Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/9/2021, nhân Webinar 2021 cho Hoa kỳ – Tiến tới các Quan hệ của Thời Hoàng kim. Đăng ngày 9/10/2021.
TA LÀ chân sư thăng thiên Hilarion, Thượng sư của Tia sáng thứ Năm. Tia thứ Năm thường được xem là Tia của Sự thật, hay Tia của Chữa lành. Đâu là mối liên hệ giữa sự thật và chữa lành? Nghĩ cho cùng, con cần chữa lành cái gì chứ? Con cần chữa lành khỏi tâm lý mà con chưa giải quyết. Nhưng tâm lý chưa giải quyết đến từ đâu? Nó dựa trên gì? Nó dựa trên một ảo tưởng. Ảo tưởng là sự vắng mặt của sự thật. Khi con đem lại sự thật thì con thực hiện việc chữa lành.
Chính xác điều này có nghĩa là gì trong lãnh vực các mối quan hệ? À, chúng tôi các chân sư thăng thiên đã nói gì? Con hãy lấy một mối quan hệ điển hình trên địa cầu. Cả hai người đều mang tâm lý chưa giải quyết. Con có thể định ra một cách đo lường hay một cái thang khi nhìn con người. Con có thể nói là ở đầu bên này là những người mà toàn bộ hành động, toàn bộ cảm xúc, toàn bộ ý nghĩ và toàn bộ ý niệm bản sắc của họ đều là sản phẩm của một tâm lý chưa giải quyết. Đây là điều mà con nhận thấy nơi các sa nhân ở gần tầng tâm thức thấp nhất có thể có trên địa cầu. Và ở đầu bên kia của cái thang, của quang phổ tâm thức, là những người chỉ còn rất ít tâm lý chưa giải quyết, đến độ họ tự do hơn rất nhiều để không những chọn lựa hành động của mình, mà chọn lựa cả phản ứng của mình. Nói cách khác, họ chọn lựa cảm xúc của họ, chọn lựa ý nghĩ của họ, chọn lựa ý niệm bản sắc của họ.
Khi con nhìn vào tuyệt đại số con người trên địa cầu, con sẽ thấy là hầu hết mọi người ở một mức không hoàn toàn bị tâm lý chưa giải quyết chế ngự, nhưng họ vẫn bị tâm lý đó tác động rất, rất mạnh mẽ. Con nhìn vào mối quan hệ điển hình thì con sẽ thấy gần như mọi chuyện trong quan hệ đó hoặc là hệ quả, hoặc bị ảnh hưởng và bị tô màu một cách vô cùng sâu đậm bởi tâm lý chưa giải quyết của cả hai người. Như thày Serapis có nói, nó tương tự như ngã tách biệt này đang tương tác với ngã tách biệt khác. Những ngã tách biệt của một người tương tác với ngã tách biệt của người kia, quy định cách họ hành xử với nhau và phản ứng lẫn nhau.
Lẽ tự nhiên, trong cương vị một người tâm linh, con đã bắt đầu khắc phục được phần nào vấn đề nói trên. Và lẽ tự nhiên, con cũng nhận ra, hay con có khả năng nhận ra nhanh chóng, là toàn bộ mục tiêu của con đường tâm linh là đạt tới điểm khi các mối quan hệ của con không còn bị chế ngự và không còn bị hoàn toàn chi phối bởi tâm lý chưa giải quyết của con. Như chúng tôi có nói, trong bất kỳ quan hệ nào, con đừng nên tập trung vào người kia, vào đối tác, vào người bạn đường của con. Con hãy tập trung vào những gì con có quyền năng thay đổi, mà cái đó chính là bản thân con, là tâm lý của con. Khi nói đến các mối quan hệ, đấy có thể được xem là sự thật cao nhất. Con không có khả năng thay đổi người bạn đường của con nhưng con có khả năng thay đổi chính con. Cho nên nếu con muốn được nội lực, nếu con muốn tăng triển, con phải tập trung vào những gì con có quyền năng thay đổi.
Tuy nhiên, ta cũng muốn nói với con là việc thay đổi tâm lý của mình không hoàn toàn là một tiến trình nội tâm. Nếu con lấy các giáo lý mà chúng tôi đã ban ra thì con đã có thể nói: “Bây giờ tôi nhận ra những gì các thày đã dạy về tâm lý của tôi. Nếu tôi lấy tất cả những lời giảng dạy đó thì tôi phải có thể rút về một hang đá trên núi Himalaya, sử dụng các giáo lý đó để xem xét tâm lý mình, rồi với thời gian, lần lần tôi sẽ giải quyết hết mọi tâm lý chưa giải quyết cho tới khi tôi sẵn sàng thăng thiên. Cá nhân tôi phải làm được chuyện đó mà không cần tương tác chút nào với người khác, vì như các thày có nói, tôi có trọn vẹn quyền năng trên tâm lý của tôi. Tôi hoàn toàn có khả năng thay đổi ngã tách biệt của tôi, tháo gỡ chúng ra, buông bỏ mọi ảo tưởng và chuyển hóa mọi năng lượng.”
Điều đó đúng, con có thể làm như vậy. Có những người đã làm được như vậy, đã rút về ở ẩn nơi hang đá trên núi Himalaya, rồi nhiều năm sau họ bước ra khỏi hang sau khi đã thực hiện một số tiến bộ tâm linh. Tuy nhiên đó không phải là cách nhanh nhất để phát triển tâm linh. Và nếu con đang sống kiếp đầu thai chót của con và con muốn hội đủ tư cách để thăng thiên, đó không phải là cách hiệu quả nhất để đạt tới thăng thiên. Bởi vì chúng tôi đã nói gì chứ? Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, con đã tự đặt mình vào mối quan hệ với một số người nhất định chính vì con đã thấy được đây là cách nhanh nhất để mà tinh tấn.
Trên lý thuyết thì con có thể ngồi đó, và trong tâm con có thể hoàn toàn giải quyết tâm lý của con, nhưng điều này sẽ tốn rất nhiều thời gian, vì với một tiến trình hoàn toàn nội tâm như vậy, con không có cùng khung tham chiếu, con không nhận được sự phản hồi, con không có tương tác nào với người khác để mà có được một tầm nhìn về bản thân mình, hay để nó bắt buộc con phải phản ứng một cách nào đó, rồi chính cách phản ứng này làm lộ ra cái ngã tách biệt mà con cần thấy.
Có những người, thật ra có khá nhiều người, đã rút vào một khung cảnh tu viện, cho dù họ theo đạo Cơ đốc, đạo Phật hay bất kỳ tôn giáo nào khác. Họ rút hẳn khỏi thế giới để ẩn mình trong tu viện nơi mọi chuyện đều có luật lệ nghiêm ngặt rõ ràng. Họ dành ra một phần thời gian để làm việc, một phần thời gian để tu tập, và có thể một phần thời gian để nghiên cứu. Tất cả mọi thứ đều tuân theo luật lệ. Và khi họ chấp nhận bước vào sống trong một môi trường như thế, thường khi tự ngã của họ sẽ thở phào nhẹ nhõm, bởi vì giờ đây họ sẽ sống trong một khung cảnh kềm chế nơi họ không phải phản ứng lại bất cứ điều gì, và như thế tự ngã mới có chỗ để lẩn trốn. Có nhiều người tưởng mình đã tinh tấn, nhưng đó là vì tự ngã đã luôn luôn tìm được cách lẩn tránh. Họ không thấy được tự ngã vì không có gì đẩy nó ra ngoài cho nó lộ diện.
Chính con đã chọn tự đặt mình vào một số mối quan hệ vì con nhận ra đây là cách nhanh nhất. Điều này không có nghĩa là con phải ở lại trong quan hệ đó mãi mãi, mà chỉ cho tới khi con giải quyết được những gì con cần giải quyết trong quan hệ đó. Nhưng bằng cách tham gia năng động vào xã hội, có nhiều quan hệ khác nhau, nhận sự phản hồi của người khác và giám sát cách phản ứng của mình đối với người khác, đó thật là cách nhanh nhất để con tăng triển tâm linh. Đối với tuyệt đa số mọi người, cách này hiệu quả hơn hẳn một lối sống ẩn dật.
Điều này có thể hơi khác cho những ai đã làm công việc này trong tiền kiếp, nhưng đối với tuyệt đại đa số người tầm đạo, cuộc sống năng động và việc tương tác với người khác là cách hữu hiệu hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa gì? Như ta vừa nói ở trên, điều này có nghĩa là cách hữu hiệu nhất không phải là một tiến trình hoàn toàn nội tâm, và việc tương tác với người khác là cách hữu hiệu hơn.
Và tất nhiên, nó có nghĩa trước hết là con nói chuyện với người kia. Thày Lanto có bảo là con hãy bước ra lãnh vực thế tục và tìm hiểu các nghiên cứu về quan hệ, và nếu con làm việc đó, con sẽ thấy đa số các chuyên gia về quan hệ đều chỉ ra rằng vấn đề hàng đầu trong mọi quan hệ, đặc biệt các mối quan hệ trục trặc, là sự thiếu giao tiếp – không có dòng giao tiếp chảy tự do. Có thể trong một số trường hợp dòng giao tiếp có mặt, nhưng là một dòng trục trặc.
Nói cách khác, trong các mối quan hệ không diễn ra tốt đẹp, con thường thấy hai thái cực. Một thái cực là hai người không còn nói chuyện với nhau nữa. Hoàn toàn không có giao tiếp xảy ra, hoặc là họ không giao tiếp, hoặc họ chỉ giao tiếp về một số đề tài vô hại như thời tiết, hàng xóm, con cháu hay bất kỳ chuyện gì khác. Đây là thái cực đầu, người ta không nói chuyện với nhau.
Có một thái cực thứ nhì là họ có nói chuyện với nhau, nhưng thay vì nói chuyện về mối quan hệ, họ lại nói về những chuyện khác, hay họ chỉ trích lẫn nhau, cằn nhằn với nhau, tìm cách ép buộc nhau phải nhìn theo cách của mình. Nói cách khác, họ dùng một dạng giao tiếp ép buộc nơi họ tìm cách kiểm soát, hay có lẽ thay đổi người kia.
Dù sao thì trong cả hai cách đều có sự ép buộc, có vũ lực, vì cách duy nhất để hai người không thể nói chuyện với nhau là ép buộc mình, là đè nén xuống. Hoặc khi hai nguời cãi nhau và tìm cách lấn át nhau, thì hiển nhiên cả hai cũng đang dùng lực.
Món quà dựa trên Tia thứ Năm mà ta muốn tặng cho con là con có khả năng thiết lập một dạng giao tiếp khác hơn. Chúng ta có thể gọi đó là dạng giao tiếp không ép buộc, giao tiếp không dựa trên lực. Bình thường con sẽ có thể hỏi: “Nhưng giao tiếp chẳng phải là một con đường hai chiều hay sao? Tôi có thể học một cách giao tiếp tiến bộ mới mẻ và tôi có thể nói điều gì đó cho người bạn đường của tôi, nhưng nếu người ấy chỉ lạnh lùng nhìn tôi, hay nhún vai bước ra khỏi phòng, hay nổi giận và bắt đầu la hét thì sao?”
Nhưng chúng tôi đã nói gì? Con cần giành lại uy quyền trên những gì con có quyền năng thay đổi, và cái đó là chính con, là tâm lý của con, phản ứng của con. Con sẽ thấy nhiều người trên thế giới mang thói quen lạm dụng giọng nói của mình. Họ lạm dụng quyền năng của lời nói bằng cách miệt thị, tranh cãi, xúc phạm, mỉa mai, chế nhạo người khác, hay bằng những cách khác như la hét, chửi mắng người khác. Nhiều người có rất nhiều khí lực và họ không ngần ngại dùng khí lực đó trong giao tiếp.
Nhưng đa số các con là người tâm linh, các con không thuộc loại người đó. Con thuộc loại người không muốn lạm dụng giọng nói của mình, và do đó trong đa số trường hợp, con có xu hướng giữ im lặng. Con có xu hướng không nói lên những gì mình cảm thấy, những gì mình suy nghĩ, những gì mình trải nghiệm. Điều ta muốn gợi ý cho con, trong tư cách là người tâm linh thuộc loại này, thì con cần làm việc trên bản thân để con đạt tới mức con không bị hạn chế trong những điều con có thể bày tỏ với người khác, hay với người bạn của con trong quan hệ. Ngay trong bản thân, con có tự do nói ra bất cứ gì con cảm thấy mình cần nói ra.
Và điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều người trong số các con bỏ ra một số nỗ lực. Con cần nỗ lực nắm bắt toàn bộ khái niệm này. Con cần nhìn xem tại sao con cảm thấy miễn cưỡng làm chuyện đó, tại sao một số các con lại sợ làm chuyện đó. Có khi là vì con sợ phản ứng của người kia. Nhưng rất nhiều các con mang một nỗi sợ phát biểu mà con không thật sự nhận diện được. Và đối với nhiều người trong các con, vấn đề này đi trở ngược về thuở chấn thương nhập đời của con khi con từng lên tiếng chống lại sa nhân, xong con bị chúng đánh gục tàn bạo đến độ con quyết định là mình sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Nhưng con chẳng thấy hay sao là con đang dùng vũ lực chống lại chính mình? Và con không thể vừa làm vậy mà vừa thăng thiên. Khi con ở tầng 144 hay gần tới đó, con tự do nói lên bất cứ gì. Không có hàng rào nào trong tâm con ngăn cản con bày tỏ bằng lời nói những gì con có trong tâm. Tất nhiên là có rất nhiều thứ không nằm trong tâm con, nhưng dù sao đi nữa…
Điều con cần nhìn nhận ở đây là sa nhân mơ ước chúng là thẩm quyền tối thượng mà không ai có thể phản bác. Không ai có thể nói gì về chúng để thách thức uy quyền của chúng, hay để chất vấn chúng, hay để nói lên những điều chúng không muốn nghe. Chắc chắn con không thể nói ra bất cứ gì khiến chúng có vẻ sai trái, hay khiến chúng cảm thấy bối rối xấu hổ, cho dù một sa nhân thường không thể cảm thấy như vậy. Chúng muốn bịt miệng mọi người, bịt miệng mọi sự chống đối, và do đó chúng đã thiết lập một loạt cơ chế rất đa diện để bưng bít mọi người và khiến mọi người phải ngừng nói.
À, con sẽ có thể hỏi: “Làm thế nào chuyện đó có thể thành công?” Nó có thể thành công vì con đã từng có trải nghiệm lên tiếng rồi đã gặt hái hậu quả đau đớn. Con đã quyết định – con đã tạo ra một cái ngã tách biệt quyết định – là con sẽ không bao giờ lên tiếng kiểu đó nữa, hay bất cứ kiểu nào khác nữa. Con đang mang những ngã tách biệt đó, và trong khuôn khổ sự phát triển của con, con cần giải quyết chúng đi, con cần để cho chúng chết đi và được tự do.
Con có thể tự theo dõi, tự giám sát mình. Con có thể tự xem xét mình trong những hoàn cảnh quá khứ, hay ngay cả những hoàn cảnh hiện tại, và con có thể tự hỏi một số câu hỏi giản dị: “Liệu tôi có thể nhận diện những tình huống mà tôi không muốn lên tiếng hay không? Tôi có thể nhận diện những tình huống khi tôi muốn nói điều gì đó nhưng lại nhịn không nói? Tôi có thể nhận điện những tình huống khi tôi có lên tiếng, nhưng giọng nói của tôi đượm một nỗi cảm xúc tạo ra phản ứng tức thì nơi người kia trong quan hệ?”
Con cũng có thể cân nhắc xem con có bị rơi vào khuôn nếp sau đây hay không. Rất nhiều người tâm linh kinh qua một số tình huống với một đối tác nhất định trong quan hệ khi không chịu lên tiếng. Họ có một số cảm xúc, một số ý nghĩ, một số điều mà họ muốn nói nhưng họ lại không nói. Kết quả là một sự căng thẳng bắt đầu chồng chất trong cảm xúc. Năng lượng xúc cảm bắt đầu tích tụ lại nơi cảm thể, một số ý nghĩ bắt đầu tích tụ nơi trí thể, và lần hồi sau một thời gian, cường độ của nó cứ thế dâng tràn.
Bấy giờ nó trở nên dữ dội đến độ con không thể chịu đựng được nữa, con không thể cầm giữ nó lại, thế là con lên tiếng với người bạn đường của con. Nhưng con lên tiếng một cách rất cường độ, mất cân bằng. Con nổi giận, con bực tức, con đổ lỗi cho người kia, con chỉ ra lầm lỗi của họ, những gì họ đã làm sai trái và những gì đáng lý họ phải làm. Và con phóng chiếu theo một cách mà chính con cũng nhận thấy là quá cường độ. Nếu người kia đã cư xử với con như con đang cư xử với họ thì chính con cũng sẽ không phản ứng tich cực được. Và vì thế, người bạn đường của con sẽ phản ứng tiêu cực, và cuối cùng hai con sẽ cãi nhau. Và cho dù con có cố giải quyết hay bước ra khỏi tình huống đó và phần nào giải tỏa căng thẳng, nhưng vấn đề vẫn không thực sự được giải quyết. Thế tương tác giữa hai con vẫn y nguyên, thế là hai con lại bắt đầu một chu kỳ mới, lại thêm một vòng xoáy mới dồn nén năng lượng và gia tăng cường độ cho tới khi con không thể kiểm soát được nữa. Và một lần nữa, con lại lên tiếng hùng hổ quá trớn, và vân vân.
Nếu con có thể nhận diện bất kỳ xu hướng nào giống như vậy, con cần nhận ra nguyên nhân ở đây chính là những cái ngã tách biệt tác động lên cách con phát biểu. Con không đang tự do phát biểu – có thể nói con không tự do phát biểu từ trái tim, và vì vậy con phát biểu từ ngã vỏ ngoài, từ những cái ngã tách biệt. Và hiển nhiên – tất cả các con đều thấy được điều này – đó không phai là hình thức giao tiếp cao nhất giữa con người.
Điều ta muốn nói là một trong những mục tiêu con cần đạt đến trong quan hệ là khả năng phát biểu từ một trạng thái tâm trung hòa. Con không mang một nỗi niềm động cảm nào cả. Con không cảm thấy mình bị bó buộc phải nói ra điều đó, và người kia phải bắt buộc hiểu ra, phải chấp nhận điều đó, và phải thay đổi. Con chỉ nói lên từ một trạng thái trung hòa và con chia sẻ: “Đây là cách tôi nhìn sự thể. Đây là những gì tôi cảm nhận về sự việc. Đây là những cảm xúc mà cách hành xử và lời nói của bạn – hay của anh, của em – khơi lên trong tôi.” Nhưng con không nói vậy khi trong lòng con chất chứa một động cảm muốn đổ lỗi, con không làm vậy với nỗi sợ hãi phản ứng của người kia. Con chỉ đơn giản có khả năng phát biểu một cách trung hòa.
Đây là một mục tiêu mà con có thể quyết định trong ý thức là con sẽ sẵn lòng hướng tới. Một lần nữa, trong xã hội thế tục có những lời dạy nói về sự giao tiếp giữa con người mà con sẽ được ích lợi học hỏi, nhưng điểm học hỏi chính yếu không phải là kiến thức trí thức mà là những phản ứng nó khởi lên trong con. Nó sẽ làm rõ, làm lộ ra những cái ngã tách biệt trong con đang ngăn chặn sự giao tiếp của con. Và nếu con áp dụng điều này vào mối quan hệ nồng nàn nhất của mình thì nó sẽ tác động tích cực lên tất cả mọi mối quan hệ của con. Thực tế là nó sẽ chuyển đổi đáng kể các mối quan hệ của con.
Trong nhiều năm qua, sứ giả này đã tu tập về vấn đề này, và mặc dù ông chưa hoàn toàn điều ngự được, ông đã tinh tấn đáng kể so với lúc đầu. Ông đã đạt tới một điểm khi ông nhận ra là ông có xu hướng lo sợ cách phản ứng của người khác vì ông không muốn làm họ phiền lòng – không hẳn là ông sợ phản ứng của họ nhưng ông không muốn làm họ phiền lòng, vì ông sẽ tự trách mình đã làm cho người khác phiền lòng. Ông không muốn làm tổn thương cảm xúc của họ vì ông sẽ cảm thấy mình đáng trách, cho nên – nếu có thể nói như vậy – ông cứ cố đoán trước phản ứng của họ.
Và tất nhiên, ông đã thu hút về phía ông một số người rất dễ giận hờn bởi lời nói của người khác về mình. Người đầu tiên trong trường hợp này là chính cha ông – cha ông có một số “nút bấm” nhất định mà nếu có ai nhấn vào thì ông sẽ nổi giận tức khắc. Sứ giả này đã học được điều này ngay từ tuổi thơ ấu. Nhưng rồi đến một thời điểm khi ông vừa thành niên, ông nhận ra là khi ông nói chuyện với cha một cách nào đó, chủ yếu với một giọng nói trung hòa, thì ông có thể nói ra một số điều mà ông không thể nói được trong động cảm, bởi vì cha ông sẽ phản ứng lại sự động cảm thay vì lắng nghe lời ông nói. Nhưng nếu ông phát biểu không động cảm thì, ít ra thỉnh thoảng, cha ông sẽ sẵn sàng lắng nghe ông nói. Nói cách khác, cảm xúc đã che lấp mất thông điệp. Và sau này trong đời sống, khi ông ngày càng biết cách phát biểu trung hòa, chính ông đã ngạc nhiên thấy mình có thể nói rất nhiều thứ với người khác mà không gây ra phản ứng tiêu cực.
Một số các con sẽ nhận xét thấy là khi các con nói chuyện với sứ giả này, thỉnh thoảng ông phát biểu một cách rất trung hòa không làm con khó chịu, mặc dù ông đang nói ra một số điểm rất thẳng thắn về chính con hay tâm lý của con. Một số khác trong các con cũng có thể nhận xét thấy những khi con bị phiền lòng bởi lời đó của ông, nhưng con không dám nói ra vì con cho ông là người thẩm quyền và con không muốn nói ngược lại thẩm quyền, thì điều này có nghĩa là con mang một số ngã tách biệt con chưa giải tỏa được.
Điểm ở đây là nếu con nỗ lực đạt khả năng giao tiếp trung hòa, khi con có thể lên tiếng một cách trung hòa, thì con sẽ kinh ngac nhìn thấy các mối quan hệ của mình cải thiện đến chừng nào. Nhưng con cũng sẽ kinh ngạc là trong tiến trình tu tập dẫn tới điểm đó, con nhìn thấy nhiều điều hiện rõ ra trong tâm lý mình. Tất nhiên, ta không đang bảo là giờ đây con cần đem tất cả những lời dạy này, rút vào hang đá kia rồi nói: “Tôi sẽ làm việc trên tâm lý của tôi cho tới khi tôi có khả năng phát biểu một cách hoàn toàn trung hòa. Và cho tới khi đó, tôi sẽ không nói gì hết.” Đó không phải là điều ta muốn nói. Trong tiến trình tu tập hướng đến mục tiêu trên, con sẽ phải có can đảm nói lên những gì trước đó con không dám nói. Và bằng cách phát biểu trong khả năng phát biểu của con vào thời điểm đó, con sẽ nhận được phản ứng từ người kia trong quan hệ. Và bằng cách giám sát phản ứng của mình, con sẽ có thể tự nhủ: “Tôi đang có ngã tách biệt nào đang đứng đằng sau cách phản ứng này của tôi?” Và một lần nữa, con sẽ tiến nhanh hơn là nếu con chỉ ngồi một mình trong hang đá. Đây là cách mà con có thể, trong một thời gian tương đối ngắn, đạt tới điểm con có thể giao tiếp trung hòa hơn hẳn.
Ta đã bắt đầu bài giảng này với câu nói rằng sự thật dẫn đến chữa lành. Có một số vết thương mà con đã nhận lãnh trong tiền kiếp khi con bị hà hiếp nhưng lại không lên tiếng phản đối, và chúng tôi có nói là con cần nhận diện ngã tách biệt đó, tách rời ra khỏi nó, nhìn thấy nó không phải là mình và để cho nó ra đi. Nhưng có một số ngã tách biệt đó liên quan đến phát biểu mà con không thể buông bỏ được nếu con không lên tiếng. Con không thể buông ngã đó ra mà không nói lên những gì con chưa nói. Nếu con chưa đứng lên quả quyết thì con cần đứng lên quả quyết trước khi con có thể cho ngã đó ra đi. Nếu con chưa vạch ra lằn ranh và nói: “Điều này, tôi sẽ không chấp nhận”, thì con cần vạch ra lằn ranh đó để hoàn toàn buông bỏ nó đi.
Sự thật – là sự thật mà con nói lên như con đang thấy – có thể đem lại chữa lành, vì khi con đạt tới điểm con có thể phát biểu mà không sợ phản ứng, thì đó là lúc con nhận ra: “À, sự lên tiếng không đến nỗi nguy hiểm như mình vẫn tưởng, vậy tại sao mình lại lo lắng về chuyện đó? Tại sao mình lại cảm thấy miễn cưỡng, lo sợ, tại sao trong tiềm thức mình lại gánh nguyên cái khối khổng lồ của sự lên tiếng?” Gần giống như một số các con sợ bóng tối khi còn nhỏ. Đến một lúc nào đó, con đã phải bước vào một căn phòng tối đen hay bước ra ngoài trời tối để đối đầu với bóng tối. Và khi con thấy không có ma quỷ nào ở đó để vồ lấy con, thì cuối cùng con đã có thể trút bỏ nỗi sợ hãi. Như sứ giả này đã từng mô tả, ông đã tự nhốt mình trong một phòng tối với một bộ xương người, và bằng cách sống sót qua trải nghiệm đó, ông đã có thể trút bỏ nỗi sợ hãi những bộ xương.
Con hãy sẵn lòng tập tành như vậy. Hãy sẵn lòng nói ra sự thật như con đang thấy. Hãy để ý phản ứng, làm việc trên phản ứng cho tới khi con có thể tự do lên tiếng, nhưng con lên tiếng một cách trung hòa. Thật ra con không phát biểu để thay đổi người kia hay khiến họ buồn phiền. Như chúng tôi có nói nhiều lần, con chỉ đơn giản chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc của con với họ. Và khi con có thể tự do nói ra điều đó thì con cũng giải thoát cho họ tự do phản ứng theo cách họ muốn. Và nếu họ không tiếp nhận những điều con nói một cách tích cực, nếu họ nổi giận, nếu họ phản bác hay phớt lờ, thì chuyện đó cũng chẳng quan trọng với con. Nó không quan trọng với con vì con đã tăng triển, con đã trở nên tự do. Và điều tất phải đến là tới lúc người kia sẽ không còn nắm được gì nơi con làm cho con phiền hà nữa. Không có gì về người kia làm cho con phiền hà vì họ không có quyền năng gì trên phản ứng của con, trên cảm xúc, ý nghĩ và trạng thái tâm con. Thật sự, khi con không có phản ứng tiêu cực nào đối với họ thì con đâu có vấn đề gì mà có quan hệ với họ? Nếu đó là một người thân thiết trong gia đình mà con cảm thấy không thể cắt đứt mọi liên lạc, con vẫn có thể tiếp tục quan hệ với người đó mà không đặt vấn đề gì cho con. Nhưng trong nhiều trường hợp, điều xảy ra là con có thể sẽ rời khỏi quan hệ đó. Con tìm được những người mà con có thể có quan hệ cởi mở tự do hơn, mà con có thể giao tiếp dễ dàng tốt đẹp hơn.
Điều hoàn toàn có khả năng xảy ra là con kinh qua tiến trình tăng triển này và con thay đổi, nhưng người kia thì không thay đổi. Bây giờ thử lấy ví dụ này, là có hai người trong một mối quan hệ cho dù là bạn bè, tình yêu, kinh doanh hay bất cứ gì khác. Và mặc dù cả hai có thể không phải là học trò chân sư thăng thiên, nhưng cả hai đều sẵn lòng cải thiện chính mình lẫn tâm lý của mình, sẵn lòng nỗ lực cải thiện quan hệ.
Điều các con có thể làm là dành ra một thời gian để ngồi xuống nói chuyện với nhau: “Bây giờ chúng ta sẽ giao tiếp một cách không rủi ro. Chúng ta sẽ hứa với nhau là mình sẽ cho phép người kia tự do phát biểu và mình sẽ không phản ứng lại tiêu cực.” Một người sẽ bắt đầu nói, dành ra một thời gian để bày tỏ những gì mình muốn bày tỏ, và người kia không phản ứng lại. Sau khi một người đã nói xong phần mình, có thể dành ra một chút thời gian để suy ngẫm hay có thể để người kia đặt câu hỏi. Có thể ngay sau đó hay trong một buổi khác, đến lượt người thứ hai bày tỏ một cách tự do, nhưng sự giao tiếp vẫn cần xảy ra một cách không rủi ro. Làm như vậy, các con sẽ có thể giúp nhau cùng tiến tới điểm mình dám phát biểu tự do – tự do phát biểu một cách trung hòa.
Vừa rồi là một số ý nghĩ mà ta muốn trao cho con từ nhãn quan Tia thứ Năm. Ta không đang bảo là con nên cố gắng biểu đạt những sự thật tối thượng, mà con nên biểu đạt những gì con thấy ngay lúc này, và tất nhiên con cũng nhận thức là con đang ở một tầng tâm thức nơi con chỉ thấy được những gì con thấy, và khi con tiếp tục nâng cao tâm thức thì con sẽ thấy nhiều thứ con chưa thấy được hôm nay. Điều này có thể cho con một góc nhìn hoàn toàn khác lạ, và do đó con không cần bám giữ ý tưởng sai lầm là con hiện đã nắm được sự thật cao nhất, hay quan điểm cao nhất, hay sự hiểu biết cao nhất có thể có về một vấn đề. Kỳ thực, con không thể thật sự giao tiếp trung hòa nếu con nghĩ là có một hiểu biết tối thượng và con đang nắm giữ sự thật hay hiểu biết tối thượng này.
Và như vậy, ta niêm con trong Tia sáng Sự thật màu xanh lục bảo mà TA LÀ.