Động đất ở Trung quốc có là quả báo cho việc chiếm đóng Tây Tạng?

Hỏi: Thưa thày Giê-su, nữ diễn viên người Mỹ Sharon Stone đã đưa ra nhận xét trong liên hoan điện ảnh Cannes rằng trận động đất xảy ra gần đây ở Trung quốc [năm 2010] có thể là quả báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với dân tộc Tây Tạng. Xin thày cho biết quan điểm của thày về việc này. Ngoài ra, tại sao lời tuyên bố của cô Sharon Stone lại gây ra quá nhiều tức giận và chế nhạo đến vậy?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Trước tiên, hãy để ta nói cho thật rõ: Để có thể có một sự xoay chuyển trong tâm thức tập thể thì điều tuyệt đối cần thiết là những ai ở một địa vị được công chúng lắng nghe phải có can đảm lên tiếng, phải can đảm đưa ra những nhận xét tạo xốc hầu mọi người có thể suy nghĩ vượt ra khỏi hộp tư duy hiện thời. Trong nhãn quan này, thật không mấy quan trọng nếu các lời tuyên bố có thể được xem là chính đáng và thận trọng hay không – cho dù chúng có thể xác thực theo một nghĩa tối hậu nào đó. Bởi vì mục đích của lời tuyên bố là để lay chuyển mọi người, lay chuyển những ai có tâm chưa hoàn toàn khép kín để họ suy nghĩ một cách mới mẻ về một vấn đề.

Cho nên ta phải khen ngợi Sharon Stone và một số diễn viên danh tiếng khác như Richard Gere và Harrison Ford, đã có can đảm hỗ trợ đức Đạt lai Lạt ma cùng chính nghĩa của người Tây Tạng, đến độ họ phải chịu thiệt hại trong sự nghiệp cùng thu nhập của họ. Thật là một thực tế đáng buồn trên hành tinh này khi những ai có điều gì quan trọng để nói lên thường khó lòng được giới truyền thông lắng nghe, trong khi một số nhân vật nổi tiếng khác lại được báo chí đăng tải rầm rộ những lời nói nông cạn nhất. Vì vậy thật vô cùng cần thiết và đáng khen khi có những người đã đạt được tư thế nổi danh lên tiếng về một chính nghĩa có thể đem lại sự thay đổi.

Bây giờ hãy để ta trả lời câu hỏi, liệu trận động đất gần đây có phải là quả báo cho cách chính quyền Trung quốc đối xử với người Tây Tạng hay không. Trước hết, Sharon Stone đã can đảm bày tỏ công khai ý tưởng rằng một thảm họa thiên nhiên quả thực có thể là hậu quả của hành vi con người – một ý tưởng rất dễ đoán trước là cô ta sẽ bị người ta chế nhạo tại phương Tây. Bởi vì như Mẹ Mary có giảng, nhân loại rất cần thức tỉnh nhìn ra sự thật là có một mối liên hệ giữa trạng thái tâm thức loài người và các tai họa “tự nhiên”.

Tất nhiên một quốc gia có thể phải nếm mùi thiên tai do hành vi của kẻ lãnh đạo quốc gia đó, như được thấy qua ví dụ trận bão Katrina ở Hoa Kỳ [năm 2005]. Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này, thật không chính xác khi bảo rằng trận động đất này là quả báo cho cách hành xử của Trung quốc chống lại Tây Tạng. Đây là một trường hợp mà cô Sharon Stone, mặc dù ý định của cô rất tốt, đã quá chú mục nhìn thế giới từ góc cạnh của cô và đặt dân tộc Tây Tạng ở ngay trung tâm cái nhìn đó.

Sự thật là trận động đất gần đây ở Trung quốc không phải là quả báo cho cách hành xử của chính quyền đối với dân tộc Tây Tạng mà đối với một tập thể khác – một tập thể thường bị phương Tây lãng quên khi nhìn vào Trung quốc. Và nếu con bị khó khăn không nhận diện ra tập thể này, thì điều đó càng chứng minh điểm ta muốn nói. 

Sự thật là trận động đất vừa rồi là nghiệp báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với chính dân tộc Trung quốc!

Hiển nhiên chính quyền Trung quốc đã đàn áp người dân Tây Tạng, nhưng chẳng phải là họ cũng đã đàn áp chính nhân dân họ ở cùng một mức độ hay sao? Liệu người dân Trung quốc không xứng đáng được thương xót và giúp đỡ một cách bình đẳng để họ tự do hay sao?

Nếu điều này đã rõ thì ta sẽ nhận xét thêm về câu hỏi, liệu có bất công hay không khi người dân Trung quốc phải hứng chịu hậu quả những hành vi của chính quyền họ – khi chính quyền này áp bức họ. Thực tế là ở mọi quốc gia, chính quyền là sự thể hiện của tâm thức quần chúng. Cho nên một nước không thể có chính quyền áp bức trừ khi trong tâm thức quần chúng cũng có một xu hướng phục tùng, không chịu lãnh trách nhiệm về cuộc sống của mình lẫn về đất nước của mình.

Do đó ngay cả ở các quốc gia độc tài nhất vẫn có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa kẻ cai trị áp bức và quần chúng chấp nhận áp bức. Chỉ khi nào có một túc số tới hạn những con người quyết định nhận lãnh trách nhiệm về vận mạng của mình – và họ vươn lên cao hơn cái tâm thức đã khiến cho kẻ áp bức nắm được chính quyền – thì mới có một sự xoay chuyển quyết định trong hình thức chính quyền.

Và chót hết, ta sẽ nhận xét thêm về lý do tại sao lời tuyên bố của Sharon Stone lại gây ra nhiều tức giận tại Trung quốc và nhiều chế nhạo tại phương Tây đến như vậy. Lý do thật giản dị là vì ở cả hai vùng này của thế giới, có một tỷ lệ rất cao đã được nuôi dạy trong triết lý duy vật, một triết lý phản tâm linh. Theo đó, con người có thể tránh né hậu quả việc làm của mình, hoặc hành động của một người không có hậu quả gì hết ngoại trừ những gì thấy được ngay lập tức.

Như thày Maitreya có giải thích trong sách của thày [Master Keys to Spiritual Freedom], việc phủ nhận hậu quả như vậy là sự biến thái tha hóa cùng cực của quyền tự quyết. Thượng đế đã cho phép địa cầu – do độ dày đặc của vật chất ở đây – trở thành một hành tinh nơi con người có thể phủ nhận sự hiện hữu của ngài, và qua đó cũng phủ nhận các định luật của ngài. Điều này là để cho phép những dòng sống nào muốn tách biệt khỏi Thượng đế có cơ hội làm như vậy, với hy vọng là rốt cuộc họ sẽ chán chê chuyện đó và quay trở về với thực tại.

Thế nhưng một số những người đó đã tự thuyết phục mình – và cũng đang nỗ lực thuyết phục mọi người khác trên địa cầu – rằng thật ra không có Thượng đế, cho nên họ mới có cái mà họ tưởng là tự do tối hậu, tức là tự do làm bất cứ gì họ muốn mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào. Tuy nhiên như thày Maitreya giải thích, nếu không có hậu quả thì cũng không có quyền tự quyết, bởi vì nếu chọn lựa của con không mang lại hậu quả thì kỳ thực con đã không chọn lựa gì hết.

Vì vậy thực tế trên địa cầu là sẽ có một thành phần trong quần chúng bác bỏ kịch liệt sự kiện hành vi của con người có thể đem lại hậu quả cho thân thể của hành tinh, hoặc hành tinh có thể đáp trả lại hành vi của con người qua các thiên tai. Những người đó sẽ chế nhạo một cách ác độc bất cứ ai lên tiếng phản đối thế giới quan ích kỷ và tương đối của họ, và họ càng ích kỷ bao nhiêu thì sự chế nhạo sẽ càng cuồng nhiệt bấy nhiêu. Bởi vì CHỈ CÓ lòng ích kỷ mới có thể khiến cho con người từ chối xét xem hành động hay trạng thái tâm thức của mình có thể đem lại hậu quả tác động đến những thành phần khác của sự sống. Tất nhiên, chỉ có lòng ích kỷ đã khiến cho các dòng sống đó muốn tách rời khỏi Thượng đế cùng Thân thể của ngài.

Nhưng những ai đã bắt đầu khắc phục được lòng ích kỷ của mình cũng đã bắt đầu nhìn ra là mọi người trên trái đất đều là một phần của cùng một tổng thể rộng lớn, cho nên họ đang vượt ra khỏi tâm thức của Cain để nhìn nhận rằng quả thực họ là người canh giữ cho anh em mình. Và do đó, thật là chính đáng để có một phong trào “Tây Tạng tự do”, nhưng cũng chính đáng không kém là có một phong trào “Trung quốc tự do”. Bởi vì nếu con có thể giải phóng dân tộc Trung quốc khỏi cái tâm thức áp bức-phục tùng kia, thì con có nghĩ là vấn đề Tây Tạng cũng sẽ được giải quyết cùng một lượt hay không?

Về khía cạnh này, điều vô cùng quan trọng là người tâm linh cần nâng cao cách hiểu của mình về nghiệp quả để vượt ra khỏi truyền thống xem nghiệp quả là sự trừng phạt. Nếu con có một quả bóng và cứ thổi thêm hơi vào quả bóng thì cuối cùng nó sẽ nổ tung, nhưng liệu quả bóng nổ có phải là sự trừng phạt của một Thượng đế tức giận hay không? Không. Kỳ thực nhân loại đang không ngừng đổ thêm năng lượng ở tần số thấp vào trường năng lượng của thân thể hành tinh, và một khi áp suất trở nên quá lớn thì một cái gì đó phải nổ tung để giải áp. Vì nếu áp suất không được giảm bớt một cách lần hồi qua các pháp tu tâm linh – ví dụ như các bài chú hay bài thỉnh của Mẹ Mary – thì nó sẽ bùng nổ dữ dội và nhiều người sẽ bị thiệt hại.

Và mặc dù người ta có chiều hướng chú tâm vào những thiệt hại cho con người, đây vẫn không phải là một sự trừng phạt. Đây chỉ là kết quả không thể tránh khỏi của hành vi con người. Và vì vậy nghiệp quả luôn luôn là một vị thày – nghiệp quả chỉ duy nhất là một vị thày. Nghiệp quả là một nỗ lực nhằm dạy dỗ con người rằng mọi hành động, kể cả những “hành động” tâm lý, đều mang hậu quả. Cho nên luôn luôn có sự mong mỏi là một khi con người nếm mùi hậu quả thì họ sẽ thức tỉnh, sẽ nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình và quyết định thay đổi.

Tất nhiên trong nhiều trường hợp, chính cái tâm thức đã khiến cho con người tạo nghiệp sẽ ngăn cản họ thấy được nghiệp báo như một bài học. Khi nào con người còn bịt tai không muốn nghe các vị thày tâm linh của mình, thì không còn cách nào khác để dạy cho họ ngoài việc cho phép họ gặt hái nghiệp báo – hết lần này tới lần khác cho đến khi họ bắt đầu tự hỏi: “Không hiểu có cách nào khác hay hơn chăng? Có phải chính tôi là người phải thay đổi? Đâu là cái xà trong mắt tôi mà tôi chưa nhìn thấy?”