Nếu bạn lần đầu tiên đi theo một con đường có hệ thống để giải quyết các ngã của mình, khi bạn tìm cách bắt đầu như thế nào thì bạn có thể cảm thấy choáng ngợp và rối mù. Mục đích bài viết này là giúp bạn làm việc này dễ hơn.
Có thể là bạn đã có sự thôi thúc học khóa Tâm lý Nhận biết Cao (Higher Awareness Psychology) này vì bạn muốn thay đổi một vấn đề đặc thù nào đó trong đời mình. Nếu quả là vậy, xin bạn đọc tiêu đề thứ nhì sau đây.
Quyết định mình muốn giải quyết vấn đề gì
Nếu bạn không có một vấn đề đặc biệt nào cần giải quyết, thì dưới đây là một số đề nghị. Trước tiên hết, xin bạn tìm cách thu hẹp lại thành một vấn đề đặc thù càng rõ càng tốt. Lẽ tất nhiên, bạn có thể nói: “Tôi muốn nâng cao tâm thức của mình,” nhưng công việc này cần thời gian và bạn khó đo lường tiến bộ của bạn. Sẽ dễ làm việc hơn nếu bạn nói: “Tôi muốn khắc phục vấn đề nổi giận của tôi.”
Hoàn cảnh vật lý của bạn
Bạn hãy xem xét hoàn cảnh vật lý trong đời mình. Bạn có thấy bạn gặp đi gặp lại mãi một số hoàn cảnh? Bạn có đôi khi tự hỏi: “Tại sao chuyện này cứ xảy ra cho tôi?” Hay: “Tại sao chuyện kia không bao giờ xảy ra cho tôi?”
Bạn cũng có thể nhìn hoàn cảnh sống chung chung của bạn và tự hỏi: “Tại sao tôi chọn sinh ra vào hoàn cảnh này? Có một vấn đề tâm lý nào mà tôi muốn ép mình phải trực diện bằng cách sinh ra trong gia đình này, phái tính này, chủng tộc này, nhóm sắc tộc này, quốc gia này chăng?
Bạn có thấy được những người chung quanh mình có những vấn đề tâm lý nào chăng? Không có nghĩa là bạn cũng có cùng vấn đề với họ, nhưng cũng có thể là như vậy. Cũng có thể là bạn muốn ép mình khắc phục phản ứng của mình với những người có vấn đề này.
Hoàn cảnh xúc cảm của bạn
Bạn có cảm xúc nào chế ngự đời mình không như sợ, giận hay dễ cảm thấy xấu hổ? Nếu có, bạn hãy thử bước lui lại và tự hỏi bạn sợ điều gì, điều gì khiến bạn cảm thấy giận? Bạn cố trả lời càng rõ càng tốt. Bạn thử tìm đằng sau cảm xúc có lời nói gì không, chẳng hạn như: “Tôi cảm thấy giận vì…”
Lẽ tất nhiên, cảm xúc có thể chung chung, nhưng chúng thường bị khởi động bởi những tình huống đặc thù bên ngoài. Do đó, bạn có thể xem xét những khuôn nếp phản ứng của mình. Có tình huống nào khởi động cảm xúc chế ngự đời bạn không? Có những người nào khiến bạn có những cảm xúc nào đó?
Suy nghĩ của bạn
Tâm lý trí của bạn phản ứng ra sao trước một số tình cảnh? Bạn có nhận thấy mình nghĩ đi nghĩ lại một tình huống, bị ám ảnh bởi chuyện đã xảy ra và mình có thể hành động khác chăng? Nếu bạn có khuynh hướng bị ám ảnh bởi một vấn đề thì đây là chỉ dấu bạn có một khuôn nếp phản ứng.
Bạn có thể liên kết khuôn nếp suy nghĩ đó với một số cảm xúc đặc thù chăng? Có tư tưởng nào khởi động cảm xúc của bạn? Hay chính cảm xúc khởi động một dòng tư tưởng? Bạn có thể tìm ra một khuôn nếp suy nghĩ dính liền với cảm xúc? Tỷ dụ như bạn cảm thấy một số điều không được xảy ra trong đời bạn hay một số điều người khác không được làm?
Bạn có những ý tưởng chung chung nào về cuộc sống? Bạn có cảm thấy bị choáng ngợp khi đối mặt với một hoàn cảnh khó giải quyết hay khi hoàn cảnh này như ép bạn phải phản ứng một cách nào đó? Bạn có thường nghĩ: “Tôi quá chán ngán chuyện…” Hay bạn có những suy nghĩ nào khác thường xuyên khởi lên?
Bản sắc của bạn
Xem xét hành động, cảm xúc và ý nghĩ thường dễ làm hơn, trong khi xem xét bản sắc sẽ đến sau. Chúng tôi sẽ có thêm bài giảng về đề tài này trong các phần sau. Khi bạn sẵn sàng đi bước này, bạn có thể xem xét gia đình và xã hội đã nuôi dạy bạn có một loại bản sắc nào. Sau đây là vài ví dụ:
- Bạn có được nuôi dạy để xem mình và nhóm của mình chống đối một nhóm người khác?
- Bạn có được nuôi dạy để có một hình ảnh lý tưởng về một người nam phải như thế nào, tỷ dụ một người nam cứng rắn.
- Bạn có được nuôi dạy để có một hình ảnh lý tưởng về một người nữ, ví dụ thế nào là người mẹ, người nội trợ tốt hay người tùng phục nam nhân?
- Bạn có được nuôi dạy để coi mình thuộc thành phần nghèo của dân chúng và chấp nhận những giới hạn cho sự trù phú của mình?
- Bạn có được nuôi dạy để coi mình là người tội đồ?
- Bạn có được nuôi dạy để chấp nhận một số giới hạn về những gì bạn có thể làm được trong đời, như được đi học hay ra mở công ty của chính mình?
- Bạn có được nuôi dạy để xem mình là một sinh thể giới hạn, đặc biệt là giới hạn trong việc nâng cao trạng thái tâm thức lên trên mức được xem là bình trường trong tập thể của bạn?
Bắt đầu làm việc với một vấn đề
Một khi bạn tìm ra vấn đề mình muốn giải quyết, thì bạn làm gì đây? Bước đầu tiên là bạn cần nhận ra những thành phần khác nhau của vấn đề.
Bất cứ vấn đề tâm lý nào trong cốt lõi đều có một hay một cặp ngã tiềm thức. Các ngã này thường được tạo ra khi bạn phản ứng lại một tình huống đặc thù, có thể là một tình huống khiến bạn bị chấn thương tâm lý nặng nề hay một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Những kẻ khuynh loát là chuyên viên đưa bạn vào những tình huống tương tự.
Cốt lõi của việc khắc phục bất cứ vấn đề nào là vạch trần các ngã này ra và thấy được một cách ý thức là chúng dựa trên những niềm tin và giả định nào. Bạn cần thấy được quyết định nào của bạn đã tạo ra các ngã đó, thấy được chúng giới hạn bạn như thế nào, và sau đó một cách ý thức bạn thay thế quyết định cũ với một hiểu biết cao hơn.
Thấy được quyết định nguyên thủy ấy không nhất thiết dễ dàng và một lý do là năng lượng đã bị các ngã đó tha hóa, thường qua nhiều kiếp đầu thai. Chuyện thường xảy ra là một vấn đề tâm lý bị che khuất bởi năng lượng cảm xúc đã tích lũy. Cho nên khi bạn bắt đầu nhìn vào tiềm thức, thì bạn gặp ngay năng lượng này. Năng lượng có thể mạnh đến độ nó tạo một vòng xoáy kéo hút tâm cảm xúc của bạn vào một cảm giác choáng ngợp. Bạn cảm thấy chỉ nhìn vào vần đề đã là một khó khăn quá độ.
Nếu bạn chưa giảm thiểu sức hút của vòng xoáy năng lượng này, thì bạn sẽ không cách chi thấy được niềm tin nằm phía dưới. Thật vậy, không giải quyết năng lượng này là lý do khiến nhiều người đã phí biết bao nhiêu giờ tâm lý trị liệu mà không đạt được kết quả. Cho nên, bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề là cầu thỉnh năng lượng từ các chân sư thăng thiên và hướng năng lượng đó đến việc chuyển hóa năng lượng sợ hãi trong bạn. Bạn có thể dùng các bài chú và bài thỉnh được đăng ở nhiều nơi nhưng bạn cũng có thể tìm thấy thêm nhiều bài chú bài thỉnh khác trên trang mạng chansuthangthien.org. Nơi đây bạn có thể tìm thấy một bài thỉnh giải quyết vấn đề mà bạn đang muốn giải quyết.
Một khía cạnh khác của vấn đề năng lượng là có thể có những tà lực đã xâm nhập vào trường năng lượng của bạn xuyên qua các ngã. Nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề thật nặng nề, thì học hỏi đoạn viết về Tự Bảo vệ Tâm lý sẽ lợi lạc cho bạn. Cầu thỉnh năng lượng của các chân sư sẽ giúp bạn giảm ảnh hưởng của tà lực.
Bạn cần kiên nhẫn với quá trình. Trong thời đại thẻ tín dụng này, chúng ta đã trở nên ghiền nghiện thói muốn được thỏa mãn tức khắc. Nhưng bạn nên nhớ bạn có thể đã mang vấn đề này trong nhiều kiếp cho nên các ngã của bạn có thể ẩn trốn đằng sau một lượng năng lượng tha hóa đồ sộ. Do đó, bạn cần thời gian để chuyển hóa đủ năng lượng để các ngã không ẩn trốn được nữa.
Thấy được các ngã
Một khi đã chuyển hóa đủ năng lượng, bạn có thể bắt đầu thấy các ngã đằng sau vấn đề. Đôi khi bạn dễ dàng nhận ra ngã nhưng đôi khi không phải chỉ có một ngã mà là một nhóm ngã. Ngã đầu tiên khiến bạn phản ứng một cách nào đó và từ đó dẫn đến việc tạo ra những ngã khác. Cho nên bạn cần làm việc qua nhiều lớp ngã trước khi bạn tới được ngã đầu tiên.
Chìa khóa để giải quyết ngã là bạn thấy được quyết định của bạn đã tạo ra ngã đó. Quyết định này luôn dựa trên một tầm nhìn thế giới hạn hẹp, một ảo tưởng hay tin tưởng nào đó. Một khi bạn thấy được sự giới hạn của tin tưởng này, bạn có thể giải quyết nó và để cho ngã chết đi.
Quá trình này không máy móc. Không thể thiết lập một quá trình từng bước bảo đảm là bất cứ ai cũng giải quyết được các ngã khi theo quá trình này. Lý do là tin tưởng và quyết định của mỗi cá nhân đều khác nhau. Nó dựa vào cách bạn nhìn vấn đề với tầng tâm thức mà bạn có ở thời điểm đó.
Bạn bắt đầu bằng cách xem xét vấn đề từ nhiều góc độ. Các bài giảng trong khóa Tâm lý Nhận biết Cao có thể giúp bạn, nhưng có thể bạn cũng cần học thêm về môn tâm lý học hay khoa tự giúp (self-help). Trong nhiều trường hợp quyết định của bạn dựa trên một câu nói, có nghĩa là có một câu nói khác có thể giúp bạn nhìn thấy quyết định đó và giải quyết nó. Đó là lý do tại sao bạn có thể cần đọc nhiều lời giảng dạy hay nói chuyện với những người khác nhau cho tới khi bạn tìm ra câu nói khiến bạn có trải nghiệm sáng ngộ khi bạn bất chợt “nhìn thấy” quyết định đằng sau ngã.
Điều bạn muốn đạt được là tới điểm cái ta ý thức bước ra ngoài cái ngã tiềm thức, nhìn thấy cái ngã này từ bên ngoài, nhìn thấy nó giới hạn bạn như thế nào và nhìn thấy tin tưởng nằm đằng sau nó. Khi bạn đã tách cái ta ý thức ra khỏi ngã tiềm thức, thì bạn sẽ tự nhiên buông bỏ ngã tiềm thức. Giống như bạn nghĩ mình đang cầm một sợi dây và chợt nhận ra đó là một con rắn. Bạn chẳng cần phân tích dài dòng để buông nó ra.
Lúc đầu, quá trình này có thể khiến bạn cảm thấy rối mờ nhưng bạn nên nhớ là bạn không đơn độc. Cái Ta Cao của bạn có thể thấy các ngã tiềm thức từ bên ngoài và bất cứ lúc nào cũng có thể cho bạn nội kiến (insight) mà bạn cần.
Giống vậy, bạn có một hay nhiều vị chân sư thăng thiên đã làm việc với bạn thường là qua nhiều kiếp sống. Họ cũng thấy vấn đề từ bên ngoài và cho bạn những nội kiến trực giác. Những nội kiến này đến với bạn qua trực giác. Chắc chắn bạn đã từng dùng trực giác của mình bởi vì nếu không thì bạn đã không mở tâm đón nhận các bài giảng của khóa Tâm lý Nhận biết Cao. Cho nên vấn đề là bạn chỉ cần xin được sự trợ giúp và mở tâm đón nhận câu trả lời.
Bạn có thể tăng cường trực giác bằng cách làm những điều sau:
- Tìm hiểu vấn đề một cách miên mật trong một thời gian để bồi đắp sự căng thẳng sáng tạo.
- Xin cái Ta Cao của bạn hay một chân sư thăng thiên giúp bạn thấy các ngã tiềm thức và các tin tưởng đằng sau chúng.
- Buông vấn đề ra và đi vào trạng thái tâm trung hòa.
- Điểm chính là bạn cần bồi đắp sự căng thẳng sáng tạo nhưng chính căng thẳng này ngăn cản bạn nghe được câu trả lời. Cho nên khi đi vào tâm trung hòa không chờ đợi hay đòi hỏi câu trả lời thì bạn mở tâm hơn để nghe thấy nó.
Bạn nên nhớ là các ngã tiềm thức sẽ ngăn chặn bạn nghe thấy câu trả lời vì chúng tạo nên một phin lọc nhận thức. Có nghĩa là tâm ý thức của bạn sẽ dễ coi nhẹ câu trả lời, lọc nó ra ngoài hay phản bác nó. Đó là lý do vì sao bạn chỉ nghe thấy câu trả lời khi bạn trung hòa. Chuyện thường xảy ra là bạn làm việc với một vấn đề, bạn buông nó ra và một thời gian sau, bạn bất thần nghe thấy câu trả lời một cách hoàn toàn bất ngờ.
Điều bạn tìm là một trải nghiệm xoay chuyển nhận biết ý thức (conscious awareness) của bạn để thay vì nhìn vấn đề qua phin lọc nhận thức của ngã, thì cái ta ý thức của bạn nhìn thấy ngã từ bên ngoài. Bạn thốt lên: “Ồ, nó là thế đấy” hay “Bây giờ tôi thấy nó rồi.”
Bạn trải nghiệm xoay chuyển nhận biết của mình lên một tầng cao hơn. Chắc chắn bạn đã có trải nghiệm như thế, bằng không bạn đã không mở tâm đón nhận các bài giảng của khóa Tâm lý Nhận biết Cao. Bạn chỉ cần ý thức hơn về quá trình này và cách tạo ra một trải nghiệm xoay chuyển. Nó sẽ xảy ra khi bạn áp dụng các bài giảng và dụng cụ của khóa Tâm lý Nhận biết Cao.
Một thí dụ khắc phục một ngã tiềm thức
Như một thí dụ về cách làm việc để giải quyết một vấn đề, bạn hãy xem xét trường hợp bạn bị một người hại hay ngược đãi và bạn cảm thấy khó có thể tha thứ người đó và bỏ chuyện đó lại đằng sau. Khi nghĩ về chuyện đó thì bạn cảm thấy đau đớn vì bạn cảm thấy năng lượng tức giận, do đó bước đầu tiên bạn phải giải quyết năng lượng cảm xúc.
Tối thiểu bạn nên thực hành chương trình đọc bài chú (9 lần mỗi ngày) hay đọc bài thỉnh Đại thiên thần Michael, Saint Germain và Astrea như mô tả sau đây. Trước khi đọc bài chú hay bài thỉnh,thì bạn hãy xin được giúp đỡ để giải quyết vấn đề, tỷ dụ như:
Đại thiên thần Michael, hãy che chở và niêm con khỏi những tà thể tập thể của giận dữ và phục hận để chúng không thể phóng chiếu bất cứ năng lượng thấp nào vào trường năng lượng của con.
Saint Germain, xin thày gửi hàng hàng đại dương ánh sáng tím vào trường năng lượng của con để nó tiêu trừ tất cả các năng lượng tích đọng của giận dữ, cảm thấy bất lực và ý muốn phục hận.
Astrea, hãy cắt đứt những dây trói buộc con vào các tà thể tập thể và các kẻ khuynh loát đang tìm cách giam hãm con vào vòng xoáy của giận dữ. Xin thày cắt đứt các trói buộc này để con tự do bước đi và làm công việc được ấn định trong chương trình cuộc Đời của con.
Khi bạn cảm thấy năng lượng đã bớt cường độ, thì bạn hãy đọc bài Nguyện Phép lạ về Tha thứ của Mẹ Mary mỗi ngày trong vòng 33 ngày, hay nhiều hơn nếu bạn cảm thấy cần thiết. Bạn hãy cẩn thận suy ngẫm những câu trong bài nguyện để xem các câu đó có giúp bạn thấy một số ngã tiềm thức đặc thù của bạn chăng.
Bạn có thể sẽ nhận ra có năng lượng thô của giận dữ và không tha thứ trong tâm cảm xúc của bạn. Khi năng lượng đó được chuyển hóa thì bạn có thể khám phá đằng sau năng lượng có một ngã tin rằng nổi giận là phản ứng chính đáng và cần thiết trước những gì người kia đã làm tới bạn. Cũng có thể có suy luận và tin tưởng rằng nổi giận là phản ứng duy nhất mà bạn có thể có.
Trong cõi lý trí có thể có một ngã tìm cách thu hút bạn vào việc phân tích tình huống không ngừng nghỉ, suy nghĩ xem bạn có thể hành xử cách nào khác chăng, người kia đã phải làm gì hay không được làm gì. Ngã này tin chắc chắn phải có một giải pháp có thể giải quyết vấn đề.
Bạn có thể cắt đứt vòng xoáy bất tận đó bằng cách xem xét một số bài giảng trong khóa Tâm lý Nhận biết Cao liên quan đến việc tiến triển trên con đường tâm linh. Thực sự thì sự việc xảy ra trong quá khứ không còn ảnh hưởng bạn nữa. Điều ảnh hưởng bạn là những ngã mà bạn đã tạo ra. Do đó, không có gì để phân tích, không cần tìm giải pháp nào cả. Giải pháp DUY NHẤT là bạn bỏ chuyện đó lại đằng sau bằng cách để cho ngã muốn tìm giải pháp chết đi.
Cũng có thể có một ngã trong thể lý trí cảm thấy vì bạn đã bị ngược đãi, nên người kia phải bị trừng phạt hoặc bị buộc phải thấy là họ đã làm sai. Thêm vào đó, bạn cũng có thể thấy có một ngã nói rằng vì bạn là người tâm linh, nên bạn không được để bụng. Cũng có thể có một ngã khác phóng chiếu là vì bạn là người tâm linh, bạn không được cảm thấy giận dữ.
Bạn nên dùng các bài giảng về con đường nhận biết cao để rọi ánh sáng vào các niềm tin đó và tự hỏi việc nào quan trọng hơn giữa việc khiến người kia thấy họ sai và việc bạn tiến bộ trên con đường tâm linh.
Có một tà thể tập thể rất dũng mãnh cho rằng bạn không thể tha thứ khi người kia chưa hội đủ một số điều kiện, tỷ dụ như chứng tỏ sự hối lỗi. Nếu không thì bạn đã để họ thoát tội mà không bị trừng phạt. Nhưng sự thực là nếu bạn không tha thứ thì tà thể này có thể móc vào trường năng lượng của bạn và đánh cắp năng lượng của bạn.
Khi bạn duy trì một mối liên hệ năng lượng với người đã làm hại bạn, thì bạn trói buộc bạn vào người đó và vào tà thể tập thể. Nếu một người đã hại bạn, thì tại sao bạn lại muốn buộc mình vào người đó? Có tốt hơn chăng cho bạn là bạn bỏ chuyện đó lại đằng sau và hoàn toàn tự do khỏi người đó và tình huống đó?
Làm sao bạn giành lại tự do? Bằng cách tha thứ vô điều kiện, nói cách khác là không đòi hỏi người kia thay đổi gì cả. Người đó đã hại bạn vì họ ở trong một trạng thái tâm thức nào đó. Việc người đó ở trong tâm thức đó không gây thiệt hại gì đến bạn, nhưng việc bạn buộc mình vào người đó gây thiệt hại cho bạn. Do đó, tha thứ là cách duy nhất để bạn giành lại tự do.
Ở tầng bản sắc có thể có một ngã cảm thấy bất lực trước những người hung hãn sẵn sàng làm hại người khác. Ngã này có thể đã được tạo ra vì trong một kiếp trước bạn bị những kẻ khuynh loát tấn công. Bạn có thể tìm đọc bài giảng về đề tài này trong một phần khác.
Bạn hãy ghi nhận là hiểu bằng trí năng khác với chuyển đổi nhận biết. Bằng cách dùng các dụng cụ đã được đề cập đến và nghiên cứu các bài giảng trong khóa Tâm lý Nhận biết Cao hay các bài giảng khác về lòng tha thứ, bạn có thể dần dần tách rời cái ta biết khỏi đám ngã không chịu tha thứ. Bạn có thể tới điểm thấy là người bị thiệt hại nhất khi không tha thứ chính là bạn.
Khi làm vậy thì bạn có thể dần dần tách cái ta biết khỏi các ngã đó, cho tới khi bạn thấy chúng từ bên ngoài, thấy là chúng đang giới hạn sự tiến bộ tâm linh của bạn và khi đó bạn tự nhiên để chúng chết đi từng ngã một. Bạn sẽ cảm thấy một sự nhẹ nhõm to lớn và đây sẽ là một bước tiến lớn trên con đường dẫn tới nhận biết cao.
Lẽ tự nhiên, toàn bộ các bài giảng về khóa Tâm lý Nhận biết Cao được thiết kế để giúp bạn thấy và tách mình ra khỏi những ngã tiềm thức. Do đó, khi bạn nghiên cứu bài giảng và thực hành các dụng cụ thì bạn có thể có những nội kiến trực giác cho bạn thấy bước kế tiếp bạn cần làm việc trên vấn đề gì. Nghiên cứu Tâm lý Nhận biết Cao không phải là để đạt được một hiểu biết trí năng, mà là có trải nghiệm chuyển đổi và nâng tâm thức lên cao hơn.