Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Quan Âm qua trung gian Kim Michaels ngày 2/12/2018, nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.
TA LÀ chân sư thăng thiên Quan Âm, và như con cũng biết, thày là chân sư cầm giữ Ngọn lửa Từ bi cho trái đất. Con yêu dấu, từ bi là gì? À, có một cái nhìn thế gian về từ bi và có một cái nhìn thăng thiên về từ bi. Hiển nhiên mục đích của thày là cho con một sự thưởng thức, một trải nghiệm về cái nhìn thăng thiên. Trước tiên chúng ta hãy xem cái nhìn thế gian. Quá nhiều lần con đã chứng kiến một tình huống, chẳng hạn có kẻ xâm lược đến chiếm đóng một ngôi làng và họ sắp sửa sát hại một người, và người đó nói: “Xin ông thương tôi.” Thế thì lòng từ bi được coi là sự kiện con không giết người đó. Người ta xem đó là từ bi. Bây giờ thày là một chân sư thăng thiên sẽ nhìn lòng từ bi như thế nào?
13.1. Hình thức phi từ bi to lớn nhất
Vậy đâu là sự phi từ bi vĩ đại nhất, sự thiếu từ bi to lớn nhất trên một hành tinh phi tự nhiên như địa cầu? Đây là một điều mà hầu hết mọi người chưa bao giờ xét đến. Các con đây có thể hiểu được điều này vì các thày đã cho con tất cả bối cảnh – các thày đã cho con rồi đó – nhưng một người trung bình sẽ không có cả từ vựng để mà hiểu được. Các thày đã nói gì với con trong các lời dạy trao truyền kể từ quyển sách Các kiếp của tôi cùng quyển sách về chấn thương nhập đời? Các thày đã nói con là một sinh thể vô hình tướng. Con đã đi xuống một thế giới hình tướng. Con đã lấy nhiều quyết định và các quyết định này đã dẫn đến hậu quả vật lý. Trong trạng thái lý tưởng – con yêu dấu, con hãy nghe thật kỹ – trong trạng thái lý tưởng như một người đồng sáng tạo, ngay cả trên một hành tinh phi tự nhiên, con phải có thể đồng sáng tạo nhưng tạo vật của con không quy định được con.
Con tạo ra một cái gì có một độ bền bỉ nào đó trong thời gian lẫn không gian. Con tạo ra một cái gì sẽ kéo dài. Nó không chỉ xuất hiện một giây rồi biến mất. Nó tồn tại trong thời gian nhưng dẫu vậy, cho dù con đã tạo ra nó, nó đúng lý không quy định được con. Con đúng lý vẫn là một sinh thể vô hình tướng. Nhưng tất nhiên chuyện gì xảy ra trên trái đất? Thày không nói điều này để chê trách bất cứ ai mà thày chỉ trình bày sự việc xảy ra như thế nào trên một hành tinh phi tự nhiên. Việc xảy ra trên trái đất là khi con tạo ra điều gì có một độ bền bỉ nào đó, con bắt đầu tự nhận diện dựa theo cái con đã tạo ra. Điều cũng xảy ra là những người khác cũng bắt đầu nhận diện con dựa theo cái đó.
Tất nhiên toàn bộ vấn đề này khởi sự với sa nhân, chúng biết rất rõ là khi một avatar đi xuống địa cầu, con đi xuống tầng tâm thức thứ 48 cho nên con không có quả vị Ki-tô trọn vẹn. Vì vậy con sẽ lấy một số quyết định, con sẽ tạo ra một số điều không phải là cao nhất. Xong chúng lập ra chuẩn mực về đúng và sai, về toàn hảo và tồi tệ, để chúng có thể dễ dàng chê con là bất cứ gì con đồng sáng tạo cũng không đủ tốt, không toàn hảo và sai trái dựa theo tiêu chuẩn. Xong chúng hung hãn dùng lý cớ này để áp đặt lên con ý tưởng là chính bản thân con có gì không ổn. Nếu tạo vật của con dở thì có nghĩa là chính con cũng dở. Cho nên con dần dần bắt đầu phản ứng lại sự tấn công vô cùng hung dữ này bằng cách tạo ra những cái ngã tách biệt kia. Các ngã tách biệt đó là ngã phản ứng, chúng được tạo ra để đáp lại một điều kiện nhất định có sự bền bỉ trong thời gian và không gian. Con đã tạo ra một cái gì, rồi con bị chỉ trích hay nhục mạ vì cái đó. Và con phản ứng lại bằng cách tạo ra một cái ngã và ngã này cũng có sự bền bỉ. Khi con nhận chịu chấn thương nhập đời, như các thày đã có giảng, thế là bỗng nhiên mọi chuyện trở thành chuyện cá nhân, hay ít ra cuộc sống trên trái đất trở thành chuyện cá nhân đối với con. Con xem sự tấn công của sa nhân là một tấn công cá nhân nhắm vào con.
Vậy phi từ bi là gì? Thế nào là đối nghịch của từ bi? Đó là khi bất cứ ai, cho dù là con hay một người khác, cầm giữ trong tâm họ một hình ảnh cố định về con như một sinh thể vô hình tướng. Người đó lấy một hình ảnh có hình tướng, phóng chiếu lên con là một sinh thể vô hình tướng và nói: “Bạn là thế này này.” Họ làm đông đặc một hình ảnh của Dòng sông sự Sống. Họ lấy một hình chụp của Dòng sông sự Sống và nói: “Dòng sông như thế này này. Người ta có thể biết tất cả về dòng sông bằng cách nhìn vào tấm hình tĩnh vật này.” Đây là điều họ làm với con. Đây là điều chính con làm với con. Đây là phi từ bi. Cho nên từ bi là gì chứ? Là khi con nhận biết có một hình ảnh cố định về một sinh thể vô hình tướng, cho dù là con hay một người khác, xong con chỉ đơn giản nhả ra cho nó đi. Như Chân sư MORE đã mô tả, khi con nhìn một hình ảnh về một sự việc trong quá khứ, con có thể buông nó ra, con có thể gạt bay nó đi, con có thể từ bỏ nó, rũ bỏ nó. Đấy là từ bi.
13.2. Những đệ tử của chân sư bị kẹt lại
Về điểm này, chúng ta hãy lấy một hướng hơi khác và bàn về các đệ tử của chân sư thăng thiên. Có những người đã đến với giáo lý của chân sư, và khi họ tìm thấy giáo lý, tất nhiên là họ ở một tầng tâm thức nào đó – chuyện này không thể tránh được như con cũng hiểu. Họ có một tâm lý nào đó, họ có một số ngã tách biệt và họ đến với giáo lý của chân sư xuyên qua tầng tâm thức của họ vào lúc đó. Không ai đã làm gì khác hơn. Không có gì sai trái và cũng không có trách móc vì chuyện này đơn giản không thể tránh được. Con tìm thấy giáo lý ở một thời điểm, con nhìn giáo lý theo một cách nào đó, qua tâm thức con đang có và các ngã tách biệt con đang có.
Việc xảy ra cho một số đệ tử của chân sư thăng thiên – không phải tất cả, cũng không phải đa số, nhưng một số – là họ hình thành một quan điểm và một niềm tin rất mạnh mẽ về các thày, về giáo lý của các thày và về chính họ như một đệ tử. Họ làm vậy vì họ có một ngã tách biệt với một nhu cầu nhất định. Có thể là nhu cầu cảm thấy mình tốt đủ, mình không đến nỗi tệ, hay có thể một nhu cầu cảm thấy mình cao trội. Đặc biệt có một nhóm đệ tử có nhu cầu cảm thấy cao trội hơn người hay không chê vào đâu được, rằng mình hiểu biết những chuyện mà người khác không hiểu nổi. Khi họ tìm thấy giáo lý, họ dựng lên một hình ảnh về họ là đệ tử cao cấp, nhưng đó là một ngã tách biệt đang tạo dựng và cầm giữ hình ảnh này.
Bây giờ vấn đề là: Liệu các đệ tử này sau khi học và áp dụng giáo lý được một thời gian, có thể nào khắc phục ngã tách biệt đó hay không? Một số sẽ có thể, và như vậy họ sẽ bước tới và tăng triển. Còn một số khác, con yêu dấu, sẽ không thể hay không muốn, cho nên mặc dù họ đã học và áp dụng giáo lý và đã có tiến bộ trong những cách khác, thì trong họ vẫn còn cái ngã ban đầu đã khiến họ hình thành cái nhìn kia về bản thân và về giáo lý. Ngã này, họ chưa đụng đến. Cho dù họ đã học và áp dụng giáo lý hàng 30, 40 năm, có những đệ tử vẫn chưa đụng đến cái ngã tách biệt ban đầu này. Họ chưa bắt đầu nhìn ra đó là một ngã tách biệt. Họ tin chắc rằng cách họ nhìn các chân sư, con đường tâm linh cùng bản thân họ là cái nhìn tối hậu. Họ không cần thay đổi cái nhìn này.
Các thày có thể làm gì với những đệ tử như vậy? Theo một nghĩa nào đó, các thày không làm gì cả vì các thày không thể chạm được họ. Điều các thày làm là nói: “Bây giờ đã đến lúc đưa ra một tầng cấp giáo lý cao hơn, vì có một số tới hạn những đệ tử đã sẵn sàng nhận được.” Điều thường xảy ra sau đó là đối với những đệ tử xem mình là cao cấp, cái nhìn nguyên thủy của họ về các chân sư, về giáo lý và về chính họ sẽ bị giáo lý mới thách thức. Một số giờ đây có thể thấy được điều này, họ thấy là cái nhìn cố hữu của họ chỉ xuất phát từ một ngã tách biệt và họ có thể buông nó ra. Nhưng một số khác không sẵn lòng làm vậy, họ không sẵn lòng chất vấn hình ảnh mình là đệ tử cao trội, mình nắm chắc đường tu trong tay, mình biết rõ đường tu là gì và một đệ tử phải như thế nào. Trong nhiều trường hợp, những người này sẽ bác bỏ giáo lý mới. Rất nhiều lần trong quá khứ, các thày đã đỡ đầu một tổ chức trong một thời gian, xong đã rút lại sự đỡ đầu và ngừng trao thêm tiết lộ tuần tự cho phong trào đó. Khi các thày khởi sự một phong trào mới, một số đệ tử của phong trào cũ đã đi theo, nhưng những ai tự xem mình là giỏi giang và cao cấp nhất thì lại không theo, vì phong trào mới hơi khác lạ cho nên nó thách thức cái nhìn của họ về đường tu.
Điều này tất nhiên có thể xảy ra ngay cả trong một tổ chức như vừa xảy ra gần đây cho một số người khi các thày ban truyền giáo lý mới về ngã gốc và ngã tách biệt cùng quyển sách Các kiếp của tôi. Tại sao thày lại đề cập đến chuyện này? À, bởi vì các đệ tử đó chính là một ví dụ về sự phi từ bi. Họ đã không neo chặt vào Ngọn lửa Từ bi. Nếu con thực sự nắm bắt được từ bi là gì, con sẽ nhận ra con đường tâm linh, con Đường Quả vị Ki-tô, là một tiến trình đi qua mấy giai đọan. Khi con từ bi với bản thân và với người khác, con nhận ra là những gì áp dụng cho một giai đoạn chỉ được trao truyền để đưa con đến một tầng nào đó của đường tu. Khi con đạt đến tầng này, thách thức của con là bước lên một tầng cấp mới, và như các thày đã giảng, con không thể vươn lên tầng mới bằng cách tiếp tục làm giống như tầng cũ.
13.3. Từ bi với chính mình
Con đang ở một tầng nào đó trên đường tu. Những gì con đã làm để đạt đến điểm này hoàn toàn có giá trị, nhưng những gì đã đưa con đến đây không thể đưa con đi xa hơn. Nếu con không có lòng từ bi, con sẽ có xu hướng bám giữ một cái nhìn cố định về đường tu, về các chân sư, về chính con. Con sẽ thấy là rất rất nhiều đệ tử suốt các thời đại đã nhìn vào một đợt truyền pháp mới và tìm thấy một điểm nào đó mà họ có thể chỉ ngón tay: “Ồ, chân sư sẽ không bao giờ nói điều này. Chân sư sẽ không bao giờ diễn đạt theo kiểu đó, chân sư sẽ không bao giờ nói về các đề tài đó,” toàn những chuyện như vậy. Đây thật sự là một biểu hiện của lòng phi từ bi.
Nhưng liệu thày có nói điều này vì thày muốn mọi người đầu thai có lòng từ bi với các chân sư thăng thiên? Dĩ nhiên là không! Thày không cần đến lòng từ bi của con. Chính con mới cần đến lòng từ bi của con, vì các đệ tử kia làm gì chứ? Họ đang giam họ lại trong một hình ảnh cố định về chính họ. Cho nên họ không đang từ bi với chính họ. Hơn nữa, họ cũng thường không từ bi với các đệ tử khác. Họ trở nên rất xét đoán với các đệ tử đã bước đi tiếp, chẳng hạn. Có lẽ họ sẽ cố thuyết phục, hay hù doạ để các đệ tử này không nên bước đi tiếp, bằng đủ loại mưu chước dọa dẫm rằng giáo lý mới là sai lầm, là giả trá, là không phải chân sư và vân vân.
Ở đây có một tư duy vô cùng cứng nhắc len lỏi vào, và sự cứng nhắc này trong tư duy thiếu hẳn lòng từ bi. Con thử nhìn các tín đồ Cơ đốc cực chính thống mà xem, họ mang tư duy rất cứng nhắc rằng Kinh thánh là lời của Thượng đế và họ không cần gì khác hơn để được cứu rỗi. Đây là một biểu hiện khá cùng cực của lòng phi từ bi. Thày biết là hầu hết mọi người chưa bao giờ nhìn vấn đề này theo cách đó, nhưng đây là sự thật. Họ hoàn toàn thiếu từ bi đối với chính họ và những ai họ phán xét.
Con đây, con là đệ tử của chân sư thăng thiên thì hiển nhiên con có khả năng bước lên cao hơn vậy. Con đã mở tâm ra với giáo lý của các thày về ngã gốc, chấn thương nhập đời và tất cả các ngã tách biệt kia, thì con có thể dùng điều này để nói: “Con sẽ cần kinh qua những gì ở đây?” Thày vừa đề cập đến các đệ tử kia như một ví dụ mà thôi. Con không cần dính mắc chuyện đó, con không cần cố thuyết phục họ chút nào, mà con chỉ cần nhìn vào bản thân và nói: “Liệu tôi có mang một yếu tố phi từ bi nào đối với chính mình, hay thậm chí đối với cái nhìn của mình về người khác? Liệu tôi có xu hướng bám giữ một hình ảnh cố định về bản thân, về đường tu hay về các chân sư?” Giê-su đã giảng về cách vận hành của con trong liên hệ với các thày, nhưng quan trọng hơn, con cần hỏi: “Tôi nhìn chính tôi như thế nào?”
Điều thày muốn dẫn con đến là sự công nhận rằng đường tu tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, có những giai đoạn riêng biệt, những thời kỳ riêng biệt. Có nghĩa là con, như một đệ tử của chân sư thăng thiên, không thể cho phép mình cầm giữ hình ảnh trong tâm rằng: “Tôi đã nắm được căn bản của đường tu. Nó bảo tôi phải làm thế này thì tôi cứ việc làm tiếp như thế cho đến hết kiếp và tôi sẽ tiến bộ tối đa.” Nhưng đơn giản là không phải vậy. Sẽ tới một điểm khi những gì con đã từng làm cho đến giờ sẽ không đưa con vào giai đoạn kế tiếp. Cho nên con cần đủ linh hoạt uyển chuyển để sẵn lòng buông bỏ hình ảnh đó về người đệ tử và về đường tu, và con nói: “Tôi thực sự cần gì để tăng triển lên giai đoạn kế tiếp?”
Con thấy đó, con yêu dấu, có những đệ tử sẽ nhìn vào bất cứ gì mới mà các thày truyền dạy và xét đoán nó trên căn bản các lời dạy trước đó. Chẳng hạn có những đệ tử sẽ nhìn vào một đợt truyền pháp mới, so sánh với giáo lý của đợt truyền pháp trước và bảo: “Ồ cái mới này không thể nào đúng được vì nó mâu thuẫn hay nó đi xa hơn cái cũ.” Con yêu dấu, con tỉnh giấc đi nhé! Sẽ ích lợi gì mà khởi sự một đợt truyền pháp mới nếu nó không đưa ra được gì vượt khỏi cái cũ? Con hãy nhận rõ là xu hướng này có mặt.
13.4. Những cái bẫy để đánh bẫy đệ tử tâm linh
Điểm này cho phép thày dẫn con đến một chủ đề mà thày thật muốn nói đến, đó là khi con bắt đầu giáp mặt với những vấn đề sâu thẳm của chấn thương nhập đời, của ngã gốc – cùng các ngã tách biệt kia mà con đã tạo ra ngay ở đầu thời gian sinh sống trên trái đất – con cần nhìn ra là sa nhân đã rất khéo léo gài bẫy các đệ tử tâm linh, đặc biệt là avatar. Chúng nghĩ: “Làm thế nào chúng ta có thể đánh bẫy khiến cho một avatar bám giữ một hình ảnh về chính họ sẽ ngăn cản họ thể hiện quả vị Ki-tô?” Và chúng đã tạo ra cái gần như có thể gọi là những cỗ máy nhằm mục đích đánh bẫy con người, không chỉ các avatar nhưng chủ yếu là avatar vì avatar là mối đe dọa lớn nhất cho sa nhân.
Tới một giai đoạn khi thỉnh thoảng con phải có biện pháp để khắc phục một ngã tách biệt nào đó, có vẻ như biện pháp con phải lấy rất khác với cách nhìn cố hữu của con về đường tu. Có vẻ như biện pháp này gần như cách mạng so với những gì con đã làm trước đó. Và điểm này dẫn thày đến chủ đề làm thế nào con có thể thoát khỏi những lỗi lầm mà con nghĩ con đã phạm phải trong quá khứ. Nếu con đã đến đây như một avatar – thật không thành vấn đề nếu con đã hứng chịu cùng loại chấn thương được mô tả trong sách Các kiếp của tôi hay không, vì một số trong các con đã sống qua những hoàn cảnh khác – nhưng tất cả các con trong tư cách là avatar đều đã có một thời điểm cảm thấy mình sai lầm khi mình đến hành tinh này. Điều này dựa trên trải nghiệm là tất cả những gì con làm hay đem lại, theo cách diễn đạt của Nada, đều đã bị sa nhân “đập dí xuống” và quy ghép là sai lầm. Bất cứ gì con làm đều không ổn, và chính con cũng không ổn. Nếu bất cứ gì con làm đều sai trái thì bản thân con phải sai trái. Đây là khẩu hiệu của sa nhân.
Con yêu dấu, con phải làm gì để khắc phục ngã tách biệt này? Đây là khi con cần linh hoạt uyển chuyển. Lẽ tự nhiên, các thày đã dạy là con cần nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình, về đường tu của mình, về sự phát triển của mình, vân vân. Điều thày sắp nói tiếp theo đây sẽ có vẻ đi ngược lại lời dạy đó từ một nhãn quan đường thẳng.
13.5. Hãy ngừng nhận trách nhiệm về bất cứ gì
Thật ra bây giờ thày bảo con cần ngừng nhận trách nhiệm về bất cứ việc gì con đã từng làm trên trái đất. Tại sao thày lại nói vậy? Con yêu dấu, bởi vì sa nhân đã khuynh đảo để con tạo ra một ngã tách biệt khiến con cảm thấy chính con đã làm gì sai trái. Nhưng các thày đã dạy con điều gì?
Con là ai chứ? Con là cái Ta Biết. Con là một sinh thể vô hình tướng. Con có quyền đi xuống địa cầu. Con khoác vào hình tướng của bốn thể phàm của con, con đi xuống tầng tâm thức thứ 48. Con hành xử dựa trên tầng này, con nhận được hồi đáp, xong trong kịch bản lý tưởng con tăng triển lên tầng 49. Con tăng triển lên tầng 50 và cứ như vậy con tăng triển cho đến khi con lại nhận biết: “Tôi là một sinh thể vô hình tướng. Hình tướng không quy định được tôi.” Đây là tiến trình các thày đã gọi là sự trầm mình và sự thức tỉnh. Điều sa nhân đã thành công làm được đối với nhiều các con là chúng đã cưỡng bức con tạo ra cái ngã tách biệt giờ đây cầm giữ một hình ảnh cố định về chính con – rằng con không phải là một sinh thể vô hình tướng mà là một sinh thể mang một hình tướng đặc thù, và hình tướng này thì sai trái dựa theo một tiêu chuẩn nào đó. Đối với nhiều các con, ngã này đã có mặt ngay từ kiếp hiện thân đầu tiên hay một trong những kiếp đầu tiên sau khi con đến trái đất. Ngã này con đã kéo lê theo con suốt một thời gian rất rất dài, và ngã này là một trong những yếu tố chủ yếu ngăn con vươn lên một tầng mức quả vị Ki-tô nào đó. Con không thể vươn lên quá mức này trên đường tu chừng nào con còn kéo lê nó theo con.
Con phải làm gì để khắc phục ngã này? À, đây là điều thày đề nghị con cân nhắc: Tại sao con đã làm bất cứ gì trên trái đất? Khi con đi xuống tầng 48, các thày có giảng là con khoác vào tất cả những ảo tưởng kia giống như những tấm màn mà con trùm vào. Con nhìn cuộc sống xuyên qua những tấm màn này đang bóp méo và tô màu tầm nhìn của con. Tại sao con làm điều con đã làm? Có phải là con, cái Ta Biết xem mình như một sinh thể vô hình tướng, làm những điều con đã làm? Không đâu! Con, cái Ta Biết làm những gì con đã làm không phải trong nhãn quan mình là một sinh thể vô hình tướng, mà trong nhãn quan mình là một sinh thể có hình tướng dựa trên các ảo tưởng con đã khoác vào. Đó có thực là con, có là con người thực của con, có là sinh thể vô hình tướng, hay đó là một ngã tách biệt con đã tạo ra để đi xuống cõi hiện thân vật lý?
Con có thấy ý thày muốn nói ở đây chăng? Các thày có giảng là con nhận chịu chấn thương nhập đời và sau đó con tạo ra ngã gốc, nhưng ngay cả để đi xuống tầng 48 và hiện thân, con đã phải tạo ra những ngã tách biệt đó, cái cỗ xe linh hồn đó, bốn thể phàm đó của con, đặc biệt là ba thể cao của con. Điều thày cố giúp con nhìn ra ở đây là sẽ tới một điểm trên đường tu tâm linh con cần đương đầu với vấn đề này.
Tất nhiên là con không thể làm vậy ở những tầng thấp hơn. Một đệ tử mới của chân sư thăng thiên không thể sẵn sàng nhận giáo lý này trừ khi con đã được chuẩn bị trong các kiếp trước. Hầu hết mọi người sẽ không sẵn sàng cho giáo lý này trong một khoảng thời gian, nhưng sẽ tới một điểm con phải bắt đầu suy nghiệm và nhận ra: “Nếu tôi thực là cái Ta Biết, nếu tôi thực là một sinh thể vô hình tướng, thì tôi không phải là bất kỳ ngã tách biệt nào của tôi. Tôi đã chỉ đồng hóa là ngã tách biệt mà thôi, vì tôi đã chui vào trong ngã và nhìn xuyên qua phin lọc đó. Giờ đây tôi bắt đầu cảm nhận mình là một sinh thể vô hình tướng thì đã đến lúc tôi bước lui lại và nói: “Phải, tôi đã hành động khi tôi mới đến địa cầu. Tôi đã hành xử hoàn toàn trong sáng với ý định tốt đẹp nhất để giúp đỡ người khác. Tôi đã bị những cú giáng tàn bạo của sa nhân và tôi đã phản ứng bằng cách tạo ra ngã tách biệt này, nó cảm thấy là tôi sai trái hay đã sai lầm khi đến hành tinh này, hay cho dù tôi tự biểu hiện thế nào trên hành tinh này thì điều đó cũng sai lầm! Chính tôi đã thiết kế ngã này, và sau khi tôi tạo ra nó, tôi đã bắt đầu lấy quyết định xuyên qua nó.”
Đây là điều mà Mẹ Mary đã phần nào gọi là những quyết định tránh né. Người ta đã cho con cảm tưởng là con sai lầm khi con biểu đạt con người thực của con. Và con quyết định: “Tôi không thể biểu hiện con người thực của tôi,” cho nên con đã bắt đầu lấy tất cả những quyết định kia để tránh bị sai lầm thêm một lần nữa. Giống như thể mục đích toàn bộ của con – hay ít ra mục đích toàn bộ của ngã này – là mình sẽ không sai lầm nữa, cho nên con đã dựa vào đó để quyết định. Vậy con có thể tự nhủ: “Phải, tôi đã làm một chuyện sai lầm .” Đó có thể là chuyện gì trong kiếp này, hay nếu con nhận ra đó là một chuyện trong tiền kiếp, con nói: “Phải, tôi đã làm chuyện đó. Từ một góc cạnh thường tình thì tôi đã làm chuyện đó, nhưng từ một nhãn quan cao hơn, có thực là tôi đã làm hay không? Có phải là tôi, sinh thể vô hình tướng, đã làm chuyện này hay kỳ thực là một ngã tách biệt đã quyết định làm vậy? Ai đã làm, tôi hay ngã tách biệt?”
Khi con bắt đầu suy ngẫm, hay dù con chỉ đặt ra câu hỏi như vậy, thì con cũng bắt đầu tách mình ra khỏi ngã tách biệt đó. Con tách cái Ta của con ra khỏi ngã tách biệt. Sau khi con làm vậy, con có thể ngộ ra: “Tôi không là ngã tách biệt đó, tôi là nhiều hơn, tôi là một sinh thể vô hình tướng.” Con có thể chợt thoáng trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết này, là cảm nhận mình đang ý thức nhưng mình không ý thức về chính mình như một sinh thể đặc thù hay về một tình huống đặc thù. Xong con ngộ ra: “Tôi không phải là ngã tách biệt. Ừ nhỉ, nếu tôi không là ngã tách biệt thì đương nhiên tôi cũng không làm những gì ngã tách biệt đã làm.” Nếu chính con không làm những gì ngã tách biệt đã làm thì tại sao con lại cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm? Tại sao con phải cảm thấy là mình trách nhiệm chuyện đó?
13.6. Con có thể gỡ bỏ những gì mình đã làm không?
Con thấy không, điều sa nhân muốn con cảm thấy là con đã phạm phải lỗi lầm khủng khiếp kia trong quá khứ và điều này chứng tỏ là con xấu xa. Con sẽ xấu xa mãi mãi, xấu xa vĩnh viễn vì con sẽ không bao giờ vượt qua được. Con sẽ không bao giờ tháo gỡ được những gì con đã làm trong quá khứ. Điều này chứng tỏ là con xấu và con sẽ xấu mãi mãi do con không thể vượt qua được. Con không thể gỡ bỏ những gì mình đã làm trong quá khứ.
Cũng đúng là từ một góc độ nào đó, con không thể thay đổi sự kiện là việc đó đã xảy ra. Tất nhiên, con có thể dùng dụng cụ các thày đã trao truyền để khắc phục ký ức, vân vân. Thày sẽ cho con ở đây thêm một dụng cụ nữa, là con nói với ác quỷ: “Được rồi ác quỷ, mi bảo là việc đó đã xảy ra và không thể được tháo gỡ. Tại sao mi lại nói điều này với ta? Ta có làm chuyện đó đâu. Đó là ngã tách biệt, nhưng ngã này không phải là ta. Phải, mi nói đúng, ác quỷ, ta đã tạo ra ngã tách biệt này. Ta nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt này. Mi có biết điều tuyệt diệu là gì không, ác quỷ? Cái gì ta đã tạo ra thì ta có thể giải thể. Mi không có quyền năng gì trên ngã tách biệt này. Hay đúng hơn, có thể mi có khả năng thao túng ngã tách biệt nhưng mi đã không đã tạo ra nó và mi không thể giải thể nó – nhưng ta đây có khả năng giải thể nó. Ta có khả năng để nó chết đi, và mi biết gì không? Ta đang để nó chết đi ngay bây giờ, và bây giờ nó không còn nữa. Vậy tại sao mi lại đến phiền ta? Mi hãy đi chỗ khác, hãy tìm ai khác mà làm phiền, một ai khác vẫn còn ngã tách biệt. Hãy lui ra sau ta, Satan.”
Con thấy đó, có một giai đoạn trên đường tu tâm linh khi con cần nhận trách nhiệm về bản thân, con cần đọc chú đọc thỉnh để biến hóa năng lượng, con cần làm việc trên tâm lý của con và điều này điều nọ. Thế rồi đến một điểm con sẽ cần bước lui lại, nhìn từ một góc độ khác và nói: “Bây giờ thật ra tôi cần ngừng nhận trách nhiệm.” Con vẫn là người trách nhiệm ở chỗ con nhận trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt và con cũng nhận trách nhiệm về việc để cho nó chết. Nhưng con yêu dấu, khi con để cho ngã tách biệt chết rồi, con không còn trách nhiệm gì về hành vi của nó hay xuyên qua nó nữa. Đây là điểm con cần hòa điệu với Ngọn lửa Từ bi đích thực và ngộ ra: “Tôi cần từ bi với chính tôi. Tôi cần tha thứ mình hoàn toàn và vô điều kiện về những việc tôi đã làm trong quá khứ, thậm chí cho đến độ tất cả mọi việc tôi đã làm trong quá khứ không còn quan trọng gì nữa.” Khi con nhận ra là nó không quan trọng gì nữa, con có thể làm điều Chân sư MORE đã chỉ dạy: Con có thể xóa hẳn hình ảnh là mình đã làm việc đó, cho nên ngay cả ký ức về nó cũng không còn.
Con có thể sẽ khó xóa bỏ hình ảnh cho tới khi con đã tự tha thứ mình, đã hòa điệu với Ngọn lửa Từ bi, đã sử dụng Ngọn lửa Từ bi để tẩy xóa cảm nhận tội lỗi, xấu hổ, tủi thẹn,… bất kể đó là gì. Ngọn lửa Từ bi mà thày cầm giữ là cục tẩy cho các loại cảm xúc đó. Con có thể thỉnh nó qua nhiều cách: qua bài thỉnh, ngay cả câu thần chú Om Mani Padme Hum và nhiều cách nữa để hoà nhập vào Bản thể của thày. Điều cần thiết là con phải hoàn toàn tự tha thứ chính mình và nói: “Tôi đã không làm chuyện đó. Tôi là một sinh thể vô hình tướng và tôi đã không làm chuyện đó!” Thế là con tự do.
13.7. Tự giải thoát bằng cách tha thứ tất cả những ai đã làm hại con
Điều này, tất nhiên, mới chỉ là một mặt của đồng tiền của sự tự do. Bây giờ con cần nắm lấy những gì con đã nhập tâm về bản thân mình và áp dụng vào người khác. Có ai đó đã làm con thương tổn, thậm chí ở cùng cực có sa nhân đã gây chấn thương nhập đời cho con. Chúng đã làm một điều gì đó tuyệt đối khủng khiếp, tuyệt đối hung hãn và tàn khốc. Nhưng này, tại sao con làm chuyện con đã làm chứ? À đúng vậy, con hành động xuyên qua một ngã tách biệt, con bị mù quáng bởi ngã tách biệt. Tại sao sa nhân làm chuyện chúng đã làm? Đúng vậy, chúng cũng đang hành động xuyên qua một ngã tách biệt. Ác quỷ là gì? Nó có là thần thánh gì không? Không đâu, nó là một tập hợp những ngã tách biệt. Ở đâu đó – trong con người của Satan hay của Lucifer, bất kể – có một cái Ta Biết không còn nhận biết gì về sự hiện hữu của nó, vì nó đã bị hoàn toàn chiếm lãnh và đồng hóa bởi tất cả những ngã tách biệt vô cùng hung hãn, vô cùng tiêu cực kia. Nhưng chúng vẫn là ngã tách biệt, chúng không có thực tại lâu dài nào cả, chúng không bao giờ có thể thăng thiên và trở nên thường hằng. Chúng vô thường. Và chúng sẽ bị tẩy xóa ở một thời điểm nào đó, nếu không trước khi bầu cõi thăng thiên thì chắc chắn vào lúc bầu cõi thăng thiên. Con không cần tha thứ cho một ngã tách biệt vì nói cho cùng, nó không thực, nhưng điều con cần làm là tha thứ cho tất cả những ai đã làm hại con.
Con cần có lòng từ bi với họ, và điều này con có thể thực hành dễ nhất với những người con quen biết trong kiếp hiện thân này, chẳng hạn như người thân trong gia đình, vợ chồng, hay cả vợ cũ, chồng cũ. Con chỉ cần đạt tới điểm nhận ra là dù họ có đã làm gì con, không phải cái Ta Biết trong con người họ đã làm điều đó mà là một ngã tách biệt. Cho nên con có thể tha thứ, con có thể từ bi với họ bằng cách không cầm giữ hình ảnh họ là ngã tách biệt, họ hành xử giống như ngã tách biệt đã hành xử với con. Con có thể tránh phản ứng: “Bạn là con người như vậy, bạn là loại người như thế.” Con có thể tránh được điều đó. Con có thể tẩy xóa nó đi. Con có thể đạt tới điểm tha thứ những ai đã làm hại con. Khi con làm được vậy, không cứ là con đã giải phóng cho họ, vì khi con tha thứ thì họ vẫn bị tô màu bởi ngã tách biệt cho nên họ vẫn không được giải thoát. Vậy ai sẽ được giải thoát khi con tha thứ? À, chính con đó. Con được giải phóng vì chừng nào con còn cầm giữ một hình ảnh nhất định về một người thì, thật vậy, làm sao con tự do cho được?
Làm thế nào con cầm giữ được một hình ảnh mang hình tướng về một người khác? Chỉ khi nào con có một cái ngã hữu hình đang cầm giữ hình ảnh này. Trong tư cách cái Ta Biết, con không thể cầm giữ một hình ảnh đặc thù về một người khác. Nếu con thực sự ở trong cái Ta Biết và không có ngã tách biệt nào – như khi con sẽ đạt được ở tầng tâm thức 144, hay ít ra khi con tiến đến gần đó và ngày càng có ít ngã tách biệt – con sẽ không nhìn người khác theo một cách nhất định. Con không mang một hình ảnh hay một ấn tượng định sẵn về con người của họ. Giống như thể con thức dậy buổi sáng, nhìn sang phía chồng con hay vợ con ở bên kia giường và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi: “Ủa, người này là ai vậy? Sao tôi không quen?” Con không mang theo con bất kỳ hình ảnh định sẵn nào. Giống như người ta nói, con sống trong hiện tại, theo nghĩa là mỗi hiện tại đều là một khoảnh khắc mới. Con không đòi hỏi người đó phải thỏa mãn một hình ảnh nhất định. Con không đổ lỗi cho họ về những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Con gặp họ mỗi lần như một người mới vì con cho phép chính mình là một người mới mỗi ngày.
Cho dù con không có người bạn đời thì khi con đạt đến các tầng tâm thức cao hơn, con cũng thức dậy buổi sáng, nhìn vào gương và nói: “Người này là ai vậy?” Con tự do khi con hỏi: “Hôm nay tôi muốn là ai đây?” Hầu hết mọi người không có tự do nói được như vậy vì họ thức dậy với một khuôn nếp đem theo từ tối hôm trước và khuôn nếp này bảo: “Đây là con người bạn sẽ phải là hôm nay! Bạn phải là đúng như thế này.” Khi con lên đến các tầng cao hơn, con càng ngày càng có nhiều tự do hơn, và lẽ tự nhiên, khía cạnh omega là con cũng trao tự do cho người khác. Có thể con biết là người ta sẽ hành xử giống như mọi ngày và không thay đổi gì hết, nhưng con không quan tâm đến điều này nữa. Con chỉ giải phóng họ, qua đó con cũng giải phóng chính con. Con nói: “Bạn có quyền hành xử giống như bạn đã hành xử hôm qua, nhưng tôi sẽ không phản ứng giống như tôi đã phản ứng hôm qua. Tôi sẽ không hành xử theo cách bạn chờ đợi tôi hành xử. Tôi sẽ hoàn toàn tự do khi tôi chọn: Hôm nay tôi sẽ muốn là ai đây?”
13.8. Không ai đã làm gì tới con
Sau khi con đã làm vậy, đã đạt đến mức tha thứ cho mình, có lòng từ bi với mình, có lòng từ bi với người khác, thì con có thể bước thêm một bước thật triệt để. Con có thể ngộ ra điều mà sứ giả này đã ngộ được trong thời gian qua khi hôm đó ông chợt hiểu: “Không ai đã làm gì tôi cả.” Con hãy suy nghiệm câu nói này. Con hãy thử tưởng tượng con thốt lên câu này trong khi con nhìn lại toàn bộ quá trình của mình trong kiếp này cùng những gì con cảm nhận được từ những kiếp trước, xong con nói: “Không ai đã làm gì tôi cả.” Và con hãy theo dõi phản ứng của con, nhìn xem bên trong con có giọng nói nào đang lên tiếng phản đối. Nếu có thì con sẽ biết là một ngã tách biệt đang có mặt, và con có thể xem xét nó hầu con thoát ra khỏi nó.
Thày vừa nói là con cần ngừng nhận trách nhiệm về hành động của mình. Con cũng rất cần ngừng nhận trách nhiệm về cách phản ứng của người khác đối với con. Lẽ tự nhiên khi con mới đến trái đất, sa nhân đã tấn công con và cố biến nó thành một sự tấn công rất rất cá nhân: Chính bản thân con có gì không ổn, chính con đã sai lầm khi làm vậy. Một khi con nhận ra sa nhân gây ra chuyện đó cho con là do chúng có ngã tách biệt, thì con có thể đạt tới điểm nói rằng: “Ồ, vậy có nghĩa là kỳ thực chúng đã không nhắm vào tôi, vì chúng chỉ hành xử theo ngã tách biệt của chúng. Nếu có ai khác đứng ở vị trí của tôi thì chúng cũng đã hành xử y như vậy với họ, có nghĩa đây không phải là chuyện nhắm vào cá nhân tôi. Đơn giản là tôi đã tạo ra một cái ngã tách biệt xem đây là một chuyện cá nhân.”
Một trong những bước tuyệt đối quan trọng nhất mà con có thể thực hiện trên con đường quả vị Ki-tô là đạt tới điểm con nhận diện trong người con có một ngã tách biệt đang phản ứng. Bất cứ khi nào có gì xảy ra cho con – có thể là khi con lầm lỗi, con làm điều gì mà con xem là ngu ngốc hay đáng hổ thẹn, con làm điều gì mà người khác không ưa hay khó chịu, hay bất cứ gì khác tùy theo mỗi cá nhân – thì đó là điều con đã làm và khi con làm như vậy, con cảm thấy chính cá nhân con đã làm chuyện kinh khủng này, đã phạm lỗi lầm này cho nên con phải có cảm xúc này. Đây chỉ là một ngã tách biệt giống như mọi ngã tách biệt khác.
Con hãy lưu ý, con yêu dấu, ngã này có thể rất khó khắc phục vì đó là cái ngã xem mọi chuyện là cá nhân. Nó khiến con cá nhân hóa mọi chuyện và nó sẽ cố khiến con cá nhân hóa cả sự kiện con mang cái ngã đang cá nhân hóa mọi chuyện. Có thể con sẽ phải gần như tự đánh lừa mình, tức là thay vì xem nó đơn giản là một ngã tách biệt, con phải bước lui lại hai lần và thấy nó là một ngã tách biệt đã khiến con bực bội với tất cả những ngã tách biệt kia cùng mọi việc con đã làm. Dù sao thì một khi con lui lại đủ, con sẽ thấy nó chỉ là một ngã tách biệt.
Thật ra con có thể nhận thấy là cái ngã cá nhân hóa mọi chuyện đã được tạo ra để phản ứng lại việc người khác trách cứ con. Con có thể nhận ra là họ không trách cứ bản thân con mà họ chỉ hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Cho dù họ đã có làm gì con thì họ chỉ đang hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Con hãy suy ngẫm câu này. Dù bất cứ ai đã làm điều gì tiêu cực cho con thì họ chỉ đang hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết của họ. Nếu họ hành xử xuyên qua tâm lý chưa giải quyết và họ trách cứ con, thì tại sao con lại phải nhận lấy trách cứ đó, xem đó là chuyện cá nhân và nói: “Ồ, chắc tôi là người đã làm họ bực mình.”
Con đã không tạo ra ngã tách biệt của họ. Con không chịu trách nhiệm về các ngã đó, cho nên con không cần xem đó là chuyện cá nhân. Con không cần cảm thấy mình trách nhiệm. Con chỉ đơn giản nhận ra là không có gì nhắm vào cá nhân con. Họ mang một ngã tách biệt khiến họ bực bội, xong họ có một ngã tách biệt khác khiến họ nghĩ sự bực bội này không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của con đã làm gì đó, cho nên ngã tách biệt này phóng lời trách móc vào con. Nếu không phải là con mà có ai khác đang đứng ngay đó thì họ đã phóng vào người kia. Không có gì cá nhân nhắm vào con. Cái họ phóng ra là chuyện cá nhân của họ, có nghĩa là con không phải nhận lấy và biến nó thành chuyện cá nhân của con.
Một khi con nhận diện được điều này, con có thể thực hiện bước kế tiếp, có lẽ là bước cách mạng hơn cả, và nói: “À, hóa ra không ai đã làm gì tôi cả.” Một đằng, thật sự không có ai đã bực bội với con hay trách móc gì con. Chỉ đơn giản là chuyện tâm lý chưa giải quyết của họ mà họ hướng về con. Vậy con có thể nói: “Thôi được, không có gì cá nhân trong lời trách móc đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn bực vì lời này.” Và con có thể nói: “Nhưng có phải là họ đã khiến tôi buồn bực không? Không. Tôi buồn bực là vì tôi có một ngã tách biệt mà tôi đã tạo ra trong quá khứ đang làm tôi buồn bực trong loại hoàn cảnh đặc thù này. Cho nên chẳng có ai đã làm gì tôi cả, vì điều duy nhất đã tác động đến tôi không phải là việc làm của người khác, mà là phản ứng của tôi đối với việc làm này. Chính trải nghiệm nội tâm của tôi về việc làm của họ đã tác động đến tôi, chứ không phải hành động vỏ ngoài của họ.” Con thấy đó, con yêu dấu, trong tâm con khởi lên sáng ngộ là có một sự khác biệt căn bản giữa những gì người ta làm bên ngoài bốn thể phàm của con và những gì xảy ra bên trong bốn thể phàm của con.
13.9. Trách nhiệm nội tâm của con
Một lần nữa, tuyệt đối không có sự chê trách nào ở đây. Khi con đi xuống tầng 48 và chạm trán với sự hung hãn của sa nhân, con chỉ có thể phản ứng dựa trên tầng tâm thức 48. Vì vậy con không thể tránh xem đó là chuyện cá nhân và tạo ra những ngã tách biệt để ứng phó. Tất cả các thày từng hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên cũng đã đều làm vậy. Không có lý do gì con phải tự trách mình đã làm vậy, nhưng con cần công nhận là con đã làm vậy. Sau đó con cần thực hiện một cuộc xoay chuyển, thật ra con cần nhận lãnh một loại trách nhiệm khác. Con không trách nhiệm về những việc con đã làm xuyên qua một ngã tách biệt, nhưng con trách nhiệm về việc tạo ra ngã tách biệt.
Con đã tạo ra ngã đó dựa trên tầng tâm thức của con lúc đó, nhưng giờ đây con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn. Cho nên con có thể xem lại ngã tách biệt này và nói: “Ta không còn cần đến mi nữa vì ngày hôm nay ta không phản ứng theo cách đó. Ngày hôm nay ta đã hiểu biết hơn, ta đã trưởng thành hơn, nhưng ta vẫn còn ngã này mà ta đã đem theo suốt bao nhiêu kiếp sống. Bây giờ là lúc ta nhìn thấy nó, bây giờ là lúc ta sa thải nó và như vậy ta khoá nó lại trong Ngọn lửa Từ bi, ta sử dụng Ngọn lửa Từ bi và tự giải thoát khỏi cái ngã có hình tướng này. Ta tự giải thoát để là sinh thể vô hình tướng mà ta là. Ta ngộ ra là cho dù có ai làm gì ta, ta không phải phản ứng lại theo một cách nhất định nữa. Ta không phải phản ứng theo cách quen thuộc trước kia nữa. Và trên thực tế, cho dù có ai làm gì ta thì ta không phải phản ứng lại.”
Có một ngã tách biệt vô cùng mạnh mẽ trong tâm thức tập thể trên địa cầu. Tất cả mọi người đã đem nó vào hào quang của mình và cho phép nó trú ngụ ở đó. Ngã tách biệt này bảo rằng khi có ai tiếp cận con thì con phải phản ứng, con phải đáp trả. Con không thể chỉ làm ngơ. Đâu là điều tệ nhất con có thể làm cho người khác? Đó là làm ngơ họ, không phản ứng gì hết. Con hãy nhìn bao nhiêu người giận dữ tiến đến con, trách móc con chuyện gì đó. Họ chờ đợi con sẽ phản bác lại hay cảm thấy bực dọc, họ chờ đợi con sẽ đáp trả. Con yêu dấu, một trong những điều buồn cười nhất con có thể chứng kiến trên trái đất là khi có một người như vậy tiến đến trách móc con nhưng con lại không phản ứng gì hết. Con nhìn xem điều gì xảy ra khi họ không nhận được phản ứng mà họ chờ đợi.
Con yêu dấu, con có quyền tự quyết. Các thày đã chẳng nhắc nhở con quá nhiều lần rồi sao, rằng con có quyền tự quyết? Sự kiện con đầu thai trong một đơn vị gia đình hay một nhóm nào khác, hay ngay cả khi con gặp người lạ ngoài đường, không có nghĩa là con phải phản ứng, phải hồi đáp lại họ. Nếu họ tiến đến, ném vào con một điều gì mà con cảm thấy không muốn hồi đáp, thì con có tự do không hồi đáp. Con có quyền tự do bước đi, không tương tác với họ cùng sự tiêu cực của họ. Đây là một quyền con có. Đây là một quyền mà rất rất ít người sử dụng. Những ai đã sử dụng quyền này thường bị dán nhãn là lập dị, là ích kỷ, là điên rồ – họ không đáp trả lại theo cách quen thuộc của người đời.
Thày không đang bảo là bây giờ con phải bắt đầu làm ngơ tất cả mọi người. Điều thày muốn nói là có lẽ một số các con có thể nhận diện được một số người trong vòng ảnh hưởng của mình luôn luôn tìm cách lôi kéo con vào một khuôn nếp tiêu cực, cuốn hút con vào một khuôn nếp cứ mãi lặp đi lặp lại với mục đích duy nhất là giành được sự chú ý của con để họ có thể đoạt lấy năng lượng của con. Con có quyền quyết định thật đơn giản: “Tôi sẽ không đáp lại chuyện này nữa.”
Sứ giả này trong suốt thời gian ông làm sứ giả đã gặp phải khá nhiều người đến với ông với đủ loại lý do, có khi họ muốn tương tác với ông một cách hùng hổ nào đó. Những năm đầu tiên, đó là một gánh nặng cho ông vì ông cảm thấy ông phải dễ thương với mọi người, phải cố giúp mọi người. Ông đã học được, phần nào qua kinh nghiệm cay đắng, là có những người mình không thể nào giúp được. Có những người mình sẽ không bao giờ thỏa mãn được vì họ không thực sự muốn thay đổi mà chỉ muốn lôi kéo mình vào tương tác với họ. Ông đã học được là ông có quyền nói: “Có những người tôi không thể giúp đỡ và tôi chọn không giao tiếp với họ. Ngay cả việc hồi đáp tôi cũng sẽ không làm.”
Con yêu dấu, đây là một quyền hạn mà con có. Khi con thực sự suy ngẫm điều này, nếu có ai đó đến gặp con, muốn lôi kéo con vào một khuôn nếp tiêu cực và con không hồi đáp thì con đang làm gì? Con đang từ bi với họ. Làm sao con lại từ bi? À, từ bi là gì chứ? Là khi con không cầm giữ một hình ảnh cố định về chính con hay về người khác. Và đây có một người đến gặp con với một tâm thái tiêu cực, muốn kéo con vào một cuộc tranh luận. Họ chờ đợi một sự hồi đáp nào đó từ con. Con nghĩ: “Tôi sẽ hoàn toàn không hồi đáp lại chuyện này, vì nếu tôi hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì tôi sẽ chỉ xác chứng cho ngã tách biệt đó và họ sẽ không thể nào nhìn ra ngã này, họ sẽ chỉ bị cuốn hút vào việc lặp lại khuôn nếp này mãi mãi. Nhưng nếu tôi không hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì có lẽ họ sẽ nhìn lại cách phản ứng của họ, họ sẽ ngạc nhiên và có cơ hội xem xét phản ứng đó rồi tự hỏi tại sao nó lại xảy ra. Chính điều này mới có tiềm năng giải thoát được họ. Nếu tôi hồi đáp theo cách họ chờ đợi thì đảm bảo họ sẽ không thoát ra được, nhưng nếu tôi hồi đáp theo cách họ không chờ đợi, ít ra có chút khả năng là điều này sẽ giúp được họ. Và đây chính là lòng từ bi” – mặc dù, tất nhiên. người kia sẽ không nhìn thấy như vậy, và kỳ thực họ có thể sẽ lên án con là người không từ bi nếu họ dùng từ ngữ này.
13.10. Tự thăng vượt là một tiến trình không ngừng
Khi con không cầm giữ trong tâm mình bất kỳ hình ảnh cố định nào về người khác, đó là từ bi. Hệ quả là con cũng không cầm giữ một hình ảnh cố định nào về cách con hồi đáp như thế nào, ngay cả khi con đã quen biết những người đó cả đời. Con có thể chọn làm điều gì đó mà con chưa từng làm bao giờ. Con có thể chọn một cách hồi đáp mới lạ, khác hẳn cách hồi đáp trước kia của con, và đây là từ bi. Con yêu dấu, con sẽ không từ bi với chính con nếu con nghĩ rằng khi con tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên thì vào lúc đó con đã có một trạng thái tâm thức khả dĩ hiểu được trọn vẹn sự sâu sắc của giáo lý. Điều này không từ bi. Đó là hiểu lầm con đường tâm linh, vì con đường này là một tiến trình tự thăng vượt không ngưng nghỉ.
Có những người tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên hay một giáo lý nào khác, và họ có một ngã tách biệt chặn đứng tầm nhìn của họ về nhu cầu tự thăng vượt không ngưng nghỉ. Kỳ thực, ngã này cho rằng toàn bộ mục đích của việc tìm ra giáo lý của chân sư thăng thiên là để xác chứng cho hình ảnh cao trội mà họ, hay ngã của họ, cầm giữ. Có những người đã bước vào giáo lý của chân sư thăng thiên, đã đi theo suốt mấy chục năm trời, nhưng mục tiêu duy nhất của họ là dùng giáo lý để xác chứng niềm tin là họ cao trội hơn người khác, cho dù là người bên ngoài giáo lý hay một người đồng môn trong cùng giáo lý. Các thày đã chứng kiến trong các tổ chức trước đây những người lập ra một đẳng cấp rõ rệt gồm các đệ tử đã theo giáo lý lâu năm nhất, gần gũi với sứ giả nhất, hay nắm giữ một địa vị nào đó trong tổ chức. Họ lập ra đẳng cấp đó mà chúng ta chỉ có thể gọi là một hàng ngũ giả trá, con yêu dấu, vì ý niệm cho rằng mình cao siêu hơn mọi người không đến từ các chân sư thăng thiên.
Có những bè phái được hình thành gồm những kẻ cho mình có đẳng cấp cao hơn mọi người khác. Đôi khi đây là những người đã theo học giáo lý của chân sư thăng thiên hàng 30, 40 năm nhưng họ vẫn chưa bắt đầu nhìn ra ngã này, có nghĩa là trong một số trường hợp, họ đã tiến bộ rất ít trong suốt 30, 40 năm trời họ tưởng họ đã đi theo và áp dụng giáo lý của chân sư thăng thiên.
Vậy các thày có làm được gì không trước sự thể này? Không, các thày không thể làm gì một cách trực tiếp, nhưng ít ra các thày có thể trình bày công khai là chuyện này có thể xảy đến cho con người. Luôn luôn có tiềm năng sẽ có những người sẵn lòng nhìn ra điều này, mặc dù nó thường rất khó khăn cho họ vì họ đã quá phê phán người khác trong một thời gian rất dài. Con yêu dấu, đâu là cạm bẫy lớn nhất trong thái độ phê phán này, một thái độ hiển nhiên thể hiện lòng phi từ bi? Đâu là cạm bẫy lớn nhất khi họ phê phán người khác? À, nó luôn luôn dựa trên thái độ xem mình là cao trội. “Tôi hiểu biết hơn, tôi có trình độ cao hơn, tôi là một đệ tử cao cấp hơn bạn, cho nên tôi có thể phê phán bạn và điều này hoàn toàn chấp nhận được. Thật ra việc tôi phê phán bạn sẽ rất tốt cho bạn.” Đây là những gì họ cảm thấy và nó khiến họ cảm thấy cao trội. Bây giờ nếu họ nhận ra là thái độ phê phán này cần ra đi, rằng nó không phải là cao nhất, thì họ sẽ nhìn sự việc như thế nào? À, họ sẽ nhìn nó xuyên qua cùng trạng thái tâm thức đã khiến họ phê phán người khác. Có nghĩa là giờ đây, họ sẽ bắt đầu phê phán chính họ cũng nghiêm khắc y như họ đã phê phán người khác.
Một số người sẽ không thể vượt được bước này trong kiếp này. Có những người – không cứ là đệ tử của chân sư thăng thiên vì con có thể tìm thấy họ khắp mọi nơi, trong lãnh vực khoa học hay tôn giáo chẳng hạn – đã khóa chặt mình lại trong niềm tin cao trội này và để khắc phục nó, họ sẽ phải tự phê phán bản thân cũng nghiêm khắc y như họ đã phê phán người khác. Họ không thể chịu nổi nỗi đau của sự phê phán cho nên họ rơi vào tâm thái phủ nhận nó cho đến hết kiếp này, có nghĩa là họ sẽ không tiến bộ gì hết. Đối với một số, họ có thể bứt ra khỏi thái độ này ở giữa hai kiếp sống. Tức là ở thời điểm họ chọn kiếp đầu thai kế tiếp giữa hai kiếp sống, họ sẽ chọn đầu thai trong những hoàn cảnh thật khiêm tốn, không mang địa vị mà còn bị trấn áp để họ có thể khắc phục niềm tin cao trội.
Tại sao thày lại trình bày điều này? Là vì thày cầm giữ Ngọn lửa Từ bi cho trái đất. Không có một đặc tính nhân gian nào mà Ngọn lửa Từ bi không thể tiêu hủy, không thể giúp con khắc phục. Nếu con nhận ra: “Tôi đã quá xét đoán người khác,” thì con đừng ngần ngại đến gần thày. Thày sẽ không phê phán con như con đang tự phê phán mình. Thày sẽ giúp con khắc phục cảm nhận cao trội, khắc phục cảm nhận phê phán bản thân, bởi vì đó là một ngã tách biệt. Có một ngã tách biệt cho con nhu cầu muốn cảm thấy hơn người, có một ngã tách biệt cho con nhu cầu phê phán. Hai ngã này làm việc đồng hành với nhau và khi chúng phối hợp thì chúng có thể khó khắc phục. Việc khắc phục sẽ không thể xảy ra nếu con không có thuốc giải độc là Ngọn lửa Từ bi.
13.11. Ngọn lửa Từ bi là khung tham chiếu của con
Nhưng này con, cùng điều này có thể áp dụng cho tất cả các con. Tất cả các con đều mang một cái ngã tự phê phán bản thân, và tất cả các con đều mang một cái ngã khác phản ứng lại sự trấn áp của sa nhân, là khi con cố tự cổ võ và con nói: “Phải, có thể là đôi khi tôi đã lầm lỗi, nhưng chắc chắn tôi không hoàn toàn vô giá trị, tôi có một số đặc tính tốt.” Con sẽ thấy rất nhiều người khi họ tìm thấy đường tu tâm linh, họ cần đến một sự công nhận kiểu đó. Đó là tại sao, chẳng hạn, họ xem bói toán hay chiêm tinh học hay bất cứ gì khiến họ nổi bật giữa đám đông. Họ cảm thấy: “Vì tôi có những con số đặc biệt này trong tên tôi hay những chùm sao này trong tử vi của tôi, cho nên tôi cũng tốt.”
Điều này cũng tốt thôi. Ở một giai đoạn nào đó trên đường tu, đó là một nhu cầu chính đáng, nhưng làm thế nào con sẽ khắc phục được chuyện này trừ khi, như thày vừa nói, con bắt đầu có lòng từ bi đối với chính con? Khi con neo trụ vào Ngọn lửa Từ bi, con nhận ra chính xác là tất cả những chuyện vỏ ngoài đó là không thực. Và vì chúng không thực cho nên chúng không quan trọng gì.
Như các thày đã có nói trước đây, con có nhu cầu đạt tới điểm con có thể nhìn vào một sự việc trên trái đất, một việc gì đó mà con đã làm trên trái đất, và nói: “Thì đã sao đâu? Thật không quan trọng, không quan trọng gì hết.” Điều này có thể khó thực hiện trừ khi con có một khung tham chiếu, và con yêu dấu, Ngọn lửa Từ bi có thể cho con khung tham chiếu này. Con ngộ ra là so với Ngọn lửa Từ bi – là một cái gì vô cùng thực một khi con trải nghiệm nó – tất cả mọi chuyện phù phiếm kia của nhân gian đều không thực. Chúng hoàn toàn vô nghĩa.
Con có hiểu điều thày đang nói ở đây? Thày không nói là thày không quan tâm đến con trong hoàn cảnh hiện tại của con. Thày luôn luôn thấy con là nhiều hơn bất kỳ hoàn cảnh vỏ ngoài nào con gặp. Cho nên thày thấy rõ là con có khả năng thoát ra khỏi nó. Thày cũng biết – và như các thày đã có nói, tất nhiên điểm này là bí quyết của giáo lý các thày đã trao con – rằng con sẽ không thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại của con bằng cách làm một cái gì đó hay bằng cách giải quyết một vấn đề.
Như các thày đã giảng nhiều lần, ngã tách biệt phóng chiếu ra là có một vấn đề phải giải quyết hay một điều kiện nào đó cần thay đổi. Nhưng cho dù con có giải quyết vấn đề, con vẫn sẽ không thoát khỏi ngã tách biệt, và nó sẽ chỉ phóng thêm một vấn đề nữa. Giải pháp duy nhất là con bước ra ngoài ngã tách biệt và buông nó ra.
Thày cống hiến cho con Ngọn lửa Từ bi của thày để giúp con trong tiến trình này. Bất cứ khi nào con phải đương đầu với một ngã tách biệt, con chỉ cần hỏi thày. Con chỉ hỏi thày: “Quan Âm, hãy giúp con nhìn ra điều này. Quan Âm hãy giúp con trải nghiệm Ngọn lửa Từ bi, giúp con có được tầm nhìn, giúp con thấy được như thày đang thấy. Giúp con có được khung tham chiếu qua việc trải nghiệm sự thực của Ngọn lửa Từ bi và sự không thực của thân phận con người.”
Con yêu dấu, thật là một niềm vui rất lớn cho thày được hòa điệu với con theo cách này, nhưng sẽ là một niềm vui lớn hơn nữa nếu mỗi cá nhân con có thể thỉnh thoảng chú ý đến thày chút xíu và cho phép thày hòa điệu trực tiếp với con ngay trong tim con, một điều mà thày hoàn toàn có khả năng làm được. Tất cả các con đều có khả năng làm được nếu con chỉ dành ra một chút chú ý, có lẽ nỗ lực bước vào một tâm thái trung hòa nơi con cho phép nó trải bày ra tự nhiên thay vì mang sẵn định kiến. Nếu trước đây con chưa thể hoà điệu với thày, con hãy cố gặp thày với một tầm nhìn mới. Con hãy cố giải phóng thày, cố giải phóng con, và gặp thày như một con người mới, và sẽ tới một điểm con sẽ trải nghiệm được Hiện diện của thày nơi con.