Các kiếp sống của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Giê-su – Chương 25

Trong chương này, bốn vị Gautama, Maitreya, Giê-su, và tác giả, lúc đó đều chưa thăng thiên, nghe chân sư thăng thiên Sanat Kumara giảng về sa nhân tại trường bí giáo của người gốc Kim tinh.

Sanat Kumara: “Trong bầu cõi thứ tư, một số người đồng-sáng tạo nắm lấy vai trò lãnh đạo trên một số hành tinh và dựng lên những nền văn minh rất tinh xảo. Các nền văn minh này giống những gì các con có thể thấy trên trái đất, với một lãnh tụ tối cao ở địa vị cao nhất. Lẽ tất nhiên, trong nhị nguyên lúc nào cũng có hai đối cực, cái này không thể có mặt mà không có cái kia. Khi trên một hành tinh có một người đồng-sáng tạo chọn lựa nâng một cực lên địa vị tuyệt đối, thì không thể tránh có một người đồng-sáng tạo khác nâng cực đối lập lên địa vị tuyệt đối. Và không thể tránh là hai vị lãnh tụ sẽ đối chọi nhau.

Khi bầu cõi thứ tư càng ngày càng tới gần điểm thăng thiên, thì con thấy tình trạng này trải bày trên một số hành tinh. Con thấy có hai nền văn minh đều có lãnh tụ tối cao và họ chống đối nhau trong một trận chiến mà họ coi có tầm quan trọng cuồng đại. Khi bầu cõi tới gần điểm thăng thiên, thì các sinh thể có tâm thức nhị nguyên cảm thấy có một lực lôi kéo họ, và điều này khiến họ cảm thấy một sự cấp bách. Họ dùng tư duy nhị nguyên để diễn giải là điều này có nghĩa là họ cần cấp bách thắng đối thủ. Họ cũng có thể tin rằng việc thắng đối thủ là điều sống còn cho đại nghĩa của vị thần linh của họ hay cho tương lai vũ trụ.

Khi bầu cõi thứ tư tiến gần hơn điểm thăng thiên, thì ở một số hành tinh cuộc đấu tranh này đi tới chỗ cùng cực, dẫn tới tình trạng giống như hiện tượng mà ngày nay con gọi là chiến tranh. Trong một số trường hợp, một nền văn minh đã phá hủy nền văn minh đối lập. Các lãnh tụ phe thắng thế đã diễn giải tình hình như là họ đã cứu nguy vũ trụ hay kế hoạch của Thượng đế.

Theo luật tự quyết thì các chân sư thăng thiên phải để yên con người khi họ đi vào nhị nguyên. Trên những hành tinh phi tự nhiên đó, tất cả nhân loại đầu thai trên hành tinh đã chọn đi vào nhị nguyên và tin thế giới quan do các lãnh tụ đề xướng. Các thày không có quyền can thiệp vào nếu con người không yêu cầu, và con người rất ít khi yêu cầu khi họ ở trong nhị nguyên. Nhưng, vì toàn bầu cõi đã đến gần điểm thăng thiên, thì luật tạo hóa đòi hỏi các thày phải bắt buộc các người đồng-sáng tạo trên các hành tinh phi tự nhiên phải đối đầu nhu cầu thay đổi. Một hành tinh chỉ có thể thăng thiên khi các cư dân dùng quyền tự quyết để quyết định thăng thiên, do đó nếu họ không chịu từ bỏ nhị nguyên thì họ không thể thăng thiên cùng với toàn bầu cõi. Nhưng mặt khác, họ không thể lấy quyết định tự do khi họ không trải nghiệm có gì khác nhị nguyên.

Khi các chân sư thăng thiên xuất hiện trên số ít hành tinh phi tự nhiên đó, thì các cư dân và lãnh tụ không thể chối bỏ là có một thực tại cao hơn. Đây là lần đầu tiên từ khi họ đi vào nhị nguyên, họ có một chọn lựa thật sự tự do. Đa số các người đồng-sáng tạo chọn chấp nhận đề nghị theo một con đường dẫn họ ra ngoài nhị nguyên. Họ nhận được mọi trợ giúp mà họ cần, và sẵn sàng thăng thiên cùng với các phần khác của bầu cõi thứ tư.

Nhưng có một số lãnh tụ tối cao và đàn em của họ bác bỏ những gì các chân sư thăng thiên cống hiến. Điều này có nghĩa là họ không thể thăng thiên cùng với bầu cõi thứ tư, nhưng sự thăng thiên của cả bầu cõi không thể bị đình chỉ vì một số quá nhỏ người đồng-sáng tạo không thăng thiên.

Điều này không phải là một vấn đề và cũng không phải là điều bất ngờ. Bầu cõi thứ tư thăng thiên, và các sinh thể không chịu thăng thiên được đặt vào một thế giới tạm bợ chờ lúc bầu cõi thứ năm được tạo ra. Khi bầu cõi này đã sẵn sàng hiện thân, thì các sinh thể nhị nguyên đầu thai vào đó và họ được đặt vào một số hành tinh được tạo ra hợp với trình độ tâm thức của họ. Ta có thể nói là các sinh thể đó đã sa xuống bầu cõi thứ năm thay vì tình nguyện đầu thai vào bầu cõi thứ năm.

Họ cảm thấy họ bị ép buộc phải đầu thai ở bầu cõi thứ năm ngược lại ý muốn họ, nhưng đó chỉ là trải nghiệm của riêng họ. Sự thực là tình trạng đó là kết quả của những chọn lựa của họ, nhưng vì họ không chịu nhìn nhận điều này, nên họ trải nghiệm họ bị ép buộc vào bầu cõi thứ năm. Do đó họ lại tin chắc hơn là có một lực ngoại lai chống lại quyền tự quyết của họ.

Các sinh thể đó sa xuống bầu cõi thứ năm vì họ không chịu thăng thiên cùng bầu cõi thứ tư. Do đó, thày gọi họ là “sa nhân” để nói là họ sa vào môi trường hiện tại của họ thay vì tự nguyện hiện thân, như trường hợp các người đồng-sáng tạo.

Trong bầu cõi thứ năm và thứ sáu, lại có thêm sinh thể sa ngã, và đó là lý do vì sao bầu cõi này là bầu cõi thứ bảy, cũng là bầu cõi dày đặc nhất, từ khởi đầu đã có một số sa nhân. Lúc đầu họ chỉ ở trên một số hành tinh được đặc biệt tạo ra cho họ, nhưng sau đó họ đã lan sang một số hành tinh khác khi những cư dân hạ thấp tâm thức tập thể đến độ sa nhân có thể đầu thai vào đó.

Đó là lý do vì sao trên trái đất có những sinh thể hoàn toàn không tôn trọng các cư dân nguyên thủy. Các sa nhân tự coi họ cao hơn tất cả các sinh thể sinh ra trong bầu cõi này rất nhiều. Nhìn dưới một góc độ nào đó thì ta có thể nói là họ cao hơn, vì họ có hơn rất nhiều kinh nghiệm dùng nhị nguyên để lừa đảo, khuynh loát và ép uổng người khác. Do đó, trong lãnh vực ép uổng người khác, thì sa nhân quả thật ‘tinh khôn’ hơn.

Họ không ở đây vì họ muốn ở đây, tuy rằng họ đã chọn lựa đi vào một tiến trình mà hậu quả hành động của họ dẫn họ tới đây. Họ chống đối việc họ ở đây, và mỗi người trong số họ đã tạo dựng một thế giới quan giải thích tại sao họ ở đây, tại sao điều này bất công, và vì sao thượng đế đã sai lầm khi để chuyện này xảy ra. Một số sa nhân đã tạo dựng một số lý giải để chứng tỏ vị thượng đế mà chính họ tạo ra đã sai lầm, và họ tìm cách dùng nhân loại như một dụng cụ để chứng minh điều đó. Họ còn nghĩ vai trò của họ là sửa sai những lỗi lầm của thượng đế của họ, và họ nghĩ họ là những người thực sự hiểu cách vũ trụ vận hành, và do đó họ phải là những người điều khiển mọi việc. Một số trong họ tin rằng thượng đế đã sai lầm khi cho con người quyền tự quyết, và họ tin rằng họ có quyền áp đặt ý chí của họ lên tất cả những sinh thể dưới họ. Hiểu được ý đồ này là chìa khóa để hiểu cách sa nhân suy nghĩ và vì sao họ lạnh lùng và coi thường mạng sống và quyền tự quyết của con người.

Bây giờ thì thày thấy các con có nhiều câu hỏi, vậy chúng ta hãy tiếp tục cuộc thảo luận này dựa trên các câu hỏi đó.

***

Giê-su: “Chúng con đều có kinh nghiệm gặp trong nhiều kiếp sống những người rất khác chúng con vì họ hoàn toàn không tôn trọng sự sống. Chúng con gọi họ là những “Người môi giới quyền lực và kiểm soát” (NMGQLKS) vì họ sẵn sàng dùng bạo lực để kiềm chế người khác và họ không màng hậu quả trên người khác. Con bây giờ thấy là hiểu biết của chúng con dựa trên những gì chúng con quan sát trên trái đất, và bài giảng của thày về sa nhân cho chúng con một tầm nhìn rộng rãi hơn nhiều. Xin thày cho chúng con biết thày coi những người mà chúng con gọi là NMGQLKS ra sao, và họ liên quan ra sao với sa nhân?”

Sanat Kumara: “Không phải tất cả các NMGQLKS đều là sa nhân, và không phải mọi sa nhân đều là NMGQLKS. Có một số lãnh tụ mà con thấy ngày hôm nay, và con đã gặp trong các kiếp sống trước, đã không sa xuống từ một bầu cõi trước. Tất cả mọi NMGQLKS đều bị mắc kẹt trong tâm thức nhị nguyên, vì nếu không thì họ đã không sẵn sàng áp bức người khác. Tuy nhiên, có một số đã đi vào tâm thức nhị nguyên trong bầu cõi này, có nghĩa là họ đã nhất thời khoác lấy tâm thức và có tiềm năng xoay chuyển ra khỏi tâm thức đó khi bầu cõi này thăng thiên. Có một sự xoay chuyển xảy ra khi bầu cõi đầu tiên của một sinh thể thăng thiên và y từ chối không chịu xoay chuyển để bước ra khỏi nhị nguyên. Khi y sa xuống bầu cõi tới thì y quên đi chi tiết vì sao y lại sa xuống, nhưng y giữ lại thế giới quan mà y đã xây dựng trước khi sa xuống. Vì y đã quên đi vì sao y lại có thế giới quan đó, và quên đi là thế giới quan đó đã bị các chân sư thăng thiên thách thức, nên y tự đồng hóa mình với thế giới quan đó nhiều hơn. Điều này không có nghĩa là y không thể thức tỉnh khỏi nhị nguyên, nhưng y khó làm điều này hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi nhiều tính khiêm cung hơn, và đa số sa nhân rất kiêu ngạo, xem mình là đúng và nhiều tính tự tôn nên họ rất khó nhìn nhận họ đã sai lầm và những niềm tin mà họ coi là tuyệt đối thực ra chỉ tương đối.

Thày biết khó phân biệt một sa nhân và một NMGQLKS đã đi vào nhị nguyên trong bầu cõi này, nhưng một sa nhân sẵn sàng đi xa hơn trong nỗ lực chứng minh thế giới quan của mình đúng. Một NMGQLKS đi vào nhị nguyên trong bầu cõi này thường chú tâm vào việc nắm quyền lực cho chính mình, trong khi các sa nhân thường có một ý đồ vượt quá quyền lực cá nhân.”

Giê-su: “Xin thày đem những điều thày vừa giảng áp dụng vào những sinh thể mà chính chúng con đã gặp?”

Sanat Kumara: “Lucifer, Satan và Maleve đều là sa nhân. Lucifer và Satan sa ở bầu cõi thứ năm, và Maleve sa ở bầu cõi thứ sáu. Lucifer và Satan tất nhiên là sa nhân vẫn đang hành xử như NMGQLKS. Nhưng Maleve đã bắt đầu con đường đi ra khỏi tâm thức nhị nguyên, một phần do cô đã gặp hai người các con. Cô không còn hành xử như một NMGQLKS theo nghĩa cô không còn tìm cách áp chế người khác bằng phương tiện vật lý. Điều này chứng tỏ sa nhân có thể thức tỉnh, một phần vì chán ngán tâm thức nhị nguyên và các đấu đá mà nó tạo ra, và một phần do gặp các sinh thể không sống trong nhị nguyên hay ít sống trong nhị nguyên bằng họ.

Lucifer và Satan đại diện hai cực đối nghịch. Như thày có giảng, đấng Sáng tạo đã phát khởi sự sáng tạo của thế giới hình tướng. Ngài làm việc này bằng cách tạo một vòng biên chung quanh ngài và rút ngài vào một điểm dị thường ở trung tâm khoảng không đó. Từ đó, ngài phóng mình ra ngoài và tạo bầu cõi thứ nhất. Có hai lực sáng tạo căn bản, một lực lan tỏa, hướng ngoại, và một lực co thắt, hướng nội. Mọi thứ trong thế giới hình tướng được tạo thành từ sự tương tác cân bằng giữa hai lực đó. Nếu chỉ có lực lan tỏa, thì hình tướng không thể tồn tại, vì nó sẽ bị nổ tung. Nếu chỉ có lực co thắt, thì hình tướng không thể tồn tại, vì nó sẽ bị sụp đổ.

Đấng Sáng tạo đại diện lực lan tỏa hay nguyên tố Cha, và thế giới vật chất đại diện lực co thắt hay nguyên tố Mẹ. Khi hai lực cân bằng thì một hình tướng được duy trì lâu bền. Sự tương tác luôn luôn biến hóa giữa hai lực khiến sự tăng trưởng xảy ra.  Nguyên tố Cha luôn lôn thúc đẩy hình tướng thăng vượt chính nó. Nguyên tố Mẹ có chức năng duy trì hình tướng một thời gian đồng thời ngăn ngừa hình tướng trở nên thường trực. Nếu một hình tướng bị kẹt, thì nguyên tố Mẹ sẽ khiến nó rốt cuộc sụp đổ. Lẽ tất nhiên, hình tướng được tạo ra bởi các sinh thể đồng-sáng tạo có tự nhận biết, và nguyên tố Cha thúc đẩy họ tiếp tục tăng trưởng khả năng sáng tạo của họ. Nguyên tố Mẹ sẽ rốt cuộc tiêu hủy các hình tướng mà họ không chịu buông bỏ, nhưng mục đích là để giải thoát linh thể sáng tạo bị giam hãm trong tạo vật của chính nó. Chức năng của nguyên tố Mẹ là cho phép con sáng tạo một hình tướng bất quân bằng và duy trì nó một thời gian, nhưng không thể duy trì mãi mãi. Nguyên tố Mẽ sẽ không cho phép con bị kẹt trong hình tướng đó mãi mãi.

Tâm thức nhị nguyên lấy hai lực căn bản đó và tha hóa chúng. Lucifer đại diện sự tha hóa của nguyên tố Cha vì y có ý đồ chứng minh một điều gì đó. Các con đã trải nghiệm là ý đồ này thay đổi qua các kiếp sống, nhưng đó là vì y bị kiểm soát bởi một sinh thể trong cõi bản sắc, tên là Giáo chủ Bóng tối. Một số sa nhân có ý đồ chứng tỏ thượng đế sai. Thực ra họ không tìm cách chứng minh là đấng Sáng tạo sai, vì một sinh thể trong nhị nguyên không thể mường tượng đấng Sáng tạo. Họ đang tìm cách chứng minh một thượng đế giả do họ tạo ra đã sai lầm. Đây là một hình ảnh của thượng đế đã được tạo ra trong bầu cõi thứ tư, và được củng cố trong các bầu cõi thứ sáu và thứ bảy. Lucifer và các sa nhân khác đã tin vào sự hiện hữu của thượng đế đó trong một khoảng thời gian rất dài và đã tự đồng hóa với hình ảnh thượng đế đó. Con luôn luôn thấy nơi Lucifer ý đồ chứng minh điều gì, và đó là lý do vì sao y muốn lừa gạt và khuynh loát các con để các con ủng hộ y. Y cần chứng tỏ điều gì, nên y phải thuyết phục các con, chứ không chỉ giản dị bắt buộc các con tuân phục.

Satan đại diện sự tha hóa của nguyên tố Mẹ. Y tìm cách dùng lực căn bản của nguyên tố Mẹ để tạo tàn phá và hỗn loạn. Tuy nhiên, y không làm điều này để giải thoát linh thể của con, nhưng để nô lệ nó bằng cách khiến nó mắc kẹt trong việc đối chọi với y và các nỗ lực tàn phá của y. Ta có thể nói đây cũng là một ý đồ, vì Satan thường bị các sinh thể sa ngã trong cõi tư tưởng và cảm xúc kiểm soát. Các sinh thể này không ‘tinh khôn’ như các sinh thể trong cõi bản sắc, nhưng họ vẫn thông minh, một cách nhị nguyên và đường thẳng, hơn đa số con người đang đầu thai. Tuy nhiên, trong khi hành động của Lucifer có một cơ sở hợp lý, thì hành động của Satan thường khi không có cơ sở nào khác hơn là ý muốn tàn phá, cho y cảm giác có nhiều quyền lực. Y càng tàn phá thì càng cảm thấy có quyền lực. Và y khẩn thiết cần quyền lực vì y đã trải nghiệm là y không thể chế ngự Lucifer, và y trải nghiệm là y không thể chế ngự hai con.”

Gautama: “Thày nói là khi bầu cõi của chúng con được tạo ra, thì sa nhân chỉ có thể đầu thai vào một số hành tinh được đặc biệt tạo ra cho họ. Nhưng sau đó, thì họ đã lan sang một số hành tinh khác vì cư dân ở đó đã hạ tâm thức tập thể xuống. Xin thày mô tả chuyện gì đã xảy ra cho trái đất? Con phỏng đoán là trái đất không được tạo ra cho sa nhân?”

Sanat Kumara: “Trái đất được tạo ra như một hành tinh tự nhiên. Khi trái đất được tạo ra, một đợt người đồng-sáng tạo xuống đầu thai ở đây, và mọi chuyện xảy ra giống như những gì các con đều đã trải nghiệm trên một hành tinh tự nhiên. Làn sóng sống đầu đó, hay chủng tộc gốc đó, đã nâng cao tâm thức của họ, và xây dựng thêm trên nền móng mà họ được phú cho. Khi họ đã nâng tâm thức cá nhân và tập thể tới một mức nào đó, thì họ đều thăng thiên. Sau đó, một đợt thứ hai đầu thai, và họ cũng đều thăng thiên. Đợt thứ ba cũng vậy. Nhưng khi đợt thứ tư xuống đầu thai, thì một sự chuyển đổi xảy ra.

Đợt đồng-sáng tạo thứ tư quyết tâm thử nghiệm nhị nguyên hơn ba đợt trước. Điều này không có nghĩa là họ đi vào các tầng thấp của nhị nguyên. Họ không dùng bạo hành hay áp chế, và chiến tranh chưa có mặt trên trái đất. Họ đã phát triển những nền văn minh rất tinh xảo, tinh xảo hơn những gì các con đã từng chứng kiến trên trái đất rất nhiều. Không có gì tiêu cực trong bản chất các nền văn minh đó, nhưng các nhà lãnh đạo đã khai triển những thế giới quan mà họ tin là tuyệt đối. Lẽ tất nhiên, chúng cũng bất di dịch. Một khi con đã quy định một điều gì là tuyệt đối, thì làm sao con có thể tăng trưởng vượt lên nó được?

Luật tự quyết quy định là một nhóm đồng-sáng tạo có quyền tạo ra bất cứ tình huống nào mà họ muốn trên hành tinh của họ. Lẽ tất nhiên, họ sẽ trải nghiệm hậu quả của những gì họ tạo ra, và điểm hy vọng là khi họ đã trải nghiệm một tình huống nào đó trong một thời gian dài, thì họ sẽ chán ngán và mong muốn cái gì hơn thế. Đó là vì một người đồng-sáng tạo là một nối dài của tâm đấng Sáng tạo, và đấng Sáng tạo luôn luôn có ý chí tăng trưởng, có ý chí hơn nữa. Đây là lý do vì sao đấng Sáng tạo đã quyết định sáng tạo. Động lực tự thăng vượt là động lực sâu thẳm nhất, căn bản nhất nơi mỗi chúng ta.

Các lãnh đạo đợt đồng-sáng tạo thứ tư đã dùng tâm thức nhị nguyên để tạo ra một thế giới quan cho rằng tăng trưởng không cần thiết, và thậm chí bất kỳ thay đổi nào cũng nguy hiểm. Hậu quả là họ tự cắt đứt liên hệ trực tiếp với các chân sư thăng thiên. Các thày không thể thách thức thế giới quan của họ. Họ cũng tin rằng vai trò của họ là duy trì vĩnh viễn nền văn minh của họ và đó là sứ vụ cao cả nhất của họ. Như thày có nói, nền văn minh đó rất tinh xảo và các cư dân có đời sống rất thoải mái, sung túc và an toàn. Dưới mắt họ, đó là thiên đàng hạ thế.

Tuy nhiên, có một giá phải trả. Thày có mô tả là các sinh thể trong bầu cõi thứ tư đã dùng các đối cực của nhị nguyên để tạo ra mâu thuẫn giữa nhau. Một khía cạnh khác của tâm thức nhị nguyên là con người có thể tới điểm xem đối cực là nguy hiểm. Trái đất lúc đó không có chiến tranh như ngày nay, nhưng có lúc có mâu thuẫn giữa những đối cực nhị nguyên. Một số lãnh tụ đã khắc phục điều này bằng cách đề ra triết lý mâu thuẫn là nguy hiểm. Lẽ tất nhiên, điều này không sai, nhưng các lãnh tụ này đã tạo ra một triết lý có mục đích chủ yếu trừ bỏ mọi mâu thuẫn trong xã hội bằng cách khiến mọi người giống nhau, và ngăn trừ mọi sáng chế hay thay đổi, ngay cả những thay đổi cải thiện. Duy trì hiện trạng trở nên thượng đế của họ.

Điều này dẫn tới một nền văn minh đã tạo ra nhiều biện pháp tinh xảo để dạy dỗ con người theo một lối nào đó, thậm chí không cho phép cha mẹ dạy dỗ con cái. Việc dạy dỗ trẻ em do cơ quan nhà nước đảm trách, đây là một sự tảy não trẻ em bằng cách phá hủy cá nhân tính của chúng. Kết quả là một xã hội có rất ít khác biệt ý kiến. Xã hội đó rất tân tiến và có triết lý chung cho rằng mục đích chính yếu của xã hội là duy trì hiện trạng bằng cách tránh mâu thuẫn. Nhưng mục đích này đi ngược mục đích của tạo hóa vì không cư dân nào của xã hội đó tăng trưởng. Do đó, xã hội đó không thể duy trì lâu dài, nhưng các chân sư thăng thiên không có cách nào khiến các cư dân nhận ra điều này. Họ đã quả thật đóng cửa không cho ý kiến nào thách thức thế giới quan chính thức chen vào, vì họ coi đó là một hiểm nguy có thể đưa đến mâu thuẫn. Các lãnh tụ của nền văn minh đó đã dễ dàng loại bỏ các ý kiến có khả năng cứu vãn nền văn minh khỏi nạn tự hủy.

Các chân sư thăng thiên không có chọn lựa nào khác hơn là để yên các cư dân trái đất một thời gian, với hy vọng là họ sẽ chán ngán tình trạng bất động và muốn nhiều hơn. Lẽ tất nhiên, một số cá nhân có chán ngán và các chân sư thăng thiên hướng dẫn trái đất vào lúc đó đã làm việc với họ. Tuy nhiên, thời gian tiếp tục trôi qua và việc nền văn minh không tự thay đổi trở nên quá rõ. Điều này có nghĩa là nền văn minh bắt đầu khơi động nguyên lý trong nguyên tố Mẹ hay nguyên tố Vật chất, là lực co thắt.

Nền văn minh đó rất tiến bộ và mọi thành viên cảm thấy đời sống họ an toàn và trong tầm kiểm soát. Bỗng nhiên, những trục trặc xảy ra và họ không hiểu tại sao. Các chân sư thăng thiên có thể giảng cho họ rõ, nhưng họ không mở tâm lắng nghe. Thay vì thích nghi theo hoàn cảnh bằng cách chất vấn các niềm tin của họ, thì nền văn minh lại tự đồng hóa mình hơn với các niềm tin đó. Các lãnh tụ tạo ra huyền thoại một lực bên ngoài tìm cách phá hủy những gì họ tạo dựng, và khuyến khích dân chúng kháng cự lực đó, có nghĩa là họ khiến mọi người bám chặt hơn vào các niềm tin hiện hành.

Lẽ tất nhiên, khi các lãnh tụ tìm cách giải thích có lực bên ngoài tìm cách phá hủy nền văn minh, thì họ cũng đưa ra ý kiến quy lỗi cho một số người vì họ khác đám đông. Sự thực là có một số người sẵn lòng chất vấn thế giới quan đang thống trị, và nay họ bị dán nhãn là nguyên do các vấn đề. Những người có tiềm năng cứu rỗi nền văn minh bị biến thành kẻ thù.

Trên một hành tinh tự nhiên, các cư dân lúc nào cũng nhận biết hoàn cảnh vật lý là kết quả trạng thái tâm thức của họ. Họ cũng duy trì quyết tâm tăng trưởng, và họ biết là tăng trưởng xảy ra khi có sự tương tác giữa những người khác nhau. Do đó, cá nhân tính, sự khác biệt và đa diện được coi là cội nguồn của tăng trưởng vì chúng tạo ra căng thẳng sáng tạo đưa đến đổi mới.

Một khi hiểu biết này bị mai một, là chuyện lúc nào cũng xảy ra khi con người đi vào nhị nguyên, thì có thể có một sự xoay chuyển khiến cả hành tinh bắt đầu thấy sự khác biệt như nguồn mâu thuẫn thay vì căng thẳng sáng tạo. Lúc đó con người bắt đầu phân cực thành nhóm, và một số nhóm bắt đầu có tư duy cuồng đại, cho rằng có một đại nghĩa tối hậu và có một số người đang đóng góp vào đại nghĩa đó trong khi có một số người chống phá. Lúc đó, thay vì sử dụng khả năng sáng tạo để đồng-sáng tạo một trạng thái cao hơn cho hành tinh, con người dùng quyền năng của mình để ngăn chặn người khác ngõ hầu duy trì hiện trạng, mà hiện trạng không thể duy trì vì không có gì trong thế giới hình tướng có thể đứng yên mãi mãi.

Chính lúc các cư dân một hành tinh hạ thấp tâm thức tập thể đến chỗ đó, là lúc hành tinh tự mở cửa để sa nhân có thể đầu thai vào. Các chân sư thăng thiên hướng dẫn trái đất lúc đó có một chọn lựa tế nhị. Họ có thể dễ dàng tiên đoán là nếu để yên cho trái đất, thì các cư dân sẽ củng cố vòng xoáy hướng hạ mà họ đã tạo ra. Điều này sẽ dẫn tới, trong một tương lai tương đối gần, sự phá hủy hoàn toàn của hành tinh qua các biến cố được gọi là thiên tai. Cư dân của một hành tinh có quyền năng tạo dựng một vòng xoáy hướng hạ tự củng cố khiến lực co thắt của nguyên tố Mẹ khiến hành tinh sụp đổ qua các biến cố khủng khiếp. Do đó, các chân sư có thể thấy là nếu để yên cho trái đất, thì trái đất sẽ tự hủy. Vì tạo dựng một hành tinh đòi hỏi nhiều đầu tư chú ý và năng lượng, nên các chân sư thăng thiên đã quyết định cho phép sa nhân đầu thai vào đây như một thử nghiệm thức tỉnh cư dân trái đất thấy vấn đề mà họ đã tạo ra qua hành động của họ.”

Sanat Kumara dừng lại và nhìn chúng tôi. Maitreya lên tiếng: “Suy luận nào đưa tới quyết định cho phép sa nhân đầu thai ở đây?”

Sanat Kumara: “Khi một hành tinh đã đi quá trớn đến độ tiêu hủy gần kề, thì các chân sư thăng thiên không dễ chọn lựa. Các thày không thể ép buộc các cư dân thay đổi, và rất có thể là khi họ nhìn thấy nhu cầu thay đổi, thì đã quá muộn để cứu hành tinh. Đây không nhất thiết là một sự mất mát. Tạo dựng một hành tinh đòi hỏi một đầu tư đáng kể, nhưng nó chỉ là một cái gì được tạo ra với mục đích giúp các người đồng-sáng tạo tăng trưởng tâm thức. Khi họ thấy là họ đã đóng góp vào việc phá hủy cả một hành tinh, thì nhiều người đồng-sáng tạo đã thức tỉnh và lấy chọn lựa dẫn họ vào con đường đi ra khỏi nhị nguyên. Do đó việc hành tinh tự hủy cũng có thể có kết quả tích cực. Tuy nhiên, các thày có nỗ lực cuối cùng để tránh chuyện này xảy ra, và một cách là cho phép sa nhân đầu thai vào hành tinh.

Trong trường hợp trái đất, vấn đề chính yếu là niềm tin tuyệt đối cần tránh mâu thuẫn. Khi cho phép sa nhân như Lucifer và Satan đầu thai xuống trái đất, chẳng bao lâu niềm tin này không thể duy trì. Nền văn minh đồng dạng đã đe dọa phá hủy trái đất chẳng bao lâu bị thay thế bởi nhiều nền văn minh khác nhau và càng ngày càng khác nhau. Điều này có hậu quả là một số người đồng-sáng tạo đã nhận ra là sự giống nhau phá hủy sáng tạo, và kết quả là một số đông người đồng-sáng tạo đã thăng thiên theo dòng thời gian.

Lẽ tất nhiên, có một giá phải trả, là điều không thể tránh khi có tâm thức nhị nguyên. Chẳng bao lâu sa nhân đem tới chiến tranh trên bình diện quy mô và lúc đó có một thời kỳ chiến tranh và xung đột trở nên phổ thông trên trái đất. Tuy nhiên, ngay cả việc này cũng có một số hậu quả tích cực. Thày không muốn biện hộ cho chiến tranh, thày chỉ muốn chỉ cho các con thấy là tất cả những hành động nhị nguyên đều đưa tới thái quá. Chuyện càng trở nên thái quá, thì con người lại có thêm cơ hội chán ngán và bắt đầu muốn một cách sống khác. Điều này cho phép các chân sư thăng thiên nhập cuộc và chỉ dẫn cách sống khác. 

Điều con thấy trên trái đất là một số linh hồn đã trải nghiệm xung đột. Sau đó họ đã trải nghiệm một xã hội đặt căn bản giống nhau. Sau đó, họ lại trải nghiệm chiến tranh còn tệ hại hơn nữa do sa nhân đem lại. Chuyện tự nhiên là khi một hành tinh rơi vào một cực đoan, thì con người có khuynh hướng chuyển sang cực đoan kia. Nhưng vì trái đất đã làm qua chuyện này rồi, nên mâu thuẫn cùng cực do sa nhân tạo ra khiến một số người nhận ra là cả hai đối cực nhị nguyên không đứng vững, và do đó họ mong ước một con đường cao hơn. Và khi con người hỏi, thì các thày được phép cho họ thấy con đường cao hơn đó, và đó là vươn lên trên nhị nguyên.”

***

Sanat Kumara: “Khi một hành tinh đã đi vào tình trạng không tăng trưởng và không mâu thuẫn, thì các thày khó giúp các cư dân hơn là khi có đa diện. Lẽ tất nhiên, sa nhân thiện nghệ trong việc tạo đa diện, nhưng họ cũng thiện nghệ trong việc dùng đa diện để tạo mâu thuẫn. Mâu thuẫn cũng có thể hủy hoại một hành tinh. Chọn lựa mà các thày phải đối mặt là các thày có thể đứng yên nhìn nền văn minh đồng dạng phá hủy trái đất (và lúc đó điều này chắc chắn sẽ xảy ra) hoặc các thày cho phép sa nhân đầu thai xuống đây và tạo mâu thuẫn. Điều này cũng có thể dẫn tới sự hủy hoại của trái đất, nhưng điều này không chắc chắn xảy ra.

Điều này không có nghĩa là các chân sư thăng thiên cộng tác với sa nhân. Sa nhân không muốn dính dáng đến các thày và họ kịch liệt bác bỏ là các thày có thật. Các con có thể thấy là không có tôn giáo nào trên trái đất đề cập đến các chân sư thăng thiên vì lý do đơn giản là sa nhân đã tìm cách loại trừ sự hiện diện của các thày ra khỏi các kinh sách dành cho con người trên trái đất.

Tuy nhiên, các thày vẫn là các sinh thể có quyền quyết định ai được phép đầu thai vào một hành tinh. Lẽ tất nhiên, khi các thày cho phép sa nhân đầu thai vào địa cầu, thì các thày cũng mở đường để các sinh thể như các con đầu thai vào đây. Các sinh thể đầu thai xuống trái đất có trình độ tâm thức nằm trong một khoảng nào đó. Sa nhân đầu thai xuống đây có một trình độ tâm thức thấp hơn. Quy luật tạo hóa nói rằng khi các sinh thể có trình độ tâm thức thấp được phép đầu thai vào một hành tinh, thì các sinh thể có trình độ tâm thức cao tương ứng cũng có thể đầu thai để giữ cán cân do cư dân nguyên thủy tạo ra.

Điều này bảo đảm là sa nhân chỉ có thể kéo một hành tinh xuống tới một mức độ nào đó. Nỗ lực kéo xuống của họ sẽ được cân bằng bởi tâm thức cao của các sinh thể đang tìm cách nâng hành tinh lên. Bằng cách cho phép sinh thể với tâm thức thấp và cao đầu thai vào một hành tinh, các cư dân nguyên thủy của hành tinh cũng được cơ hội chọn lựa theo ai: theo các avatar hay theo sa nhân.