Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 2/12/2012.
TA LÀ Đại thượng sư. Trong bài này chúng ta sẽ xem xét câu hỏi: Thánh linh (Holy Spirit), Tánh linh Duy nhất (the One Spirit), Dòng sông sự Sống là gì?
Các con đã có bài giảng của các thày (xem quyển Uy lực của cái ta) mô tả cách đấng Sáng tạo ban đầu tạo ra một khoảng hư không bằng cách tự rút mình vào một điểm dị thường, và sau đó tự phóng chiếu ra thành bầu cõi thứ nhất. Sau khi bầu cõi thứ nhất thăng thiên, thì nó trở nên nền tảng để tạo ra bầu cõi thứ hai, và cứ như vậy cho đến bầu cõi mà các con đang sống, trong đó có vũ trụ vật chất. Điều mà con cần hiểu là: Thượng đế đã không một mình tạo ra thế giới hình tướng.
Đấng Sáng tạo đã không ngồi trên như một đấng Sáng tạo toàn năng và xa cách, và tạo ra thế giới hình tướng từ bên ngoài. Tiến trình sáng tạo gồm hai phần; trong tiến trình này đấng Sáng tạo Duy nhất tạo ra các phần nối dài của chính mình, cá biệt và có tự nhận biết, gửi chúng xuống bầu cõi mới nhất, và sau đó họ đồng-sáng tạo thế giới hình tướng từ bên trong, tạo nên dòng chảy hình số tám với đấng Sáng tạo.
Do đó, chúng ta thấy là các nối dài có tự nhận biết của đấng Sáng tạo, trên căn bản cũng sáng tạo giống như đấng Sáng tạo đã làm. Vì đấng Sáng tạo đã tạo ra gì khi ngài tạo ra những nối dài của chính mình? Đấng Sáng tạo là gì?
5.1 Tánh linh sáng tạo như thế nào?
Đấng Sáng tạo là một Tánh linh (Spirit). Tánh linh sáng tạo như thế nào? Con quen nhìn tiến trình này từ góc độ thế giới vật chất trong đó – vì nhiều lý do mà ở đây chúng ta không cần khai triển – con đã bị điều kiện hóa, bị lập trình để nhìn vũ trụ vật chất như cái gì tách biệt khỏi Tánh linh. Trong tâm con, con có hình ảnh vi tế Thượng đế là một Tánh linh, nhưng Thượng đế đã sáng tạo một thế giới hình tướng không phải là Tánh linh, và thế giới này tách biệt với Tánh linh.
Quan niệm này rất sai sự thực và nó không giúp con phát triển tâm linh. Các thày là chân sư thăng thiên hiểu rất rõ là có nhiều trình độ tâm thức, và nếu con đang ở một tầng tâm thức nào đó thì con sẽ không hiểu được sự thực mà thày trao truyền ở đây. Do đó các thày hiểu rằng có một số người cần giữ chặt hình ảnh vật chất và Tánh linh tách biệt với nhau. Vì chỉ qua cách đó thì họ mới trải nghiệm được điều họ muốn; tức là trải nghiệm mình là một sinh thể tách biệt, tách rời khỏi các sinh thể khác. Lẽ đương nhiên, Luật Tự quyết phải được phép trải bày ra, để những người đó trải nghiệm được điều họ muốn cho tới khi họ chán ngán không còn muốn nữa.
Tuy nhiên sự thật sâu sắc mà thày muốn tiết lộ cho những ai đã sẵn sàng, những ai có tai để nghe có mắt để thấy, là Tánh linh không thể sáng tạo cái gì tách biệt khỏi Tánh linh. Tánh linh không thể nào sáng tạo cái không phải là Tánh linh. Vậy, Tánh linh sáng tạo như thế nào? Tánh linh (Spirit) sáng tạo bằng cách tạo ra các linh thể (spirit) khác.
Đấng Sáng tạo vượt lên trên mọi hình tướng, hiểu theo nghĩa hình tướng nhìn từ bên trong thế giới hình tướng. Tuy nhiên, để sáng tạo thế giới hình tướng, đấng Sáng tạo không tạo ra một hình tướng tách biệt với chính ngài. Đấng Sáng tạo là một Tánh linh (Spirit), và chỉ có thể tạo hình tướng bằng một cách là tạo ra một linh thể (spirit). Linh thể này được tạo ra qua hai giai đoạn.
Đầu tiên, đấng Sáng tạo phải mường tượng một khuôn đúc, một hình kỷ hà, mà thày Saint Germain cũng gọi là một biểu tượng. Sau đó, đấng Sáng tạo cho phép dòng sống của chính Bản thể ngài, tâm thức ngài và Tánh linh của ngài chảy qua khuôn đúc này. Khuôn đúc trở nên sống động nhờ Tánh linh của đấng Sáng tạo và do đó nó trở thành một linh thể có hình tướng khác biệt. Linh thể này bây giờ có trách nhiệm duy trì hình tướng đó.
5.2 Linh thể và tự nhận biết
Khi con nhìn đời từ bên trong bầu cõi vật chất thì con hay chia ra vật chất vô tri giác và các sự sống sinh động. Điều này tương tự – tuy ta đừng nên theo quá sát nghĩa – với những gì đấng Sáng tạo làm. Đấng Sáng tạo tạo ra các hình thể vô tri giác được một linh thể duy trì, linh thể này có tâm thức (consciousness) nhưng không có tự nhận biết (self-awareness). Sau đó, đấng Sáng tạo tạo ra những sinh thể đồng-sáng tạo, có hình tướng và như vậy họ bắt đầu như một khuôn đúc trong tâm của đấng Sáng tạo, được ngài phú cho một Tánh linh, nhưng phần Tánh linh này cô đặc và có cường độ cao đến độ họ có tự nhận biết. Vậy bây giờ chúng ta có những linh thể có nhận biết nhưng không có tự nhận biết, và những Tánh linh có tự nhận biết.
Do đó, con có thể thấy một khác biệt quan trọng. Một linh thể “vô tri giác”, theo lối nói thông thường, không thể thăng vượt khuôn đúc cơ bản từ đó nó được tạo ra. Nó không thể nào, một cách cố ý và có ý thức, thăng vượt chính nó, tái tạo chính nó, hay tự quy định lại chính nó. Điều này không có nghĩa là linh thể đó không thể tiến hóa; nó quả thực có thể tiến hóa theo quan niệm luật tiến hóa trong thiên nhiên. Nó có thể tiến hóa trong phạm vi các thông số đã được quy định bởi khuôn đúc ban đầu của nó, có nghĩa là nó có thể trở thành hơn khuôn đúc này. Nó có thể thu thập năng lượng, ngay cả tâm thức và do đó nó có thể có thêm quyền lực, và độ tinh xảo. Nhưng nó không thể thay đổi chính nó một cách cố ý và có ý thức.
Ta có thể nói là nó không thể trở thành một cái gì mới một cách cách mạng và siêu vượt. Nhưng một Tánh linh có tự nhận biết và có “tri giác”, một sinh thể đồng-sáng tạo, thì có khả năng bước lùi lại, nhìn chính mình và quyết định nó muốn hơn cái gì nó đang là lúc đó. Và vì vậy, nó có thể làm lại chính nó, tái tạo chính nó và thăng vượt chính nó.
Điều này có ý nghĩa rất sâu sắc. Tánh linh đồng-sáng tạo có cùng khả năng như đấng Sáng tạo, tức là nó có thể tạo ra một khuôn đúc trong tâm của nó và hướng dòng tâm thức của nó chảy xuyên qua khuôn đúc. Như thế, một Tánh linh đồng-sáng tạo có thể tạo ra hình tướng, ngay cả một hình tướng mới chưa từng thấy. Linh thể vô tri giác không có khả năng hình dung hay tưởng tượng một cái gì vượt quá khuôn đúc của nó. Nó có đủ tâm thức để biết là nó hiện hữu, nó muốn sinh tồn và muốn tăng trưởng bằng cách thu thập thêm năng lượng, thêm tâm thức, và nó cũng có thể tăng trưởng trong khuôn khổ khuôn đúc đã định ra nó.
Một Tánh linh đồng-sáng tạo có thể hình dung, tưởng tượng một khuôn đúc mới. Nhưng dĩ nhiên là khả năng hình dung của một Tánh linh đồng-sáng tạo cũng có giới hạn, và những giới hạn này được ấn định bởi khuôn đúc đã định ra nó. Do đó, con có thể thấy là có hai giai đoạn trong sự tiến hóa, sự tăng trưởng của một Tánh linh đồng-sáng tạo. Trong giai đoạn đầu nó chú tâm vào việc sáng tạo hình tướng, trong giai đoạn nhì nó nhận ra rằng muốn tạo ra hình tướng hoàn toàn mới thì nó phải tái tạo chính nó.
5.3 Tự tái tạo như một Tánh linh
Điều thày vừa giảng có liên hệ tới giáo lý của các thày về 144 tầng tâm thức có thể có trên trái đất (xem quyển Uy lực của cái ta). Các thày đã giảng là khi một dòng sống mới – đồng nghĩa với gì thày gọi là Tánh linh đồng-sáng tạo – xuống đầu thai lần đầu trên trái đất, thì nó bắt đầu ở tầng tâm thức thứ 48. Sau đó dòng sống này kinh qua tiến trình mà các thày gọi là Con Đường Bảy bức Màn qua đó nó học hỏi về khả năng đồng-sáng tạo của mình và tăng trưởng khả năng đó bằng cách dùng bảy tia sáng tâm linh, với kết quả là nó vươn lên tới tầng nhận biết thứ 96.
Đó là giai đoạn con khám phá khả năng đồng-sáng tạo của mình, khả năng tạo ra hình thể. Khi con làm vậy thì con cũng mở rộng sự tự nhận biết của mình, nhưng thông thường thì con không làm điều này một cách có ý thức. Sự tự nhận biết của con, ý niệm bản ngã của con được mở rộng qua các kinh nghiệm mà con có khi con tương tác với vũ trụ vật chất, khi con đồng-sáng tạo – khi con định ra một khuôn đúc trong tâm, làm cho nó trở nên sinh động với tâm thức, gửi nó đi, phóng chiếu nó ra, và nhìn thấy ánh sáng Mẫu-Vật khoác lên hình tướng của hình ảnh.
Nhưng sẽ tới một lúc, khi con tới tầng 96, thì điều cốt yếu mà con cần làm, nếu con muốn vượt quá mức đó, là con phải bước lui lại, nhìn vào chính mình và nhận ra một điều cơ yếu. Cho tới điểm đó, con đã đồng-sáng tạo và làm thật đúng những gì chờ đợi nơi con. Con đã đồng-sáng tạo trong phạm vi các tham số được ấn định bởi khuôn đúc ban đầu, đã được quy định bởi cha mẹ tâm linh của con và ghi lại trong Hiện diện TA LÀ của con. Nhưng nay đã tới lúc con hòa điệu hoàn toàn tâm mình vào khuôn đúc nhưng đồng thời cũng nhận ra là bước tới trên con đường tu của con là mở rộng và tái tạo khuôn đúc một cách cố ý và có ý thức. Vì đây chính thực là ý nghĩa của Con Đường của Quả vị Ki-tô.
5.4 Cái Ta sẵn sàng thăng thiên
Thày giảng bài này vì thời nay có nhiều người đã trải qua các giai đoạn học hỏi cách dùng khả năng đồng-sáng tạo với bảy tia sáng. Họ đã làm việc này trong các kiếp trước và đã thu thập được nhiều động lực, động lực đồng-sáng tạo, trên bảy tia sáng. Con có thể thấy là mục đích của các thày hiện nay là cho các con một bộ sách, mỗi quyển do một vị Thượng sư, nhằm giúp các người đồng-sáng tạo học dùng các đức tính của bảy tia sáng một cách cố ý và có ý thức.
Một khía cạnh của mục đích của các thày khi phát hành bộ sách này là giúp các người đồng-sáng tạo theo đuổi tiến trình tăng trưởng từ tầng tâm thức 48 đến tầng 96. Một mục đích khác của các thày là giúp những ai đã xuống dưới tầng 48 đi trở lên tầng 48 là nơi họ đã rơi xuống, để nay tiếp tục tiến trình dang dở và như vậy mau chóng trở lại tầng 96.
Nhưng lý do vì sao thày giảng bài này ở đầu bộ sách chính là để cho những ai đã trải qua tiến trình học hỏi về bảy tia sáng trong các kiếp trước, có thể theo học với các vị Thượng sư, nhưng theo học ở một mức cao hơn những người vẫn còn ở dưới tầng tâm thức thứ 96. Con có thể nhận ra là mục đích của mình không phải chỉ là đồng-sáng tạo với bảy tia sáng nhưng thực ra là đồng-sáng tạo cái khuôn đúc đã định ra cái “ta” của mình, ý niệm bản ngã của mình, và làm việc này một cách cố ý và có ý thức. Tức là con không chú tâm quá đáng vào việc tạo ra hình thể, nhưng chú tâm vào việc tạo ra một cái Ta sẵn sàng để thăng thiên. Nhưng trước khi con thăng thiên, con sẵn sàng biểu lộ chính mình trong cõi vật chất mà không chú tâm vào việc tạo hình thể hoặc tạo trải nghiệm đặc thù cho cái Ta. Nhưng ngược lại, chú tâm vào việc nâng tâm thức – nâng sự nhận biết của tổng thể, nâng tâm thức đại chúng – bằng cách thách đố các linh thể, các phàm linh đã tạo nên tâm thức đại chúng. Vì sao các phàm linh lại tạo nên tâm thức đại chúng sẽ chính là đề tài của bài giảng tới của thày.