12 | Tình thương và Sự thật

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice. Điều gì xảy ra khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày? Đây là điểm con gặp tình thương phối hợp với Tia thứ Năm, thường được gọi là tia của sự thật hay chân lý. Ông Pontius Pilate đã từng hỏi Giê-su: “Sự thật là gì?” Câu hỏi này đáng để chúng ta suy ngẫm.

12.1. Thực tại và cách chúng ta cảm nhận thực tại

Pontius Pilate đại diện cho một người có tâm thức ở dưới tầng 48. Giê-su đại diện cho một người có tâm thức rất gần tầng 144. Khi con tới gần tầng 144, con có thể biết đâu là sự thật. Khi con ở dưới tầng 48, con không thể nào biết sự thật. Khi con tới khóa nhập thất của thày, con không ở dưới tầng 48, nhưng con cũng không ở gần tầng 144.

Con có thể nào biết sự thật ở tầng tâm thức của con khi con tới khóa nhập thất của thày chăng? Con có thể biết một biểu hiện của chân lý cao hơn lúc con ở dưới tầng 48. Con không thể biết trọn vẹn chân lý mà con biết được khi con tới gần tầng 144. Đây là một điều rất quan trọng mà con nên ghi nhớ. Vậy con biết được gì? Làm sao con thấy được chân lý khi con đang ở đâu đó giữa tầng 48 và 96 trên con đường tự điều ngự?

Con chỉ thấy chân lý xuyên qua cỗ xe tâm hồn là phương tiện con dùng để biểu hiện trong thế giới vật chất. Điều này không có nghĩa là con không thể trải nghiệm chân lý dưới hình thái trong sạch của nó. Cái Ta Biết của con có khả năng bước ra ngoài và không tự đồng hóa với cỗ xe tâm hồn. Giống như con có khả năng trải nghiệm tình thương vô điều kiện, thì con cũng có khả năng trải nghiệm chân lý vô điều kiện, nhưng chân lý vô điều kiện không có điều kiện.

Chúng ta cần thấy một khác biệt vi tế mà đa số người trên hành tinh còn không thể hiểu được. Họ không thấy sự khác biệt này là cần thiết, vì họ không thấy sự khác biệt giữa thực tại và cách họ cảm nhận thực tại. Họ nghĩ rằng điều mà họ thấy qua cỗ xe tâm hồn là thực tại, là chân lý, nhưng điều này không đúng, phải không con? Con đã bắt đầu vượt lên trên tầng 48 và con đã bắt đầu tách mình ra khỏi, không còn tự đồng hóa, với cỗ xe tâm hồn.

12.2. Cỗ xe tâm hồn không phải là kẻ thù của con

Đây là điều con cần phân biệt: cỗ xe tâm hồn không phải là kẻ thù của sự tăng triển tâm linh của con. Nó có thể là kẻ thù, và chắc chắn nó kẻ thù khi con ở dưới tầng 48. Khi con ở dưới tầng 48, cỗ xe tâm hồn, trong đó có tự ngã, kéo con xuống những khuôn nếp vị kỷ dựa trên sợ hãi. Con tìm cách bảo vệ tự ngã và cái ta phàm phu thay vì vươn lên trên tự ngã và các khía cạnh vị kỷ của tâm thức con người.

Tâm thức con người và tự ngã đặt lên trên cỗ xe tâm hồn một lớp phủ có pha màu. Khi con vượt lên trên tầng 48, con bắt đầu thoát khỏi khuynh hướng vị kỷ đó. Khi con vươn lên cao hơn nữa về hướng tầng 96 trên con đường tự điều ngự, con rũ bỏ những khuynh hướng đó thêm nữa. Nhưng không có nghĩa là lúc đó con đã rũ bỏ cỗ xe tâm hồn.

Mục tiêu của con đường tự điều ngự từ tầng 48 đến tầng 96 là giúp con phát triển khả năng sáng tạo để con có thể biểu lộ nó toàn vẹn hơn trong thế giới vật lý. Khi con biểu lộ khả năng sáng tạo, con cần một cỗ xe để biểu lộ. Con cần bốn thể phàm của con. Đó là lý do vì sao cái Ta Biết, là trạng thái nhận biết thuần khiết, không thể biểu lộ sự sáng tạo. Đó là lý do vì sao cái Ta Biết cần tạo ra cỗ xe tâm hồn, trong đó có bốn thể phàm. Nó không cần phải tạo ra tự ngã, nhưng nó đã làm điều này trên trái đất vì hành tinh này rất dày đặc. Công việc chính trên con đường tự điều ngự là vượt lên trên tầm ảnh hưởng của tự ngã để làm chủ cỗ xe tâm hồn, thay vì để tự ngã làm chủ cỗ xe tâm hồn và kéo con vào những khuôn nếp dựa trên sợ hãi có mục đích bảo vệ tự ngã.

12.3. Cỗ xe tâm hồn được hình thành như thế nào

Thày đã có giảng là con cần ngưng trong lọc các phàm linh nội tại và rũ bỏ chúng, nhưng các phàm linh nội tại không phải là cỗ xe tâm hồn trong hình thức trong sạch của nó. Các phàm linh nội tại được tạo ra bởi các sợ hãi của tự ngã và cảm nhận méo mó của nó. Chúng được tạo ra dựa trên một ảo tưởng, là ảo tưởng nhị nguyên, nhưng con có thể thanh lọc chúng khỏi cỗ xe tâm hồn. Điều này không có nghĩa là cỗ xe tâm hồn có thể thăng thiên, nhưng có nghĩa là con có một cỗ xe trong sạch hơn giúp con biểu lộ chính mình trong thế giới vật chất.

Con đã hình thành cỗ xe tâm hồn của con như thế nào? Con đã hình thành nó dựa trên sự cá biệt mà Hiện diện TA LÀ của con sẵn có, vì nó được tạo ra với tính cá biệt này. Hiện diện TA LÀ của con có một khuôn đúc cá biệt độc nhất, khác với khuôn đúc của tất cả các sinh thể tự nhận biết khác trong thế giới hình tướng. Con đã tạo ra cỗ xe tâm hồn dựa trên tính cá biệt của Hiện diện TA LÀ của con tuy lúc đó con không hoàn toàn là Hiện diện TA LÀ.

Con cũng tạo cỗ xe tâm hồn dựa trên những trải nghiệm mà con kinh qua trong thế giới vật chất. Nếu con đã đầu thai trên trái đất một thời gian dài, và con chắc chắn đã làm điều này khi con sẵn sàng gia nhập khóa nhập thất của thày, thì tính cá biệt của con, của cỗ xe tâm hồn của con, đã bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm của con trên trái đất. Đời sống con người là như vậy. Tất cả chúng ta đã đi qua tiến trình này khi chúng ta đầu thai trên trái đất.

Công việc giữa tầng 48 và 96 là thanh lọc cỗ xe tâm hồn khỏi ảnh hưởng của tự ngã, nhưng không phải là loại bỏ cỗ xe tâm hồn hay tước tính cá biệt khỏi cỗ xe tâm hồn. Đây là công việc khi con vượt lên trên tầng 96, vì đó là giai đoạn con bắt đầu giải thoát cái Ta Biết khỏi những khía cạnh của cỗ xe tâm hồn không dựa trên sợ hãi.

Ta có thể nói là trong giai đoạn đầu, con xây dựng một cỗ xe tâm hồn trong sạch để con có thể dùng nó để biểu lộ chính mình, nhưng trong giai đoạn sau con bắt đầu ngưng không tự đồng hóa với cỗ xe tâm hồn để nhận ra mình là – con – Hiện diện, là một nối dài của Hiện diện. Cỗ xe tâm hồn chỉ là một cỗ xe giúp sự sáng tạo chảy xuyên qua để vào thế giới vật chất. Con có thể nghĩ là ở trên tầng 96, con phá bỏ tính cá biệt và cỗ xe tâm hồn mà con đã xây dựng ở dưới tầng 96, nhưng điều này không đúng. Khi con tới tầng 144, con vẫn còn cá tính.

Con có thể thấy là Giê-su có một cá tính rõ rệt. Thánh kinh không mô tả điều này một cách trung thực, nhưng thày có một cá tính. Điều này không là một vấn đề vì thày không tự đồng hóa với nó. Có người có thể nhìn sự việc này và nói rằng đấng Ki-tô hiện thân không thể có cá tính như vậy, và dùng điều đó như lý cớ để chối bỏ thày. Một số người gặp gỡ Giê-su thời đó đã hành xử như vậy, nhưng đó là chọn lựa của họ, chứ không phải là trách nhiệm của Giê-su. Con có thể có một số khía cạnh của cá tính con người khi con thăng thiên, nhưng điều này không ảnh hưởng việc thăng thiên. Nó chỉ là một cỗ xe.

Vì sao thày lại giảng con những điều này? Vì nó liên quan đến các khai ngộ mà con sẽ đối mặt ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày. Một trong những hủ hóa tình thương mà con phải đối mặt ở khóa nhập thất của thày chính là khuynh hướng nghĩ rằng chân lý chỉ thể hiện theo một cách. Nếu con thực thương yêu ai và muốn giải phóng người đó, thì con phải giúp họ thấy chân lý.

Con yêu dấu, nếu con đứng nhìn mặt trời lặn về phương Tây thì con có một tầm nhìn nào đó về thế giới. Nếu con quay người lại và nhìn về hướng khác, thì con không còn thấy mặt trời nữa, phải không con? Khi con, là cái Ta Biết, quay về bên trong và rút ra khỏi cỗ xe tâm hồn, thì con có thể ngước nhìn lên và thấy Hiện diện TA LÀ của con. Có thể con sẽ trải nghiệm chân lý vô điều kiện, nhưng con cũng sẽ trải nghiệm là chân lý vô điều kiện không thể biểu hiện qua ngôn từ, hoặc hình ảnh, lý thuyết hay triết lý.

Nếu bây giờ con quay đầu và nhìn ra thế giới vật chất qua con mắt cỗ xe tâm hồn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó con sẽ nhìn thế gian xuyên qua cỗ xe tâm hồn và tính cá biệt nội tại trong nó. Con có thể nhìn vào khái niệm chân lý xuyên qua cỗ xe đó, nhưng điều thày muốn con suy ngẫm là con không thể nào thấy được chân lý tuyệt đối và vô điều kiện xuyên qua cỗ xe tâm hồn của mình.

Ngay nơi đó chính là sự hủ hóa tình thương, khi ý muốn cái gì hơn nữa bị tâm thức sa ngã hủ hóa thành ý muốn cái gì tối hậu. Con có lòng khao khát tự nhiên muốn biết chân lý, nhưng khao khát đó bị hủ hóa thành khao khát muốn biết một chân lý tuyệt đối mà cỗ xe tâm hồn có thể hiểu được.

12.4. Sự thực cao hơn không phải là chân lý duy nhất

Đó là chỗ con tạo bối cảnh gây ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ con người mà con có thể thấy trên trái đất, không những trong quan hệ tình yêu mà còn trong đủ loại quan hệ giữa con người. Con người tin rằng điều họ thấy xuyên qua cỗ xe tâm hồn của họ là một chân lý có ý nghĩa cao cả và tuyệt đối. Nhiều khi họ tin rằng một tôn giáo hay hệ thống triết học đã quy định chân lý trong thánh kinh của tôn giáo hay hệ thống đó. Nếu con chấp nhận tôn giáo đó thì con thấy chân lý trong đó, vì con chấp nhận những gì tôn giáo đó nói về thế giới, kể cả thế giới tâm linh. Điều này không đúng, vì bất kỳ tôn giáo nào được diễn tả bằng ngôn từ hay hình ảnh của thế gian chỉ có thể đưa ra một ước phỏng của chân lý. Các thày đã nhiều lần nói điều này. Giáo lý vỏ ngoài, ngay cả giáo lý vỏ ngoài mà chính các thày trao truyền, chỉ là phương tiện giúp con vượt lên trên chúng để đạt được kinh nghiệm nội tâm về cái gì không có điều kiện, không thể được diễn tả bằng ngôn từ hay hình ảnh, và chắc chắn là không thể bị hạn chế bởi ngôn từ và hình ảnh.

Thí dụ ta có hai người. Họ đều khao khát chân lý. Họ đều mong muốn tăng triển. Họ nhận ra là điều ngăn trở con người tăng triển là vì họ bị mắc kẹt trong ảo tưởng. Họ nhận ra cách để vượt qua ảo tưởng là nhận ra nó là ảo tưởng, nhưng họ vẫn có thể bị mắc kẹt trong bẫy vi tế của tâm thức sa ngã. Tâm thức sa ngã nói rằng muốn khắc phục dối trá, ta cần thấy chân lý. Điều đúng là muốn khắc phục một dối trá nào đó, ta cần thấy nó là một dối trá. Điều đúng là muốn nhận ra một ảo tưởng nào đó là một dối trá, ta cần thấy một biểu lộ cao hơn của sự thực, nhưng một biểu lộ cao hơn của sự thực không đồng nghĩa với “chân lý duy nhất” theo nghĩa tối hậu.

12.5. Khắc phục ảo tưởng của chân lý tối hậu

Lý do vì sao con bị kẹt trong một ảo tưởng không phải là vì con ngu dốt. Lý do là vì con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Khi con nhìn qua phin lọc nhận thức ở tầng tâm thức đó, thì ảo tưởng giống như thật. Khi con chấp nhận ảo tưởng, đó là vì con thấy nó là sự thật.

Con không ở tầng tâm thức 144, con đồng ý chứ? Ở tầng tâm thức hiện tại của con, con không thể thấy chân lý tối hậu. Ta hãy giả thử là ở tầng tâm thức hiện tại của con, con nhận ra là trong một kiếp trước, khi con ở một tầng tâm thức thấp hơn, con đã chấp nhận một ảo tưởng. Ảo tưởng này đã nằm trong tiềm thức của con từ thời đó và nó ảnh hưởng con. Nó đã trở thành một phàm linh nội tại. Bây giờ thì con thấy phàm linh nội tại đó là giả. Con thấy nó là một khuôn nếp không xây dựng mà con muốn loại bỏ, và sau đó con thấy được ảo tưởng.

Vì sao bây giờ con thấy được một ảo tưởng mà trước kia con tưởng là sự thật? Đó là vì con đã lên một tầng tâm thức cao hơn. Con bây giờ thấy một điều mà trước kia con tưởng là sự thật, thực sự không phải là sự thật mà là một ảo tưởng. Khi đó, con cần tránh không tin các sa nhân, các thày giả và tự ngã của mình khi chúng thì thầm vào tai con là con đã thấy được chân lý tối hậu. Trái lại, con cần khiêm nhường nhận ra là điều con đang thấy là điều mà con có thể thấy ở tầng tâm thức hiện nay của con, nhưng vì con vẫn ở rất xa tầng 144 nên con chưa thấy được bóng dáng của chân lý tối hậu. Điều con đang thấy thể hiện tầng tâm thức hiện tại của con, nó không phải là chân lý tối hậu.

Bây giờ con cần tiến thêm một bước nữa và nhận ra rằng điều con đang thấy không những là một biểu hiện của tầng tâm thức hiện tại của con, mà nó còn thể hiện cá tính của con, cá tính của cỗ xe tâm hồn của con. Khi con còn xác thân vật lý thì con sẽ không bao giờ thấy được chân lý tối hậu. Con sẽ luôn luôn thấy nó xuyên qua cỗ xe tâm hồn của mình.

Ở đây có hai khía cạnh mà con cần nhận ra. Ở bên dưới là cá tính của cỗ xe tâm hồn của con, và con sẽ giữ một phần cá tính đó cho tới khi con thăng thiên. Ở bên cạnh là con đường song song của tầng tâm thức của con, là một trong 144 tầng. Con càng tới gần tầng 144 thì nhận thức của con càng tinh khiết, nhưng nó vẫn là một nhận thức cá biệt.

12.6. Cạm bẫy nghĩ mình phải thuyết phục người khác

Khi con nhận ra điều trên thì con tránh rơi vào cạm bẫy đã quyến rũ rất nhiều người. Khi con thương yêu một người, muốn giúp người đó, và thấy họ đang bị kẹt trong một khuôn nếp, thì con nghĩ cách duy nhất để giúp họ là khiến họ thấy chân lý như con thấy. Con hãy nhìn lại những quan hệ của con với người khác và nhớ lại những trường hợp mà con thấy một người – có thể là một đồng nghiệp, người thủ trưởng, cha mẹ mình, con cái mình hay vợ chồng – cần phải thấy một điều mà con thấy nơi họ, nhưng chính họ lại không thấy được? Có phải chăng là tất cả chúng ta đã trải qua những trường hợp tương tự khi chúng ta đầu thai trên trái đất này? Các con có đang kinh nghiệm điều này ngay bây giờ chăng?

Bây giờ con hãy suy ngẫm một điểm vi tế khác nữa. Rất có thể là con có một cái nhìn chính xác là người kia cần vượt qua một khuôn nếp, và người đó đang không thấy khuôn nếp đó hay ảo tưởng đằng sau nó. Rất có thể con thấy rõ điều này, và có thể đúng là người đó cần phải thay đổi. Nhưng, người đó sẽ không thay đổi bằng cách thấy sự thật như con thấy.

Tại sao vậy? Đó là vì sự thật mà con thấy không phải là chân lý tối hậu và chỉ là một chân lý cá biệt. Nó là chân lý cá biệt của con, dựa trên cá tính của cỗ xe tâm hồn của con và trình độ tâm thức hiện tại của con. Điều con thấy không phải là chân lý. Thật ra con cũng không thấy tình trạng của người kia và mối quan hệ giữa con và người đó một cách khách quan và sáng suốt. Điều con thấy là một cảm nhận do cỗ xe tâm hồn con tạo ra. Con đang nhìn sự việc qua một cặp kính mờ, có pha màu. Điều này không có gì sai trái. Ngay lúc này, con không thể làm gì khác.

Điều mà thày muốn chỉ cho con thấy là người kia bình thường sẽ không thấy điều con cảm nhận, vì người đó có cá tính riêng của cỗ xe tâm hồn của họ và họ cũng có trình độ tâm thức riêng của họ. Người đó có thể có một trình độ tâm thức cao hơn hay thấp hơn trình độ của con. Nếu người đó ở trình độ tâm thức thấp hơn con, cũng không có nghĩa là người đó sẽ nâng tâm thức mình lên bằng cách nhìn thấy điều mà con thấy. Người đó vẫn cần thấy sự việc dựa trên cỗ xe tâm hồn của mình và trình độ tâm thức của mình.

12.7. Tự ngã ham muốn được phổ quát

Một hủ hóa phổ thông của tự ngã là nó không nhìn nhận là nó nhìn tất cả mọi việc như một cảm nhận cá biệt. Tự ngã khát khao biến cảm nhận cá biệt của nó thành một sự việc phổ quát bằng cách khiến người khác chấp nhận nó như “sự thực duy nhất”. Đây là điều thày mong giúp con thấy và chất vấn khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày. Điều mà thày mong giúp con nhận ra là tầm nhìn của con sẽ luôn luôn mang tính chất cá biệt khi con còn hiện thân trong cõi vật chất. Điều mà một người khác thấy cũng luôn luôn mang tính chất cá biệt khi người đó còn hiện thân. Người đó sẽ không tăng triển bằng cách thấy sự việc như con thấy. Người đó sẽ tăng triển khi có một tầm nhìn sáng suốt hơn dựa trên cá tính riêng của họ.

Con lên một tầng cao hơn khi con có một tầm nhìn sáng suốt hơn, nhưng cỗ xe tâm hồn của con vẫn dựa trên tính cá biệt của Hiện diện TA LÀ của con. Phải chăng là thày đang nói là Hiện diện TA LÀ cũng có một tầm nhìn cá biệt về thế giới? Đúng vậy. Con sẽ có một tầm nhìn cá biệt cho tới khi con là một với tâm thức của đấng Sáng tạo. Và có khi còn cao hơn nữa, vì lúc đó con là một đấng Sáng tạo cá biệt. Con sẽ không có tầm nhìn nhị nguyên như khi con còn hiện thân, khi con chưa thăng thiên, nhưng tầm nhìn của con vẫn cá biệt. Làm sao có thể khác hơn được?

Cái gì khiến thày là Paul người Venice, mà không phải là Hilarion? Cái gì khiến thày khác thày Hilarion? Thày Hilarion và thày không là một. Các thày có thể hòa nhập và cộng tác năng lượng của mình khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày, nhưng hai thày không phải là một. Thượng đế không muốn hai thày trở thành một. Khi hai thày tiến triển thêm trên con đường tiến hóa của mình, sẽ không có một điểm mà hai thày sẽ mất tính cá biệt của mình. Con có nghĩ rằng Alpha và Omega không có cá tính chăng? Dĩ nhiên là không phải vậy. Không ai mất đi cá tính của mình. Con nâng nó lên trình độ càng ngày càng cao hơn. Thày biết là tâm đường thẳng, tâm phân tích không dễ hiểu được điều này, nhưng con nên suy ngẫm với tâm thức hiện tại của con.

12.8. Hai người bạn đời sẽ không thấy bất kỳ chuyện gì hoàn toàn giống nhau

Điều thày có thể làm ở khóa nhập thất của thày là chỉ cho con thấy là cỗ xe tâm hồn của con ảnh hưởng cái nhìn của con về mọi chuyện trên thế gian này. Cái Ta Biết của con có khả năng bước ra ngoài phin lọc nhận thức của cỗ xe tâm hồn. Con có thể trải nghiệm một thực tại cao hơn, nhưng khi con nhìn về thế gian, khi con không nhìn về Hiện diện TA LÀ, thì con thấy sự việc xuyên qua phin lọc nhận thức của cỗ xe tâm hồn.

Người phối ngẫu trong quan hệ tình yêu của con sẽ không bao giờ – không bao giờ – nhìn đời giống y như con. Đây là một trong những nguyên do phổ thông nhất tạo xung đột trong quan hệ tình yêu. Con nghĩ, vì con đã được dạy dỗ để nghĩ như vậy, là con có sự thu hút với người bạn đời vì người đó rất giống con. Nhưng sự thực là con có sự thu hút với người bạn đời vì người đó có thể giúp con thấy điều gì đó nơi mình bằng cách phơi bày nó ra. Người đó phơi bày bằng cách nào? Bằng cách khiến con phản ứng lại điều họ làm, chứ không phải bằng cách khiến con thấy sự việc giống như họ thấy.

Thày biết là điều thày vừa nói không giúp các quan hệ tình yêu vận hành suôn sẻ. Đa số không có khái niệm là họ cần nhìn vào cách họ phản ứng lại người bạn đời của họ để khám phá ra những vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ. Thay vào đó, họ nghĩ rằng, trong một quan hệ tình yêu lý tưởng, hai người phối ngẫu nên nhìn sự việc y như nhau. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Ngay cả nếu điều này có thể xảy ra, thì nó cũng sẽ không giúp con tăng triển.

Chuyện gì xảy ra khi thày hợp lại với thày Hilarion? Chuyện xảy ra là thày nhận ra là thày Hilarion không nhìn sự việc giống như thày. Vì thày là một chân sư thăng thiên, thày không thấy điều đó là một mối đe dọa. Thày nhận ra là thày Hilarion có một quan điểm khác, và điều này có thể giúp thày nhìn vấn đề một cách khác hơn và giúp thày thấy được một cách giải quyết rộng rãi hơn. Đây là sức mạnh của sự khác biệt. Khi thày thấy thày Hilarion nhìn tình hình khác thày, thì ý niệm bản ngã của thày được mở rộng. Thày Hilarion cũng mở rộng ý niệm bản ngã của mình khi thấy thày nhìn tình hình một cách khác.

Đây là trạng thái lý tưởng cho các quan hệ tình yêu trên trái đất. Nhưng điều này không xảy ra vì con người đã bị lập trình để tin một cách lệch lạc rằng, nếu muốn có một quan hệ hài hòa thì hai người bạn đời phải nhìn sự việc giống y như nhau. Nếu con muốn có một quan hệ hài hòa thì con cần nhận ra là cách con nhìn đời là một tầm nhìn cá biệt, và người bạn đời của con không nên nhìn sự việc giống như con và chấp nhận tầm nhìn của con. Người bạn đời của con nên mở rộng tầm nhìn cá biệt của vị ấy, nhưng tầm nhìn này phải được phép giữ cá tính của nó.

Nếu cả hai người trong quan hệ tình yêu đều chấp nhận điều này, và cho phép người kia phát triển theo cách của riêng họ, thì con có thể có một quan hệ hài hòa giúp cả hai tăng triển. Nếu một trong hai người bạn đời không nhận ra điều đó và tiếp tục đòi hỏi người kia phải nhìn đời theo ý mình, thì con không thể có một quan hệ hài hòa. Điều này giản dị không thể có được. Con có thể làm gì để khắc phục khuôn nếp lệch lạc này trong quan hệ tình yêu?

12.9. Phin lọc nhận thức khiến giao tiếp bị che mờ

Ở khóa nhập thất của thày, thày chỉ cho con thấy rõ điều gì xảy ra khi con ở trong một tình huống có sự bất đồng ý kiến hay quan điểm. Thày có thể chỉ cho con trên một màn ảnh cách con nhìn vào tình huống này. Thày có thể chỉ cho con thấy là quan điểm của con bị pha màu. Thày có thể chỉ cho con thấy bằng hình ảnh.

Nếu con muốn có một sự so sánh thô thiển, thì con hãy thử tưởng tượng một cảnh thiên nhiên rất đẹp. Thày cho con đeo vào một cặp kính màu. Con đã nhìn thấy quang cảnh trong khi không đeo kính và con nhìn thấy quang cảnh khi đeo kính, do đó con thấy được là cảm nhận cá biệt của con đã pha màu điều con thấy. Sau đó, thày cho con đeo một cặp kính khác, là cặp kính của người bạn đời của con, và lúc đó con thấy quang cảnh hiện lên ra sao cho người bạn đời của con. Con thấy là cặp kính của con đã loại bỏ một số khía cạnh của quang cảnh khiến con không thấy chúng. Cặp kính đó cũng nhấn mạnh một số khía cạnh khác, khiến chúng trở nên quan trọng hơn với con. Chúng ta có thể thấy kết quả qua một đồ hình: điều gì đã bị nhận thức của con loại đi, và điều gì đã được nhấn mạnh?

Sau đó, thày chỉ cho con thấy đồ hình của tình huống dưới mắt người bạn đời của con mà không có pha màu. Sau đó thày chỉ cho con đồ hình của cách con nhận thức: điều gì bị loại bỏ và điều gì được nhấn mạnh. Sau đó thày chỉ cho con thấy đồ hình của cách người bạn đời của con nhận thức: điều gì bị loại bỏ và điều gì được nhấn mạnh. Con có thể thấy là có một số trường hợp điều mà phin lọc nhận thức của con nhấn mạnh (tức là thấy quan trọng) lại bị phin lọc nhận thức của người bạn đời của con loại bỏ.

Làm sao mà hai con có thể hiểu nhau khi người bạn đời của con không thể thấy một điều mà con cho là rất quan trọng? Như con đã trải nghiệm nhiều lần, hai con nói mà như người kia không nghe. Tình trạng này giống như hai người đang không dùng cùng một ngôn ngữ. Các con có thể đang nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng La tinh, nhưng các con đang không dùng một ngôn ngữ giúp các con thông cảm. Bây giờ thì con thấy lý do vì sao, và khi con bắt đầu thể nhập ý nghĩa của điều đang xảy ra thì con bắt đầu thấy, một cách ý thức, cách cải thiện sự giao tiếp với người bạn đời của mình.

Để bắt đầu con cần vượt qua niềm tin lệch lạc là người bạn đời của con có thể nhìn đời giống như con. Sau đó con cần vượt qua niềm tin lệch lạc là mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu người bạn đời của con nhìn đời giống như con. Sau đó con tiến tới tôn trọng sự việc người bạn đời của con không nhìn đời giống con là điều thuận lý, vì người đó lúc nào cũng sẽ nhìn đời xuyên qua phin lọc nhận thức của họ – và tầm nhìn này lúc nào cũng có tính cá biệt. Thay vì bắt đầu một trò chơi quyền lực nhằm ép người bạn đời của mình nhìn đời giống mình, thì con có thể tránh dùng áp lực. Chuyện gì hay xảy ra trong nhiều cuộc đối thoại giữa hai người bạn đời? Một trong hai người trở nên bực bội và muốn người kia nhìn đời giống mình. Sau đó, người đó tìm cách đổ lỗi hay khiến người kia cảm thấy tội lỗi, hay dùng một tình cảm nào khác dựa trên sợ hãi, để khiến người kia chấp nhận cảm quan của mình.

Phương pháp này có bao giờ thành công? Nó có bao giờ đưa tới một cuộc đối thoại xây dựng giữa hai người chăng? Câu trả lời dĩ nhiên là không, vậy tại sao con lại cứ muốn tiếp tục khuôn nếp này? Cách duy nhất để vượt ra khỏi khuôn nếp là tôn trọng sự việc người bạn đời của mình không nhìn đời giống mình là điều thuận lý. Điều thuận lý là người bạn đời của con nhìn đời theo cách của họ. Điều con có thể làm là nói cho người bạn đời cách con nhìn đời, cách con cảm nhận tình hình. Con cũng có thể tìm cách giúp người bạn đời của con thấy rõ họ thấy hay cảm nhận hoàn cảnh như thế nào.

12.10. Giúp hai người bạn đời giao tiếp rõ ràng

Con người thường không rõ họ đang thấy hay cảm nhận một hoàn cảnh như thế nào. Con có thể giúp người bạn đời của con thấy rõ, nhưng con không được tìm cách ép uổng người đó nhìn đời giống như con. Con cần phải lựa chọn muốn người bạn đời của mình nhìn đời giống mình, hay giúp người đó thấy rõ cảm nhận cá biệt của mình là gì.

Nếu con chọn giúp người bạn đời thấy rõ cảm nhận cá biệt của mình, thì đây là nền móng để tạo nên một mối giao tiếp xây dựng giữa hai người. Nếu cả hai người bạn đời đều chọn cách này, thì các con có được một mối giao tiếp xây dựng giúp con giải quyết sự căng thẳng và xung đột vì không ai muốn ép uổng người kia phải nhìn đời “giống mình”. Con có thể chấp nhận những khác biệt của nhau như một điều tích cực, một chất xúc tác giúp tăng triển.

Rất có thể là khi các con giúp nhau giao tiếp rõ ràng và tôn trọng ý mỗi người phát biểu, thì các con sẽ nhận ra hai người giản dị rất khác nhau. Lúc đó các con cần phải lựa chọn. Các con có thể xây dựng một quan hệ dựa trên sự tôn trọng khác biệt chăng? Các con có thể vượt qua ước muốn không thể đạt được muốn tìm một người bạn đời hoàn toàn giống mình và luôn luôn nhìn đời giống mình? Các con có thể chấp nhận một người bạn đời khác mình, và thấy điều này như một nguồn tăng triển và dùng nó một cách xây dựng? Cũng có thể là các con sẽ thành thực nhận ra là sự khác biệt giữa hai người quá lớn, và do đó hoặc các con không thể chung sống trong một quan hệ xây dựng, hoặc các con không thể hỗ trợ nhau thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì quá khác nhau.

Có thể là sau khi đã trao đổi với nhau rõ ràng, điều chính đáng là hai người chia tay và đi con đường riêng của mình. Lúc đó, các con có thể làm việc này một cách an bình và hài hòa hơn là nếu mối quan hệ tan vỡ vì giao tiếp lệch lạc.

Thày tìm cách giúp học viên đến khóa nhập thất của thày thấy rõ cách họ giao tiếp, cách họ cảm nhận sự thật và khả năng giao tiếp một cách cởi mở. Sau khi thày đã làm việc với người học viên một thời gian, thì thày tìm cách giúp người học viên thấy vấn đề thực, sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người. Các học viên có khi khó hiểu được điều này.

Trước khi thày khai triển điều này, thì thày muốn nói như sau: Nếu cả hai vợ chồng có thể tới khóa nhập thất của thày cùng một lúc, và cả hai có cùng trình độ tâm thức, thì thày có thể làm việc đồng thời với cả hai người và giúp họ (khi họ ở trong trạng thái tâm ý thức) giải quyết nhiều chuyện trong quan hệ giữa họ. Nhưng thực tế là rất ít khi người vợ và người chồng cùng lúc ở cùng một trình độ tâm thức.

Khi con tới tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày, thì thường khi người bạn đời của con ở tầng tâm thức thấp hơn con, nhưng cũng có trường hợp hiếm hoi là vị ấy ở tầng tâm thức cao hơn. Điều này khiến người phối ngẫu của con khó chấp nhận điều mà con đã chấp nhận về việc giao tiếp, và do đó con cần phải kiên nhẫn và chịu đựng khi làm việc với người phối ngẫu của mình. Nếu con mang được xuống tâm ý thức những điều con học được ở khóa nhập thất của thày, thì con cũng không thể đòi hỏi người phối ngẫu của con, đang có trình độ tâm thức nhiều bước dưới con, phải cải thiện cách cư xử. Một lần nữa, con cần kiên nhẫn.

12.11. Vấn đề sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người

Vấn đề sâu thẳm trong sự giao tiếp giữa con người là gì? Điều gì thường ngăn chặn sự giao tiếp giữa con người? Con có một tiêu chuẩn vỏ ngoài khiến con nghĩ rằng quan hệ hài hòa dựa trên sự giống nhau. Ở trình độ tâm thức hiện tại của con, còn ở xa dưới tầng 144, con vẫn còn nhiều thành phần của tự ngã, và tự ngã luôn luôn cảm thấy bị đe dọa bởi khác biệt.

Mục đích của con gồm hai khía cạnh. Khía cạnh “mục đích” là quan hệ hài hòa, và khía cạnh “làm sao” là cách để đạt mục đích. Con nghĩ con chỉ thực hiện được mục đích bằng cách biến người bạn đời giống mình, tìm một người bạn đời giống mình hay khiến người bạn đời nhìn đời giống mình. Con nghĩ rằng nếu cả hai người nhìn đời giống nhau, thì con sẽ có một quan hệ hài hòa. Nhưng trên thực tế, con sẽ có một quan hệ chết trong đó không có tăng triển.

Vấn đề trong quan hệ giữa con người là con tìm cách thiết lập một trạng thái thường trực có tính chất thiên đàng trong thế giới vật chất. Thực tế sâu thẳm, mà các thày tìm cách giúp con nhận ra trong khóa học này, là thế giới vật chất luôn luôn ở trong trạng thái chuyển tiếp – và điều này rất tốt!

Con hãy đón nhận sự chuyển tiếp! Con hãy đón nhận thay đổi. Con hãy trôi theo Dòng Sông sự Sống. Con đừng tìm cách ngưng bất kỳ điều gì trên trái đất ở một trạng thái nào đó. Con đừng tìm hạnh phúc nơi điều kiện vỏ ngoài của thế gian. Con hãy tìm hạnh phúc bên trong, bằng cách tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống.

Nếu con lúc nào cũng tìm cách giao tiếp dựa trên ý niệm tìm cầu hài hòa, thì rất có thể con sẽ tìm cách dùng áp lực để khiến người bạn đời của con nhìn đời giống con. Hoặc con rơi vào khuôn nếp khác cũng rất phổ thông trong sự giao tiếp giữa con người, là con không nói một điều nào đó vì con không muốn làm người bạn đời bực bội.

Vấn đề thực trong sự giao tiếp giữa con người, là hầu như con không bao giờ nói một cách tự do với người khác. Tình trạng này phổ quát trên trái đất đến độ học viên không thấy hay không tin là có thể giao tiếp một cách tự do với một người khác. Đây là kết quả của kinh nghiệm sống của con. Con gặp một người, con nói một chuyện mà con nghĩ hoàn toàn vô sự, và đột nhiên người kia cảm thấy bị va chạm và trở nên rất bực bội. Con ngồi đó và không hiểu tại sao người đó lại phản ứng như vậy.

Khi con đã trải nghiệm điều này nhiều lần với cha mẹ, anh chị em, thày giáo, vợ chồng hay con cái, thì con tạo một khuôn nếp khiến con không tin mình có thể tự do phát biểu. Con lúc nào cũng tìm cách lượng định xem người kia sẽ phản ứng ra sao trước khi con nói điều gì. Như vậy làm sao con có thể tự do giao tiếp?

12.12. Cố gắng đạt được tự do giao tiếp

Thày muốn cho con một mục đích khác. Khi con có một quan hệ tình yêu, con đừng đặt mục đích tạo một quan hệ hài hòa. Con hãy đặt mục đích cố gắng tạo điều kiện để cả hai có thể phát biểu tự do.

Con hãy tìm cách giúp nhau tới điểm cả hai người không phản ứng với nhau qua tự ngã. Con hãy đặt mục đích cho người kia tự do phát biểu mà không sợ phản ứng tiêu cực của con. Con hãy cho mỗi người quyền tự do ngôn luận.

Con hãy suy ngẫm về quyền tự do ngôn luận được coi là được hiến chương các nước dân chủ bảo đảm. Trong bất cứ xã hội nào, ngôn luận có thực sự tự do chăng khi con nói điều gì và bị một phản ứng tiêu cực khiến mình rất khó chịu? Con có thực sự được hoàn toàn tự do nói điều mình muốn nói? Thày không nói rằng có thể có một xã hội trong đó con người có quyền tự do nói bất cứ điều gì mình muốn mà không bị phản ứng từ một số người nào đó.

Thày cũng không nói rằng, trong một quan hệ giữa hai người, con có thể nói bất cứ điều gì con muốn mà không bị người kia phản ứng. Con có thể đặt mục đích cho mỗi người quyền tự do nói bất cứ gì họ muốn, và sau đó, cho người kia quyền tự do nói lại bất cứ gì người đó muốn dựa trên phản ứng của họ.

Nếu con cố gắng thì có thể tới điểm con không phản ứng dựa trên sợ hãi, dù người kia nói điều gì khiến con phản ứng. Điều con có thể làm là nói: “Vợ hay chồng tôi nói điều này. Tôi cảm thấy phản ứng này nơi tôi, nhưng thay vì biểu lộ phản ứng này bằng cách tỏ ra bực bội, tôi sẽ đứng lùi lại và mô tả phản ứng của tôi cho vợ hay chồng tôi.” Có điểm khác biệt giữa cảm thấy giận và phát biểu sự giận dữ đó bằng lời nói, và cảm thấy giận và bước ra ngoài cảm giác giận và nói với người vợ hay chồng: “Hãy để tôi mô tả tôi cảm thấy gì khi anh/em nói điều này.”

Khi con làm như vậy, thì con khiến cuộc giao tiếp đỡ căng thẳng. Một người phối ngẫu có thể nói bất cứ điều gì họ muốn và người kia không cần phải đè nén phản ứng, vì đây không phải là một khuôn nếp lành mạnh. Thay vào đó, con có thể mô tả phản ứng của mình, và con có tự do làm điều này. Điều này giúp người phối ngẫu nhận ra rằng, khi họ phát biểu cách nào đó thì họ tạo phản ứng nơi con. Lúc đó, con có thể nhìn phản ứng của mình và xem có cách nào để vượt qua nó.

Trong nhiều trường hợp, con sẽ thấy là người phối ngẫu của con hoàn toàn không biết là con đã phản ứng như vậy và tại sao con lại phản ứng như vậy. Người phối ngẫu của con không có ý định làm con giận dữ (hay có cảm xúc nào khác). Sau đó, các con có thể bắt đầu thảo luận chuyện gì đã xảy ra. Con có thể bắt đầu hỏi vì sao người phối ngẫu của con lại cần nói điều khiến con giận dữ. Khuôn nếp nào đã khiến cho người phối ngẫu của con nói chuyện đó? Người phối ngẫu của con phản ứng ra sao khi con giận dữ, khi con biểu lộ sự giận dữ? Con có thể dần dần xây dựng sự thông cảm khiến con không phản ứng lại nhau dựa trên nỗi sợ bị đe dọa hay bị hất hủi.

12.13. Kết quả của giao tiếp lệch lạc

Khi con giao tiếp lệch lạc và muốn người phối ngẫu của con nhìn đời giống mình, thì kết quả là gì? Thày đã nói là ước muốn khiến người phối ngẫu của mình nhìn đời giống mình là điều hoàn toàn không thể làm được, do đó điều đó sẽ không xảy ra. Con cảm thấy gì khi người phối ngẫu của con không nhìn đời giống con? Con cảm thấy bị hất hủi!

Khi con xây dựng phương thức giao tiếp tự do mà thày đã trình bày, con sẽ tới điểm cả hai người bạn đời không cảm thấy bị hất hủi khi không được hiểu. Con cũng có thể tới điểm bắt đầu thấy việc người bạn đời không nhìn đời giống mình là một điều lợi ích. Điều đó giúp con có một tầm nhìn rộng rãi hơn, và giúp con mở rộng ý niệm bản ngã của con và khả năng phản ứng một cách xây dựng.

Khi thày và học viên quan sát các mối quan hệ trên trái đất ở khóa nhập thất của thày, ta có thể thấy một cách dễ dàng vì sao sự giao tiếp giữa con người hay bị ngăn chặn. Có rất nhiều trường hợp hai người bạn đời ngồi đó và cảm thấy có sự căng thẳng giữa họ, và một hoặc cả hai ngậm miệng và không dám phát biểu những gì họ cảm thấy. Điều này chỉ khiến tình thế trở nên căng thẳng hơn. Nó tích lũy năng lượng sợ hãi vì khi con đè nén cảm xúc của mình thì con tạo ra năng lượng sợ hãi.

Tại sao con lại đè nén cảm xúc của mình? Con sợ phản ứng sẽ hướng tới con khi con phát biểu cảm xúc của mình, do đó chính sự sợ hãi đã đè nén cảm xúc của con. Con sợ sự phản ứng đến độ sự sợ hãi của con mạnh hơn cảm xúc của con do đó con đè nén cảm xúc. Điều này chỉ có tác dụng gia tăng sự căng thẳng. Nó tạo ra niềm uất hận đối với người bạn đời, vì con nghĩ rằng chính vì lỗi người đó mà con không phát biểu được cảm xúc của mình. Phải chăng đó là lỗi người bạn đời của con, hay đó chỉ là sự vận hành lệch lạc của các quan hệ trên trái đất, đã được tạo ra trong hoàn cảnh dễ đưa tới thất bại? Con có thể bắt đầu bước ra ngoài tiến trình này chăng, nhận biết nó một cách ý thức, và làm việc với nhau cho tới khi con cho phép mỗi người nói điều gì họ cần nói, và cho phép người kia nói điều người đó cần nói để trả lời? Thay vì phản ứng dựa trên sợ hãi chỉ có tác dụng tạo ra một vòng xoắn hướng hạ càng ngày càng ngăn trở sự giao tiếp giữa hai người, thì con có thể dần dần xây dựng một vòng xoắn hướng thượng mở rộng dòng chảy giao tiếp giữa hai người.

12.14. Quan hệ hài hòa và giao tiếp tự do

Con yêu dấu, có thể con mơ ước có một quan hệ hài hòa, nhưng nó không thể thành tựu bằng cách trấn áp sự giao tiếp. Quan hệ hài hòa không thể có được khi cả hai người bạn đời, hay ngay cả chỉ một người, không dám phát biểu tự do. Nếu con tới điểm cả hai người có thể phát biểu tự do, thì con có thể có một quan hệ hài hòa, nhưng con sẽ có một quan hệ giúp tăng triển. Khi con trao người kia quyền tự do, thì con cũng tự cho mình quyền tự do, và do đó căng thẳng tan biến. Phải chăng chính căng thẳng đã tạo ra bất hài hòa?

Con không xây dựng hài hòa bằng cách tạo sự giống nhau. Con xây dựng hài hòa bằng cách xây dựng giao tiếp tự do cho phép khác biệt được phát biểu tự do mà không tạo căng thẳng. Đó là điều các thày tìm cách dạy con ở tầng thứ năm của khóa nhập thất của thày.

Người phối ngẫu của con có thể không ở cùng trình độ tâm thức với con, nhưng vị đó vẫn có thể chấp nhận một số ý mà thày vừa trình bày. Con có thể dùng các ý này trong tâm ý thức của con để cải thiện sự giao tiếp trong tất cả các mối quan hệ của con. Con có thể sẽ gặp trường hợp người kia không chịu thay đổi, nhưng đó sẽ chỉ là một cơ hội để con mở rộng khả năng giao tiếp tự do của mình. Và con sẽ rốt cuộc tuôn chảy về một tình huống khác.

Con có thấy chăng điều thày muốn dạy con ở đây? Con đừng tìm cách ép uổng khi ở trong một mối quan hệ. Con hãy làm việc để cải thiện chính mình, con hãy tiếp tục làm như vậy, bất kỳ người kia phản ứng ra sao. Lúc đó, con sẽ càng ngày càng buộc chặt mình vào Dòng Sông sự Sống cho tới ngày con có thể buông bỏ các mối dây ràng buộc con vào một cảnh huống và tuôn chảy đi, bất kỳ sự tuôn chảy này diễn đạt ra sao trên cõi vật lý.

Sứ vụ Thiêng liêng của con quan trọng hơn bất cứ quan hệ nào. Nếu cả hai người đều theo con đường tâm linh, thì họ phải có khả năng chấp nhận điều này cho cả hai người. Con không thể chờ đợi người bạn đời của con tạm ngưng hay hủy bỏ một phần quan trọng của Sứ vụ Thiêng liêng của người đó để duy trì một quan hệ mà con coi là đúng hay hài hòa. Nếu cả hai con đều thấy rõ Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con sẽ thấy là cả hai người sẽ thực thi được Sứ vụ Thiêng liêng của mình trong lúc cả hai có quan hệ với nhau. Hoặc con thấy cả hai không thể thực thi Sứ vụ Thiêng liêng của mình và vẫn có quan hệ với nhau, lúc đó các con sẽ chia tay trong sự hài hòa, hiểu biết và chấp nhận.

Khi con mở rộng tầm nhìn của mình và nhận ra tầm nhìn của mình không phải là chân lý tối hậu, con sẽ càng ngày càng tự do tuôn chảy và để người khác tuôn chảy. Đây là căn bản để bắt đầu phụng sự sự sống, thay vì nghĩ rằng sự sống phải phục vụ mình – hay đúng hơn là phục vụ tự ngã, và cảm nhận nhị nguyên, vị kỷ của nó. Dĩ nhiên, đây là đề tài của các khai ngộ ở tầng kế tiếp, tầng của tia thứ sáu.

Bây giờ thì thày chúc con chiêm nghiệm niềm vui của sự giao tiếp hoàn toàn tự do với một người khác. Đây có thể là một trải nghiệm rất mãn nguyện. TA LÀ Paul người Venice.