Bất kỳ đối thủ nào cũng là sản phẩm của trạng thái tâm con

Hỏi: Con có một câu hỏi rất quan trọng. Khi nhìn ngược về lịch sử, chúng ta thấy nhiều lần con người bị tấn công dữ dội do niềm tin của mình. Chẳng hạn hàng ngàn hay hàng triệu người đã bị thiêu sống. Nước Đức của Hitler có hàng triệu người bị giết hại. Và cả trại tập trung nữa. Và bây giờ có thể trong thế giới văn minh hơn, chúng ta có bác sĩ tâm thần? Bác sĩ tâm thần có phải là mối đe doạ cho chúng ta không?

Con gặp một tình huống vô cùng khó chịu khi con nói chuyện về những phép lạ mà con chiêm nghiệm khi sử dụng các giáo lý, kỹ thuật của thày cùng các chân sư khác. Có một người ghét con đến độ họ bảo con bị bệnh tâm thần và người ta phải nhốt con vào bệnh viện tâm thần… và con bắt đầu nghĩ có lẽ sắp tới lúc mình phải gặp bác sĩ tâm thần. Có lẽ chúng con là học trò tâm linh phải sẵn sàng trước tình thế này?

Và đây là câu hỏi quan trọng: Liệu bác sĩ tâm thần có phải là mối đe doạ cho chúng ta? Việc họ nhốt người ta vào bệnh viện tâm thần do niềm tin tâm linh vào phép lạ có hợp lý không? Đối với nhiều người, việc đó thật kỳ lạ, thậm chí đáng tởm. Và chúng ta phải đối phó thế nào với đe dọa đó, nếu đó là một đe dọa?

Vậy làm thế nào để hét to cho mọi người nghe được khi chúng ta bị đe dọa như vậy? Làm thế nào chúng con nói lớn về Nước Trời như thày? Thượng đế có phải là người bảo vệ an toàn cho chúng con? Hay có lẽ đó là rủi rỏ và cái giá mà chúng con phải chịu vì Nước Trời và cứu rỗi? Chắc hẳn là có nhiều rủi ro và đe dọa như vậy? Và làm thế nào vượt qua sợ hãi? Xin thày giải thích. 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/8/2010.

Chúng ta hãy nhìn vấn đề này ở mức độ cá nhân và mức độ xã hội, trước hết là cá nhân. Nếu con, với tư cách một người tâm linh, muốn các bác sĩ tâm thần là mối đe dọa cho con, thì theo Luật Tự quyết, con hoàn toàn có quyền có trải nghiệm đó. Bất kỳ hình tư tưởng nào mà con phóng ra tấm gương vũ trụ cuối cùng sẽ được phản chiếu trở về con dưới hình thức những hoàn cảnh vật chất.

Như chúng tôi, các chân sư, đã đề cập nhiều lần và từ nhiều khía cạnh khác nhau, một số hành giả tầm đạo vẫn bị mắc kẹt, hoặc it nhất bị phần nào mù quáng, trong tư duy cuồng đại. Trong khung tư duy này, con cố tình – nhưng tâm ý thức của con không hề hay biết – tìm kiếm một đối thủ, một kẻ thù mà con có thể chỉ định làm mối đe dọa, để con có cái cớ mà không nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về trạng thái tâm con. Chẳng hạn, con có thể trong tiềm thức tin rằng con không thể bình an hoặc biểu đạt được tâm Ki-tô của con bởi vì một số điều kiện ngoại cảnh không hội đủ. Những điều kiện này không hội đủ là vì có một đối thủ đang chống lại những điều kiện “toàn hảo” sẽ cho con sự an bình hay tâm Ki-tô mà con đang thiếu. Và như vậy, con có cái cớ để tập trung vào việc giao chiến với đối thủ đó thay vì thể hiện tâm Ki-tô của con – là điều mà đáng lý con phải làm bất kể mọi điều kiện ngoại cảnh, vì TẤT CẢ mọi điều kiện vật chất đều chống lại sự biểu hiện tâm Ki-tô.     

Kỳ thực, đối thủ đó không hề có, nhưng vì thế gian đang bị tác động quá nặng bởi tư duy nhị nguyên, nên con luôn luôn có thể tìm thấy một ai đó có vẻ là đối thủ của con. Lý do là vì chính con là người đã tạo ra hình tư tưởng về một đối thủ nguyên mẫu. Và bởi vì con không chịu nhận trách nhiệm về tình trạng tâm con, con tự thuyết phục là thật sự có một đối thủ đang sẵn sàng nhảy bổ vào con bất cứ lúc nào, không liên quan gì tới trạng thái trong tâm con.  

Khi con phóng chiếu hình tư tưởng này vào xã hội nơi con sinh sống, thế nào cũng có một ai đó có vẻ như xác nhận hình tư tưởng của con là đúng – và như vậy con chỉ định người đó, hay nhóm người đó, là đối thủ cá nhân của con. Con càng “đánh nhau” với đối thủ bao nhiêu thì hình như đối thủ càng đánh lại bấy nhiêu (và trong một số trường hợp, đối thủ sẽ đánh lại thật do chính họ cũng có người bị kẹt trong tư duy nhị nguyên). Như vậy, mọi hành động của đối thủ dường như xác nhận hình tư tưởng là người đó thực sự là đối thủ của con.

Cuộc vật lộn này sẽ kéo dài bao lâu? Đúng vậy, do phần vật lộn của con thực sự diễn ra trong tâm con, cho nên nó sẽ phải tiếp diễn cho tới khi con quyết định con đã chán ngấy trải nghiệm đó và con quyết định xét lại những hình tư tưởng mà con phóng ra. Như ta có trình bày trong một câu trả lời khác, một số người đã biến chính quyền của họ thành đối thủ, và cuộc vật lộn này sẽ không bao giờ đem lại Thời Hoàng kim.

Không một vị thày tâm linh nào sẽ có thể thuyết phục được con là cuộc giao chiến của con chỉ xảy ra trong tâm con cho tới khi con sẵn lòng xem xét cách con nhận thức cuộc sống, là cách con nhìn cuộc sống xuyên qua cái tư duy nhị nguyên cho rằng phải có một đối thủ. Việc xem xét này có thể khiến con nhận ra là nhận thức về cuộc sống không phải là một sinh hoạt thụ động, qua đó con đứng nhìn ngoại cảnh như một cái gì hiện hữu độc lập với tâm con. Kỳ thực, đó là một sinh hoạt tích cực qua đó con phóng chiếu hình tư tưởng vào tấm gương vũ trụ, và tấm gương này chỉ phản chiếu lại dưới một hình thức trông như ngoại cảnh. Điều này đã được cơ học lượng tử chứng minh – cho những ai sẵn sàng “nhìn” vượt khỏi nhận thức của mình.

Tất nhiên, như được giải thích ở nơi khác, nhận thức được sinh ra từ một trạng thái nào đó của tâm, và một khi cái Ta Biết tự đồng hóa với trạng thái này, nó sẽ “nhìn” xuyên qua phin lọc của tự ngã. Còn tự ngã thì không bao giờ có khả năng chất vấn trạng thái đã sinh ra nó. Và như vậy, tự ngã sẽ không bao giờ thăng vượt được tâm thức mong muốn một đối thủ. Điều này có nghĩa, lối thoát duy nhất là cái Ta Biết phải tự nhận diện nó là tỉnh giác thuần khiết, không những đứng vượt ngoài nhận thức của tự ngã, mà vượt ngoài cả trạng thái nơi tự ngã khởi lên.  

Nếu con nghiên cứu trạng web này kỹ lưỡng, con sẽ thấy ta đã nhiều lần cảnh báo các hành giả tầm đạo là phải cố gắng cân bằng, tránh cực đoan. Nếu con nghe theo lời khuyên này, các bác sĩ tâm thần sẽ không trở thành mối đe dọa cho con đâu, và con sẽ không có nguy cơ bị “nhốt trong bệnh viện tâm thần”. Lý do thật giản dị. Một bác sĩ tâm thần làm đúng theo khoa mình sẽ không đánh giá tín ngưỡng tâm linh hay tôn giáo của con, bởi vì bác sĩ tâm thần được huấn luyện để coi mọi tin tưởng là sản phẩm của tâm (điều này không sai, như ta vừa giải thích, đối với một người chưa đạt được tâm thức Ki-tô).

Cho nên, dù con hay những người quanh con có thể xem niềm tin tâm linh của con là kỳ lạ, một nhà chuyên nghiệp về tâm thần sẽ không nhìn vào những niềm tin đó mà sẽ tập trung vào cách cư xử của con. Chỉ khi nào có mối liên hệ rõ ràng giữa niềm tin và cách cư xử mất quân bình hay cực đoan, thì niềm tin của con mới được xét đến. Và ngay cả khi đó, bác sĩ tâm thần cũng sẽ không có vấn đề gì với niềm tin của con mà sẽ chỉ xem xét nó hầu hạn chế cách cư xử mất quân bình.

Tất nhiên ở đây, ta chỉ nói tới các bác sĩ tâm thần đúng đắn với nghề nghiệp, và đối với họ, mọi tín ngưỡng đều là sản phẩm của tâm, thậm chí cả tín ngưỡng cho rằng không có Thượng đế cũng là sản phẩm của tâm. Đương nhiên, sẽ có một số bác sĩ tâm thần không giữ được khoảng cách nghề nghiệp đó khi họ tin rằng niềm tin vào chủ nghĩa duy vật không phải là một niềm tin mà là thực tại. Và những kẻ duy vật “ngoan đạo” này có thể trở thành cuồng tín không khác gì những tín đồ “ngoan đạo” trong tôn giáo.

Nhưng điều ta muốn nói ở đây là khuyên mọi hành giả tầm đạo nên cố gắng cân bằng, và điều này thực sự có nghĩa là thăng vượt tư duy nhị nguyên cũng như cuộc tranh đấu cuồng đại. Nếu con cho phép con giữ mãi tư duy cuồng đại thì ở buổi bình minh của Thời đại Bảo bình, con sẽ bị tâm thức tập thể đang tăng mạnh “bắt buộc” tư duy cuồng đại đó ngày càng trở nên cực đoan thì mới duy trì được, với kết quả là hành vi của con sẽ mất quân bình hơn nữa, thu hút sự chú ý của các nhà tư vấn, tâm lý, tâm thần, thậm chí cả nhân viên pháp luật.      

Rồi nếu con phản ứng lại tình thế đó trong tư duy cuồng đại, con sẽ chỉ định những nhà chuyên nghiệp đó – là những người nói chung chỉ cố làm phận sự của mình – là những đối thủ mới của con, và con sẽ lại dùng các niềm tin cuồng đại để biện minh cho những hành vi cực đoan hơn. Điều này hẳn sẽ đưa con vào một cơn xoắn ốc tiêu cực có thể đem con vào trại tâm thần hay nhà tù (trong những trường hợp cùng cực, nó có thể dẫn đến tự vận mà người ta gọi là “tự vận do cảnh sát phụ lực”). Ta mong là những học trò chân chính của trang web này sẽ tránh khỏi cơn xoáy lốc đó. Tất nhiên, ta cúi đầu trước Luật Tự quyết cũng như sự kiện con cần trải nghiệm mọi chuyện con muốn hầu vượt qua tư duy cuồng đại. Một số người thực sự phải đưa tư duy này cho đến cùng cực trước khi ngộ ra là họ không còn muốn vật lộn với một đối thủ nào nữa, và khi đó, họ sẽ quyết định từ bò cái tư duy đã tạo ra đối thủ (và do đó đã “bắt buộc” tấm gương vũ trụ phải gửi về họ một đối thủ bằng xương băng thịt).  

Ta cũng thấy được là một số người có thể chỉ vào cuộc đời của ta, hoặc tiền kiếp của một số chân sư khác, và bảo rằng đã là Ki-tô thì phải có lập trường không khoan nhượng. Nhưng giữ vững lập trường cho sự thật KHÔNG đồng nghĩa với hành vi mất quân bình hay cực đoan. Quả là đã có rất nhiều người đã giữ lập trường cương quyết rồi bị bức hại, nhưng nếu con nhìn kỹ hơn, con sẽ thấy họ không giữ vững một lập trường phát xuất từ tâm trạng mất quân bình. Tương tự, con cũng tìm thấy nhiều người tin chắc là mình ùng hộ những nguyên lý cao cả, nhưng kỳ thực họ bị sai khiến bởi nhu cầu của tự ngã muốn chiến đấu hoặc muốn tâng mình lên cao hơn mọi người.     

Nói cách khác, hành động bên ngoài nhằm giữ vững lập trường có thể mang động cơ là tâm Ki-tô hay tâm vị kỷ. Và chỉ những ai cố giữ quân bình mới có thể tránh rơi vào cái bẫy mà tự ngã đã cài đặt, là “giữ vững lập trường” cho hình tư tưởng của mình thay vì cho sự thật cao cả. Đâu là sự khác biệt? Một điểm sẽ giúp con lượng định là sự sẵn lòng tha thứ những ai đã hành hạ mình. Người bị tự ngã sai khiến sẽ nhảy vào đấu tranh nhị nguyên, sẽ quy trách nhiệm và đổ lỗi cho bên ngoài, và do đó sẽ không sẵn lòng tha thứ (thật vậy, chính mong muốn quy trách nhiệm của tự ngã đã khiến người đó giữ vững lập trường). Ngược lại, người thực sự đến từ tâm Ki-tô sẽ sẵn sàng tha thứ, như trong câu ta đã nói: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết họ làm gì”. Con cũng có thể nghiên cứu cuộc đời của Thomas More đã hoàn toàn tha thứ nhà vua ích kỷ đã kết án ông tử hình.    

Ngày nay chúng ta đang đi vào một thời đại khi con người ngày càng có thể giữ vững lập trường của mình mà không rơi vào lối cư xử quá khích. Nói cách khác, cho dù người ta, hay thậm chí cả xã hội rộng lớn, có thể xem quan điểm của con là cực đoan, cách cư xử của con không bắt buộc phải cực đoan. Đúng hơn, thời nay con sẽ có tác động lớn lao hơn nếu con giữ vững lập trường một cách quân bình, và con dạy dỗ một cách tiếp cận tâm linh quân bình – thay vì một cách có thể bị xem là cuồng tín. Lịch sử đã chứng kiến quá nhiều người cuồng tín theo đạo. Điều cần thiết trong thời đại Bảo bình là có những con người có khả năng làm sáng tỏ các nguyên lý tâm linh để quần chúng có thể hiểu và liên hệ được – do nó vang dội và đánh thức một cái gì đó trong lòng quần chúng.