5 | Tia thứ 12 của tái sinh

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 10 tháng 5, 2009, trong loạt bài về các tia sáng bí mật.

Thày là Giê-su. Thày đến đây đàm đạo với con như một khách mời trong loạt bài giảng này của Phật Gautama. Thày không đến như nhân vật Giê-su được hình dung trong thế giới Cơ đốc mà trong bản thể trọn vẹn mà thày LÀ ngày hôm nay, như một sinh thể đã đạt quả vị Phật sau khi thày thăng thiên. Và như vậy, thày đến để giảng cho con về tia sáng thứ 12 – tia thứ 12 của sự tái sinh.

Tái sinh, con yêu dấu.

Vì như con đã nghe, tia thứ 11 là tia khai ngộ về sự buông bỏ, sẵn lòng buông bỏ cái cũ – thăng vượt. Con thấy đó, con yêu dấu, buông bỏ mà không biết có gì theo sau là một sự khai ngộ cần thiết. Nhưng điều này không có nghĩa là nếu con buông bỏ thì tự động một cái ta mới sẽ xuất hiện. Bởi vì sau khi con từ bỏ cái cũ, điều cần xảy ra là con – cái ta ý thức, ý niệm cái ta của con – được tái sinh.

Và điều này xảy ra như thế nào? Nó xảy ra khi con, cái ta ý thức, chấp nhận là chính nó được tái sinh, chấp nhận chính nó như một bản sắc mới, con yêu dấu. Và đây có thể là một bước khó khăn cho nhiều người đã đi trên con đường tâm linh từ lâu năm. Bởi vì con đã quá quen nhìn vào chính mình, nhìn vào cái xà trong mắt mình, tìm kiếm xem có gì cần buông bỏ, có gì cần hàng phục. Tất nhiên đây là một điều cần thiết, một bước cần thiết trên đường tu, con yêu dấu, vì nếu con nhìn nhiều người trên thế giới, con sẽ thấy là họ bị quá đồng hóa với tự ngã của họ, quá cả tin vào lời dối của tự ngã, đến độ họ thấy không cần phải buông bỏ bất cứ thành phần nào của bản sắc giả hiệu của mình. Họ chỉ cần đi theo con đường vỏ ngoài, con đường tự động, thì họ sẽ đảm bảo được cứu rỗi.

Nhưng con là người tâm linh, con đã vươn lên cao hơn mức tâm thức này. Con không phủ nhận trong mắt mình có cái xà, có gì đó phải được phát hiện, phải được hàng phục, phải được từ bỏ trước khi con có thể thoát khỏi nó. Con không phủ nhận là con có quyền tự quyết – con đã dùng ý chí tự quyết của mình để chấp nhận một số ảo tưởng nhị nguyên, thì như vậy con là người phải nhìn xuyên thấu chúng và buông bỏ chúng. Nhưng một số các con vẫn thấy khó lòng chấp nhận là sau khi đã buông bỏ một thành phần của cái không-ta, thì con, cái ta ý thức, được tái sinh vào một ý niệm bản sắc cao hơn. Con không thể chấp nhận là con được tái sinh, giờ đây con là một sinh thể khác.

5.1. Trở thành một sinh thể mới trong Ki-tô

Và điều khiến con vấp ngã trong nhiều trường hợp lại chính là sự sẵn lòng tìm kiếm cái xà trong mắt mình, sự sẵn lòng nhìn nhận là có gì đó phải được buông bỏ. Do đó con chú tâm vào việc nhìn thấy vấn đề, khắc phục vấn đề và suy nghĩ như thể mọi chuyện đều là vấn đề, đến độ con không thể buông được ký ức mình đã từng là ai trong quá khứ, mình đã từng bất toàn và mình đã phải từ bỏ nhiều đến chừng nào. Cho nên con không thể luôn luôn chấp nhận là bây giờ sau khi đã từ bỏ tất cả những thứ đó, con không còn là sinh thể với những vấn đề đó nữa.

Con có thấy không, con yêu dấu? Khi con tái sinh, con trở thành một người mới, một sinh thể mới trong Ki-tô. Nhưng con có quyền tự quyết. Con không thể chấp nhận con là một sinh thể mới – con không thể chấp nhận điều này trong tâm ý thức của con – trừ khi con sẵn lòng nhìn nhận con không là con người đã phạm phải lỗi lầm kia, hay đã có niềm tin kia mà con phát hiện hôm qua và đã buông bỏ.

Con yêu dấu, nếu con nhìn đời thày trong tư cách Giê-su, thày đã vượt qua mấy cuộc khai ngộ khi thày phải chấp nhận một bản sắc cao hơn. Con có thể đọc được điều này giữa các hàng chữ trong kinh thánh chính thức. mặc dù một số chi tiết trong đó đã bị cắt bỏ, và một số khác thì không được ghi lại vì các tác giả phúc âm không có sự hiểu biết đầy đủ về bản thể của thày, về con đường dẫn tới quả vị Ki-tô cũng như các khai ngộ mà thày đã đi qua. Dẫu vậy, sự thật là thày đã trải qua mấy cuộc điểm đạo qua đó thày đã phải nhận lấy một ý niệm bản sắc cao hơn hầu đưa sứ vụ của mình lên tầm mức kế tiếp.

Nếu thày không sẵn lòng làm vậy thì sứ vụ của thày đã bị trì trệ ở một mức nhất định. Và thày cũng đã không đi muốt tới điểm rốt cuộc bị treo trên thập tự giá và bỏ lại hồn ma của những hạn chế cuối cùng – và nhờ vậy được phục sinh. Cho nên con thấy đó, con yêu dấu, đây là khai ngộ mà tất cả chúng ta phải đối mặt khi bước chân trên con đường đạt đến điểm thăng thiên.

5.2. Sự thăng thiên không tự động

Thăng thiên là gì, con yêu dấu? Thế nào là quá trình thăng thiên? À, đó là con phải chấp nhận mình không còn là một con người hữu diệt nữa, mà giờ đây con là một sinh thể tâm linh bất diệt. Nếu con không chấp nhận được điều này thì con không thể thăng thiên.

Có thể con đã quen suy nghĩ – dựa trên lời dạy mà các thày đã trao truyền trong các đợt truyền pháp trước – rằng thăng thiên là việc đáp ứng một số đòi hỏi nhất định, và một khi con hội đủ các yêu cầu này thì đùng một cái, một ngày kia con được thăng thiên. Không phải vậy đâu, con ạ. Có những yêu cầu phải đáp ứng, chắc chắn điều này cũng đúng. Nhưng thăng thiên không phải là một quá trình tự động, máy móc, mà là một tiến trình sáng tạo. Có nghĩa là nó bao hàm một số chọn lựa mà con phải lấy.

Và đâu là những chọn lựa mà con phải lấy? Ý của thày là gì khi thày nói “Hãy chọn sự sống thay vì sự chết?” À, chọn sự sống có nghĩa là con chọn chấp nhận một bản sắc mới. một ý niệm cái ta mới, và cái ta này thì NHIỀU HƠN cái ta mà con đã có trước đó, thậm chí chỉ một giây trước đó.

Cho nên con thấy đó, con yêu dấu, tự ngã muốn tha hóa toàn bộ khái niệm đường tu tâm linh để con nghĩ rằng con phải bước chân trên một con đường thật dài về hướng một mục tiêu chót cùng. Tự ngã đạt được hai lợi điểm khi nó làm vậy. Bằng cách khiến con chấp nhận là con đang bước trên một con đường dài, nó cũng khiến con chấp nhận là mục tiêu chót cùng nằm ở xa tuốt trong tương lai – giống  như rất nhiều đệ tử trước đây của chân sư thăng thiên quả thực đã tin là họ sẽ thăng thiên, họ sẽ trở thành Ki-tô, nhưng chỉ trong một tương lai xa tít. Chắc chắn không phải bây giờ, và nhất định không phải là ngay bây giờ và ngay ở đây. Con thấy đó, đây chính là tự ngã đang cố khiến cho cái ta ý thức tin rằng nó không có khả năng chỉ giản dị xoay chuyển ý niệm bản sắc của mình trong một khoảnh khắc và là Ki-tô trong một khoảnh khắc.

Và lợi điểm thứ nhì mà các thày giả cùng tự ngã có được nhờ cách suy nghĩ này là ý tưởng về một giai đoạn tối hậu, về một khai ngộ tối thượng nào đó mà con sẽ đi qua. Và khi đó con sẽ đạt được một trạng thái trường cửu bất biến nào đó.

5.3. Ở cõi thăng thiên vẫn có tăng triển

Con yêu dấu, khi sứ giả này lần đầu tiên nghe nói về khái niệm chân sư thăng thiên, ông đã tỏ ra rất nghi ngờ, vì khái niệm này lúc đầu được trình bày với ông như thể chân sư thằng thiên là những sinh thể toàn hảo, và trên cõi tâm linh không có tăng trưởng gì nữa. Trong bản thể thâm sâu của ông, ông bác bỏ khái niệm này, ông biết rõ là đơn giản nó không đúng. Vì vậy chỉ khi ông dần dần hiểu ra là ngay cả các chân sư thăng thiên cũng tăng triển và thăng vượt ý niệm cái ta của mình, thì ông mới có thể chấp nhận đây có thể là một con đường chính đáng do các chân sư đưa ra sẽ dẫn đến thăng thiên.

Như vậy con có thể thấy là thày đây đã thăng thiên ở một trình độ chứng ngộ Ki-tô nào đó. Giờ đây thày đã đạt được chứng ngộ Phật, cao hơn chứng ngộ Ki-tô, vì từ khi thăng thiên thày đã không đứng yên một chỗ. Thày đã tiếp tục nhân thêm ta-lăng cùng vốn liếng của mình và tiến tới, con yêu dấu.

Nhưng thày đã làm vậy như thế nào? Bằng cách cho phép ý niệm cái ta của mình tái sinh rất nhiều lần. Vì thày nói với con, để đi từ mức chứng ngộ Ki-tô lên mức chứng ngộ Phật, một sinh thể phải tái sinh ít nhất một vạn lần. Cho nên con có thể nghiệm xem cũng tương tự như thế, để đi từ mức tâm thức của đại đa số con người trên hành tinh này đến trạng thái thăng thiên, con sẽ phải tái sinh rất rất nhiều lần. Thật ra Saint Germain có nói là để hội đủ tư cách thăng thiên, thày đã phải lấy một triệu quyết định đúng đắn. Thế nào là một quyết định đúng đắn? Đó là một quyết định thuận theo SỰ SỐNG, qua đó con chấp nhận con đang được tái sinh vào một ý niệm cái ta cao hơn.

Vì vậy con yêu dấu, liệu con có thể bằng một bước nhảy độc nhất vượt qua khoảng cách giữa trạng thái tâm thức nơi nhân loại đang đứng và tâm thức Ki-tô hay không? Không, không thể nào. Trong quá khứ đã không thể và trong tương lai cũng sẽ không thể. Nhưng dẫu vậy, cái ta ý thức của con bất cứ lúc nào cũng có khả năng xoay chuyển ý niệm bản sắc của mình lên một ý niệm bản sắc cao hơn, một ý niệm cái ta cao hơn, và quả thực đây chính là tiến trình con đi qua.

Con yêu dấu, cách đây 2000 năm [thánh] Paul có nói: “Tôi chết mỗi ngày,” có nghĩa là mỗi ngày ông đã để cho một phần của cái ta hữu diệt của ông chết đi và được tái sinh vào một ý niệm cái ta cao hơn. Nhưng thày nói với con này, mặc dù việc chết đi mỗi ngày như thế rất tốt, sẽ tốt hơn gấp bội nếu con chết đi nhiều lần mỗi ngày để gia tốc bước tiến của mình.

5.4. Từ bỏ giấc mộng về một khai ngộ tối hậu

Con yêu dấu, con hãy từ bỏ ý tưởng là có một cuộc khai ngộ tối hậu nào đó, một mục tiêu tối thượng nào đó trong tương lai xa tít. Thay vào đó, con hãy chấp nhận thực tế rằng Dòng sông sự Sống là một tiến trình, một dòng chảy luôn luôn chuyển động của sự tự thăng vượt liên tục, không ngưng nghỉ, bất tuyệt. Như Phật đã giải thích, chính nỗ lực bám vào một ý niệm cái ta nhất định mới đem con vào tâm thức chết, tâm thức nhị nguyên.

Trong trạng thái thăng thiên, con không có một ý niệm bản sắc trường tồn bất biến, mà con thăng lên không ngừng. Thật ra, con yêu đấu, sẽ xây dựng biết bao nếu thay vì xem các thày là chân sư đã thăng thiên, con xem các thày là chân sư đang thăng lên. Bởi vì các thày không ngừng thăng lên, các thày không ngừng tái sinh vào một ý niệm cái ta cao hơn. Thật vậy, đây chính là nguyên lý mà thày tượng trưng cho trái đất sau khi nhận trách vụ đại diện cho tia sáng thứ 12 của tái sinh. Đây là điều thày đã đến 2000 năm về trước để đem lại cho địa cầu, và bây giờ trong sự trọn vẹn của cái thày LÀ, thày đã nhận lãnh trách vụ đại diện cho sự tái sinh này. Quả thật đây là cơ hội tuyệt hảo cho người tìm kiếm tâm linh trưởng thành có thể gia tốc bản thể của mình vượt quá một trình độ nhất định, qua đó họ trút bỏ lớp da rắn của bản sắc cũ và được tái sinh vào một ý niệm cái ta mới.

Nhưng con yêu dấu, để có thể tái sinh hoàn toàn, con phải chấp nhận là giờ đây con chính là cái ta mới này. Cái ta mới này không phải là một khái niệm lý thuyết ở xa tuốt ngoài kia mà một ngày nào đó con có thể khoác vào. Không, nó ở ngay đây. Nó ở đây ngay bây giờ. Nó chính là con. Đây chính là cái tôi là.

Có thể hôm qua con đã làm lỗi, nhưng nếu con thấy lỗi lầm đó, con thấy cái tâm thức đằng sau lỗi lầm và con để nó ra đi, thì con được tái sinh vào một cái ta mới. Và cái ta mà con là hôm nay không phải là cùng cái ta đã lầm lỗi hôm qua hay mười ngàn kiếp trước. Do đó con không cần phải bám giữ những cảm xúc mà con từng có trong cái ta cũ. Kỳ thực, con không cần bám giữ ngay cả ký ức về chuyện đó.

5.5. Cảm giác tội lỗi không có chức năng xây dựng

Và đây là điểm nhiều các con bị vấp ngã. Bởi vì tất nhiên, con có thể nhớ được ngày hôm qua con là ai và ngày hôm qua con làm gì. Thậm chí một số các con còn nhớ được mình đã làm gì hàng mấy kiếp trước. Nhưng con thấy không, con yêu dấu, con không còn là con người đó nữa một khi con đã từ bỏ tâm thức đã khiến con hành xử như vậy trong quá khứ. Và vì vậy con phải đi qua một giai đoạn – như sứ giả này đã di qua, là khi khi tự ngã của ông và các thày giả phóng chiếu ký ức về một lỗi lầm vào tâm ông, thì ông nói một cách ý thức: “Nhưng tôi không còn là cái ta đã làm chuyện đó. Tôi đã không làm chuyện đó. Cái ta mà tôi là ngay bây giờ đã không phạm lỗi đó, vì vậy tôi không cần phải cảm thấy tội lỗi về việc đó.”

Thật không khác gì khi con nghĩ lại thời con mới tập đi. Liệu con phải cảm thấy tội lỗi vì mình đã loạng choạng té ngã khi mình là đứa bé mấy tháng mới tập đi? Tại sao con phải cảm thấy tội lỗi kia chứ? Vậy thì tại sao con lại cảm thấy tội lỗi về những lỗi lầm con đã mắc phải như một người lớn hay trong tiền kiếp?

Thật không có mục đích xây dựng nào trong cảm giác tội lỗi. Đó là một rung động thấp, một rung động của phãn tình thương. Đó là một phóng chiếu của sa nhân và của chính tự ngã của con khi chúng tìm cách ngăn cản con chấp nhận con đã tái sinh vào một ý niệm bản sắc mới. Nó không mang chức năng nào có tính xây dựng.

Con chỉ BUÔNG-NÓ-RA, CON-YÊU-DẤU! Bởi vì con là nhiều hơn thế.

Không có thế lực nào trên thiên đàng muốn giữ con lại trong một ý niệm cái ta cũ kỹ. Do đó bất kỳ toan tính nào nhằm giữ con lại như vậy chỉ có thể đến từ dưới thấp, từ các thày giả, từ sa nhân, từ tự ngã của con, từ tâm thức đại chúng, từ người khác. Nhưng dù đến từ đâu thì nó cũng không thực. Và cái gì không thực thì không thể ảnh hưởng cái thực – cái ta ý thức của con.

Chắc chắn các thày đều hiểu, đây không nhất thiết là một sự xoay chuyển dễ dàng. Thày có thể nói với con điều này, thày có thể nói với con bằng lửa để lay con ra khỏi trạng thái tâm thức cũ, nhưng thày nhìn nhận là mặc dù con có thể được ngọn lửa của thày nâng lên, con vẫn có thể dễ dàng rơi xuống trở lại khuôn nếp cũ khi bước khỏi môi trường này. Và sau đó, điều gì xảy ra khi con rơi trở lại khuôn nếp cũ? Liệu con sẽ nghĩ lại và bảo: “Ồ, tôi vừa làm một chuyện mà Giê-su bảo tôi đừng làm. Tôi phải cảm thấy tội lỗi là mình đã không làm theo chỉ dẫn của Giê-su.” Thấy không? Con vừa quay trở về khuôn nếp cũ rồi đó.

5.6. Tự ngã cần một ý niệm bản sắc cố định

Con thấy đó, con yêu dấu, thực tế ở đây là như sau: Tự ngã của con không thể xuôi chảy với Dòng sông sự Sống vì nó không thể sống – nó không thể tồn tại, không thể duy trì một ý niệm cái ta, một cảm nhận liên tục – mà không có một bản sắc cố định. Tự ngã không thể hiện hữu khi con cứ không ngừng thăng vượt chính con. Và đây là điểm thày yêu cầu con lưu tâm. Chắc chắn khi con bước ra ngoài, con sẽ chạm trán với một động lượng cũ. Con hãy giản dị buông nó ra và chấp nhận là con được tái sinh.

Bất cứ gì quay trở lại với con, con hãy buông nó ra. Hãy chấp nhận là con được tái sinh. Bất cứ khi nào có sự phóng chiếu từ một trạng thái tâm thức thấp hơn, con hãy nhìn nó nếu con cần phát hiện một lời dối trá, nhưng con đừng đắm chìm vào trong đó. Đừng chui vào trong đó mà phân tích quá đáng. Con chỉ nhìn và thấy – bởi vì trong nhiều trường hợp, con yêu dấu, con đã nhìn thấu sự dối trá rồi.

Con phải hiểu là mặc dù cái ta ý thức của con có thể đã nhin thấu lời dối trá, nhưng con vẫn phải chạm trán với cái trớn hay ngay cả sự phóng chiếu từ tâm thức đại chúng. Cho nên có thể con sẽ tự nhủ: “Nhưng tôi tưởng là tôi đã buông bỏ chuyện này rồi, thế mà bây giờ tôi lại trải nghiệm nó nữa. Chuyện gì xảy ra vậy?”

À, thực tế là chừng nào con còn đầu thai, chừng nào con còn bước chân trong những bầu cõi dày đặc này, thì con sẽ phải đương đầu với cái trớn và sự phóng chiếu từ tâm thức đại chúng. Nhưng một khi con đã nhìn thấu lời dối, con cần nhận ra một cách ý thức là sự phóng chiếu này đang nhắm vào con, xong con chỉ đơn giản buông nó ra và chấp nhận là mình đã tái sinh, rằng cái đó không phải là mình vì mình là hơn vậy. Con thấy không, nếu mỗi lần tự ngã phóng chiếu điều gì vào con và con dùng chính điều này để tái sinh và đón nhận một ý niệm bản sắc cao hơn, thì cuối cùng tự ngã sẽ bị phân tán – nó sẽ bực bội, nản chí và tan vỡ trước sự tự thăng vượt bất tận này – đến độ nó không thể tiếp tục bám víu vào “thực tại” được nữa, nó không thể duy trì một ý niệm bản sắc liên tục được nữa.

Và như vậy thật đơn giản, con gia tốc vượt khỏi tầm tay của nó. Có thể sẽ vẫn còn chút tàn dư của ngã tách biệt, bởi vì chừng nào con còn hiện thân thì một số tàn dư sẽ vẫn còn. Nhưng cái ta ý thức của con không còn đồng hóa với nó nữa, vì cái ta ý thức không còn mang một ý niệm bản sắc trường tồn bất biến dựa trên những thứ của thế gian.

Con ngộ ra con là một sinh thể tâm linh. Và con ngộ ra là một sinh thể tâm linh không mang bản sắc cố định nào, mà trái lại không ngừng xuôi theo Dòng sông sự Sống, không ngừng thăng vượt ý niệm cái ta của mình. Và vì thế, con không cần đến cái ý niệm bản sắc cố định kia, dù trường tồn hay bán trường tồn, dựa trên những thứ của thế gian. Con thấy mình là HƠN NỮA và con không ngừng xuôi chảy với cái HƠN NỮA – con không bám vào cái ta đó nữa. Bất cứ khi nào con nhận thấy một sự hạn chế trong ý niệm cái ta hiện thời của mình thì con chỉ việc buông ra và được tái sinh. Con chấp nhận mình được tái sinh như là HƠN NỮA. Và như vậy, giản dị là tự ngã sẽ không thể theo kịp con nữa, ông hoàng của thế gian sẽ không thể bắt kịp được con, con yêu dấu.

5.7. Ông hoàng của thế gian là một sinh thể hữu hạn

Con có thấy chăng ông hoàng của thế gian không phải là một sinh thể vô hạn? Y là một sinh thể hữu hạn, có nghĩa là mặc dù có người cho rằng ác quỷ có quyền năng to lớn, nhưng y chỉ có sức mạnh giới hạn, vì y chỉ có một ý niệm cái ta hữu hạn và do đó một nhận thức hữu hạn.

Con có thấy chăng, con yêu dấu, điều ác quỷ mong muốn là y có thể đến với con, khiến con nhận lấy một ý niệm bản sắc cố định sẽ giam con lại ở một mức nào đó, để y có thể chạy ra nơi khác vận dụng người khác hầu khiến họ cũng chấp nhận một bản sắc cố định? Và y muốn là khi y đi hết một vòng và quay trở về con thì con vẫn đứng nguyên ở bản sắc cố định cũ.

Nhưng con thấy không, nếu con đã thăng vượt bản sắc này rồi thì khi y quay trở lại, y sẽ bị cú sốc: “Ủa, anh chàng này không còn đây nữa, anh ta đi đâu rồi?” Thế là y phải cố đuổi bắt con trong bản sắc mới của con để cố biến bản sắc này thành một bản sắc cố định. Và điều này khiến y bị chia trí, không tập trung vào mọi người khác mà y phải đánh bẫy. Và bỗng nhiên, khi có đủ số người thăng vượt cái ta cũ của mình thì ác quỷ sẽ bị phân tán quá mỏng, ông hoàng của thế gian sẽ trở nên quá bối rối đến độ y không còn giữ cảm giác chủ động được nữa. Và như vậy một cách nào đó, ngay cả ông hoàng của thế gian cũng phải thăng vượt bản sắc cũ của mình hầu theo kịp mọi người khi ai nấy đều cứ gia tốc, con yêu dấu. Và con thấy không, thế là tất cả đều được kéo lên cao hơn.

“Nếu ta được thăng lên thì ta sẽ kéo mọi người lên với ta.” Câu này cũng có nghĩa là kéo tâm thức đại chúng đi lên – vì tâm thức đại chúng chỉ là một trong nhiều cách diễn tả cái thường được gọi là ác quỷ. Bởi vì như Gautama đã giải thích năm ngoái trong bài giảng đầu năm của thày, khi con đi vào đền thờ của chúa tể bóng tối, con tìm ra là ở đó không hề có chúa tể bóng tối, mà chỉ có một cái vỏ rỗng, một cái vỏ không chút hiện thực tối hậu nào cả.

Nhưng con có thấy sự tự thăng vượt liên tục là bí quyết để con gia tốc, kéo mình ra khỏi trọng lực của tâm thức đại chúng hay không? Mục đích là cho dù chúng có phóng gì vào con thì con cũng có thể dùng chính cái đó để thăng vượt ý niệm bản sắc của con, để tái sinh. Con chấp nhận là mình được tái sinh, và như vậy con là một sinh thể mới trong Ki-tô. Và tự ngã của con, các thày giả, hay tâm thức đại chúng, hay người khác, sẽ phải mất thì giờ đuổi bắt con. Và khi cuối cùng chúng bắt kịp – một điều có thể xảy ra trong khi con còn hiện thân trong một cơ thể vật lý – thì con chỉ lập tức cho phép mình tái sinh thêm lần nữa. Và chúng sẽ lại phải chơi tiếp trò chơi đuổi bắt.

Cho nên con đạt tới mức khiến chúng luôn luôn phải chạy theo con, con yêu dấu. Bởi vì giờ đây con đã lật bàn của bọn đổi tiền, khiến chúng trở thành những kẻ phải đuổi theo con. Con không còn cho phép mình ở lại trong ý niệm bản sắc cố định kia nơi chúng nghĩ là chúng kiểm soát được con.

Và như vậy con thấy đó, chuyện này trở thành một trò mèo đuổi chuột, mà thậm chí trong một thời gian con còn có thể cảm thấy vui thú khi con nhận ra là mình không còn chơi trò nhị nguyên tìm cách tiêu diệt đối cực ngược lại nữa, mà con chơi một loại phiên bản cao hơn, là dùng mưu chước để qua mặt, bỏ xa, thăng vượt các thế lực của thế gian, ông hoàng của thế gian.

Và con có thể làm vậy rất dễ dàng một khi con neo trụ thật sự vào tiến trình tái sinh. Tất nhiên, rốt cuộc con sẽ được tái sinh tới một mức con không còn cảm thấy vui thú là mình cao trí hơn ông hoàng của thế gian, bởi vì rõ ràng y đã trở nên vô nghĩa đối với ý niệm cái ta của con. Và giờ đây con tập trung vào nhiều chuyện khác, con chú tâm vào việc nâng cao mọi người, đánh thức mọi người để họ thoát khỏi tâm thức chết. Bằng cách chứng tỏ cho họ thấy tái sinh là một việc khả dĩ, con dạy họ là chính họ cũng có thể được tái sinh khi họ thách thức ý niệm cái ta hiện thời của họ.

5.8. Các khai ngộ của tia thứ 12

Vậy con thấy, con yêu dấu, đó là các khai ngộ của tia thứ 12, là con không nghĩ tằng việc tái sinh là một chuyện chỉ xảy ra đúng một lần rồi sau đó con sẽ ở trong một bản sắc cố định mãi mãi. Trái lại, con ngộ ra tái sinh là một tiến trình không ngưng nghỉ, con yêu dấu.

Như các thày đã nói, thế giới được tạo ra bởi một hình tư tưởng phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Và các thày đã so sánh hình tư tưởng này với một bộ phim được trình chiếu lên màn hình qua rất nhiều hình ảnh đơn lẻ được chiếu lên màn hình mỗi giây, khiến giác quan vật lý của con không thể theo dõi mỗi chuyển động đơn lẻ. À, con có thể đạt tới điểm khi ý niệm cái ta của con được tái sinh đến mức con nhận ra là toàn bộ hành tinh trái đất – trong tình trạng mất cân bằng, thiếu thốn và nghèo khó hiện thời của nó – chỉ đơn giản là một hình tư tưởng. Và nếu hình tư tưởng này thay đổi, trái đất sẽ lập tức trình chiếu ra một thực tại cao hơn.

Tuy nhiên con yêu dấu, điều này không có nghĩa là trái đất sẽ tức khắc xoay chuyển và biểu hiện vương quốc Thượng đế, bởi vì nếu chuyện này xảy ra, quá nhiều người sẽ thấy ý niệm bản sắc của mình tan vỡ. Họ không thể thích nghi với sự biến đổi và sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc trầm trọng. Và đây là tại sao trái đất phải xoay chuyển từ từ và được nâng lên lần hồi.

Con yêu dấu, con thấy chăng là các thày, các chân sư thăng thiên, quả thực có đủ uy lực – các Elohim có đủ uy lực vì đã tạo dựng trái đất – để lập tức gửi nhiều ánh sáng vào trái đất đến độ ánh sáng này sẽ phá tan bóng tối, phá tan các hình ảnh và năng lượng bất toàn, và trái đất sẽ tức thì thoát xác trở về độ tinh khiết của thiết kế nguyên thủy. Nhưng nếu các thày làm vậy thì hầu hết những ai trên hành tinh này đã bước xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn, sẽ không thể thích ứng và do đó bị loại khỏi địa cầu. Họ sẽ chết theo nghĩa đen, họ sẽ chết vật lý, vì ý niệm cái ta của họ không thể thích nghi với sự biến đổi, và như vậy họ sẽ phải dời đến một hành tinh khác. Nhưng bởi vì trái đất đã được tạo ra như một phương tiện để loài người tăng trưởng, các thày không thấy ích lợi gì nâng cao tự thân trái đất, mà trái lại cần nâng cao tâm thức của các cư dân trên trái đất. Và đó là tại sao sự thay đổi phải xảy ra lần hồi.

Cho nên con thấy đó, các thày phải tìm được một thế cân bằng rất tinh vi, qua đó các thày có thể truyền rải một lượng ánh sáng nào đó nhưng không truyền rải quá nhiều đến độ làm tan vỡ ý niệm cái ta của quá nhiều người trên địa cầu. Và đây chính là lý do các thày cần đến các con, những người đang hiện thân, để con hòa điệu với tía thứ 12 và vượt qua khai ngộ của tia này, để con cho phép mình được tái sinh liên tục, được tái sinh mỗi ngày, mỗi giây mỗi phút. Mỗi khi con nhận được sự phóng chiếu từ một cái ta thấp hơn, từ một rung động thấp hơn, con hãy đơn giản nhận ra nó đúng là như vậy, và con cho phép mình tái sinh như một sinh thể không còn bị tác động bởi trạng thái tâm thức thấp đó.

5.9. Những gì một người đã làm, mọi người đều làm được

Khi con chứng tỏ điều này cho người khác, ngay cả chứng tỏ là con có thể cho phép mình, cho phép ý niệm cái ta của mình được tái sinh – như khi con không còn là người mắc phải một chứng bệnh thể xác nào đó, hay một bệnh trạng tình cảm hoặc lý trí, dù là phân rẽ thế này hay thế kia trong nhân cách – thì con có thể chứng tỏ, con yêu dấu, rằng những gì con làm được thì chính họ cũng có khả năng làm được.

Bởi vì phương châm của các chân sư thăng thiên từ lâu đã là: “Việc gì một người làm được thì mọi người đều có khả năng làm được.” Và câu này phải được chứng minh, nhưng trong thời đại hôm nay, thật không đủ chỉ có một người chứng minh như trường hợp của thày 2000 năm về trước. Chúng ta cần có đông người chứng minh, để ai ai cũng thấy là những gì nhiều người đã làm được thì chính mình cũng làm được. Và đây là điều cần xảy ra trên ngưỡng cửa của giai đoạn chuyển tiếp vào tâm thức Thời đại Bảo bình – thời đại của tự do, con yêu dấu, và cũng thật sự là thời đại của tự do sáng tạo.

Đây là tự do tái sáng tạo, không chỉ tái sáng tạo ý niệm cái ta – nói chung là điều con làm khi con tái sinh, con tái sáng tạo ý niệm cái ta – mà còn là tự do tái tạo môi trường của con, thậm chí tái tạo môi trường vật lý của hành tinh này, mà cho tới giờ đối với quá nhiều người dường như vẫn do những thế lực vượt khỏi tầm kiểm soát của họ tạo ra. Và do đó, họ không có uy lực – nhân loại không có uy lực như một tập thể – để cùng nhau tái tạo lại, con yêu dấu.

Cho nên con sẽ thấy là cả tôn giáo truyền thống (khi tôn giáo củng cố hình ảnh là con tách biệt khỏi Thượng đế, con cần đến một vị cứu tinh từ ngoài hay một tôn giáo vỏ ngoài để được cứu rỗi) lẫn nền khoa học duy vật truyền thống (khi khoa học quả quyết con chỉ là một con thú thông minh), cả hai phong trào này đều củng cố cho hình ảnh rằng loài người không có sức mạnh tập thể để thay đổi môi trường vật lý của mình, ngoài những gì mình có thể làm với cơ thể của mình.

5.10. Ý niệm cái ta của nhân loại phải được tái sinh

Con có thấy chăng, con yêu dấu, ý niệm cái ta của nhân loại có thể được tái sinh. Quả thực điều này đã xảy ra rất nhiều lần suốt chiều dài lịch sử, như con xem xã hội thời Trung cổ ở châu Âu khi người ta tin là trái đất phẳng. Phải mất một thời gian để thay đổi cái nhìn này. Không phải là một buổi sáng đẹp trời mọi người thức dậy thốt lên: “Ừ nhỉ, bây giờ tôi thấy trái đất tròn.” Không, chuyện này đã mất thời gian. Sự thật là một số người đã phải chết đi rồi tái đầu thai trong một môi trường mới trước khi họ có thể chấp nhận trái đất tròn.

Nhưng dẫu vậy, điều xảy ra là ý niệm cái ta tập thể dựa trên một trái đất phẳng, đã phải chết đi để cái ta của nhân loại được tái sinh trên căn bản một nhận thức mới về trái đất tròn. Cho nên con sẽ thấy nhiều cuộc xoay chuyển như thế, con yêu dấu. Thời Phục hưng là một giai đoạn với nhiều xoay chuyển như vậy. Cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng khoa học đã đem lại nhiều xoay chuyển tương tự. Và ngày nay khoa học, ở một mức độ nào đó, vẫn tiếp tục giữ vai trò đem lại xoay chuyển mặc dù khoa học cũng lại rơi vào vị thế mà Giáo hội Công giáo đã nắm giữ vào thời Trung cổ, là kềm hãm con người trong một tư duy chủ nghĩa duy vật.

Tuy nhiên con sẽ thấy trong những thập kỷ sắp tới, chính khoa học sẽ được đẩy mạnh để vượt ra khỏi chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa này không thể duy trì mãi mãi sự thống trị trên khoa học, y như tư duy cũ chỉ có thể duy trì trong một thời gian sự thống trị trên tôn giáo và người tâm linh. Như con thấy, biết bao người tâm linh ngày nay đã vượt xa lối suy nghĩ đã từng giam giữ người dân châu Âu vào thời Trung cổ trong vòng kiềm tỏa của Giáo hội Công giáo.

5.11. Ý định nguyên thủy của phong trào Ki-tô

Ngay cả Giáo hội Công giáo cũng đã được tái sinh vào một ý niệm cái ta cao hơn, tuy vẫn còn rất xa tầm mức khả dĩ đại diện chính đáng cho Ki-tô trên trái đất. Nhưng thực tế là sẽ không bao giờ có một tổ chức nào có thể đại diện được cho Ki-tô. Bởi vì Ki-tô là gì? Là tiến trình tái sinh không ngừng! Một cơ quan hay một tổ chức nhất thiết phải có một sự liên tục nào đó, nếu không thì đã không là một tổ chức. Vì vậy con thấy chính ý tưởng cho rằng Ki-tô và các lời dạy cũa Ki-tô có thể được thể chế hóa, đơn giản chỉ là một sáng chế nhị nguyên mà thôi. Kỳ thực ý tưởng này xuất phát từ tâm phản Ki-tô, bởi vì Ki-tô không ngừng chuyển động.

Chẳng phải là thày đã nói là thày sẽ cho con một Đấng an ủi khác, rằng thày sẽ cầu nguyện để Cha gửi xuống cho con một Đấng an ủi khác là Thánh linh hay sao? À, Thánh linh thổi nơi nào nó muốn. Và cách đây 2000 năm thày đã đến để khởi xướng một phong trào sẽ được tái sinh liên tục, sẽ tự đổi mới liên tục, con yêu dấu.

Tuy nhiên như luôn luôn, những ai đã đồng hóa với tự ngã của mình sẽ không thể xử lý trạng thái dường như hỗn loạn của sự tái sinh liên tục này, và họ cũng không thể xử lý những điều dường như mâu thuẫn mà một số giáo lý gnostic đưa ra. Trong số đó có những giáo lý không đồng điệu với Đại đoàn Thăng thiên mà lại đồng điệu với các linh thể thấp hơn, giống như con thấy nơi những nhà đồng cốt tân thời. Dẫu vậy, đạo Ki-tô vẫn có tiềm năng trở thành một phong trào sinh động, năng nổ, không ngừng thăng vượt chính mình bằng cách giữ cho Thánh linh tuôn chảy – mà thời nay chúng ta sẽ gọi là tiến trình tiết lộ tuần tự.

Và thật vậy, có tiềm năng và có nhu cầu thật sự là đạo Ki-tô có thể được tái sinh thành một tôn giáo đầy sinh khí, tương tự như đạo Phật có thể được tái sinh, bởi vì Phật cũng đã đến để khởi xướng hay duy trì một sự biểu đạt không ngừng mới mẻ trong lời dạy cùng như trong nhận biết, con yêu dấu. Con có thấy chăng sự mỉa mai khi các Phật tử tân thời vẫn còn học những bản văn đã được đưa vào cõi vật lý cách đây 2500 năm, hay hơn 2000 năm về trước? Con chẳng thấy điều này trớ trêu hay sao, con yêu dấu? Con chẳng thấy sự trớ trêu khi các tín đồ Hồi giáo cứ ngoái nhìn về kinh Qur’an, được đưa ra từ nhiều thế kỷ trước, trong khi lại chối bỏ truyền thống Sufi – tức đạo Hồi thần bí – vốn đem lại một cái hiểu không ngừng đổi mới về các bí ẩn thâm sâu. Con nhìn thấy sự thể này trong mỗi tôn giáo, con nhìn thấy nó trong khoa học, con nhìn thấy nó khắp mọi nơi – sự từ chối không muốn tái sinh, sự bám víu vào bản sắc cũ.

5.12. Con có sẵn lòng tái sinh?

Nhưng con yêu dấu, con là người tâm linh, con thấy nó quá rõ khắp thế giới – vậy bây giờ con hãy quay lại, con hãy soi gương, con hãy nhìn vào chính mình, nhìn xem đôi khi con có bám víu vào ý niệm bản sắc cũ đó hay không? “Dễ gì mà tôi có thể tái sinh, để hôm nay tôi hết là con người tồi tệ mà tôi đã là hôm qua? Làm sao chuyện này xảy ra dễ dàng được như vậy?” Thế là con rơi vào lối suy luận vi tế của ông hoàng thế gian và của tự ngã, qua đó tự ngã sẽ bảo, như các thày đã giải thích qua các bài giảng trước trong loạt bài này: “Ồ, bạn không thể chỉ giản dị bước xa khỏi tôi, bạn không thể nào bỏ tôi một mình, bạn không thể nào từ bỏ tất cả.” Nhưng con thấy đó, con yêu dấu, con có thể.   

Con có thể. Mỗi khi tự ngã đến gặp con với một ý niệm cái ta thấp kém nào đó, con có thể nhìn nó và bảo: “Ta bỏ mi đây. Ta buông mi rồi đây. Và ta chấp nhận TA LÀ, ta được tái sinh!” Và nếu con cứ làm như vậy một cách liên tục, nếu con xây dựng một thói quen và một động lượng hàng phục và chấp nhận sự tái sinh của con, thì con sẽ, như thày vừa nói, bước nhanh hơn tự ngã và ông hoàng thế gian. Bởi vì chúng không thể theo kịp sự tái sinh không ngừng. Chúng không thể bắt kịp, con yêu dấu. Cho nên con sẽ được gia tốc vượt khỏi chúng. Con sẽ, theo nghĩa đen, gia tốc ý niệm cái ta của mình vượt khỏi tầm tay của tự ngã, và con sẽ ngừng nuôi ánh sáng của con cho nó. Thế thì nó sẽ chết và bị tiêu hủy. Giông như khi con đọc bài thỉnh, con cũng không ngừng thỉnh cầu ánh sáng để tiêu hủy tự ngã cùng với năng lượng đang nuôi dưỡng nó.

Cho nên bằng cách loại trừ tự ngã cá nhân của con ra khỏi phương trình của trái đất, con cũng sẽ nâng cao tâm thức đại chúng. Và bằng cách chứng tỏ cho người khác thấy là họ có thể làm giống như vậy, con sẽ góp phần vào một nhận thức mới – một sự thức tỉnh mới, con yêu dấu – rằng con người có khả năng vươn lên trên quá khứ và chấp nhận không những chính mình được tái sinh, mà nhân loại được tái sinh, xã hội được tái sinh. Hành tinh trái đất được tái sinh. Và thực sự chúng ta có thể tái sinh khỏi ý niệm bàn sắc cũ đã gây ra, đã biểu hiện ra, đã trình chiếu ra, sự mất cân bằng và nghèo đói hiện thời, tất cả mọi bệnh tật của cơ thể vật lý cùng tất cả mọi giới hạn khác, chẳng hạn như chiến tranh, xung đột và tranh chấp.

5.13. Ngừng nuôi dưỡng vấn đề

Con yêu dấu, như Phật đã giải thích, con không thể gỡ bỏ tâm thức nhị nguyên bằng chính tâm thức nhị nguyên. Con không thể giải quyết một vấn đề bằng cách nghĩ rằng con có thể phân tích nó và khắc phục nó. Con chỉ khắc phục được nó bằng cách tái sinh, hầu vấn đề không còn chạm tới con được nữa. Bởi vì vấn đề đã được tạo ra từ một trạng thái tâm thức nào đó, cho nên khi con được tái sinh ra khỏi trạng thái tâm thức này thì con cũng dứng cao hơn vấn đề. Và như vậy, vấn đề không được con cung cấp thêm thức ăn nữa.

Và khi càng ngày càng có nhiều người từ chối cung cấp ánh sáng của mình cho trạng thái tâm thức này, rốt cuộc nó sẽ biến thành một vỏ rỗng. Tới một điểm một sinh thể Ki-tô sẽ xuất hiện – vì giờ đây đã có đủ túc số, có đủ số người tới hạn đã từ bỏ trạng thái tâm thức này – và một sinh thể Ki-tô sẽ xuất hiện, sẽ thách tức nó công khai. Nó sẽ sụp đổ và không còn quyền lực gì trên tâm con người, vì bây giờ mọi người đã thức tỉnh và ngộ ra: “Ồ, chuyện này sao quá hiển nhiên.”

Thực tế ở đây là gì? Hiển nhiên cách nhìn cũ là một dối trá. Ngày nay sự kiện trái đất tròn thật là hiển nhiên vì đã có một sinh thể ở một mức chứng đạt Ki-tô nào đó cả gan trang bị ba con tàu vượt đại dương rồi trở về tuyên bố: “Tôi đã khám phá ra vùng đất mới, tôi đã chứng minh là trái đất tròn.” Và cũng vậy, con thấy nhiều người như thế suốt lịch sử đã xuất hiện dưới một hình thức cải trang nào đó, thường với một số nhược điểm con người khiến cho việc nhận ra họ là sinh thể Ki-tô khá khó khăn. Tuy vậy, họ đã đạt được một mức chứng ngộ Ki-tô nào đó, và như vậy họ trở thành những công cụ để thách thức một ảo tưởng đặc thù trong tâm thức đại chúng.

Do việc đánh động công khai và thẳng thắn như vậy mà nhiều người khác đã tỉnh ngộ để nhìn ra ảo tưởng, con yêu dấu, chẳng hạn như con thấy William Wilberforce ở Anh đã thách thức ảo tưởng về chế độ nô lệ, và ông đã tiếp tục làm vậy trong nhiều năm trời cho đến khi có sự đột phá. Ngày nay người dân nước Anh nhìn lại và nói: “Ủa làm sao chuyện bãi bỏ nô lệ lại có thể là một vấn đề to lớn đến vậy khi hiển nhiên chuyện đó không phải?” Nhưng con thấy không, chuyện đó không có vẻ gì sai trái cho tới khi có một người với chứng ngộ Ki-tô đập vỡ ảo tưởng, lật bàn của bọn đổi tiền, để nhiều người hơn có thể nhìn thấy vấn đề với tâm vỏ ngoài, rồi đột nhiên họ chấp nhận xoay chuyển – một cuộc xoay chuyển địa chấn trong tâm thức nơi mọi thứ đều mới và tầm nhìn cũng mới.

5.14. Giúp người khác thấy những gì họ không thể thấy

Bởi vì tầm nhìn đã đổi khác và giờ đây người ta thấy được những gì không thể nhìn thấy trước đó. Và điều này thì quá hiển nhiên, mặc dù trước đó người ta không có khả năng nhìn ra. Cũng vậy, đây là con người mà con có thể trở thành khi con kinh qua trải nghiệm này trong chính bản thể con.

Và thật vậy con yêu dấu, nhiều người trong các con đã bước vào hiện thân này, đã chuốc lấy một số bệnh tật trong thể xác mình, để chứng tỏ là con có thể vượt lên trên. Con chẳng thấy hay sao là đã có một thời điểm không xa lắm, bệnh ung thư được xem là một bản án tử hình mà gần như không có ai sống sót? Nhưng bây giờ đã có một nhận thức mới và nhiều người chấp nhận việc qua khỏi bệnh ung thư là một điều khả dĩ. Và con chẳng thấy hay sao là cuối cùng đã có một sự xoay chuyển tâm thức, và xoay chuyển này sẽ tới mức người ta xem ung thư chỉ là một chứng bệnh có thể chữa lành y như mọi bệnh khác. Con có biết, con yêu dấu, là trước khi thuốc penicillin được phát hiện, bệnh viêm phổi được xem là bệnh hiểm nghèo mà rất ít người sống sót? Nhưng một lần nữa, một sự xoay chuyển đã xảy ra trong tâm thức tập thể dẫn đến việc tìm ra phương cách chữa trị, và ngày nay người ta xem đó là một chứng bệnh thông thường mà hầu hết mọi người đều khỏi.

Đây là điều xảy ra với bất kỳ điều kiện gây giới hạn nào, kể cả các điều kiện giới hạn tâm con. Kể cả những lời dối của tôn giáo truyền thống bảo rằng con là một kẻ có tội và con cần đến một vị cứu tinh bên ngoài đến cứu con, bởi vì con không thể chạm được vương quốc Thượng đề ở trong con – cho dù Ki-tô đã nói rõ như vậy rất nhiều thế kỷ trước đây.

Có quá nhiều ảo tưởng như vậy cần được thách thức, con yêu dấu. Và con nên nhìn lại chình bản thân mình và bắt đầu tự hỏi một cách nghiêm túc liệu con đã tình nguyện, như một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, bước vào hiện thân để làm sao thách thức một trong những ảo tưởng đó đang kềm hãm con người.

Sau đó con cần nghiêm túc đạt tới điểm có thể chấp nhận là giờ đây mình đã tái sinh, chấp nhận là giờ đây mình đã có mức quả vị Ki-tô cần thiết để thách thức một ảo tưởng đặc thù. Và do đó, con sẽ không cứ đứng đó mà phân vân bất tận liệu mình sẽ lên tiếng về vấn đề này hay không. Bởi vì con sẽ được thôi thúc bởi ngọn lửa nội tâm đến độ lời nói và hành động sẽ tự nhiên tuôn ra từ bên trong. Con không phân tích: “Tôi có nên làm chuyện này không, tôi có quyền làm chuyện này không, tôi có đủ chứng đạt để làm chuyện này không?” Không, con chỉ làm mà thôi.

Con chỉ đơn giản đặt thân mình ra đó, và con tuôn chảy với ngọn lửa từ bên trong bản thể mình, ngọn lửa luôn luôn ở đó nhưng không sao chảy được cho đến khi con chấp nhận là con đã tái sinh vào ý niệm bản sắc cao hơn đó, rằng con có quyền bước vào các đền thờ của thế gian và lật bàn của bọn đổi tiền, nói thẳng tận mặt là họ không có quyền chiếm giữ vị trí đó trong đền. “Đền” ở đây là biểu tượng cho tâm con người cũng như tâm tập thể của tâm thức đại chúng.  

Họ không có quyền ngồi đó kềm giữ mọi người ở lại trình độ cũ, và vì vậy con lật đổ bàn ghế của họ, con thách thức họ và nói: “Hỡi Satan, hãy lui ra sau ta, vì đối với ta ngươi là một sự xúc phạm. Ngươi không thích những thứ của Thượng đế mà thích những thứ của người phàm. Nhưng ta thì vui sướng trong những gì thuộc về Thương đế, cho nên ta tuyên bố là ngươi không thực. Người không có quyền ở trên hành tinh này, bởi vì ta có quyền khẳng định và đòi lại hành tinh này như là vương quốc Thượng đế.”

5.15. Hãy làm những công việc thày đã làm

Trong cốt yếu đó là mục đích sứ mệnh của thày – là chứng minh sự dối trá, thách thức sự dối trá, chứng tỏ là con có khả năng vượt lên trên dối trá. Và khi thày nói là những ai tin thày, những ai bước theo con đường mà thày đã theo, thì họ cũng sẽ làm những việc mà thày đã làm, thậm chí những việc còn lớn hơn nữa, thì đó chính là viễn quan cao nhất mà thày có trong tâm. Không phải là con sẽ thực hiện một số phép lạ không còn thích hợp trong thời đại khoa học tiến bộ hôm nay, mà điều thày cần con làm là thách thức bọn đổi tiền của thời hiện đại, những kẻ đang kềm hãm loài người, những thày tế trong đền thờ, những kẻ đang giam giữ con người trong sự dối trá, giữ họ xa rời khỏi Thượng đế, giữ họ bên ngoài vương quốc Thượng đế ở ngay trong họ.

Và con, ngày nay, có thể làm công việc này ở một mức độ vượt hẳn những gì thày đã có thể làm 2000 năm về trước. Bởi vì nhân loại đã tiến bộ về nhận thức lẫn hiểu biết, cho nên một giáo lý tinh vi gấp bội có thể được trao truyền hôm nay. Con có khả năng phơi bày nhiều dối trá hơn, là sự đánh lừa trong tâm lý khi chính tự ngã trở thành con đường xâm nhập cho ông hoàng của thế gian cùng các thế lực bên ngoài bước vào kiểm soát con người qua kẻ thù bên trong. Con có nhiều dụng cụ hơn hẳn, nhiều cơ hội hơn hẳn để phơi trần gian dối này.

Tất cả các con đều có tiềm năng thực hiện điều này. Nhưng con cần chấp nhận là con đã tái sinh vào một trình độ Ki-tô mới, con có khả năng thách thức một lời dối đặc thù, bước ra ngoài đời và chứng tỏ – trước hết cho một nhóm nhỏ nhưng có thể sau đó cho những nhòm lớn hơn – rằng lời dối đó không thực. Đó là một sự lừa dối, và con chứng tỏ là con đã tái sinh, đã gia tốc vượt khỏi tâm thức của lừa dối. Đó chỉ là tâm thức khởi lên từ cái không thực, cho nên nó không có sự sống trong nó. Ngay từ đầu nó đã dựa trên một sự dối trá.

Vì vậy đây là viễn quan mà thày giữ cho con. Thày xem con đã tái sinh rồi. Liệu con sẽ xem mình đã tái sinh chưa? Liệu con sẽ chấp nhận như vậy và sau đó biểu hiện sự tái sinh của mình trong hành động? Đó là câu hỏi mà thày sẽ để yên cho con suy ngẫm, con yêu dấu.

Bởi vì thày, Giê-su, chấp nhận con như con là ngay bây giờ. Nhưng thày cũng chấp nhận con như cái HƠN NỮA mà thày có thể thấy được, cái HƠN NỮA mà con đã vốn là ở Trên. Nếu con có thể chấp nhận nó ở dưới này, thì con có thể là dưới này tất cả những gì con là ở Trên.

Suy ngẫm đi con, con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điều này. Cho tới khi con cho phép mình tái sinh, con chấp nhận bản sắc mới này mà giờ đây con là. Và con chấp nhận là không ích gì mà quay trở lại cái cũ hay tái tạo lại cái cũ. Bởi vì con là một sinh thể mới trong Ki-tô.