Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 21/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary. Con yêu dấu, khi con trải nghiệm một bài giảng như bài chúng ta vừa trải nghiệm của Giê-su, thày nhớ lại khi hiện thân cùng với Giê-su, thỉnh thoảng thày ngồi đó mà cảm thấy gần như kinh ngạc khi nghe Giê-su phát biểu. Trong Kinh thánh có kể lại, “không có một người nào nói chuyện giống như người này,” và chắc chắn Giê-su có một cách sử dụng ngôn ngữ thật độc đáo, đẹp tuyệt vời. Ngay cả khi là một chân sư thăng thiên, tất nhiên thày cũng có thể trải nghiệm một bài truyền đọc. Thày trải nghiệm nó một cách khác hơn vì không những thày trải nghiệm sinh thể thăng thiên đang phát biểu như vị đó đang ở cõi thăng thiên, mà thày cũng trải nghiệm những gì tuôn ra qua trung gian sứ giả này.
Khi con xét đến sự khó khăn, khoảng cách rung động, khoảng cách trong mức tâm thức, khi con xét đến địa cầu này dày đặc chừng nào, thì con thấy được nỗi khó khăn trong việc đem Bản thể của một chân sư thăng thiên vào cõi này qua trung gian những lời nói của thế gian. Con phải ngưỡng phục khả năng của Giê-su đã có thể bày tỏ Bản thể của thày nhiều đến như vậy trong cõi dày đặc này. Nhưng con cũng phải gần như kinh ngạc khi thấy làm thế nào nguyên tiến trình giao tiếp từ cõi thăng thiên thông qua một sứ giả chưa thăng thiên lại có thể thực hiện được.
Đôi khi các thày biết là các đệ tử của mình có thể xem việc này là đương nhiên, họ cảm thấy: “Vậy à, chuyện này xem có vẻ dễ quá – sứ giả chỉ việc đi lên đó, nhắm mắt lại rồi mọi chuyện bắt đầu tuôn chảy.” Khi con nhận thức độ dày đặc của cõi này, đó thật là một tiến trình độc đáo mà con không nên cảm thấy nó quá dễ đến độ xem đó là chuyện thường tình.
17.1. Mặt omega của sự phán xử
Điều thày mong làm hôm nay là đem lại cho con phần nào góc nhìn omega của bài giảng của Giê-su. Mỗi lần các thày đề cập đến việc đem lại phán xử Ki-tô và thách thức sa nhân, luôn luôn có một tỷ lệ trong số các con sẽ có một phản ứng cưỡng lại. Không phải là thày đang chỉ trích con có phản ứng như vậy. Thày sẽ chỉ ra cho con thấy là có hai khía cạnh trong lý do vì sao con lại có phản ứng, vì sao con có thể cảm thấy do dự ngần ngại, vì sao con có thể không thích công việc này: “Có thật đây là việc của tôi? Tôi nên làm gì đây? Tôi không xem mình là một người hướng ngoại, tự tin lắm,” cùng nhiều ý nghĩ khác mà con có thể có.
Con yêu dấu, như Giê-su đã nói, vũ khí chủ yếu của sa nhân là lòng ngờ vực, và tất nhiên nhiều người trong các con mang lòng ngờ vực này. Thật ra, tất cả các con nếu chưa giải quyết chấn thương nhập đời đều sẽ ngờ vực, lòng ngờ vực của sa nhân. Một phần trong phản ứng mà con có thể có chỉ đơn giản phát xuất từ đó. Con chưa giải quyết xong ngã gốc của con cho nên con mới cảm thấy do dự như thế. Thày có thể cam đoan với con là một khi con giải quyết ngã gốc, con sẽ không còn do dự như vậy nữa, ít ra khi con làm cuộc xoay chuyển mà Giê-su nói đến.
Dù sao thì điều thày muốn trình bày là như Giê-su có nói, không phải tất cả các con đều có trong Sứ vụ Thiêng liêng là con sẽ thăng thiên sau kiếp này. Cũng vậy, không phải tất cả các con đều có trong Sứ vụ Thiêng liêng việc xông ra thách thức sa nhân một cách công khai. Điều Giê-su nói đến là khía cạnh alpha của việc thách thức sa nhân, là khi con lên tiếng về các ý tưởng của chúng, thậm chí con có thể sẵn sàng chạm trán với chúng ở mức cá nhân và cho phép chúng tấn công con hầu chúng phải nhận phán xử Ki-tô. Đối với những con còn lại, việc này không nằm trong Sứ vụ của con, không phải là những gì con đã ghi vào Sứ vụ về cách biểu hiện quả vị Ki-tô của mình ra sao. Và tất nhiên như mọi thứ khác, quả vị Ki-tô cũng có một mặt alpha và một mặt omega.
Vậy đâu là cách omega để thách thức sa nhân và đem lại phán xử Ki-tô trên sa nhân? Con yêu dấu, đó là yêu thương sa nhân. Ở tầm mức cá nhân, đây có thể là khi con chọn có quan hệ với sa nhân, dù trong phạm vi gia đình hay một mối quan hệ nào khác. Con đã chọn có liên hệ mật thiết với một số sinh thể sa ngã nhất định. Nếu con hòa điệu với Sứ vụ và nhìn xem những gì được thảo vào đó, có thể con sẽ nhận ra là kỳ thực con sẽ hiểu lầm Sứ vụ của con nếu con quyết định bằng tâm vỏ ngoài, dựa trên các lời dạy đã được ban ra, rằng: “Bây giờ tôi cần phải thách thức những người đó.” Nếu con là người uy thế trong giới quen biết của con, con quyết định: “Tôi cần thách thức người này.” Hay nếu con cảm thấy ai đó có thể là sa nhân, con nghĩ con cần thách thức người đó.
Thày yêu cầu con hãy hòa nhập và không vội bắt đầu thách thức bất cứ ai cho đến khi con biết trong Sứ vụ mình có gì, cho đến khi con cảm thấy điều này đến từ bên trong. Không phải là con cần có một ấn tượng tận mắt về Sứ vụ rồi con xông ra thách thức sa nhân. Không, con đi theo trực giác của con. Nếu con nhận được thúc giục của trực giác để thách thức ai đó thì con cứ việc làm, nhưng con không quyết định bằng tâm vỏ ngoài là con phải thách thức họ.
Đặc biệt đối với các con cảm thấy do dự, thày yêu cầu con hãy trước tiên làm việc với chấn thương nhập đời của mình. Ngay cả khi con đã khắc phục được chấn thương nhập đời, thày yêu cầu con hãy hoà nhập và nhìn xem: “Việc tôi xông ra thách thức người khác có thật là chọn lựa của tôi không? Hay thay vào đó, chọn lựa của tôi là thương yêu họ?” Sau đó con cần nhận ra là trong việc hoàn thành ý muốn và tiềm năng cao nhất cho Sứ vụ của con, chúng ta không đang nói đến chuyện yêu thương sa nhân theo cách thế phàm. Chúng ta đang nói đến việc yêu thương sa nhân theo một cách mà các thày gọi là vô điều kiện, và bây giờ thày muốn trình bày sự khác biệt cho con thấy.
17.2. Tình yêu nhân thế và tình yêu vô điều kiện
Con thấy đó, con yêu dấu, cách vô điều kiện, tình yêu vô điều kiện chỉ có thể được trao khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời của mình – nếu con là một avatar. Nếu con không là avatar mà là một cư dân nguyên thủy của trái đất, con cần vươn lên một mức cao của quả vị Ki-tô trước khi con có thể bày tỏ tình yêu vô điều kiện, vì tất nhiên, tình yêu có điều kiện xuất phát từ một tâm lý chưa giải quyết. Nhiều khi các thày đã gọi đó là tình yêu sở hữu khi con nghĩ mình yêu ai đó, nhưng con làm vậy là vì con cho rằng người kia có thể cho con điều gì đó sẽ giúp con trở nên trọn vẹn, hoặc sẽ che lấp vết thương của con để con không cảm được vết thương. Đó là tại sao khi người ta yêu, người ta thường ở trong một trạng thái hưng phấn không cảm thấy vết thương của mình, hay bay bổng lên chín tầng mây và mọi chuyện đều tuyệt vời.
Lý do đơn giản là vì ngay lúc này họ không nhìn thấy vết thương, họ không đang cố giải quyết nó. Nhưng rồi một khi tuần trăng mật kết thúc, họ bắt đầu lại cảm được vết thương. Và họ phóng chiếu: “Ồ, người này không phải là tình yêu đích thực mà tôi hằng khao khát, cho nên tôi cần tìm người khác.” Tất nhiên, chuyện này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Chừng nào con còn mang những vết thương đó, đặc biệt là chấn thương nhập đời, con sẽ không thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện. Lấy ví dụ tình huống được mô tả trong quyển Các kiếp của tôi là sự phán xử của Lucifer, khi nhân vật chính trong sách bày tỏ tình yêu vô điều kiện đối với Lucifer – và đó là cơ hội chót của Lucifer. Liệu y sẽ đáp lại tình yêu vô điều kiện được biểu lộ bởi một người y đã quen biết trong cõi đầu thai vật lý? Nếu sa nhân không đáp lại tình yêu vô điều kiện thì đó chính là sự phán xử đối với sa nhân, là sự phán xử của Ki-tô.
Có thể một số các con cảm thấy đây là điều con chủ tâm muốn làm. Có một ai đó trong phạm vi ảnh hưởng của con mà con cảm thấy không nên thách thức. Vai trò của con không phải là thay đổi họ mà chỉ đơn giản là giúp họ nhìn ra một cách khác, một trạng thái tâm thức khác, cho nên cuối cùng sẽ tới một điểm con có thể bày tỏ tình yêu vô điều kiện. Có lẽ không nhất thiết họ là sa nhân, có lẽ họ là một người hay một cư dân nguyên thủy của trái đất, thậm chí còn có thể là một avatar. Họ có khả năng biến đổi khi trải nghiệm một dạng tình yêu khác hơn là loại tình yêu họ đã từng trải nghiệm trên địa cầu.
Chắc chắn đó là một cách để con chứng tỏ là có một trạng thái tâm thức khác. Nói cách khác, điều hoàn toàn chính đáng trong khía cạnh alpha của quả vị Ki-tô là con bày tỏ một số quan điểm cùng ý tưởng, hay ngay cả con thách thức ý tưởng của người kia và giải thích tại sao đó là những ý tưởng nhị nguyên và tại sao chúng không phải là cao nhất. Nhưng khía cạnh omega là khi con chứng tỏ một trạng thái tâm thức khác hơn qua tình yêu vô điều kiện, qua việc yêu thương người khác. Hiển nhiên, điều này cũng áp dụng cho các thành viên trong gia đình con dù họ có là sa nhân hay không. Tất nhiên, thày không bảo con hãy đi vòng quanh, điểm mặt từng người con gặp và cố xét đoán họ với tâm vỏ ngoài: “Người này có phải là sa nhân hay chăng?” Vì như vậy, con có thể đặt ra trong tâm mình đủ loại tiêu chuẩn bảo rằng khi có ai xử sự thế này thế kia thì bắt buộc họ phải là sa nhân.
Con yêu dấu, các thày đã chứng kiến trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên nguyên cả tổ chức với hàng ngàn thành viên dựng lên một nếp văn hóa vô cùng xét đoán. Trong một số trường hợp, mọi người tin chắc những người kia đều là sa nhân, và các thày đã thấy hiện tượng này biến thành gần như một bộ môn thi đấu nơi người ta tranh nhau phơi bày người nào là sa nhân, người nào không. Họ chạy loanh quanh buộc tội lẫn nhau, và nói chung, họ nghĩ bất cứ ai bất đồng với mình đều phải là sa nhân. Hiển nhiên, đây không phải là một tâm thái cân bằng và cũng không phải là điều các thày khuyến khích.
Tương tự, các thày cũng không khuyến khích con rơi vào xu hướng được tìm thấy trên thế giới gọi là thiện cảm dành cho ác quỷ, khi con nghĩ rằng con phải yêu tất cả mọi người. Thày Giê-su đã có nói về những người trong cộng đồng Thời Mới không chịu thừa nhận bất kỳ sự xấu ác nào. Có một số người khác tuy thừa nhận có xấu ác trong thế gian nhưng lại cho rằng cách khắc phục xấu ác là qua tình thương. Đúng vậy, cách khắc phục xấu ác là qua tình yêu nhưng đó phải là tình yêu vô điều kiện. Nếu không, nếu đó là tình yêu sở hữu, thì sa nhân sẽ chỉ đơn giản sử dụng tình yêu đó để lôi kéo con vào một khuôn nếp phản ứng.
17.3. Có quan hệ với sa nhân
Hẳn là có một số trong các con sẽ cần nhìn ra là để vươn lên tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của mình, con cần nhìn nhận là con từng ở trong mối quan hệ với một sa nhân nào đó trong nhiều kiếp sống. Con sẽ cần tới điểm nhận diện điều này, và khi đó, con cần nhìn xem các vết thương, các cơ chế đã buộc con vào sa nhân đó là gì. Con cần nhìn xem các tin tưởng đứng đằng sau là gì, và cuối cùng con sẽ lần lần nhận ra là ở một tầng cấp nào đó của bản thể con, con đã nghĩ là mình có khả năng thay đổi sa nhân đó qua việc quan hệ với họ. Bằng cách yêu thương họ, con có thể thay đổi họ.
Đây là khi con cần bước lên một bước và thể nhập những gì Giê-su đã nói về sự tuyệt đối của quyền tự quyết. Con không ở đây để thay đổi bất cứ ai dù là sa nhân hay không. Có thể nói, con đặc biệt không ở đây để thay đổi sa nhân. Nếu con cố thay đổi một cư dân nguyên thủy của trái đất thì trong nhiều trường hợp, người đó sẽ làm ngơ con. Nhưng sa nhân sẽ không làm ngơ con nếu con cố thay đổi chúng, chúng sẽ sử dụng con, chúng sẽ dùng ý muốn thay đổi của con đối với chúng để buộc chặt con lại với chúng, và ít nhất, để bòn rút năng lượng, đánh cắp năng lượng của con. Trong những trường hợp khác, chúng sẽ khuynh đảo, hay ngay cả tìm cách tiêu diệt con qua mong muốn cải tạo sa nhân của con.
Là một avatar, con thực sự phải đạt tới điểm nhận diện xem con đã rơi vào khuôn nếp đó hay không, con có ý muốn thay đổi sa nhân hay không. Sau đó, con phải hoàn toàn buông bỏ cái đó, phải để cho ngã đó chết đi. Con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô nếu con ở trong tâm thái đó, mà trong cốt lõi là một khuôn nếp phản ứng lại sa nhân. Mong muốn cải tạo sa nhân sẽ luôn luôn nảy sinh từ chấn thương nhập đời khi con phải gặp chúng lần đầu tiên. Con đã bị chấn động, rồi một cách nào đó con đã tạo ra – trong nhiều trường hợp – cái quá trình lập luận rất dài dẫn con từng bước đến kết luận là những gì sa nhân đã gây cho con cũng trưng bày những gì chúng gây cho hành tinh. Và cách tốt nhất để giúp thay đổi hành tinh là con lựa ra một sa nhân nào đó, con có quan hệ thân thiết và nỗ lực cải tạo sa nhân đó.
Thế là cái đó trở thành một phần ngã gốc của con. Có thể có nhiều thứ khác trong ngã gốc mà qua đó con nghĩ con phải đem lại một số thay đổi cho địa cầu. Trong số đó là ý muốn thay đổi một sa nhân. Con không thể thực sự giải quyết ngã gốc cho đến khi con nhìn vào ý muốn thay đổi sa nhân này trước tiên và con buông nó ra. Con từ bỏ ý muốn đó vì con nhìn nhận sự tuyệt đối của quyền tự quyết, con nhìn nhận đó không phải là lý do con ở đây.
Ý muốn thay đổi một sa nhân không phải là cốt lõi ngã gốc của con. Cốt lõi ngã gốc là phản ứng của con trước chấn thương hay sự tàn bạo, sự lừa dối con đã phải đối mặt bất kể đó là gì. Để đối phó với chấn thương, con đã tạo ra cái ngã muốn cải tạo một sa nhân. Có thể nói đó là một khía cạnh của ngã gốc, nhưng ngã gốc của con đã không khởi đầu theo cách như vậy. Đây là tại sao để đi sâu vào cốt lõi của ngã gốc, con phải trước hết buông bỏ mong muốn cải tạo một sa nhân.
17.4. Sa nhân có thể được cải tạo hay không?
Điều này tất nhiên dẫn đến đề tài: “Sa nhân có thể được cải tạo hay không?” Thày sẽ xin con xem xét một câu hỏi chính xác hơn: “Liệu tôi sẽ bao giờ cải tạo được một sa nhân không?” Câu trả lời là: “Không, hoàn toàn không.” Không có gì chính con có thể làm hay nói sẽ cải tạo được một sa nhân. Hơn vậy nữa, không có gì con có thể làm hay nói sẽ thay đổi được bất cứ người nào khác. Tại sao vậy? Vì quyền tự quyết. Tuy nhiên, có nghĩa chăng là con bất lực, có nghĩa chăng là sự có mặt của con ở đây là bằng thừa? Không!
Để một người thay đổi, sẽ cần gì? Để một sa nhân thay đổi rồi bước theo một con đường hướng thượng, sẽ cần gì? Cả hai sẽ cần làm một chọn lựa. Con không thể buộc người khác chọn lựa. Con có thể buộc họ hành xử theo một cách nào đó và đây chính là điều sa nhân đã cố làm. Sa nhân cũng đã cố khuynh đảo và lừa dối để con phải lấy một số chọn lựa.
Nhưng nói cho cùng, con không có quyền lực để buộc người khác chọn lựa. Con có thể, như sa nhân thường làm, lợi dụng tâm lý của người kia và nhờ vậy thúc ép chọn lựa của họ. Con hiểu thày nói chứ: Ngay cả nếu con thúc ép chọn lựa của người khác thì việc này sẽ không cải tạo được họ, nó sẽ không cải tạo được sa nhân, nó sẽ không thay đổi được người kia theo một chiều hướng tăng triển tích cực.
Con có thể thay đổi họ theo một chiều hướng tiêu cực bằng cách cưỡng ép chọn lựa của họ, nhưng con không thể ép buộc một chọn lựa tích cực. Chọn lựa tích cực phải đến từ bên trong dòng sống đó, và trong nhiều trường hợp, chọn lựa sẽ chỉ đến sau khi họ đã nếm đủ một số trải nghiệm. Tất nhiên, điều con có thể làm là con có thể tạo cảm hứng cho họ chọn lựa cao hơn bằng cách chỉ ra cho họ thấy một giải pháp thay thế trạng thái tâm thức của họ, một con đường cao hơn. Bằng cách tạo cảm hứng và chứng tỏ cho họ thấy, con có thể khiến họ làm một chọn lựa khác. Không phải con đã bước vào tâm họ và tạo ra thay đổi trong đó, mà chính họ đã tự nguyện chọn lấy một chọn lựa khác.
Hiển nhiên, nếu họ không thấy con chứng tỏ trạng thái tâm thức cao hơn đó – hay như Giê-su nói: nếu thày đã không chứng tỏ là con có khả năng bước trên trái đất trong Tâm thức Ki-tô – thì họ đã không có sự tùy chọn. Đó chính là điều con có thể làm. Con có thể cho họ sự tùy chọn nhưng con không thể cưỡng ép chọn lựa của họ. Tất nhiên là con có thể làm giống như sa nhân và cố buộc mọi người phải chọn theo chiều hướng hạ, nhưng con yêu dấu, đó chắc chắn không phải là lý do con ở đây như một avatar. Con hãy nhìn vào bãi chiến trường trên trái đất, và đâu là nguyên do chứ? Là vì sa nhân đã buộc con người phải lấy những chọn lựa đẩy họ vào một vòng xoắn ốc hướng hạ. Như thày vừa nói, con không thể ép buộc một ai làm những chọn lựa sẽ đưa họ vào xoắn ốc hướng thượng. Là một avatar, con cần hoàn toàn rũ bỏ ý muốn cải tạo hay thay đổi bất cứ ai. Chỉ khi đó, con mới có thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện.
17.5. Con không thể có tình yêu vô điều kiện
Tại sao thày lại nói là con không thể có tình yêu nhân thế nhưng con có thể là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện? À, là vì tình yêu nhân thế là tình yêu sở hữu, có nghĩa là con có thể sở hữu nó, con có thể lấy nó làm của riêng. Trên thế giới có những người, thậm chí nhiều người, nghĩ họ là người tâm linh, là người Thời Mới, là người tràn đầy yêu thương. Họ yêu thương theo cách phàm phu, qua đó trong tiềm thức họ sử dụng tình yêu để được một cái gì đó từ người kia.
Trong một số trường hợp, họ không có ý định xấu ác, họ không thực sự trực tiếp lợi dụng người khác, nhưng bên trong, họ thầm mong người ta xem mình là tràn đầy tình thương. Khi họ bày tỏ tình yêu với ai đó, họ muốn khiến người kia chứng thực mong muốn của họ được xem là một người đầy tình thương. “Ồ, sao bạn là người hết lòng đến thế,” và như vậy họ cảm thấy mình được tán thành, tự ngã cảm thấy nó được tán thành.
Con không thể sở hữu tình yêu vô điều kiện, con không thể sở hữu tình yêu không sở hữu, nhưng con có thể mở tâm ra với nó như con mở tâm ra với quả vị Ki-tô. Tình yêu vô điều kiện là gì? À, đó chính là khía cạnh omega của tâm thức Ki-tô. Con không thể sở hữu tâm thức Ki-tô, con không thể cưỡng ép tâm thức Ki-tô. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài – tâm nhị nguyên, tâm phân tích – để cưỡng ép. Con có thể mơ tưởng mình là Ki-tô nhưng làm vậy sẽ không biến con thành Ki-tô. Con có thể cố tạo ra những hiện tượng có vẻ cho thấy là tâm con có quyền năng to lớn trên vật chất, như ngay cả Lucifer cũng đã làm được trong sách. Đó không phải là quả vị Ki-tô. Con có thể có tình yêu nhân thế và khiến người ta nghĩ con có nhiều tình thương đến thế, nhưng đó không phải là tình yêu Ki-tô. Như các thày đã nói, Thánh linh thổi nơi đâu nó muốn, thì tình yêu Ki-tô cũng chảy như vậy, nhưng nó chảy vào bất cứ nơi nào có một lối mở. Phải có một lối mở, và nếu con mong muốn thay đổi người khác thì trong bản thể con sẽ không có khe hở để tình yêu vô điều kiện có thể chảy vào.
Rất, rất có thể là nếu con biểu lộ tình yêu vô điều kiện với một sa nhân thì y sẽ chối bỏ nó. Y sẽ bị bối rối bởi tình yêu đó, thậm chí y còn có thể buộc tội con, hay lánh xa và không muốn liên hệ với con nữa. Điều này con cần chấp nhận. Các thày đã có giảng về những cuộc xoay chuyển cách mạng. Các thày có nói là có thể đến một điểm khi con đã giải quyết tâm lý của mình, đã giải quyết ngã gốc và chấn thương nhập đời của mình, đã tiêu hủy hết năng lượng, đã để cho ngã chết đí, nhưng lại có một ngã tách biệt khác vẫn còn một sự gắn buộc nào đó.
Chẳng hạn con cảm thấy là nếu con là cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện thì con không thể bị chối bỏ, người khác không được chối bỏ con. Đã có những người đạt tới mức quả vị Ki-tô để có thể trở thành cánh cửa mở cho việc biểu lộ tình yêu vô điều kiện đối với một người khác, thế rồi tình yêu đó bị bác bỏ, và bởi vì họ mang cái ngã tách biệt đó cho nên đôi khi họ có thể rơi xuống một vòng xoáy hướng hạ. Họ bị dao động quá đỗi khi tình yêu đó bị từ chối đến độ nó kéo họ xuống một mức tâm thức thấp hơn. Thậm chí họ còn có thể quyết định sẽ không bao giờ tỏ lộ tình yêu vô điều kiện nữa.
Con cần nhìn nhận là ngay cả khi con có khả năng làm cánh cửa mở cho tình yêu vô điều kiện, con vẫn có thể còn cái ngã tách biệt đó cầm giữ một loại hình ảnh nào đó về những gì phải xảy ra khi con biểu lộ tình yêu vô điều kiện. Ví dụ, con có thể mang một cái ngã cầm giữ một hình ảnh về những gì phải xảy ra khi con nói lên sự thật của con và thách thức sa nhân hay khi con thể hiện bản thể cao của con.
17.6. Tránh cảm thấy bị chối bỏ
Con thấy đó, con yêu dấu, một lần nữa quả vị Ki-tô – khi con là Ki-tô Hằng Sống, khi con thể hiện quả vị Ki-tô – không có nghĩa là con tuyệt đối hoàn hảo, là con đã giải quyết xong mọi khía cạnh của tâm lý mình và con đã lên tới tầng 144. Con có thể, ngay khi con bước cao hơn tầng 48, có được những thoáng hiện khi con biểu hiện quả vị Ki-tô hay thậm chí một dạng cao hơn của tình thương. Khi con lên cao hơn tầng 96, con có thể có những thoáng hiện – ngày càng thường xuyên hơn, trong khoảng thời gian dài hơn – ngụ trong tâm thức Ki-tô. Con đang biểu lộ tình yêu vô điều kiện nhưng tất nhiên, con vẫn phải bước tiếp lên cho tới tầng 144. Có nghĩa là vẫn còn những ảo tưởng mà con chưa khắc phục, và một số ảo tưởng này có thể liên hệ tới việc con nghĩ rằng người khác phải hồi đáp con một cách trong sáng khi con tiếp cận họ trong sự trong sáng.
Con thấy đó con yêu dấu, các avatar đều đến từ những hành tinh tự nhiên. Trên một hành tinh tự nhiên, con quen với tình trạng khi con làm gì đó cho một ai với ý định trong sáng, thì người đó sẽ không trở mặt mà kết tội là con xấu. Khi con làm điều gì cho một sa nhân, hay ngay cả cho những con người trên địa cầu, có thể họ sẽ chối bỏ con một cách vô cùng hung hãn, hiểm độc, tàn nhẫn, cáo buộc. Ngay cả khi con đạt tới điểm có thể biểu hiện quả vị Ki-tô, cho dù là khía cạnh alpha hay omega, con vẫn cần lưu ý có thể còn một cái ngã, một ảo tưởng mà con chưa buông bỏ, và ngã này khiến con cảm thấy bị gạt bỏ, hay khiến con rơi vào những loại phản ứng tiêu cực khác khi người ta không phản hồi theo cách con chờ đợi.
Vậy trong những trường hợp đó, con cần sẵn lòng nhìn vào chính mình và nắm lấy đó như một cơ hội khắc phục thêm một ảo tưởng, buông bỏ thêm một ngã tách biệt, hầu vươn lên tầng kế tiếp nơi con có thể biểu hiện tình yêu vô điều kiện nhiều hơn, ít dính mắc hơn với cách người ta tiếp nhận tình yêu đó. Nói cho cùng, để biểu hiện trọn vẹn tình yêu vô điều kiện, con cần phải hoàn toàn không dính mắc với cách phản hồi của người khác vì con không có bất kỳ ý định nào khi hành xử như vậy. Đóa hoa hồng nở ra trong vườn không hề có ý định lôi kéo người đi dạo phải dí mũi vào bông hoa. Nó không hề cảm thấy bị bỏ bê khi ai nấy đều rảo bước đi qua, bận rộn với chiếc điện thoại cầm tay vì họ nhất định phải trả lời cái SMS mới nhất cho bằng được.
17.7. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô có thể đau đớn
Đây là những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô. Thày cũng hiểu đây không phải là những tầng thấp của quả vị Ki-tô. Con không cần tự trách mình khi con phản ứng như vậy. Một lần nữa, con không phải hoàn hảo để biểu hiện quả vị Ki-tô. Ở các tầng thấp hơn, con sẽ gặp một số tình huống, một số thời điểm, khi con là cánh cửa mở và có cái gì tuôn chảy qua con, có thể là một ý tưởng cao hơn, có thể là tình yêu vô điều kiện. Thế rồi bỗng chốc, giây phút huyền diệu đó bị phá vỡ, nếu có thể nói như vậy. Bây giờ con bước ra ngoài, trở về với mức tâm thức bình thường của mình, có nghĩa là con lại sử dụng mức tâm thức bình thường của con để phản ứng lại các hậu quả của việc biểu lộ quả vị Ki-tô. Nói cách khác, con phản ứng lại phản ứng của người khác, không ở mức quả vị Ki-tô con vừa biểu hiện trước đó mà với tâm thức bình thường của con.
Con yêu dấu, điều này không thể tránh khỏi, đó là một phần của con đường quả vị Ki-tô. Con có thể nghĩ chuyện này đã không xảy ra cho Giê-su nhưng hiển nhiên là nó đã xảy ra cho thày. Giê-su đã trải qua một giai đọan vô cùng do dự biểu lộ quả vị Ki-tô của mình và thày thật nhạy cảm trước phản ứng của mọi người. Con thấy đó con yêu dấu, tất cả các thày đều đã kinh qua giai đọan này và các thày hoàn toàn không muốn khiến con nản lòng. Điều các thày muốn con nhận ra là sự kiện này không thể tránh khỏi. Con phải kinh qua giai đọan tạm thời này khi con xoay vào rồi lại xoay ra khỏi tâm thức Ki-tô, khiến con không thể tránh phản ứng lại trong tâm thức bình thường của mình những hậu quả của việc bày tỏ quả vị Ki-tô.
Điều này có nghĩa là nó có thể đau đớn, và nó có thể khó khăn. Thậm chí con còn có thể cảm thấy mình đã làm gì sai. Con đã quá mạnh mẽ, con đã quá cương nghị, hay con đã quá trìu mến, quá tốt bụng hay bất cứ gì khác. Con cần học cách nhìn xuyên thấu qua điều đó và nhận ra là phản ứng này trong con là một cơ hội để bước lên tầng tâm thức kế tiếp, để vượt qua ảo tưởng gắn liền với tầng tâm thức hiện thời và bước lên một tầng cao hơn nơi con có khả năng thể hiện nhiều quả vị Ki-tô hơn. Và khi con trở nên ý thức về quá trình này, con có thể mau chóng thực hiện cuộc xoay chuyển qua đó con không còn tự trách mình nữa, con không còn tự mắng mỏ, con không còn cảm thấy mình bất toàn. Con chỉ đơn giản nhận rõ sự thật tuyệt đối mà thật ra các thày đã cố truyền đạt cho con qua bộ sách về con đường tự điều ngự.
17.8. Phản ứng ở mức tâm thức của con
Trong quyển sách thứ sáu [Những Khai ngộ Thần bí về An bình], thày Nada đã nỗ lực hết sức giúp con nhìn ra là trên đường tu sẽ tới một điểm khi con nhìn nhận là con chưa đạt đến tầng tâm thức cao nhất. Con sẽ nhìn nhận là con đang ở tầng 87 chứ không phải tầng 144. Không ai đòi hỏi con phải có khả năng đối phó với cuộc sống trên địa cầu như con có thể làm ở tầng 144. Việc con phản ứng lại cuộc sống với tâm thức của tầng 87 – hay bất kỳ tầng nào khác ở chỗ con đang đứng – cũng hoàn toàn tốt thôi, hoàn toàn chấp nhận được từ các thày là chân sư thăng thiên.
Các thày không bao giờ đòi hỏi hay chờ đợi con phải phản ứng với một tầng cao hơn. Các thày không bao giờ lên án con vì con không phản ứng ở tầng cao hơn. Thày thừa biết đã từng có một số lời dạy và tổ chức của chân sư thăng thiên tạo ra một nếp văn hóa trách móc mọi người là không toàn hảo. Một lần nữa, các thày phải khởi đầu ở một điểm nào chứ.
Nhưng con có tiềm năng bước lên một mức nơi con có thể, theo một nghĩa nào đó, làm hòa với chính con người mà con đang là ngay bây giờ. Điều này không có nghĩa là con ngừng tăng triển và đi vào tâm thái nghĩ rằng: “À thế là tôi vô ngã rồi, tôi toàn hảo rồi, tôi không cần tăng triển nữa, tôi không cần xem xét bản thân nữa.” Con có thể làm hòa với sự kiện con đang đứng ở tầng tâm thức này, thay vì tự trách móc hay cảm thấy mình bị chậm trễ và đúng lý mình phải ở tầng cao hơn.
Các thày không muốn con sống hết kiếp đầu thai này mà cứ không ngừng cảm thấy mình còn tụt hậu, mình chưa đủ tốt. Con đang tốt đủ ở tầng tâm thức mà con đang đứng, và con không có lý do gì để lên án chính mình đã phản ứng ở tầng tâm thức này, thậm chí phản ứng lại việc mình đã biểu lộ quả vị Ki-tô cùng cách phản ứng của người khác.
Phản ứng của con, khi con sẵn lòng xem xét nó, là cơ hội để con nhìn ra ảo tưởng ở tầng hiện thời của con rồi vươn lên tầng kế tiếp. Đường tu luôn luôn đã từng là như vậy và sẽ luôn luôn là như vậy. Cũng y như vậy 2000 năm về trước khi Giê-su tiến gần đến tầng 144. Và cũng sẽ là như vậy cho tất cả chúng ta là những người đã từng hiện thân. Điều này sẽ không thay đổi chừng nào địa cầu chưa là một hành tinh tự nhiên. Tất nhiên là có thể có một sự chuyển đổi khi tầng tâm thức thấp nhất hiện thời không còn được phép có mặt trên địa cầu nữa.
17.9. Không có gì không ổn với vật chất
Cơ chế căn bản của đường tu là con đang ở một tầng nào đó. Con phản ứng theo cách như vậy. Bằng việc xem xét phản ứng, con có thể nhìn thấy cái ảo tưởng ở tầng đó hầu con vươn lên tầng kế tiếp. Đó là cơ học căn bản của đường tu tâm linh. Có thể nó có vẻ không hào nhoáng như một số người tưởng tượng, nhưng thày tin tưởng nhiều người trong các con đã tới được điểm nói rằng: “Tôi đã chán chê ảo tưởng rồi, tôi đã chán chê những mơ tưởng hoành tráng, tôi chỉ muốn biết đường tu vận hành như thế nào để tôi có thể tiến bước nhanh nhất, và tôi có thể vượt lên trên những cách phản ứng mất quân bình, tiêu cực, tự trách đó, và cảm thấy an bình khi ở đây.”
Nói cho cùng, con yêu dấu, làm thế nào con có thể an bình khi ở đây? À, con cần giải quyết chấn thương nhập đời vì chính đó là điều đã bứng con ra khỏi sự an bình con có trước đó khi con vừa đến đây như một avatar. Một phần trong tiến trình này, ngay cả khi con đã giải quyết chấn thương nhập đời, là sẽ vẫn còn một ngã tách biệt mà con cần xem xét. Ngã này tùy theo mỗi cá nhân, nhưng đó là ngã tách biệt con đã tạo ra khi con phản ứng lại cõi vật chất, cõi của vật chất, cõi của Mẹ, trong tình trạng nó hiện hữu trên trái đất. Con nhận thấy là trong tư cách một avatar, con đến từ một hành tinh tự nhiên nơi vật chất không dày đặc như thế này. Vật chất ít dày đặc thể hiện qua nhiều cách, nhưng một cách thể hiện là con không gặp phải những loại hậu quả con thấy trên trái đất. Trên một hành tinh tự nhiên, tâm con có quyền năng lớn hơn rất nhiều để thay đổi vật chất, và vật chất cũng sẵn sàng đáp ứng nhiều hơn với tâm con.
Con đã quen với việc mình có thể phạm vào cái con gọi là lỗi lầm. Nó có tạo ra một hậu quả vật lý nhưng khi con sẵn lòng đứng lui lại và thay đổi tâm thức, thì con có khả năng tháo gỡ và hoàn nguyên hậu quả vật lý đó. Nhưng khi con bước xuống trái đất và nhận ra là mình có thể làm một chọn lựa tạo ra một hậu quả vật lý và con không thể khắc phục hậu quả đó cho đến mãn kiếp đầu thai này – và thậm chí nó có thể đeo đuổi con trong cả những kiếp sau – thì con bị cú sốc. Con bị chấn động thấy vật chất dày đặc đến như vậy.
Con hãy lưu ý là điều này không liên quan gì đến sa nhân cùng chấn thương nhập đời mà chúng đã áp đặt lên con. Đó chỉ đơn giản là phản ứng của con trước độ dày đặc quá đỗi của vật chất trên địa cầu, đến độ con có thể gây ra hậu quả mà con không thể dễ dàng tháo gỡ và nó sẽ dây dưa rất lâu. Điều này tạo ra một cái ngã tách biệt phản ứng, qua đó con thường xuyên rơi vào một phản ứng tiêu cực đối với cõi Mẹ. Con thường cảm thấy là con không thể thoải mái, con không thể an bình trong cõi Mẹ, rằng có một cái gì không ổn với cõi Mẹ, rằng cõi Mẹ không được như vậy.
Con cần bước tới cuộc xoay chuyển cách mạng là con sẵn lòng nhìn vào vấn đề đó và thực sự chấp nhận hành tinh địa cầu như một công cụ giáo huấn cho một bực thang tâm thức nhất định. Cho nên để cung cấp cho con người những bài học mà họ cần học, vật chất cần phải dày đặc như nó vốn dày đặc. Vật chất cần phải ù lì đối với tâm con người như nó vốn ù lì. Bởi vì nếu không, tuyệt đại đa số loài người trên trái đất sẽ không học được bài học của mình.
Tuy nhiên, là một avatar, con không phải học cùng những bài học mà hầu hết mọi người khác trên địa cầu phải học. Do đó con có khả năng khắc phục, nhưng con sẽ chỉ có thể khắc phục nếu con sẵn lòng nhìn vào vấn đề, nếu con sẵn lòng bước tới điểm con chấp nhận chẳng có gì là không ổn với vật chất.
17.10. Phản ứng của con đối với vật chất
Chính phản ứng của con đối với vật chất đã khiến con nghĩ vật chất có gì đó không ổn. Cho nên việc giải quyết ngã tách biệt này là trách nhiệm của con. Chỉ khi nào con làm vậy thì con mới có thể tự do đón nhận sự hiện thân của mình trong cõi vật lý.
Để vươn lên cao hơn một mức quả vị Ki-tô nào đó, con phải an bình với sự kiện mình ở trong hiện thân vật lý. Vào thời của Giê-su, việc này khó thực hiện hơn rất nhiều, và đó là vì sao ngay cả Giê-su cũng không làm được hoàn toàn. Trong thời đại hôm nay, các con có tiềm năng đó. Đối với những ai trong số các con muốn ở lại trong hiện thân để đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain, điều vô cùng quan trọng là con đạt tới điểm khắc phục được mong muốn thoát ra khỏi nơi đây. Con khắc phục cảm giác là có gì không ổn khi vật chất đang là cái nó là. Con chấp nhận có mặt ở đây, con chấp nhận vật chất như nó vốn là.
Tất nhiên, làm sao con có thể chấp nhận vật chất như nó là nếu con không chấp nhận chính con một cách trọn vẹn, và làm sao con có thể chấp nhận mình trọn vẹn nếu con không vượt qua chấn thương nhập đời? Con thấy tất cả đều ăn khớp với nhau như thế nào. Con thấy tại sao các thày đã không ban ra giáo lý về Sứ vụ Thiêng liêng trước khi đưa ra giáo lý về chấn thương nhập đời. Khi con là một avatar, tất cả mọi thứ, con yêu dấu, đều xoay quanh chấn thương nhập đời. Như trong thành ngữ thông dụng, đó là con voi to tổ bố nằm chình ình ở đó mà không ai muốn nhắc tới. Có điều, tất nhiên, ngã gốc của con không phải là một con voi và nó cũng không to tổ bố. Nó chỉ là một cái ngã gần như không thực, không đến nỗi khó giải quyết như con tưởng. Đây chỉ là vấn đề sử dụng các dụng cụ, sử dụng các bài tập mà thày đã cho con, để con bước xuống thật sâu qua các khu vườn, rồi bước vào rạp hát và đơn giản nhìn thấy nó [Bài tập này có trong sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh].
Một khi con xoay chuyển khỏi ngã gốc, con sẽ ngạc nhiên sao chuyện này có vẻ dễ đến thế. Dĩ nhiên, các thày hiểu rõ là con không thể cưỡng ép bằng tâm vỏ ngoài. Con không thể dùng ngã gốc để xoay chuyển ra khỏi ngã gốc.
17.11. Tiếp tục dùng các dụng cụ
Cách con nhìn mọi thứ trên địa cầu, cách con nhìn giáo lý, là xuyên qua phin lọc của ngã gốc. Đó là tại sao các thày đã ban cho con những lời dạy có dụng ý đánh gạt tâm vỏ ngoài của con. Đó là tại sao các thày đã cho con những bài tập có khả năng lần hồi dẫn con tới điểm con có thể thực hiện xoay chuyển đó và nó xảy ra một cách tự nhiên. Con phải sẵn lòng áp dụng các dụng cụ, đi qua nguyên tiến trình. Con phải sẵn lòng mở tâm ra để nhìn thấy một điều gì mà con chưa thấy trước đây, thậm chí thấy cả ngã gốc. Con cần nhận thức là trong cương vị cái Ta Biết, con có khả năng tách mình ra khỏi ngã gốc, và đó là cách duy nhất con có thể thấy nó từ bên ngoài. Đó là cách duy nhất để con thấy nó. Con có các dụng cụ rồi nhé.
Một lần nữa, con yêu dấu, đừng rơi vào phản ứng bảo rằng: “Ồ, Mẹ Mary nói chúng ta có tất cả dụng cụ nhưng tôi vẫn không thể nhìn thấy ngã gốc. Tôi đang làm gì sai đây?” Đó chính là ngã gốc đang nói chuyện đấy. Một lần nữa, hãy tiếp tục dùng các dụng cụ. Con yêu dấu, nếu con đã mang ngã gốc trong hai triệu năm qua, con không phải tự trách oán nếu con không thể giải tỏa nó trong vòng một tuần sau khi nhận được lời dạy. Có thể con sẽ tốn thời gian, nhưng lâu hay chậm sẽ chẳng quan trọng gì miễn là nó xảy ra. Miễn là nó xảy ra trong kiếp này thì con đã đột phá và hoàn thành tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng của con như một avatar.
Với lời này, con yêu dấu, thày muốn tỏ lòng biết ơn đến tất cả các con đã đến tham dự hội nghị này. Không có nghĩa là thày sẽ niêm hội nghị vì đức Phật sẽ làm việc đó, nhưng thày muốn bày tỏ lòng biết ơn của Mẹ đối với sự sẵn lòng của các con, không những đã đến tham dự mà còn sẵn lòng áp dụng giáo lý mà các thày đã ban truyền qua bộ sách về ngã gốc, vân vân.
Chắc chắn nếu không có một túc số tới hạn những đệ tử – cả những người có mặt ở đây lẫn những người không có mặt – đã tu tập những lời dạy này, thì các thày đã không thể đưa ra những gì vừa được đưa ra. Thày tin tưởng các con sẽ nhận diện đây là một bước cao hơn. Chắc chắn đây là một bước cao hơn tất cả những lời dạy khác mà con có thể tìm thấy về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng. Nó sẽ tạo uy lực cho nhiều người đột phá lên tầng cao hơn rồi nhờ vậy hoàn thành tiềm năng cao nhất của mình. Các thày rất biết ơn đã có thể ban truyền các dụng cụ này. Tất nhiên là các thày đã luôn luôn có thể làm vậy, nhưng các con cũng bắt đầu nhận ra – phải vậy không? – là các thày không thể đưa ra hết những gì mình có. Phải có một tiến trình tương tác qua lại, qua đó chỉ khi nào con người chấp nhận và áp dụng một lời dạy thì các chân sư mới có thể đưa ra lời dạy cao hơn.
Đối với những ai đã có, thì nhiều hơn sẽ được trao cho họ. Đó chính là nguyên tắc của việc nhân ta-lăng lên gấp bội. Các thày biết ơn các con đã nhân ta-lăng để các thày cũng có thể nhân nỗ lực đem lại nhiều hơn. Chẳng phải đây là một điệu vũ tuyệt vời hay chăng?