Đương nhiên là hiện nay bạn chưa biểu lộ được uy lực của cái Ta, vì nếu bạn làm được thì bạn đang vui sống một cuộc đời mới thay vì đọc quyển sách này. Kết luận là uy lực của bạn đang bị ngăn chặn, không phải bởi giới hạn từ bên ngoài mà do cách bạn nhận thức cuộc đời. Nhận thức đó khiến bạn coi một số giới hạn như thật, nhưng thực ra chúng chỉ giản dị là hậu quả của cách bạn coi mình là ai.
Như vậy chìa khóa khai mở uy lực của cái Ta là bạn chuyển đổi nhận thức bạn là ai bằng cách thách đố quan niệm về đời sống của bạn. Quan niệm này là hậu quả của cái nhìn ta là ai của bạn. Và chìa khóa để thách đố cái hộp tư duy mà bạn hiện có là tìm một điểm mốc bên ngoài cái hộp đó. Bạn cần một cái nhìn khác để chất vấn thế giới quan mà bạn có qua phin lọc nhận thức của mình. Vậy câu hỏi trở thành: bạn muốn ra ngoài hộp tư duy bao xa?
Sự thực là đa số chúng ta đã chấp nhận một thế giới quan lấy đi uy lực của mình khiến chúng ta khóa lại hầu hết uy lực của cái Ta. Muốn khai mở hoàn toàn uy lực của cái Ta thì ta phải chuyển đổi sâu rộng thế giới quan và quan niệm ta là ai. Không ai có thể thay đổi lớn như vậy qua một bước nhảy vọt, do đó ta cần phải tiến hành tuần tự.
Quyển sách này sẽ giới thiệu một điểm mốc có thể kéo bạn hoàn toàn ra ngoài hộp tư duy con người. Tuy nhiên, nhằm mục đích giúp bạn bắt đầu thoải mái, tôi xin giải quyết trước vấn đề được coi là căn bản của tiến trình tự giúp. Chủ trương cơ bản của tiến trình tự giúp là ta có thể thay đổi đời mình bằng cách thay đổi thái độ hay trạng thái tâm của mình. Nhưng chúng ta lớn lên đều hấp thụ một thế giới quan khiến chủ trương này không khả thi. Thật vậy, giác quan và kinh nghiệm bình thường – và có lẽ ngay cả hệ thống niềm tin của ta – đều cho ta biết là tâm không thể điều khiển được vật chất.
Do đó, trong chương này tôi sẽ xem xét một số khám phá khoa học giúp chúng ta thách đố quan điểm tâm và vật chất không liên hệ với nhau.
1.1. Đi tìm những nguyên do tiềm ẩn
Chúng ta hãy thử lấy một thí dụ giản dị. Bạn hãy hình dung mình đang ngồi bên cái bàn và trên bàn có một quả banh. Làm cách nào bạn có thể dời quả banh đó từ điểm A sang điểm B? Bạn có thể nào trực tiếp điều khiển quả banh lăn đi bằng sức mạnh của tâm mình chăng? Hay là bạn phải dùng sức mạnh gián tiếp, tức là dùng tâm để di động bàn tay, để rồi bàn tay vật chất di động vật thể vật chất là quả banh?
Nếu bạn nghĩ thêm về vấn đề này thì bạn sẽ thấy là cách bạn nhìn vấn đề tùy thuộc cách bạn trả lời một câu hỏi khác: “Quả banh và tâm tách biệt với nhau, hay cả hai có liên hệ với nhau?” Nếu bạn tin rằng quả banh và tâm tách biệt và không liên hệ với nhau, thì dĩ nhiên là tâm bạn không thể nào trực tiếp di động được quả banh. Nếu tâm làm bằng một chất và quả banh làm bằng một chất khác, thì chất của tâm không thể thay đổi chất của vật chất.
Nhưng khoa học hiện đại nghĩ gì về vấn đề này? Bạn cũng biết là khoa học bắt đầu vào thời Trung Cổ, khi đại đa số tin rằng quả đất là trung tâm vũ trụ. Bằng cách quan sát các thiên thể vận hành, các nhà khoa học khám phá quả đất đi vòng quanh mặt trời. Vậy chúng ta hãy xem xét một số quan sát khoa học khác để xem chúng nói gì về sự liên hệ giữa tâm và vật chất.
Để bắt đầu, chúng ta hãy nhìn nhận rằng quan niệm quả đất là trung tâm vũ trụ là một quan niệm rất phải chăng nếu ta dựa vào tri giác giác quan. Mắt ta thấy là mặt trời di động trên bầu trời, vì giác quan của ta không thể thấy là quả đất xoay chung quanh trục của nó. Tại sao giác quan của ta lại không thấy được điều này? Đó là vì chúng ta di động cùng với quả đất, do đó giác quan của ta không có điểm mốc bên ngoài quả đất. Do đó, bài học đầu tiên mà khoa học dạy ta là ta không thể tin vào giác quan mình, nghĩa là ta phải vươn tới cái gì bên ngoài phin lọc nhận thức do giác quan tạo ra.
Khoa học cũng cho ta thấy là thế giới này có nhiều lớp hay từng cấp. Cái gì ta thấy qua giác quan chỉ là lớp bên ngoài của thế giới, cũng được các nhà khoa học gọi là cấp vĩ mô. Nhưng khoa học cũng đã chứng mình rất rõ ràng là có nhiều thứ vượt lên trên cấp vĩ mô. Những gì ta nhìn thấy như thân thể con người, quả núi hay máy nướng bánh mì thật ra được cấu tạo bởi nhiều thành phần nhỏ hơn gọi là phân tử. Và phân tử lại được cấu tạo bởi thành phần nhỏ hơn nữa gọi là nguyên tử, và nguyên tử lại được cấu tạo bởi thành phần nhỏ hơn nữa gọi là hạt cơ bản.
Một cái nhìn sâu sắc khác mà khoa học cống hiến là ý niệm về nguyên nhân và hậu quả. Có trường hợp tương quan nhân-quả rất đương nhiên ở cấp vĩ mô. Tỷ dụ, nếu bàn tay ta đẩy quả banh, thì dĩ nhiên đó là nguyên nhân khiến quả banh lăn đi. Nhưng có nhiều khi ta chỉ có thể hiểu nguyên nhân của một hiện tượng mà ta trông thấy bằng cách nhìn vào từng cấp sâu hơn hay cao hơn của thế giới. Ta thấy nhiều vật khác nhau trên quả đất, nhưng ở cấp sâu chúng đều được cấu tạo bởi nguyên tử. Do đó hình tướng các vật và cách chúng vận hành có nguyên nhân ở cấp nguyên tử. Như ta sẽ thấy trong phần sau, có những từng cấp sâu hơn cấp nguyên tử trong thế giới này.
Một điều quan trọng khác mà khoa học đã chứng minh là những gì giác quan ta thấy như một thế giới đa dạng phức tạp thực ra chỉ là dáng vẻ bề ngoài. Khi ta đi xuống dưới cấp vĩ mô, thì càng đi sâu hay càng lên cao, càng ít đa dạng. Có hàng triệu vật trên quả đất, nhưng chúng đều được cấu tạo từ 108 nguyên tử. Và các nguyên tử đều được cấu tạo bằng cách phối hợp ba hạt cơ bản mà thôi.
1.2. Tâm điều ngự vật chất
Tất cả các điều chúng tôi mới nói trên đây đều là lẽ thường tình mà ta có thể suy diễn từ những gì ta học ở trường trung học. Chúng chỉ chứng tỏ là ta cần nhìn vượt lên trên phin lọc nhận thức của thế giới quan vĩ mô do giác quan tạo nên. Nhưng khoa học cũng có thể giúp ta vượt quá hộp tư duy đó hơn nữa.
Thế giới quan vĩ mô bị thách đố một cách chấn động lần đầu vào năm 1905 khi ông Albert Einstein công bố thuyết tương đối. Khi tôi học trung học thì vị thày vật lý của tôi dạy rằng thế giới này gồm hai nguyên tố: vật chất và năng lượng. Tôi có nghe nói về thuyết tương đối, nhưng những gì tôi được dạy vẫn dựa trên quan niệm nhị nguyên phân chia thế giới ra hai nguyên tố. Chẳng hạn, tôi được dạy là phương trình E=mc2 của Einstein giải thích làm sao ta có thể chuyển vật chất thành năng lượng bằng cách tách nguyên tử. Tôi đoán là các bạn cũng được dạy một cái gì tương tự.
Chỉ khi tôi lớn khôn hơn thì mới hiểu phương trình của Einstein thực sự dạy ta điều gì. Bạn có thể bắt đầu hiểu bằng cách tự hỏi tại sao lại có thể chuyển vật chất thành năng lượng? Tại sao, khi ta tách nguyên tử thì có năng lượng vĩ đại phát ra? Giải đáp đơn giản là khi tách nguyên tử ta không sản xuất năng lượng trước đó không có – ta chỉ giải thoát năng lượng vốn đã có sẵn bên trong nguyên tử. Vậy, tại sao lại có năng lượng bên trong nguyên tử? Đó chính là vì thuyết của Einstein thực sự cho thấy là mọi thứ đều được cấu tạo bằng năng lượng.
Kể từ năm 1905 chúng ta đã biết là thế giới quan vĩ mô dựa trên giác quan không giải thích được thực tại. Cái gì giác quan chúng ta phát hiện như vật thể rắn chắc thật ra không rắn chắc chút nào. Vật chất được cấu tạo bằng năng lượng, và năng lượng là một loại rung động, tức là một làn sóng dao động không ngừng. Cái gì ta thấy như vật chất rắn chắc và bất biến thực ra chỉ là làn sóng năng lượng được giam trong một cái khuôn bất động. Nhưng, như các lò nguyên tử đã chứng minh, vật chất rắn chắc có thể chuyển trở lại thành năng lượng lỏng.
Quan trọng hơn nữa, năng lượng có khả năng thay đổi vô biên. Một làn sóng năng lượng có thể chuyển thành bất cứ làn sóng năng lượng nào khác khi nó thay đổi đặc tính rung động của nó. Như thế có nghĩa là thuyết Einstein đã phá vỡ bức tường chia cắt tâm và vật chất. Vật chất được cấu tạo bởi làn sóng năng lượng, và tư tưởng cũng vậy. Dựa trên thuyết tương đối, thì chuyện tâm con người có thể tạo ra một làn sóng năng lượng mạnh đến độ có thể ảnh hưởng các làn sóng năng lượng đang cấu tạo vật chất “rắn chắc” là điều hòan toàn khả thi.
Cái gì ta thấy như vật chất rắn chắc và bất biến thực ra chỉ là làn sóng năng lượng được giam trong một cái khuôn bất động
Nói cách khác là tiến trình tự giúp – tức là tiềm năng thay đổi hoàn cảnh vật chất bằng sức mạnh của tâm – đã có tính cách khoa học từ năm 1905. Nhân loại đã hiển nhiên coi đó là một tiềm năng thực từ lâu hơn thế nhiều. Nhưng khoa học cũng có khả năng giúp ta vượt quá hộp tư duy thông thường nhiều hơn nữa.
1.3. Một thế giới vượt quá vật chất
Sau khi Einstein công bố thuyết tương đối thì một số nhà vật lý học rất hứng khởi và quyết định nghiên cứu thế giới bên trong nguyên tử dựa trên các khám phá của Einstein. Trong mấy thập niên sau đó, họ triển khai môt ngành khoa học mới, gọi là cơ học lượng tử, với nhiều khám phá cực kỳ chấn động.
Khám phá đầu mà chúng ta sẽ xem xét được gọi là tính chất lưỡng cực sóng-hạt. Nếu ta chỉ dựa trên giác quan thì một vật phải là sóng hoặc là hạt. Nhưng các nhà vật lý học đã chứng minh là một “vật” hạ nguyên tử có khi có đặc tính của hạt và có khi có đặt tính của sóng. Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu rõ ràng là ta cần phải nhìn vượt lên trên cái phin lọc nhận thức của quan niệm vĩ mô.
Một cách đơn giản để giải thích mâu thuẫn này là một vật hạ nguyên tử là một cái gì căn bản hơn là sóng hoặc hạt. Nhưng vì các nhà vật lý học đã cố gán ép phin lọc nhận thức sóng-hoặc-hạt vào thế giới hạ nguyên tử nên họ phát hiện đôi khi tính chất sóng và đôi khi tính chất hạt nơi các vật hạ nguyên tử . Đây cũng giống như câu chuyện ông vua không mặc quần áo, tức là các nhà vật lý học bị phin lọc nhận thức làm mù quáng nên không nhận ra được thực chất của hạt hạ nguyên tử.
Đây cũng là chỉ dấu là khi các nhà vật lý học nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử, họ đã nghiên cứu lằn ranh giữa thế giới vất chất và một thế giới rộng lớn hơn vượt quá vật chất. Những “thứ” trong thế giới rộng lớn này chưa có hình tướng, hiểu theo quan niệm bình thường về hình tướng. Nó chưa bị khóa vào quan niệm sóng hay hạt. Nó có tiềm năng khoác hình tướng của sóng hay của hạt, và dường như là hình tướng mà nó khoác bị ảnh hưởng bởi hành động con người. Nếu ta tìm một hạt, thì cái “chất lượng tử” sẽ cư xử như một hạt, và nếu ta tìm một sóng, thì nó sẽ cư xử như một sóng.
Ta đi đến kết luận là thế giới này không được cấu tạo bởi những hạt rắn chắc và bất biến. Chúng ta sống trong một thế giới lỏng và dễ uốn nắn hơn ta nghĩ. Thế giới có vẻ được cấu tạo bởi chất lượng tử không có hình tướng nhất định nhưng có thể lấy bất cứ hình tướng nào. Cũng có vẻ là tâm ta có thể ảnh hưởng hình tướng mà chất lượng tử khoác vào.
1.4. Bí ẩn của vấn đề đo lường trong thế giới lượng tử
Khi các nhà vật lý học bắt đầu nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử thì họ chờ đợi là họ có thể làm giống như các khoa học gia nghiên cứu thế giới vĩ mô, tức là họ là người quan sát khách quan các vật thể biệt lập. Nhưng họ mau chóng nhận ra rằng trong thế giới lượng tử không có người quan sát khách quan – vì không có vật thể biệt lập. Khi một nhà vật lý học dùng máy gia tốc hạt để nghiên cứu một hạt hạ nguyên tử, thì kết quả không biệt lập với tâm nhà vật lý học. Trái lại, kết quả cuộc thí nghiệm phối hợp ba yếu tố là máy gia tốc hạt, hạt hạ nguyên tử và tâm nhà khoa học. Trong thế giới hạ nguyên tử, không thể có một người quan sát khách quan. Trong thế giới hạ nguyên tử, mọi chuyện đều liên kết, và tâm khoa học gia có ảnh hưởng cơ bản và không thể tránh trên kết quả thí nghiệm.
Thêm thế nữa, các nhà vật lý học cũng khám phá là trong thế giới hạ nguyên tử, các quy luật thiên nhiên đã giải thích rất xác đáng thế giới vĩ mô, không còn ứng dụng nữa. Trong thế giới hạ nguyên tử, các quy luật thiên nhiên trở nên vô hiệu lực. Ta có thể tính một cách tuyệt đối chính xác đường bay của một hỏa tiễn phóng lên Hỏa Tinh, nhưng ta không thể tiên đoán sự vận hành của một hạt điện tử (hạt electron) chung quanh hạch nguyên tử. Làm sao giải thích được điều này?
Vì tôi không phải là một khoa học gia mà cũng không phải là người duy vật nên tôi có thể thấy một giải đáp đơn giản. Để trình bày câu giải đáp của tôi, tôi xin trở lại phương trình E=mc2 của Einstein và sự việc vật chất chỉ là một dạng năng lượng. Vật chất là năng lượng đã được giam trong một cái khuôn, do đó thay vì cư xử như một làn sóng không vị trí thì nay nó cư xử như một “hạt” có vị trí.
Một khi năng lượng đã vượt qua ngưỡng cửa đó thì nó tạo ra các hạt, được phối hợp thành các vật mà ta có thể phát hiện bằng giác quan và các dụng cụ khoa học. Đó là thế giới vĩ mô, và thế giới này quả thật tuân theo cái được gọi là quy luật thiên nhiên. Trong thế giới vĩ mô có những thứ không do tâm con người tạo ra, và do đó đúng là tâm con người không ảnh hưởng trực tiếp trên những vật đó và quy luật thiên nhiên.
Vậy quan niệm này phù hợp ra sao với khoa vật lý lượng tử? Giải thích của tôi là các khoa học gia đã chứng minh là chúng ta sống trong một thế giới có nhiều tầng lớp. Trước khi khoa vật lý lượng tử xuất hiện thì các khoa học gia chỉ biết đến một tầng lớp, một góc túi, của thế giới toàn diện, đó là thế giới vĩ mô. Thế giới lượng tử không chỉ là một phần của thế giới vĩ mô, nó là một tầng lớp cơ bản hơn nữa. Đó là lý do vì sao các quy luật thiên nhiên không hiệu lực trong thế giới lượng tử. Đó là lý do vì sao không có hạt tách biệt trong thế giới lượng tử. Và đó cũng là lý do vì sao trong thế giới lượng tử có liên hệ giữa tâm con người và cái gọi là hạt hạ nguyên tử. Các nhà vật lý cổ điển coi thế giới như là một cái máy khổng lồ trong đó mọi chuyện đều có thể tiên đoán được. Quan niệm này quả thực không áp dụng nơi tầng cấp lượng tử.
Có một số khoa học gia tiên phong đã quan niệm là thế giới giống như một cái tâm vĩ đại thay vì một cái máy vĩ đại. Điều này có nghĩa là nếu ta thực sự chấp nhận những điều mà khoa vật lý lượng tử đã chứng minh, thì ta đi tới kết luận là khoa học không thể chối bỏ ảnh hưởng của tâm con người. Biên giới tối hậu không phải là không gian, vì biên giới tối hậu là tâm thức. Dĩ nhiên, phương pháp tự giúp và các thày tâm linh đã nói điều này từ lâu nay rồi.
1.5. Không có vật gì tách biệt cả
Khi biết rằng khoa vật lý lượng tử đã chứng minh nguyên tắc không vị trí đã mấy chục năm nay, vậy tại sao thế giới quan của chúng ta không điều chỉnh theo? Ta hãy suy gẫm thêm một chút về những gì các khoa học gia đã nói. Vũ trụ được thành lập qua Vụ Nổ Lớn xảy ra cách đây khoảng 15 tỷ năm. Trong mấy phần ngàn của giây đầu, các quy luật thiên nhiên hiện hành lúc đó chưa có. Những “vật” đầu tiên xuất hiện là những gì chúng ta gọi là hạt hạ nguyên tử, vậy những vật này đã hiện diện từ lâu lắm rồi. Sau đó trải qua thêm 15 tỷ năm nữa thì con người xuất hiện, và chúng ta là những sinh thể đầu tiên có tâm thức tinh vi. Như vậy, khoảng cách giữa lúc hạt hạ nguyên tử và tâm thức con người xuất hiện là một khoảng cách tiến hóa 15 tỷ năm – chắc bạn đồng ý đây là một khoảng cách lớn.
Khoa vật lý lượng tử đã có bằng chứng không thể chối cãi là tâm thức con người tương tác với hạt hạ nguyên tử.
Vậy mà hiện nay khoa vật lý lượng tử đã có bằng chứng không thể chối cãi là tâm thức con người tương tác với hạt hạ nguyên tử, có nghĩa là tâm thức rất trẻ của con người có thể tương tác với những “vật” già hơn 15 tỷ năm. Làm sao chúng ta giải thích chuyện này? Theo tôi thì giải thích đơn giản là vũ trụ không được cấu tạo bằng vật chất hay năng lượng. Thực tại nền của vũ trụ là tâm thức.
Có một dạng tâm thức đã có mặt khi hạt hạ nguyên tử được cấu tạo, và đó là lý do vì sao tâm chúng ta tuy rất trẻ nhưng cũng tương tác được với các “hạt” này. Nhưng chúng ta tương tác với các hạt tách biệt hay chúng ta tương tác với tâm thức đã tạo ra và duy trì chúng?
Xin các bạn ghi nhận là ở đây tôi không chủ trương trở về chấp nhận quan niệm Do-thái-Ki-tô-giáo cho rằng vũ trụ được tạo thành bởi một Thượng đế đàn ông trong vòng 7 ngày. Tôi chỉ muốn nói là cách giải thích đơn giản nhất các khám phá của khoa vật lý lượng tử là chấp nhận là Vụ Nổ Lớn được lên kế hoạch và thi hành bởi một tâm thức lớn hơn tâm thức con người. Từ lúc đó tới ngày nay đã có một tiến trình tiến hóa tuần tự, nhưng đây không phải là một tiến trình ngẫu nhiên và vô ý thức như khoa học duy vật đề xướng. Tiến trình này đã được hướng dẫn một phần bởi một hay nhiều tâm thức lớn hơn, một phần – ít ra là ở cấp vĩ mô – bởi các quy luật thiên nhiên, và một phần bởi một yếu tố thứ ba. Yếu tố bí ẩn này là gì? Nếu tâm tức con người có khả năng tương tác và ảnh hưởng hạt hạ nguyên tử, vậy ta nghĩ gì về chuyện tâm con người có khả năng ảnh hưởng thế giới vĩ mô? Ta nghĩ gì về lý do tại sao con người lại có mặt nơi đây?
1.6. Thuyết bất định khó hiểu
Khoa vật lý học cổ điển coi vũ trụ như một cái máy, như một chiếc đồng hồ khổng lồ. Tất cả mọi vật được cấu tạo qua sự liên kết của các đòn bẩy và bánh răng cưa, và mọi chuyện vận hành theo một số quy luật bất biến. Thuyết này hàm ý ta có thể dự đoán vũ trụ vận hành ra sao. Nếu ta biết khởi điểm của vũ trụ và các quy luật thiên nhiên, ta có thể tính ra một cách chắc chắn tuyệt đối tất cả mọi chuyện sẽ xảy ra – cho tới khi vũ trụ chấm dứt.
Khi các nhà vật lý bắt đầu nghiên cứu thế giới lượng tử thì họ chờ đợi sẽ tìm thấy các hạt riêng biệt vận hành theo một số quy luật bất biến, giống như banh bi-da tí hon lăn trên mặt bàn bi-da. Nghĩa là nếu ta hiểu đủ về một hạt thì ta có thể dự đoán cách nó vận hành một cách chắc chắn. Nhưng những gì họ khám phá là một bí ẩn khác nữa không thể hình dung được nếu ta suy nghĩ theo hộp tư duy truyền thống.
Trong thế giới lượng tử, trên căn bản không thể đoán được sự vận hành của một hạt, tỷ dụ như một hạt điện tử. Lý do không phải vì ta không biết đủ về hạt điện tử, nhưng là vì thế giới lượng tử theo một nguyên tắc bất định căn bản. Thế giới lượng tử, thay vì vận hành theo một số quy luật bất biến, thì trên căn bản có tính chất bất định. Ta không thể biết được vị trí của một hạt điện tử cho tới khi ta đo nó. Nhưng lúc đó, cái gì ta đo không phải là một hạt điện tử độc lập. Khi ta đo thì ta thực sự tạo ra một hạt điện tử ở vị trí đó. Cái mà ta đo không có mặt trước khi ta quan sát nó.
Có một dạng tâm thức trong thế giới lượng tử. Điều này giải thích tại sao tâm con người lại đồng sáng tạo những hạt mà ta quan sát.
Dựa trên những gì tôi trình bày ở trên, thì một lần nữa ta có thể gợi ý một giải thích đơn giản. Khoa học đã chứng minh là phải có một dạng tâm thức trong thế giới lượng tử. Đó là cách duy nhất giải thích tại sao tâm con người lại tương tác với thực tại lượng tử và đồng sáng tạo những hạt mà ta quan sát. Mà đặc tính chính của tâm thức là gì, khi áp dụng cho các sinh thể tự nhận biết? Chính là nó không tuân theo quy luật máy móc. Nó có khả năng sáng tạo, làm một chuyện mà chưa tâm nào từng làm trước đó. Nhưng nền tảng của sáng tạo là gì? Đó là quyền tự quyết; là khả năng tưởng tượng ra việc gì chưa từng được làm trước đó và quyết định làm chuyện này lần đầu. Bây giờ nền móng đã đặt xong, vậy tôi xin các bạn cho tôi phác họa một thế giới quan có thể giúp bạn khai mở uy lực của cái Ta.
1.7. Một thế giới quan trao quyền cho ta
Những người trong chúng ta lớn lên trong xã hội tân thời thấm nhuần một thế giới quan là một sự pha trộn lạ lùng các khái niệm tín ngưỡng thời Trung cổ, quan sát khoa học, khái niệm do khoa học duy vật đề xướng, và những gì mình quan sát bằng giác quan. Kết quả là ta có một thế giới quan gồm những điểm sau đây:
- Chúng ta sống trong một thế giới vật chất
- Vật chất “rắn chắc”, nghĩa là nó có chất lượng và tính chất liên tục.
- Vật chất khó thay đổi.
- Những vật ta thấy trong thế giới vĩ mô đều được cấu tạo bằng vật chất, và các vật này hiện hữu riêng biệt. Trái đất nơi ta sống cũng là một vật như vậy. Nó chịu ảnh hưởng của mặt trời, nhưng nó được bao quanh bởi không gian trống không khiến nó đứng riêng ra. Thân thể chúng ta cũng vậy, nó là một vật riêng biệt.
- Vật chất và tâm đứng riêng nhau.
- Tâm của ta không có khả năng trực tiếp thay đổi vật chất. Ta chỉ có thể thay đổi vật chất qua thân thể vật chất của mình, và qua phương tiện kỹ thuật cũng dựa trên vật chất.
- Thế giới vật chất có quyền lực trên tâm chúng ta và giới hạn khả năng sáng tạo của ta.
Tất cả các điểm nêu trên không cho con người nhiều quyền lực lắm, vì chúng mô tả chúng ta như những sinh thể thụ động hứng chịu những gì thế giới vật chất quyết định thảy vào chúng ta. Nhưng, dựa trên các khám phá của khoa vật lý lượng tử, ta có thể thách đố tất cả các điểm trên. Thách đố cơ bản là các điểm trên đều đúng, nhưng chúng chỉ áp dụng vào thế giới vĩ mô. Và thế giới này chỉ là lớp vỏ bên ngoài nhất của thế giới rộng lớn hơn, là nơi ta đang sống.
Chúng ta hãy xem trở lại phương trình của Einstein, E=mc2. Như đã trình bày ở trên, phương trình này cho thấy là vật chất chỉ là năng lượng bị giam trong một cái khuôn không lỏng bằng. Nhưng, nếu chúng ta nói một cách khiêu khích hơn một chút, thì ta có thể nói phương trình này thực sự chúng minh vật chất không có, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của ta mà thôi. Tôi không muốn nói là thế giới mà ta biết qua giác quan không có thật và không hiện hữu. Tôi không muốn nói là con người đã tạo ra vũ trụ trong tâm mình và do đó có thể dùng tâm thay đổi nó. Điều tôi muốn nói là vật chất không hiện hữu như những gì ta thấy biết qua giác quan, và khoa vật lý lượng tử đã chứng minh điều này. Chúng ta hãy lần lượt xem qua những điểm nêu ở trên:
- Chúng ta sống trong một thế giới vật chất. Thực ra, chúng ta sống trong một thế giới năng lượng đã khoác một hình tướng, và ta gọi hình tướng này là “vật chất”.
- Vật chất “rắn chắc”, nghĩa là nó có chất lượng và tính chất liên tục. Thực ra, vật chất không rắn chắc chút nào. Nó được cấu tạo bằng năng lượng, và năng lượng là một dạng rung động.
- Vật chất khó thay đổi. Thực ra, thay đổi tính chất sóng năng lượng là chuyện rất dễ. Cái chúng ta gọi là vật chất chỉ là sóng năng lượng bị giam trong cái khuôn. Nhưng nó vẫn là sóng, do đó rất dễ thay đổi.
- Những vật ta thấy trong thế giới vĩ mô đều được cấu tạo bằng vật chất, và các vật này hiện hữu riêng biệt. Thật ra, không có “vật” gì tách biệt cả. Các vật chỉ có vẻ tách biệt khi nhìn dưới góc độ vĩ mô. Khi nhìn dưới góc độ sâu sắc hơn của vật lý lượng tử, mọi vật đều liên kết với nhau vì vị trí là một ảo tưởng.
- Vật chất và tâm đứng riêng nhau. Thực ra, ở cấp lượng tử, tâm và vật chất liên kết trực tiếp với nhau. Vì tất cả mọi vật trong thế giới vĩ mô đều được cấu tạo bởi “chất” lượng tử, do đó tâm con người có tiềm năng ảnh hưởng ngay cả thế giới vĩ mô.
- Tâm của ta không có khả năng thay đổi trực tiếp vật chất. Thực ra, vì tâm con người có thể thay đổi chất lượng tử và vì mọi vật đều được cấu tạo bằng chất lượng tử, ta có thể thay đổi vật chất. Ta hiện nay không biết dùng khả năng này, nhưng nó vẫn có đó như tiềm năng cao của con người.
- Thế giới vật chất có quyền lực trên tâm chúng ta. Thực ra, vật chất không có quyền uy trên tâm chúng ta nhiều hơn những gì ta đã cho nó vì ta không biết đến thực tại lượng tử. Nếu ta nhìn đời qua phin lọc của hộp tư duy vĩ mô, thì vật chất có quyền uy trêm tâm chúng ta. Nhưng ta có tiềm năng bước ra ngoài hộp tư duy đó và thấy thế giới như nó thực sự là.
1.8. Một tổng thể đan kết
Dựa trên những điểm nêu trên, tôi sẽ phác họa một thế giới quan mới giải thích ta là ai, tại sao ta lại có mặt nơi đây, và tiềm năng đích thật của ta là gì. Để bắt bầu, chúng ta hãy nhìn nhận là chúng ta không sống trong một thế giới tách biệt, cô lập. Thế giới nơi ta sống là một tổng thể đan kết. Cách giải thích dễ nhất là thấy rằng thế giới vĩ mô không được cấu tạo bởi vật chất, mà được cấu tạo bởi năng lựơng. Năng lượng là một dạng rung động, và có nhiều tầng cấp rung động. Thí dụ, ta được học ở nhà trường là con mắt ta chỉ có thể nhìn thấy được một loại ánh sáng nào đó.
Có những dạng ánh sáng mà con mắt ta không nhìn được, tỷ dụ như tia hồng ngoại và tia cực tím, như trên hình 1 dưới đây:
Hình 1 – Quang phổ điện từ của ánh sáng
Khác biệt giữa ánh sáng tím nhìn thấy được và tia cực tím không nhìn thấy được là gì? Tia cực tím có một độ rung cao hơn ánh sáng nhìn thấy một chút. Ngoài điều này thì không có gì khác biệt giữa hai làn sóng, như vậy có nghĩa là không có hàng rào kiên cố nào ngăn cách ánh sáng tím và cực tím. Theo thuyết tương đối, thì ta có thể giảm độ rung của ánh sáng cực tím và biến nó thành ánh sáng tím. Phương trình của Einstein còn cho thấy đó chính là cách vũ trụ vật chất được tạo lập.
Ta đã học ở nhà trường là ta có thể lấy một phương trình toán học và chia hai vế hai bên dấu bằng bởi cùng một hệ số. Nếu ta áp dụng định lý này với phương trình của Einstein thì ta có:
Bây giờ thì ta có c2 ở trên và dưới lằn phân số bên phía phải. Vì chúng loại lẫn nhau nên ta có phương trình mới như sau:
Phương trình mới này chứng minh điều gì? Nó cho ta biết là thế giới vật chất được cấu tạo bởi một chất không phải là vật chất mà là một dạng năng lượng thuần túy. Năng lượng E này rung động ở một mức vượt quá rất nhiều những gì ta thường gọi là năng lượng, tỷ dụ như ánh sáng mặt trời hay điện năng. Nó vẫn được tạo ta từ sóng, nhưng nó rung động ở mức cao hơn tất cả những gì có trong thế giới vật chất. Do đó, để tạo ra thế giới vật chất, độ rung của năng lượng lượng tử này phải được giảm xuống một quang phổ nào đó. Theo phương trình Einstein thì hệ số giảm là bình phương của vận tốc ánh sáng.
Như các bạn cũng biết, vận tốc ánh sáng là một con số rất lớn, vậy thì bình phương của nó là một con số cực kỳ vĩ đại. Như thế có nghĩa là năng lượng nguyên thủy, E, phải được giảm bởi một hệ số vĩ đại mới trở thành năng lượng vật chất. Một khi độ giảm này được thực hiện, thì năng lượng vật chất có thể được giam trong những khuôn khiến nó hiện ra như hạt rắn chắc và có vị trí. Những hạt này sau đó được dùng để cấu tạo nên cấu trúc có vị trí khác như nguyên tử, phân tử, hành tinh, máy pha cà-phê, thiên hà và cơ thể con người.
Như vậy chúng ta thấy là chúng ta sống trong một thế giới gồm một chuỗi rung động liên tục.
Hình 2 – Một chuỗi rung động liên tục
Trên lý thuyết, ta có thể có những rung động cao tới bất tận, nhưng ít nhất ta có thể nói là có những dạng rung động cao hơn rất nhiều so với bất kể mọi thứ trong quang phổ vật chất. Đó là lý do vì sao ta không thể phát hiện những gì vượt quá thế giới vật chất khi ta dùng giác quan hay dụng cụ khoa học. Vì chúng ta sống trong quang phổ vật chất, ta chỉ có thể nhìn thấy những gì bên này chân trời quan sát. Tuy thế, dường như là các nhà vật lý lượng tử đã bắt đầu thấy những gì ngoài quang phổ vật chất. Và có thể là tâm con người, một khi được phát triển, cũng có khả năng này.
1.9. Làm sao năng lượng thuần túy trở thành vật chất
Vụ Nổ Lớn thường được mô tả như là một vụ nổ vĩ đại qua đó năng lượng và vật chất cần thiết để tạo dựng vũ trụ được phóng mạnh ra ngoài một cách ngẫu nhiên và hỗn loạn. Dựa trên những gì đã nói ở trên, ta có thể nói là Vụ Nổ Lớn thực ra đã xảy ra khi một số lượng lớn chất lượng tử được giảm độ rung cho tới khi xuống tới quang phổ vật chất. Chính việc giảm năng lượng này đã gây nên Vụ Nổ Lớn, và đó cũng là động cơ khiến vũ trụ tiếp tục bành trướng.
Như ta đã thấy, ban đầu chất lượng tử được giảm cho tới khi nó mang một dạng mà ta gọi là năng lượng, nghĩa là giống ánh sáng, điện năng, từ tính v.v. Sau đó, những sóng năng lượng vật chất này được giam vào khuôn, cho tới khi nó trở thành hạt hạ nguyên tử. Những hạt này sau đó được kết hợp thành nguyên tử, nguyên tử được kết hợp thành phân tử, là thành phần cấu tạo các “vật” mà ta nhìn thấy được. Cái gì khiến chất lượng tử kết hợp thành cấu trúc, và cái gì quyết định hình tướng của các cấu trúc đó? Vì sao vũ trụ có cấu trúc lại có mặt, và tại sao nó lại có hình tướng mà nó hiện có?
Để giải thích vấn đề rõ hơn, chúng ta hãy xem xét giả thuyết Vụ Nổ Lớn là một một vụ nổ vĩ đại. Có lẽ bạn đã thấy trên truyền hình hình ảnh các tòa nhà bị phá nổ. Bạn có lẽ đã thấy phim chiếu chậm và thấy và sức nổ rất hỗn loạn và dường như là ngẫu nhiên. Tòa nhà bắt đầu như một cấu trúc lớp lang, nhưng sau khi bị phá nổ thì nó chỉ còn là những mảnh vụn hỗn độn rời rạc. Bạn có lẽ cũng đã xem phim chiếu ngược cảnh này, tức là từ những mảnh vụn, như một phép lạ, tự nhiên kết hợp trở lại thành một tòa nhà nguyên vẹn.
Khi năng lượng nguyên thủy giảm độ rung thì nó trở thành năng lượng vật chất có thể được giam trong những khuôn khiến nó hiện ra như hạt rắn chắc và có vị trí.
Dĩ nhiên là ta biết phim chiếu ngược này đi ngược quy luật thế giới thực. Ta không thể phá nổ một tòa nhà chung cư cũ và khiến các mảnh vụn kết hợp tự nhiên trở lại thành một số biệt thự xinh đẹp. Thực tại không xảy ra như vậy; một vụ nổ lúc nào cũng đưa tới hỗn loạn, không bao giờ tạo ra cấu trúc ngay ngắn. Tuy thế, đó chính là điều một số người cho rằng Vụ Nổ Lớn đã tạo ra – qua một tiến trình tự phát, ngẫu nhiên, không ý thức – tức là tạo nên cấu trúc cực kỳ phức tạp nhưng rất trật tự mà chúng ta gọi là vũ trụ. Ai dàn dựng chuyện này?
1.10. Vũ trụ sau Vụ Nổ Lớn
Lời giải thích là con người chúng ta không phải là sinh thể tự nhận biết duy nhất trong thế giới rộng lớn này. Bên ngoài quang phổ vật chất, có những sinh thể tự nhận biết khác. Các đấng này có khả năng sáng tạo, khiến họ có khả năng giảm độ rung của chất lượng tử xuống quang phổ thấp hơn. Đã có một nhóm các đấng đó giảm độ rung của chất lượng tử xuống quang phổ vật chất, và do đó tạo nên Vụ Nổ Lớn.
Nhưng thêm nữa, sau Vụ Nổ Lớn các đấng này không để cho vũ trụ tiến hóa một cách ngẫu nhiên. Họ đã dùng quyền năng sáng tạo của mình để hướng dẫn sự tiến hóa đó, nghĩa là chính họ đã khiến năng lượng mang hình tướng và tạo ra cấu trúc rất phức tạp. Nhưng không có nghĩa là các đấng này quản lý vi mô và điều khiển từng chi tiết nhỏ. Sau khi đã mang đủ năng lượng xuống quang phổ vật chất, họ đã quy định một số quy luật hướng dẫn sự tiến hóa của thế giới vật chất. Tuy thế, các quy luật này không giải thích được hoàn toàn tiến trình tiến hóa của vũ trụ. Ở một số thời điểm quan trọng, họ đã nhúng tay vào để đẩy tiến trình tiến hóa lên một mức độ mới.
Một trong những thời điểm đó là khi tiến trình tiến hóa đã tới mức có những thân thể có não bộ và hệ thần kinh phức tạp. Lúc đó, các đấng sáng tạo gửi những nối dài của tâm họ xuống các thân thể đó. Chúng ta chính là các nối dài đó, có nghĩa là chúng ta có cùng khả năng sáng tạo cơ bản của các “cha mẹ lượng tử” của mình. Chỉ duy có điều là chúng ta chưa phát triển được đúng mức các khả năng này.
Điều này có nghĩa là chúng ta được tạo ra để làm công việc đồng sáng tạo với các đấng ở các cõi cao hơn. Các đấng thăng thiên đó đã tạo ra thế giới vật chất từ bên ngoài, nhưng chúng ta cũng được sinh ra để đồng sáng tạo từ bên trong. Sứ mạng của chúng ta là xây dựng – hay phá vỡ đi, tùy theo ta chọn lựa ra sao – trên nền móng mà các đấng sáng tạo đã tạo ra.
1.11. Tiềm năng cao và thấp của chúng ta
Trong phần dẫn nhập, tôi có nói là chúng ta hiện nay bị giam trong một hộp tư duy hoạt động như một màn lọc ngăn cản không cho chúng ta thấy toàn bộ sự vận hành của thế giới. Trong các phần sau, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn cái hộp tư duy này và lý do vì sao chúng ta bị giam trong đó, nhưng ở đây tôi muốn nêu lên là hộp tư duy này khiến ta nghĩ ta là những sinh thể tách biệt. Chúng ta tách biệt với cội nguồn tâm linh của mình – có người còn cho rằng cội nguồn này không có thật. Chúng ta tách biệt với các người khác – và đây là lý do giải thích vì sao con người xung đột. Và chúng ta tách biệt với vũ trụ vật chất – và đây là lý do giải thích vì sao ta có vấn đề môi sinh.
Nhưng vấn đề chính do hộp tư duy tạo ra là nó khiến ta mù quáng không thấy được tiềm năng cao của mình. Kết quả là chúng ta sinh hoạt ở một mức rất thấp, nơi đó ta nghĩ rằng mình bị thế giới vĩ mô giam hãm và giới hạn. Và đây là điều mấu chốt mà ta nên chứng ngộ: ở mức độ tâm thức hiện tại của chúng ta, chúng ta quả thật phải khuất phục các quy luật thiên nhiên vận hành ở cấp vĩ mô. Chúng ta có quyền tự quyết, có nghĩa là trong thực tế ta là gì ta nghĩ ta là. Chúng ta hiện đang nghĩ mình là con người giới hạn, và do đó ta chính là con người giới hạn.
Nhưng thực tại cao hơn là tâm chúng ta có khả năng với cao hơn tầng lớp vĩ mô. Tâm chúng ta quả thật có khả năng với tới thế giới lượng tử, và ở cấp này nó có thể tương tác với cái chất đã tạo nên thế giới vĩ mô. Và khi chúng ta học được cách dùng khả năng sáng tạo của mình để tạo thay đổi ở cấp lượng tử, thì ta sẽ tạo nên xung lực sẽ đưa đến thay đổi ở cấp vĩ mô. Các nhà vật lý học đã nhận ra rằng quy luật lượng tử phủ định quy luật thiên nhiên. Thí dụ, nếu bạn ném một trái banh chơi quần vợt vào tường thật lâu, thì sẽ có một hiệu ứng lượng tử đào hầm có tiềm năng khiến trái banh đi xuyên qua tường. Hiện nay, các nhà vật lý học cho rằng những hiện tượng lượng tử đó rất hiếm. Tuy thế, có thể chăng là ta có tiềm năng cao tạo theo ý muốn những hiện tượng phủ định quy luật vĩ mô?
1.12. Thế giới được hình thành ra sao
Bây giờ tôi sẽ trình bày thế giới được hình thành ra sao. Thế giới được cấu tạo bởi một chất cơ bản mà trong bài này tôi đã gọi là chất lượng tử. Chất này là một dạng năng lượng có độ rung rất cao. Khi nó ở độ rung cao nhất thì nó không mang hình tướng, nhưng khi độ rung giảm xuống thì nó như là đất sét có thể nhào nặn thành mọi hình tướng khác nhau. Do đó, thế giới vật chất được hình thành bằng cách mang tới rất nhiều chất lượng tử và giảm độ rung của nó cho tới khi nó rung động ở cấp mà ta gọi là năng lượng. Sau đó, một phần năng lượng đó tạo nên cái mà ta gọi là hạt hạ nguyên tử, và từ các hạt này các cơ cấu phức tạp hơn được hình thành, từ nguyên tử đến thiên hà.
Vậy ta có thể nói là chất căn bản tạo nên thế giới là một chất không hình tướng có khả năng mang mọi hình tướng. Tuy nhiên chất này tự nó không tự tạo hình tướng được. Chất lượng tử chỉ có thể mang hình tướng khi được một sinh thể có tự nhận biết ảnh hưởng. Vì sao đấng sáng tạo này lại cần thiết? Bởi vì chỉ khi có tự nhận biết thì một sinh thể mới có trí tưởng tượng và quyền tự quyết. Trí tưởng tượng cho ta khả năng thấy ra một hình tướng chưa hiện có. Và quyền tự quyết cho ta khả năng phóng chiếu hình tư tưởng đó lên chất lượng tử.
Có một số sinh thể sáng tạo hiện hữu ở một độ rung bên ngoài quang phổ vật chất. Họ có khả năng giảm độ rung của chất lượng tử, có nghĩa là họ có khả năng đem thêm năng lượng vào quang phổ vật chất. Họ cũng có khả năng tạo hình tư tưởng và gán chúng lên trên năng lượng vật chất và qua đó tạo nên các hình tướng mà ta thấy trong thế giới vĩ mô. Chính những đấng này đã tạo nên thế giới vĩ mô, và họ vẫn đang phụng sự công việc duy trì và hướng dẫn sự tiến hóa của nó.
Tuy nhiên, khi thế giới vĩ mô đã đạt tới một trình độ phức tạp nào đó, thì các đấng sáng tạo gửi phần nối dài của mình vào đó. Chúng ta chính là các phần nối dài này, và chúng ta đã được ban cho cùng khả năng năng sáng tạo cơ bản của các “cha mẹ” lượng tử của mình. Hiện nay, đa số chúng ta chưa phát huy hoàn toàn khả năng sáng tạo này; chúng ta còn không biết mình có nó. Tuy nhiên, tiềm năng cao nhất của chúng ta là hoàn toàn ý thức mình là ai, làm chủ tâm mình và làm chủ khả năng đồng sáng tạo thế giới vĩ mô của mình.
Như vậy có nghĩa là chúng ta có hai chọn lựa trong đời. Ta có thể sinh hoạt ở mức độ hiện thời, có nghĩa là ta chịu khuất phục quy luật thiên nhiên và nhiều giới hạn vật chất khác. Ở mức độ này, cách duy nhất thay đổi đời sống là ta dùng cơ thể vật lý hoặc kỹ thuật có khả năng thay đổi thế giới vật chất.
Chọn lựa thứ nhì là ta thăng hoa tâm thức một cách căn bản giúp ta nhận ra mình là ai và khai mở tiềm năng sáng tạo thực của mình. Việc này sẽ cho ta quyền năng dùng tâm mình để đem chất lượng tử xuống thế giới vật chất, có nghĩa là ta có khả năng sáng tạo vượt lên trên thân thể và kỹ thuật vật chất. Nó cũng cho ta quyền năng dùng tâm mình để thay đổi ngay từng lớp lượng tử, có nghĩa là ta có thể tạo những thay đổi ở từng lớp vĩ mô mà hiện nay ta không nghĩ có thể làm được.
HẾT CHƯƠNG