1 | Con là một người đồng-sáng tạo

Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 12/4/2005.

Trái tim yêu dấu của thày, con có thể tự hỏi làm thế nào một sinh thể được thiết kế như một người đồng-sáng tạo với Thượng đế – một sinh thể đi ra từ cái Tất cả của tâm thức Thượng đế, một sinh thể thật sự là Thượng đế đang biểu hiện như một dòng sống cá biệt – lại có thể đánh mất sự nhận biết về cái Tất cả nơi nó xuất phát. Đây là một câu hỏi mà con có thể lợi lạc khi quán chiếu.

1.1. Bí ẩn về sự cá biệt trong cái Tất cả

Câu hỏi này không có câu trả lời độc nhất vì mỗi người đồng-sáng tạo được thiết kế như một cá thể độc đáo. Lý do chính xác đã khiến con mất nối kết với nguồn cội của con sẽ không giống như một người khác. Chìa khóa để hiểu được bí ẩn này là suy ngẫm nan đề làm thế nào con cân bằng được việc biết mình là một sinh thể cá biệt, nhưng đồng thời mình cũng là một biểu hiện của cái Tất cả của Bản thể Thượng đế. Đây là thử thách chủ chốt đi kèm với món quà được ban cho con là cá thể và quyền tự quyết của con. Chưa có người đồng-sáng tạo nào đã có thể tránh né thử thách này. Nhiều người đã khá dễ dàng đáp ứng được thử thách, nhưng nhiều người khác phải mất nhiều thời gian mới giải được bí ẩn. Một phần đáng kể những người đồng-sáng tạo, kể cả hầu hết mấy tỷ dòng sống hiện đang cư ngụ trên hành tinh trái đất, vẫn chưa giải quyết được bí ẩn, chưa giải đáp được câu đố về cá thể con người.

Bí quyết để giải đáp bí ẩn là nhận ra ý nghĩa việc con là một sinh thể cá biệt. Con là ai, con là gì, đâu là cốt lõi của bản sắc con? Mọi tạo vật đều khởi đầu với điểm dị biệt (singularity) của Đấng Sáng tạo. Ở khởi đầu duy chỉ có Thượng đế, Đấng Sáng tạo, và Thượng đế đã là – và đang là – một Sinh thể trọn đủ. Đấng Sáng tạo có khả năng tự nhận biết và ngài có một ý niệm rõ ràng về bản sắc của mình. Đấng Sáng tạo khởi sự bằng cách tạo ra hai lực cơ bản, là lực lan ra của Cha và lực co lại của Mẹ. Hai lực này không chỉ đơn giản là lực vô tri như các lực tự nhiên mà con vốn thấy trên hành tinh trái đất, chẳng hạn như trọng lực và từ lực.

Hai lực tâm linh cơ bản này được chỉ đạo bởi hai sinh thể có tự nhận biết, là hai vị đồng-sáng tạo đầu tiên xuất thân từ Đấng Sáng tạo. Hai sinh thể này được Kinh thánh gọi là Alpha và Omega, sự khởi đầu và sự kết thúc. Họ không tách rời khỏi Đấng Sáng tạo mà thực sự là những phần nối dài, những cách hiển thị của Đấng Sáng tạo. Đó là tại sao Thánh kinh có ghi câu: “Ta là Alpha và Omega, sự khởi đầu và sự kết thúc – Thượng đế phán như vậy, tức là Đấng hiện có, đã có và còn đến, Đấng toàn năng” (Revelation 1:8). Vậy thì chúng ta có Đấng Sáng tạo đã tự biểu hiện là hai sinh thể tự nhận biết, hai đấng đồng-sáng tạo. Mỗi sinh thể này đều có khả năng tự nhận biết cho nên cũng có một ý niệm về cái ta, biết mình là một sinh thể riêng biệt, một cá thể riêng biệt. Bởi vì Alpha và Omega được Đấng Sáng tạo sinh tạo trực tiếp, cho nên sự nối kết của họ với Đấng Sáng tạo vững chắc và trực tiếp đến độ một sinh thể ở cấp này khó lòng nào đánh mất ý thức về mối nối kết đó, về sự hợp nhất đó.

1.2. Cây sự Sống

Alpha và Omega tạo ra hậu duệ, và có một số sinh thể tự nhận biết đã xuất thân trực tiếp từ Alpha và Omega. Sau đó những đứa con trực tiếp của Alpha và Omega tạo ra hậu duệ riêng của mình, rồi cứ thế xuyên qua nhiều bầu cõi sáng tạo. Không một hình ảnh đường thẳng nào có thể mô tả hoàn toàn chính xác thực tại tâm linh. Vì tâm con vẫn còn bị lập trình theo lối suy nghĩ đường thẳng quá đỗi, cho nên thày đang cố làm chuyện bất khả thi là mô tả sự thể này một cách đường thẳng. Tất cả mọi sinh thể tự nhận biết trong toàn bộ thế giới hình tướng đều là phần tử của cùng một dòng dõi dẫn ngược trở lên một Đấng Sáng tạo duy nhất. “Không có ngài thì không có tạo vật nào được tạo thành.” Nếu lấy hình minh họa một cây gia phả, chúng ta có thể thấy cây gia phả có nhiều nhánh tượng trưng cho nhiều thế hệ khác nhau. Con càng xa Đấng Sáng tạo bao nhiêu trên Cây sự Sống thì sự nối kết của con với Đấng Sáng tạo sẽ càng xa cách bấy nhiêu. Con càng xa Đấng Sáng tạo bao nhiêu thì con sẽ càng dễ đánh mất ý thức về sự nối kết này. Con có thể quá chú tâm vào cá thể riêng của mình đến độ cuối cùng con quên bẵng mất nguồn cội của mình, và con xem mình là một sinh thể tách biệt đang trôi nổi giống như con thuyền trôi dạt trên đại dương bất tận.

Nhưng hình ảnh cây gia phả cũng có những hạn chế nghiêm trọng khi con xem đến Thân thể Thượng đế, Cây sự Sống. Trong một cây gia phả bình thường, con sinh ra ở một vị thế nào đó và con không thể thay đổi vị thế này. Nhưng trong Thân thể Thượng đế, mỗi sinh thể tự nhận biết cho dù xuất thân từ đâu, đều có cơ hội vươn lên xuyên qua các tầng cấp khác nhau cho đến khi rốt cuộc nó đạt đến tâm thức trọn vẹn của Thượng đế. Và cũng giống như vậy, một sinh thể tự nhận biết có thể tuột xuống dưới mức nó đã sinh ra, và do đó nó có thể xa cách tâm thức Thượng đế nhiều hơn nữa.

Điều gì sẽ định đoạt con lên cao hơn hay xuống thấp hơn trên Cây sự Sống? Yếu tố quyết định là ý niệm cái ta của con, sự tự nhận biết của con, ý niệm bản sắc của con. Con sinh ra trong một gia đình nào đó và gia đình con có một dòng dõi có thể truy ngược lên nhiều thế hệ. Gen của con và cách nuôi dạy đã ảnh hưởng đến con người mà con là hôm nay, con người mà con xem mình là. Điều nhiều người không nhận ra là ý niệm bản sắc của con không hề cố định. Mặc dù nó có thể bị tác động bởi những lực bên ngoài, con có tiềm năng nắm chủ động cái ta của mình, thay đổi ý niệm cái ta theo viễn quan cao nhất của con.

Cơ thể vật lý của con là sản phẩm các gen di truyền trong gia đình con, và sự dạy dỗ con nhận được là sản phẩm của thế giới quan cùng nền văn hóa gia đình và xã hội. Nhưng con vẫn là một cá nhân riêng biệt, và con có khả năng vươn lên cao hơn nguồn gốc gia đình con theo nhiều cách, như nhiều người đã chứng tỏ. Vì con thực sự là một sinh thể tâm linh cho nên con có quyền tự do hoàn toàn để vươn lên cao hơn ý niệm bản sắc hiện tại của con, thậm chí vươn lên cao hơn cả ý niệm bản sắc mà cá thể con được sinh tạo. Cốt lõi con người con là ý niệm cái ta, ý niệm bản sắc của con.

1.3. Bản sắc của con không cố định bất biến

Khi Đấng Sáng tạo ban cho con khả năng tự nhận biết, khả năng tưởng tượng và quyền tự quyết, ngài đã tạo ra một sinh thể không có bản sắc cố định bất biến. Theo nghĩa đen con chính là con người mà con nghĩ mình là, con là con người mà con thấy mình là. Nếu con thấy mình là một đứa con của Thượng đế thì con chính là con của Thượng đế. Nếu con thấy mình là môt người phàm trần hữu diệt (mortal) thì con chính là một người phàm trần hữu diệt, ít ra trong thế giới của thời gian và không gian. Con có khả năng thay đổi ý niệm bản sắc của con, thay đổi nhận biết về mình bằng cách dùng trí tưởng tượng và quyền tự quyết của mình. Con có thể quên hay phủ nhận mình là con trai hay con gái của Thượng đế và thay vào đó hình dung, chấp nhận bản sắc mình là một kẻ tội đồ hữu diệt. Cũng vậy, con có khả năng bỏ lại đằng sau ý niệm bản sắc giới hạn của một người phàm trần và đòi lại bản sắc thực mà con đã có khi bước vào hiện hữu. Xong con có thể xây dựng dựa trên niệm tinh khôi đó và trở nên nhiều hơn nữa so với khi con được sinh tạo, và đây chính là kỳ vọng mà Đấng Sáng tạo dành cho con.

Để hiểu được những khái niệm này, có thể con sẽ cần một chút suy tư bằng trái tim, vì tâm phân tích sẽ không thể giải quyết những gì có vẻ mâu thuẫn đối với nó. Tâm Ki-tô Hoàn vũ lưu trữ bản mẫu thiêng liêng, niệm tinh khôi của cá thể con, là cá thể được ban phú cho con khi dòng sống của con lần đầu tiên bước vào hiện hữu. Bản mẫu này không bao giờ có thể bị mất, và sinh thể tâm linh lớn hơn mà từ đó con xuất phát sẽ tồn tại ở cõi tâm linh cho dù con có làm gì ở đây trên trái đất. Trên hết và trước hết, sinh thể tâm linh này là Hiện diện TA LÀ của con, nhưng Hiện diện TA LÀ của con là một thành phần của cây gia phả đi ngược trở lên Đấng Sáng tạo, có thể xuyên qua nhiều thế hệ hay cấp bậc. Như một sinh thể cá biệt, con là nhiều hơn Hiện diện TA LÀ của con, nhiều hơn cây gia phả của con và nhiều hơn cả Đấng Sáng tạo của con. Khi thày nói “nhiều hơn,” thày không có ý so sánh như thể con hơn Thượng đế. Điều thày muốn nói là con có một ý niệm tự nhận biết đặc thù vượt ngoài sự tự nhận biết của Đấng Sáng tạo cùng các thành viên trong gia đình tâm linh của con.

1.4. Hai khía cạnh của tự nhận biết

Con có một ý niệm tự nhận biết đặc thù, và ý niệm này gồm có hai khía cạnh: một là “nhận biết,” hai là “tự” – hay cái ta. Con nhận biết là con hiện hữu, con có bản thể, con mang sự sống. Nhận biết này tập trung vào cái con xem là “cái ta” của con, bản sắc của con. Nhận biết của con là bình chứa bản thể con, và ý niệm cái ta là nội dung trong bình chứa bản thể của cá nhân con. Nhận biết đem lại cho con hiện hữu, và cái ta thì đem lại cho sự hiện hữu của con một trọng tâm cụ thể và từ đó một cách để con tự biểu đạt trong thế giới hình tướng.

Sự nhận biết độc lập với cái ta, theo nghĩa là nó không tùy thuộc bất kỳ hình tướng nào. Nó có thể tồn tại như là nhận biết thuần khiết mà không tập trung vào – hay xuyên qua – một cá thể đặc thù, và chính nhận biết này là cốt lõi của bản thể Thượng đế. Thượng đế tối thượng là một trạng thái nhận biết thuần khiết, và nhận biết này thì vượt khỏi hình tướng, có nghĩa là nó không bao giờ có thể bị mất hay chia cắt. Nó có thể biểu đạt qua một hình tướng cụ thể, qua một cái ta cá nhân, bởi vì “không có ngài thì không tạo vật nào được tạo thành”. Nội dung của cái ta cá nhân này có thể che mờ nhận biết thuần khiết, thế nhưng nhận biết thuần khiết thì bất biến và trường cửu. Như một câu tục ngữ Ấn cổ đã nói: “Con người đến và con người đi, nhưng Ta thì tiếp tục mãi mãi.”

Ý niệm cái ta có thể thay đổi, tùy thuộc vào cách con nhìn mình như thế nào, con tưởng tượng mình ra sao, và con quyết định cái gì là thực và là một phần của chính con. Nó tùy thuộc hoàn toàn vào nội dung mà con bỏ vào bình chứa cái ta, và tất nhiên, ý niệm cái ta của con có thể bị ảnh hưởng bởi thế giới hình tướng. Đây là tại sao cái Ta Biết có thể bị lạc trong hình tướng và quên mất nhận biết thuần khiết là nguồn cội của nó. Con có thể thay đổi nhận biết về mình bằng cách thay đổi ý niệm cái ta, thay đổi nội dung bình chứa bản thể của con.

Nhận biết của con giống như một tờ giấy trắng, và trên tờ giấy này Đấng Sáng tạo đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp về bản mẫu thiêng liêng của con. Khi con bắt đầu chấp nhận một ý niệm thấp hơn về cái ta thì con dùng mực đen vẽ nguệch ngoạc lên giấy. Nếu con cứ tiếp tục làm vậy, rốt cuộc sẽ tới điểm những nét vẽ nguệch ngoạc này không chỉ che phủ bản mẫu thiêng liêng của con mà cả tờ giấy trắng bên dưới. Nhận biết thuần khiết và khuôn đúc cái ta tâm linh của con bị che lấp bởi một mạng lưới chằng chịt những gạch đen không có cấu trúc rõ ràng nào. May mắn thay, gạch đen không dùng mực không thể tẩy xóa mà được vẽ lên một tấm nhựa trong, có nghĩa là cả tờ giấy trắng lẫn bản mẫu ban đầu vẫn nguyên vẹn, không hề gì.

Trước khi một hình tướng cụ thể có thể được tạo ra, nó phải hiện hữu như một tâm ảnh trong tâm có tự nhận biết. Cái tâm tự nhận biết mà thày vừa gọi là Tâm Ki-tô Hoàn vũ là kho lưu trữ vĩnh viễn cho tâm ảnh, cho bản mẫu mô tả cá thể của con, cá thể mà con đã có khi được sinh tạo. Khi con phát triển khả năng tự nhận biết, đúng ra con sẽ xây dựng thêm trên nền tảng đó và khuếch trương ý niệm cái ta để con trở thành nhiều hơn những gì con đã là lúc ban đầu. Khi con đồng-sáng tạo thuận theo các định luật của Thượng đế, ý niệm cái ta mà con khuếch trương cũng sẽ được ghi lại trong tâm thức Ki-tô. Một khi đã thu hoạch thì thành tựu của con không bao giờ có thể bị mất.

1.5. Cái Ta Biết là cái nó thấy nó là

Trước khi một hình tướng có thể hiển thị, tâm ảnh phải được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Tâm ảnh, bản mẫu cho bản sắc cá nhân của con, không phải là một sinh thể tự nhận biết có khả năng bước vào thế giới hình tướng và hành xử ngay như một người đồng-sáng tạo. Bản mẫu, niệm tinh khôi, chỉ là một ý tưởng được giữ trong tâm của Sinh thể tâm linh lớn hơn nơi con đã xuất thân. Đó là một sinh thể mang tiềm năng chứ không là một sinh thể đã hiển thị. Cái đi vào thế giới hình tướng là cái Ta Biết, là cái ta tự nhận biết của con, nó nhận biết chính nó là một sinh thể riêng biệt có cá thể. Thượng đế trước hết tạo ra bản mẫu cho bản thể con, nhưng bản mẫu này chỉ trở nên sinh động khi ngài thổi sự sống vào nó bằng cách cho phép một phần Bản thể ngài làm linh hoạt cái ta với nhận biết thuần khiết.

Khi ý niệm cái ta lần đầu tiên được tạo ra, tất nhiên nó hoàn toàn thẳng hàng với bản mẫu thiêng liêng của con. Đến khi nó du hành vào thế giới hình tướng và sử dụng trí tưởng tượng cùng quyền tự quyết của nó, nó có thể trở nên nhiều hơn hay ít hơn bản mẫu nguyên thủy. Bản mẫu thiêng liêng cho bản sắc của con được lưu trữ vĩnh viễn trong Tâm Ki-rô Hoàn vũ, nhưng cái Ta Biết, tức ý niệm cái ta hiện thời của con, bất cứ lúc nào cũng là cái nó nghĩ nó là, cái nó thấy nó là. Có nghĩa là khi con thay đổi nhận biết về mình thì con người cũ của con, ý niệm cũ về cái ta, sẽ chết đi và không còn nữa. Khi một hạt lúa nảy mầm trên mặt đất, hạt lúa đó không còn nữa. Nó đã biến thành mầm và hạt thì không còn hiện hữu. Khi mầm mọc thành cây thì đến lượt mầm không còn nữa. Nó vẫn hiện hữu như một khái niệm, nhưng nó không hiện hữu như một thực tế hiển thị vì nó đã được thay thế bởi cây lúa.   

Điều này nghe có vẻ trừu tượng nhưng con hãy nhìn trải nghiệm của mình trong kiếp sống này mà xem. Khi con lên 5, con không nhìn thế giới hay nhìn chính con giống như bây giờ. Con có một tầm nhìn khác, rất có thể một tầm nhìn hạn hẹp hơn. Ngày hôm nay đứa bé đó ở đâu? Thực tế là nó không còn tồn tại. Thân xác đứa bé không đang tồn tại trong hình dạng thuở trước nữa, mà sự tồn tại này chỉ kéo dài ở chỗ nó đã lớn lên thành thân xác hiện thời của con. Ý niệm cái ta của đứa bé 5 tuổi cũng không tồn tại trong dạng cũ vì nó đã phát triển thành ý niệm cái ta mà con đang có hôm nay. Thày phải cảnh báo là cách ẩn dụ này có một số giới hạn vì những gì đã xảy ra cho con vào tuổi thơ ấu có thể đã tạo ra những vết thương tâm lý vẫn ảnh hưởng con đến ngày nay. Tuy vậy, ẩn dụ này vẫn minh họa được sự kiện là sự tự nhận biết có mặt trước đây đã được thay thế bởi một ý niệm rộng lớn hơn về cái ta.

1.6. Cái chết của cái ta tâm linh

Thày khuyến khích con hãy quán chiếu điều này trong tim và tìm kiếm cái hiểu trực giác từ bên trong vượt ra khỏi những lời thày đang trao cho con. Khi lần đầu tiên con dấn thân vào thế giới hình tướng trong tư cách một sinh thể riêng biệt, ý niệm cái ta mà con mang là sự biểu đạt của bản mẫu thiêng liêng của con, là cá thể mà Thượng đế đã ban cho con. Trong một thời gian, con đã xây dựng thêm ý niệm cái ta này. Rồi ở một điểm nào đó trong quá khứ xa xôi, con bắt đầu đi theo hướng ngược lại. Con bắt đầu thu hẹp ý niệm cái ta của con thay vì khuếch trương. Thay vì mở rộng nối kết với Hiện diện TA LÀ, con đã bắt đầu hạn chế dần mối nối kết này. Con giới hạn ý niệm cái ta của con và chú tâm nhiều hơn vào nội dung của bình chứa bản thể, dần dần quên mất chính bình chứa. Con tập trung hơn vào ý niệm cái ta mà con đã tạo dựng dựa trên trải nghiệm của mình trong thế gian thay vì ý niệm cái ta bất tử được lưu giữ trong tâm Ki-tô.

Lúc đầu đây là một diễn biến xảy ra từ từ, nhưng đến một thời điểm then chốt, con vượt quá điểm có thể quay ngược – mặc dù luôn luôn có khả năng con quay trở lại bản mẫu thiêng liêng của con. Một khi con đã vượt quá điểm này, con bị kẹt lại trong ý niệm cái ta hạn chế mà con đã tạo dựng. Con đánh mất sự kết nối ý thức với Hiện diện TA LÀ và do đó con quên mất nguồn cội thực của mình. Ý niệm cái ta của con không còn dựa trên sự kiện con là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ, vĩnh viễn nối kết với Hiện diện. Giờ đây con dựng lên một ý niệm cái ta mới dựa trên sự tách biệt với Hiện diện TA LÀ, hay đúng hơn tách biệt với hình ảnh về Thượng đế mà con đã xây đắp từ các tư tưởng được tìm thấy trong thế gian.

Chắc hẳn con từng đặt một nồi nước lên bếp và bật lửa. Trong một thời gian, nước dần dần hâm nóng và con không thấy có gì thay đổi. Nhưng khi nước nóng đến một nhiệt độ nhất định, sẽ có bong bóng nổi lên và chỉ ít lâu sau, nước lặng biến thành nước sôi sùng sục. Nếu con tiếp tục đun nồi nước, cuối cùng toàn bộ khối nước sẽ bốc lên thành hơi. Các phân tử nước vẫn còn ở đó, nhưng chúng đã khoác lấy một hình dạng khác hẳn, không còn là nước lỏng nữa. Bây giờ chúng hiện ra dưới dạng hơi nước, một dạng vô hình với những đặc tính khác nước lỏng. Mặc dù phân tử nước vẫn tồn tại nhưng nồi nước con đã đặt lên bếp lửa không còn nữa.

Trong một tiến trình rất lần hồi, con bắt đầu chìm xuống một ý niệm bản sắc thấp hơn. Lúc đầu hầu như con không nhận thấy là mình đang tách ly khỏi Hiện diện TA LÀ thay vì tiến lại gần hơn. Rồi đến một điểm sự nối kết của con với Hiện diện TA LÀ bị thu hẹp đến một giai đoạn quyết định, và thật đột ngột con đánh mất sự nhận biết ý thức về mối nối kết đó. Đây đúng là chuyện xảy ra chớp nhoáng. Con có thể hình dung con kéo căng một sợi dây cao su nhiều lần mà không làm nó đứt, luôn luôn có thể đưa nó về hình dạng nguyên thủy. Thế rồi tới điểm nó đứt thì ngay lúc đó con không thể đem nó về hình dạng nguyên thủy được nữa. Sự thể này được minh họa trong câu đồng dao quen thuộc về anh chàng Humpty-dumpty bị ngã nặng. Tất cả voi ngựa lẫn quân lính của nhà vua – tượng trưng cho bất kỳ thế lực nào của thế giới vật chất – cũng không thể gắn lại cho Humpty liền lặn như cũ.

Trước khi con đánh mất nối kết ý thức với Hiện diện TA LÀ của con, con vẫn coi mình là một sinh thể tâm linh nối kết với một cái gì lớn hơn mình, nối kết với một cái gì vượt ngoài thế giới vật chất. Sau khi con đi quá điểm tách biệt thì con thấy mình là một cá nhân riêng biệt, tách rời khỏi cái mà giờ đây con nhận thức là một Thượng đế bên ngoài, và tách rời khỏi các sinh thể tự nhận biết khác. Con không còn xem mình là một sinh thể tâm linh mà một sinh thể bị giam cầm trong giới hạn của thế giới vật chất, giới hạn của thời gian và không gian. Sự thay đổi này gây ấn tượng rất mạnh, mạnh đến nỗi cái biết về mình như một sinh thể tâm linh, cái ta mà con là trước khi tách biệt, lăn ra chết. Ý niệm cái ta mà con đã có trước khi đi quá điểm then chốt đó, không còn nữa. Nó đã được thay thế bằng một ý niệm cái ta mới không còn dựa trên sự nối kết với nguồn cội mà dựa trên sự tách biệt khỏi nguồn cội của con. Cái Ta Biết vẫn duy trì một sự tồn tại liên tục, nhưng nội dung của bình chứa cái ta đã khác hẳn – có thể còn đi ngược lại – bản mẫu thiêng liêng của con.

1.7. Ẩn dụ trong câu chuyện Adam và Eva

Hành trình đi xuống một ý niệm cái ta thấp hơn được Thánh kinh mô tả trong câu chuyện Sa ngã của Adam và Eva. Ngược với niềm tin phổ biến nơi các cộng đồng chính thống, đúng lý câu chuyện này không bao giờ được hiểu theo nghĩa đen. Câu chuyện không mô tả hai vị tổ tiên của toàn bộ nhân loại, mà thay vào đó minh họa cho quá trình sa ngã – sa ngã xuống một ý niệm cái ta thấp hơn, một trạng thái tâm thức thấp hơn – mà mỗi con người đang sống trên địa cầu đều đã trải qua trong quá khứ xa xôi, nghĩa là nhiều kiếp trước đây. Nếu con có thể chấp nhận sự thật này, con sẽ học được những bài học quý báu từ câu chuyện Adam và Eva. Còn nếu con không chấp nhận, con sẽ tiếp tục kẹt lại trong cách diễn giải chính thống. Nhưng nếu con dính mắc với cách diễn giải chính thống thì con đã không đang đọc loạt bài này – con đã từ lâu gán cho nó một cái nhãn dị giáo hay báng bổ.

Con yêu dấu, con hãy xem xét câu chuyện Adam và Eva. Con sẽ nhận thấy có một người nam và một người nữ. Con sẽ nhận thấy câu chuyện kể rằng Adam được tạo trước, rồi Eva mới được tạo ra từ chiếc xương sườn của Adam. Kỳ thực điều này nhằm minh họa cho sự kiện Hiện diện TA LÀ của con là khía cạnh nam, hay tâm linh, của toàn bộ bản thể con. Cái Ta Biết, ý niệm cái ta đã bước xuống thế giới vật chất, là thái cực nữ của toàn bộ bản thể con. Hiện diện TA LÀ của con ngụ vĩnh hằng nơi cõi tâm linh và không bị bất cứ gì xảy ra trong thế gian này ảnh hưởng. Không phải Hiện diện TA LÀ bị Rắn dụ dỗ rồi rơi vào tâm thức tách biệt, tâm thức nhị nguyên, mà là khía cạnh nữ của bản thể con, cái Ta Biết, đã bị dụ cắn vào tâm thức nhị nguyên, tâm thức của thiện ác tương đối. Đây chính là tâm thức khiến con nghĩ rằng con có thể chế ra định nghĩa riêng của mình về thiện và ác thay vì chấp nhận định nghĩa tuyệt đối của tâm thức Ki-tô – rằng thiện có nghĩa là thuận theo các định luật của Thượng đế, và ác có nghĩa là đối nghịch lại tổng thể.

Trong câu chuyện Adam và Eva, con thấy Eva bị dụ dỗ bởi một cái gì bên ngoài nàng. Có mấy cách diễn giải có giá trị về Rắn sẽ minh họa những khía cạnh khác nhau của quá trình Sa ngã. Trong khuôn khổ cuộc thảo luận của chúng ta hôm nay, thày muốn dùng cách diễn giải rộng nhất, phổ quát nhất, và nói rằng Rắn biểu tượng cho một trạng thái tâm thức là bạn đồng hành tất yếu cho quyền tự quyết của con. Khi Thượng đế ban cho con quyền tự quyết, điều không thể tránh khỏi là con đạt được khả năng đi ngược lại các định luật của ngài thay vì tuân theo. Đây là sự cám dỗ đi kèm với sự kiện con là một sinh thể tự nhận biết với trí tưởng tượng và quyền tự quyết. Con tưởng tượng ra chuyện khả thi là mình có thể đi ngược lại định luật của Thượng đế và con có thể quyết định làm như vậy. Cám dỗ này luôn luôn có mặt như một tiềm năng, nhưng con không bắt buộc phải tham gia, đắm mình vào đó. Một người đồng-sáng tạo có tự nhận biết hoàn toàn có khả năng gạt bỏ cám dỗ này và tiếp tục đồng-sáng tạo trong khuôn khổ định luật Thượng đế. Nhưng một số người đồng-sáng tạo lại chọn nhìn vào cám dỗ, rồi bắt đầu phân vân không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình quyết định đi ngược lại định luật Thượng đế và phớt lờ sự hướng dẫn từ Trên.

1.8. Thử nghiệm trong vô minh

Những tính toán này khởi lên trong tâm, tâm lý luận, tâm phân tích. Chúng khởi lên vì khi con là một người đồng-sáng tạo tân lập thiếu kinh nghiệm, con chưa có cái hiểu ý thức trọn vẹn về các định luật của Thượng đế. Con không hiểu trọn vẹn là các định luật này không hề hạn chế tự do sáng tạo của con, mà chỉ bảo vệ quyền tự do đó hầu con có thể biểu hiện cá thể con trong sự hài hòa với Thân thể Thượng đế. Vì mức tự nhận biết của con khuếch trương chưa đủ, con chưa hiểu rằng con là một với Thân thể Thượng đế, cho nên những gì con làm tới người khác thì con cũng làm tới chính con. Con chưa hiểu trọn vẹn rằng việc tuân thủ định luật của ngài là một việc làm có lợi cho con – vừa có lợi, vừa minh triết.

Do hiểu hạn chế như vậy mà có thể con đã phân vân không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình quyết định đi ngược lại định luật và chỉ đạo của Thượng đế. Có thể con đã bắt đầu cảm thấy định luật của ngài hạn chế tự do sáng tạo của con, và con phải được phép thử nghiệm khả năng sáng tạo mà không bị bất cứ gì cầm chân. Kỳ thực con luôn luôn được phép thử nghiệm với sáng tạo của mình, nhưng vì vũ trụ vận hành như một tấm gương cho nên không thể tránh được chuyện con phải gặt mỗi khi con gieo. Luật của Thượng đế được thiết lập để đảm bảo con chỉ gặt những kết quả tích cực sẽ khuếch trương cuộc sống của con lẫn cuộc sống của toàn bộ Thân thể Thượng đế. Luật của Thượng đế không thực sự giới hạn con, và cảm nhận giới hạn xuất phát từ một cái hiểu hạn chế về sự sống.

Con khởi đầu với một hiểu biết giới hạn về cách vận hành của thế giới nhưng Thượng đế không bỏ con một mình trong hiểu biết giới hạn đó. Câu chuyện vườn Eden kể rằng Adam và Eva đã bước đi và nói chuyện với Thượng đế. “Thượng đế” này không phải là Thượng đế trong nghĩa tối thượng mà là một đại diện của Đấng Sáng tạo trong vai trò thày tâm linh cho dòng sống của con. Vì ý niệm cái ta của con còn mới và thiếu kinh nghiệm, con vẫn là một đứa con của Thượng đế chưa trở thành một người đồng-sáng tạo hoàn toàn ý thức. Khi con bắt đầu sử dụng khả năng sáng tạo của mình và ý thức hơn về quyền năng của trí tưởng tượng và quyền tự quyết, con cũng bắt đầu ý thức hơn về quả trái của cây hiểu biết thiện ác. “Cây” này biểu tượng cho sự kiện con có chọn lựa đi ngược lại các định luật của Thượng đế một cách cố tình và tự cắt mình ra khỏi nguồn cội của mình hay không. Khi con biết trái cây này nhiều hơn, con bị dụ dỗ cắn vào hầu tìm xem chuyện gì sẽ xảy ra. Vị thày tâm linh trong vườn biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con ăn trái. Vì con chưa hiểu trọn vẹn tại sao việc tuân thủ định luật Thượng đế mang lại lợi ích cao nhất cho con, vị thày phải cho con một hiểu biết giới hạn hơn. Điều này có thể so sánh với khi con dạy một đứa trẻ không nên chạm vào bếp nóng kẻo phỏng tay. Trẻ con chưa đủ kinh nghiệm để hiểu được phỏng tay có hậu quả thế nào, và trong cương vị cha mẹ có trách nhiệm, con không muốn nó bị phỏng. Con cố dạy đứa bé không nên chạm bếp nóng mặc dù nó không hiểu tại sao.

Vị thày trong vườn Eden đã dặn các sinh thể tự nhận biết dưới sự hướng dẫn của mình rằng nếu họ dự phần vào trái cây hiểu biết về thiện ác, chắc chắn họ sẽ chết. Nhiều người tâm linh nhìn vào câu chuyện này đã suy đoán rằng chắc hẳn vị Thượng đế trong vườn đã nói dối Adam và Eva. Vì thật vậy, họ đã ăn trái và đã không chết, mà họ bị đuổi ra khỏi vườn. Đây là cách suy luận với cùng tầm hiểu hạn hẹp đã khiến cho vị thày trong vườn không thể giải thích tại sao họ không nên ăn trái. Khi ý niệm cái ta của con đi quá điểm then chốt và đánh mất sự nối kết ý thức với Hiện diện TA LÀ, đúng là ý niệm cái ta đó đã chết và không còn nữa. Đây là điều vị thày biết rõ nhưng những người đồng-sáng tạo thiếu kinh nghiệm kia thì không thể nắm bắt. Họ chưa đủ tự nhận biết để biết rằng con chính là con người mà con nghĩ con là.

Nếu con bỏ một con ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ cảm được sức nóng và nhảy ngay ra ngoài. Nhưng nếu con bỏ ếch vào nồi nước lạnh rồi mới hâm nước lên, sự thay đổi sẽ từ từ đến độ con ếch không nhận ra và vì vậy nó sẽ bị luộc chín đến chết. Đây chính là điều có thể xảy ra cho một sinh thể tự nhận biết chưa hiểu được trọn vẹn các hậu quả của việc dùng trí tưởng tượng và quyền tự quyết của mình để thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên, với hiểu biết về thiện ác. Lúc đầu, con có thể lạm dụng trí tưởng tượng và quyền tự quyết mà không cảm ngay được hậu quả của việc làm này. Từ từ, con càng ngày càng bị bao trùm trong tâm thức nhị nguyên, nhưng sự chuyển biến xảy ra quá lần hồi đến độ con không để ý.

Cuối cùng thì sẽ đến một điểm không có trở lại khi đột ngột con chuyển sang một giai đoạn tự nhận biết khác. Giống như nước sôi biến thành hơi nước, ý niệm cái ta của con xoay chuyển và giờ đây con bị kẹt vào tâm thức nhị nguyên qua đó con xem mình tách biệt với Thượng đế. Ý niệm cái ta đã từng duy trì ít nhất một chút nối kết với Hiện diện TA LÀ của nó, bây giờ đã chết. Từ nhận biết này có một cái ta mới ra đời, thế nhưng cái ta này là một cái ngã hữu diệt dựa trên tách biệt và nhị nguyên. Cái ta này giờ đây là điều cái Ta Biết tự định nghĩa mình là gì. Con là con người mà con thấy mình là, cho nên nếu con thấy mình là một con người hữu diệt tách biệt với Thượng đế thì chính con là vậy đó – ít ra ở đây và bây giờ, trong không gian và thời gian.

1.9. Cắn một miếng tâm thức Ki-tô

Trái tim yêu dấu của thày, cái chết của cái ta tâm linh của con, của ý niệm cái ta tâm linh, là vấn đề trung tâm trên hành tinh trái đất. Người ta có thể nói đây là vấn đề duy nhất trên hành tinh trái đất. Tất cả mọi vấn đề riêng biệt mà con thấy trên hành tinh này thật sự đều xuất phát từ tâm thức của thiện ác tương đối, là tâm thức nhị nguyên khiến cho các sinh thể tự nhận biết chế tạo định nghĩa riêng của mình về đúng-sai, tốt-xấu. Tất cả định nghĩa này đều chệch hướng so với thực tại của Thượng đế, với sự thật của Thượng đế, vì chúng hoàn toàn dựa trên tâm thức phản Ki-tô. Tâm thức phản Ki-tô là tâm thức tách biệt khỏi nguồn cội, trong khi tâm thức Ki-tô là tâm thức hợp nhất với nguồn cội của con.

Nếu mỗi con người trên hành tinh này có định nghĩa riêng của mình về thiện và ác thì không thể tránh khỏi xung đột với nhau. Nếu mỗi con người định nghĩa “tốt” là những gì tốt cho “tôi”, làm sao sẽ có được an bình và hài hòa trên hành tinh này đây? Nếu mỗi con người đều cho rằng định nghĩa của mình về sự thật là định nghĩa tuyệt đối duy nhất, có gì đáng ngạc nhiên khi chiến tranh hoành hành trên trái đất? Cách duy nhất để tạo một hành tinh hòa bình là ít ra có đủ túc số những người vươn lên cao hơn tâm thức nhị nguyên. Chỉ khi nào con người có cùng định nghĩa về thiện ác – cụ thể là định nghĩa tuyệt đối của tâm Ki-tô – thì chúng ta mới có thể hy vọng vượt qua được xung đột và chiến tranh trên hành tinh.

Khi con thấy mình là một nối dài của Hiện diện TA LÀ của mình thì con nhận chân được phần nào tâm thức Ki-tô. Khi con thấy mình tách biệt khỏi Hiện diện TA LÀ của mình, hay tách biệt khỏi Thượng đế, con bị kẹt trong tâm thức phản Ki-tô. Có một giai đoạn nửa chừng nơi con có một số yếu tố của tâm thức Ki-tô lẫn một số yếu tố của tâm thức phản Ki-tô. Một khi con đi quá điểm đánh mất mọi yếu tố tâm thức Ki-tô thì con thực sự đã chết theo nghĩa tâm linh. Đó là tại sao Giê-su đã nói: “Quả thật, quả thật, ta nói với con, nếu con không ăn thịt và uống huyết đứa Con của người thì con chẳng có sự sống trong con” (John 6:53). Giê-su muốn nói là trừ khi con dự phần vào tâm thức Ki-tô, con sẽ không có sự sống trong con. Con thực sự không có sự sống tâm linh trong con nếu con không có một miếng tâm thức Ki-tô trong quả cầu cái ta của con, trong bình chứa cái ta của con.

Điều này dẫn chúng ta đến một tầm hiểu mới về ý tưởng rằng con không thể được cứu rỗi nếu không có Ki-tô, rằng Ki-tô là vị cứu tinh duy nhất, con đường duy nhất đến với Thượng đế. Như Giê-su nói: “Không người nào đến được với Cha mà không qua ta” (John 14:6). Giê-su không muốn nói con người vỏ ngoài của riêng mình là sợi dây nối con với thực tại, với sự sống của Thượng đế, mà tâm thức Ki-tô là sợi dây đó. Giê-su so sánh Nước Trời – một cách khác để mô tả tâm thức Ki-tô – với men bột (Matthew 13:33). Khi con nhào bột và bỏ men vào, toàn bộ ổ bánh sẽ nở ra và đây là lý do con có thể làm bánh mì. Chỉ khi nào con bỏ thêm một miếng tâm thức Ki-tô đã được bẻ ra cho con (1Corinthians 11:24) thì tâm thức con mới có thể nở ra cao hơn mức nhị nguyên, cao hơn tâm phản Ki-tô. Chỉ bằng cách ăn vào một miếng tâm thức Ki-tô và cho phép nó nâng cao ý niệm cái ta của mình, cho phép nó xua tan bóng tối phản Ki-tô bằng ánh sáng Ki-tô, thì con mới có thể trở về căn nhà xưa và lại chấp nhận mình là con trai hay con gái của Thượng đế.

1.10. Tái sinh trong một ý niệm cái ta mới

Điều này cũng được Giê-su giải thích khi thày bảo Nicodemus rằng muốn bước vào Nước Trời thì con phải sinh ra lần nữa (John 3:1-8). Nicodemus cãi Giê-su và hỏi làm thế nào một người có thể sinh ra lần nữa, liệu ông có thể đi vào bụng mẹ một lần thứ hai? Nicodemus bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên đến độ ông hiểu lời Giê-su theo nghĩa đen và không nắm được ý nghĩa sâu xa. Khi con bước xuống tâm thức nhị nguyên, ý niệm cái ta tâm linh của con bị chết theo nghĩa đen. Con chết trong nghĩa tâm linh vì ý niệm bản sắc của con như một sinh thể tâm linh không còn hiện hữu. Con chuyển sang một ý niệm bản sắc mới như một sinh thể hữu diệt tách rời khỏi Thượng đế. Làm thế nào trở về Nước Trời nơi con thấy mình là một đứa con của Thượng đế? Chỉ có một cách mà thôi, đó là khi ý niệm cái ta tâm linh của con được tái sinh và con lấy lại bản sắc tâm linh đúng đắn. Con có thể khởi đầu tiến trình đòi lại bản sắc thực của mình vẫn được lưu giữ như là niệm tinh khôi trong tâm Ki-tô. Khi con lấy lại hoàn toàn bản sắc này, con trở về nhà xưa, con giành lại gia sản thiêng liêng của mình. Con trở thành đứa con hoang đàng đã quay trở về căn nhà của cha sau một thời gian dài xa cách (Luke 15:11).

Khi con chuyển từ một cái ta tâm linh sang một cái ta nhị nguyên, từ một cái ta dựa trên tảng đá của Ki-tô sang một cái ta dựa trên cát lún của phản Ki-tô, thì ý niệm cái ta trước đây của con phải chết. Khi con đảo ngược chiều hướng đó và quay trở lại ý niệm cái ta tâm linh, thì cái ta mà con có ngay bây giờ, cái ta dựa trên tách biệt, cũng sẽ phải chết. Con không thể đem ý niệm cái ta này với con vào Nước Trời, và lý do thật đơn giản. Ý niệm cái ta hữu diệt đã sinh ra trong cảm nhận tách biệt với Thượng đế, còn ý niệm cái ta tâm linh thì sinh ra trong hợp nhất với Thượng đế. Cái gì sinh ra từ tách biệt không bao giờ có thể bước vào hợp nhất. Cái ta hữu diệt không bao giờ có thể nắm bắt hay chấp nhận thực tại của Thượng đế. Ý niệm cái ta dựa trên nhị nguyên và tách biệt không bao giờ có thể khắc phục cảm nhận tách biệt khỏi Thượng đế.

Cái có khả năng khắc phục cảm nhận tách biệt với Thượng đế là cái Ta Biết, khi con thay thế nội dung trong bình chứa cái ta với một ý niệm cái ta mới. Đó là tại sao con phải cho phép ý niệm cái ta cũ chết đi, giống như con chim Phượng bị thiêu cháy trong lửa rồi lại trỗi dậy từ đống tro tàn, bay vút lên trời cao. Con phải cho phép ý niệm cái ta hiện thời bị thiêu hủy trong ngọn lửa thiêu đốt của Thượng đế – là ngọn lửa thiêu rụi tất cả những gì không giống như chính nó – và như vậy cũng thiêu rụi tất cả những gì sinh ra từ nhị nguyên và tâm phản Ki-tô. Con phải vững tin điều này không có nghĩa là con sẽ đánh mất ý thức liên tục mình là một sinh thể riêng biệt. Thay vào đó, một ý niệm cái ta mới sẽ ra đời. Ý niệm cái ta tâm linh của con sẽ được tái sinh, được phục sinh, và nó sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn của cái ta cũ. Ý niệm cái ta mới này sẽ có nền tảng là bản mẫu thiêng liêng mà Thượng đế đã thiết kế.

Điểm này chính là sự khác biệt cơ yếu giữa mọi thày giả và mọi vị thày chân chính. Thày giả sẽ hứa con có thể đạt được sự dồi dào của Thượng đế – một số còn hứa rằng con có thể được cứu rỗi và sống vĩnh hằng – mà không cần để cho ý niệm cái ta nhị nguyên chết đi. Họ hứa với con là họ đã khám phá một đường tắt, một sơ hở mà qua đó con có thể duy trì cái ta hữu diệt và một cách nào đó biến nó thành cái gì chấp nhận được trong mắt Thượng đế. Ôi con yêu dấu, đây là một lời hứa hoàn toàn giả dối. Đây là điều mà Kinh Cựu ước gọi là con đường có vẻ đúng cho con người phàm (Proverbs 14:12) – tức sinh thể tự nhận biết bị kẹt trong nhị nguyên – tuy nhiên kết quả là những con đường dẫn đến cái chết, vì nó giữ con kẹt lại trong tâm thức của cái chết tâm linh. Giê-su từng so sánh Nước Trời với một bữa tiệc cưới (Matthew 22:1-14). Có người kia bước vào tiệc cưới mà không mặc áo cưới – nghĩa là đã không thay thế cái ta hữu diệt bằng cái ta Ki-tô – và ông ta bị trói cả tay chân, ném ra bóng tối bên ngoài. Mặc dù việc này nghe có vẻ thô bạo, nhưng nó minh hoạ chính xác sự thật là khi con vẫn ở trong tâm thức nhị nguyên thì con còn bị buộc trói bởi các tin tưởng nhị nguyên của mình, và con phải ở lại trong bóng tối của tâm phản Ki-tô.

Ý tưởng này quan trọng đến độ thày sẽ đề cập lại tường tận hơn trong các chương tới. Khi thày trải bày ra cho con thấy sự sai lầm của hình ảnh giả này về cứu rỗi, con sẽ thật sự ngộ được chìa khóa chủ chốt trong việc trải nghiệm đời sống dồi dào ngay nơi con đang ở. Thày vô cùng phấn khích mong được có dịp trải bày cho con tầm hiểu sâu xa này về sự cứu rỗi đích thực qua cái ta được tái sinh, là con đường có vẻ sai trái đối với tâm nhị nguyên, nhưng kết quả lại là những con đường dẫn đến sự sống vĩnh hằng.