Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 7 tháng 1, 2023. Bài này được trao truyền nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Đề tài tiếp theo mà chúng ta cần bàn đến ở đây là khái niệm lời nói cao hơn. Một lần nữa, nhiều Phật tử đã nhìn vào khái niệm này, lấy cách dịch “Chánh ngữ” và tìm cách định nghĩa thế nào là lời nói chân chính và thế nào là lời nói bất chính. Như thày đã có giảng, đây không phải là cách tiếp cận cao nhất. Làm thế nào vươn lên cao hơn?
À, con không thể thấu triệt khái niệm lời nói cao mà không hiểu về năng lượng. Phải công nhận đây là một điều khó giải thích cho con người 2500 năm về trước, nhưng với tiến bộ của khoa học hiện đại, việc này đã dễ dàng hơn. Như đã có đề cập, Albert Einstein đã chứng minh là thực sự thế giới được cấu tạo bằng năng lượng. Có nghĩa gì? Có nghĩa là tất cả mọi thứ con làm đều được làm với năng lượng. Con không thể cảm xúc, con không thể suy nghĩ, con không thể cầm giữ một ý niệm bản sắc, con không thể nói năng và con không thể hành động mà không sử dụng năng lượng. Thày cũng biết là nhiều người nhận thức được là cơ thể của họ cần đến năng lượng, và họ nghĩ họ lấy năng lượng từ thức ăn, có lẽ từ ánh sáng mặt trời, cũng có thể từ việc hít thở không khí, nhưng đây chỉ là khía cạnh vật lý của năng lượng.
Tất nhiên điều đó không liên quan gì lắm đến lời nói, lời nói cao hơn. Để nắm bắt khái niệm lời nói cao, con cần nhận ra năng lượng là một tấm thảm liên tục những rung động. Có những năng lượng cấu tạo cái con gọi là cõi vật chất, nhưng còn nhiều rung động năng lượng khác nữa. Con biết qua khoa học là người ta có cách đo những rung động năng lượng không thể nào phát hiện bằng giác quan vật lý. Có một dạng năng lượng rung động trong phạm vi cái chúng ta có thể gọi là phổ tần số vật lý, nhưng vượt ngoài phạm vi này là một dạng năng lượng rung động trong phổ tần số cảm xúc, rồi có một dạng năng lượng lý trí, và cuối cùng là năng lượng rung động ở tầng bản sắc, tức là tầng cao nhất trong vũ trụ vật chất. Vượt ngoài những cái đó tất nhiên có cõi tâm linh với những rung động còn cao hơn nữa, vượt khỏi khả năng đo đạc của các loại dụng cụ vật lý.
Có thể con chưa biết điều này, nhưng có sự giới hạn trong những gì các dụng cụ làm bằng vật chất có thể đo lường. Cũng ví như một kính hiển vi quang học không thể nhìn thấy hạt nào nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến (wavelength of visible light), và đó là lý do người ta đã chế tạo loại kính hiển vi điện tử để phát hiện những hạt nhỏ hơn. Tương tự như thế, có thể có những dụng cụ khác được chế tạo để đo rung động cao hơn, và một số dụng cụ như vậy đã được sáng chế, tuy nhiên có một giới hạn trong khả năng đo đạc của những dụng cụ làm từ cõi vật chất. Cho nên con sẽ không thể nào tạo ra một dụng cụ có khả năng chứng minh sự hiện hữu của một cõi tâm linh vượt khỏi cõi vật chất. Đơn giản là không thể. Tuy vậy, những năng lượng này có thật.
7.1. Tâm đường thẳng, tâm trực giác và sự khách quan
Bây giờ con có thể nhìn sang những gì các nhà khoa học đã khám phá khi họ đưa ra thuyết Big Bang (vụ Nổ Lớn). Họ bảo là vào thuở Big Bang thật sự không có vật chất theo cách con hiểu vật chất hôm nay, vì mọi thứ đều là năng lượng bị dồn nén trong một điểm cực nhỏ gọi là điểm dị biệt (singularity). Quan niệm này về điểm dị biệt thật ra là do tâm đường thẳng mà có, và chúng ta cần nói lướt qua về vấn đề này. Thày có nói là tâm đường thẳng nhìn vào một hiện tượng xảy ra trong hiện tại, nó nhìn vào sự phức tạp đang có mặt ngay bây giờ, nhưng nó muốn gỡ nhỏ và bảo rằng sự phức tạp đến từ một trạng thái đơn giản hơn chỉ tuân theo một vài định luật tự nhiên giản dị. Cho nên nếu con cứ tiếp tục đi ngược về các trạng thái thấp hơn hay cơ bản hơn, cuối cùng con sẽ lần đến cuối đường dây nơi con tìm thấy nguyên nhân ban đầu.
Theo khoa học, đây là điểm dị biệt có mặt trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ngay trước Big Bang. Không ai thực sự giải thích được một điểm dị biệt là gì. Không ai thực sự giải thích được làm thế nào toàn bộ năng lượng được tạo ra trong vũ trụ mênh mông bát ngát này có thể dồn nén lại thành một điểm độc nhất. Đây là một thuyết do tâm đường thẳng dựng lên bảo rằng con phải có thể đi ngược trở lại những giai đoạn đơn giản hơn, cơ bản hơn, cho đến khi con chạm được giai đoạn nguyên thủy, nguyên nhân đầu tiên. Cũng giống như bảo rằng ở một thời điểm quá khứ, trong canh súp ban sơ có một tia sét đánh và sinh vật đơn bào đầu tiên xuất hiện. Nhưng đây có thật là cách hiểu duy nhất không? Đối với tâm đường thẳng thì đây là cách hiểu duy nhất, nhưng đối với tâm không đường thẳng thì sao? Ngày nay càng ngày càng có nhiều người ý thức được trực giác. Càng ngày càng có nhiều người nghiệm ra trực giác chỉ đơn giản là một phương pháp khảo sát thế giới nơi mình đang sống, và trực giác cũng có thể sáng giá và chính đáng như tâm phân tích đường thẳng.
Sở dĩ xã hội hiện đại ngày nay phần nào bị bế tắc về mặt phát triển, gây ra biết bao vấn nạn chẳng hạn với môi trường, là vì các nhà chủ nghĩa duy vật khi họ chiếm lãnh nền khoa học đã muốn bác bỏ vai trò của tâm thức. Họ muốn bác bỏ trực giác vì họ quyết đoán trực giác là chủ quan, không đáng tin cậy, và chỉ có tâm thuần trí, đường thẳng, lô-gíc mới có thể khách quan, đáng tin cậy. Đây là một quyết đoán giả tạo đã gây ra những hậu quả sâu rộng trong xã hội hiện đại cũng như rất nhiều vấn nạn mà con thấy dường như không có giải pháp. Họ không đem lại giải pháp nào với tâm đường thẳng, vì một lần nữa tâm đường thẳng chỉ có thể suy nghĩ trong sự phân biệt so sánh, chỉ có thể nhìn cuộc sống theo cách phân tích tạo ra đối cực nhị nguyên, rồi hàm ý một sự phán xét giá trị. Một khi con rơi vào phán xét giá trị thì con đã khép tâm con lại.
Ban đầu khoa học đã là một tiến trình khách quan nhằm quan sát những gì có thể được quan sát. Thay vì cho rằng một học thuyết hay một giáo điều có thể mô tả vũ trụ chính xác mặc dù sự quan sát đi ngược lại học thuyết, thì con người đã sẵn lòng nhìn vào những gì thực sự xảy ra. Đây là một nỗ lực nhằm thiết lập một phương thức khách quan để tiếp cận thế giới. Đây là một phương thức chính đáng nhưng vẫn chỉ là một mặt của đồng tiền – đồng tiền những khả năng của tâm. Trực giác cũng là một phương thức để bước ra khỏi sự chủ quan. Khi con có trải nghiệm mà thày đã mô tả, khi cái ta, cái Ta Biết bước ra ngoài các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, đó là một trải nghiệm khách quan. Việc trải nghiệm trực giác có thể có giá trị y như việc sử dụng lô-gíc và phân tích, nhưng các nhà khoa học lại quyết định chỉ có tâm thuần trí mới đáng tin cậy. Họ đã tìm cách loại bỏ trực giác, tuyên bố là nó chủ quan, trong khi tâm thuần trí thì không chủ quan. Tất nhiên đây là một lời tuyên bố giới hạn, vì con làm gì với cả hai loại tâm đó? Cho dù con dùng lô-gíc và lý luận hay con dùng trực giác thì con vẫn đang có một trải nghiệm trực tiếp về một điều gì vượt khỏi mức nhận biết bình thường của con.
Câu hỏi trở thành như sau: Vậy liệu con có sẵn lòng, khi con trở về mức nhận biết bình thường của mình, sử dụng trải nghiệm đó để tra vấn sự nhận biết của mình, tra vấn tâm mình? Hay con sẽ cố diễn giải trải nghiệm xuyên qua mức tâm thức hiện thời của con vì con muốn nó ăn khớp với phin lọc nhận thức, với hộp tư duy mà con đang có? Các nhà khoa học diễn giải các quan sát khoa học nhiều khi không trung lập hay khách quan. Chắc chắn họ không trung lập hay khách quan nếu họ là những nhà chủ nghĩa duy vật tiếp cận khoa học theo ý thức hệ. Họ sẵn có ý về cách họ muốn vũ trụ phải vận hành ra sao, xong họ áp chồng ý này lên quan sát khoa học vì họ nhất định sự quan sát phải ăn khớp với hệ thống tư tưởng của họ.
7.2. Một giải pháp trực nhận cho thuyết Big Bang
Đó là cách họ đã tạo ra thuyết Big Bang. Phải có sự khởi đầu ở đâu đó, và nếu con dùng tâm đường thẳng để đi đến vật nhỏ nhất con có thể tưởng tượng, thì con sẽ đến một cái gì tâm không thể tưởng tượng nhưng tâm có thể dán nhãn và gọi đó là một điểm dị biệt. Có ai biết cái đó là gì không? À, nhưng con hãy thử dùng tâm trực giác và nói: Big Bang – hay đúng hơn, quá trình thị hiện của vũ trụ vật chất – đã không khởi đầu với một điểm dị biệt. Nó đã khởi đầu với một cánh cửa mở ra giữa phổ tần số vật chất và phổ tần số nằm ngay bên trên, một độ rung cao hơn vượt quá phổ tần số vật chất. Không cần thiết là toàn bộ năng lượng của vũ trụ hiện hữu bị dồn nén lại trong một điểm độc nhất, bởi vì chuyện này rõ ràng không thể xảy ra. Điều cần thiết duy nhất là có một cửa mở giữa cõi cao hơn và cõi vật chất để năng lượng tuôn xuống qua cửa mở này.
Bây giờ, tất nhiên vẫn còn khái niệm giả tạo là nếu cửa chỉ mở ra ở đúng một điểm, thì sẽ khó lòng tưởng tượng nguyên vũ trụ rộng lớn này có thể khởi đầu ở một điểm độc nhất. Nếu như không phải vậy thì sao? Nếu như thay vào đó có rất nhiều cửa mở thì sao?Thay vì mọi thứ phải chui qua cái lỗ nhỏ độc nhất đó, nếu như có một lượng năng lượng rất lớn được giảm độ rung từ phổ tần số cao hơn xuống phổ tần số của vũ trụ vật chất thì sao? Nói cách khác, một sự thị hiện đồng bộ, một sự hòa nhập đồng bộ của năng lượng đi vào phổ vật chất, không từ một điểm độc nhất mà từ nhiều điểm.
Nếu vậy thì con không cần đến điểm dị biệt nữa. Bây giờ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ cãi: Chứng minh đi! Và thày sẽ nói: Con hãy dùng trực giác của con thì con sẽ trải nghiệm được sự thật. Làm sao thày diễn tả được đây? Vì tâm con có tiềm năng trở thành một điểm vào, một điểm tiếp nhận năng lượng đến từ cõi cao. Thật ra nếu tâm con không có khả năng này thì con đã không thể có ý thức. Từ ngày chủ nghĩa duy vật lên ngôi, các khoa học gia đã cố loại trừ tâm thức ra khỏi các nghiên cứu khoa học, bảo rằng: “Chúng tôi không cần nghiên cứu tâm thức làm gì vì tâm thức chỉ có thể chủ quan.”
Một nhà khoa học giỏi sẽ biết rõ các dụng cụ mình dùng, sẽ sẵn lòng xem xét những hạn chế của dụng cụ. Các nhà khoa học đã có thể dùng kính hiển vi quang học để quan sát hạt nhỏ nhất họ có thể quan sát nhưng vẫn lớn hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến. Nếu họ có cùng tư duy như những nhà duy vật kia thì họ đã có thể quả quyết: “Không có gì nhỏ hơn hạt nhỏ nhất này. Không thể có gì nhỏ hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy qua kính hiển vi quang học này.” Con cần biết hạn chế của dụng cụ con dùng để con biết liệu con có đang quan sát chính xác hay không. À, đâu là dụng cụ cơ bản mà các nhà khoa học sử dụng? Đó là tâm họ. Không những họ dùng tâm họ để xây dựng lý thuyết hầu chế tạo dụng cụ quan sát, mà họ cũng dùng tâm họ để diễn giải các quan sát đó.
7.3. Sự mở rộng nhận biết dẫn đến kiến thức mới
Bây giờ con có thể trở ngược về 2500 năm trước khi thày hiện thân trên trái đất và con người không có nhận thức về bất cứ chuyện gì vượt ngoài khả năng giác quan của họ. Nhiều người không biết là trong cơ thể họ có những bộ phận, Chắc chắn họ không biết đến tế bào, phân tử, nguyên tử, hạ nguyên tử. Họ có thể quan sát năng lượng như ánh sáng mặt trời, nhưng họ thật không có khái niệm về năng lượng. Họ cũng không có khái niệm về rung động, tần số, bước sóng, biên độ. Ngay cả khái niệm về sóng năng lượng họ cũng không có. Họ có thể nhìn thấy sóng trên mặt nước nhưng họ không quan niệm được sóng năng lượng. Không có cách chi giải thích được cho họ. Kỳ thực, không có cách chi các nhà khoa học có thể xây dựng các thuyết hiện thời dựa trên những gì con người hiểu biết vào thời đó.
Điều gì đã xảy từ thuở đó? Nhân loại đã mở rộng nhận biết của mình, không những dựa trên khám phá mới mà cũng nhờ việc hình thành khái niệm mới. Ngày nay con người có nhiều khái niệm hơn hẳn cách đây 2500 năm, và đây là tại sao con người có thể giải thích những chuyện không thể nào giải thích trước đây. Một điều các nhà khoa học không ý thức là cách họ hình thành khái niệm có tác động đến cách họ nhìn toàn bộ vấn đề. Nó tác động đến các lý thuyết mà họ có thể xây dựng, các dụng cụ mà họ nghĩ họ sẽ chế tạo, các đo đạc mà họ nghĩ họ sẽ đo đạc, cũng như cách họ diễn giải các đo đạc đó.
7.4. Cái gọi là lưỡng tính sóng-hạt
Con cũng biết nếu con đã học môn này là trong khoa vật lý lượng tử có một hiện tượng gọi là lưỡng tính sóng-hạt (wave-particle duality). À, hạt là gì chứ? Hạt là một khái niệm đã khởi đầu trong cái tâm sử dụng giác quan để nhìn thế giới, để trải nghiệm thế giới. Mắt con có thể nhìn thấy một quả bóng bi-a, nó có thể nhìn thấy những vật nhỏ hơn rất nhiều xuống đến hạt cát. Cho nên con mang khái niệm về hạt là một hạt khả kiến, rồi khái niệm này được các nhà khoa học dùng tâm đường thẳng nới rộng ra, bảo rằng chắc phải có những hạt càng ngày càng nhỏ hơn cho đến hạt nhỏ nhất có thể. Đây là cái mà người Hy Lạp cổ gọi là nguyên tử, nghĩa là hạt bất khả phân chia. Rồi tới thời điểm các nhà khoa học hiện đại phát hiện cái họ nghĩ là hạt nhỏ nhất không thể phân chia thì họ cũng gọi là nguyên tử. Nhưng sau đó, họ khám phá là nguyên tử thật ra có thể được phân chia và có những hạt nhỏ hơn nữa – thường gọi là hạt hạ nguyên tử với những cái tên khác nhau.
Các thí nghiệm cho thấy là nếu con quan sát hiện tượng hạ nguyên tử này theo một cách nào đó thì nó cư xử như một hạt, nhưng nếu con quan sát theo cách khác, nó sẽ cư xử như một sóng. Cho nên các nhà khoa học nghĩ ra cái tên “lưỡng tính hạt-sóng”, xem như đây là một trong vài bí ẩn còn sót lại trong ngành vật lý hiện đại. Nhưng lưỡng tính hạt-sóng là kết quả của việc lấy một khái niệm vĩ mô (macroscopic) có thể được phát hiện bằng giác quan, rồi phóng chiếu nó lên thế giới vi mô (microscopic) không thể phát hiện bằng giác quan. Nếu con lấy thuyết của Einstein, thuyết này nói rằng mọi vật chất đều thực sự là năng lượng và năng lượng là sóng, thì làm gì có chuyện có hạt nào nhỏ nhất. Kỳ thực ở mức hạ nguyên tử, không hề có hạt nào mà con có thể nhận thức là hạt bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy các khái niệm mà con mang trong tâm ảnh hưởng như thế nào đến cách con nhìn thế giới, đến những kết luận mà con rút tỉa, và do đó đến những trải nghiệm mà con có về thế giới.
7.5. Quan niệm một Thượng đế cá nhân
Có rất rất nhiều người cởi mở với một giáo lý tâm linh nghĩ rằng giáo lý tâm linh có thể cho họ sáng ngộ về cách vận hành của thế giới. Hiển nhiên nhiều giáo lý làm công việc này, nhưng nhiều người cũng hy vọng là giáo lý tâm linh có thể giúp họ thay đổi hoàn cảnh vật lý của họ. Họ tìm kiếm một loại đũa thần được cài đặt trong giáo lý để họ có thể thay đổi hoàn cảnh vật lý. Ví dụ điển hình là người ta dựng lên ý tưởng là ở một cõi cao trên kia có một vị Thượng đế mà họ nghĩ là một ông già ngồi trên ngai trắng vĩ đại, đang nhìn xuống cá nhân họ và đánh giá từng việc họ làm là đúng hay sai theo quy chuẩn tối thượng của ngài.
Nếu con làm theo những gì Thượng đế này bảo là đúng – hay đúng hơn những gì mà một con người, một tu sĩ thuộc nhân gian, một nhà Bà la môn, đã quy định là đúng dưới mắt Thượng đế – thì con sẽ được tưởng thưởng và được lên thiên đàng. Còn nếu con không nghe theo các nhà Bà la môn của tôn giáo con thì con sẽ bị trừng phạt đày xuống địa ngục. Niềm hy vọng ẩn chứa trong thế giới quan này là bằng cách làm những điều được tôn giáo mình quy định, con có thể dụ dỗ vị Thượng đế cá nhân này ban cho con một số ân huệ, lấy đi một số trải nghiệm khó chịu và cho con những gì con mong muốn.
Tất nhiên đây là một niềm tin có từ cổ xưa và nhiều người đã sống bao nhiêu kiếp sống với niềm tin đó. Nhiều người thời nay từng sống với niềm tin này nhiều kiếp đến độ họ phải từ bỏ nó vì họ nhận ra là nó không hiệu nghiệm – ít ra là không có cách nào khiến cho nó hiệu nghiệm mỗi lần. Họ bước vào đầu thai trong thời đại hôm nay với một lòng ngờ vực sâu sắc đối với các tôn giáo truyền thống dạy về một Thượng đế sẽ toại nguyện mọi ước muốn. Lý do là vì họ trải nghiệm là mặc dù niềm tin này cho họ niềm hy vọng, nhưng rốt cuộc đây là một hệ thống tín ngưỡng tước đi quyền năng (disempowering). Bởi vì nếu Thượng đế này không đáp ứng nỗ lực ảnh hưởng ngài làm theo ý muốn của họ, thì họ sẽ chẳng làm gì được. Họ bị kẹt cứng, theo nghĩa đen. Họ bị tước mất quyền năng.
7.6. Một giáo lý tâm linh trao quyền năng
Lý do cách đây 2500 năm thày đã không nói đến một cõi tâm linh hay thần linh là vì thày muốn cho con người một phương pháp, một lời dạy trao quyền năng (empowering) cho con. Thế nào là trao quyền năng? Là con nhận ra sự kiện thày vừa nhắc đến lúc nãy. Tâm con có ý thức là do có một luồng năng lượng từ một cõi cao hơn đi vào tâm con. Năng lượng này đến từ cái ta cao của con – mà chúng ta không cần đào sâu ở đây – nhưng trước tiên nó đi vào tâm bản sắc của con. Ở đây năng lượng được phú cho đặc tính, hay nó khoác lấy hình dạng các hình ảnh con cầm giữ trong tâm bản sắc. Điều này khiến cho năng lượng mang đặc tính, cho nên nó khoác vào một hình tướng nào đó. Con có thể so sánh với một chiếc kính vạn hoa với nhiều lớp hạt màu khác nhau, và khi ánh sáng đi qua lớp hạt màu đầu tiên, nó khoác vào màu sắc đó, rồi cứ vậy nó đi qua các lớp màu tiếp theo.
Trước hết con có tâm bản sắc và ở đây con có ý niệm của con về con người mà con là cùng những gì con có thể làm. Nếu con cảm nhận mình là một sinh thể thụ động không có quyền năng thì đây là đặc tính mà năng lượng sẽ khoác vào khi nó đi vào tâm bản sắc của con. Rồi năng lượng đi qua tâm lý trí nơi con có thể có một số tin tưởng khác gây giới hạn – giới hạn những gì con có thể làm hay không thể làm – và bây giờ năng lượng khoác vào những đặc tính này. Cuối cùng nó đi vào tâm cảm xúc nơi con có thể có một số khuôn nếp xúc cảm như sợ hãi, nghi ngờ hay bất cứ gì khác, và một lần nữa điều này lại phú thêm đặc tính cho năng lượng. Thế rồi năng lượng đi vào tâm ý thức của con, khoác vào bất kỳ tin tưởng nào con có ở mức ý thức.
Con làm gì với tất cả năng lượng này? À, con dùng nó để suy nghĩ, để bày tỏ cảm xúc, con dùng nó để thốt ra lời nói, và con dùng nó để hành động, những hành động vật lý. Đây không phải là tất cả những gì con làm. Tâm con kỳ thực là một máy chiếu tương tự như máy chiếu phim trong rạp xi-nê. Nhưng thay vì chỉ có một cuộn phim độc nhất, nó có tới bốn cuộn phim, một cuộn cho mỗi thể trong số bốn thể phàm của con. Xuyên qua bốn tầng của tâm con, con liên tục chiếu phim vào năng lượng cấu tạo vũ trụ vật chất.
7.7. Tấm gương vũ trụ
Con có thể – và một số các con đã nghe các thày đề cập trước đây – con có thể so sánh vũ trụ vật chất với một tấm gương. Những gì con phóng chiếu ra ngoài bằng tâm con sẽ được tấm gương phản chiếu lại. Có nghĩa gì? À, đây thực sự là ý nghĩa sâu sắc hơn của lời dạy mà thày đã trao truyền 2500 năm trước về lý duyên khởi.
Tất cả mọi thứ trong thế giới vật lý trên hành tinh địa cầu được cấu tạo bằng bốn tầng này: tầng vật lý, tầng cảm xúc, tầng lý trí và tầng bản sắc. Vũ trụ vật chất có bốn tầng và mọi thứ biểu hiện ở tầng vật lý đều là sự phóng chiếu của những hình ảnh nơi ba tầng cao hơn. Tầng vật lý giống như một màn ảnh xi-nê có những hình ảnh được phóng chiếu lên đó xuyên qua máy chiếu. Tuy nhiên, vũ trụ vật lý có sự nối kết với tâm con người. Con người là những sinh thể đồng sáng tạo. Có một số sinh thể tự nhận biết đã tạo ra hành tinh địa cầu từ bên ngoài, nhưng con người là những sinh thể đồng sáng tạo tạo ra hành tinh địa cầu từ bên trong. Con làm việc này xuyên qua tâm con bằng cách cho phép năng lượng chảy qua tâm khoác vào các hình ảnh, các hình tư tưởng trong tâm, và phóng chiếu chúng vào tấm gương vũ trụ, phóng chiếu chúng vào năng lượng cấu tạo bốn tầng. Đây là ý nghĩa sâu xa hơn của lý duyên khởi đã không thể được giải thích 2500 năm về trước, nhưng có thể được giải thích ngày hôm nay ở một mức dễ nắm bắt hơn nhờ hiểu biết hiện thời về năng lượng.
Con thấy đó, con sống trong một hệ thống duyên khởi, một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Đúng là có một hành tinh vật lý có thực – chúng ta có thể tranh luận nó thực đến chừng nào, nhưng ngay bây giờ thì không phải là chuyện thích đáng nhất. Đúng là có một hành tinh vật lý có thực, nhưng hành tinh vật lý này là một phóng chiếu từ ba tầng cao hơn. Nói cách khác như thày đã giảng về Big Bang, thay vì toàn bộ năng lượng cấu tạo vũ trụ hiện thời bị dồn ép vào một điểm dị biệt, đã có một thời điểm khi vũ trụ không thị hiện vì không có năng lượng nào trong phổ rung động vật lý. Tất cả năng lượng đều nằm ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc. Rồi tới một điểm đã có một sự phóng chiếu đưa năng lượng vào phổ vật lý. Việc này không xảy ra ở một điểm độc nhất mà ở nhiều điểm, và những điểm này quy định một khoảng không gian là không gian nguyên thủy.
Năng lượng đã tiếp tục xối xuống cho tới khi nó bắt đầu kết tụ thành các hạt vật lý, xong các hạt này ngày càng phức tạp hơn, có tổ chức hơn, cho đến khi tất cả mọi thiên hà được hình thành như con thấy được ngày hôm nay – hay đúng hơn, còn nhiều thiên hà hơn nữa mà con chưa thấy được ngày hôm nay do vũ trụ quá vĩ đại. Đây đã là một quá trình xảy ra từ bên ngoài, nhưng về cơ bản, nó cũng xảy ra theo cùng một cách như con đồng sáng tạo, nghĩa là năng lượng được phép chảy qua bốn tầng của tâm cho đến khi nó được đưa vào phổ vật lý.
7.8. Một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau
Vậy ở đây con có một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Có bốn tầng trong cái chúng ta có thể gọi là vũ trụ vật chất, nhưng ở trong vũ trụ vật chất này có nhiều sinh thể tự nhận biết cá biệt, những con người, mỗi người với tâm cá biệt hiện hữu trong trường năng lượng rộng lớn hơn của cõi vật chất. Con có một tâm ý thức, một tâm cảm xúc, lý trí, bản sắc. Xa hơn, tất cả những tâm con người cá biệt này đều nối kết, hình thành cái chúng ta có thể gọi là tâm tập thể. Khoa học thậm chí đã khám phá là khi một số biến cố xảy ra, có một sự mạch lạc gắn kết trong tâm tập thể, và điều này ảnh hưởng đến các bộ sinh số ngẫu nhiên (random number generator). Thày không đang cố chứng minh một điều gì cho tâm đường thẳng mà chỉ muốn khích động trải nghiệm trực nhận của con.
Mọi thứ con làm đều được làm với năng lượng, nhưng con không là một hòn đảo. Ngay cả trường năng lượng của con cũng không là một hòn đảo vì con hiện hữu trong tổng thể này, một tổng thể duyên khởi. Tại sao nó lại trao quyền năng cho con, ngược lại với tước quyền năng? Bởi vì các tình huống vật lý của con liên kết với các tình huống trong bốn tầng tâm con. Chúng là những phóng chiếu. Phải, hoàn toàn đúng là các tình huống vật lý của con không chỉ là sản phẩm của sự phóng chiếu từ riêng tâm con. Chúng cũng là sản phẩm do tác động liên kết của tâm tập thể và tất nhiên cả sự phóng chiếu nguyên thủy đã tạo ra hành tinh.
Đây không phải là một niềm tin thần diệu vào một Thượng đề toại nguyện mọi ước muốn, có uy lực gạt qua bên quyền tự quyết của tám tỷ con người hầu ban cho con đúng những hoàn cảnh mà con muốn, vì như vậy là tước quyền năng. Nhưng nếu như Thượng đế không làm vậy thì sao, vì trong hầu hết trường hợp ngài sẽ không làm vậy? Với hiểu biết này, con có thể nhìn theo cách trao quyền năng và nói: “Có thể tôi không thể thay đổi từng khía cạnh trong hoàn cảnh vật lý của tôi, nhưng tôi có khả năng thay đổi một số bằng cách thay đổi những gì tôi phóng chiếu qua tâm tôi. Dù có tình huống vật lý tôi không thể thay đổi theo cách này, nhưng chắc chắn tôi có thể thay đổi cách tôi trải nghiệm nó, thay đổi cách tôi phản ứng với nó. Kỳ thực, tôi có thể đạt tới điểm tôi tự do chọn lựa, hoặc chọn một cách phản ứng xây dựng hơn, hoặc chọn không phản ứng gì cả.”
Đây là trao quyền năng. Và mặc dù thày đã không thể giải thích điều này cách đây 2500 năm, đó vẫn là điều thày đã cố giải thích. Chìa khóa để chuyển đổi bất kỳ khía cạnh nào của đời con là khởi sự thay đổi chính tâm con, nâng cao mức tâm thức của con. Đây là tinh túy của Bát chánh đạo. Con đi qua tám giai đoạn hay tám bước, qua đó con lần hồi nâng cao mức tâm thức của mình.
7.9. Lời nói và năng lượng
Vậy tất cả những điều vừa rồi liên quan thế nào với lời nói và lời nói cao hơn? Ấy, lời nói là một cách sử dụng năng lượng. Mỗi khi con mở miệng thốt ra âm thanh, con đang dùng năng lượng. Tuy nhiên, ngay cả khi con im lặng trong tâm bản sắc, lý trí và cảm xúc, thì con vẫn đang phóng chiếu, nhưng những phóng chiếu này không có tác động trực tiếp ở tầng vật lý như khi con hành động vật lý hay khi con phát biểu. Nói cách khác, khi con tạo ra một tác động có thể được quan sát bởi giác quan vật lý, điều này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hơn ở tầng vật lý so với khi con phóng chiếu từ một trong ba tầng cao.
Giọng nói là một dụng cụ đầy quyền năng có thể được dùng để phú đặc tính cho năng lượng, và con sẽ không bao giờ hiểu được khái niệm Chánh ngữ – hay như thày chọn diễn tả ở đây: lời nói cao – nếu con không hiểu là giọng nói của con chuyên chở và định đoạt tính chất của năng lượng. Năng lượng này sẽ tác động đến người khác, hoàn cảnh vật lý của con lẫn chính con.
Có thể con đã ý thức điều này vì con đã quan sát là nhiều lần con có thể có những cảm xúc mãnh liệt, thì con cảm được trong trường năng lượng của con có một sự xáo trộn. Có thể con không ý thức lắm về trường năng lượng của mình, nhưng con có thể cảm thấy có gì đó đang xảy ra. Nếu con rất tức giận, nó gần như có thể biến thành một hiệu ứng tự tăng cường, một vòng xoáy hướng hạ. Một khi con băng qua một lằn ranh nào đó, con mất hết tự chủ. Thường thường con biểu lộ nỗi giận qua giọng nói của mình và nó cuốn hút con vào một cơn lốc, một vòng xoáy đi xuống có thể rất khó lòng nào thoát khỏi. Có thể con đã quan sát sự giận dữ nơi người khác hay con đã trải nghiệm nơi chính con. Tất nhiên còn có nhiều loại cơn lốc hay vòng xoáy khác có thể khống chế con, và đây chỉ là một ví dụ về cách con sử dụng năng lượng. Con khiến cho năng lượng mang một sắc thái nào đó và nó tác động trực tiếp đến trạng thái tâm con.
Để biểu hiện lời nói cao hơn, con cần ý thức làm thế nào giọng nói của con phú cho năng lượng một đặc tính và phóng chiếu năng lượng. Con cần không làm vậy một cách đường thẳng, lý luận. Luôn luôn có cám dỗ muốn xử lý một cách đường thẳng, và đây là một chuyện khả dĩ. Hiện nay người ta đã có những dụng cụ có thể đo đạc giọng nói con người cùng sự rung động trong giọng nói con người. Con có thể dùng dụng cụ này nếu muốn, hầu lập ra một thang điểm đường thẳng, rõ ràng, có thể phát hiện những loại rung động khác nhau do giọng nói tạo ra. Một số người đã thử nghiệm điều này, chẳng hạn con thấy những nhà khoa học thí nghiệm ảnh hưởng của âm thanh trên đống cát đặt trên một tấm kính hay những loại dụng cụ tương tự. Điểm đáng nói là thay vì giàn dựng việc này theo kiểu phân tích, điều sẽ thực sự hữu ích cho con là con trau dồi khả năng trực nhận những gì đang diễn ra trong chính trường năng lượng của con khi con dùng giọng nói.
7.10. Âm thanh ảnh hưởng trường năng lượng của con như thế nào
Con cũng biết là nếu ai đó nổi giận la hét với con, điều này tác động đến con. Lý do là vì họ đang phóng chiếu năng lượng mang một rung động đặc thù nào đó vào cảm thể của con. Mọi năng lượng đều có khả năng tương tác với những hình dạng năng lượng khác. Nếu con có một số khuôn nếp đặc thù trong thể cảm xúc và nếu người kia tức giận với con, nó sẽ khuấy động các khuôn nếp này. Chẳng hạn chính con cũng có thể nổi giận theo. Hoặc con có thể xấu hổ hay buồn phiền vì cảm thấy mình có lỗi khi người kia la hét buộc tội mình.
Điều này con có thể sử dụng. Con đã có khả năng này rồi nhưng con có thể tinh luyện và phát triển thêm nữa để con cảm rõ là có những loại lời nói phú cho năng lượng một đặc tính rung động thấp. Về cơ bản có hai loại rung động. Có rung động dựa trên tình thương, có rung động dựa trên sợ hãi. Có rung động cao hơn, có rung động thấp hơn. Con có thể học cách cảm nhận được điều này. Thật đơn giản, con trụ vào tim ngay trung tâm lồng ngực và con tự hỏi: “Tôi cảm thấy năng lượng đang cao hơn hay thấp hơn? Nó có nâng cao năng lượng của tôi chăng? Hay nó kéo thấp năng lượng của tôi xuống?” Con sẽ có thể cảm được là nếu có ai la mắng con thì năng lượng của con bị kéo thấp xuống, Và nếu có ai nói chuyện với con một cách tích cực, thương yêu, thì năng lượng của con được nâng lên.
Đây là những tiêu chí mà hầu hết người tâm linh đều có thể phát triển khá nhanh chóng. Tất nhiên một số đã làm vậy rồi. Con có thể lượng định mình sử dụng lời nói như thế nào và người khác sử dụng lời nói như thế nào. Điều này sẽ cho con một tiêu chí để lượng định: “Liệu đây có phải là loại lời nói tôi muốn tham gia vào không? Liệu tôi có muốn tạo ra những xung lực năng lượng thấp kém phóng về người khác?” Bởi vì dù con có gửi ra những gì, và cho dù con nghĩ con chỉ hướng nó về đúng một người và trong phòng này không có ai khác và không ai khác có thể nghe thấy con, thì bất cứ gì con gửi ra tấm gương vũ trụ vào bốn tầng của vũ trụ vật chất, cái đó sẽ trở về với con.
7.11. Nghiệp thật ra là xung lực năng lượng
Đó là một cách để giải thích quan niệm cổ xưa về nghiệp (karma). Nghiệp là khi con dùng bốn thể phàm của con để phóng chiếu một xung lực năng lượng vào bốn tầng của vũ trụ vật chất. Xung lực năng lượng này khởi đầu nơi thể bản sắc của con, đi vào thể lý trí, vào thể cảm xúc, vào thể vật lý rồi được phóng ra ngoài. Trước tiên nó đi vào cõi vật lý, đi lên cõi cảm xúc, rồi cõi lý trí, rồi cõi bản sắc. Ở đây, nếu đó là một năng lượng dựa trên sợ hãi, nó không thể đi xa hơn, nó bị phản chiếu lại bởi cái thày đã gọi là tấm gương vũ trụ, và như vậy nó bắt đầu đập lại chính con, đầu tiên ở thể bản sắc, rồi thể lý trí, rồi thể cảm xúc, rồi thể vật lý. Đây là điều các tôn giáo và triết lý phương Đông gọi là nghiệp. Giản dị đó chỉ là sự phản hồi về chính con của năng lượng mà con đã gửi ra.
Bây giờ nếu như con phú cho năng lượng một rung động cao hơn, một rung động yêu thương thì chuyện gì xảy ra? À, cùng điều đó lại xảy ra. Nó lại đi xuyên qua bốn thể trong tâm con, đi vào bốn tầng của vũ trụ. Khi nó lên đến tầng bản sắc, rung động cao sẽ không bị chặn lại và phản chiếu trở về con. Kỳ thực nó sẽ vượt ra khỏi cõi vật chất, đi vào cõi cao hơn đến cái ta cao của con. Giờ đây con sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn với rung động cao từ cái ta cao của con, khiến cho các khả năng sáng tạo của con gia tăng, năng lực tinh thần của con cũng gia tăng. Nó cũng giúp nâng cao tâm thức của con. Nói cách khác, khi con phú cho năng lượng một rung động thấp, năng lượng này được gửi trả lại cho con với rung động thấp. Khi con phú cho nó một rung động cao, nó được gửi trả lại cho con với rung động cao đó, nhưng nhiều hơn và mãnh liệt hơn. “Người nào đã có, sẽ nhận được nhiều hơn.” Đây là ý tưởng về các ta-lăng được nhân lên gấp bội mà Giê-su đã mô tả trong một truyện ngụ ngôn.
Vậy chúng ta cũng có thể hỏi: “Tại sao cuộc sống trên trái đất lại đau khổ? Tại sao lại có Biển Luân hồi?” Đấy, bởi vì trái đất là một hệ thống năng lượng, nhưng hiện nay phần lớn năng lượng trong hệ thống này bị tha hóa bởi một rung động thấp kém dựa trên sợ hãi. Có quá nhiều năng lượng sợ hãi trong hệ thống năng lượng và tâm thức tập thể, đến độ nó thường khiến cho tâm con người bị quá tải và con người bị đau khổ, cảm thấy buồn phiền, bất lực, tuyệt vọng, oán giận và đủ mọi thứ khác. Tất cả những cảm xúc thấp này liên quan đến sự kiện năng lượng trong tâm thức tập thể làm choáng ngợp trường năng lượng cá nhân của mỗi người. Phương thức để thoát khỏi sự thể này là đổ đầy trường năng lượng cá nhân của con với những năng lượng cao, rung động cao, và thanh lọc các rung động thấp khỏi trường năng lượng cá nhân của con.
Con thấy đó, thày có giảng là nếu con gửi ra một xung lực dựa trên sợ hãi, nó sẽ được gửi trả về cho con, nhưng tác dụng sẽ ra sao trên trường năng lượng của con? Tác dụng là sẽ có sự phản ứng lại, sự khuấy động, sự tăng cường các năng lượng thấp vốn có trong năng trường của con. Con trở nên căng thẳng hơn, bực dọc hơn, sợ hãi hơn. Nếu con loại bỏ năng lượng vốn có trong năng trường của con và cũng loại bỏ các khuôn nếp phản ứng đã khiến con tha hóa năng lượng với lòng sợ hãi, thì sẽ chẳng có gì để năng lượng tương tác với. Xong nếu con đổ đầy năng trường của con với rung động cao, thì khi rung động thấp quay trở lại, chúng sẽ được các rung động cao này biến hóa. Một lần nữa, đây lại là một điểm khó giải thích vào thời của Phật nhưng dễ giải thích ngày hôm nay qua các nguyên tắc động học sóng đơn giản.
Nếu con hướng một sóng năng lượng với một độ rung nào đó vào một sóng năng lượng khác, sẽ có một mô thức giao thoa giữa hai sóng với kết quả là một sóng thứ ba phối hợp cả hai. Nói cách khác, con có một sóng năng lượng ở tần số thấp, nếu con hướng vào đó một sóng khác có tần số cao hơn, con có thể tạo ra một sóng thứ ba cao hơn sóng đầu tiên nhưng thấp hơn sóng thứ nhì. Kết quả chung cuộc là con đã nâng năng lượng thấp vào một trạng thái cao hơn.
Con thử nghĩ nếu con đã mang một khuôn nếp trong mấy kiếp sống và đã tha hóa năng lượng với lòng giận dữ, và năng lượng này có phần được phóng ra ngoài, có phần tích tụ lại trong trường năng lượng của con, thì con có thể thấy khuôn nếp đó không chỉ là một niềm tin – tin rằng con cần đáp trả bằng sự tức giận hay đây là cách đáp trả duy nhất. Một phần của khuôn nếp chính là năng lượng tác động lên cảm xúc của con, và con càng nhiều năng lượng giận dữ trong cảm thể thì con sẽ càng có xu hướng đáp trả, phản ứng lại bằng sự giận dữ trong đủ loại tình huống khác nhau. Nếu con bỏ được năng lượng này đi, con sẽ dễ nhìn ra khuôn nếp phản ứng hơn, nhìn ra tin tưởng đằng sau khuôn nếp và buông bỏ nó, hầu con được tự do và con vươn lên một mức tâm thức cao hơn, một cấp độ cao hơn trên đường tu.
7.12. Dùng lời nói để chuyển hóa năng lượng
Tại sao thày lại nói tất cả những điều này khi chủ đề là lời nói? À theo truyền thống, các giáo lý đạo Phật hay các phong trào Phật giáo đã dùng nhiều dụng cụ tâm linh khác nhau để nâng cao tâm thức. Người ta đã dùng thiền quán im lặng, nhưng nhiều người cũng đã dùng pháp tụng niệm, đọc Om, đọc các câu chú hay một số âm tiết, và các pháp này cũng đã được sử dụng trong các truyền thống tâm linh hay nền văn hóa khác. Lý do làm vậy là vì con người từ thuở xưa đã biết sâu trong trực giác là việc sử dụng giọng nói của mình là một cách đầy quyền năng để thỉnh năng lượng có tần số cao và hướng nó vào năng lượng có tần số thấp. Nhờ vậy họ chuyển hóa năng lượng và giải phóng khỏi lực kéo trên tâm họ.
Bây giờ con thấy được là có hai khía cạnh khi con mang những dính mắc mà thày đã nói đến khoảng 2500 năm về trước. Một, con có một tin tưởng là một ảo tưởng, và hai, con có một số năng lượng đã được phú cho một đặc tính xuyên qua tin tưởng đó, và năng lượng này lôi kéo tâm ý thức của con. Nếu con đã tích lũy nhiều năng lượng giận dữ, thật không cần nhiều lắm để kích hoạt phản ứng giận dữ của con trong một số tình huống nhất định. Con có thể nhìn thấy những người với thời gian càng ngày càng có xu hướng phản ứng giận dữ, và lý do đơn giản là vì họ càng ngày càng tích tụ nhiều năng lượng giận dữ hơn trong cảm thể của họ, và nó áp đảo tâm ý thức của họ.
Khi con ý thức được điều này, và bằng cách sử dụng những loại dụng cụ thích hợp để thỉnh năng lượng có tần số cao, con có thể tự giải thoát khỏi lực kéo. Và cách mãnh liệt nhất để thỉnh năng lượng có tần số cao là dùng giọng nói của mình. Tất nhiên con có thể dùng các pháp tụng niệm truyền thống trong đạo Phật, nhưng cũng có những phiên bản hiện đại hơn, có khi gọi là bài chú hay bài thỉnh mà con có thể dùng trong mục đích này. Điều con nhận ra ở đây là ý nghĩa nguyên thủy của khái niệm lời nói, lời nói cao hơn, là con học cách dùng giọng nói của mình, quyền năng của giọng nói, để thỉnh và hướng năng lượng hầu năng lượng dựa trên sợ hãi được biến hóa trở lại thành năng lượng dựa trên tình thương. Khi làm vậy, con giải phóng tâm con để nhìn vào các khuôn nếp và bước lên một tầng cao hơn trên đường tu. Đây là điểm then chốt con cần ngộ ra liên quan đến lời nói.
Nhiều người trong các con đã sẵn cảm thấy là khi mình nói chuyện giận dữ hay bài bác thì năng lượng của mình bị kéo thấp xuống. Khi con nói chuyện tử tế yêu thương, năng lượng của con được nâng lên. Một lần nữa, với thời gian, nhiều Phật tử cũng như nhiều người tâm linh khác đã quyết định bằng tâm vỏ ngoài là trong tư cách người tâm linh, họ phải luôn luôn nói chuyện theo một cách nào đó. Họ phải tránh nói năng giận dữ, họ phải tránh nói to, họ phải luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ tử tế, và họ cho rằng như vậy là đủ, nhưng họ đang làm gì chứ? Họ đang dùng sức mạnh để trấn áp một số hình thức phát biểu và nuôi dưỡng một số hình thức khác.
Thày vừa cho con điều gì ở đây? Một giải pháp khác. Con không dùng sức mạnh để kềm chế xu hướng nói năng giận dữ, mà con dùng giọng nói của mình để chuyển hóa năng lượng đang lôi kéo tâm ý thức của con. Xong con dùng khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm, xem xét các khuôn nếp trong tâm cảm xúc, tâm lý trí và tâm bản sắc, và nhờ vậy con phá tan Maya là ảo tưởng đã tạo ra cái khuôn nếp khiến con phản ứng giận dữ. Con tự giải phóng khỏi lòng giận dữ thay vì dồn nén nó xuống. Đây là một khác biệt to lớn, cốt tủy.
Con có thể cho rằng bằng cách kềm chế mọi phát biểu thiếu hài hòa thì con đã chứng tỏ một sự tiến bộ vượt bực trên đường tu tâm linh, nhưng thày thà thấy con loại bỏ chỉ một khuôn nếp còn hơn là con kềm chế cả trăm khuôn nếp. Ít ra một khuôn nếp này sẽ đưa con lên một bước cao hơn, trong khi việc kềm chế sẽ chỉ khiến con cảm thấy mình không cần bước lên bước nào vì con đã là một đệ tử tâm linh cao cấp quá rồi. Một lần nữa, con có khả năng bước lên cao hơn và nhìn mọi chuyện như một cơ hội. Nhiều người tâm linh đã chấp nhận chuẩn mực quy định mình phải nói năng nhỏ nhẹ, không bao giờ được mất hài hòa, không bao giờ được to tiếng, không bao giờ được cáu kỉnh, và nếu làm vậy thì mình cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận, mình phải tự khiển trách hay khiển trách người khác.
Thực sự tại sao một vị thày tâm linh lại muốn quan tâm đến cách cư xử như vậy? Đúng, nếu đấy là một khuôn nếp cứ lặp đi lặp lại thì nó thật không xây dựng, nhưng thày vừa nói gì chứ? Con có thể nhìn mọi chuyện xảy ra trong đời con như một cơ hội để nhìn ra một điều gì đó trong tâm thức của con và khắc phục cái đó. Nếu con bị mất hài hòa và phát biểu giận dữ, thật chẳng ích gì mà tự khiển trách hay cảm thấy xấu hổ. Con chỉ bước lui lại và nói: “Ồ, đây là một cơ hội để tôi nhìn ra một khuôn nếp tôi đang có trong tâm tiềm thức. Khuôn nếp này là gì? Tôi sẽ bước vào lòng nó. Tôi bước vào lòng năng lượng, tìm ra cái tin tưởng đằng sau nó, gỡ rối nó cho đến khi tôi nhìn thấy nó.” Đây chính là phương thức xây dựng. Đây là cách cao hơn để dùng lời nói, để nhìn vào lời nói, tiếp cận lời nói.
Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn trao về chủ đề này. Cho nên thày sẽ niêm con trong lời nói vui mừng của Phật.