3 | Từ chánh kiến đến cái hiểu cao hơn

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Bát chánh đạo là một điều mà nhiều người tự xem mình là Phật tử suốt các thời đại đã hoạt động trí năng đáng kể để cố tuân theo trong khả năng cao nhất của mình, có nghĩa là họ đã dùng trình độ nhận biết của họ và biết bao khuôn nếp có mặt trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của họ để tuân theo. Như được mô tả thì đó không phải là một con đường dễ theo, vì vậy thày sẽ cho con một số ý tưởng về cách làm thế nào con có thể đạt được một tầm nhìn mới về con đường này trong thế giới hôm nay.

Bình thường con đường này được định nghĩa là có tám bước, tám giai đoạn, tám phẩm chất, và chúng đều bắt đầu với từ “chánh,” như chánh kiến, vân vân. Nhưng liệu “chánh” có phải là từ thích hợp để sử dụng hay không khi con nhớ lời dạy của thày về các cặp? Tâm thức nhị nguyên luôn luôn muốn chia mọi chuyện thành ít nhất hai đối cực, xong áp đặt một phán xét giá trị bảo rằng cái này là đúng và cái kia sai, cái này là thiện và cái kia ác. Thay vì dùng từ “chánh,” chúng ta hãy dùng từ “cao hơn” – cái hiểu cao hơn, ý định cao hơn, lời nói cao hơn, vân vân.  

Vậy chúng ta hãy bắt đầu với điều mà theo truyền thống được xem là bước đầu tiên, Hiểu biết Cao hơn. Con thấy chuyện xảy ra ở đây là chúng ta vừa xoay chuyển. “Chánh” hàm ý một mục tiêu cuối cùng, một giai đoạn tối hậu nào đó. Đối với nhiều người, “chánh kiến” mang ngụ ý – và đã mang ngụ ý này suốt các thời đại – là con có thể đạt đến một cái hiểu tối thượng nào đó. Và nếu điều gì đúng tuyệt đối thì trong suy nghĩ của nhiều người, đó phải là điều cao nhất, là cái hiểu cao nhất. Cái đó không thể được nới rộng, không thể được thăng vượt, không thể nào qua mặt. Nhưng nếu vậy thì tại sao Phật lại đặt hiểu biết như bước đầu của một con đường tám bước?

3.1. Không hề có hiểu biết tối thượng

Nếu ngay từ bước đầu con đã đạt được một hiểu biết tối thượng nào rồi thì tại sao con lại cần đến bảy bước kia? Con thấy là bằng cách chuyển sang từ “cao hơn,” chúng ta hàm ý là luôn luôn có một cái hiểu cao hơn có thể được thu hoạch. Không có gì là chót cùng. Và chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích nếu con nhìn nhận là chừng nào con còn đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất với tâm thức tập thể dày đặc như thế này, thì không một hiểu biết tối hậu nào có thể đạt được.

Điều này một phần là do sự dày đặc của chính vật chất, nhưng cũng do sự dày đặc của tâm thức tập thể. Tất nhiên với thời gian thì tâm thức tập thể có thể được nâng lên, và nó đã được nâng lên. Sẽ tới một điểm trong tương lai khi con người có thể với tới một hiểu biết cao hơn hiểu biết hiện thời, nhưng đây vẫn không phải là hiểu biết tối thượng. Đó là tại sao Phật đã không đưa ra một tôn giáo với một vũ trụ quan phức tạp và bảo rằng đây mới là cách vận hành thực sự của vũ trụ. Phật nhận ra là tâm con người, nhận biết của con người, có giới hạn.  

Cách đây 2500 năm, tâm thức tập thể thấp hơn ngày nay. Về khả năng nắm bắt hiểu biết sâu sắc về vũ trụ học, con người thời đó còn bị giới hạn hơn cả con người thời nay. Ngày nay tâm thức đã được nâng lên đáng kể, phần nào do ảnh hưởng của khoa học, và do đó con người có một nền tảng tốt hơn để hiểu được một sự thật lớn hơn. Nhưng điều thiết yếu mà con cần nhìn nhận là trình độ hiểu biết hiện thời vẫn giới hạn, và nó sẽ còn giới hạn trong tương lai trước mặt.

Điều này có nghĩa khi con là một đệ tử tâm linh chân thành nỗ lực đạt đến giác ngộ, con không bao giờ có thể ngừng chân và cho phép mình tin rằng: “Bây giờ tôi đã đạt được hiểu biết tối thượng rồi”. Nhiều người đã làm vậy bằng cách lấy một giáo lý vỏ ngoài – dù là giáo lý đạo Phật hay bất kỳ giáo lý nào khác – xong rồi bảo:  “Đây là sự thật tối hậu, và vì tôi đã hiểu được giáo lý này cho nên tôi đã nắm được hiểu biết tối hậu.” Nhưng đây là một sự hiểu lầm về ý nghĩa của cái hiểu.   

3.2. Các hạn chế của tâm đường thẳng

Thày vừa nói là con người ngày nay có một nhận biết cao hơn 2500 năm về trước và điều này phần nào do khoa học đem lại. Nhưng khoa học chủ yếu dựa trên tâm suy luận phân tích, đường thẳng. Thày muốn nói gì qua từ “tâm đường thẳng”? À, tâm đường thẳng muốn nhìn mọi chuyện dưới góc độ nhân và quả. Nó cho là khi con nhìn cuộc sống trên trái đất, con luôn luôn phải có thể xác định rõ ràng: “Đây là một nguyên nhân tách biệt, đây là một điều kiện tạo ra một kết quả đã khởi đầu ở một thời điểm nào đó. Thông qua một chuỗi những bước đường thẳng dẫn từ cái này tới cái kế tiếp tới cái kế tiếp sau nữa, điều kiện hiện tại đã được tạo ra.”

Con thấy được rất nhiều ví dụ về cách suy nghĩ này trong khoa học, nhưng hãy lấy thuyết tiến hóa chẳng hạn. Người ta cho rằng có một tế bào đầu tiên xuất hiện, xong đến sinh vật có hai tế bào, xong đến sinh vật ngày càng phức tạp hơn, và lần hồi từng bước một, theo một đường thẳng, các loài hiện thời được sinh ra. Đây là – và thày không bình luận gì thêm về thuyết tiến hóa – một ví dụ của tư duy đường thẳng. Người ta lấy điều kiện hiện tại, người ta phóng chiếu một chuỗi bước đi từ điều kiện hiện tại về những nguyên nhân đơn giản hơn, và rốt cuộc người ta đến một điểm tận cùng là nơi quá trình đã khởi sự. Trong suy nghĩ của một số người, đây là thành tựu đỉnh cao của khoa học.

Tất nhiên đây không phải là điều thày giảng dạy 2500 năm về trước, vì khi đó thày dạy về lý duyên khởi, hay nhân duyên liên khởi. Sự thật là tất cả mọi thứ đều nối kết với nhau. Quả là có một số lãnh vực khoa học đã phát hiện ra điều này và nhìn nhận là người ta không thể tách rời bất cứ gì. Không có nghĩa là khoa học đã bị chứng minh là sai, vì tất nhiên là vẫn có giá trị trong việc xem xét một hiện tượng cụ thể, cố gắng mô tả nó và tách riêng ra một nguyên nhân nào đó. Cho nên phương pháp khoa học nhìn vào một hiện tượng tách biệt để cố tìm ra nguyên nhân, không phải là không chính đáng. Cái không chính đáng là khi một số người áp chồng một lớp phủ triết học và ý thức hệ lên trên tiến trình đó, bảo rằng có một thực tại tối hậu, khách quan trong việc xem hiện tượng là tách biệt và do đó phải có một nguyên nhân tách biệt. Nói cách khác, con có thể nhìn vào hiện tượng cụ thể này đây, nhìn vào các bước đã dẫn từ nguyên nhân ban đầu đến hiện tượng, thế là giờ đây con có thể biết tất cả mọi chuyện có thể được biết về hiện tượng.

À, rõ ràng đây không phải là cái hiểu cao hơn, bởi vì nó không còn chỗ nào để nới rộng, không còn chỗ nào để thăng vượt vào một cái hiểu cao hơn. Có lẽ cũng tốt thôi nếu con lấy một cái bàn bi-a và đặt lên đó một số bóng bi-a. Con lấy cây cơ và đánh một quả bóng, khiến nó lăn vào một quả bóng khác. Sau đó con đo bất cứ gì con có thể đo và con nói: “Nguyên nhân ban đầu là cái cơ bi-a đập vào quả bóng đầu tiên, sau đó với phương hướng và động lương, quả bóng đầu truyền sang quả bóng sau một lực nhất định, rồi quả bóng sau lại đập vào quả bóng khác và cứ thế.” Chuyện này hoàn toàn ổn thỏa nếu con muốn mô tả một hiện tượng đặc thù.   

Nhưng liệu chiếc bàn bi-a đó có là một hiện tượng tách biệt không? Làm thế nào nó đã ra đời? Nó chẳng do con người sáng chế hay sao? Chẳng phải nó dựa trên một số nguyên lý tổng quát về những gì có thể được thực hiện trong vũ trụ vật chất hay sao? Các nguyên lý này đến từ đâu? Con thấy đó, như các nhà vật lý lượng tử đã khám phá, con không thể thực sự nhìn vào một hiện tượng hạ nguyên tử và tách riêng nó ra, xong con dùng một tâm ảnh vĩ mô áp chồng lên hiện tượng và nói: “Đây, bây giờ chúng ta có một hạt tách biệt rồi. Chúng ta có thể tìm hiểu hạt hạ nguyên tử này như thể chúng ta tìm hiểu một quả bóng bi-a trên bàn bi-a.”

Các nhà vật lý lượng tử đã khám phá không còn nghi ngờ gì nữa là trong thế giới lượng tử không có hạt nào là tách biệt. Chúng là một phần của một tổng thể lớn hơn. Chúng có thể xa nhau một khoảng cách nhưng chúng vẫn nối kết với nhau, vì vậy mà sự thay đổi của một hạt đi liền tức khắc với sự thay đổi của một hạt khác cho dù rất xa nhau. Đây là điều một lãnh vực của khoa học đã khám phá. Nó đã không vô hiệu hóa phương pháp khoa học trong việc tìm hiểu một hiện tượng đặc thù, mà nó đã vô hiệu hóa cái lớp phủ ý thức hệ bảo rằng người ta có thể tách riêng một hiện tượng để đi đến kết luận là hiện tượng này có một nguyên nhân tách biệt. Không hề có hiện tượng tách biệt và cũng không hề có nguyên nhân tách biệt.

3.3. Tìm cách kiểm soát thế giới của những nguyên nhân tách biệt

Tại sao điều này lại quan trọng? À một lần nữa, chúng ta đã bắt đầu nói về chuyện gì chứ? Con sống trong một thế giới mà trong vài năm qua đã trở nên hỗn loạn hơn, khó lường hơn, khiến nhiều người  cảm thấy bất an về tương lai. Như thày đã nói, phản ứng của nhiều người là họ muốn duy trì cảm giác cân bằng của họ. Mong muốn đầu tiên của họ là tìm cách nào kiểm soát thế giới. Khi họ nhận ra là họ không thể kiểm soát thế giới thì họ bước vào phản ứng mà thày đã mô tả, là họ chối bỏ cảm xúc, chối bỏ tư tưởng và ý niệm bản sắc của họ, đẩy chúng xuống dưới mức nhận biết ý thức để họ có thể duy trì cảm giác cân bằng.

Thày cũng có mô tả là có một con đường cao hơn, đó là nhìn xem tại sao con cảm thấy như vậy, tại sao con nghĩ như vậy, tại sao con nhận diện mình là như vậy, và nhận ra là những thứ đó không là hiện tượng tách biệt. Có một lý do để chúng có mặt và con có thể phát hiện lý do này. Nếu thế thì đây chính là cái hiểu cao hơn , nhưng cái hiểu cao hơn còn là nhiều hơn vậy. Tại sao thày đã nói là trong thế giới hạ nguyên tử không có hiện tượng nào tách biệt? Bởi vì tất cả mọi thứ đều được tạo thành từ hạt hạ nguyên tử, hay ít ra tất cả mọi thứ trong cõi vật lý. Những gì con bình thường xem là thế giới vật lý mà con có thể phát hiện bằng giác quan hay dụng cụ khoa học, con nhìn chúng theo một quy định rất đặc thù. Con nhìn chúng như được tạo thành từ những vật tách biệt mà con áp chồng một tâm ảnh lên trên.

Nhưng ngành vật lý lượng tử đã chứng minh là không có vật nào tách biệt. Quả bóng bi-a không là vật tách biệt vì nó được tạo thành từ các phân tử, nguyên tử, hạt hạ nguyên tử, và ở sâu hơn nữa, từ tầng lớp cấu tạo ra hạt hạ nguyên tử, hay sản xuất ra, hay biểu hiện ra các hạt hạ nguyên tử. Có nghĩa là không có gì con nhìn thấy trong thế giới vật lý có thể tách riêng ra khỏi thế giới hạ nguyên tử. Nó được tạo thành từ chính thế giới đó.

Thêm vào đó, Albert Einstein đã chứng minh là vật chất vật lý thật sự không hiện hữu vì vật chất chính là năng lượng đã khoác vào một hình tướng cụ thể. Tầng lớp sâu hơn, tầng lớp sâu nhất của vật chất không phải là hạt. Đó là năng lượng. Tất nhiên, năng lượng không thể tách riêng ra như con có thể tách riêng một hạt. Một sóng năng lượng tỏa rộng trong không gian. Nó không có một vị trí riêng biệt. Con không thể cô lập một sóng năng lượng. Con không thể đông lạnh một sóng năng lượng xong bảo rằng bây giờ con có cái nhìn chính xác về sóng đó, bởi vì sóng không ngừng chuyển động. Khi thày nói về lý duyên khởi, đó chỉ đơn giản là một cách khác để nói về những gì các nhà khoa học lượng tử đã tìm ra, cụ thể là tất cả mọi thứ con nhìn thấy đều là sự biểu hiện của một cái gì con không thấy, và ở cùng cực, đó là sự biểu hiện của một tổng thể liên kết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau.  

3.4. Con không tách biệt khỏi môi trường của con

Điều này liên quan thế nào với lời dạy của Phật về giác ngộ? À, trải nghiệm của con như một người đầu thai trên trái đất là gì chứ? Bắt đầu với cơ thể vật lý. Con đã được nuôi dạy, thậm chí suốt nhiều kiếp sống, để xem cơ thể vật lý của mình như một đơn vị tách biệt, phần nào biệt lập. Con trải nghiệm cơ thể của con là một đơn vị mạch lạc, tích hợp. Con có thể quyết định đứng dậy khỏi ghế ngồi, đi dạo một vòng ngoài trời, và cơ thể của con di chuyển xuyên qua không gian bên ngoài như một khối riêng biệt. Nó có thể chịu một số tác động. chẳng hạn nếu có chiếc xe chạy tới có thể đụng con. Hay nếu có mưa từ trời rơi xuống, con bị ướt, cơ thể con bị ướt. Nhưng nói chung, con có cảm giác con là một đơn vị tách biệt và con có thể di chuyển theo ý muốn trong không gian vì đó là môi trường địa phương của con.

Khi con nghĩ về chuyện này, con cũng biết là lý do con có thể đi bộ trên mặt đất là vì có một lực vô hình, gọi là trọng lực, đang giữ con trên mặt đất để con không bay đi mất. Con biết một cách trí thức là có những lực ảnh hưởng cơ thể của con, có nghĩa là cơ thể con thật ra không tách biệt. Tất nhiên, con có thể nghĩ xa hơn và nhận ra là cơ thể được tạo thành từ nguyên tử, phân tử, hạt hạ nguyên tử cũng như từ sóng năng lượng. Cho nên nó không thể tách riêng ra khỏi môi trường năng lượng này nơi con sinh sống. Tuy nhiên, do ấn tượng từ giác quan vật lý, do sự dạy dỗ mà con đã nhận được trên trái đất trong kiếp này và ấn tượng từ tiền kiếp, hầu hết mọi người đều có xu hướng xem cơ thể của mình là tách biệt.

Hầu hết mọi người cũng có xu hướng xem thể cảm xúc của mình – nếu họ cho là họ có một thể cảm xúc – như một đơn vị tách biệt. Cũng tương tự vậy với thể lý trí và thể bản sắc. Con thường nghĩ mình là người có cảm xúc, nhưng chẳng phải là biết bao lần con đã bị ảnh hưởng bởi những ấn tượng đến từ ngoài, bởi những gì người khác làm hay nói với con hay sao? Nếu có ai giận dữ tiến lại gần con, con chẳng thấy là điều này tác động lên thể cảm xúc của con hay sao? Làm sao cảm thể của con lại tách biệt được?

Con chẳng đã trải nghiệm một ai đó đến nói với con điều gì khiến con bị phiền lụy hay sao? Con sẽ có xu hướng hoặc tin họ hoặc không tin họ. Con có thể nhập cuộc tranh cãi với họ. Hiển nhiên thể lý trí của con không là một đơn vị tách biệt.

Hầu hết mọi người không nghĩ đến chuyện ý niệm bản sắc của họ cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường sinh sống. Họ không nhận ra là họ đã được dạy dỗ dến chừng nào để có một ý niệm bản sắc nhất định. Họ cũng không nhận ra là suốt nhiều kiếp sống, họ đã bị lập trình đến chừng nào để chấp nhận mình là một sinh thể tách biệt. Khi con bắt đầu tìm kiếm cái hiểu cao hơn, con cần xem xét vấn đề này. Con cần xem xét là ở mức vĩ mô, ở mức của giác quan và tâm vỏ ngoài đường thẳng, con xem mọi hiện tượng là tách biệt. Có một sự lập trình khổng lồ trong tâm tiềm thức của con và trong tâm thức tập thể, tập trung vào việc nhận diện những khác biệt, những vật tách biệt và hiện tượng tách biệt.

Nhưng tất nhiên, cũng có một lý do rất thực tế cho chuyện này. Con cần có khả năng nhận diện những hiện tượng riêng biệt. Đây là một phần của khả năng sinh sống trong cuộc đời thực tế. “Chuyện này có nguy hiểm cho tôi không? Chất này có hại gì không nếu tôi đem nó vào cơ thể? Nó có làm tôi chết? Nó có giết chết cơ thế của tôi không?” và nhiều loại cân nhắc như vậy.

Một lần nữa, điều này tự thân nó không có gì sai trái. Vấn đề khởi lên khi con áp chồng một lớp phủ ý thức hệ lên những ấn tượng đến với con qua giác quan và tâm vỏ ngoài. Khi dó, có một phần khác của tâm vỏ ngoài bảo rằng những thứ đó đúng là tách biệt. Nó bảo những gì con trải nghiệm qua giác quan và tâm vỏ ngoài là sự thật khách quan. Ở ngoài kia là những vật tách biệt, chúng tách biệt khỏi cơ thể vật lý của con, tách biệt khỏi tâm con. Và vì vậy, nếu cơ thể của con không thể tác động đến chúng thì tâm con cũng không thể làm gì được. Và tất nhiên, vấn đề này cũng ảnh hưởng cách con quan hệ với người khác – họ tách biệt khỏi con.

3.5. Người không thể giết người

Nếu con nhìn các loài động vật, con sẽ thấy là hầu hết không giết hại một thành viên trong cùng giống loài với chúng, nhưng rõ ràng loài người thì có. Sự thật ở đây là một người không thể giết một người khác. Vì nếu con nhìn người kia như một người, như chính con, thì con không thể giết người đó. Đơn giản đây là một cơ chế sống còn ở cấp độ giống loài. Con cũng biết, vì các nhà khoa học đã nói với con như vậy, là có một cấp độ cá nhân và một cấp độ cho toàn bộ giống loài. Đôi khi một số cá nhân cần làm gì đó để đảm bảo sự tồn tại của cả giống loài – có thể qua sự truyền giống, sự bảo vệ, hay nhiều thứ khác nhau.

Để một loài có thể tồn tại, cần phải có một sự lập trình nào đó. Thậm chí trong cơ thể vật lý của con có một lập trình bảo rằng: “Đừng giết đồng loại của mình, vì giết đồng loại là một chiến lược sinh tồn rất tệ.” Tất cả mọi loài đều được lập trình để sống còn. Vậy làm sao lại có chuyện con người giết hại lẫn nhau và họ đã làm vậy từ khi có lịch sử ghi lại? Ấy, chuyện này xảy ra được là vì con có thể lấy ấn tượng từ giác quan và phin lọc nhận thức của tâm vỏ ngoài, và con có thể tạo ra tâm ảnh rằng người kia không phải là một con người như mình đây, mình không gắn liền với họ, và vì vậy mình có thể giết họ mà không ảnh hưởng gì đến mình. Đây là cách duy nhất một người có thể giết một người khác.

Câu chuyện này dẫn đến nhận xét gì? Ít nhất nó gợi ra cho con cái hiểu là con người có khả năng tạo dựng một tâm ảnh hoàn toàn xa rời thực tế. Khoa học đã cho thấy là mọi thứ đều liên kết với nhau, nhưng trong chiều dài lịch sử, loài người đã tạo ra tâm ảnh là họ tách biệt với nhau và do đó họ có thể giết hại nhau mà không bị ảnh hưởng gì. Phải, hiển nhiên con đã trải nghiệm việc một người có thể dùng cơ thể của mình để giết một cơ thể khác và cơ thể của mình thì không chết. Tất nhiên trên thế giới cũng có một phần lớn tin vào nghiệp quả, và do đó, con sẽ bị tác động khi con giết người khác, ngay cả trong những kiếp tiếp theo – cho nên ở đây có một sự liên kết nào đó.

Chắc chắn trong một phần lớn của thế giới hiện đại đã rời bỏ lời dạy của các tôn giáo về nghiệp quả, con chứng kiến tư duy tách biệt này khiến cho người ta tin rằng những gì họ làm tới người khác thì họ không đang làm tới chính họ. Con sẽ thấy là hầu hết mọi tôn giáo đều có lời răn: Đừng làm tới người khác những gì con không muốn người khác làm tới con. Tất nhiên, lời dạy này dựa trên sự nhìn nhận là mọi thứ đều liên kết với nhau, cho nên những gì con làm cho người khác sẽ tác động đến con.

3.6. Tách biệt dẫn đến sự phán xét giá trị

Đâu là khởi đầu của cái hiểu cao hon, bước đầu tiên của Bát chánh đạo? À, đó là khi con bắt đầu chất vấn cảm nhận tách biệt này, ảo tưởng tách biệt này. Đâu là cơ sở đã tạo ra ảo tưởng con là một sinh thể tách biệt? À, đó là điều mà cách đây 2500 năm thày đã gọi là những cặp đôi, nhưng với cách diễn tả hiện đại hơn, chúng ta có thể gọi là tâm thức nhị nguyên. Đó chính là ý tưởng rằng con có thể nhìn cuộc sống, con có thể nhìn thực tế mà có thể nói: “Đây là một hiện tượng riêng rẽ, khác biệt với hiện tượng kia.” Để cụ thể hơn: “Đây là một nhóm người khác biệt với nhóm người kia, họ khác màu da cho nên họ khác biệt.” Ở đây con chỉ có một sự nhận biết về điểm khác biệt trong các đặc tính bên ngoài. Sau đó con đi xa hơn.

Thay vì chỉ bảo rằng nhóm này có màu da này và nhóm kia có màu da kia, giờ đây con nói: “Có một tầm quan trọng ý thức hệ nào đó trong chuyện này.” Để đơn cử một ví dụ quen thuộc ở một thời điểm cách đây không lâu – mà một số người vẫn còn bị dính mắc – người da trắng từng xem bất cứ ai khác màu da đều thuộc một chủng tộc thấp kém hơn. Đây là lúc con dùng tâm nhị nguyên và nói: “Đây là một số khác biệt, khác biệt về màu da, nhưng chúng không chỉ là khác biệt vật lý.” Không, nó không giống như khi con lấy một bông hoa huệ và một bông tulip và con nói: “À, đây chỉ là những bông hoa khác nhau, chúng có hình thù khác nhau, chúng có màu sắc khác nhau, nhưng cả hai đều đẹp.” Thay vào đó con nói: ”Đây là một người da trắng. Đây là một người da đen. Màu da khiến cho họ khác nhau một cách cơ bản. Họ không chỉ là những biến thể của loài người giống như hai bông hoa là biến thể của loài hoa. Họ là những sinh thể khác nhau trong bản chất.”

Không những vậy, họ có thể được xếp vào một hệ thống nhị nguyên: “Màu da này khác màu da kia một cách cơ bản.” Thậm chí con có thể áp đặt lên đó một lớp phủ bảo rằng Thượng đế đã tạo ra một giống dân cao trội hơn giống dân kia. Xong con có thể làm thêm một thủ thuật nhị nguyên là áp đặt sự phán xét giá trị mà thày vừa nói đến. Con bảo giống da trắng cao trội và giống da đen thấp kém. Thậm chí con có thể đi xa hơn nữa và bảo rằng việc giống da trắng khuất phục giống da đen, biến người da đen thành nô lệ, là một chuyện hoàn toàn chấp nhận được. Nếu giống da đen kháng cự lại, thì việc giống da trắng giết họ là chuyện hoàn toàn chấp nhận được. Hay con có thể thế vào một giống dân khác và nói: “Chủng tộc Aryan cao trội hơn chủng tộc Do Thái. Việc người Aryan diệt chủng ngưởi Do Thái là chuyện hoàn toàn chấp nhận được, thậm chí còn cần thiết cho một đại nghĩa cuồng đại nào đó.”

Con sẽ thấy là khi con nhìn lại lịch sử và hỏi: “Người ta đã làm gì để có thể giết người như vậy,” con sẽ thấy là trong đa số trường hợp – và chắc chắn trong những trường hợp lớn rộng như chiến tranh hay diệt chủng – đó không chỉ là chuyện giết người do động cảm, như khi người ta sợ có ai khác sắp sửa giết mình. Không, ở đây có sự biện minh. Có sự biện minh tại sao giống da trắng lại có thể bắt giống da đen làm nô lệ. Có sự biện minh tại sao người Aryan lại tìm cách diệt chủng người Do Thái. Đây là tâm thức nhị nguyên. Nó dựa trên cảm nhận tách biệt, ảo tưởng tách biệt, nhưng nó đi xa hơn, tạo ra các đối cực nhị nguyên và áp đặt một phán xét giá trị. Bấy giờ, những kẻ tin tưởng vững chắc vào phán xét giá trị này có thể biện minh cho hầu hết mọi hành vi xâm phạm nhóm người mà họ đã dán nhãn là thấp kém.

3.7. Cảm nhận cao trội, nguồn gốc của đau khổ

Con thấy được ở đây là trong suốt lịch sử, con người đã nghĩ ra rất, rất nhiều cách biện minh khác nhau cho việc xâm phạm người khác. Tất cả đều dựa trên cảm nhận tách biệt, tâm thức nhị nguyên, dựng lên các đối cực và áp đặt một phán xét giá trị. Tuy nhiên từ một nhãn quan nào đó, con có thể nói: “Nhưng đây chính là điều mang lại cho những người này một trải nghiệm đặc thù.” Thày đã có nói về những người mong muốn cảm thấy cao trội hơn người. Tâm thức nhị nguyên này, sự phán xét giá trị này chỉ là một cái cớ để mang lại cho họ trải nghiệm là họ cao trội.

Chắc chắn là có thể nói như vậy, nhưng đâu là hậu quả khi làm vậy? Hậu quả là khi con bước vào tâm thức nhị nguyên đó, cảm nhận tách biệt đó, con chỉ có thể đau khổ. Có thể nói là tâm thức nhị nguyên, cảm nhận tách biệt chính là nguồn gốc của đau khổ. Cũng có thể nói là con không có cách chi thoát được đau khổ chừng nào con còn ở trong trạng thái nhị nguyên, tách biệt. Đây là điều mà cách đây 2500 năm thày đã gọi là Maya – ảo tưởng. Đây là ý nghĩa sâu hơn, là cái hiểu cao hơn về Maya: Con ở trong ảo tưởng rằng con là một sinh thể tách biệt.

Chuyện gì xảy ra khi con tự nhận diện mình là một sinh thể tách biệt? À, bỗng nhiên con tách biệt khỏi người khác, con tách biệt khỏi môi trường của con ở đây trên trái đất, và con tách biệt khỏi bất cứ gì ở ngoài môi trường của con, nghĩa là bên ngoài vũ trụ vật chất. Con không một mình trên trái đất. Có hàng tỷ người khác ở đây. Có một môi trường vật lý đôi khi biểu hiện thiên tai. Như một sinh thể tách biệt, con sẽ thấy mình bị đe dọa bởi các điều kiện trong môi trường của mình.

Đây là nguyên nhân khiến người ta tìm cách giành được chút nào quyền kiểm soát môi trường xung quanh. Người ta làm vậy ở mức độ vật lý thông qua sức mạnh thể xác hay bạo lực, bằng cách hoặc chế ngự người khác để kiểm soát họ, hoặc cố tiêu diệt người khác để họ không có mặt ở đây nữa. Người ta cũng làm vậy ở mức độ cảm xúc, qua đó nhiều người đi vào tiến trình liên tục tìm cách kiểm soát cảm xúc của mọi người xung quanh ngõ hầu tránh né các cảm xúc tiêu cực hay khó chịu nơi chính mình. Cũng vậy, nhiều người bước vào trò chơi kiểm soát tư tưởng, niềm tin hay hiểu biết của người khác, thậm chí cả ý niệm bản sắc của người khác.

3.8. Sự trớ trêu của tách biệt

Liệu con có bắt đầu nhìn thấy sự trớ trêu ở đây? Đây là một người. Y tự nhận diện mình như một sinh thể tách biệt, một con người tách biệt. Y có một cơ thể vật lý tách biệt. Y có một thể cảm xúc, một thể lý trí, một thể bản sắc tách biệt. Y sợ một chuyện gì đó sắp sửa xảy ra trong môi trường của y sẽ giết chết cơ thể của y. Y cố dùng phương tiện vật lý để kiểm soát môi trường này. Nhưng điều này rất khó thực hiện, và chưa một ai đã thành công hoàn toàn. Cho dù người ta có trở thành nhà độc tài quyền lực đến đâu, không ai có thể kiểm soát hoàn toàn môi trường của mình.     

Người đó cũng tìm cách kiểm soát cảm xúc, lý trí và ý niệm bản sắc của người khác xung quanh y. Nhưng tại sao y lại làm vậy? Y làm vậy để trốn tránh một số cảm xúc, một số ý nghĩ, một sự nghi vấn nào đó về bản sắc của mình. Nói cách khác, thật ra y đang tìm cách kiểm soát chính tâm của y, nhưng bởi vì y ở trong trạng thái tách biệt, tâm thức nhị nguyên, cho nên y cho rằng cách duy nhất để kiểm soát tâm mình là phải kiểm soát môi trường xung quanh mình, hoàn cảnh vật lý của mình, cảm xúc của người khác, ý nghĩ của người khác, ý niệm bản sắc của người khác.

Tất nhiên, điều này có nghĩa là y ở trong tình trạng giao tranh bất tận với người khác. Và người khác cũng tự xem mình là tách biệt, cho nên khi một người cố kiểm soát người thứ hai, thì người thứ hai cảm thấy bị đe dọa, cho rằng người thứ nhất đang hung hãn tấn công mình. Người thứ hai sẽ chống cự lại. Đây là Biển Luân hồi. Đa số con người trên địa cầu bị kẹt trong cảm nhận tách biệt, tâm thức nhị nguyên, và họ tìm cách kiểm soát lẫn nhau đề cố đạt được một trạng thái cân bằng, một sự an bình nào đó trong tâm họ.

Phải, một lần nữa con có thể nói: “Nhưng con người có quyền tự quyết, chẳng phải là họ được phép có bất kỳ trải nghiệm nào họ muốn hay sao?” Tất nhiên rồi. Thày chỉ đang chỉ ra là trải nghiệm mà họ đang có thông qua Maya, thông qua tách biệt, thông qua nhị nguyên, là một trải nghiệm vật lộn, và một trải nghiệm vật lộn chỉ có thể tạo ra đau khổ. Nó có thể cho con một cảm giác thích thú tạm thời khi con thấy giờ đây mình đã đạt được một trạng thái quyền lực, hay kiểm soát, hay an bình tối thượng nào đó. Nhưng trạng thái này luôn luôn bị đe dọa, và con sẽ luôn luôn biết điều này. Tại sao con biết? Bởi vì nếu con đạt đến một trạng thái quyền lực qua vũ lực, con sẽ ý thức được vũ lực. Con ý thức là có thể ai đó sẽ tìm cách tước đoạt những gì con đã thu hoạch qua vũ lực bằng cách dùng nhiều vũ lực hơn con.

Con hãy nhìn các nhà độc tài, nhìn xem hầu hết suốt đời càng trở nên hoang tưởng như thế nào. Dù họ có quyền lực và khống chế nước họ biết mấy, họ vẫn luôn lo sợ ai đó có thể đoạt mất quyền lực của họ. Đó là tại sao họ phải liên tục có một lực lượng công an mật vụ để nhận mặt và loại trừ những người có tiềm năng là mối đe dọa cho họ. Con hãy nhìn bao nhiêu nhà tỷ phú có nhiều tiền đến độ không thể nào tiêu hết, nhưng họ luôn luôn lo sợ có người đến cướp mất. Họ phải bảo vệ tài sản của họ hay họ phải kiếm nhiều hơn nữa. Chuyện này trở thành một vòng xoáy ốc không bao giờ chấm dứt vì họ đang cố làm chuyện bất khả thi. Họ cố kiểm soát trạng thái tâm họ qua việc kiểm soát ngoại cảnh. Một lần nữa, điều này hoàn toàn chấp nhận được nếu con muốn ở trong Biển Luân hồi, nhưng nếu vậy thì con không cần đến Bát chánh đạo.

3.9. Bát chánh đạo là giải pháp thay thế cho đau khổ

Bát chánh đạo không phải là những gì nhiều Phật tử đã kết luận. Đó không phải là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi hay Niết bàn. Đó không phải là một con đường cao trội. Bát chánh đạo không bao giờ có mục đích ép buộc con người phải theo. Kỳ thực mục tiêu của thày không bao giờ muốn những lời dạy này phải được truyền bá khắp địa cầu, rằng mọi người phải đi theo một đạo Phật vỏ ngoài và điều này bị áp đặt lên họ. Bát chánh đạo là một lời mời cho những ai đã chán ngán tình trạng bị sóng Biển Luân hồi xô đẩy tới tấp. Đây là những người tìm kiếm một cái gì khác hơn, họ cởi mở với ý tưởng là để đạt cái khác hơn đó, họ không thể cứ tiếp tục làm những gì họ đã làm cho đến nay. Họ cần làm gì đó khác hơn.

Đâu là bước đầu tiên trực chỉ cái hiểu cao hơn? Đó là trước tiên nhìn nhận là tâm con có những hạn chế. Ngay bây giờ con không có cái hiểu cao nhất. Thật ra con không một có cái hiểu cao hơn – bởi vì ở ngay thời điểm này, con đang có một trình độ hiểu biết nào đó, nhưng có thể có những mức hiểu biết cao hơn. Để đạt đến những mức hiểu biết cao hơn này, con phải làm gì đó khác hơn, một cái gì đó mà hiện nay con không làm. Đâu là cái khác hơn? À, đó là con phải ít nhất nắm bắt được sự cần thiết phải thăng vượt Maya, ảo tưởng, ảo tưởng tách biệt, ảo tưởng nhị nguyên, các đối cực nhị nguyên, sự phán xét giá trị, cảm nhận cao trội lẫn cảm nhận thấp kém. Con phải chất vấn toàn bộ tư duy đó. Con phải bắt đầu chất vấn nó.

Việc này con không thể làm tất cả cùng một lượt. Con cần một sự liên tục nào đó. Đây là một con đường tuần tự chất vấn những ảo tưởng của Maya. Con cần thời gian. Thật ra con cần nhiều kiếp, nhưng nhiều người hiện đang đầu thai – đặc biệt ở các quốc gia hiện đại hơn, phát triển hơn – đã làm điều này trong những kiếp trước. Họ đã khởi sự tiến trình này trong tiền kiếp và tất cả những gì họ cần làm bây giờ là nối kết lại với sự thật là họ cần chất vấn tâm họ, chất vấn cách họ nhìn cuộc sống, cách họ tiếp cận cuộc sống, đặc biệt là ảo tưởng tách biệt, các cặp đôi, các đối cực nhị nguyên.

3.10. Tâm con có thể biến thành một hệ thống đóng kín

Việc này bắt đầu với một sự nhìn nhận mà thày khó lòng đưa ra 2500 năm về trước nhưng có thể đưa ra ngày hôm nay. Sự nhìn nhận này là tâm con người có xu hướng biến thành một hệ thống đóng kín. Con không phải là một hòn đảo. Không người nào là một hòn đảo. Con không phải là một sinh thể tách biệt. Con được nối kết theo nhiều cách vượt khỏi tầm nhìn của mắt thịt, không những với người khác mà với môi trường nơi con sống cũng như với một nguồn cội vượt khỏi môi trường của con – một điều mà chúng ta chưa cần bàn vội. Nhưng con cần biết là có cái gì đó ở ngoài thế giới vật chất – con là ai, con được sinh tạo như thế nào.

Con không nhìn thấy được điều này ngay bây giờ. Lý do con không nhìn thấy là vì tâm con đã bị che mờ bởi Maya, bởi nhiều ảo tưởng khác nhau, nhiều khuôn nếp phản ứng khác nhau trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Bát chánh đạo là một tiến trình tuần tự, từng bước một, mỗi bước một lượt, để đem các ảo tưởng và khuôn nếp phản ứng đó vào tâm ý thức, xem xét chúng một cách phân biện, lượng định hậu quả của chúng, thậm chí cả sự chính đáng và nhất quán của chúng. Và sau đó đi đến kết luận là ảo tưởng này đây và khuôn nếp này đây đang giới hạn mình. Và mình đã chán ngán sự giới hạn, vì chính giới hạn luôn luôn giữ mình kẹt lại trong Biển Luân hồi nổi sóng.

Con có khái niệm về Biển Luân hồi, nhưng bên kia biển, hay ít nhất ở một bên biển, là bến bờ bên kia. Con có thể đến đó bằng cách dùng thuyền, một con thuyền Bát nhã được tạo thành từ giáo lý và tu tập. Một lần nữa, con không thể lấy giáo lý vỏ ngoài, học giáo lý, thực hành pháp tu mà nghĩ rằng con sẽ tự động sang được bờ bên kia. Con sẽ chỉ sang được bờ bên kia bằng cách tự xem xét mình, nhìn vào bản thân, nhìn vào các tin tưởng, các khuôn nếp của mình. Con tự hỏi xem tại sao mình phản ứng cách đó, tại sao mình lại nghĩ kiểu đó, tại sao mình xem mình là loại người đó. Con tuần tự chất vấn tất cả mọi điều như vậy và giải thể từng ảo tưởng một. Đây chính là con thuyền Bát nhã. Đây là cái sẽ chở con đi một khi con leo vào đó, một khi con đã neo chặt vào ý nghĩa của đường tu. Đây là cái sẽ chở con băng qua Biển Luân hồi. Không có nghĩa là con sẽ không bị sóng đánh, bởi vì con sẽ bị sóng đánh, nhưng ít ra con có thể nắm vào cái gì đó sẽ chở con đi xa hơn.

Đây là khởi đầu của minh triết, khởi đầu của hiểu biết. Tâm con có thể trở thành, hay đúng hơn đã trở thành, một hệ thống khép kín. Tại sao thày lại nói vậy? Làm thế nào thày nói được vậy? À, con có cảm thấy mình là Phật ngay bây giờ không? Con có cảm thấy là mình giác ngộ, mình đang ở trong trạng thái Niết bàn hay là Luân hồi? Con có cảm thấy là con đang an bình? Nếu vậy thì cho thấy tâm con là một hệ thống khép kín. Nó khép kín vì con đã dùng khả năng của tâm để kềm nén cảm xúc, tư tưởng và ý niệm bản sắc, để kềm nén bất cứ gì làm con xáo trộn, nhưng chính điều này cũng trở thành một chiếc áo bó tay bó chân giữ chặt con lại, trói buộc con lại. Bởi vì bất cứ khi nào có một ý tưởng mới đến với con, nó phải nhét vừa vào hệ thống sẵn có, tức là kho dữ liệu tiềm thức ở trong con đánh giá mọi ý tưởng mới, bảo rằng: “Chuyện này có nguy hiểm không? Có đúng không? Có phải là một điều tôi cần xem xét hay không xem xét?”  

3.11. Làm thế nào một vị thày tâm linh có thể giúp con?

Một lần nữa, thày đã nói gì về vấn đề nan giải của một vị thày tâm linh? À, một thày tâm linh không bị vướng trong Maya, không bị kẹt trong Biển Luân hồi, nhưng con thì đang bị. Làm thế nào vị thày tâm linh có thể giúp con thoát ra khỏi Maya? Maya là gì chứ? Con có một tin tưởng mà thật sự là một ảo tưởng, nhưng con lại tin đó là sự thật. Con tin chắc đó là sự thật – thế giới là như thế này. Chính tin tưởng này giữ con lại trong Maya. Làm thế nào vị thày giúp được con đây? Đấy, con phải nhìn ra tin tưởng của con là một ảo tưởng.

Điều này có nghĩa là vị thày phải thách thức tin tưởng của con. Tiến trình mà thày vừa mô tả có nghĩa là có một phần trong tâm con đang muốn đè nén bất cứ gì thách thức tin tưởng của con. Nhiều người gặp được một lời dạy tâm linh khác với giáo lý mà họ đang có. Họ nhìn vào lời dạy nhưng tâm ý thức của họ không bao giờ nắm được ý nghĩa hay tầm quan trọng của lời dạy, bởi vì tâm tiềm thức của họ bác bỏ, hay tô màu, hay diễn giải lời dạy. Như thày đã nói, con không thể làm gì khác. Con phải bắt đầu từ đâu đó, và khi con tìm thấy một lời dạy tâm linh, con sẽ diễn giải nó xuyên qua trình độ tâm thức hiện tại của con.

Một lần nữa, điều này tự nó không phải là một vấn đề lớn. Vấn đề là nếu con không nhận ra là chính con đang giới hạn lời dạy, rằng con đang áp chồng một cái gì đó lên lời dạy, thì cái đó sẽ ngăn cản con đi bước kế tiếp trên con đường dẫn đến giác ngộ. Con thấy không, có rất rất nhiều người – cho dù họ là Phật tử hay những người có khuynh hướng thần bí hơn, Thời Mới hơn mà con gặp thời nay – đã nhìn vào khái niệm giác ngộ và họ đã áp chồng lên đó một hình ảnh dựa trên mức tâm thức hiện thời của họ. Nhiều người có nguyên một hộp niềm tin mà họ vô cùng gắn bó. Họ nghe nói về khái niệm giác ngộ và họ thấy có vẻ cũng hay. Nhưng một cách vô ý thức, họ lại phóng chiếu ra hình ảnh là một khi mình giác ngộ, mình sẽ nhận được sự chứng thực về các niềm tin mà mình hiện có, và mình sẽ thấy các tin tưởng hiện thời của mình đúng là chân lý tối thượng. Và tất nhiên, khi có người khác giác ngộ thì người đó cũng sẽ thấy tin tưởng của mình là chân lý tối thượng, và như vậy mình đã luôn luôn đúng.

Đây là một khía cạnh khác của mong muốn cao trội. “Chắc chắn một vị giác ngộ sẽ đồng ý với tôi, với các tin tưởng hiện thời của tôi, vói cách tôi đang nhìn cuộc đời.” Nhưng con thấy đó, nếu con chưa giác ngộ thì làm thế nào một vị giác ngộ có thể đồng ý với con? Con chưa giác ngộ chính là vì con còn ảo tưởng. Một vị giác ngộ không có ảo tưởng, đã thăng vượt ảo tưởng. Cho nên làm thế nào vị đó có thể đồng ý với con là các ảo tưởng của con không là ảo tưởng mà là sự thật? Đây không phải là một kịch bản thực tế. Những ai tin vào chuyện này sẽ chỉ giữ mình kẹt lại trong Biển Luân hồi, giữ cho tâm mình bị Maya xâm chiếm. Họ vẫn ở đằng sau tấm màn Maya.

Khởi đầu của Bát chánh đạo là sự sẵn lòng chất vấn chính tâm mình, nhìn ra là nó đã biến thành một vòng tròn khép kín đang tự xác nhận và tự củng cố. Sau đó là sự sẵn lòng nắm lấy lời dạy, và thay vì cố khiến cho lời dạy phải xác chứng các niềm tin hiện có của mình, thì con dùng lời dạy để tra vấn các tin tưởng, các ảo tưởng hiện có. Đó chính là Bát chánh đạo. Cho đến khi con có được cái hiểu này, con không thể thực sự cất bước trên con đường Bát chánh đạo chân chính. Thay vào đó, con sẽ khởi sự đi trên con đường giả dựa trên việc sử dụng các tin tưởng hiện thời của mình để định nghĩa thế nào là chánh kiến, thế nào là chánh tư duy, thế nào là chánh ngữ, thế nào là chánh nghiệp, thế nào là chánh mạng, thế nào là chánh tinh tấn, thế nào là chánh niệm, thế nào là chánh định. Tất cả đều “chánh” vì nó xác chứng cho các tin tưởng hiện thời của con.     

Các tin tưởng hiện thời của con là ảo tưởng. Làm thế nào một lời dạy chân chính có thể xác chứng chúng được? Con chỉ có hai lựa chọn ở đây. Hoặc Phật đã cho con một giáo lý giả trá, hoặc tin tưởng hiện thời của con là ảo tưởng. Con không thể có cả hai đường. Chọn lựa tức là luôn luôn chất vấn tâm mình, nhận thức của mình, cách mình nhìn cuộc sống. Đó là lúc con cất bước trên đường tu, con đường dẫn đến giác ngộ. Con cũng có thể lấy lời dạy của Phật và tạo ra một con đường giả sẽ dẫn con càng ngày càng sâu vào ảo tưởng. Nó có thể cho con một cảm giác là con đã đạt được một trạng thái cao trội nào đó so với người khác, vì con có giáo lý cao siêu này rồi, con đã tu tập bao nhiêu lần rồi và tất cả những chuyện như vậy. Nó có thể thay đổi trải nghiệm của con về cuộc sống nhưng nó không nâng cao tâm thức của con trên chiếc thang đưa con lên giác ngộ. Con vẫn đang mặc cái bộ đồ lặn.

Đây là bài giảng thứ nhì của thày về những gì thày muốn trao cho con trong hội nghị này. Tất nhiên thày còn nhiều điều nữa để trình bày về các bước kia trong Bát chánh đạo. Và như vậy thày niêm con trong cái hiểu minh bạch, không phân rẽ của Phật.