6 | Tia thứ 13 của dòng chảy sáng tạo

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 10 tháng 5, 2009, trong loạt bài về các tia sáng bí mật.

Saint Germain TA LÀ. Và thày cũng đến trong sự Hiện diện của quả vị Phật mà thày vừa chứng ngộ. Nhưng vì thày chứng ngộ không lâu như Giê-su cho nên thày sẽ đứng. Bởi vì thày thật chưa sẵn sàng ngồi xuống, con yêu dấu, khi thày mang nhiệm vụ trưởng giáo cho Thời đại Bảo bình.

Không phải là thày muốn đổ tội cho bào huynh yêu dấu của thày, Giê-su, là đã ngồi chơi trong công việc, nhưng dẫu sao thày cũng cảm thấy là Hiện diện của thày có thể được biểu đạt tốt hơn qua việc sứ giả này đứng dậy. Và như vậy con có thể nói đùa là có những vị Phật ngồi và có những vị Phật đứng, tuy nhiên các thày vẫn đều là Phật.

Và tất nhiên, đây là một điểm cốt yếu. Bởi vì con đừng rơi vào bẫy mà nghĩ rằng con có thể áp đặt bất cứ hình tư tưởng nào lên Phật cũng như sự biểu hiện quả vị Phật, con yêu dấu. Tất nhiên đây là cái bẫy của tâm đường thẳng, cái bẫy của ngã tách biệt, của tâm thức nhị nguyên và các thày giả. Ngay khi các thày đưa ra một khái niệm, ngay khi các thày trao truyền một lời dạy, ngay khi các thày gửi xuống một người sẽ biểu hiện tâm thức cao hơn, thì chúng sẽ muôn kéo nó xuống tầm mức của tương đối, rồi tầm mức của nhị nguyên và áp đặt một hình tượng khắc lên đó. Đó chính là tại sao khi Môi-se lên núi, hai điều răn đầu tiên mà ông nhận được là: “Con không được có Thượng đế nào trước ta. Con không được làm tượng khắc nào cho mình.”

6.1. Khác biệt giữa sáng tạo và luật lệ

Con thấy đó, con yêu dấu, các điều răn nguyên thủy được trao cho Môi-se là những điều răn sáng tạo, nhưng khi ông xuống núi và nhận thấy mọi người không thể giữ tâm thức mình ở một tầng cao trong khi ông vắng mặt thể xác, thì ông ngộ ra là họ chưa sẵn sàng cho những lời răn này. Vì vậy ông phải lên núi trở lại, nhận một bộ lời răn mới, thô thiển hơn, tương đối hơn theo kiểu “phải làm cái này, không được làm cái kia.”

Con yêu dấu, đến một điểm trên đường tu tâm linh con phải vứt bỏ tất cả mọi luật lệ, mọi quy định, mọi giá trị “phải hay không được,” “được làm hay không được làm”. Và điểm này xuất hiện khi con vươn tới mức của tia sáng thứ 13, chính xác là tia của dòng chảy sáng tạo.

Sáng tạo, con yêu dấu, chỉ có thể được diễn tả như một dòng chảy. Nó không thể đứng yên. Nó là một chuyển động thăng vượt không ngừng. Nó thực sự là dòng chảy của sự sống.

Nếu nó dừng lại thì sự sống cũng dừng lại. Bởi vì điều gì nằm sau dòng chảy sáng tạo? À, đúng vậy, đó là Đấng Sáng tạo đang hướng chú ý của mình vào thế giới hình tướng – trong tư cách là Đấng Sáng tạo và đồng thời cũng qua trung gian những phần nối dài tự nhận biết của ngài. Tất cả mọi người, tất cả mọi sinh thể tự nhận biết ở bất cứ nơi đâu trong thế giới hình tướng chỉ có thể có được khả năng tự nhận biết là do có một dòng chảy chú ý liên tục của Đấng Sáng tạo xuyên qua bản thể họ.

Nhưng nếu con không nhận biết điều này thì thật ra con không có khả năng tự nhận biết đích thực, và vì vậy con không thể nói cùng với Giê-su: “Ta và Cha ta là một. Cha ta đã làm cho đến nay và ta cũng làm.”

Con nghĩ mình là một sinh thể tách biệt. Tuy nhiên vẫn có một dòng chảy chú ý nào đó từ Đấng Sáng tạo, vì nếu không thì giản dị con đã không tự nhận biết. Cho nên khi con vươn lên cao hơn trạng thái mê ngủ này, mà Giê-su gọi là chết, và nhận ra là mình đang sống – con là một sinh thể sống vì con là sự biểu hiện của chính nguồn sống, ngọn suối của sự sống – thì tất nhiên con có thể là cánh cửa mở cho một lưu lượng lớn hơn của dòng chảy đó. Và con sẽ có thể biểu đạt dòng chảy sáng tạo ngay cả trong vũ trụ vật chất dày đặc này, ngay cả trên hành tinh trái đất dày đặc này. Và do đó con có thể chứng minh rằng việc vượt qua mọi hạn chế và mọi vấn đề bằng cách liên tục sáng tạo cái HƠN NỮA, là chuyện khả dĩ.

6.2. Từ bỏ những định kiến lớn

Như các thày đã nói nhiều lần, con không thể giải quyết vấn đề bằng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề, chính vì khi con làm vậy, con chỉ buộc mình chặt hơn vào cuộc giao tranh nhị nguyên. Con bảo là vấn đề do một đối cực nhị nguyên gây ra, cho nên con phải đi vào đối cực nhị nguyên ngược lại và dùng cái này để hủy diệt đối cực đầu. Nhưng tất nhiên, cả hai đối cực nhị nguyên xuất hiện cùng một lúc, vì đó là cách duy nhất cái vô hạn có thể phân chia để tạo ra ảo tưởng tách biệt.

Và vì vậy, con yêu dấu, con không thể nào dùng một đối cực nhị nguyên để hủy diệt đối cực kia. Cái gì tùy thuộc vào cái khác thì không thể hủy diệt cái khác đó. Hai cái sai không thành một cái đúng. Hai cái tiêu cực không thể tiêu trừ lẫn nhau.

Đó là tại sao giải pháp duy nhất cho bất kỳ vấn đề nào là phải với ra khỏi trạng thái tâm thức đang trải bày điều kiện mà con cố thay đổi. Xong con đưa ra một giải pháp, một nhãn quan HƠN NỮA – một sự biểu đạt sáng tạo vượt ra ngoài cách biểu hiện cũ và trạng thái tâm thức cũ.

Đấy thật sự là uy lực của tia sáng thứ 13. Nó vượt ra khỏi cả bảy tia sáng đầu mặc dù có một số điểm tương đồng. Nhưng con thấy đó, để thực sự vượt qua các khai ngộ của tia thứ 13, con phải thực sự vứt bỏ mọi quy luật, mọi thành kiến, mọi ý tưởng sẵn có.

Hôm qua thày đã truyền cảm hứng cho sứ giả này tìm kiếm gì đó trên internet, và ông đã đọc được câu trích dẫn như sau: “Giải pháp cho những vấn đề lớn đòi hỏi sự từ bỏ những định kiến lớn.”

Vì con thấy đó, con yêu dấu, vấn đề được tạo ra từ một định kiến đã giới hạn tâm thức của con người, do đó hạn chế sự biểu đạt sáng tạo của họ. Cho nên trừ khi họ sẵn lòng từ bỏ định kiến, từ bỏ giới hạn cùng tin tưởng nhị nguyên đã tạo ra vấn đề, thì làm sao họ có thể mở tâm ra để nhận được giải pháp? Mỗi vấn đề đều sinh ra từ việc chặn nghẽn luồng sáng tạo, từ nỗ lực tóm bắt luồng sáng tạo trong một hình tướng xong duy trì hình tướng này.

Con yêu dấu, con nhìn trái đất và có thể thấy một số biểu hiện mà con sẽ dán nhãn là xấu xa, nhưng cũng có những biểu hiện khác con dán nhãn là tốt đẹp hay con không chất vấn là cần thay đổi. Nhưng cuộc sống là một tiến trình tụ thăng vượt không ngừng. Mức thành đạt của ngày hôm qua sẽ không đủ cho ngày hôm nay, bởi vì nếu một biểu đạt không thăng vượt thì con sẽ chặn nghẽn dòng chảy sáng tạo – vốn luôn thăng vượt bất kỳ biểu đạt nào để trở nên HƠN NỮA. Vì vậy khi con tìm cách bám giữ một hình tướng nhất định và hưởng thụ nó một thời gian, đó là lúc con chặn đứng dòng chảy sáng tạo. Đó là lúc con bước ra ngoài dòng chảy sáng tạo.

6.3. Dòng chày sáng tạo và thời gian

Bây giờ con cần hiểu là con đã được ban cho quyền tự quyết. Trong tư cách một người đồng-sáng tạo, con có quyền tạo ra một hình tướng nào đó và bảo: “Hình tướng này thật tuyệt vời. Tôi muốn tận hưởng nó trong hình dạng này thêm một chút nữa. Tôi muốn tận hưởng nó một thời gian.” Phải, con có quyền quyết định như thế, nhưng khi con làm vậy, không những con sẽ đem sáng tạo của con mà cả ý niệm cái ta của con vào cõi thời gian. Bởi vì trong dòng chảy sáng tạo, không có thời gian.

Thời gian không ý nghĩa gì trong dòng chảy sáng tạo, bởi vì trong cốt tủy, thời gian là khi con lấy một dòng đang chảy và chia nó thành nhiều khúc nhất định. Nhưng cái vô hạn không thể chia thành từng khúc, con yêu dấu. Đó là một dòng chảy không bao giờ ngừng chảy, cho nên thời gian hoàn toàn không mang cùng ý nghĩa khi con xuôi theo dòng chảy sáng tạo. Bởi vì con không tìm cách đứng yên một chỗ, con không tìm cách giữ nguyên một hình dạng nhất định dù là một khoảnh khắc. Tức khắc con cho phép hình dạng này thăng vượt, con tự cho phép mình thăng vượt hầu tạo ra một hình tướng cao hơn.

Chuyện này cũng giống như khi ở tuổi 11, con bỗng nhiên quyết định là con không muốn thân thể mình phát triển quá tuổi đó, vì vậy con gắng sức chặn đứng không cho nó lớn lên. Đấy, hiển nhiên chuyện này không thể làm được.

Bởi vì một lần nữa, có một vẻ đẹp nào đó khi con dõi nhìn sự phát triển của mọi thứ đang trải bày ra. Điều này không có nghĩa là những gì được tạo ra sẽ bị mất đi ngay lập tức, mà chỉ có nghĩa là nó nở ra như một đóa hoa đang nở. Nó sẽ không dừng lại giữa chừng. Không phải giống như mặt trời mọc lên vào buổi sáng bất thình lình quyết định ngừng lại khi đang nửa chừng trồi lên khỏi chân trời. Tất cả mọi thứ đều chuyển động trong dòng chảy sáng tạo và trở nên HƠN NỮA. Cho nên con xuôi chảy theo dòng trải nghiệm liên tục cái HƠN NỮA, thay vì tìm cách nắm lấy một trải nghiệm nào đó, ngừng dòng chảy, để mà có thể hưởng thụ trải nghiệm này một thời gian. Khi làm vậy thì con cũng tự đặt mình ra ngoài dòng chảy, con tạo ra một sự tách biệt, một khoảng cách giữa nơi con đang đứng trong tâm thức với nơi đáng lẽ con sẽ tới nếu con đã tiếp tục xuổi chảy theo Dòng sông sự Sống. Chính điều này tạo ra ảo tưởng thời gian.

Con yêu dấu, đây là điều mà đấng Mẹ đã nguyện cho phép con làm. Phật ban cho con không gian để con thử nghiệm với quyền tự quyết, còn Mẹ thì cho phép con thể hiện một hính tướng cụ thể, nhưng Mẹ cũng cho phép con quyết định liệu con có muốn duy trì hình tướng này trong một thời gian. Tất nhiên, Mẹ cũng đã gài sẵn lực co lại trong bản thể Mẹ, là lực sẽ rốt cuộc làm tan vỡ bất kỳ hình tướng nào mà con cố duy trì. Nhưng điều này cho con thời gian để mà trải nghiệm một hình tướng đặc thù cho đến khi con quyết định là con đã chán nó, con yêu dấu.

Đây là sự trải bày của Luật Tự quyết. Toàn bộ vũ trụ vật chất, ở mức tiến hóa hoàn vũ hiện thời, cho phép điều này xảy ra, tức là các sinh thể tự nhận biết có thể bước ra ngoài dòng chảy và mưu cầu sự duy trì hình tướng trong một thời gian, thay vì cứ liên tục thăng vượt hình tướng đó, thăng vượt ý niệm cái ta.

6.4. Ngã tách biệt không thể đưa con xa hơn bảy tia sáng

 Vì vậy một lần nữa, các thày ủng hộ quyền tự quyết như Phật đã giải thích. Khi con đi qua các khai ngộ của bảy tia sáng, con vẫn có thể duy trì một khía cạnh nào đó của ngã tách biệt. Và con có thể làm vậy bao nhiêu lâu con muốn. Nhưng một khi con bước vào cái mà trước kia gọi là tia bí mật, con không thể tìm cách duy trì ngã này được nữa mà đồng thời vượt qua khai ngộ của các tia bí mật. Con không thể ăn hết bánh mà vẫn còn bánh. Con phải sẵn lòng làm như câu nói: “Đứng dậy Peter, hãy giết và ăn.” Con phải giết chết cái ta cũ và trầm mình vào Dòng sông sự Sống, xuôi chảy với nó, và mỗi giây cho phép mình trở nên HƠN NỮA.

Con yêu dấu, con có thể nghĩ là sẽ nhàm chán biết mấy nếu cứ phải kinh qua cùng một trải nghiệm hết lần đến lần khác. Nhưng con hãy nhìn hành tinh này đi, nhìn xem biết bao người đã giữ cùng một việc làm suốt 30, 40 năm trời, mỗi ngày theo cùng một thông lệ, sáng thức dậy uống tách cá phê, xem tin tức hay đọc báo, đi làm cùng một công việc, chuyện trò với cùng những người đó, nói cùng những lời lẽ, trở về nhà ăn cùng một bữa cơm, bàn cùng một chuyện với người phối ngẫu, xem cùng một chương trình TV rồi đi ngủ. Và hôm sau lại lặp lại y như thế.

Làm đúng như vậy suốt mấy chục năm trời, con có thể nghĩ là họ sẽ chán ngấy. Nhưng con thấy không, họ không chán ngấy vì tự ngã của họ đã đặt họ vào đúng nơi nó muốn. Và chính họ cũng đang ở đúng nơi họ muốn, theo nghĩa là họ muốn trải nghiệm cảm nhận an toàn thoải mái kia. Tất nhiên theo quyền tự quyết, đây là quyền của họ.

Nhưng thày đang ở đây để nói với con là quả thật có một niềm vui lớn hơn rất nhiều khi con lại trầm mình vào Dòng sông sự Sống, quay trở về dòng chảy sáng tạo và cho phép mình trở nên HƠN NỮA. Con trải nghiệm là sự sống dồi dào chỉ có được khi con ở trong dòng chảy sáng tạo đó nơi tất cả mọi thứ đều trở nên HƠN NỮA. Bởi vì dồi dào là gì chứ? Là cái HƠN NỮA! Khi một điều gì dừng lại ở một mức nào đó thì nó hết là dồi dào, nó chỉ là một khối của cải nhất định hay là sự thiếu thốn của cải.

Dồi dào là một dòng chảy, dồi dào là sự lưu chuyển. Nếu ngừng lại, nó sẽ bắt đầu chết đi tức thì. Không có cách nào khác. Đây là định luật thứ hai của nhiệt động học, là lực co lại của Mẹ, là lực của Shiva làm tan vỡ tất cả những gì đứng yên và do đó đã chết về mặt tâm linh.

Con thấy đó, con yêu dấu, thật không có gì sai trái khi con muốn trải nghiệm một hình tướng nào đó trong một thời gian. Như thày đã nói, đó là quyền của con vì con có tự quyết. Nhưng vấn đề là để trải nghiệm một hình tướng trong bất kỳ khoảng thời gian nào, con sẽ phải chấp nhận hay tự xem mình là một bản sắc đặc thù, một cái ta đặc thù trong khoảng thời gian đó. Và tất nhiên ý niệm cái ta này phải được định nghĩa trong cõi tách biệt, tức là cõi của các đối cực nhị nguyên.

6.5. Tại sao trong thời gian luôn luôn có đối chọi

Cho nên luôn luôn sẽ có gì đó chống lại ý niệm cái ta của con, chống lại sự duy trì hình tướng, chống lại cảm nhận an toàn và thoải mái của con, con yêu dấu. Tại sao con thấy cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra gần đây? Bởi vì có quá nhiều người trở nên thoải mái quá đỗi với tình trạng tài chánh của họ, tưởng rằng mọi chuyện sẽ tiếp diễn như vậy mãi mãi. Và rồi phải đến một điểm khi lực co lại đập đổ các tòa tháp Babel đã được dựng lên trong nền kinh tế, thì bỗng chốc người ta mới bắt đầu cảm thấy là có lẽ tương lai kinh tế của mình không an toàn như mình nghĩ, có lẽ tương lai hưu trí của mình không đảm bảo như mình tưởng. Thế là đùng một cái, lựa chọn của họ là gì?

À, hoặc họ có thể bó tay và trông cậy vào chính phủ, hoặc họ có thể trở nên sáng tạo và nhờ vậy thị hiện sự dồi dào mà họ mong muốn. Cho nên con thấy đó, như luôn luôn, sự thoải mái, sự bằng lòng tự mãn chính là kẻ thù lớn nhất của tăng trưởng. Con có thể nghĩ kẻ thù lớn nhất của tăng trưởng là tà lực và ác quỷ, nhưng kỳ thực sự thoải mái – sự bằng lòng tự mãn, cảm nhận yên ổn cho rằng mọi chuyện như thế này đã tốt đủ – đây mới là kẻ thù lớn nhất của tăng trưởng.

Những ai quá hài lòng sẽ không thấy nhu cầu thăng vượt, do đó họ không thể tăng trưởng và được tự do. Vì họ bị giam trong mong muốn giữ nguyên một trạng thái nhất định, cho nên chú ý của họ, năng lượng sống của họ bị cuốn hút vào việc duy trì cái không thể duy trì. Bởi vì cái đó sẽ bị phá vỡ bởi chính sức mạnh của sự sống, nó sẽ bị đe dọa bởi một đối lực nhị nguyên.

Con thấy đó không phải là tự do, con yêu dấu. Họ có thể cảm thấy mãn nguyện vì tự ngã không ngừng dội bom vào lòng họ niềm tin rằng cuộc sống đang xảy ra đúng như nó phải xảy ra và họ phải bằng lòng. Nhưng tánh linh của họ thì vô hạn, nó không thể nào thực sự bằng lòng. Cho nên họ có thể tạm thời bỏ qua tiếng kêu của tánh linh vô hạn muốn trở nên HƠN NỮA, nhưng họ không thể làm vậy mãi mãi. Tới một điểm sẽ có một điều gì lay họ, đánh thức họ dậy khỏi cảm giác bằng lòng đó, thế là họ quyết định tăng trưởng, họ quyết định với lên cao hơn, với lên một cái gì sáng tạo hơn. Và đây, tất nhiên, là toàn bộ mục đích của tia thứ 13.

Tia thứ 13 nhằm trợ giúp những ai đã sẵn sàng, đã sẵn lòng bước trở lại vào dòng chảy sáng tạo, vứt bỏ những xiềng xích cuối cùng còn ngăn cách họ khỏi dòng chảy, con yêu dấu. Theo một nghĩa nào đó, con vẫn đang vứt bỏ xiềng xích khi con leo qua tất cả mọi tia sáng, kể cả bảy tia đầu, nhưng chắc chắn sẽ tới một điểm khi – như thày vừa nói – tất cả mọi luật lệ, mọi quy định, mọi mong muốn ngăn nắp trật tự phải được cho phép trôi đi.

Nói cho cùng, con không thể sáng tạo nếu con nghĩ là trong thế gian có bất cứ luật lệ nào hay điều kiện nào sẽ giới hạn sự biểu đạt sáng tạo của con. Không có cách chi con có thể xuôi theo Dòng sông sự Sống một cách trọn vẹn mà lại nghĩ rằng sự biểu đạt của mình phải được quy định bởi các điều kiện hiện hành trong vũ trụ vật chất. Bởi vì như thày đã nói, các điều kiện hiện hành trong vũ trụ này được quy định bởi sự kiện có quá nhiều người đồng-sáng tạo quyết định bước ra ngoài Dòng sông sự Sống, tìm cách ngăn chặn Dòng sông sự Sống, tìm cách tạo dựng một hình tướng cố định và duy trì hình tướng này trong chiều dài thời gian.

Và như vậy thì họ đứng ra ngoài dòng chảy sáng tạo. Thành quả biểu đạt của họ – tức là các điều kiện hiện hành – không phải là biểu đạt của dòng chảy sáng tạo mà của tâm thức nhị nguyên, của tư duy phản sáng tạo. Do đó nếu con nghĩ sự sáng tạo đích thực sẽ thích nghi được với phản sáng tạo, thì con không thể trầm mình vào sáng tạo đích thực. Con không thể nhập một với dòng chảy sáng tạo. Con yêu dấu, chuyện này không thể.

Cho nên con phải đạt tới điểm sẵn lòng vứt bỏ tất cả mọi thứ mà con nghĩ đã cho con một nền tảng vững vàng, kể cả cái nhìn của con về con đường tâm linh, về ý nghĩa của con đường tâm linh đối với con, về thế nào là thiên đàng, thế nào là Thượng đế.

6.6. “Đêm đen của linh hồn”

Con yêu dấu, có người đã nói đến đêm đen của linh hồn (dark night of the soul), đêm đen của tánh linh. Nhưng đêm đen là kết quả khi con đạt tới mức phải chất vấn những niềm tin thiêng liêng nhất của mình, những điều con xem là đương nhiên không cần tra vấn. Nếu con bám giữ những thứ này thì Tánh linh của con sẽ kéo con buông chúng ra. Nhưng nếu tâm vỏ ngoài của con không chịu buông thì con sẽ bị xé thành từng mảnh bởi những lực đối lập trong bản thể con.

Ý niệm cái ta, sự nhận biết ý thức của con sẽ có cảm giác bị giằng co theo hai hướng, tuy nhiên nó không thể động đậy, nó bị tê liệt. Và con sẽ không thể chuyển động chừng nào con còn nghĩ mình phải làm gì đó, bởi vì điều con cần làm là buông bỏ, con phải nhả cho nó ra đi. Con đơn giản phải sẵn lòng được tái sinh, và khi con tái sinh, khi con chấp nhận một ý niệm cái ta mới, thì con cũng chấp nhận đây là một cái ta đang chảy theo dòng sáng tạo và đang biểu lộ dòng sáng tạo – cho nên cái ta này đang ở đây để đem lại những giải pháp mới mẻ.

Giê-su có nói về mong muốn của thày cho những ai đạt đến một mức quả vị Ki-tô nào đó là họ có thể bước ra ngoài và thách thức các ảo tưởng của tâm thức nhị nguyên và các thày giả. Đó quả là một việc phụng sự và một khai ngộ vứa chính đáng vừa cần thiết. Nhưng có một công việc khác – không cứ là cao hơn mà đi song song – là thay vì con chỉ thách thức ảo tưởng và lời dối bằng cách chỉ ra tính không thực của nó, con đem lại một giải pháp sáng tạo cũng sẽ thách thức lời dối. Nhưng con đưa ra một cái gì vượt xa hơn hẳn – bởi vì mọi lời dối chẳng phải là một hạn chế, một điều được xem là đương nhiên không thể chất vấn, một sự giới hạn cho tư tưởng và sáng tạo hay sao?

Vì vậy khi con cho phép mình nhập vào dòng chảy, con có khả năng đem lại những góc nhìn mới, những giải pháp mới, những sáng chế mới sẽ thách thức cách người ta vốn làm mọi chuyện.

Con yêu dấu, không nhất thiết đó phải là một công trình gì hoành tráng. Thày muốn lưu ý con là khoảng hơn một thế kỷ trước, có hai anh em – sống không xa đây lắm – ngồi trong căn chòi gỗ thô sơ, thử nghiệm một số hình dạng cánh máy bay khác nhau trong đường hầm gió mà họ đã tự tay xây dựng. Họ muốn tìm xem hình dạng nào cho họ đủ lực nâng sẽ cho phép họ chế tạo một cỗ máy biết bay.

Con yêu dấu, hai anh em nhà Wright không phải là những người mà bình thường con sẽ gọi là anh hùng hay vĩ nhân. Trước khi họ cất cánh, họ chẳng được ai công nhận mà chỉ có vẻ là hai kẻ tầm thường sống trong những điều kiện khá thô sơ. Nhưng họ mang niềm khao khát muốn đập tan một trong những giới hạn lâu đời của loài người để khởi đầu một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho công nghệ máy bay. Đối với con đã lớn lên xem máy bay là chuyện hiển nhiên, con không thể thực sự tưởng tượng được sự xoay chuyển to lớn xảy ra trong tâm thức tập thể khi ai nấy nghe tin có người vừa chế ra một cỗ máy biết bay. Nó giống như một làn sóng chấn động chạy xuyên qua tâm thức tập thể, con yêu dấu.

Nó đã tạo ra một cuộc xoay chuyển địa chấn trong tâm thức tập thể vì bỗng nhiên, chỉ do sự kiện đơn giản là có người đã chứng minh được một chuyện mà mọi người bảo là bất khả thi, thì người ta bắt buộc phải tự nhìn mình một cách khác. Con thử nghĩ xem người ta thường nói: “Nếu Thượng đế muốn chúng ta bay thì ngài đã ban cho chúng ta đôi cánh rồi.” Không, con yêu dấu, ngài đã ban cho con một tâm trí có khả năng sử dụng dòng chảy sáng tạo. Nếu con dùng được tâm này thì sẽ không có giới hạn nào cho những gì có thể xảy ra. Kỷ nguyên của máy bay có thể đã đem lại nhiều thay đổi lớn lao, tuy nhiên nền công nghệ hiện hành để thực hiện chuyến bay vẫn còn vô cùng thô sơ so với những gì thày đã thiết kế trong phòng thí nghiệm của cõi ê-the. Công nghệ này tiên tiến hơn rất nhiều những gì con đang có, sẵn sàng để được trao cho nhân loại. Một vài chi tiết lẻ tẻ đã được tiết lộ nhưng chưa hoàn toàn bắt rễ.

6.7. Sáng tạo không có giới hạn

Và một lần nữa, dòng chảy sáng tạo có mặt ở đó, như một tiềm năng đằng sau mọi thứ. Không có giới hạn trong những giải pháp có thể được đưa ra, là những giải pháp sẽ không chỉ triệt tiêu một vấn đề cụ thể, mà còn cho phép nhân loại thăng vượt chính tầng mức đã sinh ra vấn đề.

Tương tự như vậy, con yêu đấu, cũng có một số loại công nghệ có khả năng cách mạng hóa lãnh vực chữa bệnh. Nhưng những loại công nghệ này không thể được rải truyền cho đến khi có một số lượng tới hạn những người sẵn lòng nhìn vào sự thật rằng một căn bệnh vật lý là cách biểu hiện của một trạng thái tâm thức, và vì vậy sự chữa lành không thể hoàn tất – tình trạng trọn vẹn không thể hồi phục – cho đến khi có sự thay đổi trong tâm thức. Và sự thay đổi tâm thức này không thể, không bao giờ có thể được chế tạo bằng một thiết bị máy móc. Không một công nghệ nào, một công nghệ máy móc nào có thể chế tạo một sự xoay chuyển tâm thức, bởi vì đây là một tiến trình sáng tạo, con yêu dấu.

Nhưng có một số loại công nghệ có thể được truyền rải – và đã từng được truyền rải trong các Thời Hoàng kim đã qua – đem lại khả năng tạo ra sự rung động thích hợp để loại trừ nguyên nhân của nhiều bệnh tật, ít ra là nguyên nhân vật lý. Tuy vậy, trừ khi một người thay đổi tâm thức của mình thì, đấy, cơ thể vật lý sẽ lại trải bày ra một dạng bệnh khác, con yêu dấu, ngay cả khi con dùng một thiết bị máy móc để tiêu trừ các triệu chứng của một căn bệnh. Việc tiêu trừ triệu chứng qua máy có thể tạm thời đem lại khuây khỏa và lành lặn, nhưng nếu con không lợi dụng sự khuây khỏa này để thay đổi tâm thức thì con đã không thực sự loại bỏ nguyên nhân của căn bệnh. Nguyên nhân này nằm trong tâm thức.

Cho nên con thấy là cho tới khi có một số lượng quần chúng tới hạn, và một sự nhận biết tới hạn, về nhu cầu chữa lành không chỉ cơ thể mà cả tâm nữa, thì các thày sẽ không truyền rải loại công nghệ sẽ đưa lãnh vực chữa lành và ngành y khoa lên một tầng mức cao hẳn một bực. Tương tự như vậy với nhiều loại cộng nghệ khác, phải có một sự tăng trưởng về nhận biết, qua đó con nhận ra – nhân loại cần bắt đầu nhận ra – rằng thế giới nơi con sinh sống không máy móc chút nào.

Thế giới không phải là một cỗ máy, không phải là một cỗ máy tinh xảo, mà là một sự biểu đạt của tâm thức, bao gồm cả chính trạng thái tâm thức của con. Chỉ khi đó thì loài người mới có chọn lựa, hoặc họ sẽ kéo dài tình trạng khốn khổ hiện tại, hoặc họ sẽ mở ra cho dòng chảy sáng tạo ngay trong họ, và như vậy gia tốc địa cầu vượt ra khỏi tình trạng hiện nay của khốn khổ, bất bình đẳng, vật lộn và đau đớn.

6.8. Khai ngộ của tia thứ 13

Chính thày, Saint Germain, đã đề xướng lời dạy này. Thày đã bảo trợ cho việc đề xướng lời dạy này về tia thứ 13 của dòng chảy sáng tạo, con yêu dấu. Con có thể thỉnh thày để học những gì con cần học hầu chứng ngộ tia thứ 13.

Con hãy để ý thày được biết đến như là Chân sư của Tự do. Con hãy để ý thày đã nói gì về việc từ bỏ các luật lệ, các quy định, các thành kiến của con. Con hãy sẵn lòng chất vấn tất cả mọi thứ.

Thày là một chân sư bận rộn. Là chủ xướng Thời đại Bảo bình hầu đem lại Thời Hoàng kim, thày lại còn làm việc với các đệ tử tâm linh. Cho nên thày không có thì giờ làm việc với những đệ tử nào vẫn còn đủ loại hộp tư duy trong tâm mà họ không chịu vượt qua, khiến họ không chịu chất vấn tất cả mọi thứ. Có những chân sư khác sẽ sẵn lòng làm việc với con nếu con vẫn ở mức mang theo một hộp tư duy mà con không chịu tra vấn. Nhưng thày, Saint Germain, thì không mong muốn, thày không sẵn lòng làm như vậy – vì thày sử dụng quyền tự do chọn lựa của mình để quyết định là thày không sẵn lòng làm việc với những đệ tử không sẵn lòng chất vấn mọi thứ. Thày sẽ không làm việc với những đệ tử mà, khi thày đến nói với họ “Con hãy xem xét chuyện này” thì họ phản ứng: “Ồ không được, tại sao con phải làm chuyện này chứ? Con không muốn suy nghĩ kiểu đó, vì trong một đợt truyền giáo trước có dạy rằng con không cần chất vấn niềm tin đó!”

Thái độ này, con yêu dấu, không đáp ứng yêu cầu của thày về một người làm đệ tử của thày. Thày không lên án con có thái độ đó, mà thày chỉ giản dị bảo con nên tìm một chân sư khác sẵn lòng làm việc với con – vì thày thì không. Đây là sự chọn lựa tự quyết của thày. Thày nói rõ thày là ai và thày chọn gì. Con hãy đến với thày khi nào con chịu chất vấn mọi thứ, còn nếu không, con hãy tìm một chân sư khác. Có những vị sẽ chịu làm việc với con, mặc dù khả năng của họ làm việc với con sẽ bị hạn chế bởi chính những điều con không chịu chất vấn.

6.9. Lucifer như đại thiên thần của tia thứ 13

Vậy thì con yêu dấu, bây giờ hãy để thày trình bày theo một hướng hơi khác là sự kiện Lucifer đã được gọi là đại thiên thần thứ 13. Thật vậy trong một bầu cõi cao hơn, Lucifer đã từng là một đại diện của tia thứ 13. Lucifer đã sa ngã qua một sự tha hóa của tia thứ 13, tia của tự do sáng tạo, của dòng chảy sáng tạo.

Có thể cần đến mấy tha hóa vi tế – rất vi tế – để đến mức đó. Nhưng một tha hóa vi tế là ý tưởng bảo rằng: “Nếu tôi có tự do sáng tạo hoàn toàn thì tại sao tôi lại không thể tạo ra một hình tướng xong duy trì hình tướng đó?” Như các thày có nói, con có quyền tìm cách duy trì một hình tướng, nhưng con không thể làm vậy trong dòng chảy sáng tạo. Bởi vì khi con ngừng lại ở một hình tướng nhất định, con không đang xuôi chảy nữa và do đó con phải tách mình ra khỏi dòng chảy.

Tha hóa kia, tất nhiên, là ý tưởng cho rằng quyết định của Thượng đế ban quyền tự do cho con người không thể nào dẫn đến kết quả chung cuộc là sự thị hiện của vương quốc Thượng đế. Bởi vì người ta sẽ lạm dụng quyền tự do này để làm bất cứ gì, kế cả chuyện chống đối lẫn nhau. Vì vậy tự do cần phải hạn chế, tự do cần phải ép buộc. Con người phải bị ép vào một khuôn khổ, nơi ác quỷ nghĩ là y có thể đảm bảo sự cứu rỗi của họ nếu họ cứ tuân theo con đường cứu rỗi đích thực độc nhất mà y đã vạch ra. Nhưng đây là con đường tách biệt, con yêu dấu.

Con đường chân chính dẫn đến cứu rỗi, con đường chân chính dẫn đến sự thị hiện của vương quốc Thượng đế trong bầu cõi thấp, quả thực là dòng chảy sáng tạo đem lại những giải pháp cao hơn.

Con thấy đó, con yêu dấu, thật không quan trọng nếu một bầu cõi thấp kém, dày đặc đến đâu khi nó được tạo dựng lần đầu. Nếu các sinh thể tự nhận biết trong bầu cõi này sẵn lòng tự thăng vượt không ngừng, thì cuối cùng họ sẽ đưa bầu cõi của họ lên cao. Không thể nào khác được.

Tự thăng vượt sẽ dẫn đến sự biểu hiện của vương quốc Thượng đế. Luôn luôn đã từng như vậy và sẽ mãi mãi như vậy. Đó là cách duy nhất để thị hiện vương quốc Thượng đế khi con nhận ra rằng Thượng đế chính là Thượng đế Hằng sống đang tự thăng vượt chính mình.

Sẽ đến một điểm, con yêu dấu, con cần nhập vào dòng chảy sáng tạo đó khi con nói: “Tôi sẽ là cái tôi sẽ là!” có nghĩa là con sẽ, trong mọi lúc, là nhiều hơn cái con vừa là trước đó. Tha hóa là khi con nói: “Tôi sẽ là cái tôi đang là, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở ngay bây giờ. Tôi sẽ ở lại đây một thời gian.” Khi đó con đã tách mình ra khỏi dòng chảy.

Và điều này phù hợp với những gì Phật đã nói, bởi vì một lần nữa, chính Lucifer đã được yêu cầu vượt qua khai ngộ mà Phật đã có nhắc đến, tức là khai ngộ khi con đang ở một bầu cõi cao hơn và phải bỏ lại đời sống của mình cùng thành đạt của mình cho những sinh thể ở bầu cõi kế tiếp. Nhưng Lucifer thì không muốn làm vậy, bảo rằng: “Tôi muốn ở lại trong địa vị cao trội này, nơi tôi được người cấp dưới ngưỡng mộ. Tôi không muốn xuống thấp, hy sinh đời sống cho những người chưa đạt đến trình độ có thể công nhận thành đạt của tôi.”

Và như vậy con thấy ý muốn chặn đứng dòng chảy sáng tạo, bước ra ngoài và giữ nguyên một vị thế nào đó. Bởi vì một lần nữa, con không thể giữ nguyên một vị thế trong dòng chảy, con yêu dấu.

6.10. Không có chuyện đứng yên trong dòng chảy sự sống

Bản thân Đấng Sáng tạo đã sẵn lòng để cho bản thể của mình bị “nhốt” trong thế giới hình tướng, để các sinh thể tự nhận biết có thể làm bất cứ gì họ muốn với bản thể của ngài. Cho nên đây chính là cốt lõi của dòng chảy sáng tạo, và con cũng phải sẵn lòng làm điều tương tự.

Không có vị thế nào, không có ý niệm cái ta cố định nào mà có bất cứ giá trị tối hậu nào, hay thậm chí có thể sống còn, con yêu dấu. Bất cứ lúc nào con cũng là con người mà con nghĩ con là, và bất cứ lúc nào con cũng có thể thay đổi con người mà con nghĩ con là.

Lời dối gạt là bảo rằng con người mà con là trong lúc này phải tùy thuộc vào con người mà con đã là trong quá khứ. Đây là lời dối gạt mà Lucifer đã truyền bá lúc đầu và được các thày giả truyền bá tiếp từ đó trở đi. Đây là lời dối của tự ngã. Đây là lời dối mà Peter đã trình bày với Giê-su khiến Giê-su quở mắng: “Hỡi Satan, hãy lui ra sau ta!” qua đó Peter bảo Ki-tô phải thích nghi với sự chờ đợi, hay với các luật lệ, các điều kiện sẵn có trong thế gian, thay vì biểu hiện tính siêu việt. Đây chính là sự tha hóa của dòng chảy sáng tạo.

Dòng chảy sáng tạo chỉ chảy thôi. Nó chảy. Nó chảy. Thày đã nói điều này bao nhiêu lần rồi? Thày cần nói thêm bao nhiêu lần nữa trước khi có gì đó trong tâm con ngộ được? Và con nhận ra bản chất của tâm thức tách biệt chính là một cố gắng chặn đứng dòng chảy, hầu bám lấy một trải nghiệm, một trạng thái tâm thức, một điều kiện vật chất nhất định. Đó là chết!

Sống là chảy. Sống là chuyển động. Sống là tiến lên. Sống là thăng vượt. Con yêu dấu, nếu con thành thật, nếu con chịu nhìn thật sâu vào chính mình và quán chiếu điều này, con sẽ phát hiện những lớp sâu thẳm vô cùng tinh tế của tự ngã đang muốn duy trì một điều gì đó, muốn ôm giữ những gì nó cảm thấy con đã đạt được. Thậm chí có cả cảm nhận vi tế là những gì con đã trải nghiệm và kinh qua trên con đường tâm linh sẽ cho con một loại địa vị nào đó. Và khi con đạt được một địa vị đủ cao thì bỗng nhiên, thiên thần thổi kèn sẽ xuất hiện và cổng ngọc sẽ mở ra, và con sẽ được chào đón vào vương quốc thiên đàng nhờ địa vị của con. Nhưng Giê-su đã chẳng nói hay sao, trừ khi con trở thành giống như trẻ nhỏ thì con không thể bước vào vương quốc. Trẻ nhỏ có gì đáng nói?

Đối với trẻ nhỏ, tất cả mọi chuyện đều mới. Con có thấy không? Trong dòng chảy sáng tạo, mỗi ngày là một ngày mới, một khởi đầu mới. Không phải lả sự tiếp nối của ngày hôm qua mà là một ngày mới.

Nó có thể có một số yếu tố của ngày hôm qua nhưng nó mới. Nó tươi. Nó sống động. Và trừ khi con sẵn lòng chảy xuôi theo thì con sẽ không thể bước vào vương quốc. Con sẽ buộc mình phải đứng bên ngoài, nơi con tìm cách bảo vệ một vị thế nào đó, tưởng rằng nếu con đạt được một địa vị tối thượng trong thế giới này thì con sẽ được bảo đảm bước vào thế giới kia.

Nhưng con không thể bước vào thế giới kia chừng nào con còn cầm giữ trạng thái tâm thức của thế giơi này, thế giới của tách biệt. Không thể nào được!

Các thày đã nói điều này quá nhiều lần, con yêu dấu. Nhưng các thày vẫn tiếp tục nói vì các thày biết là mỗi lần nói lên như vậy, một số người sẽ hiểu ra. Nhưng người khác thì sẽ vẫn mang rào cản trong tâm ngăn họ nhìn thấy, ngăn họ trải nghiệm được thật sự. Cho nên các thày lại cố thêm một lần. Các thày cố thêm một lần vì các thày đang thăng vượt chính mình, luôn luôn tìm những cách diễn tả mới hơn – nói lên cùng một chuyện nhưng trong những bối cảnh khác nhau cho những người khác nhau ở những mức tâm thức khác nhau.

Cho nên một lần nữa, con hãy xét thật kỹ lưỡng sự sống là một dòng chảy liên tục. Không phải là một kết quả chung cuộc. Cứu rỗi không là một kết quả chung cuộc. Thăng thiên không là một kết quả chung cuộc. Quả vị Ki-tô không là một kết quả chung cuộc. Quả vị Phật không là một kết quả chung cuộc. Vì một khi con đạt đến kết quả chung cuộc thì mọi chuyện sẽ đứng im. Nhưng không phải vậy.

Bởi vì Đấng Sáng tạo không đứng im. Cho nên khi con là một với Dòng sông sự Sống thì có nghĩa là con cũng không đứng im. Đây là tại sao con sẵn lòng trở nên HƠN NỮA bằng cách chất vấn điều con đã nghĩ là cách biểu đạt cao nhất của sáng tạo. Bởi vì nếu con không chịu chất vấn cái đang là, làm sao con có thể mở cửa cho cái HƠN NỮA? Làm sao con có thể cởi mở với cái mới nếu con không đặt vấn đề cái cũ?

Sự tăng triển bắt đầu với một câu hỏi. Thày là chân sư của tự do, và vì thế, một lần nữa thày nói rõ là thày đón chào tất cả những đệ tử nào sẵn lòng chất vấn tất cả!