Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên PadmaSambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 10/10/2022. Bài giảng này được ban truyền nhân dịp Webinar 2022 cho Hoa Kỳ – Khôi phục nền dân chủ.
TA LÀ chân sư PadmaSambhava. TA LÀ một Đạo sư Kim cương (Vajra Guru). Điều này biểu thị ta đã đạt đến một mức quả vị Phật với quyền ở đây trên trái đất, giảng dạy trên trái đất. Ta không thường phát biểu theo cách này nhưng ta muốn nhân cơ hội này trao cho con một lời giảng có thể đem lại lợi lạc cho con.
Thày Astrea đã trình bày về khả năng bị ghiền một sự kích thích nào đó trên địa cầu. Là một người đang bước đi trên con đường quả vị Ki-tô, con vươn lên khỏi các thói nghiện ngập đối với những thứ của thế gian. Nhưng có thể con vẫn gần như bị ghiền việc giải quyết các vấn đề, giải quyết mọi chuyện trong tâm hồn, trong tâm lý của con.
Xu hướng tập trung vào các vấn đề
Ta muốn cho con một hình ảnh. Có một phong cảnh bao la, một đồng bằng rộng lớn với đồi núi bao quanh trải dài đến chân trời xa tắp. Bên trên là bầu trời xanh bát ngát có mặt trời sáng rỡ tuyệt đẹp. Dưới đất ngay giữa đồng bằng rộng lớn đó có một người đang đứng. Trên đầu người đó là một đám mây đen rất nhỏ. Và y ngước mắt nhìn lên đám mây rồi bảo: “Ồ, xem mây đen kia kìa, chắc chắn thế giới sắp đến ngày tận thế”. Y hoàn toàn không để ý gì đến cảnh vật bao la, đến bầu trời xanh ngắt và ánh nắng tươi sáng, mà chỉ chú tâm vào đám mây đen.
Ta biết rất rõ – chúng ta đều biết rất rõ – rất nhiều giáo lý mà các thày đã ban ra, đặc biệt qua trung gian vị sứ giả này, về việc giải quyết tâm lý, khắc phục chấn thương nhập đời cùng giải thể các ngã tách biệt của con, có thể gần như choáng ngợp đối với con. Như một số các con có bày tỏ, con cảm thấy gần như vô vọng, gần như không có cách nào nhìn hết được những khía cạnh thâm sâu đó của tâm lý mình. Nhưng một số khác đã đạt được kết quả đáng kể, và con nhận ra là con đã giải quyết nhiều cái ngã, nhiều vết thương, nhiều vận đề trong tâm lý mình.
Sứ giả này đã bước trên đường tu suốt hơn 45 năm qua. Đã có một giai đoạn trong thập niên 1990 khi ông thường xuyên có ý nghĩ: “Tôi đã nhìn ra và đã giải quyết quá nhiều chuyện trong tâm lý của tôi, nhưng những chuyện mới cứ không ngừng xuất hiện. Đến bao giờ mới hết đây?” Và tất nhiên, ông vẫn còn tìm kiếm các vấn đề trong tâm lý của ông. Nhưng từ khá lâu nay, ông chỉ đơn giản mở tâm ra quan sát rồi giải quyết chúng. Ông không tập trung vào chúng. Ông không bị chúng đè nặng. Chúng không lấy đi sự an bình của ông. Chúng không khiến ông bực dọc.
Điều ta muốn nói ở đây là đặc biệt trong cương vị một avatar, con đã đến địa cầu với ý định tạo ra một sự thay đổi tích cực, cho dù con đã nhìn việc đó như thế nào trước khi con đến, con đã thay đổi cách nhìn của con như thế nào, con đã thay đổi phương thức hoạt động của con như thế nào sau khi con đến hiện thân ở đây. Nhưng con vẫn còn mang một cách nhìn nào đó về lý do tại sao con ở đây, những gì con định bụng sẽ làm hay sẽ hoàn thành. Và cái nhìn này có thể cho con một xu hướng tập trung vào các vấn đề, tập trung vào những gì chưa được giải quyết. Và con giống như anh chàng kia đứng giữa phong cảnh bao la mà không ngắm phong cảnh, chỉ lo chú mục vào đám mây đen nhỏ xíu trên đầu mình.
Đúng, con có thể còn sót một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Đúng, như các thày đã nói, vẫn còn một số ảo tưởng mà con cần nhìn xuyên thấu trước khi con thăng thiên. Nhưng nếu như những điều còn sót lại không nhiều như con tưởng thì sao? Nếu như con đã giải quyết xong phần lớn những gì con cần giải quyết nhưng con không nhìn ra điều này, con không công nhận điều này vì con quá tập trung vào vấn đề kế tiếp? Gần như con ghiền chuyện giải quyết các vấn đề, ghiền cảm giác kích thích mà nó cho con mỗi khi con giải quyết hay chú tâm vào vấn đề.
Một lần nữa, ta không đang bảo con phải ngừng giải quyết tâm lý của con. Ta chỉ nói là thỉnh thoảng con hãy bước lui lại, và con tiếp tục bước lui lại cho đến khi con nhìn xa hơn đám mây đen kia trên đầu mình và thấy được quang cảnh rộng lớn, bầu trời xanh tươi của tâm hồn con, thấy được mặt trời của Hiện diện TA LÀ của con đang toả ánh nắng, và cảm thấy hơi ấm của Hiện diện TA LÀ đang chiếu rọi trên con.
Nhìn nhận mình đã có tiến bộ
Các thày đã trao cho con rất nhiều lời dạy về tâm thức nhị nguyên. Nhưng ta tự hỏi không hiểu con đã nắm bắt được một khía cạnh của những lời dạy đó và áp dụng trên bản thân mình hay chưa? Các thày đã nói đến sự cân bằng, nói đến Con đường Trung đạo, không đi về đối cực nhị nguyên này lẫn đối cực nhị nguyên kia. Nhưng các thày cũng đã nói là tâm thức nhị nguyên có khả năng chụp lấy bất kỳ lời nào của một vị thày tâm linh và khiến nó trở nên mất quân bình. Liệu con đã hoàn toàn nắm bắt là khi các thày trao cho con một giáo lý, thì sẽ có một cái ngã tách biệt trong tâm con – thậm chí cả các tà lực ở ngoài tâm con – sẽ kéo con vào cực đoan đối chọi, hoặc cái mà tâm nhị nguyên xem là cực đoan đối chọi?
Các thày đã khá nhiều lần đề cập đến các đệ tử bước vào đường tu, đã đến với các chân sư thăng thiên vì họ muốn cảm thấy mình đặc biệt. Họ muốn cảm thấy họ đã tiến xa hơn các đệ tử khác, thậm chí còn là đệ tử tâm linh cao cấp nhất trên hành tinh. Nhiều các con đã nhận các giáo lý này và quyết định là con muốn khắc phục xu hướng nói trên nếu con đang mang xu hướng đó, hoặc con không muốn rơi vào xu hướng đó. Nhưng lại có một cái ngã trong tâm con bảo rằng, để tránh cảm thấy mình đặc biệt, con phải tránh không được cảm thấy bất cứ gì về mình. Nói cách khác, con không được phép công nhận mức chứng đạt của mình, công nhận những gì mình đã giải quyết trong tâm lý bởi vì làm vậy có thể khiến con kiêu mạn.
Có một cái ngã muốn con cảm thấy kiêu mạn và cũng có một cái ngã bảo con không được kiêu mạn và do đó con không được công nhận bước tiến của mình. Nhưng con đường quả vị Ki-tô là gì chứ? Đó là con đường tiến bước, tự thăng vượt. Nếu con không công nhận mức tự thăng vượt của mình thì con sẽ rơi vào một vùng hoang địa nơi con sợ cảm thấy kiêu mạn đến độ con không dám công nhận mình đã thật sự có tiến bộ, mình đã đạt tới một mức nào đó. Đây chính là tác động của tâm thức nhị nguyên trên những ngã này.
Bây giờ con hãy quan sát bản thân. Con có thể nhìn vào sự kiện này. Con có xu hướng gì khi con nghe ta trình bày những điều trên? Con có thể cảm thấy những loại ngã nào? Xong con có thể sử dụng các dụng cụ của các thày để làm việc trên điểm này, khắc phục những cái ngã đó cho tới khi con đạt tới điểm con buông được nhu cầu cảm thấy mình đặc biệt, mình cao trội, mình kiêu mạn. Và như vậy con cũng buông luôn cái ngã cho con sự khiêm tốn giả tạo, sự nhún nhường giả tạo không muốn công nhận bước tiến của mình. Con có thể đơn giản buông chúng ra và nhờ vậy trụ trong một tâm thái trung hòa nơi con có thể nhận diện, con có thể nhìn lại con đường của mình và nói: “Thật ra tôi đã đi được nhiều bước trên con đường của tôi. Tôi đã kinh qua nhiều trải nghiệm. Tôi đã nhìn ra nhiều điều trong tâm lý của tôi. Tôi đã giải quyết được nhiều chuyện. Tôi thực sự đã có tiến bộ.” Không phải là con tự hào mà con cảm thấy vui mừng.
Và tại sao con lại không được cảm thấy ngày càng vui hơn khi con bước cao hơn trên đường tu chứ? Tâm Ki-tô vốn hoan hỉ. Tâm Ki-tô không nghiêm nghị như quá nhiều người vẫn tưởng vậy, thậm chí nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên lẫn nhiều tín hữu Cơ đốc giáo vẫn tưởng rằng Ki-tô thật nghiêm trang, Thượng đế thật nghiêm trang. Ki-tô vốn vui mừng. Tại sao con không có quyền cho phép mình vui mừng khi con đã có chứng đạt trên đường tu? Đây không phải là một niềm vui nghịch với đối cực ngược lại, không phải là hạnh phúc nghịch với sự bất hạnh theo một định nghĩa nhân thế nào đó. Mà đây là niềm vui vượt khỏi cặp đối cực phàm phu, vượt khỏi mọi nhị nguyên và phân cực. Con có quyền cảm thấy niềm vui này. Tại sao không cho phép mình cảm thấy nó, ghi nhận nó?
Con đường Thương khó
Các thày chưa bao giờ bảo rằng con đường dẫn đến quả vị Ki-tô là Con đường Thương khó (Via Dolorosa). Không, các thày đã nói điều ngược lại. Ai đã chế ra Con đường Thương khó, ai đã chế ra toàn bộ khái niệm này? À, tất nhiên là sa nhân rồi. Chúng muốn vắt kiệt niềm vui khỏi mọi người đến độ người ta không thể mua được cái ảo tưởng phổ biến trong đạo Cơ đốc về con đường cứu rỗi tự động: Con hãy đi lễ nhà thờ, hãy tuân theo các luật lệ và quy tắc, hãy tin vào giáo điều thì con sẽ tự động được cứu rỗi. Luôn luôn có những người muốn nhiều hơn, thế là sa nhân dựng lên khái niệm bảo rằng đây là con đường hy sinh, đây là con đường đau đớn, cho nên không hề có niềm vui nào trên con đường của các vị thánh.
À, tất nhiên khi con có một giáo hội đặt nền tảng trên tâm thức của Peter và tâm thức của phản Ki-tô, thì làm sao có niềm vui được? Làm sao những người lãnh đạo giáo hội đó cảm thấy vui mừng? Và nếu các lãnh đạo không vui mừng thì tại sao bất cứ ai khác trong giáo hội lại vui được? Nói cho cùng, bản chất con là một kẻ có tội. Làm sao con có thể cho phép mình vui sướng khi con là một kẻ tội đồ khốn nạn đúng lý phải ăn năn xấu hổ chỉ vì mình đang tồn tại? Tất cả thật là vô lý. Vô lý. Con hãy buông nó ra. Hãy nhận diện những cái ngã đó, nhìn thẳng vào mặt chúng và bảo: “Mi không phải là ta. Ta không phải là mi. Ta không muốn mi nữa. Ta để cho mi chết đây.” Đây chính là những gì Ki-tô muốn nói khi thày bảo: “Ai sẵn sàng vì ta bỏ đời sống, sẽ tìm thấy sự sống.” Con sẽ tìm thấy một dạng sống cao hơn vượt khỏi những cái ngã tách biệt đó.
Lý do đưa con đến địa cầu
Khi con nhìn lịch sử, nhìn vào ngày hôm nay, phải nói là những gì loài người có thể tin được thật đáng kinh ngạc. Bao nhiêu dối trá, bao nhiêu ảo tưởng mà con người đã có thể tin theo, thật không thể nào ngờ được. Đối với một chân sư thăng thiên thì không đến nỗi nào, vì các thày đã chứng kiến đủ mọi chuyện. Tuy nhiên vẫn là một khối lượng lừa dối và ảo tưởng khó tin. Con người có khả năng tin những chuyện đó, thậm chí còn tin rằng chúng diễn tả một chân lý nào đó, hay chúng đã được ban ra bởi Thượng đế, hay bởi đức Phật, hay Krishna, hay Ki-tô, hay bất kỳ thẩm quyền nào mà họ nhìn thấy. Con hãy nhìn vào đó và nhận diện đó là chuyến hồ đồ, vô lý. Xong con chỉ đơn giản buông nó ra.
Có lẽ con có thể nhận diện một cái ngã mà hầu hết mọi avatar đều có, và các con đã mang ngã này ngay từ lúc đầu thai. Đó là hệ quả của sự kiện con đến đây với lòng mong muốn giúp đỡ mọi người, tạo cuộc thay đổi. Để giúp người khác, con cảm thấy con phải lắng nghe họ, phải nhạy bén với họ. Con gặp những người tin vào các dối trá đó hay con gặp sa nhân và con nghĩ: “Tôi nên để ý và quan tâm những gì họ nói. Tôi nên mở tâm lắng nghe họ.” Con bắt đầu hấp thụ, con cảm thấy một nghĩa vụ. Khi sa nhân ném cho con một ý tưởng sai lầm, con cảm thấy mình có bổn phận xem xét nó: “Không hiểu trong lời nói này có gì đáng xem xét chăng? Có thể nào đó là sự thật?” Con thấy chuyện này xảy ra ngay cả trong câu chuyện Vườn Eden khi Eva cảm thấy bắt buộc phải lắng nghe lời nói của rắn và cân nhắc xem nó nói gì. Là một avatar, sẽ tới điểm con cần nhìn vào sự kiện này. Con cần nhìn xem con có cảm thấy nghĩa vụ nào đối với trái đất, đối với người khác, thậm chí đối với cả sa nhân. Và con cần bác bỏ ngã đó và để cho nó chết hầu con có thể nhìn nhận: “Tôi không bắt buộc phải làm bất cứ gì trên địa cầu. Tôi không có nghĩa vụ gì trên địa cầu.”
Bây giờ, để đi muốt toàn bộ tiến trình này, có thể con sẽ phải xét xem những gì đã đưa con đến trái đất, những gì con muốn thực hiện, những gì con muốn hoàn tất, vì đó chính là cái đã cho con cảm giác nghĩa vụ. Con muốn hoàn thành một điều gì đó và để làm vậy, con có bổn phận ra tay. Con cảm thấy mắc kẹt, vướng víu vì con đã nghiệm thấy là khi con làm những gì con nghĩ mình có bổn phận phải làm, thì thật ra con không đạt được kết quả con muốn. Vậy con có chọn lựa nào không?
Nhiều người hết kiếp này tới kiếp khác cứ cố đẩy tới, cố tìm cách thị hiện được kết quả mong muốn. Nhưng chỉ có một lối thoát duy nhất khỏi sự khó xử này, điều bí ẩn này, tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, đó là nghĩ xem có phải con đã thiếu cố gắng? Không, vấn đề có thể nằm ngay ở mục tiêu của con. Và có thể con sẽ phải xét lại chính cái lý do đã đưa con đến địa cầu, ngộ ra nó không là cao nhất. Nó là một sản phẩm của mức tâm thức mà con đã có vào thuở đó. Nhưng giờ đây con đã vươn lên một tầng tâm thức cao hơn thì con có khả năng nhìn vào nó, tái xét nó, và con buông nó ra. Buông nó ra!
Vị sứ giả này đã làm việc trên vấn đề này được năm sáu năm từ khi các thày ban truyền các giáo lý về ngã tách biệt. Ông đã mô tả bước đột phá quan trọng đầu tiên mà ông có được khi ông nhận ra: “Tôi không phải làm gì trên trái đất.” Nhưng kể từ đó, ông đã có thêm nhiều đột phá khác liên quan đến điểm này – tại sao ông có mặt trên địa cầu, ông xem vai trò của mình là gì, muc tiêu của mình là gì khi ở đây – và ông đã sẵn lòng cứu xét lại tất cả. Việc này vượt khỏi chấn thương nhập đời vì nó được định đoạt trước khi con gặp phải chấn thương nhập đời.
Đó là những gì con đã đem theo con từ một hành tinh tự nhiên, những gì đã đưa con đến đây từ một hành tinh tự nhiên. Và đây là bước kế tiếp sau khi con giải quyết chấn thương nhập đời, là con xem xét các khía cạnh sâu sắc hơn, chẳng hạn như: Tại sao con lại có mặt ở đây? Bởi vì nếu con không giải quyết chuyện này thì làm sao con sẽ rời được nơi đây? Làm sao con có thể thăng thiên? Làm sao con có thể đứng đó trước cánh cổng, nhìn lại trái đất một lần chót và tìm xem còn điều gì níu con ở lại? Làm sao con có thể nhìn quỷ Mara đang cố kéo con vào một phản ứng mà vẫn không phản ứng lại? Chỉ khi nào con cảm thấy con không còn việc gì cần làm trên trái đất thì con mới có thể tránh không phản ứng lại bất kỳ điều kiện nào trên trái đất.
Một số các con chưa đạt tới mức sẵn sàng với lời dạy này. Nhưng ta muốn đem nó vào cõi vật lý để những ai đã sẵn sàng có thể tiếp nhận được, và những ai sẽ sẵn sàng trong tương lai có thể tìm thấy và đọc được. Và với tư cách một Đạo sư Kim cương, ta có quyền đem lại bất kỳ giáo lý nào ta muốn khi có cánh cửa mở ra cho giáo lý đi vào. Và như vậy, ta nói Vajra, Vajra, Vajra. PadmaSambhava TA LÀ.