3 | Cái ta hữu diệt ngăn chặn sự dồi dào như thế nào?

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 13/4/2005.

Trái tim yêu dấu của thày, thày biết khi thày nói với con rằng ý niệm cái ta hiện thời của con phải chết đi thì chuyện này nghe có vẻ to tát quá. Nó không đến nỗi to lớn như nó có vẻ. Tất cả mọi sinh thể tự nhận biết mang nỗi sợ rất lớn bị mất bản sắc của mình, ý niệm cái ta của mình. Sự tồn tại của con dựa trên sự kiện con có những đặc tính cá nhân khiến con là một sinh thể cá biệt. Con được sinh tạo để nhân rộng cá thể của mình và nắm quyền cai quản, trước tiên cái ta của mình, và sau đó thế giới nơi con sống. Điều cuối cùng con muốn là đánh mất cá thể của con, đánh mất cái ta của con. Thoạt nhìn, thật có vẻ đáng sợ khi nghĩ đến việc mình phải bỏ ý niệm bản sắc hiện thời của mình. Tuy nhiên, ý niệm bản sắc hiện thời của con không phải là cá thể thật của con. Ngược lại, đó là một hình ảnh hạn hẹp về chính mình đang che phủ vẻ đẹp bội phần cùng sự toàn hảo của cá thể mà Thượng đế đã phú cho con.

Con đã có mất gì không khi cơ thể của con đi qua tiến trình lớn lên từ một hài nhi thành một người trưởng thành? Chắc chắn con đã mất cơ thể một đứa bé và bây giờ con có cơ thể một người trưởng thành, nhưng liệu đây là mất mát hay thật ra là một món lợi? Nếu thày bảo thày sẽ cho con một triệu đô nếu con cho thày một đô, liệu con có mất gì chăng trong trao đổi này? Ừ con sẽ mất một đô, nhưng thay vào đó con được một triệu và như vậy con vẫn được lời quá đỗi so với trước đó. Con thật không mất gì cả khi cái con mất được thay thế bởi cái gì tốt hơn. Cá thể đích thực của con – mà Thượng đế đã cho con lúc ban đầu – đẹp và tuyệt hảo hơn một triệu lần so với cá thể con đã được dạy dỗ để chấp nhận trong thế giới duy vật hôm nay. Không có mất mát gì mà chỉ có lợi lạc cho con cũng như cho cái Ta lớn, tức là Thân thể Thượng đế mà con là một thành phần.

Khi con bước xuống trạng thái tâm thức thấp hơn, tâm thức nhị nguyên, tâm phản Ki-tô, con đã làm vậy một cách lần hồi. Khi con đi ngược trở lên tâm thức Ki-tô, trở lên bản sắc thực của con, điều này cũng sẽ xảy ra lần hồi. Con sẽ không gặp phải tình trạng ý niệm cái ta hiện thời chết đi mà không có gì thế vào đó. Con sẽ lần hồi vươn lên một ý niệm cái ta cao hơn và một giá trị bản thân cao hơn, cho nên con không bao giờ phải cảm thấy mất mát mà chỉ cảm thấy lợi lộc. Thật không có gì phải sợ. Khi con bước qua các chương kế tiếp và thực hành các dụng cụ thày cho con trong khóa này, một ngày kia con sẽ khắc phục nỗi sợ đó vì con mở cửa ra với Sinh thể lớn hơn mà con thực là. Rồi khi con bước trên con đường tuần tự nhằm tái lập sự kết nối với Hiện diện TA LÀ của con, một ngày kia con sẽ trải nghiệm một tia sáng từ mặt trời Hiện diện TA LÀ rọi trực tiếp vào bản thể thấp của con. Khi tia sáng này tràn ngập bản thể con, con sẽ trải nghiệm tình thương toàn hảo, tình thương vô điều kiện mà Hiện diện của con cùng Đấng Sáng tạo của con đã dành cho con. Tình thương tuyệt hảo này sẽ xua tan mọi nỗi sợ của con.

3.1. Con sẽ vật lộn nếu con không để cái ta hữu diệt chết đi

Con yêu dấu, tại sao thày lại nói với con rằng ý niệm cái ta hiện thời của con phải chết? Tại sao thày lại gửi cho con một thông điệp có vẻ đáng sợ và không mấy hấp dẫn đối với cái ta hiện thời của con? Tại sao thày thẳng thắn như vậy thay vì bán cho con một thông điệp nhẹ nhàng hơn, hấp dẫn hơn, sẽ khiến đường tu có vẻ dễ dàng hơn, êm xuôi hơn? Tại sao tạo rủi ro làm hoảng sợ những ai không sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ của mình? Thày làm việc này vì nhiều lý do, nhưng một trong các lý do chính là vì thày muốn trao cho con con đường chân chính dẫn đến sự sống dồi dào, thậm chí sự sống vĩnh hằng.

Các đạo sư giả sẽ hứa hẹn là con có thể biểu hiện dồi dào của Thượng đế, hay ngay cả được cứu rỗi, mà không phải buông bỏ ý niệm cái ta hiện thời của mình, không phải để cho ý niệm cái ta hữu diệt (mortal) chết đi. Đây là một thông điệp vô cùng hấp dẫn cho cái ta hữu diệt của con, và cũng là tại sao những ai bị kẹt trong cái ta hữu diệt đó sẽ vui lòng mua hàng của đạo sư giả. Đây cũng là con đường có vẻ đúng đắn cho con người phàm nhưng sẽ không bao giờ có thể dẫn đến sự sống dồi dào đích thực kéo dài đến vĩnh hằng. Động lực trước hết và trên hết khi thày trao cho con sự thật khó ưa và ngược với thị hiếu con người chính là vì đó sự thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát con.

Một lý do quan trọng khác là khi con biết và chấp nhận sự thật rằng ý niệm cái ta hiện thời của con phải chết – để con có thể được tái sinh vào một cái ta cao hơn, tâm linh hơn – thì đường tu của con sẽ dễ dàng hơn gấp bội. Suốt 2000 năm kể từ khi thăng thiên, thày đã chứng kiến hàng bao triệu người thành tâm cố gắng thực hành các lời dạy mà Giê-su yêu dấu của thày đã ban ra. Thày đã nhìn thấy biết bao con tim chân thành xả thân bước trên con đường mà các giáo hội Cơ đốc chính thức truyền lại cho họ. Vì các giáo hội này đã loại bỏ một số khái niệm cốt yếu nhất mà Giê-su đã dạy – họ đã tước mất chìa khóa của hiểu biết – cho nên hầu hết tín đồ Cơ đốc thành tâm không có được tầm hiểu chân chính về việc để cho cái ta hữu diệt chết đi rồi từ đó tái sinh vào một ý niệm cái ta tâm linh, bất diệt. Nhiều người trong số đó bị kẹt vào con đường giả, tìm cách toàn thiện cái ta hữu diệt, tìm cách thích ứng nó theo những gì họ được dạy bảo là các lý tưởng do Ki-tô giảng dạy. Điều này đã khiến nhiều người dùng tâm vỏ ngoài tạo dựng một lý tưởng, một hình tư tưởng, một thần tượng về một tín đồ chân chính của Ki-tô phải như thế nào, phải cư xử ra sao. Họ đã bỏ ra cả đời người, thường thường với lòng thành tâm và sùng bái cao độ, tìm cách dùng ý chí vỏ ngoài để uốn nắn bản thân mình cho rập khuôn hình tư tưởng đó.

Đây thường là một cuộc vật lộn gian nan, và lý do đơn giản là vì cho đến khi con để cho cái ta hữu diệt chết đi, không thể nào tránh được con là một ngôi nhà bị phân rẽ với chính nó (Mark 3:25). Mỗi lần cái Ta Biết bước một bước gần hơn với quả vị Ki-tô, cái ta hữu diệt sẽ kéo con ngược lại, và như thế con bị kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan được Paul mô tả: “Tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Romans 7:19). Điều này đã khiến biết bao người thành tâm cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi vì họ không thể sống theo hình ảnh mà giáo hội của họ đã cho họ, một tâm ảnh ngay từ đầu đã dựa trên nhị nguyên của phản Ki-tô. Đó là một hình ảnh giả trá, có nghĩa là không một ai có thể sống đúng theo thần tượng đó về con người toàn hảo, một thần tượng không ăn nhập gì với sự toàn hảo của con tim. Con có nhớ lời Giê-su bảo rằng chỉ những ai có lòng trong sạch mới thấy được Thượng đế (Matthew 5:8)? Ý nghĩa thật là Thượng đế không đòi hỏi con biểu hiện một sự toàn hảo vỏ ngoài, thế phàm, dựa trên một lý tưởng xuất phát từ tâm phản Ki-tô, mà ngài tìm một phẩm chất nội tâm, cụ thể là sự tinh khiết của tim con. Làm thế nào con đạt được con tim tinh khiết? Bằng cách để cho cái ta ô nhiễm, cái ta hữu diệt chết đi, hầu nó có thể được thay thế bởi cái ta thực của con, cái ta mà Thượng đế đã tạo ra trong sự toàn hảo thiêng liêng chưa bao giờ xa rời toàn hảo.

3.2. Lực phản Ki-tô của lớp thượng tôn quyền lực

Ôi con yêu dấu, khi thày nghĩ đến nỗi khổ biết bao người sùng đạo chân thành phải chịu đựng, tim thày tràn ngập lòng trắc ẩn pha chút buồn bã. Thày thấy biết bao người bước chân trên con Đường Thương khó trọn một kiếp người, và có khi cả mấy kiếp, cho đến khi cuối cùng họ kiệt sức vì căng thẳng và nhận ra có gì đó không ổn, có gì đó thiếu sót. Thường thường họ không hiểu nổi cái không ổn là gì, và cuối cùng thì nhiều người cảm thấy chắc hẳn mình đã bị hứa hão, mình đã bị Giê-su hứa hão. Mặc dù họ đã theo con đường mà Giê-su dường như đã vạch, họ đã không đạt đến trạng thái tâm thức, trạng thái ân sủng mà họ gọi là quả thánh hay bất kỳ tên gọi nào khác. Nhiều người như thế rốt cuộc thất vọng về đạo Cơ đốc chính thống và họ tức giận với chính Giê-su. Nhiều người hiện đang đầu thai trong xã hội duy vật hôm nay và đang chối bỏ đạo Cơ đốc, đã trong nhiều kiếp cần mẫn bước theo con đường do các giáo hội Cơ đốc chính thống vạch ra. Họ đã quá thất vọng với con đường đó đến độ trong kiếp này họ sẽ không chấp nhận sự đạo đức giả của đạo Cơ đốc chính thống được nữa. Thế là họ vứt đứa bé Ki-tô cùng với nước tắm dơ của giáo hội, và họ bỏ luôn cả Giê-su cùng với thông điệp của thày. Một số trở thành những kẻ vô thần, những tín đồ của tôn giáo khoa học duy vật. Một số khác không theo bất kỳ tôn giáo nào, chìm đắm trong lòng thờ ơ đối với khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Nhiều người gia nhập cái gọi là phong trào Thời Mới cho nên họ quyết định đi theo những giáo lý hay đạo sư tâm linh khác, nhưng họ tránh né Giê-su như hủi lở.

Đây là một gánh nặng trĩu trong tim thày vì thày biết rõ niệm tinh khôi mà phong trào Cơ đốc đã có thể trở thành. Thày thấy được tác động to lớn mà phong trào này đã có thể đem lại trên hành tinh trái đất nếu ít nhất một túc số tín đồ Cơ đốc đã kiên trinh với các lời dạy tâm truyền của Giê-su. Hãy tưởng tượng điều gì đã có thể xảy ra nếu, trong 2000 năm qua, thông điệp chính của phong trào Cơ đốc khẳng định Giê-su là một tấm gương để noi theo, rằng mọi người đều có tiềm năng bước theo vết chân thày và đạt được quả vị Ki-tô cá nhân của mình. Hãy nhìn vào tác động của sứ mạng ngắn ngủi của Giê-su trên hành tinh này, rồi nhìn xem tác động đã có thể như thế nào nếu hàng ngàn người đạt được cùng một trạng thái tâm thức như thày và đã đem lại những ý tưởng cùng lời dạy mới hầu đưa nhân loại tiến tới.

Với mức tâm thức và hiểu biết hiện tại của con, có thể con khó hình dung được chuyện gì đã có thể xảy ra, nhưng thày có thể cam đoan với con là địa cầu sẽ khác hẳn ngày nay đến mức con khó lòng nhận diện được. Trước đây thày có yêu cầu con xem xét cuộc vật lộn của con người, cuộc đấu tranh quyền lực của con người. Thày có nói là ngày nay con chứng kiến tình trạng một thiểu số thượng tôn quyền lực đã thành công chiếm đoạt quyền lực, của cải cùng tài nguyên thiên nhiên. Nếu lời hứa đích thực của đạo Cơ đốc đã được hiện thực, thì tầng lớp thượng tôn quyền lực kia đã từ lâu biến mất khỏi trái đất, và con đã chứng kiến một xã hội có sự dồi dào và bình đẳng lớn hơn rất nhiều cho mọi người.

Khi con nhìn địa cầu hôm nay, liệu con có thể thực sự tin rằng Giê-su mong muốn một xã hội bất công với một vài phần trăm dân số ở các nước giàu có kiểm soát phần lớn của cải? Liệu con có thể thực sự tin rằng Giê-su mong muốn một xã hội toàn cầu với một vài nước giàu có tiêu thụ phần lớn tài nguyên, trong khi hàng triệu trẻ em tại các nước nghèo có nguy cơ chết đói – và thật vậy mỗi năm có hàng triệu đứa bé chết đói? Con thử hình dung vị thày tâm linh đã mở rộng vòng tay đến người cùi và nhiều thành phần bị ruồng bỏ khác, sẽ chấp nhận và khoan thứ một tình trạng như thế? Ôi con yêu dấu, vậy con có cảm được lòng sôi sục của thày khi thày nói với con rằng sự kiện đạo Cơ đốc chính thống đã được dùng để biện minh cho bất công này là một điều ghê tởm, một sự nhạo báng hoàn toàn các lời dạy nội tâm của Giê-su? Giê-su đã chẳng dạy hay sao: “Hễ các con làm việc đó cho người hèn mọn nhất trong số anh em ta, thì con cũng đã làm cho ta” (Matthew 25:40)? Thày đã chẳng dạy mọi người hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình hay sao (Matthew 7:12)?

Sự kiện giáo lý nguyên thủy của Giê-su bị đánh mất quả thực là thảm kịch lớn nhất đã xảy ra trên hành tinh địa cầu trong lịch sử được ghi lại. Đó là một thảm kịch chính vì tiềm năng để xây dựng một xã hội dồi dào với cơ hội bình đẳng cho mọi người đã lớn đến như vậy. Lời hứa đó cho đến giờ vẫn chưa thành hiện thực. Thay vào đó, đạo Cơ đốc chính thống đã biến thành công cụ cho các thày giả sử dụng những phiên bản hủ hóa của giáo lý Giê-su để biện hộ cho chủ nghĩa thượng tôn và siết cổ quần chúng. Con hãy nhìn vào thực tế lịch sử – suốt nhiều thế kỷ – chính giáo hội tự nhận mình là giáo hội chân chính duy nhất của Giê-su Ki-tô đã bóp nghẹt đời sống tư tưởng và tôn giáo ở châu Âu như thế nào. Con nhìn xem làm thế nào trong thời đại đen tối, Giáo hội đã ngăn chặn mọi tư tưởng mới và mọi sáng chế mới khởi phát, và do đó đã giữ toàn bộ xã hội trong tình trạng lạc hậu nơi người dân phải làm nô lệ cho một thiểu số thượng tôn. Con nhìn xem làm thế nào cùng giáo hội đó đã cố ngăn chặn sự phát triển của khoa học, giáo dục và công nghệ nhằm giảm bớt gánh nặng của người dân thường. Con nhìn xem làm thế nào cùng giáo hội đó đã xây cất những nhà thờ và cung điện nguy nga cho lãnh đạo của mình trong khi phần lớn dân chúng chết đói hay phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Liệu con có thể bảo rằng một giáo hội như thế đại diện cho Giê-su Ki-tô và giáo lý đích thực của thày?

Không, con không thể. Nếu con thành thật với chính mình, con sẽ nhận ra sự dối trá của một số giáo điều chính thống cùng khoảng cách vĩ đại giữa quả trái của đạo Cơ đốc chính thống với các lời dạy chân truyền của Ki-tô. Giê-su đã chẳng cảnh báo con về tiên tri giả hay sao: “Qua quả trái của chúng mà con biết chúng” (Matthew 7:20)? Và thật vậy, thày giả ở khắp mọi nơi, trong nhà thờ, trong chính quyền, trong truyền thông, trong khoa học. Họ là kẻ dùng quyền lực của mình để giữ vững cho hiện trạng không thay đổi, để bảo con rằng cái ngã hữu diệt là thẩm quyền tối thượng trên hành tinh trái đất, và không có thẩm quyền nào cao hơn sự thật tương đối mà – vào lúc này – họ tuyên bố là sự thật tuyệt đối, và họ dùng cái đó để bào chữa cho đặc quyền đặc lợi của họ. Trên hành tinh này có một thiểu số thượng tôn đã dùng cái ta khởi lên từ trạng thái nhị nguyên, từ sự thật tương đối của ngã hữu diệt, để dựng lên một ông thần, một thượng đế giả, một thần tượng. Sự thật tương đối này của phản Ki-tô đã được cả giáo hội lẫn chính quyền nâng lên thành một sự thật tuyệt đối, không thể nghi ngờ và không thể thách thức. Đây đúng là sự gớm ghiếc của hoang tàn (Daniel 11:31) đang đứng ngay nơi thánh là nơi lẽ ra không nên đứng (Mark 13:14), và đây là lý do thực sự tại sao Giê-su đã lật bàn của bọn đổi tiền trong nhà thờ. Nếu Giê-su còn bước chân trên mặt đất ngày hôm nay, thày sẽ lại lật bàn của những kẻ đang bày hàng quảng cáo cho một sự thật tương đối dựa trên tâm phản Ki-tô trong cả giáo hội lẫn chính quyền, trong truyền thông, trong hệ thống giáo dục, trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe và mọi lãnh vực khác của xã hội.

Tại sao thày lại đề cập vấn đề này một cách nhiệt thành như thế? Vì thày hy vọng sẽ lay con dậy với sự thật rằng nếu con muốn thực sự giành lại ý niệm cái ta bất tử của con, bản sắc tâm linh thực sự của con, con không thể chờ đợi điều này xảy ra mà không gặp sự kháng cự, chống đối từ các thế lực của thế gian. Các thế lực này đã hoành hành từ rất lâu trên hành tinh này, và chúng chính là thế lực đã giết chết Giê-su khi thày còn bước chân trên mặt đất và thách thức quyền lực của chúng trên loài người. Các thế lực này biết rõ là nếu người dân bắt đầu tin rằng Nước Trời ở bên trong mình (Luke 17:21) thì chúng sẽ không còn quyền lực nào nữa. Chúng đã phải giết chết vị thày đang trao sự thật đó cho dân chúng, là sự thật sẽ giải thoát họ khỏi lớp thượng tôn quyền lực.

Sau khi chúng giết Giê-su, chúng cũng toan giết tất cả những ai theo thày, và cuối cùng chúng thành công trong việc giết chết tấm gương của thày. Suốt gần 2000 năm, hiếm có ai dám bước theo chân Ki-tô, và không có ai dám tuyên bố mình là Ki-tô Hằng sống trước mặt các thế lực tại chức. Nhiều người tâm linh chân thành đã bước theo con đường vỏ ngoài, một con đường có vẻ đúng đắn đối với những ai bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Con đường này không bao giờ có thể dẫn họ đến mục tiêu đích thực là thay thế cái ta hữu diệt bằng cái ta thực. Con đường này không bao giờ có thể giúp họ giành lại quả vị Ki-tô của họ ở đây trên trái đất.

3.3. Con ý thức lực chống lại bước tăng triển của con

Con yêu dấu, nếu con muốn đòi lại ý niệm bản sắc bất tử của mình, con phải đi theo bước chân của Giê-su và xác nhận quả vị Ki-tô cá nhân của mình. Khi làm vậy, con sẽ phải đâm thủng lực chống đối quả vị Ki-tô của con được biểu hiện qua lực phản Ki-tô đã chi phối mọi lãnh vực đời sống trên hành tinh. Trên hết và trước hết, con sẽ phải chọc thủng sự lập trình mà con đã hứng chịu từ thuở thơ ấu, thậm chí từ nhiều kiếp trước – một lập trình mà mục đích duy nhất là khiến con phủ nhận quả vị Ki-tô của mình.

Thày không nói điều này để gây sợ hãi trong con, mà thày nói điều này để cho con một ý niệm thực tế về những gì con cần làm hầu biểu hiện quả vị Ki-tô của con. Thày cũng nói điều này vì khi con nhận ra có lực chống lại quả vị Ki-tô của mình, con đạt được một tầm hiểu hoàn toàn mới và do đó con nhận được uy lực để khắc phục sự chống đối. Những gì con không biết quả thực có khả năng làm hại con, và nhiều người chân thành tìm cầu tâm linh đã bị cầm chân hay đã bỏ ngang bước tiến của mình vì họ không biết đến thế lực đang chống phá sự phát triển của họ. Làm sao con có thể tự vệ trước những gì con không hiểu hay không biết đang có mặt?

Suốt 2000 năm qua, thày đã chứng kiến hàng triệu người thành tâm nỗ lực để biểu hiện một trạng thái tâm thức tâm linh hơn, một cái nhìn tâm linh hơn về cuộc sống. Thày đã thấy họ trong đạo Cơ đốc, trong nhiều đạo khác và trong phong trào Thời Mới, thậm chí cả các phong trào không tâm linh công khai. Thày thấy họ, thày thấy được lòng thành tâm của họ, tình thương yêu trong tim họ. Thày cũng thấy mặc dù họ thành tâm và cố gắng vượt bực, họ vẫn không đạt được tiến bộ họ mong muốn. Họ không đạt được tiến bộ cần thiết để biểu hiện tâm thức Ki-tô. Nhiều người trong số họ cứ theo mô thức tiến lên một bước xong lùi lại một hay hai bước.

Ôi con yêu dấu, nếu con đã tham gia lãnh vực tự cải thiện (self-help) trong một thời gian, hay bất kỳ lãnh vực tu tập tâm linh nào, có lẽ con đã nhận thấy điều đó trong chính đời mình hay con đã quan sát thấy trong đời người khác. Quá nhiều người đột nhiên thức tỉnh và nhận ra cuộc sống là nhiều hơn, rằng cuộc sống có một khía cạnh tâm linh. Họ tìm thấy một giáo lý nào đó, một quyển sách hay một vị thày, bảo rằng cuộc sống là nhiều hơn, rằng họ có khả năng vươn cao hơn các hạn chế hiện tại của mình và biểu hiện một cuộc sống dồi dào hơn, cả về tinh thần lẫn vật chất. Họ trở nên rất nhiệt tình, và lý do là vì sâu thẳm trong chính họ, họ biết đó là sự thật, rằng họ có khả năng vươn lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Ký ức nội tâm này đã được Thượng đế ghi sâu vào trong họ, không bao giờ có thể bị mất đi hoàn toàn. Khi con tìm được một vị thày hay một lời dạy vỏ ngoài gợi lại ký ức này, con biết là nó thực, và ngay lập tức con tỏ ra nhiệt tình. Tiếc thay, khi tới việc biểu hiện tâm thức cao hơn đó, biểu hiện lời hứa của giáo lý vỏ ngoài đó, hầu hết mọi người đều thấy rất khó thực hiện. Nhiều người đã nỗ lực chân thành, có khi hàng chục năm trời, mà vẫn không thực sự cảm thấy mình có tiến bộ, không thực sự cảm thấy lời hứa của giáo lý vỏ ngoài thành hình trong đời mình. Một số bỏ cuộc trong tuyệt vọng, họ bỏ luôn ý tưởng một con đường tâm linh, cho rằng đó chỉ là lời hứa hão huyền của một thày giả nào đó. À con yêu dấu, đây chính là âm mưu đằng sau hoạt động của các thày giả.

Có lẽ con từng nghe câu nói dân gian này: “Sự nản lòng là công cụ sắc bén nhất trong hộp dụng cụ của ác quỷ.” Câu này có chút sự thật trong đó, mặc dù ác quỷ còn nhiều dụng cụ khác có nhiều khả năng kéo con ra khỏi đường tu chân chính. Lòng chán nản là một vấn đề rất thực cho mọi người tìm kiếm tâm linh. Nếu con đã trải nghiệm nó trong đời mình, hay quan sát thấy nó trong đời người khác, con sẽ biết việc tiến bước trên con đường tâm linh không nhất thiết là dễ. Tại sao không dễ? Nó khó chính là vì có gì đó con chưa biết, có gì đó con không hiểu. Điều con không biết là có sự chống phá đường tiến bộ của con. Quá nhiều người chưa được dặn dò là có một lực đối chọi với tiến bộ tâm linh. Đạo Cơ đốc truyền thống có thể bàn đến ác quỷ hay phản Ki-tô, nhưng nếu đạo Cơ đốc chính thống không vạch ra được một con đường khả thi dẫn đến quả vị Ki-tô cá nhân, làm sao họ có thể cho con một tầm hiểu đích thực về lực chống lại bước tu của con? Nhiều giáo lý Thời Mới cũng bàn về một đường tu tâm linh nhưng lại ngần ngại nói tới một thế lực chống lại bước tiến của con. Còn toàn bộ giới thẩm quyền trong lãnh vực khoa học thì bác bỏ bất cứ gì không thể được khoa học chứng minh, và họ chế giễu quan điểm cổ xưa bảo rằng có những “tà linh” có thể ảnh hưởng đời con.

Làm sao con sẽ có thể tiến bước nếu con không biết là có sự chống đối, con không hiểu bản chất của sự chống đối cũng như cách nó lấn át tư duy của con và ý niệm cái ta của con? Con sẽ khiến cho bước tiến khó khăn hơn gấp bội nếu con cứ mãi không biết đến vấn đề này. Cũng giống như thể con leo núi mà không biết mình đang kéo theo một chiếc neo thuyền to tướng cứ mắc vào mỗi kẽ đá.

3.4. Đối mặt với nỗi sợ và lòng sợ hãi

Nhiều người sẽ phản ứng với lòng sợ hãi khi thày nói về tà lực hay lực phản Ki-tô. Một cựu tổng thống Mỹ từng nói: “Chúng ta không có gì để sợ ngoài chính nỗi sợ,” và thày muốn giải thích cho con tại sao câu nói này chí lý. Trạng thái tâm thức hiện tại của con, ý niệm cái ta hiện thời của con, dựa trên – hay ít ra bị ảnh hưởng bởi – sự thật tương đối khởi lên từ tâm phản Ki-tô. Tác động của tâm phản Ki-tô là nó tạo ra một tâm ảnh, một thần tượng che khuất thực tại, che mờ sự thật. Có thể nói tâm thức Ki-tô giống như một ngọn đèn sáng rực chiếu lên vạn vật từ mọi hướng để không tạo bóng tối và không có gì bị che giấu. Mọi thứ đều có thể được nhìn thấy dưới ánh sáng rực rỡ của Mặt trời Thượng đế, của tâm Ki-tô. Không có khác biệt, không có bóng tối hay biến đổi (James 1:17), không có chỗ nào cho sự dối trá hay lừa lọc.

Một khi con bước vào tâm thức nhị nguyên, bỗng nhiên có một tình trạng mang khả năng dối trá và lừa lọc. Bản chất của nhị nguyên là khả năng tạo ra một tâm ảnh che khuất thực tại, che mờ sự thật. Thế là con có một hoàn cảnh nơi con có thể tạo ra một bề mặt che giấu cái gì đó đằng sau. Tâm ảnh này có thể che khuất sự thật nhưng nó cũng có thể che giấu một dối trá, che giấu những ý định không trong sáng. Thế là chúng ta có khả năng là một sinh thể tự nhận biết có thể đánh lừa một sinh thể khác một cách cố tình và ác ý. Khi con còn ở trong sự thật của tâm thức Ki-tô thì không có gì bị che giấu và mọi chuyện hiện ra như thật là. Trong tâm thức Ki-tô không có dối trá, không có lừa lọc, không có khuynh loát, không có giả vờ để khiến cho mọi chuyện bề ngoài có vẻ an toàn nhưng bên dưới lại ẩn giấu hiểm nguy. Khi con bước vào tâm thức nhị nguyên, dối trá và lừa lọc có thể xảy ra và đó là tại sao Giê-su mới nói, ác quỷ là cha đẻ của lừa dối (John 8:44). Cách giải thích rộng rãi nhất về khái niệm ác quỷ là bảo rằng ác quỷ là tâm thức phản Ki-tô, qua đó một sự thật tương đối đã thay thế sự thật tuyệt đối.

Trạng thái nhị nguyên này mở ra khả năng là một tình huống trông bề mặt có vẻ yên ổn nhưng bên dưới lại tiềm ẩn những mối nguy có thể chặn nghẽn bước tiến của con đến quả vị Ki-tô. Sự lừa dối ở khắp mọi nơi chung quanh con. Con biết rất rõ người ta có thể nói dối, người ta có thể giả vờ làm bạn với con nhưng kỳ thực họ là kẻ thù. Đó là tại sao Giê-su nói về những kẻ đội lốt chiên nhưng bên trong là loài sói đói mồi (Matthew 7:15). Suốt lịch sử được ghi chép, lọc lừa đã là một phần không thể tránh của cuộc sống trên hành tinh địa cầu. Lọc lừa không thể tránh được chừng nào con người bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên ngăn cản mình nhìn ra sự thật tuyệt đối cùa Ki-tô. Một khi có một túc số tới hạn những người vươn lên được tâm thức Ki-tô, lọc lừa sẽ không thể có mặt trên trái đất được nữa. Những kẻ dùng lừa dối để đoạt đặc quyền đặc lợi đều không muốn thấy ngày đó xảy đến. Họ sẽ làm tất cả trong khả năng của họ để ngăn chặn chuyện này xảy ra. Thật không khó gì nhìn thấy là suốt chiều dài lịch sử đã có một thiểu số quyền lực đối chọi với bước tiến của loài người về phía tự do lớn hơn, bình đẳng và công bằng lớn hơn trong xã hội. Con hãy nhìn sự chống phá việc thiết lập thể chế dân chù. Và hãy nhìn vua nước Anh chống đối như thế nào sự trỗi dậy của các thuộc địa ở Mỹ cùng nỗ lực của họ nhằm thiết lập một hình thức chính quyền mới đem lại tự do công bằng cho mọi người.

Quả thật trên hành tinh địa cầu có một thế lực chống đối sự tiến bộ để cố duy trì đặc quyền đặc lợi. Thường thường người ta không nhận chân thế lực này. Nó được che giấu khỏi con mắt của hầu hết mọi người trên hành tinh, và thực sự nếu con nhìn vào lịch sử, con sẽ thấy lực này chỉ có thể sống sót bằng cách ở trong bóng tối hay giả vờ là cái gì khác hơn. Một khi nó bị phơi bày và được nhìn thấy đúng như nó là, hầu hết mọi người trên hành tinh sẽ quyết định tách mình ra khỏi nó và như vậy từ chối trao quyền lực cho nó.

Thế lực phản Ki-tô sẽ luôn luôn tìm cách ẩn náu hay khoác vào hình dạng một lực thiện lành. Cho nên lực đối lập bước tiến của con về hướng quả vị Ki-tô sẽ không hiển nhiên chút nào, nó sẽ lẩn trốn trong bóng tối nơi con khó lòng nhìn thấy. Tại sao điều này quan trọng đến vậy? Con hãy xét những gì thày vừa nói với con ở đây trong bối cảnh câu nói rằng chúng ta không có gì để sợ ngoài chính nỗi sợ.

Đâu là cốt tủy của sợ hãi? Đó là khi con bị dội bởi cái gì đó, con muốn tránh xa khỏi cái gì đó. Tác động tâm lý của sợ hãi là một khi con sợ điều gì, con sẽ không muốn nhìn nó nữa, con muốn làm ngơ hay chạy trốn khỏi nó. Không chịu nhìn sẽ tạo nên sức mạnh cho phản Ki-tô – vì phản Ki-tô hoàn toàn dựa trên lừa dối. Đây là một lợi thế kinh hồn, không những nó có thể chặn nghẽn sự tăng trưởng cá nhân của con mà nó cũng có thể cầm chân đà tiến bộ của xã hội. Lòng sợ hãi của con người và sự không sẵn lòng nhìn vào điều mình sợ, trở thành một tình trạng lưỡng nan, một thế kẹt dường như không lối thoát.

Nếu con muốn thị hiện cuộc sống dồi dào, thật chỉ có một cách duy nhất để con làm được. Đó là vươn lên cao hơn ý niệm cái ta hạn chế dựa trên nhị nguyên, có nghĩa là dựa trên những dối trá và lừa lọc của tâm phản Ki-tô. Con phải làm vậy, con phải trèo ngược lên cầu thang theo cùng một cách như con từng đi xuống cầu thang, nghĩa là bằng cách lấy những quyết định có ý thức. Nếu con sợ không dám xem xét sự hiện hữu của một thế lực phản Ki-tô, nếu con sợ không dám nhìn vào những dối trá do thế lực này chủ xướng, con sẽ không có hy vọng thoát khỏi dối trá. Biết bao người chân thành tìm kiếm tâm linh đã kìm hãm bước tiến cá nhân của mình chính vì họ không chịu đối mặt với nỗi sợ của mình. Họ không chịu quay mặt lại mà nhìn vào thế lực đang cưỡng chống bước tiến của họ bằng cách giữ họ kẹt lại trong một loạt những dối trá cầm tù tâm họ.

Những dối trá của phản Ki-tô có thể vi tế, nhưng một khi con nắm được phần nào sự thật Ki-tô, chúng sẽ không khó lột mặt lắm đâu. Nhưng trước khi con có thể lột mặt dối trá của phản Ki-tô, con phải sẵn lòng nhìn chúng. Nếu con quá mắc kẹt trong sợ hãi đến độ con sợ cả chuyện liếc nhìn những gì con đang lê theo sau, làm sao con có thể thoát khỏi nó đây? Nếu con đi lên sườn núi và cảm thấy mình đang kéo theo cái gì đó sau mình, nhưng con lại sợ quay đầu lại mà nhìn, làm sao con có thể trút bỏ gánh nặng đó xuống? Điều đang ngăn cản bước tiến của con trên đường tu tâm linh là gánh nặng những lừa dối của phản Ki-tô mà con kéo theo sau vì con vẫn cho phép chúng ở lại trong tâm thức mình, trong bình chứa cái ta của mình. Con cho phép chúng ở lại vì con chưa nhìn chúng để thấy chúng như chúng là – những ảo tưởng không chút thực thể nào. Như Giê-su có nói về ác quỷ, “chúng không có chút lẽ thật nào nơi chúng” (John 8:44), cho nên chúng cũng không có quyền lực thực sự nào trên con. Nếu một ý tưởng không là gì khác một ảo tưởng, làm sao nó có thể có quyền lực thực sự trên con? Ngay khoảnh khắc con thấy nó là ảo tưởng, nó mất hết sức mạnh ảnh hưởng con. Nó chỉ có thể duy trì quyền lực bằng cách khiến con sợ nhìn vào ảo tưởng.

3.5. Lòng sợ hãi không có gì để sợ

Con yêu dấu, thật chỉ có một cách để khắc phục nỗi sợ, và đó là nhận ra điều đáng sợ duy nhất là lòng sợ hãi. Tác động tâm lý của sợ hãi là sự tê liệt, nghĩa là con không sẵn lòng nhìn vào điều con sợ. Nếu con không sẵn lòng nhìn vào điểu kiện mà con sợ, làm sao con có thể nhận diện là nó khởi lên từ nhị nguyên của phản Ki-tô và do đó không có chút thực thể nào? Làm sao con có thể khắc phục ảo tưởng rằng điều kiện không thực này có thể có bất kỳ quyền lực nào trên con?

Tất cả mọi em nhỏ đều từng sợ bóng tối, nhưng cuối cùng chúng đã khắc phục nỗi sợ đó bằng cách sẵn lòng đối mặt với nó, sẵn lòng ra ngoài đường buổi tối hay bước vào phòng tối để chứng nghiệm là không có gì xấu xảy ra cho mình. Con nhìn xem, vào thời Trung cổ, người ta sợ nhiều loại bệnh tật đến chừng nào vì người ta không hiểu bệnh tật do vi khuẩn gây ra. Một khi hiểu ra trong nước uống có vi khuẩn nguy hiểm thì họ học cách lọc nước và nhờ vậy khắc phục được nỗi sợ bệnh tả và nhiều bệnh khác, và điều này cho họ sức mạnh loại trừ nhiều loại bệnh tật.

Sợ hãi là một sức mạnh trói buộc con, nó giữ con trong cái bẫy, trong nhà tù. Yếu tố chủ yếu giam hãm con trong nhà tù thế phàm chính là lòng sợ hãi. Cái gì sẽ giải thoát con khỏi nhà tù? Như Giê-su đã nói, chính sự thật sẽ giải thoát con (John 8:32). Để tìm ra sự thật này, con phải sẵn lòng đối mặt với nỗi sợ, con phải sẵn lòng nhìn vào điều kiện mà con sợ. Khi con hiểu ra những điều kiện này là gì, con sẽ thấy là con không có lý do gì để sợ chúng.

Một khi con hiểu các điều kiện có vẻ quá đáng sợ khi con còn vô minh, con sẽ thấy là con có một cách để khắc phục các điều kiện này và bỏ chúng lại đằng sau. Đây là tinh túy của đường tu tâm linh, cụ thể là con đối mặt các nỗi sợ của mình và ngộ ra là mình không có lý do gì để sợ. Khi con ngộ ra con không có lý do gì để sợ một điều kiện đậc thù thì con đã khắc phục hạn chế đó và tiến một bước gần hơn sự sống dồi dào.

Đây là cốt tủy của con đường khắc phục. Trên hết, đó là khắc phục các điều kiện trong tâm lý của mình, cụ thể là nỗi sợ khiến mình sợ tiến thêm một bước hay sợ bỏ lại đằng sau một hạn chế nào đó. Sợ hãi luôn luôn là nỗi sợ một điều gì chưa biết, nó luôn luôn nẩy lên từ sự thiếu hiểu biết, từ vô minh. Con nghĩ có một điều kiện mà con không có cách phòng vệ hay thoát khỏi, và do đó con sợ ngay cả việc xem xét điều kiện đó kỹ càng hơn. Ý nghĩ rằng con không thể phòng vệ chỉ hiện hữu trong tâm con, nó dựa trên sự thiếu hiểu biết hay thông tin sai trật. Một khi con khắc phục vô minh này, con sẽ nhìn ra cách khắc phục điều kiện đó và bỏ nó lại đằng sau. Đường tu là con đường khắc phục vô minh, cái vô minh khởi lên từ nhị nguyên của tâm phản Ki-tô, và thay thế nó bằng sự thật không phân rẽ của Ki-tô.

3.6. Nhìn xuyên thấu tâm phản Ki-tô với mắt trẻ thơ

Hãy để thày trở lại khái niệm có một thế lực phản Ki-tô đang chống đối đường tu đến quả vị Ki-tô của con. Đây chính là thế lực đã giết Giê-su 2000 năm về trước. Thày Giê-su được Thượng đế gửi xuống để làm người tiên phong cho một thời đại mới nơi con người đáng lẽ phải khắc phục được lòng sợ hãi của mình để không còn là kẻ theo chân mù quáng các lãnh đạo mù quáng rồi té xuống hố sâu của nhị nguyên và tương đối (Matthew 15:14). Thế lực phản Ki-tô đã giết chết Giê-su, và con biết qua lịch sử chúng cũng toan giết chết mọi tín đồ Cơ đốc trong những thế kỷ sau đó. Khi thế lực này nhận ra là chúng không thể giết chết phong trào Cơ đốc thì chúng ra tay cách khác. Chúng đổi chiến lược dựa trên phương châm: “Nếu bạn không thể đánh bại người ta thì bạn hãy nhập bọn với người ta.” Thế là những người đại diện cho lực phản Ki-tô, những kẻ giảng đạo giả mà Giê-su đã nói sẽ đến mạo danh thày (Matthew 24:5), gia nhập đạo Cơ đốc. Chúng dùng loại vũ khí là vũ khí phổ thông nhất của chúng: chiến lược chia và trị. Bằng cách xâm nhập đạo Cơ đốc, chúng biến nó thành một ngôi nhà phân rẽ với chính nó. Sau một thời gian, chính phân rẽ này cũng được tẩy xóa khi đạo Cơ đốc thay thế giáo lý chân truyền của Ki-tô bằng một tượng khắc, một hình giả, biến Giê-su thành một thần tượng chứ không là một tấm gương.

Quả thực như vậy, trên hành tinh trái đất có một thế lực bên ngoài sẽ chống đối bước tiến của con về cuộc sống dồi dào. Trên hết và trước hết, lực này sẽ tìm cách giữ con trong vô minh, không biết gì về khả năng đạt được cuộc sống dồi dào và tâm thức Ki-tô. Nếu chuyện này không thành, chúng sẽ tìm cách đánh lạc hướng con để con đi theo đường tu giả, tìm cầu vinh quang cho cái ta hữu diệt thay vì khắc phục cái ta hữu diệt và được tái sinh về mặt tâm linh. Nếu lực phản Ki-tô không thể ngăn con khám phá đường tu chân chính, chúng sẽ tìm đủ mọi cách để biến con thành một ngôi nhà phân rẽ với chính mình, để con nghi ngờ chính mình có khả năng hay xứng đáng bước theo đường tu. Chúng sẽ tìm cách khiến con ngờ vực mỗi khía cạnh của con đường dẫn đến quả vị Ki-tô, để hoặc con từ bỏ đường tu, hoặc con cứ đi mãi mà không bao giờ tới.

Điều gì khiến cho lực phản Ki-tô này có thể chi phối đời con, ảnh hưởng tâm thức con? Chúng nắm được gì trong con để dùng làm vũ khí chống lại con, để gieo hạt giống ngờ vực trong tâm con – y như Rắn đã gieo ngờ vực trong tâm Eva? Chúng có thể dùng gì để biến con thành một ngôi nhà phân rẽ với chính mình? Cái đó là sự kiện con mang trong quả cầu cái ta, trong bình chứa cái ta của con, một số tin tưởng khởi lên từ dối trá của phản Ki-tô, những dối trá nham hiểm của rắn. Đây là điều Giê-su đã giải thích qua câu: “Ông hoàng của thế gian có thể đến mà không nắm được gì nơi ta” (John 14:30). Ông hoàng của thế gian chính là tâm phản Ki-tô. Sự kiện y không nắm được gì nơi Giê-su cho thấy Giê-su đã vươn lên tới mức thanh lọc được tâm mình, cả tâm ý thức lẫn tâm tiềm thức, cho không còn một yếu tố nào của phản Ki-tô, một dối trá nào của rắn. Vì Giê-su không còn dối trá nào trong bản thể cho nên ông hoàng của thế gian không nắm được gì để có thể biến Giê-su thành một ngôi nhà phân rẽ với chính nó. Không có cách chi khiến cho thày ngờ vực chính mình, ngờ vực Thượng đế hay nghi ngờ đường tu, vì thày đã tái lập sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của thày, mà qua đó thày tiếp cận được sự thật Ki-tô sẽ tức khắc xua tan các lừa lọc dối trá của tâm phản Ki-tô.

Thày hiểu hoàn toàn là trong trạng thái tâm thức hiện tại, con vẫn mang một số yếu tố phản Ki-tô trong bản thể con. Thày hoàn toàn không chê trách gì con vì đây là hậu quả không thể tránh của việc con lớn lên trong thế giới ngày nay. Thày hiểu hoàn toàn là con có một số nghi ngờ vì con mang các yếu tố phản Ki-tô này trong con, và các nghi ngờ đó khiến con sợ hãi. Con không có lý do gì để sợ dối trá của phản Ki-tô vì con có khả năng khắc phục dối trá bằng cách với lên sự thật Ki-tô. Chừng nào con còn ở trong tâm thức nhị nguyên, chừng nào con còn tin một số lời dối nhị nguyên, tâm thức con sẽ là một ngôi nhà xây trên cát (Matthew 7:26), nghĩa là xây trên sự thật tương đối của phản Ki-tô. Nếu “sự thật” của con tương đối thì các thế lực phản Ki-tô sẽ luôn luôn nắm được gì đó trong con để chúng có thể khuynh loát con, khiến con bước vào tâm thức ngờ vực dẫn đến sợ hãi. Chừng nào con còn cho phép những yếu tố nhị nguyên ở lại trong tâm thức, trong bình chứa cái ta, con sẽ không bao giờ hoàn toàn thoát được sợ hãi. Tâm phản Ki-tô sẽ luôn luôn có cách thao túng con để con nghi ngờ chính mình hay nghi ngờ Thượng đế. Chính lòng ngờ vực này làm sợ hãi nẩy sinh.

Nếu con nghi ngờ Thượng đế sẽ bảo vệ con khỏi mọi tà ác thì con không thể tránh sợ tà ác. Khi con có sự thật của tâm Ki-tô, con sẽ biết là không có lý do gì để sợ tà ác vì nó chỉ có thể ảnh hưởng con nếu con mang một số yếu tố nhị nguyên trong tâm thức con. Khi con cho phép sự thật Ki-tô ngụ trong con và xua tan mọi bóng tối, ông hoàng của thế gian sẽ không nắm được gì nơi con nữa để mà có thể kiểm soát con qua sợ hãi, nghi ngờ hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào khác.

Những ý tưởng trên gắn liền với điều thày vừa nói ở đầu chương rằng ý niệm cái ta hữu diệt của con phải chết đi. Ý niệm cái ta hữu diệt của con dựa trên và sinh ra từ tâm thức nhị nguyên, nghĩa là nó hoàn toàn dựa trên những dối trá của tâm rắn. Chừng nào con – tức cái Ta Biết – còn bám giữ các yếu tố này của cái ta dựa trên nhị nguyên, con sẽ không thể tiến bộ tối đa trên đường tu tâm linh. Các thày giả, thế lực phản Ki-tô, biết điều này rất rõ, và chính vì vậy chúng đã mưu toan đặt con vào một thế lưỡng nan không lối thoát. Trong trạng thái tê liệt này, con mang một số dối trá phản Ki-tô trong bình chứa cái ta của mình, nhưng đồng thời con lại sợ nhìn chúng. Nếu con sợ nhìn vào các lừa dối của phản Ki-tô, con sẽ không có cách nào nhìn ra chúng là lừa dối, chúng là ảo tưởng, chúng không có quyền lực gì trên con. Và các lừa dối đó sẽ có quyền lực trên con mặc dù chúng không có thực thể gì hết. Chúng đích thực là ảo tưởng, nhưng chừng nào con còn sợ nhìn chúng và nhận ra chúng là ảo tưởng thì chúng sẽ nắm quyền lực trên con, chúng sẽ vẫn giam con chặt trong nhà tù tinh thần của những hạn chế, thiếu thốn, khổ ải và đau đớn.

Chừng nào con còn bám giữ ý niệm cái ta hữu diệt, hay một nét nào đó của cái ta này, con sẽ không bao giờ hoàn toàn khắc phục được các lời dối mà từ đó cái ta hữu diệt nẩy sinh. Con sẽ không bao giờ giải thoát khỏi một số ảo ảnh. Ở đầu khóa học này, thày đã cho con hình ảnh con bị giam trong một nhà tù và nhà tù này có cánh cửa với một số ổ khóa. Mỗi ổ khóa trên cửa tù tượng trưng cho một lời dối đặc thù của phản Ki-tô, một lời dối nham hiểm của rắn. Để tìm ra chìa khóa sẽ mở một ổ khoá đặc thù, con phải nhìn vào lời dối đó, con phải nhận thức được đầy đủ và có ý thức tại sao đó là một lời dối, tại sao đó là một ảo tưởng và tại sao không gì không thực có thể có quyền lực thực sự trên con.

Chắc hẳn con đã từng nghe truyện cổ tích về bộ quần áo mới của nhà vua. Con nhớ có một nhóm thợ may đến chầu vua, hứa sẽ may cho vua một bộ áo lộng lẫy nhất chưa ai từng thấy trên đời. Nhóm người này không những đã lừa được nhà vua mà toàn bộ triều đình, thậm chí cả quần dân trong nước, để ai nấy tin rằng nhà vua mặc quần áo. Sự lừa dối của họ toàn diện đến độ không một ai có thể, hay sẵn lòng, thực sự xem xét để mà nhận ra đó là một trò lừa – cho đến khi vua đi trước cặp mắt ngây thơ của một đứa bé. Rốt cuộc đứa bé ấy thốt lên: “Uả sao vua không mặc gì cả?” Trong một khoảnh khắc, tất cả mọi người bừng tỉnh, họ ngộ ra sự thật mà họ đã không thể nhìn thấy chỉ vì họ đã không sẵn lòng nhìn kỹ hơn vào trò lừa.

Con hãy suy ngẫm tình trạng tương tự trên địa cầu. Có một nhóm người thượng tôn quyền lực đang đầu thai trong cõi vật lý và đằng sau họ là một thế lực phản Ki-tô. Suốt hàng ngàn năm trời, lực lượng tổng hợp này đã xoay sở để kiểm soát hầu hết mọi người trên hành tinh. Quyền lực và hệ thống kiểm soát của họ dựa trên một loạt những lời gian dối, cho nên quyền lực của họ tồn tại và chỉ tiếp tục tồn tại chừng nào nào ai nấy trên hành tinh còn tin vào những lời dối đó. Thế lực phản Ki-tô này chỉ có một cách duy trì quyền lực, là giữ cho mọi người mê muội, không thể nhìn xuyên qua những lời dối làm cơ sở cho quyền lực đó. Một vũ khí họ dùng để duy trì ảo ảnh là khiến mọi người sợ nhìn vào ảo ảnh.

3.7. Nhà tù của con không có khóa

Con yêu dấu, lực phản Ki-tô này thừa biết là ngay khi con quyết định nhìn vào một trong những lời dối đó, con có tiềm năng nhìn xuyên qua nó. Họ biết là nếu con vượt quá sự thật tương đối của tâm thực nhị nguyên và tìm cầu sự thật của Ki-tô, con không thể tránh nhìn xuyên qua lời dối. Con sẽ thấy đó là một ảo tưởng, đó là một ngôi nhà xây trên cát, những bãi cát lún của tâm thức nhị nguyên. Thế lực phản Ki-tô cũng biết Giê-su đã đưa ra một lời hứa chân thực khi thày nói: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở ra cho con” (Matthew 7:7). Họ biết là trong tim con có chìa khóa của hiều biết. Khi con quyết định dùng chìa khóa này của hiểu biết và thỉnh một hiểu biết cao hơn về một khía cạnh đặc thù của cuộc sống, con sẽ được trao hiểu biết cao hơn đó. Lực phản Ki-tô cũng biết là trước khi con có thể thỉnh sự thật sẽ giải thoát con, con phải khắc phục nỗi sợ nhìn vào lời dối. Con cũng phải khắc phục nỗi sợ khiến con có thành kiến và bị dính mắc với một tâm ảnh nhất định bảo rằng cuộc sống phải như thế này hay thế khác. Con phải sẵn lòng nhìn xa hơn sự thật tương đối mà hiện giờ con nghĩ là sự thật tuyệt đối. Con phải sẵn lòng mở tâm ra sự thật cao hơn của Ki-tô. Nếu con sẵn lòng bước theo lời gọi của Giê-su để trở thành giống như trẻ nhỏ (Matthew 18:3) – nghĩa là con sẵn lòng nhìn một khía cạnh nào đó của cuộc sống, nhìn một sự thật tương đối nào đó, với tâm ngây thơ và cởi mở của trẻ nhỏ – thì con sẽ được trao sự thật cao hơn của tâm Ki-tô. Và khi con có sự thật này, con sẽ có thể nhìn xuyên thấu lời dối gian và thấy đó là một ảo ảnh toàn diện, và do đó nó không có quyền lực gì trên con.

Các tà lực trên hành tinh này không có quyền lực gì trên con ngoại trừ quyền lực mà con cho chúng qua quyền tự quyết của con. Có một sự thật trong câu nói rằng nếu người ta biết tốt hơn thì người ta sẽ làm tốt hơn. Con có đồng ý chăng là nếu con biết rõ một hạn chế mình phải đối mặt dựa trên gian dối, rằng nó chẳng hơn gì một ảo ảnh, thì con sẽ có thể tự giải thoát ra khỏi hạn chế? Có lẽ con còn nhớ thuở là một đứa bé đi bộ trên vỉa hè và được bảo rằng giẫm phải vết nứt trên vỉa hè là điềm xui xẻo, hay có lẽ con từng tin một điều dị đoan tương tự của tuổi thơ ấu? Một niềm tin như thế có thể tác động rất lớn trên cách con đi đứng, thế rồi đến một thời điểm con chỉ đơn giản quyết định là chuyện đó không thể nào có thật. Từ giây phút đó trở đi, ảo ảnh không còn quyền lực trên con nữa và giờ đây con có thể tự do bước chân trên đường đời. Hãy thử tưởng tượng là suốt nhiều năm trời, con từng sống với niềm tin mình nợ ngân hàng một số tiền rất lớn, con đã lo âu không biết làm thế nào trả nợ và đời con đã khổ sở vì thế. Rồi một buổi sáng, con nhận được thư ngân hàng cho hay họ đã tính lộn và con không nợ gì hết. Liệu con sẽ tiếp tục bám giữ nỗi lo âu? Liệu con sẽ khăng khăng đòi trả hết món nợ dù đó chỉ là ảo ảnh? Hay con sẽ đơn giản bỏ nó qua bên và tiếp tục cuộc sống của mình?

Con hiện đang bị giam trong nhà tù của các giới hạn phàm phu và đau khổ. Nhà tù này chỉ thật sự hiện hữu trong tâm con và trong tâm thức tập thể của nhân loại. Nhà tù có một cánh cửa và cánh cửa thì có nhiều ổ khóa, nhưng mỗi ổ khóa tượng trưng cho một ảo tưởng, một lời dối của rắn nham hiểm. Bí mật thực sự của cuộc sống là mặc dù các ổ khoá dường như đang khóa chặt cánh cửa, không một ổ nào là khóa cả. Cái dường như đang khóa chặt cánh cửa của nhà tù con người là một loạt những ảo tưởng nẩy lên từ sự thật “tương đối”, từ các dối trá của rắn, của tâm phản Ki-tô. Kỳ thực, cánh cửa của nhà tù con người không hề được khóa!

Con đinh ninh là mình bị kẹt trong tù, nhưng trong suốt thời gian đó cửa tù vẫn mở. Con chỉ không lấy can đảm để nhìn các ổ khoá kỹ hơn và khám phá là chúng không có khả năng ngăn ai mở cửa. Người ta bị giam trong tù chỉ vì họ cứ tin vào ảo tưởng cánh cửa bị khóa. Kỳ thực, cửa tù không khóa. Khi con ngộ ra sự thật này, con có thể ngay lập tức bước đến cửa, mở cửa ra và bước ra ngoài. Và như thế con bỏ lại đằng sau các hạn chế thế phàm.

Thày biết rõ hoàn toàn là trong trạng thái tâm thức hiện tại của con, con rất khó lòng nào tin được điều thày vừa nói với con. Thế nhưng đó là sự thật tuyệt đối. Tại sao việc chấp nhận sự thật này lại khó đến vậy? Nó khó là vì con vẫn còn một số “sự thật” tương đối trong bình chứa cái ta, một số ảo tưởng mà con tin là thật. Ý niệm cái ta của con vẫn dựa trên các lời dối nhị nguyên của tâm phản Ki-tô, và chừng nào con còn bám lấy chúng, con sẽ không thể chấp nhận là cánh cửa của nhà tù con người thật ra không khóa. Mỗi lời dối hiện ra như một ổ khóa sẽ giữ con lại trong một trạng thái giới hạn, ngăn con thoát ra khỏi nhà tù con người. Chừng nào con còn tin những lời dối đó và chưa nhận ra chúng là ảo ảnh, tất nhiên con không thể chấp nhận sự thật rằng cánh cửa không khóa. Thày không chờ đợi con có thể lập tức chấp nhận là cánh cửa không khóa và cứ thế bước qua ngưỡng cửa. Đây là tại sao thày đã đến để cống hiến cho con một con đường tuần tự hầu con có thể, một cách có hệ thống, nhìn xuyên qua mỗi lời dối trong bình chứa cái ta. Khi con nhìn xuyên thấu một lời dối, con có thể gạt bỏ nó như chuyện không thực, như một ảo ảnh, rồi nhờ vậy con tự giải thoát khỏi nó. Bởi vì với mỗi lời dối con bỏ lại đằng sau, con tiến thêm một bước gần hơn việc thị hiện quả vị Ki-tô cá nhân của mình. Vào một điểm nào đó trong tương lai, có lẽ một tương lai không xa lắm, con sẽ đột nhiên đạt đến một điểm mấu chốt, một điểm không quay lại.

Trước kia khi con bước xuống dưới mức tâm thức Ki-tô, con đã khởi sự rất lần hồi nhưng cuối cùng con đã đến một điểm không quay trở lại khi con quên mất sự kết nối với Hiện diện TA LÀ của con. Bây giờ đi ngược trở lên chiếc cầu thang, con sẽ đến cùng điểm đó từ hướng ngược lại. Khi con vượt quá điểm này, con sẽ tái lập sự kết nối ý thức với Hiện diện TA LÀ. Con sẽ biết thật sự rằng đường tu có thực, rằng lời hứa của tâm thức Ki-tô là một thực tế mà con có khả năng thị hiện trong đời mình.

3.8. Tấm gương của Giê-su là sự phục sinh, không phải là nỗi thương khó

Chắc chắn con đã thấy những lâu đài cổ với một tháp tròn bằng đá, và trong tháp đá có một chiếc cầu thang vòng xoắn ốc. Phía trên cùng của cầu thang xoắn ốc là một cửa mở dẫn lên mái lâu đài tắm mình trong ánh nắng rực rỡ. Khi con bắt đầu đi xuống cầu thang xoắn ốc, ánh nắng vẫn chói rọi xuyên qua cửa, phản chiếu trên tường cầu thang. Khi con tiếp tục bước xuống, nó uốn mình cho tới một điểm con không thể nhìn xuyên qua cửa nữa để thấy trời xanh. Con không biết ánh nắng đến từ đâu nhưng con vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng phản chiếu trên tường.

Khi con đi xuống thêm nữa, con lại đụng một điểm mấu chốt khác. Khi con đi quá điểm này, con không còn nhìn thấy ánh phản chiếu trên tường, và từ đó trở đi, con không còn bằng chứng trực tiếp nào cho thấy có ánh nắng chiếu qua cánh cửa ở đầu cầu thang. Khi con tiếp tục đi xuống, càng ngày con càng chìm vào bóng tối cho tới khi con xuống đến hầm mộ bên dưới lâu đài, và ở nơi đây thì con bị bao trùm trong bóng tối toàn diện.

Đây là một cách minh họa cho những gì xảy ra trong tâm thức con. Con khởi sự ở trên đầu cầu thang nơi con có thể trực tiếp nhìn thấy trời xanh và ánh nắng. Điều này, tất nhiên, tượng trưng cho Hiện diện TA LÀ của con và ánh sáng Thượng đế chiếu rọi qua Mặt trời của bản thể con. Khi con đi xuống cầu thang, bước xuống tâm thức nhị nguyên, con đánh mất sự kết nối trực tiếp có ý thức với Hiện diện TA LÀ của con. Con vẫn còn chút ký ức về phần cao hơn của bản thể con. Nhưng khi con đi xuống sâu hơn, ngay cả ký ức này con cũng mất, và câu hỏi duy nhất còn lại là con đã thực sự bước xuống cầu thang bao xa. Vì con đang đọc khóa học này, cho nên con đã không bước xuống đáy chót cùng của cầu thang. Hay cũng có thể con đã làm vậy trong một tiền kiếp nhưng từ lâu con đã bắt đầu leo lên trở lại. Nếu con không đi trên hành trình hướng thượng thì con đã không mở tâm ra cho khóa học này hay bất kỳ ý tưởng nào thày đang trình bày cho con.

Con nên cho phép mình nhận biết bằng nội giác rằng con đã bước chân trên con đường tâm linh rồi, con đường sẽ dẫn tới sự sống dồi dào của tâm thức Ki-tô. Con nên cho phép mình cảm thấy là con đã neo trụ trên con đường này và cảm nhận đây quả thực là một chiến thắng. Nếu con chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này trước đây, thày yêu cầu con hãy bỏ ra chút thì giờ để quán chiếu sự kiện con đang đi trên con đường về nhà và con đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể.

Khi con mang cảm giác mình đã neo vững trên đường tu, thày sẽ yêu cầu con suy ngẫm điều thày vừa bảo con trong chìa khóa này, cụ thể là tại sao việc cho phép ý niệm cái ta hữu diệt chết đi lại quan trọng đến thế. Cái ta hữu diệt này là một gánh nặng mà con lê theo sau lưng, một quả tạ khiến việc đi lên cầu thang xoắn ốc khó khăn một cách không cần thiết. Nếu con chịu quay đầu lại để nhìn quả tạ đằng sau, con sẽ có thể cắt sợi dây đang buộc nó với con. Khi quả tạ rơi xuống, con sẽ dễ dàng leo thang hơn rất nhiều.

Nếu con không chấp nhận sự kiện ý niệm cái ta hiện tại của con phải chết đi trước khi con có thể leo bước kế tiếp trên cầu thang xoắn ốc, con sẽ khiến cuộc sống của con gian nan hơn rất nhiều. Đường tu tâm linh có thể trở nên vất vả đau đớn đến độ nó thực sự biến thành Con đường Thương khó mà biết bao tín đồ Cơ đốc tin rằng họ phải đi theo để được cứu rỗi. Vào thời Trung cổ, hầu hết tín đồ Cơ đốc tin rằng đó là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi, rằng đó chính là con đường Giê-su đã chứng tỏ. Họ bị ám ảnh bởi biến cố đóng đinh và nỗi khổ của Giê-su trên thập tự giá, và họ đinh ninh rằng để theo đạo Cơ đốc, ho cũng phải đau đớn như Giê-su đã đau đớn.

Vũ trụ là một tấm gương. Nếu con phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ hình tư tưởng rằng cuộc sống là đau khổ, Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ thị hiện những điều kiện vật lý xác nhận hình ảnh của con. Đây chính là điều đã xảy ra cho nhân loại vào thời đại đen tối. Người ta quá chú tâm đến đau khổ đến độ họ đã tạo ra sự đau khổ vỏ ngoài được thể hiện trong thời đại đen tối đó. Đối với một số người trong thế giới ngày nay, điều này sẽ khó chấp nhận, nhưng dù sao thì đó lả sự thật.

Người ta quá chú tâm vào khổ đau do đã chấp nhận một hình ảnh giả, một thần tượng khắc, về giáo lý của Giê-su. Mặc dù Giê-su đã có đau đớn trên cây thập tự, nhưng thày chỉ ở trên thập tự vài giờ. Toàn bộ cuộc đời của thày kéo dài đến 33 năm và mục vụ công cộng của thày thì kéo dài 3 năm. Có công bằng hay không, có phải lẽ hay không, nếu chúng ta để cho mấy giờ chót trên thập tự giá trở thành hình ảnh chủ yếu, hình ảnh quyết định mà chúng ta lưu giữ về cả cuộc đời, về sứ mạng cùng lời dạy của Giê-su? Có đến hàng ngàn và hàng ngàn người từng bị đóng đinh vào thời buổi đó. Chẳng có gì trong việc đóng đinh Giê-su khiến thày là một người đặc biệt. Điều khiến Giê-su đặc biệt là thày đã phục sinh, thày đã lại hiện ra trong thân xác tâm linh phục sinh của thày sau khi bị hành quyết. Điều khiến Giê-su đặc biệt là trước khi bị đóng đinh, thày đã chứng tỏ khả năng điều ngự của tâm trên vật chất, và điều này là bí quyết thật sự của sự sống dồi dào. Giê-su đã không đến để chứng tỏ Con đường Thương khó, một con đường khổ ải. Thày đã đến để làm chứng cho sự sống dồi dào cũng như con đường dẫn đến dồi dào. Đó là vì sao thày nói: “Ta đã đến để họ có sự sống, và có sự sống này dồi dào hơn” (John 10:10).

Giê-su đã làm chứng cho sự sống dồi dào bằng cách chữa lành người bệnh tật, vực người chết sống dậy, biến nước thành rượu, hóa bánh và cá thành nhiều, đi bộ trên nước và ban ra những lời dạy mở rộng trái tim nhiều người. Giê-su thực sự đã đến để chứng minh rằng mọi người đều có khả năng khắc phục cảm giác vật lộn, chiến đấu, và thay vào đó thị hiện sự sống dồi dào. Đâu là bí quyết để khắc phục cảm giác vật lộn? Đó là khắc phục ý niệm cái ta dựa trên hình tư tưởng rằng đời sống là một cuộc đấu tranh, cái ta khởi lên từ sự tách biệt khỏi Thượng đế và dồi dào của Thượng đế. Chỉ khi nào con khắc phục được ý niệm cái ta này thì con mới ngừng phóng chiếu hình ảnh đấu tranh vào tấm gương vũ trụ. Chỉ khi nào con ngừng phóng chiếu hình ảnh như vậy thì tấm gương mới ngừng phản chiếu lại cho con những điều kiện vật chất biến cuộc sống thành một cuộc chiến đấu. Chỉa khóa là nhận ra con là nhiều hơn hình ảnh giới hạn đó về chính mình. Thực tại đích thực của con là cái Ta Biết, nhưng con chỉ nhìn xuyên qua ý niệm cái ta hữu diệt, gần như thể con đang mang một cặp kính màu. Khi con cho phép cái ta hữu diệt chết đi, điều này không có nghĩa là cá thể của con sẽ chết, vì cái Ta Biết không thể nào chết. Cho phép cái ta hữu diệt chết đi có nghĩa là cái Ta Biết sẽ được tự do để nhận lấy một ý niệm cái ta cao hơn, cái Ta Biết được tái sinh vào ý niệm cái ta tâm linh của con.

3.9. Hãy nhận tình yêu của thày

A con yêu dấu, con có cảm được Hiện diện của thày với con chăng khi thày trao cho con những lời này? Con có cảm được tình thương mãnh liệt từ trái tim một người Mẹ, là tình thương của Mẹ không ao ước gì hơn thấy những đứa con yêu của mình thoát khỏi nỗi sợ bóng tối? Con có cảm được lòng thày muốn ôm con chặt trong vòng tay ấm áp, muốn nói với con rằng con không có gì phải sợ và mọi chuyện sẽ yên lành? Con có cảm được lòng thày muốn vuốt tóc con, muốn lau nước mắt trên má con, muốn nhìn thẳng vào mắt con và nói: “Con ơi, mọi chuyện sẽ tốt lành. Hãy quên đi quá khứ, hãy bước ra khỏi hầm tối nơi con từng run sợ, hãy bước vào nắng ấm sẽ làm tan chảy mọi sợ hãi của con.”

Thày là người Mẹ tâm linh của con và thày ở đây để giải thoát con. Hầu giải thoát con khỏi mọi hạn chế, trước hết thày phải giải thoát con khỏi nỗi sợ khiến con sợ nhìn vào lời dối nằm ngay tâm điểm của mỗi hạn chế con phải đối mặt. Con hãy nắm lấy tay thày và chúng ta cùng chạy vào ánh nắng, chúng ta cùng bật cười để tan đi nước mắt, tan đi những nỗi sợ của cái ta hữu diệt. Thay vào đó, hãy đón chào mặt trời của ngày mới, ý niệm cái ta mới, nhờ vậy con quên đi cái ta cũ. Trong sự quên lãng này, con cho phép cái ta cũ chết đi mà không để ý thấy là nó không còn. Con giống như đứa bé mải vui đùa với đồ chơi mới đến độ nó quên bẵng mất đồ chơi cũ, cái đồ chơi đã mòn nát trên bãi chơi cuộc đời. Con chú tâm vào cái ta mới đến độ con quên tất cả về cái ta cũ, vì vậy con được tái sinh vào một ý niệm bản ngã mới, vào một bản thể mới. Con được tái sinh vào niệm tinh khôi được cất giữ vĩnh hằng trong tâm Ki-tô nhưng cũng được giữ chặt trong trái tim của Mẹ tâm linh của con. Thảy đang giữ chặt niệm tinh khôi cho con, như thày đã từng giữ cho Giê-su cho đến ngày sứ mạng của Giê-su thành tựu.

Thày yêu con và tình yêu của thày vô điều kiện. Thày biết rõ tiềm năng thật của con và thày sẵn lòng giúp con vươn lên trên mọi điều kiện đang ngăn con biểu hiện tiềm năng này trọn vẹn trên trái đất. Con hãy nắm lấy tay thày và thày sẽ bước đi với con, y như thày đã bước với Giê-su trên mỗi bước đường dẫn Giê-su đến quả vị Ki-tô cùng sự thăng thiên vào ánh sáng.