16 | Tâm con đầy những gì?

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị qua mạng Internet mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. 

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Bước kế tiếp của chúng ta trên con đường Bắt chánh đạo này là bước Chánh niệm. Con hãy xem xét từ này trong tiếng Anh: “Mind-full-ness” [mindfulness là chánh niệm tỉnh giác và mind-full-ness là đặc tính của tâm đầy]. Tâm chứa đầy những gì? Đến một điểm trên đường Bát chánh đạo con cần bắt đầu xem xét: “Điều gì đang choán tâm tôi, đang khiến tôi bận tâm? Trong tâm tôi đang có gì?” Tất nhiên như thày đã có giải thích, đây là những ngã tách biệt, những khuôn nếp phản ứng, những lập trình tiềm thức. Đâu là tác động chủ yếu của các chương trình này, các ngã tách biệt này và tự ngã?

Tự ngã và các ngã tách biệt sinh ra từ ảo tưởng tách biệt. Nếu con ngắm đại dương vào một ngày tốt gió, trên mặt biển có rất nhiều sóng. Bây giờ con thử tưởng tượng con xây một chiếc cần trục có thể vươn ra ngoài biển. Ở cuối cần trục có một cái gắp hay một cái xẻng, và con đang đưa nó xuống để cố gắp lấy một ngọn sóng, kéo sóng ra khỏi đại dương. Liệu con có thành công không? À, có lẽ con sẽ kéo lên một xô nước, nhưng lập tức một ngọn sóng khác sẽ hình thành và xô nước của con sẽ không là một ngọn sóng mà là một xô nước. Con có thể nào tách rời sóng ra khỏi đại dương được không?

Cũng tương tự như vậy, tất cả mọi thứ trong thế giới hình tướng làm bằng một chất vô hình tướng. Chất vô hình tướng này khoác vào một hình thể đặc thù, nhưng chất thì vẫn không thay đổi. Phật tánh vẫn là Phật tánh giống như đại dương vẫn là đại dương khi nó khoác vào hình thù ngọn sóng thay vì lặng yên. Một khi chất vô hình tướng đã mang vào hình tướng thì hình tướng này có đó, nó có một sự tồn tại tạm thời nhưng nó không có một sự tồn tại tách biệt.

16.1. Các hạn chế của giác quan vật lý

Để cho con một ví dụ thị giác, con thử nhìn trái đất cùng tất cả hiện tượng vật lý trong môi trường của con. Có thể có nhà, có cây, có núi, có hồ, có biển hay bất cứ gì khác, nhưng tất cả được tạo thành bằng những hạt hạ nguyên tử không thực sự mang hình tướng nào cụ thể. Con có thể nhìn một thân cây và thấy cây rất khác tảng đá, nhưng cả hai đều cùng làm bằng hạt hạ nguyên tử. Ở trong cây có hạt hạ nguyên tử, cho nên con không thể nói là cây tách biệt với hạt hạ nguyên tử. Cây được tạo thành bằng những hạ hạt nguyên tử đã khoác vào một hình tướng đặc thù.

Tất nhiên con không thể thấy được điều này với giác quan hay với tâm vỏ ngoài của con. Con có thể suy ra chuyện này với tâm lý luận của con. Con có thể trải nghiệm chuyện này với tâm trực giác của con, nhưng có một mức nào đó trong tâm không thể nhìn xa hơn hình dạng hay hình thù. Ấy, thày không bảo là điều này có gì sai trái đâu con. Giác quan vật lý của con đã được thiết kế để phát hiện năng lượng trong một phổ tần số nhất định, cụ thể là cùng phổ tần số cấu tạo cơ thể vật lý của con. Giác quan vật lý là phần nối dài của cơ thể và chúng có mục đích phục vụ cơ thể khi cơ thể tương tác với thế giới vật chất. Cơ thể chỉ là một hình tướng, nhưng nó cũng làm bằng hạt hạ nguyên tử.

Những giác quan vật lý này và sự hạn chế của chúng là cơ sở – ít ra là cơ sở nguyên thủy – cho con người đi vào ảo tưởng tách biệt. Nhưng như thày nói, đó là cơ sở cho ảo tưởng tách biệt chứ không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân con người đi vào tách biệt là một loạt những chọn lựa mà con người đã lấy, qua đó lần hồi họ đã chấp nhận ảo tưởng của Maya và tạo ra những ngã tách biệt kia. Ngã tách biệt được tạo ra từ ảo tưởng tách biệt. Khi con, cái Ta Biết, bước vào cái tâm chất đầy những ngã tách biệt này, con nhìn mọi chuyện xuyên qua ngã tách biệt. Con nhìn chính con, con trải nghiệm chính con xuyên qua ngã tách biệt, và suốt nhiều kiếp sống, con có thể quên mất con đã từng là một sinh thể nối kết. Hiện giờ con trải nghiệm con là một sinh thể tách biệt, nhưng liệu con đã trở nên tách biệt khi con tự trải nghiệm mình như thế?

À, đây là điều con bắt đầu tra vấn ở một tầng nào đó trên đường Bát chánh đạo. Con bắt đầu chất vấn ngay chính nhận thức của con về thế giới xung quanh, nhận thức của con về chính con. Có thể nói, khởi đầu của tỉnh giác cao hơn là khi con bắt đầu chất vấn nhận thức của con, các ý tưởng vỏ ngoài của con, ý niệm bản sắc của con, và ngay cả toàn bộ thế giới quan của con.

Con biết giác quan của con có thể dễ dàng bị các dáng vẻ bề ngoài đánh lừa hay phỉnh gạt. Tất cả các con đều đã xem các loại ảo thị (optical illusions) và con biết có cái gì đó vượt khỏi những gì giác quan của con có thể thấy. Có nguyên tử, có phân tử, có hạt hạ nguyên tử. Con biết giác quan không đáng tin cậy. Nhưng cái thực sự không đáng tin cậy là các ngã tách biệt, chúng không chỉ tiếp nhận giác quan mà chúng còn xây dựng một lớp phủ ý thức hệ lên trên nhận thức của giác quan, và ý thức hệ này thì bảo rằng những gì giác quan nhìn thấy thật sự là những vật tách biệt.

Nếu con chỉ lấy nhận thức giác quan mà thôi, con sẽ thấy tự thân giác quan không đưa ra phán đoán nào về những gì nó thấy. Mục đích của giác quan là phân biệt những vật khác nhau ở tầng cấp vĩ mô: “Đây là một con ngựa. Nó không nguy hiểm. Đây là một con sư tử. Có thể nó nguy hiểm.” Đó là mục đích của giác quan. Mục đích của giác quan là thấy rõ và phân biệt giữa đủ loại vật thể liên quan đến sự sống còn và an toàn vật lý của con – những gì con có thể làm và những gì con muốn làm trong thế giới. Giác quan không áp đặt một xét đoán giá trị lên những gì nó thấy.

Giác quan có thể thấy một con sư tử. Nó có thể nhận diện cái đó là một con sư tử nhưng tự thân giác quan không bảo con sư tử là nguy hiểm. Chính tâm con mới áp đặt sự đánh giá này lên sư tử. Nhưng dù sao việc này cũng là một sự đánh giá trung lập mà chúng ta có thể nói là khách quan. Một con sư tử nguy hiểm vì nó có thể tấn công cơ thể vật lý của con, nó có khả năng giết chết cơ thể. Nhưng đây không phải là cùng sự xét đoán giá trị như khi con bảo ngựa là tốt, sư tử là xấu, sư tử là ác. Ở đây con thấy, ngoài chuyện giác quan phân biệt những vật thể và hình tướng khác nhau, tâm con còn áp đặt lên đó một sự đánh giá, một sự xét đoán về tốt và xấu. Đây là cốt lõi của điều mà thày đã gọi là tâm thức nhị nguyên khi con tạo ra hai đối cực như vậy.

16.2. Tư duy trắng đen

Trong dạng cùng cực, nhị nguyên chỉ có hai đối cực và không có gì ở giữa. Có tốt, có xấu. Đây là cái gọi là lôgíc Aristote, lôgíc của khoảng giữa bị loại bỏ. Mọi thứ phải hoặc thế này, hoặc thế kia, và không có gì ở giữa. Tất nhiên như thày cũng đã trình bày, có một cách khác là bảo rằng có hai đối cực nhưng chúng nằm trên một thang điểm. Có một khoảng giữa hai đối cực với những sắc đậm nhạt khác nhau. Nhiều người có lối phán xét giá trị như vậy. Họ thấy có những điều thiện, có những điều ác, nhưng cũng có những điều nằm giữa.

Tâm con chứa đầy những gì? À, nó chứa đầy những ngã tách biệt kia, trong số đó có rất nhiều dựa trên sự phán xét giá trị này. Bất cứ gì cũng phải hoặc tốt hoặc xấu, hoặc đúng hoặc sai. Đâu là mục đích khi làm vậy? À, nếu con là một sinh thể nối kết thì con sẽ thấy gì? Con sẽ cảm thấy thế nào? Con sẽ trải nghiệm ra sao? Con trải nghiệm là con nối kết với một cái gì vượt hơn chính tâm con – cái ta cao của con. Con trải nghiệm là con đang nhận được năng lượng từ cái ta cao này và con có thể dùng năng lượng đó để tạo ra những hoàn cảnh cho con trên trái đất.

Trước khi con người bước vào nhị nguyên và tách biệt, trên trái đất không hề có những xung đột mà con thấy ngày hôm nay. Con người có thể sống hài hòa hơn gấp bội và không chống đối nhau. Có nghĩa là hầu hết mọi người có thể thị hiện những gì họ muốn mà không cần gắng sức nhiều lắm, chắc chắn là không cần tranh đua vật lộn. Vì họ thấy họ nối kết với một cái gì cao hơn và cũng nối kết với nhau và với môi trường, họ không cảm thấy là người khác hay môi trường đang chống lại họ. Không có sự chống đối nào hết.

16.3. Khởi đầu của khổ đau

Khi con là một sinh thể nối kết thì chống đối ở đâu? Con nhận ra là con nối kết với trái đất và với thế giới vật chất, và thế giới vật chất thì hoàn toàn vui lòng cho con những điều kiện mà con mong muốn. Nhưng một khi con bước vào tâm thức tách biệt và tự nhận diện mình là một sinh thể tách biệt, con không còn cảm nhận nối kết nào nữa. Có nghĩa là con bị tách rời khỏi môi trường của con, tách rời khỏi người khác, và con cũng bị tách rời khỏi nguồn cội cao hơn là nguồn cung cấp năng lượng sáng tạo cho con. Thế là bây giờ con phải lấy năng lượng từ môi trường của con. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con lấy năng lượng từ người khác. Tất nhiên là họ sẽ kháng cự lại, cho nên đây là khởi đầu của vật lộn tranh đấu. Con cũng trải nghiệm là ngay cả thế giới vật chất cũng không cho con những gì con muốn khi con là một sinh thể tách biệt, cho nên con phải chiến đấu để có bất cứ gì.

Nghĩa là làm sao? Nghĩa là giờ đây con bắt đầu dùng vũ lực. Khi con là một sinh thể nối kết, con không cần dùng đến vũ lực. Con sử dụng tiến trình tự nhiên là cho phép năng lượng chảy qua tâm con, con hình thành những hình tư tưởng không dựa trên ảo tưởng tách biệt, và các hình tư tưởng này được áp chồng lên năng lương cơ bản và chúng cho con những gì con mong muốn. Khi con bước vào tách biệt, con không thể làm vậy được nữa. Con không thể đồng-sáng tạo theo cách tự nhiên. Con bắt đầu cố gắng đồng-sáng tạo theo một cách phản tự nhiên, tức là thay vì cho phép năng lượng khoác lấy hình tướng theo các nguyên tắc cơ bản, giờ đây con tìm cách ép buộc năng lượng phải khoác lấy hình thù. Trên căn bản thì con vẫn làm cùng một chuyện, con vẫn tạo ra hình tư tưởng và phóng chiếu lên năng lượng, nhưng bây giờ con phải cưỡng ép bằng sức mạnh vì hình tư tưởng của con dựa trên tách biệt, cảm nhận tách biệt.

Một ví dụ điển hình là khi con đi ngược dòng lịch sử, con nhận thấy trong hầu hết mọi xã hội đều có xu hướng hình thành một tầng lớp thượng lưu nào đó. Lớp người này sẽ tuyên bố là họ nắm giữ một loại uy quyền nào đó, chẳng hạn quyền sở hữu đất đai. Điều này có nghĩa là số dân còn lại sẽ không có đất. Cách duy nhất để họ sống còn là làm lụng trên đất của chủ đất, nhưng chủ đất thì đòi hỏi sự đền bù, có nghĩa là giờ đây chủ đất có thể có được đời sống mình muốn do sức lao động chân tay của người khác.

Đây là một ví dụ một số người đã có thể dùng sức mạnh để đạt được những thứ họ muốn, nhưng họ làm vậy bằng cách lợi dụng người khác, cưỡng ép người khác phải phục tùng lớp thượng lưu. Điều gì thực sự xảy ra trong tâm lý? Như thày đã có nói vài lần, một khi con bước vào tách biệt, con cảm thấy một sức ép. Đây là một sức ép quá sức chịu đựng, vì như một sinh thể tách biệt, con không thể thấy được làm sao con có thể tự vệ trước tất cả những mối đe dọa mà con cảm nhận trong thế giới. Con phải làm gí đây?

À, thày đã có giảng là con đè nén cảm xúc và tư tưởng của con, nhưng điều con thực sự làm trong quá trình này là con tạo ra một tập hợp ngã tách biệt dưới ô dù của tự ngã. Mục đích là để tạo dựng một thế giới quan đặt con vào một vị thế an toàn, cao trội, một địa vị đặc quyền được bảo vệ và không thể bị đe dọa. Đây là tâm lý cơ bản của tâm thức tách biệt, qua đó con cảm thấy mình bị đe dọa và con tìm cách dựng lên một thế giới quan sẽ giảm bớt mối đe dọa.

16.4. Nhà tù của tách biệt

Nhưng tất nhiên, người ta cũng có thể lấy những biện pháp vật lý. Một số người trong lớp thượng lưu mà con thấy khắp các thời đại, đã xây lâu đài bằng tường đá kiên cố để bảo vệ mình khỏi đe dọa từ ngoài. Có nhiều ví dụ khác về những biện pháp vật lý mà họ sử dụng, nhưng tất cả đều khởi lên từ trong tâm, từ tâm lý. Tất cả mọi chuyện đều khởi sự trong tâm lý. Bất kể biện pháp vật lý nào cũng chỉ là sự nối dài của cố gắng muốn tạo ra một thế giới quan đặt họ vào một vị thế đặc biệt trong đời để họ có thể chịu đựng được gánh nặng phải sống trên hành tinh này. Họ phải chịu được sức ép, sống chung với áp lực và tiếp tục tồn tại một cách nào đó.

Con có thể hỏi: “Nhưng có gì sai trái với chuyện này đâu?” Phải, ở một mức nào đó thì không có gì sai trái bởi vì trái đất là một cỗ máy trải nghiệm, một máy giả thực tại, nơi con được phép có những trải nghiệm mà con muốn bao lâu cũng được cho đến khi con chán ngán. Nhưng nếu con là một người tâm linh và con đang học giáo lý tâm linh và con muốn bước chân trên một con đường tâm linh, thì rõ ràng làm như vậy sẽ không đủ cho con. Thật không đủ cho con nếu con phải tạo ra tâm ảnh để cảm thấy an toàn, bởi vì đâu là hậu quả của việc tạo ra tâm ảnh như vậy? Hậu quả là một khi con có tâm ảnh thì con cảm thấy như thể mình phải bảo vệ tâm ảnh. Một khi con đạt một vị thế vật lý nào đó, con cảm thấy mình phải bảo vệ nó. Vị thế vật lý chắc chắn trở thành một vòng đai bảo vệ giống như lâu đài với tường đá kiên cố, nhưng nó cũng biến thành một nhà tù vì con không thể rời bỏ đi. Một khi con đã tạo ra thế giới quan đó thì tâm con không thể vượt ra ngoài. Con phải ở lại trong đó, và con luôn luôn phải sẵn sàng bảo vệ nó chống lại mọi hiểm họa có thể xảy đến.

16.5. Trong nhị nguyên, con không thể chứng minh bất cứ gì

Nhưng này con, thày đã có giải thích là tâm thức nhị nguyên luôn luôn có hai đối cực. Một khía cạnh của tâm thức nhị nguyên phối hợp với tâm phân tích và lý trí là, nói chung, con có thể chứng minh bất cứ gì con muốn. Trong nhiều nền văn hóa, người ta đã tranh luận từ rất lâu về câu hỏi này: “Có Thượng đế hay không?” Trong thế giới hiện đại, cũng có tranh luận giữa tín đồ các tôn giáo và những người theo chủ nghĩa duy vật hay người vô thần. Cả hai phe đều cố gắng đưa ra lập luận – người theo tôn giáo thì lập luận ủng hộ sự hiện hữu của Thượng đế, và người vô thần lập luận chống lại sự hiện hữu của Thượng đế. Cả hai bên đều mổ xẻ lập luận của nhau để cố đánh phá hay bẻ gẫy bên kia, nhưng con thấy gì khi con nhìn vào chuyện này? Con thấy là sau một thời gian, có hai nhóm riêng biệt sẽ hình thành, một nhóm tin chắc chắn là có Thượng đế, và nhóm kia tin cũng không kém chắc chắn là không có Thượng đế. Nhưng cả hai đều nhìn vào cùng những lập luận.   

Tại sao nhóm này nhìn vào lập luận và kết luận thế này, trong khi nhóm kia nhìn vào cùng những lập luận đó mà lại kết luận thế khác? Á, đó là vì mỗi nhóm người có mang một số ngã tách biệt trong tâm họ, và các ngã tách biệt này có nhiệm vụ – do chúng đã được lập trình như vậy –phải bênh vực tổng quan của họ. Người theo tôn giáo mang tổng quan là có một thượng đế giữ quyền kiểm soát tối hậu trên mọi chuyện xảy ra trên thế giới, và điều này khiến họ cảm thấy an toàn vì họ nghĩ rằng bởi vì họ là tín đồ ngoan đạo, thượng đế này sẽ che chở họ và ban cho họ thật nhiều ân huệ. Cảm giác an toàn của họ dựa trên ý tưởng thượng đế này là có thật, nghĩa là ngã tách biệt của họ được lập trình để bênh vực cho thế giới quan và sự hiện hữu của thượng đế này. Ngã tách biệt làm thế nào? Bằng cách ngăn chặn và vô hiệu hóa bất cứ lập luận nào chất vấn thế giới quan.

Phía bên kia, những người vô thần mang thế giới quan là không có Thượng đế vì họ cảm thấy – và trong tiền kiếp họ đã cảm thấy – bị đe dọa bởi những người theo đạo đã bức hại họ, như con thấy trong Tòa án Dị giáo và các cuộc Thập tự chinh. Họ suy luận tôn giáo là một trong những hiểm họa lớn nhất trên thế giới, cho nên họ dựng lên một thế giới quan bảo rằng tôn giáo chỉ là chuyện mê tín chủ quan chứ không hề có Thượng đế. Thay vào đó thì có các định luật tự nhiên, và một khi hiểu được các định luật này qua khoa học, họ cảm thấy là họ nắm được quyền kiểm soát nào đó trên hoàn cảnh của họ. Làm thế nào họ đã đạt đến thế giới quan này? Bằng cách tạo ra những ngã tách biệt sẽ loại bỏ, ngăn chặn hay vô hiệu hóa bất cứ bằng chứng nào chất vấn thế giới quan của họ.

Bây giờ con có thể nhìn quanh thế giới và tìm thấy vô số nhóm người khác cũng y như thế. Người Do Thái có một thế giới quan đặc thù xem mình đối chọi với người Ả Rập, và ngược lại người Ả Rập có một thế giới quan xem mình đối chọi với người Do Thái. Rất nhiều nhóm khác khắp thế giới có cơ chế vận hành cũng giống như vậy.

Điều con nhận ra khi con bước lên tỉnh giác cao hơn là mọi người đều đã tạo ra những ngã tách biệt như thế. Mọi người đều có một thế giới quan cơ bản. Con cần có một thế giới quan để có thể vận hành, nhưng vấn đề là khi thế giới quan của con dựa trên tách biệt và nhị nguyên, không thể tránh được là nó sẽ đặt con vào thế xung đột với những ai có một thế giới quan dựa trên đối cực nhị nguyên ngược lại.

Lấy ví dụ các cuộc Thập tự chinh giữa người đạo Hồi và đạo Cơ đốc, cả hai đều tuyên bố thờ cùng một thượng đế, là thượng đế được mô tả trong kinh Cựu ước, nhưng họ vẫn đánh nhau. Người Cơ đốc cảm thấy họ đại diện cho cái thiện và người đạo Hồi đại diện cho cái ác. Người đạo Hồi cũng tin chắc là họ đại diện cho cái thiện và người Cơ đốc mới đại diện cho cái ác. Hiển nhiên là cả hai không thể nào đúng cùng một lúc. Nhưng nếu như chẳng có bên nào đúng thì sao? Nếu như cả hai đều có một thế giới quan chủ quan nhị nguyên thì sao, bởi vì họ đã chụp lấy một đối cực nhị nguyên rồi nâng nó lên địa vị tối cao, và điều này đặt họ vào một vị thế xung đột hiện sinh với đối cực nhị nguyên ngược lại?  

Nói cách khác, đạo Cơ đốc và đạo Hồi đã được đặt lên một thang điểm nhị nguyên trong đó họ đại diện cho hai đầu của cái thang. Người Cơ đốc có thể nói: “À, đầu bên chúng tôi mới tốt, còn đầu bên kia xấu.” Và người đạo Hồi có thể bảo ngược lại. Đây là cách nhị nguyên vận hành. Con lấy một cực đoan tương đối xong con nâng nó lên địa vị không tương đối. Nó tuyệt đối: “Đây là sự thật tuyệt đối. Chúng tôi người Cơ đốc nắm sự thật tuyệt đối. Người đạo Hồi sai lầm tuyệt đối, cho nên việc chúng tôi giết họ là chuyện chính đáng cho dù tôn giáo chúng tôi có điều răn, Ngươi chớ giết người.” Đây là cách con vô hiệu hóa một lời răn và biện minh cho việc vi phạm lời răn, và điều này hiển nhiên là tương đối nhưng con lại nghĩ nó dựa trên một sự thật tối cao nào đó.

16.6. Tám tỷ vũ trụ

Đó là lảm thế nào con tạo ra những thế giới quan đó, và con có thể nhìn ra điều này khi trong tư cách một học trò tâm linh, con bước lên những tầng cao hơn của Bát chánh đạo. Con nhìn ra điều này, cho nên tất nhiên, con cần ngừng tập trung tâm con vào những gì người khác đang làm, và thay vào đó con nhận ra là con cũng đang làm cùng một chuyện như vậy, bởi vì ai ai cũng làm chuyện này cho đến khi họ giải phóng tâm họ khỏi ảo tưởng tách biệt, khỏi các ngã tách biệt. Không thể nào khác được. Không có bí ẩn gì ở đây. Đây là chuyện mọi người đều làm. Khi chính thày còn hiện thân và trước khi thày đạt đến các tầng nhận biết cao hơn, thày cũng đã làm chuyện đó. Trong tiền kiếp thày cũng đã làm như vậy, cho dù nhiều Phật tử sẽ phủ nhận là thày có tiền kiếp.

Con đạt tới điểm có thể nói được: “Tôi hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới. Tôi thấy được cách vận hành khi mọi người đều có một thế giới quan.” Nói chung, tất cả tám tỷ người trên hành tinh đều có một thế giới quan cá nhân. Có nhiều người mang thế giới quan tương tự như nhau, cho nên họ có thể nhận diện mình là thành viên của một nhóm, nhưng thế giới quan của mỗi người thì vẫn khác nhau một chút.

Thậm chí con có thể nói là không có một vũ trụ độc nhất, mà trên trái đất có đến tám tỷ vũ trụ, bởi vì mỗi người đều ở trong – ở ngay trung tâm – vũ trụ cá nhân của riêng mình. Mỗi người đều xem mình là trung tâm của vũ trụ. Có một sự tương đồng nào đó với góc nhìn của con trong không gian vật lý. Ngay bây giờ đây con đang ngồi ở một vị trí cụ thể, cơ thể của con đang ở một vị trí cụ thể. Con đang nhìn qua đôi mắt từ một góc độ cụ thể. Con đang chiếm giữ khoảng không gian nơi con ngồi, đây là không gian cá nhân của con. Một người khác có thể ngồi ngay cạnh con và có một góc nhìn gần giống con, nhưng người đó không thể đẩy cơ thể của họ vào cơ thể của con để nhìn từ cùng góc độ như con. Tâm con cũng như vậy. Con có thể có những điểm tương đồng với người khác nhưng con vẫn là trung tâm của vũ trụ cá nhân của con.

Bây giờ, nếu con có tám tỷ người và mỗi người xem mình là trung tâm vũ trụ và do đó họ là người quan trọng nhất trong vũ trụ, thì có gì đáng ngạc nhiên khi có xung đột, đấu tranh, đau khổ và Biển Luân hồi? Là một học trò trên con đường tâm linh, con có thể nhìn ra điều này. Vậy con cần làm gì đây? À, nếu con muốn tiến cao hơn trên đường tu, con cần nói: “Tôi hiểu là tất cả chúng ta đều đang sống trong vũ trụ riêng của mình. Vũ trụ này chỉ hiện hữu trong tâm mỗi người, nhưng chúng ta hành xử dựa theo cách mình nhìn thế giới, dựa theo thế giới quan của mình. Tôi hiểu là mỗi chúng ta đều có xu hướng bênh vực cho thế giới quan của mình. Tôi hiểu là tôi không có quyền điều khiển thế giới quan của người khác. Dù họ là con cái, cha mẹ hay là người thân, tôi cũng không có quyền kiểm soát tâm họ. Vậy tôi có thể làm gì? Là một học trò tâm linh đang bắt đầu nhận ra những gì tôi đang nhận ra về con đường tâm linh, tôi có thể làm gì?”

16.7. Con từ bỏ việc thay đổi người khác

À, bước đầu tiên con có thể làm là con có thể bước lui lại và lấy một quyết định. Con có thể nói: “Tôi quyết định từ chức khỏi công việc thay đổi tâm người khác.” Thậm chí con có thể tự hỏi: “Liệu tôi có ký hợp đồng lao động nào với một khuôn mặt thẩm quyền ghi rằng công việc của tôi là phải thay đổi suy nghĩ của người khác không? Tôi có hợp đồng này không?” Con thử tìm trong ngăn kéo và tủ hồ sơ của con xem có một hợp đồng như vậy không? Nếu con không có, con có thể tự hỏi: “Vậy thì tại sao tôi đã đảm nhận công việc thay đổi tâm người khác?” Sau đó con có thể dùng lời dạy này để ngộ ra là con đã nhận công việc này vì tự ngã của con nghĩ rằng nó phải thay đổi tâm người khác ngõ hầu thay đổi trạng thái tâm con. Nó nghĩ là để con cảm thấy an toàn, con cần thay đổi tâm người khác.

Sau đó con có thể bước lui lại thêm nữa, ít ra một khi con đã bắt đầu nhìn nhận con không phải là tự ngã, con không phải là tâm vỏ ngoài, thì con có thể lui thêm và nói: “Nhưng có phải là chính tôi đã nhận việc này hay là tự ngã?” Xong con có thể bắt đầu nhận ra là chính tự ngã của con đã đứng ra đảm nhận công việc. Không phải là con. Và điều này có nghĩa là giờ đây con có thể rút lui khỏi công việc và nói: “Thôi đủ rồi. Bây giờ tôi quyết định một cách cốt ý là tôi sẽ ngừng tập trung vào việc thay đổi tâm người khác, và tôi sẽ dành tất cả chú ý vào việc thay đổi tâm tôi. Đây là công việc duy nhất của tôi trên hành tinh này. Mục đích duy nhất của tôi ở trên hành tinh này là nâng cao nhận biết của tôi chứ không phải là thay đổi tâm người khác. Không chỉ là chuyện thay đổi tâm tôi mà là nâng tâm tôi lên những tầng nhận biết cao hơn.”

Con đang chú tâm vào điều gì? Con đang chú tâm vào nhu cầu thay đổi tâm thức của con, tâm lý của con. Con làm thế nào? Như thày đã mô tả rồi đó, con xem xét các khuôn nếp, con phơi bày các ngã, con để cho chúng chết đi. Khi con tập trung làm điều này, con sẽ bắt đầu tiến bộ, tiến bộ nhanh chóng. Sau đó con có thể đi vào những tầng tỉnh giác cao hơn nơi con bắt đầu nhìn vượt khỏi nhiều trò chơi mà người ta bị mắc kẹt.

Con thử nhìn mọi người xem. Lấy ví dụ các thành viên trong gia đình, có người có thể bị nhốt hàng chục năm trời trong một trận chiến tìm cách thay đổi một người khác, hay ngược lại. Cả hai đang chơi một trò chơi xem ai có thể thay đổi ai, ai có thể khống chế ai, vân vân. Con có thể thoát ra khỏi toàn bộ trò chơi này. Con có thể giải phóng sự chú ý và năng lượng của con  – năng lượng ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc – để chúng không còn bị buộc chặt vào trò chơi tìm cách thay đổi người khác. Làm vậy sẽ giúp con tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều.

16.8. Sự phán xét liên tục trong tâm

Khi con đạt đến một tầng cao hơn và đã tự giải thoát khỏi trò chơi đó, con có thể đi bước kế tiếp và nói: “Tôi đang bắt đầu nắm bắt được tự ngã làm việc như thế nào, các ngã tách biệt hoạt động như thế nào. Tôi có trải nghiệm là tôi đã nhìn thấy một số ngã tách biệt và để cho chúng chết đi. Tôi đang bắt đầu nắm bắt được quá trình này.” Điều gì đang thực sự xảy ra ở đây? Điều xảy ra là, như thày có nói, tự ngã và các ngã tách biệt tạo ra một thế giới quan đặc thù. Thế giới quan này dựa trên tách biệt, trên các đối cực nhị nguyên và sự phán xét giá trị.  

Điều liên tục diễn ra trong tâm con là con có một tập hợp những ngã tách biệt đang đánh giá mọi chuyện xảy ra trong đời con. Không chỉ là những sự cố bên ngoài. Tất nhiên ngã tách biệt không ngừng theo dõi sự cố bên ngoài. Chúng không ngừng đánh giá: “Chuyện này có đe dọa thế giới quan của tôi không?” Xong chúng phán xét: “À, nếu nó đe dọa thì thật quá tệ, tôi phải ngăn chặn hay tránh xa nó. Còn nếu nó không đe dọa thì quá tốt, tôi có thể chấp nhận nó.”

Trong tâm con liên tục có một tiến trình đánh giá và phán xét những sự kiện bên ngoài. Bất cứ gì xảy ra, dù đó là biến cố trên thế giới, là một sự kiện vật lý cá nhân, là một lời nói của ai đó, là một chuyện gì con đọc được, một chuyện gì con xem trên tivi, bất kỳ xung động nào đến với con từ ngoài bản thân con sẽ được đánh giá không ngừng bởi các ngã tách biệt đó. Phần lớn hoạt động này diễn ra bên dưới mức nhận biết ý thức của con, nhưng khi con vươn lên cao hơn trên đường tu và con trở nên ý thức hơn, con không thể nào tránh nhìn thấy một phần tiến trình này đang diễn ra. Con không thể tránh nhận ra là nó tiêu hao năng lực và chiếm hữu sự chú ý của con.

Ngoài những sự việc đến từ bên ngoài, cũng có sự đánh giá liên tục những gì xảy ra bên trong tâm con. Ở mức cảm xúc, con có những cái ngã đánh giá: “Tôi phải cảm thấy thế nào trong tình cảnh này? Liệu cảm xúc này có ổn không dựa trên thế giới quan tâm linh của tôi? Một người tâm linh mà cảm thấy thế này có chấp nhận được không?” Xong con có những ý tưởng: “Không biết mình nghĩ thế này có được không?” Về cơ bản, sự đánh giá là như sau: “Ý nghĩ này có là một đe dọa cho thế giới quan của tôi hay nó xác nhận thế giới quan của tôi?” Rồi ở mức bản sắc, con liên tục có những ý nghĩ: “Tôi là ai? Làm thế nào để tôi khớp vào với thế giới? Tôi có quyền ở đây không? Tôi có nên thay đổi không? Tôi nên làm theo nhóm này hay nhóm kia?” Tất cả những sự đánh giá như thế liên tục xảy ra, nhưng mục đích chung vẫn là: “Đây có phải là một mối đe dọa cho thế giới quan của tôi không? Điều này có xác chứng thế giới quan của tôi không? Nó có tốt không? Nó có xấu không?”

Một lần nữa, đối với nhiều người thì đó là cách họ trải nghiệm cuộc sống. Họ trải nghiệm cuộc sống qua tâm họ, qua thế giới quan của họ, qua các ngã tách biệt đó. Và một lần nữa, nếu đó là trải nghiệm họ muốn thì tự thân nó không có gì sai trái. Là một học trò tâm linh, con cần đạt tới điểm trở nên tỉnh giác về điều này và con bắt đầu lượng định: “Tôi có muốn những chuyện này lấp đầy tâm tôi không? Bây giờ tôi nhìn ra là những chuyện này đã lấp đầy tâm tôi suốt đời rồi, nhưng tôi có muốn chúng tiếp tục lấp đầy tâm tôi cho phần đời còn lại hay tôi muốn vươn lên cao hơn?” Đó là khi con có thể bắt đầu sử dụng lời dạy để phơi bày các ngã tách biệt cứ không ngừng xét đoán và đánh giá.

Con cũng có thể bắt đầu ý thức được thế giới quan của con. Con thực sự nhìn thế giới và chỗ đứng của con trong thế giới như thế nào? Điều gì trong thế giới quan này cho con cảm nhận là mình có thể chịu được, đương đầu được với cuộc sống, mình có thể tồn tại và tiếp tục tồn tại trong thế giới hỗn loạn này? Xong con có thể nhận ra là cơ sở của tất cả những thứ đó chính là sự phán xét giá trị. Con nhìn vào một hiện tượng trong thế gian – có thể là chuyện vật lý, là tình cảm, tư tưởng hay ý niệm bản sắc của con – và con cứ luôn đánh giá: “Cái này có tốt không, xấu không, đúng không, sai không?” Rồi đến một điểm trên con đường dẫn tới quả vị Phật, con cần bắt đầu lượng định: “Đây có phải là cách duy nhất để nhìn cuộc sống hay không? Tôi có thể nào giải phóng tâm tôi khỏi sự đánh giá và phán xét không ngừng về mọi chuyện?”

16.9. Đau khổ là ở trong tâm

Thậm chí con có thể khởi sự đặt câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân của đau khổ? Đó có phải là thế giới bên ngoài? Đau khổ có phải là hậu quả bắt buộc của việc tôi sống trong thế giới khủng khiếp này?” Xong con bắt đầu tự hỏi: “À, ngay lúc này đau khổ đang diễn ra ở đâu?” Con có thể ngộ ra đau khổ là một điều kiện diễn ra trong tâm con.

Phải, rất có thể là có một điều kiện bên ngoài. Có thể con đi xe đạp, bị ngã gãy chân khiến con đau đớn. Có một yếu tố vật lý trong sự kiện này, nhưng đau khổ thật sự xảy ra trong tâm con. Con có thể đã bước vào một tiến trình đánh giá: “Ồ, chuyện này lẽ ra không được xảy ra. Thật là vô lý bất công. Sao tôi quá ngu ngốc không chịu thận trọng. Tại cái anh kia ép tôi ra khỏi đường.” Tất cả những sự đánh giá như vậy bây giờ chiếm đóng tâm con. Đó chính là tiến trình diễn ra trong tâm con tạo ra đau khổ. Các sự kiện bên ngoài chỉ là sự kiện bên ngoài. Hiển nhiên bị gãy chân không có gì vui thú, nhưng đó vẫn là một sự kiện bên ngoài, trong khi việc đánh giá là tốt hay xấu, là vô lý hay bất cứ gì khác, diễn ra trong tâm con.

Cho dù điều kiện vật lý có là gì thì đau khổ vẫn diễn ra trong tâm con. Đau khổ khởi lên từ sự đánh giá không ngừng về đúng-sai, tốt-xấu, cái này đúng lý phải xảy ra nhưng không xảy ra, cái kia không được xảy ra nhưng lại xảy ra, tất cả những loại đánh giá như vậy. Đây là khi con có thể khởi sự phơi trần các ngã tách biệt, và khi con lần hồi nhìn thấy chúng hay để chúng chết đi thì đó là lúc con trải nghiệm một sự nối kết chặt chẽ hơn với tâm Phật. Bởi vì trong tâm Phật không hề có sự đánh giá và phán xét giá trị như vậy.

Đây là điều thày đã cố giải thích 2500 năm về trước qua khái niệm những cặp đôi, qua khái niệm khắc phục đau khổ, khắc phục dính mắc. Chính sự dính mắc của con với mọi chuyện khiến con đau khổ. Đó là sự dính mắc của con với quan điểm cho là có những điều nên xảy ra và những điều không nên xảy ra. Khi những điều con nghĩ không nên xảy ra lại xảy ra, con đau khổ. Khi những điều con muốn xảy ra lại không xảy ra, con đau khổ.

Con thường xuyên ở trong một trạng thái xao động, không hài lòng, không an bình vì con luôn luôn nhìn về tương lai, lo sợ chuyện xấu có thể xảy ra hay chuyện tốt có thể không xảy ra. Con bị căng thẳng liên tục. Nhưng con có thể đạt tới điểm có được những lần hé thoáng khi cái Ta Biết bước ra khỏi tâm vỏ ngoài và con trải nghiệm một sự nối kết với cái ta cao của con, và nhờ vậy con trải nghiệm an bình. Giờ đây con trải nghiệm điều này trực tiếp – không phải một khái niệm lý thuyết. Con đang trải nghiệm là có cái gì khác hơn trạng thái tâm bình thường của con, và cái khác hơn này là một trạng thái tâm an bình hơn. Và đó là khi con bắt đầu hỏi: “Tôi muốn gì? Tôi có muốn ở lại trong xao động này hay tôi muốn bước về phía an bình?” Để có thể bước về phía an bình, đúng vậy, con phải loại bỏ các ngã tách biệt kia đi, nhưng con cũng phải xem xét tổng quan của mình về thế giới và nói: “Có thật là mọi chuyện đều tách biệt hay không? Tôi có thật đang sống trong một thế giới được tạo thành từ những vật tách biệt, những sự việc tách biệt? Tôi có phải là một sinh thể tách biệt? Tôi có tách biệt khỏi tám tỷ người kia trên hành tinh? Tôi có phải là một hòn đảo ở trung tâm vũ trụ riêng của mình, hay là có gì khác?” Tất nhiên là có, và đó là tâm Phật, đó là giác ngộ.

16.10. Khái niệm giác ngộ

Giác ngộ có giai đoạn. Tất nhiên có một số người cho rằng đó là một trạng thái toàn hảo tuyệt đối, nhưng không phải vậy. Giác ngộ là khi con bắt đầu nhìn vượt khỏi ảo tưởng rằng thế giới có thể chia ra thành những vật tách biệt.

Con đang sống trong thời đại máy tính. Nhiều người trong các con có thể nhớ thời máy tính còn sơ khai và màn hình máy tính có những pixel trên đó mà con có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Con có thể thấy từng chấm vuông tạo nên hình ảnh trên màn hình. Nếu con nhìn lại một hình chụp của màn hình máy tính thời đó, và nếu con nhìn thật gần bằng kính lúp, con sẽ chỉ thấy toàn là những chấm vuông đơn lẻ với màu sắc khác nhau – chúng có hình dạng giống hệt nhau mà chỉ khác màu sắc. Về cơ bản chỉ có ba màu và con có thể thấy từng pixel riêng biệt. Điều này có nghĩa là con nhìn vào màn hình máy tính, và trên màn hình có thể có một tấm ảnh như một con hổ chẳng hạn, nhưng khi con nhìn đủ gần thì con chỉ thấy được những chấm vuông khác màu, và chỉ khi con lui về đủ xa thì đột nhiên nhãn quan của con xoay chuyển, con nay thấy được tấm ảnh và con nói: “Ồ, những chấm vuông này tạo thành một tấm ảnh, tấm ảnh này là một con hổ, và hổ là một con thú nguy hiểm có thể ăn thịt tôi.”

Đây là điều con bắt đàu nắm bắt khi con đạt đến các tầng cao hơn của tỉnh giác, cụ thể là chỉ ở một cấp độ nào đó, từ một nhãn quan nào đó, thì thế giới mới hiện ra như được tạo thành bởi những vật tách biệt. Chỉ ở một cấp độ nào đó thì việc sử dụng phán xét giá trị tốt-xấu, đúng-sai, mới xảy ra. Khi con tiến lại gần hơn, con thấy tất cả mọi hình tướng, tất cả mọi hình dạng trong thế gian đều được tạo thành bởi những cái chấm nhỏ đơn lẻ kia. Con có thể đi thêm một bước và nhận ra ngay cả những cái chấm đó cũng không thể xuất hiện nếu không có một màn hình, và do đó tất cả mọi hình dạng trong thế gian đều được làm bằng các đơn vị nhỏ hơn, xuống tận đến các hạt hạ nguyên và sóng năng lượng.

Tất cả chỉ có thể hiện ra vì có gì đó ở đằng sau khiến chúng hiện ra. Cái ở đằng sau những chấm trên màn hình máy tính là chính màn hình, cái ở đằng sau những chấm trên tờ giấy là chính tờ giấy, nhưng cái ở đằng sau những chấm tạo thành thế giới hình tướng là cái vô hình tướng, tức là Phật tánh. Phật tánh là cái vô hình tướng cho phép hình tướng khởi lên. Cái vô hình tướng có thể khoác vào hình tướng tạm thời, nhưng cái vô hình tướng thì không vì vậy mà thay đổi. Một lần nữa, thày đã dùng hình ảnh của một rạp chiếu phim nơi con phóng chiếu lên màn hình với các thể bản sắc, lý trí, và cảm xúc của con. Màn hình có thể trưng bày nhiều bộ phim khác nhau nhưng khi làm vậy, nó hề không thay đổi. Màn hình vẫn ở đó, nó vẫn trắng tinh, không phân biệt, không hình dạng. Cho dù Phật tánh có khoác vào hình tướng nào thì việc này không thay đổi Phật tánh. Hình tướng chỉ tạm thời. Còn Phật tánh thì thường hằng, vượt thời gian, luôn luôn có. Không bao giờ một hình tướng nào có thể thay đổi cái vô hình tướng.

Một hình tướng có thể thay đổi một hình tướng khác, nhưng không hình tướng nào có thể thay đổi cái vô hình tướng, và đây là điều – cụ thể rằng đằng sau mọi hình tướng là Phật tánh – con có khả năng hiểu được không chỉ một cách trí thức, mà cuối cùng trải nghiệm được bằng trực giác. Khi con bắt đầu trải nghiệm điều này qua trực giác, con đạt được một tầm nhìn hoàn toàn khác. Con thấy là toàn bộ sự đánh giá đúng-sai tốt-xấu kia chỉ có thể diễn ra trong tâm nhưng là tâm tách rời khỏi Phật tánh. Và hậu quả của sự đánh giá, sự căng thẳng không ngừng, sự phán xét không ngừng này, là điều giữ chặt cái Ta Biết tập trung vào tâm tách biệt, tập trung ở trong tâm tách biệt, và nhìn thế giới xuyên qua tâm tách biệt. Vì cái Ta Biết là một biểu hiện của Phật tánh vô hình tướng, cho nên nó có khả năng bước ra ngoài tâm có hình tướng để trải nghiệm bản tánh của nó. Đây là sự tỉnh giác cao hơn. Đây là ý nghĩa thật của chánh niệm tỉnh giác.

16.11. Những định nghĩa khác nhau về tỉnh giác

Bây giờ nếu con nhìn vào đạo Phật qua các thời đại, con sẽ thấy nhiều người, nhiều Phật tử, ngay cả các bậc gọi là học giả cao thâm, đã định nghĩa tỉnh giác theo nhiều cách khác nhau. Một số đã cố gắng định nghĩa là có những thứ con không được nghĩ tới và có những thứ con nên nghĩ tới, con nên chú tâm vào. Xong họ đã tạo ra một số hình thức thiền tập nhằm ngăn chặn một số ý tưởng và chú tâm vào một số ý tưởng khác.

Đây không phải là ý nghĩa nguyên thủy của tỉnh giác. Kỳ thực điều xảy ra là những vị đó đã dùng lời dạy của Phật để củng cố, hay thậm chí để tạo ra một ngã tách biệt mới. Họ lấy lời dạy của Phật, mà mục đích là để giải phóng họ khỏi tâm vỏ ngoài, tâm nhị nguyên, tâm tách biệt, và họ dùng lời dạy của Phật để tạo ra một ngã tách biệt giờ đây cảm thấy cao trội hơn những ai không chia sẻ thế giới quan của họ. Họ tạo ra một thế giới quan đặc thù mà họ tuyên bố là dựa trên giáo lý của Phật, nhưng kỳ thực được tạo ra từ tách biệt, qua đó họ nhìn giáo lý của Phật xuyên qua phin lọc tách biệt. Xong họ bóp méo lời dạy, biến nó thành một học thuyết hay một giáo điều, cùng với một thế giới quan rất cố định, khép kín và tuyệt đối.

Đâu là toàn bộ khái niệm Bát chánh đạo? Đó là chừng nào con còn ở trong hiện thân vật lý, con vẫn chưa đạt đến một mức tâm thức tối thượng nào đó. Như thày đã có nói, con sẽ còn một số ảo tưởng chừng nào con còn đầu thai trong cõi vật lý. Không thể nào khác được. Bước trên đường Bát chánh đạo là một tiến trình trọn đời, nhưng các vị ấy đã lấy lời dạy của Phật, hay đúng hơn phiên bản bóp méo của nó, và họ nói: “Đây, chúng tôi có thế giới quan tuyệt đối rồi. Chúng tôi là người đạo Phật. Chúng tôi biết rõ chuyện này. Chúng tôi đang tu theo các pháp tu này. Chúng tôi có khả năng ép tâm để nó không nghĩ về một số chuyện và ép tâm để nó chỉ chú tâm vào một số chuyện khác. Vì vậy chúng tôi tu rất cao. Chúng tôi đã giải thoát. Chúng tôi đã đạt đến một trạng thái tâm thức cao. Chúng tôi là người đặc biệt và chắc chắn đức Phật sẽ ban thưởng cho chúng tôi trong một tương lai sẽ đến.” Chánh niệm tỉnh giác không có nghĩa như vậy. Đây là đánh mất chánh niệm [mindlessness, trong nghĩa đen là đặc tính không có tâm] mặc dù tâm đầy ắp cái thế giới quan mà chính nó đã tạo ra. Tất cả chuyện này chỉ là ảo tưởng, một mạng lưới ảo tưởng khổng lồ, và đây là cốt lõi của tình trạng nan giải mà con phải đối mặt.

Nếu con xem câu chuyện đời thày, con sẽ thấy là sau khi nhập Niết bàn, thày đã suy ngẫm việc trở lại trái đất và giảng dạy. Thày đã đối mặt với ý nghĩ: “Nhưng bạn đã đạt đến một mức tâm thức rất cao, cao hơn hẳn, khác biệt hẳn với tâm thức của mọi người trên trái đất, cho nên sẽ chẳng có ai nắm bắt được lời giảng của bạn. Không ai sẽ hiểu được đâu.” Đó là một cám dỗ mà thày phải đối mặt, vượt qua. Và thày lượng định: “Quay trở lại có đáng công không? Sẽ có ai nắm bắt được không?” Điều đã khiến thày quay trở lại là thày nhận ra là thày đã nắm bắt được. Thày đã hiểu được. Thày đã nâng cao nhận biết của mình đến một mức nào đó, và như thày đã nói, khi con đạt được mức giác ngộ đó và quả vị Phật, thế giới quan của con dựa trên hợp nhất. Con không thấy mình là tách biệt với người khác, cho nên con không xem mình là đặc biệt. Con xem mình là một biểu hiện cá nhân của Phật tánh và mọi người khác cũng vậy, và một biểu hiện của Phật tánh thì không thể – tự thân nó và trong bản chất – cao trội hơn một biểu hiện khác của Phật tánh.

Khi con nhận ra điều này, con cũng nhận ra là vì mình đã có thể nâng cao tâm thức của mình thì mọi người cũng có khả năng làm y như vậy. Việc thày đã làm được có nghĩa là có những người khác cũng sẵn sàng và sẵn lòng, và vì vậy thày có thể cho họ một tấm gương. Thày có thể trao cho họ một số lời dạy, và đó là tại sao thày đã quyết định quay trở lại: “Một số người sẽ hiểu được.” Thày biết là đa số sẽ không hiểu được, và con có thể nhìn lại đạo Phật suốt 2500 năm qua, đã có nhiều môn phái khác nhau xuất hiện và đã có nhiều lý lẽ khác nhau về sự kiện họ có hiểu lời Phật dạy hay không. Con có thể thấy là đa số đã không hiểu nhưng vẫn có một số đã hiểu được, và trong thời đại hôm nay có nhiều người hơn có thể hiểu được, ngay cả khi họ không là Phật tử. Ngay cả khi họ đã lớn lên trong thế giới phương Tây không theo đạo Phật, họ vẫn có thể hiểu được vì các ý tưởng này mang tính phổ quát.

16.12. Thế nào là một lời dạy tâm linh chân chính?

Con thấy đây là một cái ngộ khác mà con đạt được trên đường tu. Con nhận ra là tất cả mọi tôn giáo và triết lý tâm linh khác nhau được tìm thấy trên trái đất đều khẳng định là mình nắm một chân lý cao trội nào đó. Hay nói đúng hơn, các tín đồ và giới tu sĩ của các tôn giáo này tuyên bố là họ nắm được một chân lý cao trội, nhưng nếu một giáo lý tâm linh có giá trị, có xác thực và phát xuất từ một nguồn cao hơn, thì giáo lý này sẽ chỉ ra là vượt khỏi tất cả những mối chia rẽ con chứng kiến trên trái đất, có một cái gì đó, có một mức nhận biết vượt khỏi tâm nhị nguyên, vượt khỏi sự phán xét giá trị và cảm nhận tách biệt.

Vượt lên trên tách biệt và chia rẽ là cái Một mà bất kỳ lời dạy tâm linh chân chính nào cũng chỉ về. Cho nên thật là vô nghĩa mà bảo: “Đây mới là giáo lý cao trội.” Bởi vì con người là những cá nhân, con không thể nào tạo ra một giáo lý tâm linh sẽ thích hợp cho mọi người trên địa cầu. Và điều này thật không quan trọng, con không cần tạo ra một giáo lý như vậy. Điều quan trọng là: “Liệu lời dạy cụ thể này có thể giúp ai đó thăng vượt tâm thức của họ để rốt cuộc thăng vượt tách biệt và nhị nguyên hay không?” Nếu vậy thì lời dạy hiệu nghiệm. Nếu không thì nó không hiệu nghiệm. Bất kỳ lời dạy nào được đưa ra với mục đích này cũng có thể bị tha hóa, sàng lọc bởi tâm tách biệt, cho nên người ta tạo ra phiên bản riêng của họ về lời dạy, và phiên bản này thì không nhằm giải thoát họ khỏi tâm vỏ ngoài, mà nhằm chứng thực thế giới quan của tâm vỏ ngoài, hay cung cấp cho tâm vỏ ngoài một thế giới quan sẽ khiến nó cảm thấy an toàn và cao trội.

Nếu con lấy một lời dạy tâm linh và dùng nó để cho con cảm giác cao trội do con nghĩ rằng con đã có lời dạy cao nhất có thể, rằng con đã có chân lý tuyệt đối, thì con chỉ chứng tỏ là con đã hoàn toàn hiểu lầm mục đích của lời dạy tâm linh đích thực. Mục đích của một lời dạy tâm linh là giải thoát con khỏi chính tâm con, tâm tách biệt. Nếu nó làm được việc này thì nó hiệu nghiệm. Nếu nó không làm được việc này thì nó không hiệu nghiệm. Nếu con dùng nó để tự giải thoát khỏi chính tâm mình thì con đang dùng nó theo cách cao nhất. Nếu con dùng nó để giam con chặt hơn vào chính tâm con – vì con tin chắc là mình có thế giới quan tuyệt đối, thế giới quan cao nhất có thể – thì con đã lạm dụng lời dạy.

Phật không bao giờ có ý định lập ra tôn giáo cao nhất trên trái đất. Các lời dạy của Phật có dụng ý để là một tiến trình giúp mọi người nâng cao tâm thức và thoát ra khỏi nhà tù của tâm mình. Nếu con biến lời dạy của Phật thành bất cứ gì khác thì con chứng tỏ là con không tỉnh giác [mindful] về lời dạy của Phật, vì tâm con đầy ắp [mind full] những tin tưởng khởi lên từ tâm tách biệt đang thấy nó tách biệt với Phật. Nó khởi lên từ ảo tưởng, và thay vì giải phóng con khỏi tấm màn của Maya, nó chỉ có thể giam con chặt hơn đằng sau tấm màn vì con nghĩ là thế giới quan của con không dựa trên ảo tưởng mà dựa trên một chân lý tối thượng nào đó.

Nói một cách thật đơn giản, tỉnh giác cao hơn là gì? Đó là sự nhận biết rằng mục đích của đường tu là để con giải thoát khỏi chính tâm con, giải thoát khỏi nội dung của tâm con. Có nghĩa chăng là con phải đạt tới điểm không còn nội dung nào nữa trong tâm? Đây không phải là điều thày đã nói. Nếu con chú ý những gì thày nói, thì thày đã nói là con tự giải phóng, con giải phóng tâm con khỏi các nội dung dựa trên tách biệt và nhị nguyên. Và khi con làm vậy, con tạo ra những nội dung khác dựa trên nối kết và hợp nhất. Khi thày trở lại giảng dạy, thày đã trở lại với tâm đã giải thoát khỏi nhị nguyên và tách biệt, nhưng nó vẫn có một tính cá biệt nào đó, nó vẫn có một thế giới quan nào đó, và nó thích nghi với nền văn hóa nơi thày hiện thân. Và tất nhiên là thày có những nội dung trong tâm.  

Thày không đồng hóa với các nội dung này. Thày biết là nội dung trong tâm chỉ đơn giản là dụng cụ để tương tác với thế giới vật chất, tương tác với người khác. Các nội dung này không quy định được thày. Chúng có thể được thay đổi. Chúng có thể khác đi. Chúng không phải là nội dung tuyệt đối nào đó của tâm. Con thấy đó, thày không đang yêu cầu con, ít ra ở một tầng nào đó trên đường tu, đạt tới điểm con không còn cá thể nào nữa, không còn cá tính nào nữa. Mà thày đang yêu cầu con sẵn lòng đạt tới điểm không còn một cá thể dựa trên ảo tưởng tách biệt, không cờn một cá tính dựa trên tách biệt và nhị nguyên khiến con xem mình đối lập với người khác. Con có khả năng xây dựng hay con có khả năng phát hiện – bởi vì có thể con đã xây dựng trong tiền kiếp rồi – cái cá tính và cá thể dựa trên cảm nhận nối kết, nối kết với cái ta cao của con, nối kết với một cõi cao hơn, nối kết với người khác, nối kết với thế giới vật lý. Khi đó, con sẽ có một cách hoàn toàn khác để tương tác với người khác, với thế giới vật lý, với cái ta cao của mình cũng như với cõi cao hơn.

Bấy giờ con sẽ có khả năng hành động dựa trên nối kết, và hệ quả tự nhiên sẽ là gì? Là thay vì con tìm cách nâng mình lên như một cá nhân tách biệt, con tìm cách nâng cả tổng thể vì con thấy mình là một phần của tổng thể đó, và vì vậy cách thức để con tự nâng mình lên chính là con nâng cao mọi sự sống. Và điểm này dẫn chúng ta đến chủ đề chót là chủ đề tập trung – con chú tâm vào điều gì – nhưng tất nhiên, đây sẽ là đề tài của bài giảng tới.

Thày vừa cho con một minh chứng về chánh niệm. Thày mong con đã có một trải nghiệm nào đó của một dạng tỉnh giác cao hơn. Tâm thày đầy ắp Phật tánh. Tâm con đầy ắp những gì?