Hỏi: Saint Germain yêu dấu, điều gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai ngắn hạn? Theo một số nhà báo, chúng ta chưa đạt tới điểm thấp nhất vì các ngân hàng trung ương không có khả năng giảm bớt lạm phát tăng vọt bằng cách tăng lãi suất. Có vẻ như các ngân hàng trung ương bị kẹt cứng trong một thế bí lưỡng nan và không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Xin thày vui lòng cho chúng con một số sáng ngộ về những gì có nhiều xác suất xảy ra nhất?
Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 21/6/2022.
Trong ngắn hạn, lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Lý do không chỉ là vì các ngân hàng trung ương không có khả năng chặn đứng lạm phát qua việc nâng lãi suất, mà cũng vì sau cơn đại dịch corona, lượng cầu bị dồn nén khiến cho giá cả tăng lên theo luật cung cầu.
Tuy nhiên, phần lớn lạm phát mà con thấy thật ra là do đầu cơ. Đặc biệt, giá hàng hóa và giá dầu hỏa bị các nhà đầu cơ đưa lên cao vì họ nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách tạo ra khan hiếm giả tạo khi lượng cầu gia tăng. Điều có xác suất xảy ra trong tương lai ngắn hạn là sẽ tới lúc sự tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu bị trì trệ và thế giới bước vào suy thoái. Điều này sẽ khiến cho giá cả giảm xuống trở lại do lượng cầu suy giảm. Trong kịch bản tốt nhất, cuộc suy thoái này sẽ không kéo dài quá lâu, nhưng trong kịch bản xấu nhất, nó có thể dẫn đến giảm phát (deflation) khi giá cả tuột dốc.
Các vấn đề cơ bản tác động đến nền kinh tế, nói chung, gồm có ba điều:
Trước hết, sự khuynh đảo nền kinh tế bởi tầng lớp quyền lực tài chánh qua trung gian các công cụ tài chánh không đóng góp gì cho nền kinh tế tự nhiên là sự cung cấp sản phẩm, cung cấp dịch vụ. Họ bòn rút tiền từ dân chúng cũng như từ các doanh nghiệp đang cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Đây là một vấn đề cần được giải quyết.
Vấn đề sau đó là tự thân hệ thống tiền tệ, việc tạo ra tiền tệ qua nợ nần, không thể kéo dài bền vững được nữa. Vấn đề ở đây là có nhu cầu thiết lập một hệ thống tiền tệ lành mạnh không dựa trên nợ nần. Con có thể nói đây là vấn đề thứ nhì, việc thiết lập một hệ thống tiền tệ không đặt nền tảng trên nợ nần.
Nhưng vấn đề thứ ba là chính những khoản nợ đó, khi người dân, các công ty và các chính phủ cùng các quốc gia đã mang nợ những khoản tiền khổng lồ đến độ nó không thể tiếp tục bền vững được nữa. Chỉ tiền trả lãi không thôi cũng đang đe dọa nền kinh tế của nhiều nước, nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân. Sẽ tới một điểm khi ngày càng nhiều người – các nhà kinh tế học, nhà chính trị, nhà báo, vân vân – sẽ đi đến nhận thức là thế giới đang đối mặt với một chọn lựa đơn giản. Hoặc nền kinh tế sẽ sụp đổ toàn diện, và toàn bộ hệ thống tài chánh cũng sụp đổ do nợ nần, đầu cơ, vân vân. Hoặc các chính phủ dân chủ sẽ nhận lãnh trách nhiệm của mình là tạo ra một nền kinh tế thực sự dân chủ, một nền kinh tế tự do với cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người, một nền kinh tế không thể bị lạm dụng bởi một thiểu số thượng tôn quyền lực.
Ngay cả thiểu số thượng tôn quyền lực này cũng sẽ bắt đầu nhìn ra là hoặc họ có thể hủy bỏ một số khoản nợ, hoặc họ có thể duy trì khoản nợ, đòi hỏi mọi người phải thanh toán nợ, và như vậy họ có thể khiến cho kinh tế sụp đổ và không bao giờ nhận được thêm tiền trả nợ nào nữa. Đơn giản cần có sự nhận thức rằng nợ nần đã lên cao tới mức mà lối thoát duy nhất là hủy bỏ món nợ, có lẽ không phải tất cả, nhưng chắc chắn một phần lớn món nợ.
Con có thể thấy tại Hoa Kỳ, khoản nợ quốc gia đã lên tới mức thực sự khủng khiếp. Cần có một sự nhận thức và một phong trào trong quần chúng nói rằng: “Chúng ta đang mượn tiền của ai vậy? Ai đang cho chúng ta vay tiền? Chúng ta đang nợ tiền của ai đây?” Và cần có sự nhận thức rằng: “Phải, chúng ta đang nợ tiền của một số ngân hàng lớn trong nước, ngay cả những ngân hàng xuyên quốc gia. Nhưng những công ty này, những tập đoàn này, họ phải là tập đoàn của dân Mỹ chứ? Tại sao chúng ta đã lập ra một hệ thống tiền tệ dựa trên nợ nần mà chính phủ phải vay từ các cơ sở tư nhân, rồi người dân đóng thuế phải trả lãi cho các cơ cở tư nhân này? Tại sao chúng ta không tuân thủ những gì được viết trong Hiến pháp, là chỉ có Quốc hội mới có quyền in tiền? Tại sao chúng ta không in tiền trực tiếp mà lại vay tiền từ các ngân hàng tư nhân kiếm lời? Tại sao chúng ta cho phép một hệ thống tiền tệ như vậy? Tại sao chúng ta cho phép Cục Dự trữ Liên bang – gồm một số ngân hàng tư nhân – điều khiển nền kinh tế?
Tất nhiên, ở các quốc gia khác có thể có những bộ phận khác, nhưng dẫu sao thì tiền tệ dựa trên nợ nần là một vấn đề ở khắp mọi nơi. Câu hỏi được đặt ra là đến khi nào sự nhận thức đó mới có mặt, liệu người ta sẽ nhận thức được kịp thời để ngăn chặn một vụ sụp đổ, hay liệu sẽ cần thêm một khủng hoảng nữa cũng trầm trọng như năm 2008 hay 1929 để mọi người hiểu ra là họ không thể có một quốc gia dân chủ với một hệ thống tài chánh phản dân chủ?