Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 20/5/2018 nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô. Thày mong muốn nói chuyện với con về đề tài quả vị Ki-tô và mối liên hệ với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Các thày đã giảng dạy cho con về điều mà chúng ta có thể gọi là “giai đoạn công phu” (work phase) trong Sứ vụ của con. Khi con bước vào kiếp đầu thai – nếu con là một học trò tâm linh già dặn – con biết là con có một số công việc cần làm liên quan đến việc cân bằng nghiệp quả, thu nhận sáng ngộ và kinh qua những trải nghiệm sẽ xoay chuyển tâm thức của con. Là một học trò tâm linh chín chắn hơn, thường khi con sẽ dự định hoàn tất sớm sủa giai đoạn công phu này trong đời mình hầu con có thể tiến bước tương đối nhanh chóng và chuyển sang các giai đọan khác của Sứ vụ Thiêng liêng.
7.1. Làm cho xong giai đoạn công phu
Điều xảy ra khá thường là trong những thập niên đầu trong đời, các con thường rất bận rộn, miệt mài trong các mối quan hệ, trong việc nuôi con, kiến tạo sự nghiệp, bỏ sức ra làm việc… tất cả những thứ đó. Như thể đó là một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive) mà qua đó con cảm thấy mình phải làm tất cả những thứ đó và phải làm ngay lập tức. Thật ra đó cũng không đến nỗi là ám ảnh vì đơn giản con chỉ mong muốn làm cho xong hầu con có được tâm trí minh mẫn, có lẽ một cơ hội trong hoàn cảnh vỏ ngoài của mình, để con tập trung nhiều hơn vào các giai đoạn sau.
Đối với đa số các con, một cách để cân bằng nghiệp quả là qua các mối quan hệ. Đó là tại sao con thường thấy người ta lập gia đình khá sớm và cũng có con khá sớm. Có thể con sẽ có nhiều hơn một mối quan hệ. Đó có thể là những quan hệ rất nồng nàn mãnh liệt. Đây là một trải nghiệm con muốn kinh qua nhanh chóng. Con rất muốn bước qua nhanh chóng mặc dù con không hiểu điều này một cách ý thức.
Đối với nhiều người, một giai đoạn khác sẽ đến, thường là khi con tìm ra một giáo lý tâm linh. Con nhận ra là có một con đường tâm linh và con cất bước trên con đường đó. Rất nhiều người cũng trở nên vô cùng nhiệt tình và chuyên tâm khi bước đi trên con đường này. Cho dù giáo lý tâm linh là gì, họ cũng học tập một cách háo hức, thực hành bất kỳ dụng cụ hay kỹ thuật nào được ban truyền. Gần như có thể nói là họ làm vậy một cách ám ảnh cưỡng chế, bởi vì đây là điều họ cần làm để vươn lên một mức tâm thức cao hơn, một tầng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình.
7.2. Không cần tiếc nuối
Một kết luận con có thể rút tỉa từ hiểu biết trên là tất cả các con tuyệt đối không có lý do gì để cảm thấy bất kỳ loại tiếc nuối hay cảm giác tiêu cực nào về những điều mình đã kinh qua trong đời mình. Con có thể nhìn lại đời con và con có thể xét đoán với tâm vỏ ngoài là rất nhiều chuyện con đã kinh qua không hẳn là tâm linh. Những chuyện đó không mấy hài hòa mà lại quá sôi nổi, nồng nhiệt. Con có thể nhìn lại rồi tiếc nuối: “Ước gì tôi đã không làm điều đó.”
Con yêu dấu, tại sao con làm những việc con đã làm? Con đã kinh qua trải nghiệm đó vì đó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Cho dù nó mang ý nghĩa gì đối với cá nhân con, con đã cần đến trải nghiệm đó để hoàn tất cái mà các thày gọi là giai đoạn công phu trong Sứ vụ Thiêng liêng. Các thày cũng có thể gọi đó là giai đoạn chuẩn bị, vì con đang chuẩn bị bản thân cho giai đoạn sáng tạo hơn trong Sứ vụ của con. Như các thày đã nói, con đơn giản nhận ra là con có tiềm năng đạt đến một mức tâm thức nào đó trong kiếp này nhưng con đã bước vào kiếp này ở một mức tâm thức thấp hơn. Cho nên con muốn xoay chuyển tâm thức càng nhanh càng tốt để có thể vươn lên những tầng cao hơn. Chỉ khi nào con đến được những tầng cao hơn đó thì con mới bắt đầu nhìn thấy những khía cạnh sáng tạo hơn của Sứ vụ của con.
Điều các thày đã nói là con không thể thực sự dời chuyển tâm thức của mình một cách lý thuyết và trí thức. Con cần có một số trải nghiệm để dời chuyển tâm thức. Tại sao con làm những việc con đã làm? Vì trong tiềm thức, con biết là con cần đến những trải nghiệm đó. Con muốn có trải nghiệm đó càng mau sớm càng tốt để con có thể dời chuyển tâm thức của con.
Con yêu dấu, cho dù các trải nghiệm đó là gì thì một cách nào đó, chúng cũng đã chuyển dời tâm thức của con. Thày biết là hầu hết các con sẽ nhìn lại đời mình và nói: “Nhưng cũng đã có một số trải nghiệm khó khăn đến độ tôi bị rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, và trong nhiều năm trời, nó đã khiến tôi bị trầm cảm hay bị xáo trộn hay bị khổ tâm.”
7.3. Dời chuyển ra khỏi tiếc nuối
Vâng, con yêu dấu, nhưng khi con sẵn lòng nhìn ngược lại và sử dụng các dụng cụ thày đã ban cho con, thì con sẽ có thể khắc phục nó và thực hiện cuộc xoay chuyển mà con đã trù liệu cần xảy ra qua trải nghiệm đó. Và một khi con xoay chuyển, con yêu dấu, trải nghiệm sẽ không quan trọng nữa. Thày cũng biết là một trải nghiệm đau thương có thể tích tụ năng lượng trong bốn thể phàm của con. Tuy nhiên, con đã có các dụng cụ để chuyển hóa nó và nhờ vậy để cho nó ra đi. Nhiều lần, con yêu dấu, con không nhận ra là khi con có trải nghiệm như vậy, con đã phản ứng ở mức tâm thức của con vào lúc đó. Giờ đây khi con đã nâng cao tâm thức thì con nhìn lại quá khứ với đôi chút hối tiếc. Có thể là từ cảm nhận của người học trò tâm linh mà con muốn trở thành, con đã không nên làm điều đó. Con yêu dấu, cảm giác nuối tiếc đó – khi con tự trách móc hay xấu hổ – xuất phát từ một cái ngã nội tại thường là một thành phần của tập hợp ngã gốc.
Nếu con có thể nhận diện là con đang nhìn lại quá khứ với lòng nuối tiếc hay cảm giác tiêu cực, thì con cần biết đó là một cái ngã nội tại. Đó là một ngã tách biệt và thật ra nó có thể phần nào được tạo ra bởi một giáo lý tâm linh mà con đã tiếp nhận. Vì một lý do nào đó, con đã diễn giải giáo lý đó và con đã tạo ra cái ngã đang trách móc ngã, đang cảm thấy xấu hổ như thể mình không đủ tốt, và cảm thấy (như nhiều các con có thể cảm thấy) rằng một người tâm linh đích thực đã không thể nào làm chuyện đó – nhưng chính con lại làm chuyện đó. Con cho rằng sự kiện con hành xử như vậy có nghĩa là bây giờ con đã vĩnh viễn đánh mất cơ hội, con sẽ không bao giờ chuộc lỗi được trong kiếp này và do đó kiếp này bị lãng phí. Con không thể làm gì khác hơn là ngồi đó trong buồng tối mà khóc cho đến mãn kiếp.
Con yêu dấu, thày có vẻ đang nói đùa, nhưng những ai cảm thấy mình đã làm chuyện gì tồi tệ đến độ mình không thể là người tâm linh chân chính, thường nghĩ là mình không thể nào đến gần các chân sư thăng thiên, bởi vì chắc chắn các thày sẽ lên án con y như con đang lên án chính mình. Biết bao nhiêu lần các thày đã nói với con là các thày không nhìn con như con nhìn chính con? Các thày không trách móc con như con đang tự trách mình.
Điều thày muốn nói với con ở đây là như sau: “Con yêu dấu, đừng bao giờ cho rằng một chân sư thăng thiên sẽ lên án con về bất cứ điều gì con đã làm.” Các thày chỉ có một mong muốn duy nhất – là giải thoát con. Các thày sẵn sàng giúp con giải thoát khỏi bất cứ gì từ quá khứ của con.
7.4. Quả vị Ki-tô và tha thứ
Đây là một trong những khía cạnh của quả vị Ki-tô. Khi con bắt đầu có khả năng mà các thày gọi là phân biện Ki-tô, con sẽ đạt tới điểm trải nghiệm là mình có thể được tha thứ, được cứu chuộc. Con có khả năng khắc phục, vươn lên cao hơn bất cứ gì đã xảy ra trên trái đất này. Thật ra thày có thể nói với con là có nhiều tín hữu Cơ đốc giáo, thậm chí cả những người đạo Cơ đốc cực chính thống (fundamentalist), đã hiểu rõ điều này hơn cả nhiều người trong phong trào Thời Mới hay học trò của chân sư thăng thiên. Phần nào, đó là vì những người Cơ đốc đó không mang khái niệm là do họ bước trên đường tu cho nên họ cần nắm trách nhiệm xem xét tâm lý của mình và buông bỏ những gì cần buông. Dù vậy, họ vẫn trải nghiệm được thực tại là Ki-tô có khả năng cứu chuộc họ khỏi mọi tội lỗi, và họ chấp nhận như thế.
Nhưng các con thì khác, các con có một mức độ trách nhiệm cao hơn về bản thân. Điều này rất tốt, nhưng con cần nhận ra là trong con có một cái ngã tách biệt đã chụp lấy tinh thần trách nhiệm này và biến nó thành tiêu cực bằng cách khiến con nghĩ mình luôn luôn phải toàn hảo. Con nghĩ có một số chuyện đáng lẽ con đã không được làm và con sẽ không thể được tha thứ hay cứu chuộc. Nói cách khác, con sẽ không bao giờ vượt lên cao hơn cái đó.
Tất nhiên, ngã đó dựa trên sự kiện là ngay từ khi sa nhân bắt đầu hiện thân trên hành tinh này, chúng đã phóng chiếu vào tâm thức tập thể ý tưởng là có một số chọn lựa tự quyết của con sẽ không thể được khắc phục qua những chọn lựa khác hơn. Một lần nữa như các thày đã giảng nhiều lần, quyền tự quyết cho phép con chọn lựa bất cứ gì con muốn bất cứ lúc nào – có nghĩa là bất cứ lúc nào, con cũng có thể lấy một chọn lựa sẽ hoàn toàn thay thế chọn lựa cũ. Không bao giờ con lấy một chọn lựa mà không có khả năng tránh khỏi hậu quả của nó qua một chọn lựa mới. Đấy, thày biết rất rõ là ngay lập tức sẽ có một phần trong bản thể con phản bác lại là trong bát cung vật lý, có thể vào thời trẻ con đã có những chọn lựa mang lại hậu quả mà con không thể thay đổi chỉ qua một chọn lựa mới.
7.5. Điều kiện vật chất không thể ngăn cản tâm thức xoay chuyển
Phải, con yêu dấu, điều đó đúng. Tuy nhiên, bao nhiêu lần các thày đã nói với con là không có một điều kiện vật chất nào mà con có thể đem theo con lên cõi thăng thiên? Do đó, không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con thăng thiên. Cũng vậy, không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con cứ tiến lên tới tiềm năng cao nhất của Sứ vụ Thiêng liêng, vì thật sự không có một điều kiện vật chất nào có thể ngăn cản con xoay chuyển tâm thức của con. Chính sự chuyển đổi tâm thức sẽ đưa con tới mức có thể thăng thiên.
Điều này dẫn con tới điểm con có thể bước vào các giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng. Tất cả chỉ là vấn đề dời chuyển tâm thức. Con nhìn nhận là một mặt, do độ dày đặc của cõi vật chất, một số nguyên tắc cơ học sẽ vận hành ở đây. Có một số việc con làm mang hậu quả có thể sẽ tồn tại trong suốt phần đời còn lại của con – điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nó không thể giới hạn con tăng triển tâm thức. Đây là điều mà con khởi sự trải nghiệm khi con bắt đầu có phân biện Ki-tô, và con mở tâm ra để thực sự nắm bắt, trải nghiệm, khía cạnh này của Ki-tô – là Ki-tô đấng Cứu chuộc theo cách gọi của người Cơ đốc giáo. Con có thể gọi một tên khác. Con có thể gọi đó là Ki-tô với khả năng nâng con lên cao hơn bất cứ gì của quá khứ, hay Ki-tô với khả năng biến con thành mới, như ngay cả Paul cũng bảo: con trở thành một sinh thể mới trong Ki-tô.
Đây là một sự xoay chuyển quan trọng mà con có thể thực hiện khi con nhận ra có sa nhân hiện diện trên hành tinh. Chúng ngăn chặn con một cách rất hung hãn để con không đạt tới các giai đoạn cao trong Sứ vụ Thiêng liêng, đặc biệt là việc biểu hiện quả vị Ki-tô của con. Công cụ chính của chúng là phong chiếu ý tưởng là con có thể có một số chọn lựa mà con sẽ không bao giờ vượt qua nổi. Đây là một lời gian dối tuyệt đối, hoàn toàn đi ngược lại khái niệm tự quyết. Vì thế con cần có phân biện này. Và đến đây, con yêu dấu, chúng ta chuyển sang một khía cạnh khác của quả vị Ki-tô, hay phân biện Ki-tô, mà nhiều người trên thế giới vẫn chưa thực sự nhìn thấy.
7.6. Con không cần một vị cứu tinh từ ngoài
Một lần nữa, đây là vì các sa nhân đã làm đủ mọi cách để phá hỏng sứ mạng mà thày đã khởi xướng cách đây 2000 năm. Chúng đã làm mọi cách để khiến mọi người hiểu lầm khái niệm Ki-tô. Với việc thành lập Giáo hội Công giáo và kể từ đó, chúng đã phóng chiếu hình ảnh Ki-tô là một đấng cứu tinh sẽ đến cứu con trong tư cách một lực bên ngoài. Và do đó con không có uy lực bên trong, hay khả năng ở bên trong, để nâng cao tâm thức mình cho tới mức có thể thăng thiên.
Đây là một sự lật ngược toàn diện thông điệp mà thày đã ban truyền. Một lời xuyên tạc hoàn toàn. Cho nên như thày có nói, hầu hết các giáo hội Cơ đốc ngày nay rõ ràng đều dựa trên những lời gian dối của phản Ki-tô – ngay từ thời thành lập, nhưng đây là một vấn đề bên lề.
Điều thày muốn đưa ra là như sau: Không có điều gì từ quá khứ mà con không thể khắc phục khi con nhận ra rằng Ki-tô không phải là một cứu tinh bên ngoài. Ki-tô không ở ngoài con; Ki-tô chỉ có thể đến bên trong con. Nếu con muốn thấy Ki-tô như một cứu tinh thì Ki-tô là vị cứu tinh nội tại. Do đó, con yêu dấu, con cần nhìn nhận là con có khả năng thực sự vượt qua tất cả mọi sự việc của quá khứ, nếu con sẵn lòng nhìn vào bản thân và phát hiện trong con cái ngã tách biệt bị dính mắc với quá khứ.
Chẳng hạn, nhiều người trong các con đang bước trên đường tâm linh và đã nhận trách nhiệm về bản thân mình, các con có một cái ngã nội tại bảo rằng con phải cư xử thế nào như một học trò tâm linh. Con yêu dấu, có một tâm thức rất, rất hung hãn trên thế giới – một lần nữa, do sa nhân tạo ra cách đây hàng ngàn năm và trước đó nữa – muốn quy định những lằn ranh, những cách xét đoán, những chuẩn mực về cách hành xử của con người. Một phần của quả vị Ki-tô là đạt đến nhận thức là con không thể chứng được các giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng bằng cách tuân thủ những tiêu chuẩn nội tại đó mà con đã tạo ra cho bản thân mình.
Các thày đã nói đến những tiêu chuẩn vỏ ngoài mà xã hội áp đặt lên con, nhưng bây giờ thày đang nói về những tiêu chuẩn nội tại mà chính con đã tạo ra, rất có thể suốt nhiều kiếp sống như một người tâm linh. Con cần xem xét điều này và con cần nhìn xem nó ăn khớp thế nào với những lời dạy mà các thày đã ban ra về chấn thương nhập đời và ngã gốc, cũng như cách con đã phản ứng khi con hứng chịu chấn thương nhập đời. Có một điều gì khiến con quyết định: “Tôi không bao giờ muốn trải nghiệm lại điều này nữa.” Do đó, con đã tạo ra cái ngã lý luận rằng có một điều gì đó con làm đã khiến cho sa nhân hành hạ mình, và nếu con không bao giờ tái phạm thì có thể con sẽ không bao giờ bị hành hạ như vậy nữa.
7.7. Các chuẩn mực nội tại của con
Và điều này dẫn đến việc con tạo ra một chuẩn mực rằng con phải là người như thế nào. Kể từ đó, con yêu dấu, ở trong con đã có một cái ngã – trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi con đầu thai trên địa cầu, trong tuổi thơ ấu lẫn tuổi thanh niên – cứ năng động rà xét xã hội nơi con sống, đánh giá xã hội để tìm xem những điều cấm kỵ, những tiêu chuẩn, những phép tắc. Xong nó định ra một khuôn khổ, một mô thức, một chuẩn mực quy định những gì con phải làm và những gì con không được làm. Rồi nó phóng chiếu ra là nếu con tuân thủ cái đó thì con sẽ an toàn, con sẽ yên ổn, con sẽ được chấp thuận.
Đây là điều mà hầu hết các con – thật ra thày phải nói tất cả các con – đã làm ở một điểm nào đó. Mặc dù một số các con đã bắt đầu khắc phục được, tất cả các con đã chụp lấy nó và chuyển nó vào đường tu tâm linh khi con tìm ra đường tu. Nhìn lại các đợt truyền pháp trước, các thày có thể thấy nhiều học trò đã lấy một giáo lý của chân sư thăng thiên rồi sử dụng để lập ra một chuẩn mực khác cho những gì họ phải làm hay không được làm.
Con yêu dấu, con sẽ nhìn nhận ở đây, đó là một chuẩn mực phản ứng – con đang phản ứng lại các điều kiện trong thế giới vật chất. Điều này có thể hiểu được, nhưng đâu là mục đích của việc Giê-su hiện thân chứ? Có phải là để phục tùng các điều kiện của thế gian như sa nhân muốn Ki-tô làm? Hay là để trao cho mọi người một khung tham chiếu mà họ có thể nhìn thấy và không thể phủ nhận, rằng có một cái gì vượt khỏi các điều kiện của thế giới vật chất? Đương nhiên là câu trả lời thứ hai. Tuy vậy, đây là một sự cân nhắc và phân biện con phải tinh tế lắm mới nhìn ra được, vì như Kinh thánh cũng nói, khi Ki-tô bước vào hiện thân thì Ki-tô cũng bước vào thế giới vật chất.
7.8. Sự hiện thân của Ki-tô
Bây giờ thày muốn đưa ra một vài nhận xét về khái niệm Ki-tô hiện thân. Hiển nhiên, các tín đồ Cơ đốc giáo đã một lần nữa làm cho chuyện này rối beng khi bảo rằng cách đây 2000 năm, thày đã là hiện thân duy nhất của Ki-tô – trên thiên đàng có một đấng Ki-tô tuyệt đối, hoàn vũ nào đó đã chọn hiện thân trong hình dạng nhân thế của thày. Sự thật mà các thày đã trao cho con, cả trong cuốn sách chót về Những kiếp của tôi lẫn các giáo lý khác, là quả thật có một tâm thức Ki-tô hoàn vũ nhưng không phải vì vậy mà tâm thức Ki-tô hoàn vũ có thể hiện thân bất cứ lúc nào cũng được. Nó đòi hỏi phải có một con người trong hiện thân đã nâng cao tâm thức của mình lên tới mức bỗng nhiên tâm Ki-tô hoàn vũ có thể khởi sự tỏa rạng qua người đó.
Con cũng có tiềm năng cho Ki-tô hiện thân trong con khi con đạt đến mức tâm thức đó. Điều này quan trọng vì mấy lý do. Quan trọng hơn cả là vì nó chứng tỏ rằng khi Ki-tô hiện thân – nếu có thể nói như vậy – hay bắt đầu tự biểu hiện trong thế gian này, thì Ki-tô không làm vậy một cách hoàn toàn độc lập với các điều kiện trong thế gian. Khi thày xuất hiện cách đây 2000 năm tại Israel, thày đã hóa thân là một đứa trẻ trong kiếp hiện thân đó. Thày đã lớn lên trong môi trường đó, đã hấp thụ phần lớn môi trường đó, và tất nhiên rất nhiều điều thày nói ra được thích ứng với tín ngưỡng và thế giới quan của con người thời đó. Một thế cân bằng cần được tìm thấy, qua đó Ki-tô không đi vào thế gian để cho mọi người một giáo lý tuyệt đối vì họ sẽ không thể liên hệ với nó. Ki-tô phải thích nghi, như con thấy trong câu chuyện người đàn ông khát nước, khi thay vì cho ông ta một bài thuyết giảng tâm linh thì thày đã cho ông một ly nước lạnh.
Như các thày đã giảng, đây là nguyên tắc Ki-tô đến gặp gỡ con người ở ngay điểm tâm thức của họ và trao cho họ một cái gì có khả năng nâng họ lên bước kế tiếp, và – mong thay – cái đó sẽ dẫn họ vào con đường sẽ tiếp nối mãi cho tới điểm thăng thiên. Một mặt con có thể thấy là Ki-tô tự biểu hiện (tức hiện thân) trong thế gian, và ở một mức nào đó, Ki-tô cũng thích nghi với các điều kiện trong thế gian.
Câu hỏi mà tất cả các con cần giải quyết về mặt cá nhân là: “Tôi sẽ thích nghi tới đâu và tôi sẽ vượt xa hơn bao nhiêu?” Khi con bắt đầu đạt đến những tầng của Sứ vụ Thiêng liêng nơi con sẵn sàng (con bắt đầu) thể hiện quả vị Ki-tô của mình, thì việc thể hiện quả vị Ki-tô không phải là chuyện thích nghi với các điều kiện của thế gian. Đó là chứng tỏ rằng sự thăng vượt các điều kiện đó là điều khả dĩ.
Con hiểu điều thày đang nói chứ? Làm thế nào con có thể chứng tỏ cho người khác rằng việc thăng vượt một mức tâm thức nào đó là khả dĩ? À, trước tiên con phải khoác vào mức tâm thức đó. Đó là tại sao con đã đầu thai trong một gia đình, một quốc gia, một nền văn hóa nào đó. Con trầm mình vào đó một thời gian. Xong khi con sẵn sàng khởi sự biểu hiện quả vị Ki-tô của mình, con vượt khỏi mức đó. Không phải việc biểu hiện quả vị Ki-tô là sự trầm mình vào nền văn hóa đó đâu, mà là vượt ra khỏi nó. Một lần nữa tất nhiên, con không ở đây để vượt quá cao đến độ người ta không thể kết nối với con, mà con ở đây để chứng tỏ rằng việc vượt ra khỏi là điều khả dĩ, rằng có một cái gì đó vượt ra khỏi.
7.9. Quả vị Ki-tô là một cái gì cá nhân
Quả vị Ki-tô là gì? Nó rất cá nhân. Đó là tại sao một trong những điều tệ nhất mà con có thể làm cho bản thân mình là nhìn vào cuộc đời của thày rồi sử dụng để tạo ra một chuẩn mực cho cách hành xử của một sinh thể Ki-tô. Nhiều người đã làm điều này. Các tín đồ Cơ đốc hiển nhiên đã làm điều này, nhưng nhiều học trò của chân sư thăng thiên cũng đã làm một chuyện tương tự. Con thấy đã có những tổ chức của chân sư thăng thiên mà trong đó mọi người đều chú tâm vào việc tự phán xét lẫn phán xét người khác để xem ai nấy có tuân thủ chuẩn mực đó hay không – một chuẩn mực mà họ nghĩ các chân sư đã quy định.
Trong quả vị Ki-tô không hề có chuẩn mực. Đây là điều con cần nắm bắt trước khi con có thể thực sự bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô của mình. Tất cả tùy vào mỗi cá nhân. Con đã đầu thai trong một hoản cảnh đặc thù, đã khoác vào một số điều kiện, một tâm thức tập thể nào đó từ gia đình, quốc gia, vân vân. Biểu hiện quả vị Ki-tô có nghĩa là chứng tỏ có một cái gì cao hơn chuẩn mực đó. Lúc đầu, nó sẽ không cao hơn nhiều lắm, mà nó sẽ cao hơn một chút để ai nấy vẫn có thể liên hệ với con.
Khi con tiến hơn, có thể con sẽ lên cao hơn và cao hơn nữa. Có thể con sẽ tới một điểm khi những ai đã từng lớn lên cùng với con không còn liên hệ được với những gì con biết và hiểu về cuộc sống, và đây là một chuyện khác. Điều thày đang cố chỉ cho con thấy ở đây là nhiều người trong các con có một cái nhìn lý tưởng, lãng mạn, xa vời về thế nào là biểu hiện quả vị Ki-tô. Kỳ thực ở những giai đoạn sơ khởi, quả vị Ki-tô là một cái gì rất thực tiễn liên quan đến những điều kiện trong môi trường hàng ngày. Có thể đó chỉ là một cách làm tốt hơn, một cách nhìn khác hơn về một số chuyện, là không quá coi trọng một số sự việc, không tự xem mình hay xem cuộc sống là quá hệ trọng. Chẳng hạn con có thể vui sống hơn người khác, hay con không đến nỗi bị ám ảnh cưỡng chế về một số khía cạnh trong văn hóa của mình, như con không ghét bỏ những ai sống bên kia biên giới, hay bên kia đường, hay bên kia bất cứ gì khác.
Con có thể chứng tỏ một phương cách khác, một cách nhìn khác, và đó là một khía cạnh trong quả vị Ki-tô của con ở khởi đầu. Nhiều người trong các con có thể nhìn lại đời mình và nhận thấy: “Nhưng trong phần lớn đời tôi, tôi đã chẳng làm vậy hay sao?” Và con nói đúng – con đã làm vậy. Nhiều người trong các con đã làm vậy. Thày chỉ mong giúp con nhận biết về điều đó và nhìn nhận rằng đó là một biểu hiện của quả vị Ki-tô của con. Khi con công nhận là con đã có biểu hiện quả vị Ki-tô thì con sẽ dễ dàng hơn chấp nhận là mình thực sự có thể là Ki-tô trong hành động. Con thực sự có khả năng biểu hiện quả vị Ki-tô trên địa cầu và đó không nhất thiết là một điều gì xa vời, như cách nhìn lý tưởng mà người đạo Cơ đốc đã dựng lên về cuộc đời của thày.
Bây giờ nếu con lấy cuốn sách Những kiếp của tôi cùng với những gì thày đã giảng trong các bài truyền đọc và vấn đáp khác, con sẽ thấy cuộc đời của thày không có gì giống như cái lý tưởng mà người đạo Cơ đốc đã tạo ra. Thày có nói trước đây là con đã rất có thể suy luận rằng điểm kết liễu đời thày đã là một thất bại toàn diện. Thật sự thày đã hoàn thành được việc gì trong đời sống vỏ ngoài chứ? Thậm chí thày đã không thu hút được cả những môn đệ có khả năng nắm bắt thông điệp mà thày đã đến để ban truyền.
Thày không đang cố hạ thấp những gì đã xảy ra, mà thày đang cố khép lại khoảng cách mà nhiều người trong các con đang có trong tâm mình. Con có cái ngã nội tại đó mang nỗi ám ảnh cưỡng chế phải chỉ ra những thiếu sót và lầm lỗi của mình, đến độ con sẵn sàng tin vào sự phóng chiếu rằng bởi vì con đã phạm tất cả những lầm lỗi đó, cho nên con không thể nào là Ki-tô trong kiếp đầu thai này được. Thày đang cố chỉ cho con thấy rằng làm Ki-tô là một tiến trình. Nó bắt đầu thật nhỏ xong nó có thể ngày càng lớn hơn. Con cần công nhận là nó không thể xảy ra đùng một cái. Nó chỉ có thể xảy ra bằng cách con bước đi từng bước một, dần dần nhận ra là con có khả năng làm cánh cửa mở cho Ki-tô.
7.10. Sứ vụ Thiêng liêng và tự quyết
Con yêu dấu, vậy thì làm Ki-tô có nghĩa là gì? Hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình có nghĩa là gì? Một lần nữa, trên thế giới có một tâm thức do sa nhân tạo ra muốn chụp lấy mỗi ý tưởng, mỗi khái niệm, và thu hẹp nó xuống một chuẩn mực đường thẳng hầu tâm phân tích có thể phân loại và dán nhãn.
Có một vị trong số các con vừa chia sẻ là khi anh ấy đến dự hội nghị này thì có người đã hỏi anh: “Giáo lý mà bạn đang tu tập là gì chứ?” Anh đã không thể tìm ra một cái tên vì các thày đã cố tình không đặt tên. Đó là một ví dụ người ta bị tâm thức của sa nhân ảnh hưởng mà không hay biết, và tâm thức này khiến họ luôn luôn muốn gắn nhãn cho mọi sự. Họ luôn luôn muốn gọi tên để họ có thể phân loại, và thế là cái đó giờ đây phải đi vào khuôn mẫu. Tất nhiên, đây chính là điều mà sa nhân đã toan tính làm với Ki-tô, nhưng thực tế của Ki-tô là Ki-tô không bao giờ tuân theo một mẫu mực nào.
Vậy có tiêu chuẩn nào quy định cách con phải biểu hiện quả vị Ki-tô của con như thế nào trong hoàn cảnh đặc thù của con hay không? Không, không có. Tuy nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo. Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con có điều gì được quy định về quả vị Ki-tô không? Liệu Sứ vụ Thiêng liêng giống như một chuẩn mực về cách con phải cư xử trong kiếp này và do đó cũng về cách con phải biểu hiện quả vị Ki-tô của mình?
Quyền tự quyết có vai trò gì trong Sứ vụ Thiêng liêng? Liệu Sứ vụ của con có giống như một chiếc áo tù bó tay bó chân hay không? Trong những năm đầu của đời con, con không nhận thức về Sứ vụ của mình cho nên con khá rộng tay làm bất cứ gì con muốn. Rồi tới một điểm có sự chờ đợi là con sẽ bước vào nhận thức về Sứ vụ của mình, và khi đó có vẻ chọn lựa duy nhất còn lại cho con là: “Liệu tôi sẽ mặc vào chiếc áo tù này hay tôi không mặc vào?” Nếu con quyết định mặc vào chiếc áo bó tay của Sứ vụ Thiêng liêng thì phần đời còn lại của con sẽ đi theo một đường rày máy móc vì giờ đây con sẽ chỉ biết tuân theo Sứ vụ đã được vạch ra cho con. Chuyện đó, tất nhiên, không phải là ý nghĩa của Sứ vụ Thiêng liêng.
Đầu tiên các thày đã nói rằng chính con là người chọn lựa Sứ vụ Thiêng liêng của con. Rồi sau mấy thập niên giảng dạy về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng, các thày đã thấy nhiều học trò diễn giải theo nghĩa Sứ vụ là do một đấng thần thánh nào đó thảo ra, và bây giờ đấng này đang cố áp đặt nó lên con để biến con thành một con múa rối. Đây chính là tại sao một số sa nhân đã tạo ra ý tưởng là con chỉ có thể giành được quyền tự quyết bằng cách nổi loạn chống lại Thượng đế. Có những sa nhân cả quyết rằng chỉ khi chúng nổi loạn và từ chối thăng thiên thì chúng mới thực sự có được quyền tự quyết. Hiển nhiên đây là một ảo tưởng, vì thử hỏi ý chí tự do của con sẽ tự do tới đâu nếu con đang phản ứng lại một cái gì khác? Ý chí đó sẽ tự do y hệt như khi con tìm cách tuân theo cái khác đó. Ý chí của con sẽ chỉ tự do một khi con chọn lựa từ bên trong.
Không cần đi sâu hơn vào một cuộc thảo luận triết lý, thực tế ở đây là Sứ vụ Thiêng liêng của con không hề vạch ra cách con phải sống cả đời mình như thế nào trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Các thày đã nói là kỳ thực, con sẽ không bao giờ có được một tầm nhìn rõ ràng về toàn bộ Sứ vụ của mình, mà con sẽ chỉ nhìn thấy từng giai đoạn một – tại sao như vậy? À, bởi vì nếu có một Sứ vụ thật chi tiết và nếu con thấy được nó toàn bộ, thì nó sẽ giống như một con đường máy móc. Con sẽ chỉ giản dị bước hết bước này tới bước khác và đi theo đúng như vậy. Sự thật là Sứ vụ của con được lập ra, như các thày đã giảng, để trên hết nâng cao tâm thức của con, và làm thế nào con nâng cao tâm thức chứ? Bằng cách tiếp cận mỗi hoàn cảnh ở mức tâm thức hiện thời của mình, rồi con chọn lấy một chọn lựa để vươn lên khỏi tâm thức đó hầu đối phó với một vấn đề nhất định. Khi con vươn lên và trải nghiệm một cách nhìn cao hơn về vấn đề, đó là khi con đã nâng cao tâm thức lên nấc kế tiếp. Sứ vụ của con xác định hoàn cảnh mà con cần bước vào để trải nghiệm một điều kiện nhất định, nhưng nó không xác định con phải phản ứng lại điều kiện đó như thế nào. Cái đó là chọn lựa của con.
7.11. Thăng vượt nhận thức của con
Con yêu dấu, con cần thận trọng ở đây. Nhiều người trong các con đã tưởng tượng là Sứ vụ Thiêng liêng định rõ một số điều kiện vỏ ngoài. Ví dụ, con sẽ phải gặp gỡ và kết hôn một người nào đó và có X đứa con. Dựa theo đó thì nhiều người trong các con nghĩ rằng nếu con không gặp người đó – hay nếu con gặp nhưng lại quyết định không kết hôn – thì con không làm tròn Sứ vụ của mình. Sứ vụ Thiêng liêng không như vậy, nó không rõ ràng, đặc thù như vậy. Sứ vụ Thiêng liêng là để con xoay chuyển tâm thức của con.
Đối với mọi điều kiện vỏ ngoài, con có rất nhiều chọn lựa. Phải, ở những giai đoạn đầu, trong giai đoạn công phu của Sứ vụ Thiêng liêng, nhiều khi con mang nghiệp với một người nào đó và cách nhanh nhất để giải quyết nghiệp quả là có mối quan hệ với người đó. Cho nên con có thể nói: “Được, thật ra tôi đã quyết định là tôi muốn ở trong quan hệ này, cho nên khi tôi xuống đây đầu thai, đó chính là điều tôi phải làm.” Tuy vậy, con có một phạm vi chọn lựa rộng lớn trong cách đáp ứng với tình huống đó: Con sẽ ở lại bao lâu trong quan hệ, con sẽ phản ứng thế nào với mối quan hệ, vân vân. Một khi con tiến xa hơn giai đoạn công phu này và không còn phải đương đầu quá nhiều với các điều kiện nghiệp quả nữa, thì con bắt đầu bước vào giai đoạn sáng tạo của Sứ vụ của con.
Đột nhiên, con có rất nhiều chọn lựa khác hơn. Có nghĩa là, ví dụ, không chỉ có một nghề nghiệp, một loại việc làm hay sự nghiệp mà con có thể có. Ngay cả khi con chọn một nghề nghiệp nhất định thì con cũng không chỉ có một cách đeo đuổi duy nhất. Đời con không giống như một đường rày. Sứ vụ của con không đặt cuộc đời con trên một con đường rày sẽ hạn chế các chọn lựa của con. Con luôn luôn có nhiều chọn lựa, nhiều phương thức trong những gì con làm cũng như trong cách con làm.
Con yêu dấu, điều thày nói ở đây áp dụng cho các học trò tâm linh ở những tầng cao hơn. Lẽ tự nhiên, rất nhiều người ở những mức tâm thức thấp hơn bị chi phối nhiều hơn bởi các tình huống nghiệp tạo, cho nên những chọn lựa trong tiền kiếp đã tạo ra các hậu quả đang giới hạn chọn lựa của họ trong kiếp này. Con có thể đi xuống một tầng tâm thức nơi con gặp những người có rất ít chọn lựa ý thức mở ra cho họ. Phải chăng đó là điều kiện vỏ ngoài đang giới hạn họ, hay là tâm thức của họ bị giới hạn đến độ họ không sẵn lòng vượt ra khỏi cách nhận thức cố hữu của họ về thế giới?
Điều thày nói với con ở đây là con cũng có một nhận thức nào đó về thế giới, và con sẽ cần thăng vượt nó để có được nhiều tự do hơn, nhiều chọn lựa hơn. Đâu là cái đang giữ con lại? Cái gì khiến con đôi khi có cảm tưởng Sứ vụ Thiêng liêng là một chiếc áo tù bó tay, hay đời con hoàn toàn bị ngoại cảnh định đoạt? Đó là vì con mang một cái ngã nhất định đang có một nhận thức nhất định, và nhận thức này xoay quanh việc con nhìn và phản ứng lại tình huống vỏ ngoài như thế nào.
Đâu là một khía cạnh khác của quả vị Ki-tô? Là khi con nhận ra là con không ở đây để làm nô lệ cho những tình huống vỏ ngoài. Con ở đây để thăng vượt chúng, và điều này không có nghĩa là, chẳng hạn, nếu con có con cái, con sẽ bỏ rơi chúng, đào tẩu lên núi Himalaya và ngồi trong hang đá. Không, nó có nghĩa là con vượt thăng cách nhìn, cách tiếp cận, cách phản ứng của mình đối với việc có con, hầu con tìm ra một cách nhìn cao hơn không bị quá mắc kẹt trong khuôn nếp hiện thời.
7.12. Làm thế nào thực sự thay đổi đời mình
Điểm này khơi lên một đề tài khác mà nhiều người trong các con thắc mắc: “Làm thế nào con có thể thực sự thay đổi đời mình? Làm thế nào con có thể có được những điều kiện tốt đẹp hơn? Con muốn làm chuyện này, con muốn làm chuyện kia. Con muốn nhiều tiền hơn hay việc làm tốt hơn vì con rất muốn được tự do đi du lịch đây đó, gặp gỡ người ta, thăm nhiều nền văn hoá khác nhau, cái này cái nọ” (đây thật sự là ước muốn của nhiều người).
Thế là bây giờ chúng ta đến với chủ đề là làm thế nào thay đổi tình huống vỏ ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho viễn quan hay mong muốn của mình. Đây là một chủ đề rất phức tạp mà thày sẽ không đưa ra một lời giảng chung cuộc, vì thày Saint Germain cũng có một vài điều muốn nói, và cả các chân sư khác nữa. Điều thày muốn cho con là phân biện Ki-tô đi theo hai đường.
Trước hết, phân biện Ki-tô có thể cho con một viễn quan trong Sứ vụ Thiêng liêng là con có khả năng thị hiện một hoàn cảnh vật lý cao hơn hiện tại, một hoàn cảnh nơi con có nhiều tự do hơn. Đây là một viễn quan về những gì có thể xảy ra, nhưng mặt khác cũng có khía cạnh omega về điểm này: Phân biện Ki-tô cũng có thể cho con viễn quan là đôi khi kỳ thực, mong muốn hay viễn quan của con dựa trên ngã gốc. Như chân sư MORE đã nói, ngã gốc của con mang một cơ chế đền bù, và cơ chế này đôi khi đem lại cho người tâm linh một ước muốn trốn thoát khỏi một số điều kiện nào đó.
Thật ra phản ứng này đến từ ngã gốc. Một khía cạnh của điều này là khi con đến hành tinh này như một avatar, con đến với một thái độ tích cực mong muốn đem lại một thay đổi tích cực. Rồi con cảm thấy mình bị sa nhân bác bỏ, trấn áp. Thế rồi con tạo ra ngã gốc và kể từ đó con đã cảm thấy: “Tôi không thể là chính tôi trên hành tinh này, tôi không thể là con người mà tôi là, tôi không thể biểu hiện bất cứ gì tôi muốn, tôi không thể sáng tạo vì tôi luôn luôn phải nhìn xem người ta sẽ phản ứng ra sao. Liệu người ta sẽ làm gì, sẽ nói gì, sẽ nghĩ gì? Họ sẽ chối bỏ tôi như thế nào? Họ sẽ làm gì với tôi đây?”
Con vẫn có mong muốn tự biểu đạt nhưng con lại có một cơ chế ngăn cản con tự biểu đạt. Điều mà phân biện Ki-tô có thể giúp con là khiến con nhìn ra cảm nhận đó đến từ ngã gốc – cảm nhận rằng mình không thể là chính mình trên địa cầu. Lý do là vì ngã gốc giống như một chiếc máy tính. Nó không có khả năng tự nhận biết. Nó không thể nghĩ cái gì là đúng hay sai. Ngã gốc dựa trên nhận thức rằng chính các điều kiện vỏ ngoài trên địa cầu mới ngăn cản con là người mà con là, ngăn cản con biểu đạt chính con. Kỳ thực, một khi con có phân biện Ki-tô, con sẽ thấy rõ không phải các điều kiện vỏ ngoài đang ngăn cản mình là chính mình, mà ngã gốc.
Khi con đến trái đất lần đầu tiên, có lẽ cách đây rất lâu, con đã có sẵn một mức nhận biết nào đó. Mặc dù mức đó có thể cao hơn đa số cư dân trên địa cầu vào thời ấy, đó vẫn chưa phải là mức tối hậu. Ngay cả nếu con đến từ một hành tinh tự nhiên, đó cũng chưa phải là mức tối hậu. Kể từ đó, con đã tăng triển về mặt tâm thức cho dù con có thể không hay biết một cách ý thức. Nhưng con đã có tăng triển, và đó là tại sao các thày đã nói là con có khả năng đi ngược dòng thời gian và tái trải nghiệm chấn thương nhập đời của mình với một phản ứng khác hơn trước. Đó là cách con có thể gạt bỏ ngã gốc, và các thày đã cho con dụng cụ để làm việc này.
Khi con làm vậy, điều thật sự bắt đầu xảy ra là giờ đây con lần lần khởi sự chất vấn tất cả những rào cản đó (mà con mang trong bốn thể phàm) đang bảo con là con không thể là chính mình, rằng con không thể tự biểu đạt. Sau đó con có thể bắt đầu xem xét và hòa điệu với: “Tôi thực sự là ai? Đâu là cá thể tâm linh của tôi trong Hiện diện TA LÀ? Đâu là ý nghĩa của việc biểu đạt cá thể tâm linh đó ở đây trên trái đất?” Bỗng nhiên, con yêu dấu, một khi con bắt đầu chấp nhận và trải nghiệm rằng con có khả năng là chính mình trên địa cầu, con sẽ khắc phục được mong muốn trốn chạy nói trên, luôn luôn muốn làm một người khác hay sống ở một nơi khác. Đó là cái mong muốn cứ nghĩ rằng: “Nếu như điều kiện vỏ ngoài thay đổi và xảy ra như tôi nghĩ nó phải xảy ra, thì khi đó tôi mới có thể là chính tôi.”
7.13. Không có điều kiện lý tưởng cho quả vị Ki-tô
Con yêu dấu, các thày đã có nói là có một tâm thức khiến con nghĩ là khi nào con hội được điều kiện vỏ ngoài lý tưởng thì khi đó con mới có thể là Ki-tô. Nhưng Ki-tô không cần điều kiện vỏ ngoài lý tưởng, vì chức năng của Ki-tô chính là để chứng tỏ có một cái gì cao hơn bất kỳ điều kiện nào mà Ki-tô trải nghiệm. Không hề có điều kiện lý tưởng để biểu hiện quả vị Ki-tô. Nếu con cứ ngồi đó chờ đợi một số điều kiện vỏ ngoài trước khi con có thể biểu hiện quả vị Ki-tô hay là chính mình, thì con sẽ phải chờ đến mãn kiếp – và nhiều kiếp kế tiếp nữa – trước khi con chợt hiểu ra: “Ồ, đáng lý ra tôi đã phải bắt đầu ngay ở nơi tôi đang đứng và biểu hiện quả vị Ki-tô ở ngay tầng này, và đó là cách tôi bước lên một tầng cao hơn.”
Và đó cũng chính là cách mà các điều kiện vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Điều kiện vỏ ngoài của con sẽ bắt đầu thay đổi khi con quyết định là con sẽ khởi sự ngay nơi con đang đứng và cả gan biểu hiện một sắc thái đó của cái ta cao hơn ngay ở đây, ngay lúc này. Đó là điều mà vị sứ giả này đã quyết định năm 2002. Đó là tại sao, một cách lần hồi, các điều kiện vỏ ngoài của ông đã thay đổi đến mức ông đã có thời gian lẫn sự tự do để tập trung vào công việc ông đang làm, thay vì phải đi làm kiếm sống, vân vân.
Những điều tương tự có thể xảy ra cho nhiều người trong số các con. Không nhất thiết theo cùng một cách nhưng chắc chắn theo cách là các điều kiện vỏ ngoài sẽ lần hồi thay đổi để con có thể cảm thấy chúng không đang hạn chế con là chính con, hạn chế con biểu đạt những gì con ở đây để biểu đạt. Nó có thể xảy ra như vậy khi con đạt tới những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng, nhưng để đạt đến mức đó sẽ đòi hỏi những gì?
Nó đòi hỏi con xoay chuyển tâm thức, con yêu dấu. Như lời thày đã dạy cách đây 2000 năm, con nhìn nhận: “Con không thể làm gì được một mình, nhưng với Thượng đế thì mọi việc đều khả dĩ.” Đó là cách thày đã diễn tả vào thời đó, nên con hãy để thày diễn đạt lại dựa theo giáo lý các thày đã cho con: “Với ngã vỏ ngoài và quyền năng của ngã vỏ ngoài, con không thể thay đổi điều kiện vỏ ngoài của con. Nhưng bằng cách nối kết lại với Ki-tô trong con, bằng cách nhận diện Ki-tô trong con, khi đó con sẽ có khả năng thay đổi điều kiện vỏ ngoài của con.”
Để nối kết lại với Ki-tô trong con và bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô của mình, điều này sẽ đòi hỏi những gì? Con yêu dấu, nó đòi hỏi nơi con một quyết định có ý thức: “Tôi sẽ không làm nô lệ cho các điều kiện vỏ ngoài của tôi. Tôi sẽ là cánh cửa mở, tôi sẽ biểu đạt chính mình cho dù điều kiện vỏ ngoài có là gì. Tôi sẽ làm điều gì đó ngay lập tức, tôi sẽ nhân lên các ta-lăng mà tôi được ban cho, tôi sẽ nhân lên hoàn cảnh mà tôi đang gặp ngay lúc này.” Sau đó, một khi con đã đi bước nhỏ đầu tiên đó, định luật sẽ trải bày ra không sai sót: Sẽ có một sự nhân lên từ cõi tâm linh. Và khi con tiếp tục làm vậy, lần hồi điều kiện vỏ ngoài của con sẽ bắt đầu xoay chuyển.
Có thể một số các con cũng sẽ nhận thấy là thật ra, có một số điều kiện vỏ ngoài mà con không trù liệu thay đổi vì công dụng của chúng là để con bày tỏ một cách ứng phó cao hơn đối với chúng. Đây không chỉ là chuyện thoát ra khỏi một số điều kiện mà con không ưa, vì chúng có thể là một phần của quả vị Ki-tô của con. Thật ra, có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng là con biểu hiện quả vị Ki-tô trong những điều kiện đó hầu người khác thấy được là chúng có thể được thăng vượt.
Một lần nữa, đây là một điểm phân biện tinh tế. Con yêu dấu, đây cũng là sự kiện khi con vươn lên cao hơn và khắc phục cơ chế đền bù – các dính mắc, như các thày cũng gọi như vậy – thì con có nhiều chọn lựa hơn. Chẳng hạn, ở một điểm nào đó con có thể chọn: “Không, tôi không muốn gặp điều kiện này nữa, tôi đã trải nghiệm nó đủ rồi,” hoặc “Tôi không muốn ứng phó với loại người này nữa. Tôi đã chứng tỏ có một tâm thức khác hơn trạng thái tâm thức của họ và tôi không muốn cứ làm mãi chuyện này cho đến hết kiếp này. Tôi muốn bước sang một cái gì khác.”
Con yêu dấu, con có rất, rất nhiều chọn lựa khác nhau. Không chỉ có một cách duy nhất để hoàn thành Sứ vụ của con và cũng không phải là nếu con không làm theo cách đó thì con sẽ không làm tròn Sứ vụ của mình. Đây không phải là chuyện “tất cả hay không có gì”. Nó không đen trắng.
7.14. Con không thể thất bại trong Sứ vụ
Miễn là con sẵn sàng xoay chuyển tâm thức, con yêu dấu, con không thể không làm tròn Sứ vụ Thiêng liêng của con, vì cốt lõi của Sứ vụ chính là sự dời chuyển tâm thức lên mức cao nhất có thể. Không có gì bất di bất dịch. Trước khi con đầu thai và lập ra Sứ vụ Thiêng liêng, con đã lượng định – dựa trên tâm thức con mang trong kiếp trước – những gì con có thể vươn tới trong kiếp này một cách thực tế nhất. Nhưng nếu con sẵn lòng, nếu con thật sự chuyên tâm và áp dụng giáo lý mà các thày đã ban truyền, thì con còn có thể vươn lên cao hơn nữa. Nhiều các con có khả năng vươn lên cao hơn mức được định ra trong Sứ vụ của mình.
Một số các con đã không định ra trong Sứ vụ là mình sẽ có thể vươn tới tầng 144 trong kiếp này, nhưng một số các con có khả năng làm được điều này nếu con thực sự chuyên tâm và bước xa hơn, bởi vì việc xoay chuyển tâm thức đòi hỏi gì chứ? Nó chỉ đòi hỏi con sẵn lòng nhìn ra một điều gì đó mà con chưa nhìn thấy trước đây, sẵn lòng quyết định là con sẽ không bị giam hãm trong mức tâm thức này, sẵn lòng bước ra ngoài. Con sử dụng khả năng của cái Ta Biết để bước ra ngoài bốn thể phàm của nó và nhìn ra: “Tôi không là cái này, tôi là hơn cái này.” Không có gì được quy định từ cõi thăng thiên hay từ Sứ vụ Thiêng liêng để giới hạn con chỉ tiến được bao xa trong tiến trình này, nếu con sẵn lòng xoay chuyển.
Tuy nhiên sẽ có một giới hạn, là con cần một cảm giác liên tục, cho nên con không thể tự dưng chuyển vọt lên một mức quá cao so với mức hiện tại của con. Con không thể nhảy bước. Một số học trò tâm linh trở nên rất nóng lòng và muốn giác ngộ ngay bây giờ, trong vòng năm phút, nhưng điều này không thể làm được ngay lập tức. Con phải đi qua tất cả 144 tầng tâm thức. Con không thể nhảy từ tầng 120 lên tầng 133. Không thể được. Con sẽ đánh mất ý niệm bản sắc, ý niệm liên tục của con, và thật ra nó có thể dẫn đến bệnh tâm thần và chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia). Điều con cần nhìn nhận ở đây là con cần đi qua tất cả mọi bước, vì thật sự nếu con sẵn lòng thì không có gì sẽ giới hạn tốc độ tiến bước của con.
Con yêu dấu, lẽ tự nhiên thày có thể tiếp tục nói mãi và giảng thêm nữa về đề tài này. Các thày đã cho con nhiều giáo lý mà con có thể tu học và áp dụng trong nhãn quan mà thày vừa trao cho con về Sứ vụ Thiêng liêng và quả vị Ki-tô. Bí quyết thực sự ở đây là con đạt tới điểm nhận ra: “Tôi không được quy định bởi bất cứ điều gì trên địa cầu. Tôi là một sinh thể tâm linh.” Cái Ta Biết là tên gọi mà các thày đã dùng cho sự nhận biết thuần khiết để chỉ rõ là con không bị quy định bởi bất cứ gì có hình tướng. Đó là lý do tại sao con có khả năng thăng vượt bất kỳ hình tướng nào, kể cả những hình tướng trong ngã gốc và các ngã tách biệt của con. Đây là cốt lõi của quả vị Ki-tô, mà con hoàn toàn tự quyết trong việc thực hiện và áp dụng trong kiếp này.