Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 9 tháng 5, 2009, trong loạt bài về các tia sáng bí mật.
Vậy thày lại đến giảng về tia sáng tiếp theo, tia thứ mười. Nhưng con hãy lưu ý là các thày đánh số vì một số lý do thực tiễn. Con đừng quá dính mắc với tâm đường thẳng – như thày đã cố giải thích cho con theo nhiều cách – để cho rằng các tia bí mật cũng mang tính đường thẳng như bảy tia đầu. Không đâu, con yêu dấu.
Không phải là con phải đi từ số 8 lên số 9 rồi số 10 và cứ tiếp tục như vậy. Khi con vượt qua khai ngộ của tia thứ tám, con bước vào cõi của các tia bí mật, và cõi này thì mang tính quả cầu chứ không đường thẳng. Cho nên theo một nghĩa, chúng ta có thể nói là con kinh qua các khai ngộ của tất cả tia bí mật cùng một lượt. Nhưng có thể đôi khi con cần tập trung vào một tia đặc thù nhiều hơn là tia khác, và điều này tùy con đường cá nhân của con. Con không nên cảm thấy là con phải ép mình đi theo một con đường tuyến tính xuyên qua các tia bí mật, mà con hãy hòa điệu vào trong tim và cảm nhận tia nào là tia con cần chú tâm ngay lúc này.
3.1. Tự ngã không thể thấu rõ tính trong suốt
Tia kế tiếp là tia thứ mười, là tia của sự trong suốt. Một lần nữa, đây là một khái niệm mà tâm đường thẳng cảm thấy khó khăn, và tất nhiên tự ngã thì cảm thấy hoàn toàn bất khả thi, không làm sao xử lý được. Bởi vì làm thế nào tự ngã có thể sống sót trong sự trong suốt hoàn toàn? Như đã được giải thích trong kinh Sáng thế, sau khi Adam và Eva ăn trái cấm của tâm thức nhị nguyên, cả hai đã tìm cách lẩn trốn khỏi Thượng đế. À con yêu dấu, làm sao có thể tin được là con thật sự có thể lẩn trốn?
Hiển nhiên về mặt lô-gíc thì hoàn toàn vô lý là con có thể lẩn trốn khỏi Thượng đế, vì Thượng đế ở mọi nơi và trong mọi thứ. Cho nên để có thể tin vào khái niệm lẩn trốn, con phải bước vào trạng thái tách biệt, trạng thái nhị nguyên, nơi đó có một khoảng cách giữa con và Thượng đế. Bấy giờ con có thể dựng lên niềm tin là có gì đó không trong suốt, và như vậy con có thể lẩn trốn đằng sau cái đó.
Ví dụ, con hãy tưởng tượng có ai đó đang chơi trốn tìm với một nhóm trẻ con và tất cả bọn trẻ đều đi trốn. Một đứa trốn sau nhà, một đứa sau bụi cây, nhưng có một đứa cố trốn đằng sau một tấm kính trong. À, chắc chắn đứa này không trốn giỏi lắm, phải không? Và đây là điều con nhận ra khi có trong suốt: không gì có thể được che giấu. Mà tự ngã thì chỉ có thể tồn tại khi có ảo tưởng là có điều gì được che giấu – có một khoảng cách với cái Một của Thượng đế. Và tất nhiên, điều gì có thể được che giấu, điều gì có thể tách riêng khỏi cái Một?
Đây là sự kiện đã xảy ra như Maitreya đã giải thích, sau khi những sinh thể đồng-sáng tạo của Thượng đế tách mình ra khỏi vị thày tâm linh của họ – bởi vì chừng nào họ còn liên hệ trực tiếp với vị thày tâm linh thì họ không thể quên được họ là HƠN NỮA, họ đến từ một nguồn cội lớn hơn. Ngay cả nếu họ chưa có một cái hiểu trọn vẹn về nguồn cội này và chưa trải nghiệm trực tiếp sự hợp nhất với nguồn cội của họ, ít ra họ cũng có chút hiểu biết về điều này. Do đó họ không thể hoàn toàn chìm đắm trong tâm thức nhị nguyên, tin chắc là không có Thượng đế, hay tin rằng ngài là một sinh thể ở xa tuốt trên trời chứ không ở đây trên trái đất, và chính họ là những kẻ có tội chỉ vì họ đang sống. Tất cả những tin tưởng này chỉ có thể hiện hữu khi có gì đó che mờ sự trong suốt vốn là thực tại tiềm ẩn của vạn vật. Có ai đó đã ném bùn vào tấm kính của tâm thức nhân loại cũng như vào tấm kính cá nhân trong tâm thức mỗi người.
3.2. Điều gì che mờ sự trong suốt?
Vậy thì điều gì che mờ sự trong suốt? Để hiểu được trọn vẹn vấn đề này ngoài những gì đã được các thày truyền giảng về Ánh sáng Mẫu-Vật và các hình ảnh phóng chiếu lên đó, con cần hiểu một khái niệm một lần nữa sẽ rất khó khăn cho tâm đường thẳng – và tự ngã thì, một lần nữa, sẽ nổi loạn chống lại. Sự thật là mọi thứ đều là tâm thức, mọi thứ đều là nhận biết. Con là một người đồng-sáng tạo cùng với Thượng đế. Con là một sinh thể tự nhận biết. Nhưng làm thế nào con đồng-sáng tạo? Con đồng-sáng tạo bằng cách sử dụng thực tế duy nhất có mặt, cụ thể là điều các thày đã gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Các thày cũng đã giải thích là Ánh sáng Mẫu-Vật có tâm thức, mặc dù rất ít các con đã thực sự suy ngẫm điều này. Có nghĩa chính xác là gì, con yêu đấu? Có nghĩa là bất cứ gì được tạo ra, bất cứ gì được hình dung, bất cứ gì được tưởng tượng, cũng được thực hiện với tâm thức cơ bản này của Ánh sáng Mẫu-Vật.
Tâm thức này của Ánh sáng Mẫu-Vật khoác vào một hình tướng đặc thù. Tuy nhiên vì hình tướng này có ý thức, cho nên con có khả năng tạo ra đủ cường độ để cuối cùng cái có ý thức đó trở nên đậm đặc đến mức nó phát triển một dạng tự nhận biết thô sơ. Và như vậy, cái được tạo ra là một thể sống, đặc thù, nhận biết ý thức.
Con đã quen lớn lên trong một xã hội xem mọi thứ trong thế giới vật chất là những đồ vật và hình dạng vô tri vô giác. Tất nhiên đây là một cái nhìn thiếu chính xác đến độ, như thày đã có giải thích trước đây, ngay cả nền vật lý lượng tử cũng được chứng minh là không đầy đủ. Tâm thức là thực tại cơ bản bên dưới, con yêu dấu. Cho nên khi con, như một người đồng-sáng tạo tự nhận biết, áp chồng một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật, con không chỉ phóng chiếu một hình ảnh lên một vật vô tri vô giác là màn hình chiếu phim, mà con đang phóng chiếu lên sự nhận biết cơ bản của ánh sáng Mẹ.
Và khi con thấm đẫm hình ảnh này với đủ lực sống xuyên qua chú ý của con, qua nhận biết của con, thì hình ảnh sẽ đạt đến cường độ đó, độ phúc tạp đó, để giờ đây nó bắt đầu có cuộc sống riêng của nó. Cũng phần nào giống như giấc mơ muôn đời khi người ta tin có thể tạo ra sự sống, chẳng hạn như trong phim Frankenstein, có ông bác sĩ kia lấy nhiều bộ phận cơ thể, khâu chúng lại với nhau, thấm đẫm chúng với một sinh lực cao hơn, và bỗng nhiên nó sống dậy.
Trong cốt lõi đây là điều mà tất cả các con đều làm khi các con đồng-sáng tạo, vì đây chính là quyền năng của tâm thức của con. Con có quyền năng, xuyên qua khả năng tự nhận biết của mình, áp chồng sự tự nhận biết này, lực sống này, lên Ánh sáng Mẫu-Vật, cho đến khi nó hấp thụ đủ lực sống để hình ảnh mà con áp chồng trở nên sống động. Gần giống như con thấy trong phim hoạt họa, mặc dù mỗi hình vẽ là một hình chết, nhưng khi biểu diễn theo trình tự thì dường như các nhân vật trở nên sống động.
3.3. Đồng-sáng tạo từ hợp nhất
Vậy bây giờ câu hỏi trở thành, con dùng quyền năng đồng-sáng tạo của mình như thế nào? Liệu con sẽ đồng-sáng tạo xuyên qua trạng thái bất nhị hay trạng thái nhị nguyên? Con thấy đó, khi con dùng quyền năng đồng-sáng tạo từ trạng thái quân bình – trạng thái hợp nhất, nhận biết sự hợp nhất của mọi sự sống – con có thể sáng tạo những dạng sống riêng biệt, khoác lấy một đời sống, nhưng không phải một đời sống tách biệt, mất kết nối. Những dạng sống này trở thành một phần của Dòng sông sự Sống, vốn được tạo ra từ lực đẩy cùng Bản thể của tất cả những vị đồng-sáng tạo tự nhận biết đã đi trước con trong nhiều bầu cõi khác nhau, như Maitreya có giải thích. Cho nên khi nào con là một với Dòng sông sự Sống đó, bất cứ gì con sáng tạo cũng đều trở thành một phần của Dòng sông sự Sống. Trong khuôn khổ bài thảo luận này về sự trong suốt, chúng ta có thể nói là bất cứ gì con sáng tạo từ trạng thái hợp nhất đều mang tính trong suốt, có nghĩa là ánh sáng thuần khiết của Thượng đế có thể chiếu xuyên qua.
Con nghĩ xem con nhìn cửa sổ một căn nhà như thế nào. Nếu cửa sổ không trong suốt thì nó có giá trị gì không? Hiển nhiên là không, vì con muốn ánh sáng chiếu xuyên qua. Và đây chính là điều xảy ra khi con sáng tạo từ hợp nhất. Con tạo ra một dạng sống có thể khoác lấy đời sống riêng biệt, nhưng nó không tách biệt, mất kết nối. Và con thấy dạng sống này mang ơn sự hiện hữu, mang ơn đời sống của nó từ dòng chảy hằng sống đến từ một nguồn cội cao hơn, và mặc dù nó đến xuyên qua tâm thức của con, nó đến từ một nguồn cội cao hơn. Vì vậy, con nhận ra con là một người đồng-sáng tạo: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì. Cha ở trong ta mới làm.”
Bởi vì con đang sử dụng ánh sáng, lực sống của Thượng đế tuôn chảy qua tâm con. Con không thể sản xuất ra ánh sáng này từ cái ta ý thức hay từ tâm phàm của con. Con chỉ có thể nhận nó từ một nguồn cao hơn, từ Hiện diện TA LÀ của con cũng như từ đại đoàn ánh sáng có nhiều thứ bậc lên tuốt Đấng Sáng tạo. “Lên tuốt” tất nhiên hàm ý một khoảng cách to lớn, và điều này tuy không là thực tế nhưng vẫn có một thực tế nào đó do sự khác biệt về độ rung và tần số.
Giờ đây, miễn là con sáng tạo từ hợp nhất thì những gì con sáng tạo sẽ trong suốt. Có nghĩa là không ai có thể nhìn vào kết quả đồng-sáng tạo của con mà lại nghĩ rằng nó có thể tự thân nó hiện hữu. Con biết rõ không gì có thể hiện hữu mà không có nguồn cội, rằng mọi thứ đều có đời sống và hiện hữu của mình nhờ nguồn cội vượt khỏi mình. Và như vậy, không ai có thể bị kẹt vào một thế giới hình tướng đặc thù vì người ta sẽ biết là luôn luôn có gì cao hơn – bởi vì rõ ràng có ánh sáng đang chiếu xuyên qua.
3.4. Đồng-sáng tạo từ nhị nguyên
Vậy thì chuyện gì xảy ra khi con bắt đầu đồng-sáng tạo từ trạng thái tách biệt, từ ảo tưởng nhị nguyên? À, chuyện xảy ra là cái con tạo ra cũng là một dạng sống khoác vào một đời sống riêng biệt, nhưng trong trường hợp này, một đời sống tách biệt. Có lẽ con đã nghe nói từ nhiều giáo lý tâm linh về các tà thể, quỷ dữ và đủ loại sinh thể bóng tối. Đấy, con yêu dấu, những sinh thể như vậy được tạo ra qua tâm thức nhị nguyên. Nhưng con đừng ngây thơ mà nghĩ rằng những gì được tạo ra qua tâm thức nhị nguyên chỉ có thể mang hình dạng đen tối hay đáng sợ. Thực tế là con người đã tạo ra nhiều sinh thể, nhiều tà thể có vẻ tốt lành, mà họ tin là tốt lành, hay cần thiết, hay hữu ích, hay thậm chì còn phục vụ mục đích của Thượng đế. Thế nhưng chúng đều dựa trên cảm nhận tách biệt, ảo tưởng tách biệt.
Con thấy đó, ảo tưởng tách biệt là gì chứ? Như các thày đã giảng, Thượng đế ở khắp mọi nơi và trong mọi thứ. Con không thể tách khỏi Thượng đế – chuyện này không thể xảy ra. Cũng giống như giọt nước trong đại dương tuyên bố là nó tách biệt khỏi đại dương. Tuy nhiên do quyền tự quyết, con có thể tạo ra một dáng vẻ, một ảo tưởng là con tách biệt. Làm sao con làm được vậy? Con làm được vậy vì con sống trong một vũ trụ, trong một bầu cõi mà như Maitreya giải thích chưa đạt đến cường độ ánh sáng tới hạn. Nếu vũ trụ của con đã đạt đến cường độ ánh sáng này thì ánh sáng đã mãnh liệt đến độ nó có thể chiếu xuyên qua mọi thứ. Và như vậy, mọi thứ sẽ trong suốt, không gì có thể cản được ánh sáng, và ảo tưởng tách biệt không thể tồn tại.
Nhưng vì cường độ ánh sáng trong vũ trụ vật chất vẫn còn thấp hơn mức tới hạn – ít ra nơi một số khu vực của vũ trụ này, chẳng hạn như thái dương hệ của con – thì người ta có thể dùng quyền năng đồng-sáng tạo của tâm mình để bước vào một rung động thấp hơn, một rung động nằm dưới tần số của tình thương, và sử dụng một trong những rung động thấp này, cho dù là sợ hãi, tức giận, hận thù, phán xét, chỉ trích hay bất cứ gì, để đồng-sáng tạo một cái gì đó. Và cái này như thể trở nên dày đặc đến độ ánh sáng không thể chiếu xuyên qua. Thực tế là nó trở nên dày đặc đến nỗi khi con nhìn qua tấm màn đó thì con không thể thấy ánh sáng.
Ánh sáng vẫn còn đó. Ánh sáng vẫn còn ở khắp mọi nơi trong vũ trụ vật chất. Nhưng khi con, cái ta ý thức, chui vào một môi trường được tạo thành từ các tần số thấp hơn một mức nào đó, thì cái ta ý thức không thể thấy ánh sáng. Bởi vì con đã dùng quyền tự quyết của mình để tạo ra một quả cầu – quả cầu này không có thực thể mà nó chỉ hiện hữu trong tâm con, cho nên nó hình thành một tấm màn mà con phải nhìn qua. Giống như con dán một tấm giấy màu lên cửa sổ, nó làm giảm cường độ ánh sáng có thể chiếu qua, và nó cũng nhuộm ánh sáng một màu sắc nhất định. Và nếu con cứ tiếp tục dán thêm giấy lên cửa sổ, đến một mức con sẽ hoàn toàn chặn hết ánh sáng.
Tuy nhiên con hãy lưu ý điều thày vừa nói. Con đồng-sáng tạo bằng cách điều hướng lực sống chảy xuyên qua con. Khi con phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật, con có quyền, theo Luật Tự quyết, áp chồng bất cứ hình ảnh nào, bất cứ tâm ảnh nào lên ánh sáng đó. Nếu con muốn liên kết với những gì thày đã nói trong bài giảng trước, con có thể nói là Ánh sáng Mẫu-Vật tượng trưng cho khía cạnh Mẹ của sáng tạo. Còn lực lan ra là khía cạnh Cha tuôn chảy xuyên qua tâm thức của con, hướng vào Ánh sáng Mẫu-Vật, nơi nó khiến cho Ánh sáng Mẫu-Vật khoác lấy hình ảnh mà con giữ trong tâm con khi ánh sáng chảy xuyên qua.
3.5. Con có quyền năng tạo ra một sinh thể
Nhưng bởi vì tất cả mọi thứ đều là tâm thức, cho nên điều con sáng tạo không chỉ là một hình dạng vô tri vô giác, không chỉ là một hình dạng chết. Cuối cùng nó sẽ bắt đầu khoác vào một đời sống, và nó càng thấm đẫm lực sống xuyên qua chú ý của con thì nó sẽ càng hấp thụ nhiều sự sống hơn, và bản năng sinh tồn của nó càng bắt đầu phát triển. Đó là tại sao con có một tự ngã, tự ngã này có một bản năng sinh tồn, và trong tư cách đó nó sẽ tìm cách kiểm soát cái Ta Biết của con. Và cũng vậy, có thể có những tà thể đại chúng có đủ bản năng sinh tồn để tìm cách kiểm soát quần chúng, lôi kéo mọi người vào một chứng nghiện như hút thuốc chẳng hạn, sai khiến ánh sáng của họ để tà thể có dịp hút lấy và sử dụng ánh sáng hầu sống còn, thậm chí còn gia tăng cường độ.
Kề từ khi các sinh thể đầu tiên ở một bầu cõi trước rơi xuống nhị nguyên – do họ không chịu tự thăng vượt – họ đã dùng khả năng đồng-sáng tạo của họ để đồng-sáng tạo xuyên qua ảo tưởng, hay phin lọc, hay maya, của tâm thức nhị nguyên. Nhưng điều họ đã tạo ra là những tà thể, những sinh thể không có tự nhận biết như con – vì con là một phần nối dài của Đấng Sáng tạo – nhưng chúng có đủ nhận biết là chúng hiện hữu và chúng sẽ cần gì đó để tiếp tục hiện hữu. Chúng giống như một dạng động vật, tuy không có một khả năng tự nhận biết tinh xảo như con thấy nơi loài người, nhưng ít ra có một khả năng tự nhận biết thô sơ khiến chúng tìm cách kiểm soát bất cứ ai có thể bị tần số đặc thù của chúng kiểm soát. Tất cả các tà thể được tạo ra như vậy được Giê-su gộp chung lại trong từ “ông hoàng của thế gian.”
Và nếu chúng có thể nắm được gì trong con, chúng sẽ lôi kéo cái đó để ép buộc con đặt chú ý vào một số khuôn nếp, một số hình ảnh, hầu khiến con tha hóa ánh sáng và tiếp tục cung cấp lực sống cho chúng nắm giữ con. Nói chung, chúng sẽ vắt sữa con như thể con là một con bò sẵn sàng bị vắt sữa hai lần một ngày mỗi khi con bước vào một trạng thái tâm thức nhất định. Đây là sự thể con chứng kiến, không chỉ với các chứng nghiện vật lý, mà với quá nhiều người trở nên tức giận, hay sợ hãi, hay phán xét, hay chỉ trích – luôn luôn phê bình, phán đoán, phân tích mọi người và mọi chuyện, không những bằng tâm phân tích mà cả sự phán xét giá trị của tự ngã được áp đặt lên đó. Và điều này khiến cho ánh sáng bị tha hóa, và ánh sáng chuốc lấy một tần số thấp hơn dựa trên sự phán xét giá trị nhị nguyên xem mọi sự có tốt có xấu. Nhưng trong sự trong suốt thì khác, trong sự thuần khiết của trong suốt, mọi sự đều là sự biểu đạt của cái Một, cho nên không gì có thể tốt tương đối với xấu. Nó chỉ đơn giản LÀ.
3.6. Khai ngộ của tia thứ mười
Khi con đến tia thứ mười và khai ngộ của tia thứ mười, con cần nhận biết điều này. Đây là một chủ đề mà nhiều người, ngay cả nhiều người tâm linh, thà không muốn biết đến, không muốn nghĩ đến, không muốn nói đến. Bởi vì thật không yên lòng chút nào khi phải nhìn nhận là có lẽ mình đã dùng khả năng đồng-sáng tạo của mình để tạo ra một cái gì đã khoác lấy một đời sống riêng biệt mà giờ đây lại mưu toan kiểm soát mình cũng như kiểm soát người khác. Và rất có thể mỉnh cũng bị kiểm soát bởi một tà thể đại chúng mà loài người đã tạo ra suốt hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu năm trời, và tà thể đại chúng này đã trở nên dũng mãnh đến độ một cá nhân sẽ khó lòng nào cưỡng nổi lực kéo của nó.
Và đó chính là lý do tại sao khi con đi qua các khai ngộ của bảy tia sáng, con cần gây dựng một động lượng giúp con vượt ra khỏi lực kéo hướng hạ của tâm thức đại chúng. Nhưng đây cũng là tại sao con cần quay trở lại, như Mẹ Mary đã giải thích, để giải cứu bất kỳ khía cạnh nào của bản thể con còn kẹt lại trong trạng thái thấp này. Nhưng trong hầu hết trường hợp, con không thể giải cứu hoàn toàn cho đến khi con vượt quá bảy tia, bước vào tia thứ tám, bước vào tia thứ chín để đạt được sự quân bình đó, bởi vì quân bình chính là nền tảng. Khi con biết có sự quân bình vượt khỏi đấu tranh thì con có nền tảng để nhìn đấu tranh kỹ hơn, và đó là lúc con có thể ngộ ra là cuộc đấu tranh không giống những gì nó có vẻ từ một nhận thức phiếm diện.
Kỳ thực đó là một cuộc giao chiến giữa những uy quyền và thế lực mà giác quan lẫn tâm vỏ ngoài không thể nhìn thấy, một cuộc giao chiến giữa tất cả những tà thể đã được tạo ra như nói ở trên. Chính do chúng được tạo ra từ tâm thức nhị nguyên mà chúng phải “khóa sừng” với nhau trong cuộc giao chiến. Ánh sáng thuần khiết của Thượng đế vẫn trong suốt, vẫn rung động ở tần số của tình thương, vẫn vô hạn, nhưng khi ánh sáng chuốc lấy một rung động thấp hơn tình thương thì nó trở nên hữu hạn, nó bị giới hạn. Vì thế mà hiện nay, mặc dù sáu tỷ người trên hành tinh không ngừng tha hóa ánh sáng, nhưng vẫn chỉ có một lượng hữu hạn mà thôi. Có nghĩa là tất cả các tà thể kia cư ngụ trong trường lực, trong trường năng lượng của trái đất, bắt buộc phải chiến đấu giành giựt nhau. Giống như con thấy trên vùng thảo nguyên châu Phi, khi có một con vật bị chết thì lập tức bọn linh cẩu và kền kền sẽ táp tới tranh xé xác chết. Bởi vì chúng biết cái xác này chỉ tồn tại ngắn ngủi, và nếu chúng không nhanh chân thì những con khác sẽ giành mất. Và đây là nguyên nhân thực sự của đấu tranh.
3.9. Tại sao người ta tranh đấu
Có thể con nhìn người ta và tự hỏi: “Tại sao họ lại tranh đấu như thế nhỉ?” Và con có thể nhìn vào điều mà rất nhiều người thiện ý đã làm, đó là cố tìm ra một nguyên nhân tâm lý khi xem xét từng cá nhân, xem xét từng nhóm người, xem xét các tin tưởng của con người. Chẳng hạn con sẽ thấy hàng loạt người đi đến kết luận rằng nguyên nhân thật sự của mọi cuộc chiến là tôn giáo, là các tín ngưỡng tôn giáo. Và họ nghĩ, nếu như mình có thể loại bỏ tôn giáo và khiến cho mọi người chối bỏ niềm tin vào tôn giáo thì mình sẽ có hòa bình. Nhưng họ đã không nhận ra là không phải tôn giáo là nguyên nhân của chiến tranh, mà tôn giáo chỉ được sử dụng như một công cụ để kích động quần chúng khiến họ tha hóa ánh sáng của họ. Kỳ thực, nguyên nhân của tranh đấu và chiến tranh là sự kiện có những tà thể vượt khỏi cõi vật lý phải cần đến sự tha hóa không ngừng của ánh sáng để mà sống sót. Và nếu mọi người không tha hóa ánh sáng thì, đúng vậy, chúng sẽ tàn lụi.
Đó là tại sao chúng phải tiếp tục giữ chặt mọi người trong vòng kềm tỏa của chúng, để ai nấy cứ mãi đánh nhau trong một cuộc chiến điên rồ như con thấy ở vùng Trung Đông hay nhiều nơi khác. Chắc chắn con không thể bảo đó là ý muốn của Thượng đế đích thực, mà chỉ là ý muốn của một hình khắc về Thượng đế được phóng chiếu lên Thượng đế xuyên qua tâm thức nhị nguyên. Một lần nữa, có vô số tà thể như vậy được sinh tạo từ một hình ảnh nào đó về Thượng đế, một hình ảnh khởi lên từ nhị nguyên. Và nguy hại nhất trong số đó chính là những tà thể dính liền với một hình khắc về Thượng đế, bởi vì đó là các tà thể mà con người khó lòng từ bỏ nhất.
Con có thể lấy một tà thể, như tà thể thuốc lá chẳng hạn, và thấy hiển nhiên là nó rất nguy hiểm cho những người nghiện hút thuốc. Nhưng trong thế giới hiện đại, càng ngày người ta càng dễ thấy sự nguy hại của việc hút thuốc, và đây là lý do càng ngày càng có nhiều người bỏ được thói ghiền này sau khi nhận ra là nó hủy hoại cơ thể mình, thậm chí còn đem lại nhiều hậu quả tâm linh tiêu cực. Thế nhưng con hãy nhìn xem có bao nhiêu người vẫn còn mắc kẹt trong niềm tin là phải có một tôn giáo cao trội vả tôn giáo này do chính Thượng đế ban xuống? Nó là trát lệnh của Thượng đế, nó phải ngự trị khắp thế giới, bởi vì đó là cách duy nhất để cứu độ con người. Tất cả những kẻ thiếu đức tin kia sẽ không được cứu rỗi mà còn bị kết án sống đời đời dưới địa ngục.
Con hãy suy ngẫm xem người ta khó từ bỏ niềm tin này, ảo tưởng này, đến chừng nào để mà có thể ngừng cung cấp ánh sáng cho tà thể đại chúng đó – cho dù là tà thể đại chúng của đạo Cơ đốc, tà thể đại chúng của đạo Hồi, thậm chí cả tà thể đại chúng của đạo Phật. Bởi vì mỗi tôn giáo, mỗi hệ thống tín ngưỡng, đã tạo ra một tà thể đại chúng như vậy giao tranh với tà thể đại chúng của các tôn giáo khác – thậm chí còn nuôi béo cái tà thể lớn hơn là tà thể ăn bám vào chính việc tranh đấu, cho nên nó sẽ làm bất cứ gì để gây ra tranh đấu. Chắc chắn nền khoa học duy vật cũng đã tạo ra một tà thể đại chúng như vậy, cố tăng cường sức mạnh để chiếm đoạt, thậm chí cướp đoạt, ánh sáng của tà thể tôn giáo bằng cách khiến cho mọi người nghi ngờ tôn giáo và từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình.
Cho nên có những nhà khoa học tin rằng họ làm việc cho một đại nghĩa cao cả thật ra chỉ đang phục vụ cho cùng một mục tiêu mà họ thấy người sùng đạo phục vụ. Họ thấy sự sai lầm của những người sùng đạo cứ nuôi ánh sáng cho con quái vật kia, nhưng họ không thấy là chính họ cũng đang làm cùng chuyện này – họ chỉ đang nuôi một con quái vật khác mà thôi. Và cũng vậy, họ tin chắc vào tính ưu việt của thế giới quan của họ cũng như ý đồ áp đặt, cưỡng bách thế giới quan này lên người khác. Chuyện này không thể đến từ Thượng đế.
3.10. Làm thế nào tạo sự kết hợp giữa con người
Tại sao chuyện này không thể đến từ Thượng đế? Tại sao không thể nói được là Thượng đế duy nhất đã tạo ra tôn giáo chân chính duy nhất và muốn mọi người gia nhập tôn giáo này? À, bởi vì Thượng đế đích thực, Thượng đế Hằng sống, đã ban quyền tự quyết toàn diện cho tất cả các phần nối dài của ngài. Và vì vậy, Thượng đế đích thực không muốn mọi người kết hợp do bị buộc phải tuân theo một hệ thống tin tưởng vỏ ngoài. Chỉ có một cách để tạo sự kết hợp và hợp nhất đích thực giữa con người là gia tăng sự trong suốt, hầu càng ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận ra là mình đến từ một nguồn cao hơn. Và khi con thấy con đến từ một nguồn cao hơn thì con cũng thấy mọi người khác phải đến từ cùng nguồn cội đó, và như vậy, đây chính là sự kết hợp đích thực dựa trên trong suốt.
Khi tâm thức được nâng cao, ánh sáng sẽ chiếu xuyên qua tấm màn của tâm thức con người. Và khi càng ngày càng có nhiều ánh sáng chiếu qua thì chính ánh sáng là yếu tố kết hợp. Không phải một tôn giáo, không phải một ý thức hệ chính trị, không phải một thế giới quan khoa học – hay đúng hơn, một hệ tín ngưỡng khoa học – mà ánh sáng là yếu tố kết hợp duy nhất. Ánh sáng phơi bày bản chất của bóng tối: không thực, tạm thời, vô thường.
Bởi vì khi con thấy ánh sáng, con sẽ thấy chỉ có ánh sáng mới thực, và chỉ có cái thực mới có thể thường hằng. Trong khi đó mọi thứ khác bắt buộc phải phù du, một hình ảnh thoáng qua được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Hình ảnh này chỉ được duy trì cho đến khi còn có những sinh thể tự nhận biết nuôi giữ nó qua sự chú ý của họ, qua sự đồng hóa với nó, xem nó là một phần của bản sắc họ, thay vì nhìn thấy thực tại trong suốt rằng họ là nhiều hơn bất cứ gì trên trái đất – bởi vì họ là những sinh thể tâm linh – và họ có khả năng lập tức rút khỏi các khuôn nếp không thực này. Họ có khả năng lập tức vươn lên cao hơn khuôn nếp, bước xa khỏi chúng và từ chối nuôi dưỡng chúng qua ánh sáng của họ.
3.11. Lời dối bảo rằng con không thể thăng vượt
Con có thấy làm cách nào ông hoàng của thế gian đã cố tạo niềm tin rằng một khi con đã tạo ra tà thể đó thì con không thể đơn giản bước xa khỏi nó? Nhưng con có thể, con yêu dấu. Làm gì có cách nào khác để ngừng nuôi ánh sáng cho nó đâu? Con hãy xem lại bài giảng trước của thày về hành động. Con làm một hành động mất cân bằng, làm sao con gỡ bỏ nó đây? Con không thể gỡ bỏ nó bằng một hành động mất cân bằng khác. Con có thể có một hành động dựa trên một đối cực nhị nguyên, nhưng con không thể gỡ bỏ nó bằng một hành động dựa trên đối cực nhị nguyên ngược lại. Con chỉ gỡ nó được bằng cách vươn lên cao hơn nhị nguyên để con không còn nuôi dưỡng nó qua sự chú ý của con. Con không nuôi tà thể nhị nguyên này và cũng không nuôi tà thể nhị nguyên kia. Con chỉ đơn giản thăng vượt nó. Xong con để yên cho định luật thứ nhì của nhiệt động học, hay thịnh nộ của Kali, hay điệu múa của Shiva, tiêu hủy nó đi.
Đấng Sáng tạo của con không ngu đâu. Đây là một trong những cạm bẫy lớn nhất của tâm thức nhị nguyên. Nó tạo ra một thế giới quan, nó tin thế giới quan này là hoàn toàn hợp lý, xong nó tin là nó khôn hơn Thượng đế, vì ngay cả Thượng đế cũng không thể đoán trước được thế giới quan tinh xảo này. Nhưng Thượng đế đã thấy trước một cách chính xác những gì sẽ xảy ra khi ngài ban quyền tự quyết cho các sinh thể tự nhận biết, rằng một số sẽ bước vào tâm thức nhị nguyên và bị kẹt lại ở đó. Cho nên ngài đã thiết lập một hệ thống toàn hảo để đảm bảo một sinh thể khó lòng nào bị kẹt quá lâu trong nhị nguyên để mà rốt cuộc phải đối mặt với cái chết thứ hai. Vì vậy ngài ban cho con người tối đa cơ hội để bất cứ ai muốn thăng vượt cũng có thể quay trở lại với thực tại hợp nhất. Và quả thật, đó là tại sao hệ thống này được thiết kế, để khi con bước vào một trạng thái mất cân bằng thì con sẽ tạo ngay sự giao tranh. Con sẽ sáng tạo từ một cõi nơi giao tranh không thể nào tránh được, và vì vậy tạo vật của con sẽ bị hư hại, sẽ bị đe dọa, sẽ bị người ta chống đối, và con không bao giờ có thể có được thường hằng trong tạo vật đó.
3.12. Con không thể bước vào cùng dòng sông hai lần
Nhưng bây giờ chúng ta hãy tiến thêm một bước và xét xem tại sao con lại muốn thường hằng? Vì như các thày có nói, tự ngã được tạo ra vì cái ta ý thức nhận thấy tự ngã có thể cho nó một số lợi điểm. Con thử ngẫm câu này: “Bạn không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần.” Bởi vì thế nào là một dòng sông? Đó là một dòng nước không bao giờ ngừng chuyển động. Và khi con bước vào sông, con cũng đang bước vào một số phân từ nước. Nếu con bước ra khỏi sông xong bước vào lại, có những phân tử khác đã chiếm chỗ của những phân tử trước, và vì thế về mặt kỹ thuật cũng như trên thực tế, con không đang bước vào cùng một dòng sông.
Dòng sông sự Sống cũng như vậy đó, con yêu dấu. Dòng sông sự Sống luôn luôn chuyển động. Nó được thiết kế để những ai sẵn lòng nhập vào dòng tiến lên đó cũng không ngừng trở nên HƠN NỮA thay vì đứng yên hay trở nên kém hơn. Tại sao như vậy? Là vì tất nhiên, mục đích của một sinh thể tự nhận biết là khởi đầu với một khả năng tự nhận biết giới hạn, cục bộ, rồi khuếch trương cho tới mức Đấng Sáng tạo. Chúng ta có thể nói qua một hình ảnh mà con quen thuộc, rằng Thượng đế nghĩ con có thể bị nhàm chán nếu con cứ là cùng một người trong một thời gian quá dài, cho nên ngài đã cho con chọn lựa trôi theo Dòng sông sự Sống nơi tất cả đều luôn luôn mới.
Mặc dù Thượng đế đã cho con quyền được tạo ra bất kỳ trải nghiệm nào con muốn, khi con ở trong Dòng sông sự Sống thì mỗi trải nghiệm đều mới. Có tăng trưởng, có thăng vượt. Và do đó có thể có người không thể hoàn toàn chấp nhận hay thích ứng với dòng chảy không ngừng này, dòng thăng vượt không ngừng này. Họ muốn sở hữu gì đó, họ muốn chiếm hữu một trải nghiệm và giữ nó lại một thời gian thay vì thăng vượt nó. Nơi duy nhất mà con có thể sỡ hữu cái gì là trong cõi – trong bầu cõi, trong ảo tưởng – của tách biệt, nơi mọi thứ có thể được nhận thức là đứng yên một chỗ. Nhưng tất nhiên, sự thật là không gì có thể đứng yên, dù trong cõi hợp nhất hay trong cõi tách biệt. Trong cõi hợp nhất thì có động lực liên tục muốn trở nên HƠN NỮA, muốn thăng vượt, và trong cõi tách biệt thì có lực co lại của Mẹ – định luật thứ nhì của nhiệt động học, uy lực của Shiva – sẽ làm tan rã mọi vật.
Con có thể hoặc thăng vượt, tức là sống, hoặc cố đứng yên, tức là chết. Không có chọn lựa nào khác. “Hôm nay con hãy chọn phục vụ cho ai.” Con hãy chọn sự sống! Bởi vì trừ khi con chọn sự sống thì con sẽ chọn sự chết. Và con sẽ bị mất mát, con sẽ là ít hơn, cho đến khi cuối cùng con sẽ quên mất mình là ai và con tin con là một sinh thế kém cỏi hơn, dù là một người có tội hay một con vượn thông minh.
3.13. Cái con nghĩ con sở hữu sẽ sở hữu con
Mong muốn sở hữu có thể rất vi tế. Đó là điều thày đã gọi là dính mắc khi thày còn bước chân trên mặt đất. Đó là mong muốn sở hữu cái gì đó, kéo nó ra khỏi sự tự thăng vượt liên tục của Dòng sông sự Sống. Và con có thể tạo ra ảo tưởng là con đang sở hữu nó, nhưng cái con sở hữu chính là một tà thể được tạo ra qua sức mạnh chú ý của con. Và tà thể này bây giờ muốn sống còn. Làm thế nào nó có thể sống còn? Chỉ bằng cách con tiếp tục cung cấp ánh sáng của con cho nó, và điều này có nghĩa là nó muốn sở hữu con. Và chừng nào con còn tin là nó thực, chừng nào con cho phép nó ở trong quả cầu bản sắc của con, thì đúng là nó sở hữu con. Cái gì con tạo ra trong tách biệt sẽ sở hữu con. Con có thể nghĩ là con sở hữu nó nhưng sự thật thì ngược lại.
Đâu là khởi đầu của con đường tâm linh? Là khi một người đạt tới điểm – dù là có ý thức hay không – nhưng người đó đạt tới điểm quyết định: “Tôi không thể làm tiếp thế này được nữa. Phải có một cách nào hay hơn. Cuôc sống phải là hơn thế này.” Y sẽ nói, trên cơ bản: “Tôi không muốn bị sở hữu bởi chính tạo vật lầm lạc của tôi nữa. Tôi muốn tự do. Tôi muốn là hơn thế này.” Và như vậy y cất bước leo núi, lần lần rũ bỏ các lớp da rắn của bản sắc kém cỏi này, cho đến khi y có thể đứng thẳng tự do và nhận diện: “TA LÀ một sinh thể tâm linh. Ta là một sinh thể đồng-sáng tạo cùng với Thượng đế của ta.”
3.14. Tà thể và bệnh tật
Thày đã có giải thích cho con là mọi bệnh tật của cơ thể vật lý có thể được truy ngược về một trong những dạng tha hóa của bảy tia sáng. Con tạo ra điều gì thông qua các dạng tha hóa này mỗi khi con lấy một trong bảy tia sáng, trộn nó thành một đối cực nhị nguyên xong đồng-sáng tạo xuyên qua phin lọc này? À, con tạo ra một tà thể, một tà thể tách biệt sẽ bắt đầu sỡ hữu con.
Cho nên con sẽ thấy là cho mỗi chứng bệnh mà loài người biết đến, có một tà thể đặc thù đang hút đi ánh sáng, hút đi nguồn sống ra khỏi con người thông qua những đau đớn, khó chịu và tật nguyền của thể xác. Chú ý của con bị ép buộc phải tập trung vào cơ thể vật lý, thậm chí trong nhiều trường hợp, nó khiến con tin là do các hạn chế này của cơ thể mà con cũng bị hạn chế trong những gì con có thể thực hiện trong đời hay cách con sống cuộc đời của con. Trong nhiều trường hợp, nhiều người tin rằng mình không thể có được hạnh phúc hay an bình thật sự khi cơ thể của mình không ở trong một trạng thái toàn hảo nào đó.
Nhưng con nghĩ xem, có bao giờ cơ thể vật lý của con ở trong trạng thái toàn hảo hay không? Bởi vì khi con lớn lên, con muốn cơ thể mình mau mau trưởng thành để mình có thể làm tất cả những việc người lớn có thể làm. Nhưng đến khi chính con trở thành người lớn, lập tức con bắt đầu lo mình thêm tuổi, và cơ thể không còn xinh đẹp, dẻo dai hay mạnh mẽ như trước nữa. Nếu vậy thì có lúc nào cơ thể ở trong trạng thái toàn hảo hay không? Nếu hạnh phúc và sự an bình nội tâm của con tùy thuộc vào bất cứ gì trong cơ thể, thì xác suất sẽ rất cao là con không thể nào đạt được an bình đó. Cho nên con, như một người tâm linh, con đã đến đây để chứng tỏ rằng một người có khả năng vượt lên trên các giới hạn của thân xác, ngay cả bệnh tật của thân xác, mà vẫn tìm được sự an lạc, tâm an bình cùng với hạnh phúc.
Đối với một số các con, Sứ vụ Thiêng liêng của con không trù liệu con phải khắc phục một hạn chế hay một chứng bệnh đặc thù, mà Sứ vụ Thiêng liêng trù liệu con biểu hiện tâm an bình của con bất chấp hạn chế đó. Con có thể đạt tới điểm, một khi con đã chứng tỏ đầy đủ điều này thì con có thể chọn vứt bỏ nó đi và vươn lên cao hơn. Nhưng con cần biết là một số các con khi chiến đấu với bệnh tật, kỳ thực con đang chiến đấu với chính mình, chiến đấu chống lại Sứ vụ Thiêng liêng của mình đang muốn biểu hiện tâm an bình bất chấp điều kiện vật lý. Và điều kiện vật lý này có thể không chỉ là bệnh tật.
3.15. Hiểu sự trọn vẹn là gì
Do đó thày nói với con: “Hãy tìm kiếm trước hết vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài, thì tất cả những thứ kia sẽ được bồi thêm cho con.” Con hãy tìm kiếm trước nhất sự trong suốt, qua đó con nhìn vượt khỏi các điều kiện vật lý của con. Con nhìn vượt khỏi thành phần đó của con người con – tâm phàm muốn thoát khỏi cơn đau, hay sự khó chịu, hay những khó khăn – xong con nói: “Mục đích chủ yếu của tôi là sự trọn vẹn. Trọn vẹn là một điều kiện bên trong. Đó là một trạng thái tâm. Luôn luôn sẽ có một điều kiện vật chất nào đó sẽ chống lại sự trọn vẹn của tôi trong hiện thân này. Cho dù đó là một chứng bệnh thể xác hay những giới hạn vật lý, hay đó là người khác, luôn luôn sẽ có những điều kiện chống lại sự trọn vẹn, cho nên cách duy nhất để đạt trọn vẹn là tôi đạt trọn vẹn bất chấp mọi điều kiện vật lý.”
Bởi vì thật sự, sự trọn vẹn tâm linh không liên quan gì đến các điều kiện vật lý. Đó là một điều kiện tâm linh vượt trên mọi hoàn cảnh vật chất. Cho nên khi con đến tia thứ mười, con sẽ thấy – khi con neo trụ vào Hiện diện Trong suốt – là có gì đó vượt khỏi điều kiện vật lý. Và như vậy điều kiện vật lý không thể sở hữu con được nữa, nó không thể sở hữu Tánh linh của con, cái ta ý thức của con.
Con không còn đồng hóa với nó nữa, và như vậy con thấy con là HƠN NỮA nhiều quá đỗi. Và bằng cách đem cái HƠN NỮA này vào nhận biết ý thức của mình, con tự đồng hóa với cái HƠN NỮA bất chấp các điều kiện vỏ ngoài, vì con thấy thực tế là con luôn luôn sẽ bị hạn chế bởi cơ thể vật lý. Đây không phải là chuyện tìm kiếm một điều kiện toàn hảo nào đó để Tánh linh có thể biểu đạt qua cơ thể và mọi chuyện sẽ tuyệt hảo. Mà thực tế là mọi chuyện sẽ không bao giờ toàn hảo bởi vì sự toàn hảo không hề có.
Toàn bộ mục đích là sự biểu đạt bản thể tâm linh của con cho dù điều kiện bên ngoài có là gì. Đó là quả vị Ki-tô, đó là quả vị Phật, đó là tâm linh đích thực. Đó là khi con nhìn vượt trên hoàn cảnh bên ngoài và hoàn cảnh trở nên trong suốt đối với con, cho nên con nhìn thấy thực tại ẩn tàng bên dưới về con người mà con là, thực tại ẩn tàng của sự hợp nhất với nguồn cội của con, hợp nhất với mọi sự sống. Và đó là khi bằng cách tìm thấy an bình này, con chứng tỏ cho người khác làm thế nào họ cũng có thể tìm thấy an bình đó và nhờ vậy nâng cao toàn bộ Thân thể của Thượng đế. Thế là con trở thành cánh cửa mở.
3.16. Trở thành một sứ giả
Là cánh cửa mở có nghĩa là gì nếu không phải là trở nên trong suốt? Làm thế nào một người có thể phụng sự như một sứ giả? Con cần nỗ lực đạt đức tính gì để trở thành một sứ giả? À, để thày nói cho con. Cho đến khi con đạt được một mức độ điều ngự nào đó trên tia thứ mười của trong suốt, thì con không thể trở thành một sứ giả.
Bởi vì con sẽ làm gì nếu con không trong suốt? À, con có thể cho phép một luồng tâm thức và ánh sáng đi xuyên qua tâm vỏ ngoài của con, nhưng con sẽ áp đặt hình ảnh lên đó, là những hình ảnh con cầm giữ trong tâm con. Và như vậy, những gì đi xuyên qua con và biểu hiện ra thành từ ngữ sẽ không còn thuần khiết. Và thật vậy, nó có thể bị nhuộm màu đến mức nó che khuất thông điệp nguyên thủy.
Giê-su đã giải thích làm thế nào một số người có khả năng nhận được Thánh linh thuần khiết xối xuống, tuy nhiên lại nhuộm màu trải nghiệm này bằng những hình ảnh có mặt trong tâm vỏ ngoài, đến mức nó không còn đủ trong suốt để có thể giúp người khác tìm ngược lại nguồn gốc của ánh sáng. Trải nghiệm đã không mở lối mà còn trở thành mục tiêu, qua đó sứ giả đặt mình vào một địa vị có tín đồ đi theo, mong muốn tín đồ phải ở lại với mình và họ phải tùy thuộc vào mình để nhận được ánh sáng, thay vì nếu họ thấy một nét tâm linh nơi một người thì họ phải có thể dùng cái đó như là bàn đạp hầu ngộ ra thực tại tâm linh trong chính họ. Như thày có nói trong bài giảng mở đầu, việc tôn thờ đức Phật là sự mỉa mai cùng cực, vì mục đích của Phật đến đây là để giúp mọi người ngộ được Phật trong chính họ.
Trừ khi con đạt được sự trong suốt này – không cần hoàn toàn trong suốt mà chỉ cần đủ trong suốt để nhận ra là con không giữ độc quyền ánh sáng, con không giữ độc quyền các chân sư thăng thiên, mà con chỉ đơn giản là một cánh cửa mở để giúp người khác giải thoát – cho đến khi con nhìn nhận điều này thì con không thể là một sứ giả chân chính, con không thể đưa ra thông điệp giải thoát, con không thể trao tặng món quà sự sống sẽ đánh thức con người vào thực tại của sự sống bên trong họ. Họ sẽ tìm thực tại này nơi một con người vỏ ngoài hay một vị thần vỏ ngoài sau khi đã tạo ra thần tượng. Và một lần nữa, thần tượng làm gì chứ? Thần tượng che mờ sự trong suốt rằng ánh sáng ở trong tất cả và do đó cũng ở ngay trong họ. Thần tượng khiến họ tưởng ánh sáng chỉ có trong thần tượng, và họ chỉ có thể nhận được ánh sáng xuyên qua thần tượng. Nếu vậy thì đây là một sứ giả giả hiệu, vì y không phục vụ để giải phóng con người mà để giam chặt con người trong một hộp tư duy nào đó.
Cho nên con sẽ thấy – nếu con nhìn trung thực nhiều tổ chức tâm linh và tôn giáo – con sẽ thấy từ một tầm nhìn cao hơn là có nhiều người đã là sứ giả giả hiệu. Điều này không có nghĩa là họ không làm được gì ích lợi – và thày không muốn con áp đặt một sự phán xét đường thẳng ở đây – nhưng từ một tầm nhìn cao hơn và một hiểu biết về trong suốt, con thấy là nếu con áp chồng một hình ảnh như vậy lên việc rải truyền ánh sáng từ các chân sư thăng thiên, thì hình ảnh này sẽ che khuất thực tế của ánh sáng trong mỗi người. Và nếu vậy thì con không đang giúp người đó tăng triển quá một mức nào đó.
Một người có thể là một sứ giả chân chính cho bảy tia đầu nhưng không có sự nhận biết cùng tâm thức để phụng sự như một sứ giả cho các tia bí mật, vì người đó đã không sẵn lòng đạt đủ trong suốt trong tâm thức của mình – biết rằng mình không cần ai theo, mình không tùy thuộc vào việc người ta theo mình. Khi con là cánh cửa mở, con tìm kiếm trước hết vương quốc của Thượng đế, thế rồi ngài – chứ không phải những người theo con – sẽ cho con tất cả những thứ kia mà con cần. Con không tùy thuộc vào người theo con khi con thấy sự trong suốt rằng Thượng đế là nguồn cội duy nhất. Con sẽ không nghĩ là con cần bất cứ gì từ thế gian, con sẽ không nghĩ là con cần sở hữu người khác hay giữ họ gần bên con. Con sẽ cho miễn phí những gì con nhận được miễn phí, và con để yên cho mọi người làm bất cứ gì họ muốn với món quà của con.
Và nếu đến một thời điểm con không còn đủ thành viên hỗ trợ con nữa, à, khi đó con sẽ làm những gì cần thiết. Nhưng con sẽ không tìm cách thao túng người khác để con ở lại nơi con cảm thấy thoải mái – trong địa vị một sứ giả, một linh mục, một giáo hoàng hay bất cứ khuôn mặt thẩm quyền nào mà con đang giữ. Giống như các tu sĩ trong đền thờ mà Giê-su đã thách đố bao nhiêu lần bởi vì họ quá thoải mái, hay giống như các nhà Ba la môn mà chính thày đã thách đố khi thày còn bước chân trên địa cầu bởi vì họ quá thoải mái, cứ tin rằng họ là người làm trung gian giữa Thượng đế với quần chúng. Nhưng không hề có trung gian nếu người trung gian lại mang một cảm nhận sở hữu. Chỉ có trung gian đích thực khi sinh thể này trong suốt – biết rằng mình không sở hữu gì hết, bởi vì con không thể sở hữu Thượng đế, con không thể sở hữu Dòng sông sự Sống, mà con chỉ có thể xuôi chảy với nó bằng cách không ngừng thăng vượt chính con.
Nếu con không ngừng tự thăng vượt thì làm sao con có thể sở hữu bất cứ gì? Không thể nào sở hữu được, vì con không cần sở hữu khi con liên tục thăng vượt và trở nên HƠN NỮA. Tại sao con lại muốn sở hữu một cái gì khi con có thể tự thăng vượt và trở nên nhiều hơn cái đó? Thật chẳng hợp lý chút nào, ngoại trừ đối với tự ngã thì chuyện này hoàn toàn hữu lý vì nó không thể xuôi theo Dòng sông sự Sống, Nó không thể tồn tại khi con xuôi theo Dòng sông sự Sống, và vì vậy nó phải khiến con bám chặt vào một gì đó mà con không chịu buông ra, một ảo tưởng nào đó, một tin tưởng nào đó, một ý niệm cái ta nào đó.
Con nghĩ là nếu con buông nó ra thì sẽ không còn gì sót lại trong bản sắc của mình, bởi vì con chưa trải nghiệm bản sắc đích thực của con là một bản sắc trong suốt nơi ánh sáng không ngừng chiếu xuyên qua. Không thể nào có một bản sắc đích thực mà lại che mờ ánh sáng. Cho nên con hãy suy ngẫm bí ẩn này – một bí ẩn cho tâm đường thẳng – rằng bản sắc thực của con vẫn là một cá thể, nhưng nó trong suốt, trong suốt cho ánh sáng, một ánh sáng có thể được truy ngược về nguồn cội là Đấng Sáng tạo của con. Và khi con trải nghiệm sự trong suốt toàn diện này đến từ sự hàng phục toàn diện, thì con sẽ an bình. Con sẽ an lạc. Con sẽ là một sứ giả đích thực, một cánh cửa mở đích thực cho ánh sáng. Bởi vì nếu một cánh cửa mở không trong suốt thì nó không mở, có phải vậy không con yêu dấu?