Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels ngày 18/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Mẹ Mary, và thật là một niềm vui rất lớn cho thày được khai mạc buổi họp mặt này để giảng dạy về cái mà các thày gọi là Sứ vụ Thiêng liêng.
“Trong một cái tên chứa đựng những gì?” như Nhà Thơ [Shakespeare] có nói. Đấy, mỗi khi các thày đưa ra một khái niệm, tất nhiên là các thày đối diện với thực tế phải dùng ngôn từ để truyền đạt những ý tưởng kỳ thực vượt khỏi ngôn từ. Các thày cũng phải đối diện với một thực tế mà không nhiều người nghĩ tới, đó là sự kiện ngôn từ được người khác nhau diễn giải một cách khác nhau, tùy theo gốc tích, văn hóa và tâm lý cá nhân của họ.
Khi các thày đưa ra một cái tên, như “Sứ vụ Thiêng liêng” chẳng hạn, nó sẽ không nhất thiết chạm được mọi người bởi vì một số đã có thành kiến với nó rồi. Họ sẽ không mở tâm ra dù chỉ để được nghe nhiều hơn về khái niệm đó, vì họ đã có một phản ứng đối với từ “thiêng liêng” hay với từ “sứ vụ”. Từ ngữ khiến cho tâm họ rơi vào một trạng thái quá phổ biến trên địa cầu, là bác bỏ mà không thực sự xem xét bằng cả tâm lẫn con tim cởi mở những gì đang ẩn giấu đằng sau từ ngữ, những gì đang được biểu đạt mà lại vượt khỏi từ ngữ.
1.1. Tập trung vào một trong bốn thể phàm
Thày mong muốn cho con một chút tầm nhìn để con thấy sự thể xảy ra như thế nào đối với các thày là chân sư thăng thiên. Thày muốn con tưởng tượng là con, ở mức tâm thức hiện thời của con, được đưa đến nơi mà con nghĩ các thày đang cư ngụ – cho dù đó là một cõi năng lượng thật cao hay bất kỳ cách hình dung nào khác. Con được đưa đến tầng mức nơi các thày cư ngụ và giờ đây con đang đứng cùng với thày nhìn xuống địa cầu. Con nhìn thấy những điều mà con không bao giờ xem xét, hay ít ra những điều mà hầu hết mọi người không bao giở xem xét. Con thấy biết bao nhiêu loại người và nhóm người khác nhau trên trái đất. Nay con cũng thấy những thứ mà con không thể thấy với mắt thịt nhưng con lại thấy từ mức của thày: Tất cả những nhóm người đó đều đang mang một trạng thái tâm thức nào đó. Con thấy điều mà con vẫn biết: Mỗi người đều có một tâm lý cá nhân, một trạng thái tâm thức cá nhân được cấu tạo bởi bốn thể phàm của họ. Con thấy mỗi người đều có một mức tâm vật lý, một mức tâm cảm xúc, một mức lý trí và một mức bản sắc.
Nay con thấy mỗi người tất nhiên cũng có cái mà các thày gọi là tâm ý thức. Con thấy mỗi người có tâm ý thức của mình tập trung vào một trong bốn thể phàm. Một số sẽ tập trung phần lớn vào thân xác vật lý của mình. Một số khác đặt nhiều chú ý hơn vào cảm xúc và họ sống cả đời họ trong cảm xúc của họ. Một số khác nữa chú tâm vào cõi lý trí và họ không ngừng suy nghĩ, phân tích. Và có một số ít thì tập trung nhiều hơn vào thể bản sắc hay tâm bản sắc của họ.
Con thấy là khi các thày ban ra một lời dạy, một trong những mục tiêu của lời dạy là làm thế nào chạm được tâm ý thức của người đó, để khiến cho người đó có được một sáng ngộ ý thức, một sự khai mở ý thức, hay một trải nghiệm “À ra thế!” nếu con muốn. Nó khiến họ xoay chuyển tâm thức để họ nhìn thấy một cái gì mà trước đó họ không thấy, và họ có được một tầm nhìn rộng mở hơn, chín chắn hơn về cuộc sống hay về hoàn cảnh cá nhân của mình. Nhờ vậy mà họ có thể chuyển sang làm những công việc mà trước đây họ không thể làm – khắc phục một số khuôn nếp cảm xúc, khắc phục một số khuôn nếp tư duy, hay ngay cả dời chuyển bản sắc mình lên một mức cao hơn.
Để thực hiện điều này, các thày cần đưa ra một lời dạy chạm được tâm ý thức của họ, như thể thày cần đâm thủng từ tầng cấp của thày để đến được tâm ý thức của họ. Bây giờ con cũng thấy là để chạm được tâm ý thức của một người nhất định, các ý tưởng cùng khái niệm mà các thày ban ra phải đâm xuyên qua các thể phàm nằm bên trên nơi mà tâm ý thức người đó đang tập trung vào. Nếu họ đang tập trung vào tầng cảm xúc thì ý tưởng của thày phải đâm xuyên qua tâm bản sắc và tâm lý trí của họ trước khi nó có thể tíếp cận với tâm ý thức, thậm chí còn phải đâm xuyên qua một khía cạnh nào đó của tâm cảm xúc nữa.
Cho nên con thấy là mỗi người đều mang một số phin lọc, một số rào cản, một số tin tưởng, một số thái độ, một số cảm xúc có khả năng ngăn chặn không cho các tư tưởng mà các thày rải truyền chạm được tâm ý thức của họ. Con hãy lưu ý, đây không chỉ đơn giản là chuyện người đó có nghe được, tìm được hay đọc được các ý tưởng đó. Họ hoàn toàn có thể đọc được một cuốn sách chứa các ý tưởng đó, nhưng trong khi họ đọc các dòng chữ thì những tầng cao hơn trong tâm họ lại ngăn chặn và lọc lựa, khiến các khái niệm không thực sự đi vào tâm ý thức của họ để mà nối kết và đem lại tác dụng. Nói cách khác, tuy họ đọc chữ nhưng họ không thực sự hấp thụ, không nắm bắt và không nối kết được với chữ.
1.2. Các giới hạn cho sự hiểu biết
Thày đã cố tình không sử dụng từ “hiểu” vì đây không chỉ là chuyện hiểu – vấn đề ở đây là thực sự nối kết với ý tưởng để nó xoay chuyển tâm thức của con. Quá nhiều người tập trung vào chuyện hiểu, và đó là vì nhiều người đã tìm ra đường tu tâm linh thường tập trung vào tâm lý trí. Họ chú tâm vào chuyện hiểu một ý tưởng, nhưng có rất, rất nhiều ví dụ về những người có một hiểu biết trí thức to lớn về các khái niệm tâm linh nhưng sự hiểu biết đó lại không xoay chuyển được tâm thức của họ. Đó là vì họ đã không thực sự nối kết, đã không thực sự trải nghiệm được ý tưởng qua trực giác. Trải nghiệm này bị chặn lại bởi cái tâm lý trí cứ muốn tìm hiểu, cứ muốn phân loại và gắn nhãn cho ý tưởng đó, hầu lý trí có thể bỏ nó vào một thư mục gọn ghẽ trong kho dữ liệu nơi nó có vẻ nằm dưới sự kiểm soát của lý trí.
Con yêu dấu, vấn đề không phải là con giữ một ý tưởng dưới sự kiểm soát của con, bởi vì nếu tự ngã và tâm lý trí cảm thấy nó kiểm soát được một ý tưởng tâm linh thì làm thế nào ý tưởng đó sẽ xoay chuyển tâm thức con đây? Nó sẽ chỉ được xếp đống vào một hồ sơ như một cái gì con đã biết và đã hiểu ở mức độ trí thức, nhưng nó không xoay chuyển tâm thức của con.
Nếu con có thể thấy điều thày vừa nói với con, con sẽ nhận ra là có rất, rất nhiều người trên địa cầu hoàn toàn nằm ngoài tầm tiếp cận của những ý tưởng mà các thày có thể truyền rải từ tầng cấp các thày. Con cũng sẽ nhận ra là có rất, rất nhiều người mặc dù họ cởi mở với các giáo lý tâm linh – có thể họ cởi mở cả với các giáo lý huyền bí, siêu hình, Thời Mới hay thậm chí giáo lý của chân sư thăng thiên – nhưng họ vẫn còn mang quá nhiều thiên kiến, phin lọc lẫn định kiến mà họ không sẵn lòng tra vấn, đến độ các thày thật khó lòng tìm ra một ý tưởng rồi biểu đạt ý tưởng đó bằng những ngôn từ có khả năng chạm được tâm ý thức của họ.
Nếu con có thể thấy sự thể này với mức tâm thức hiện thời của con, rất có thể con sẽ bị chấn động đến mức con cảm thấy gần như chán nản tuyệt vọng, bởi vì con sẽ biết nói gì đây để chạm được họ? Một số các con đã từng có kinh nghiệm quen biết những người mà con đã cố chia sẻ một số điều mình tin. Và con đã bị vấp phải sự giới hạn của ngôn từ, khiến cho bất kỳ những gì con nói ra cũng không nối kết được với tâm ý thức của họ, không thực sự lay chuyển được họ.
1.3. Tại sao các chân sư không chán nản
Nếu con có thể thấy được tình huống các thày phải đối diện, xác suất là con sẽ, ở mức tâm thức hiện thời của con, cảm thấy nản lòng. Nhưng tất nhiên, thày không giảng bài này để khiến con nản lòng, bởi vì các thày không đang ở mức tâm thức của con – các thày đã thăng thiên. Có hai khía cạnh trong vấn đề này mà thày muốn lưu ý con.
Khía cạnh đầu tiên là các thày đã, tất nhiên, thực sự thể nhập và trải nghiệm thực tế của quyền tự quyết, cho nên các thày hoàn toàn không có mong muốn thay đổi con người nghịch lại với ý chí tự do của họ. Kỳ thực như đã có trình bày trong những cuốn sách mới nhất, các thày đã chấp nhận là một khi mình xem địa cầu là một cơ sở giáo dục nhằm cung cấp cho một số người những trải nghiệm mà họ mong muốn, thì mình không có chút phiền hà làm việc với địa cầu.
Nếu con có biết tới các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên thì con có thể quay trở ngược và tìm ra một số bài truyền đọc mà ngay cả trong ngôn từ được sử dụng hay trong độ rung của ngôn từ, con đã có thể nhận ra một chút cảm nhận phiền hà hay nóng lòng từ các chân sư thăng thiên. Thậm chí con có thể quay trở ngược và tìm thấy cảm nhận này trong một số bài truyền đọc sơ khởi của đợt truyền pháp này. Thày mong con nhận ra là nếu con đã phát hiện một độ rung như vậy trong một bài truyền đọc của chân sư, thì cảm giác phiền hà đó, sự rung động đó, đến từ ba thể cao của vị sứ giả. Không có cách giải thích nào khác khi nói về một sứ giả được chân sư bảo trợ, bởi vì tất nhiên các thày không hề có phiền hà. Nếu các thày có bất kỳ phiền hà nào khi làm việc với địa cầu thì từ lâu các thày đã phải trải nghiệm cái mà trên địa cầu gọi là “kiệt sức”. Thày có thể cam đoan với con là hiện tượng này không hiện hữu trong cõi thăng thiên. Không có chuyện một chân sư thăng thiên bị té gục do căng thẳng hay suy sụp thần kinh.
Các thày đã thăng thiên là do đã vượt qua mọi mong muốn thay đổi con người nghịch lại với sự tự quyết của họ. Hiển nhiên, đúng là trên địa cầu có rất nhiều hiện tượng mà các thày muốn thấy thay đổi, vì rõ ràng các hiện tượng này làm con người đau khổ. Nhưng con không nên dựa theo đó mà suy luận rằng các thày cảm thấy nóng lòng hay bực bội nếu các điều kiện đó chưa thay đổi. Con nhận ra là từ nhãn quan của các thày, các thày không cảm thấy bất kỳ sự bất mãn nào, và do đó tất nhiên các thày không cảm thấy chán nản. Các thày làm việc với mọi người và các thày chấp nhận là mỗi con người đều có quyền tự quyết, và vì thế họ cũng có quyền ở trong trạng thái tâm thức mà họ đang có.
1.4. Không có một chân lý tuyệt đối duy nhất
Chúng ta có thể nói là bốn thể phàm của con hình thành cái mà các thày gọi là một cái ngã, nhưng các thày cũng đã nói là có nhiều cái ngã khác nhau, nhiều phàm linh nội tại khác nhau. Có tự ngã, có tâm ý thức. Vậy để dùng một từ quen thuộc đối với con, hãy đơn giản gọi đó là nhân cách (personality). Toàn bộ bốn thể phàm của con hình thành nhân cách này, và bên trong nhân cách có cái Ta Biết ở một mức tâm thức nào đó. Cái Ta Biết có thể đồng hóa nhiều hay ít với bốn thể phàm, với nội dung của bốn thể phàm, với những cái ngã nằm trong bốn thể phàm. Các thày chấp nhận đó là cách quyền tự quyết tự trình chiếu ra. Các thày chấp nhận địa cầu là một hành tinh với tâm thức thấp và độ dày đặc cao. Các thày chấp nhận trọn vẹn vai trò của mình là làm việc với mọi người ở bất kỳ mức độ tâm thức nào mà họ đang có và tìm cách giúp họ bước lên cao hơn.
Dựa theo đó, ý tưởng thày muốn truyền đạt cho con là mục tiêu của các chân sư thăng thiên không phải là để ban ra chân lý cao nhất, tuyệt đối, phổ quát và khiến cho mọi người phải chấp nhận chân lý này. Đó không là mục tiêu của các thày. Thày cũng biết điều này đi ngược lại những gì một số các con tin tưởng. Thày cũng biết điều này đi ngược lại niềm tin của rất nhiều người đã tu tập trong các đợt truyền pháp trước của chân sư. Thày chắc chắn một số người sẽ tìm kiếm các bài truyền đọc cũ của chân sư và phát hiện những câu mâu thuẫn với những gì Mẹ Mary đang nói qua Kim Michaels – và điều này hoàn toàn phải lẽ. Thực tại mà các thày đang trao cho các con, những người đã sẵn sàng bước lên một mức cao hơn, là các thày không ngồi ở trên đây với một chân lý duy nhất có sẵn và được định trước, một chân lý phổ quát tuyệt đối mà các thày đang tìm cách đem vào cõi vật lý để mọi người phải chấp nhận. Lý do là vì từ tầng cấp của thày, các thày nhận thức thật rõ ràng là không thể nào đưa ra một giáo lý duy nhất mà bảo mọi người chấp nhận được. Đơn giản là có quá nhiều mức tâm thức khác nhau giữa tầng tâm thức thấp nhất và tầng 144. Có quá nhiều nhóm người khác nhau với gốc tích khác nhau, đến từ những hành tinh khác nhau cho dù là từ địa cầu, từ các sinh thể sa ngã, hay từ đủ loại các hành tinh khác, đến độ không thể nào đưa ra một giáo lý duy nhất mà mọi người có thể chấp nhận.
Điều này phần nào là do mọi người đến từ quá nhiều gốc gác khác nhau với trình độ tâm thức khác nhau. Nhưng phần lớn, đó cũng là sản phẩm của sự kiện địa cầu là một hành tinh với tâm thức thấp và độ dày đặc cao. Cho nên ngôn ngữ, những ngôn từ được dùng làm phương tiện chủ yếu để giao tiếp trên địa cầu quá giới hạn (trường hợp sẽ khác đi nếu địa cầu ít dày đặc hơn) đến độ việc biểu đạt một chân lý thực sự phổ quát, tuyệt đối và tối thượng không thể nào thực hiện được với những ngôn từ hiện có ngày nay.
Vai trò, mục tiêu của các thày, thật rõ ràng. Các thày tìm cách làm việc với bất cứ ai hay bất cứ nhóm người nào cởi mở với bất cứ gì mà các thày có thể ban truyền. Hầu chạm được xuyên qua tất cả những rào cản, tất cả những phin lọc của một nhóm người nhất định nào đó, các thày phải nhìn vào xuất xứ của họ, không chỉ nền văn hóa và lịch sử của họ trên hành tinh này, mà ngay cả gốc tích vũ trụ của họ. Họ đến từ đâu? Họ có mang thành kiến gì trong tâm? Họ mang trong tâm những ý tưởng nào mà họ không sẵn lòng chất vấn?
1.5. Những ý tưởng người ta không chịu chất vấn
Con yêu dấu, con nhận thấy là hầu hết mọi người đều có trong tâm mình một khía cạnh nào đó cởi mở đối với ý tưởng mới mẻ. Có một số người không có sự cởi mở này, họ không cởi mở với ý mới, nhưng đa số thì có sẵn một sự cởi mở nào đó với ý mới. Nhưng trong tâm họ cũng có một khía cạnh qua đó họ tin rằng có những ý tưởng cơ bản nhất, đáng tin cậy nhất, cưng yêu nhất, mà họ không sẵn lòng hay không có khả năng chất vấn (thật ra hai cái này là một, vì nếu con sẵn lòng thì con luôn luôn có khả năng).
Các thày biết là trong một số trường hợp, các thày phải làm việc trong những ranh giới rất hạn hẹp vì người ta sẽ bác bỏ bất cứ gì các thày trao cho họ mà lại chất vấn những ý tưởng mà họ cưng yêu, những cách tư duy mà họ không cho ai động đến – những con bò thiêng – hay nói cách khác, những điều cấm kỵ của họ. Có nhiều người, nhiều nhóm người trên địa cầu mà các thày có rất ít khả năng giúp đỡ. Tuy vậy, các thày vẫn phóng ra một số ý tưởng để tạo cảm hứng cho ai đó viết sách, và sách có thể sẽ lay chuyển họ đôi chút. Và tất nhiên, khi con bước lên cao và cao hơn nữa, con sẽ gặp một loạt những loại người ngày càng cởi mở hơn, ngày càng ít những điều tư duy cấm kỵ mà không ai được đụng đến. Với những người như vậy, các thày ngày càng có nhiều chọn lựa hơn trong cách làm việc với họ.
Dựa trên đó, con có thể nhìn vào bản thân mình và nói: “À, vậy thì tôi đang đứng ở đâu?” Nếu con có tâm cởi mở đối với những giáo lý được các thày trao truyền qua vị sứ giả này, và nếu con không bị khiếp sợ khi đọc quyển Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su thì con đang đứng ở một trình độ cởi mở rất cao. Điều này có nghĩa là con đã sẵn sàng để thực sự bước lên một trải nghiệm cao hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Con có thể hỏi: “Nhưng tại sao các thày đã không đưa ra lời dạy về Sứ vụ Thiêng liêng sớm hơn?” Lý do rất giản dị. Các thày đã tuần tự trao cho con một số lời dạy cùng dụng cụ, để đến khi các thày cho con giáo lý về những điểm chặn nghẽn Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì con đã có sẵn các dụng cụ đó hầu có thể bắt đầu tu tập theo cách nhìn cá nhân của mình.
Trước hết, quyển Các kiếp sống của tôi là một dụng cụ chữa lành rất quan trọng. Thày dám nói là ngay cả vị sứ giả này trong tâm vỏ ngoài của ông cũng chưa nắm bắt được quyển sách này có bao nhiêu tầng lớp khác nhau. Tất nhiên không một ai trong các con cần nắm bắt tất cả mọi tầng lớp đó, mà con chỉ cần nhận diện là quyển sách có nhiều tầng lớp. Điều này có nghĩa là con có thể được hưởng lợi khi đọc sách nhiều lần, vì sách đó là một dụng cụ rất quan trọng trong việc chuyển đổi tâm thức của con.
1.6. Khắc phục tâm đường thẳng
Con yêu dấu, một trong những phương thức con cần để chuyển đổi tâm thức và vươn lên một mức nắm bắt cao hơn về Sứ vụ Thiêng liêng của mình là con phải khắc phục sự tập trung vào tâm đường thẳng. Như thày đã nói, rất, rất nhiều học trò tâm linh tập trung tâm ý thức của mình vào tâm lý trí. Con cố học hỏi và tìm hiểu, con muốn hiểu một cách phân tích. Con thường muốn có một dòng thời gian rất đường thẳng, nắm bắt các khái niệm một cách đường thẳng. Cho tới giờ thì cách này đã không gây vấn đề cho con, nhưng sẽ tới một điểm trên đường tu tâm linh khi con không thể bước lên cao hơn nếu con tập trung vào tâm đường thẳng và – nếu có thể nói như vậy – tâm thức con bị dính mắc hay bị mắc kẹt trong tâm đường thẳng. Tại sao vậy, con yêu dấu? À, chuyện này chẳng hiển nhiên sao?
Các thày có giảng cho con rằng khía cạnh thấp nhất cùa tâm con là tâm vật lý, tiếp theo sau là tâm cảm xúc, sau nữa là tâm lý trí, và cao nhất là tâm bản sắc. Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là tâm bản sắc của con không đường thẳng và phân tích, đó là tầng trực giác cao nhất mà con có thể với tới khi con còn hiện thân. Nếu con muốn chuyển sự tập trung từ tầng lý trí lên tầng bản sắc, con sẽ không thể làm được qua tâm đưởng thẳng phân tich. Con không thể dùng phân tích để bước vào tâm bản sắc. Con chỉ có thể làm được bằng cách khai mở các khả năng trực giác của mình. Đây không phải là vấn đề kiến thức, hiểu biết và nắm bắt. Đây là vấn đề trải nghiệm một cách trực nhận, vì những gì nằm trong tâm bản sắc thật vi tế – đó là những lời dạy các thày đã trao cho con về chấn thương nhập đời vũ trụ và ngã gốc [Xem sách Chữa lành chấn thương tâm linh]. Nó vi tế và có nhiều mặt, rất nhiều mặt khác nhau.
1.7. Giáo lý cho nhiều trình độ khác nhau
Ngã gốc của con không thể được định nghĩa một cách thật đơn giản, đường thẳng, phân tích. Đây không phải là chuyện gán cho nó một cái nhãn thuộc về lý trí và bảo rằng: “À, bây giờ tôi hiểu ngã gốc của tôi rồi. Nó là cái này và bây giờ tôi có thể để cho nó chết đi.” Ấy, nếu con làm vậy thì nó sẽ vẫn còn những khía cạnh ẩn giấu mà con chưa bắt đầu nhìn thấy, vì con chỉ có thể nhìn thấy chúng qua trực giác. Làm thế nào con sẽ tiến bước trên đường tu tâm linh xa hơn tầng lý trí? Không phải bằng cái tâm đường thẳng, phân tích, trí thức đâu con. Mà chỉ bằng cách dời chuyển vào cái tâm quả cầu (spherical) trực nhận, cái tâm nhìn vào tổng thể, nhìn vào bức tranh rộng lớn và sẵn lòng nắm bắt, trải nghiệm sự thật của những gì thày vừa nói với con, cụ thể là các thày không tìm cách trao truyền cho con một chân lý tuyệt đối, đường thẳng duy nhất.
Các thày tìm cách trao truyền nhiều khái niệm và ý tưởng khác nhau, vì mục tiêu của các thày khi tương tác với địa cầu là gì chứ? Con yêu dấu, mục tiêu không phải, không phải, là trao truyền chân lý tuyệt đối. Mục tiêu là nâng cao tâm thức của con người, nâng cao trạng thái tâm thức của mỗi người, và điều này phải được thực hiện với từng cá nhân. Đó là vì sao các thày phải nhắm vào một số nhóm người và nói: “Các thày có thể ban giáo lý cho một phạm vi tâm thức nào đó, xong các thày phải chắc chắn là giáo lý chạm được một số lượng người nào đó, xong các thày sẽ trao giáo lý khác cho những tầng tâm thức khác.”
Không ai chờ đợi một vị sứ giả duy nhất có thể tiếp cận được tất cả 144 tầng tâm thức; giản dị chuyện này không thể làm được. Các thày đưa ra giáo lý cho một tầng nào đó, và con yêu dấu, thày dám nói là với giáo lý đã ban ra qua trung gian sứ giả này, con có thể khởi sự ở tầng 48 với bộ Khóa tu tự điều ngự, Con đường tự điều ngự, xong con có thể bước lên tiếp cho đến tầng 96. Sau đó tất cả các giáo lý trong sách của thày Maitreya [Chìa khóa cho tự do tâm linh], sách của chính thày về sự sống sung túc [Khóa tu về sung túc], cuốn Những kiếp sống của tôi và các giáo lý về cách khắc phục chấn thương sẽ dẫn con lên cao hơn nữa. Con yêu đấu, thày có thể đảm bảo với con là người đọc cuốn Những kiếp sống của tôi có thể là người ở tầng 48 cho đến những tầng gần như sẵn sàng thăng thiên, và mọi người sẽ có thể tìm thấy trong đó một điều gì mới mẻ, một điều gì sẽ xoay chuyển nhãn quan của mình.
Đó là một quyển sách được trao cho một phạm vi tâm thức rất rộng, và đó là tại sao có một số điều đã được cố tình đặt vào trong sách để khích động người đọc – bởi vì mục tiêu là gì chứ? Như thày vừa nói, sẽ tới một điểm khi để đưa con lên cao hơn, các thày phải dẫn con vượt ra khỏi tâm đường thẳng. Tâm đường thẳng vốn là đường thẳng – nó giống như một chiếc máy tính. Nó sẽ làm công việc mà nó vẫn thường làm – nó sẽ phân tích, nó sẽ phân loại, nó sẽ dán nhãn.
1.8. Tâm đường thẳng không thể thấy được tâm đường thẳng
Con yêu dấu, các thày có thể trình bày tất cả những điều vừa rồi và con có thể nghĩ: “Vâng, con hiểu điều thày nói về tâm đường thẳng một cách trí thức.” Con yêu dấu, tâm đường thẳng có thể có khả năng hiểu được tâm đường thẳng, nhưng nó sẽ không bao giờ thấy được chính nó từ ngoài. Tâm đường thẳng không có khả năng bước ra ngoài chính nó. Chỉ có cái Ta Biết mới có khả năng bước ra ngoài tâm đường thẳng, bước ra ngoài sự đồng hóa hiện thời của nó. Làm thế nào các thày có thể giúp con dời chuyển ra ngoài tâm đường thẳng bằng cách cho con một giáo lý thuận theo cách tư duy của tâm đường thẳng? Chuyện này không thể làm được, con yêu dấu.
Đó là tại sao một số môn phái đạo Phật mới có khái niệm công án được cố tình đưa ra để gây bối rối cho tâm đường thẳng. Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Đấy, toàn bộ quyển sách Những kiếp sông của tôi là một công án. Sách chứa đựng nhiều công án nhằm giúp con xoay chuyển và bước ra ngoài những tầng tâm thức khác nhau, không chỉ tâm đường thẳng mà cả cảm xúc nữa, thậm chí con xoay chuyển cả bản sắc của con. Nó cho con một trải nghiệm bất ngờ, không đường thẳng và khiêu khích sự kinh ngạc đến độ người đọc hoặc phải bác bỏ trải nghiệm đó hoàn toàn và như vậy cũng bác bỏ quyển sách, hoặc phải dời chuyển lên một mức tâm thức cao hơn. Có rất ít người đọc sách này mà không bị lay chuyển hay khích động – rất ít. Hiển nhiên là có một số người, hầu hết ở dưới tầng tâm thức 48 hay có lẽ cao hơn một chút, vô cùng khép kín và nhiều thành kiến. Những người như vậy có thể mang một số ý tưởng mà họ tuyệt đối không chịu chất vấn, và khi họ tìm ra là quyển sách chất vấn các ý tưởng này thì họ sẽ bác bỏ nó thôi. Rất ít người có thể đọc mà không có phản ứng nào đó, cho nên đây là một dụng cụ thật quan trọng khi con hiểu chính xác.
1.9. Nếu con tìm sự thoải mái thì con đã chọn lộn hành tinh
Có nhiều người trong số các con đã là học trò của chân sư thăng thiên từ rất lâu, có người từ hàng chục năm trời. Con cần nhận thức là có thể sẽ tới một điểm khi con biết quá nhiều giáo lý, con đã đọc quá nhiều lời dạy, đến độ con gần như đâm ra thoải mái. Con nghĩ các chân sư không thể làm con ngạc nhiên được nữa. Có một khía cạnh trong tâm con không muốn các thày tạo ngạc nhiên cho con vì con đã trở nên thoải mái với trình độ hiện tại của mình.
Con yêu dấu, thày nói với con điều này. Nếu con mong được thoải mái thì chắc chắn con đã chọn lộn hành tinh rồi đó, vì đây không phải là một hành tinh nơi con có thể tính chuyện thoải mái được. Suốt các thời đại đã có rất, rất nhiều người cố tạo lập cho mình một hoàn cảnh vật lý vỏ ngoài nơi họ có thể cảm thấy an toàn và thoải mái. Điều này có thể thông cảm được, nhưng con hãy nhìn lịch sử đi. Bánh xe lịch sử đã nghiền nát họ thành cát bụi. Tất cả mọi đế chề hùng mạnh đến đâu cũng đã bị nghiền nát thành cát bụi. Con không thể thực sự thoải mái trên một hành tinh như thế này.
Thách đố mà thày muốn đặt trước mặt con là như sau: Liệu con có muốn biết Sứ vụ Thiêng liêng của con hay con muốn thoải mái? Vì con không thể làm được cả hai. Đa số các con đã có một ý thức nào đó về Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Thày cũng biết là con chưa nhìn thấy được đầy đủ chi tiết, nhưng lý do tại sao thì các thày sẽ giải thích sau. Con có một ý niệm nào đó về Sứ vụ của con. Hầu hết các con đã phần lớn đi theo Sứ vụ của mình trong suốt đời mình cho dù con không ý thức chuyện này.
Điều thày muốn đặt trước mặt con là giờ đây con đã đạt tới mức có một số khía cạnh của Sứ vụ Thiêng liêng mà con chưa nhìn thấy. Một lần nữa, con đã thấy được một số khía cạnh của Sứ vụ của mình, con đã phần lớn bước theo Sứ vụ, nhưng vẫn còn điều gì đó mà con chưa thấy. Con cần tự hỏi: “Liệu tôi có sẵn lòng muốn thấy những gì tôi chưa thấy?” Nếu con sẵn lòng thì con sẽ cần nhìn nhận là con cần từ bỏ sự thoải mái của con để mà nhìn thấy. Lý do con chưa nhìn thấy là vì con đã thích nghi với một cách nhìn, một thái độ, một cách hiểu nhất định, và con không nghĩ là con cần vượt xa hơn những thứ đó. Nếu con không vượt xa hơn, con sẽ không thể nhìn thấy các khía cạnh của Sứ vụ vẫn ẩn giấu khỏi mắt con. Đây là quyết định mà con cần lấy, và chính con là người cần lấy. Trên cơ bản, thày yêu cầu là khi con đi ngủ tối nay, con hãy thỉnh cầu được dẫn đến nơi nhập thất của bất kỳ vị chân sư thăng thiên nào mà con muốn đến, bất kỳ vị nào thân thiết nhất trong tim con. Xong thày xin con hãy, một cách nghiêm túc, yêu cầu được chỉ dẫn – hầu con có thể nhớ lại sáng hôm sau – điều gì đã khiến con quá thoải mái đến độ nó ngăn chặn tầm nhìn của con về Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẽ không rút tỉa được ích lợi tối đa từ lời dạy này nếu con vẫn còn bám giữ mong muốn thoải mái đó. Thày không bảo đây nhất thiết là một chuyện gì khủng khiếp to lớn mà con làm. Nó có thể là một điểm rất vi tế. Con hiểu là hầu hết các con đã đạt đến một mức trên đường tu nơi con không có rủi ro phạm lầm lỗi trầm trọng rồi bị tuột trở xuống, rơi vào một trạng thái tâm thức thấp hơn hay bị hụt mất thăng thiên. Con đã đạt được mức khá, con đã khá tinh tấn, nhưng nếu con muốn lên cao hơn thì con không thể cho phép mình thoải mái.
Đây có thể là một điều rất vi tế qua đó con cảm thấy mình có đôi chút thoải mái, có những điều mình không cần thay đổi. Một lần nữa, thày tôn trọng quyền tự quyết của con. Thày chỉ giản dị nói rằng nếu con thực sự muốn biết các khía cạnh ẩn giấu của Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì con cần nhận thức là chúng ẩn giấu không phải vì có tà lực nào đó đang che khuất chúng, cũng không phải vì các chân sư đang chặn giữ chúng khỏi con, mà vì trong chính tâm con có một mức độ thoải mái đang ngăn cản con nhìn thấy chúng. Đây là sự xác định mà con cần làm trong ngày đầu tiên của hội nghị này để con có thể mở tâm ra nhiều hơn cho những điều các thày sẽ trao cho con trong những ngày sắp tới.
1.10. Sứ vụ Thiêng liêng được lập ra như thế nào
Bây giờ con yêu dấu, thày mong muốn trình bày chút đỉnh về cách Sứ vụ Thiêng liêng được lập ra như thế nào. Trong quyển sách của thày Nada [Những khai ngộ thần bí về an bình], thày Nada có giảng là Sứ vụ Thiêng liêng không được lập ra từ một trạng thái tâm thức thăng thiên, mặc dù tất nhiên con được sự trợ giúp của các chân sư thăng thiên. Khi con đi vào kiếp đầu thai hiện tại, con có một tiềm năng cao và một tiềm năng thấp. Nói cách khác, con có tiềm năng đạt đến một mức tâm thức nào đó nếu con cứ tiếp tục tự thăng vượt và thật sự chuyên cần.
Nếu con sống một cuộc đời “bình thường” – nếu có thể gọi như vậy – con sẽ đạt đến cái trạng thái tâm thức thấp hơn. Sứ vụ Thiêng liêng của con được thảo ra từ tầng mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng đạt được trong kiếp này. Nói cách khác, khi các thày gặp con và lập ra Sứ vụ với con, con không đang ở cùng mức tâm thức vào cuối kiếp đầu thai trước hay mức tâm thức khi con bước vào kiếp đầu thai này. Con ở mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng với tới, cho nên khi con thảo Sứ vụ, con nhìn thấy những gì con có khả năng nhìn thấy từ mức tâm thức đó. Thày có thể cam đoan với con là khi con thảo Sứ vụ, nó không được thảo ra với tâm đường thẳng, phân tích. Các thày không ngồi đó với tâm đường thẳng mà phân tích từng khía cạnh của quá khứ lẫn tâm lý của con hay điều này điều nọ. Các thày không giống như người ta trên địa cầu khi con thấy các nhà kinh doanh hay tướng lãnh quân đội lập ra những kế sách chi tiết, đầy đủ với mọi việc cần thi hành hầu thực hiện kế sách. Đó không phải là cách thức một Sứ vụ Thiêng liêng thành hình. Nó không đường thẳng hay phân tích theo kiểu đó.
Đây là thêm một lý do cho thấy là để nắm được các khía cạnh ẩn giấu của Sứ vụ của mình, con phải khắc phục tâm đường thẳng. Nhiều người trong số các con đã trở nên thoải mái với tâm đường thẳng. Thậm chí con đã dùng cả giáo lý chân sư thăng thiên để tạo dựng một cái nhìn đường thẳng về thế giới, qua đó con cảm thấy mình đã hiểu hết cách vận hành của thế giới. Con có một ý niệm về lịch sử đã qua, về lịch sử của vũ trụ và điều này điều nọ, và con cảm thấy thoải mái trong đó. Thày nói với con là con cần bước lên cao hơn để nắm lấy tiềm năng cao nhất trong Sứ vụ của con. Đó là tại sao con cần sẵn lòng bước vượt ra ngoài. Con cần nhận diện mục tiêu mà cả con lẫn các thày đều có khi lập ra Sứ vụ của con là, tất nhiên, khiến con chứng được mức tâm thức cao nhất mà con có tiềm năng chứng được.
1.11. Nếu đây là kiếp chót của con trên địa cầu
Một tỷ lệ đáng kể trong số các con có tiềm năng sống kiếp đầu thai này là kiếp chót của mình, để con có thể thăng thiên hoặc ngay sau kiếp này, hoặc ít ra sau một thời gian khi con đã giải quyết vấn đề tâm lý cuối cùng và sẵn sàng thăng thiên. Điều này có nghĩa là vấn đề các thày đặt ra cho mình khi lập Sứ vụ Thiêng liêng với con, là các thày nhìn vào mức tâm thức thấp nhất, mức tâm thức mà con đã đạt được ở cuối kiếp hiện thân trước và sẽ đem theo vào kiếp hiện thân này. Xong các thày nhìn vào tiềm năng cao nhất và nói: “Làm thế nào các thày sẽ xoay chuyển tâm ý thức của con từ mức thấp nhất đó lên mức cao nhất? Đâu là những thành kiến, những phin lọc và những điều cấm kỵ trong bốn thể phàm của con mà con cần thách đố và nhìn vượt qua để có thể dời chuyển tâm thức lên mức cao nhất? Con cần kinh qua những trải nghiệm nào để có thể xoay chuyển tâm thức lên mức cao nhất?”
Con hiểu ở đây là mục tiêu của các thày không phải để khiến con nắm bắt chân lý tối thượng tuyệt đối và thông hiểu cả vũ trụ. Mục tiêu của các thày không phải là biến các con thành những nhà siêu trí thức tâm linh hiểu biết dòng diễn biến đường thẳng tuyệt đối của vũ trụ là như thế nào. Mục tiêu các thày là xoay chuyển tâm thức con một cách toàn diện, trực nhận và bao hàm tất cả – một cách trực nghiệm. Đây là mục tiêu của các thày, là những gì các thày xem xét đến.
Điều này mang rất nhiều hệ quả mà các thày sẽ nói tới. Nhưng cho ngày hôm nay, thày muốn con ghi nhớ rằng điều quan trọng là con thực hiện cuộc xoay chuyển đó khi con sẵn lòng nhìn vượt ra ngoài sự thoải mái và tâm đường thẳng của con. Con phải sẵn lòng xem xét, không cứ là “tôi cần hiểu những gì”, mà “tôi cần có trải nghiệm nội tâm nào, tôi cần loại kinh nghiệm sâu xa nào, một trải nghiệm chuyển vọt, có lẽ cả một trải nghiệm chấn động, để vươn tới tiềm năng trọn vẹn nhất của tôi trong kiếp đầu thai này. Tôi sẽ cần từ bỏ những gì để đạt đến đó?”
Đó là những câu hỏi mà con có thể xem xét từ giờ cho đến ngày mai. Các con có thể bàn thảo với nhau về đề tài này nếu con thích, và giúp đỡ nhau đạt được một nhãn quan đổi khác. Con có thể nhìn vào một nhóm như thế này hay con có thể nhìn vào chính bản thân con, và con có thể nói là tất cả các con đều đang tu học cùng một giáo lý, đã áp dụng cùng một lời dạy, cho nên giữa các con đã có một mối liên kết chung. Mặt khác, các con đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhiều hoàn cảnh gốc tích khác nhau, và có một điều mà các con có thể giúp nhau nắm bắt và trải nghiệm được, đó là mọi người không nhìn mọi thứ theo cùng một cách.
1.12. Không cảm thấy bị đe dọa bởi những khác biệt
Điều mà các con có thể giúp nhau trong một nhóm thế này là dần dần nhận ra rằng thật không có gì quan trọng nếu mỗi người có cách nhìn khác nhau. Con có thể đạt tới điểm không còn cảm thấy bị đe dọa bởi sự khác biệt của mọi người, vì con nhận ra toàn bộ cách con nhìn đời sống trên địa cầu chỉ là sản phẩm của nội dung trong bốn thể phàm của con. Những gì trong bốn thể phàm đó không thực là con, cho nên tại sao con lại bị dính mắc vào đó đến độ nó ngăn cản con thực là con, ngăn cản con biểu lộ con người thực của con? Liệu nội dung bốn thể phàm quan trọng đến độ con sẵn sàng gác bỏ con người thực của mình để bênh vực cho những ý tưởng đó, cho những cái ngã đó vì chúng không thực một cách tối hậu?
Lẽ tự nhiên, tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng là con từ bỏ các giới hạn đó, các đồng hoá đó, cái tâm vỏ ngoài đó, các khuôn nếp cảm xúc đó, các thói quen vật lý đó. Con buông bỏ chúng vì con muốn một cái gì cao hơn. Con muốn biểu lộ con thực sự là ai. Đương nhiên đây là một điểm mà các thày sẽ đề cập nhiều hơn, vì thật là một khái niệm đáng sợ đối với một số người khi họ đặt câu hỏi: “Ủa, tôi thực sự là ai nhỉ? Nếu tôi không là cái nhân cách vỏ ngoài đó được uốn nắn khi tôi lớn lên hay ngay cả trong những kiếp trước, thì tôi là ai đây? Tôi muốn là ai đây?”
1.13. Sứ vụ Thiêng liêng có nhiều tầng lớp
Như vậy là đủ cho hôm nay. Để kết thúc, thày muốn trả lời một câu hỏi mà một số người đã đặt ra như sau: “Liệu mọi người trên địa cầu đều có một Sứ vụ Thiêng liêng hay chăng?” Câu trả lời, theo một cách nào đó, là có – mọi người đều có. Nhưng các sứ vụ tất nhiên rất, rất khác nhau tùy theo mức độ tâm thức. Con có thể lấy ví dụ một sa nhân ở tầng tâm thức thấp tột cùng được phép hiện thân trên địa cầu, như Hitler chẳng hạn. Liệu ông ta có một Sứ vụ Thiêng liêng hay không? Có chứ, ông có một Sứ vụ Thiêng liêng vì có những chân sư thăng thiên đã gặp ông, đã bàn cãi về tiềm năng, cả tiềm năng cao lẫn tiềm năng thấp, và đã lập ra một Sứ vụ Thiêng liêng từ tầm nhìn của các thày hầu các thày giữ được niệm tinh khôi cho ông. Nhưng hiển nhiên, các thày cũng biết kế hoạch đó không nhất thiết là thực tiễn vì Hitler ở một tầng tâm thức thấp đến độ ngay cả khi ông ở ngoài hiện thân, ông cũng không có khả năng làm việc với các thày để thảo ra Sứ vụ. Ông ở trong một trạng thái oán giận, nổi loạn, chối bỏ và phủ nhận đến mức ông không thể cộng tác với các thày cho dù trong thời gian giữa hai kiếp đầu thai.
Con càng đi xuống những tầng tâm thức thấp nhất thì con sẽ càng tìm thấy những người không có khả năng làm việc với các thày, ngay cả khi họ đang ở ngoài xác thân và do đó được hưởng chút nhẹ nhõm khi họ không bị bốn thể phàm chi phối. Nhưng họ vẫn không thể làm việc với các thày. Đó là lý do tại sao các thày lập ra một kế hoạch cho họ, dựa trên những gì các thày nhìn thấy nơi dòng sống của họ. Lý do các thày lập ra kế hoạch này tất nhiên không phải là vì các thày cần đến nó – mặc dù nó cũng giúp cho các thày vì trên cõi thăng thiên có những sinh thể cầm giữ niệm tinh khôi cho mọi người đang đầu thai. Lý do chính là vì nếu trong khi đầu thai, người đó quyết định là họ muốn vươn lên để đạt được hơn nữa thì họ sẽ dễ dàng hơn hòa điệu với Sứ vụ của họ và nhận được một xung lực nào đó sẽ giúp họ tiến lên cao hơn.
Khi con đi từ tầng tâm thức thấp nhất lên các tầng cao hơn, con sẽ thấy mọi người có khả năng tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Điều này có nghĩa là họ sẽ có nhận thức rõ ràng hơn khi đầu thai. Họ cảm nhận là mình có một mục đích. Trên cơ bản, có thể nói là cho tới khi con lên cao hơn tầng 48 thì con mới thực sự tham dự một cách ý thức hơn vào việc thiết lập Sứ vụ Thiêng liêng. Đó là tại sao rất nhiều người ở tầng tâm thức này hay cao hơn có cảm nhận là ít ra cuộc sống có mục đích, có ý nghĩa, rằng họ ở đây là có lý do, họ ở đây là để tìm ra một cái gì, khám phá một cái gì, ngay cả học hỏi, tăng triển, tiến hóa. Tất nhiên đối với họ, cảm nhận này sẽ vô cùng hữu ích vì nó giúp họ hòa điệu với Sứ vụ Thiêng liêng của họ.
1.14. Tại sao con quên Sứ vụ của con
Hiển nhiên vấn đề trung tâm với Sứ vụ Thiêng liêng là Sứ vụ được thảo ra với mức tâm thức cao nhất mà con có thể vươn tới trong kiếp sống này, nhưng khi con bước vào kiếp này thì con lại bước vào với mức tâm thức thấp nhất của con, là mức con đã đạt được trong kiếp trước. Do đó con không thể nắm được một số khía cạnh của Sứ vụ. Và do độ dày đặc của hành tinh cũng như của bốn thể phàm của con, con quên đi nhiều khía cạnh của Sứ vụ. Ít nhất con sẽ quên đi trong một vài năm đầu của kiếp đầu thai.
Có thể nói là có một giai đoạn trên đường tu tâm linh khi mục tiêu chủ yếu của đường tu, theo một nghĩa nào đó, là nhớ lại phần nào sự nhận biết về Sứ vụ của mình. Nhiều người trong các con đã phần lớn làm được việc này vì con đã sử dụng các lời dạy do các thày ban ra cùng những dụng cụ để chữa lành tâm lý, quân bình nghiệp quả, khắc phục những điểm nghẽn đó, mở tâm ra với tư tưởng mới và gia tăng khả năng trực giác của mình. Như thày vừa nói, tất cả các con vẫn còn một số khía cạnh mà các con đã trở nên quá thoải mái, và chúng đang chặn nghẽn viễn kiến kế tiếp mà con có khả năng hoàn thành, đặc biệt khi con đã nhận được những lời dạy về avatar – và tất nhiên tất cả các con đều là avatar, vì nếu không thì các con đã không ở đây để tu học cách chữa lành chấn thương nhập đời.
Con yêu dấu, điều này kết thúc những nhận xét mở đầu cho tiến trình độc đáo này sẽ dẫn con đi qua những ngày tu học sắp tới. Và như vậy, thày bày tỏ lòng biết ơn của thày đến các con đã có mặt hôm nay, vì tất nhiên, sự kiện các con có mặt rất đông đảo có nghĩa là các thày có thể đưa ra một lời dạy sâu sắc hơn bình thường. Nó trở thành một sự tương tác qua lại giữa các con với các thày. Một lần nữa, các con càng sẵn lòng từ bỏ sự thoải mái của mình thì lời dạy ban ra sẽ càng có thể cao hơn trong những ngày sắp tới. Chương trình cho lần hội nghị này không cứ là được định trước hoàn toàn. Như với mỗi hội nghị, sẽ có một tiềm năng thấp và một tiềm năng cao, và tùy vào sự đáp ứng của các con mà cuối cùng các thày sẽ trình bày những gì. Thày gửi lời cảm tạ sâu xa nhất đến các con đã hiện diện ở đây, đã sẵn lòng có mặt ở đây, và cũng sẵn lòng – thày tin như vậy – vươn lên cao hơn nữa.