Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 21/4/2005.
Con tim yêu quý của mẹ, thày muốn xây dựng trên những giáo lý mà thày đã trao truyền trong chương trước. Trước hết, thày muốn nói thêm về phần vật lý của tâm, mà trước đây thày có đề cập đến nhưng chưa thưc sự mô tả rõ.
4.1. Não bộ không tạo ra trải nghiệm tâm linh
Các khoa học gia y học đã làm một số thí nghiệm trên não bộ để tìm hiểu não bộ và khám phá các chức năng cao hơn của nó. Tỷ dụ, họ khám phá là khi họ kích động một số hóa chất trong não bộ thì họ kích hoạt trải nghiệm rất giống những gì con người mô tả khi họ có trải nghiệm tâm linh hay trải nghiệm cận tử. Từ đó một số khoa học gia đã kết luận rằng mọi trải nghiệm tâm linh, và mọi tôn giáo, bắt nguồn từ một số tiến trình hóa học và điện từ trong não bộ. Họ kết luận là không có gì bên ngoài não bộ và mọi tôn giáo được tạo dựng trong não bộ. Một số nhà giải phẫu đã làm phẫu thuật não mở và khám phá rằng họ có thể kích thích một số khu vực của não và kích hoạt một số trải nghiệm. Một lần nữa, kết quả này đã khiến các khoa học gia duy vật kết luận rằng mọi trải nghiệm tâm linh đều được tạo dựng trong não bộ – rằng Thượng đế là sản phẩm của tế bào nơron trong não bộ hoạt động lệch lạc.
Ta có thể hiểu là một người đã quyết định rằng không có gì ngoài cõi vật chất sẽ đi tới kết luận đó. Viễn quan thiếu sót này là kết quả của sự kiện người đó đã chọn lựa giới hạn tâm mình vào cõi vật chất. Tâm ý thức của người đó giản dị không thể thấy ngoài cõi vật chất và không chịu chấp nhận là có thể có một giải thích sâu xa hơn. Lý do vì sao con người chỉ sử dụng khoảng 5-10 phần trăm tiềm năng của bộ não là các định khu cao hơn của não bộ chỉ được kích hoạt bởi một dạng năng lượng cao hơn. Các định khu này có thể được kích hoạt một cách giả tạo bởi một số hóa chất hay kích thích từ bên ngoài. Nhưng điều này không có nghĩa là sự kích thích các định khu não bộ tạo ra trải nghiệm tâm linh, mà chỉ có nghĩa là các định khu não bộ được thiết kế để giúp đem lại trải nghiệm ngõ hầu tâm ý thức có thể nắm bắt trải nghiệm khi con đang ở trong thân vật lý. Mục đích là để cho con trải nghiệm là sự sống vượt quá vũ trụ vật chất – khi con đang sống trong, có thể nói là bị giam trong, cõi vật chất.
Một trải nghiệm tâm linh chân chính xảy ra khi cái Ta Biết tự tách mình ra khỏi tâm vật lý và thân thể vật lý, qua đó nó vươn lên quá cõi vật chất. Cái Ta Biết vươn lên cõi bản sắc và thậm chí xa hơn nữa lên cõi tâm linh. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, vì cái Ta Biết có khả năng tự đồng hóa với bất cứ gì, ở bất cứ đâu. Cái Ta Biết có khả năng tách mình khỏi thân thể vật lý, ngay cả chỉ trong tạm thời, và vươn lên các phần cao của bản sắc của con, bản sắc thật của con như một sinh thể tâm linh. Khi con kết nối trở lại với bản sắc đó, thì ánh sáng có độ rung cao tuôn chảy xuyên qua bốn thể phàm của con và con có thể có một số trải nghiệm tâm linh.
Cái Ta Biết rất có thể có trải nghiệm tâm linh nhưng trải nghiệm này không thể thấm xuống tâm ý thức của con. Việc này có thể do một số nghẽn trong các thể cao của tâm con, nhưng cũng có một số loại trải nghiệm tâm linh mà con không thể biết một cách ý thức khi trong thân thể vật lý. Lý do giản dị là bộ não con người không có những định khu có khả năng giúp nhận các trải nghiệm đó. Khi con có một trải nghiệm tâm linh thấm xuống tâm ý thức của con thì đó là vì não bộ vật lý có khả năng giúp nhận trải nghiệm đó. Cái Ta Biết đã vươn lên một cõi cao hơn và đã rải xuống một dòng ánh sáng thấm xuống não bộ vật lý và kích hoạt một trong những định khu cao của não bộ. Chính sự kích hoạt định khu não bộ này cho con trải nghiệm có ý thức.
Rất có thể cái Ta Biết có trải nghiệm tâm linh mà não bộ không thể diễn giải và do đó tâm ý thức không biết đến. Nhiều người tâm linh tự gỡ mình khỏi thân thể trong giấc ngủ và du hành lên cõi tâm linh để nhận hướng dẫn của các vị thày tâm linh. Đó là lý do vì sao con đôi khi tỉnh giấc với một cảm giác sáng suốt mới mẻ và với câu trả lời cho một câu hỏi con đang suy ngẫm. Đó cũng là lý do vì sao con có thể có một số chiêm bao ngay trước khi tỉnh giấc có vẻ rất rõ rệt và dường như chứa đựng một thông điệp sâu sắc. Có khi đó là một hiểu biết cao hơn về một vấn đề hay là một linh cảm về một biến cố tương lai. Cũng có khi là cảm giác mình đang bay, cảm giác tự do hay cảm giác mình là một phần của cái gì lớn hơn thân thể vật lý. Cũng có khi là cảm giác đứng ra ngoài thân thể vật lý và nhìn xuống nó.
Tất cả những trải nghiệm đó đều có thật, tuy nhiên, như các khoa học gia đã khám phá, cũng đúng là các trải nghiệm này có thể được dựng lên bằng cách kích thích não bộ vật lý. Điều này không có nghĩa là não bộ tạo ra trải nghiệm. Suy luận như vậy cũng giống như khi suy luận là màn ảnh tạo ra những hình ảnh hiện ra trên nó. Quả đúng là não bộ có thể ảnh hưởng hình thức và nội dung chính xác của trải nghiệm tâm linh, và đó là lý do vì sao hai người khác nhau có thể có những trải nghiệm khác nhau.
4.2. Tâm ngắn hạn và tâm dài hạn
Thày vừa giảng cho con đặc tính của não bộ vật lý, bây giờ thày muốn bước sang đề tài mà thày gọi là phần vật lý của tâm. Con là một sinh thể tâm linh bất tử, và con chỉ khoác vào thân thể vật lý này trong một khoảng thời gian ngắn. Trong quá khứ, con đã hiện thân trong những thân thể khác trong những tình huống khác. Sự kiện này là cách duy nhất để giải thích một trong những chướng ngại chính trong việc con cố gắng biểu hiện dồi dào của Thượng đế trong cuộc đời mình. Những chướng ngại có mặt trong bốn thể phàm của con có thể chia ra hai loại. Có những chướng ngại dài hạn và ngắn hạn. Có một số chướng ngại trong bốn thể phàm của tâm con đã được tạo ra trong kiếp sống này, và có những chướng ngại được tạo ra trong những kiếp trước.
Nếu con thật sự muốn thanh tẩy bốn thể phàm của con thì con cần đi xa hơn những gì con đã trải nghiệm trong kiếp sống này. Để làm việc này, con cần hiểu là tâm có nhiều tầng. Có nhiều cách thích đáng để giải thích điều mà thày sắp giảng ở đây. Để giữ lời giải thích giản dị, thày sẽ cho con một mô hình mô tả tâm con gồm hai phần chính. Một bên là phần dài hạn của bốn thể phàm của con, phần này lớn hơn và cao hơn phần kia. Đây là phần mà con mang theo mình từ kiếp trước sang kiếp sau. Phần kia là thành phần dính liền với thân thể vật lý của con trong kiếp này, tuy nhiên phần này cũng có một tầng bản sắc, tư tưởng, cảm xúc và một tâm đan chặt với não bộ vật lý, tâm này cũng có phần do não bộ tạo ra. Con có một trường năng lượng lớn hơn vượt quá thân thể, và trong đó có một trường nhỏ hơn trụ chung quanh thân thể vật lý và đan dệt với thân thể và não bộ.
Khi con lớn lên trong kiếp sống này, con xây dựng một ý niệm bản sắc dựa trên các tình huống cá biệt của con, tỷ dụ như nguồn gốc gia đình, quốc gia, chủng tộc, nhóm sắc tộc, giới tính và các khía cạnh khác của hoàn cảnh vật lý của con. Những yếu tố đó tạo nội dung trong bình chứa của thể bản sắc ngắn hạn của con. Ý niệm bản sắc này đa phần chịu ảnh hưởng của di truyền và môi trường của con, tuy nhiên nó không hoàn toàn do các yếu tố này tạo nên, như các tâm lý gia tuyên bố. Điều ảnh hưởng ý niệm bản sắc ngắn hạn của con là những phản ứng của con trước hoàn cảnh bên ngoài trong kiếp sống này, và những phản ứng này đa phần do nội dung của tâm dài hạn quy định, là tâm đã được tạo dựng trong những kiếp trước.
Thể bản sắc dài hạn không bị ảnh hưởng bởi những đặc tính cá biệt của kiếp sống này. Nó chứa đựng ý niệm bản sắc rộng hơn dựa trên các niềm tin mà con có về chính mình. Tỷ dụ, nó có thể tồn trữ niềm tin con là một người phàm hay là một tội đồ khốn khổ, đây là một niềm tin có thể được củng cố trong kiếp này nhưng có nhiều xác suất nó đã được tạo ra từ nhiều kiếp trước. Thể bản sắc dài hạn chứa đựng những niềm tin tổng quát trong khi thể bản sắc ngắn hạn chứa đựng bản sắc liên quan đến kiếp sống này. Phần sâu hơn của con người, mà các tâm lý gia gọi là hồn, đi xa hơn kiếp sống hiện tại. Nó không nhìn nó như con người mang tên, giới tính, quốc tịch, chủng tộc v.v. của con. Nó không xem nó là một người y tá, thày giáo hay bất kể nghề nghiệp nào của con.
Thể bản sắc đặc trưng cho kiếp sống hiện tại sẽ được xóa sạch khi thân thể chết đi, và đó là lý do hầu hết mọi người không nhớ tiền kiếp. Dữ liệu về tiền kiếp được lưu trữ nơi khác và con có thể tìm ra chúng, nhưng chúng không được tồn trữ trong thể bản sắc ngắn hạn. Đây chính thực là một hồng ân, vì là cơ hội để con làm lại từ đầu mà không nhớ những lỗi lầm đã phạm trong các kiếp trước. Điểm bất lợi là nhiều người không có ý niệm liên tục mạnh khi sinh ra. Điều này gây nên nỗi sợ chết vì con người tin rằng bản sắc của mình sẽ mất đi khi thân thể chết. Sở hữu quý nhất của con là cá tính, ý niệm bản sắc, do đó nỗi sợ lớn nhất là đánh mất nó.
Đây là lý do vì sao việc trẻ em không được dạy về tái sinh là một điều rất tàn nhẫn. Biết rằng bản sắc dài hạn của mình không chết khi thân vật lý chết có thể hoàn toàn giải thoát con khỏi nỗi sợ chết, là một nỗi sợ làm nhiều người tê liệt và khiến họ cảm thấy cuộc đời vô nghĩa. Tại sao con cần nỗ lực để cải thiện chính mình và trở nên một người tốt hơn khi tất cả sẽ mất đi sau kiếp sống này? Thật ra thì những cải thiện mà con đạt được không bị mất nhưng trở thành “kho tàng cất trên thiên đàng” của con (Matthew 6:20), có nghĩa là chúng được tồn trữ trong thể bản sắc dài hạn của con (thậm chí trong căn thể của con trên cõi tâm linh), và do đó chúng là nền móng để con xây dựng thêm trong kiếp tới (và sau đó khi con tốt nghiệp vĩnh viễn trường học trái đất).
Rất có thể là những điều con trải nghiệm trong kiếp này và những quyết định mà con lấy dựa trên các trải nghiệm đó sẽ ảnh hưởng đến ý niệm bản sắc dài hạn của con. Ý niệm bản sắc dài hạn của con có ảnh hưởng sâu đậm trên ý niệm bản sắc mà con xây dựng trong kiếp này. Nội dung của thể lý trí và cảm xúc dài hạn có ảnh hưởng lớn trên cách con phản ứng trước những tình huống mà con gặp trong kiếp này. Dù tốt hay xấu, con đang xây dựng trên nền móng mà con đã đặt trong những kiếp trước, nhưng con vẫn có tiềm năng cải thiện nền móng đó, và lẽ dĩ nhiên đây là hy vọng duy nhất mà con có để giải thoát mình khỏi quá khứ.
Chúng ta hãy lấy thí dụ con có trong thể bản sắc dài hạn của mình niềm tin con là một tội đồ khốn khổ, và tất cả những gì con làm đều là tội lỗi. Con sẽ mang niềm tin này vào kiếp sống hiện tại và sẽ có khuynh hướng tới gần một tôn giáo củng cố niềm tin đó. Con sẽ chấp nhận dễ dàng tôn giáo đó và con sẽ khó giải thoát mình khỏi tôn giáo đó, và đó là lý do vì sao nhiều người không chịu nhìn quá tôn giáo mà họ theo khi họ lớn lên. Nội dung tâm dài hạn của con sẽ quy định những khuôn khổ quy định cách con phản ứng lại cuộc đời trong kiếp sống này. Cái Ta Biết vẫn có tiềm năng vượt quá những lập trình trong quá khứ. Nhiều khi tâm ý thức xây dựng một ý niệm bản sắc trong kiếp này đối chọi với ý niệm bản sắc dài hạn. Điều này quan trọng vì con có thể củng cố những mâu thuẫn nội tại khiến con trở thành một ngôi nhà phân hóa.
Một thí dụ là nhiều người có niềm tin trong thể bản sắc dài hạn của họ là họ không xứng đáng được nhận sự dồi dào của Thượng đế. Một số người đã theo học một giáo lý về dồi dào và dùng một số lời khẳng định để tạo dựng một ý niệm bản sắc ngắn hạn là họ xứng đáng được nhận sự dồi dào. Nhưng nếu họ chưa nắm bắt điều thày vừa giảng thì họ không nhận ra là ý niệm bản sắc mới đó không đi quá thể bản sắc ngắn hạn của họ. Nó có thể mâu thuẫn với thể bản sắc dài hạn, và thể này mạnh hơn nhiều nên có thể gạt bỏ thể bản sắc ngắn hạn. Cố gắng dùng một kỹ thuật chân chính để nâng nhận biết tâm linh đã không thực sự giúp người đó. Nó chỉ tạo ta một xung đột nội tâm lớn hơn, và đây là một cách ngã hữu diệt và ông hoàng thế gian đặt con vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan tâm linh. Họ làm điều này bằng cách khiến con chấp nhận một niềm tin trong tâm ngắn hạn mâu thuẫn với một niềm tin mà con cầm giữ trong tâm dài hạn. Niềm tin tạm thời đó sẽ ngăn con giải tỏa niềm tin trong tâm dài hạn đang tạo giới hạn.
Nếu con đã xây dựng trong kiếp này một niềm tin vững chắc là con xứng đáng được nhận sự dồi dào của Thượng đế, thì con có thể nghĩ không cần đi sâu vào tâm lý của mình để giải tỏa niềm tin dài hạn là con không xứng đáng. Điều này có thể ngăn con đạt tiến bộ dài hạn, chỉ có thể đạt được khi con thanh tẩy tâm dài hạn. Ta có thể nói là con tạo dựng một cuộn phim mới và chiếu nó lên màn ảnh của tâm thức, và tuy nó có thể che khuất một số hình ảnh do tâm dài hạn phóng chiếu lên màn ảnh, nhưng nó không làm công việc tảy sạch cuộn phim trong tâm dài hạn. Lẽ đương nhiên, nếu con muốn tự do thực sự thì con phải vượt quá tâm ngắn hạn và thanh tẩy tâm dài hạn.
Có những đạo sư dạy về dồi dào, tâm lý gia và những người thuộc khoa chữa lành toàn diện có những kỹ thuật chính đáng nhằm thanh tẩy cảm xúc, tư tưởng và thậm chí ý niệm bản sắc của con. Nhưng nếu kỹ thuật chỉ tác động trên tâm ngắn hạn, thì nó không thể có tác dụng tối đa trên sự tăng trưởng của con. Cũng có những đạo sư không tìm cách giúp con giải tỏa các chướng ngại trong tâm ngắn hạn, mà dạy những kỹ thuật nhằm tạo một lập trình mới trong tâm ngắn hạn, mà họ nói sẽ đem lại sự dồi dào lớn bằng cách giản dị trấn áp những lập trình hiện có trong tâm. Nhưng nếu con không giải tỏa những giới hạn quá khứ, thì con sẽ chỉ gia tăng mâu thuẫn nội tâm bằng cách tạo ra một lập trình mới xung đột với các lập trình hiện hữu trong cả tâm ngắn hạn lẫn dài hạn. Khi máy điện toán có hai lập trình xung khắc nhau thì máy có thể ngưng hoạt động. Tâm tiềm thức của con cũng giống như một máy điện toán. Nếu con đặt vào đó những niềm tin và khuôn đúc xung khắc nhau, thì con sẽ trải nghiệm một hình thức tê liệt tư tưởng và cảm xúc.
Điều này cũng áp dụng cho nhiều phương pháp trị liệu, đặc biệt là phương pháp trị liệu do ngành tâm lý học chính mạch đề ra, phần lớn dựa trên hệ thuyết duy vật. Con có thể đã bị chấn thương bởi một số trải nghiệm trong kiếp sống này, và chúng đã để lại vết sẹo cảm xúc và khiến con tạo những niềm tin bất toàn trong thể tư tưởng ngắn hạn, thậm chí xây dựng một hình ảnh bất toàn về mình. Dùng một phương pháp trị liệu để giải quyết các chướng ngại trong tâm ngắn hạn là điều khả thi, và quả thật các trị liệu này có thể có tác dụng tốt.
Nhưng nếu con không đi xa hơn tâm ngắn hạn, thì con sẽ không thực sự tiến triển trong kiếp này. Con chỉ giản dị quay kim đồng hồ về điểm khởi đầu, và như vậy coi như con bắt đầu lại từ đầu. Nếu con thực sự muốn tiến triển thì con cần đi xa hơn tâm ngắn hạn, và con có thể dùng kinh nghiệm của kiếp này để làm bàn đạp cho việc này. Cách con phản ứng lại hoàn cảnh trong kiếp này được quy định bởi các khuôn nếp mà con có trong tâm dài hạn. Khi con xem xét phản ứng của mình, con có thể khám phá các khuôn nếp sâu thẳm và làm việc giải quyết chúng. Việc này cần nhiều quyết tâm và viễn quan sáng rõ là con hơn tâm ngắn hạn của con. Để hoàn toàn được tự do thì con cần đi ngược tới tận niềm tin bắt nguồn khi con quyết định quay lưng lại Thượng đế, quay lưng lại vị thày tâm linh, và quyết định đi đơn độc. Đó là lúc con cho phép ngã hữu diệt và ông hoàng thế gian trở thành vị thày của con.
4.3. Tương tác với tâm thức tập thể
Con yếu dấu, để đạt được đời sống dồi dào thực sự và vĩnh viễn giải thoát khỏi những giới hạn đang ngăn trở sự dồi dào của Thượng đế, con cần có tầm nhìn dài hạn. Những điều kiện mà con đối mặt trong kiếp này là kết quả của một bức tranh rất phức tạp, đó là những niềm tin mà con đã chấp nhận trong những kiếp trước và vẫn còn nằm trong bốn thể phàm của con, trong phần dài hạn của tâm con. Một khi con có tầm nhìn dài hạn này thì con sẽ dễ nhận ra là điều mà thày vừa nói chỉ là một mặt của đồng tiền cuộc sống.
Điều thày mô tả từ đầu bài là phần nội tại của cuộc đời, nghĩa là những gì xảy ra trong tâm lý, bên trong bốn thể phàm. Giá con phải trả khi đầu thai là con chịu trách nhiệm tối hậu về những gì con làm với năng lượng của Thượng đế qua bốn thể phàm của con. Điều thày đã giảng là bất cứ những gì con làm đều có ảnh hưởng trực tiếp trên chính con vì chúng tạo niềm tin trong bốn thể phàm và qua đó tạo một phin lọc khiến con tha hóa năng lượng. Năng lượng này tích tụ trong bốn thể phàm và giảm thiểu khả năng sáng tạo của con. Nó cũng giảm thiểu viễn quan và khả năng nhìn xa hơn hoàn cảnh cận kề và vũ trụ vật chất. Ta có thể nói theo câu cách ngôn là con chỉ làm hại chính mình mà thôi.
Bây giờ chúng ta cần tiến thêm bước nữa và nhận ra rằng không phải mọi chuyện con làm khi ở trong thân thể vật lý chỉ làm hại chính mình. Khi con có hành động vật lý thì con có tiềm năng ảnh hưởng người khác, và vì con chịu trách nhiệm về cách sử dụng năng lượng, nên mọi hành động của con sẽ được tấm gương vũ trụ phản chiếu trở về con. Xung lực trở về từ những hành động quá khứ của con có thể ngăn cản sự biểu hiện của dồi dào Thượng đế trong kiếp sống này, do đó con cần biết cách giải tỏa xung lực trở về của hành động quá khứ của con trước khi chúng biểu hiện thành tình huống vật chất.
Không phải chỉ có hành động vật lý của con ảnh hưởng người khác. Mọi thứ trên trái đất đều được cấu tạo từ năng lượng. Giống như con có một trường năng lượng bao quanh thân thể vật lý của mình, trái đất cũng có một trường năng lượng bao quanh nó. Một phần của trường năng lượng hành tinh này là kho chứa năng lượng bất toàn mà nhân loại đã tạo ra qua nhiều thời đại. Đây là điều tâm lý gia Carl Jung gọi là “tiềm thức tập thể” và đây quả thực là một khám phá quan trọng. Khi con đầu thai vào một thân thể vật lý, bốn thể phàm của con hiện hữu trong trường năng lượng của tâm thức tập thể của nhân loại. Con có thể bị tâm thức tập thể ảnh hưởng, và con cũng ảnh hưởng tâm thức tập thể.
Một thí dụ là nhiều người bị choáng ngợp bởi năng lượng của tâm thức tập thể đến độ họ có rất ít cá nhân tính. Họ cảm thấy khó có suy nghĩ cho chính mình và tự mình lấy quyết định. Họ muốn xã hội nghĩ hộ họ and cho họ biết phải làm gì. Con thấy hiện tượng này qua những người mù quáng đi theo thời trang mới nhất hay bất kỳ phong trào nào đang được nhiều người theo. Nếu con là một trong những người này thì con đã không theo học khóa này. Hầu hết những người có nhận biết tâm linh có một cá nhân tính mạnh mẽ. Họ đã phần nào tách họ ra khỏi cái mà ta có thể gọi là tâm thức đại chúng. Nếu con muốn có hy vọng tiến triển trên con đường tâm linh thì con cần tách mình ra khỏi tâm thức đại chúng. Con cần che chở trường năng lượng của mình để tránh không bị tràn ngập bởi các năng lượng của tâm thức đại chúng.
Nội dung của bốn thể phàm của con góp phần vào tâm thức đại chúng, về mặt tiêu cực cũng như tích cực. Con không thể đơn giản coi tâm thức đại chúng là cái gì được tạo ra độc lập với con và con không chịu trách nhiệm gì về nó. Nếu con nâng tâm thức mình thì con cũng nâng tâm thức của tổng thể. Đó là điều mà Giê-su mô tả khi nói: “Và ta, nếu ta được nâng lên khỏi trái đất, sẽ kéo mọi người theo ta” (John 12:32). Ý nghĩa bên trong là lý do duy nhất nhân loại đã tiến triển so với thời tiền sử sống trong hang động là vì mỗi thế hệ đều có một số cá nhân đã khám phá ra uy lực của tâm họ, và sử dụng khám phá đó để nâng tâm thức của riêng họ lên. Các người đó đã kéo mọi người lên đôi chút, và chính sự nâng cao của tâm thức tập thể đã mở đường cho tất cả các tiến bộ thấy được trong lịch sử được biết đến. Từ khi Giê-su hiện thân, nhân loại đã có tiến triển vĩ đại. Khoảng 2000 năm cuối đã tiến bộ hơn 10,000 năm trước đó. Kết quả này không phải chỉ do chiến thắng của Giê-su mà cũng do nhiều người đạt được trình độ tâm thức Ki-tô cao và qua đó nâng tâm thức tập thể lên. Tuy nhiên Giê-su xứng đáng được ghi nhận như người tiên phong đã khai mở chu kỳ tiến bộ gần đây nhất.
Nếu con cho phép các niềm tin bất toàn và năng lượng tha hóa tồn tại trong bốn thể phàm thì con góp phần vào việc kéo tâm thức tập thể xuống. Khi con hiện thân trong thân thể vật lý thì nội dung của bốn thể phàm của con đóng góp vào tình trạng mà ta thấy trên toàn trái đất. Con đang khiến mọi chuyện hoặc khá hơn hoặc tệ hơn. Như câu cách ngôn dân gian có nói: “Nếu con không là một phần của đáp số thì con là một phần của vấn đề.”
4.4. Tạo nghiệp khi có hành động vật lý
Tư tưởng và cảm xúc của con có tác dụng sâu đậm trên toàn hành tinh, do đó con không thể biện luận là chỉ có hành động của con mới ảnh hưởng đến người khác. Có một lằn ranh phân chia hành động và tư tưởng cảm xúc. Nội dung của các thể bản sắc, tư tưởng và tình cảm của con có ảnh hưởng trên tâm thức tập thể, nhưng khi con có hành động vật lý, thì con tạo ra một loại xung lực năng lượng khác, một xung lực có một tác dụng trực tiếp hơn trên người khác.
Có một phân biệt vi tế. Giê-su có nói một câu rất sâu sắc: “Người nào nhìn một người phụ nữ với ý dục vọng đã phạm lỗi ngọai tình trong tim” (Matthew 5:28). Tư tưởng và cảm xúc của con có rất nhiều uy lực và có thể phóng ra xung lực rất mạnh xâm nhập tâm người khác và ảnh hưởng tư tưởng và cảm xúc của họ, có thể khiến họ hành động. Tuy nhiên, ta cần phân biệt hành động vật lý và tư tưởng cảm xúc. Tỷ dụ, luật pháp của xã hội nói rằng khi con chỉ nghĩ chuyện phạm pháp, thì luật pháp không thể truy tố con. Nhưng ngay lúc con hành động vật lý thì luật pháp có quyền trên con.
Khi con hành động vật lý thì con mang tư tưởng và cảm xúc của con xuống tầng thấp nhất của cõi vật chất, tức là tầng vật lý. Tầng này dày đặc nhất trong bốn tầng của vũ trụ vật chất, có nghĩa là những gì đem xuống tầng vật lý khó thay đổi hơn những gì chỉ hiện hữu như tư tưởng hoặc cảm xúc. Con có thể có một tư tưởng bất toàn, và con có thể thấm đẫm tư tưởng đó với cảm xúc mạnh khiến con ước muốn một điều gì mà luật pháp không cho phép. Nhưng khi con chưa có hành động vật lý thì tư tưởng và cảm xúc của con có thể đảo ngược. Cảm xúc rất lỏng và có thể thay đổi hoặc chuyển hướng dễ dàng. Tư tưởng còn lỏng hơn và dễ thay đổi hơn nữa. Ở tầng tư tưởng, con có thể tức khắc thay đổi kế hoạch khi con nhận được một hiểu biết cao hơn khiến con nhận ra con đang đi lầm đường. Ờ tầng này con có thể học bài học mà không tạo hậu quả vật lý không thể đảo ngược.
Tuy tư tưởng và cảm xúc của con có ảnh hưởng trên người khác, nhưng con dễ dàng thay đổi tư tưởng và cảm xúc. Nhưng ngay lúc con có hành động vật lý thì không gì có thể xóa bỏ hành động đó. Khi con có hành động vật lý thì con mang tư tưởng và cảm xúc của mình vào cõi của không gian và thời gian, và như câu cách ngôn dân gian nói: “Con không thể xoay ngược kim đồng hồ.” Con không thể xóa bỏ cái gì đã được mang xuống tầng hành động vật lý.
Sự hiện hữu của bốn tầng của vũ trụ vật chất quả thật là một hình thức bảo hộ cho phép những người bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên thực thi quyền tự quyết mà không tức khắc tiêu diệt chính họ và người khác. Một hành động vật lý bắt đầu trong thể bản sắc, có hình dạng rõ rệt hơn trong thể tư tưởng, và nhận phương hướng và động lực trong thể cảm xúc. Khi nó chưa qua lằn ranh xuống cõi vật lý, thì nó vẫn có thể đảo ngược khi con có hiểu biết cao hơn. Nếu vũ trụ vật chất chỉ có một tầng, thì bất cứ xung lực nào cũng tức khắc cô đọng thành hành động vật lý, và con không có cơ hội ngưng nó. Mọi tư tưởng bất toàn sẽ có hậu quả vật lý mà con không thể tránh. Vì vũ trụ có bốn tầng, con có thể có nhiều tư tưởng cảm xúc bất toàn, nhưng khi con không cho phép chúng trở thành hành động vật lý thì con chưa chịu hậu quả vật lý. Trong đời con, đã bao nhiêu lần con có tư tưởng cảm xúc bất toàn, nhưng vì con không hành động, nên con tránh được hậu quả khó chịu? Đời con sẽ khó khăn chừng nào nếu mọi tư tưởng bất toàn đều đưa đến hậu quả vật lý?
Hiểu biết về bốn thể phàm cho con một cơ hội tuyệt vời để làm chủ cuộc đời mình bằng cách thanh tẩy chúng khỏi mọi tư tưởng và cảm xúc bất toàn. Bốn thể phàm của con càng trong sạch thì con lại càng làm chủ phản ứng của mình trước những khó khăn của đời sống. Thay vì cảm thấy con không có chọn lựa hay cảm thấy con không thể chọn giữa một số cách đáp ứng lại một hoàn cảnh, thì nay con có thể lấy chọn lựa tốt nhất cho con trong dài hạn. Con có thể chọn nghe theo lời khuyên của Giê-su nên chià má bên kia thay vì tìm cách trả thù (Matthew 5:39).
Luật Tự quyết có một ảnh hưởng quan trọng trên những gì thày đang nói ở đây. Chúng ta hãy lấy thí dụ con nghĩ một người đã làm điều gì không phải và con rất giận việc này. Con duyệt đi duyệt lại trong tâm hành động của người ấy, và qua đó con phóng ra một xung lực năng lượng tâm lý rất dũng mãnh. Khi xung lực đó đi vào tâm người kia thì rất có thể nó khuấy động thể cảm xúc của người ấy và khiến người ấy thêm xáo trộn. Con đã ảnh hưởng người ấy và khiến người ấy có khuynh hướng hành động giận dữ. Năng lượng con phóng ra vẫn ở tầng tư tưởng và cảm xúc, có nghĩa là người ấy có chọn lựa hành động theo năng lượng đó hay không. Con chịu trách nhiệm về những gì con phóng ra, nhưng con không chịu trách nhiệm về những gì người ấy làm với năng lượng đó. Người ấy chịu trách nhiệm về hành động của người ấy. Con đã ảnh hưởng quyền tự quyết của người ấy nhưng con không trực tiếp vi phạm quyền tự quyết của người ấy.
Ngay lúc con có hành động vật lý, tỷ dụ như trả thù, thì phương trình thay đổi toàn diện. Khi con có hành dộng bạo hành trên người ấy thì con trực tiếp vi phạm quyền tự quyết của y. Con đã mang tư tưởng và cảm xúc của con ra khỏi cõi tâm lý và mang nó xuống cõi vật lý là nơi chúng trở nên không thể đảo ngược. Trước khi con làm vậy thì người kia có thể tảng lờ xung lực năng lượng mà con phóng ra, nhưng một khi con ra tay hành động thì người kia không thể tảng lờ những gì con đã làm. Con vẫn không chịu trách nhiệm về phản ứng của người kia trước hành động của con (giống như người ấy không chịu trách nhiệm về phản ứng của con) nhưng con đã vượt qua một lằn ranh và nay hành động của con không thể đảo ngược. Con đã đi quá tầng lỏng của tư tưởng và cảm xúc, quá tầng thử nghiệm, và đi vào tầng hậu quả không thể đảo ngược. Mỗi hành động đều tạo một phản ứng ngược lại. Khi con có hành động vật lý thì con tạo ra một hậu quả không thể tránh cho con và người khác. Đây lại một lý do nữa để con trong lọc bốn thể phàm. Con sẽ có thể tháo gỡ các tư tưởng và ham muốn bất toàn trước khi chúng trở thành hành động vật lý và do đó có hậu quả khó khắc phục hơn rất nhiều.
Có một thực tại mà nhiều người đã bị lập trình để chối bỏ. Họ có thể đã bị lập trình bởi một tôn giáo chính thống hay bởi khoa học duy vật, nhưng đằng sau những hệ thống niềm tin đó là ông hoàng thế gian. Y đang cố gắng ngăn con chấp nhận trách nhiệm tối hậu về hoàn cảnh và tương lai của mình. Y muốn con tin rằng con có thể trốn tránh trách nhiệm về những gì con đã làm trong quá khứ bằng cách chối bỏ có kiếp trước. Khi con thừa nhận sự kiện con đã có kiếp trước thì con nhận ra con không thể trốn chạy bất cứ gì bằng cách phủ nhận sự hiện hữu của nó. Cách giải thoát duy nhất là tự thăng vượt.
Một lý do chính vì sao giáo lý về tái sinh bị rút ra khỏi giáo lý Thiên chúa giáo là vì nhiều người bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên. Họ không chịu chấp nhận trách nhiệm về những gì họ đã làm trong các kiếp trước. Với lô-gíc phi-lô-gíc của tâm nhị nguyên, họ suy luận là nếu họ phớt lờ hay chối bỏ khái niệm tái sinh, thì bằng cách nào đó họ sẽ trốn tránh được trách nhiệm. Họ có thể sống với ảo tưởng là hành động trong kiếp này sẽ không trở lại và ám ảnh họ trong một kiếp tương lai. Như Thánh kinh có nói: “Trả thù thuộc về ta; Ta sẽ hoàn trả, Đức Chúa Trời nói.” (Romans 12:19) và “Thượng đế không bị nhạo báng: vì bất cứ gì con người gieo thì họ sẽ gặt” (Galatians 6:7).
Những câu trích giản dị đó cho thấy Thánh kinh nhìn nhận một cách tiềm ẩn thực tại của tái sinh. Luật của Thượng đế nói rằng con chịu trách nhiệm về bất cứ gì con làm với năng lượng của Thượng đế. Năng lượng này sẽ được tấm gương vũ trụ phản chiếu lại con, và con sẽ không thể tránh trải nghiệm những điều kiện minh họa hành động quá khứ của con. Bất cứ gì con làm cho người khác, con sẽ không thể tránh chính mình trải nghiệm chúng.
Chuyện gì xảy ra nếu một người giết người mà không bị xã hội bắt? Nhìn bề ngoài thì người đó đã trốn tránh trừng phạt về hành động tước đi mạng sống của một con người, và do đó vi phạm quyền tự quyết của người đó. Không ai có thể tránh luật Thượng đế, do đó khi con có một hành động vật lý, thì con khởi động một nguyên nhân, một xung lực năng lượng. Xung lực sẽ luân lưu trong bốn tầng của cõi vật chất, và sẽ trở về con như một tình huống vật lý. Việc này sẽ cần thời gian và phản ứng của vũ trụ xảy ra trong một kiếp tương lai.
Thánk kinh nói là Thượng đế sẽ viếng những bất công của cha ông nơi thế hệ thứ ba hay thứ tư (Exodus 34:7). Tâm nhị nguyên sẽ xem đây là chỉ dấu Thượng đế là một sinh thể giận dữ trên trời, nhưng khi con công nhận sự thực của tái sinh, thì con có thể hiểu một cách sâu sắc hơn. Thế hệ thứ ba thứ tư không chỉ đơn giản là các con cháu vật lý mà có thể là chính hồn của con đã tái sinh ba hay bốn kiếp sau đó. Con có thấy chăng sự liên hệ có thể có giữa thế hệ thứ ba thứ tư mà Thánh kinh đề cập và bốn tầng của vũ trụ vật chất? Con có nghĩ chăng đây chỉ là một sự tình cờ hay có thể có ý nghĩa sâu xa nào chăng?
4.5. Luật nhân quả vận hành ra sao
Nếu con không có hiểu biết về tái sinh khi con lớn lên, thì đề tài này có thể gây bất an, thậm chí sợ hãi. Mục đích của thày là cho con tất cả những gì con cần để hiểu những gì có thể ngăn cản sự biểu hiện của dồi dào Thượng đế trong cuộc đời con. Để hoàn toàn hiểu điều này, con cần nhận ra là trong một kiếp trước con có thể đã khởi động một nguyên nhân đang biểu hiện bây giờ như hoàn cảnh vật lý. Hoàn cảnh này đang ngăn cản sự biểu hiện của dồi dào Thượng đế trong đời con. Nếu con chấp nhận điều này thì con có thể nhìn quá niềm tin đáng sợ và đầy đe dọa là con đang bị một Thượng đế giận dữ trừng phạt, và con không có lối thoát. Con sẽ vẫn có thể nhìn ra là luật Thượng đế quả thực đã được định ra để cho con cơ hội tăng trưởng tốt nhất.
Vũ trụ vật chất đã được tạo dựng với một yếu tố trì hoãn. Tấm gương vũ trụ không phản chiếu tức khắc lại con những gì con làm với người khác. Có một khoảng thời gian hồng ân và thày bây giờ muốn giảng cho con nó vận hành ra sao. Có nhiều người có một tuổi thơ rất khó khăn và một cuộc đời rất khó khăn. Họ đã lớn lên trong hoàn cảnh hầu như chắc chắn khiến họ tạo ra một ý niệm bản sắc ngắn hạn rất thấp so với tiềm năng Ki-tô của họ. Vì những điều kiện bất toàn hiện hành trên trái đất, nhiều người đã có khuynh hướng làm một số hành động chỉ có thể giới hạn họ và gây tổn thương cho người khác. Nếu tấm gương vũ trụ phản chiếu tức khắc những hành động này thì nhiều người sẽ tự tiêu hủy và do đó mất cơ hội tăng trưởng thêm trong kiếp sống này. Rất có thể là nhân loại cộng chung tạo một vòng xoáy hướng hạ có thể trong một khoảng thời gian rất ngắn phá hủy trái đất và khiến nó mất vai trò làm môi trường tăng trưởng tâm linh.
Để tránh kịch bản đó, Thượng đế đã thiết kế vũ trụ vật chất với bốn tầng. Khi con có một hành động vật lý thì con tạo một xung lực năng lượng được gửi đến cõi vật chất. Xung lực này sẽ luân lưu qua bốn tầng của cõi vật chất, và chỉ khi nó đã đi xuyên qua ba tầng cao thì nó mới trở về con dưới hình thức một hoàn cảnh thực, vật lý. Sự vận hành của luật nguyên nhân hậu quả này, mà các tôn giáo Đông phương gọi là luật nhân quả, rất phức tạp, do đó thày chỉ cho con ở đây một hình ảnh giản lược. Với mục đích giản lược, chúng ta hãy lấy trường hợp con giết một người khác. Khi con làm hành động vật lý này, con tạo một nguyên nhân, và hậu quả là con tước đi cơ hội tăng trưởng của người đó trong phần còn lại của cuộc đời tự nhiên của y. Lẽ tất nhiên, hành động của con vi phạm quyền tự quyết của người đó. Con sẽ phải chịu hậu quả gì?
Trước khi chúng ta khai triển tiếp, thày muốn nói rất rõ là dù con đã vi phạm luật của Thượng đế, Thượng đế không hề có ý muốn trừng phạt con. Toàn bộ quan niệm có một Thượng đế giận dữ và muốn trừng phạt là sản phẩm của tâm nhị nguyên, tâm phản-Ki-tô. Nếu con có hành động giết một người khác thì hành động đó là sản phẩm của một bất quân bằng nghiêm trọng trong ba thể phàm cao của con. Con chỉ có thể giết người khi con có những cảm xúc bất quân bằng rất nặng, và chúng phải bắt nguồn từ những tư tưởng vị kỷ bắt nguồn từ một ý niệm bản sắc méo mó. Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết, nhưng Thượng đế muốn con được giải thoát khỏi mọi ý niệm bản sắc bất toàn. Nếu con giết người, Thượng đế không có ý muốn trừng phạt con, nhưng Thượng đế có ý muốn con được giải thoát khỏi những niềm tin đã khiến con có hành động đó.
Đâu là cách tốt nhất để con tự giải thoát mình khỏi những niềm tin vị kỷ đó? Cách tối hậu để con tự giải thoát mình khỏi ý muốn giết người là con bị giết để như vậy con trải nghiệm thế nào là bị tước mất cơ hội hiện thân. Có nhiều người chỉ có thể thoát những niềm tin và ham muốn bất toàn khi trải nghiệm thảm kịch trong đời họ. Chỉ khi đó họ mới thức tỉnh để suy ngẫm và xét lại những niềm tin ăn sâu trong tâm họ. Tối hậu, rất có thể con cần trải nghiệm bị giết để con được giải thoát khỏi niềm tin bất toàn đã khiến con giết người.
Bởi vì Thượng đế không là một Thượng đế giận dữ và là một Thượng đế từ bi, nên ngài đã thiết kế một vũ trụ không giết con tức khắc khi con giết người khác. Thay vào đó, xung lực năng lượng mà con tạo ra khi con giết người luân lưu qua bốn tầng của cõi vật chất. Như vậy con có cơ hội giải tỏa những niềm tin nhị nguyên của con trước khi xung lực năng lượng, tức là nghiệp, trở về con như một hoàn cảnh vật lý sẽ khiến con bị giết. Vũ trụ được thiết kế để cống hiến con cơ hội tốt nhất để học bài học và vươn lên trên các niềm tin giới hạn. Khi năng lượng từ những hành động quá khứ trở về con, thì đầu tiên nó đi vào thể bản sắc của con. Nó sẽ khơi động những niềm tin đã khiến con giết người trong một kiếp trước, và đây là một cơ hội để con xem xét các niềm tin đó. Có thể con nghĩ vì sao giết người là sai. Nếu con không nắm lấy cơ hội đầu đó, thì xung lực năng lượng sẽ xuống thể tư tưởng và cảm xúc của con và tại các nơi đó con lại có thêm cơ hội để giải tỏa tư tưởng và cảm xúc của mình. Nếu con vẫn không nắm lấy cơ hội thì năng lượng sẽ đi xuống cõi vật lý và nơi đó nó sẽ thị hiện như một hoàn cảnh mà con bắt buộc phải chú ý.
Con được quyền chọn cách con học bài học trong đời. Con muốn học cách dễ hay cách khó? Con muốn đi học trường nội tâm tìm cầu hiểu biết tâm linh (như câu Thánh kinh: trong tất cả những gì con muốn, hãy muốn hiểu biết) hay con muốn đi học Trường đời Cay đắng? Luật nhân quả cho con một cơ hội vĩ đại. Có một số giáo lý tâm linh nói về nghiệp sa xuống. Sự thực là một hành động bất toàn do con làm trong quá khứ sẽ trở về con bằng cách đi xuống qua bốn tầng của vũ trụ vật chất. Bởi vì bốn thể phàm của con là thành phần của vũ trụ vật chất, nên khi hành động quá khứ đi xuống, nó đi xuyên qua bốn thể phàm của con. Nó đi qua bốn tầng của tâm con trước khi thể hiện như hoàn cảnh vật lý. Con có thể tiêu trừ xung lực năng lượng, con có thể tiêu trừ nghiệp đang sa xuống đó, trong các tầng bản sắc, tư tưởng, và cảm xúc. Con có thể ngăn nó trở thành thực tại vật lý.
Thày hiểu rõ vì sao nhiều người bên Tây phương chối bỏ quan niệm nghiệp và tái sinh. Họ làm vậy vì trong 1500 năm Thiên chúa giáo đã chối bỏ sự thực của tái sinh. Nhiều người Tây phương được biết tới quan niệm tái sinh qua giáo lý Đông phương, nhưng một số giáo lý này coi tái sinh như một định mệnh không thể tránh. Các giáo lý này cho rằng tất cả những gì xảy ra cho con trong đời này là sản phẩm của những nguyên nhân con đã tạo trong các kiếp trước, và do đó con không thể làm gì để tránh các biến cố đó. Đây là một một lời nói dối trắng trợn do ông hoàng thế gian đề ra. Đây là một mưu toan khiến con người bỏ cuộc trước khi tìm cách thay đổi định mệnh và tương lai của mình. Sự thực là tái sinh và nghiệp quả được thiết kế để cho con cơ hội tối đa thay đổi hoàn cảnh của mình, thay đổi quá khứ hay ít ra là tác dụng của quá khứ trên hiện tại và tương lai của con. Con không thể thay đổi hành động mà con đã làm trong một kiếp trước, nhưng con có thể thay đổi xung lực năng lượng mà con đã khởi động trong quá khứ. Con có thể hoàn nguyên năng lượng bị tha hóa khi nó đi xuống qua các tầng bản sắc, tư tưởng và cảm xúc, và qua đó ngăn nó thể hiện như hoàn cảnh vật lý.
Rất có thể là trong một kiếp trước con đã khởi động một nghiệp đang ngăn con hưởng được dồi dào trong kiếp này. Nếu con không thể thay đổi nghiệp đó thì làm sao con có thể thay đổi hoàn cảnh vật lý của mình? Con có thể quyết định với tâm ý thức là con sẽ cầu nguyện hay đọc lời khẳng định suốt ngày, nhưng nếu nỗ lực của con không đủ mạnh để tiêu trừ nghiệp đang sa xuống, thì con không có cách nào thay đổi hoàn cảnh vật lý của con. Nếu con thành thật muốn biểu hiện cuộc sống dồi dào, thì con cần khám phá cách tiêu trừ nghiệp từ các kiếp trước trước khi nó trở nên hoàn cảnh vật lý, vì khi đó con khó khắc phục nó hơn nhiều. Tư tưởng hay cảm xúc dễ đảo ngược, nhưng một khi con vượt qua lằn ranh vào cõi vật lý, thì con không thể quay ngược kim đồng hồ. Giống như vậy, nghiệp từ các kiếp trước dễ tiêu trừ khi nó chưa xuống tới cõi vật lý, nhưng một khi nó vượt qua lằn ranh và mang một hình tướng vật lý dày đặc, thì con khó giải thoát mình khỏi nó.
Để con có một hình ảnh minh họa việc này, con hãy tưởng tượng một núi lửa đang phun một dòng dung nham chảy xuống sườn núi. Dung nham lỏng như chất nước và có thể dễ thay đổi hướng chảy. Dung nham rốt cuộc chảy tới biển và nó đông lại rất nhanh và tức khắc trở nên đặc cứng. Giờ đây dung nham đã trở nên chất đặc và rất khó loại bỏ nó. Nếu con có một dụng cụ có thể tác động trên chất dung nham lỏng thì con có thể loại bỏ nó dễ dàng. Khi dung nham đã khô cứng thì con phải đập nó ra mảnh nhỏ trước khi loại bỏ nó. Sư khác biệt giữa nghiệp đang sa xuống và nghiệp đã đi vào cõi vật lý và trở nên hoàn cảnh vật lý cũng giống như vậy.
4.6. Làm cách nào tiêu trừ nghiệp
Làm cách nào con ngăn không để cho hành động quá khứ của con thể hiện như hoàn cảnh vật lý mà con không mong muốn? Thượng đế không muốn trừng phạt con; Thượng đế chỉ giản dị muốn con được giải thoát khỏi những niềm tin bất toàn. Vì Thượng đế đã cho con quyền tự quyết nên con chỉ có thể giải thoát mình bằng cách tự mình chọn lựa. Cách tối hậu để ngăn chặn nghiệp thể hiện là trong lọc bốn thể phàm. Nếu con tẩy rửa mọi tầng của tâm khỏi những niềm tin và năng lượng bất toàn đã khiến con giết người trong một kiếp trước, thì không có lý do gì để con trải nghiệm nghiệp vật lý của hành động đó. Nếu con đã học xong bài học mà con cần học, thì tại sao con lại phải gánh chịu hoàn cảnh vật lý? Thượng đế và các thày tâm linh của con có khả năng bỏ qua bên nghiệp đang sa xuống đời con. Năng lượng bất toàn tạo ra trong quá khứ vẫn cần được cân bằng, và con có trách nhiệm làm việc này. Con có thể làm việc này bằng cách cầu thỉnh ánh sáng tâm linh tái chỉnh lại năng lượng bất toàn bằng cách nâng độ rung của nó. Con có thể được giải thoát khỏi hành động quá khứ mà không phải trải nghiệm hậu quả vật lý. Chuyện này chỉ xảy ra khi con tiêu trừ nghiệp do tấm gương vũ trụ phản chiếu lại trước khi nó xuống cõi vật lý.
Khi con thanh tẩy bốn thể phàm thì nghiệp sa xuống sẽ hầu như bị tiêu trừ tự động. Để giải thích cơ chế này, thày sẽ trở lại hình ảnh của một niềm tin bất toàn trong thể bản sắc của con. Chúng ta hãy lấy thí dụ con có niềm tin mình là một cá nhân tách biệt và con có thể làm hại người khác mà không làm hại chính mình. Niềm tin này rất phổ thông trên hành tinh này và xuất phát từ tâm thức nhị nguyên. Niềm tin này có tác dụng giảm thiểu lượng năng lượng và độ rung của năng lượng chảy qua thể bản sắc của con. Vì con không nhân lên các khả năng mà con được phú, nên năng lượng chảy xuống từ cõi tâm linh bị giảm thiểu. Giản dị là không có bao nhiêu ánh sáng có độ rung cao chảy xuyên qua thể bản sắc của con. Niềm tin bất toàn trong thể bản sắc của con là nguyên do đưa đến việc con có hành động vật lý vị kỷ, và hành động vật lý này tạo một xung lực năng lượng, tức là nghiệp. Khi xung lực năng lượng này chảy xuyên qua thể bản sắc của con, thì không có ánh sáng có độ rung cao để nâng độ rung của nghiệp, không có ánh sáng để tiêu trừ nghiệp và ngăn nó sa xuống thêm nữa. Năng lượng tha hóa mà con có trong thể bản sắc không cản nghiệp vì nghiệp có cùng độ rung với năng lượng tồn đọng. Nghiệp có thể chảy tới thể tư tưởng mà không bị cản trở, và giờ đây nó chỉ cần tiến một bước nữa để thị hiện thành một hoàn cảnh vật lý.
Chuyện gì xảy ra khi con tháo gở niềm tin bất toàn và năng lượng tha hóa trong thể bản sắc của con? Thể bản sắc của con trở nên tràn đầy ánh sáng. Giê-su đã mô tả điều này qua lời dạy bí truyền rằng nếu mắt con đơn nhất thì toàn thân của con sẽ tràn đầy ánh sáng (Matthew 6:22). Một nghĩa của câu này là nếu thể bản sắc của con là “một” – nó không là ngôi nhà bị chia rẽ bởi niềm tin nhị nguyên do đó con thấy mình là một với Thượng đế – thì thể bản sắc của con sẽ tràn đầy ánh sáng. Ánh sáng có thể tích tụ trong thể bản sắc có độ rung rất cao, có nghĩa là nó có khả năng tiêu trừ độ rung thấp của nghiệp đang trở về. Nếu nghiệp có độ rung 800 Hz và thể bản sắc của con có thể cầm giữ ánh sáng với độ rung 90,000 Hz, thì ánh sáng có sức mạnh cao hơn và có thể dễ dàng tiêu trừ nghiệp và ngăn nó không sa xuống thêm nữa.
Còn nghiệp đã xuống tới tầng tư tưởng và cảm xúc thì sao? Con có thể tiêu trừ nghiệp đó bằng cách thanh tẩy hai thể tư tưởng và cảm xúc giống như con thanh tẩy thể bản sắc. Khi thể bản sắc của con đã được thanh tẩy, thì việc trong sạch hóa hai thể tư tưởng và cảm xúc sẽ dễ hơn rất nhiều. Còn nghiệp sắp đi qua lằn ranh xuống cõi vật lý thì sao? Con có thể làm gì để ngăn nghiệp này biểu hiện? Cách làm là thỉnh cầu năng lượng tâm linh có tần số cao bằng cách sử dụng một kỹ thuật thích đáng, và hướng nó tới việc tiêu trừ nghiệp đó. Để làm được việc này một cách hữu hiệu thì con cũng phải tiến hành một tiến trình chân thật thanh tẩy các thể cao của mình, và đây chính là mục đích của các bài thỉnh mà thày đã thiết kế.
4.7. Kiêu mạn là cạm bẫy
Trong bài này thày đã cho con một hình ảnh về cuộc sống tinh vi hơn rất nhiều những gì các tôn giáo truyền thống và khoa học duy vật cống hiến. Lúc ban đầu con có thể cảm thấy hơi choáng ngợp. Quả thật thày đang cống hiến con một cơ hội độc đáo để giải thoát khỏi những giới hạn mà con đang trải nghiệm mỗi ngày trong đời. Câu hỏi là con muốn tiếp tục trải nghiệm các giới hạn này cho đến cuối đời, hay con sẵn sàng quyết tâm cố gắng nâng mình vĩnh viễn lên khỏi các giới hạn đó?
Nhiều người bị choáng ngợp bởi các năng lượng mà họ mang trong tâm họ, những năng lượng tha hóa trong bốn thể phàm và nghiệp đang sa xuống, nên họ không thể kéo họ ra khỏi khung tư duy hiện tại của họ. Họ không thể bước ra khỏi cỗ máy chạy của cuộc sống hàng ngày để làm việc gì khác lạ sẽ vĩnh viễn giải thoát họ. Nếu con là một trong số những người này thì con đã không có chú ý và sự khát khao để theo học khóa này. Con quả thực có tiềm năng sử dụng giáo lý và các dụng cụ mà thày trao truyền trong khóa này. Con có thể đảo ngược vòng xoáy hướng hạ đang giam cầm con. Thay vào đó, con có thể tạo một vòng xoáy hướng thượng thường trực sẽ lần hồi dẫn con từ nơi con đang ở hiện nay tới nơi con thực sự mong muốn trong đời này, là một sinh thể có an bình nội tâm và đang ở trong dòng chảy dồi dào của Thượng đế. Khi con quyết tâm nỗ lực, thì con quả thực có thể xoay chuyển đời mình, con có thể chuyển cuộc đời thành một vòng xoáy hướng thượng. Chuyện này sẽ không thể hoàn thành một sớm một chiều, nhưng thày nhắc nhở con câu ngạn ngữ rằng cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu với một bước đi. Điều con cần thêm vào là nếu con tiếp tục đi từng bước một thì con sẽ nhất định tới đích.
Chìa khóa thực để phá vòng xoáy hướng hạ là tìm một cách hữu hiệu để thanh tẩy bốn thể phàm khỏi những niềm tin bất toàn và những năng lượng tha hóa đã tích tụ trong đó từ nhiều kiếp. Đây quả thật là điều thày cống hiến con trong khóa học này: một phương pháp có hệ thống để thanh tẩy bốn thể phàm. Tất cả mọi điều thày giảng trong khóa học này được thiết kế để thách thức những niềm tin nhị nguyên tàng trữ trong bốn thể phàm của con. Khi con theo khóa học tới điểm này thì con đã đi sâu vào tiến trình phơi bày các niềm tin đó. Con cũng đã sử dụng các kỹ thuật thực tiễn để thỉnh cầu năng lượng tâm linh có tần số cao và hướng nó vào các chướng ngại trong bốn thể phàm của con.
Trong chương kế tiếp, thày sẽ phơi bày một trong những cạm bẫy của ngã hữu diệt và hoàng tử thế gian, là tính kiêu mạn dưới nhiều lớp hóa trang của nó. Đây là cạm bẫy nghĩ mình đã biết hết mọi chuyện, do đó con không cần theo bất cứ khuôn mặt uy tín nào ngoài ngã hữu diệt và các khuôn mặt uy tín trong thế gian này. Con chắc nhớ câu nói kiêu mạn đi trước sa ngã. Câu này nói đúng, nhưng vấn đề lớn hơn là kiêu mạn ngăn con vực mình dậy sau khi sa ngã. Quả thực việc sa ngã không quan trọng – vì con không thể đảo ngược sự kiện đó. Nhưng điều con có thể thay đổi là chuyện xảy ra sau khi sa ngã, có nghĩa là thay vì bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên, con có thể bắt đầu đi theo vòng xoáy hướng thượng sẽ giải thoát con khỏi tâm phản-Ki-tô và dẫn con đi lên cầu thang xoắn ốc cho tới khi con trở về hợp nhất với cái ta cao của con. Con hãy để thày phơi bày âm mưu vi tế của kiêu mạn có mục đích giữ con kẹt trong vòng lẩn quẩn tâm linh có vẻ không có lối ra. Không có lối ra nào ngoài cách đi theo vị thày chân chính mà Thượng đế gửi xuống để giải thoát con.