2 | Tia thứ chín của quân bình

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 9 tháng 5, 2009, trong loạt bài về các tia sáng bí mật.

Thày là Gautama. Thày đến đàm đạo với con về tia sáng thứ chín. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem lại các lời dạy về tia thứ tám – là tia hòa nhập những gì con đã đạt được khi vượt qua khai ngộ của bảy tia đầu.

Như thày có nói, con đã đến điểm cần bước lui lại và nhìn bức tranh rộng lớn. Điều này chính xác có nghĩa là gì về mặt chữa lành cá nhân? Có nghĩa, con yêu dấu, là con nhìn vượt quá chính cơ thể vật lý của con. Con thấy chữa lành là nhiều hơn sự chữa lành cơ thể vật lý. Chữa lành có nghĩa thực sự là sự trọn vẹn, đạt đến trọn vẹn. Và điều này có nghĩa, con yêu dấu, là một khi con đã đi qua khai ngộ của bảy tia đầu, con cần xoay chuyển sự tập trung để mục đích trên hết và trước hết của con – thật ra mục đích duy nhất từ điểm này trở đi – trở thành việc đạt đến sự trọn vẹn của toàn bộ bản thể con.

Như thày đã nói trong bài giảng trước, có những người đã đi qua các khai ngộ mà không chữa lành được một chứng bệnh vật lý nhất định hay không khắc phục được một hoàn cảnh nhất định nào đó. Cho nên bước kế tiếp là cần nhìn xem phải có điều gì chưa trọn vẹn trong các thể cao – không chỉ cảm thể, trí thể, bản sắc thể, mà ngay cả cách nhận thức của con về thế nào là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế. Và điều này không chỉ giản dị là thể bản sắc vỏ ngoài, mà là cốt lõi của thể bản sắc, các tầng cao của thể ê-the của con.

Do đó con cần tìm kiếm sự trọn vẹn này, con yêu dấu. Và đây là điều con tìm thấy khi con từ bỏ con đường vỏ ngoài và tìm cầu sự tiếp cận nội tâm. Bởi vì tại sao con lại nghĩ con đường vỏ ngoài có thể thích hợp với các tia bí mật được chứ? Như thày đã giải thích, các tia bí mật không những vượt khỏi tâm nhị nguyên mà còn vượt cả tâm đường thẳng vốn chỉ muốn phân tích và phân loại mọi chuyện.

Cho nên, con yêu dấu, con không thể hiểu được các tia bí mật, con không thể hiểu được bằng trí năng. Tất nhiên con có thể tạo ra một khái niệm trí thức, một hình tượng khắc mà con phóng chiếu lên khái niệm tia bí mật và một tia sáng nào đó. Nhưng con không thể thực sự hiểu được các tia bí mật qua tâm trí thức đường thẳng. Có nghĩa, một lần nữa, là các thày đã nhận một rủi ro có cân nhắc khi trao truyền bất cứ lời dạy nào về tia bí mật qua lời nói. Bởi vì luôn luôn sẽ có những người nhìn qua phin lọc của tâm đường thẳng, họ sẽ muốn phân tích nó, sẽ muốn nhét nó vào kho dữ liệu mà họ đã tạo dựng dựa trên các giáo lý tâm linh mà họ đã thực hành hay nghiên cứu cho tới điểm này.   

Nhưng dẫu vậy, các thày cũng biết là luôn luôn sẽ có những người đọc được giữa hai dòng chữ và nhận ra lời lẽ vỏ ngoài không thực sự quan trọng bằng ý nghĩa nội tâm được truyền tải qua lời lẽ. Vì vậy, đây thật không phải là vấn đề hiểu – hiểu tia sáng bí mật, hiểu đặc tính của tia sáng bí mật – mà là vấn đề hòa điệu với tia sáng, trải nghiệm trực tiếp sự rung động của tia sáng, thậm chí trở thành một với sự hiện diện, Hiện diện tâm linh, mà mỗi tia bí mật vốn là.

2.1. Thỉnh Đại thiên thần Uzziel

Làm thế nào thật sự qua được khai ngộ của tia thứ tám? Bằng cách trở thành một với Hiện diện tâm linh của tia thứ tám. Tất nhiên đó là Phật. Nhưng đối với nhiều người đây là một bước khó khăn, cho nên Đại thiên thần Uzziel có lời mời cho những ai muốn vượt qua khai ngộ của tia thứ tám có thể trở thành ngọn lửa song sinh của thày. Họ có thể được Đại thiên thần chỉ dạy ở mức nội tâm cho đến khi họ đạt tới điểm thấy mình là thái cực Omega trong vật chất của thái cực Alpha là chính Đại thiên thần ở cõi tâm linh. Họ cũng có thể xem mình là thái cực Omega của Hiện diện TA LÀ của mình.

Để vượt qua khai ngộ của tia thứ tám, con cần đi xa hơn tâm đường thẳng. Con cần trải nghiệm điều mà thời xưa được gọi là chứng ngộ (gnosis), là đi vào hợp nhất, là sự hợp nhất giữa người biết và cái được biết. Nhưng con có thấy chăng, con yêu dấu, tâm đường thẳng được sinh ra và tùy thuộc vào tương quan nhị nguyên giữa người biết và cái được biết, giữa người đang nhận thức và đối tượng được nhận thức?

Và điều này có nghĩa là khi con nhìn qua phin lọc của tâm đường thẳng, mỗi chủ đề nghiên cứu sẽ trở thành một đối tượng nhận thức, một đối tượng cho việc phân tích, phân loại, dán nhãn, phán xét. Có con ở một đằng, và đằng kia có một chủ đề không phải là con, tách biệt khỏi con, xa rời khỏi con, và con tìm hiểu nó từ một khoảng cách. Con yêu dấu, đây chính là Chén thánh của nền khoa học hiện đại mà họ gọi là tính khách quan, khi người quan sát không là một phần của kết quả quan sát mà lại đứng ở xa giống như một nhà thiên văn nhìn ngôi sao xuyên qua kính viễn vọng, đinh ninh rằng mình không ảnh hưởng gì đến ngôi sao mà chỉ là một người quan sát trung lập, khách quan.

Tuy nhiên khi con tới điểm này, khi con bắt đầu đi xa hơn bảy tia sáng và bước vào tia thứ tám, bắt đầu bước vào các tia cao hơn, thì con cần khắc phục ảo tưởng này, sự lừa dối này về một nhà quan sát trung lập, tách biệt, xa cách. Không có nhà khoa học nào đã từng thực hiện một quan sát thật sự khách quan, bởi vì nhà khoa học đó quan sát xuyên qua chính tâm thức của mình. Và chừng nào con còn cố quan sát, chừng nào con còn xem mình là một người quan sát đang xem xét một vật ở xa, thì con không thể nào khách quan.

Khách quan đích thực là gì? Đó là sự chứng ngộ, khi tính nhị đối giữa chủ thể và khách thể tan biến và con trải nghiệm sự hợp nhất với cái trước đó là một đối tượng xa cách. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Làm thế nào, chẳng hạn, con có thể thiền quán về một ngọn núi, về cái hồ hay về đại dương mà vượt khỏi vai trò của người quan sát đang thiền quán – rõ ràng không phải là con như một người, con như một thân xác, con như một sinh thể đang hiện thân? À con có thể làm được, con yêu dấu, khi con nhìn nhận một thực tế cơ bản, rất đơn giản, của mọi sự sống. Con thấy đó, khi thày bước ra khỏi Niết bàn như là Phật và có ngưới hỏi thày “Ông là gì?” thì thày đã trả lời “Ta tỉnh thức.”

2.2. Thực tại nằm bên dưới mọi hình dạng

Khi con tỉnh thức, con nhận ra thực tại cơ bản nằm ở bên dưới không phải là vật chất, không phải là năng lượng, mà là tâm thức. Tất cả mọi thứ đều là một biểu đạt của tâm thức. Không có gì trong thế giới vật chất chỉ tồn tại mà thôi. Đó là một phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, và sự phóng chiếu này diễn ra xuyên qua một trạng thái tâm thức đặc thù nào đó. 

Cho nên nếu con cố nhận thức một vật cụ thể, chẳng hạn một ngôi sao ở xa kia, xuyên qua giác quan vật lý mà thôi – hay sự nối dài của giác quan mà các nhà khoa học đã xây dựng qua dụng cụ khoa học – thì con sẽ không thực sự biết được vật đó. Con sẽ biết các đặc tính vật chất của nó nhưng con sẽ không biết cái tâm thức đang phóng chiếu nó lên màn ảnh của Ánh sáng Mẫu-Vật. Và cho đến khi con biết được tâm thức này thì con vẫn chưa thực sự biết được một ngôi sao là gì, vẫn chưa thực sự biết được ngôi sao đặc thù này. Con sẽ không thực sự biết được ngôi sao của chính Mặt trời của con, cùng với tâm thức đặc thù của các sinh thể tâm linh đã phóng chiếu hình ảnh này lên Ánh sáng Mẫu-Vật và vẫn đang cầm giữ hình ảnh này trong tâm thức của họ.

Cho nên thày khuyên những ai mong muốn vượt xa hơn tia thứ tám để đi vào tia thứ chín, nên dành ra thời gian thiền quán về Mặt trời, Mặt trời của chính con trong thái dương hệ đặc thù này. Con đừng thiền quán về nó như một Mặt trời vật lý mà như một Mặt trời tâm linh, như sự biểu đạt của một sinh thể tâm linh, của một cặp sinh thể tâm linh – một thái cực Alpha-Omega. Xong con hãy cho phép tâm con hòa nhập với các sinh thể tâm linh đang trụ nơi không gian của Mặt trời của con, hiện có tên là Helios và Vesta. Con hãy hòa nhập với hai vị đó để con biết được sự rung động, biết được Hiện diện của hai vị.

Đây là cách duy nhất để biết, biết thực sự, các tia bí mật – và đó chính là tại sao các tia này được gọi là bí mật. Bởi vì những ai còn bị kẹt trong tâm đường thẳng, những ai cứ muốn vật thể hóa (objectify) mọi chuyện, sẽ không thể mở khóa bí ẩn của các tia cao hơn. Như thày đã có nói, không có gì để cho tự ngã phóng lớn. Không có gì để cho tự ngã sử dụng hầu xác nhận hay chứng thực thế giới quan của nó, hầu nó tâng nó lên cao hơn mọi người.

Con thấy đó con yêu dấu, như thày có giải thích, bảy tia đầu là những tia sáng đã được dùng để xây dựng vũ trụ vật chất. Và vì vậy, chúng có một sức mạnh biểu đạt nào đó. Và khi chúng bị tha hóa bởi tâm thức nhị nguyên, tự ngã có thể chụp lấy dạng tha hóa, mất cân bằng này, rồi sử dụng để xây dựng quyền năng của mình – hay nhảy sang đối cực nhị nguyên ngược lại là giảm thiểu quyền năng – nhưng dù thế nào thì điều này vẫn giữ cho tự ngã sống còn qua cuộc giao tranh nhị nguyên.

Tất nhiên, tự ngã có thể phóng chiếu một hình ảnh lên các tia bí mật để tạo ra một tượng khắc về chúng, và như vậy khiến chúng có vẻ nhị nguyên. Tuy vậy con cần hiểu là các tia bí mật đã không được dùng để xây dựng vũ trụ vật chất. Chúng là những biểu đạt cao hơn, vượt quá vật chất. Và đó là tại sao con phải đề phòng tâm đường thẳng vốn có xu hướng kéo thấp các tia bí mật xuống bầu cõi mà nó có khả năng xử lý, và như vậy nó có thể phân loại và phân tích theo quan điểm tương đối của nó về mọi chuyện.

2.3. Tâm tương đối và tâm nhị nguyên

Con yêu dấu, hãy để thày cho con thấy một nét khác biệt vi tế mà ít người hiểu. Chúng ta bàn về tâm nhị nguyên và chúng ta bàn về tâm đường thẳng phân tích. Đôi khi chúng ta dùng hai từ này một cách lẫn lộn, nhưng khi con đạt đến cái hiểu cao hơn thì con thấy một khác biệt vi tế. Khác biệt là tâm đường thẳng thì tương đối, trong khi tâm tự ngã thì nhị nguyên.

Tâm đường thẳng phân tích trong bản chất có tính cách trung lập. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học vô cùng tập trung vào trí tuệ và tâm phân tích có thể tin được là họ có khả năng đạt được tính khách quan qua tâm phân tích. Con thấy đó, tâm phân tích sẽ phân loại mọi chuyện dựa trên một tiêu chuẩn tương đối, một tiêu chuẩn tương đối có hai đối cực ngược nhau. Nhưng điều mà tâm phân tích sẽ không làm là áp đặt một phán xét giá trị lên hai đối cực. Điều này tâm tự ngã sẽ làm. Tâm tự ngã dựa trên phán xét giá trị. Tâm đường thẳng có thể bảo là chuyện này như thế này hay chuyện kia như thế kia, nhưng nó sẽ không bảo là chuyện này tốt và chuyện kia xấu, bởi vì đây là tự ngã.

Vì vậy con thấy tâm phân tích không nhất thiết là kẻ thù của con – nó chỉ đơn giản là một công cụ. Chỉ khi nào tự ngã áp đặt một phán xét giá trị phủ lên tâm phân tích thì khi đó người ta mới rơi vào cạm bẫy của đấu tranh nhị nguyên, qua đó người ta nghĩ một cách tối hậu rằng một bên là thiện và bên kia là ác. Và vì vậy, họ phải đứng về phe thiện và tìm cách tiêu diệt phe ác.

Điều con có thể làm – khi con tách riêng tâm tự ngã và tâm phân tích – là kỳ thực, trong một số ranh giới nhất định, con có thể dùng tâm phân tích như một công cụ để phơi bày tự ngã. Tâm phân tích có thể được dùng để thấy rằng phán xét giá trị của tự ngã là mâu thuẫn, không hợp lý, và sẽ chỉ buộc con lại với cuộc vật lộn nhị nguyên. Cho nên ở một mức độ nào đó, cái ta ý thức có thể sử dụng tâm phân tích để vạch trần tự ngã, như một số các con đã làm rồi qua nhiều cách khác nhau.

Nhưng con cũng phải lưu ý là tâm phân tích không bao giờ có thể vượt quá tầng mức nơi mọi chuyện được nhìn một cách tương đối. Phải có hai đối cực, phải có sự căng thẳng giữa hai đối cực. Đối với tâm phân tích thì sự căng thẳng này không nhất thiết là giao tranh, vì giao tranh đến từ phán xét giá trị. Nhưng vẫn có một sự căng thẳng, và căng thẳng này thì không bao giờ có thể được giải quyết qua tâm đường thẳng phân tích. Ví dụ các thày có nói đến một Đấng Sáng tạo tự biểu hiện như hai thái cực đối lại với nhau, lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ. Đối với tâm đường thẳng phân tích, lan ra là một tiến trình hướng ra ngoài, và co lại là hướng ngược lại. Đấy, ngay đó đã cài sẵn một sự căng thẳng giữa cả hai. Tâm phân tích không thể giải quyết được chuyện này. Tâm đường thẳng không thể nghĩ ra một lập luận, một cách lý luận nào để giải quyết tình trạng phân đôi có vẻ như đang có mặt giữa hai lực sáng tạo cơ bản này. Tâm đường thẳng sẽ nhìn chúng như là đối nghịch.

Đây là tại sao để có thể vượt quá tia thứ tám và khởi sự tia thứ chín là tia đầu tiên trong các tia bí mật, con phải đạt tới điểm hiểu ra những hạn chế của tâm đường thẳng, và con nhận ra là con – như cái ta ý thức – là nhiều hơn tâm đường thẳng. Do đó con không phải trải nghiệm thế giới xuyên qua phin lọc của tâm đường thẳng, mà kỳ thực con có thể vượt xa hơn để có được một trải nghiệm trực giác, một trải nghiệm “à há” không thể nào diễn tả bằng ngôn từ. Nó vượt quá ngôn từ, vượt quá mọi khái niệm, nhưng con vẫn biết là mình vừa trải nghiệm một cái gì rất thực.

2.4. Các tính chất của tia thứ chín

Và điều này dẫn chúng ta đến tia thứ chín. Đâu là tính chất của tia thứ chín? À một lần nữa, khi thày dùng từ ngữ thì thày lại cung cấp thức ăn cho tâm đường thẳng, cho nên con hãy cẩn thận đừng bị lôi kéo vào đó, vì tâm đường thẳng sẽ làm chuyện nó vốn làm là tìm cách phân tích và phân loại. Tuy nhiên khi nhận rõ điều này rồi thì chúng ta vẫn phải dùng từ ngữ để giao tiếp.

Từ ngữ mà thày sẽ cho con để mô tả tia thứ chín là sự quân bình (equilibrium). Đây là một khái niệm mà tâm đường thẳng cảm thấy khó lòng xử lý. Đây là một khái niệm mà tự ngã không muốn đương đầu và cũng không muốn con đương đầu. Và nếu con theo dõi trạng thái nội tâm của mình, con có thể nhận ra là tự ngã sẽ nổi loạn chống lại, nó sẽ nghĩ ra đủ loại lập luận để bác bỏ chuyện này. “Làm sao vậy được? Đây không thể nào là bí mật vĩ đại mà các chân sư thăng thiên đã nói đến hàng bao năm trời. Phải có một quyền năng bí mật nào đó trong các tia bí mật chứ.” Hẳn là có quyền năng, nhưng không phải loại quyền năng mà tự ngã có thể nắm bắt. Bởi vì con thấy đó, tự ngã chỉ có thể hoạt động khi có sự mất quân bình, khi có căng thẳng. Tự ngã không thể làm việc trừ khi có căng thẳng, có sự chống đối giữa hai đối cực được tạo ra trong hành động tách khỏi hợp nhất. Tự ngã không thể dùng được hợp nhất, và do đó nó không thể dùng được quân bình cho bất cứ chuyện gì.

Và điều này dẫn chúng ta đến một khái niệm đã được biết đến từ hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ, trong các tôn giáo phương Đông và cũng đang dần dần được biết đến nhiều hơn ở phương Tây, là khái niệm về nghiệp. Người ta thường nhìn nghiệp dưới mắt nhị nguyên, có nghiệp tốt và có nghiệp xấu. Đây là một khái niệm rất giống như khái niệm về tội lỗi của phương Tây, qua đó con phạm tội khi làm điều gì sai, xong một cách nào đó con phải trả món nợ, trả tội, trước khi con có thể tự do.

Con yêu dấu, thế là hàng tỷ người trên hành tinh tin vào khái niệm này dưới một dạng nào đó, tin rằng nếu họ làm gì sai trái dựa theo một tiêu chuẩn nào đó – cho dù là tiêu chuẩn của tôn giáo hay của gì khác – thì con sẽ phải đền lại qua một việc làm khác hơn.

Nhưng con thấy không, tạo nghiệp nghĩa là gì, làm tội nghĩa là gì? Có nghĩa là con làm một hành động mất quân bình. Này, con hãy nhận ra một điểm vi tế, một khác biệt vì tế ở đây. Con nhìn xem thày vừa nói gì về tâm đường thẳng, rằng nó tương đối nhưng không phán xét giá trị, xong tự ngã mới áp đặt một phán xét giá trị lên đó?

Nếu con loại tự ngã ra khỏi phương trình, tâm đường thẳng giản dị biến thành một công cụ để hành động trong thế giới vật chất. Một khi con nhìn nhận mình là nhiều hơn tâm đường thẳng, con có thể hành động xuyên qua tâm đường thẳng mà không tạo nghiệp, không làm tội. Nhưng khi tự ngã bước vào và xem con là một cá nhân tách biệt – qua đó con đánh mất cảm nhận hợp nhất với cái ta cao của mình, cảm nhận hợp nhất với mọi sự sống – thì bấy giờ con có tự ngã đang hành động. Nó vẫn hành động xuyên qua tâm đường thẳng nhưng nó lại áp đặt một phán xét giá trị về những gì sẽ tốt cho con như một cá nhân tách biệt. Con tìm cái tốt cho mình thay vì con đường cao hơn là chỉ tìm cách nâng cao cái Tất Cả qua việc biểu hiện các đức tính thiêng liêng của mình – một con đường không mất quân bình, không tạo nghiệp, không là tội lỗi, con yêu dấu. 

Đây là một điểm thật khó hiểu và không thể nào chấp nhận đối với tự ngã và tâm đường thẳng. Vì tâm đường thẳng sẽ nói: “Ừ nhưng nếu có hai người làm cùng một việc thì cả hai phải phạm tội chứ.” Nhưng không phải vậy, con yêu dấu. Hai người có thể làm cùng một việc vỏ ngoài, nhưng một người thì ở trong ảo tưởng nhị nguyên, ảo tưởng tách biệt, và do đó hành động của y sẽ mất quân bình, nhằm đưa ngã tách biệt lên cao. Trong khi đó người thứ hai có thể làm cùng việc đó, nhưng y vượt lên trên tâm nhị nguyên, cố nâng cao cái Tất Cả, vì vậy đây không phải là tội lỗi. Đây là một hành động cân bằng, một hành động khởi lên từ sự quân bình.

Cho nên con thấy có những hành động có thể được thực hiện từ một trạng thái không nhị nguyên, không phán xét. Qua ý định muốn nâng cao cái Tất Cả, không có sự mất quân bình nào trong hành động này. Thày không đang nói là điều này áp dụng cho mọi hành động, bởi vì rõ ràng khi con vượt lên trên tâm nhị nguyên thì có một số hành động mà con sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện thực hiện, con yêu dấu.

2.5. Không thể nào tránh hành động trong thế giới này

Tuy nhiên con nhìn nhận là mặc dù con đã đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn, nhưng chừng nào con còn ở trong hiện thân vật lý thì con phải hành động. Con không thể hiện thân mà không hành động theo cách này hay cách khác. Chắc chắn con có thể làm giống như nhiều người tâm linh đã từng làm trong qua khứ, là khi họ đạt được một trạng thái tâm thức nào đó – khi họ vượt quá tâm thức nhị nguyên đang giam hãm nhiều người – thì họ thấy được sự hư ảo, phù phiếm của tranh đấu nhị nguyên. Họ rút lui khỏi tranh đấu, vào sống trong tu viện hay lên núi sống trong hang động, hay một cách nào đó họ tự cô lập khỏi cuộc tranh đấu nhị nguyên, không dự phần vào đó, không bồi thêm cho nó, không nuôi cho nó lớn thêm. Và chắc chắn giải pháp này đã, và vẫn tiếp tục, phần nào chính đáng theo nghĩa là một số ít người có thể giữ cân bằng tâm linh cho số đông bằng cách trụ vững trong trạng thái tâm thức tinh khiết này.

Tuy vậy, việc giữ cân bằng tâm linh chỉ kéo dài thời gian, chứ không thực sự giúp đem vào thị hiện vương quốc của Thượng đế hay Thời Hoàng kim. Cho nên trong Thời đại Bảo bình, chúng ta không cần người tâm linh rút lui và cách ly khỏi xã hội. Ngược lại là đằng khác, chúng ta cần những người chịu tham gia tích cực vào xã hội, nhưng họ làm vậy từ một trạng thái quân bình, qua những hành động không mất quân bình. Và như vậy họ không bồi thêm cho mối căng thẳng, không tăng cường cho cuộc giao tranh, mà họ chứng tỏ là có một cách khác hơn việc giao tranh.

Đây là điều cần thiết trong thời đại hôm nay. Đây là điều mà nhiều người trong số các con đã bước vào đầu thai để biểu hiện, tức là khả năng tham gia tích cực vào xã hội mà vẫn ở ngoài nhị nguyên. Làm thế nào con có thể biểu hiện điều này? Con chỉ biểu hiện được một khi con học cách hành động mà không hành động một cách mất quân bình, bởi vì hiển nhiên, con không thể dấn thân vào xã hội mà không hành động.

Trên thực tế, con yêu dấu, ngay cả một người ngồi trong hang đá trên núi Himalaya cũng đang hành động, đang thực hiện những hành động trong cõi vật chất. Thường người đó sẽ cần ăn uống. Y có thể chỉ ăn trái cây, nhưng trái cây đó phải có ai hái, đem vào hang. Nếu trái cây không được hái thì chuyện gì xảy ra? Nó có thể được thú ăn, được người khác hay côn trùng ăn, hay nó có thể thối rữa và trở thành một phần tử trong chu kỳ tự nhiên. Cho nên qua việc ăn trái, uống nước, hít thở không khí, con đang hành động. Con đang ảnh hưởng môi trường. Có thể con chỉ có – như từ thông dụng – một vết chân khá nhỏ nhưng con vẫn đang hành động.

Vậy thì tại sao con không bước ra ngoài xã hội nơi hành động của mình có thể tạo cảm hứng cho người khác, khi con chứng tỏ là con đã vượt lên cao hơn trạng thái tâm thức của một người cần phải ở ẩn để tránh bị lôi kéo vao giao tranh nhị nguyên? Bởi vì thay vào đó, con đã đạt tới điểm có thể dự phần tích cực vào cuộc sống mà không bị hút vào giao tranh nhị nguyên – không cho phép thế gian lôi cuốn con vào giao tranh, vào Biển Luân hồi, vào biển khổ đau.

2.6. Suy ngẫm về sự kết hợp các lực cơ bản

Đây là điều con có thể đạt đến bằng cách suy ngẫm tia thứ chín của quân bình. Đại thiên thần của tia thứ chín là Uniel, có nghĩa là kết hợp, tính chất kết hợp của tia thứ chín, kết hợp lực lan ra và lực co lại bằng cách thấy chúng là những biểu hiện của cái Một, của điểm dị biệt.

Và giống như bảy tia sáng đã nảy ra từ điểm dị biệt, thì hai lực lan ra và co lại cũng y như thế. Và khi con thấy được điều này, con ngộ ra là hai lực lan ra và co lại không đối lập với nhau. Chúng không chống đối nhau mà chúng bổ sung cho nhau. Bởi vì nếu không có lực mang khả năng tương tác thì không một hình tướng riêng biệt nào có thể được sinh tạo. Đó là tại sao Thượng đế đã tự thị hiện như là lực lan ra và lực co lại. Phải có sự lan ra để một hình tướng có thể được phóng chiếu lên màn ảnh của Ánh sáng Mẫu-Vật.

Con hãy lấy khái niệm của khoa học về vụ Nổ Lớn (Big Bang). Trong một bùng nổ khổng lồ, tất cả mọi thứ bị văng ra ngoài. À, con yêu dấu, chuyện gì xảy ra khi con dùng chất nổ làm nổ tung một tòa nhà? Cấu trúc ngăn nắp của tòa nhà sẽ bị tan tành, văng ra thành rất nhiều mảnh nhỏ. Cho nên con thấy rõ là nếu chỉ có lực lan ra trong vụ Nổ Lớn thì không một hình tướng mạch lạc nào có thể được tạo dựng. Phải có gì đó cân bằng lại lực lan ra để một hình tướng bền vững có thể được tạo ra và duy trì trong một chiều dài thời gian.

Nếu vậy thì lực lan ra không phải là kẻ thù của lực co lại. Đó là yếu tố đã khởi sự tiến trình sáng tạo và vẫn tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo này tự thăng vượt. Bởi vì một lần nữa, nếu lực co lại được phép hành xử một cách mất quân bình, nó sẽ trở thành điều các thày đã nói đến là định luật thứ hai của nhiệt động học – tức là các cấu trúc sẽ bắt đầu tan vỡ, không phải bởi lực lan ra làm chúng nổ tung, mà vì chúng bị co lại quá đỗi đến độ chúng bị ghiền nát thành hư vô. Và như vậy thì một lần nữa, hình tướng không thể được duy trì.

Cho nên không có thường hằng ở bất cứ nơi đâu trong thế giới hình tướng. Và tất nhiên điều này, tự ngã rất khó lòng chấp nhận. Thật ra tâm đường thẳng phân tích cũng rất khó lòng chấp nhận, vì nó muốn phân loại mọi thứ, xếp mọi thứ vào một kho dữ liệu. Và ngay khi nó vừa làm vậy thì thực tại đã chuyển đổi, đã tự thăng vượt, đã vượt khỏi các quy tắc và luật lệ, thậm chí cả những định luật của tự nhiên mà trí tuệ con người cứ tưởng là rốt cuộc mình vừa khám phá ra. Nhưng sự thật là trí tuệ chỉ xác định được những quy luật không có giá trị gì trong dòng thăng vượt không ngừng của sự sống.

2.7. Bước vào quân bình

Vậy làm thế nào con bước vào quân bình? Đây là thử thách cho đệ tử tâm linh, và thường khi những đệ tử háo hức nhất trong việc áp dụng bảy tia sáng đầu và điều ngự các khai ngộ của bảy tia đầu, lại là người gặp khó khăn lớn nhất để chuyển vào khai ngộ của các tia bí mật. Tại sao vậy? Vì họ đã gây dựng một cái trớn đã đưa họ xa hơn hẳn trạng thái tâm thức trước của họ, vượt hơn hẳn lực kéo hướng hạ của tâm thức đại chúng. 

Con có thấy là để là một đệ tử tâm linh và vươn lên cao hơn tâm thức đại chúng, con phải có một lực đẩy hướng thượng, và đó là sự điều ngự bảy tia sáng đầu? Con có thấy là để các Elohim của bảy tia sáng thị hiện được vũ trụ vật chất, các thày phải có lực đẩy đó hầu phóng chiếu hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật và duy trì hình ảnh suốt một thời gian rất dài?

Cho nên đó là điều con xây dựng khi con điều ngự các khai ngộ trên bảy tia. Nhưng đồng thời cái con cũng xây dựng là cảm nhận rằng con cần phải hành động, con cần phải làm gì đó, thậm chí cả mong muốn đem lại cải tiến cho thế giới, tạo sự khác biệt dứt điểm để đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain, đem lại hòa bình thế giới, tiêu trừ bệnh tật, xây dựng hệ thống chính trị hoàn hảo, xóa sạch nạn nghèo đói hay bất kỳ mục tiêu nào khác trong những mục tiêu chính đáng và sáng giá mà người ta có thể có. Thày không đang bảo là các mục tiêu này không quan trọng, không chính đáng, mà thày bảo là chúng chỉ chính đáng ở một giai đoạn nào đó của đường tu, con yêu dấu.

Và khi con đạt đến mức tia thứ tám và thứ chín, con cần bước lui lại, nhìn bức tranh rộng lớn và thấy là mặc dù con đã gây dựng được một cái trớn hành động đúng đắn, con không thể vượt quá mức này bằng cách cứ tiếp tục hành động đúng đắn.

Con thử nhìn xem Bát chánh đạo – “chánh” cái này, “chánh” cái kia, “chánh” cái nọ. Ở một mức nào đó thì cũng ổn và tốt thôi. Nhưng con không tự động trở thành Phật bằng cách đi theo Bát chánh đạo như một con đường vỏ ngoài và cố tuân thủ một chuẩn mực nào đó. Con chỉ vượt xa hơn mức này khi con nhìn ra là con phải ngừng hành động từ bất kỳ cảm nhận tách biệt nào.

Nếu con nhìn các đệ tử của chân sư thăng thiên trong nhiều đợt truyền giáo một cách trung thực, con sẽ thấy là rất nhiều người vẫn còn bị kẹt trong thế giới quan nhị nguyên đó cho rằng họ phải hành động, họ phải quyết liệt, họ phải diệt trừ chủ nghĩa cộng sản, họ phải khắc phục bệnh tật, họ phải đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain bằng cách chiến đấu chống lại một loại điều kiện nào đó.

2.8. Thăng vượt nhị nguyên để khiến cái ác trở nên vô nghĩa

Nhưng làm vậy sẽ chỉ đưa con bao xa, nó sẽ không đưa con vào các tia sáng bí mật. Vì muốn bước vào tia sáng bí mật, con phải khởi sự ở tia thứ chín là nơi con phải khắc phục cảm nhận tách biệt, những tàn dư của nhị nguyên khiến con nghĩ con phải làm một hành động bù trừ cho hành động ngược lại – nghĩa là để khắc phục cái ác, con phải làm một việc thiện. Ở tia thứ tám, con phải đạt tới cái ngộ là để thực sự khắc phục cái ác, con phải khiến cho các ác trở nên vô nghĩa. Và con không khiến cho cái ác trở nên vô nghĩa bằng cách đánh nhau với nó, chinh phục nó, tiêu diệt nó.

Con chỉ làm cho nó trở nên vô nghĩa bằng cách thăng vượt tầng mức của nhị nguyên, hầu ông hoàng của thế gian có đến cũng không thể nắm được gì nơi con, y không thể kéo con ra khỏi an lạc, không thể kéo con ra khỏi quân bình. Vì vậy trước khi con điều ngự được các khai ngộ của bảy tia đầu, con đã nghĩ mục tiêu là nhằm gây dựng một cái trớn, một lực đẩy, để khi ông hoàng của thế gian đến thì y không thể ngăn cản bước tiến của con. Con yêu dấu, các thày đã cho con ẩn dụ là nếu con đặt một bánh xe trên mặt đất và đẩy nó sang bên, nó sẽ đổ. Nhưng nếu bánh xe đang lăn và con đẩy nó sang bên, nó sẽ chỉ đổi hướng mà thôi. Nó càng lăn nhanh bao nhiêu thì càng ít đổi hướng bấy nhiêu.

Và đây là điều con kinh qua trên bảy tia sáng – con xây dựng động lượng để không có gì trong thế gian có thể đẩy con ra khỏi hướng đi mà con nhìn thấy, là sự tăng triển tâm linh. Nhưng giờ đây con đến tia thứ tám và thứ chín, động lượng này sẽ không đưa con xa hơn, nó sẽ không đưa con vào các tia bí mật.

Thay vào đó, con cần thấy rằng quân bình (equilibrium) không phải là một trạng thái cân đối (balance) giữa hai đối cực nhị nguyên. Quân bình vượt quá tầng mức của nhị nguyên nơi có sự phán xét giá trị giữa thiện và ác, thậm chí có cả khả năng đối chọi. Quân bình thật ra không có nghĩa – trong ý nghĩa xác thực nhất – là con đã cân đối được các đối cực, mà có nghĩa là con đã thăng vượt toàn bộ cái tâm thức nơi sự đối lập có thể có mặt.

Một lần nữa, con có thấy là nếu con nhìn lực lan ra và co lại của Thượng đế – Cha và Mẹ – với tâm đường thẳng thì con sẽ thấy cả hai đối chọi nhau không? Khi áp đặt phán xét giá trị của tự ngã, thậm chí con sẽ nghĩ là một cái có thể tốt và cái kia có thể xấu. Và đây chính là tại sao nhiều người tâm linh cho rằng vật chất là kẻ thù cho sự phát triển tâm linh của họ, rằng Đấng Mẹ là kẻ thù ngăn cản họ hợp nhất với Đấng Cha, và vì vậy họ kháng cự lại vật chất. Bằng đủ mọi cách họ cố rút lui khỏi đời sống vật chất, ngay cả xác thân. Nhưng đây không phải là một sự phát triển tâm linh quân bình.

Khi con vượt quá tầng mức này, con thấy các lực đích thực của sáng tạo như Đấng Sáng tạo đang thấy – không như đối lập, mà chỉ đơn giản là những cách biểu đạt khác nhau của cái Một. Cách biểu đạt khác nhau nhưng chỉ khác nhau vừa đủ để cho phép những hình tướng riêng biệt có thể xuất hiện từ cái Một – từ cái Một nơi không có gì phân chia.

2.9. Hành động từ sự quân bình

Thượng đế, như một Thượng đế không thể phân chia, không thể tạo ra một hình tướng riêng biệt từ chính mình. Để hình tướng có thể được tạo ra, Đấng Vô hạn phải cho phép mình thị hiện như sự tương tác hữu hạn giữa hai lực. Thế nhưng Đấng Vô hạn không bước vào bên này hay bên kia, thái cực này hay thái cực kia. Đấng Vô hạn trụ nơi sự quân bình mà từ đó hai lực kia đi ra và được biểu đạt. Và vì vậy, Đấng Vô hạn không bao giờ xem chúng là đối nghịch, không bao giờ đồng hóa mình như một đối nghịch phải chiến đấu với đối nghịch kia.

Và đây chính là trạng thái tâm mà cái ta ý thức của con có thể đạt đến, và nó phải đạt đến để có thể vượt qua các khai ngộ của tia thứ chín, tia sáng của quân bình, tia sáng của kết hợp – là tia sáng nơi con nhìn thấy sự hợp nhất đằng sau cái đa dạng, và nhìn thấy sự đa dạng như là một biểu hiện đằng sau hợp nhất. Cho nên con yêu dấu, con có thể hành động từ trạng thái hợp nhất này, từ trạng thái quân bình này, thay vì hành động từ trạng thái nhị nguyên vốn xem mọi chuyện là sự giao đấu giữa hai đối cực nhị nguyên, giữa hai đối nghịch nhị nguyên, mà cứ tưởng là một đối nghịch nhị nguyên phải bị tiêu trừ để vương quốc Thượng đế có thể thị hiện.

Con thấy đó, con yêu dấu, Thời Hoàng kim, vương quốc Thượng đế cho dù con muốn gọi là gì, sẽ không được thị hiện trên trái đất bởi những người hành động quyết liệt, dù hành động này là gì hay có vẻ tốt đẹp đến chừng nào, nếu họ vẫn ở trong trạng thái mất quân bình.

Không một khối lượng hành động mất quân bình nào có thể đem vương quốc Thượng đế đến trái đất. Nhưng đồng thời, vương quốc Thượng đế cũng sẽ không được đem lại bởi những người rút lui khỏi thực tế, ngồi thiền trong hang đá. Họ có thể giữ một sự cân bằng tâm linh giúp cho nhân loại có thời giờ nâng cao tâm thức, nhưng họ không thể đóng góp trực tiếp vào công cuộc đem lại vương quốc Thượng đế bằng cách ngồi trong hang. Con phải bước ra ngoài. Đến như Phật cũng từng bước ra ngoài giảng dạy cho đại chúng hay cho những ai sẵn sàng nhận lời dạy, cũng như con đã thấy Ki-tô đi ra chợ tiếp xúc với mọi người.

Cho nên thử thách ở đây là hành động mà không hành động. Làm mà không làm. Làm từ trạng thái quân bình đó. Và điều này ở mức độ cá nhân, con có thể bắt đầu hiểu được bằng cách xem xét ý định, xem xét động cơ. Trước hết, con có đang cố nâng cao người khác khi con tương tác với họ? Con có đang nâng họ lên để giúp họ thang vượt? Hay con tìm cách nhét họ vào kho dữ liệu của con dựa trên một số phán xét giá trị và dán nhãn họ là thế này thế kia?

Xong con cũng lượng định xem con có đang cho phép mình bị cuốn hút vào cuộc đấu tranh nhị nguyên? Con có bị dính mắc vào hành động và phản ứng của người khác? Con có muốn thấy họ thay đổi hay không? Con có muốn ép buộc họ thay đổi hay không, con yêu dấu? Bởi vì hiển nhiên, nếu con có những dính mắc như vậy thì chúng sẽ kéo con ra khỏi quân bình. Thế là con không còn hành động từ một trạng thái quân bình nữa – từ một trạng thái an bình – mà con hành động từ một trạng thái nhị nguyên. Và như thế, con đang tăng cường cho cuộc giao tranh thay vì chứng tỏ làm thế nào con có thể ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian.

Vì vậy đây là những điều con cần suy ngẫm để neo chặt vào tia thứ chín. Nhưng như thày đã nói, con không thể neo trụ hoàn toàn vào đó qua một cái hiểu trí thức mà thôi. Con phải đạt tới điểm mở tâm ra, mở trái tim và mở cả con người của mình vào trải nghiệm chứng ngộ, trải nghiệm kết hợp với trạng thái quân bình này, là khi con nhận biết, con trải nghiệm sự quân bình. Và để điều này xảy ra, hầu hết các con sẽ phải làm gì đó khác hơn những gì con vẫn từng làm cho tới nay.

Con sẽ phải làm việc để cho tâm tĩnh lặng. Con sẽ phải tìm ra cách, con yêu dấu, dành riêng thời gian khi con không hành động – ngay cả không có những hành động như cầu nguyện, đọc chú hay thực tập pháp tu – mà con thiền định, không phải thiền định về một câu chú, một hình tư tưởng, một khái niệm, mà con thiền định về sự tĩnh lặng, con thiền định về sự quân bình, tức là những gì vượt khỏi mọi thế lực đang quyết liệt tranh đấu nhị nguyên để tìm cách kéo con theo hướng này hay hướng nọ.

Cho nên, con yêu đấu, đây là thử thách của tia thứ chín. Các thày sẽ trao cho con thêm lời dạy về các tia bí mật kia để giúp con đáp ứng thử thách này. Các thày sẽ cho con những dụng cụ để con có thể vượt xa hơn và tìm thấy sự tĩnh lặng bên trong, sự quân bình vượt khỏi mọi hành động kéo đẩy của thế gian.

Đến đây thì bài giảng này kết thúc với hơi thở ra của thày. Thày thở ra sự rung động của quân bình cho những ai sẵn sàng và sẵn lòng thu nhận nó [thở ra]. Hãy tĩnh lặng và biết rằng cái TA LÀ trong con chính là Thượng đế.