Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 12/3/2014.
TA LÀ Lanto và thày thương yêu con. Có lý do nào khác mà thày lại ở với hành tinh địa cầu nếu thày không thương yêu con? Thày thương yêu các dòng sống khác đang hiện thân trên địa cầu. Thày thương yêu chính hành tinh này, và thày thương yêu viễn kiến cùng hoạch định cho hành tinh này được giữ trong tâm các chân sư thăng thiên – trong thời đại này, chân sư Saint Germain.
Thày là một sinh thể thăng thiên. Con hãy nhìn trong giây lát khoảng mênh mông của vũ trụ vật chất. Nghĩ xem có bao nhiêu tinh tú, bao nhiêu thiên hà, bao nhiêu hành tinh. Thật là vô số kể. Bây giờ con thử tưởng tượng con có một phi thuyền không gian cho phép con đi chơi tự do khắp đây đó trong vũ trụ vật chất. Liệu con sẽ ở lại với hành tinh nhỏ bé này, hay con sẽ đi khám phá những chân trời xa xôi kia? Đó, thày có thể cam đoan với con là cõi tâm linh còn rộng lớn hơn gấp bội, và có những chân trời thú vị hơn gấp bội vũ trụ vật chất để con khám phá. Khi con thăng thiên, toàn bộ khoảng bao la này của cõi tâm linh sẽ mở ra cho con. Con có thể đi gần như bất cứ nơi đâu nếu con thật chuyên cần. Vậy thì tại sao một chân sư thăng thiên lại chọn ở lại với địa cầu? Chỉ có thể có một lý do mà thôi: tình thương.
8.1. Con có thể chứng minh bất cứ quan điểm nào
Như thày có nói trong bài giảng trước về minh triết, điều các thày muốn cho học viên thấy là con có thể tranh luận chống hay thuận bất kỳ quan điểm nào. Bằng cách loại bỏ bằng chứng trái ngược, con có thể minh chứng bất kỳ điều gì con muốn. Con có thể chứng thực bất kỳ tin tưởng nhị nguyên nào để thỏa mãn tự ngã, thỏa mãn những ai nhìn qua phin lọc nhận thức của một vai trò nhất định. Có những người trên trái đất nghi ngờ sự hiện diện của các chân sư thăng thiên. Có những người trên trái đất nghi ngờ động cơ của các thày khi ở lại với địa cầu. Có những người bảo rằng đáng lý các thày phải đi nơi khác thay vì ở lại địa cầu.
Họ hoàn toàn chắc chắn là họ đúng, vì họ nhìn các thày qua một phin lọc nhận thức nhất định. Thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên tuy chắc chắn là các thày có thật, chắc chắn là các thày có lý do chính đáng để ở lại với địa cầu, nhưng lại cố ép các thày vào cho vừa một hộp tư duy nhất định. Một lần nữa, nếu con cứ chọn mãi thì con sẽ tìm ra một giáo lý nào đó của chân sư chứng thực gần như bất cứ gì con muốn tin. Liệu con có muốn tin là các chân sư giống như những phiên bản nhỏ của một thượng đế giận dữ trên trời mà cả ba tôn giáo độc thần đã đề xướng từ hàng ngàn năm nay? Nếu vậy thì con sẽ tìm ra một số lời dạy dường như xác nhận quan điểm đó, nhưng các thày là nhiều hơn hẳn quan điểm đó. Các thày nhiều hơn hẳn bất kỳ quan điểm nào. Điều các thày muốn đệ tử thấy được ở giai đoạn thứ nhì của khai ngộ tại Royal Teton là một khi con đã tạo ra một hộp tư duy đóng kín, nó sẽ lọc bỏ đi bất cứ bằng chứng trái ngược nào, và như vậy nó trở thành một hệ thống kín mít, một vòng tròn kín mít, một lời tiên đoán bắt buộc phải thành hiện thực.
8.2. Thoát khỏi hộp tư duy – bằng tình thương hay bằng vũ lực
Con sẽ không có cách nào thoát khỏi hộp tư duy khi con còn nhìn cuộc sống qua phin lọc nhận thức đã tạo ra chiếc hộp ngay từ đầu. Con không thể tra vấn nhận thức từ bên trong phin lọc nhận thức. Con phải dùng khả năng của cái Ta biết khi nó tự phóng chiếu ra ngoài hộp tư duy và phin lọc hiện thời của con. Cái gì sẽ thúc đẩy cái Ta Biết làm vậy? Trong Trường đời Cay đắng, rồi đây con sẽ đạt tới một điểm khi trường đời trở nên quá đỗi cay đắng và con bị cuộc đời đánh gục, bị tuyệt vọng đến độ con sẽ sẵn lòng nhìn ra ngoài hộp tư duy để trốn khỏi nỗi đau.
Ở khóa nhập thất tại Royal Teton, các thày không có ý định bắt con phải trải nghiệm khổ đau cho tới khi nỗi đau nhức nhối đến độ con phải quyết định tìm cách thoát thân. Các thày không ở đây để cống hiến cho con một cách thoát thân, và do đó sẽ tới một điểm ở cấp khai ngộ thứ ba khi con sẽ không thể tiến xa hơn cho tới khi con tự phát huy một động lực dựa trên tình thương. Con phải yêu thương một cái gì đó nhiều hơn là hộp tư duy của con. Con phải yêu thương một minh triết cao hơn, nhiều hơn minh triết do phin lọc nhận thức quy định.
Nếu con không có tình thương này, con sẽ không thể bước tiếp. Điều các thày muốn làm ở cấp khai ngộ thứ ba là chỉ cho đệ tử thấy là con đã có sẵn tình thương này ở đâu đó trong chính con. Khi con bước vào bên trong đủ sâu, con sẽ nhận ra dòng sống của con là sự yêu thương một cái gì vượt khỏi hộp tư duy hiện thời của mình. Tình thương này đã có mặt trước khi con tạo ra hộp tư duy khi con bước vào vai trò hiện tại của mình. Chính tình thương này đã khiến cái Ta Biết hiện thân trong vũ trụ vật chất. Con có tình thương muốn nhìn thấy sáng tạo của Thượng đế trải bày ra. Con yêu thương Hiện diện TA LÀ của con cùng các đức tính của Thượng đế mà con đã cá thể hóa (individualize). Con yêu thương việc biểu hiện các đức tính đó của Thượng đế và thấy ánh sáng đó tỏa vào bóng tối của cõi vật chất.
Đây là động lực mà các thày cố giúp con tái khám phá. Chắc chắn con đã tái khám phá phần nào động lực đó khi con đi qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất, nhưng các thày giúp con bước vào sâu hơn và nối kết lại với tình thương đã đem con đến hành tinh này. Các thày giúp con nhìn ra làm cách nào con có thể biểu hiện tình thương với nhiều minh triết hơn, nhiều phân biện hơn. Ở mức khai ngộ của Tia thứ Ba trong khóa nhập thất này, các thày muốn giúp con nhìn ra là khi minh triết được biểu lộ qua tình thương, một cái gì thật mới sẽ đột nhiên thức dậy trong con. Con bắt đầu nhận ra là những việc làm khôn ngoan của con người trên trái đất không do tình thương thúc đẩy, hay đúng hơn, không do Tình thương Thiêng liêng thúc đẩy mà do sự yêu mến phàm phu. Con người sử dụng trí khôn đó để phán đoán, kể cả sự phán đoán giá trị mà tự ngã, các sa nhân và thày giả đều ưa thích.
8.3. Phân biện Ki-tô và sự phán đoán phàm phu
Minh triết bị tha hóa bởi tình thương giả trá này, là loại tình thương chiếm hữu và kiểm soát, cho nên nó không còn là Minh triết Thiêng liêng nữa. Minh triết Thiêng liêng đích thực đem lại cho con tính phân biện, nhưng phân biện này không dính dáng gì tới phán đoán phàm phu. Đây là một điểm mà hầu hết các đệ tử chưa hề nghĩ tới bao giờ. Họ chưa bao giờ nghĩ tới là có sự khác biệt giữa phân biện Ki-tô và phán đoán khởi lên từ tâm phản-Ki-tô. Từ một quan điểm hời hợt, người ta quen thói nghĩ rằng khi mình dùng một tiêu chuẩn công phu để lượng định một tình huống hoặc một người hoặc một ý tưởng, thì mình đang thực hành phân biện. Thậm chí nhiều người còn tưởng đó là phân biện Ki-tô.
Con hãy nhìn xem, nhiều tín hữu Cơ đốc tin chắc giáo hội của mình nắm giữ cách diễn giải Kinh thánh đúng đắn duy nhất, và giáo điều cùng thế giới quan của giáo hội mình nhất định phải dựa trên cái mà họ gọi là phân biện Ki-tô – nếu họ dùng thuật ngữ này. Họ tin chắc tuyệt đối là họ đang phán xét một cách công chính vì họ đã có lời diễn giải chân chính về lời dạy của Ki-tô. Kỳ thực, cái họ có là sự diễn giải của con người phàm phu dựa trên tâm phản-Ki-tô về lời dạy của Ki-tô. Họ đã áp đặt một hình tượng giả trá lên lời dạy của Ki-tô, và họ dùng hình tượng này để phán xét mọi tôn giáo khác, mọi ý tưởng, mọi cách diễn giải khác về Kinh thánh cũng như người khác.
Họ phán xét các tôn giáo khác và những ai không có tôn giáo, nhưng họ phán xét cả những người đồng đạo Cơ đốc của họ. Trong nhiều hội thánh nhỏ như thế, đặc biệt tại Hoa Kỳ, các thành viên tin chắc mình là người đặc biệt, ngay cả so với mọi tín đồ Cơ đốc khác. Họ là người nắm giáo lý chân chính. Họ là những người chắc chắn được lên thiên đàng, hoặc chắc chắn sẽ nhận ra Giê-su khi thày trở lại trong lần tái lâm. Và khi Giê-su tái lâm, họ chắc chắn mình sẽ được chứng thực là những người duy nhất nắm giữ lời dạy chân truyền của Ki-tô. Tất nhiên đây không phải là phân biện Ki-tô.
Tiếc thay, thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên cũng tin mình có phân biện Ki-tô, dựa trên giáo lý do các chân sư thăng thiên truyền giảng. Nhưng như thày đã nói, điều mà các thày đưa ra là lời nói, mà lời nói thì tha hồ diễn giải. Họ diễn giải lời nói của các thày dựa trên phin lọc nhận thức hiện thời của họ. Chuyện hoàn toàn có thể xảy ra là họ lấy một lời dạy của chân sư để tạo dựng một cái hộp tư duy cũng hoàn toàn kín mít y như hộp tư duy của nhiều nhóm Cơ đốc cực chính thống.
Các thày đã thấy chuyện này xảy ra trong hơn thế kỷ qua khi truyền giảng một cách công khai. Các thày vẫn thấy chuyện này xảy ra ngày hôm nay khi có những nhóm tin chắc mình là những đệ tử cao cấp nhất của chân sư thăng thiên trên địa cầu, bởi vì họ đã lấy một giáo lý nhất định, biến nó thành hộp tư duy khép kín rồi sử dụng để phán xét Lời Hằng sống mà các thày vẫn liên tục truyền rải cho những ai có tâm rộng mở để làm sứ giả cho Lời Hằng sống.
Đó không phải là phân biện Ki-tô, và đó là điều con cần nhìn thấy ở cấp khai ngộ thứ ba tại nhập thất Royal Teton. Cho tới khi con chiêm nghiệm được – trong nghĩa đen – sự khác biệt trong độ rung giữa phân biện Ki-tô và sự phán đoán phàm phu, con không thể tiến bước. Con không thể vượt qua cuộc khai ngộ của cấp thứ ba, là khai ngộ của minh triết biểu hiện qua tình thương.
8.4. Tình thương Thiêng liêng không hạn chế quyền tự quyết
Tình thương không phán xét. Tình thương Thiêng liêng thì không phán xét, nhưng đúng là tình thương của con người hoàn toàn dựa trên một sự phán xét. Con chỉ việc nhìn khắp thế giới xem người ta tiếp cận đề tài hay khái niệm tình thương như thế nào. Hãy xem có bao nhiêu người, trong quan hệ cá nhân, tìm cách sở hữu hay kiểm soát người mà họ nói họ yêu. Họ có thể cho đó là vì lợi ích của người kia, nhưng làm sao là lợi ích được nếu họ cố cưỡng ép quyền tự quyết của người đó? Có bao giờ Thượng đế đã bổ nhiệm con làm quan tòa để xét xử người khác phải dùng quyền tự quyết của họ như thế nào không?
Đôi khi các thày phải cứng rắn một chút với học viên. Đôi khi các thày phải cho họ thấy là trong lúc tỉnh táo, họ đang sử dụng tình thương có điều kiện, tình thương chiếm hữu, trong quan hệ với người khác. Xong các thày cho họ thấy một mối quan hệ cụ thể và cách họ cư xử với một người nào đó, và các thày hỏi họ tại sao họ lại làm thế này hay thế kia. Họ luôn luôn nghĩ ra được một lý lẽ tại sao điều họ làm lại cần thiết cho ích lợi của người kia. Và đôi khi các thày phải chất vấn học viên: “Con có thể trưng ra cho thày xem bản hợp đồng mà con đã ký với Thượng đế giao cho con nhiệm vụ phán xét người đó? Đâu là tờ giấy chứng minh là con lãnh trách nhiệm về sự cứu rỗi của người đó?”
Có khi điều này khiến học viên ngừng lại và suy nghĩ. Tất nhiên, họ nhận ra là họ không hề có bản hợp đồng đó. Tại sao họ đã dựng lên ý tưởng là họ có trách nhiệm về sự cứu rỗi của người khác và họ phải xử sự như thể họ có quyền sở hữu gì đó trên người đó?
Nếu con muốn vượt qua khai ngộ ở cấp thứ ba, con phải ngừng tìm cách sở hữu người khác. Thày đang chực nói là con phải chuyển trọng tâm của con vào việc sở hữu chính mình, nhưng tất nhiên, nói như vậy sẽ dễ dàng bị hiểu lầm. Thật vậy, có nhiều người đã thăng vượt được mong muốn sở hữu người khác, họ vẫn tìm cách sở hữu chính mình cũng như tâm mình, nhưng họ làm vậy từ góc nhìn của tự ngã. Điều họ làm thực sự là tìm cách đặt tự ngã vào địa vị kiểm soát tâm họ, ý tưởng của họ, cảm xúc của họ, ý niệm bản sắc của họ. Thay vì con tìm cách sở hữu tâm con, thà là con buông bỏ mọi nhu cầu sở hữu bất cứ gì trên địa cầu.
8.5. Con không thể giam Phật tánh trong hộp tư duy
Thế nào là minh triết đích thực? Thày đã nói rằng minh triết cao nhất là biết mọi sự sống là một, bởi vì mọi thứ đều là Phật tánh. Đây là điều mà đức Phật đã giảng dạy bao nhiêu năm về trước – 25 thế kỷ, quả là rất lâu trước đây. Con nhìn xem người ta đã làm gì với lời dạy của Phật. Họ đã biến nó thành một đồ vật. Con có thể tìm thấy nhiều môn phái tin rằng họ sở hữu lời dạy của Phật.
Con yêu dấu, lời dạy của Phật là gì? Đó phải chăng là một học thuyết vỏ ngoài nào đó được diễn tả bằng lời? Nếu sự chứng ngộ nằm ở trung tâm đạo Phật rằng tất cả đều là Phật tánh, thì hệ quả chẳng phải là lời dạy của Phật cũng là Phật tánh hay sao? Những lời dạy đó cũng mang Phật tánh ở bên trong.
Vậy thì Phật tánh là gì? Người ta nghĩ Phật tánh là một trạng thái toàn hảo nào đó, và họ nghĩ nếu cái gì toàn hảo thì nó không thể thay đổi. À, đây là vấn đề trung tâm của hiện hữu con người. Vấn đề trung tâm là như sau: Con đang nỗ lực đạt được một trạng thái toàn hảo mà con cho là không thay đổi, hay con nỗ lực đạt đến sự hợp nhất với Phật tánh?
Con thấy đó, Phật tánh là thay đổi không ngừng. Phật tánh là tự thăng vượt không ngừng. Phật tánh không bao giờ đứng yên một chỗ. Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con không thể sở hữu Phật tánh. Con không thể kiểm soát Phật tánh. Con không thể tạo ra một cái hộp tư duy và bảo là Phật tánh được chứa trong hộp. Trước cả khi con có thể tạo ra hộp tư duy, Phật tánh đã tự thăng vượt một tỷ lần rồi.
8.6. Mắt Thượng đế chỉ có thể thấy sự duy nhất
Chỉ có tự ngã con người mới muốn tạo ra một trạng thái toàn hảo không thay đổi, vì nó tin rằng khi nó có thể tạo ra trạng thái toàn hảo đó thì nó sẽ được chấp nhận trong mắt Thượng đế. Như các thày đã giảng dạy nhiều lần, kể cả trong những quyển sách nền tảng của Giê-su về tự ngã, tự ngã sẽ không bao giờ được chấp nhận trong mắt Thượng đế, bởi vì mắt Thượng đế chỉ nhìn thấy duy nhất, trong khi mắt của tự ngã thì chỉ thấy tách biệt.
Mắt Thượng đế thấy thực tại rằng mọi sự sống đều là Dòng sông của Sự Sống không ngừng chảy. Mắt của duy nhất sẽ không bao giờ thấy được tự ngã, vì tự ngã đứng riêng ra khỏi duy nhất và do đó nó không có thật. Mắt của duy nhất chỉ thấy được cái có thật. Mắt của tách biệt chỉ thấy được cái không thật, và hai cái này thì không bao giờ gặp nhau. Chỉ có sự gặp nhau khi cái Ta Biết bước ra khỏi phin lọc nhận thức của tự ngã và chiêm nghiệm sự duy nhất, chiêm nghiệm chính nó là Phật tánh, là một với Dòng sông sự Sống không ngừng tự thăng vượt. Đây là minh triết. Minh triết được biểu đạt qua tình thương khi con nhận ra rằng con muốn cái gì nhiều hơn là những ảo tưởng của hộp tư duy và phin lọc nhận thức của con. Con muốn chính nguồn suối hằng sống, chứ không muốn một sự diễn đạt nào đó của minh triết, cho dù cao siêu nhưng cố định.
Trên thế giới có những người đã tìm ra một lời dạy tâm linh cụ thể nào đó. Họ đã nâng lời dạy đó lên địa vị cao siêu với thẩm quyền hơn trội. Họ tin chắc là nếu họ cứ đi theo lời dạy đó, thực hành mọi điều được quy định trong đó, hay được quy định bởi tổ chức vỏ ngoài tuyên bố sở hữu lời dạy, thì họ sẽ được bảo đảm cứu rỗi, sẽ bước vào thiên đàng, trở thành giác ngộ, nhập niết bàn, hoặc bất kỳ mục tiêu nào đặt ra.
Thậm chí có cả những học trò của chân sư thăng thiên cũng nắm lấy giáo lý của chân sư rồi đưa lên địa vị ưu việt và bất khả sai phạm, và như vậy họ cũng đã nhét lời dạy vào một hộp tư duy đóng kín. Họ không còn tai để mà nghe thấy và mắt để mà nhìn thấy lời dạy hằng sống là chính các thày. Các thày là một với Phật tánh, và các thày không ngừng thăng vượt chính mình, có nghĩa là giáo lý của các thày cũng không ngừng tự thăng vượt.
8.7. Hộp tư duy là tình thương bị tha hóa
Chỉ có tình thương mới giúp con giữ liên lạc với các thày khi các thày cứ tiếp tục tự thăng vượt và cũng thăng vượt những giáo lý đã ban ra trong quá khứ, kể cả quá khứ gần đây. Con hãy để ý sự khác biệt vi tế. Một giáo lý do chân sư thăng thiên truyền qua một sứ giả được bảo trợ là một giáo lý chính đáng. Nhưng ngay lúc giáo lý này được trao ra và biểu đạt trong cõi vật chất, các chân sư thăng thiên đã tự thăng vượt rồi và đồng thời cũng thăng vượt giáo lý đó. Điều này không có nghĩa là nó không có giá trị, mà có nghĩa là nếu con muốn giữ liên lạc với các thày, con không thể biến giáo lý thành một hộp đóng kín. Con dùng nó làm nền tảng để thăng vượt ý niệm cái ta của con cũng như bất kỳ cách diễn giải nào về giáo lý.
Thế nhưng điều con chứng kiến trong các tổ chức của chân sư thăng thiên cũng như mọi tổ chức tâm linh và tôn giáo khác, là một tiến trình lọc lựa. Thường khi, sẽ có đa số đệ tử muốn lấy giáo lý và biến nó thành hộp tư duy đóng kín. Khi làm vậy thì họ cũng tạo ra một văn hóa tổ chức là một hộp đóng kín. Thậm chí họ còn có thể đẩy ra rìa những ai không chấp nhận văn hóa đó cùng thế giới quan đó. Và thiểu số còn lại là những đệ tử cởi mở không chấp nhận hiện trạng này sẽ bỏ đi, để tìm một sứ giả khác hay một tổ chức khác, hoặc họ sẽ thiết lập sự tiếp xúc nội tâm của riêng mình với các thày để nhận được xung lực và lời dạy trực tiếp từ các thày. Đây là Dòng sông sự Sống. Đối với những đệ tử muốn ở lại trong hộp, họ có tình thương dưới dạng tha hóa. Suốt ngày họ sẽ quả quyết là họ yêu các chân sư và họ cũng yêu giáo lý của chân sư. Đúng là họ yêu các thày, nhưng một cách chiếm hữu. Họ quyết định là họ đã đạt đến một điểm ổn định trên đường tu nơi họ cảm thấy vô cùng thoải mái, và họ muốn các thày phê chuẩn điểm ổn định đó và sự kiện họ ngồi lại. Họ muốn các thày phải chui vào hộp tư duy của họ. Đây có lẽ là tình thương, nhưng chắc chắn chỉ là tình thương phàm phu chiếm hữu đã gây ra không biết bao nhiêu vấn đề trên hành tinh này khi người ta cố cưỡng ép người khác mà lại tưởng mình đang làm vậy với ý định tốt đẹp nhất, thậm chí với cả thẩm quyền cao nhất.
8.8. Con muốn đứng lại hay con muốn thăng vượt?
Giê-su nói: “Nếu con yêu ta, hãy thi hành các điều răn của ta.” Điều răn quan trọng nhất của Giê-su là gì? “Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất, còn ai vì ta mà sẵn sàng mất sự sống của mình thì sẽ tìm thấy”, tức là tìm thấy sự sống vĩnh hằng trong sự tự thăng vượt liên tục. Sự sống mà Giê-su nói đến là tự thăng vượt liên tục. Đây là sự sống mà Ki-tô hằng sống cống hiến cho loài người đang đầu thai. Nếu con không dự phần vào thân và huyết của Ki-tô, con không thể có sự sống trong con, bởi vì con cố giam hãm tánh linh của mình trong một cái hộp tư duy được quy định trên địa cầu.
Tánh linh của con không thể nhét vừa trong hộp, cho nên nó phải rút lui, nó phải giữ lại ánh sáng và sự sống của nó khỏi phàm ngã của con. Nếu tánh linh không làm vậy thì con sẽ tạo ra rất nhiều nghiệp quả khi con biểu hiện ánh sáng đó qua phin lọc nhận thức và hộp tư duy của con, khi con dùng ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ để cưỡng ép người khác, và như vậy con ngày càng tạo thêm nghiệp cho mình. Thật là một ân huệ khi Hiện diện TA LÀ giữ lại ánh sáng hầu hạn chế khối nghiệp quả mà con gây ra khi con cố ép buộc người khác, ép buộc các chân sư thăng thiên, ép buộc toàn bộ vũ trụ hay thậm chí cả Thượng đế vào hộp tư duy của con – như các sa nhân đã cố làm từ rất lâu nay. Sẽ tới một điểm trong khai ngộ tại khóa nhập thất Royal Teton khi con phải đối mặt với sự cần thiết tuyệt đối là xét xem con thương yêu những gì. Có gì con yêu hơn hộp tư duy hiện tại của con? Nếu thế, con phải hòa điệu với cái đó và tự hỏi một câu vô cùng nghiêm túc: “Tôi có muốn kết hợp nhiều hơn với cái mình yêu thương, hay tôi muốn dùng những lý lẽ toàn hảo dựa trên hộp tư duy hiện thời của mình để lập luận chống lại sự hợp nhất đó?” Con phải đạt đến điểm khi con thấy được sự chọn lựa mà con đối mặt giống như phải chọn giữa sống và chết. Liệu con có muốn tiếp tục chứng thực hộp tư duy của mình, hay con muốn sự kết hợp lớn hơn với những gì con yêu thương hơn cái hộp? Con không thể có cả hai.
8.9. Con không thể ăn hết cái bánh mà lại còn bánh
Đây là khai ngộ mà con đối diện ở cấp ba: Con không thể ăn hết cái bánh mà lại còn bánh. Con hãy suy ngẫm minh triết ẩn giấu trong câu nói dân gian đó, nghe tưởng quá đơn giản. Con có một miếng bánh. Con có thể hoặc ngồi đó, nhìn bánh và hưởng thụ cảm giác mình sở hữu một miếng bánh, hoặc con có thể ăn bánh và mất đi cảm giác sở hữu miếng bánh. Đâu là công dụng của bánh? Phải chăng là để con trưng bày nó trong tủ kính rồi đi vòng vòng khoe với tất cả bạn bè cùng thân nhân: “Hãy nhìn miếng bánh tuyệt vời này mà tôi sở hữu”. Hay là công dụng của bánh là để con mời bạn bè cùng thân nhân đến, xong giống như Giê-su bẻ thân mình cho môn đồ, con cũng bẻ bánh ra cho mọi người? Con chia cho mỗi người một miếng bánh. Con để họ ăn bánh, và đúng vậy, con đã mất chiếc bánh. Con mất đi cảm giác sở hữu chiếc bánh, nhưng thay vào đó con được gì? Con được sự hợp nhất với dòng chảy của Dòng sông sự Sống. Con được sự hợp nhất bởi vì cái mà con đã tự do nhận được thì con cũng tự do cho ra, và như vậy con có tự do nhận được nhiều hơn.
Sự chọn lựa là như sau: Con có thể lấy giáo lý tâm linh hiện thời của con, đặt nó vào tủ kính và đi vòng vòng với niềm hãnh diện về giáo lý tuyệt vời con đang trưng bày trong tủ. Hay con có thể bẻ giáo lý ra và ăn vào, và do đó con sẽ mất đi ý niệm vật sở hữu. Nhưng con nhập vào dòng chảy liên tục của dòng sông giáo huấn luôn luôn tự thăng vượt đang xối xuống từ các chân sư thăng thiên.
Con có thể đứng lại tại chỗ bên ngoài dòng chảy, hay con có thể nhập một với dòng chảy. Con không thể làm cả hai. Con không thể làm cả hai, con yêu dấu. Tất nhiên, tự ngã và các thày giả rất thèm muốn con tin là con có thể ăn bánh mà vẫn sở hữu miếng bánh. Họ muốn con tin rằng con vẫn vững chân tiến bước về ngày thăng thiên của con miễn là con tiếp tục học giáo lý của chân sư thăng thiên. Nếu con đã tìm thấy một vị sứ giả chân chính vẫn tiếp tục đưa ra giáo lý thì làm sao con lại đứng tại chỗ được? Nhưng con vẫn có thể đứng lại tại chỗ nếu con không thực sự thể nhập giáo lý và cho phép nó dẫn con vượt khỏi hộp tư duy của con.
Ngay cả một lời dạy hằng sống đang tuôn chảy cũng có thể bị sử dụng để xác nhận hộp tư duy của mình, vì hộp tư duy sẽ lọc bỏ đi những khía cạnh của lời dạy có thể thách đố nó. Nếu con không dùng lời dạy để giúp cái Ta Biết bước ra ngoài hộp tư duy, thì thật sự con sẽ dùng lời dạy để khiến cho hộp tư duy đông đặc lại cùng với niềm tin là chiếc hộp sẽ đưa con lên thiên đàng.
Bao nhiêu lần các thày sẽ phải nhắc lại rằng thăng thiên không phải là tiến trình xây đắp một cái hộp tư duy cho nó trở thành hoàn hảo đến độ Thượng đế sẽ phải chấp nhận nó vào cõi thăng thiên? Thăng thiên là một tiến trình mà qua đó con lột bỏ mọi khía cạnh của các hộp tư duy xuất phát từ tách biệt, cho đến khi con trở về với trạng thái ngây thơ nguyên thủy của con, nghĩa là vô tướng. Khi con thăng vượt mọi hình tướng bảo con là cái này hay cái nọ, thì con sẽ là cái mà con luôn luôn là, tức là sinh thể vô tướng đã từng giáng thế. Như Giê-su đã nói: “Chưa hề có ai trở lên trời, trừ ra đấng từ trời xuống.” Chỉ có cái Ta Biết trinh nguyên, vô tướng, đã đi xuống từ cõi tâm linh mới có thể thăng lên trở lại. Đây là một bí ẩn đáng để suy ngẫm, mặc dù nó hơi vượt quá cấp ba tại khoá nhập thất Royal Teton này nhưng vẫn là một ý tưởng con nên giữ trong tâm.
8.10. Thăng vượt mọi sở hữu nếu con muốn thăng thiên
Cái Ta Biết mở rộng nhận biết của nó bằng cách hiện thân, nhưng nó không làm vậy bằng cách xây dựng một ý niệm bản ngã tách biệt. Con không ở đây để xây dựng một cái ngã tách biệt tinh xảo đến mức nó thoả mãn một chuẩn mực tối hậu nào đó và được phép lên thiên đàng. Con ở đây là để xây dựng một ngã tách biệt hầu con trải nghiệm cuộc sống xuyên qua nó trong một thời gian, rồi con thăng vượt ngã này, và con cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con thăng vượt mọi loại ngã mà con có thể nghĩ ra và xây dựng trong thế gian này. Con nhận ra là con đã xong xuôi chuyện trải nghiệm thế gian này. Con đã thăng vượt tất cả mọi ngã mà con có thể nghĩ ra là những cách hữu ích để trải nghiệm thế giới hình tướng này. Giờ đây con đã sẵn sàng trở về với vô tướng, và chính trong trạng thái vô tướng này mà con thăng thiên.
Cũng tựa như người ta nói về thân thể vật lý, con đã bước vào thế gian này trần trụi thì con ra đi cũng y như vậy. Con không thể đem theo sở hữu với con, nhưng con có thể đem theo một thứ. Cái mà con đem theo với con không phải là cái ngã tách biệt con đã tạo dựng, mà là sự chứng đạt được lưu trữ trong căn thể của con (causal body). Căn thể này, con sẽ đem theo với con, và nó sẽ giúp con trên cuộc hành trình nối tiếp như một chân sư thăng thiên.
Con sẽ không trở thành một chân sư thăng thiên cho đến khi con thăng vượt mọi khía cạnh của ngã tách biệt. Bất cứ gì con nghĩ là mình sở hữu phải được thăng vượt. Con phải từ bỏ cuộc sống này để đi theo Ki-tô, và để làm vậy, con phải yêu Ki-tô nhiều hơn bất cứ gì khác trong thế gian. Như Giê-su đã nói: “Ai yêu cha mẹ hay anh chị em hơn ta thì không đáng cho ta.” Thật đúng như vậy. Nếu con yêu bất cứ khía cạnh nào của ngã tách biệt nhiều hơn Ki-tô – Ki-tô nghĩa là sự tự thăng vượt liên tục – thì con không xứng đáng làm đệ tử của Ki-tô, vì con không sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo chân Ki-tô trong sự tự thăng vượt liên tục của Dòng sông sự Sống.
8.11. Yêu sự biểu hiện cá thể Thiêng liêng của con
Tình thương là động lực mạnh mẽ nhất, vì tình thương chính là sự tự thăng vượt. Con hiện hữu vì Đấng Sáng tạo của con muốn là nhiều hơn. Con hiện hữu trong một thế giới có hình tướng vì Đấng Sáng tạo của con muốn là nhiều hơn. Chính con cũng trở thành nhiều hơn bằng cách đồng hóa trước hết với một hình tướng, rồi sau đó thăng vượt hình tướng đó. Không phải hành động đồng hóa khiến con trở thành nhiều hơn, mà là hành động buông bỏ sự đồng hóa. Buông bỏ là yêu thương đích thực, trong khi tìm cách sở hữu là tình thương giả trá.
Các thày cố chỉ ra cho đệ tử là họ cần từ bỏ mong muốn sở hữu thế giới quan, minh triết, cái hộp tư duy mà họ đang có ở mức hiện thời. Các thày cố đưa họ chạm được cái mà họ yêu nhiều hơn sự an toàn của hộp tư duy. Thày đã có nói đến sự yêu thương Ki-tô, vì ở mức cá nhân, Ki-tô thật sự là sự biểu hiện của cá thể Thiêng liêng của con.
Thày đã có nói đến các hình dạng kỷ hà lý tưởng. Thật vậy, Hiện diện TA LÀ của con là gì? Đó là một hình kỷ hà lý tưởng, một hình kỷ hà phức tạp tinh vi, và khi con bắt đầu nhìn hé thoáng một khía cạnh nhỏ của hình dạng đó, con sẽ cảm thấy tình thương muốn biểu lộ hình dạng đó trong thế gian. Con sẽ thấy việc này không thể làm được qua phin lọc nhận thức và hộp tư duy hiện thời của con. Con có chọn lựa giữa việc biểu đạt cá thể trong Hiện diện TA LÀ, hay bám chặt vào hộp tư duy của mình.
Khi đệ tử đến điểm thấy được điều đó, và họ thấy hộp tư duy đang hạn chế họ như thế nào, thì con sẽ thấy luân xa tim của họ sáng rỡ lên với cường độ của ngọn lửa màu hồng ngọc, là ngọn lửa cho họ quyết tâm muốn thiêu sạch – trong nghĩa đen – một khía cạnh nhất định của hộp tư duy bằng một tia laser, hầu biểu đạt cá thể thiêng liêng của mình nhiều hơn. Đây là lúc họ cảm thấy tình yêu thiêng liêng xối chảy qua mình. Khi mục đích hàng đầu của con là biểu hiện cá thể thiêng liêng được cất giữ trong Hiện diện TA LÀ của mình, thì con đâu còn nhu cầu nào nữa để kiểm soát người khác? Đâu còn nhu cầu phải tự kiểm soát và thích nghi với một chuẩn mực vỏ ngoài nào đó trên trái đất?
Con không cần gì từ người khác để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con không cần gì từ trái đất để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con không cần đến điều kiện nào trong thế giới vật chất để thể hiện cá thể Thiêng liêng của con. Con sẽ không bao giờ thể hiện được cá thể Thiêng liêng của mình trừ khi con đạt đến điểm là con cứ làm, bất kể mọi điều kiện ngoại cảnh.
Quá nhiều đệ tử đến với các thày với thái độ là khi điều kiện ngoại cảnh thuận lợi thì họ mới thể hiện được tâm Ki-tô của mình. Đâu là bài học của sự hiện thân của Giê-su? Hãy nhìn vào cuộc đời của thày! Dựa trên cái nhìn vẻ vang mà đạo Cơ đốc đã dựng lên, con có thể nghĩ Giê-su đã có những điều kiện lý tưởng. Nhưng con hãy nhìn vào đời của thày! Đâu là ý nghĩa câu chuyện thày sinh ra nơi máng cỏ khi nhà trọ không còn chỗ? Đâu là ý nghĩa câu chuyện thày sinh ra ngoài hôn nhân vì cha mẹ thày phải chạy trốn khỏi Ai cập, rồi thày lớn lên trong hoàn cảnh khiêm tốn? Toàn bộ đời thày là để cho thấy rằng ngay cả trong những hoàn cảnh hèn mọn và dường như bất lợi nhất, con người vẫn có khả năng thể hiện Ki-tô, thể hiện Phật tánh và cá thể thiêng liêng.
Để thể hiện cá thể thiêng liêng của mình, con cần gì? Con không cần phải cố tạo ra trước tiên những điều kiện lý tưởng trong đời mình, mà con cần sẵn lòng biểu hiện cá thể thiêng liêng đó cho dù các điều kiện vỏ ngoài mà con phải đương đầu là gì. Đây là tình thương. Khi con nhìn vào các điều kiện trên địa cầu mà không nhìn xuyên qua phán đoán của ngoại tâm và tự ngã, con không đánh giá các điều kiện đó là kém lý tưởng và nói: “Tôi không thể biểu hiện bất cứ điều gì thiêng liêng được trong hoàn cảnh này. Hoàn cảnh này không xứng đáng để biểu hiện thiêng liêng.”
8.12. Vượt qua khai ngộ nhờ tình thương vô điều kiện
Tình thương là khi con nhận bất kỳ điều kiện nào mà con đối mặt, rồi tìm ra cách biểu hiện cái gì hơn nữa, cái gì thiêng liêng trong hoàn cảnh đó. Đó là khi con nhân ta-lăng lên cho sinh sôi nhiều hơn, và đó cũng là khi con sẽ được trao cho nhiều hơn để mà biểu hiện. Có những người cứ ngồi đó với một giáo lý tâm linh, họ hiểu phần nào đường tu tâm linh là gì, nhưng họ cứ ngồi chờ cho một số điều kiện lý tưởng hiện ra, và khi đó thì họ sẽ, tự dưng và tự động, biểu hiện được Ki-tô hay điều gì đó tâm linh. Nhưng có những người bước vào bất kỳ hoàn cảnh nào mình gặp mà vẫn tìm ra cách biểu hiện một thực tại cao hơn trong tình huống đó.
Đấy chính là những người đã nhân ta-lăng lên gấp bội thay vì chôn kỹ dưới lòng đất. Đó là những người sẽ vượt qua khai ngộ ở cấp thứ ba tại khóa nhập thất Royal Teton, là sự sẵn sàng biểu hiện tình thương trong bất cứ điều kiện nào, ngay cả khi nó có vẻ không xứng đáng với tình thương, ngay cả khi có vẻ tình thương không thể biểu lộ được trong hoàn cảnh đó. Con biểu lộ tình thương ngay cả với những người dường như không xứng đáng được thương yêu, dường như không muốn được thương yêu, dường như không sẵn sàng nhận thương yêu. Con biểu lộ tình thương ngay cả khi người ta miệt thị con, hay miệt thị tình thương của con, ngay cả khi họ chà đạp nó dưới chân và chế nhạo nó một cách thấp hèn nhất. Con vẫn biểu hiện những gì đến với con từ bên trong. Con đang là mặt trời, là cánh cửa mở cho mặt trời của Hiện diện TA LÀ của con chiếu rọi xuyên qua thế giới vật chất. Đó chính là vai trò của con. Đó là lý do tại sao con ở đây.
Khi tình yêu của con lớn đủ để con có thể biểu hiện Thiêng liêng cho dù người ta có làm gì với nó, thì con đã phát huy được động lực dựa trên tình thương. Con đã vượt qua khai ngộ của cấp ba và con có thể bước sang cấp bốn. Khi đó, con đã phát huy được tính không phán xét, cho phép con gia tốc các động lực của mình lên một mức thuần khiết cao hơn, là nơi con có ý định trong sạch.
Tất nhiên đây sẽ là chủ đề của bài giảng tới của thày. Ngay bây giờ, thày sẽ để yên cho con suy ngẫm câu hỏi này: “Liệu con muốn có bánh, hay con muốn ăn bánh và nhập vào Dòng sông sự Sống?” TA LÀ Lanto!