Cách đối phó với lời chỉ trích của người khác

Hỏi: Con có một câu hỏi về cách đáp ứng và chìa má bên kia khi có đồng nghiệp nơi sở làm chỉ trích và xem thường con. Con thường phản ứng với cảm giác xấu hổ, xong con cố biện minh và tự bào chữa. Con nhận ra chính là cái ngã cảm thấy xấu hổ và muốn tự bào chữa. Thật là khó để con bỏ qua mà không có bất kỳ phản ứng nào. Làm thế nào con có thể đáp ứng lại mà không kích hoạt một phản ứng “chiến hay chạy”?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hoà Lan năm 2019. Đăng ngày 17/10/2019.

Ta đề nghị con nên khởi sự bằng cách nhìn vào tình huống và lượng định xem cái giá phải trả trong cách cư xử hiện thời của con là gì cũng như lợi ích mà con gặt hái. Con sẽ thấy là cách tiếp cận đó kéo con vào một phản ứng qua đó con luôn luôn bị mất an bình, rồi càng ngày con càng khó lòng hòa hợp với người khác do con kháng cự lại những gì họ nói với con. Con có thể thấy được cách phản ứng của mình mang một cái giá, xong con thử nhìn xem giá đó là gì rồi quyết định con có muốn trả tiếp hay không, hay là con muốn bước ra khỏi nó. Nếu con bước ra khỏi nó, con sẽ thấy có tới mấy cái ngã đang hiện diện ở đây.

Thường thường có một cái ngã cưỡng chống lại việc con tự xem xét mình, nó kháng cự không muốn nhìn vào bản thân vì có một cái ngã thứ nhì muốn khiến con xấu hổ hay muốn phán xét khi con nhìn vào một điều gì đó chưa giải quyết. Có thể con sẽ tới một điểm khi con sử dụng các dụng cụ mà chúng tôi đã ban truyền để nhận diện và tách mình ra khỏi những cái ngã đó, và con ngộ ra là con không có vấn đề gì cần giải quyết, và con để cho những ngã đó chết đi.

Con cũng sẽ khám phá có một cái ngã sâu hơn đứng đằng sau, gắn liền với toàn bộ quan điểm cho rằng con phải là người toàn hảo, hay là người không bao giờ lầm lỗi. Đây chính là cái ngã đã tạo ra – nếu có thể nói như vậy – hai ngã kia, nhưng nó nằm ẩn sâu đằng sau hai ngã kia do con bị bận tâm trong phản ứng “kéo và đẩy” khi con kháng cự lại lời phát biểu của người khác. Con có thể đạt tới điểm là con phát hiện cái ngã nằm sâu ở dưới đó và nhận ra là nó hoàn toàn không thực.

Trước hết, không hề có trạng thái nào là toàn hảo. Thứ hai, đó là một sự lập trình rất sâu kín trong tâm lý tập thể do các sa nhân tạo dựng; nó quy định rằng con phải sống đúng theo một chuẩn mực toàn hảo mà không một ai có thể đạt được. Con có thể nhìn ra ngã đó, và một lần nữa, con nhìn ra là nó không thực. Con không phải sống theo một chuẩn mực toàn hảo khi không một ai có thể định nghĩa chuẩn mực đó là gì. Trong tư cách một con người, con không phải toàn hảo mà chỉ cần liên tục tăng triển. Cho đến hết phần còn lại của cuộc sống trong hiện thân, con sẽ tiếp tục tăng triển.

Một khi con thấy được điều này, con nhận ra là việc nhìn thấy một cá tính nào đó trong bản thân mình, hay việc người khác chỉ ra một điểm gì đó nơi mình, thật sự không là cái gì con cần kháng cự lại, bởi vì chính nó sẽ giúp con tăng triển. Một khi con vứt bỏ những ngã đó đi, con sẽ thấy là con có thể hoàn toàn trung hòa khi người khác nói gì về con. Trong nhiều trường hợp, con thấy được là rất có thể điều họ nói không hợp lý chút nào, và nó dựa trên một nhận thức thiên vị hay thiếu khách quan. Nếu đó là một cấp trên tại sở làm, thì thay vì con phản bác lại hay tự bào chữa hay chứng minh là họ sai lầm, con có thể thoát ra nhẹ nhàng và thích ứng với người đó, hầu con có mối quan hệ tốt đẹp hơn với họ, xong con chỉ việc tiếp tục công việc của mình.

Một lần nữa, vấn đề chính ở đây là con xem xét những cái ngã đó đang kéo con vào phản ứng. Trên cơ bản, như chúng tôi đã có giảng trước đây, mỗi khi con cảm thấy một sự xáo trộn bên trong, con sẽ biết ngay sự xáo trộn đó đến từ một ngã tách biệt. Khi cái Ta Biết biết rõ nó là ai và nó là gì, thì con chỉ đơn giản là một người quan sát trung dung. Trong cái Ta Biết không hề có phản ứng đó.