Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 22/1/2018.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada, và thày muốn bắt đầu bài giảng thứ tư này bằng điều mà trong bài trước thày có gọi là cơ chế bù đắp. Trong bài trước, thày có nói là con có cảm tưởng là trong quá khứ con đã làm điều gì sai trái và bây giờ con tìm cách bù đắp lại. Lẽ dĩ nhiên thày có nói là con cần biết một cách ý thức cơ chế này có mặt, nhìn vào nó, tách mình ra khỏi nó và buông bỏ nó. Con ngừng không đặt con đường tu trên căn bản mong muốn bù đắp có tính chất ám ảnh-cưỡng bức (obsessive-compulsive) này. Thày muốn tiến thêm một bước nữa và xem xét quan niệm là mình đã làm điều gì sai trái. Làm điều sai trái thật sự nghĩa là gì?
Các thày đã trao truyền nhiều giáo lý qua sứ giả này trong nhiều năm qua về trạng thái tâm nhị nguyên, về tư duy cuồng đại. Thày đã trao truyền nhiều giáo lý về sa nhân và những cách họ đã dùng để khuynh loát mọi khía cạnh đời sống trên trái đất. Lẽ dĩ nhiên, một trong những cách tinh tế mà sa nhân dùng để khuynh loát sự sống và con người là quy định tiêu chuẩn đúng và sai. Khía cạnh tinh tế nhất là trong nhiều nền văn hóa, sa nhân đã làm cho đa số con người tin rằng không phải là sa nhân, mà là Thượng đế đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Có một đấng cao cả bên ngoài cõi vật chất đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Có một Thượng đế giận dữ trên trời đang quan sát tất cả mọi hành động của con và phán xét con dựa trên tiêu chuẩn đúng sai đó. Nếu con làm điều gì sai trái, con sẽ bị Thượng đế đó trừng phạt, có thể là bằng cách bị đốt cháy vĩnh viễn trong địa ngục.
Như một đệ tử chân sư thăng thiên, con có thể thấy là trong đa số các nền văn hóa (bất cứ nơi nào mà con có thể khôn lớn lên trên hành tinh này) trong tâm thức tập thể có cơ chế đó do sa nhân tạo ra. Con người thực sự tin rằng Thượng đế đã quy định tiêu chuẩn đúng sai. Con hầu như không thể lớn lên trên trái đất này mà không bị niềm tin đó ảnh hưởng. Một lần nữa, đây không phải là một lý do để cảm thấy hổ thẹn nhưng đã đến lúc con nhận ra một cách ý thức là nó đã ảnh hưởng con. Con có thể rất mau chóng nhận ra là nếu trong quá khứ con có cảm tưởng mình đã làm điều gì sai trái nhưng cảm giác này dựa trên tiêu chuẩn do sa nhân quy định, thì có thể là con đã không làm gì sai trái hết. Do đó, sẽ chẳng lợi ích gì nếu con tiếp tục khuôn đúc tìm cách bù đắp cho việc làm sai trái – nếu sự thực là con chẳng làm gì sai trái cả.
Con có thể thấy là tất cả các con đã có tinh thần trách nhiệm. Con có ý tưởng rằng: “Tôi đã tạo nghiệp trong quá khứ và nay tôi cần cân bằng nghiệp quả đó.” Con có thể nhìn việc cân bằng nghiệp quả như một nỗ lực bù đắp. Con bù đắp lại một điều gì con đã làm trong quá khứ. Như thày có nói trong bài giảng trước, con cần cân bằng nghiệp quả nhưng có sự khác biệt giữa cân bằng nghiệp qua trong trạng thái tâm trung hòa và cân bằng nghiệp với ham muốn bù đắp có tính chất ám ảnh-cưỡng bức (obsessive-compulsive). Thày tin rằng là con đã bắt đầu thấy sự khác biệt này sau khi con lĩnh hội bài giảng trước của thày.
10.1. Xem xét cách tu của con
Lẽ tự nhiên, ở đây chúng ta cần vô tư và tinh ý. Ta cần giản dị quan sát là con đã tạo nghiệp trong quá khứ, con cần cân bằng nghiệp quả đó và con cần làm những gì cần thiết để cân bằng nghiệp quả – tỷ dụ bằng một số hành động hay bằng cách đọc bài chú bài thỉnh. Trước tiên, điều quan trọng trong việc cân bằng nghiệp là nâng cao tâm thức, buông bỏ các phàm linh nội tại đã khiến con có hành động đã tạo ra nghiệp. Bây giờ con cần tiến thêm một bước nữa và nhận ra là nếu con hành động trong khuôn nếp bù đắp, con sẽ có cảm giác là ngưng hành động đó là một điều sai trái. Thày cần con thành thực nhìn vào chính mình và tự hỏi: “Tôi đã làm gì trong những năm vừa qua? Tôi có đã đọc bài chú bài thỉnh không?” Sau đó con cần suy ngẫm: “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ngày hôm nay tôi ngưng không đọc chú đọc thỉnh nữa?” Nếu con cảm thấy có phản ứng trong tâm, có thể là cảm giác sợ sệt là sẽ có điều không lành xảy ra hay con làm vậy là sai quấy, thì đây là một khuôn nếp bù đắp, đây là chỉ dấu ám ảnh-cưỡng bức.
Thày không nói con nên ngưng đọc chú đọc thỉnh. Thày muốn con giám sát phản ứng của con trước việc đó. Con có thể nhận ra là nếu con bị ý muốn ám ảnh-cưỡng bức thúc đẩy con phải bù đắp những sai lầm con đã phạm trong quá khứ , thì con không hoàn toàn làm chủ phản ứng của mình. Như thày có nói trong bài giảng trước, con đã phản ứng với sa nhân thay vì với các chân sư thăng thiên. Các thày muốn con cân bằng nghiệp và khi con làm xong, con tiến lên làm gì khác thay vì tiếp tục làm cùng chuyện cũ.
Con đã tìm ra giáo lý chân sư thăng thiên, con hiểu hơn về con đường tâm linh và nghiệp quả, con học cách cân bằng nghiệp quả bằng cách cầu thỉnh ánh sáng tím, tỷ dụ, và con quyết định với tâm vỏ ngoài là con sẽ đọc bài thỉnh ánh sáng tím một tiếng mỗi ngày. Con nghĩ đây là điều con cần làm cho tới cuối đời để bảo đảm là nghiệp quả được cân bằng. Như thày có nói trong bài giảng trước, con sẽ tới điểm con bắt kịp tầng tâm thức hiện nay của con, con đã cân bằng nghiệp quả cho tới tầng đó, và nay con không cần làm tiếp đúng y như những gì con quyết định nhiều năm trước đây.
Bây giờ con cần hòa điệu với thử thách con phải đối mặt ở tầng tâm thức hiện nay của con và làm sao con tiến lên tiếp từ chỗ này? Thày muốn con đi sâu hơn vào sự hòa điệu với vị trí hiện nay của con trên con đường tu. Sau đó con cần xem xét: “Có phải chăng là tôi đã lấy quyết định hai, năm, mười, ba mươi năm trước đây là tôi sẽ thực tập như thế nào đó mỗi ngày cho đến cuối đời?” Nếu con đã làm vậy, thì tiếp tục hành động theo quyết định này có lợi ích chăng? Có lợi ích hơn chăng nếu con hòa điệu với tầng tâm thức hiện nay của con và với điều con cần làm để vươn lên tầng kế tiếp?
Con có thấy chăng sự trớ trêu là nếu sa nhân trong quá khứ đã khiến con tin rằng con đã làm điều gì sai quấy và điều này tạo nên khuôn nếp bù đắp, nhưng nếu thực sự con đã không làm điều gì sai trái cả, thì việc cố gắng bù đắp một điều không sai trái là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Con có thấy chăng là con đang tìm cách cân bằng một nghiệp quả nhưng nghiệp quả đó không có.
10.2. Có nhiều tầng của quả vị Ki-tô
Bây giờ thày cần con đứng lui lại và nhìn vào quan niệm đúng và sai của con. Thầy cần con sẵn sàng mở tâm đón nhận một cái nhìn mới về vấn đề này. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là điều con làm trước đây là sai trái. Chỉ giản dị có nghĩa là con nay đã đến gần tầng thứ 90 trên con đường tâm linh. Con đang tới gần các khai ngộ của Tia thứ Bảy dưới thày Saint Germain và do đó con đã sẵn sàng để xem xét chuyện này.
Con yêu dấu, chúng ta hãy bắt đầu bằng xem xét khái niệm quả vị Ki-tô. Các thày đã trao truyền nhiều giáo lý về quả vị Ki-tô và các thày đã trao truyền tùy theo trình độ tâm thức. Như các thày có nói, điều tự nhiên là khi con nghe về khái niệm quả vị Ki-tô lần đầu, con nhìn nó với tầng tâm thức lúc đó của con. Thực ra, có nhiều tầng của quả vị Ki-tô và do đó con phải nhận ra là con không thể lấy khái niệm đầu tiên của con về quả vị Ki-tô và đem nó theo với con khi con nâng cao tâm thức.
Tại sao lạ như vậy? Nếu con lấy khái niệm phổ thông nhất về quả vị Ki-tô trên trái đất, thì đó là khái niệm do các giáo hội Công giáo chính thức cổ xúy. Theo cái nhìn này, Giê-su là người duy nhất đạt được quả vị Ki-tô, và quả vị Ki-tô được trình bày như một trạng thái toàn hảo. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên có phần nào quan niệm quả vị Ki-tô có nghĩa là – bỗng nhiên – con đạt một tầng tâm thức, và từ lúc đó con có viễn quan sáng rõ về mọi chuyện, và mọi chuyện con làm đều đúng. Tỷ dụ, họ nghĩ rằng Giê-su đã một ngày nào đó đạt được quả vị Ki-tô, hay cũng có thể thày đã có sẵn từ khi sinh ra, và do đó thày không bao giờ làm điều gì sai trái.
Thực tế tinh tế hơn và có thể hiểu bằng cách kết nối với điều thày nói trong bài giảng trước. Thày nói: “Quả vị Ki-tô là thách thức hiện trạng.” Hiện trạng dựa trên cái gì? Nó dựa trên một ảo tưởng. Con nay có thể thấy là ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức trên trái đất, có một ảo tưởng dính liền với tầng tâm thức đó. Chính ảo tưởng quy định tầng tâm thức đó. Do đó ảo tưởng cũng quy định điều mà những người vẫn còn mù quáng bởi tầng tâm thức đó coi là hiện trạng.
Ở mỗi tầng của 144 tầng, có một ý niệm hiện trạng dựa trên một ảo tưởng nào đó. Quả vị Ki-tô là gì? Quả vị Ki-tô là thách thức ảo tưởng ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Con nay thấy là có 144 tầng của quả vị Ki-tô. Con yêu dấu, nếu con thách thức ảo tưởng ở tầng tâm thức thấp nhất trên trái đất, là nơi con người chỉ nghĩ đến mình, vị kỷ, chỉ muốn vơ về cái ngã, thì dĩ nhiên quả vị Ki-tô rất khác so với việc thách thức ở một tầng tâm thức cao hơn.
Do đó con bây giờ thấy có nhiều biểu hiện khác nhau của quả vị Ki-tô. Nếu con áp dụng tiêu chuẩn sa ngã, thì nhiều hành xử của quả vị Ki-tô thách thức ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp sẽ bị xem là sai trái. Điều thày muốn con nhận ra là việc con chấp nhận trách nhiệm về hành động quá khứ của mình là điều tốt. Nhưng chứng loạn thần ám ảnh-cưỡng bức khiến con chấp nhận trách nhiệm về điều con không làm. Nó khiến con chấp nhận trách nhiệm về điều không phải là trách nhiệm của con. Thày có nói quả vị Ki-tô không phải là một cuộc thi xem ai được ưa chuộng nhất vì sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ biểu hiện nào của quả vị Ki-tô. Bây giờ con hãy cùng thày nhìn quá khứ của con một cách khác.
10.3. Quả vị Ki-tô không có nghĩa là con phải toàn hảo
Trong quá khứ, con ở một tầng tâm thức thấp hơn. Việc con ở trên hay dưới tầng 48 không quan trọng. Làm sao con vươn lên một tầng tâm thức cao hơn? Con đã vươn lên vì con thấy được ảo tưởng ở tầng tâm thức đó. Khi con nhìn thấu suốt ảo tưởng đó, thì điều đó trở nên một thách thức, không chỉ đối với sa nhân mà còn đối với những người chung quanh con vẫn còn bị kẹt trong ảo tưởng đó. Con có nhận ra chăng là trong quá khứ, con đã có một số kiếp sống trong đó con nhìn thấu một ảo tưởng. Ảo tưởng đó có thể là một ảo tưởng ở các tầng tâm thức thấp, và con công khai và thẳng thắn thách thức những người vẫn nắm giữ ảo tưởng đó.
Có thể là lúc đó con đã thách thức một số sa nhân đang lãnh đạo xã hội và kềm giữ xã hội trong tầng ảo tưởng đó, thí dụ như gây chiến với một nước khác hay một nhóm người khác. Do đó, con có thể đã thách thức ảo tưởng đó, hiện trạng đó, và sa nhân đã làm đủ mọi cách để con cảm thấy là con đã làm một điều sai quấy.
Con yêu dấu, không phải là sa nhân chỉ tìm cách khiến con cảm thấy con đã làm gì sai trái một cách chung chung. Điều sa nhân thường làm là họ nhìn vào hành động, lời nói của con và họ tìm một khía cạnh không vẹn toàn. Con hãy suy ngẫm kỹ lưỡng điều thày đang nói. Con thách đố một hiện trạng, con thách đố một ảo tưởng. Ảo tưởng này có thể ở một tầng tâm thức rất thấp, thấp hơn tầng 48 nhiều. Không có nghĩa là con ở tầng tâm thức đó, nhưng con thấy được ảo tưởng trong xã hội và con thách thức nó.
Ảo tưởng đó là một ảo tưởng thấp. Thách thức một ảo tưởng, thí dụ ở tầng tâm thức thứ 25, có nghĩa gì? Không có nghĩa là khi con thách thức ảo tưởng ở tầng thấp đó, con biểu lộ chân lý cao nhất. Nếu ta giả dụ có một chân lý cao nhất, thì không ai ở tầng tâm thức 25 có thể hiểu chân lý cao nhất đó. Khi con thách thức ảo tưởng ở tầng tầm thức 25, thì hành động thách thức của con không “toàn hảo”, giả dụ là có một hành động toàn hảo. Chính sa nhân đã tạo ra khái niệm là đúng lý phải có cái gì đó toàn hảo.
Con có thấy điều thày muốn nói không? Con thách đố ảo tưởng ở tầng tâm thức 25, con làm điều này bằng cách đưa ra một chân lý cao hơn tầng 25 một chút, nhưng chắc chắn không phải là chân lý cao nhất trên trái đất. Lúc đó, sa nhân nhìn hành động và lời nói của con, và họ tìm cách moi ra một khía cạnh nhỏ mà họ cho là không toàn hảo dựa theo tiêu chuẩn của họ. Con yêu dấu, con phản ứng lại như thế nào? Con không phản ứng với tầng tâm thức hiện nay của con, con phản ứng với tầng tâm thức của con ở thời điểm đó. Giả sử lúc đó con ở tầng tâm thức 48, và con thách thức ảo tưởng của tầng tâm thức 25. Con bị sa nhân tố cáo là con không toàn hảo, và lẽ tự nhiên là con phản ứng lại lời tố cáo đó dựa trên tầng tâm thức 48.
Ở tầng tâm thức đó, con quả thực nghĩ là con phải toàn hảo, con vẫn còn bị dính mắc trong khái niệm cầu toàn do sa nhân áp đặt lên con người. Con nghe lời tố cáo của sa nhân và quyết định; “Tôi đã sai trái. Tôi không toàn hảo.” Đây là một trong những lý do quỷ quyệt nhất, vi tế nhất, nhưng cũng thông thường nhất khiến đệ tử chân sư thăng thiên không dám biểu hiện quả vị Ki-tô của họ. Con nghĩ rằng con phải toàn hảo mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô. Con nghĩ rằng có một chuẩn mực toàn hảo có phần nào giá trị. Con không nghĩ là sa nhân đã đặt tiêu chuẩn đó lên con vì con chưa nhận ra điều này. Con nghĩ rằng chính Thượng đế hay các chân sư thăng thiên đã quy định tiêu chuẩn. Con nghĩ con đã sai trái dựa theo tiêu chuẩn trong quá khứ này khi con cố gắng biểu hiện quả vị Ki-tô của mình. Do đó, con quyết định con sẽ không biểu hiện quả vị Ki-tô nữa cho tới khi con chắc chắn là con toàn hảo.
10.4. Dám bất toàn
Con thấy chăng, điều này khiến sa nhân cười khoái trá vì đã thắng lợi. Con bây giờ ở tầng tâm thức khiến con có thể nhìn lại và nói: “Tôi sẽ là người cười sau cùng. Sa nhân sẽ không là người cười sau cùng. Họ có thể đã thắng lợi trong nhiều kiếp sống nhưng họ sẽ không thắng nữa vì tôi sẽ vươn lên khỏi quan niệm này. Tôi sẽ nhận ra là quả vị Ki-tô cần và phải được biểu hiện ở mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Và ở các tầng thấp, không thể nào nói hành động biểu hiện quả vị Ki-tô là “toàn hảo”, là hình thức chân lý cao nhất.”
“Lẽ tự nhiên, biểu hiện quả vị Ki-tô thách thức ảo tưởng ở tầng 25 sẽ là một biểu hiện thấp hơn là điều tôi có thể biểu hiện ở một tầng cao hơn. Đây là chuyện tự nhiên, do đó tôi sẽ không chê trách mình vì trong quá khứ đã có một biểu hiện quả vị Ki-tô không phải là biểu hiện cao nhất có thể có trên trái đất. Tôi chấp nhận là tôi đã biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức của tôi lúc đó. Tôi đã biểu hiện quả vị Ki-tô để thách thức một tầng tâm thức đặc thù và do đó sự biểu hiện quả vị Ki-tô của tôi là tốt đủ, là hoàn toàn chấp nhận được và sự biểu hiện này làm đúng chức năng của nó là thách đố một ảo tưởng đặc thù thuộc tầng tâm thức đặc thù đó. Tôi không cần phải toàn hảo mới có thể biểu hiện quả vị Ki-tô bây giờ, tôi chỉ cần nhận ra tầng tâm thức hiện nay của tôi, và tôi sẽ dám biểu lộ quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức này dựa trên viễn kiến mà tôi có ở tầng tâm thức này.”
Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điều thày Hilarion nói. Ở mỗi tầng tâm thức khi con xuống từ tầng 144 đến tầng 48, con lấy vào một ảo tưởng. Nếu hiện nay con đang ở tầng tâm thức 56, 85 hay 93, con vẫn còn nhiều ảo tưởng trong bốn thể phàm của con. Không có gì sai trái với việc này cả, đâu cách nào khác để đi trên con đường tâm linh. Làm sao con có thể hiện thân trong cõi vật chất mà không lấy vào những ảo tưởng đó? Khi con tính chuyện biểu lộ quả vị Ki-tô của mình ở tầng tâm thức hiện nay, con không thể và con không phải chờ đợi mình toàn hảo. Lẽ dĩ nhiên, sự biểu hiện quả vị Ki-tô của con sẽ bị pha màu bởi những ảo tưởng mà con chưa bỏ được, những ảo tưởng cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Con yêu dấu, tình trạng này không thể nào tránh được.
Khi Giê-su bắt đầu lần đầu thai của thày, khi thày bắt đầu sứ vụ công chúng, thày không ở tầng tâm thức 144. Do đó, thày đã phản ứng như đã được ghi lại khi thày đuổi những người đổi tiền ra khỏi giáo đường. Hành động này không phải là cách biểu hiện quả vị Ki-tô cao nhất, nhưng nó thích hợp với quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức của Giê-su lúc đó. Con yêu dấu, con có hiểu chăng điều thày giảng ở đây?
Rất nhiều người trong các con cảm thấy rằng, nếu con là Ki-tô đang hành động, con không bao giờ được nổi giận. Con yêu dấu, ở một số tầng tâm thức, khi con đang đối phó với một ảo tưởng rất thấp, con khó tránh đối phó với hoàn cảnh này mà không cảm thấy tức giận hay ít nhất có cảm xúc cường độ. Thày biết là các thày đã trình bày cho con một số lý tưởng, tỷ dụ như quả vị Phật khi con hoàn toàn không dính mắc. Như thày đã nói trong bài giảng trước, con chỉ đạt toàn vẹn quả vị Phật ở tầng 144.
10.5. Khắc phục sự cầu toàn
Con có thấy chăng là sa nhân tìm cách tạo ra một hố sâu, một khoảng cách mà con không bao giờ bước qua được, giữa trạng thái tâm thức hiện nay của con và quả vị Ki-tô? Con có cảm tưởng như là giữa con và quả vị Ki-tô có một khoảng cách, một hố sâu lớn đến độ con không thể bước qua. Hoặc có thể con chỉ có thể thực hiện điều này ngay trước khi con thăng thiên. Trên thực tế, khoảng cách nhỏ hơn nhiều. Nó không phải là khoảng cách giữa tầng tâm thức 48 và tầng 144, lẽ dĩ nhiên khoảng cách này con không thể vượt qua bằng một cú nhảy vọt. Nó là khoảng cách giữa tầng tâm thức hiện nay của con và tầng kế tiếp. Khoảng cách này, con có thể bước qua bất cứ lúc nào bằng cách chuyển vọt tâm thức của mình.
Ở tầng tâm thức hiện nay của con, thày không muốn con là Ki-tô giống như Giê-su là Ki-tô trước khi bị đóng đinh. Thày muốn con dám là Ki-tô thách thức ảo tưởng ở tầng tâm thức hiện nay của con dù rằng con không toàn hảo khi làm vậy. Thật sự là thày muốn con chuyển vọt tâm mình và vứt đi phàm linh nội tại, cái ngã tách biệt cầu toàn, để con nói: “Nhưng tôi đang thật sự toàn hảo khi biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng tâm thức hiện nay của tôi.” Đây chính thực là toàn hảo, nếu con muốn dùng từ này. Toàn hảo là đạt một bước cao hơn tầng tâm thức hiện nay của con. Toàn hảo không phải là một tầng tối hậu nào đó không hiện hữu, ngoại trừ trong tâm của sa nhân.
Một trong những thử thách mà con đối mặt ở tầng này là vượt qua ý niệm cầu toàn, ý niệm con phải toàn hảo trong mọi chuyện con làm. Nhiều đệ tử thăng thiên đã dùng giáo lý của các thày để xây dựng một ý niệm cầu kỳ về quần áo họ mặc, cách họ hành xử, cách họ nói chuyện, thực phẩm họ ăn và tránh ăn, cách họ thực hành tâm linh, cách họ phải nghĩ và cảm nhận – và không bao giờ được giận dữ và không được biểu lộ tình cảm, vân vân và vân vân. Làm như vậy là dùng tâm vỏ ngoài để tạo ra cái áo khóa tay, rồi con ép mình mặc nó vào, và nay con chỉ làm được một số chuyện. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên đã làm điều này trong mấy thập niên vừa qua và đã dùng giáo lý của các thày để biện minh cho điều này.
Thày muốn con nhận ra rằng các chân sư thăng thiên không phải là người muốn con làm điều này. Các thày không thúc đẩy con làm điều này. Chính một phàm linh nội tại khiến con làm điều này. Thày muốn con tách mình ra khỏi phàm linh này một cách ý thức để nhận ra nó, nhận ra là nó dựa trên một mục tiêu hoàn toàn không khả thi do sa nhân định ra. Không có trạng thái toàn hảo có thể đạt được trên trái đất hay do các chân sư thăng thiên đòi hỏi.
10.6. Các chân sư chấp nhận con như con là
Con yếu dấu, như các Thượng sư khác đã nói trước thày, thày chấp nhận con hoàn toàn và tuyệt đối như con là ngay bây giờ. Thày không có tiêu chuẩn ở trong tâm thày hay ở khóa nhập thất của thày đòi hỏi con phải ở tầng 144 trước khi thày dạy con. Vai trò của thày là làm việc với con ở tầng tâm thức hiện nay của con và giúp con bước một bước để lên tầng tâm thức kế tiếp – và tiếp tục bước đủ bảy bước trước khi thày hoàn thành nhiệm vụ của thày và chuyển con qua để thày Saint Germain dẫn con cao hơn nữa. Thày không phê phán con là không toàn hảo ở tầng tâm thức hiện nay của con. Thày chấp nhận con hoàn toàn như con là ở tầng hiện nay và thày chỉ chú tâm giúp con thấy ảo tưởng đó và đi lên bước kế tiếp.
Con yêu dấu, thày đã nói là con cần cảm thấy an bình với chính mình và với việc con đang ở trên trái đất. Làm sao con có thể an bình với chính mình nếu con đánh giá mình dựa trên một tiêu chuẩn toàn hảo mà con không bao giờ đạt được? Nếu con luôn luôn đánh giá mình là bất toàn, thì làm sao con có thể bình an với chính mình được? Nếu con đã luôn luôn phê phán là con đã làm điều gì sai trái trên trái đất và con chỉ có thể làm điều sai trái trên trái đất, thì làm sao con có thể cảm thấy bình an ở trên trái đất này? Làm sao con bình an được trên con đường tâm linh nếu con nghĩ rằng biểu hiện quả vị Ki-tô đòi hỏi con phải toàn hảo?
Con yêu dấu, con có hiểu chăng là sâu trong tâm con, con có động lực thúc đẩy con đi trên con đường tâm linh. Nó chính là nguyên do khiến con tìm ra khóa học này và theo học cho tới tầng này. Con có một động lực thúc đẩy con đi về một hướng nào đó. Sau đó, con có một số cơ chế trong các thể bản sắc, tư tưởng và tình cảm chống kháng động lực này và điều này làm con cảm thấy bất an với chính mình.
Trong khóa học này, chúng ta đã làm gì? Thày đang làm gì trong phần này của khóa học? Thày đang tìm cách dẫn con qua các sáng ngộ giúp con giải quyết tất cả các cơ chế đi ngược lại động lực tự nhiên của con để con tự do nhận ra động lực này. Con biểu hiện động lực nội tại này, là động lực từ Hiện diện TA LÀ của con, là động lực muốn hơn nữa, muốn thăng vượt chính mình, muốn là cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ biểu lộ trong thế giới này.
Con có thể nói đây là việc tảy rửa bốn thể phàm của con. Các thày lần lượt cho con thấy các cơ chế này và chỉ cho con những điều đang ngăn cản không cho con thăng vượt lên tầng kế tiếp. Thày biết là với tâm đường thẳng con sẽ rất mau chóng đứng lui lại nhìn toàn bộ khóa học này và nói: “Nhưng con bắt đầu ở tầng 48, và Chân sư MORE nói là con có vấn đề này, khuynh hướng kia, vướng mắc nọ, và con cần khắc phục điều này và vượt qua điều kia. Bây giờ con tới tầng thứ 6 của khóa học, và thày Nada vẫn còn nói con những điều con cần khắc phục – tới bao giờ thì mới thôi?” Con yêu dấu, tiến trình này sẽ xong ở tầng 144 khi con vượt qua ảo tưởng cuối cùng mà con đã mang vào khi con hiện thân trên trái đất – và điều này có gì sai trái đâu? Điều này đâu có gì không tốt đâu?
10.7. Hãy chấp nhận mình ở tầng này của đường tu
Con thấy chăng là một phần của tinh thần cầu toàn là ý niệm con đã làm gì sai quấy khi hiện thân trên trái đất này. Chuyện gì đó đáng lý không được xảy ra và do đó con không bao giờ bình an được cho tới khi con vượt qua cảm giác đó. Điều thày tìm cách nói con ở đây là con không làm gì sai trái khi hiện thân ở đây. Con chỉ làm điều con phải làm khi hiện thân trong một hành tinh như trái đất: mang vào những ảo tưởng khi đi xuống tới tầng 48. Bây giờ, con đang ở trong tiến trình vươn lên khỏi các ảo tưởng này, từng cái một – và con chỉ có thể vượt qua chúng từng ảo tưởng một. Không phải vì con vẫn còn nhiều ảo tưởng cần vượt qua mà con bất toàn.
Không, con yêu dấu, con không bất toàn! Con chỉ giản dị đang ở một tầng nào đó trên đường tu. Không có gì sai trái với điều này. Con hãy ngừng đuổi theo cái cầu vồng của toàn hảo – không có hũ vàng nào ở dưới chân cầu vồng cả. Sa nhân không có gì mà con ước muốn, họ không thể cống hiến gì cho con. Con hãy chấp nhận chính mình, ở tầng hiện nay của con trên con đường tâm linh. Con hãy chấp nhận là con có thể biểu hiện quả vị Ki-tô ở một tầng nào đó và con hãy dám biểu hiện nó. Con đang ở tầng tâm thức cao hơn nhiều so với hầu hết mọi nguời trên trái đất. Con có thể biểu hiện một tầng tâm thức cao hơn nhiều, nhưng hiện nay con cũng đã có khả năng biểu hiện một điều gì giúp nhiều người vươn lên cao hơn. Con hãy chấp nhận như vậy là đủ tốt rồi.
Chính Giê-su có nói là con có thể nhìn vào mỗi ngày và xem cái ác của ngày đó là đủ. Con có thể lấy câu nói và tiến thêm một bước nữa và nói: Hãy xem cái tốt của ngày đó là đủ. Nói cách khác, con nhìn vào tầng tâm thức con đang ở hiện nay và chú tâm vào đó. Con đừng băn khoăn tới các tầng cao hơn, con không trăn trở phải tuân theo một tiêu chuẩn toàn hảo nào đó. Con hãy chú tâm vào tầng tâm thức của con, con bình an ở chỗ con đang ở và biểu hiện quả vị Ki-tô ở tầng này.
Con yêu dấu, thày biết tâm đường thẳng của con muốn nói: “Nhưng có 144 tầng tâm thức. Ta cần vượt qua mọi ảo tưởng, ta cần khắc phục mọi dính mắc, sau đó ta đạt quả vị Ki-tô, ta đạt quả vị Phật, và khi ta chưa tới đó thì ta chưa tới nơi ta phải tới.” Con yêu dấu, con đang ở đúng ngay chỗ con phải ở ngay bây giờ, nếu con sẵn sàng xem xét ảo tưởng mà con đang phải đối phó ngay bây giờ, thăng vượt ảo tưởng đó và sau đó biểu hiện quả vị Ki-tô bằng cách thách thức ảo tưởng đó. Nếu con làm vậy thì con ở đúng ngay chỗ con phải ở.
10.8. Trút lớp da rắn của tinh thần cầu toàn
Con không thể và không đang ở tầng tâm thức 144 vì con không chọn con đường đó. Con đã chọn lựa chứng minh cách vươn lên những tầng tâm thức càng ngày càng cao hơn. Con không ở đây để chứng minh cách nhảy từ tầng 48 lên tầng 144. Không ai có thể xem đó là một gương mẫu. Đó là điều sa nhân đã cố làm với cuộc đời Giê-su: họ đã khiến con người tin rằng Giê-su đã không phát triển khả năng bằng cách đi trên con đường tu nhưng đã đựơc sinh ra ở tầng tâm thức cao, và do đó không ai có thể nhìn thày như một tấm gương mà họ có thể noi theo. Con hãy nhìn tất cả những tín đồ Cơ đốc giáo không chịu coi Giê-su là một tấm gương. Đó là lý do vì sao con cần là tấm gương để mọi người có thể thấy là có những người giống như họ, đã bắt đầu giống như họ nhưng đã vươn cao hơn. Do đó, mọi người có thể tin rằng nếu một người đã làm được thì tất cả có thể làm được.
Con yêu dấu, tinh thần cầu toàn thực sự là một trong những âm mưu quỷ quyệt nhất của sa nhân. Không dễ vượt qua nó, nhưng ở tầng tâm thức hiện nay của con, vượt qua nó không khó. Lẽ dĩ nhiên, có người mang bệnh cầu toàn ở tầng tâm thức 48 vì ở tầng đó rất khó chế ngự tinh thần cầu toàn. Ở tầng tâm thức hiện nay của con, con chỉ cần bước thêm một bước nữa, một bước nhỏ, có thể làm được, để vượt qua nó, để thấy phàm linh, thấy nó như nó là, thấy nó là một yếu tố ngoại lai trong bốn thể phàm của con, nhìn nó và nói: “Bước ra đằng sau ta, Satan, ngươi không phải là một phần của ta nữa.”
Con yêu dấu, thày rất vui mừng khi thày thấy học viên thấu hiểu điều này trong thể bản sắc của họ. Thày lại càng vui mừng hơn khi thày có học viên đã cho phép nhận thức này thấm xuống tầng ý thức của họ. Con thấy phàm linh, con thấy tinh thần cầu toàn và con không phản ứng đổ lỗi cho mình vì đã bị nó ảnh hưởng. Con bước ra khỏi cỗ máy chạy và giản dị nói: “Ồ, đây nhé, đây chỉ là thêm một phàm linh khác phải ra đi. Bao nhiêu phàm linh khác đã ra đi rồi, thêm một con nữa có là gì đâu?”
Thày biết phàm linh này tự coi mình là phàm linh tối hậu vì con cần phải toàn hảo mới được Thượng đế chấp nhận, nhưng điều này không đúng, con yêu dấu. Thượng đế chấp nhận con như con là ngay lúc này. Thực ra, con có thể nói là đối với Thượng đế, chấp nhận được hay không chấp nhận được là những khái niệm vô nghĩa. Con là môt biểu hiện của Thượng đế. Làm sao Thượng đế lại có thể không chấp nhận con?
Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điều này với tâm ý thức của con. Con hãy xem lại bài giảng này nhiều lần. Nếu con cảm thấy con cần nhiều hơn chín ngày để khắc phục tinh thần cầu toàn, thì con hãy lấy thêm thì giờ. Con yêu dấu, khóa học này không phải là một cuộc chạy đua. Không có cuộc thi đua xem ai hoàn thành khóa học này trong thời gian ngắn nhất.
Như thày có nói, con có thể hoàn tất khóa học một cách nhanh chóng với tâm vỏ ngoài, nhưng điều này không có nghĩa là con đã đạt các khai ngộ vì con đã không thể nhập chúng và do đó chưa vươn lên tầng tâm thức cao hơn. Con hãy dành thời gian cần thiết. Tinh thần cầu toàn đã đánh bẫy biết bao nhiêu đệ tử tâm linh trong mấy ngàn năm qua và trì hoãn sự tiến bộ của họ, có khi trong nhiều kiếp sống. Thày không muốn thấy con là một trong những người đó. Thày muốn thấy con đạt được khai ngộ này, trút bỏ lớp da rắn của tinh thần cầu toàn, bỏ nó lại đằng sau và tiến tới một ngày mới trong đó con vui thú với gì mình là, biết rằng ngày mai con sẽ hơn nữa.