây giờ cũng theo truyền thống, các nhà khoa học bảo rằng thời gian là chiều thứ tư, nhưng họ cũng nói thời gian hoàn toàn đường thẳng cho nên con không thể đi ngược thời gian. Tất nhiên con không thể nhảy về phía trước bước vào tương lai. Thực tế là từ nhãn quan thăng thiên, các thày nhìn thời gian cũng giống như các chiều kích kia tức là một chiều kích không đường thẳng. Con có thể đi tới hay đi lui trong thời gian. Con hãy tưởng tượng con đang đứng trong một quảng trường rộng lớn, một mặt phẳng rộng lớn, và con bắt đầu bước tới theo một hướng. Bây giờ con tưởng tượng có ai đến nói với con: “Bạn sẽ không bao giờ đi lùi lại được, bạn chỉ có thể bước tiếp theo cùng một hướng.” Phải, đó là điều đã xảy ra cho thời gian. Tất nhiên con cần hiểu điều này thấu đáo. Ví dụ con đến một thành phố. Có một quảng trường ngay trung tâm thành phố. Con đang đứng giữa quảng trường rồi bắt đầu bước tới theo một hướng, giả sử con bước một trăm mét. Con quẹo ở góc phố và quang cảnh con vừa thấy hồi nãy bây giờ không còn nữa, nó khác đi rồi. Con đã di chuyển vị trí của con trong không gian cho nên con có một tầm nhìn khác, một quang cảnh khác so với khi con cất bước. Con đứng ở nơi con đang đứng trong không gian.

Con có thể đi trở về điểm khởi đầu nhưng con không thể trở về đó chỉ bằng một bước nhảy. Con phải đi một số bước để về đó. Con cũng có thể di chuyển về một phía khác nhưng một lần nữa, con không thể nhảy xa đằng trước. Con phải đi từng bước một. Chúng ta có thể nói là ở bất kỳ điểm nào trong không gian, con đều có một tầm nhìn nhất định, một quang cảnh nhất định, thậm chí một ý niệm bản ngã nhất định. Có một cái ngã, một ý niệm bản ngã dựa trên điểm con đang đứng ngay bây giờ và những gì con có thể nhìn thấy. Về cơ bản, hiện tượng này cũng xảy ra y như vậy trong thời gian – thời gian cũng y như vậy trên cơ bản. Ở bất cứ thời điểm nào con cũng đứng ở một vị trí nhất định trên một dòng thời gian – nếu có thể gọi như vậy – nhưng thật sự đó là một điểm trong không gian của thời gian, một điểm trong chiều kích thời gian. Bất cứ lúc nào con cũng ở một vị trí đặc thù và ngay lúc đó con có một ý niệm bản ngã đặc thù.

Bây giờ sự khác biệt trong chiều kích thời gian là như sau: Giả sử con khởi đầu nơi quảng trường đó ở trung tâm thành phố. Con có một chiếc máy ảnh có khả năng chụp hình chính xác những gì mắt con thấy đằng trước khi đầu con hướng về một hướng. Con đứng đó, con chụp hình. Con bước đi một bước, con lại chụp hình và tấm hình cho thấy nhãn quan của con đã thay đổi như thế nào. Tất nhiên quang cảnh sẽ không khác lắm, tuy nhiên với mỗi bước đi nếu con cứ tiếp tục chụp hình thì sau khi con đi được một trăm mét chẳng hạn và đã quẹo quanh góc phố, hình chụp đã thay đổi khá nhiều. Bây giờ giả sử con mang theo con tất cả những hình chụp này, để cái nhìn của con về nơi con đang đứng trong không gian bị tác động bởi tất cả những cái nhìn trước đây mà con đã có trong không gian.

Trong cốt yếu, đây chính là điều con làm trong chiều kích thời gian. Đã có một thời điểm khi con hình thành một cái ngã, chẳng hạn ngã gốc. Từ đó trở đi, con đã mang ngã này theo con và ngã này đã thiết lập một khuôn khổ quy định cách con nhìn cuộc sống trên trái đất, cách con nhìn bản thân con trên trái đất. Thay vì chụp một tấm ảnh mới cho mỗi lúc, cho mỗi bước, con đã không ngừng bồi đắp thêm cho tấm ảnh cũ. Và điều này quyết định cách con nhìn chính con và cuộc đời trong giây phút bây giờ, có nghĩa là trên cơ bản, con đã đem theo con một cái gì đó từ quá khứ, và con yêu dấu, chính cái này là ý nghĩa của thời gian đối với con.

16.11. Cỗ máy du hành thời gian của riêng con

Thời gian chủ quan của riêng con chính là các hình ảnh được tạo ra trong quá khứ mà con vẫn mang theo con. Đây là tại sao từ một nhãn quan thăng thiên, các thày thấy được thời gian chỉ là một chiều kích khác và mình có khả năng di chuyển trong chiều kích này. Con có thể học cách di chuyển trong chiều kích này. Như Chân sư MORE có nói, các thày đã cho con một cỗ xe vượt thời gian với giáo lý của các thày. Các thày đã cho con khả năng đi trở ngược và nối kết lại chẳng hạn với hình ảnh mà con đã tạo ra trong chấn thương nhập đời hay bất kỳ hình ảnh nào con tạo ra trong một kiếp trước. Con có thể nhận biết hình ảnh đó, thấy rõ nó đã tạo ra một ngã tách biệt, và con để cho ngã chết đi mà không cố giải quyết hoàn cảnh con đã không thể giải quyết vào lúc đó. Con không thay đổi gì hết trong cõi vật lý. Con chỉ đơn giản để cho ngã chết đi, và trong tiến trình chót cùng, con nhận ra có một hình ảnh do ngã này cầm giữ và con tẩy xóa hình ảnh này đi, con tẩy xóa ký ức này đi.

Đấy là một cỗ máy vượt thời gian. Đấy là du hành trong thời gian. Tất nhiên khi con đạt đến các tầng nhận biết cao hơn cùng các tầng quả vị Ki-tô cao hơn nữa, con sẽ bắt đầu thoáng nhìn thấy một số hoàn cảnh tương lai. Nhiều các con đã có cái nhìn hé thoáng về một hoàn cảnh, hay con gặp những hoàn cảnh mà con có cảm tưởng mình đã gặp rồi trong quá khứ. Đột nhiên con nhận ra là con ở trong một tình huống vật lý mà con đã nhìn thấy trước đây trong giấc mơ hay trong khải tượng. Đây là một ví dụ làm thế nào con cũng có thể du hành vào tương lai. Có một số trường hợp việc nhìn thấy trước tương lai sẽ hữu ích và thích hợp đối với một sinh thể Ki-tô, tuy nhiên đây là một khả năng con cần sử dụng thận trọng. Thật không có lý do chính đáng nào khiến con muốn biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra cho con trong thời gian hiện thân còn lại của con, vì như các thày có nói, làm thế nào con tăng triển từ một tầng tâm thức lên tầng cao hơn? Con tăng triển bằng cách đáp ứng các tình huống dựa trên mức tâm thức hiện thời của con nhưng con vẫn sử dụng tình huống này để với lên một tầm nhìn cao hơn – đó chính là cách con tăng trưởng.

16.12. Sống trong hiện tại khi hiện tại là một khoảng thời gian

Có một lý do khác nữa khiến con phải thận trọng khi dùng khả năng này. Giả sử con đang có một viễn quan về những gì sẽ xảy ra trong mười năm nữa, một tình huống sẽ xảy ra mười năm nữa. Con có thể lấy ví dụ của Giê-su có khải tượng là mình sẽ bị đóng đinh ở thành Jerusalem. Liệu khải tượng này về tương lai có được tạc vào đá hay không? Các thày chẳng đã nói với con là quá khứ không được tạc vào đá và con có thể đi trở ngược để thay đổi nó hay sao? Vậy làm sao tương lai có thể tạc được vào đá? Giữa thời điểm bây giờ và mười năm nữa, con sẽ kinh qua rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều bước. Chính con sẽ lấy nhiều quyết định và người khác cũng sẽ lấy nhiều quyết định. Mặc dù con có thể di chuyển trong chiều kich thời gian và hé thấy tương lai, nhưng con không thể biết được điều này sẽ trở thành hiện thực. Đó là tại sao việc nhìn thấy tương lai rồi tin tuyệt đối nó sẽ xảy đến là một điều phần nào phản xây dựng, thậm chí còn nguy hiểm là đằng khác. Rất có thể con sẽ có những quyết định và người khác cũng có những quyết định sẽ chuyển đổi phương trình, chuyển đổi sự tương tác vô cùng phức tạp giữa các sóng năng lượng, khiến cho những gì con hé thấy không trở thành hiện thực. Nói cách khác, nếu con nhìn thấy tương lai thì nó sẽ chỉ xảy ra nếu không có gì thay đổi.

Nhưng trên một hành tinh phi tự nhiên, con có thể đoan chắc là có gì đó sẽ thay đổi, cho nên tấm hình chụp về tương lai mà con đang có rất có thể sẽ không còn chính xác nữa trong vòng mười giây. Vậy tại sao con lại cần đến nó? Tại sao con lại muốn có nó? Thật sự khi con càng bước lên cao hơn trên đường tu, con sẽ càng bớt quan tâm đến tương lai, con càng ít mong muốn biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhiều người đạt đến một cấp độ quả vị Ki-tô hay quả vị Phật nào đó không còn quan tâm đến quá khứ, không còn quan tâm đến tương lai. Họ chú tâm vào hoàn cảnh ngay trước mặt, không cứ là giây phút hiện tại như một khoảnh khắc trong thời gian, mà vào hoàn cảnh hiện thời của họ và hoàn cảnh này có thể kéo dài một khoảng thời gian. Chẳng hạn nếu con cố đạt một mục tiêu như xây một căn nhà chẳng hạn, con không thể xây nhà trong giây phút hiện tại. Con không thể xây nhà nếu con sống trong hiện tại và chỉ chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại. Tất nhiên con không bàn đến quá khứ xa xôi hay tương lai xa xôi. Con quyết định: “Tôi sẽ khởi sự tiến trình dẫn tôi đến việc xây căn nhà này.” Rồi có thể con sẽ tốn một năm để xây căn nhà. Nhưng bây giờ con đã kinh qua tiến trình này được ba tháng và con vẫn có thể nhìn trở ngược thời gian và bảo: “Đây là cách tôi đã hoạch định ba tháng trước đây.” Con vận hành trong một khoảng thời gian kéo dài một năm để xây căn nhà.

Đó là tại sao thày nói là con không nhất thiết, như một sinh thể tiên tiến, sống trong hiện tại và hiện tại này là một khoảnh khắc. Con có một khoảng thời gian để làm việc nhưng con không bị gánh nặng của những sự việc xảy ra hai triệu năm trước hay trong kiếp trước hay trong tuổi thơ ấu. Con không vẫn đổ lỗi cho cha mẹ đã nuôi con như thế nào khi con còn nhỏ. Con không quan tâm đến những gì sẽ xảy đến trong mười năm nữa. Con ngộ ra một điều, con ngộ ra tinh túy của những gì các thày đã dạy con. Con không ở đây để hoàn thành một mục tiêu vật lý đặc thù nào. Mục đích đời con không phải là xây căn nhà kia. Mục đích của việc xây nhà là để cho con một trải nghiệm. Thật chẳng có gì quan trọng nếu con xây căn nhà rồi hai năm sau có trận động đất phá sập hoàn toàn, vì con vẫn đã có được trải nghiệm xây dựng căn nhà. Nếu căn nhà bị động đất phá hủy thì con lại có thêm chính trải nghiệm này.

Con có thấy không, con yêu dấu, sẽ tới một điểm con đã khắc phục những cái ngã muốn kiểm soát mọi khía cạnh của đời con và do đó cũng muốn có khả năng kiểm soát tương lai. Có một cái ngã rất rất quan tâm đến chuyện kiểm soát tương lai vì ngã này đã được thiết kế, được lập trình để đảm bảo là con không bao giờ gặp lại trải nghiệm đau đớn con đã gặp trong quá khứ. Cho nên ngã này muốn kiểm soát tương lai để con có thể tự bảo vệ khỏi mọi chuyện xấu xa xảy đến cho mình. Một khi con buông bỏ nó cùng những cái ngã khác, con thấy rõ là con đang ở trên một hành tinh phi tự nhiên. Thật chẳng nghĩa lý gì trên một hành tinh phi tự nhiên mà lại cố sống cùng loại đời sống mà con đã quen sống trên một hành tinh tự nhiên. Trên hành tinh tự nhiên, con có thể xây một căn nhà và nó sẽ ở đó vĩnh viễn. Không có rủi ro động đất, hỏa hoạn, bão lụt hay bất cứ chuyện gì có tiềm năng phá hủy nhà con, nhưng trên hành tinh phi tự nhiên sẽ không như vậy. Cho nên con vẫn có thể quyết định: “Tôi muốn có trải nghiệm xây nhà ở đây trên trái đất,” nhưng khi đó, con sẽ mở tâm để nhận ra là trong trường hợp căn nhà bị phá hủy – và tất nhiên thày không bảo là căn nhà sẽ bị phá huỷ – thì đây chỉ là thêm một loại trải nghiệm con có thể có trên địa cầu. Do đó con có thể nói: “Ồ, quả là bổ ích khi tôi trải nghiệm chính mình trong hoàn cảnh này khi căn nhà của tôi bị phá tan tành.” Đây chỉ là một trải nghiệm khác, một cơ hội khác để con là chính con bất kể điều kiện gì trên trái đất.

16.13. Tự do trải nghiệm cuộc sống

Con thấy đó, con yêu dấu, tới một điểm con sẽ bắt đầu xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Xuôi chảy với Dòng sông sự Sống không có nghĩa là không có gì xấu xa xảy ra cho con – con không thể bị đau ốm, con không thể bị tan nát nhà cửa, con không thể bị mất tiền bạc, con không thể thế này, không thể thế kia – mà thật ra nó có nghĩa là con sẽ không có một trải nghiệm tồi tệ nào, bởi vì cho dù điều gì xảy ra, con cũng không trải nghiệm nó xuyên qua cái ngã tách biệt phải xét đoán mọi thứ là tốt hay xấu. Đấy là khi con tự do xuôi chảy với Dòng sông sự Sống do con không có định kiến nào về những gì phải hay không được xảy ra. Con hãy lấy ví dụ tình cảnh của Giê-su khi thày bảo các tông đồ là thày sẽ đi Jerusalem, sẽ gặp khổ nạn, sẽ bị trấn áp và đóng đinh. Peter nói với thày: “Xin ngài tránh xa, chuyện này sẽ không xảy ra đâu.” Tại sao Peter lại nói như vậy? Vì ông có một ngã tách biệt với một cái nhìn rất đặc biệt, một cái nhìn tôn thờ thần tượng về những gì phải xảy ra hay không được xảy ra cho Ki-tô Hằng sống. Đây là một cái nhìn hoàn toàn chủ quan mà Peter đang cố phóng chiếu lên Giê-su, và vì Giê-su ở một mức quả vị Ki-tô cao hơn Peter nên thày đã từ chối tuân theo hình ảnh chủ quan của Peter. Để giúp Peter bứt ra khỏi hình ảnh chủ quan này, thày mới nói: “Lùi ra sau ta, Satan.”

Theo một nghĩa nào đó, con có thể mô tả tâm thức Satan là khi con phóng chiếu một hình ảnh chủ quan lên người khác và muốn họ chối bỏ trải nghiệm chủ quan của riêng họ để hoặc họ có trải nghiệm của con – mà tất nhiên họ không thể thực sự có được – hoặc ít ra họ sống cuộc đời họ dựa trên trải nghiệm chủ quan của con. Đến một điểm con sẽ khắc phục cái ngã cứ muốn đánh giá từng trải nghiệm, từng sự việc xảy ra cho mình theo thang điểm tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay không được xảy ra. Con không còn sợ hãi những gì không được xảy ra. Con sẵn lòng xuôi chảy với bất kỳ tình huống nào xảy đến mà con nhận ra là không thể tránh được.

Bây giờ nếu con nhìn lại một tổ chức của chân sư thăng thiên trước kia, con có một vị sứ giả và trong tổ chức hầu hết mọi người đều xem bà đã đạt được một tầng tâm thức rất cao. Nhiều người đã hành xử đối với bà y như Peter đã hành xử đối với Giê-su. Họ phóng chiếu một cái nhìn lên bà về những gì phải hay không được xảy ra. Thế rồi chuyện gì đã xảy ra? Bà lâm trọng bệnh và nhiều người đâm ra bối rối, xốn xang, tức giận về điều xảy ra. Họ đã có một cái nhìn là bà phải hướng dẫn họ cho hết phần còn lại của đời họ, phải giúp họ bước trên đường tu mà không phải nhận trách nhiệm về bản thân vì họ chỉ cần đi theo chân đạo sư.

Thế rồi khi bà không còn khả năng làm công việc này nữa, họ nổi cơn phẫn nộ và vô cùng xét đoán. Một số còn viện cớ này để bác bỏ cả đường tu, họ từ chối bước đi tiếp trên đường tu, họ quay trở về lối sống ăn chơi, lối sống hưởng thụ, và họ lại làm tất cả những thứ họ đã nhịn không làm suốt một thời gian dài. Con yêu dấu, tại sao lại có chuyện như vậy? À, là vì như các thày đã gợi ý trước đây, có quá nhiều đệ tử không sẵn lòng chuyển bước đi tiếp. Cho nên đây là một cách để bắt buộc họ phải đương đầu với một điều trong tâm họ mà họ đã không sẵn lòng đương đầu cho tới nay.

16.14. Để cho thời gian co sụp

Để quay lại điểm đầu, trải nghiệm chủ quan của con về thời gian dựa trên bất kỳ ngã nào con đã tạo ra trong quá khứ mà con vẫn mang theo con, vì chúng đang ảnh hưởng đến cách con nhìn bản thân và cuộc sống trong giây phút hiện tại. Chúng cũng ảnh hưởng đến những gì con nghĩ về tương lai. Nếu con nhìn thấy tương lai của mình ngay bây giờ, đó sẽ là một tương lai dựa trên các ngã tách biệt con đang có ngay bây giờ và cách chúng ảnh hưởng tương lai của con. Khi con bắt đầu vứt bỏ các ngã này đi thì ngay lúc đó con thay đổi phương trình tương lai của con. Con cũng đang thay đổi quá khứ của con. Theo một nghĩa nào đó, con đang triệt tiêu, con đang tẩy xóa, con đang xóa sạch quá khứ của con.

Các thày đã có nói là con không thể nào thăng thiên trong quá khứ. Con cũng không thể thăng thiên trong tương lai. Con chỉ có thể thăng thiên trong hiện tại. Điều gì xảy ra khi con ở tầng 144 và như các thày đã giảng, con đứng đó và chỉ cần một bước nữa thì con sẽ bước vào cõi thăng thiên? À, ngay lúc đó con cần nhìn lại trái đất, con cần nhìn xem có bất cứ gì níu kéo con trở về đó hay không. Cái có thể níu kéo con trở về đó là bất cứ dính mắc nào con có, bất cứ ngã nào, bất cứ gì từ quá khứ mà con cảm thấy chưa được giải quyết. Đó chính là quá khứ của con đang kéo con về. Đằng khác nếu con có bất cứ gì trên trái đất mà con chưa làm, chưa hoàn tất, bất cứ gì mà con muốn làm, muốn trải nghiệm, thì cái đó là tương lai của con đang kéo con về trái đất.

Con thấy đó, để có thể thăng thiên, con phải đạt tới điểm không còn quá khứ nào trên địa cầu vì không có gì chưa giải quyết mà con kéo lê theo con. Đồng thời, con không có tương lai nào trên địa cầu vì con không có viễn kiến muốn làm bất cứ gì trên địa cầu. Khi, nếu có thể gọi như vậy, dòng thời gian của sự có mặt của con trên trái đất co sụp lại – sự co sụp của một hàm sóng, theo từ được dùng trong vật lý lượng tử – và khi thời gian không còn kéo dài được nữa, tức là không có quá khứ, không có tương lai và thời gian co sụp lại thành một khoảnh khắc độc nhất, thì đó chính là khoảnh khắc con thăng thiên. Đây mới thực sự là ý nghĩa tối hậu của câu nói: “Thời gian không có, thời gian không còn nữa.”

16.15. Làm hòa với việc mình ở đây

Làm thế nào con có thể dùng các lời dạy này để làm hòa với việc mình ở đây trên địa cầu? À, tự thân các lời dạy này có thể giúp con xoay chuyển tầm nhìn của con. Để thày lấy ví dụ một trải nghiệm mà sứ giả này đã có khi ông còn nhỏ và ông kinh qua một trải nghiệm rời khỏi thân xác (out-of-body experience). Ông đã bước ra ngoài cơ thể của ông, đi vào một đường hầm rồi một vùng ánh sáng, sau đó ông trở lại trong cơ thể. Ông nhận ra là mặc dù trải nghiệm này vô cùng thâm sâu, ông không có nhu cầu lặp lại. Trải nghiệm này đã chứng tỏ cho ông – không phải về mặt lý thuyết mà ở một mức độ trải nghiệm – là có gì đó vượt khỏi thế giới vật chất, và cái đó giúp ông ngộ ra là mình sẽ không mãi mãi ở lại trong thế giới vật chất. Cho nên ông đã từ bỏ nhu cầu cố gắng có thêm trải nghiệm tâm linh, và kể từ đó ông đã không làm bất cứ gì để có trải nghiệm tâm linh. Có một số trải nghiệm tâm linh đã xảy ra tự phát nhưng ông chưa bao giờ nỗ lực hay cưỡng ép để có trải nghiệm như vậy. Con có thể làm giống như thế.    

Con có thể xoay chuyển và ngộ ra là sau khi con thăng thiên, thời gian mà con chứng kiến trên địa cầu sẽ không áp dụng cho con nữa. Theo nghĩa đen, con có cái người ta gọi là sự vĩnh hằng, nhưng đó không thật là vĩnh hằng bởi vì ở cõi thăng thiên luôn luôn có sự tiến bộ. Con có một khoảng thời gian dài gần như vô lượng so với khoảng thời gian con có trên trái đất. Ngay cả khi con nhìn vào chiều dài hai triệu năm con đã sống trên trái đất, thời gian con có ở cõi thăng thiên dài hơn vậy một cách bất tận.

Con có tiềm năng làm cuộc xoay chuyển là nói: “Tại sao tôi lại vội rời bỏ nơi đây đến như vậy? Có lẽ chăng tôi muốn trải nghiệm cảm giác ở cõi thăng thiên là như thế nào?” Phải, nhưng nếu con có nguyên một vĩnh hằng để trải nghiệm cõi thăng thiên và con chỉ có một thời gian giới hạn trên địa cầu, tại sao con lại vội vã lánh xa địa cầu để trải nghiệm những gì con sẽ dư thì giờ trải nghiệm? Tại sao con không làm hòa với việc mình ở đây trên trái đất, biết rằng mình sẽ chỉ ở lại ngắn ngủi, và sau đó con nói: “À, vì tôi chỉ có một thời gian hạn chế trên địa cầu, tại sao tôi không tận dụng tốt nhất thời gian tôi có? Tại sao tôi không tìm kiếm những trải nghiệm tốt đẹp nhất mà tôi có thể có trong thời gian sót lại trên địa cầu, thay vì cứ luôn cảm thấy như thể mình bị chậm trễ và phải rởi khỏi nơi đây cho bằng được?”

Con yêu dấu, các thày đã nói điều này trước đây rồi. Có những chân sư đã thăng thiên (và họ đã cần thăng thiên trong một thời hạn nào đó) nhưng họ đã nhìn lại địa cầu từ cõi thăng thiên và nghĩ: “À, ước gì tôi đã thong thả, ước gì tôi đã có nhận biết để vui hưởng cuộc sống trên địa cầu trọn vẹn hơn, vui hưởng các trải nghiệm tôi có thể có, vui hưởng mình là chính mình trong các hoàn cảnh mình sống qua trong cõi vật lý.” Thày hy vọng một số các con sẽ được cảm hứng từ sự kiện này để sử dụng cuộc sống tối đa hầu con không nghĩ như thế sau khi thăng thiên.

Thày cũng có thể nói là con càng an bình với việc mình ở địa cầu thì con sẽ càng tận dụng được trải nghiệm của mình, càng tác động mạnh mẽ đến tâm thức tập thể, càng kéo tâm thức tập thể đi lên. Đương nhiên con sẽ kéo tâm thức tập thể đi lên khi con thăng thiên, nhưng thày có thể cam đoan với con là sức kéo của con sẽ mãnh liệt hơn gấp bội khi con vẫn còn điểm trụ neo của một cơ thể vật lý trong bát cung vật lý, song song với một mức nhận biết cao hơn khi con đón nhận trọn vẹn việc mình ở đây, mình an bình, mình vui hưởng cuộc sống ở đây trên địa cầu.

Con yêu dấu, như chính thày đây sau khi chứng ngộ dưới cây Bồ đề và vượt qua thử thách của quỷ Mara, thày cũng đã đạt tới điểm có thể vui hưởng trọn vẹn việc mình ở đây trên trái đất. Cám dỗ của Mara là gì? Đó là thày phản ứng lại chúng, khiến thày không thể an bình trọn vẹn, không thể là chính mình trọn vẹn, không thể vui hưởng trọn vẹn mình là chính mình trên trái đất do tất cả các điều kiện đó. Trong những năm chót của thày khi thày giảng dạy, thày đã có một cảm nhận liên tục là mình vui hưởng sự trải nghiệm các tình huống trải bày ra trước mắt mình trong cõi vật lý, vui hưởng việc tương tác với các đệ tử, nhìn thấy đệ tử tăng triển hay không tăng triển cho dù trường hợp của họ là gì. Thày không có chủ đích. Thày không có tiếc nuối. Thày không có một ý định nào về những gì phải xảy ra. Thày chỉ vui hưởng là bản thân mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào thày chứng kiến trong cõi vật lý. Con yêu dấu, đó là một niềm vui rất lớn. Và điều này cũng có nghĩa là tất nhiên, thày không có hối tiếc nào về quá khứ.

16.16. Không tiếc quá khứ, không sợ tương lai

Chủ đề chót mà thày muốn đề cập – và thày biết thày đã lạm dụng sự kiên nhẫn của con rồi đó – nhưng con thấy không, mục đích đưa ra bài truyền đọc dài dòng này là để dạy con về tính kiên nhẫn. Thày không thể làm vậy một cách lý thuyết. Con phải trải nghiệm. Liệu con có đang vui hưởng trải nghiệm mà con đang có, trải nghiệm chính con đang lắng nghe bài truyền đọc của Phật? Con có vui hưởng trải nghiệm này không? [cử tọa: “Có.”] À, riêng thày chắc chắn đang vui hưởng trải nghiệm trao truyền bài giảng này cho con.

Chủ đề chót của thày. Quá nhiều đệ tử tìm thấy một giáo lý của chân sư thăng thiên rồi nghĩ: “Ồ, tại sao tôi đã không tìm thấy giáo lý này sớm hơn? Tôi đã lãng phí bao nhiêu thời giờ. Tôi đã đến tuổi này rồi, tôi chỉ còn bấy nhiêu năm nữa thôi. Tại sao tôi đã không tìm ra giáo lý sớm hơn?” Xong họ nói: “Bây giờ tìm thấy giáo lý rồi, tôi cần tận dụng mỗi giây phút trong ngày để đọc chú và theo đuổi tăng triển tối đa.” Nói chung, họ quên không vui hưởng hiện tại, vui hưởng trải nghiệm của mình. Con yêu dấu, điều này liên quan đến một chủ đề rộng lớn hơn nhiều, là khi con bắt đầu suy nghĩ trong viễn quan dài hạn của một người avatar rằng có lẽ con đã ở đây hai triệu năm rồi. Con đã kinh qua đủ mọi trải nghiệm, làm thế nào con có thể tránh chuyện hối tiếc quá khứ? Làm thế nào con có thể tránh chạm đến chấn thương nhập đời và không hối hận việc này đã xảy ra, hối hận cách phản ứng của con, hay những gì con đã làm nhiều kiếp trước đây và những gì con đã làm trong kiếp này, vân vân và vân vân? À, chìa khóa cho vấn đề này các thày đã trao con rồi đó, cụ thể là con biết rõ dù chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, con vẫn có khả năng tẩy xóa nó đi.

Như các thày đã giảng, không có biến cố khách quan nào còn hiện hữu trong một khoảng không gian vật lý nào của quá khứ. Bát cung vật lý đã bước tới rồi. Tất cả còn sót lại là những gì nằm trong tâm thức của con, và con có sự hiểu biết, con có các dụng cụ để tẩy xóa nó đi. Nếu con biết con có khả năng tẩy xóa bất cứ gì đã xảy ra trong quá khứ, tại sao con lại phải hối tiếc về quá khứ? À, chính con thì không hối tiếc mà có một ngã tách biệt đang có những hối tiếc này. Chính con có thể nhìn ra ngã tách biệt đó, buông nó ra và nói: “Mi đã ảnh hưởng ta đủ lâu rồi. Thế là xong. Mi đã ra đi.”

Đây là lúc con có thể bắt đầu vui hưởng cuộc sống vì giờ đây con đạt tới điểm nhận ra là nếu quá khứ không tác động đến con nữa thì tại sao con lại cần lo sợ về tương lai? Tại sao con cần lo sợ mình có thể lầm lỗi trong tương lai?

Một số các con đã đạt đến một mức nào đó trên đường tu tâm linh khi con cảm thấy mình đã vứt bỏ được một số điều đau buồn từ quá khứ, nhưng vẫn còn một nỗi sợ hãi những gì có thể xảy ra trong tương lai. “Nếu như tôi phạm lỗi lầm thì sao? Nếu như tôi làm một việc gì mà tôi không nên làm?” Con biết không, con yêu dấu, bất cứ gì con có thể làm trong tương lai cũng chỉ là thêm một chọn lựa khác. Với trạng thái tâm thức của con hôm nay đã cao hơn, có rất ít xác suất chọn lựa của con hôm nay sẽ trầm trọng như trong quá khứ. Nếu các chọn lựa quá khứ trầm trọng đến vậy mà còn có thể tẩy xóa được – như con đã trải nghiệm – thì chắc chắn bất cứ gì xảy ra trong tương lai cũng có thể được tẩy xóa. Vậy tại sao con phải lo sợ về tương lai?

Nếu con không có hối tiếc nào về quá khứ thì mặt bên kia của đồng tiền là con cũng không có nỗi sợ nào về tương lai. Đây là lúc con có thể bắt đầu vui hưởng giây phút hiện tại, như thày vừa nói, trong khoảng thời gian mà con đang hoạt động. Khoảng thời gian này không phải là một khoảng cố định. Nó uyển chuyển tùy theo con đang làm gì. Như thày đã giảng, nếu con chú tâm xây một căn nhà, con sẽ cần đến một khoảng thời gian để hoàn tất căn nhà trong cõi vật lý. Nếu con chú tâm vào việc đánh răng thì tất nhiên con sẽ không cần đến nguyên một năm, vân vân. Con có cái nhìn rất linh hoạt uyển chuyển này về thời gian, nó đi vào rồi nó đi ra và nó thay đổi trong những tình huống khác nhau.

16.17. Đừng trở thành kẻ nô lệ của thời gian

Đó cũng là một khía cạnh trong việc đạt tới điểm con không là kẻ nô lệ của thời gian. Thời gian không sai khiến được trải nghiệm của con trên địa cầu. Con có thể nói là hầu hết mọi người đều là nô lệ của thời gian. Thời gian là ông chủ của họ. Con có thấy biết bao người luôn nhìn đồng hồ không, vì họ phải có mặt ở một nơi nhất định vào một thời điểm nhất định. Con đạt tới điểm con chỉ xuôi chảy với Dòng sông sự Sống.

Tất nhiên là thời gian hiện hữu. Có một phạm vi thời gian nào đó. Con nhìn về tương lai. Hay con nghĩ trở ngược về một thời quá khứ khi con đã quyết định thực hiện một ý định nào đó, vân vân. Nhưng con không bị thời gian sai khiến. Thời gian không là chủ nhân của con. Con không là kẻ nô lệ. Thời gian chỉ là một công cụ.

Chẳng khác gì khi con di chuyển trong không gian. Nếu con di chuyển trong không gian và thấy mình ở một nơi mình không muốn, con chỉ việc di chuyển đến một vị trí khác trong không gian, và thời gian cũng giống như vậy. Con tẩy xóa một chuyện gì đó từ quá khứ. Con di chuyển đến một vị trí khác. Thật không thành vấn đề cho con. Con không bị nó sai khiến.

Một lần nữa, đây là một niềm vui lớn cho thày được trải nghiệm chính mình đang tương tác với các con. Thày đã tương tác với mỗi người và từng người trong số các con như con đã cho phép thày làm như vậy suốt bài truyền đọc này. Thày có thể lại làm vậy nữa khi con nghe lại hay khi con đọc bài giảng. Có lẽ con đã không để ý điều này nhưng con có thể dần dần để ý thấy trong tương lai. Con có thể đạt tới điểm trải nghiệm: “Làm thế nào tôi thực sự trải nghiệm chính mình trong Hiện diện của Phật Gautama?” Con có thể có cùng trải nghiệm này với bất kỳ vị chân sư thăng thiên nào khác gần gũi nhất với tim con. Con yêu dấu, đó là ý nghĩ chót mà các thày mong muốn cho con trong đơn vị, trong khóa giảng này mà các thày vừa trao cho con về cách làm thế nào con khởi sự với ngã gốc rồi khắc phục được nó để con có thể an bình với việc mình ở đây trên trái đất.

Các thày vô cùng biết ơn các con đã sẵn lòng tổ chức và tham gia vào các buổi hội nghị dẫn đến hội nghị hôm nay. Hiển nhiên các thày rất mong chờ những gì các thày sẽ có thể trao cho con trong tương lai. Các thày có rất rất nhiều lời dạy khác mà thày sẽ không tiết lộ bây giờ vì một phần của toàn bộ trải nghiệm là con trải nghiệm giáo lý mà không có lời báo trước hay kỳ vọng nào cả. Con sẽ dễ trải nghiệm hơn với tâm trẻ thơ không phóng chiếu bất kỳ phin lọc nào lên đó. Và như vậy, lời dạy sẽ có tác động tối đa trên con. Và như vậy các thày gửi lòng biết ơn sâu xa nhất đến các con.