Tự do khỏi vũ lực là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trên địa cầu

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels ngày 30/10/2022, nhân Webinar 2022 cho Ukraine. Đăng ngày 28/11/2022.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, Thượng sư của Tia thứ Bảy.

Tự do là gì? Ở những thời điểm khác nhau, tự do đã mang những định nghĩa khác nhau cho những người khác nhau. Con sẽ thấy ví dụ những chế độ, những đế quốc, những ý thức hệ đủ loại đã định nghĩa tự do là việc tuân thủ hệ thống. Ngay cả trong thế giới hôm nay, con cũng thấy được điều này. Các giáo sĩ cực chính thống của Hồi giáo tại Iran định nghĩa tự do như thế nào? Là tuân theo chính quyền, tuân theo hệ thống, tuân theo luật Sharia và sống – thậm chí còn chấp nhận – một cuộc đời định ra dùm họ, rằng đây là những gì ý chí Thượng đế đã muốn cho họ, là tất cả những gì họ có thể mong mỏi.

Tự do được định nghĩa thế nào ở Liên Xô? Là trở thành một công dân thuần phục tuân thủ luật pháp cùng mọi phép tắc và mệnh lệnh của giới lãnh đạo trong đảng. Giáo hội Công giáo sẽ định nghĩa tự do thế nào? Là tuân thủ mọi quy luật, tín điều và học thuyết của đạo Công giáo. Các hội thánh cực chính thống định nghĩa tự do thế nào? Là tin vào cách diễn giải phúc âm theo nghĩa đen và tuân thủ từng chữ, cho dù nó có nghĩa là gì cho cuộc đời của con ở đây trên trái đất, bởi vì – họ dạy như vậy – điều quan trọng là những gì sẽ xảy ra sau cuộc đời này.  

Một cuộc sống tốt đẹp hơn sau địa cầu

Hiển nhiên, là chân sư thăng thiên, chính các thày là những ví dụ sống cho thấy có sự sống sau cuộc đời trên địa cầu. Có thể gọi đó là sự sống sau đời sống – cái mà con người gọi là đời sống. Nhưng nếu muốn cho khái niệm “có sự sống sau đời sống” có chút ý nghĩa, thì chẳng hợp lý hay sao khi bảo rằng sự sống sau đời sống phải tốt đẹp hơn cuộc đời trên trái đất? Nhiều người đạo Cơ đốc khắp thế giới mong mỏi gì? Nhiều người Cơ đốc ở Nga mong mỏi gì? Họ mong mỏi có một sự sống sau đời sống của họ trên trái đất, và họ mong nó sẽ tốt hơn những gì họ đang có. Ngụ ý là gì?

Tôn giáo Cơ đốc đã quen làm gì trong 1700 năm qua từ ngày thành lập Giáo hội Công giáo, qua đó họ cũng đã lập khuôn cho tất cả các giáo hội Cơ đốc khác, kể cả Chính thống giáo Đông phương? Phải, đạo Cơ đốc đã trở thành công cụ cho thiểu số thượng tôn quyền lực để cố ép buộc dân chúng phải chấp nhận cuộc đời mà chúng, thiểu số quyền lực, đã quy định cho mọi người. Thiểu số quyền lực đã cố ép mọi người phải tin rằng cuộc đời mà họ đang có, ngay cả khi họ nghèo khó, là do Thượng đế quy định. Đó là cuộc đời mà Thượng đế đã quy định họ phải sống – nhưng đừng lo, bởi vì trong cõi tới, cuộc sống sẽ khá hơn. Nhưng tất nhiên, đây là một lời gian dối vì nó đi ngược lại luân hồi.

Sự thật là tâm thức mà con mang trong kiếp này định đoạt cuộc sống của con sẽ ra sao trong kiếp tới. Nếu con đã không tự giải thoát khỏi ách thao túng của thiểu số quyền lực trong kiếp này, thì trong kiếp tới con sẽ trở lại dưới ách nô lệ của chúng. Tất nhiên thiểu số quyền lực biết rõ chuyện này, nhưng chúng tước mất hiểu biết này khỏi người dân để họ không thể nổi dậy chống lại chúng vì cứ tin rằng làm vậy sẽ có hại cho đời sống của họ trên trái đất, sẽ cản trở việc họ được lên thiên đàng, mà thay vào đó, họ sẽ bị đày xuống địa ngục với nỗi thống khổ kéo dài đời đời kiếp kiếp.    

Một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên địa cầu

Nhưng con thấy đó, nếu con dùng suy luận cao để suy ngẫm – một khả năng mà nhiều người có nhưng không phải ai ai cũng có – nếu con mang khái niệm về một sự sống tốt đẹp hơn sau cuộc đời trên trái đất, thì con đã cởi mở với khả năng là cuộc sống có thể khá hơn bây giờ. Vậy tại sao con không thể có cuộc sống đó ngay trên trái đất? Tại sao con phải chờ một cõi cao hơn để sống tốt hơn?

Các Thượng sư kia đã nói đến quá trình tiến hoá trong lịch sử, những chiều hướng, những xoay chuyển đã xảy ra trong lịch sử. Ở đây, con có thể nhìn từ góc cạnh Tia thứ Bảy của Tự do. Đã có một thời con người phải sống trong tình trạng dốt nát dưới đế chế Công giáo thời Trung cổ. Họ chỉ biết những gì giáo hội bảo họ được phép biết, và tất nhiên, giáo hội không cho họ biết là có một cách sống khác hơn cuộc đời của họ. Giáo hội không nói cho họ biết là có những người ở những nơi khác trên thế giới đang có một cuộc sống khác hơn.

Điều tương tự tất nhiên cũng đã xảy ra ở Liên Xô. Không ai nói cho dân chúng biết rằng người dân ở các nước Tây phương có một đời sống tốt đẹp hơn Liên Xô rất nhiều, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Con hãy nhìn sự kiện thật đơn giản là cái người ta gọi là Bức màn Sắt. Nếu Liên Xô đã thật là thiên đường xã hội chủ nghĩa tuyệt vời như họ tuyên bố, thì chức năng của Bức Màn Sắt phải là để ngăn không cho dân nghèo tại Tây Âu đang quằn quại dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản di cư đến thiên đường Liên Xô. Nhưng thay vào đó, hiển nhiên, chức năng của Bức màn Sắt là để giam dân chúng trong “thiên đường” xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn họ không thể biết được cuộc sống ở những nơi khác trên trái đất tốt đẹp hơn như thế nào.

Con thấy gì? Con thấy quá trình tiến hóa, sự tiến hóa của xã hội, đã đem lại điều kiện sống tốt đẹp hơn gấp bội cho con người trên trái đất. Chắc chắn vẫn có người phải sống trong những điều kiện khủng khiếp, nhưng so với 100 hay 500 hay 1000 năm trước, rất nhiều triệu người đang có một cuộc sống tươm tất hơn hẳn. Điều này đã không xảy ra do tầng lớp thượng tôn quyền lực hay với sự chấp nhận của chúng – thật sự chúng đâu có muốn chuyện này xảy ra. Tại sao như vậy? Vì chúng muốn duy trì tình trạng mọi người đều không nghĩ là một cách sống khác hơn cách họ đang sống có thể hiện hữu. Họ không nghĩ có bất cứ ai đang được hưởng những điều kiện tốt hơn điều kiện của họ tại xứ họ. Tại sao Liên Xô phải ngăn không cho dân chúng trong nước biết đến những gì xảy ra bên ngoài? Vì Liên Xô phải cố ngăn không cho họ biết là cuộc sống trên địa cầu có thể tốt hơn những gì họ đang có.

Boris Yeltsin, như các thày đã từng đề cập, đã hiểu ra điều này khi ông sang thăm Hoa Kỳ. Ông thấy một cửa hàng tạp hóa chỉ tầm thường thôi nhưng kệ hàng thì đầy ngập những mặt hàng đủ loại, và khách mua thì chỉ việc bước vào chọn mua bất cứ gì họ muốn. Và ông nhận ra là nếu người dân Liên Xô biết người dân Tây phương đang sống như vậy thì họ cũng sẽ muốn được như vậy. Và do đó, Liên Xô sẽ không thể nào sống còn.

Điểm này dẫn đến điều gì? Nó dẫn đến nhận thức là ai ai cũng đều muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất cả mọi người trên địa cầu đều muốn sống tốt hơn. Lý do duy nhất mà quá nhiều người không có được cuộc sống đó là vì trong tâm họ, do sự thao túng của thiểu số quyền lực, họ đã tin rằng chuyện này không thể nào xảy ra cho họ.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Ukraine

Đâu là một trong mấy lý do đã gây ra cuộc chiến tại Ukraine? À, người Nga tại Nga hay tuyên bố rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc anh em. Họ quả quyết là hai dân tộc sao có thể giống nhau đến như vậy, và Putin tạo ra ý tưởng là người Ukraine muốn được giống như người Nga. Họ muốn là người Nga – hay ít ra họ phải muốn được vậy chứ. Nhưng sự cai trị của Putin tại Nga dựa trên gì?

Nó dựa trên sự kiện là người dân Nga không tin là họ có khả năng thay đổi các điều kiện ở Nga. Họ không tin là họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, rằng họ có thể thoát khỏi hệ thống hiện hữu, thoát khỏi Putin lẫn tầng lớp thượng lưu quyền lực của ông ta. Hầu hết mọi người đều không tin là họ có khả năng thoát ra được. Nhưng điều gì đã xảy ra tại Ukraine, đặc biệt từ khi một tổng thống mới được bầu lên, và ngay cả trước đó nữa? Điều xảy ra là nhân dân Ukraine đã nổi lên nỗi khát vọng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Rõ ràng họ muốn sống tốt hơn thời Liên Xô. Rõ ràng họ muốn sống tốt hơn ngay cả thời hậu Liên Xô. Và ngày càng có nhiều người tại Ukraine hiểu ra là chỉ có một cách họ có thể có được cuộc sống đó – là tiến lại gần với Âu châu, vì họ thấy rõ cuộc sống này đang là hiện thực ở đó.

Con cũng biết trong lịch sử, hay thậm chí trong cả Kinh thánh, tình anh em có thể mang những khía cạnh không mấy âu yếm. Hẳn con có nghe truyện về Cain và Abel. Abel có một điều gì mà Cain cũng có thể có nếu y sẵn lòng tự thăng vượt, nhưng Cain lại không sẵn lòng. Y không sẵn lòng tự thăng vượt, cho nên y không thể có cái Abel có. Nhưng sự kiện Abel có cái đó khiến cho y bực bội, bối rối, ghen tuông. Y không chịu nổi Abel có mà y lại không có. Và vì y không sẵn sàng tự thăng vượt cho nên y đã làm gì? Cain đã sát hại Abel để y không phải nhìn anh mình sở hữu một cái gì mà mình không sẵn lòng đạt được. Đó, đây cũng chính là điều xảy ra cho tâm thức tập thể toàn nước Nga, nhưng đặc biệt trong giới thượng tôn quyền lực.

Tại sao Putin lại quyết tâm nắm quyền tại Ukraine đến như vậy? Vì ông không muốn người dân Ukraine tạo được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và hướng về phía phương Tây. Tại sao ông không muốn? Vì nếu nhân dân Ukraine có thể làm được điều này thì tại sao nhân dân Nga không thể làm được tại Nga? Cho nên ông sợ nếu người Nga ở Nga chứng kiến điều này, chứng kiến người Ukraine sống tốt đẹp hơn, thì chính họ cũng sẽ muốn được như vậy. Và ông biết việc này chỉ có thể xảy ra nếu chế độ của ông bị lật đổ – không chỉ chính quyền của ông, nhưng cả những đại gia đầu sỏ (oligarch), những nhà tài phiệt, cùng toàn bộ cách vận hành của nền kinh tế Nga.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Nga?

Muốn cho đa số người dân Nga được sống tốt hơn, nguyên hệ thống phải thay đổi một cách cơ bản. Như các thày đã nói về quân đội Nga, nếu con muốn sửa một vấn đề, con không thể sửa vấn đề đó trong phạm vi cùng hệ thống, vì chính hệ thống đó là vấn đề. Putin không thể đem lại một cuộc sống tốt hơn cho dân Nga vì chính ông là người đang kìm hãm nước Nga.

Cho nên ông cho rằng nếu Ukraine thành công trong việc thiết lập một nền kinh tế cường thịnh hơn, một mức sống cao hơn cho dân Ukraine bằng cách hướng về phương Tây và bảo đảm những quyền tự do dân chủ rộng rãi hơn, thì đây sẽ là một mối đe dọa cho chinh ông. Putin mô tả đó là mối đe dọa cho nước Nga, nhưng như các thày đã nói, Putin ở trong trạng thái tâm thức thấp nhất có thể có trên trái đất, cho nên trong tâm ông, tất cả mọi thứ đều xoay quanh chính ông. Trong tâm Putin không có một người nào khác ngoài Putin. Mọi người khác đều chỉ là công cụ để thăng cấp hay bảo vệ cho hình ảnh mà Putin muốn có về chính mình. Điều này, bất cứ ai sẵn sàng quan sát khách quan đều có thể thấy rõ.

Kế hoạch của Putin cho Ukraine

Một phần động cơ ở đây là sự ghen tuông, là khi con không muốn để cho một người mà con xem là anh em có nhiều hơn những gì con đang có. Và do đó, Putin sẵn sàng hủy diệt xứ Ukraine như một quốc gia độc lập, tiêu diệt dân tộc Ukraine bằng cách cưỡng bức họ phải giống như người Nga. Có nghĩa là họ phải tuân phục ông ta, tuân phục chế độ cai trị của ông ta.

Con có biết chăng là không những chính quyền và quân đội Nga đã lên kế hoạch xâm lăng Ukraine mà họ còn hoạch định những biện phạp tiếp theo sau? Bây giờ con có thể nhìn ngược lại và thấy các kế hoạch đó thiếu thực tế, nhưng họ đã dự tính chiếm đóng Ukraine, lật đổ chính phủ và nắm quyền kiểm soát cả nước rất nhanh chóng. Sau đó, họ trù hoạch làm những gì mà nước Nga cùng Stalin đã làm trong thập niên 1940 tại các nước Baltic: bắt giữ tất cả những ai có thể đe doạ sự kiểm soát của Nga. Họ đặt cùng những đơn vị Vệ binh Quốc gia đã từng đàn áp người biểu tình tại Nga và Ukraine. Họ lên kế hoạch thiết lập những trại giam để bắt giữ và lượng định xem những người đó có thể được “cải tạo” hay phải bị thủ tiêu ngay lập tức. Đó là tại sao các thày đã nói là nếu những kế hoạch này đã thành hình, thì số người dân Ukraine bị sát hại sẽ cao hơn những tổn thất được ghi nhận cho tời giờ rất nhiều.

Tự do khỏi vũ lực

Con cần nhận ra ở đây điều gì đã xảy ra trên thế giới. Các thày đã nói đến sự kiện các quốc gia tân tiến đạt được một trình độ nhân tính cao hơn, một mức độ sẵn sàng phụng sự cao hơn, nhưng các nước này cũng đã đạt được một tầng cấp tự do cao hơn. Các thày cũng từng nói là tự do có những giai đoạn khác nhau, và các tầng thấp của tự do là “tự do khỏi”, tức tự do khỏi một điều gì đó. 

Trong nhãn quan này, điều đã xảy ra là thế giới tân tiến đã đạt được tự do khỏi vũ lực. Kể từ Thế chiến thứ Hai, ở các nước phương Tây trong các nền dân chủ hiện đại, đã có sự tự do khỏi các thế lực bên ngoài muốn dùng vũ lực để cưỡng ép người dân, nhưng họ cũng đạt một mức tự do cao độ khỏi các thế lực nội tại dưới hình thức chính quyền trong nước. Gần như không có ai – à, không hẳn là vậy vì chắc chắn vẫn còn một số người – nhưng hầu hết mọi người trong thế giới tân tiến đều không cảm thấy bị chính phủ mình tìm cách bắt nạt. Ngay cả những ai trong thế giới tân tiến có cảm giác chính phủ mình tìm cách bắt nạt mình, thì họ chỉ nghĩ vậy do họ hoàn toàn không biết gì về đời sống tại Nga. Vì nếu họ biết, nếu họ sẵn lòng nhìn nhận, thì họ sẽ hiểu ra là chính phủ của họ không có ý bắt nạt họ, và tin tưởng này thật không thực tế chút nào.

Con nhận ra là nhân dân trong thế giới tiền tiến đã đạt được một mức tự do cao độ khỏi vũ lực. Đây cũng chính là điều nhân dân Ukraine, đa số nhân dân Ukraine, mong muốn. Họ đã mong muốn điều này trước khi chiến tranh xảy ra, nhưng như các thày đã có giải thích, họ chưa hẳn tới được mức đó. Và đây là lý do tình hình hôm nay đã có thể xảy đến, phần nữa cũng là vì họ đã khoác vào vai trò nhằm chứng tỏ người Nga đang thiếu tự do đến chừng nào đối với vũ lực.    

Nếu con nhìn tâm thức tập thể của nhiều nước, con có thể lập ra một thang điểm qua đó con bảo: đây là mức tự do khỏi vũ lực, hoàn toàn tự do khỏi vũ lực; và dưới mức đó có nhiều mức độ tự do khác nhau. Sau đó con bước vào mức âm, là những độ vũ lực khác nhau, và ở mức thấp chót cùng là hoàn toàn không có tự do khỏi vũ lực.

Con có thể nhìn vào thang điểm này và thấy trước cuộc chiến, tuy Ukraine chắc chắn cao hơn Nga nhưng vẫn có những người còn phần nào trung thành với Nga. Họ đã cầm chân Ukraine lại nhưng nói chung, Ukraine vẫn cao hơn Nga. Điều xảy ra sau khi cuộc chiến bùng nổ là trong dân tộc Ukraine đã có một sự xoay chuyển khi càng ngày càng có nhiều người bắt đầu khát khao tự do đó. Có thể nói, chiến tranh vẫn tiếp diễn và vì vậy họ vẫn bị một lực bên ngoài chi phối, nhưng dẫu vậy, càng ngày càng có nhiều người thực sự đạt đến nhận thức là họ mong muốn tự do khỏi vũ lực.

Sự thờ ơ tại Nga

Nhưng ở Nga, người ta đã đi theo chiều hướng ngược lại. Trong lòng nhiều người Nga, ít ra cho tới giờ, có sự cam chịu là không gì có thể thay đổi. Một số những ai tin rằng sự thể có thể thay đổi đã bỏ nước ra đi. Một số người ra đi chính vì giờ đây họ không nghĩ sự thể có khả năng thay đổi. Còn những người ở lại Nga thì họ cam chịu, hầu hết đã buông xuôi, và do đó tâm thức, tâm thức tập thể nước Nga, đã xuống thấp rất nhiều. Bây giờ họ sẵn sàng chấp nhận càng ngày càng nhiều vũ lực hơn từ chính quyền. Tất nhiên như một vài chuyên gia có nói, sự thể này có thể chuyển đổi một lúc nào đó khi lòng sợ hãi chế độ bị lấn át bởi những nỗi sợ hãi khác và họ sẵn sàng đứng lên đòi hỏi thay đổi. Nhưng ngay bây giờ thì trên thế giới, có rất ít quốc gia có trình độ tâm thức tập thể thấp hơn nước Nga, ít nhất nếu dựa trên tiêu chí tự do khỏi vũ lực.

Con có thể nhìn vào Putin và tự hỏi, không hiểu ai là người ít tự do nhất nước Nga? Từ một nhãn quan nào đó, có vẻ như ông ta là người quyền lực nhất nước. Ông có thể làm bất cứ gì ông muốn và cả nước sẽ răm rắp làm theo chỉ thị của ông. Nhưng khi con nhìn vào khía cạnh tâm lý, Putin là con người ít tự do nhất nước Nga và một trong những người ít tự do nhất trên toàn địa cầu, vì ông bị kẹt quá đỗi trong chính cách tư duy của ông.

Và điểm này dẫn tới gì? Nó dẫn tới nhận thức là chắc chắn vũ lực vật lý có thể hạn chế tự do, nhưng tại sao con bị vũ lực vật lý chi phối chứ? Tại sao con lại chấp nhận là tình trạng của con trên địa cầu không thể thay đổi, rằng con không thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn? À, là vì các điều kiện tâm lý. Con mang một cơ chế trong tâm lý đang ngăn cản không cho con chấp nhận là con có thể có những điều kiện tốt hơn, cho nên con cam chịu, con buông xuôi. Khi con nhìn vào chiều dài lịch sử, đây chính là điều mà tất cả mọi thiểu số thượng tôn quyền lực, tất cả mọi chế độ độc tài hay lạm quyền trong lịch sử đều trông cậy vào.

Chúng trông cậy là một khi chúng đã áp đặt đủ vũ lực trên dân tộc của chúng, thì nhân dân sẽ buông xuôi, sẽ chịu thua – cuộc đời bắt buộc phải trải ra như vậy và không có gì sẽ cải thiện được cuộc đời, ít ra là nơi đây trên trái đất. Như các thày đã giải thích, người Nga đã phải hứng chịu tình trạng này từ rất rất lâu, rất nhiều người như vậy. Nhưng tất nhiên cũng có nhiều người đã chọn đầu thai ở Nga trong thời buổi này vì họ muốn chứng tỏ là có một cách sống khác hơn. Vấn đề là giờ đây, nhiều người trong số đó đã bỏ nước ra đi. Hiển nhiên họ vẫn lôi kéo tâm thức tập thể đi lên, và ngay cả việc này cũng có thể đem lại một tác động tích cực dài hạn.

Nhưng điểm cần nói ở đây là như sau. Một quốc gia không thể đạt đến tự do khỏi vũ lực cho tới khi có một túc số tới hạn (critical mass) người dân xoay chuyển, tức là xoay chuyển chính tâm lý của họ để bắt đầu xét xem tại sao họ lại nghĩ họ phải cam chịu số phận của mình trong đời. Tại sao họ nghĩ là họ phải bỏ cuộc mà không cố cải thiện đời mình. Đôi khi nhận thức này đòi hỏi những cú giáng thật đau đớn. Như con thấy tại Iran, giới thanh thiếu niên gần như phải chạm đáy tuyệt vọng khi nhìn ra là mình không có tương lai trước khi họ sẵn sàng phản đối. Nhưng luôn luôn có tiềm năng là mọi người có thể thức tỉnh, và đây chính là điều đã xảy ra tại Ukraine và cũng là lý do tại sao con chứng kiến Ukraine đã tiến bộ nhiều hơn Nga. Và cũng là tại sao con chứng kiến âm mưu tuyệt vọng của Nga hầu chặn đứng tự do tại Ukraine.   

Cuộc xoay chuyển ở Ukraine

Vậy điều này có nghĩa gì cho nhân dân Ukraine? Có nghĩa đơn giản như sau: Các con đã khởi hành trên con đường dẫn đến tự do rộng lớn hơn. Đã có một túc số tới hạn tại Ukraine mở tim mình ra cho Ngọn lửa Tự do của Tia thứ Bảy. Các con đã tiếp nhận ngọn lửa theo khả năng xử lý của mình, nhưng các con đang trên đường đi đến tự do. Các con chỉ cần đơn giản bước chân đi tiếp và gia tốc. Và một lần nữa, đang có một sự gia tốc to lớn ngay bây giờ, đang có một tiềm năng to lớn ngay bây giờ, vì nhiều người chưa nhìn ra trước chiến tranh thì nay họ bị chấn động đến độ họ thốt lên: “Chúng tôi muốn tự do, chúng tôi muốn thoát khỏi tình trạng này.”   

Họ nhìn vào sự tàn phá, và nếu con chưa sống trong vùng chiến sự, nếu con chưa bước chân đến những vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng, thì con không thể tưởng tượng nổi người dân đã phải chịu đựng những gì. Nhiều người bị chấn động đến tận xương tủy khi chứng kiến nhà cửa bị tàn phá, người dân bị giết hại, những tra tấn, những hãm hiếp, cách hành xử hoàn toàn vô nhân đạo, ăn cướp bất cứ gì có thể ăn cướp. Thật là một cú sốc cho rất nhiều người đến độ những ai từng trung thành với nước Nga cũng phải mở lòng ra mà nói: “Chúng tôi không bao giờ muốn chuyện này tái diễn, chúng tôi muốn thoát khỏi sự thể này, chúng tôi muốn tự do khỏi loại vũ lực này.”

Tự do khỏi tham nhũng

Một lần nữa, có một cơ hội mở ra ở đây cho Ukraine thực hiện một cuộc xoay chuyển sâu xa khi mọi người nhận ra: “Chúng tôi muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cái gì đã ngăn cản chúng tôi? Đó là vũ lực, và chúng tôi muốn tự do khỏi vũ lực.” Điều này có nghĩa rất nhiều thứ. Tất nhiên ngay bây giờ thì con nói: “Chúng tôi muốn tự do khỏi nước Nga đang đàn áp, tấn công, tàn phá chúng tôi.” Nhưng con hãy nhìn vào các lực nội tại đang cầm chân bước tăng trưởng của Ukraine. Như các thày đã trình bày rất nhiều lần, nạn tham nhũng là một trong số đó. Nhưng thêm vào đó còn có toàn bộ hệ thống kinh tế với đại gia đầu sỏ và tệ nạn thiên vị, cùng với toàn bộ hệ thống chính trị không đặt nền tảng trên việc phục vụ nhân dân mà phục vụ đặc quyền đặc lợi.

Có một cơ hội tuyệt vời để người Ukraine thức tỉnh, nhìn lại xứ sở mình và nói: “Chúng ta cần làm gì để vươn lên cao hơn, để đạt được tự do khỏi các thế lực bên ngoài lẫn bên trong? Chúng ta cần thay đổi chính chúng ta như thế nào?” Và con sẽ thấy là tại Ukraine đã có đủ túc số những người mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn và tin rằng đó là chuyện khả dĩ, là điều thật sự có khả năng thị hiện. Ngoài ra còn có sự kiện nhiều người Ukraine đã tị nạn ra nước ngoài, ở đó họ có thể nhìn thấy tận mắt một cuộc sống tốt đẹp hơn là điều khả dĩ. Họ thấy tận mắt những người chẳng khác gì họ đang có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Con cũng thấy nhiều người ti nạn như vậy nhận được cú sốc – một cú sốc thú vị – khi họ được các quốc gia đó tiếp đón nồng hậu như thế nào. Trở về với bải giảng của thày Nada về phụng sự, nhiều người tị nạn Ukraine đã chứng kiến và trải nghiệm một mức phục vụ cao hơn khi nhân dân các nước đó đã đón tiếp họ và chứng tỏ ý muốn giúp đỡ họ cho dù không được hưởng lợi lộc gì. Nhiều người Ukraine từng nghi kỵ quốc gia và nhân dân Ba Lan do hiềm khích quá khứ. Nhưng họ được cú sốc thú vị khi Ba Lan mở vòng tay đón tiếp họ, và Ba Lan là quốc gia đón nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất thế giới.

Một lần nữa con thấy một bằng chứng về sự sẵn lòng phụng sự vô vị lợi, và những người Ukraine đó có thể đem tinh thần này về nước mình, và một cuộc xoay chuyển có thể xảy ra khi con nói: “Thôi đủ rồi những cách hành xử lỗi thời kia. Đủ rồi các đặc quyền đặc lợi. Đủ rồi những các quan chức tiếng là phục vụ công chúng nhưng chỉ mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình, cho những kẻ chịu chi trả hay chịu đổi chác đặc quyền. Chúng ta không thể chấp nhận chuyện này nữa. Chúng ta sẽ không dung túng chuyện này trong nước chúng ta. Và chúng ta đòi tự do khỏi những thế lực bên trong, vì đó là một lực kỳ thị đối với nhân dân khiến cho một số được đặc lợi trong khi một số khác bị chà đạp.”

Tạo dựng một bản sắc dân tộc và văn hóa mới

Tất nhiên còn nhiều khía cạnh khác nữa. Về dài hạn, Ukraine sẽ có một nhu cầu to lớn những con người sáng tạo. Họ là nghệ sĩ, họ là nhạc sĩ, họ là triết gia, họ là những nhà tư tưởng. Họ không nhất thiết có bằng cấp trong tất cả những ngành đó, nhưng họ có khả năng suy nghĩ độc đáo. Họ có thể nhìn vào sự việc, nhận ra các mội liên hệ nối kết, hiểu ra tại sao một số sự thể đã xảy ra, rồi sau đó họ có thể rèn đúc một bản sắc dân tộc và một văn hóa mới. Có người Ukraine đã nói: “Nước chúng tôi không có nhiều anh hùng. Khi nhìn lại quá khứ, chúng tôi không thấy nhiều vị anh hùng.” Nhưng bây giờ con có anh hùng rồi đó. Không chỉ là các chiến sĩ mà rất nhiều người khác. Và các con có khả năng tạo ra một bản sắc dân tộc mới nơi con không những thoát khỏi quá khứ, kể cả quá khứ Xô viết, mà con còn thoát khỏi tinh thần vô cảm đối với sự sống, thoát khỏi sự tàn bạo, sự tham nhũng, xu hướng vi phạm luật pháp, xu hướng ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Con có khả năng thoát khỏi tất cả những thứ đó về lâu về dài. Con có thể hun đúc một cách nhìn mới về chính mình, và như các thày có nói, các con đạt tới điểm tự chấp nhận mình thực sự là một thành viên xứng đáng của gia đình châu Âu. Các con là một vốn quý cho gia đình châu Âu vì các con đã vươn tới trình độ nhân bản của châu Âu, và như vậy có nghĩa là giờ đây con là một quốc gia bình đẳng giữa các quốc gia.

Phân biện Ki-tô và sự bình đẳng

Nói chuyện về bình đẳng cũng tốt thôi, và ở một mức độ nào đó, tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nhưng đó là khi họ mới đầu thai lần đầu tiên trên địa cầu. Kể từ đó, qua rất nhiều kiếp sống, họ đã phát triển theo những chiều hướng khác nhau và vì thế con không thể nói là ngày nay, mọi người đều ngang hàng. Đây chính là một nhược điểm của các nền dân chủ hiện đại, là xu hướng cho rằng mọi người đều ngang nhau và có thể được đối xử giống nhau. Tất nhiên đây không phải là phân kiện Ki-tô, vì để dùng một ví dụ hiển nhiên, con cần nhìn nhận rằng Putin cùng chính quyền Nga không hề có ý định trong sáng đối với các nước dân chủ, và bởi vậy con không thể đối xử với ông ta như thể ông có ý định trong sáng.

Điều tương tự cũng áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Nhưng trước tiên là trình độ nhân bản, mức độ nhân tính. Khi con đạt đến một mức độ nhân tính nào đó, con không thể cho phép mình làm ngơ hay quên mất là người khác có thể chưa đạt đến mức đó. Và vì vậy, con không thể đối xử với họ như là ngang hàng khi họ vẫn ở một mức nhân tính thấp hơn và họ sẽ đâm con sau lưng ngay khi nào họ có cơ hội.

Sự hợp tác bình đẳng

Một lần nữa, Ukraine có tiềm năng tự vươn mình lên, nâng cao tâm thức tập thể để bình đẳng với các nước châu Âu kia về trình độ nhân tính và khát vọng tự do, và nhờ vậy có thể hợp tác trong sự bình đẳng. Các thày cũng từng nói là các thày mong muốn nước Nga cũng hợp tác bình đẳng với mọi nước khác, nhưng hiển nhiên điều này không thể xảy đến ngay bây giờ. Cần có sự nâng cao tâm thức tập thể trước khi điều này có thể xảy đến. Và đối với Ukraine, điều thật sự cần xảy ra ở đây là Ukraine cần nắm bắt sự thật đơn giản này mà các thày đã giải thích, rằng sự phát triển mà con chứng kiến trong thế giới hiện đại đã không đến qua sự cưỡng ép. Không có một tổ chức trung ương nào đã cưỡng bách các nước dân chủ phải trở nên tự do và thịnh vượng hơn. Điều này đã xảy ra qua sự hợp tác tự nguyện.

Nhưng hợp tác tự nguyện đặt nền tảng trên một nhận thức. Nó không dựa trên những con tính của ai đó nghĩ rằng: “À, tôi thấy các nước châu Âu này đang hợp tác với nhau. Vậy chúng ta hãy giả vờ cũng hợp tác với họ, nhưng chúng ta sẽ chỉ tìm xem chúng ta có thể lợi dụng họ đến chừng nào và chúng ta có thể gian lận họ được bao nhiêu.” Hiện có một số nước trên thế giới đã mang tâm thức luôn luôn tìm cách gian lận này từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm qua. Nhưng đó không phải là hợp tác bình đẳng.

Sự hợp tác sẽ hiệu quả khi nó tự nguyện, vì nó dựa trên nhận thức rằng qua sự trung thực, chúng ta đang giúp chính chúng ta một cách tối ưu. Bằng cách hợp tác cởi mở và trung thực, chúng ta đang hành xử tốt nhất cho mình lẫn cho đất nước mình. Vấn đề không phải là Ukraine phải làm gì để giành được lợi điểm, mà là Ukraine vươn lên tới cùng một mức như các quốc gia châu Âu khác, qua đó sự hợp tác trung thực và cởi mở là cách hành xử tự nhiên. Đơn giản, đó là bản chất thứ hai của mình, hay có lẽ hơn vậy nữa, là bản chất thứ nhất của mình. Con không hành động với bất kỳ thâm ý nào hết. Con nhận ra là các nước Tây Âu kia, hay các nước kia tại châu Âu, thực sự muốn giúp Ukraine vươn lên để trở thành một quốc gia tân tiến.

Tự do khỏi tâm thức của Cain

Con có thể cãi: “Nhưng tại các nước đó có những công ty muốn làm tiền từ việc tái thiết Ukraine.” Cũng đúng đấy, nhưng điều này không áp dụng cho tất cả mọi người. Có những người trong thế giới hiện đại, không chỉ tại châu Âu mà ở cả nơi khác, mong muốn nhìn thấy phần còn lại của thế giới cũng được hưởng những gì mình đang được hưởng. Họ là những người không mang tâm thức của Cain. Họ không ghen tuông với anh chị em. Họ muốn mọi người có được cuộc sống mà họ đang có, vì đây chính là tự do. Đây là tự do khỏi một cái gì. Là tự do khỏi đố kỵ và ghen tuông. Chuyện ghen tị anh chị em mình, đó là tâm thức của Cain. Khi con đạt được tự do khỏi cái đó, làm sao con có thể cảm thấy mình bị đe dọa khi người khác cũng có những gì con đang có, hay còn nhiều hơn nữa? Làm sao đó là một đe doạ cho con? Làm sao nó gây bất lợi cho con? 

Một khi con đã trải nghiệm sự thật là toàn bộ thế giới tân tiến đã trở nên trù phú hơn qua sự hợp tác, con nhìn ra là nếu người khác có nhiều thêm thì toàn bộ nền kinh tế sẽ được nâng cao, và chính con cũng sẽ có nhiều thêm. Nếu toàn bộ thế giới – con hãy bước lui lại và hình dung điều này – con hãy tưởng tượng toàn bộ thế giới có được cùng mức độ trù phú vật chất như Tây Âu. Con thử tưởng tượng đi. Ta biết con có thể nghĩ ra đủ loại lý lẽ và luận cứ bảo rằng chuyện này không thể xảy ra vì tài nguyên tự nhiên có hạn và vân vân. Nhưng hãy tạm gác cái đó sang một bên, vì trước hết, ta cũng đã từng trình bày là tài nguyên thiên nhiên không là một lượng cố định. Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng toàn thể thế giới được hưởng cùng mức trù phú như nhân dân cùng các nước Tây Âu. Làm sao điều này có thể gây thiệt hại cho Tây Âu được chứ? Ngược lại là đằng khác, Tây Âu sẽ càng trù phú hơn nữa. Không có nghĩa là họ sẽ vẫn luôn luôn dẫn đầu, nhưng nếu toàn bộ nền kinh tế thế giới được nâng lên thì mọi người sẽ đều hưởng lợi.

Một lần nữa, những ai ít tự do hơn sẽ có xu hướng phóng chiếu trạng thái tâm thức của họ lên mọi người khác. Đây là điều được trình chiếu quá rõ ràng qua con người của Putin cùng tư duy dựa trên vũ lực của ông. Ông không thể hiểu nổi là các quốc gia trong NATO đã có thể thăng vượt tư duy vũ lực đó, cho nên ông phóng chiếu lên họ ý tưởng là họ muốn gây cho Nga những gì ông muốn gây cho họ. Ông muốn dùng vũ lực để giành lại những gì ông xem là lãnh thổ của Nga, thế mà NATO lại đứng cản đường, cho nên ông phóng chiếu ra chính họ mới là kẻ muốn xâm chiếm Nga. Theo một nghĩa nào đó thì ông có lý. Tham vọng của ông là chiếm đất đai mà ông xem là của Nga, nhưng NATO lại ngăn cản ông thực hiện giấc mơ đế quốc đó. Dưới mắt Putin, lực nào kềm chế sức hung hãn của ông phải là một lực hung hãn chống lại ông. Trong tâm trí Putin, ông là trung tâm vũ trụ, cho nên bất cứ hành động nào của nước khác cũng nhắm trực tiếp vào ông. Nếu các nước đó hạn chế tham vọng bành trướng của ông thì, hiển nhiên trong tâm Putin, đó là một hành động gây chiến.

Điều này cũng liên quan tới Ukraine ở chỗ Ukraine có thể xoay chuyển. Người dân Ukraine có thể nhận ra là trong tâm thức tập thể của mình vẫn còn tàn dư của tinh thần nghi kỵ kẻ khác và nghi kỵ động cơ của họ. Chắc chắn con có thể thấy sự thể này bắt nguồn từ thời Xô viết, nhưng nó còn trở ngược về xa hơn nữa. Con phóng chiếu ra là có lẽ người khác sẽ lợi dụng con, nhưng con có khả năng xoay chuyển và nhận ra là nếu con buông tư duy đó, con sẽ có thể tự do hợp tác với những quốc gia hiện đã hợp tác với nhau một cách tự do.

Ta đang không cố mô tả Tây Âu như một loại thiên đường nào đó trên địa cầu. Ta chỉ muốn nói là họ đã tiến xa hơn so với Ukraine hiện nay và Ukraine có thể được lợi lạc khi vươn lên tới mức đó. Con thấy rõ là Nga không sẵn lòng tái thiết Ukraine sau cuộc chiến. Cho dù Ukraine có đầu hàng Nga ngay bây giờ và nói: “Mời các ông vào đây chiếm chúng tôi,” con có nghĩ nước Nga sẽ bỏ tài nguyên ra để xây dựng lại Ukraine? Chắc chắn là không, cho đến khi họ “cải tạo” dân chúng cả nước biến thành người Nga, và ngay cả khi đó, con có thể thấy là phần lớn xứ Ukraine sẽ bị kéo xuống thấp đồng đều như xứ Nga.

Vậy ai sẽ muốn giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh đây? Tất nhiên là Tây Âu rồi, hay châu Âu nói chung. Đâu là điểm lợi cho Ukraine? Là thoát ra khỏi cái tư duy nghi kỵ ý định của người khác. “Ồ có lẽ họ đang cố lợi dụng chúng ta đây.” Nếu con có thể khắc phục tư duy này, con sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều trong việc xây dựng lại đất nước.

Mọi người đều thắng khi hợp tác

Cách đây không lâu, chúng ta đã có một hội nghị tại Ukraine nơi các thày đã có mặt trong vật lý, hay đúng hơn, sứ giả này đã đích thân đến tham dự. Con có thể tìm lại và học hỏi các bài truyền đọc đó và con sẽ thấy là mọi điều các thày đã nói vẫn áp dụng cho Ukraine. Mọi điều đều vẫn có giá trị để con tìm hiểu. Nhưng hiển nhiên kể từ đó, nhiều điều mà các thày chỉ ẩn ý hoặc ám chỉ thì giờ đây đã rõ nét hơn hẳn. Đó là tại sao trong các bài truyền đọc lần này, các thày đã trình bày bộc bạch hơn. Vì bây giờ các thày có thể nhận ra một sự cởi mở trong tâm thức tập thể. Có những điều các thày không nói trực tiếp trước đây thì bây giờ có thể nói trực tiếp hơn, vì trước đây không có cùng sự cởi mở. Biết bao nhiêu người muốn giữ nguyên như cũ tình trạng hiện thời, hoặc vì họ cảm thấy được ưu đãi trong hoàn cảnh của họ, hoặc vì họ đã chấp nhận cuộc sống này là số phận của họ và không muốn đánh mất nó.

Con có thể nhận ra một sự thật ở đây, là khi con vươn lên tự do khỏi vũ lực, vươn lên khỏi tư duy dựa trên vũ lực, con có thể tự do hợp tác với người khác vì con không sợ mất gì trong hợp tác. Đây là điều con thấy, một tâm thức mà rất ít người ngộ ra, nhưng nó đang lộ diện trong thế giới tân tiến. Đây là sự nhận thức rằng chúng ta không mất gì khi chúng ta hợp tác, mà chúng ta đều được thêm khi hợp tác. Mọi người đều thắng trong sự hợp tác. Đây là nguyên lý con thấy thể hiện trong thiên nhiên, là lý do tại sao sự sống đã bền vững trên hành tinh này trong một thời gian rất dài. Như các thày đã giảng, thành ngữ “sự sống còn của kẻ thích nghi” (survival of the fittest) có nghĩa là những ai sẵn sàng hợp tác nhất sẽ sống còn, chứ không phải những ai sẵn sàng dùng vũ lực nhất.

Đây là một sự xoay chuyển quan trọng cho dân tộc Ukraine. Nó có thể đem lại những lợi ích to lớn trong một thời gian dài trước mặt. Nhiều người đã làm cuộc xoay chuyển này. Tổng thống và nhiều vị mới gia nhập Quốc hội đã làm cuộc xoay chuyển này. Nhiều người khác cũng đã xoay chuyển. Nhưng con vẫn có thể bồi đắp thêm để cái trớn đó đưa dân tộc Ukraine vượt quá điểm then chốt khi bước tiến bộ không thể đảo ngược lại và tự nó sẽ tăng cường. Đây là cách tiến bước nhanh chóng nhất sau biến cố đáng tiếc mà không ai trong chúng ta muốn thấy, nhưng dẫu vậy vì biến cố đã xảy ra, cho nên các thày đang trao cho con động lực để con hãy sử dụng – sử dụng theo cách tốt nhất mà con có thể.

Người xưa có câu: Thắng được cuộc chiến là một chuyện, nhưng thắng được hòa bình là chuyện khác. Đấy, các thày muốn Ukraine thắng cả cuộc chiến lẫn hòa bình. Các con có thể thắng cuộc chiến với tư duy mà các con đang có; tuy nhiên một lần nữa, nếu con thăng vượt được tư duy này thì nó sẽ giúp con chiến thắng nhanh hơn. Nhưng chắc chắn các con sẽ không thể thắng được hòa bình với tư duy mà các con đang có. Nó đòi hỏi con thăng vượt, như các thày đã giải thích.

Lẽ tự nhiên, tự do có nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ. Thày có thể nói nhiều hơn về tự do, nhưng thày đã nói nhiều rồi cho những ai sẵn sàng nhìn vào các khía cạnh cao hơn đó của tự do. Qua hội nghị này, các thày, các Thượng sư, đã cho con một lời dạy cân nhắc dựa trên sự quan sát tâm thức tập thể, những thay đổi đã xảy ra từ khi cuộc chiến bùng nổ, sự sẵn lòng chuyển đổi của mọi người để suy nghĩ theo những cách mới.

Hãy cả gan mơ ước!

Con cũng biết một cách nhìn khác về những gì đã xảy ra trên thế giới là nói đến trí tưởng tượng. Con hãy trở ngược về thời Liên Xô, tại Ukraine cùng các nước cộng hòa khác và ngay tại Nga, và con sẽ thấy cái mà Liên Xô đã hủy diệt nơi hầu hết mọi người là trí tưởng tượng. Không ai còn dám tưởng tượng bất cứ gì mới mẻ, bất cứ gì khác biệt, bất cứ gì tốt hơn. Vì sao các quốc gia trong thế giới tân tiến đã đạt được những tiến bộ mà họ đã đạt? Vì trí tưởng tượng của người dân được tự do hơn. Họ dám mơ ước. Họ dám thử nghiệm. Họ dám suy nghĩ theo những cách mà không ai suy nghĩ trước đó. Có người bảo rằng khoa học là tiến trình nhìn thấy những gì mọi người đều thấy nhưng lại suy nghĩ những gì chưa ai suy nghĩ bao giờ. Đấy, tưởng tượng là nhìn thấy những gì ai ai cũng thấy nhưng trải nghiệm trong tâm một điều gì vượt hẳn ra ngoài, một điều gì mà hầu hết mọi người không thể trải nghiệm, nhưng khi con có trí tưởng tượng thì con trải nghiệm được.

Điều gì cầm chân một quốc gia? Chính là sự thiếu tưởng tượng. Tâm mọi người bị khóa chặt vào một đường rày. Họ được nuôi dạy và lớn lên trong một số điều kiện. Họ có một quá khứ được gia đình hay nhà trường kể lại, và họ nghĩ: “Chúng ta người Ukraine là như vậy đó. Đây là cách chúng ta đã làm mọi chuyện, đây là cách chúng ta suy nghĩ, đây là cách chúng ta nhìn cuộc sống.” Và họ chấp nhận có những lằn ranh giới và chẳng có ích gì mà suy nghĩ vượt ra ngoài ranh giới, chẳng có ích gì mà tưởng tưởng bên ngoài biên giới, bởi vì: “Chúng ta là người Ukraine, chúng ta đang kéo lê theo mình tảng đá khổng lồ này, và chúng ta không thể buông sợi dây ra, chúng ta cứ phải tiếp tục kéo lê tảng đá này. Dù chúng ta có đi đâu, dù chúng ta có đến đâu, dù chúng ta nghĩ dân tộc mình có thể đi đến nơi nào thì chúng ta cũng sẽ phải kéo dĩ vãng này theo chúng ta.” 

Nhưng con không phải. Con không phải kéo nó theo con. Nhưng để ngừng kéo nó theo con, để buông sợi dây ra, con phải dám cả gan suy nghĩ những gì mà cho đến giờ chưa ai trong đất nước con đã nghĩ tới. Con cần cả gan tưởng tượng mọi chuyện có thể thực hiện khác hơn cách truyền thống. Con có bắt buộc phải có sự thối nát tham nhũng, một tệ nạn mà con đang có và đã từng có từ bấy lâu nay? Con có phải mang theo cái đó hoài hoài mãi mãi hay không? Con có phải luôn luôn đấu tranh theo cách con đã từng đấu tranh cho tới giờ? Con có phải kinh doanh theo kiểu con đã từng kinh doanh? Hay có cách nào khác hơn không? Con có phải sinh hoạt chính trị theo cách con đã từng làm chính trị? Hay có cách nào khác hơn không?

Món quà lớn nhất mà con có thể trao như một cá nhân cho đất nước con là giải thoát trí tưởng tượng của con, để con cả gan tưởng tượng những gì chưa ai đã tưởng tượng cho đến giờ. Nếu có đủ số người làm điều này, các con sẽ có khả năng tiến bộ ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của mình hiện giờ. Con có khả năng thị hiện một điều gì vượt khỏi những mơ ước cuồng nhiệt nhất của con. Viễn quan của ta cho Ukraine cao hơn rất nhiều tầm hiểu biết của bất cứ ai tại Ukraine ngay bây giờ. Và ta sẵn sàng trao viễn quan này cho bất kỳ người nào chịu mở tâm mình ra.

Theo một nghĩa nào đó, con thường hay nghĩ, và nhiều người cũng nghĩ vậy, rằng trí tưởng tượng chỉ là chuyện mơ huyễn. Nhưng con hãy trở về 500 năm trước và nhìn xem người ta sống thế nào vào thời đó. Rồi con nhìn thực tế cuộc sống của con ngày hôm nay. Liệu con người thời đó có thể tưởng tượng nổi cách con sống hôm nay? Không. Và nếu có ai dám tưởng tượng thì hầu hết sẽ bảo đó là hoàn toàn mơ huyễn. Nhưng rõ ràng con đang sống trong thế giới ngày nay và con biết đó không phải là mơ huyễn mà là thực tế. Cái tương lai mà con không dám tưởng tượng hôm nay không phải là mơ huyễn. Đó là một tiềm năng rất thực. Và nó chỉ đòi hỏi một điều, là sự chấp nhận đó là khả năng có thực chứ không phải mơ tưởng.

“Hỏi và con sẽ nhận được,” người ta từng nói vậy. Còn ta sẽ nói: “Chấp nhận thì con sẽ nhận được. Chấp nhận điều đó là khả dĩ thì con sẽ nhận được.” Bởi vì nếu con không chấp nhận nó là khả dĩ, làm thế nào ta có thể trao nó cho con? Đó sẽ là vi phạm quyền tự quyết của con.

Tự do khỏi tâm trạng nạn nhân

Các thày đã trình bày về tâm thức nạn nhân. Đâu là cốt tủy của tâm thưc nạn nhân? Con nghĩ là con không chủ động tương lai của mình. Con tùy thuộc vào những thế lực bên ngoài mà con không thể kiểm soát. Phải, các con từng thuộc về Liên Xô. Các con cảm thấy bị cưỡng ép phải gia nhập, bị cưỡng ép phải là một thành phần. Nạn đói Holodomor đã bị áp đặt lên các con. Và bây giờ thì chiến tranh bị áp đặt lên các con. Một số người nhìn về thời hậu chiến và hy vọng Liên Âu sẽ bước vào như một vị cứu tinh và ép buộc các con thay đổi. Nhưng Liên Âu không dựa trên vũ lực. Chính các con cần đứng dậy và quyết định các con muốn gì. Các con cần quyết định mình muốn loại tương lai nào. Trí tưởng tượng là một khía cạnh nhưng khía cạnh kia là quyết định: “Chúng ta muốn gì đây? Chúng ta sẽ sẵn sàng tự thay đổi như thế nào để đạt được cái đó?” Sau đó sẽ tới quyết định chấp nhận là cái đó khả dĩ. Con chỉ là nạn nhân nếu con nghĩ mình là nạn nhân.

Câu hỏi đặt ra là: Con có muốn tiếp tục là nạn nhân của những thế lực vượt khỏi sự kiểm soát của con – cho dù đó là thế lực bên ngoài hay là các đại gia đầu xỏ, hay các nhà chính trị hay quan chức hay thời tiết hay điều này điều nọ? Con có muốn tiếp tục là nạn nhân? Hay con muốn được tự do khỏi tâm trạng nạn nhân? Nếu con muốn tự do thì ta sẽ giúp được con. Ta sẵn sàng giúp con được tự do. Hãy cho ta một số tâm cởi mở thì ta sẽ cho các con viễn quan về một tương lai tốt đẹp hơn cho Ukraine. Ta không cất giấu bất cứ gì khỏi bất cứ ai. “Vì vậy con hãy chứng minh cho ta qua việc này – vị Chủ tể của Tự do phán như vậy – thì ta sẽ đổ phước lành xuống cho con đến độ con sẽ không đủ chỗ để mà hứng lấy.”

Nước Nga sẽ thay đổi

Với câu đó, ta cũng đã nói xong. Một lần nữa ta bày tỏ lòng biết ơn của ta đến tất cả các con đã sẵn lòng làm công cụ, đã lắng nghe bài giảng này và đã phát sóng qua luân xa của mình. Nếu con có thể thấy tác động của hội nghị này – tác động mà hội nghị này đã tạo ra, những gợn sóng mà nó đã dấy lên và gửi vào tâm thức tập thể của Ukraine, Belarus và Nga – con sẽ rất hứng khởi. Ta biết ơn là rất nhiều người đã đến tham dự hội nghị này từ Belarus, từ Nga và từ chính xứ Ukraine. Lẽ tự nhiên, khi con đến từ một nước đang lắng nghe, thì việc thể nhập những bài truyền đọc này sẽ có tác dụng to lớn hơn trên tâm thức tập thể so với những người đã không sinh trưởng tại quốc gia đó. Con hãy nhìn nhận là con đã đóng góp một việc làm quan trọng, không những cho Ukraine mà chắc chắn còn cho Belarus và trong lâu dài cho cả nước Nga.

Có một điều thật rõ ràng, nước Nga sẽ không thể không thay đổi sau cuộc chiến này. Chuyện này sẽ tốn bao nhiêu thời gian và sẽ trải bày ra như thế nào thì hiện thời không ai tiên đoán được. Nhưng một điều là chắc chắn: nước Nga sẽ không bao giờ như trước nữa. Putin đã đi một bước không thể nào đảo ngược lại, với những hậu quả vượt ngoài tất cả những gì ông ta có thể tưởng tượng – cho dù, nói thật, ông đã không tưởng tượng nhiều lắm. Nước Nga sẽ thay đổi, không có nghi ngờ gì về điều này.

Và như vậy ta niêm con trong Ngọn lửa Tự do hân hoan nhất mà ta là. Có thể đối với nhiều người Ukraine ngay bây giờ, có vẻ như không có nhiều lý do để vui mừng – ta nhận ra điều này – nhưng ta vẫn gửi niềm vui đó vào tâm thức tập thể cho những ai có khả năng bắt lấy nó và nhận được phần nào sự an ủi trong tình cảnh hiện tại. Các con đều có tình yêu của ta mà ta ban ra vô lượng, và ta trao tình yêu này đến mọi người ở Belarus, ở Nga, ở Ukraine và tất nhiên là ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tình yêu của ta không giới hạn, con yêu dấu, nó không bị ràng buộc vào không gian lẫn thời gian, nó vô biên, nó tràn khắp mọi nơi. Ta chỉ có một mong muốn cho địa cầu là nhìn thấy Thời Hoàng kim thị hiện.

Ta niêm con trong Ngọn lửa Tự do hân hoan đó, vì TA LÀ Saint Germain, Trưởng giáo của Thời đại Bảo bình, Thượng sư của Tia thứ Bảy và Đại diện của Tự do cho trái đất.