Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 23/1/2018.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng sáng ngộ thứ năm của khóa nhập thất của thày, chúng ta gặp gỡ an bình phối hợp với viễn kiến. Thày muốn bắt đầu bài giảng này với một khái niệm mà các tâm lý gia gọi là “tư duy thần diệu”. Nó có thể đưa đến những hình thức đã được gọi là mê tín dị đoan.
Tư duy này thường được mô tả như sự lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả, tức là những người mắc tư duy đó chế ra một lối giải thích xoay quanh chính họ, thường khiến họ nghĩ tư tưởng của họ đã là nguyên do khiến một số sự việc bên ngoài xảy ra hay không xảy ra. Nơi các trẻ em, tư duy này được mô tả như cảm thấy tư tưởng của mình đã khiến một số sự việc xảy ra trên đời, và là một cố gắng giải thích mọi chuyện dựa trên điều mình biết ngay bây giờ, cùng lúc liên kết mọi chuyện xảy ra với chính mình.
12.1. Ước muốn bất khả xâm phạm
Con yêu dấu, tư duy thần diệu có nhiều khía cạnh, trong đó có nhiều khía cạnh mà các tâm lý gia chưa biết đến. Thầy muốn bắt đầu bằng cách nhắc lại những gì thày giảng trong bài đầu. Có một số đệ tử tâm linh mong tới được điểm mà họ không thể làm gì sai và không có gì có thể gây thương tổn cho họ. Chắc con cũng biết có một số trò chơi vi tính trong đó con sống trong một thế giới có kẻ thù bắn đạn tới con, nhưng con có thể dương lên một lá chắn khiến con bất khả xâm phạm, ít nhất là trong một thời gian.
Khi con nhớ lại những điều thày đã giảng, rằng trong quá khứ con đã biểu lộ quả vị Ki-tô và bị sa nhân đánh lừa khiến con nghĩ làm vậy là sai quấy, thì con có thể nhận ra một sắc thái của tư duy thần diệu là con không thể làm gì sai và không có gì có thể gây thương tổn cho con. Đây có thể coi như là sự nối dài của ước mong nơi trẻ em tưởng tượng là chúng bất khả xâm phạm, nhưng nó cũng là một ý tưởng in sâu vào tâm thức tập thể.
Như thày có nói, khi con lớn lên trong bất cứ nền văn hóa nào trên trái đất, con chịu ảnh hưởng của một số niềm tin rất vi tế. Lẽ dĩ nhiên, khi con nhìn suốt chiều dài lịch sử của trái đất, con thấy là có rất, rất nhiều người đã trải qua những cảnh huống chấn thương đã để lại nơi họ những vết thương tâm lý sâu đậm. Họ đã tìm cách tạo ra một phàm linh, và phàm linh này đã phát triển thành một phàm linh tập thể, để giải thích chuyện đã xảy ra, hay cho họ hy vọng là sẽ có ngày họ trở nên bất khả xâm phạm và không phải chịu các cảnh huống đó nữa. Con thấy chăng là một phần tư duy thần diệu là ý tưởng con thực sự có thể kiểm soát vũ trụ, con có thể kiểm soát một số khía cạnh của thế giới này, và do đó con có thể tránh điều xấu và thu hút điều lành. Có những người dị đoan khi chơi bài bạc, chẳng hạn, và nghĩ rằng nếu họ đeo một lá bùa thì họ sẽ hên hơn. Có nhiều khía cạnh khác của lối hành xử dị đoan qua đó người ta tìm cách làm điều gì đó để kiểm soát chuyện gì sẽ xảy ra hay không xảy ra cho họ. Nhiều người cho rằng đeo một mề đay có khắc hình một vị thánh sẽ che chở họ khỏi sự việc xấu.
Con yêu dấu, con cần nhận ra là có một truyền thống hay phong trào rất, rất cổ xưa trên thế gian giải thích tại sao một số chuyện xảy ra và tìm cách bảo vệ con người khỏi một số chuyện khác. Con muốn tránh điều dữ và thu hút điều lành. Con nghĩ rằng nếu con làm một số chuyện thì con sẽ đạt được ước muốn này. Nói cách khác, có một phàm linh (đã được tạo ra từ rất lâu trên trái đất) khiến con người tin rằng họ có thể kiểm soát thế giới bằng cách nào đó.
Như một đệ tử chân sư thăng thiên con đã lớn lên trong một môi trường trong đó phàm linh này đã ảnh hưởng đa số con người bằng cách này hay cách khác, và lẽ tự nhiên con đã bị nó ảnh hưởng. Một lần nữa, thày hoàn toàn không chê trách con. Thày chỉ nêu lên sự kiện là ở tầng khai ngộ này của khóa học, con đã sẵn sàng để đối phó với vấn đề này. Con đã sẵn sàng để nhìn vào những thành phần của tư duy thần diệu mà con có trong tâm, và con đã sẵn sàng để vượt lên trên chúng và thoát khỏi chúng. Con yêu dấu, khi con buông bỏ chúng, con sẽ cảm thấy tự do hơn là bất cứ gì con mơ ước khi con ở trong vòng ảnh hưởng của phàm linh tập thể và ngay cả một số phàm linh nội tại mà con có trong các thể cao.
12.2. Ảo tưởng có một Thượng đế toàn năng
Con yêu dấu, bây giờ chúng ta hãy xem xét ước muốn được bất khả xâm phạm, bất khả chiến bại. Trong quá khứ có thể con đã bị sa nhân tấn công một cách rất độc ác, không khoan nhượng. Lẽ tự nhiên, con muốn tránh bị chấn thương, bị đau đớn như vậy, và do đó con đã tạo ra một phàm linh nội tại khiến con nghĩ rằng sẽ có ngày con trở nên người bất khả chiến bại. Con sẽ có khả năng đánh bại sa nhân, diệt trừ sa nhân, diệt trừ bất cứ ai tấn công con hay những người con cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ, tỷ dụ như người vô tội.
Thày cần con suy ngẫm phàm linh này từ đâu tới. Nó, như tất cả phàm linh (ít nhất là các phàm linh chính), do sa nhân tạo ra. Ta có thể nói là tất cả phàm linh đều do sa nhân tạo ra, theo nghĩa là chúng nảy sinh từ các tấn công và ảo tưởng của sa nhân. Lẽ dĩ nhiên, một phàm linh riêng lẻ đã do một người tạo ra khi họ phản ứng lại sa nhân.
Điều sa nhân muốn con nghĩ là có một thực thể nhân từ, thường được gọi là Thượng đế, có quyền kiểm soát tối hậu trên vũ trụ. Một khi con tin điều này, con nghĩ một số điều đáng lý không được xảy ra. Suốt mấy ngàn năm, nhiều người cảm thấy sự hiện diện hiển nhiên của sự ác độc trên hành tinh này thách thức sự hiện hữu của Thượng đế. Nếu thực sự có một Thượng đế, và Thượng đế đó nhân từ và toàn năng, thì tại sao ngài lại để cho sự ác độc có mặt trên trái đất?
Con thấy là sa nhân đã từ khởi thủy tạo ra ảo tưởng là có một Thượng đế toàn năng kiểm soát vũ trụ. Rồi chính họ đã làm nhiều chuyện độc ác đối với con người, thách thức sự hiện hữu của Thượng đế nhân từ và toàn năng này. Do đó, sa nhân đã tạo một mâu thuẫn trong tâm của hầu hết mọi người. Con nghĩ đúng lý con phải có cách kiểm soát chuyện gì xảy ra cho con trong cuộc đời. Con nghĩ đúng lý phải có một thực thể nhân từ kiểm soát mọi chuyện. Do đó, con nghĩ nếu con cầu xin thực thể đó bằng một tư duy thần diệu nào đó, con sẽ có thể cầu xin sự phù hộ của thực thể đó để chỉ có chuyện tốt xảy ra cho con và chuyện xấu không xảy ra cho con.
Một số người sống nhiều kiếp với niềm tin đó và nghĩ rằng niềm tin này không bị thách thức vì không có chuyện gì xấu xảy ra cho họ. Một số người khác ban đầu có niềm tin này nhưng sau đó có chuyện xấu xảy ra cho họ, và bỗng nhiên họ bị khủng hoảng niềm tin, có thể đi đến chối bỏ khái niệm tôn giáo và Thượng đế. Trong cả hai trường hợp, đây là điều sa nhân mong muốn vì họ giữ con người trong một khuôn nếp phản ứng. Ngay cả những người cho rằng họ có thể kiểm soát Thượng đế và vũ trụ bằng một số hành động, họ cũng bị sa nhân giữ trong một ảo tưởng.
Mục tiêu của các thày trong khóa học này là gì? Các thày đã tìm cách giúp con nhận lãnh càng ngày càng nhiều trách nhiệm về hoàn cảnh của mình. Nhận lãnh trách nhiệm có lợi ích gì? Lợi ích là con thấy con có thể ảnh hưởng hoàn cảnh của mình. Con có thể hỏi: “Vậy đây không phải là tư duy thần diệu à? Ban đầu thày nói là sa nhân tạo ra ảo tưởng có một Thượng đế toàn năng kiểm soát cả vũ trụ. Mặt khác thày nói là các con phải vượt qua tư duy thần diệu, nhưng bây giờ thày lại nói là chúng con cần nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình và thấy là chúng con đang đồng sáng tạo hoàn cảnh của mình. Làm sao chúng con phối hợp được các thành phần này?” Ấy, chúng ta sẽ không phối hợp các thành phần đó. Chúng ta sẽ xem xét từng thành phần một và xem chúng là gì.
12.3. Từ bỏ niềm tin có một Thượng đế của riêng mình
Trước tiên, lẽ dĩ nhiên là có một đấng Sáng tạo, theo một nghĩa nào đó, có quyền kiểm soát tối hậu trên vũ trụ. Đấng Sáng tạo tạo ra thế giới hình tướng, trong đó có bầu cõi nơi con đang sống. Như các thày đã thuyết giảng qua trung gian của vị sứ giả này, một bầu cõi được tạo ra như một bầu cõi chưa thăng thiên, có nghĩa là nó chưa đạt được tính chất thường hằng. Mục đích tạo ra một bầu cõi trong trạng thái đó là để luật tự quyết trải bày. Các sinh thể có tự nhận biết được gửi xuống hiện thân trong bầu cõi có thể biểu lộ quyền tự quyết của họ nhưng những gì họ tạo ra không thường hằng. Bất cứ những gì họ tạo ra, họ đều có thể xóa đi hay khắc phục. Nói cách khác, họ không thể bị mắc kẹt trong những gì họ tạo ra.
Vì bầu cõi trong đó con sống không thường hằng, nên con có thể để cho luật tự quyết trải bày bất cứ cách nào con muốn. Khi thày nói “con”, thày không chỉ nói riêng con. Tất cả các sinh thể đồng sáng tạo trong bầu cõi chưa thăng thiên đều có quyền tự quyết, một quyền tự quyết không giới hạn. Con có thể có hành động giới hạn chính mình, con có thể có hành động hại người khác, và các điều này đều được phép vì bầu cõi không thường hằng. Tuy nhiên, để cho quyền tự quyết được trải bày, đấng Sáng tạo cũng đã để qua một bên quyền kiểm soát của ngài trên bầu cõi chưa thăng thiên. Điều này không có nghĩa là Thượng đế không can thiệp vào được, nếu đó là điều đấng Sáng tạo mong muốn. Đấng Sáng tạo có thể xóa bỏ toàn thể bầu cõi trong một khoảnh khắc nếu ngài muốn. Tuy nhiên, luật tự quyết có nghĩa là đấng Sáng tạo đã nói: “Ta sẽ cho những sinh thể có tự nhận biết này thời gian để học hỏi với quyền tự quyết của họ và đi tới kết luận, dựa trên thử nghiệm với quyền tự quyết, rằng điều tốt nhất cho toàn thể cũng là điều tốt nhất cho cá nhân.”
Lẽ dĩ nhiên, thực tế là trái đất là một trong số ít hành tinh trong toàn thể vũ trụ có một tầng tâm thức rất, rất thấp. Con có thể nhìn những chuyện xảy ra trên trái đất và nói là Thượng đế không được để cho những điều ác độc đó xảy ra và do đó Thượng đế phải tiêu hủy toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên. Tuy nhiên, có hàng tỷ hành tinh có tầng tâm thức cao hơn trái đất rất nhiều. Tại sao Thượng đế lại phải xóa bỏ toàn thể bầu cõi dựa trên những gì xảy ra trên hành tinh nhỏ bé này?
Như một đệ tử chân sư thăng thiên đã tới tầng này, con cần buông bỏ ảo tưởng do sa nhân tạo ra là có một Thượng đế cá nhân quan tâm mật thiết đến đời sống và hoàn cảnh cá nhân của con trên trái đất. Con cần buông bỏ ý tưởng rằng đâu đó ở trên thiên đàng có một ông già râu bạc đặc biệt quan tâm tới con và lúc nào cũng theo dõi mọi chuyện con làm, nghĩ hay cảm nhận. Vị Thượng đế xa xăm trên trời đó là một sáng chế hư cấu của sa nhân. Đã đến lúc con buông bỏ nó. Đã đến lúc con nhìn nhận là không có Thượng đế đó.
12.4. Người trợ giúp thần diệu
Một khía cạnh của tư duy thần diệu hay tìm thấy nơi trẻ em là niềm tin có một người trợ giúp thần diệu. Nếu một em bé cảm thấy khổ sở, bị đe dọa hay sợ hãi, thì em nghĩ có một người trợ giúp thần diệu sẽ một ngày nào đó hiện ra và thay đổi hoàn cảnh bên ngoài cho em. Một lần nữa, niềm tin này có thể hiểu được ở một tầng tâm thức nào đó. Niềm tin này thu hút chính yếu những người ở dưới tầng tâm thức 48. Vì nó rất mạnh dưới hình thức một phàm linh tập thể, nên con đã lớn lên với nó, con đã bị nó ảnh hưởng. Ở tầng tâm thức hiện nay của con, con chỉ cần giản dị nhìn vào nó và cho nó biến đi.
Tư duy thần diệu cho rằng, tỷ dụ, nếu con không có một số tư tưởng, nếu con không có một số hành động, nếu con có tư tưởng tích cực hay đeo một mề đai có khắc hình thánh Christopher, thì chuyện xấu sẽ không xảy ra cho con. Vấn đề với lối suy nghĩ này là nó khiến con nghĩ có một người trung gian. Con nghĩ con ở trong hoàn cảnh mà cá nhân con không làm được gì, nhưng có một thực thể bên ngoài con có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề – và ước gì con tìm ra cách kích hoạt thực thể đó hành động và sử dụng quyền năng của nó.
Con có thấy chăng hậu quả tâm lý của lối suy nghĩ này? Con cảm thấy bất lực, con phản ứng dựa trên cảm giác bất lực bằng cách cầu thỉnh một thực thể tưởng tượng mà con nghĩ có quyền năng mà con không có. Một lần nữa, điều này hiểu được nơi trẻ thơ hay nơi những người ở một tầng tâm thức nào đó. Con nay ở tầng tâm thức cao hơn rất nhiều. Do đó, đã đến lúc con nhìn vào điều này và nhận ra nó hoàn toàn dựa trên một ảo tưởng.
12.5. Con không bao giờ bất lực
Trước tiên, thày muốn giải quyết cảm giác bất lực. Con yêu dấu, con không bao giờ bất lực. Thày không thể nói điều này ở một tầng tâm thức thấp hơn, vì những người ở dưới tầng 48 sẽ không tin. Ngay cả những người tham dự khóa học này nhưng ở tầng tâm thức thấp cũng thấy rất khó mà hoàn toàn tin điều này. Đó là lý do các thày phải giảng nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sự thực là con không bao giờ bất lực. Lẽ đương nhiên, câu này cần được hiểu một cách sâu sắc. Như thày có nói, sa nhân thích đưa con vào hoàn cảnh trong đó con cảm thấy không có điều gì xấu có thể xảy ra cho con, sau đó họ làm một chuyện vật lý tàn tệ và khiến tâm con bắt đầu hồ nghi. Lẽ tự nhiên, như một đệ tử chân sư thăng thiên, con cần xem xét vấn đề này. Con cần nhận ra là luật tự quyết ngự trị tối cao trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Con cũng cần nhận ra là trái đất là một trong những hành tinh có tâm thức thấp nhất trong bầu cõi của con. Điều này có nghĩa là khi con đầu thai trên trái đất, một số chuyện có thể xảy ra cho con vì người khác có thể dùng quyền tự quyết của họ để hại con. Có một số người khác đã dùng quyền tự quyết để mở cửa đón nhận sự kiểm soát của sa nhân trên các cõi xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Do đó, họ có thể hại con trên mặt vật lý. Họ có thể có hành động vật lý để hại con.
Thày cần con nhận ra rằng con không làm được gì về chuyện này và lý do là vì luật tự quyết, như thày có nói, phải được phép trải bày ra. Con có thể cần suy ngẫm điều này, và nếu con cảm thấy khó chấp nhận rằng quyền tự quyết phải được phép trải bày ra, thì thày khuyên con nên đọc quyển sách, Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su. Quyển sách này giải thích rất cặn kẽ mục đích của luật tự quyết và cách luật tự quyết trải bày ra.
Thầy cần con suy ngẫm và tới điểm chấp nhận là trái đất là một hành tinh có tâm thức rất thấp và do đó có thể là một số chuyện sẽ xảy ra cho con. Con có bất lực vì con không thể ngăn chặn người khác lạm dụng quyền tự quyết của họ. Con không làm được gì để ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Thày biết rằng có rất, rất nhiều người (trong đó có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên) cảm thấy rằng đáng lý phải có cách ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác để không hại được mình. Thày cần con buông bỏ niềm tin này vì lý do giản dị là con không muốn ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Đây là một điều khó chấp nhận, ngay cả với đệ tử chân sư thăng thiên đã biết mọi chuyện cần biết về nhị nguyên, luật tự quyết và mục đích của vũ trụ. Thầy cần con bỏ ra một chút thì giờ để suy ngẫm điều này.
12.6. Hình thức nghiệp nặng nhất
Con cần nhận ra là khi con có hành động hại người khác, con tạo ra nghiệp. Tuy nhiên, nghiệp tạo ra bởi bất kể hành động vật lý nào không phải là hình thức nghiệp nặng nhất. Hình thức nghiệp nặng nhất mà con có thể tạo ra là khi con can thiệp vào quyền tự quyết của người khác. Con có thể nói ở đây: “Nhưng nếu việc con làm là ngăn họ tự giết họ? Nếu con làm vậy thì con can thiệp vào quyền tự quyết của họ, nhưng có phải chăng không tự sát là điều tốt cho họ? Vậy có phải chăng việc con can thiệp vào quyền tự quyết của người đó là việc làm đúng?” Không, con yêu dấu, việc đó không đúng và con sẽ tạo nghiệp nếu con làm như vậy.
Con có thể nói: “Nếu sa nhân sắp sửa giết một trẻ thơ, thì phải chăng việc làm đúng là con can thiệp vào quyền tự quyết của họ và khiến họ không làm hành động đó?” Một lần nữa, con yêu dấu, việc đó không đúng, con sẽ tạo nghiệp nếu con làm như vậy. Đây là loại nghiệp mà sa nhân đã tạo ra từ khi họ sa ngã và thày bảo đảm với con là, như một đệ tử chân sư thăng thiên đang đi trên con đường dẫn tới thăng thiên, con không muốn tạo ra loại nghiệp đó. Con yêu dấu, đây là lúc con cần nhận ra điều ta có thể gọi là hai tầng của tâm thức nhị nguyên. Ở tầng đầu, con hướng mọi chuyện về chính mình, con chú tâm vào chính mình, và con lúc nào cũng cố gắng làm điều tốt nhất cho mình. Nhưng có một tầng thấp hơn, là tầng của sa nhân, là nơi con cố ý tìm cách kiểm soát người khác. Ở tầng đầu, con tìm cách được những gì mình muốn và khiến người khác cho mình cái mình muốn. Con không làm với ý định hiểm độc kiểm soát hay diệt trừ người khác. Sa nhân ở tầng tâm thức mà họ tìm cách kiểm soát người khác một cách cố ý và hiểm độc. Họ làm vậy không chỉ để có được cái họ muốn, nhưng họ tìm cách tàn phá người khác bằng cách tạo ra đủ loại chia rẽ và mâu thuẫn trong bốn thể phàm của người khác, khiến người khác bị chia rẽ chính trong nội tâm.
Có một điểm khác biệt vi tế giữa hai loại nghiệp. Điều thày nói ở đây là để con thấy sự tương phản. Thày muốn nói là hình thức nghiệp nặng nhất mà con có thể tạo ra là khi con can thiệp vào ba thể cao của một người và ảnh hưởng chọn lựa của họ. Dù con nghĩ con can thiệp để đem lại điều tốt cho họ, con vẫn tạo nghiệp rất nặng khi làm thế. Đã đến lúc con nhận ra là nếu con có ý định chân thật muốn thăng thiên, muốn hội đủ điều kiện thăng thiên, trong kiếp sống này, thì con không thể cho phép mình tạo ra loại nghiệp này. Do đó, con cần tới chỗ chấp nhận hoàn toàn và tuyệt đối là người khác phải được phép trải bày quyền tự quyết của họ dù rằng khi làm vậy họ sẽ tự hại họ hay hại con.
Lẽ tự nhiên, điều này không cấm con giúp họ nhận ra điều họ đang làm hay cố gắng cho họ thấy điều mà họ không thấy. Điều con không được làm là khuynh loát hay kiểm soát người khác. Đây là lý do thầy cần con nhận ra là con không nên có niềm tin cho rằng Thượng đế, một vị thánh hay thiên thần nào đó có thể khiến người khác làm hay không làm điều gì. Cầu nguyện Thượng đế để ngăn cản người khác làm điều gì có thể sẽ hại con hay chính họ không phải là việc làm chính đáng.
Con yêu dấu, con thấy chăng là không có thẩm quyền nào trên thiên đàng có quyền can thiệp vào quyền tự quyết của những người đang hiện thân. Do đó, con chỉ phí hơi vô ích nếu con cầu nguyện xin Thượng đế thay đổi tâm người khác, điều này đi ngược lại Luật Tự Quyết. Con thực sự sẽ tạo nghiệp khi con làm vậy. Nghiệp này không nặng bằng nghiệp con tạo ra khi con tìm cách ảnh hưởng hay khuynh loát người khác, nhưng con vẫn sẽ tạo nghiệp.
12.7. Hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết
Thày muốn con nhận ra là có một trạng thái tâm trong đó con nhìn trái đất như nó đang là ngay lúc này và có thể chấp nhận quyền tự quyết một cách hoàn toàn, vô điều kiện và không khoan nhượng. Con nhìn nhận trái đất là một hành tinh có tâm thức thấp và điều đơn giản là một số chuyện sẽ xảy ra trên một hành tinh như trái đất. Thày muốn con tới điểm con nói: “Tôi đã đầu thai trên trái đất và lý do tối hậu là vì tôi đã chọn tới đây. Tôi biết trái đất là loại hành tinh như thế nào trước khi tôi đầu thai lần đầu ở đây. Bây giờ tôi nhận ra tôi có lý do của tôi, tôi có thể không nhớ rõ một cách ý thức những lý do này, nhưng một phần lý do chắc hẳn là tôi muốn tăng triển qua việc trải nghiệm cuộc sống trên một hành tinh như thế này. Vậy làm sao tôi tăng triển? Tôi tăng triển bằng cách nhận ra là vì quyền tự quyết, tôi không thể ngăn cản người khác làm điều mà họ chọn làm. Vả lại đây cũng không phải là vai trò của tôi.”
Do đó, con có thể buông bỏ ước muốn tìm một phương pháp thần diệu để ngăn cản người khác hại chính họ hay hại người. Con buông bỏ ước muốn ảnh hưởng Thượng đế hay ngay cả tìm cách ảnh hưởng người khác. Con chấp nhận là khi con đầu thai trên trái đất này, con không ngăn cản được một số sự việc vật lý xảy ra.
12.8. Bất lực có nghĩa gì?
Con có thể tới điểm chấp nhận điều trên, và con sẽ dễ chấp nhận điều trên hơn, khi con nhận ra là tuy con đối mặt một sự việc và không thể ngăn chặn nó, nhưng con vẫn không bất lực. Con cần suy ngẫm điều này một chút. Bất lực có nghĩa gì? Lẽ tự nhiên, con cảm thấy (đây cũng là một phàm linh tập thể rất mạnh trên trái đất) là các chuyện xấu đáng lý không được xảy ra và đáng lý phải có quyền lực nào ngăn chặn chúng. Nếu con bị một sự việc nào đó đe dọa, con cảm thấy trong tâm là hoặc đáng lý con phải chặn được nó, hoặc Thượng đế phải chặn nó, và nếu cả hai chuyện này đều không xảy ra thì con cảm thấy bất lực. Khi con đứng lùi lại, thì con nhận ra đây là một hiểu biết sai lạc về ý nghĩa của quyền năng; quan niệm trên không thừa nhận loại hành tinh nơi con đang sống.
Con đang ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên nơi luật tự quyết ngự trị tuyệt đối vì mục đích của một bầu cõi chưa thăng thiên là cho phép quyền tự quyết tự trải bày ra. Thêm vào đó, con đang ở trên một trong những hành tinh có tâm thức thấp nhất, có nghĩa là con đang ở trên một hành tinh nơi rất, rất nhiều chuyện xấu có thể xảy ra vì con người chọn thực thi quyền tự quyết một cách cực đoan, một cách tối ích kỷ. Khi con nhận ra là con đang ở trên loại hành tinh nào, thì con nhận ra con không thực tế nếu con nghĩ con có quyền năng ngăn chặn một sự việc bên ngoài. Con không thực tế nếu con nghĩ con có quyền năng ngăn chặn một cuộc chiến bùng nổ khi hàng triệu triệu người đã lấy quyết định tập thể để giao chiến.
Con không thực tế nếu con nghĩ con, như là một người đang hiện thân, có quyền năng đó. Con cũng không thực tế khi con nghĩ Thượng đế hay một sinh thể nào khác trên trời có quyền năng đó. Điều đơn giản là quyền năng đó không hiện hữu trên trái đất. Hy vọng vào quyền năng đó cũng ngây thơ như nghĩ rằng ta có thể ngưng trọng lực và bay bổng trong không khí. Con yêu dấu, khi con thực sự nhìn nhận điều này, con thấy là tuy con không có quyền năng ngăn chặn một sự việc bên ngoài, điều này không có nghĩa là con bất lực và không có nghĩa là con phải cảm thấy bất lực. Sa nhân đã thiết lập một cơ chế khiến con nghĩ là phải có một quyền lực ngăn chặn được những sự việc này và khi con kinh nghiệm là không có quyền lực nào, thì con cảm thấy hoàn toàn bất lực, con cảm thấy mình trong vòng kềm tỏa của những sự việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Cái gì đang cảm thấy như vậy? Đó là một phàm linh cảm thấy như vậy, không phải là con. Điều thày cần con làm là bước lui lại, nhìn việc đang xảy ra, thấy là có phàm linh đang cảm thấy bất lực và con tự hỏi: “Vậy thì con cảm thấy thế nào?” Con, là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, không cảm thấy bất lực. Cái Ta Biết, khi nó biết nó là ai, nó là gì, không bao giờ cảm thấy bất lực.
Khi cái Ta Biết nhận biết nó là ai và là cái gì, thì nó nhận ra là không có điều gì trên trái đất quy định được nó. Chuyện gì xảy ra khi con bị dính líu vào một biến cố vật lý rất tang thương? Lẽ dĩ nhiên là có hậu quả vật lý. Con có thể bị giết, gia đình và bạn bè của con có thể bị giết, xã hội của con có thể bị tiêu diệt. Chuyện này đã xảy đến cho đa số các con trong những kiếp trước, và cho một số nhỏ trong kiếp này, nhưng con yêu dấu, có phải chăng là hoàn cảnh bên ngoài đã ảnh hưởng con?
Thày có nói là cái Ta Biết không thể nào bị quy định hay ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì trên thế gian. Con là nhận biết thuần khiết, con luôn luôn có thể trở về nhận biết thuần khiết và do đó tách mình ra khỏi những vết thương trong ba thể cao của con. Cái gì tác động con trong một sự việc bên ngoài? Ấy, đấy là cách con phản ứng lại hoàn cảnh. Phản ứng của con tạo ra một phàm linh nội tại và phàm linh này ở lại trong ba thể cao của con ngay cả trong các kiếp sau đó. Như các thày đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong khóa học này và trong các bài giảng khác, con không phải là phàm linh đó. Rất có thể là, cho tới điểm này, con đã nhìn thế giới qua phàm linh này và phản ứng lại phàm linh này nhưng tuy vậy, con không phải là phàm linh. Trong khóa học này, con đã chế phục nhiều phàm linh nội tại, và do đó, lẽ dĩ nhiên là con có thể chế phục thêm nhiều phàm linh nữa. Thày chỉ giản dị muốn con chế phục thêm một phàm linh nữa bằng cách nhận ra rằng, bất kể những chấn thương mà con đã gánh chịu trong kiếp này hay các kiếp trước, hậu quả kéo dài của các sự việc vật lý này là các phàm linh nội tại mà con mang theo trong ba thể cao của con. Chính những phàm linh này đang tác động con.
12.9. Nhận ra hồng ân của thời gian
Con yêu dấu, bây giờ thày cần con đứng lui lại và nhận ra là thời gian là một hồng ân. Nhiều người trong số các con không nhìn thời gian dưới góc độ này vì thời gian được xem như cái gì đòi hỏi hay giới hạn con. Trong đời sống hàng ngày, con lúc nào cũng phải ở nơi nào đó vào lúc nào đó, con cần phải đi làm trong một khoảng thời gian nào đó, con không được tự do với thời gian của mình. Nhiều người trong các con cảm thấy đời sống ngắn ngủi và thời gian trôi qua nhanh, và do đó con người có một quan hệ khá khó chịu với thời gian. Thày sẽ cố gắng cho con một tầm nhìn khác.
Chúng ta hãy coi là một lúc nào đó trong quá khứ, trong kiếp này hay một kiếp trước, con bị dính líu vào một biến cố rất tang thương, tỷ dụ như một chiến tranh tiêu diệt gia đình và xã hội của con. Đây là một sự việc vật lý, nhưng sự việc vật lý xảy ra ở một thời điểm nào đó và bây giờ thời gian đã trôi đi. Con không còn sống ở mốc thời gian cũ nữa. Điều này có nghĩa là con nay có thể nhìn sự việc và nói: “Không thể chối cãi là sự việc vật lý này đã xảy ra trong cõi vật lý. Nhưng ngày hôm nay, sự việc này ở đâu trong cõi vật lý?” Nó không còn trong cõi vật lý vì thời gian đã trôi đi.
Có thể là vẫn còn một số hậu quả, một số tác dụng của sự việc vẫn còn hiện diện trong thế giới vật lý. Để giúp chúng ta hiểu dễ hơn, chúng ta hãy giả thử là mấy ngàn năm trước đây trong một kiếp trước, con bị dính líu vào một biến cố tang thương khi Đế quốc La mã chinh phục và tàn phá thành phố nơi con sống. Biến cố này xảy ra 2000 năm trước đây. Ngày nay, không còn dấu vết nào của biến cố đó trong cõi vật lý, cũng không có hậu quả gì, ít nhất là hậu quả trực tiếp. Biến cố này có còn tác động con chăng? Con phải nhìn nhận là, ở tầng vật lý, biến cố này không còn tác động con. Điều này chính thực cũng áp dụng cho một sự việc xảy ra năm phút trước đây.
Hồng ân của thời gian là nó cứ liên tục trôi đi, có nghĩa là khi thời gian trôi đi, nó tẩy xóa các sự việc cũ. Đó là những sự việc vật lý đã xảy ra trong tầng vật lý nhưng thời gian đã tẩy xóa chúng. Điều này có nghĩa là, dù ở thời điểm sự việc xảy ra, con bất lực không ngăn cản được sự việc ảnh hưởng con, thời gian đã cho con cơ hội mới để khắc phục ảnh hưởng của sự việc. Ta có thể nói: “Ngày hôm nay, sự việc vật lý xảy ra 2000 năm trước đây có tầm quan trọng nào chăng?” Ở tầng vật lý, rõ ràng là không.
Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, con phản ứng dựa trên tầng tâm thức của con lúc ấy và con tạo ra một số phàm linh nội tại. Nếu các phàm linh này vẫn còn ở trong ba thể cao của con, nếu con vẫn mang chúng theo mình trong suốt bao nhiêu kiếp từ khi biến cố xảy ra, thì sự việc vẫn ảnh hưởng con. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng con một cách vật lý, và như vậy có nghĩa là con không bất lực và con có thể khắc phục nó. Vấn đề không phải là con ngăn chặn sự việc vật lý, mà con không thể ngăn chặn được vì nó không có mặt ở đây nữa. Vấn đề là con chế phục hậu quả của sự việc đó, tức là các phàm linh nội tại. Con thật sự có quyền lực làm rã tan các phàm linh này và giải thoát con khỏi chúng.
12.10. Nghiệp quả luân lưu ra sao qua bốn cõi
Trong quá khứ (dù là hai phút hay 2000 năm trước đây) con bị dính líu vào một sự việc nào đó. Con phản ứng dựa trên tầng tâm thức mà con có lúc đó. Con tạo ra một phàm linh dựa trên phản ứng của con trước sự việc. Con không có lỗi gì cả. Con có thể làm gì khác việc phản ứng dựa trên tầng tâm thức mà con có khi con trải nghiệm sự việc?
Bây giờ con đã lên một tầng tâm thức cao hơn và do đó con có quyền lực tìm các phàm linh đã được tạo ra ở một tầng tâm thức thấp hơn, thấy chúng như chúng là, tách mình ra khỏi chúng và nói: “Hãy đứng phía sau ta, Satan.” Con có thể cầu thỉnh Đại thiên thần Michael, Astrea hay các chân sư khác trói buộc, tiêu hủy và làm rã tan các phàm linh đó. Khi con thấy ảo tưởng đã tạo ra phàm linh, con có thể buông bỏ ảo tưởng và con được giải thoát!
Thày cần con nhận ra nơi đây một khía cạnh vi tế của nghiệp quả mà nhiều đệ tử tâm linh chưa hiểu thấu. Con yêu dấu, con có thể nghĩ nghiệp quả là một sự vật vật lý. Rất nhiều người (ở phương Đông và ngay cả trong các cộng đồng Thời đại mới) tin rằng khi con có một hành động vật lý, con tạo một nghiệp vật lý, và một ngày nào đó nghiệp quay trở lại và đập con, có nghĩa là một chuyện gì xấu sẽ xảy ra cho con. Tuy nhiên, nghiệp quả không vận hành như vậy. Các thày đã nói trước đây: “Nghiệp quả không phải là trừng phạt.”
Các thày cũng có nói là một khía cạnh khác của thời gian là khi con gửi đi một xung lực nghiệp qua một hành động nào đó, nó không trở lại con ngay tức khắc. Đây lại là, một lần nữa, một khoảng cách hồng ân khi xung lực luân lưu qua bốn tầng của vũ trụ vật chất. Khi xung lực trở về cõi vật lý, nếu con đã học bài học, nếu con đã vượt qua tâm thức đã khiến con tạo nghiệp, thì sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra cho con trong cõi vật lý. Con có hiểu thày chăng? Mục đích của nghiệp quả không phải là để trừng phạt con vì những gì con đã làm.
Điều này cũng giải thích một cách sâu sắc vì sao những cơ chế bù đắp hoàn toàn không có lợi ích gì. Vấn đề không phải là, nếu con giết một người trong quá khứ, nhưng con đã làm đủ việc thiện nhưng không thay đổi tâm thức, thì con sẽ không bị giết trong tương lai khi nghiệp quả trở lại. Khi nghiệp quả trở lại, nó đi xuống thể bản sắc, thể tư tưởng và thể cảm xúc của con. Nếu con vẫn còn có cùng tâm thức, cùng phàm linh nội tại, đã khiến con giết một người mười kiếp trước đây, thì khi nghiệp quả vào thể bản sắc của con nó được khơi động – nó được phóng đại – bởi phàm linh nội tại trong thể bản sắc của con. Phàm linh nội tại đó có thể nghĩ việc giết người đó trong hoàn cảnh nào đó là điều chính đáng.
Sau đó nghiệp quả xuống thể tư tưởng. Nếu con vẫn còn một phàm linh giải thích là việc con giết người đó chấp nhận được, nó lại được phóng đại và sau đó nó xuống tầng cảm xúc. Nếu con vẫn còn cảm xúc giận dữ mà con chưa giải quyết, nó lại được phóng đại nữa. Sau đó, nó xuống cõi vật lý nơi nó có thể kết đọng xuống thành một biến cố tang thương khiến con có thể bị giết hoặc chuyện gì khác xảy ra cho con. Nếu con đã tháo bỏ những phàm linh trên ba thể cao, không có gì phóng đại xung lực nghiệp quả và do đó nó sẽ không xuống cõi vật lý. Nó giản dị tan rã đi trước khi nó tới cõi vật lý.
Nghiệp quả không phải là trừng phạt. Nó là một cơ hội để học bài học mà con không học lúc ban đầu. Nếu trong khoảng thời gian sau đó con đã học xong bài học, thì con không cần nghiệp quả xuống cõi vật lý là nơi con không thể lờ nó đi. Con không còn cần nghiệp quả và đó là lý do nó có thể tan rã hoàn toàn trong ba thể cao của con hoặc một chân sư thăng thiên có thể quyết định lãnh chịu nó để giúp con tránh một sự việc vật lý có thể trì hoãn tiến bộ của con.
12.11. Kéo theo sau những phàm linh cũ
Thày cần con nhận ra là dù con đang phải đối đầu với một hoàn cảnh rất khó khăn, một hoàn cảnh vật lý khó khăn mà con không thể tránh, con vẫn không bất lực. Có thể là con không ngưng được hoàn cảnh vật lý. Nếu quyền tự quyết của người khác dính líu vào hoàn cảnh, thì con không muốn ngưng nó trải bày. Thay vào đó, điều con cần làm là chú tâm vào việc kiểm soát phản ứng của con đối với hoàn cảnh. Đây là cơ hội cho con thấy nếu còn một số phàm linh nội tại đã được tạo ra trong các hoàn cảnh tương tự trong quá khứ, khiến con phản ứng với hoàn cảnh hôm nay với tầng tâm thức của con khi các phàm linh này được tạo ra. Con có thấy cơ chế này chăng?
Nếu con bị dính líu vào một biến cố tang thương 2000 năm trước, khi con ở, thí dụ, tầng tâm thức 48, con đã tạo ra phàm linh nội tại khi con phản ứng ở tầng 48. Bây giờ con ở một tầng tâm thức cao hơn nhiều. Đâu có lý do nào khiến con muốn phản ứng dựa trên tầng tâm thức 48, khi con có đầy đủ khả năng phản ứng ở tầng tâm thức hiện nay của con? Tuy nhiên, để tránh phản ứng ở tầng tâm thức cũ, con cần làm rã tan phàm linh đã được tạo ra trong quá khứ.
Mọi hoàn cảnh đều là một cơ hội để con nhìn vào phản ứng của mình, thấy phàm linh đã khiến con phản ứng trong quá khứ (khi con ở một tầng tâm thức thấp hơn), làm nó rã tan đi, vươn lên trên nó, và sau đó giải thoát con khỏi phàm linh này. Một lần nữa, thày không đòi hỏi con phải toàn hảo. Thày không đòi hỏi con phản ứng với mọi hoàn cảnh mà con gặp trên đời với tầng tâm thức 144 là tầng tâm Phật không dính mắc. Thày muốn con nhận ra con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Con phản ứng ở tầng tâm thức 84 hay 87 là điều hoàn toàn thích nghi. Con không làm gì sai trái khi con phản ứng ở tầng tâm thức hiện nay của con; con không cần chê trách mình nếu con làm vậy. Con không cần cho phép sa nhân đánh lừa con và khiến con nghĩ, vì con là đệ tử chân sư thăng thiên, đáng lý con phải phản ứng với tầng tâm thức cao nhất. Đây không phải là yêu cầu, đây không phải là cách tu tập.
Một lần nữa, con đường tu là con đường tuần tự. Con bước đi từng bước một. Ở mỗi lúc, con ở một tầng tâm thức nào đó, và lẽ tự nhiên con phản ứng lại hoàn cảnh ở tầng đó. Thày có thể bảo đảm với con là, ở tầng tâng thức hiện nay của con, phản ứng trước bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ không khắt khe bằng phản ứng với tầng tâm thức 48 hay một tầng tâm thức thấp khác. Do đó, con cần nhận ra là con có thể đang gặp một hoàn cảnh không vui và con e ngại không biết hoàn cảnh sẽ tiến triển ra sao, nhưng nỗi sợ này dựa trên một phàm linh thấp mà con chưa làm rã tan đi. Nếu con làm phàm linh đó rã tan đi, con có thể phản ứng với tầng tâm thức hiện nay của con, và nỗi sợ và sự hung hãn của con sẽ ít cường độ hơn nhiều.
12.12. Vì sao con không bất lực
Con yêu dấu, con có thấy chăng là con không bao giờ bất lực. Bất lực là chuyện không có. Một lần nữa con có thể nói: “Nhưng con không ngăn được sự việc vật lý xảy ra.” Con yêu dấu, đúng là con không ngăn được sự việc vật lý nhưng nó không ảnh hưởng con. Chính phản ứng của con trước hoàn cảnh đã ảnh hưởng con. Nếu con kiểm soát được phản ứng của mình, nếu con làm rã tan đi các phàm linh thấp đã khiến con phản ứng trong những hoàn cảnh tương tự với một tầng tâm thức thấp hơn, thì con có quyền lực trên phản ứng của con trước hoàn cảnh.
Con yêu dấu, một phần của tư duy thần diệu là con cảm thấy có trách nhiệm với chuyện xảy ra. Các tâm lý gia cho rằng trẻ thơ cảm thấy thế giới là một phần nối dài của chúng và của thân thể chúng, và do đó chúng cảm thấy có trách nhiệm với bất cứ chuyện gì xảy ra.
Một thí dụ là nhiều trẻ thơ bị chấn thương tâm thần vì chúng cảm thấy có trách nhiệm khi cha mẹ chúng cãi nhau. Tinh thần trách nhiệm này không thích hợp. Các thày đã nói gì trong khóa học này? Các thày muốn các con chấp nhận càng ngày càng nhiều trách nhiệm về chính mình và về phản ứng của mình, nhưng đồng thời con phải ngưng nhận trách nhiệm về những gì con không có trách nhiệm.
Đâu là yếu tố giải thoát khi con nhìn nhận quyền tự quyết? Con yêu dấu, đó là con nhận ra là con chịu trách nhiệm cách con thực thi quyền tự quyết của mình nhưng con tuyệt đối không chịu trách nhiệm khi những sinh thể khác thực thi quyền tự quyết của họ. Con cần đặc biệt nhận biết là con không chịu trách nhiệm khi sa nhân thực thi quyền tự quyết của họ. Con cần duyệt lại một lần nữa vấn đề của sự ác độc đã khiến nhiều nhà tôn giáo và triết gia bối rối.
Sự ác độc như ta thấy trên trái đất không phải là quy luật, nó là một ngoại lệ hiếm hoi. Có hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ của con đang theo một vòng xoắn hướng thượng nơi đó không có chiến tranh hay các hình thức bạo lực, tra tấn và độc ác mà con thấy trên trái đất. Trái đất là một trong số rất, rất ít hành tinh mà tình trạng này được cho phép xảy ra. Con cần giản dị nhìn nhận đây là loại hành tinh nơi con đang hiện thân. Do đó, con cần nhìn nhận là sự kiện sa nhân đã và đang làm đủ loại điều tàn ác không phải là lỗi của Thượng đế, đây là lỗi của họ. Con cũng cần nhìn nhận là sự kiện sa nhân làm điều mà họ làm không phải là lỗi của con.
12.13. Con không đáng bị mọi chuyện đã xảy ra
Các đệ tử tâm linh thường có cảm nhận là – và đây cũng là một khía cạnh vi tế của tư duy thần diệu – nếu điều gì không tốt xảy ra cho họ, thì chắc là họ đã làm điều gì đó để đáng bị như vậy. Ý niệm này dựa trên ước mơ là tối hậu có một Thượng đế nhân từ kiểm soát vũ trụ. Con cũng có một câu mà các thày đôi khi đã dùng: “Trong vũ trụ không có bất công.” Con có thể dùng suy luận cao và nói, vì có luật tự quyết và vì luật tự quyết phải được phép trải bày ra, không có bất công trong vũ trụ, vì bất kỳ sa nhân đã làm gì với quyền tự quyết của họ, họ rốt cuộc sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.
Tuy nhiên, nếu con nhìn vào một hành tinh như trái đất, con có thể nói là nếu ta thẩm định những sự việc đã xảy ra trên trái đất, thì chắc chắn là có bất công trên trái đất. Nhưng có nhiều đệ tử tâm linh nghĩ như sau: “Ồ, thực tế tối hậu là Thượng đế là đấng nhân từ và Thượng đế kiểm soát mọi chuyện, do đó Thượng đế có một kế hoạch cho vũ trụ, và Thượng đế đã cho phép những chuyện xảy ra trên trái đất. Điều này có nghĩa là Thượng đế đã định ra một luật là điều xấu chỉ có thể xảy ra cho tôi nếu tôi đã làm điều gì đó để đáng bị như vậy. Do đó, chắc chắn phải có vấn đề gì đó với tư tưởng của tôi, với tâm của tôi đã khiến tôi thu hút các hoàn cảnh trong đó tôi bị sa nhân hành hạ.”
Đây là một khía cạnh của tư duy thần diệu khiến con nghĩ là chắc con đã làm điều gì nên con đáng để bị sa nhân hành hạ. Con có thể nói là con đã làm điều gì để đáng bị sa nhân hành hạ, đó là con đã chọn đầu thai trên trái đất và sự hiện diện của con đã bị sa nhân coi là một thách đố. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề công lý hay bất công. Đây là chuyện quyền tự quyết trải bày.
Con có thấy chăng, không phải là vì trong con có điểm gì thiếu sót mà sa nhân cảm thấy bị đe dọa bởi ánh sáng tâm linh của con và tìm cách tiêu diệt con. Con không thể cho phép mình cảm thấy có trách nhiệm về chuyện này. Tuy nhiên, khi con ở một tầng tâm thức thấp, con không thể tránh phản ứng lại sa nhân bằng cách tạo ra một phàm linh nội tại dựa trên ảo tưởng mà con có ở tầng đó. Một lần nữa, con không cần trách mình. Con chỉ cần giản dị nhìn nhận là ở một thời điểm nào đó, con ở trong một tầng tâm thức thấp, con bị sa nhân tấn công và tìm cách tiêu diệt con, và con đã phản ứng dựa trên viễn kiến mà con có lúc đó, dựa trên những ảo tưởng mà con đã lấy vào để xuống tầng tâm thức đó. Do đó, con tạo ra một phàm linh nội tại dựa trên niềm tin là vũ trụ này không bất công và do đó chắc là con đã làm điều gì đó nên Thượng đế đã cho phép sa nhân hành hạ con.
Đây là phản ứng của một phàm linh nội tại – không phải của con. Ở tầng này của con đường tu, con đã sẵn sàng để thấy điều này. Con đã sẵn sàng trải nghiệm cảm giác giải thoát nhất mà con có thể có, đó là con trải nghiệm: “Tôi không chịu trách nhiệm về những điều sa nhân làm đối với tôi, tôi không làm gì sai trái hết, tôi không làm gì để đáng bị sa nhân tấn công. Tôi không cần tìm điểm thiếu sót trong con người tôi để giải thích tại sao chuyện sa nhân hành hạ tôi được phép xảy ra. Không có thiếu sót gì trong con người tôi. Tuy nhiên tôi đã tạo ra một phàm linh nội tại ở tầng tâm thức mà tôi có khi bị sa nhân tấn công. Tôi cần nhìn vào phàm linh này; tôi cần làm nó rã tan đi và sau đó tôi sẽ được tự do.”
12.14. Một bước ngoặt lớn
Con yêu dấu, quả thật đây là một bước ngoặt lớn trên con đường tâm linh khi con nhận ra là con không chịu trách nhiệm về những điều người khác đã làm đối với con. Lẽ dĩ nhiên, ta cần xem xét điều này kỹ càng hơn. Như thày đã nói, trong các kiếp trước con có trình độ tâm thức thấp hơn hiện nay. Ở tầng tâm thức thấp đó, con có thể đã làm điều gì xúc phạm người khác. Do đó, con đã tạo nghiệp và nếu con chưa làm rã tan đi những phàm linh ở ba thể cao, thì nghiệp quả sẽ trở lại con như một sự việc trong đó người khác sẽ xúc phạm con. Trong trường hợp này, con có thể nói: “Đúng rồi! Tôi đã làm điều gì đó nên đáng bị như vậy.” Không phải là con đáng bị như vậy, nhưng là vì con đã không làm rã tan đi phàm linh đã khiến con tạo ra điều gì tương tự cho người khác trong quá khứ.
Một lần nữa, có thể có một khuôn nếp mà con cần xem xét: “Tại sao chuyện này lại xảy ra cho tôi? Phải chăng trong tâm lý tôi cũng có một cơ chế tương tự với cơ chế mà tôi thấy nơi những người xúc phạm tôi? Phải chăng tôi có những phàm linh nội tại cùng một loại với phàm linh nội tại mà những người này có, cho nên những điều mà những người này làm đối với tôi bây giờ cũng là những điều mà tôi đã làm đối với người khác trong quá khứ?” Trong trường hợp này, lẽ dĩ nhiên con cần làm việc với chính mình để làm rã tan phàm linh đi.
Chúng ta đang nói hai chuyện khác nhau. Điều mà thày đang nói bây giờ có thể gọi là chuyện tạo nghiệp hàng ngày trên một trái đất dày đặc như trái đất. Điều thày nói ở phần trên là khi con bị sa nhân cố ý xúc phạm lần đầu, hành động xúc phạm khởi thủy này của sa nhân không phải là nghiệp báo do con tạo ra. Con không làm gì trước đó để đáng bị như vậy. Đó là lý do vì sao bây giờ con có thể nhận ra điều đó. Con nhận ra là sa nhân đã khuynh loát con để con tạo ra một phàm linh nội tại cảm thấy mình có tội khi tương tác với sa nhân. Con cảm thấy có tội ngay cả chỉ vì con có mặt trên trái đất, và mang theo ánh sáng thách đố sa nhân.
Thày có nói là con tạo ra phàm linh phản ứng lại sa nhân, phàm linh khiến con cảm thấy mình bất toàn – mình có điều gì sai trái. Đây là một sắc thái khác của điều trên, khiến con cảm thấy tội lỗi. Con cảm thấy tội lỗi đã là chính mình, con cảm thấy đáng lý con không được ở đây, con không được thách thức sa nhân. Con cũng có thể cảm thấy tội lỗi vì đã biểu lộ quả vị Ki-tô trong một kiếp trước vì đó không phải là tầng tối hậu của quả vị Ki-tô.
Khi con thấy ra những điều này, khi con tới điểm tách mình ra khỏi chúng, thì đây có thể là một bước ngoặt trọng đại trên con đường tu của con. Lúc đó, bỗng nhiên tất cả cảm giác tội lỗi vì mình ở trên trái đất tan biến đi. Làm sao con có thể an bình với chính mình khi con cảm thấy tội lỗi là chính mình, ít ra là chính mình trong môi trường trái đất? Làm sao con có thể an bình với việc ở trên trái đất nếu con cảm thấy tội lỗi chỉ vì đã hiện diện ở đây? Con có thể cảm thấy tội lỗi khi con đã làm một số chuyện, nhưng đằng sau cảm giác tội lỗi này là cảm giác tội lỗi chỉ vì con hiện diện ở đây.
Con yêu dấu, khi con thấy những điều này, khi con thấy đây là một phàm linh nội tại, khi con nói: “Hãy đứng phía sau ta, Satan”, khi con có cảm giác giải thoát khi con thấy ảo tưởng và thấy con thoát ra khỏi nó, thì con thực sự cảm nhận một mức độ tự do mới. Thày rất vui mừng khi thấy đệ tử tới điểm này trên cõi bản sắc, nhưng thày lại càng vui mừng hơn nữa khi thấy đệ tử tới điểm này ở tầng vật lý. Thày thật sự hy vọng con sẽ có trải nghiệm đó khi con làm việc với bài giảng này.