Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels ngày 4/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Lanto, Thượng sư của Tia sáng thứ Hai, thường được liên kết với minh triết, nhưng minh triết thật sự là gì? Có rất nhiều người trên thế giới coi minh triết như một loại kiến thức hữu hạn, một cái gì có thể được diễn tả bằng ngôn từ, hay bằng ngôn ngữ khoa học tỷ dụ như toán học. Ta có thể nào nắm bắt minh triết bằng ngôn từ, con số, công thức hay phương trình chăng? Ta có thể nắm bắt nó bằng hình tư tưởng, khái niệm hay ý tưởng chăng? Ta có thể giam hãm nó trong bất kỳ hình tướng nào chăng? À, có và không!
13.1. Một tìm cầu minh triết tối thượng phù phiếm
Ta có thể nói không có minh triết tối thượng ngoại trừ cái một, chính là tâm thức của đấng Sáng tạo. Lẽ tất nhiên, khi nào con còn hiện thân trên một hành tinh như trái đất, con khó trải nghiệm tâm thức này. Ta có thể nói là minh triết, là một trong những đức tính được dùng để sáng tạo bầu cõi chưa thăng thiên của con, quả thật có hình tướng. Bởi chưng nếu nó không có hình tướng, làm sao có thể dùng nó để sáng tạo một thế giới có hình tướng? Minh triết chắc chắn không thể bị giam hãm trong ngôn từ hay những cách biểu hiện khác được dùng trên trái đất.
Bước đầu tiên để nối kết với các chân sư thăng thiên và đức tính Minh triết Thiêng liêng là nhận ra rằng những người đi theo tâm linh, tôn giáo, chính trị và khoa học qua các thời đại vẫn cố gắng khám phá, tạo sinh hay quy định một hình thức kiến thức tối thượng, hiểu biết tối thượng, minh triết tối thượng. Lẽ tất nhiên, các thày hiểu rằng khi con mới tìm thấy lần đầu con đường tâm linh thì con đã bị ảnh hưởng bởi sự tìm cầu muôn thuở này. Con đem nó vào con đường tâm linh và con nghĩ mục đích của một giáo lý tâm linh là đem lại cho con một hình thức minh triết tối thượng.
Đó là lý do vì sao rất nhiều người tâm linh đã bị kẹt trong tư duy nghĩ rằng vị đạo sư của họ, tổ chức tâm linh của họ, giáo lý tâm linh của họ có minh triết cao nhất, hiểu biết cao nhất, sự diễn tả cao nhất về sự vận hành của thế giới và cõi tâm linh. Điều này có thể hiểu được ở một tầng nào đó của con đường tâm linh nhưng con sẽ tới một điểm trên con đường tu khi tư duy này không còn tính xây dựng nữa vì nó sẽ không giúp con tăng triển.
13.2. Một con đường thực tiễn giúp nâng cao tâm thức con người
Có một thời Phật hiện thân và giảng dạy trực tiếp. Ngày nay nhiều người muốn phóng chiếu là Phật không những là một sinh thể giác ngộ nhưng là sinh thể giác ngộ tối thượng vì hoàn cảnh thày sinh ra, cuộc đời và giáo lý của thày rất ư đặc biệt. Họ muốn phóng chiếu hình ảnh là Phật không những đưa ra giáo lý cao nhất có thể có nhưng hơn thế giáo lý của Phật và chắc chắn chính Phật có thể trả lời mọi câu hỏi. Những người này chưa nghiên cứu lịch sử Phật giáo vì sự thật là Phật đã từ chối không trả lời một số câu hỏi.
Một ví dụ của những câu này là có ngã hay không có ngã. Đây là một câu hỏi mà Phật từ chối không trả lời nhưng tại sao thế? Vì mục đích của Phật không phải là cho con người một kiến thức tối thượng có thể trả lời mọi câu hỏi của họ. Mục đích của Phật là cho con người một con đường tu giản dị giúp họ từng bước một nâng cao tâm thức của họ. Nếu con nhìn lịch sử con sẽ thấy là mục đích này tương phản rất nhiều truyền thống của các giáo sĩ Vệ đà, các thày Bà la môn của Ấn giáo. Vào thời của Phật, họ ở trong một giai đoạn tách ra nhiều xu hướng, nhiều bộ phái trong Ấn giáo giữa các người Bà la môn. Giáo lý của họ có điểm hơi khác nhau nhưng vẫn nằm trong cùng một khung sườn chung và họ tốn nhiều thời gian tranh luận về hiểu biết tối thượng, giáo lý tối thượng tỷ dụ như giáo lý tối thượng về ngã là gì và ngã như thế nào?
Sau khi giác ngộ, Phật nhận ra là tất cả các tranh luận này phát xuất từ tầng mức của tâm phàm, tâm đường thẳng lý luận, phân tích. Phật nhận ra là tất cả những lập luận và mô tả tinh vi mà con người đã dựng lên này, quả thực chỉ giam con người ở một tầng tâm thức nào đó. Phật thấy rằng nếu thày tham gia cuộc tranh luận này, nếu thày nhảy vào sân khấu diễn xiếc này và bắt đầu tranh luận với các thày Bà la môn, thì Phật sẽ chẳng đạt được điều gì. Phật cũng nhận ra là có những câu hỏi mà tâm đường thẳng lý luận không thể trả lời bởi vì như các thày đã giải thích, tâm này có thể đưa ra lập luận bênh vực hay phản bác bất cứ điểm gì. Một số người có thể dùng tâm đường thẳng để tự thuyết phục là có ngã và một số người khác có thể dùng cùng tâm đường thẳng lý luận để tự tuyết phục là không có ngã. Làm sao có hội tụ khi cả hai nhóm tin tuyệt đối là lập luận của họ là lập luận tối thượng, dù cả hai lập luận đều tương đối?
Phật nhận ra là trong tư duy nhị nguyên mọi lập luận đều tương đối do đó không thể cho những người với tư duy này một lập luận chung cuộc, và đây là lý do vì sao Phật nêu lên khái niệm về các cặp. Phật đã làm gì? Phật lúc đó làm việc với một số chân sư thăng thiên để hoàn thành sứ vụ của thày, và vì vậy thay vào đó, Phật nói: “Chúng ta đừng lý luận ở tầng mức của tâm đường thẳng, phàm phu, lý luận này. Chúng ta hãy cho con người một con đường tu giản dị để họ nâng cao tâm thức của họ. Khi con người đã nâng cao tâm thức quá một mức nào đó, thì họ có thể bắt đầu có được minh triết thật sự, họ có thể bắt đầu có được câu trả lời cho những câu hỏi mà tâm đường thẳng không giải quyết được.” Con cũng có thể nói là Phật nhận ra là mục đích của việc làm của thày là nâng cao tâm thức con người, không phải là đem lại minh triết hay kinh điển cao trội nào đó có thể đứng vững mãi mãi với thời gian.
13.3. Những tranh luận trí năng không bao giờ dứt
Một số Phật tử hiện đại sẽ phản đối điều thày vừa nói. Họ sẽ nói rằng vì Phật là một sinh thể hoàn toàn giác ngộ, giáo lý của Phật phải là chân lý tối thượng. Nhưng, tại sao chính Phật giáo lại tẽ ra nhiều phương hướng? Dù họ đồng ý trên một khung sườn chung, nhưng họ có những lập luận và giáo lý phức tạp, những ý tưởng và pháp thực hành khác nhau và không đồng ý trên nhiều điểm. Nếu con nhìn một cách trung hòa, thì con thấy là sau khi Phật không còn hiện thân nữa, Phật giáo đã có cùng số phận như Ấn giáo.
Phật giáo trở nên đa dạng, có sự phân chia ra nhiều hướng và nhiều nhóm. Những người trong các nhóm đó đưa ra những lập luận trí năng và họ bắt đầu biến những điều Phật nói hay ngụ ý thành lập luận trí năng. Nếu giáo lý của Phật là giáo lý tuyệt đối cao nhất thì làm sao có thể có bất đồng và những lý giải khác nhau? Nếu ta có minh triết tối thượng, thì phải chăng bất kỳ ai đọc nó sẽ phải đạt được tầng tâm thức tối thượng? Đáng lẽ không thể có bất đồng nếu đó là minh triết cao trội và tối thượng. Nhưng vì có bất đồng, thì phải chăng ta có thể lý luận rằng ngay cả giáo lý của Phật cũng không là minh triết tối thượng, không do khiếm khuyết nơi Phật nhưng do khiếm khuyết nơi người nhận giáo lý?
13.4. Cách tiếp cận thực tiễn giáo lý tâm linh
Có đúng chăng là Phật giáo đã khẳng định rõ ràng mục đích là nâng con người lên trên trạng thái đau khổ, vượt Biển Luân hồi? Phật giáo đã nói rõ ràng là những người được trao truyền Phật giáo đang không ở trong trạng thái tâm thức tối thượng. Vậy ta có thể suy luận được chăng là Phật không thể trao truyền bất kỳ minh triết tối thượng nào, vì làm sao những người ở một trạng thái tâm thức thấp có thể nắm bắt và sử dụng minh triết cao như thế? Do đó, ta có thể tiến thêm bước nữa chăng và nhận ra là không có gì tối thượng trên trái đất, cho dù đó là giáo lý của Phật hay giáo lý của Giê-su hay giáo lý của Vệ đà hay bất kỳ giáo lý tâm linh nào khác? Bởi vì tâm đường thẳng, lý luận, phân tích có thể lấy bất kỳ giáo lý tâm linh nào và đưa ra nhiều cách diễn giải và lập luận khác nhau để chứng minh là cách diễn giải này hay hơn cách diễn giải kia. Tâm đường thẳng sẽ phóng chiếu là phải có một cách diễn giải cao hơn, một cách diễn giải tối thượng.
Ta có thể nhận được chăng là những người rơi vào khuôn đúc này ở một tầng tâm thức nào đó? Một giáo lý tâm linh chân chính không có mục đích xác chứng những diễn giải của con người ở tầng tâm thức của họ, mà là nâng tâm thức của họ lên cao hơn và vượt quá tầng tâm thức đó. Đâu có khó nhận ra điều này, phải không con?
Ta có thể nói chưa bao giờ có nỗ lực đem lại giáo lý tối thượng hay giáo lý tâm linh cuối cùng cho hành tinh trái đất. Vì những người khởi xướng các giáo lý tâm linh, tức là các chân sư thăng thiên, đều ý thức rõ ràng các điều kiện trên trái đất. Các thày thấy rõ ràng những giới hạn của tâm thức tập thể và của những nhóm người khác nhau. Các thày không tìm cách làm điều bất khả thi mà làm điều gì thực tiễn có thể làm được, đó là trao truyền một giáo lý cho một nhóm người đặc thù có thể nâng họ lên cao hơn một tầng tâm thức cao hơn nơi họ có thể nắm bắt một giáo lý cao hơn và cứ như thế tiết lộ tuần tự. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ nói: “Vậy khi nào thì giáo lý tối hậu sẽ được trao truyền? Bởi vì chắc hẳn phải có một giáo lý tối hậu.”
13.5. Giáo lý tối thượng về mọi sự
Lẽ tất nhiên ý kiến này được sự hậu thuẫn của khoa học, đã từ nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ tìm cầu lý thuyết hay nhận biết tối thượng về sự vận hành của thế giới, Lý thuyết về mọi sự (Theory of Everything). Minh triết về mọi sự, giáo lý về mọi sự ở đâu? Khi nào nó được trao truyền? Một lần nữa, sẽ không bao giờ có một giáo lý tối thượng được trao truyền trên trái đất một phần bởi vì trái đất hiện nay đang ở một tầng mức mà các thày gọi là một hành tinh không tự nhiên có nhiều giới hạn trầm trọng. Lý do khác là ngay cả trên một hành tinh tự nhiên cũng không thể trao truyền một giáo lý tối thượng. Bởi vì giáo lý tối thượng là gì, giáo lý tối thượng về mọi sự là gì? Nội dung của giáo lý tối thượng về mọi sự phải bao gồm những gì? Lẽ tự nhiên, giáo lý này phải bao gồm mọi sự. Giáo lý tối thượng về thế giới hình tướng này có thể tìm ở đâu? Trong tâm đấng Sáng tạo.
Làm sao giáo lý về mọi sự có thể truyền đạt đến bất kỳ tầng mức sáng tạo nào thấp hơn đấng Sáng tạo? À, điều này không làm được. Con chỉ có thể đạt tới tầng minh triết tối thượng bằng cách trở thành một với tâm đấng Sáng tạo. Lúc ấy con biết minh triết tối thượng. Lẽ tất nhiên, ta có thể tiếp cận vấn đề một cách khác và nói: “Khi nào thì giáo lý tối thượng sẽ được trao truyền trên trái đất?” Ấy, giáo lý tối thượng cho một hành tinh như trái đất là gì? Đó là giáo lý chỉ dạy cách vượt thăng những tầng mức tâm thức có mặt trên trái đất. Con có thể bắt đầu ở bất kỳ tầng mức nào, vươn lên những tầng tâm thức có thể có trên trái đất cho tới khi đạt được tầng cao nhất và rồi con vượt thăng tầng mức này và đi vào một trạng thái cao hơn. Cho dù con gọi nó là Niết bàn hay giác ngộ hay trạng thái thăng thiên hay gì khác, con có thể tốt nghiệp từ Trường học Trái đất.
Có thể nói là giáo lý nào giúp con tốt nghiệp trường học trái đất là giáo lý tối thượng có thể được trao truyền, tùy theo tình trạng đặc thù, hòan cảnh đặc thù trên trái đất, chính yếu là tùy theo tầng mức của tâm thức tập thể nhưng cũng tùy theo độ dày đặc của vật chất. Nhìn theo góc độ này, chúng ta có thể nói là giáo lý tối thượng đã được trao truyền dưới nhiều dạng vì giáo lý của Phật có thể giúp con người thăng vượt các tầng mức tâm thức khả thi trên trái đất, và giáo lý của Ki-tô cũng thế, cũng như nhiều giáo lý khác có tính chất tôn giáo hay thần bí. Vấn đề không phải là nghĩ rằng có một giáo lý tối thượng sẽ đem lại kết quả một cách máy móc. Đây là một khiếm khuyết trong tư duy mà thày muốn sửa đổi, vì tâm đường thẳng sẽ nói: “À, nếu tôi có giáo lý tối thượng, thì khi tôi học hỏi giáo lý này và hiểu nó nói gì, chắc chắn tôi phải đạt được tầng tâm thức tối thượng và sẽ giác ngộ, thức tỉnh và thăng thiên.”
13.6. Hiểu giáo lý so với nâng cao tâm thức
Không thể trao truyền một giáo lý có thể đem lại sáng ngộ một cách tự động và máy móc cho bất cứ ai hiểu giáo lý. Tại sao không làm được? Bởi vì mục đích của con đường tâm linh là nâng cao tâm thức của con lên quá các tầng tâm thức có thể có trên trái đất để con có thể nhảy vọt lên tâm thức thăng thiên. Mục đích là xoay chuyển tâm thức con lên cao, không phải là xoay chuyển hiểu biết của con lên cao và điều này lẽ tất nhiên sẽ làm chấn động khiến nhiều nguời tâm linh thuộc nhiều truyền thống. Thậm chí nhiều người thuộc các thời đại trước cũng sẽ bị chấn động bởi câu nói này vì trong tâm của họ, họ nghĩ rằng hiểu biết tương đương với tầng mức nhận biết. Ắt hẳn để có thể hiểu trọn vẹn một giáo lý nào đó, bạn phải đạt tới tầng nhận biết cao nhất – nếu không làm sao bạn hiểu được giáo lý?
Có sự khác biệt giữa hiểu một giáo lý bên ngoài và thể nhập giáo lý qua đó con nâng cao tâm thức mình. Hiểu một giáo lý khác nâng cao tâm thức vì hiểu điều gì đó có nghĩa gì? Hiểu nghĩa là quan sát từ bên ngoài. Khi con lấy một giáo lý dù là kinh Phật hay kinh Ki-tô hay bất kỳ kinh nào khác, thì con lấy một giáo lý mà con xem đến từ bên ngoài tâm con. Con đánh giá nó với trí năng, tâm phân tích, tâm đường thẳng. Con tìm cách nắm bắt và hiểu nó nhưng con vẫn coi nó là cái gì bên ngoài con. Con có thể tìm cách hiểu cõi tâm linh. Con có thể tìm cách hiểu một chân sư thăng thiên như thế nào, con nghĩ rằng nếu con hiểu Thày Lanto thì con sẽ nối kết với thày, nhưng điều này không thể làm được.
13.7. Trải nghiệm so với biết từ bên ngoài
Hiểu mang ngụ ý là có khoảng cách giữa người biết và cái được biết. Làm sao con nâng cao tâm thức khi con còn thấy có khoảng cách? Làm sao con nối kết với Thày Lanto và Minh triết của Tia thứ Hai? Con không nối kết được nếu con nghĩ đây là điều con có thể nắm bắt bằng trí năng, điều con thấy bên ngoài con, một hiểu biết mà con phải đạt được. Con rốt cuộc sẽ nối kết được khi con tới điểm nhận ra là không có khoảng cách và con trải nghiệm là không có khoảng cách. Con không cố gắng hiểu thày, vì dù con hiểu thày rõ tới đâu bằng trí năng, con sẽ vẫn không nối kết được với thày. Thày đã nhiều lần đứng sát cạnh, nói theo nghĩa bóng, một học trò đang tìm cách nắm bắt Minh triết Thiêng liêng. Thày đang vỗ vai, nói theo nghĩa bóng, người học trò và nói: “Thày đang ở đây.” Nhưng người học trò mải nhìn vào kinh điển bằng trí năng để cố gắng hiểu: “Ắt hẳn thày ở ngoài kia. Thày không thể ở quá xa.”
Một số người nghĩ: “Thày càng ở xa, tôi càng cần nhiều nỗ lực để hiểu thày, thì tôi càng cao trội hơn, càng đặc biệt hơn nếu tôi có thể hiểu vị thày ở xa tít đó.” Thày vẫn còn đứng ngay đây, con chỉ cần quay đầu và nhìn. Nhưng không đâu, y đang nhìn vào cuốn sách và kinh điển, đo lường với trí năng của mình: “Cách giải thích này cao trội hơn hay là cách giải thích kia cao trội hơn? Gía chi tôi tìm thấy cách giải thích cao trội thì chắc đấy là thày Lanto.” (Người sứ giả gõ vào máy thu âm ba lần). Thày vẫn còn ngay đây. Tại sao con không ngửng đầu khỏi cuốn sách và có thể tình cờ nhìn thấy thày? Nhưng không đâu: “Tôi đang tập trung vào cuốn sách, bởi vì chắc chắn thày Lanto phải đang lẩn trốn giữa các hàng chữ trên trang giấy. Thày có thể nào ở đâu khác?” Con thấy chăng đây là trò chơi mà con người có thể chơi vô thời hạn khi họ vẫn tìm cầu cái ưu việt của trí năng thay vì tìm cầu sự giản dị của trải nghiệm.
Minh triết là gì? Nó có thể nói ra lời được chăng? Không đâu. Minh triết là một trải nghiệm. Nó là một Hiện diện. Con chỉ có thể trải nghiệm Hiện diện. Con không thể hiểu Hiện diện. Đó là lý do tại sao con không thể hiểu Hiện diện TA LÀ của con, con chỉ có thể trải nghiệm Hiện diện.
13.8. Có một cái ngã chăng?
Trở lại câu hỏi mà Phật từ khước trả lời: Có một cái ngã chăng hay không có ngã? Các thày Bà la môn tranh luận điều này không ngừng. Một số vẫn còn tranh luận ngày nay. Một số người ngày nay đã lấy những giáo lý cổ xưa này và tạo ra phiên bản hiện đại của họ. Họ vẫn còn đang tranh luận: “Có chăng một cái ngã hay một trạng thái vô ngã? Chúng ta có nên cố gắng đạt tới ngã tối thượng là Atman, cái ngã trường tồn và bất biến? Nhưng hãy đợi một chút. Phật nói rằng không có một ngã như thế. Vậy chúng ta phải làm ngược lại và nói như vậy có nghĩa là không có ngã nào cả. Không có ngã trường tồn mà cũng không có bất kỳ loại ngã nào khác. Chúng ta phải cố gắng đạt được vô ngã và chối bỏ là chúng ta có bất cứ ngã nào. Lúc ấy chúng ta sẽ trở về hợp nhất với nhận biết tối thượng, vô biên của Brahman.”
Giáo lý Vệ đà nói rằng có một Atman, là cái ta tối thượng, cái Ta Một, cái ta không phân chia trường tồn, bất biến. Vậy các hiền giả Rishi có hoàn toàn sai khi nói thế? Có và không. Chúng ta có thể nào soi sáng vấn đề một cách khác với giáo lý do các chân sư thăng thiên trao truyền chăng? Có và không. Các thày có thể giải thích, các thày có thể cố gắng giải thích bằng từ ngữ, nhưng con người có thể nắm bắt được chăng? Hay họ sẽ rơi vào tranh cãi không dứt và lấy bất cứ giáo lý nào mà các thày trao truyền để tạo ra những lập luận mới, những diễn giải mới, những diễn giải trí năng cầu kỳ mới?
13.9. Hai khía cạnh của tâm thức Ki-tô
Hãy để thày cố gắng trao truyền cho con một điều. Các nhà tiên tri Vệ đà có nói sai chăng về Atman? Dựa trên các khái niệm và ngôn từ mà các thày đã dùng trong các giáo lý này, thì ta có thể nói “không hẳn thế”, bởi vì các thày đã nói gì? Các thày đã nói đấng Sáng tạo đã tạo ra mọi sự từ chính bản thể ngài, từ chính tâm thức ngài, từ chính bản ngã ngài. Cái đầu tiên được tạo, đấng Con đầu tiên, là tâm thức Ki-tô. Tâm thức này có mục đích đem lại sự hợp nhất giữa đấng Sáng tạo và tạo vật của ngài để tạo vật này, tức là những phần nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo, không thể mãi mãi lạc lối trong hình tướng. Con có thể nói là có một khía cạnh của tâm thức Ki-tô, của tâm thức Ki-tô hoàn vũ, ngày hôm qua ngày hôm nay và mãi mãi vẫn là một, như kinh điển có nói. Có thể nói là nó không có sắc thái, không biến đổi theo thời gian, không có phân biệt, không có hình tướng. Do vậy, nó không thể biến đổi, vì nó vượt lên trên quan niệm mà con có thể có từ thế giới hình tướng.
Mặt khác, tâm thức Ki-tô hoàn vũ được sinh ra từ đâu? Từ Bản thể của đấng Sáng tạo, từ tâm thức của đấng Sáng tạo. Có đúng chăng là đấng Sáng tạo luôn luôn thăng vượt chính mình? Có đúng chăng là đấng Sáng tạo tạo tác để ngài có thể trải nghiệm sự sáng tạo, trải nghiệm tạo vật của chính ngài từ bên trong xuyên qua các con là những nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo? Như vậy phải chăng tâm thức Ki-tô quả thật không biến đổi hay nó giản dị có hai khía cạnh? Một khía cạnh luôn luôn hợp nhất với đấng Sáng tạo và khía cạnh kia của tâm thức Ki-tô luôn luôn thay đổi, thích ứng với những ảo tưởng mà con người tạo ra và cho họ con đường từ ảo tưởng quay về cái một.
Các nhà tiên tri Vệ đà có hoàn toàn nắm bắt điều này chăng? Không đâu, vì họ bị kẹt trong lý luận trí năng cho rằng nhất định phải có hai mặt của đồng tiền, hai đối nghịch. Họ lý luận rằng khi có một thế giới nơi mọi sự đều biến đổi và chuyển động thì phải có cái đối nghịch không thay đổi gì cả. Phải chăng những giáo lý mà các hiền triết (Rishis) nhận được đến từ tầng tâm thức đã bị phân chia và như thế có tính chất nhị nguyên? Con thấy ở đây đặc tính của trí năng, của tâm đường thẳng. Tâm này lấy một trạng thái đặc thù, thông thường từ những gì có thể quan sát trong thế gian, và sau đó nó từ đó lý luận lên trên hay ngược lại để suy ra cõi tâm linh và nguồn gốc của sáng tạo.
Nó luôn luôn lý luận rằng bất cứ điều gì có thể quan sát thì phải có cái ngược lại. Nếu con quan sát thấy mọi điều trên thế gian đều biến đổi và chuyển động thì phải có cái ngược lại không thay đổi. Sau đó, nó phóng chiếu là phải có một minh triết nào đó cao hơn. Các hiền giả (Rishis) nói là có một cái ta bất biến và trường tồn là Atman, và mọi người đều phát xuất từ Atman đó. Khi họ thức tỉnh từ ảo tưởng họ tách biệt với Atman, thì họ sẽ tan biến vào Atman, trở thành một với Atman. Mặt khác, Phật nói rằng khi quan sát nội tâm, Phật chưa bao giờ khám phá thấy một cái ta bất biến trường tồn trong mình. Vậy Phật sai hay các hiền giả (Rishis) sai?
13.10. Cái ta luôn luôn vượt thăng chính nó
Những gì Phật dạy quả thật Phật đã gần sự thật hơn, một sự thật không thể bày tỏ đầy đủ bằng ngôn từ. Bởi vì khi con truy tìm nguồn gốc của mình, thì đầu tiên hết con tìm thấy Cái Ta Biết của con vượt quá cái ta vỏ ngoài, sau đó con tới Hiện diện TA LÀ của con là một nối dài của các chân sư thăng thiên, là nối dài của các chân sư thăng thiên khác, nối kết trở lại tới tận đấng Sáng tạo xuyên qua các bầu cõi đã thăng thiên. Con là một phần của tạo vật của đấng Sáng tạo và trong sự sáng tạo luôn luôn có biến đổi và chuyển động. Sự sáng tạo luôn luôn thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia. Thật có chăng một cái ngã bất biến, một cái ngã cá nhân bất biến?
Các thày đã giải thích là các con được tạo ra để là những người đồng sáng tạo. Người đồng sáng tạo là gì? Đó là một sinh thể bắt đầu như một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, dần dà mở rộng ý niệm bản ngã của mình cho tới khi đạt được tự nhận biết của đấng Sáng tạo. Điều này không có nghĩa là con tan biến trong đấng Sáng tạo đã tạo ra con, mà có nghĩa là con đã tự mình trở thành một đấng Sáng tạo. Con được tạo ra như một sinh thể chuyển động, tự thăng vượt và tiến trình này có thể tiếp diễn vô tận. Vậy thì Atman, cái ta bất biến, ở đâu? Nó không có đó.
13.11. Trạng thái không có cái ta vỏ ngoài
Có một khía cạnh của tâm thức Ki-tô, tâm Ki-tô hoàn vũ mà con có thể trải nghiệm ngay khi là một con người đang hiện thân trên trái đất. Khi con trải nghiệm tâm thức Ki-tô trên một hành tinh luôn luôn chuyển động, thì tâm thức này giống như một tảng đá không lay động so với sự chuyển động liên tục của con. Đó là lý do vì sao trước kia nó được diễn giải như vậy, như một cái ta bất di dịch. Đây là sự diễn giải nhìn từ thế giới hình tướng trên một hành tinh như trái đất. Sau đó con có thể tiếp tục và nói: “Phải chăng Phật có nói tới một trạng thái vô ngã? Vậy thì Phật ngụ ý gì?” Nhiều người Phật tử hiện đại nghĩ rằng mục đích tu theo Bát chánh đạo là đạt tới một trạng thái vô ngã bằng cách buông bỏ tất cả mọi ngã. Có những người khác trong thế giới Tây phương đã dùng tư duy đường thẳng lý luận và nghĩ rằng mục đích của con đường tâm linh là trừ tiệt cái ngã. Ai đúng? Ai sai?
Câu trả lời tùy theo con đang nói tới ngã nào. Nếu con nói tới ngã tách biệt, cái tự ngã sinh ra từ tâm thức nhị nguyên, thì quả thật Phật dạy đạt tới một trạng thái không còn tự ngã này, không còn ngã vỏ ngoài. Điều này không có nghĩa là Phật nói con không có ngã. Bởi vì khi con không còn bị kẹt trong sự đồng hóa với tự ngã, thì con khám phá con là một nối dài của cái ta cao của con, Hiện diện TA LÀ của con. Hiện diện TA LÀ của con có một cá tính được quy định bởi cha mẹ tâm linh của con, các chân sư thăng thiên. Con được sinh ra để mở rộng cái ta đó, vượt thăng nó và trở nên hơn nữa khi cá thể này tăng triển.
Nếu con lý luận rằng mục đích của con đường tâm linh là đạt trạng thái vô ngã nơi con thật sự không hiện hữu, thì một lần nữa con lại dùng tâm đường thẳng để lý luận rằng mọi chuyện phải có hai đối cực, và điều này một lần nữa cho con thấy khuyết điểm của tâm lý luận này. Khi Cái Ta Biết tách ra khỏi ngã vỏ ngoài và cá tính vỏ ngoài, thì con khám phá cái ta cao, Hiện diện TA LÀ và cá tính của nó và con bắt đầu biểu thị cá tính đó.
13.12. Trạng thái vô ngã
Vậy tại sao có những người đã trải nghiệm hay tự nhận là đã trải nghiệm trạng thái vô ngã? Có thể có chuyện này chăng? Suốt một thời gian rất dài, kể từ khi sa nhân sa ngã ở bầu cõi Thứ tư, thì họ đã tạo ra cái mà các thày gọi là một quần thể, một ngã tập thể, một quái vật tập thể giống như trạng thái trống không, trạng thái vô ngã. Trên trái đất các sa nhân đã làm hai điều với cái ngã. Một mặt, họ tìm cách nâng cao bản ngã của họ lên một địa vị tối thượng qua đó họ nghĩ rằng Thượng đế bắt buộc phải cho họ vào thiên đường hay cho họ quyền điều hành vũ trụ vì họ quá ư tinh xảo. Mặt cực đoan kia, họ đã tạo ra trạng thái vô ngã này, với mục đích gì? Họ tìm cách lôi kéo, đặc biệt là những người tâm linh, đi vào một trong hai hướng đó. Hoặc là tìm cách làm cho ngã tinh xảo đến mức nó có thể đi vào thiên đường, hoặc chối bỏ có một cái ngã và đi vào trạng thái lấp lửng hay chốn vô định hay chốn vô ngã khi nghĩ rằng mình không có ngã.
Có những người tin rằng họ đã khắc phục ngã và ngã đã chết. Họ phóng chiếu là có những chân sư đã đạt tới trạng thái vô ngã, bất nhị. Làm sao con biết được là con đã đạt trạng thái vô ngã này? Khi con nói: “Tôi đã đạt vô ngã, tôi đã đạt bất nhị” thì cái “ngã” nào đang nói? Chẳng phải đấy là một ngã hay sao? Khi con có cái ngã nói: “Tôi là vô ngã” thì con có thật sự thoát khỏi ngã chăng? Hay là con chỉ giản dị đi vào một ảo tưởng lừa gạt mình nghĩ rằng mình đã đạt được một trạng thái tối thượng nào đó trên đường tâm linh?
13.13. Thăng vượt liên tục
Trạng thái tối thượng trên con đường tâm linh là gì, ít nhất là trên trái đất? Đó là nhận ra con là một người đồng-sáng tạo. Con đi ra từ Bản thể đấng Sáng tạo, con có thể gọi là Brahman hay nhận biết vô biên hay bất cứ gì khác mà con muốn. Con không được tạo ra để hiện thân trên một hành tinh như trái đất và trải qua nhiều ngàn kiếp đầu thai với tất cả khổ đau mà đầu thai đem lại để rồi một ngày kia con giản dị thức tỉnh và tan biến vào cái hư không mà con từ đó đi ra.
Đấy không phải là mục đích của tiến trình sáng tạo. Mục đích của sự sáng tạo là tự thăng vượt, thăng vượt vô hạn định, mãi mãi, liên tục. Đấy là minh triết cao nhất. Thày không nói là minh triết tối thượng, nhưng đó là minh triết cao nhất có thể trao truyền trên một hành tinh như trái đất. Nếu con nắm bắt được điều này và vượt thăng và tiếp tục vượt thăng, thì nó sẽ đưa con vượt quá tầng tâm thức của trái đất và con có thể trải nghiệm một dạng minh triết vô vàn cao hơn, không thể trao truyền hay trải nghiệm trên trái đất. Bởi vì chỉ khi nào con là một chân sư thăng thiên, con mới có thể thực sự trải nghiệm tầng tâm thức vượt quá trái đất.
13.14. Hiểu sai về truyền thống Vệ đà
Một trong những hiểu sai chí tử về toàn bộ hệ thống Vệ đà (dù con gọi nó là Vedanta hay Advaita Vedanta hay bất kỳ tên nào khác), và thày dùng chữ “chí tử” hiển nhiên như một khiêu khích, là họ đã không nắm bắt ý nghĩa của nhị nguyên. Một câu nói thường được trích dẫn là: “Brahman là thực tại duy nhất. Thế gian là một ảo tưởng.” Cho nên họ nghĩ, họ lý luận chỉ có Brahman là thực và do đó, con như là một cái ta, con không thực. Cái ta không thực. Cái ta là một cái ta tách biệt. Nó không thực và do đó để đạt được bất nhị, để thoát khỏi nhị nguyên mà họ coi là mục đích cao nhất, con phải khắc phục cái ta vì cái ta chỉ có thể là nhị nguyên.
Con hãy xem xét câu nói: “Chỉ Brahman mới thực, thế gian là một ảo tưởng.” Trong câu này có nhị nguyên. Nếu Brahman là thực và là điều duy nhất hiện hữu, thì thế gian từ đâu tới? Nó ắt hẳn phải tới từ Brahman. Đâu có gì khác. Làm sao thế gian có thể là một ảo tưởng nếu nó đến từ Brahman và do Brahman tạo ra? Thế gian là Brahman biểu hiện chính mình như thế gian. Làm sao khi Brahman biểu hiện chính mình như hình tướng lại tạo ra ảo tưởng, khi chỉ có Brahman là thực? Thế gian cũng là Brahman vậy ảo tưởng ở đâu?
Nói thế gian tách biệt khỏi Brahman là một ảo tưởng. Khi nói Brahman là thực và thế gian là một ảo tưởng, phải chăng con đã tách thế gian ra khỏi Brahman? Phải chăng con đã tạo ra nhị nguyên dù con khẳng định câu nói này vượt trên nhị nguyên? Con thấy sự gian xảo của tâm lý luận. Thế gian không phải là một ảo tưởng. Thế gian được tạo ra từ các sinh thể thăng thiên biết và trải nghiệm họ là những nối dài của Bản thể của đấng Sáng tạo – con có thể gọi là Brahman hay đấng Sáng tạo hay bất kỳ tên gọi nào khác. Chúng ta biết chúng ta từ đâu tới và chúng ta biết chúng ta được sinh tạo bởi đấng Sáng tạo, chúng ta được sinh tạo từ Bản thể của đấng Sáng tạo và do đó sự hiện hữu của chúng ta không phải là một ảo tưởng. Chúng ta có thực và thế giới có thực. Thế giới hình tướng có một thực tại dù con đang ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Nơi đây vẫn có những cấu trúc thực. Thế giới không phải chỉ là một ảo tưởng.
Giờ đây con hãy xem xét: Nếu Brahman là tất cả những gì có thực và Brahman sinh tạo thế giới, lẽ tất nhiên Brahman biết thế giới là Brahman thì làm sao có thể có ảo tưởng? Có thể nào có ảo tưởng trong tâm Brahman chăng? Điều này nghe có hợp lý chăng? Vậy thì ảo tưởng nằm ở đâu? Nó chỉ có trong tâm tách biệt khỏi nguồn cội của tâm. Nó chỉ có trong tâm nhìn Brahman từ một khoảng cách và tìm cách hiểu và phóng chiếu một hình ảnh lên Brahman. Toàn bộ truyền thống bắt nguồn từ kinh Vệ đà và các nhà tiên tri Vệ đà (Vedic seers), đều đặt nền tảng trên nhị nguyên.
13.15. Hình tướng khác biệt không phải là nhị nguyên
Các thày đã trao truyền gì cho các con? Một cái nhìn khác. Các nhà tiên tri Vệ đà sẽ nói tầm nhìn này thô thiển, đây là một mức hiểu thấp hơn. Họ sẽ nói chỉ có Brahman là thực. Mỗi khi con có sự phân chia thành một thứ gì đó khác với Brahman, thì con có nhị nguyên. Thày vừa nói gì? Nếu chỉ có Brahman là thực, mọi sự đều được sinh tạo từ Brahman ra cho nên thế gian vẫn là Brahman. Nhị nguyên ở đâu? Nhị nguyên không ở trong thế giới hình tướng. Nhị nguyên không ở trong thực tại. Nhị nguyên chỉ có ở trong tâm, tâm tách biệt, tâm thấy mình tách biệt.
Đúng vậy, mục đích của con đường tâm linh là khắc phục tâm tách biệt, nhưng con không khắc phục tâm tách biệt bằng cách đi vào trạng thái vô ngã. Con khắc phục nó bằng cách khắc phục ảo tưởng rằng con có thể là một ngã tách biệt, tách biệt khỏi tâm một. Khi con khắc phục ảo tưởng là con đồng hóa với ngã tách biệt, thì con không tan biến mất, con không đi vào vô ngã. Con khám phá Hiện diện TA LÀ của con: “À, tôi là cái này. Tôi không là cái ở dưới này, tôi là cái này! Và ô kìa, Hiện diện TA LÀ đến từ cái này, và cái này đến từ cái kia, và cái kia đến từ đấng Sáng tạo.” Con không thấy một đấng Sáng tạo không phân chia, con thấy một chuỗi cấp bậc đi lần tới đấng Sáng tạo.
13.16. Bẫy của tâm sa ngã: hoặc ngã tách biệt ưu việt hoặc vô ngã
Những tín đồ Vệ đà đã tạo ra cảm tưởng này: “Chỉ có Brahman và thế gian. Chỉ có nhận biết vô biên và thế gian. Thế gian là một ảo tưởng. Khi ta thức tỉnh khỏi ảo tưởng, ta trở về với Brahman.” Đây là lời gian dối của tư duy sa ngã. Khi con thức tỉnh khỏi ảo tưởng mình tách biệt, thì con thức tỉnh và nhận ra con tới từ thực tại nào, con là nối dài của cái gì và mục đích của con là tăng trưởng tự nhận biết. Con không trở về đấng Sáng tạo bằng cách tan biến và trở thành số không. Con trở về đấng Sáng tạo bằng cách trở thành tất cả những gì đấng Sáng tạo là, đạt được tâm thức của đấng Sáng tạo. Đó là lý do tại sao đấng Sáng tạo sinh tạo tất cả chúng ta là những sinh thể cá biệt có tự nhận biết. Nếu chúng ta muốn, tất cả chúng ta đều trên hành trình trở về nguồn cội, nhưng nguồn cội chúng ta không phải là hư không. Nguồn cội chúng ta là đấng Sáng tạo và đấng Sáng tạo muốn chúng ta đi trên hành trình trở về này một cách ý thức, đạt được những tầng nhận biết và ý niệm bản ngã càng ngày càng cao hơn, để chúng ta có thể nhận chân mọi tầng mức của tạo vật của đấng Sáng tạo và góp phần đồng-sáng tạo nó. Đây là điều đấng Sáng tạo muốn; không phải là hành trình giả dẫn tới sự ưu việt của ngã tách biệt hay vô ngã.
Các con yêu dấu, thày nhận ra, như Chân sư MORE và các thày khác đã nói, là đôi khi các thày trao cho các con nhiều hơn những gì con có thể hiểu thấu. Nếu con cứ tiếp tục thăng vượt chính mình thì con sẽ tới điểm hiểu thấu được. Vì nếu tiết lộ tuần tự chỉ cho con những gì con có thể hiểu thấu ở tầng mức hiện tại của con, thì sao nó có tín chất tuần tự được?
13.17. Nối kết với Thày Lanto
Tất cả những điều trên liên quan gì tới kết nối? Thày đã cho các con những gợi ý về Hiện diện TA LÀ của con. Thày đã cho con những gợi ý về minh triết thật sự. Làm sao con kết nối được với Thày Lanto và Hiện diện của Minh triết? Bằng cách trải nghiệm Hiện diện của thày. Thày vẫn đang đứng ngay cạnh con (âm thanh gõ trên vai con). Con hãy giản dị nhìn đi. Nhìn với tâm không thành kiến. Nhìn với sơ tâm (beginner’s mind). Nhìn với tâm trẻ thơ và con có thể tìm thấy thày. Nếu ý muốn của con là trải nghiệm Hiện diện của Minh triết thì thày đang ở ngay đây. Thày chẳng đi đâu cả. Con có đi nơi nào khác chăng? Nếu thế thày hy vọng nơi ấy gần thày hơn. Gần điểm nơi con khám phá thày lúc nào cũng đang ở ngay đây.
Tới đây thày cám ơn con đã kiên nhẫn và thày niêm con trong Hiện diện của Minh triết Thiêng liêng mà thày hy vọng đã chứng minh là minh triết này vượt lên trên trí năng và tâm đường thẳng. Lanto THÀY LÀ.