Hỏi: Thưa thày Giê-su, thày có thể cho con sáng ngộ gì về bộ phim mới của Mel Gibson được phát hành năm 2004 “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su”? Liệu thày có xem phim này là một cản trở cho thông điệp của thày vì thày sẽ trở thành thần tượng cho hàng triệu người? Hay liệu phim này cần thiết để tăng cường cho thông điệp của thày? Đây có phải là một mô tả chính xác về sự Đóng đinh của thày hay không?
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.
Nếu ta được yêu cầu làm cố vấn cho một bộ phim về đời ta, điều đầu tiên ta sẽ làm là đổi tiêu đề từ “Khổ nạn” thành “Phục sinh”. Chắc chắn ta không hài lòng là đạo Cơ đốc chính thống đã đặt chú ý và trọng tâm quá đáng như vậy vào sự kiện ta bị đóng đinh, và do đó đã bỏ qua sự kiện quan trọng hơn rất nhiều là ta đã phục sinh.
Phải, ta đã bị đóng đinh và hành quyết. Tuy nhiên, hàng ngàn người khác cũng đã bị hành quyết tương tự như vậy mà hầu như chẳng có ai chú ý. Lý do là vì, tất nhiên, việc một người bị đóng đinh chẳng quan trọng gì trong lịch sử thế giới. Vậy tại sao lại xem trọng sự kiện ta bị đóng đinh? Nó thật chẳng quan trọng gì hơn việc đóng đinh một người nào khác bị hành quyết theo lối ác độc này. “Hễ các người đã làm chuyện này cho một kẻ hèn mọn này là anh em của ta, thì các người cũng đã làm cho chính ta” (Matthew 25:40). Cho nên khi con bỏ qua sự hành quyết ác độc đối với từng nấy người, thì con cũng bỏ qua nỗi khổ của họ, là chính nỗi khổ của ta.
Điều ta cố giúp mọi người nhìn ra ở đây là việc ta bị đóng đinh không quan trọng hơn, hay kém quan trọng hơn, hàng ngàn người khác bị đóng đinh. Trải nghiệm của ta chỉ khác hơn ở chỗ là ta đã được phục sinh sau khi bị đóng đinh và ta đã hiện ra trước mặt các tông đồ trong một cơ thể phục sinh. Điều này quan trọng vì khi được hiểu chính xác, nó chứng minh là mọi người đều có thể bước trên một con đường sẽ dẫn họ đến tâm thức Ki-tô. Và khi họ đạt đến tâm thức Ki-tô đó, họ có thể chiến thắng mọi thế lực của vũ trụ vật chất, kể cả chính cái chết.
Thông điệp chủ yếu của đời ta không phải là lời tuyên bố được nhắc đi nhắc lại là ta đã chết trên thập tự giá để trả thay cho tội lỗi loài người, mà thông điệp chủ yếu là mặc dù người ta đã giết chết thân thể vật lý của ta, họ đã không thể giết được ta vì ta là nhiều hơn cơ thể và ta có thể sống còn sau khi cơ thể qua đời. Đây quả thực là thông điệp đáng lý phải được “hô lớn từ mọi mái nhà” cũng như trên màn hình chiếu phim.
Mọi con người đều có tiềm năng bước theo chân ta và làm những công việc ta đã làm. Và chìa khóa để bước theo chân ta là áp dụng cùng một cách tiếp cận đối với tôn giáo mà ta đã chứng tỏ trong suốt đời mình, là đi muốt tiến trình biến hóa tâm thức mà ta đã trải nghiệm. Đó mới đúng là thông điệp chủ yếu của đạo Cơ đốc, và như ta đã từng nói, ta mong muốn mọi hình ảnh của Ki-tô bị đóng đinh được gỡ bỏ khỏi các nhà thờ Cơ đốc và được thay thế bằng hình ảnh của Ki-tô phục sinh.
Cho nên đúng vậy, bộ phim này có tiềm năng là một cản trở cho thông điệp mà ta muốn gửi ra trong thời đại này. Nếu phim này trở nên thịnh hành trong quần chúng, quả là nó có thể tăng cường cho sự trọng tâm quá mức dành cho việc ta bị đóng đinh và đau đớn trên thập tự giá, một trọng tâm đã được củng cố suốt 2000 năm qua. Ta đã có bình luận về chủ đề “Chúa hiến thân cho loài người” ở một nơi khác cho nên như vậy cũng đủ rồi.
Khi con xem một bộ phim, con rất nên chú ý đến mức độ năng lượng của mình trước và sau khi xem phim. Nếu con nhận thấy mức năng lượng giảm xuống, con có thể chắc chắn là phim đã hút cạn năng lượng tích cực của con. Đại đa số các nhà làm phim không nhận thức rõ về sản phẩm của mình, nhưng những loại phim như vậy luôn luôn bị tà lực ảnh hưởng vì tà lực dùng bộ phim để đánh cắp năng lượng tích cực của người xem. Điều này đặc biệt đúng với các loại phim gây sốc cho khán giả qua các hình ảnh khủng khiếp, tình dục hay bạo lực.
Ta nghĩ người xem phim “Cuộc Khổ nạn” nếu họ chú ý đến mức năng lượng của mình, sẽ nhận thấy họ bị rút cạn hết năng lượng sau khi xem phim. Lý do thật đơn giản. Phim này chú tâm quá đáng vào nỗi đau đớn của ta trước và trong khi bị đóng đinh. Nói thật, ta thà không có tín hữu Cơ đốc nào nhìn thấy những hình ảnh của một người bị đóng đinh với thân thể đầy máu được trình bày là Giê-su Ki-tô.
Đó thật không phải là một cách mô tả chính xác về cách hành quyết này. Hiển nhiên là có chút máu nhưng không nhiều lắm. Những hình ảnh như vậy chỉ nhằm tạo chấn động cho người xem khiến họ làm tha hóa năng lượng của Thượng đế, rồi năng lượng này bị bọn quỷ dữ, tà thể cùng các linh hồn không xác hút lấy, vì chúng sống còn nhờ năng lượng tha hóa. Thẳng thắn mà nói, các rạp chiếu phim thường là vùng sinh sôi cho những loại sinh thể thấp kém đó, đặc biệt những rạp chiếu các bộ phim kinh hoàng, phim khiêu dâm và phim bạo lực giết chóc. Ta lượng định phim này là một loại phim nửa chừng giữa phim bạo lực và phim kinh hoàng.
Cho nên, không, bộ phim này không phải là một mô tả xác thực về sự đóng đinh. Đương nhiên, việc ta bị xét xử công khai và bị đóng đinh không là một trải nghiệm thú vị gì. Chính vì vậy mà vào buổi tối trước đó, ta đã băn khoăn đến độ xin Thượng đế lấy chén khỏi tay ta. Dẫu sao thì khi ta quy phục Thượng đế qua những lời: “Dẫu vậy, xin ý Cha được thành, chứ không phải ý con,” (Luke 22:42) thì ta đạt được một trạng thái an bình nội tâm sẽ theo ta trong suốt trải nghiệm.
Con sẽ nhận thấy là những ai trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt tột cùng thường có một cảm giác bình an nội tâm với rất ít đau đớn, khó chịu. Các nhà khoa học giải thích sự kiện này là do các hóa chất trong bộ não tạo ra. Đúng là hóa chất có một vai trò nào đó, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là trạng thái an bình nội tâm của dòng sống. Chính sự an bình nội tâm giúp cho hóa chất được phóng thích, chứ không phải hoá chất chế tạo được sự an bình nội tâm. Cho nên ta ở trong một trạng thái an bình như vậy trong toàn bộ cuộc trải nghiệm, và vì vậy ta đã không đến nỗi bị đau đớn như nhiều tín hữu Cơ đốc tưởng tượng. Chắc chắn ta đã không đau đớn như được mô tả trong phim.
Trong thời gọi là Thời kỳ Tăm tối [khoảng từ năm 500 đến 1000 SCN], việc người ta đồng cảm với nỗi khổ của Ki-tô là một chuyện tự nhiên, vì đời sống của họ thật cùng khốn, đau khổ. Như ta có giải thích suốt trang mạng này, các chân sư thăng thiên luôn luôn cố gắng tiếp cận con người qua một thông điệp tâm linh có khả năng giúp họ vươn lên cao hơn, và để chạm được họ, các thày phải đến gần họ với một thông điệp phù hợp với trạng thái tâm thức của họ lúc đó. Nếu họ đang trải qua nhiều đau khổ và nếu họ thấy được một vị sáng lập tôn giáo cũng phải nếm đau khổ, thì điều này quả thực có thể giúp họ mở tim ra nhận lấy thông điệp tâm linh.
Đó là một cách phải chăng để con người mở tim ra với Ki-tô trong những thời kỳ họ phải chịu rất nhiều khổ đau. Tất nhiên trong thế giới ngày nay vẫn còn những người bị khổ suốt đời, và họ có thể được giúp qua việc nếm trải khổ nạn của ta trên thập tự giá. Nhưng dẫu sao, thông điệp chính yếu vẫn nên là: qua việc nỗ lực đạt tâm thức Ki-tô, con sẽ vượt qua đau khổ, sẽ thay đổi hoàn cảnh bên ngoài của con và đem lại vương quốc Thượng đế trên trái đất. Không bao giờ thông điệp của các chân sư là con người phải tiếp tục đau khổ cả đời mình rồi sau đó mới được hưởng vương quốc Thượng đế sau khi chết. Mục đích của các thày là chấm dứt đau khổ ngay trên trái đất và đem Nước Trời vào thế gian này.
Ta hoàn toàn thông cảm là trong thế giới hôm nay có nhiều người đã trải qua rất nhiều đau khổ, kể cả chính Mel Gibson. Rồi điều này khiến họ nhận diện chính họ trong ta, vì ta cũng đã đau khổ. Tuy nhiên, điều xảy ra cho nhiều người là đau khổ tạo ra những vết thương cảm xúc trong cỗ xe linh hồn. Cho nên nếu họ tập trung vào khổ nạn của ta trên thập tự giá mà không hiểu thông điệp rằng họ có khả năng vươn lên khỏi đau khổ, thì việc tham gia đạo Cơ đốc sẽ không giúp họ tăng triển tâm linh.
Trái lại, việc tham gia vào đạo Cơ đốc có thể làm thui chột sự tăng triển tâm linh của họ, khiến họ cảm thấy mình phải chịu khổ đau vì chính ta đã khổ đau. Thật là một cách suy luận méo mó xuyên tạc đến độ nó thách thức khả năng hiểu của ta. Vậy mà vẫn có những dòng sống bị thương tích quá nặng đến mức họ không chịu buông những vết thương đó ra. Họ bám lấy vết thương vì vết thương đã trở thành một phần trong ý niệm bản sắc của họ, và họ không thể tưởng tượng là họ có thể được chữa lành khỏi vết thương. Cho nên một cách nào đó, họ biến khổ nạn của ta trên thập tự giá cùng cái chết của ta do khổ nạn đó thành một lời biện minh là họ không được chữa lành vết thương và bước lên một tầng cao hơn. Thậm chí họ còn cố dùng tấm gương của ta để xúi giục người khác thương xót họ, thương xót nỗi đau của họ.
Như ta vừa nói, thông điệp ở trung tâm cuộc đời của ta là: Con không phải khổ đau. Khi con bước theo chân ta và để cho cái tâm ở trong Giê-su Ki-tô bước vào trong con, con có thể khắc phục đau khổ con người và đạt được an bình nội tâm. Thậm chí con có thể thay đổi cả những hoàn cảnh vỏ ngoài đã tạo vết thương trong con. Con nghĩ tại sao ta đã chữa lành người bệnh tật và vực người chết sống lại nếu không phải là để minh chứng tâm thức Ki-tô có quyền năng trên mọi điều kiện vật lý? Con nghĩ tại sao ta đã chứng tỏ là một người với tâm thức Ki-tô có thể chinh phục chính cái chết nếu không để minh chứng là mọi người đều có tiềm năng chinh phục cái chết?
Cho những ai đang đọc dòng chữ này, hãy để ta đưa ra một lời khuyên nhủ. Xin con đừng cảm thấy mình có nghĩa vụ đi xem phim này chỉ vì dường như đây là một bộ phim về Giê-su Ki-tô và con cảm thấy mình phải biết rõ ta đã phải khổ đến chừng nào vì con. Con tuyệt đối không có bổn phận đi xem một bộ phim trưng bày nỗi khổ mà ta không hề trải nghiệm, một bộ phim mô tả việc ta bị đóng đinh thật thiếu chính xác. Và như vậy ta cho phép con được tự do không có bất kỳ cảm giác nghĩa vụ nào mà con có thể có.
Ta làm vậy vì ta biết rõ nhiều tín hữu Cơ đốc sẽ cảm thấy mình có bổn phận phải xem phim này chỉ vì bộ phim nói về ta. Nhưng như ta đang cố giải thích, phim này thực sự không phải về ta. Phim này là về một hình ảnh sai lạc đã được đạo Cơ đốc truyền thống củng cố từ 2000 năm qua. Và những hình ảnh được trình chiếu suốt bộ phim không phát xuất từ một viễn quan chân chính mà từ sự hư cấu của những người mang một quan niệm mất cân bằng về đau khổ.
Ta cũng biết là nhiều vị lãnh đạo Cơ đốc, kể cả Tòa thánh Vatican, sẽ tuyên bố là phim này trình bày sự kiện đóng đinh đúng y như thực. Một số sẽ nói như vậy vì họ tin thật như thế. Một số sẽ nói như vậy vì họ nhìn thấy một cơ hội chính trị để quay sự chú ý của mọi người về cái họ tin là quan điểm đúng đắn duy nhất về Ki-tô, tức chính quan điểm của họ.
Ta buồn là Vatican đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với bộ phim, nhưng ta không ngạc nhiên. Rõ ràng, như đã được giải thích nơi khác, là Giáo hội Công giáo đã che khuất thông điệp đích thực của ta cho nên ta không ngạc nhiên khi chính đức Giáo hoàng cầm giữ một hình ảnh không thật về việc ta bị đóng đinh. Dù sao thì ta cũng không thấy được lý do tại sao người Công giáo phải có bổn phận đi xem phim này.
Ta không đang nói là con không nên xem phim, mà ta nói là con nên thoát ra khỏi mọi bó buộc phải xem phim. Con cần lắng nghe các sáng ngộ từ cái ta Ki-tô của con. Nếu con cảm thấy một sự thôi thúc nội tâm muốn xem phim, bằng mọi cách con hãy làm theo.
Tuy nhiên, ta rất khuyên con nên sử dụng các bài tập về sự bảo vệ tâm linh trước khi xem phim. Ta cũng rất khuyên con nên hình dung một quả cầu ánh sáng trắng tinh bao bọc con trong suốt thời gian xem phim, và con rất cẩn thận để không rơi vào những loại cảm xúc tiêu cực do xem phim.
Con hãy quan sát thật kỹ bộ phim làm thế nào để gia tăng tác động gây hết cơn sốc này đến cơn sốc khác cho đến khi người xem không còn khả năng giữ được tâm an bình nữa. Họ bị rơi vào một trạng thái chấn động lẫn chấn thương khiến họ mở toang ra với các thế lực muốn đánh cắp năng lượng của họ.
Con hãy dùng sự nhận biết của mình để tránh trở thành một nạn nhân cho sự thao túng tinh vi của phim này. Hãy tránh bị làm mồi cho mong muốn thương xót ta – vì nói cho cùng, dường như ta đang làm tất cả những chuyện này vì con – đến độ con bị đánh lừa và cảm thấy con phải mở tâm ra cho các hình ảnh hung bạo trong phim. Đây rõ ràng là một mưu toan lợi dụng tình yêu chân thực mà một số người có đối với ta, cùng ý thức bổn phận sai lạc mà nhiều người hơn nữa có đối với ta. Nó đánh lừa con để con mở tâm tiềm thức ra đón nhận thông điệp ẩn giấu bên dưới của bộ phim, và ta khuyên con chú ý đến thông điệp này. Con sẽ ngạc nhiên trước những tiết lộ mà cái ta Ki-tô của con có thể cho con nếu con lắng nghe nó với tâm cởi mở.
Ta không bảo là Mel Gibson đã làm việc này một cách ý thức. Ông chỉ đơn giản chạm vào mạch, và bị mắc bẫy, cái động lượng từ ngàn năm nhằm đưa ra một hình ảnh sai lạc về Ki-tô hầu ngăn cản mọi người bước theo gương của ta. Kết quả là bộ phim mang một thông điệp rất phá hoại. Đó là một thông điệp giả dối, và ta khuyên con nên coi chừng nó và tránh bị nó đánh bẫy.
Cho nên nếu con muốn coi phim này, con hãy xem đó như một trải nghiệm giáo dục. Con lắng nghe cái ta Ki-tô của con để học được bài học cụ thể mà cái ta Ki-tô muốn con học từ việc xem phim. Bài học này sẽ hơi khác đối với mỗi người.