Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Ý định cao hơn có nghĩa là gì? Ý định là gì? Thông thường người ta nói: “Tôi có một ý định dựa trên mong muốn có một vật gì, trải nghiệm một điều gì, hoàn thành một điều gì.” Ý định hàm ý quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó hàm ý là trong quá khứ con đã hình thành một số mong muốn nào đó, một viễn quan nào đó. Ngay bây giờ, con có ý định là viễn quan này trở thành hiện thực, nhưng con nghĩ nó sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng ý định cao nhất là gì? Chẳng có cách nhìn nào khác về ý định hay sao?
Thày đã có nói là con sống trong một thế giới khó khăn. Nhiều người có mong muốn tự bảo vệ khỏi thế giới hỗn loạn này. Họ có ý định được bảo vệ khỏi một phần của sự hỗn loạn để không bị quá tải, nhưng cũng có thể họ mong muốn sở hữu một cái gì, thực hiện một việc gì, trải nghiệm một điều gì trong thế gian này. Một lần nữa, tất nhiên là chuyện này không có gì sai trái. Con là con người mà con là ngay bây giờ, và dựa trên con người con là bây giờ, con nhìn thế giới, con nhìn bản thân, con nhìn cuộc sống theo một cách nào đó. Dựa trên cái đó, con có một số ý định, một số mong muốn mà con muốn thấy sẽ hiện thực, một số thứ mà con muốn có, một số sự việc mà con muốn tránh. Không thể nào khác được.
Khi con cất bước trên con đường Bát chánh đạo, con nhận ra là ý định con có ngay bây giờ không phải là ý định cao nhất có thể. Thật con không cần nhất thiết lên án ý định của con, phán xét nó là sai lầm hay mạnh bạo trấn áp nó, mà con cần nhận ra là cuộc sống trên một hành tinh như địa cầu có hai khía cạnh. Một khía cạnh như thày đã nói, là có một số chuyện con cần làm để sống còn, để giữ cho thân xác vật lý của mình tồn tại. Và khía cạnh kia là con có một mục đích rộng lớn hơn, một mục đích dài hạn hơn, là đạt niết bàn, đạt sự an bình nội tâm, đạt sự giác ngộ, bước chân trên đường tâm linh, nâng cao trình độ nhận biết của mình cho dù con định nghĩa như thế nào.
Con cần bắt đầu suy ngẫm là thực sự con có hai loại ý định khác nhau ở đây. Con có một ý định liên quan đến việc sinh sống trên trái đất, ngụ trong một cơ thể vật lý trên trái đất, và con có một ý định liên quan đến việc vượt xa hơn trái đất, vượt xa hơn cơ thể vật lý. Khi con bắt đầu có sự nhận biết tâm linh, thử thách là làm thế nào quân bình được cả hai. Đây là thử thách muôn đời, là thử thách vượt thời gian mà con người đã đối mặt trong một thời gian rất dài. Làm thế nào con dung hòa được sự kiện con đang ở đây với ý định là mình sẽ không ở đây vĩnh viễn, vô thời hạn? Đây là điểm đòi hỏi con khởi đầu một tiến trình thực sự chất vấn các ý định cùng các mong muốn của mình.
5.1. Sự căng thẳng tinh thần khi định nghĩa thế nào là ý định chân chính
Có nhiều Phật tử đã xem xét khái niệm ý định “chân chính” này [còn được gọi là Chánh tư duy] theo cách nhìn của họ, và một lần nữa họ lại tìm cách quy định một cách thức vỏ ngoài để phân biệt ý định chân chính với ý định bất chính. “Tôi cần tránh, tôi cần ép mình để không có ý định nào sai trái, và thay vào đó tôi sẽ ép mình để có, hay để trau dồi, những ý định chân chính.” Điều này đã khiến cho nhiều, rất nhiều người rơi vào một vòng xoắn ốc phải vận dụng càng ngày càng nhiều áp lực tinh thần để kìm nén các ý định mà họ đã dán nhãn là sai trái, để luôn luôn tỉnh thức, tập trung ý định vào việc chỉ cho phép những ý định được họ dán nhãn là đúng đắn mà thôi. Điều này có thể trở thành một nỗ lực trí năng gay gắt, một sự dồn ép căng thẳng mà con có thể chứng kiến không những nơi các Phật tử mà nơi nhiều người tâm linh hay mộ đạo, thậm chí cả nhiều người đang cố sống theo một loại lý tưởng nào đó.
Đây là lúc chúng ta cần bước lui lại một chút. Chúng ta cần nhìn nhận là đường tu dẫn đến nhận biết cao hơn có nhiều giai đoạn. Có một số giai đoạn và con phải bắt đầu ở một điểm nào đó. Con bắt đầu ở mức con đang đứng khi con tìm thấy giáo lý tâm linh trong kiếp này. Đối với mỗi người thì mức này mỗi khác, tùy theo trình độ phát triển con đã đạt được trong tiền kiếp. Đối với cá nhân con, con đã bước vào kiếp đầu thai này với một mức độ ý định nào đó, một mức độ nhận biết nào đó. Con đạt tới điểm lần đầu tiên con khám phá giáo lý tâm linh, con nhận chân là có một đường tu tâm linh, có một quy trình con có thể đi theo. Vào lúc đó, cách con nhìn sự việc này thể hiện trình độ nhận thức tổng quát của con, và dựa theo đó, con hình thành một số ý định về những gì con muốn gặt hái từ việc bước chân trên đường tâm linh. Một lần nữa, không có gì sai trái ở đây – con đâu làm gì khác được?
Điều con cần nhận ra ở đây là khi con bước chân trên đường tu, khi con nâng cao mức nhận biết, con cần tái xét các ý định đã khiến con đi theo đường tu cùng các ý định của con về cuộc sống trên trái đất. Con không thể chỉ đơn giản lập ra một cách đánh giá trắng-đen nhị nguyên về thế nào là ý định “đúng”, thế nào là ý định “sai”. Con không thể tự ép buộc mình. Hay đúng hơn, con có thể tự ép buộc mình nhưng làm như vậy sẽ không nâng cao nhận biết của con. Nó sẽ giữ con kẹt lại ở mức này nơi con cảm thấy bởi vì con đã tự ép mình để không có ý định sai mà chỉ có ý định đúng, cho nên con đã đạt đến một giai đoạn cao cấp nào đó trên đường tu, và vì thế con tốt thiện hơn những kẻ đã không làm giống con. Như thày đã giảng rất nhiều lần, đây không phải là tiến bộ thực.
5.2. Một lượng định cao hơn về ý định
Có một giải pháp khác là con không đánh giá các ý định của con dựa trên đúng hay sai. Thày đã giảng về sự tách biệt, về ảo tưởng tách biệt và tâm thức nhị nguyên. Chuyện gì thực sự xảy ra khi con quy định có hai đối cực nhị nguyên là đúng và sai? Con tự đặt mình vào một tâm thái sẵn lòng sử dụng vũ lực. Như thày đã trình bày, hậu quả cùng cực là con sẵn lòng tiêu diệt một nhóm người khác với nhóm của con theo cách con định nghĩa. Là một người tâm linh, con đã vươn lên một mức cao hơn nơi con không còn quá chú tâm vào việc ép buộc người khác nữa. Thật ra hầu hết những người tâm linh đều không sẵn lòng dùng sức mạnh trên người khác, nhưng thường khi con lại sẵn lòng dùng sức mạnh trên chính con. Con có thể rất dễ bước vào tâm thái cảm thấy mình phải vận dụng ý chí, vận dụng chú ý và tập trung của mình để cưỡng ép mình, cưỡng ép tâm mình.
Nhiều người tâm linh cho rằng họ có thể tiến bộ qua việc thiền quán, nhưng thiền quán thường bị xáo trộn bởi cái mà một số Phật tử gọi là tâm khỉ, qua đó ý tưởng cứ chạy tứ tung. Họ đã tạo dựng quan điểm cho rằng họ có thể cưỡng ép tâm họ để nó không suy nghĩ, cưỡng ép tâm để nó không có ý tưởng, và điều này có thể trở thành một nỗi căng thẳng to lớn cho những ai đã tập theo như vậy trong một thời gian dài. Có thể họ nghĩ là họ đã đạt được ít nhiều kết quả, nhưng tất cả đều dựa trên sức mạnh. Giải pháp khác hơn là con tra vấn cách tiếp cận dựa trên sức mạnh này và nhận ra là con không cần dùng đến sức mạnh.
Điều có thể giúp con trong việc này là con hiểu rằng trước khi con đầu thai trong kiếp này, con đã lập ra một Kế hoạch Trọn đời. Con đã lập ra như vậy cùng với các vị cố vấn tâm linh của con, dù những vị này là ai tùy theo quá trình cùng mức phát triển cá nhân của con. Con đã nhận được lời khuyên từ những vị thày già dặn hơn, giàu kinh nghiệm hơn, và dựa theo đó con đã lập ra một Kế hoạch Trọn đời. Đa số con người trên trái đất hoặc không có Kế hoạch Trọn đời, hoặc có một Kế hoạch Trọn đời rất đơn giản, nhưng con là một người tâm linh cởi mở với giáo lý tâm linh thì con có một Kế hoạch Trọn đời tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn. Kế hoạch này nhằm mục đích chủ chốt là tăng triển trình độ tâm thức, nâng cao mức nhận biết ngày càng cao hơn. Con đã ngồi xuống với các vị thày tâm linh của con và lượng định: “Con đang ở mức tâm thức nào, đâu là những khuôn nếp, những ảo tưởng mà con có trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc mà con cần khắc phục để có thể tinh tiến, và làm thế nào con có thể tạo thuận lợi nhất cho công việc này trong kiếp đầu thai tới của con?”
Và đó là cái khung tổng quát để con chọn lựa mình sẽ hiện thân lúc nào, ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Hầu hết những người tâm linh đều chọn cha mẹ và gia đình của mình, họ chọn nền văn hóa và quốc gia, vì trong môi trường đó có một điều gì có thể giúp họ khắc phục các ảo tưởng, các dính mắc, các khuôn nếp, các khuôn nếp phản ứng mà họ muốn vượt qua trong kiếp đầu thai này.
Đây là điểm mà con có thể nói là có một yếu tố vũ lực nào đó, vì khi con lập ra Kế hoạch Trọn đời thì con có một tầm nhìn rõ ràng hơn về những gì con cần khắc phục. Tất nhiên, con biết là một khi con lại bước xuống hiện thân thì con sẽ quên mất tầm nhìn này. Đây chính là bản chất của việc khắc phục một điều gì đó. Nếu con biết trước con sẽ phải khắc phục điều gì thì việc khắc phục đâu còn là thử thách gì nữa?
Làm thế nào con sẽ khắc phục trong thực tế? Con có một ảo tưởng. Nếu con biết đó là ảo tưởng thì con đã khắc phục nó rồi. Cách duy nhất để khắc phục là con bước xuống hiện thân với ảo tưởng đó, con quên mất ảo tưởng, rồi trong khi đầu thai con nhìn ra ảo tưởng. Đây là cách con khắc phục nó. Con vẫn mang một sự nhận biết nào đó trước khi đầu thai về những điều con cần khắc phục, và con quyết định tự đặt mình vào một tình huống bắt buộc con phải giải quyết cái khía cạnh cụ thể đó trong tâm lý của con. Hoàn cảnh vỏ ngoài của con, những người mà con cùng đầu thai như cha mẹ và anh chị em con chẳng hạn, tất cả đều mang một số khuôn nếp trong tâm lý của họ sẽ bắt buộc con phải phản ứng lại họ hầu con có dịp nhìn thấy các khuôn nếp nơi chính con. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là con đã tự ép mình phải đương đầu với hoàn cảnh đó, nhưng tất nhiên khi con bước vào đầu thai thì con đã quên mất, và đây chính là tại sao con thường phản ứng mạnh mẽ đến như vậy đối với cha mẹ mình, gia đình mình, hoàn cảnh vỏ ngoài của mình. Thử thách của con là con nối kết lại với cái đó.
5.3. Tâm muốn kềm chế
Con thấy những gì thày vừa nói đó, có một cơ chế trong tâm muốn kềm chế, trấn áp một số chuyện mà nó xem là mối đe dọa. Đó có thể là mối đe dọa bị choáng ngợp, hay phải chất vấn các niềm tin của mình hay là gì đi nữa, nhưng con muốn kềm chế nó. Khi con bước vào kiếp đầu thai, điều này thường có nghĩa là trong những hoàn cảnh khó khăn phải đương đầu với một người khó tính, con muốn đè nén nhu cầu xem xét chính mình. Con muốn trấn áp các cảm xúc, các tin tưởng, kềm chế tình huống con phải đối mặt để nó không làm xáo trộn thế cân bằng của con. Một lần nữa, đây là một điều tự nhiên trong một thời gian, nhưng nếu con là một người tâm linh, Kế hoạch Trọn đời của con có trù liệu là tới một điểm con sẽ tìm ra một giáo lý tâm linh và con được nhắc nhở một cách ý thức là có một con đường để mình bước theo.
Điều có thể đem lại lợi lạc cho con là con nắm lấy lời dạy này ở đây và nói: “Khi tôi lập ra Kế hoạch Trọn đời của tôi, tôi đã muốn ép buộc mình phải nhìn thấy điều gì? Tại sao tôi đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này? Tôi muốn phơi bày điểm gì trong tâm lý của tôi?” Bằng cách quyết định ý thức như vậy, con có thể ít nhất khắc phục được phần nào sự kháng cự không muốn nhìn vào tâm lý của mình để tìm ra tại sao mình lại có khuôn nếp phản ứng như vậy đối với một số loại người.
Đây là một phần trong tiến trình con hình thành một ý định cao hơn, qua đó con nhận ra là trong cái bây giờ và ở đây, trong tình huống trước mắt con, con có một số khuôn nếp phản ứng đang muốn con kìm hãm việc xem xét tâm lý của con. Con có thể bất chấp các khuôn nếp này và quyết định: “Không, tôi sẵn lòng nhìn vào tâm lý của tôi, các khuôn nếp của tôi, để nhìn thấy chúng và khắc phục chúng.” Điều này có nghĩa là giờ đây con đang nối kết với ý định của chính mình đằng sau Kế hoạch Trọn đời. Và khi con nối kết vào đó thì còn đâu yếu tố vũ lực nào nữa? Con đâu cần ép buộc mình phải xem xét một điều gì khi chính con đã nối kết lại với ý muốn giải thoát khỏi điều đó? Khi con nhận ra là con muốn được tự do khỏi cái đó, con không đang ép buộc mình phải đương đầu với nó.
5.4. Con là ai?
Khi đó, con có thể bắt đầu chiêm nghiệm là có hai cấp độ ý định. Như thày vừa nói, bây giờ và ở đây, trong tình huống hiện tại, có một phần trong tâm con, tâm phàm của con mà có thể gọi là tự ngã, đang có một ý định duy trì thế cân bằng của con, không muốn bị xáo trộn, không muốn cảm thấy bị đe dọa. Con muốn kềm chế cảm xúc, kềm chế tư tưởng, kềm chế cách con nhìn chính con. Đây là điều mà phần này của tâm vốn làm. Nó giống như một chương trình máy tính không biết làm gì khác. Đây không phải là ý định cao nhất của con. Ý định cao nhất của con là những gì nằm trong Kế hoạch Trọn đời khi con đã có ý muốn khắc phục một số những khuôn nếp đó, có thể tất cả các khuôn nếp mà con còn sót lại. Một khi con nhận chân điều này thì không có chuyện ép buộc mình phải từ bỏ ý định thấp và chấp nhận ý định cao. Con tái nối kết với ý định cao. Con nhận ra rằng cái ta mà con là, đó là chính con có một ý định cao hơn. Đây mới là ý định của con.
Ý định muốn bưng bít và tránh né một chuyện gì không phải là ý định của con, đó là ý định của tự ngã, của cái ta vỏ ngoài. Xong với thời gian, con có thể lần hồi chiêm nghiệm được điều này: Con là ai chứ? Đâu là cái ta đang có một ý định cao hơn cái ta mang ý định thấp?
Đây là điểm con sẽ được lợi lạc khi con tự hỏi một số câu hỏi mà hầu hết mọi người không thể đặt ra. Chẳng hạn, con là ai ngay lúc này, ai đang thu nhận bài giảng này? Đây là một bài giảng tâm linh. Nó có ý định giúp con nâng cao mức nhận biết của con. Ai là cái ta đang thu nhận lời dạy này?
Con cũng có thể hỏi ai là cái ta đang cưỡng lại lời dạy này? Con có thể nhận ra là trong tâm con có một cố gắng nào đó để khiến con cưỡng lại lời dạy. Có một cố gắng moi ra những kiến thức và tin tưởng hiện thời của mình, rồi dựa trên đó đánh giá lời dạy, tìm xem có điểm nào, có lý do hay viện cớ nào để bác bỏ lời dạy. Nhiều người tìm thấy một giáo lý tâm linh rồi phát hiện một chi tiết nhỏ xíu không tán thành với những niềm tin hiện tại của họ, thì họ dùng điểm này để bảo: “Ồ, toàn bộ giáo lý này sai bét.”
Ai là cái ta đang học giáo lý và ai là cái ta đang cố khiến con bác bỏ giáo lý? Nói cách khác, ai là cái ta đang cởi mở và ai là cái ta đang muốn con đóng tâm lại? Cái ta cởi mở là cái ta thực của con, trong khi cái ta cưỡng chống muốn con khép kín tâm con lại là tâm vỏ ngoài, là nhân cách tự ngã muốn con ở lại trong ảo tưởng. Toàn bộ nhân cách tự ngã này dựa trên ảo tưởng. Nó khởi lên từ ảo tưởng nhưng nó muốn con ở lại trong ảo tưởng. Đâu là cái ta mà con là? Ấy, con có thể bắt đầu cố sức tìm hiểu nó một cách trí thức, nhưng thật sự tất cả chỉ là việc trải nghiệm, cho nên con hãy thử làm bài tập đơn giản sau đây.
Một số các con đã biết bài tập này rồi nhưng đối với một số khác thì đây là điều mới lạ. Con hãy nhận biết là con đang ngồi đây thu nhận bài giảng này. Con nhận biết là có thể con đang ngồi trên một chiếc ghế, cho nên con hãy bước ra ngoài chính con bằng tư tưởng, bước ra ngoài tâm con, và con hình dung, con tưởng tượng là con đang đứng sau ghế và đang nhìn thân con ngồi trên ghế. Bây giờ con nhận ra là con đang ngồi trong một căn phòng, nhưng có gì đó bên ngoài căn phòng. Bây giờ bằng tư tưởng, con hãy lùi về thêm nữa cho đến khi con nhìn thấy nguyên căn phòng nơi con ngồi. Con thấy thân con đang ngồi trên chiếc ghế trong căn phòng. Rất có thể căn phòng này thuộc một căn nhà. Con lại lùi thêm, lại hình dung, tưởng tượng toàn bộ căn nhà, căn phòng trong căn nhà, và thân con ngồi trên ghế trong căn phòng. Bây giờ con có thể lùi lại thêm nữa trong khoảng môi trường bên ngoài căn nhà, nhìn căn nhà, căn phòng, chiếc ghế, vân vân. Con có thể lui lại, lui nữa và lui thêm nữa, nhìn thấy toàn bộ trái đất, con nhìn trái đất từ ngoài không gian, nhìn thái dương hệ, nhìn dải thiên hà, và suốt thời gian này từ nhãn quan của con, con vẫn nhìn xuống nơi thân con đang ngồi trên chiếc ghế.
Đây là một bài tập thật đơn giản nhưng một số người sẽ không thể làm được, trong khi một số khác sẽ không bị khó khăn gì hết, ít ra để tưởng tượng và hình dung là mình đang bước lùi lại. Câu hỏi bây giờ là như sau: Ai là cái ta đang lùi lại? Đâu là khả năng mà con có trong tâm con để lùi lại khỏi thân vật lý của con?
5.5. Cái ta là nhiều hơn cơ thể và tâm vỏ ngoài
Tuyệt đại đa số con người trên trái đất bị đồng hóa với cơ thể vật lý của mình đến độ họ không thể tưởng tượng là họ có thể bước ra khỏi cơ thể và đứng nhìn cơ thể. Nếu con có khả năng làm điều này thì có nghĩa là con không đến nỗi đồng hóa với cơ thể mình như hầu hết mọi người. Điều này có nghĩa là có một cái ta không phải là cơ thể, bởi vì nếu không thì làm sao con đã có thể bước ra khỏi nó bằng tư tưởng? Con không phải, như các nhà chủ nghĩa duy vật thường bảo, là một sản phẩm của những quá trình điện hóa (electrochemical) trong bộ não. Là người tâm linh, con đã chấp nhận mình không phải là cơ thể vật lý của mình. Thế thì con cũng có thể chiêm nghiệm rằng con không là thể cảm xúc của con, con không là các tình cảm của con, con không là các ý nghĩ của con, thậm chí con không là cả cái ý niệm bản sắc của con liên hệ với trái đất. Vậy con là ai? Con là gì?
Khi con suy nghiệm điều này, cuối cùng con sẽ nhận ra là, giống như con có thể bước ra ngoài thân xác vật lý của mình bằng tư tưởng, thì con cũng có thể bước ra ngoài các cảm xúc của mình, các ý nghĩ của mình cùng ý niệm bản sắc của mình, và con ngộ ra là thực sự mình y như một diễn viên. Con bước vào một rạp hát, con mặc vào một bộ trang phục, con trét vào một lớp phấn son, thậm chí con khoác vào một giọng nói đặc thù, một cách nói năng, một nhân cách đặc thù, và đột nhiên con có thể bước ra sân khấu, diễn xuất như thể con là một người khác hẳn con người mà con vốn là trong đời sống bình thường. Cả bốn thể của con giống như một bộ đồ mà con đã chui vào. Vậy đâu là cái ta của con? Cái ta chính là cốt lõi của bản thể con.
Thày biết là tâm con đang bị khó khăn, nó đang đánh lộn vì nó muốn làm những gì nó vẫn thường làm. Nó muốn có một sự mô tả, nó muốn có một cái nhãn, một tên gọi, nó muốn nắm một số đặc tính để nó có thể hiểu được cái ta là gì. Con thấy không, khi bàn đến bản sắc thế trần, tâm lý trí, cảm xúc và cơ thể vật lý của con, tất cả những thứ này đều mang những đặc tính có thể được mô tả bằng từ ngữ, bằng những tâm ảnh mà con sử dụng trên trái đất. Nhưng cái ta mà con là, nó vượt khỏi cái đó. Nó là nhiều hơn bốn thể của con, cho nên nó không thể được mô tả qua ngôn từ cùng các tâm ảnh được sử dụng trên trái đất.
Tâm vỏ ngoài của con không thể nào nắm bắt cái ta thực của con, và rất có thể nó đang nổi loạn chống lại ý tưởng này, nó đang cuống cuồng muốn nắm bắt, gắn nhãn, phân loại khái niệm này. Có thể nó đang lập luận rằng thật vô nghĩa mà nói chuyện về một cái gì có thực nhưng lại không mang đặc tính nào khả dĩ được mô tả.
Đâu là mục đích của một giáo lý tâm linh? Là giúp con nâng cao nhận biết, và làm thế nào con sẽ nâng cao nhận biết? Bằng cách thăng vượt mức nhận biết hiện thời của con. Đâu là mức nhận biết hiện thời của con? Đó là nội dung của các thể bẳn sắc, lý trí, cảm xúc của con. Đó là cái cho con một cái ngã vỏ ngoài, một cảm nhận vỏ ngoài rằng con là ai và con liên hệ thế nào với môi trường nơi con sống.
Ngay bây giờ đây, con có một mức nhận biết nào đó, và khi thày cho con khái niệm là có một phần trong bản thể con vượt khỏi mức nhận biết đó, thì tâm con liền muốn dùng mức nhận biết hiện thời này để cố nắm bắt, phân loại, gắn nhãn, mô tả cái phần này của bản thể con. Có những đệ tử tâm linh đã bỏ ra hàng chục năm trời để cố tìm hiểu các khái niệm tâm linh một cách trí thức bằng tâm vỏ ngoài đường thẳng. Thậm chí một số đã cố tìm hiểu khái niệm bảo rằng có một phần của họ vượt khỏi tâm, vượt khỏi tâm vỏ ngoài, nhưng họ không thể hiểu nổi với mức nhận biết hiện tại của họ. Con hãy ngẫm đi, và khi đó nếu con có khả năng buông bỏ cách nhìn cuộc đời hiện thời của mình, con sẽ có thể đạt được cái người ta thường gọi là một trải nghiệm thần bí.
Cái gọi là trải nghiệm thần bí đó thật chẳng thần bí gì cả. Nó dựa trên sự kiện có một cái ta. Chúng ta có thể gọi đó là cái ta ý thức, hay cái Ta Biết, nhưng ở một thời điểm nào đó có một cái ta đã bước vào cơ thể vật lý của con cùng các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Nó đến từ ngoài, nó đã bước vào đó, và nó đang dùng bốn thể này như một cỗ xe để tương tác với môi trường của con trên trái đất. Nó không do các thể này sản xuất ra, mà nó đã khoác vào các thể này. Theo một nghĩa nào đó, thậm chí nó đã chế tạo ra các thể bản sắc, lý trí, cảm xúc trong những kiếp trước. Chính sự kiện nó đã bước vào tâm hiện thời của con cũng có nghĩa là cái ta này có khả năng bước ra ngoài tâm con. Con có thể nói là ngay bây giờ đây, cái ta nhận biết chính nó là bốn thể phàm, nhưng cái ta có khả năng bước ra ngoài bốn thể này và ý thức được chính nó vượt hơn bốn thể, vượt hơn tâm. Đây là nền tảng cho mọi sự tăng triển nhận biết.
Nếu con lại dùng tâm đường thẳng thì con có thể ví con đường này như một chiếc cầu thang có nhiều bực riêng rẽ. Ngay bây giờ con đang đứng ở một bực nào đó trên cầu thang. Câu hỏi là làm thế nào con bước lên bước kế tiếp? Ai đang bước lên chứ? À, đó không phải là các thể cảm xúc, lý trí, bản sắc của con. Đó không phải là ý niệm bản ngã hiện thời của con, ý niệm con là ai, bởi vì cái ngã hiện tại này của con bị buộc chặt vào bực thang hiện tại. Vậy cái gì bước lên? Cái Ta bước lên.
5.6. Tự quan sát là cốt tủy của con đường tâm linh
Điều này xảy ra khi con nhìn vào bản thân, chẳng hạn một khuôn nếp phản ứng. Con thấy mình có xu hướng phản ứng một cách nhất định nào đó trong một số hoàn cảnh. Thay vì cho rằng đây là cách phản ứng duy nhất, con đạt tới điểm tự hỏi: “Tại sao tôi lại phản ứng cách này? Tôi thật không muốn nổi giận khi có ai đó không làm theo ý tôi. Tôi không muốn có trải nghiệm giận dữ này. Nếu tôi nghĩ đây là cách duy nhất thì làm thể nào tôi có thể thoát ra khỏi nó? Vậy tôi hãy nhìn vào nó, nhìn vào cái gì ở đằng sau nó. Tại sao tôi lại cho rằng đây là cách phản ứng duy nhất?”
Xong con có thể nhận ra là người khác không phản ứng cùng cách đó trong những tình huống tương tự. Có những cách phản ứng khác. Thật ra, Phật có nói là luôn luôn có một cách phản ứng khác dựa trên sự không dính mắc. Nói cách khác, con không mang một khuôn nếp khiến con bị dính mắc với một cách phản ứng nhất định. Điều này con có thể ngộ ra, con có thể nhìn ra là có một ảo tưởng khiến con tin rằng đây là cách phản ứng duy nhất. Khi con nhìn xuyên thấu ảo tưởng này, khi con thấy đó là một ảo tưởng đang giới hạn con, đang cầm giữ con lại, thì con sẽ tự động buông nó ra.
Có một câu chuyện quen thuộc được nhiều vị thày tâm linh sử dụng là nếu con đang đứng trong bóng tối, con nắm một vật gì đó và tưởng đó là sợi dây thừng thì có thể con sẽ nắm tiếp. Nhưng nếu người ta bật đèn lên và con thấy đó là một con rắn, thì con không phải nặn óc phân tích phức tạp dài dòng. Con chỉ tự động mở tay ra và buông con rắn. Điều tương tự cũng xảy ra ở đây. Khi con thấy rằng cái con tưởng là sự thật hay cách phản ứng duy nhất chỉ là một ảo tưởng, thì con tự động buông ảo tưởng ra, thế rồi con bước lên bực kế tiếp. Tất nhiên, con sẽ vẫn đem theo các ảo tưởng khác còn sót lại trong ba thể. Nhưng khi con xem xét ảo tưởng kế tiếp và buông nó ra, con lại đi lên một bước nữa, và đây là cách làm thế nào con lần lần tiến bước trên đường tu. Nhưng công việc này chỉ có cái Ta của con mới làm được, không phải là tâm vì tâm không thể xem xét chính nó.
5.7. Máy tính sẽ không bao giờ có khả năng tự nhận biết
Hiện trong các giới khoa học đang có một phong trào nỗ lực tạo ra thông minh nhân tạo, vì nhiều nhà khoa học trong ngành nghiên cứu hành xử con người, chẳng hạn, đã tìm ra là các phản ứng của con người gần giống như máy tính. Đối với hầu hết mọi người thì nhận xét này không sai. Con đặt người ta vào một tình huống nào đó thì họ sẽ phản ứng y như cách họ đã phản ứng mười lần trước đó trong cùng tình huống này. Lý do là vì như thày đã giải thích, con mang một số khuôn nếp trong tâm tiềm thức của con. Thông thường một khuôn nếp nằm yên như đang ngủ, nhưng khi con gặp một tình huống đặc thù, tình huống sẽ kích hoạt khuôn nếp, sẽ tiếp quản phản ứng của con, thế là bây giờ con phản ứng theo đúng cách đó. Tâm tiềm thức của con có nhiều mặt giống như một chiếc máy tính, nó mang sẵn một số chương trình và khi chương trình được kích hoạt, chúng sẽ điều khiển phản ứng của con, con sẽ phản ứng theo một cách nào đó, rồi có thể sau đó con sẽ hối hận hay con lập luận rằng: “Ồ, đó là cách duy nhất mình đã có thể phản ứng.”
Điều các nhà nghiên cứu thông minh nhân tạo đã hiểu lầm là đối với một con người, đó không phải là cách duy nhất. Một con người luôn luôn có tiềm năng thay đổi khuôn nếp của mình một cách ý thức và cố tình, và cho dù con đã có thể phản ứng theo một cách hàng trăm lần, con vẫn có thể đột nhiên chọn một cách phản ứng khác trong lần kế tiếp. Một chiếc máy tính sẽ không thể làm vậy được. Tại sao? Vì nó không có sự tự nhận biết. Nó không có một cái ta nhận biết. Cái ta mà thày vừa nói đến là cái ta có khả năng trở nên ý thức về chính nó. Lúc đầu nó trở nên ý thức về chính con, nhưng nó cũng nhận biết nó không phải là ngã vỏ ngoài. Đây là tại sao chính con có tiềm năng – như một con người và mọi con người – thay đổi phản ứng cùng hành động của mình một cách ý thức và cố tình. Con có thể chọn một phản ứng khác so với cách phản ứng trong quá khứ. Trong quá khứ có thể con đã phản ứng theo một chương trình nơi con thực sự không có chọn lựa. Đúng, con đã chọn lựa trong một quá khứ xa xôi qua việc tạo ra chương trình, nhưng khi chương trình kích hoạt thì con không đang chọn lựa ý thức. Đây chính là lý do tại sao một số nhà khoa học đã khám phá là con đã có một phản ứng trong bộ não trước khi con chọn lựa ý thức trong một tình huống đặc thù. Lý do là vì có một chương trình tiềm thức đã chọn lựa trước khi con biết đến chọn lựa đó ở mức ý thức.
Vấn đề rộng lớn hơn ở đây là con mang tiềm năng trở nên tự ý thức, tự nhận biết, không những về các phản ứng của mình mà còn về những mức độ tự nhận biết cao hơn, về con người mà con thực là. Con không là các phản ứng của con, con không là các cảm xúc của con, con không là các ý nghĩ của con, con không là ý niệm bản sắc vỏ ngoài của con. Con là cái mà một số người gọi là một sinh thể tâm linh. Con đến từ ngoài cái môi trường mà con gọi là trái đất. Theo một nghĩa nào đó, Bát chánh đạo – hay bất cứ tên gọi nào cho con đường tâm linh – là một tiến trình càng ngày càng tự nhận biết nhiều hơn. Cái ta mà con là càng ngày càng trở nên ý thức về cái nó là và cái nó không là.
5.8. Không có giác ngộ tức thì
Một lần nữa, tâm vỏ ngoài của con sẽ lại nói: “Vậy tại sao thày không cho con ngay mức tự nhận biết tối thượng đó đi, cái bí ẩn tối hậu về sự tự nhận biết, để con nhảy qua tất cả những bước này và bước vào cõi Niết bàn ngay bây giờ? Con có thể giác ngộ ngay lập tức.” Con thấy đó, điều này không thể làm được. Không có sự giác ngộ tức thì và lý do thật đơn giản. Cái ta mà con là đã không đến trái đất ban đầu để đạt giác ngộ. Con đến trái đất là để có một số trải nghiệm ở đây có thể tạo thuận lợi cho tiến trình hướng đến giác ngộ của con. Con đã không đến địa cầu chỉ để thoát khỏi nơi đây, mà con đến địa cầu để có một số trải nghiệm. Và để có những trải nghiệm này, cái ta mà con là phải tạo ra những nội dung, trước tiên trong tâm bản sắc, xong trong tâm lý trí, rồi trong tâm cảm xúc của con. Chính những khái niệm này đặt nền tảng cho các trải nghiệm con đã có trên trái đất, với mục đích để con có được loại trải nghiệm con có thể có trên trái đất, cho đến khi con chán chê các loại trải nghiệm này và mong muốn một cái gì hơn nữa.
Đó là lúc con sẵn sàng cất bước trên đường tu. Cho đến khi đó, con vẫn có loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất, rằng mình là một sinh thể tách biệt sống trong một thế giới với những sinh thể tách biệt khác, và con đang giao tranh với các sinh thể này. Con có thể nói bằng tâm ý thức: “Tôi không bao giờ mong muốn chuyện giao tranh này. Đó không phải là lý do tôi đã đến địa cầu.” Nhưng thật ra đó chính là lý do. Khi con bước lui lại khỏi trải nghiệm hiện thời của mình, con nhận ra đây chính là tại sao con đã đến địa cầu. Con có thể có nhiều lý do khác nhau, nhiều động lực khác nhau, nhiều ý định khác nhau ở bên sau, nhưng đó chính là tại sao con đã đến trái đất – để có loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất. Sẽ tới một điểm sau rất nhiều kiếp sống nếm mùi loại trải nghiệm này, con sẽ chán chê và bấy giờ con muốn cái gì khác hơn. Đó là lúc con mở tâm ra đón nhận con đường tâm linh dưới bất kỳ phiên bản nào con có khả năng nắm bắt.
Mục đích của con đường tâm linh bây giờ là giúp con dần dần trở nên ý thức về những nội dung mà con đã bỏ vào các tâm cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, con lần hồi vứt bỏ chúng đi để càng ngày con càng có ít hơn trong những tâm này. Con trở nên càng ngày càng tự do hơn. Thực sự giác ngộ là điểm khi trong tâm con không còn nội dung nào nữa dựa trên các ảo tưởng của nhị nguyên và tách biệt. Con đã khắc phục tất cả mọi ảo tưởng rằng con là một sinh thể tách biệt, rằng con có thể sử dụng các đối cực nhị nguyên để biện minh cho mọi việc mình muốn làm như một sinh thể tách biệt. Đó là khi con giác ngộ. Có thể nói là trong khi con bước chân hướng đến giác ngộ, con lấy từng nội dung từ trong tâm và vứt nó đi, con để cho nó ra đi, mỗi lần một ảo tưởng, cho đến khi con không còn ảo tưởng nhị nguyên tách biệt nào sót lại.
5.9. Con có đánh mất nhân cách của mình?
Tuy nhiên một số người sẽ phản đối chuyện này và cho rằng: “Liệu sẽ có nghĩa là tôi không còn quan điểm, niềm tin hay lý thuyết nào về cuộc sống, không còn khuôn nếp nào trong cảm xúc? Liệu có nghĩa là tôi không còn nhân cách nào, bản sắc nào?” Phải, có nghĩa đúng là như vậy. Con không còn nhân cách cùng bản sắc vì những thứ này được định nghĩa trên trái đất dựa trên các ảo tưởng của Maya, các ảo tưởng của tách biệt và nhị nguyên. Con mất đi cái mà hầu hết mọi người xem là nhân cách và bản sắc của họ. Không có nghĩa là con trở thành một con số không, vì con vẫn có một sự cá biệt trong bản thể cao của con mà bây giờ con có thể bắt đầu biểu đạt trên trái đất. Cái con mất đi là cái có thể gọi là cá tính, nhân cách và bản sắc nhân thế. Nếu con cởi mở với một giáo lý tâm linh, đây chính là ý định cao hơn mà con đã có trước khi con lập ra Kế hoạch Trọn đời của mình.
Điều này có nghĩa là giờ đây khi con nhìn vào đời mình và các hoạt động của mình, con không phải làm điều mà nhiều Phật tử đã làm, là đánh giá lại xem ý định nào là chân chính, ý định nào là bất chính: “Tôi cần phải ép buộc mình không được có ý định bất chính.” Thay vào đó, con có thể nói: “Trong Kế hoạch Trọn đời của tôi có điều gì nói đến một khía cạnh đặc thù trong đời tôi ngay bây giờ?” Lấy ví dụ con nhận diện trong con mong muốn được nếm một loại trải nghiệm nào đó. Trên trái đất có thể có nhiều loại trải nghiệm khác nhau, nhưng như trong trường hợp nhiều người, con quyết định mình muốn một mối quan hệ riêng tư, một quan hệ tình dục với ai đó. Đây là một loại mong muốn rất phổ biến, ngay cả trong số những người tâm linh.
Có rất rất nhiều sự hiểu lầm về điểm này trong số những người tâm linh, và con vẫn thấy rất nhiều Phật tử tu học giáo lý rồi dùng tâm vỏ ngoài để bảo: “Ồ, bất cứ hoạt động nào không tâm linh đều sai trái cả và tôi phải tránh làm chuyện đó.” Có một điều khác con có thể xem xét ở đây. Giả dụ con đang thảo Kế hoạch Trọn đời của mình, khi đó con có một tầm nhìn rộng lớn hơn bây giờ. Con nhận ra là con vẫn còn mong muốn trải nghiệm một quan hệ riêng tư, ngay cả một quan hệ vật lý. Con quyết định là con sẽ tự đặt mình vào một tình huống nơi con có thể gặp một người và có được loại quan hệ này. Có sai trái gì đâu trong việc trải nghiệm như vậy nếu con đã lượng định là mình cần có trải nghiệm này trong một thời gian để mình có thể chán chê chuyện này? Nhờ vậy con sẽ có thể thoát ra khỏi nó, để sau đó con có thể tập trung vào những trải nghiệm khác mà con muốn cho phần còn lại của kiếp này. Có sai trái gì đâu trong việc này?
Đó là một phần trong Kế hoạch Trọn đời của con sẽ cuối cùng dẫn con lên một mức nhận biết cao hơn. Thay vì ép buộc mình phải kìm nén một trải nghiệm, con bước vào trải nghiệm cho đến khi con chán chê, con chán ngán nó, rồi con có thể lượng định – không nhất thiết là con phải từ bỏ tình huống vỏ ngoài đó, mà con đạt tới điểm mình không còn ham muốn cưỡng chế nào để nếm trải nghiệm đó. Thật chẳng có gì tự thân là phi tâm linh trong hoạt động tình dục, nhưng nếu con dính mắc với nó, nếu đó là một ám ảnh cưỡng chế, thì tất nhiên nó có thể cản trở sự tăng triển lên những tầng nhận biết cao hơn. Nếu con đạt tới điểm khắc phục được sự dính mắc, khắc phục được sự cưỡng chế, khắc phục được ảo tưởng là con cần đến nó để cảm thấy trọn vẹn, thì hoặc con có thể chọn ngừng hẳn hoạt động đó, hoặc tiếp tục một cách khác mà không dính mắc. Trong cả hai trường hợp, nó sẽ tạo thuận lợi cho con tăng triển nhận biết.
Con thấy đó một lần nữa, đâu là ý định cao hơn của con ở đây? Có phải là giải quyết các ảo tưởng, giải quyết Maya trong tâm con? Hay có phải là sử dụng một lời dạy tâm linh để che đậy các ảo tưởng để con, ở mức ý thức, có thể giả vờ như thể con không có ảo tưởng? Con có thể nghĩ: “Ồ, tôi đã hiểu lời dạy tâm linh cao cấp này rồi, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu thời giờ thực hành các pháp tu này, cho nên tôi đã vượt xa mong muốn này, ý định này.” Nhưng con chỉ giả vờ thôi con. Con đang che phủ mong muốn đó và điều này sẽ không giúp con vươn lên bước kế tiếp của chiếc thang hay của cầu thang.
5.10. Xét lại các ý định của mình
Đây là bước tiếp theo trên con đường Bát chánh đạo, là xét lại các ý định của con. Ý định trên hết của con là cuối cùng con sẽ thoát khỏi trái đất, nhưng con không thể ép mình thoát khỏi trái đất. Nếu con kìm nén một ham muốn nào đó thì con sẽ phải trở lại đầu thai lần nữa để đạt tới điểm con buông được ham muốn một cách ý thức. Nhiều người tâm linh đã ép buộc mình phải sống trong một khung cảnh tu viện nơi họ phải kìm nén ham muốn tình dục. Có thể là họ đã sống được như vậy suốt một kiếp dài, hay ngay cả mấy kiếp, nhưng sẽ tới một điểm họ nhận ra – khi họ ở ngoài hiện thân – là họ đã không tự giải phóng khỏi ham muốn mà chỉ kìm nén ham muốn. Họ sẽ cần trở lại trải nghiệm hoạt động đó cho dù nó là gì, cho đến khi họ có thể buông bỏ ham muốn một cách ý thức và cố tình: “Tôi đã chán chê trải nghiệm này rồi.” Việc này không thể cưỡng ép được, nhưng tiếc thay, rất rất nhiều người đã dùng một giáo lý tâm linh để tạo ra ý tưởng là họ phải tự cưỡng ép. Nếu con thực sự muốn tiến triển tâm linh, ý định của con phải là giải quyết, từ bỏ, buông xả, khắc phục, vượt qua các mối dính mắc của mình, các khuôn nếp, các nội dung trong thể cảm xúc, thể lý trí và thể bản sắc. Đây phải là một ý định bao trùm tất cả, và khi con vươn lên đến mức đó và ý thức được điều đó, con có thể lượng định tất cả mọi ý định khác của con.
Một lần nữa, con phải kiếm sống để nuôi cơ thể, giữ cho nó sống còn. Có thể con có một số bổn phận đối với gia đình và với người khác. Làm thế nào con quân bình được một cuộc sống gia đình bình thường với sự kiện mình là một người tâm linh có nhận thức về giáo lý tâm linh? Con chỉ có thể làm được bằng cách ngộ ra là bất kỳ hoạt động nào – ừm, hầu hết mọi hoạt động trên địa cầu – đều có khả năng tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết của con. Nguyên cái ý tưởng cho rằng con phải từ bỏ cuộc sống trần tục, phải lui vào tu viện để tiến bộ tâm linh, không luôn luôn đúng. Có thể có một số người cần làm như vậy trong một hay vài kiếp sống, nhưng chắc chắn không phải là mọi người. Kỳ thực, trong thời buổi con đang sống hôm nay, điều quan trọng hơn so với các thời đại trước là mọi người cần bước trên đường tâm linh bằng cách sống một cuộc đời năng động ngoài xã hội. Đây là điểm sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người hơn trước để họ cởi mở với đường tu khi họ thấy là họ không phải từ bỏ đời sống bình thường, rút vào tu viện trên đỉnh núi ngõ hầu là người tâm linh.
Bây giờ là một thời đại, một thời điểm có rất nhiều người đã tình nguyện bước vào hiện thân để chứng tỏ là con có khả năng tìm ra một sự quân bình giữa đời sống trần thế và sự tăng triển tâm linh, tăng triển nhận biết. Tuy nhiên, thày cũng nói là điều này quan trọng hơn bao giờ hết do thời buổi, nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng trong quá khứ. Con nghĩ tại sao thày đã gọi con đường này là Trung đạo? Một lần nữa, Trung đạo là một cách dịch đáng tiếc về một khái niệm phức tạp hơn. Dẫu vậy, Trung đạo không phải là pháp tu khổ hạnh cực đoan mà thày đã đi theo trong thời non trẻ dại dột, cũng không phải là cuộc sống thế tục hoàn toàn mù quáng mà đa số con người đi theo. Nó thăng vượt cả hai, qua đó con sống một cuộc sống năng động trong xã hội với bổn phận gia đình, nhưng con vẫn bước chân trên con đường tâm linh vì con có ý định sử dụng các hoạt động thế tục của mình để tạo thuận lợi cho mình tăng trưởng nhận biết.
Làm thế nào thực hiện được việc này? À, một phần bằng cách xem xét phản ứng của mình trong các tình huống thế tục, và phần khác bằng cách nhận ra là con có khả năng tạo cảm hứng cho người khác qua tấm gương của con. Điều gì xảy ra khi người ta rút lui khỏi xã hội, trở thành tăng ni và sống trong thiền viện? Họ tránh được nhiều áp lực của đời sống thường nhật khả dĩ kích hoạt các khuôn nếp phản ứng của họ. Họ sống trong một môi trường kiềm chế, và một khi họ đã chấp nhận các ràng buộc của môi trường này, rất có thể không có nhiều thứ sẽ kích hoạt phản ứng của họ. Họ có thể tự đánh lừa là họ không còn các phản ứng này nữa, rằng bằng cách chọn sống trong một hoàn cảnh không kích động khuôn nếp thì họ đã khắc phục khuôn nếp. Nhưng không, tất nhiên là họ chỉ áp chế nó thôi.
5.11. Trung đạo thực sự nghĩa là gì
Toàn bộ khái niệm Trung đạo là con không định nghĩa con đường tâm linh theo hai đối cực nhị nguyên, qua đó hoặc con là một người hoàn toàn trần tục, hoặc con phải rút ra khỏi thế gian để là một người tâm linh. Có một con đường khác cho tình trạng “hoặc cái này hoặc cái kia”, một giải pháp khác cho cái nhìn trắng đen đó. Con có thể tìm ra một cách để là người tâm linh trong khi vẫn năng động trong xã hội. Đây là ý nghĩa sâu xa của ý định cao hơn, và bỗng nhiên tất cả mọi thứ đều hiện ra dưới một sắc thái mới. Con có được một nhãn quan mới về mọi khía cạnh đời con. Bỗng nhiên con có thể bắt đầu xem lại một vấn đề đã là một trong những cản trở lớn nhất cho người tâm linh – đó là sự phân biệt giữa những gì là hoạt động tâm linh và những gì là hoạt động không tâm linh, hay thậm chí phản tâm linh. Tất nhiên đây là một chủ đề thày sẽ quay trở lại khi trình bày về hành động cao hơn [Chánh nghiệp]. Nhưng dẫu vậy, điều quan trọng khi con xem xét ý định của mình là con cần vượt qua cái nhìn nhị nguyên về con đường tâm linh.
Đâu là một trong những lời dạy nền tảng của đạo Phật? Đó là mọi thứ đều là Phật tánh. Hiển nhiên, con người trên địa cầu không nhìn thấy mọi thứ là Phật tánh. Tại sao họ không thấy được mọi thứ là Phật tánh? Bởi vì tâm họ bị mù quáng bởi tấm màn Maya. Nhưng cái gì cấu tạo tấm màn Maya? Đó là tâm thức nhị nguyên luôn luôn tạo ra hai đối cực nghịch lại với nhau một cách đen trắng. Tâm thức này ngụ ý một sự phán xét giá trị, nó bảo hoạt động này không tâm linh và hoạt động kia thì tâm linh. Nếu tất cả đều là Phật tánh thì có nghĩa lý gì mà nói: “Cái này tâm linh, cái kia không tâm linh?” Sẽ ý nghĩa hơn chăng nếu con nhận ra mục đích thực của đường tu là khắc phục ảo tưởng? Ảo tưởng là cái che phủ Phật tánh ở bên trong tất cả mọi thứ. Có nghĩa mục đích thực của đường tu không phải là định nghĩa thế này là tâm linh, thế kia là phản tâm linh để rồi phải tránh cái phản tâm linh và chú tâm vào cái tâm linh.
Mục đích thực của con đường tâm linh, của Trung đạo, là ngộ ra mọi hoạt động trên trái đất đều có khả năng tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết của con khi con tiếp cận chúng với ý định thăng tiến nhận biết, nhìn vào bản thân mình, phản ứng của mình, ảo tưởng của mình. Đó là khi hoạt động đó trở nên tâm linh. Bảo rằng một hoạt động là không tâm linh cho nên việc tham gia vào đó – như việc lập gia đình chẳng hạn – sẽ phá hoại bước tiến tâm linh, chỉ đơn giản là một mức độ hiểu biết thấp hơn về đường tu.
Hiển nhiên là có một số hoạt động sẽ không tạo thuận lợi cho sự tăng triển nhận biết vì chúng càng nhốt con sâu hơn sau tấm màn Maya, nhưng bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được sử dụng để giúp con nhìn ra ảo tưởng đằng sau hoạt động. Vì vậy thày không bảo là việc xông ra ngoài kia giết người sẽ giúp con tăng triển nhận biết, nhưng quả thực việc nhìn ra các ảo tưởng đằng sau việc giết người có khả năng tạo thuận lợi cho con tăng triển nhận biết.
Một lần nữa, tâm nhị nguyên luôn luôn muốn tạo ra sự phân biệt và tách biệt để giàn dựng một thế nhị đối, nhưng đường tu, con đường Bát chánh đạo, là nhìn vượt lên trên tấm màn Maya để nhìn thấy mọi sự là Phật tánh. Phật tánh ở trong mọi thứ, cho nên ý định đích thực là nhìn ra điều này, chứ không phải là nhận diện cái này hay sinh hoạt này là tâm linh và sinh hoạt kia thì không. Điều gì sẽ giúp con thấy được Phật tánh đằng sau tấm màn Maya? Nếu điều đó giúp con thấy được thì làm sao nó không tâm linh cho được? Nếu điều gì buộc chặt con vào các ảo tưởng nhị nguyên, thì cho dù con có dùng giáo lý tâm linh để củng cố cho ảo tưởng, làm sao nó tâm linh cho được?
Với lời này, thày đã cho con những gì thày muốn trao trong bài này. Những ngọn sóng chấn động chắc chắn đang được gửi vào tâm thức tập thể, làm khuấy động lũ quỷ của Mara. Chúng đang gầm gừ la hét, chúng đang cố khiến cho mọi người bác bỏ những xung lực này để họ lại tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh của Biển Luân hồi.
Nhưng các con cởi mở với những lời dạy này, các con có thể tránh được chuyện đó bằng cách biến lời dạy thành con thuyền Bát nhã, nhưng con sẽ chỉ làm được vậy nếu con luôn nỗ lực vươn lên một cấp độ ý định cao hơn so với ngay bây giờ. Thày đã hoàn thành ý định của thày trong việc ban truyền lời dạy này. Thày hy vọng nó sẽ giúp con hoàn thành ý định của con trong kiếp đầu thai này.