7 | Tia thứ 14 của sự chia sẻ Hiện diện (và tia thứ 15)

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Sanat Kumara qua trung gian Kim Michaels, ngày 10 tháng 5, 2009, trong loạt bài về các tia sáng bí mật.

Sanat Kumara TA LÀ. Thày đã không khỏi buồn cười khi quan sát một số đệ tử – một số thành viên của phong trào này cũng như những đợt truyền pháp trước – đã dần dà gán cho tên thày một địa vị cao cả nào đó, nghĩ rằng thày có gì đặc biệt hơn các chân sư thăng thiên khác. Sứ giả này đã rất ngạc nhiên khi ông gặp phản ứng như vậy ở Lourdes. Và thành thật mà nói, con yêu dấu, chính thày đây cũng ngạc nhiên. Trên cõi thăng thiên, tất cả các thày đều là một. Các thày giữ những trách vụ khác nhau trong đoàn chưởng giáo nhưng không hề có địa vị. Không hề có ý niệm giá trị là có gì cao trội hay quan trọng hơn những thứ khác.

Thật sự thày không quan trọng đến như vậy. Vì thày là gì? Thày là ông thợ chuyên môn sửa đồ cho vũ trụ. Thày là sinh thể chịu đi xuống hành tinh thấp nhất và giữ quân bình ở đó cho đến khi có ai khác làm được việc này. Đây không phải là điều con có thể gọi là một công việc cao lắm. Theo một nghĩa nào đó, thày là người thợ tân trang vũ trụ, con yêu dấu.

Chắc chắn trên thiên đàng có những sinh thể, chẳng hạn như chính Lucifer, đã không chịu bẩn tay làm những loại công việc mà thày đã và đang làm từ hàng bao nhiêu thiên niên kỷ, tính theo thời gian của loài người. Và như vậy một lần nữa, con thấy “Ai muốn là người cao nhất trong số các con, hãy để y làm đầy tớ cho mọi người.”

7.1. Vượt lên khỏi địa vị

Bởi vì sẽ đến một điểm khi con vượt khỏi sự tìm kiếm địa vị, tìm kiếm vị thế. Như Saint Germain đã trình bày, con vượt khỏi ảo tưởng cho rằng bằng cách đạt được một địa vị tối thượng nào đó – do thành tích đã qua hay do minh triết của mình trên đường tâm linh – thì con được đảm bảo bước vào vương quốc. Nhưng con thấy đó, vương quốc chỉ mở ra cho những ai đã vượt khỏi nhị nguyên. Và khi con vượt khỏi nhị nguyên thì không thể có phán xét giá trị, không thể có bất cứ địa vị nào.

Và như vậy, thày đến đây để trình bày với con về tia sáng thứ 14. Đây là một tia sáng vô cùng khó hiểu đối với tâm đường thẳng, còn đối với tự ngã thì không làm sao thấu triệt được.

Tất nhiên các thày phải dùng từ ngữ để giao tiếp theo hình thức này. Cho nên từ ngữ mà thày mong muốn con quán chiếu liên quan đến tia này là “Chia sẻ sự Hiện diện của mình,” chia sẻ Hiện diện Thiêng liêng của con.

Khi thày xuống trái đất, con yêu dấu, trái đất còn ở một mức thấp kém đến độ không có cả một nền văn minh như con thấy ngày nay. Không có phương tiện truyền đạt mà chỉ có những sinh thể mặc dù mang tiềm năng con người, nhưng lại sống như loài vượn tinh khôn, con yêu dấu. Thày có thể giảng dạy được gì? Không có tôn giáo nào trước đó mà thày có thể viện vào, chẳng hạn như Giê-su còn tìm cách đổi mới đạo Do Thái hay như Phật tìm cách đổi mới đạo Hindu. Hoàn toàn không có gì, tuyệt đối không có gì mà thày có thể viện vào. Không có bất cứ nền tảng nào để dựa vào đó mà giảng dạy tâm linh, bởi vì con không thể giảng dạy cho những sinh thể không có chút ý niệm nào về khía cạnh tinh thần của đời sống, thậm chí không có cả khái niệm về Thượng đế hay một đấng cao cả siêu việt.

Vậy thì thày có thể làm gì đây trên trái đất? À, thày có thể chia sẻ sự Hiện diện của thày, sự Hiện diện Thiêng liêng, qua đó thày cho phép các sinh thể mà thày gặp được trải nghiệm là có gì đó vượt khỏi trạng thái tâm thức hiện thời của họ.

7.2. Cái bẫy của hành động

Vì vậy khi con leo con đường tâm linh, vượt qua khai ngộ của các tia sáng kia, con dần dà thu hoạch được một tầm hiểu sâu xa hơn, một minh triết rộng lớn hơn. Tuy vậy, tầm hiểu lớn hơn này có thể trở thành một cái gông buộc quanh cổ, một gánh nặng đè con xuống, tạo nên những rào cản trong tâm con, qua đó con bắt đầu nghĩ là để đánh thức nhân loại – để đem lại minh triết Thượng đế hay Thời Hoàng kim của Saint Germain vào thị hiện – con phải xông ra ngoài trao cho mọi người những lời dạy phức tạp tinh xảo. Và lời dạy càng tinh xảo bao nhiêu thì con sẽ là một vị thày cao siêu bấy nhiêu. Đây chẳng phải là sự hiểu lầm rất phổ biến hay sao?

Nhưng thực tế ngày nay vẫn giống hệt thời ban sơ đó. Điều sẽ thực sự tạo khác biệt cho mọi người là họ trải nghiệm được Hiện diện Thiêng liêng. Con không thể trao món quà nào khác cho nhân loại – cho người khác, cho đề án của Saint Germain – ngoài việc chia sẻ Hiện diện Thiêng liêng của con.

Nhưng rất nhiều khi, con yêu dấu, vấn đề là tâm đường thẳng chứ không nhất thiết là tự ngã của con. Bởi vì khi con lên đến những tầng cao hơn, không cứ là tự ngã sẽ ngăn cản con mà là sự kiện cái ta ý thức của con vẫn chưa thăng vượt được tâm đường thẳng. Và vì vậy với tâm đường thẳng này, con bị ám ảnh quá đỗi bởi một lời dạy vỏ ngoài và tưởng rằng con phải xông ra ngoài rao truyền chân lý – một chân lý đặc thù nào đó – để khiến mọi người cải theo một giáo lý, một tổ chức hay một đạo sư đặc thù.

Và con thấy chuyện này xảy ra khắp thế giới – những người có thiện ý đã đạt được một mức trưởng thành nào đó trên đường tu tâm linh nhưng vẫn bị kẹt trong tư duy là họ phải thuyết giảng một cách biểu lộ sự thật như là sự thật cao nhất, như là giải pháp cho mọi vấn đề. Và khi họ xông ra ngoài và bị ám ảnh như vậy thì, như Gautama đã nói, họ quá chú tâm vào việc thay đổi người khác đến độ họ quên mất tầm quan trọng của việc LÀ chính mình. Họ quên chia sẻ con người mà họ là, không phải như một ngã tách biệt mà như cái ta Thiêng liêng, như Hiện diện Thiêng liêng.

Con yêu dấu, chắc chắn tâm vỏ ngoài có thể chụp lấy điều Giê-su đã nói về việc thách thức những kẻ nói dối và lời nói dối – thách thức các thày giả, thách thức bọn đổi tiền. Và tâm vỏ ngoài có thể hiểu điều này có nghĩa là con phải phản bác lời dối đó bằng một lời dạy đối chọi lại lời dối, tức là lời thật. Nhưng như các thày đã dạy, lời nói là lời nói. Lời nói chỉ tương đối. Con không có cách chi diễn đạt một sự thật tuyệt đối bằng lời nói.

Con hãy lắng nghe điều thày vừa nói. Không có cách chi diễn đạt một sự thật tuyệt đối bằng lời nói. Bất kỳ lời nói nào cũng có thể được diễn giải theo nhiều hơn một cách. Nếu thày nói ra điều gì đó và có mười người ngồi nghe, thì họ sẽ có mười trải nghiệm khác nhau về ý nghĩa câu nói.

7.3. Sự cần thiết của chứng ngộ

Đó là lý do tại sao, như các thày đã giải thích trong các bài giảng trước, sự chứng ngộ (gnosis) mới thật cần thiết, qua đó người nhận biết trở thành một với cái được nhận biết. Nếu con thực sự muốn hiểu – nắm bắt, rõ biết – những gì thày đang diễn tả, con phải vượt xa hơn ngôn từ và hòa điệu với Hiện diện của thày. Nếu con muốn một người khác hiểu được – nắm bắt được, rõ biết được – sự thật mà con đã ngộ ra, thì thật không đủ nếu con chỉ cho họ những chữ nghĩa, những lời dạy hay những kỹ thuật. Con phải chia sẻ Hiện diện Thiêng liêng của con.

Thày không bảo là con không thể cho họ chữ nghĩa, nhưng chữ nghĩa này không thể bị thấm đẫm với tâm đường thẳng muốn thay đổi họ. Chữ nghĩa phải được thấm đẫm với Hiện diện Thiêng liêng của con, với con người mà con thực là trong Bản thể cao của con đang tỏa rạng xuyên qua hình dạng thấp kém này. Và như vậy nó đánh động sâu thẳm trong tim họ một ký ức mờ nhạt là chính họ cũng đến từ một nơi vượt khỏi thế gian. Và bằng cách trải nghiệm sự chia sẻ Hiện diện vượt khỏi thế gian, trong họ bắt đầu khuấy lên một sự thức tỉnh, một sự hồi tưởng rằng chính họ cũng là nhiều hơn thế gian này.

Con yêu dấu, thật chẳng ích gì mà con xông ra ngoài với tầm hiểu biết mà con có, rồi tìm cách thách thức những người có một hiểu biết khác, hay một hiểu biết thấp hơn, hay một hiểu biết lầm lạc – nếu con chỉ làm vậy từ trình độ của tâm vỏ ngoài, thậm chí từ trình độ của tự ngã và sự phán xét giá trị của nó. Con sẽ chỉ cố xác định một sự thật tương đối như là cao hơn một sự thật tương đối khác, hay thậm chí cao hơn tất cả mọi sự thật tương đối khác. Làm vậy sẽ không giảm bớt mà sẽ chỉ gia tăng tình trạng tranh đấu nhị nguyên.

Thế nhưng nếu con trình bày sự thật của con được thấm đẫm với Hiện diện Thiêng liêng của con, thì quả thực con có thể đánh thức người khác. Con cho họ thấy là có một cách sống khác hơn cuộc tranh đấu nhị nguyên, cuộc tranh đấu muốn nâng một sự thật lên cao hơn mọi sự thật khác.

Con yêu dấu, con hãy sẵn lòng học hỏi từ tấm gương của thày. Đừng phán đoán ai là người sẵn sàng và ai chưa, ai là người xứng đáng và ai không. Đừng đặt ra những tiêu chuẩn hay điều kiện mà người ta phải hội đủ trước khi con chia sẻ sự thật của con với họ. Hãy sẵn lòng chia sẻ Hiện diện của con với tất cả mọi người. 

Sẽ có những người, con yêu dấu, ở trong một trạng thái tâm thức khiến họ chưa sẵn sàng – hay có lẽ tạm thời chưa sẵn sàng – để nhận một lời dạy tâm linh tinh xảo nào đó. Nhưng dù họ ở trong trạng thái tâm thức nào đi nữa – tạm thời hay dài hạn – họ vẫn luôn luôn sẵn sàng nhận lấy Hiện diện Thiêng liêng của con khi con chia sẻ.

7.4. Chia sẻ Hiện diện không bao giờ uổng phí

Việc làm này không bao giờ uổng phí, con yêu dấu. Không bao giờ có thể uổng phí dù người đó là ai. Con đã quá quen nhìn người khác và đánh giá xem họ có tâm linh hay không. Thói quen này đến từ đâu? Nó đến từ sự kiện suốt nhiều kiếp sống, con đã bị chối bỏ bởi những người không chỉ không tâm linh mà lại còn phản tâm linh. Cho nên con đã cho phép các thày giả và học trò của chúng bẻ cong nhận thức của con về lý do tại sao con ở đây. Và cảm xúc của con bị bóp méo đến độ con sợ bị bác bỏ, con sợ ném ngọc trai của mình cho lợn ăn, và con luôn luôn cố lượng định xem người kia có sẵn sàng hay chưa trước khi con mở miệng giao tiếp với họ.

Thày không bảo là con cần không lượng định. Bởi vì như thày đã nói, nếu một người chưa sẵn sàng nhận một lời dạy tâm linh cao siêu thì thật chẳng ích gì mà trao lời dạy này cho họ. Nhưng con luôn luôn có thể cho họ một ly nước lạnh nhân danh Ki-tô qua việc chia sẻ ly nước Hiện diện Thiêng liêng của con. Một số có thể từ chối, một số có thể lên án hay phán xét con. Điều này không can hệ gì đến con, bởi vì chiến thắng nằm ở chỗ con đã chia sẻ Hiện diện của mình chứ không phải là kết quả.

Thế giới này vẫn chưa thăng thiên. Yếu tố sẽ đưa thế giới này gần hơn với điểm thăng thiên là có một số người đang hiện thân trở thành cánh cửa mở cho ánh sáng của Hiện diện Thiêng liêng chiếu xuyên qua hình dạng vỏ ngoài của họ, đi vào thế giới.

Thật không quan trọng gì nếu người kia không nhận, vì chỉ sự kiện ánh sáng đi vào thế giới thì thế giới đã thay đổi được một chút. Thế giới sáng hơn một chút. Và cuối cùng, nhiều ly ánh sáng nhỏ sẽ tạo được sự thay đổi lớn hơn.

Không một hành động chia sẻ Hiện diện Thiêng liêng nào sẽ uổng phí, bởi vì mục đích không cứ là để thay đổi một con người đặc thù – vì chúng ta phải luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết. Nhưng quyền tự quyết không có nghĩa là người ta có thể ở lại trong bóng tối. Cho nên con có quyền hiện diện trong thế giới này để là cánh cửa mở cho ánh sáng, và cuối cùng thì ánh sáng sẽ soi sáng mọi thứ, kể cả tâm thức tập thể, hầu mọi người có thể bắt đầu nhìn ra những gì đã bị che giấu trước đó. Mọi người có thể bắt đầu xoay chuyển tâm thức của mình và có những chọn lựa tốt hơn, những chọn lựa sáng ngộ hơn.

7.5. Một dụng cụ để tâm tĩnh lặng

Vậy con thử nghĩ xem, nếu con thực sự muốn đem lại phụng sự cao nhất mà con có khả năng đem lại, thì con phải đạt tới mức sẵn lòng học hỏi trong tia thứ 14. Và làm thế nào con đạt tới đó? À, như Saint Germain đã nói, con phải chịu chất vấn mọi thứ, ngay cả giáo lý mà con đã thu hoạch qua một hành trình gian nan trên đường tâm linh, một giáo lý mà con cảm nhận là chân thực, tường tận và cao siêu hơn một số khác. Con thấy không, con phải đạt tới mức nhận ra là ngay cả giáo lý cao nhất cũng có thể không là giải pháp cho mọi vấn đề, không là giáo lý thích hợp cho mọi người.

Không có một giáo lý độc nhất nào sẽ tự động đánh thức mọi người. Tuy nhiên có một yếu tố có thể chạm được hầu hết mọi người theo một cách nào đó, đó là sự chia sẻ Hiện diện Thiêng liêng của con.

Con hãy xem xét kỹ lưỡng khái niệm này. Một số các con chưa sẵn sàng chấp nhận nó, nhưng nhiều người trong các con quả thật đã sẵn sàng – nếu con sẵn lòng kinh qua tiến trình tái sinh, là chấp nhận mình đã sẵn sàng chia sẻ phần nào Hiện diện Thiêng liêng của mình. Con đã làm vậy rồi nhưng con có thể làm nhiều hơn nữa bằng cách trở nên ý thức về tiến trình này, và do đó con hòa điệu với Hiện diện Thiêng liêng, thay vì chỉ thỏa mãn với tâm đường thẳng luôn luôn suy nghĩ mình phải nói gì, phải phát biểu những gì cho người khác.

Thay vào đó, con hãy nghe lời Phật, đi vào bên trong và khiến cho tâm tĩnh lặng. Vậy con yêu dấu, thày sẽ cố gắng cho con một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để con trải nghiệm sự tĩnh lặng đó. Con có thể áp dụng phương pháp này bằng nhiều cách. Nhưng ý chung chung là con dành một chút thời gian mỗi ngày, hay ít nhất càng thường xuyên càng tốt. Con hãy đi vào một căn phòng yên tĩnh. Ngồi xuống ghế thoải mái và giữ sống lưng tương đối thẳng. Sau đó, con hướng chú ý vào bên trong.

Không thể tránh được có tư tưởng khởi lên. Con đừng rơi vào bẫy cho rằng để tâm tĩnh lặng thì con cần chống lại tư tưởng, ngăn không cho chúng khởi lên. Vì khi con làm vậy thì con gây căng thẳng trong tâm. Và làm sao con có thể an định tâm khi con khiến nó thêm căng thẳng?

Nhiều người đã lãng phí không biết bao nhiêu thời gian cố gắng an định tâm khi thiền định, và qua đó họ chỉ gia tăng sự vật lộn và xáo trộn trong tâm. Thay vào đó, phương pháp thiền này rất giản dị. Con biết là đằng sau mọi hình tướng vỏ ngoài có một thực tại sâu hơn. Nếu con nhìn thân thể vật lý của con thì con biết là bên dưới lớp da mà mắt con nhìn thấy, có nội tạng và xương cốt. Nhưng nội tạng và xương cốt được cấu tạo bởi tế bào. Tế bào được cấu tạo bởi phân tử. Phân tứ được cấu tạo bởi nguyên tử. Nguyên tử giống như thái dương hệ tí hon có hạt electron bay quanh một cái lõi. Nhưng giữa electron và lõi là khoảng trống không.

Như vậy, khi con đi ra sau hình dạng vỏ ngoài càng ngày càng sâu, thì rốt cuộc con sẽ tới cái gì trống không. Trống không. Không có gì ở đó. Không có electron, không có neutron, không có proton. Không có phân tử. Không có “vật” gì.

Con có thể dùng một số cách hình dung khác nhau, có lẽ chính hình dung thày vừa cho con. Con cũng có thể hình dung một dòng sông luôn luôn cuộn chảy, tuy nhiên giữa các phân tử nước là khoảng trống không. Đằng sau dòng nước chảy là sự tĩnh lặng làm nền cho sự chuyển động.

Bởi vì sự chuyển dộng phải chuyển động tương đối với một cái gì, như con cũng biết là giác quan của con không thể phát hiện một chuyển động rất chậm khi không có gì làm mốc so sánh. Cho nên nói cho cùng, mọi chuyển động chỉ có thể có được do có một cái nền tĩnh lặng đằng sau.

Vậy con có thể thiền quán về một dòng sông. Khi tư tưởng khởi lên trong tâm con, con thấy chúng như xoáy nước trong dòng sông. Nhưng khi con đi sâu vào chúng và vượt quá chúng, rốt cuộc con sẽ tới tĩnh lặng. Điều quan trọng mà thày muốn nói là khi tư tưởng khởi lên, con đừng tìm cách đánh đuổi nó. Nhưng con cũng đừng tuôn chảy theo nó. Con đi thẳng vào nó. Con đi xuyên qua nó. Và con tìm cái gì đằng sau nó.

Một tư tưởng khác có thể sẽ khởi lên. Con lại đi vào nó, đi xuyên qua nó, tìm cái gì đằng sau nó. Nếu một tư tưởng khác khởi lên nữa thì con lại đi vào nó, đi xuyên qua nó, tìm cái gì đằng sau nó. Con yêu dấu, con cứ tiếp tục làm vậy thì rốt cuộc con sẽ đạt được một độ tĩnh lặng nào đó.

7.6. Dành thời gian trong tĩnh lặng

Con hãy cứ thực hành thiền quán này mỗi ngày thì con sẽ tới điểm có thể nhanh chóng đi vào tĩnh lặng và trải nghiệm là đằng sau, vượt quá dòng tư tưởng, có sự tĩnh lặng – một sự Hiện diện chính là ý niệm con là ai, ý niệm con đang Là, ý niệm “TA LÀ”. Và chính vì con có ý niệm “TA LÀ” này mà có thể có tư tưởng khởi lên trong tâm con, trong con người con. Do đó khi con vượt quá từng tư tưởng, từng cảm xúc, từng cảm nhận trong tâm, thì con tới cái nền của sự Là, chính là Hiện diện cốt lõi của con, Hiện diện TA LÀ của con.

Khi đó, con hãy trụ trong sự tĩnh lặng đó – không cố gắng, không mong cầu, không cầu xin, không cầu nguyện bất cứ gì. Con yêu dấu, hãy cảm thấy thật đủ khi con giản dị trải nghiệm Hiện diện. Và khi con cảm thấy đã đến lúc ra khỏi thiền, con hãy từ từ và nhẹ nhàng trở về trạng thái tâm thức bình thường của con.

Bài tập thiền này không cần lâu. Khi con đã quen thuộc thì con chỉ cần bỏ ra vài phút mỗi ngày. Sau đó, con giản dị bước ra khỏi thiền và làm công việc hàng ngày của mình, không chờ đợi, không cầu mong, không đòi hỏi gì. Nhưng con sẽ ngạc nhiên nhận ra là việc tiếp cận Hiện diện có thể là chất xúc tác để mang lại ý tưởng mới, tầm nhìn mới, sáng kiến mới khởi lên trong tâm vỏ ngoài của con. Những ý tưởng mà con biết không thuộc về tiếng ồn ào tạp nhạp trong bầu khí quyển của trái đất do tâm thức tập thể tạo ra, mà đến từ một cõi cao hơn, có một tính chất vô biên nào đó – và như vậy con cho phép mình nhập vào dòng chảy sáng tạo đem lại những giải pháp mới, tầm nhìn mới.

Rồi khi con hòa điệu với Hiện diện đó, con cũng có thể mang theo cảm giác tĩnh lặng này với con. Con sẽ tới điểm có thể bắt đầu phát biểu trong tĩnh lặng, để lời nói của con không tuôn ra từ tiếng ồn ào trong tâm con hay trong tâm thức tập thể đang tìm cách chống lại một hình thức ồn ào khác. Thay vào đó, lời nói của con chảy ra từ một tầng thâm sâu hơn, nó được thấm đẫm một cái gì đó. Nó được thấm đẫm với Hiện diện, nó chạm được người kia ở một tầng sâu hơn vì nó đánh động tim họ và giúp họ nhìn vượt lên.

Đôi khi việc thách thức người khác một cách thẳng thắn và đối đầu là một phương thức chính đáng. Đối với một số các con, đây là cách phát biểu tự nhiên, ít nhất ở tầng tâm thức hiện tại của con. Thày không muốn nói là tất cả các con phải tự biểu lộ theo cùng một cách. Thày chỉ giản dị nói rằng tất cả các con đều có tiềm năng chia sẻ Hiện diện của mình một cách nào đó, để lời nói của con có gì hơn ngôn từ và tâm đường thẳng, để nó được thấm đẫm bởi một cái gì chân thực, con yêu dấu.

7.7. Thày kêu gọi sự thực lòng khi biểu hiện tâm linh

Con thử nhìn những người tâm linh và người mộ đạo trên hành tinh này mà xem. Hãy bật tivi vào ngày chủ nhật khi các nhà giảng đạo đang phát sóng. Hãy chú ý khi con nghe những người tâm linh khác nói chuyện về tâm linh và nhìn xem họ phát biểu từ tầng mức nông cạn đó thường xuyên đến chừng nào – từ tâm đường thẳng – hay thậm chí từ tự ngã với tất cả những nỗi sợ hay ham muốn kiểm soát của tự ngã. Xong con hãy nhận ra là để có được một sự thức tỉnh tâm linh mới trong thời đại hôm nay, điều này sẽ không đến từ những kẻ thuyết giảng từ tâm vỏ ngoài. Nó sẽ chỉ đến khi có những người làm cánh cửa mở cho một cái gì thâm sâu hơn, một cái gì chân thực chạm được con tim.

Xong con nhìn nhận đây có lẽ là nhu cầu to lớn nhất mà con có thể đáp ứng trong thời đại này – trở thành một người được biết đến như là người nói chuyện thực lòng về đời sống tâm linh của mình. Con đem lại một tiếng nói mới lạ vào cuộc đối thoại về tâm linh, vào lãnh vực tâm linh và tôn giáo, qua đó con không chỉ đứng về một phe và bênh vực một tôn giáo nào đó, hay đứng về phe kia và tấn công mọi tôn giáo từ một nhãn quan khoa học duy vật, mà con vượt hẳn kiểu tranh luận đó. Con tìm được con đường Trung đạo làm một người chân thực. 

Bởi vì con phát biểu từ tĩnh lặng. Con thấm đẫm lời nói của con với sự Hiện diện mà con là. Bởi vì con biết con là Hiện diện đó. Bởi vì con đã tái sinh vào sự chấp nhận rằng con là một biểu đạt của Hiện diện.

Và như thế, khi con biết mình là ai, làm sao con lại không thể biểu lộ cái đó trong mọi lời mình nói, trong mọi việc mình làm, trong mọi tư tưởng và cảm xúc mình có? Bởi vì đó là điều sẽ cho con niềm vui và sự toại nguyện lớn nhất.

Con yêu dấu, tự ngã tìm sự thỏa mãn nào đó khi nó thuyết phục người khác là nó đúng. Nhưng có một niềm vui sâu hơn gấp bội khi con cảm được dòng chảy của Hiện diện mình xuyên qua con người vỏ ngoài, khi con cảm rõ sự biểu lộ đó, khi con trải nghiệm dòng chảy sáng tạo đó. Và cũng vậy khi đôi khi con thấy người khác hồi đáp với con như thế nào, họ ngạc nhiên như thế nào, vì họ thấy đây là một người nói chuyện tâm linh mà không theo kiểu thông thường. Đây là một tiếng nói khác hẳn.

Và thoạt tiên, họ có thể không biết xử sự làm sao. Nhưng con sẽ thấy là nhiều người đáp ứng theo một cách mới, sâu sắc hơn. Họ sẽ được đánh thức – do con chia sẻ Hiện diện của con – để họ hòa điệu với chính Hiện diện của họ. Và họ sẽ cất bước trên cuộc hành trình, cho đến khi họ cũng đạt tới điểm có thể chia sẻ Hiện diện của họ. Và khi điều này lan rộng như những vòng tròn trên mặt nước, sẽ có nguyên một phong trào tâm linh chỉ giản dị chia sẻ Hiện diện, con yêu dấu. Người ta biểu lộ Hiện diện này mà không chờ đợi kết quả cụ thể nào, mà chỉ mong muốn chia sẻ con người mà mình là, chia sẻ Hiện diện của mình.

7.8. Phần thưởng của phụng sự là phụng sự HƠN NỮA

Vậy thì đây là tinh túy của tia sáng thứ 14. Thày, Sanat Kumara, đã nguyện làm đại diện cho tia này cho các dòng sống trên trái đất. Thày đã nguyện phụng sự để cho con các khai ngộ của tia này.

Nay con đã nhận được, con yêu dấu, một lời dạy vượt hẳn những gì đã được trao truyền trong các đợt truyền pháp trước. Đừng để điều này trở thành một lý do kiêu hãnh hay cao ngạo. Đây là một lời dạy không được trao truyền vì con cao trội mà vì con đã chịu hạ mình xuống, tìm cái xà trong mắt mình, nhìn vượt quá tâm thức nhị nguyên và do đó cũng vượt khỏi mọi ý niệm tự hào, cao cả lẫn vượt trội.

Con đã sẵn lòng dùng bản thân mình giống như thày, Sanat Kumara, đã dùng bản thân thày khi đến trái đất – bước sâu vào vùng dày đặc mà không ngại lấm bẩn tay chân. Và như vậy, con đã xứng đáng nhận được đặc ân là một lời dạy có khả năng đưa con vượt cao hơn, để con trở thành một người phụng sự giỏi hơn nữa cho Đại đoàn Thăng thiên và Saint Germain, cho Giê-su và Phật cùng với nhiều vị khác ở cõi thăng thiên. Phần thường của việc phung sự là phụng sự HƠN NỮA. Và vì vậy mới có lời dạy này về cách phụng sự cao hơn.

Như vậy có bảy tia sáng đã được sử dụng để thị hiện cõi vật chất. Có một tia là tia thứ tám, nằm ở điểm eo nối kết của dòng chảy hình số 8, và có bảy tia đầu hình thành phần dưới của hình số 8. Sự đối xứng, tất nhiên, là đặc tính cố hữu của sáng tạo, cho nên cũng có bảy tia khác hình thành phần trên. Thày vừa giảng về tia thứ 14, nhưng có một tia thứ 15, hoàn tất tấm hình bảy trên, bảy dưới với một ở ngay eo.

Tia thứ 15 là một tia sáng mà tâm đường thẳng không thể nào nắm bắt, dù dưới dạng nào hay trong điều kiện nào. Nó không thể được mô tả bằng ngôn từ. Nhưng thày muốn con biết là nó có thật, và thày sẽ cho con cái gì đó để con quán chiếu. Vậy con hãy quán chiếu sự vô điều kiện. Và vượt cả sự vô điều kiện là sự vô hạn. Vô hạn.

Vô hạn.

Bởi vì ở ngay đỉnh hình số 8 là điểm dị biệt, là chính Đấng Sáng tạo. Đấng Sáng tạo vô hạn, không có điều kiện, không có hình tướng nào mà ngôn ngữ hay hình ảnh có thể tóm bắt. Tuy vậy, vì cái ta ý thức của con là một phần nối dài của Đấng Sáng tạo, cho nên con có khả năng trải nghiệm Hiện diện của Đấng Sáng tạo bằng cách vượt lên khỏi mọi điều kiện.

Bởi vì tương tự như vậy, Đấng Sáng tạo cũng mong muốn chia sẻ Hiện diện của ngài. Và đây là tại sao con hiện hữu, tại sao thế giới hình tướng hiện hữu. Giản dị chỉ là Đấng Sáng tạo đang chia sẻ Hiện diện của mình. Và con có thể dự phần vào đó, nhưng cách hay nhất để dự phần vào Hiện diện của Đấng Sáng tạo – Hiện diện Vô hạn của Đấng Sáng tạo – là con chia sẻ Hiện diện của con, dù có hạn nhưng thiêng liêng, với người khác.

Chính khi con cho đi mà con nhận được. Khi con để cho ánh sáng chảy vào người khác thì con mới trải nghiệm được ánh sáng này đến từ đâu. Khi người khác trải nghiệm ánh sáng đi xuyên qua con, thì con cũng trải nghiệm nguồn gốc tận cùng của ánh sáng – là điểm dị biệt của tâm vô hạn, Tâm Một.

Vì vậy với niềm vui rất lớn, thày niêm phong các bài giảng này đã khởi sự từ hội nghị Tân niên và bây giờ đạt đến một điểm hoàn tất nào đó, nơi con có thể đặt tất cả các bài giảng thành một tổng thể mạch lạc có khả năng giúp mọi người biểu hiện sự chữa lành cá nhân, sự trọn vẹn cá nhân của mình.

Bởi vì đây thực sự là những chìa khóa chủ yếu, con yêu dấu, dành cho những ai có tai để mà nghe – những ai không tìm cách diễn giải qua tâm đường thẳng mà sẵn lòng với vào trải nghiệm nội tâm đó, sự chứng ngộ đó trong Tánh linh là nguồn cội của ngôn từ – để họ có thể trải nghiệm Hiện diện vượt khỏi mọi cách diễn đạt.

Các thày rất biết ơn tất cả các con đã tham gia vào phong trào này và cho các thày một nền tảng để truyền rải lời dạy này.