Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/4/2005.
Bây giờ thày muốn lấy một hướng hơi khác bằng cách yêu cầu con tham gia một bài tập. Thày sẽ cho con rất ít lời chỉ dẫn trước bài tập để sự đáp ứng của con cởi mở và chân thực hơn. Yêu cầu duy nhất về mặt vật lý là thày xin con có bút giấy sẵn sàng để có thể ghi xuống câu trả lời của con.
Con cần biết đến điều mà các nhà tâm lý học gọi là đối thoại nội tâm. Đây là cuộc đối thoại con có với chính mình, thường khi trong đầu, nhưng cũng có khi nói ra thành lời. Có lẽ con đã biết rõ đối thoại nội tâm là gì rồi, và nếu vậy thì thày chỉ đơn giản xin con để ý đến nó trong khi làm bài tập. Còn nếu con chưa quen thuộc với khái niệm đối thoại nội tâm, thày xin con thử nghĩ đến một tình huống đã khiến con rất đau buồn. Sau khi tình huống xảy ra, con cứ băn khoăn mãi không nguôi, con nghĩ hết chuyện này đã phải xảy ra đến chuyện nọ đúng lý không được xảy ra. Con cũng có thể xét xem đôi khi con có giấc mơ về những chuyện con muốn thấy xảy ra trong đời mình, và con lật qua lật lại trong đầu, mong mỏi điều gì đó có thể xảy ra. Những cuộc trò chuyện như vậy với chính mình là điều các nhà tâm lý học gọi là đối thoại nội tâm, và trong bài tập con cần chú ý đến nó.
Một cách tổng quá hơn, để thực sự phơi bày các chướng ngại của cái ta hữu diệt đang ngăn con không tiến được trên đường tu, con cần bắt đầu để ý đến cuộc đối thoại bên trong con. Trong nhiều trường hợp, đó là cái ta hữu diệt đang nói chuyện. Bằng cách lắng nghe cuộc đối thoại, cái Ta Biết có thể phơi bày cái ta hữu diệt và cách lý luận nhị nguyên của nó. Trong một số trường hợp, cuộc đối thoại diễn ra giữa cái Ta Biết và cái ta hữu diệt, qua đó con có thể học được nhiều điều từ những câu trả lời của cái ta hữu diệt. Trong một số trường hợp, con cũng cần phải rút lui một cách ý thức khỏi những cuộc trò chuyện này với cái ta hữu diệt vì chúng chẳng đưa tới đâu. Và trong một số trường hợp khác, cuộc trò chuyện này – hay ít nhất một phần của nó – cũng có thể đến từ một phần cao hơn của bản thể con đang cố soi sáng con về con đường đúng đắn.
9.1. Một bài tập hình dung
Thày xin con tham dự bài tập sau đây. Thày muốn con hình dung mình đang ngồi một chiếc ghế thoải mái bên bờ một hồ nước xinh đẹp trên núi. Quanh hồ là rặng thông cao tỏa hương thơm đặc biệt của loài thông, khiến cho không khí thật sảng khoái trong lành. Có chim hót nhí nhảnh trên ngọn thông cao. Trước mặt con là mặt hồ xanh thẳm dưới núi, phẳng lặng như thủy tinh. Có chút sương lãng đãng nhưng con vẫn có thể nhìn thấy bờ hồ bên kia, và con chiêm ngưỡng rặng núi tuyệt đẹp sau khu rừng. Toàn bộ khung cảnh là một sự an bình tĩnh lặng.
Thày xin con hình dung cảnh này và cho phép mình cảm thấy sự an bình tĩnh lặng của hồ nước xinh đẹp này. Con hãy bỏ ra mấy phút, nếu con muốn, để nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang ngồi trước bờ hồ trên núi, trong lòng hoàn toàn bình an, không có bất kỳ lo lắng nào của đời sống bình thường. Bây giờ con đang ở bờ hồ với lòng an bình, thày xin con hình dung là con cảm nhận có một sinh thể đang đứng sau lưng con. Sinh thể này là Thượng đế, trong bất kỳ dạng nào mà con hình dung ngài. Bây giờ thày yêu cầu con xem xét cuộc đối thoại nội tâm của con và xem có ý tưởng và từ ngữ nào khởi lên trong tâm con liên quan đến Thượng đế và cách con nhìn Thượng đế. Thày yêu cầu con ghi xuống thật nhanh các ý nghĩ đang đến với con. Con đừng phân tích các ý nghĩ này, đừng cố lượng định xem chúng có chấp nhận được theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Con chỉ đơn giản viết xuống các ý nghĩ đến với con về Thượng đế.
Giờ đây con đã ghi xuống ý nghĩ của mình về Thượng đế và sự hiện diện của ngài, thày xin con hình dung Thượng đế đang ở đây để cho con cơ hội xin ngài tha thứ lỗi lầm mà con đã phạm trong quá khứ xa xôi khi con quay lưng lại với ngài. Khi con mường tượng con sẽ cần gì để quay đầu lại, đối diện với ngài và xin ngài tha tội, thày một lần nữa yêu cầu con chú ý đến cuộc đối thoại nội tâm về chù đề này. Xong con lại ghi nhanh các ý nghĩ khởi lên trong con mà không phân tích gì hết.
Bây giờ thày yêu cầu con nghĩ xem vị Thượng đế đang đứng sau lưng con không càm thấy gì ngoại trừ tình thương vô lượng và vô điều kiện cho con. Nếu con sẵn lòng đứng dậy, quay đầu lại, đối diện với ngài và ôm lấy ngài, thì tình thương của ngài cho con sẽ làm tan chảy mọi cảm xúc tiêu cực đối với ngài cùng mọi hình ảnh bất toàn về chính con. Bây giờ thày xin con nhìn xem cuộc đối thoại nội tâm của con nói gì về khả năng con có thể ôm chầm lấy Thượng đế và đón nhận tình thương vô điều kiện của ngài. Cuộc đối thoại đó nói gì về các điều kiện có thể ngăn con làm việc đó? Một lần nữa, con hãy ghi nhanh các ý nghĩ này mà không phân tích.
Trái tim yêu dấu của thày, con có thể dùng bài tập này để phơi bày các tầng lớp sâu thẳm của cái ta hữu diệt và cách lý luận nhị nguyên mà nó đã dùng để ngăn con cất bước trên đường tu sẽ dẫn con trở về sự cứu rỗi đích thực, là hợp nhất với Thượng đế của con. Bí quyết là con làm bài tập này với tâm cởi mở và ghi xuống cuộc đối thoại nội tâm mà không phân tích khi con ghi. Nếu con lặp lại bài tập này và cố làm sao cho câu trả lời càng ngày càng ngẫu hứng, con có thể dần dần phơi bày các tin tưởng nhị nguyên cấu tạo cái ta hữu diệt của con. Điều này sẽ cho con một nền tảng để thay thế các tin tưởng nhị nguyên này bằng sự thật Ki-tô.
Con hãy nghĩ lại điều thày nói trước đây, cụ thể là cốt lõi bản sắc của con, cái Ta Biết, là chìa khóa cho việc con đi lên hay đi xuống trong tâm thức. Cái Ta Biết có khả năng tự đồng hóa với bất cứ gì, và bí quyết tăng trưởng là giải thoát cái Ta Biết khỏi mọi đồng hóa – bất kỳ đồng hóa nào – với cái ta hữu diệt. Con có thể đồng hóa với sinh thể tâm linh mà con là, với cá thể của Thượng đế mà con là, và con có thể khám phá cá thể thực được neo trụ trong Hiện diện TA LÀ của con. Để giải thoát khỏi cái ta hữu diệt, con cần nhìn nhận một cách ý thức rằng cái ta hữu diệt là một nhà tù được xây bằng nhiều viên gạch riêng rẽ, mỗi viên gạch tượng trưng cho một lời dối nhị nguyên mà con đã dần dà chấp nhận. Chỉ bằng cách nhìn xuyên thấu các lời dối này một cách ý thức và nhìn ra sự thật sẽ giải thoát con, thì con mới có thể thoát ra khỏi nhà tù của cái ta hữu diệt, giải thoát quả cầu cái ta khỏi các yếu tố hữu diệt, các yếu tố của tâm thức phản Ki-tô đang kéo con xuống qua trọng lực của chúng.
9.2. Lỗi lầm không quy định con vĩnh viễn
Có những thày giả đang hiện hữu ở bên ngoài con. Họ đang tìm cách đánh bẫy con vào tâm thức nhị nguyên và giữ con trong trạng thái tâm thức đó mãi mãi. Cái ta hữu diệt là một kẻ xâm nhập ngoại lai vào quả cầu cái ta của con, và tương tự như vậy, nó cũng tìm cách giữ con kẹt lại trong tâm thức phản Ki-tô vô thời hạn. Cả kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài đang tìm cách đặt con vào một thế kẹt tâm linh, qua đó con đã phạm lỗi lầm trong quá khứ và giờ đây con lại tin rằng con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi lỗi lầm này. Đây là âm mưu của kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Đây là kế sách của chúng để phân rẽ ngôi nhà của con với chính nó, hầu con không bao giờ trở về được trạng thái hồn nhiên của mình, là cảm nhận hợp nhất nội tâm với Thượng đế của con.
Rất lâu về trước, kẻ thù bên ngoài đã cám dỗ con với những lời gian dối nhị nguyên bằng cách cài đặt yếu tố ngờ vực trong tâm thức con. Khi con bắt đầu chấp nhận ngày càng nhiều lời dối nhị nguyên, cuối cùng các yếu tố phản Ki-tô này tạo thành một khối tới hạn, sinh ra cái ta hữu diệt trong tư cách một sinh thể có ý thức bên trong quả cầu cái ta của con. Chính vào lúc đó con đánh mất sự hồn nhiên của mình và cảm thấy bị lạc đường vì giờ đây con đã tách mình ra khỏi Hiện diện TA LÀ. Kỳ thực chưa bao giờ có sự tách biệt. Chỉ trong tâm con mới tin là có một trạng thái tách biệt như thế, một khoảng cách như thế. Ngay trước khi cái ta hữu diệt chào đời, con đã có một giây phút sự thật khi cái Ta Biết nhận ra là con đã tách mình ra khỏi Hiện diện TA LÀ – con đang trần truồng. Ngay lúc đó, kẻ thù bên ngoài đã gài vào tâm thức con ý tưởng rằng bởi vì con đã đánh mất ân sủng cho nên con không bao giờ có thể trở về hợp nhất với Thượng đế. Vì con đã phạm lỗi trong quá khứ, con không bao giờ có thể trở về với ngài trong hiện tại hay bất cứ khi nào trong tương lai.
9.3. Tại sao thế gian này vô thường
Sau khi đã cám dỗ con với nhiều lời dối nhị nguyên, kẻ thù bên ngoài bây giờ dụ con với lời gian dối tối hậu rằng con có thể bị chia cách khỏi Thượng đế một cách vĩnh viễn mà không có cách chi đảo ngược lại, không có đường nào thoái lui. Đây là lời dối bảo rằng những sự việc, những thứ của thế gian, bất cứ gì con đã làm ở bất kỳ thời điểm nào, có khả năng ngăn con trở về với Thượng đế. Đâu là sự sai lầm của lời dối này? Tất cả mọi thứ trong thế gian này đều được tạo ra từ Ánh Sáng Mẹ đã được hạ thấp độ rung. Mọi thứ hiện hữu trong thế gian này có một rung động thấp hơn các năng lượng trên cõi tâm linh. Cốt lõi của bản thể con là cái Ta Biết, quả cầu cái ta và Hiện diện TA LÀ của con. Cả ba yếu tố này của bản thể con do Thượng đế tạo ra từ năng lượng cao hơn của cõi tâm linh. Chúng có rung động cao hơn bất cứ gỉ trong thế giới vật chất. Thực tế là không có gì trong thế giới vật chất này có thể vĩnh viễn ảnh hưởng bản thể thực của con.
Cái Ta Biết là một phần nối dài của nhận biết thuần khiết của Thượng đế. Nó không thể bị thay đổi hay bị hư hại vĩnh viễn bởi bất cứ gì con đã làm trong phổ rung động thấp hơn của cõi vật chất. Đây chính là một trong những cơ chế an toàn được gắn sẵn trong tạo vật của Thượng đế, do Đấng Sáng tạo của con quy định để ngăn con không thể bị kẹt mãi trong bất kỳ tạo vật bất toản nảo, dù là do con hay bất cứ ai tạo ra.
Cái Ta Biết có thể tự đồng hóa với một rung động thấp hơn, nhưng ý niệm bản sắc này không thể vĩnh viễn hay bất khả đảo ngược. Đó là một ảo tưởng, và nó chỉ có thể tồn tại cho đến khi cái Ta Biết còn chấp nhận nó là thực. Ngay giây phút con buông bỏ ảo tưởng này, nó không còn bất cứ quyền lực nào trên con nữa. Lời dối được ông hoàng của thế gian và kẻ thù bên trong con quảng bá là con đã phạm một lỗi lầm trong quá khứ mà con không thể nào thoát ra khỏi. Bất cứ gì con đã làm trong quá khứ đều được làm với ánh sáng Thượng đế, với Ánh sáng Mẹ. Chỉ khi nào con ở trong tâm thức Ki-tô thì con mới có thể vận dụng Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết.
Khi con dự phần vào tâm thức nhị nguyên, con không thể ảnh hưởng đến Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết mà con chỉ có thể vận dụng các năng lượng đã sẵn được đem vào phổ tần số vật chất. Các năng lượng này, theo định nghĩa, có rung động thấp hơn năng lượng của cõi tâm linh và do đó không thể hằng thường. Không có gì trong cõi này có thể hằng thường. Không một lỗi lầm nào con từng phạm phải có thể hằng thường hay bất khả đảo ngược. Bất cứ lỗi lầm nào cũng có thể được lật ngược, hoàn nguyên, giải thể, và để giải thể một lỗi lầm, con cần làm hai việc đơn giản:
- Con cần nhìn thấu lời dối nhị nguyên đã khiến con làm tha hóa Ánh sáng Mẫu-Vật. Khi con nhìn thấu lời dối đó, chấp nhận đó là một lời dối và thay thế nó bằng sự thật Ki-tô sẽ vô hiệu hóa lời dối, thì con sẽ được giải thoát khỏi lời dối.
- Khi con đang chấp nhận lời dối và cho phép nó ở lại trong quả cầu cái ta của con, thì năng lượng vẫn chảy qua phin lọc của lời dối và do đó khoác vào hình dạng mà nó tạo thành. Chúng ta có thể nói là con đã làm tha hóa một phần nào đó, một lượng nào đó của ánh sáng Thượng đế. Trách nhiệm của con là thanh tẩy ánh sáng đó để đảm bảo không còn sự mất quân bình trong cõi vật chất. Để giải thoát khỏi lỗi lầm đã qua, con cũng cần phục hồi lại Ánh sáng Mẫu-Vật đã bị tha hóa, đã bị giảm rung động và bị khoác vào một hình ảnh bất toàn khi con còn tin vào lời dối nhị nguyên. Việc làm này không khó lắm một khi con đã nhìn thấu lời dối. Con chỉ cần thỉnh cầu ánh sáng tâm linh từ Trên và hướng nó vào năng lượng tha hóa, qua đó con có thể nâng cao rung động của năng lượng có tần số thấp. Đây là một quy trình hoàn toàn tự nhiên mà ngay cả các nhà khoa học của con cũng đã khám phá và chứng minh trong phòng thí nghiệm. Khi con phóng một sóng ánh sáng có tần số cao vào một sóng có tần số thấp, con có thể nâng cao rung động của năng lượng thấp. Đây là một tiến trình cơ học và các bài thỉnh kèm theo khóa học này được thiết kế để nâng cao rung động của ánh sáng đã bị tha hóa.
9.4. Luật nhân quả nhằm giữ cân bằng cho vũ trụ
Không có lỗi lầm nào là vĩnh viễn, không thể đảo ngược. Không có lỗi lầm nào không sao giải thể. Không có lỗi lầm nào sẽ giữ con mắc kẹt mãi mãi. Đấng Sáng tạo của con không mong muốn gì hơn là thấy con được tự do khỏi mọi lỗi lầm – bất kỳ lỗi lầm nào – của quá khứ. Quan niệm một Thượng đế giận dữ chuyên trừng trị là một khái niệm bắt nguồn từ tâm thức nhị nguyên, tâm thức phản Ki-tô. Nó không có bất kỳ thực thể nào. Đấng Sáng tạo của con không giận con vì con đã lầm lỗi. Đấng Sáng tạo của con đã cho con quyền tự quyết và cũng cho con vũ trụ vật chất để thử nghiệm quyền tự quyết này. Luật Tự quyết không tồn tại một mình, nó tồn tại như một thái cực với luật nhân quả, và luật này thì khiến con chịu trách nhiệm các chọn lựa của mình, chịu trách nhiệm cách con dùng năng lượng của Thượng đế.
Luật này có hai khía cạnh. Nó bảo rằng chừng nào con cho phép một lời dối ở lại trong bình chứa cái ta, con sẽ không tránh khỏi làm tha hóa một chút năng lượng của Thượng đế qua lời dối nhị nguyên đó và các hình ảnh bất toàn mà con áp đặt lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Luật có khía cạnh thứ nhì bảo rằng năng lượng mà con tha hóa sẽ được tấm gương vũ trụ gửi trả về con dưới dạng những điều kiện biểu diễn các hình ảnh bất toàn đó. Con sẽ trải nghiệm những gì con tạo ra qua tâm thức nhị nguyên. Đây chính là tại sao Giê-su dạy mọi người hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình (Matthew 7:12). Ý nghĩa sâu xa hơn là tấm gương vũ trụ sẽ gửi trả lại cho con những gì con làm tới người khác, những gì con làm tới Ánh sáng Mẫu-Vật. Con sẽ không thể tránh trải nghiệm trong đời mình những gì con làm tới người khác.
Con càng để cho một lời dối nhị nguyên ở lại lâu trong quả cầu cái ta, con càng bị dính mắc tình cảm với lời dối đó, thì con sẽ càng tha hóa nhiều năng lượng hơn. Khi năng lượng tích lũy, cường độ của năng lượng được tấm gương vũ trụ phản chiếu lại về con sẽ tiếp tục tăng lên. Đó là tại sao một số người có vẻ rơi vào một vòng ốc xoáy hướng hạ mà họ không sao thoát ra khỏi. Đây không phải là hành động của một Thượng đế giận dữ đang trừng phạt con, mà là kết quả của những định luật cơ học, hoàn toàn phi cá nhân, mà Đấng Sáng tạo đã thiết lập để hướng dẫn cuộc thử nghiệm của con với quyền tự quyết. Các định luật này không được thiết lập để trừng phạt con mà kỳ thực để đảm bảo con không thể tự hủy diệt, hủy diệt những người đồng sáng tạo khác hay toàn bộ vũ trụ. Định luật vận hành rất giản dị. Khi con tha hóa năng lượng, năng lượng được tấm gương vũ trụ gửi trả cho con, và do đó con gặp phải những cảnh ngộ hạn chế tự do cùng sự biểu đạt sáng tạo của con. Con càng tha hóa nhiều năng lượng thì đời con sẽ trở nên nặng nhọc hơn, quyền năng sáng tạo còn sót để có thể tha hóa thêm năng lượng sẽ càng ít hơn. Có thể nói, càng ngày con càng bị đè nặng nhiều hơn bởi các hành động tha hóa năng lượng trong quá khứ, và điều này ngăn cản con gây thêm tổn hại cho người khác lẫn chính mình.
Khi con bước đi trên đường đời, năng lượng con làm tha hóa giống như những hạt cát mà con đổ vào túi quần và ba lô của con. Trong túi con càng nhiều cát thì con sẽ càng khó bước đi. Đây là một cơ chế an toàn vì cuối cùng con có thể tạo ra nhiều năng lượng tha hóa đến độ con không thể nhúc nhích được nữa. Con không thể hủy hoại chính con và những thành phần khác của sự sống được nữa.
Mục đích thật sự của luật nhân quả không nhắm vào cá nhân con, mà hướng tới việc duy trì sự cân bằng của vũ trụ, cân bằng của cõi vật chất. Trạng thái tâm thức nhị nguyên tạo ra hai đối cực. Các đối cực này là sự tha hóa của lực lan ra của Cha và tha hóa lực co lại của Mẹ. Lực lan ra và lực co lại không đối nghịch với nhau theo nghĩa triệt tiêu lẫn nhau. Chúng tạo ra thế thái cực, và khi chúng đến với nhau trong sự hỗ tương cân bằng, chúng sẽ sinh sôi và khuếch trương lẫn nhau, và đây là cách sinh tạo hình tướng. Nhưng khi con rơi xuống tâm thức nhị nguyên, con không thể duy trì sự cân bằng đúng đắn giữa hai lực lan ra và co lại, tức sự cân bằng bắt nguồn từ tâm thức Ki-tô. Con tạo ra một cặp đối cực giả tạo sẽ hủy diệt lẫn nhau, với hậu quả là chúng không thể tạo ra hình tướng lâu dài nào. Chúng chỉ tạo ra những hình tướng hữu diệt sẽ bị phá vỡ bởi lực co lại của Mẹ luôn tìm cách hoàn lại Ánh sáng Mẫu-Vật về trạng thái nền của nó. Khi con hành động từ tâm thức nhị nguyên, mọi việc con làm, mọi hành vi con phát khởi sẽ bị vũ trụ chống lại dưới dạng một phản ứng ngược chiều với sức mạnh tương ứng. Điều này đã được các nhà khoa học của con chứng minh, và từ nhiều thế kỷ người ta đã biết đến luật tác dụng và phản tác dụng (law of action and reaction). Rất ít người đã áp dụng luật này trong hoàn cảnh cá nhân của mình. Rất ít người hiểu rằng nếu mình mất cân bằng bao nhiêu thì lực đối nghịch tìm cách phục hồi sự cân bằng sẽ mãnh liệt bấy nhiêu. Để có thể làm bất cứ gì trong trạng thái tâm thức này, con phải liên tục khắc phục sự chống đối đến từ vũ trụ. Để có thể duy trì một tạo vật mất cân bằng, con phải không ngừng đẩy thêm hành động mất cân bằng của mình. Điều không thể tránh là con biến đời mình thành một cuộc vật lộn liên tục, và đối với nhiều người, nó dẫn đến một vòng xoáy hướng hạ mà họ không thể chặn đứng.
Thật vô cùng đáng tiếc con người chưa hiểu ra nguyên lý đơn giản này vốn đã được các nhà khoa học biết đến từ hàng thế kỷ. Bất cứ ai chịu nhìn đằng sau hình dáng bên ngoài và tự hỏi tại sao một số sự kiện hình như cứ trở lại với mình hoài, có thể quan sát thấy điều này. Như câu nói dân gian vẫn bảo: “Cái gì đi ra sẽ quay trở về.” Nếu con người hiểu được nguyên lý cân bằng này thì họ đã có thể có được một tầm nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống trong thế gian. Điều này đã có thể giúp họ thoát khỏi chiếc đèn kéo quân cứ kéo họ quay mãi từ đối cực này sang đối cực kia, nhưng vẫn bị giam chặt trong trò chơi điên khùng của tâm thức nhị nguyên.
Nguyên tắc cơ bản đằng sau luật tác dụng và phản tác dụng là Thượng đế đã thiết kế vũ trụ vật chất như một cõi cho phép người đồng-sáng tạo có thể đi ngược lại các quy luật của ngài. Để ngăn cản một người đồng-sáng tạo hủy diệt toàn bộ vũ trụ hay nô lệ hóa mọi người đồng-sáng tạo khác, Thượng đế đã tạo ra quy luật rằng vũ trụ vật chất phải duy trì một trạng thái cân bằng nào đó. Hệ quả thực tiễn là bất cứ khi nào một người đồng-sáng tạo phát khởi một hành động mất cân bằng, thì chính vũ trụ, Ánh sáng Mẫu-Vật, sẽ tự động phát khởi một phản ứng ngược lại, như một lực đối trọng lại hành động mất hài hòa đã làm xáo trộn thế quân bình của vũ trụ.
9.5. Khát khao lớn nhất của con người
Nguyên lý đơn giản này mang nhiều hệ quả sâu xa, và thày sẽ tiết lộ một số hệ quả này trong cãc chương tới. Ngay bây giờ, thày sẽ chỉ ra một trong những hệ quả quan trọng nhất. Âm mưu chủ yếu của kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài là đặt con vào một thế kẹt lưỡng nan tâm linh. Câu chuyện về Vườn Eden biểu tượng cho những gì đã xảy ra cho mỗi dòng sống bước xuống tâm thức nhị nguyên. Tình huống khi Adam và Eva nhận ra là họ đang trần truồng tượng trưng cho sự kiện họ đã có một giây phút sự thật, họ nhận ra là họ đã đánh mất liên lạc với Hiện diện TA LÀ của họ. Khi cái Ta Biết có được giây phút sự thật này, con cảm thấy cô đơn, con cảm thấy mất mát, con cảm thấy không trọn vẹn.
Mong muốn sâu thẳm nhất trong tâm thức con là lấy lại sự trọn vẹn của mình. Cách duy nhất – cách duy nhất tuyệt đối – để lấy lại sự trọn vẹn của con là phục hồi cảm nhận kết hợp nội tâm với nguồn cội và Hiện diện TA LÀ của con. Cảm nhận kết hợp nội tâm này chỉ có thể đạt được bằng cách đi vào bên trong, và thật vậy đó là điều Giê-su đã nói qua câu Nước Trời ở bên trong con (Luke 17:21).
Để giữ con trong một thế kẹt lưỡng nan, kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài phải ngăn chặn con đi vào bên trong và tái lập cảm nhận hợp nhất nội tâm với Thượng đế. Chúng phải giữ cái Ta Biết trong tâm trạng tự đồng hóa với một khía cạnh nào đó của tâm thức nhị nguyên. Làm thế nào chúng làm được? Bằng cách dùng đặc điểm nằm ngay trung tâm tâm thức phản Ki-tô, tức là bản chất nhị nguyên của nó, là xu hướng cố hữu tạo ra hai cực đoan đối nghịch, và cả hai đều tách biệt khỏi thực tại Một, không chia cách, của Thượng đế. Ông hoàng của thế gian đã tạo ra một con đường giả – con đường có vẻ đúng đối với người phàm nhưng cuối cùng là con đường của sự chết – và con đường này có hai đối cực.
Sâu thẳm trong tim con, con có cái biết là con không trọn vẹn, và con mong mỏi lấy lại sự trọn vẹn của mình. Vấn đề mà ông hoàng của thế gian phải đối mặt là con không bao giờ có thể hoàn toàn đánh mất niềm khao khát trọn vẹn, khao khát cái gì nhiều hơn những gì thế giới vật chất có thể cống hiến. Ông hoàng của thế gian đã cố đối phó với vấn đề này bằng cách dựng lên vô số chuyện trong thế giới khiến con bị phân tâm xao lãng. Kế này có thể thành công trong một thời gian, nghĩa là nhiều người đã quá mải mê thu thập của cải và đeo đuổi thú vui của thế gian đến nỗi, trong một thời gian, họ quên bẵng mất nhu cầu trở nên trọn vẹn – hay họ đã cố lấp đầy nhu cầu này bằng cách chạy theo đồ vật, thú vui hoặc trải nghiệm của thế gian. Rồi đến một điểm, dòng sống không thể tiếp tục làm ngơ niềm khao khát sự trọn vẹn được nữa. Sẽ đến một điểm ông hoàng của thế gian và kẻ thù bên trong, cái ta hữu diệt, không thể tiếp tục ngăn cản cái Ta Biết nghĩ rằng cuộc sống phải có gì nhiều hơn những thứ mà thế gian cống hiến. Phải có một sự trọn vẹn sâu xa hơn những gì có thể mua được qua Ma-môn.
Khi cái Ta Biết đạt tới điểm này, các thế lực của thế gian không còn ngăn con suy ngẫm về chủ đề Thượng đế được nữa. Nhiều dòng sống làm ngơ chủ đề Thượng đế hay phủ nhận là Thượng đế có thật, nhưng không một dòng sống nào có thể làm vậy mãi mãi. Sẽ đến một điểm con ngộ ra là niềm khao khát nội tâm thực sự của con là niềm khao khát sự trọn vẹn. Để có thể trọn vẹn, con phải giải quyết mối quan hệ của con với Thượng đế. Ở điểm này, ông hoàng của thế gian sẽ cố đánh bẫy con trong một trong hai cực đoan của con đường giả.
9.6. Ảo tưởng chạy trốn và ảo tưởng chạy về Thượng đế
Một cực đoan là cố gắng khiến con chạy trốn khỏi Thượng đế. Một ví dụ là có triết lý bảo rằng con không thể nào đến gần Thượng đế vì con là một con người quá thấp kém. Hay ông hoàng của thế gian sẽ cố khiến con tin vào một trong những hình ảnh giả của y về Thượng đế, chẳng hạn hình ảnh một sinh thể giận dữ trên trời đang theo dõi mọi cử động của con và muốn trừng phạt con mỗi lần con lầm lỗi. Mục đích là để khiến con cảm thấy là con thật sự không muốn trở về hợp nhất với Thượng đế. Hay các thế lực thế gian sẽ cố khiến con tin rằng mỗi vấn đề con phải đối mặt đều là lỗi của Thượng đế vì ngài đã tạo ra con, đã cho con quyền tự quyết và đã làm bao nhiêu chuyện bất công khác khiến con bị kẹt cứng trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Cực đoan này tượng trưng cho xu hướng chạy trốn khỏi vị Thượng đế bên ngoài. Hiển nhiên, chừng nào con còn chạy trốn khỏi vị Thượng đế bên ngoài thì rất ít hy vọng con có thể tái lập sự hồn nhiên của mình, cảm nhận hợp nhất nội tâm của mình, với vị Thượng đế bên trong.
Thày chắc chắn là nếu con đang đọc khóa học này, con không bị kẹt trong cực đoan này. Con đang bước chân một cách ý thức trên đường tu tâm linh, và do đó con đang cố tình đến gần Thượng đế hơn. Thày mô tả cực đoan này vì thày chắc chắn con sẽ dễ dàng nhìn thấu các lời dối khiến cho người đời mắc kẹt vào cực đoan chạy trốn khỏi vị Thượng đế bên ngoài. Bằng cách nhìn thấu như vậy, thày hy vọng con sẽ dễ dàng hơn nhìn thấu các lời dối được sử dụng để đánh bẫy con người vào cực đoan ngược lại.
Nhiều người tâm linh và mộ đạo có thể khó lòng chấp nhận những gì thày sắp sửa nói với con. Thày phải nói cho con sự thật rằng cực đoan ngược lại, do ông hoàng của thế gian mưu tính, là một hình thức tôn giáo khiến con chạy về phía Thượng đế bên ngoài. Đây là bất kỳ hình thức tôn giáo nào củng cố hình ảnh của một Thượng đế bên ngoài. Thật không quan trọng tôn giáo đó mô tả Thượng đế bên ngoài thế nào, cho dù là một Thượng đế nóng giận trừng phạt hay một Thượng đế nhân từ. Yếu tố quyết định là liệu Thượng đế có được mô tả như một sinh thể bên ngoài hay không, một sinh thể nằm ở ngoài con, bị chia cắt khỏi bởi một hàng rào, là hàng rào của các lầm lạc của con trong quá khứ, các tội lỗi của con.
Nhiều tôn giáo trên hành tinh này rơi vào loại này. Hầu hết các tôn giáo ở khởi thủy đều bắt đầu như một tôn giáo chân chính, và con có thể nhìn thấy mô hình này rất rõ trong đạo Cơ đốc. Giê-su là một vị thày tâm linh đích thực, do Thượng đế gửi xuống để giúp con người tái khám phá sự thật đã bị đánh mất rằng Nước Trời ở trong họ và chìa khóa của cứu rỗi là tái lập lại cảm nhận hợp nhất nội tâm với Thượng đế bên trong. Với thời gian, lời dạy nội tâm chân truyền của Giê-su đã bị bẻ quẹo để biến thành các giáo điều vỏ ngoài mô tả Thượng đế như một sinh thể xa xôi trên trời. Một số giáo hội Cơ đốc bảo là ngài sẽ trừng phạt tội lỗi của con nhưng con có thể mua con đường giải thoát khỏi tình trạng rắc rối này bằng cách tuân thủ một số quy luật và tin vào một số tín điều nhất định. Một số giáo hội Cơ đốc khác bảo là con không thể, bằng sức riêng của mình, tái lập một mối quan hệ đúng đắn với Thượng đế, mà con chỉ có thể làm vậy xuyên qua một cái gì bên ngoài con, cụ thể là “Giê-su” mà họ mô tả là một vị cứu tinh bên ngoài, bởi vì Giê-su là đứa con độc nhất của Thượng đế còn con thì là một kẻ tội nhân phàm tục.
Nhiều giáo hội Cơ đốc củng cố hình ảnh một Thượng đế ở ngoài, và họ bảo chìa khóa của cứu rỗi là con phải chạy về phía vị Thượng đế bên ngoài này, đồng thời chạy trốn khỏi đối nghịch của Thượng đế bên ngoài là ác quỷ. Thật chẳng quan trọng gì con chạy trốn hay chạy về một Thượng đế bên ngoài, bởi vì trong cả hai trường hợp, con đang chạy trốn khỏi vị Thượng đế bên trong là chìa khóa duy nhất dẫn đến cứu rỗi.
Nhiều tín đồ Cơ đốc ngồi trong nhà thờ mỗi chủ nhật và cảm thấy mình là những người duy nhất sẽ được cứu rỗi. Thày hoàn toàn không đang nói vậy một cách chế giễu hay xúc phạm. Thày biết rõ nhiều tín đồ Cơ đốc rất chân thành và có trái tim trong sáng, họ đang siêng năng theo đuổi con đường mà các giáo hội chính thống đã vạch ra cho họ. Họ thực sự có ý định tốt nhất, thế nhưng nỗ lực của họ không thể nào đem lại kết quả mong muốn. Điều mà nhiều người trong số họ đang làm là đeo đuổi một cuộc tìm cầu vô vọng. Họ đang chạy theo một mục tiêu sẽ mãi mãi vượt tầm tay họ.
Có lẽ con đã thấy hình vẽ con lừa kéo xe, và từ trên xe có cây gậy dài, và ở đầu gậy thì có sợi dây treo một củ cà-rốt. Củ cà-rốt lủng lẳng trước mũi con lừa, con lừa cứ chạy vể phía cà-rốt, nghĩ rằng chỉ trong chốc lát nó sẽ chụp lấy củ cà-rốt ăn ngấu nghiến. Khi làm vậy thì lừa cứ kéo xe về phía trước. Nhiều người mộ đạo trên hành tinh này – không chỉ người Cơ đốc nhưng chắc chắn trong số đó có nhiều người Cơ đốc – cũng giống như con lừa kia không ngừng chạy về phía cà-rốt mà không bao giờ tới được. Họ chạy theo lời hứa hẹn mà tôn giáo họ đưa ra nhưng họ không bao giờ đạt được sự sống dồi dào. Lý do là vì họ đã chấp nhận một hình ảnh giả trá, một hình ảnh nhị nguyên, một tượng khắc về Thượng đế, về những gì họ cần làm để giành được cứu rỗi. Họ nghĩ họ đang chạy về hướng cứu rỗi, nhưng cái họ chạy về là thần tượng của Thượng đế bên ngoài. Chừng nào họ còn chạy về thần tượng đó thì họ còn chạy trốn khỏi Thượng đế bên trong. Khi làm vậy thì họ kéo chiếc xe đi, và ông hoàng của thế gian và cái ta hữu diệt của họ cứ ung dung ngồi trên xe tận hưởng cuộc hành trình. Chúng biết rõ là chừng nào con người còn tiếp tục chạy về phía củ cà-rốt của Thượng đế bên ngoài, chúng sẽ an toàn ngồi trên ghế lái, là vị trí chúng có toàn quyền kiểm soát con người.
9.7. Bỏ hẳn cuộc tìm cầu Thượng đế bên ngoài
Thày biết đây có thể là một sự thật sẽ làm chấn động nhiều người sùng đạo chân thành. Họ đã bỏ ra hàng chục năm trời, có lẽ cả kiếp sống, để đeo đuổi con đường mà một số tôn giáo chính thống vạch ra trước mặt họ. Nếu con đã từng là một người sùng đạo chân thành thì nỗ lực của con không hoàn toàn uổng phí. Bất cứ gì con đã làm với trái tim trong trắng sẽ đều đáng kể, nhưng thày phải nói với con là sẽ không đủ để đưa con đến mục đích của cứu rỗi đích thực. Con cần phải thay đổi hướng đi. Con cần phải ngừng chạy theo củ cà-rốt của Thượng đế bên ngoài. Con cần phải đập bể con bê vàng, kéo nó xuống khỏi bệ cao và nhận ra sự thật tuyệt đối khi Giê-su nói là Nước Trời ở trong con. Chỉ khi nào con đập tan thần tượng của một Thượng đế bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm Thượng đế bên trong thì con mới có thể thừa kế vương quốc của Cha con, thừa kế sự sống dồi dào là gia sản chính đáng của con – nhưng con sẽ không bao giờ đạt được chừng nào con còn chạy theo Thượng đế bên ngoài.
Con yêu dấu, thày đang rất thẳng thắn và nghiêm nghị vì thày biết qua kinh nghiệm là có hàng bao triệu người trên hành tinh này sẽ không chịu lắng nghe sự thật đó. Lý do là vì họ còn quá gắn bó với những lời dối nhị nguyên mà họ đã thu nhận, những lời dối nhị nguyên được chủ xướng bởi cái ta hữu diệt của họ và ông hoàng của thế gian. Đây là những lời dối hứa hẹn sự cứu rỗi tự động cho mọi người khi họ đi theo các quy luật và giáo điều vỏ ngoài một cách máy móc.
Thày cần phải rất thẳng thẳn để cố đâm thủng sự chống cự mà con có thể có đối với sự thật này. Thày không bảo là các nỗ lực đã qua của con để đi theo tôn giáo của mình là hoàn toàn uổng phí. Nếu con đã từng là một tín đồ sùng đạo của bất kỳ tôn giáo nào và nếu con đã cố gắng hết sức để theo tôn giáo đó, thì con đã làm được gì đó để đưa mình gần hơn với sự sống dồi dào. Điều này đặc biệt đúng nếu những gì con đã làm được thực hiện trong tình thương yêu, trong trái tim trong trắng không gợn một động cơ nào khác. Những gì con đã làm trong quá khứ không hề lãng phí, nhưng để gặt hái thành quả nỗ lực của mình, con sẽ cần phải đứng thẳng hàng lại với sự thật thày đang đem lại cho con. Con sẽ cần phải thay đổi trọng tâm của mình, thay đổi cách con tiếp cận tôn giáo hầu con có thể đón nhận cách tiếp cận mà Giê-su đã đến để trao cho loài người, tức là cách tiếp cận nội tâm.
Nếu con chịu làm vậy, con có thể nhanh chóng sử dụng nhiều sáng ngộ mà con đã thu thập trong đời sống tôn giáo và chỉ cần xoay tâm thức lên một chút để đứng thẳng hàng lại với thực tại của con đường nội tâm dẫn đến Thượng đế. Con không cần đi lại từ đầu, con không cần vứt bỏ tất cả mọi niềm tin tôn giáo của mình. Con chỉ cần xoay đủ chiếc kim của tâm thức để điều chỉnh các tin tưởng của mình cho thẳng hàng lại với sự thật Ki-tô. Điều này có thể đòi hỏi con có một nỗ lực rất quyết tâm nhằm phơi bày tính không thực của phàn Ki-tô, phơi bày các tin tưởng nhị nguyên đã len lỏi vào hầu hết mọi tôn giáo trên hành tinh này. Rất có thể con đã bị thấm nhuần các tin tưởng này từ thuở thơ ấu, và có thể con đã được quả quyết là các tin tưởng nhị nguyên này là sự thật tuyệt đối không thể nào sai sót. Nếu con đã chấp nhận lời quyết đoán này, có thể con đã xây dựng một cảm giác an toàn giả tạo khiến con tin rằng chỉ cần đi theo các tín điều vỏ ngoài đó thì chắc chắn con sẽ được cứu rỗi.
Hàng triệu người đã cho phép mình bị ru ngủ trong cảm giác an toàn giả tạo này, nghĩ rằng sự cứu rỗi của mình đã được đảm bảo. Theo cách nói hiện đại, họ nghĩ là họ đã “bỏ túi” ăn chắc rồi. Tiếc thay không phải như vậy, và thày có thể nói với con là nhiều dòng sống đã bị thất vọng não nề khi họ rời bỏ cơ thể vật lý để đi về nơi dành cho họ giữa hai kiếp sống. Nhiều dòng sống là tín đồ triệt để của một tôn giáo chính thống suốt nhiều tiền kiếp, đã quá thất vọng đến độ họ giận cả Thượng đế. Nhiều người thời nay mang thái độ tiêu cực đối với tôn giáo chính thống, hay đối với một tôn giáo nào đó, có thái độ này chính là vì trong một tiền kiếp họ đã chăm chỉ tuân theo một tôn giáo đặc thù. Sau kiếp sống đó, họ hiểu ra là họ đã đi theo một lời hứa hão, họ đã chạy theo củ cà-rốt mà không bao giờ có hy vọng bắt được. Thật không may, những người này đã đơn giản nhảy sang đối cực ngược lại mà ông hoàng của thế gian đã bày sẵn. Họ cần vươn lên cao hơn cả hai cách tiếp cận nhị nguyên đối với tôn giáo để mà với lấy Thượng đế bên trong.
9.8. Chữa lành quan hệ với Thượng đế
Hầu hết mọi người trên hành tinh này đều có một nỗi giận, hay một cảm nhận bất công sâu xa đối với Thượng đế, và nếu con là người quan tâm đến việc biểu hiện sự sống dồi dào, con cần phơi bày và giải quyết những cảm xúc đó. Con yêu dấu, thày có thể thông cảm nếu con phần nào giận dữ vì mình đã bị nói dối về cứu rỗi, nhưng nếu con chìm đắm trong lòng tức giận, con sẽ chỉ nhảy sang cực đoan ngược lại là chạy trốn khỏi Thượng đế bên ngoài. Cách duy nhất để khắc phục cả hai cực đoan nhị nguyên là nghe theo lời dặn của Giê-su và tha thứ cho mọi người về mọi chuyện (Matthew 6:14, 18:21). Việc bám giữ một mối hận, bám giữ một nỗi giận hay một niềm đau, sẽ chỉ giữ con kẹt lại trong tâm thức nhị nguyên. Bí quyết cho tự do tâm linh là sự tha thứ toàn diện, trọn vẹn và tuyệt đối cho Thượng đế, cho tất cả mọi người, cho mọi tổ chức con người va cho bản thân mình. Nếu con muốn biểu hiện sự sống dồi dào, con cần tha thứ tất cả những ai đã từng làm hại con. Con cần tha thứ Thượng đế về bất kỳ hình ảnh giả trá nào của ngài đã có thể được áp đặt lên con. Thậm chí con cần tha thứ cả ông hoàng của thế gian đã gian dối, đánh lừa và khuynh loát. Con cần tha thứ cái ta hữu diệt của con, và con cần tha thứ chính con, cái Ta Biết, đã chấp nhận những lời dối nhị nguyên trong quá khứ.
Thượng đế không hề mong muốn thấy con bị kẹt mãi trong một trạng thái tâm thức thấp. Mong muốn duy nhất của ngài là thấy con giải thoát khỏi mọi bất toàn hầu con có thể lấy lại bản sắc tâm linh thực của con và bắt đầu xây dựng trên nền tảng này, trở nên nhiều hơn những gì Thượng đế đã từng hình dung cho con. Con không cần được Thượng đế tha thứ về bất kỳ lầm lỗi nào con đã phạm phải. Thày biết đây lại là thêm một câu nói sẽ khó lòng được chấp nhận bởi nhiều người mộ đạo. Sự thật là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, và do đó ngài không hề giận con khi con dùng quyền này để đi ngược lại các quy luật của ngài. Tại sao Thượng đế lại giận khi ngài đã tạo ra một quy luật bảo rằng con sẽ gặt những gì con gieo? Ngài không muốn thấy con bị giam mãi trong một trạng thái hối hận hay xấu hổ, hay cảm thấy mình là người có tội. Ngài chỉ muốn con ra khỏi nhà tù của cái ta hữu diệt và trở về nhà là vương quốc của ngài để con có thể nhận được sự sống dồi dào mà ngài rất hoan hỉ trao cho con.
Sự thật về các lỗi lầm quá khứ của con – mà quá nhiều tín đồ Cơ đốc gọi là tội lỗi – là con không cần Thượng đế tha thứ. Ngài chỉ muốn con tự do, nhưng để tự do, con phài làm hai chuyện như thày vừa giải thích:
- Con phải hoàn toàn từ bỏ lời dối nhị nguyên đã khiến con phạm lỗi.
- Con phải hoàn nguyên tất cả năng lượng mà con đã làm tha hóa qua tin tưởng nhị nguyên của mình, hầu con có thể phục hồi cân bằng của vũ trụ.
Khi con đã làm vậy thì đối với Thượng đế, con hoàn toàn giải thoát khỏi lỗi lầm quá khứ. Ngài sẽ không còn nhớ tội lỗi của con nữa (Hebrews 8:12). Vấn đề là trước khi con có thể cảm thấy mình hoàn toàn giải thoát khỏi lỗi lầm, con phải tha thứ chính con – chính con phải không nhớ tội lỗi của mình nữa. Con phải tha thứ tất cả những ai khác cũng đã bị kẹt giống như con trong cùng khía cạnh này của trạng thái tâm thức nhị nguyên.
Sự tha thứ mà con cần để thoát khỏi lỗi lầm đã qua không phài là sự tha thứ từ Thượng đế, mà từ con. Và để thật sự tha thứ chính mình, con phải tha thứ mọi người khác. Như Giê-su nói: “Con hãy làm cho người khác như con muốn họ làm cho con.”
9.9. Chữa lành quan hệ với chính mình
Con yêu dấu, Giê-su đã và đang là một vị thày tâm linh rất thâm sâu và đầy khả năng. Thày biết rõ rất nhiều lời dạy của thày sẽ bị bẻ cong cho nên thày đã bỏ vào nhiều lời dạy thâm sâu nhất của thày một thông điệp ẩn giấu. Thông điệp này không thể được hiểu bởi những ai bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên, và vì những người như thế không hiểu được thông điệp ẩn, họ không thể tha hóa nó. Nếu con lấy câu nói: “Con hãy làm cho người khác như con muốn họ làm cho con,” thông điệp ẩn có thể được tìm thấy bằng cách hỏi điều đó sẽ làm gì cho con. Ý nghĩa ẩn giấu là những gì con làm cho người khác thì con đã làm cho con rồi. Nếu con giận ai đó, đó là vì con đã chấp nhận một số tin tưởng nhị nguyên về tức giận. Bằng cách đem các tin tưởng này vào bình chứa cái ta, con đã cho phép tinh thần tức giận, tâm thức tức giận, đi vào bản thể con. Điều này có nghĩa là sự tức giận đã ở trong con, và nó nhuộm màu cách con nhìn mọi chuyện, kể cả chính con. Nếu một người giận một người khác, thì người đó – trong tiềm thức – đã giận chính mình và giận Thượng đế.
Nhiều người không nhận diện ra điều này. Họ có thể biết là họ có xu hướng giận người khác, nhưng họ không liên kết được là nỗi giận người khác khởi lên từ nỗi giận chính mình. Nếu con gặp khó khăn tha thứ người khác, điều này cho thấy con chưa tha thứ chính con. Con không thể giải thoát khỏi lỗi lầm quá khứ cho đến khi con tha thứ chính mình về các lỗi lầm này. Nếu con khó lòng tha thứ người khác, con cần soi gương. Con cần tìm cái xà trong mắt con và nhận ra là con có vấn đề với sự không tha thứ, vì con đang cho phép một số tin tưởng nhị nguyên về sự tha thứ tồn tại trong tâm thức con. Đây có thể là tin tưởng rằng nếu có ai làm hại con thì người đó xứng đáng bị trừng phạt. Con sẽ không tha thứ họ cho tới khi con cảm thấy họ đã bị trừng phạt đích đáng. Nhưng quyết định trừng phạt không thuộc về con, vì Thượng đế chẳng nói hay sao: “Sự báo thù thuộc về ta, ta sẽ đền đáp” (Romans 12:19). Ý nghĩa nội tâm là Thượng đế đã tạo ra một định luật khách quan sẽ gửi trả mọi năng lượng tha hóa về người đã gửi nó ra. Tấm gương vũ trụ sẽ tự động “trừng phạt” bất cứ ai làm hành động bất toàn. Quyết định trừng phạt người khác không thuộc về con, việc trừng phạt người khác không can dự gì đến con. Thay vào đó, con hãy quan tâm đến việc tự giải thoát mình khỏi tình huống bất toàn, và con chỉ có thể làm vậy bằng cách tha thứ người khác và tha thứ cho mình.
Tha thứ là thực sự giải thoát mình khỏi một tình huống bất toàn trong quá khứ, giải thoát mình khỏi dính mắc tình cảm với tình huống đó cũng như với những người đã can dự vào tình huống. Nếu có ai đó làm hại con, liệu có hợp lý lắm không nếu con muốn tiếp tục dính mắc tình càm với họ, và như vậy con cho họ quyền lực trên con? Hiển nhiên là không hợp lý chút nào, và cách duy nhất để con cắt đứt dây nhợ tình cảm là tha thứ họ hoàn toàn về những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Nếu con đã lầm lỗi trong quá khứ, liệu có hợp lý lắm không nếu con cứ muốn duy trì dính mắc tình cảm với những tình huống đó? Tất nhiên là không hợp lý chút nào, nhưng cách duy nhất con có thể giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc với quá khứ là, đầu tiên hết, tha thứ hoàn toàn cho việc mình đã phạm lỗi. Tha thứ là bí quyết của tự do – tự do nhận lấy sự sống dồi dào mà Thượng đế cứ chực cho con bất cứ lúc nào. Con chỉ cần nhận sự sống dồi dào, nhưng để có thể sẵn lòng nhận nó, con phải tha thứ chính mình về những lỗi lầm đã khiến con khước từ sự sống dồi dào trong quá khứ để bước vào vòng xoáy hướng hạ càng ngày càng kéo con xa khỏi sự sống dồi dào, giam con chặt hơn vào tâm thức nhị nguyên.
Thế kẹt lưỡng nan này có thể giữ con trong vòng xoáy hướng hạ một thời gian vô định – hoặc con ở lại với một cực đoan nhị nguyên, hoặc con nhảy từ cực đoan này sang cực đoan kia. Chìa khóa để thoát khỏi tai họa chạy trốn vị Thượng đế bên trong là con phải tái lượng định mối quan hệ của con với Thượng đế. Các nhà tâm lý học hiện đại đã đưa ra nhiều lý thuyết về tâm lý con người và cách nó hoạt động. Tiếc thay, hầu hết các thuyết chính mạch này không bao gồm khía cạnh tâm linh của bản thể con, cho nên không thể cho con một cái hiểu trọn vẹn về chính con. Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần ngoài mạch hay sức khỏe toàn diện đã đưa ra một số lý thuyết xét đến khía cạnh tâm linh trong bản chất con người. Vấn đề trung tâm trong tâm lý con người là mọi việc trong đời con, mọi điều trong tâm lý con, đều xoay quanh một chuyện và chỉ một chuyện thôi, đó là mối quan hệ của con với Thượng đế. Tất cả mọi thứ xảy ra trong đời con là kết quả của một nguyên nhân sâu xa hơn, và nguyên nhân này là mối quan hệ của con với Thượng đế.
Nếu con lấy bất kỳ vấn đề nào trong tâm lý của con và truy tìm nguồn gốc tận cùng của nó, nguyên nhân tối hậu của nó, nó sẽ đi trở ngược về quyết định đã khiến con quay lưng lại vị thày của con, quay lưng lại Thượng đế. Quyết định này là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề của con.
Có thể là có nhiều lớp vấn đề, vì quyết định nguyên thủy của con đã phân nhánh thành nhiều quyết định nhị nguyên. Khi con nhìn bề mặt của tâm lý mình, con có thể thấy nhiều vấn đề riêng rẽ dường như không liên quan gì với nhau. Nhưng nếu con đi xuống các tầng càng ngày càng sâu của tâm lý – và thày có thể cam đoan với con là thày đã đi xuống đáy tận cùng của tâm lý – con sẽ thấy là tất cả các vấn đề khác biệt đều được nuôi dưỡng bởi cùng một cái rễ. Rễ này là quan hệ của con với Thượng đế, cách con nhìn ngài và cách con tương tác với ngài. Cụ thể, tất cả đều quay trở về quyết định đã khiến con quay lưng lại Thượng đế và do đó khước từ món quà miễn phí của ngài là sự sống dồi dào. Hiển nhiên, quyết định đó cũng ngăn con trở về hợp nhất với Thượng đế. Chìa khóa chủ yếu của sự sống dồi dào là phát hiện quyết định đó, quyết định đang ngăn con trở về hợp nhất với ngài, quyết định khiến con có vẻ như không thể hay không muốn tái lập sự hồn nhiên của mình, tái lập cảm nhận kết hợp nội tâm của mình với Thượng đế.
Con yêu dấu, thày đoán là những gì thày vừa nói với con trong chìa khóa này sẽ cần một thời gian để hoàn toàn thấm vào tâm thức của con. Thày không chờ đợi hầu hết mọi người có thể chấp nhận hay thể nhập ngay lập tức những gì thày vừa nói. Thày không chờ đợi hầu hết mọi người có thể phát hiện ngay lập tức quyết định nguyên thủy đã khiến họ quay lưng lại Thượng đế và nhờ vậy giải thoát lập tức khỏi quyết định đó. Nhưng thày chờ đợi là nếu con đã theo học khóa này cho tới điểm này, con sẽ sẵn lòng suy ngẫm những gì thày nói. Con sẽ sẵn lòng đi vào bên trong và tìm câu trả lời từ bên trong chính mình. Nếu con đặt câu hỏi với tâm và tim cởi mở về tính xác thực của những gì thày vừa nói, con sẽ nhận được trả lời. Trả lời này sẽ đến từ một nguồn bên trong con và nó sẽ vượt khỏi mọi nghi ngờ. Nếu con đặt câu hỏi với tâm và tim cởi mở, con sẽ nhận được trả lời từ bên trong, một trả lời mà tâm vỏ ngoài của con không thể nghi ngờ. Trả lời này sẽ đến từ một nguồn là vị cứu tinh đích thực cúa mỗi người trên trái đất. Trong chương sắp tới, thày sẽ giài thích cho con vị cứu tinh nội tâm này là gì và làm thế nào con có thể học cách tận dụng cái mà Giê-su gọi là “đấng an ủi” và “chìa khóa của hiểu biết.” Con hãy vào với thày để thày tiết lộ cho con vị thày nội tâm này có khả năng thực sự giúp con vạch trần tất cả mọi lời dối của các thày giả phản Ki-tô.