Thắng cái ác qua sự không dính mắc

Hỏi: Xin thày nói về vai trò của sự không dính mắc trong quan hệ với cái ác.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Không dính mắc, hay vô chấp, là một khái niệm mà lý trí phàm nhân không thể hiểu được. Đó là một khái niệm vượt khỏi lối suy nghĩ đường thẳng và tâm nhị nguyên.

Một người tầm đạo sẽ được ích lợi rất nhiều nếu hiểu ra là có nhiều khái niệm tâm linh thật sự không thể nào diễn đạt bằng lời. Lý do là vì ngôn từ là một phương tiện đường thẳng, có thể được diễn giải bằng nhiều cách – hay bị hiểu lầm – bởi tâm nhị nguyên. Cho nên để nắm được hoàn toàn – nghĩa là thể nhập – một khái niệm, con cần sử dụng các giáo lý vỏ ngoài vỏn vẹn như một bàn đạp để chứng nghiệm sự thật bên trong qua trực giác. 

Điều này có nghĩa là khi chúng tôi, các chân sư, giảng dạy một giáo lý tâm linh, như giáo lý ta giảng dạy 2000 năm về trước, chúng tôi không bao giờ có ý định đưa ra một lời dạy toàn hảo, bất khả ngộ về sự thật. Chúng tôi biết rõ là không có lời dạy nào diễn đạt bằng ngôn từ mà có thể là sự trình bày trọn vẹn của sự thật. Sự thật không thể diễn tả qua lời nói. Sự thật chỉ có thể được chiêm nghiệm và thể nhập. Có thể nói rằng con không thể biết hay hiểu được sự thật mà chỉ có thể trở thành sự thật mà thôi. Chẳng hạn như câu: “Giê-su nói với người ấy rằng: Ta là con đường, sự thật và sự sống; không ai đến với Cha mà không bởi ta.” (John 14:6)

Câu nói trên là ví dụ điển hình về điều ta đang trình bày. Bao nhiêu tín hữu đạo Cơ đốc bị kẹt trong tâm nhị nguyên đã diễn giải là con người vỏ ngoài của Giê-su Ki-tô, hay đạo Ki-tô, là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi. Nhưng ý nghĩa thực sự là tâm thức Ki-tô – vượt khỏi tâm nhị nguyên đường thẳng – là cách duy nhất để biết Thượng đế và sự thật của Thượng đế. Và con chỉ có thể biết sự thật bằng cách hợp nhất với sự thật và trở thành chính tâm Ki-tô. Không một người nào có thể đến với Cha trừ khi mình hợp nhất với cái ta Ki-tô của mình.    

Bằng cách kết hợp với cái ta Ki-tô của con, con sẽ dần dần hết dính mắc vào những thứ của thế gian. Điều này sẽ không xảy ra nếu con cố tình kiềm chế những ham muốn của con đối với các đồ vật thế gian, mà sẽ xảy ra vì cái ta Ki-tô của con sẽ giúp con nhận ra rằng sự sống là nhiều hơn những thú vui vật chất. Rồi con sẽ bắt đầu ham muốn những thứ của Tánh linh nhiều hơn những thứ của thế gian.

Nếu con so sánh điều này với một bài giảng mới đây của ta về cách đối phó với cái ác, con có thể thấy được một sự thật sâu sắc. Suốt các thời đại, biết bao người tầm đạo đã tin rằng thế giới là chiến trường cho cuộc giao tranh vĩ đại giữa hai lực lượng thiện và ác. Họ thường tin rằng mục đích của đường tu tâm linh là làm thế nào đánh bại cái ác bằng cách sử đụng vũ lực tâm linh, và thậm chí cả vũ khí của thế giới vật chất. Hay họ tin rằng bằng cách chối bỏ những thứ của thế gian, họ sẽ tự động mở cửa ra Tánh linh.

Kỳ thực, chìa khóa tối hậu – chìa khóa duy nhất – để chiến thắng cái ác là không dính mắc. Con không đánh nhau với cái ác. Con chỉ đơn giản bước xa ra. Con trở thành hoàn toàn không dính mắc với mọi biểu hiện của cái ác – kể cả ý tưởng là con phải đánh bại cái ác. Dù ông hoàng của thế gian có ném vào con bất cứ gì, con cũng từ chối không tham gia vào trò chơi của y. Con từ chối nhập vào cuộc chơi và như vậy con đứng ngoài cuộc đấu tranh cuồng đại giữa thiện và ác. Đó là vì sao ta đã nói: “”Nhưng ta nói cùng các người rằng: Đừng cưỡng chống kẻ ác, nhưng nếu có ai tát vào má phải của người, hãy đưa má bên kia cho họ luôn.” (Matthew 5:39)

Nhưng con hãy lưu ý, không dính mắc với điều ác không có nghĩa là con nhắm mắt trước điều ác. Nó có nghĩa là con thăng vượt điều ác và giúp người khác cũng làm tương tự. Nói cách khác, thay vì giao chiến với nó bằng vũ lực vật chất, con chiến đấu bằng sức mạnh tâm linh, có nghĩa là con chuyển hóa nó thành ánh sáng. Điều ta muốn nói là mặc dù cuộc giao tranh cuồng đại giữa thiện và ác có thực, giao tranh này chỉ diễn ra trong tâm của những con người bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên.  

Hay nói cách khác, chính ý thức đấu tranh mới tạo ra và duy trì cuộc đấu tranh. Và nguồn gốc của ý thức đấu tranh là sự đính mắc vào những thứ của thế gian. Khi con biểu hiện tính không bám mắc, con vươn lên khỏi cuộc giao chiến giữa hai thế lưc nhị nguyên của thế giới. Con không còn quan tâm là thiện hay ác sẽ thắng bởi vì con muốn Thượng đế thắng. Con ngộ ra là Thượng đế vượt khỏi cái thiện và cái ác do tâm nhị nguyên định nghĩa.