7 | Khắc phục ảo tưởng một Thượng đế nóng giận

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/4/2005.

7.1. Con không cần gì từ ngoài để được cứu rỗi

Trái tim yêu dấu của thày, tuyệt đối không có gì ngăn con trở về nhà vương quốc của Cha con. Toàn bộ ý tưởng bảo rằng có gì đứng giữa con và vương quốc Thượng đế là một ảo tưởng. Đó là một ảo tưởng được tạo ra bởi kẻ thù bên trong, cái ta hữu diệt của con, và kẻ thù bên ngoài, ông hoàng của thế gian. Cả hai kẻ thù này đều được lợi khi chúng giữ con kẹt lại trong nhà tù tinh thần của cái ta hữu diệt. Cửa nhà tù này không hề khóa, và ý tưởng bảo rằng cửa bị khóa là một ảo tưởng nhị nguyên.

Nhiều người có thể thấy điểm này đi ngược lại những gì họ đã được dạy để tin theo. Quá nhiều người được dạy dỗ hai ý tưởng khiến họ khó lòng tin được là họ có khả năng trở vể vương quốc Thượng đế bất cứ lúc nào. Một trong hai ý tưởng này là quan niệm cho rằng Thượng đế là một Thượng đế nóng giận phán xét đang ngồi trên ngai trên trời, nhìn xuống mọi cử động của con. Thượng đế này sẵn sàng phán xét và lên án con về từng lỗi lầm con mắc phải, thậm chí còn đày con xuống địa ngục nếu con vi phạm các điều răn của ngài.

Quan niệm một Thượng đế nóng giận trên trời đã được một số tôn giáo trên hành tinh này củng cố. Tiếc thay, ngay cả nhiều giáo hội Cơ đốc cũng củng cố hình ảnh giả trá này, thần tượng này, về Thượng đế. Hình ảnh một Thượng đế bên ngoài giận dữ là một tượng khắc do tâm phản Ki-tô dựng lên.

Hình ảnh thứ nhì khiến con khó lòng chấp nhận những gì thày vừa nói ở đoạn trên là quan niệm, được nhiều tôn giáo tăng cường, rằng con cần một cái gì hay một ai đó từ ngoài để có thể được cứu rỗi. Đạo Cơ đốc là một trong những lực chính cổ vũ cho quan niệm này. Nhiều giáo hội Cơ đốc chủ xướng vô cùng mạnh mẽ giáo điều cho rằng Giê-su Ki-tô là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi và tất cả những ai không theo đạo Cơ đốc sẽ xuống địa ngục. Thày biết họ căn cứ giáo điều này theo một số câu nói của Giê-su, nhưng thày đố con đọc lại Kinh thánh và tìm thấy bất kỳ đoạn nào Giê-su bảo rằng con người vỏ ngoài của Giê-su hay tôn giáo vỏ ngoài là con đường duy nhất đến cứu rỗi. Nếu con xuất thân từ một gia đình Cơ đốc, con sẽ tức khắc nghĩ đến đoạn trích trong Phúc âm Giăng ghi lời này của Giê-su: “TA LÀ con đường, sự thật và sự sống; không người nào đến được với Cha mà không bởi ta” (John 14:6).

Giê-su đã đến để chứng tỏ qua tấm gương của thày là mọi người trên trái đất có khả năng giành lại tâm thức Ki-tô và nhờ vậy trở thành Ki-tô Hằng sống trong hiện thân. Giê-su đã chứng tỏ con đường này bằng cách theo nó đến cùng, nghĩa là gần thời gian sứ mạng của thày hoàn tất, thày hoàn toàn hợp nhất với Tâm Ki-tô Hoàn vũ đến độ khi thày nói lên hai chữ “TA LÀ” thì thày không muốn ám chỉ con người vỏ ngoài trong một cơ thể con người. Cái ta ý thức của Giê-su hoàn toàn đồng hóa với Hiện diện TA LÀ của thày cũng như với Đấng đã sáng tạo ra thày.

Khi thày nói hai chữ “TA LÀ,” thày thực sự muốn nói đến Tâm Ki-tô Hoàn vũ, đến Hiện diện TA LÀ và Thượng đế, đến TA LÀ CÁI TA LÀ. Khi thày nói “TA LÀ,” thày muốn nói đến ý niệm cái ta đã nhập một với bản mẫu thiêng liêng của nó được cất giữ trong Tâm Ki-tô Hoàn vũ, nhập một với cái ta bất diệt của nó, và nhập một với Đấng đã sáng tạo ra nó. Giê-su thật sự muốn nói rằng ý niệm cái ta dựa trên sự hợp nhất chính là con đường, sự thật và sự sống. Không người nào có thể đến được với Đấng Sáng tạo mà không đi qua ý niệm hợp nhất với Thượng đế đi ra từ tâm Ki-tô. Con không thể đến với Thượng đế chừng nào con còn xem ngài là một Thượng đế bên ngoài, một sinh thể giận dữ trên trời. Con chỉ có thể đến với Thượng đế khi con ngộ ra con là một cá thể hóa của Thượng đế, con là một đứa con của Thượng đế, con là chính Thượng đế đang tự biểu đạt qua ý niệm cái ta địa phương của con. Con ngộ ra cái TA LÀ trong con chính là Thượng đế.

Cảm nhận hợp nhất nội tâm này là chìa khóa đích thực của sự cứu rỗi. Điều này đã luôn luôn như vậy và sẽ luôn luôn như vậy. Trải qua các thời đại, con người đã dùng tâm nhị nguyên của phản Ki-tô để tạo ra nhiều tượng khắc về Thượng đế, về chính mình và về con đường đến cứu rỗi. Không có gì con người tạo ra đã thay đổi sự thật cơ bản rằng con đường duy nhất đến cứu rỗi là hợp nhất với Đấng Sáng tạo của mình. Con đường đích thực duy nhất dẫn đến cứu rỗi là cái Ta Biết phải xoay chuyển ý niệm cái ta của nó để nó không còn đồng hóa với cái ta hữu diệt, nó không còn tự xem nó là tách biệt với – và tách rời khỏi – Đấng tạo ra nó. Cái Ta Biết phải thấy nó là một nối dài của Đấng Sáng tạo, và vì vậy nó là một với Đấng Sáng tạo.

Đó mới thật là ý nghĩa câu nói của Giê-su rằng Nước Trời ở trong con (Luke 17:21). Khi con so sánh câu này với lời trích từ Phúc âm Giăng, con sẽ thấy là nếu Nước Trời thật sự ở trong con, thì chẳng có nghĩa lý gì con phải đi qua một nhân vật lịch sử – một nhân vật đã sống 2000 năm về trước – để vào được Nước Trời. Thật chẳng có nghĩa lý gì con phải đi qua một sinh thể thăng thiên mà con có xu hướng đặt ở ngoài con. Điều này không có nghĩa là con không thể vào Nước Trời bằng cách đi qua Chân sư Thăng thiên Giê-su Ki-tô, nhưng con chỉ có thể làm vậy khi con đạt đến một cảm nhận hợp nhất với Giê-su, xem Giê-su như là anh mình, có lẽ ngay cả như một phần lớn hơn của gia đình tâm linh của mình, Cây sự Sống của mình, một phần lớn hơn của chính mình. Thày không đang phủ nhận sự kiện là ngày nay Giê-su đang đảm nhiệm một trách vụ tâm linh trong tư cách đấng Cứu thế của hành tinh, và nhiệm vụ của thày là giúp mỗi người tìm cầu tâm linh bước vào Nước Trời. Một lần nữa, con chỉ có thể làm vậy bằng cách đi qua cảm nhận hợp nhất nội tâm – sự hồn nhiên ngây thơ – là bí quyết thật sự của cứu rỗi.

7.2. Chính con tự phạt mình chứ không phải Thượng đế

Để đạt được cảm nhận hợp nhất này với Đấng Sáng tạo của con, con cần bỏ đi hình ảnh Thượng đế là một sinh thể nóng giận trên trời cứ chực trừng phạt mọi lỗi lầm của con. Con là con của Thượng đế. Ngài đã tạo con ra để con là một người đồng-sáng tạo, ngài đã ban cho con trí tưởng tượng và quyền tự quyết. Đấng Sáng tạo của con không mong gì hơn là thấy con trở về bản mẫu thiêng liêng nguyên thủy của mình để con có thể là con người mà con được tạo ra để là. Khi con trở về trạng thái ân sủng, trạng thái ngây thơ đó, con sẽ có thể xây dựng thêm cá thể thiêng liêng của mình để trở thành nhiều hơn con người con đã được tạo ra để là. Đấng Sáng tạo thể hiện mong muốn trở nên hơn nữa của Thượng đế, cho nên chính con trong tư cách một người đồng-sáng tạo cũng thể hiện mong muốn trở nên hơn nữa của Thượng đế. Đấng Sáng tạo chỉ có một mong muốn, đó là trở nên hơn nữa. Như một biểu hiện của ý muốn này, ngài đã tạo ra thế giới hình tướng. Như một biểu hiện lớn hơn của ý muốn hơn nữa, ngài đã tạo ra những sinh thể tự nhận biết đồng-sáng tạo để ngài có thể là hơn nữa xuyên qua con. Đấng Sáng tạo của con không mong gì hơn là trở nên hơn nữa xuyên qua con. Ngài chỉ có thể là hơn nữa xuyên qua con khi chính con tự thăng vượt và trở nên nhiều hơn con người mà con được tạo ra để là.

Chừng nào cái Ta Biết xem mình là ít hơn bản mẫu thiêng liêng của con thì Thượng đế không đang là hơn nữa xuyên qua con. Đây không phải là điều ngài muốn thấy xảy ra, như Giê-u đã cố minh họa qua ẩn dụ về các ta-lăng hay vốn liếng (Matthew 25:14). Thượng đế tưởng thưởng những người đồng-sáng tạo đã nhân lên khả năng vốn có của họ, tuy nhiên ngay cả lời ẩn dụ này cũng không hoàn toàn chính xác. Đây không phải là lỗi Giê-su mà là vì chính Giê-su cũng phải diễn đạt theo một cách phù hợp với tâm thức con người thời đó. Điều này thấy rõ qua sự kiện Giê-su giảng dạy cho đám đông qua lời ẩn dụ nhưng thày giải thích những bí ẩn sâu xa hơn cho các tông đồ của thày (Mark 4:34). Thậm chí Giê-su còn nói: “Ta còn nhiều điều nữa để nói với con nhưng con chưa kham được” (John 16:12). Hai ngàn năm về trước, nhân loại vẫn quá kẹt trong tâm thức sợ hãi và tách biệt đến độ họ xem Thượng đế là một Thượng đế bên ngoài. Ẩn dụ của Giê-su về các ta-lăng kể chuyện ông chủ kia tưởng thưởng những đầy tớ đã nhân lên ta-lăng của mình và trừng phạt người đầy tớ đã chôn ta-lăng dưới đất, tượng trưng cho cái ta hữu diệt.

Thượng đế không là kẻ trừng phạt con. Chính con là kẻ đang trừng phạt con vì vũ trụ của Thượng đế vận hành đơn giản như một tấm gương. Nếu con chôn vốn liếng của mình xuống đất của tâm thức nhị nguyên, thì con đang gửi ra vũ trụ thông điệp bảo rằng cuộc sống là một sự vật lộn. Tấm gương vũ trụ phản chiếu lại cho con những cảnh ngộ sẽ xác nhận niềm tin của con rằng cuộc sống là một sự vật lộn. Nếu con chấp nhận hình ảnh Thượng đế là một sinh thể nóng giận phán xét sẽ phạt con mỗi khi con phạm lỗi, thì con cũng phóng hình ảnh này ra gương vũ trụ. Con thử đoán xem tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu gì cho con?

7.3. Tâm tách biệt tạo ra Thượng đế tách biệt

A con yêu dấu, hệ quả của điều thày vừa nói với con cho tới điểm này là khi con bị kẹt trong cái ta hữu diệt, khi con bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên, con trở thành một lời tiên tri tự nó ứng nghiệm. Cái gì con gửi ra sẽ được tấm gương vũ trụ phản chiếu lại cho con. Nếu con cảm thấy mình bị tước đoạt sự dồi dào của Thượng đế, vũ trụ sẽ gửi cho con những cảnh ngộ vỏ ngoài phản ánh niềm tin rằng Thượng đế là ông quản đốc bất công cố tình giữ lại sự dồi dào của cuộc sống.

Qua các thời đại, con người đã bám giữ hình ảnh một Thượng đế bên ngoài nóng giận và phán xét. Khi có chuyện xấu xảy ra cho họ, họ có xu hướng suy luận đây phải là sự trừng phạt của Thượng đế đối với tội lỗi của họ. Với mỗi chuyện xấu xảy ra cho họ, hình ành một Thượng đế nóng giận phán xét chỉ tăng thêm cường độ. Hết thế hệ này đến thế kỷ khác, hình ảnh này về một Thượng đế nóng giận đã ăn sâu vào tâm thức tập thể. Một số người đã chấp nhận nó từ quá nhiều kiếp sống đến độ họ vô cùng khó khăn từ bỏ con bê vàng này.

Đấng Sáng tạo thật sự vượt khỏi tạo vật của ngài. Không có một hình ảnh nào trong thế giới hình tướng có thể biểu tượng chính xác cái Tất cả của Đấng Sáng tạo của con. Không có từ ngữ nào có thể mô tả chính xác Đấng Sáng tạo, và hệ quả là không một kinh điển tôn giáo nào có thể đưa ra một lời mô tả trọn vẹn hay hoàn toàn chính xác về Đấng Sáng tạo. Khi con dựng lên bất kỳ hình ảnh nào về ngài, con tự động tạo ra một bức tượng khắc, và qua đó con vi phạm hai điều răn đầu tiên được trao cho Môi-sê (Exodus 20:3-4). Bức tượng khắc của con trở thành Thượng đế giả mà giờ đây con bắt đầu thờ phượng thay vào Thượng đế thực vượt khỏi bất kỳ hình ảnh nào mà bất cứ ai có thể tạo ra, bất kỳ hình ảnh nào có thể được tạo ra qua ngôn ngữ.

Ý nghĩa thật sự của hai điều răn đầu tiên được trao cho Môi-sê là nếu con tạo ra bất kỳ hình ảnh nào về Thượng đế dựa trên nhị nguyên của tâm phản Ki-tô, thì hình ảnh này bắt buộc là một tượng khắc, một hình giả. Hình ảnh nhị nguyên này che khuất Thượng đế thực, cho nên chắc chắn con sẽ bắt đầu thờ phượng một Thượng đế giả do chính con hay người khác tạo ra – có lẽ các thày giả đội lốt chiên. Con thờ phượng một Thượng đế bất di bất dịch, trong khi Thượng đế thực là Dòng sông sự Sống luôn luôn tuôn chảy, luôn luôn thăng vượt chính mình. Thày không ở đây để phá vỡ lòng tin của con vào tôn giảo hay một tôn giáo đặc thù nào. Nếu con là một người tìm kiếm tâm linh chân chính, và nếu con quan tâm đến việc trở về nhà của vương quốc Cha con, con không thể tránh khỏi đạt tới điểm con sẵn lòng chất vấn hình ảnh về Thượng đế mà người ta đã cho con từ tuổi thơ ấu. Con phải sẵn lòng xét xem hình ảnh về Thượng đế do tôn giáo con quảng bá có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi tâm phản Ki-tô. Nếu con được dạy dỗ để tin vào hình ảnh một Thượng đế nóng giận và phán xét, thày có thể cam đoan với con là hình ảnh này không những đã bị ảnh hưởng mà còn phát xuất từ tâm phản Ki-tô.

Điều này cũng dễ thấy khi con nhận diện hai sự thật đơn giản. Tất cá mọi thứ được sinh tạo từ chất liệu, từ bản thể của Thượng đế. Con cũng được tạo ra từ bản thể Thượng đế, nghĩa là con là một phần của Bản thể Thượng đế. Con không tách biệt khỏi ngài, con thực là một phần nối dài của ngài. Nếu Thượng đế quyết định trừng phạt con, ngài sẽ trừng phạt chính ngài, và đối với một người có suy nghĩ, liệu điều này có nghĩa lý gì không?

Sự thật thứ nhì là tâm phàn Ki-tô dựa trên cảm nhận tách biệt khỏi Thượng đế, ảo tưởng rằng bất cứ thành phần nào của Thượng đế, bất cứ gì do Đấng Sáng tạo hay một người đồng-sáng tạo tạo ra, cũng có thể bị tách rời khỏi nguồn cội của nó. Một khi một sinh thể ý thức chấp nhận ảo tưởng tách biệt, thì sẽ có khả năng sinh thể này tạo ra một tượng khắc của Thượng đế mà y coi là ở bên ngoài y.

Trong Vườn Eden, tất cả các sinh thể tự nhận biết đều hồn nhiên ngây thơ vì họ mang cảm nhận nội tâm mình là một phần của cái gì lớn hơn chính mình. Họ biết họ là một phần của Thân thể Thượng đế, họ biết họ nối kết với một sinh thể lớn hơn, tức Hiện diện TA LÀ. Quan niệm của họ về Thượng đế không phải là một Thượng đế ngoại lai trên trởi. Khi còn ngụ trong sự hồn nhiên của Vườn Eden, những người đồng-sáng tạo vẫn biết sự thật vĩnh cửu rằng vương quốc Thượng đế ở bên trong mình. Chỉ sau khi họ quyết định ăn quả trái của hiểu biết về thiện ác thì họ mới rơi vào ảo tưởng mình tách biệt khỏi nguồn cội của mình. Khi họ bắt đầu chấp nhận ảo tưởng tách biệt này, họ không thể xem mình có sự nối kết nội tâm với Thượng đế được nữa. Cảm nhận hợp nhất nội tâm này, trạng thái hồn nhiên này, bị đánh mất, và thay vào đó họ tạo dựng một bức tượng khắc của một Thượng đế bên ngoài. Rồi từ hình ảnh Thượng đế bên ngoài này khởi lên quan niệm một Thượng đế trên trời giận dữ và trừng phạt, một Thượng đế cố sức áp đặt ý chí của mình lên họ để hạn chế tự do sáng tạo của họ.

Trái tim yêu dấu của thày, thày thật sự mong muốn giúp con khắc phục các ảo tưởng đang ngăn cách con khỏi sự sống dồi dào, khỏi vương quốc của Cha con. Để giúp con khắc phục các ảo tưởng này, thày cần giải thích cho con chúng xuất phát từ đâu. Chúng xuất phát từ tâm thức phản Ki-tô xem mình tách biệt khỏi Thượng đế và dùng nhị nguyên của thiện ác tương đối để tạo ra một tượng khắc của Thượng đế che đi Thượng đế thực. Con được sinh tạo từ Bản thể Thượng đế và ngài không mong muốn gì hơn là thấy con trở thành nhiều hơn con người con đã được tạo ra để là, và như thế con trải nghiệm sự sống dồi dào – một sự dồi dào chỉ có thể tìm thấy qua sự tự thăng vượt không ngừng. Thượng đế không bao giờ muốn con bị lạc đường trong sợ hãi, tách biệt và thiếu thốn. Ngài không bao giờ muốn con trải nghiệm đau đớn, khổ ải hay bất cứ gì kém hơn sự dồi dào mà ngài đã hình dung cho con ngay từ đầu. Thày có thể nói với con với sự chắc chắn tuyệt đối của một sinh thể đã vươn lên cao hơn tâm thức nhị nguyên và tái hợp lại với Đấng Sáng tạo, rằng Thượng đế không muốn gì hơn là thấy con cũng vươn lên cao hơn tâm thức nhị nguyên và được tự do biểu đạt cá thể thiêng liêng của mình. Ngài hoàn toàn không muốn trừng phạt con hay giữ con lại trong một trạng thái giới hạn, giữ con lại trong tâm thức nhị nguyên cho dù một giây.

Thượng đế sẽ vui mừng biết mấy thấy con thoát khỏi tâm thức nhị nguyên ngay bây giờ, nhưng vì ngài tôn trọng quyền tự quyết của con, cho nên ngài biết con phải trở về vương quốc của ngài bằng cách thay thế các chọn lựa cũ, các chọn lựa dựa trên nhị nguyên của phản Ki-tô, bằng những chọn lựa xây trên tảng đá của Ki-tô. Ngài không có mong muốn qua mặt tiến trình này, nhưng ngài có mong muốn thấy con hoàn tất tiến trình này càng sớm càng tốt. Thày có thể cam đoan với con là Thượng đé sẽ không bao giờ đặt chướng ngại trên đường con đi, ngài sẽ không bao giờ cản trở để khiến con bỏ ra nhiều thời gian hơn cần thiết hầu hoàn tất tiến trình trở về vương quốc của ngài. Thượng đế không muốn con cảm thấy tội lỗi về những lầm lỡ của mình. Ngài chỉ muốn con thừa nhận các chọn lựa của mình, nhận ra là chúng dựa trên tâm thức phản Ki-tô, rồi thay thế chúng bằng sự thật Ki-tô vốn cho con uy lực chọn lựa tốt hơn. Ngay khi con học xong một bài học nhất định, ngay khi con chọn lựa tốt hơn, ngài sẽ xem con vĩnh viễn giải thoát khỏi các lỗi lầm cũ. Thượng đế muốn con giải thoát để con có thể trở về bản mẫu thiêng liêng của mình và là sinh thể bất tử tuyệt đẹp mà ngài đã sinh tạo. Ngài không muốn nhớ tội lỗi của con nữa (Hebrews 10:17) và muốn chính con cũng không nhớ tội lỗi của con nữa.

Tình yêu của Thượng đế cho con vô điều kiện và ngài đã không tạo ra bất cứ điều kiện nào chia cách con khỏi sự sống dồi dào của tình yêu vô điều kiện của ngài. Trong ngài không có điều kiện nào, không có khác biệt, không có bóng tối hay biến đổi (James 1:17). Nếu trong Thượng đế không có điều kiện thì điều kiện có mặt ở đâu? Chỉ ở một nơi duy nhất là cõi nhị nguyên, nơi tâm thấy mình tách biệt khỏi tình yêu vô điều kiện của Thượng để. Các điều kiện có vẻ giữ con tách rời khỏi sự sống dồi dào và Nước Trời, không có chút thực tế nào trong tâm thức Thượng đế hay trong tâm Ki-tô. Chúng chẳng là gì khác hơn ảo tưởng, và chúng chỉ tồn tại trong tâm thức phản Ki-tô. Chúng nẩy lên từ tâm thức tách biệt vốn tạo ra điều kiện không thực.

7.4. Cái ta hữu diệt ra đời thế nào

Con hãy suy ngẫm con là một phần nối dài của Bản thể Đấng Sáng tạo. Thượng đế đã tạo ra con vì ngài mong muốn trải nghiệm nhiều hơn xuyên qua con, xuyên qua ý niệm nhận biết địa phương của con. Ngài mong muốn hoàn tất sự sáng tạo thế giới hình tướng từ bên trong thế giới này. Ngài mong muốn trải nghiệm cái đẹp của tạo vật từ bên trong chính tạo vật. Con không tách biệt khỏi Đấng Sáng tạo của con mà con là một nối dài của Đấng Sáng tạo, nhìn thế giới hình tướng từ bên trong thế giới đó và đồng-sáng tạo từ bên trong tạo vật. Thượng đế không muốn con là kém hơn những gì ngài đã tạo ra ban đầu. Ngài muốn là nhiều hơn xuyên qua con – chứ không là ít hơn xuyên qua con. Ngài muốn con thoát ra khỏi nhà tù của cái ta hữu diệt của con và ngài không hề muốn giữ con lại trong nhà tù đó.

Con yêu dấu, nếu con chịu đi vào trong tim và suy nghiệm những gì thày đã từng nói với con nhiều lần trong nhiều bối cảnh khác nhau, tim con sẽ bảo con rằng quả thực thày đang nói sự thật. Khi đó con có thể xem đến câu hỏi hợp lý, ai là kẻ đang tìm cách giữ con kẹt lại trong nhà tù của cái ta hữu diệt? Thày đã cho con câu trả lời rồi đó, cụ thể là kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Sẽ thật ích lợi nếu chúng ta xem xét kỹ hơn hai kẻ thù này.

Ban đầu con được tạo ra như cái Ta Biết, như bình chứa cái ta và như cái ta bất diệt, Hiện diện TA LÀ của con. Bình chứa cái ta, quả cầu cái ta của con chưa hoàn toàn tràn đầy ánh sáng Thượng đế, và cái Ta Biết có tiềm năng bồi thêm vào đó qua nỗ lực sáng tạo của nó. Quả thực, đúng lý con sẽ làm công việc này, đúng lý con sẽ nhân lên vốn liếng ta-lăng của mình. Khi cái Ta Biết quyết định thử nghiệm trái cây của hiểu biết về thiện ác, tâm thức nhị nguyên, con bắt đầu bỏ vào bình chứa cái ta những nội dung dựa trên tâm thức nhị nguyên. Những nội dung này không có rung động đủ cao hay đủ trong sạch để đi lên tầng cấp cái ta bất diệt của con và được cất giữ trong kho báu tích lũy trên thiên đàng. Chúng không phài là thành quả của việc nhân ta-lăng mà việc chôn ta-lăng dưới đất. Các yếu tố hữu diệt với rung động thấp này giờ đây chồng chất trong phần thấp của bình chứa cái ta, khiến cho toàn bản thể của con kém hơn những gì nó đã được tạo ra để là, kém hơn bản mẫu thiêng liêng của con.

Khi con cứ tiếp tục làm vậy, các yếu tố nhị nguyên này chồng chất, tập hợp thành trọng lượng. Như con cũng biết từ vũ trụ vật chất, bất cứ khi nào có đủ khối lượng tập hợp ở một nơi thì nó bắt đầu tạo ra một trọng lực vượt ra ngoài ranh giới của nó. Hành tinh trái đất có một trường hấp dẫn chung quanh nó, và nó thu hút bất kỳ hạt bụi hay hạt nguyên tử nào có mặt trong không gian, ngay cả một “hạt” to lớn như mặt trăng. Các quyết định và tin tưởng nhị nguyên của con là những hạt bụi tập hợp trong bình chứa cái ta, đến một điểm chúng đạt được khối lượng tới hạn và bắt đầu tạo ra lực hấp dẫn. Lực này lôi kéo cái Ta Biết, và sự chú ý của con càng ngày càng hướng về các yếu tố hữu diệt trong bình chứa cái ta. Con hãy nghiệm xem, có những sự cố hay ngay cả những thói quen suy nghĩ có thể lôi kéo chú ý của con về một số tình huống nhất định, một số người, nơi chỗ hay bất kỳ biểu hiện nào khác của vũ trụ vật chất.

Bây giờ thày sẽ giải thích một điểm vi tế, và một lần nữa tâm vỏ ngoài của con sẽ khó lòng hiểu được, nhưng tim con sẽ có khả năng nắm bắt ý nghĩa bên trong. Mọi thứ được sinh tạo từ Bản thể Thượng đế, tức chính là tâm thức. Mọi thứ đều có tâm thức trong nó. Ngay cả những thứ con người gọi là vật chất vô tri cũng có một trạng thái tâm thức thô sơ nào đó. Tâm phản Ki-tô cũng có tâm thức – đơn giản là tâm thức rung động ở một độ thấp hơn tâm thức Ki-tô, giống như ánh sáng hồng ngoại rung động ở một tần số thấp hơn ánh sáng cực tím vậy. Khi con lấy những quyết định dựa trên tâm thức phản Ki-tô và bỏ thêm nhiều yếu tố hữu diệt vào bình chứa cái ta, thực sự điều con đang làm là mở lối cho tâm thức phản Ki-tô đi vào quả cầu cái ta.

Lúc đầu, các yếu tố nhị nguyên này hình thành một lực hấp dẫn lôi kéo chú ý của con một cách cơ học. Khi tâm thức này tập hợp thêm khối lượng, nó sẽ rốt cuộc đạt trọng lượng tới hạn, qua đó nó không chỉ còn là một tập hợp những quyết định và năng lượng. Thay vào đó, tập hợp những quyết định và năng lượng riêng rẽ này bây giờ biến thành một đơn vị mạch lạc bỗng nhiên khoác vào một tâm thức đặc trưng như một ngã tách biệt. Vào ngay lúc đó, cái ta hữu diệt của con ra đời, là một ý niệm cái ta tách biệt có mặt trong bình chứa cái ta của con.

7.5. Một ngôi nhà phân rẽ vì kẻ xâm nhập ngoại lai

Con đã được tạo ra để là một sinh thể trọn vẹn, tự thân con không mang lực nào đối chọi với nhau, nghĩa là con không chứa đựng điều gì kém hơn sự toàn hảo của tâm Ki-tô. Khi con cho phép những yếu tố phản Ki-tô đi vào bản thể, con đã làm ô nhiễm quả cầu cái ta của con. Khi cái ta hữu diệt ra đời, con đã cho phép sự hình thành của một sinh thể ngoại lai trong quả cầu cái ta. Đây là ý nghĩa thật sự của lời dạy của Giê-su về ngôi nhà bị phân rẽ với chính nó và không thể đứng trong ánh sáng của sự thật Ki-tô. Cái ta hữu diệt chính là yếu tố phân rẽ ngôi nhà, phân rẽ quả cầu cái ta của con và kéo cái Ta Biết xa khỏi sự toàn hảo của bản mẫu thiêng liêng. Điều này khiến con kém hơn chứ không nhiều hơn những gì con đã được tạo ra để là, và chính vấn đề này tước đi sự sống dồi dào khỏi con.

Bình chứa cái ta của con ban đầu chỉ chứa đựng cái Ta Biết và Hiện diện TA LÀ của con. Đây là thiết kế nguyên thủy, và trong khi con biểu đạt quyền năng sáng tạo thì con cũng có thể khuếch trương ánh sáng cho đến khi nó tràn ngập toàn bộ quả cầu cái ta, và con sẽ là Trên sao dưới vậy. Quả cầu cái ta của con không bao giờ được hoạch định để chứa đựng bất cứ gì ngoại lai hay đối nghịch với bản mẫu thiêng liêng. Khi cái ta hữu diệt ra đời, nó hình thành một đối lập cho ý niệm cái ta bất diệt của con, nó hình thành một cái ngã ngoại lai đối với bản mẫu thiêng liêng. Cái ta hữu diệt dựa trên những quyết định lạc điệu với định luật của Thượng đế và cá thể thiêng liêng của con. Các quyết định này tạo ra những hình ảnh nhị nguyên, những tượng khắc che khuất cái ta bất diệt, Hiện diện TA LÀ của con. Khi cái ta hữu diệt tăng thêm sức mạnh thì lực hấp dẫn của nó lôi kéo mạnh hơn, và cái Ta Biết, sự chú ý của con càng ngày càng tập trung vào cái ta hữu diệt đó. Đến một điểm, cái ta hữu diệt trở nên hùng mạnh đến độ cái Ta Biết bắt đầu đồng hóa với nó. Sức mạnh của cái ta hữu diệt được gia tốc cho đến lúc nó thuyết phục luôn cái Ta Biết rằng con là một sinh thể hữu diệt. Điều này xảy ra vì cái ta hữu diệt không còn là một thế lực thụ động nữa mà một kẻ xâm lược đúng nghĩa, đang tìm cách kiểm soát quả cầu cái ta của con bằng cách chi phối người điều khiển quả cầu này, tức là cái Ta Biết. Cuối cùng, cái ta hữu diệt còn có thể khiến con mất đi ký ức về cái ta bất diệt. Lúc bấy giờ, con đã bước xuống cầu thang thấp đến độ con bị mắc bẫy trong bóng tối vỏ ngoài của cái ta hữu diệt và tâm thức phản Ki-tô.

Rắn trong Vườn Eden đã cám dỗ Eva chống lại vị đại diện của Thượng đế. Rắn là một kẻ xâm nhập từ ngoài, một kẻ xâm lược ngoại lai vào khu vườn. Quả thật cái ta hữu diệt của con là một kẻ xâm nhập ngoại lai vào quả cầu cái ta của con, tức khu Vườn Eden cá nhân của con. Do quyền tự quyết, cái Ta Biết có thể quyết định dự phần vào tâm thức nhị nguyên. Thượng đế đã không đem Rắn vào vườn. Sự có mặt của tâm phản Ki-tô là một hậu quả của việc ban cho con quyền tự quyết, nhưng Thượng đế đã đặt con vào một quả cầu được che chở nơi tâm của rắn không có mặt. Tâm thức nhị nguyên có mặt bên ngoài quả cầu đó, và chỉ cái Ta Biết mới có thể mời nó vào bên trong. Con không có nhu cầu làm chuyện này, mà đó là một chọn lựa con đã lấy. Chính con đã mở ra một lối vào mà qua đó kẻ thù bên ngoài đã có thể xâm nhập vào quả cầu cái ta và cài đặt chất độc của lòng nghi ngờ cứ lớn mãi thành cái ta hữu diệt, tức kẻ thù bên trong. Cái ta hữu diệt này là một nối dài của kè thù bên ngoài, y như cái ta bất diệt của con là một nối dài của Đấng Sáng tạo của con.

Cái ta hữu diệt thật sự là một sinh thể riêng biệt, một sinh thể xa lạ đối với mục đích sinh tồn của con. Đó là một sinh thể đã xâm lăng quả cầu cái ta, đối nghịch với mục đích con đã được tạo ra để theo đuổi. Chính cái ta hữu diệt này ngăn con thừa kế vương quốc của Cha con, ngăn con trải nghiệm sự sống dồi dào. Con đường chân chính duy nhất dẫn đến nhiều dồi dào hơn là con phải tách cái Ta Biết khỏi cái ta hữu diệt. Con phải đi mút tiến trình tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt để con không còn đồng hóa với nó nữa. Và để đi mút tiến trình này, con cần trước hết khắc phục ảo tưởng rằng con cái ta hữu diệt.

Cái Ta Biết có khả năng tự đồng hóa với bất cứ gì. Chừng nào nó còn đồng hóa với cái ta hữu diệt, làm sao nó có thể tách ra được đây? Con không thể tách mình ra khỏi chính con, con không thể tách mình ra khỏi cái con xem là chính mình, khỏi ý niệm cái ta của mình. Bước đầu tiên trên hành trình trở về nhà là nhận ra cái ta hữu diệt không phải là một phần của bản thể thực của con. Con cần phải hiểu, chấp nhận và thể nhập sự thật rằng cái ta hữu diệt là một kẻ xâm nhập ngoại lai không bao giờ nằm trong thiết kế của Thượng đế, không bao giờ được trù liệu để là một phần của bản thể con. Khi con ngộ ra trọn vẹn sự thật này, việc tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt sẽ dễ hơn rất nhiều.

7.6. Con sẽ không chết khi cái ta hữu diệt chết

Cái ta hữu diệt của con có một ý niệm bản sắc tách biệt, một tâm thức tách biệt. Nó giống như một kẻ thống trị ngoại bang đi vào nước con, truất ngôi vị vua chính đáng – cái Ta Biết – và tự xưng mình là vua mới. Từ khi nó lên ngôi vua, nó đã cai trị nước con, quả cầu cái ta của con, với bàn tay sắt. Con có thể mường tượng là khi một ông vua xâm chiếm một vương quốc và đã cai trị rất lâu, thì ông ta sẽ không từ bỏ quyền lực và lợi lộc mà không kháng cự. Cái ta hữu diệt của con sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát cái Ta Biết mà không kháng cự, và điều cốt yếu là con phải hiểu tại sao lại như vậy.

Cái ta hữu diệt do chính con tạo ra. Nó được tạo ra do con thử nghiệm tâm thức nhị nguyên qua đó con khiến cho năng lượng thuần khiết của Thượng đế khoác lấy một rung động thấp hơn. Nó chỉ có thể tiếp tục tồn tại chừng nào con còn kẹt trong tâm thức nhị nguyên và còn tiếp tế năng lượng cho nó. Ngay cả các dạng sống thô sơ nhất trên trái đất cũng có một bản năng sinh tồn cơ bản. Tương tự như vậy, cái ta hữu diệt cũng có một bản năng sinh tồn. Nó biết rất rõ là nó đã được tạo ra chỉ vì con dự phần vào tâm thức nhị nguyên. Nó thừa biết là nếu con tách mình ra khỏi tâm thức đó thì nó sẽ hết tồn tại.

Tất cả mọi thứ đều là năng lượng, và mọi thứ trong thế giới hình tướng được tạo ra từ năng lượng tâm linh đã được kéo thấp độ rung. Con là một người đồng-sáng tạo với Thượng đế vì Hiện diện TA LÀ của con hình thành một cánh cửa mở qua đó ánh sáng thuần khiết của Thượng đế có thể chảy vào quả cầu cái ta của con. Xong con điều khiển ánh sáng này để tạo ra hình tướng. Nếu cái Ta Biết tự đồng hóa với Hiện diện TA LÀ, con sẽ thể hiện khả năng sáng tạo của con xuyên qua cái ta bất diệt này. Nếu cái Ta Biết tự đồng hóa với cái ta hữu diệt, con sẽ thể hiện khả năng sáng tạo của con xuyên qua cái ta hữu diệt. Khi ánh sáng Thượng đế chảy qua cái ta hữu diệt, cái ta này sẽ dùng một phần ánh sáng đó để sống còn. Nó chỉ có thể tồn tại chừng nào cái Ta Biết còn cho phép ánh sáng Thượng đế chảy xuyên qua nó.

Khi con tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt và xem nó như một kẻ xâm nhập ngoại lai, con sẽ tức khắc giảm bớt lượng ánh sáng chảy xuyên qua nó. Sẽ vẫn còn một chút ánh sáng chảy xuyên qua nó vì con vẫn còn một số tin tưởng nhị nguyên trong bình chứa cái ta. Khi con loại bỏ các tin tưởng này một cách có hệ thống, con sẽ đạt tới mức cắt đứt tất cả ánh sáng chảy qua cái ta hữu diệt. Một khi con đã loại bỏ mọi tin tưởng nhị nguyên cấu tạo cái ta hữu diệt và cũng cắt đứt dòng chảy ánh sáng xuyên qua nó, cái ta hữu diệt sẽ hết tồn tại. Nó sẽ chết, trong nghĩa đen. Vì nó có một bản năng sinh tồn cho nên nó không muốn thấy chuyện này xảy ra. Nó sẽ chiến đấu cho mạng sống của nó, và cách duy nhất nó có thể duy trì mạng sống là giữ con kẹt lại trong một số tin tưởng nhị nguyên. Cái ta hữu diệt sẽ phóng chiếu vào cái Ta Biết bất cứ gì nó có thể nghĩ tới để con tiếp tục bị dính mắc tình cảm với một số tin tưởng nhị nguyên, hay để ngăn con nhìn thấu ảo ảnh của các tin tưởng này.

Cái ta hữu diệt biết rõ việc ngăn con bước lên một bực cao hơn trên chiếc cầu thang xoắn ốc thật sự là một vấn đề sinh tử đối với nó. Nó sẽ tìm cách gây khó khăn tối đa để con không bước được bước này. Con có thể – bất cứ lúc nào – mở toang cánh cửa nhà tù của cái ta hữu diệt và bước ra ngoài tù. Nhưng nếu con chưa tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt, nó sẽ rất dễ dàng khiến con vướng mắc các tin tưởng nhị nguyên của con. Nếu cái Ta Biết còn đồng hóa với cái ta hữu diệt, cái Ta Biết sẽ tin chắc là nó sẽ chết nếu nó từ bỏ một tin tưởng nhị nguyên, và hiển nhiên con sẽ không thể từ bỏ tin tưởng này.

Để trở về vương quốc Cha con, con phải buông bỏ các ảo tưởng của phản Ki-tô. Và để buông bỏ các ảo tưởng của phản Ki-tô, con phải trước hết tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt cứ muốn giam con lại trong ảo tưởng. Con phải tách mình ra khỏi ảo tưởng vĩ đại nhất cho rằng việc từ bỏ các lời dối của phản Ki-tô có nghĩa là cá thể của con sẽ chết. Con chỉ làm được việc này khi con ngộ ra là cái Ta Biết không phải là cái ta hữu diệt, mà là nhiều hơn cái ta hữu diệt. Đúng vậy, con là một sinh thể tâm linh bất diệt.

7.7. Giây phút sự thật

Để thực hiện đầy đủ bước tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt, sẽ rất ích lợi nếu con hiểu chi tiết hơn cái ta hữu diệt sinh ra như thế nào và làm thế nào nó đã xoay xở để chiếm quyền kiểm soát cái Ta Biết. Khi dòng sống của con lần đầu tiên đi vào hiện hữu, con không được sinh tạo với sự nhận biết toàn diện của Đấng Sáng tạo. Con được trù liệu sẽ gia tăng khả năng tự nhận biết cho đến khi con trở nên ý thức trọn vẹn về nguồn cội và quyền năng sáng tạo của mình, cho đến khi con có thể chấp nhận chính mình là một đứa con trai hay con gái của Thượng đế, như một cá thể hóa của Đấng Sáng tạo. Con được thiết kế để mạo hiểm vào một thế giới có độ ánh sáng thấp, cho nên phần dưới của quả cầu cái ta của con cũng có một độ ánh sáng thấp tương ứng. Con được trù liệu sẽ giúp nâng cao độ ánh sáng trong thế giới vật chất bằng cách nâng cao độ ánh sáng trong quả cầu cái ta của con. Vì độ ánh sáng trong bản thể con còn thấp cho nên phần dưới của quả cầu cái ta chưa phản ánh được phần trên, Hiện diện TA LÀ. Con vẫn có một sự nối kết nội tâm với Hiện diện TA LÀ của con, nhưng đối với tâm vỏ ngoài, thật không hiển nhiên con là một nối dài của Thượng đế. Có xác suất là cái Ta Biết có thể bắt đầu tự xem mình là ít hơn một Sinh thể tâm linh không giới hạn. Một khi con nhân lên ánh sáng trong bản thể con, một khi con bền lòng với một số điều, con sẽ mang lại nhiều ánh sáng hơn vào quả cầu cái ta, và rốt cuộc thì việc con là một nối dài của một Sinh thể tâm linh bất tử trở nên thật hiển nhiên. Và phần dưới của quả cầu cái ta sẽ là một phản ánh của phần trên.

Để giúp con đi qua tiến trình này, con đã được ban cho sự hướng dẫn của một vị thày đầy lòng từ bi. Trong Kinh thánh, vị thày này được nhắc đến như vị Thượng đế của Vườn Eden. Ở một thời điểm, cái Ta Biết quyết định không nghe theo một lời hướng dẫn của thày con, cụ thể là không được ăn trái cây của hiểu biết về thiện và ác tương đối. Khi con thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên, càng ngày con càng bước sâu xuống cầu thang xoắn ốc. Thế rồi con trải nghiệm một giây phút sự thật. Giây phút sự thật này xảy đến khi con bước xuống bực thang mà từ đó con không thể nhìn xuyên qua cánh cửa ở trên đầu cầu thang nữa, con không thể nhìn thấy Hiện diện TA LÀ của con nữa. Ngay lúc đó, con ngộ ra là con đã đi xuống quá sâu vào tâm thức nhị nguyên. Con nhận ra là con đã đánh mất sự nối kết trực tiếp với Hiện diện TA LÀ. Con cũng nhận ra là khi con tách rời Hiện diện TA LÀ, con cũng tách rời khỏi vị thày của con và không có cách nào che giấu những gì mình đã làm. Kinh thánh mô tả sự kiện này qua việc Adam và Eva chợt nhận thấy mình trần truồng (Genesis 3:7). Khi họ nhận ra là họ trần truồng, họ cảm thấy xấu hổ.

Trái tim yêu dấu của thày, giây phút sự thật này là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng cho dòng sống của con. Câu chuyện Vườn Eden biểu tượng cho những gì xảy ra cho những người đồng-sáng tạo đã cắn vào trái cây hiểu biết thiện ác. Tất cả các sinh thể này rơi xuống tâm thức nhị nguyên, và lúc đầu, hành trình đi xuống diễn ra từ từ đến độ họ không hay biết chuyện gì xảy ra. Rồi đến một điểm, họ không còn nhìn thấy Hiện diện TA LÀ nữa. Họ nhận ra là họ đã mắc bẫy và họ không thể dễ dàng thăng lên trở lại trạng thái hồn nhiên nguyên thủy của mình. Họ cũng nhận ra là mặc dù cho đến nay họ không để ý thấy trạng thái tâm thức của họ, nhưng vị thày thì để ý thấy – vì đối với thày, không có gì họ làm có thể được che giấu.

Ở mức nhận thức này, cái Ta Biết đối mặt với một quyết định trọng yếu, một quyết định sinh tử. Giây phút cái Ta Biết lần đầu tiên quyết định cắn vào trái cây hiểu biết thiện ác là giây phút khởi đầu hành trình đi xuống cầu thang xoắn ốc. Giây phút đó thật ra không phải là giây phút quan trọng nhất cho dòng sống của con. Thượng đế đã cho con quyền tự quyết cho nên ngài cũng cho con quyền được thử nghiệm với trái cây của hiểu biết thiện ác. Ngài không đặc biệt muốn con làm vậy nhưng ngài sẽ không ngăn cản con làm vạy nếu đó là ý muốn của con. Vị thày đã không bảo con không được phép cắn vào trái cây, mà thày chỉ nói là con sẽ chết nếu con ăn vào.

Điều Thượng đế không muốn chứng kiến là con bị kẹt lại trong tâm thức nhị nguyên vì điều này sẽ có nghĩa cái chết của ý niệm cái ta bất tử của con. Vị thày dư biết là một khi con bắt đầu đi xuống cầu thang xoắn ốc, con sẽ rất khó lòng kéo mình lên trở lại. Bởi vì với mỗi bực xuống thấp hơn, trọng lực sẽ trở nên mãnh liệt hơn, và con sẽ khó khăn hơn leo lên trở lại. Không có gì con làm trong tâm thức nhị nguyên có quyền năng thực sự trên cái Ta Biết, cho nên Thượng đế biết rõ con sẽ không bao giờ bị kẹt vĩnh viễn vào tâm thức nhị nguyên mà không sao đảo ngược. Con luôn luôn có sự chọn lựa leo trở lên. Vấn đề là mặc dù chọn lựa này luôn luôn mở ra, nhưng con phải thấy được nó. Con cũng phải sẵn lòng chọn nó để mà dùng nó. Và tất nhiên, đây thực sự là vấn đề.

Khi cái Ta Biết nhận ra là nó trần truồng, con đối mặt với quyết định trọng yếu hơn cả. Quyết định này là liệu con sẽ quay về với thày của con, thừa nhận những gì mình đã làm và kêu gọi sự giúp đỡ để leo lên trở lại, hay con sẽ chọn trốn tránh vị thày. Câu chuyện của Adam và Eva là câu chuyện của những người đồng-sáng tạo đã chọn trốn tránh khỏi thày mình.

Có rất nhiều người đồng-sáng tạo đã quyết định thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên. Một số chọn trở về với thày mình và nhờ giúp đỡ để đi trở lên cầu thang. Những ai đã yêu cầu giúp đỡ đều nhận được giúp đỡ trong tình thương yêu tuyệt đối, thuần khiết và vô điều kiện mà Thượng đế dành cho mỗi người đồng-sáng tạo. Họ đã có thể nhanh chóng thăng lên trở lại và lấy lại sự hồn nhiên của họ. Quả vậy, những người đồng-sáng tạo này đã thăng thiên khỏi cõi vật chất và ngày nay là những sinh thể tâm linh bất tử, cư ngụ nơi một cõi cao hơn.

Câu chuyện của Adam và Eva là câu chuyện của những người-đồng sáng tạo đã quyết định không trở lại với thày mình và thú nhận lầm lỗi của mình. Họ không quay trở lại và xin được giúp đỡ. Thay vào đó, họ đã trốn tránh vị thày. Đây là một quyết định trọng yếu. Thượng đế đã ban cho con quyền tự quyết, và cả ngài lẫn bất cứ vị đại diện nào của ngài cũng sẽ không vi phạm quyền đó. Khi con quyết định lẩn trốn khỏi thày, thày không còn tùy chọn nào khác để giúp con. Vị thày không thể ép buộc con quay về và nhờ giúp. Định luật Tự quyết quy định là nếu con trốn tránh thày, thày sẽ không thể đuổi theo con và đối chất con. Nếu con chạy trốn thày, thày sẽ không thể giúp con cho đến khi con quyết định quay đầu và nhờ giúp đỡ. Vị thày phải đứng lui lại và nhìn con dấn xuống sâu hơn trên cầu thang xoắn ốc.

7.8. Vĩnh viễn bỏ lại nhà tù

Đây là quá trình cơ bản đã đưa con đến nơi con đang đứng hôm nay, đến độ con bị tách khỏi vương quốc của Cha con và do đó không trải nghiệm được sự sống dồi dào. Sự tách biệt hiện tại khỏi sự sống dồi dào là do một số chọn lựa chính con đã lấy. Cả Thượng đế lẫn các Sinh thể trên thiên đàng đều không lên án con đã có những chọn lựa như thế. Các thày không mong muốn thấy con tiếp tục bị giam trong các chọn lựa này. Các thày chỉ mong thấy con thoát khỏi các chọn lựa quá khứ để con có thể nhanh chóng bước lên cầu thang xoắn ốc và trở về vương quốc Cha con. Thượng đế không muốn con ở lại trong trạng thái đau khổ và thiếu thốn thêm một giây. Ngài muốn cho con sự sống dồi dào vì ngài rất vui lòng ban cho con vương quốc của ngài. Ngài chỉ đơn giản muốn con tách mình ra khỏi cái ta hữu diệt, ngài muốn con khám phá cánh cửa của nhà tù thế phàm và nhìn ra là cửa này không khóa. Ngài muốn con mở cửa đó ra và bước ra ngoài ánh sáng rực rỡ của Mặt trời Hiện diện TA LÀ của con, hầu con thấy và chấp nhận cái Ta Biết là nhiều hơn cái ta hữu diệt.

Không phải Thượng đế đang cố giữ con lại trong sự xấu hổ hay sự phủ nhận các chọn lựa đã qua của con, mà đó là cái ta hữu diệt cùng ông hoàng của thế gian đang cố giam con chặt trong các chọn lựa này. Chúng tìm cách khiến con tin rằng chính do các lỗi lầm quá khứ mà con không thể quay về với thày con, không thể thừa kế vương quốc của Cha con.

Trước khi con có thể lấy quyết định bước ra ngoài nhà tù của con người phàm, con phải nhận diện một cách ý thức tại sao con đã quyết định quay lưng lại vị thày. Con phải giải thể một cách ý thức quyết định mà con đã lấy rất lâu về trước. Chỉ khi nào con đã tháo gỡ quyết định này thì con mới giải thoát hoàn toàn khỏi cái ta hữu diệt. Có thể con vẫn còn một vài yếu tố của cái ta hữu diệt trong bình chứa cái ta mà con sẽ phải làm sạch, tuy nhiên khi con giải thể quyết định nguyên thủy đã khiến con quay lưng lại thày mình, ngay lúc đó cái ta hữu diệt sẽ mất uy quyền trên con. Nó sẽ giống như một ông vua ngồi trên ngai vàng ra lệnh oang oang nhưng chẳng có ai xung quanh nghe theo.

Quả thật, những gì thày vừa nói với con có thể được xem là bí mật của cuộc sống. Điều giữ con kẹt lại trong một trạng thái thiếu thốn và đau khổ là quyết định nguyên thủy đã khiến con quay lưng lại vị thày tâm linh của con, quay lưng lại Hiện diện TA LÀ của con, quay lưng lại Đấng Sáng tạo ra con. Từ quyết định nguyên thủy này đã nẩy lên vô số quyết định khác dựa trên tâm thức nhị nguyên. Những quyết định này giống như nước bẩn đổ đầy bồn tắm. Quyết định nguyên thủy quay lưng lại vị thày là cái nút đang giữ nước bẩn trong bồn không thoát ra được. Một khi con gỡ nút lên, tất cả nước dơ sẽ bắt đầu chảy đi. Nếu con cứ để nút tại chỗ, con sẽ phải múc nước bẩn ra từng thìa một. Thày không bảo là con không thể làm vậy để rốt cuộc con tìm ra cái nút trong bồn tắm. Nhưng sẽ chẳng dễ hơn rất nhiều hay sao nếu con bỏ công gỡ cái nút của cái ta hữu diệt?

Trong chương kế tiếp, thày sẽ giúp con khám phá cái quyết định nguyên thủy này. Mặc dù con có thể mất chút thời gian để tìm thấy nó, nhưng trong khóa này thày sẽ cho con những dụng cụ để con vạch trần quyết định chết người đó. Quyết định này có nghĩa cái chết của ý niệm bản sắc tâm linh của con và sự chào đời của ý niệm bản sác hữu diệt. Nó có nghĩa cái chết của con như một sinh thể tâm linh và sự chào đời của con như một người phàm.

Quyết định này thực sự tượng trưng cho một thế kẹt lưỡng nan về mặt tâm linh, vì chính quyết định này ngăn cản con tái sinh. Chính quyết định này ngăn con cho phép cái ta hữu diệt chết đi trên thập tự giá. Chính quyết định này ngăn con thoát khỏi nanh vuốt của tâm phản Ki-tô. Chính quyết định này trao cho ông hoàng của thế gian một cái gì đó trong con để y tiếp tục kiểm soát con. Thày hy vọng con có thể thấy được tầm quan trọng của việc phơi bày quyết định này, và thày mong con sẽ đọc chương kế tiếp với ít nhất sự phấn khích mà thày cảm được sau khi dẫn con tới điểm con sẵn sàng nhận được lời dạy này. A con yêu dấu, thày ao ước có thể giúp con cảm được là con đường hướng thượng thật tràn đầy hứng khởi, và do đó nó thật đáng công lao bỏ ra. Mỗi lần con bước lên một bực cao hơn trên cầu thang xoắn ốc, con thu được một chiến thắng quan trọng. Sự kiện con đã theo khóa học này cho tới điểm này tự nó đã là một chiến thắng rồi, vì mỗi chìa khóa thày cho con đều được thiết kế để dẫn con lên nhiều bực thang.

Liệu con sẽ chẳng mở tim ra đón nhận cảm giác chiến thắng và ngộ ra là con đang đứng trên ngưỡng cửa, chực bước ra ngoài nhà tù của cái ta hữu diệt để vĩnh viễn bỏ lại đằng sau ảo tưởng rằng con bị giam trong nhà tù đó, không có đường nào khác hơn là con đường đi xuống? Con hãy tự cho phép mình cảm thấy lòng hứng khởi cùng niềm vui mà thày cảm thấy khi thày ở bên con, là niềm vui mà tất cả anh chị của con nơi thiên đàng cảm thấy vì con đã chọn vươn mình lên tới mức sẵn sàng bước qua cánh cửa nhà tù, bước xuyên qua tấm màn năng lượng – tức là cái ác [energy veil viết tắt là e-vil] – đang chia cách con với các thày. Các thày mong mỏi được nhìn thấy con. một lần nữa, lại là sự trọn vẹn mà con sẵn là. Các thày cầm giữ niệm tinh khôi cho con, nhưng các thày mong mỏi thấy con giữ lấy niệm tinh khôi này cho chính con.