Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/1/2018.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng thứ ba này của khóa nhập thất, thày muốn bắt đầu bằng cách nhắc lại một điểm mà thày đã nêu ra trong bài giảng trước. Trong bài đó, thày chỉ cho con thấy là trong tâm thức con có một cơ chế khiến con cảm thấy con không thể là gì con muốn vì có một số điều kiện trong thế giới, và đặc biệt là ở đây trên trái đất, không đúng như chúng phải là. Con không thể an bình, con không thể là chính mình, con không thể hoàn toàn biểu lộ chính mình trên trái đất.
Con yêu dấu, cái gì đằng sau điều kiện tâm lý này? Vì sao con lại chấp nhận là vì có một số điều kiện trên trái đất, con không thể biểu lộ khả năng sáng tạo, quả vị Ki-tô của mình, con không thể dâng tặng món quà mà con đến hành tinh này để dâng tặng? Con yêu dấu, ta cần nhìn nhận là sa nhân rất, rất là tinh tế, rất rất khôn ngoan, và rất rất quyết tâm ngăn chặn bất cứ ai biểu lộ quả vị Ki-tô.
Lẽ tự nhiên là các thày đã trao truyền giáo lý về khái niệm có nhiều người tâm linh là a-va-ta (avatars) đến từ hành tinh khác để đặc biệt phụ giúp vào tiến trình nâng cao tâm thức tập thể. Thày bảo đảm với con là sa nhân cũng rất rất quyết tâm ngăn chặn các cư dân nguyên thủy của trái đất không cho họ vươn lên tầng quả vị Ki-tô và bắt đầu biểu lộ quả vị Ki-tô vì, thực sự đây là mối đe dọa lớn hơn cho họ.
Như các thày đã giảng trước đây, tiến bộ thực sự của hành tinh tùy thuộc vào các cư dân nguyên thủy của trái đất. Các a-va-ta có thể giúp nâng cao tâm thức tập thể nhưng họ không thực sự có thể khiến trái đất thực hiện bước nhảy vọt quyết định. Cần có đủ số cư dân nguyên thủy đã nâng tâm thức của họ lên trên một tầng nào đó để có thể có một cuộc chuyển vọt quyết định. Lẽ dĩ nhiên, bước chuyển vọt này chỉ xảy ra trong tập thể cư dân nguyên thủy khi có một số người trong họ đã đạt được tầng quả vị Ki-tô và biểu lộ quả vị Ki-tô, do đó sa nhân rất nôn nóng muốn ngăn chặn chuyện này.
8.1. Bị đập dí vì biểu lộ chính mình
Chuyện đã xảy ra cho con trong quá khứ là con đã dám biểu lộ điều gì đó vượt quá bình thường. Con đã dám không theo đám đông, và sa nhân đã có mặt để đập dí con xuống, tạo ra một chấn thương tâm lý khiến con liên kết cảm giác sợ hãi và tổn thương (hay cảm giác bất lực và tuyệt vọng, cảm giác không có gì thật sự quan trọng) với việc biểu lộ chính mình, biểu lộ khả năng sáng tạo, đứng lên cổ vũ một chân lý cao hơn, hay những hành động vượt ra ngoài khuôn mẫu bình thường khác. Nhiều người trong các con có trong tâm một cơ chế khiến con cảm thấy sợ là khi con bắt đầu biểu lộ chính mình thì con sẽ bị chế giễu, chỉ trích và ngay cả bị hậu quả vật lý, như bị giết, tra tấn hay bỏ tù vân vân. Con đã tạo ra trong tâm con một cơ chế cho rằng: “Tôi không muốn biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi, nhưng tôi biết tôi ở đây để biểu hiện quả vị Ki-tô do đó tôi cần một lý do tại sao tôi không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi.” Lẽ dĩ nhiên ý tưởng này khiến con nghĩ con không thể biểu hiện quả vị Ki-tô của con khi một điều kiện bên ngoài nào đó chưa thay đổi.
Nghĩ như thế làm cho tự ngã và các phàm linh nội tại của con cảm thấy an toàn, vì lẽ tự nhiên sẽ cần thời gian rất dài (hay ít ra đó là cảm tưởng trong quá khứ) để trái đất sẵn sàng khắc phục được nạn chiến tranh. Con biết là trong nhiều kiếp đầu thai tương lai, con không cần lo lắng về việc biểu lộ quả vị Ki-tô vì con có cái cớ toàn hảo. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô bị nối liền với một điều kiện bên ngoài thay đổi, và thay đổi này quá khó khăn và sẽ cần rất nhiều thời gian, nên tự ngã của con có thể cảm thấy an toàn trong một thời gian.
8.2. Xem xét phản ứng nội tâm
Khi thày phơi bày một chuyện như vậy cho con, thày muốn con xem xét phản ứng nội tâm của con với điều thày nói. Con có thể nói là thày đã rất thẳng thắn, thiếu nhân từ, khi thày phơi bày cơ chế này. Một số trong các con có thể nghĩ thày không nên thẳng thắn như vậy. Một số có thể nghĩ thày không nên phơi bày cơ chế này ra. Có thể có một phản ứng dâng lên trong con, và phản ứng này có thể có một trong hai hình thức. Một là con cảm thấy thày không nên thẳng thắn như vậy khi trình bày vấn đề với con. Hai là con chấp nhận điều thày nói và con lập tức cảm thấy xấu hổ vì đã có cơ chế đó.
Điều thày muốn nói rõ ở đây là trong bài giảng trước thày có nói là con không thể thực sự an bình nếu con không chấp nhận các điều kiện trên trái đất và chấp nhận mình hiện thân ở đây. Nếu con cứ tiếp tục vật lộn với việc mình hiện thân ở đây, chống đối việc mình ở đây, thì đương nhiên con không cảm thấy an bình. Điều thày muốn con nhìn nhận trong bài giảng này là nếu con không chấp nhận chính mình, thì con cũng không thể an bình. Tại sao thày lại nêu lên điểm này khi thày chỉ cho con thấy cơ chế khiến con trì hoãn việc biểu lộ quả vị Ki-tô? À, đó là vì khi thày chỉ cho con thấy có cơ chế đó trong tâm con, thì thường trong con có một phản ứng. Phản ứng đó có thể giúp con nhận ra điều gì trong con đang ngăn cản con không chấp nhận chính mình, không cảm thấy bình an với mình là mình.
Có một số trong các con (không phải là đa số, nhưng có một số) sẽ phản ứng với cảm giác bị xúc phạm là thày đã phơi bày ra điều này. Đó là vì con vẫn ở chỗ muốn tránh né không nhìn chính mình bằng cách luôn luôn phóng chiếu ra ngoài là điều này hay điều kia không được xảy ra. Thày muốn con nhận biết phản ứng này và thày cần con nhận ra đây chỉ là một phàm linh – một phần tự ngã của con – đang phản ứng như vậy. Đây là một cơ chế phòng vệ của tự ngã vì nó không muốn con nhận ra cơ chế đã cho nó quyền lực khuynh đảo con. Cơ chế này khiến con luôn luôn phóng chú ý ra ngoài và nói điều này hay điều kia không được xảy ra.
Thày cần con tách mình ra khỏi cơ chế đó, và thày biết rất rõ là khi con làm điều này, con sẽ nhận ra con cần nhìn vào chính mình, con cần nhìn vào cơ chế. Thay vì nói thày không được nêu điều này ra, con nên nhìn vào sự kiện con có cơ chế đó, khuynh hướng trì hoãn việc biểu lộ quả vị Ki-tô của mình. Khi đó, con sẽ làm được điều mà một số đệ tử đã làm được từ ít lâu nay, đó là nhìn vào chính mình, nhìn vào bất cứ điều gì bên trong con mà con cần giải quyết.
Thày biết là đối với nhiều người trong các con, đúng hơn là hầu hết các con, nhìn vào điều kiện này là một sự đau lòng. Nhiều người trong các con đã nhiều lúc, trong khóa học này hay trên con đường tâm linh trước khi tham dự khóa học này, cảm thấy đau đớn khi một điều nào đó bị phơi bày trong nội tâm mình. Nó tạo một phản ứng trong tâm con.
8.3. Chân sư thăng thiên không vui thú khi thấy người khác đau khổ
Con yêu dấu, các chân sư thăng thiên không thuộc những người vui thú khi thấy người khác đau khổ; các thày không cố ý làm con khổ sở. Các thày không vui thú khi chỉ cho con thấy một cơ chế trong tâm lý khiến con cảm thấy đau lòng, xấu hổ. Ngược lại, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, thày không mong gì hơn là giúp con tới điểm con có thể nhìn mình mà không đau lòng, xấu hổ về mình.
Toàn bộ mục đích của bài giảng thứ ba ở khóa nhập thất này là dẫn con tới điểm con khắc phục được khuynh hướng rất, rất vi tế cảm thấy hổ thẹn khi con thấy điều gì trong con cần được vượt qua. Nhiều người trong các con có cảm giác là điều gì không được ở đó, ngay từ sơ thủy đáng lý đã không được ở đó. Con yêu dấu, con cần nhận ra là phản ứng đó đã do sa nhân tạo ra. Thày phải nói lại cho đúng là phản ứng này, dĩ nhiên, không do sa nhân tạo ra, nhưng họ đã tạo ra hoàn cảnh bên ngoài khiến con phản ứng như vậy.
Có một lúc nào đó trong một kiếp quá khứ, con đã dám biểu lộ một khía cạnh của quả vị Ki-tô và sa nhân đã làm đủ mọi cách để đập dí con xuống để con không thể trong kiếp sống đó tiếp tục biểu lộ sắc thái quả vị Ki-tô đó. Con cần nhận ra là sa nhân không thỏa mãn chỉ ngăn cản con trong kiếp đó mà thôi. Sa nhân trông chừng xem có bất cứ ai dám biểu lộ một thành phần của quả vị Ki-tô. Có những sa nhân trên các tầng bản sắc, tư tưởng và cảm xúc sử dụng những sa nhân đang đầu thai trong cõi vật lý để bảo đảm là con sẽ không bao giờ dám biểu hiện quả vị Ki-tô nữa. Họ thực hiện điều này bằng cách đút vào trong bản thể con một phản ứng khiến con cảm thấy con đã sai quấy khi biểu hiện quả vị Ki-tô. Con sai quấy khi con thách đố họ, con sai quấy khi con đứng lên nói sự thật. Con sai quấy vì con quá ư khác chuẩn mực, khác người khác hay bất cứ cơ chế nào khác.
8.4. Quả vị Ki-tô có nghĩa thách đố hiện trạng
Thày cần con nhận ra là một trong những chiến thắng lớn của sa nhân là khi họ bắt được một dòng sống đã sẵn sàng biểu lộ quả vị Ki-tô và đút một cơ chế vào bốn thể phàm của sinh thể đó. Cơ chế đó khiến con cảm thấy biểu lộ quả vị Ki-tô là một điều sai quấy, con cảm thấy là con đã sai quấy khi biểu lộ quả vị Ki-tô, do đó con không bao giờ dám làm điều này nữa.
Đây là lý do vì sao con có cơ chế khác khiến con liên kết việc biểu hiện quả vị Ki-tô của con với một số điều kiện nào đó trên trái đất. Nói cách khác, con biết là con ở đây để biểu lộ quả vị Ki-tô. Sâu thẳm trong tâm con có ký ức đây là lý do vì sao con ở đây. Điều mà con trải nghiệm rất xa trong quá khứ là con đã gặp một phản ứng tiêu cực khi con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình. Vì một lý do nào đó, con liên kết sự phản ứng tiêu cực đó với các điều kiện bên ngoài lúc đó trên trái đất, và con nghĩ các điều kiện này không thuận lợi. Con đợi cho những điều kiện bên ngoài này thay đổi để con cảm thấy an toàn khi biểu lộ quả vị Ki-tô.
Con yêu dấu, con có hiểu chăng là quả vị Ki-tô chỉ có một mục tiêu là thách đố hiện trạng để mọi người có thể thấy là có một cách khác hơn là hiện trạng. Sẽ không bao giờ có điều kiện trên trái đất giúp con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình một cách an toàn. Ngay cả khi Thời đại Hoàng kim của Saint Germain được biểu hiện hoàn toàn, tình trạng xã hội vẫn chưa cho phép con biểu lộ quả vị Ki-tô một cách an toàn.
Nếu con nhìn vào xã hội ngày nay và nói: “Tôi sẽ bị chỉ trích điều gì nếu tôi biểu lộ quả vị Ki-tô?” thì con có thể phóng tầm nhìn tới thời hoàng kim và thấy rằng trong thời hoàng kim, điều ngày hôm nay bị lên án sẽ trở nên hoàn toàn bình thường và dễ chấp nhận. Trong thời hoàng kim vẫn sẽ có một số người muốn giữ hiện trạng lúc đó. Hiện trạng lúc đó cao hơn hiện trạng ngày nay nhiều, nhưng sẽ vẫn có người, vì nhu cầu an toàn của họ, cho rằng mọi chuyện đang xảy ra như chúng phải xảy ra và không cần thay đổi. Dù con đang sống trong xã hội nào, dù con đang ở thời đại nào, vai trò của con như một sinh thể Ki-tô luôn luôn là thách đố chuẩn mực. Việc biểu lộ quả vị Ki-tô sẽ không bao giờ an toàn, không bao giờ vừa lòng mọi người, không bao giờ được chấp nhận. Thày cần con hiểu điều này một cách ý thức vì con đã hiểu ở tầng thể bản sắc của con.
Thày cần con mang hiểu biết này xuống tầng ý thức và nhận ra là vai trò của một sinh thể Ki-tô luôn luôn là thách đố hiện trạng. Do đó, con yêu dấu, biểu lộ quả vị Ki-tô sẽ không bao giờ được sa nhân chấp thuận. Nó cũng sẽ không làm vừa lòng nhiều người, ngay cả hầu hết mọi người, trong đại chúng. Con hãy nhận ra điều này: biểu lộ quả vị Ki-tô không phải là tranh giải ai được đại chúng ưa thích nhất. Nó chưa bao giờ như thế, sẽ không bao giờ như thế, nó không thể như thế vì đây không phải là tính chất của việc biểu lộ quả vị Ki-tô. Ở đây, con cần nhận ra là có một lúc nào đó trong quá khứ con đã lý luận và chấp nhận niềm tin là con sai quấy khi thách thức hiện trạng, đáng lẽ con không được thách thức sa nhân, đáng lẽ con không được thách thức những người chung quanh con. Con đáng lý phải tuân theo chuẩn mực quy định hành vi và lời nói được xã hội chấp nhận.
Thầy cần con nhận ra là người khác phản ứng tiêu cực với con và con nhận phản ứng tiêu cực này vào trong bản thể của con và con chấp nhận tin tưởng con đã sai quấy khi đứng lên khỏi đám đông. Sau đó, thày cần con nhìn vào niềm tin này và nhận ra nó được tạo ra bởi một phàm linh nội tại, một ngã tách biệt và nó vẫn còn ở trong con. Con yêu dấu, con cần bắt đầu nhận ra một cách ý thức nó chỉ là vậy: nó chỉ là một phàm linh nội tại, nó chỉ là một ngã tách biệt – nó không phải là con. Con không phải là vậy. Con thật ra không cảm thấy sai quấy khi con biểu lộ quả vị Ki-tô của mình, khi con đứng lên khỏi đám đông, khi con thách thức hiện trạng.
Phàm linh nội tại cảm thấy sai quấy và do đó nó luôn luôn tìm cách ngăn cản con biểu lộ quả vị Ki-tô. Một cách nó làm là khiến con nghĩ là biểu lộ quả vị Ki-tô dính liền với một điều kiện bên ngoài trên trái đất. Một cách khác là nó khiến con phải cảm thấy hổ thẹn, con phải cảm thấy tội lỗi khi con làm điều gì không được xã hội chấp thuận. Để tránh không đau lòng vì cảm xúc hổ thẹn, con điều chỉnh hành vi bên ngoài của con, điều chỉnh ngay cả cách con nhìn cuộc sống trên trái đất – những gì con có thể làm, những gì con không làm được, đến ngay cả cách con nhìn chính mình. Có nhiều khía cạnh của quan hệ của con với cuộc sống trên trái đất bị cơ chế này ảnh hưởng.
8.5. Tìm cách bù đắp những gì sai quấy
Các thày có nói về khuôn nếp phản ứng xảy ra khi con có một phản ứng trong tâm trước một hoàn cảnh bên ngoài. Vì phản ứng nội tâm đó, con đi vào một khuôn nếp cư xử, xúc cảm hay tư tưởng. Thày muốn nêu ra một khía cạnh khác nữa là những khuôn nếp phản ứng đó đặt con vào một trạng thái tâm nào đó và tạo nên một khuôn nếp bù đắp trong con. Nói cách khác, con có trạng thái tâm là có chuyện gì đó không ổn và bây giờ con tìm cách bù đắp lại. Điều này đã được biểu hiện một cách hiển nhiên và thô sơ, tỷ dụ trong Cơ đốc giáo, qua khái niệm tội lỗi.
Khái niệm con đã có tội khi được tạo ra, con đã làm điều gì sai quấy trong kiếp sống này, và con cần bù đắp lại. Con cần hoặc làm một điều gì để đền bù hoặc con phải đau khổ một thời gian và sau đó con trả xong tội. Bên phương Đông con có quan niệm nghiệp quả qua đó con người cảm thấy họ đã tạo nghiệp và nay cần cân bằng nghiệp quả. Có cả đệ tử chân sư thăng thiên nghĩ rằng họ đã tạo nghiệp trong những kiếp trước và nay cần bù đắp lại bằng cách đọc chú thỉnh ánh sáng tím để cân bằng nghiệp quả. Con có thấy chăng đây là khuôn nếp bù đắp?
Điều đã xảy ra là nhiều người trong các con tin là con có cái gì sai trái, hay ít ra có gì sai trái với việc con ở trên trái đất, và con cần bù đắp lại. Thày muốn lưu ý con là một cách chính mà khuôn nếp bù đắp đã ảnh hưởng con là trong cách con quan niệm con đường tâm linh, trong đó có giáo lý các thày, và khoá học này.
Con có cảm giác có gì không ổn với chính mình hoặc con đã làm gì sai quấy trong quá khứ. Khi con tìm ra con đường tâm linh, khi con tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, con được học về nghiệp quả, về luân hồi và khả năng cân bằng nghiệp quả, và con lao mình vào công việc đó với một lòng hăng hái đáng khen nhưng cũng phát xuất từ khuôn nếp bù đắp. Con tìm cách bù đắp lại những lầm lẫn mà con đã phạm trong quá khứ. Con thấy nhiều đệ tử tìm ra giáo lý các thày và tới điểm nhận ra cơ hội cân bằng nghiệp quả. Họ trở nên rất sốt sắng trong việc đọc chú và thỉnh, tỷ dụ để cầu thỉnh ánh sáng tím. Họ bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày đọc chú và thỉnh. Nhiều đệ tử đã làm vậy trong nhiều năm hay nhiều chục năm.
8.6. Vượt qua khuynh hướng ám ảnh và cưỡng bức
Nếu chúng ta nói một cách hoàn toàn thành thực và không nể nang, thì ta thấy cách nhiều đệ tử tu tập, đặc biệt cách họ đọc chú và thỉnh, thực sự là chứng bệnh mà các tâm lý gia gọi là chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức (obsessive compulsive disorder). Con yêu dấu, tâm lý như vậy không lành mạnh. Trên đường dài, quan niệm này không lành mạnh cho con và các thày không muốn thấy con làm vậy.
Con có thấy chăng là lối hành xử đó do khuôn nếp bù đắp tạo ra vì con cảm thấy có điều gì con cần bù đắp? Bây giờ, nhiều người trong các con sẽ nói: “nhưng có phải chăng là con đã gây tội trong quá khứ, có phải chăng là con đã tạo nghiêp và bây giờ cần cân bằng nghiệp quả? Có phải là thày bây giờ nói là con không cần cân bằng nghiệp quả?” Con yêu dấu, đây là tâm đường thẳng đang nói đó, và thày muốn con bỏ phản ứng này qua một bên và thực sự nghe và hiểu điều thày sắp giảng.
Thày không bao giờ nói là việc con đọc chú và thỉnh là điều sai quấy. Nó thực sự đã cần thiết cho con. Con quả thực có nghiệp và con cần cân bằng nghiệp quả. Điều thày muốn nói là con nay đã tới điểm con có thể đứng lui lại, xem xét tình hình và nói: “Lẽ đương nhiên là ở tầng tâm thức này, tôi chưa hội đủ điều kiện để thăng thiên. Tôi chưa cân bằng hết nghiệp quả. Không phải là tôi phải ngưng đọc chú và thỉnh, nhưng có lẽ tôi nên đứng lui lại, và quan niệm con đường tu, kể cả việc đọc chú và thỉnh, với một thái độ khác. Tôi không đọc vì bị thúc đẩy bởi khuôn nếp bù đắp đã được tạo ra khi tôi phản ứng lại với sa nhân.
Thày muốn con tới điểm không tu tập dựa trên phản ứng đối với sa nhân nhưng dựa trên đáp ứng với các chân sư thăng thiên. Có thể nhiều người trong các con nghĩ là các con đang đáp ứng với các chân sư thăng thiên vì các con đang theo giáo lý các thày. Con có đang phần nào làm vậy nhưng con không hoàn toàn tu tập dựa trên đáp ứng với các thày. Trong bốn thể phàm con có cơ chế bù đắp do sa nhân đã làm con tin rằng con sai quấy và con chỉ có thể sai quấy khi con ở trên trái đất. Do đó, con tìm cách bù đắp lại và con dùng các kỹ thuật của chân sư thăng thiên để bù đắp. Điều này chấp nhận được cho tới điểm này, nhưng bây giờ con không cần lôi nó theo con nữa. Sự thật là con không thể an bình với chính mình nếu con còn lôi cơ chế này theo con.
8.7. Sự trớ trêu của việc đổ lỗi cho mình vì đã đổ lỗi cho mình
Thày cần con đứng lui lại và thấy sự trớ trêu của tình trạng này. Có một sự rất trớ trêu, vì con có thể nhận ra, nếu con thành thật, là con có một phản ứng khi thày nói lên những điều trên. Rất có thể là con đã cảm thấy mình sai quấy vì có cơ chế bù đắp, và đây lại thêm một điều nữa sai quấy với con, và nó cần phải thay đổi, nó cần phải cải sửa. Có thể là con đã phản ứng với một số cảm xúc, nhưng con có thấy điều trớ trêu ở đây chăng? Thày đang chỉ cho con thấy là con có khuynh hướng nghĩ mình sai quấy vì ở đây. Khi thày chỉ cho con điều đó, con đã phản ứng ra sao với lời nói của thày? Con phản ứng với cùng cơ chế khiến con cảm thấy con sai quấy vì đã có khuynh hướng cảm thấy mình sai quấy. Con có thấy chăng đây là điều mà các khoa học gia gọi là suy luận nghịch hành vô tận? Nó là một vòng khép kín, một cái máy chạy bộ. Con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó.
Thày chỉ cho con thấy là con có khuynh hướng đổ lỗi cho mình, và con lại đổ lỗi cho mình là con có tật đổ lỗi cho mình. Khi nào thì cơ chế này mới ngưng? Khi nào thì phản ứng này mới ngưng? Con yêu dấu, nó sẽ ngưng khi con nhận ra đây là một trong những cái máy chạy bộ mà con không thể thoát ra được nếu con cứ tiếp tục chạy trên đó.
Nếu con không có hình ảnh này trong đầu, thì con hãy lên mạng Internet và tìm xem phim về con chuột nhỏ nuôi trong lồng chạy trên một bánh xe. Sau đó con hãy tự hỏi mình một câu giản dị: “Con chuột có bao giờ ra khỏi bánh xe bằng cách chạy nhanh hơn không?” Câu trả lời đương nhiên là “Không”. Con chuột có chạy nhanh bao nhiêu nó vẫn không thể ra khỏi bánh xe. Chuyện có thể xảy ra là nó mệt lả, hay bị đau tim và chết, nhưng đó là cách duy nhất thoát ra khỏi bánh xe chạy.
Con nhận ra là máy chạy bộ mà thày nói đến nằm trong tâm lý của con. Cái máy chạy bù đắp đó có thể khiến con chạy càng lúc càng nhanh hơn trong cuộc sống bên ngoài, đọc càng ngày càng nhiều bài chú, làm càng ngày càng nhiều chuyện – bù đắp, bù đắp, bù đắp. Cả cuộc đời con trở thành cơ chế bù đắp khiến con chạy càng ngày càng nhanh cho tới khi con bị đau tim và chết. Cơ chế nằm trong ba thể cao của con và do đó con mang nó theo kiếp sống tới. Và sau đó, trong kiếp sống đó, con lại làm việc cho đến khi xác thân vật lý mệt lả và con chết, và con cứ tiếp tục như vậy từ kiếp này sang kiếp khác.
Sư thực là có những người đã sống như vậy. Có đệ tử chân sư thăng thiên đã làm như vậy và đang làm trong kiếp sống này điều mà con đã làm trong ba hoặc bốn kiếp trước. Câu hỏi duy nhất của thày là: “Có bao giờ con bước ra khỏi cỗ máy chạy bộ ở tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc bằng cách chạy nhanh hơn trong thể vật lý, và luôn cả trong ba thể cao?” Lẽ dĩ nhiên là con không thể thoát được bằng cách đó. Không có mục tiêu đường thẳng nào mà con có thể hoàn thành trên cỗ máy chạy bộ vì nó chỉ có thể đi theo một vòng tròn luẩn quẩn. Con phải làm gì? Con cần ngừng vật lộn. Lúc đó, cỗ máy chạy bộ sẽ ngưng lại và con có thể nhảy ra khỏi nó.
8.8. Dùng một giáo lý để đổ lỗi cho mình
Thày muốn con nhận ra khuôn nếp đổ lỗi cho mình và ngay cả dùng giáo lý của các thày để đổ lỗi cho mình, để cảm thấy mình lại làm thêm một điều sai quấy nữa. Đây lại thêm một điều mà con cần bù đắp, và bây giờ con cần cảm thấy hổ thẹn và chạy nhanh hơn nữa. Thày cần con giản dị đứng lui lại và nói: “Tại sao tôi lại phải cảm thấy hổ thẹn với chính mình khi tôi đang tu trên con đường của các chân sư thăng thiên?”
Con yêu dấu, chắc con nhận ra là trong các kiếp trước, và có thể ngay trong kiếp này, con đã gặp các thày giả. Giáo hội Công giáo là một tổ chức muốn thành viên cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Giáo hội muốn thành viên cảm thấy họ là người tội lỗi vì đó là cách duy nhất khiến họ quy phục điều giáo hội ra lệnh cho họ và không chất vấn sự phi lý của học thuyết của giáo hội.
Con nhận ra là có nhiều thày giả trên thế giới muốn con cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Họ thực sự lợi dụng cơ chế bù đắp của con để giữ con tham gia điều họ đang muốn con tham gia để lấy năng lượng của con. Con yêu dấu, các thày là chân sư thăng thiên. Các thày không cần năng lượng của con và các thày nhất định không muốn con cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Các thày không muốn con tu tập trên con đường mà các thày cống hiến với cơ chế bù đắp khiến con cảm thấy cần phải làm càng ngày càng nhiều hơn để tránh không cảm thấy hổ thẹn với chính mình trong nội tâm. Con yêu dấu, thày không cần con chạy trên bất cứ cỗ máy chạy nào để có thể theo những khai ngộ ở khóa nhập thất của thày. Thày không muốn con ở trên bất cứ cỗ máy chạy nào. Mong muốn chính của thày ở tầng này là giúp con bước ra khỏi cỗ máy chạy trong thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc của con để con cảm thấy (khi con ngừng chạy, khi con ngừng tìm cách bù đắp) nó tự nhiên chậm lại và ngừng hẳn. Con nhảy ra ngoài nó, con nhìn lại cái ngã đó, con nhìn phàm linh nội tại đó và con nói: “Satan hãy bước ra sau lưng ta, ta không cần ngươi trong đời ta nữa.”
Con yêu dấu, một lần nữa thày đã từng hiện thân trên trái đất. Đa số các chân sư thăng thiên cũng vậy, và chắc chắn là tất cả các Thượng sư đều đã như vậy. Các thày đã từng tạo ra cho mình các cơ chế bù đắp, các thày đã từng ở trên cỗ máy chạy bộ. Các thày biết rõ thực trạng đó. Các thày biết là bước ra khỏi cỗ máy là điều khó làm, nhưng các thày biết là có thể làm được. Các thày biết là con sẽ cảm thấy tự do hơn nhiều, an bình hơn nhiều khi con bước ra khỏi cỗ máy chạy khiến con dùng giáo lý tâm linh và dụng cụ tâm linh để bù đắp điều con nghĩ con đã sai quấy trong quá khứ.
8.9. Tha thứ mình đã phản ứng
Con yếu dấu, thày Hilarion đã giảng một bài rất, rất quan trọng mà một số trong các con chưa neo chặt mình vào. Thày Hilarion nói là khi con xuống đầu thai, con không chỉ giản dị đi xuống tầng thứ 48, và hiện thân lần đầu ở tầng 48. Để đi xuống tới tầng 48, con cần đi qua tất cả các tầng ở trên, bắt đầu bằng tầng 144. Thày Hilarion cũng nói là khi con đi xuống một tầng tâm thức, con lấy vào ảo tưởng liên hệ với tầng đó.
Con yêu dấu, con có hiểu chăng điều thày đang muốn giảng? Cách con xuống trái đất, dù con là một a-va-ta từ hành tinh khác đến hay là một cư dân nguyên thủy, không quan trọng. Nếu con là một a-va-ta, bất kỳ con ở tầng tâm thức nào trước khi tới trái đất, con vẫn xuống tầng 48 khi đầu thai lần đầu, và điều này có nghĩa là con nhận vào tất cả các ảo tưởng ở trên tầng 48. Bây giờ, con yêu dấu, điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là con có thể là một a-va-ta tới đây từ một hành tinh tự nhiên, và với tầng tâm thức của con ở đó con có thể tránh phản ứng lại sa nhân.
Ngày hôm nay, con có thể cảm thấy là đáng lẽ con phải tránh phản ứng lại sa nhân, nhưng con cần nhận ra là mục đích con xuống đầu thai ở đây là chứng minh cho mọi người trên trái đất thấy là con có thể bắt đầu ở tầng 48 và vươn lên những tầng tâm thức cao hơn. Do đó, con phải xuống tầng 48. Khi con xuống tầng 48 trên trái đất, con sẽ phản ứng với những điều sa nhân bắt con chạm trán với tầng tâm thức 48. Con không có cách phản ứng nào khác vì lúc đó con nhìn đời sống trên trái đất với phin lọc nhận thức của tất cả các ảo tưởng mà con phải mang vào khi con xuống tầng 48.
Con yêu dấu, con không thể phản ứng cách nào khác trên trái đất. Điều này có nghĩa là không ai trên cõi thăng thiên chê trách con vì con đã phản ứng như vậy với sa nhân. Các thày đều đã làm giống con, và đó là lý do vì sao không ai trên cõi thăng thiên muốn con chê trách mình vì đã phản ứng như thế với sa nhân. Con yêu dấu, con phải hiểu là ở tầng tâm thức 48, có một phản ứng cao và một phản ứng thấp, nhưng phản ứng cao ở tầng 48 không phải là trình độ tâm Phật qua đó con hoàn toàn không dính mắc. Điều này chỉ tới với tầng tâm thức 144.
Việc con đã phản ứng với một phản ứng thấp hơn là điều không thể tránh được. Con phải làm như vậy để chứng minh là con có thể vượt lên trên phản ứng đó. Con yêu dấu, con phải hiểu là sa nhân đã phóng chiếu một tâm thức cho rằng nếu con là một người tâm linh (dù con là một cư dân nguyên thủy đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn hay con là một a-va-ta), con đáng lẽ không bao giờ được phản ứng một cách tiêu cực, bất toàn. Do đó, sa nhân (khi con dám biểu lộ quả vị Ki-tô trong quá khứ) đập dí con xuống. Họ khiến con phản ứng tiêu cực và bây giờ họ khiến con chê trách mình vì đã có phản ứng tiêu cực đó. Con có cảm giác đó vì con cảm thấy giống như chuyện Humpty Dumpty trong bài đồng dao, con ngồi trên đầu tường té xuống và tất cả người và ngựa của nhà vua không thể ráp con nguyên vẹn trở lại được. Con cảm thấy con không thể xóa bỏ chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Do đó, con bị kẹt vào cỗ máy chạy bộ không ngừng để tìm cách bù đắp lại.
8.10. Cách duy nhất để khắc phục quá khứ
Con yêu dấu, thực ra con có thể xóa bỏ những gì con đã làm trong quá khứ. Nhiều người trong các con chưa hiểu ra điều này với tâm ý thức. Con có thể làm gì để xóa bỏ chuyện con đã làm trong quá khứ? À, thày đã nói rồi nhưng thày sẽ nhắc lại ở đây. Con không thể thay đổi hành động vật lý đã xảy ra trong quá khứ nhưng hành động vật lý không quan trọng nữa vì thời gian đã trôi qua. Điều quan trọng là phàm linh mà con mang theo trong bốn thể phàm. Con yêu dấu, con có thể tách mình ra khỏi phàm linh, đuổi nó đi và cho nó chết. Khi con xóa bỏ phàm linh, con cũng xoá bỏ chuyện con đã làm trong quá khứ.
Đây là sự bù đắp tối hậu và nó là sự bù đắp duy nhất hữu hiệu. Con phải hiểu là có một phàm linh khiến con ở trên cỗ máy chạy, cảm thấy là con cần luôn luôn chạy nhanh hơn, con cần phải làm gì đó để đền bù những điều sai quấy con đã làm trong quá khứ. Con có biết câu nói bình dân: “Hai điều sai trái không đưa đến một điều đúng.” Con yêu dấu, con có thấy chăng là: “Hai điều đúng không đền bù được một điều sai trái?” Bất kể bao nhiêu điều đúng con làm, con sẽ không bao giờ đền bù chuyện sai trái mà con đã làm trong quá khứ khi phàm linh mà con đã tạo ra vẫn còn tồn tại trong các thể cao của con.
Có những người, có mặt trong hầu hết các tôn giáo và tổ chức tâm linh, đã trong nhiều kiếp tìm cách đền bù một điều sai trái nào đó mà họ đã làm trong quá khứ, bằng cách làm điều đúng theo giáo lý của tôn giáo hay tổ chức tâm linh của họ. Thí dụ, có những người bên Tây Tạng bỏ ra cả đời mình xoay bánh xe cầu nguyện, nghĩ rằng hành động này sẽ đền bù cho một điều sai trái mà họ đã làm trong quá khứ. Có những người khắp nơi đọc kinh, dự lễ, đốt nến, tập yoga, đọc chú, và vân vân.
Con yêu dấu, có một khía cạnh máy móc là khi con làm điều gì, con tạo nghiệp. Con có thể cân bằng nghiệp quả đó bằng cách, thí dụ, đọc một số lượng bài chú nào đó. Nhưng khi con đã tới tầng này của con đường tự điều ngự, con cần nhận ra là vấn đề chính yếu của con bây giờ không phải là cân bằng nghiệp quả. Khi con đã vươn lên tầng này, khi con đã đọc số lượng bài chú bài thỉnh, hầu hết các con đã trên con đường cân bằng nghiệp quả, ít nhất là phần lớn nghiệp quả. Không phải là con cân bằng hết nghiệp quả khi con hòan tất khóa học này. Con trên con đường cân bằng hết nghiệp quả ở cuối đời này vì con cần nhận ra rằng ở mỗi tầng cho tới tầng 144, có một số lượng nghiệp quả cần được cân bằng ở tầng đó.
Điều quan trọng không phải là cân bằng tất cả nghiệp quả ở tầng này của con đường tu, nhưng điều quan trọng là cân bằng nghiệp quả cho tới tầng tâm thức hiện nay của con. Con có thấy điểm này chăng? Con có thể bị chậm trễ trong việc cân bằng nghiệp quả , nhưng con cũng có thể tới điểm con bắt kịp ở tầng tâm thức hiện nay trên con đường tu, có nghĩa là con không còn nghiệp quả tàn dư nào từ các tầng thấp hơn. Con đã cân bằng tất cả nghiệp quả cho tới tầng mà con đang ở dù đó là tầng 48, hay 56, hay 63, hay 85. Con đã cân bằng hết nghiệp quả đó, và như vậy có nghĩa là con đã bắt kịp, và con không cần bận tâm chuyện cân bằng nghiệp quả nữa. Khi con tiếp tục đọc chú và thỉnh ở các tầng cao hơn, con sẽ tiếp tục cân bằng nghiệp quả ở các tầng đó.
8.11. Không có gì sai trái với con cả
Điều mà thày quan tâm ở điểm này là dẫn con tới điểm con nhận ra là vấn đề là làm tan đi các phàm linh nội tại đó. Con yêu dấu, đây là phàm linh mà con cần khắc phục ngay lúc này: cảm giác con có gì sai trái.
Con yêu dấu, con có hiểu chăng là sa nhân muốn con cảm thấy là vươn lên tầng tâm thức này của con là điều sai trái? Đầu thai vào trái đất và vươn lên tới tầng này là điều sai trái. Họ muốn con cảm thấy như vậy vì con là một mối đe dọa cho họ, và chắc hẳn con thấy được là đây không phải một điều con muốn chấp nhận. Con không muốn chấp nhận lập luận của họ, và lẽ dĩ nhiên con không sai trái khi con vươn lên tầng tâm thức hiện nay của con. Con cần buông bỏ cơ chế đó đi. Con cần tới điểm con chấp nhận một cách ý thức sự kiện đơn giản sau: “Không có gì sai trái với tôi cả”. Có thể con cần (như người sứ giả này đã làm nhiều năm trước đây) trải qua một giai đoạn con dùng câu này như một lời khấn nguyện. Con giám sát mình và con nhận ra (đôi khi vì một hoàn cảnh bên ngoài, đôi khi chỉ đột nhiên xuất hiện) là có một xung lực khởi lên trong con nói rằng con đã sai quấy, con đã làm điều gì sai quấy, rằng con không được làm điều này, con không được làm điều kia. Có thể con cần một giai đoạn giám sát mình, và khi xung lực khởi lên, con hóa giải nó bằng cách nói trong ý thức, hoặc ra lời hoặc nói thầm: “Không có điều gì sai trái với tôi cả. Tôi hoàn toàn chấp nhận là không có điều gì sai trái với tôi cả.”
Con yêu dấu, khi con làm điều này và tiếp tục làm điều này, thì con sẽ tới điểm con tách mình ra khỏi phàm linh đó, ngã tách biệt đó. Con có thể nhìn nó và cảm thấy nó không ảnh hưởng con được nữa. Lúc đó, nó tan đi vì cái giữ cho nó sống là năng lượng mà con cho nó khi con tin vào ảo tưởng có điều gì sai trái với con.
8.12. Con không sai trái vì ở trên trái đất
Con yêu dấu, con thấy chăng là điều các thày mong muốn trong khóa học này là giúp con vượt qua ảo tưởng ở mỗi tầng tâm thức giữa tầng 48 và 96. Một trong những ảo tưởng này là ý tưởng có điều gì sai trái với việc con ở trên trái đất.
Nếu con là một a-va-ta thì trên một hành tinh tự nhiên con chưa bao giờ trải nghiệm lời cáo buộc có cái gì sai trái với con. Trong quá khứ xa, trước khi trái đất rơi vào nhị nguyên, nếu con là cư dân nguyên thủy con cũng không trải nghiệm điều này. Do đó, con có trong con cảm giác là thực sự con không có gì sai trái. Bởi vì con đã quá nhiều lần trải nghiệm bên ngoài (qua sa nhân và qua người khác và xã hội nói chung) lời cáo buộc con có gì sai trái, nên con đã đi tới điểm nghĩ rằng có lẽ có điều gì sai trái với việc con ở trên trái đất. Có thể là trái đất đã khiến con sai trái, đã khiến con cảm thấy mình sai quấy? Lẽ dĩ nhiên, đó là một lý do khiến con khó chấp nhận là mình đang ở đây.
Nếu con nhìn lại chính mình, thì có lẽ con nhận ra là nhiều người tâm linh đã cảm thấy bị xã hội ruồng bỏ. Khi con là trẻ thơ, con đã cảm thấy mình không hòa nhập với trẻ em khác, không có ai con có thể nói chuyện về những niềm tin tâm linh của mình. Nhiều người trong các con đã bị chế giễu vì những niềm tin tâm linh của mình. Nhiều người trong các con có thể đã tìm ra một phong trào tâm linh, theo nó một thời gian và sau đó (khi con bắt đầu đặt một số câu hỏi thách đố hiện trạng của phong trào đó) con bị phong trào đó trù dập.
Con có thể đã có cảm giác: “Tôi thuộc về đâu, tôi hòa nhập được với ai?” Lẽ dĩ nhiên, điều này đã nuôi dưỡng cơ chế bù đắp mà thày đã phơi bày. Một khi con buông bỏ được cơ chế đó, con có thể tới một tầng của con đường tâm linh hoàn toàn dựa trên tình thương. Con không đi trên con đường tâm linh để bù đắp bất cứ điều gì. Con theo con đường tâm linh vì có điều gì đó mà con thương yêu, bất kể tình thương này thể hiện ra sao cho mỗi người. Đối với con, đó là một động lực dựa trên tình thương, không phải một động lực dựa trên bù đắp.
8.13. Vượt qua nỗi sợ sáng tạo
Đây là diểm con khắc phục chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức và bắt đầu tu theo cách không ám ảnh, không cưỡng bức. Đây không phải là tâm thần loạn động, mà chỉ giản dị là động lực tự nhiên, dựa trên tình thương, thúc đẩy con vươn lên cao hơn, trải nghiệm cái gì hơn nữa và muốn biểu hiện cái hơn nữa.
Con yêu dấu, sự thực là khi con còn bù đắp, con không thể cảm thấy tự do biểu hiện mình, con không thể cảm thấy tự do sáng tạo. Con sẽ sợ không dám sáng tạo, vì sáng tạo là gì? Sáng tạo là vượt lên trên hiện trạng. Con chỉ sáng tạo khi con vượt lên trên hiện trạng. Khi con bù đắp, mong muốn bù đắp này thật sự dựa trên hiện trạng vì con nói: “Hiện trạng là tôi làm điều gì đó sai trái trong quá khứ và tôi cần bù đắp lại.”
Bù đắp và sáng tạo xung khắc nhau và con sẽ không bao giờ là một sinh thể hoàn toàn sáng tạo khi con còn tìm cách bù đắp lại điều gì đó. Lẽ dĩ nhiên, có người được coi là nghệ sĩ nhưng lại bị thúc đẩy bởi khuôn nếp bù đắp trong tâm lý và tìm cách bù đắp qua tác phẩm của họ. Con cũng có thể thấy có người bị ám ảnh với việc vẽ càng nhiều tranh càng tốt, hay khắc càng nhiều tượng càng tốt, hay điều gì khác. Con có thể thấy nhiều nghệ sĩ, thí dụ, thực sự bị thúc đẩy bởi chứng loạn thần ám ảnh và cưỡng bức để biểu hiện nghệ thuật thách đố hiện trạng. Dù họ đang thách đố hiện trạng, họ không thực sự thách đố một cách sáng tạo. Đó là lý do vì sao rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tân thời không cân bằng và không thẩm mỹ. Chúng tơi tả, bất hài hòa. Chúng được tạo ra với ý định khiêu khích, nhưng chúng không nâng tinh thần người thưởng ngoạn mà chỉ làm gai mắt họ qua sự thiếu thẩm mỹ.
Nhiều người có quan niệm cái gì là thẩm mỹ nhưng nhiều nghệ nhân tân thời đã tìm cách bù đắp vì họ cho rằng đó là hiện trạng cần thách đố. Con yêu dấu, con thấy chăng là thẩm mỹ không phải là một vấn đề hiện trạng, tuy rằng, lẽ dĩ nhiên, trong quá khứ đã có nhiều thí dụ một lối vẽ nào đó được coi là cách vẽ duy nhất và do đó nó trở thành hiện trạng. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt vì có một số nét đẹp, một quan niệm về cái đẹp, mà con có trong con và đa số tác phẩm nghệ thuật tân thời giản dị nằm ngoài quan niệm đẹp của đa số con người. Các nghệ nhân này cảm thấy họ thách đố hiện trạng, nhưng họ lại có cơ chế loạn thần ám ảnh và cưỡng bức, và bù đắp, khiến họ cảm thấy cần thách đố hiện trạng của xã hội thay vì thách đố cơ chế bù đắp nơi chính họ. Họ chú tâm vào thay đổi xã hội thay vì thay đổi chính mình, thăng vượt tâm thức của chính họ.
Lẽ dĩ nhiên các thày muốn các đệ tử sáng tạo, nhưng các thày muốn con sáng tạo trên nền tảng của tình thương, chứ không phải dựa trên cơ chế bù đắp thúc đẩy con làm điều gì đó bất thường để gây chú ý. Con yêu dấu, thày đã chiếm nhiều chú ý của con với bài giảng này, và thày cảm ơn con đã chịu bước đi trên con đường mà thày vạch ra trước mắt con.