Hoàng đế bóng tối không mặc quần áo

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama, ngày 31/12/2007 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Ta đến địa cầu này để đem lại hòa bình, nhưng không phải loại hòa bình nhằm biến mọi người thành giống nhau, hay buộc mọi người phải theo một tôn giáo hoặc phải sống một cách nào đó. Con yêu dấu, một nền hòa bình như vậy không thể là hòa bình vì lý do giản dị là khi con tìm cách ép buộc tất cả mọi người vào một hệ thống tư tưởng – dù đó là tôn giáo hay chủ nghĩa cai trị – con tạo ra một hệ thống khép kín sẽ không thể tránh khỏi bị tan rã do những mâu thuẫn nội tại và các thế lực tương phản.  

Lịch sử đã từng chứng kiến một vài xã hội loài người đạt được, trong một số giai đoạn, một sự hài hòa cao độ giữa các tôn giáo khác biệt, và tín đồ của mọi tôn giáo đã có thể chung sống trong thái bình và khoan dung, và xã hội của họ – tức là cộng đồng chung của họ – đã khởi sắc. Và mặc dù người ta không thực sự hiểu được nguyên do, nhưng nguyên do ấy chính là sự đa dạng trong một khuôn khổ hài hòa, khi sự khác biệt giữa các lối sống và các tín ngưỡng tạo ra một sự căng thẳng sáng tạo, và sự căng thẳng này dẫn đến phát triển và thịnh vượng, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thế nhưng con cũng đã chứng kiến khi có một thế lực trở thành thế lực thống trị, tìm cách tiêu diệt sự đa dạng và tạo ra đồng nhất, thì xã hội đó sẽ bước vào một vòng xoáy kéo nó đi xuống, rồi cuối cùng nó sẽ tự hủy diệt, hoặc một cuộc cách mạng sẽ xảy đến đưa xã hội lên một nấc thang tiến bộ cao hơn. Bài học mà chúng ta đều có thể học được từ một xã hội như thời Al-Andalus tại Tây Ban Nha – ngược lại với điều tin tưởng của nhiều người – là sự đồng nhất sẽ không đem lại hòa bình. Và con yêu dấu, thật là quan trọng nếu con hiểu được tại sao.  

Đa dạng không gây ra xung đột

Con có thể hiểu được bằng cách nhìn vào một thực tế thật giản dị. Thượng đế – trước khi bất cứ gì được sinh tạo – là Một. Đây là đồng nhất. Tuy nhiên Thượng đế không muốn tiếp tục là Một. Thượng đế mong muốn sáng tạo, và để sáng tạo bất cứ gì, ngài phải trở nên nhiều hơn Một, cái toàn thể không phân chia. Cho nên ngài biểu hiện chính mình như là thái cực đầu tiên của lực lan ra và co lại – là Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc, Cha và Mẹ, hay bất kỳ danh tính nào mà con muốn gọi.

Từ thái cực đầu tiên này đã nẩy sinh ra toàn bộ sự đa dạng mà con thấy được trong vũ trụ vật chất. Nhưng ta cam đoan với con, con sẽ tìm thấy trong cõi tâm linh một sự đa dạng lớn hơn thế nữa. Cho nên như con thấy, động lực chủ yếu trong sáng tạo là động lực trở thành HƠN NỮA qua sự đa dạng. Con thấy được là ý muốn con người nhằm ép buộc mọi người vào khuôn khổ một hệ thống hay một xã hội nhất định đi ngược lại mãnh lực căn bản của sự sống.

Vì lý do này mà ý muốn phàm phu nhằm ngăn chặn đa dạng sẽ không bao giờ đem lại hòa bình. Đó là một ảo tưởng. Bởi vì con thấy đó, nếu con người đạt được một trạng thái đồng nhất cưỡng ép như vậy, thì những mâu thuẫn nổi lên sẽ là những mâu thuẫn do chính Dòng sông Sự sống, do chính sức mạnh của sự sống, nhất thiết đem lại. Bởi vì Dòng sông Sự sống sẽ tạo ra căng thẳng để rồi cuối cùng căng thẳng phải thị hiện thành đa dạng trong xã hội. Và khi có một thế lực nào đó tìm cách ngăn chặn đa dạng thì xung đột sẽ là kết quả tất yếu, và khi đó con thấy xã hội bị chia ra thành từng phe phái riêng biệt.  

Nếu không có sự khoan hòa đối với đa dạng, các phe phái này sẽ không thể tránh khỏi tuyên chiến với nhau, với khả năng làm cho xã hội bị tan vỡ hay tiêu diệt. Không phải Dòng sông Sự sống đã đem lại xung đột. Không phải đa dạng và khác biệt đã đem lại xung đột. Chính khi con người khoác vào cái tư duy muốn ngăn chặn đa dạng và dựng lên một trạng thái đồng nhất giả tạo, thì hỡi con yêu dấu, xung đột là kết quả không thể tránh khỏi.  

Nhưng nếu ngược lại, con người dồn nỗ lực vào việc trở thành hơn-nữa, dồn nỗ lực vào việc đưa xã hội mình vào trạng thái hơn-nữa, hay trở thành hơn-nữa, thì họ sẽ không còn thì giờ, chú ý hay sức lực để mà xung đột với nhau. Bởi vì khi con biết con sẽ thị hiện được nhiều hơn bằng cách nỗ lực biểu thị khả năng sáng tạo của mình, thì tại sao con lại phải xung đột với láng giềng của con? Tại sao con lại phải cố kiểm soát người khác, tước đoạt của người khác, khi con hiểu rằng mọi người đều có thể tăng trưởng và trở thành hơn nữa? Nền tảng của Thời Hoàng kim chính là khi con người bước vào tâm thức nơi mình chỉ tập trung vào việc trở thành hơn nữa, thay vì tập trung vào ý muốn kiểm soát người khác – bởi vì cái này mới là tâm thức trở thành it hơn.

Tại sao các xã hội hoàng kim đã thoái hóa

Vậy tại sao trong quá khứ khi có những xã hội hoàng kim đạt được phát triển và thịnh vượng, tại sao những xã hội này lại không duy trì cho khuôn mẫu tăng trưởng cứ tiếp diễn? Lời giải đáp ẩn giấu cho câu hỏi này là như sau: trong tất cả mọi thời hoàng kim đã qua, loài người đã không đủ nhận thức về sự kiện có những dòng sống trên địa cầu bị kẹt cứng trong tâm thức nhị nguyên đến độ họ không thể thấy ích lợi nào trong đa dạng và phát triển.

Họ không hề mong muốn một xã hội phát triển, bởi vì khi xã hội càng trở thành hơn-nữa thì sự khác biệt giữa cao và thấp sẽ càng ít đi. Kỳ thực trong một xã hội hoàng kim đích thực, sẽ không có ai được xem là cao hơn, tốt đẹp hơn hay có giá trị hơn người khác. Mọi người sẽ được xem là có giá trị bình đẳng, được quý trọng không phải vì địa vì hay cấp bậc trên địa cầu, mà vì họ sẵn sàng biểu lộ qua bản thân họ cái khả năng sáng tạo tự nhiên mà Thượng đế đã sẵn ban cho họ, và do đó những người sáng tạo nhất sẽ – không phải là được đánh giá cao nhất – mà được trân quý nhất.   

Đây chính là điểm mà những người bị kẹt trong tâm thức nhị nguyên không muốn chứng kiến trong xã hội, bởi vì trong một xã hội như vậy họ sẽ không có cách gì đạt được địa vị cao cả. Sự kiện họ bị đui mù bởi tâm thức nhị nguyên cũng chính là lý do họ bị cắt đứt khỏi Dòng sông Sự sống và do đó họ không thể biểu hiện khả năng sáng tạo mà họ sẵn có. Họ sẽ không cho phép dòng sáng tạo này tuôn chảy, cho nên trong một xã hội trân quý sáng tạo, họ sẽ không thể đạt được địa vị cao trọng, họ không thể đạt được những địa vị khả dĩ cho họ ảo tưởng là họ tốt đẹp hơn người khác.  

Và bởi vì họ nhất quyết đạt được những địa vị này cho bằng được, bởi vì họ đeo đuổi quyền lực cho bằng được, nên con thấy họ sẽ bắt buộc phải ngừng sáng tạo do họ coi sáng tạo là một mối đe dọa. Vậy thì bằng cách nào những dòng sống này – mà Giê-su gọi là những kẻ lãnh đạo mù quáng, hoặc chúng ta có thể gọi là những dòng sống sa ngã – bằng cách nào họ có thể giựt sập một xã hội hoàng kim và kéo nó xuống xoắn ốc thoái hóa? Phải rồi, họ làm được vậy bằng cách làm tha hóa chính cái lực đẩy xã hội đi lên, tức là cái lực sáng tạo thể hiện ra qua những biểu thị đa dạng.     

Họ lấy sự đa dạng rồi nhào nặn đa dạng qua tâm thức nhị nguyên của họ. Và họ bày ra một hệ tư tưởng, một triết lý, thậm chí cả một văn hoá quần chúng nào đó, nhằm trình bày sự đa dạng như là một mối đe dọa, một nguyên nhân xung đột. Họ chỉ cần kéo được một đoàn nhóm nào đó trong xã hội nghĩ rằng mình đứng riêng biệt khỏi xã hội, rằng bất cứ ai thuộc nhóm nào khác cũng đều đe dọa mình, hay đe dọa xã hội, hay đe dọa tiến bộ, hay đe doạ Thượng đế hoặc bất kỳ điều gì hấp dẫn đối với quần chúng.   

Bởi vì xã hội trong quá khứ đã không đủ cảnh giác về tâm thức nhị nguyên cùng sự tác hại nơi những người bị mù quáng bởi nhị nguyên, nên nhiều xã hội hoàng kim cuối cùng đã bị rơi vào vòng xoáy thoái hóa. Trong vòng xoáy này, con người thay vì coi đa dạng và sáng tạo là nguyên nhân thịnh vượng, lại bước vào tâm thức cho rằng đó là mối đe doạ cho ổn định xã hội.  

Rồi họ tin rằng muốn duy trì được xã hội hoàng kim, duy trì được xã hội và nền văn hóa mà họ đang được hưởng, thì họ phải kềm kẹp dòng sáng tạo mà họ cho là mối đe dọa có thể đảo lộn hiện trạng tốt đẹp của họ. Nhưng kỳ thực, chính đa dạng với sáng tạo mới là yếu tố duy nhất có khả năng bảo đảm sự sống còn lâu dài của một xã hội hoàng kim. Đó là cách duy nhất mà một xã hội có thể xuôi chảy trong Đòng sông Sự sống thay vì trở thành một hệ thống đóng kín phải suy vi do những lực phân rã được mô tả trong định luật thứ hai của nhiệt động học.

Tôn giáo như một cái cớ xung đột

Những gì con thấy vào thời Al-Andalus là một ví dụ điển hình cho sự kiện tôn giáo thường bị sử dụng để làm cái cớ bề ngoài hầu tạo ra căng thẳng giữa các nhóm người. Nhưng xã hội Al-Andalus không là ví dụ duy nhất về một xã hội với văn hoá đang cường thịnh và sáng tạo mà lại bị diệt vong bởi những chia rẽ và tranh chấp tôn giáo. Thật ra vào thời ta hiện thân trên địa cầu, ta cũng đã đầu thai trong một nền văn hóa nơi Ấn giáo đã trở thành nguồn xung đột, nguồn tranh chấp, nguồn mâu thuẫn.      

Nguyên nhân là vì trong Ấn giáo, đã biết bao nhiêu phe nhóm mọc lên, mỗi phe tự xưng mình là nắm được học thuyết cao nhất về vũ trụ và sáng thế. Hiện nay có một số người, đặc biệt là ở Tây phương, xem đạo Phật là một tôn giáo vô Thượng đế, thậm chí là một tôn giáo phủ nhận Thượng đế, nhưng điều này tất nhiên là không phải vậy. Đạo Phật là một cái nhìn vô cùng thực dụng về tâm linh, và khi tâm thức con người còn ít nhiều bị chìm đắm trong nhị nguyên thì họ không có khả năng vượt lên trên tâm nhị nguyên để mà ngộ được một thiên khải nào đó về vũ trụ quan tối thượng. Đối với con người như vậy thì thật là vô nghĩa bàn đến vũ trụ quan xuyên qua phin lọc của tâm nhị nguyên.     

Tốt hơn hết, con yêu dấu, là con hãy làm như Ki-tô từng dạy sau này, đó là xét cái xà trong mắt con thay vì chú mục vào cái giằm trong mắt anh em con, rồi bảo rằng tôn giáo anh ta là tôn giáo của ma quỷ hay là đe dọa ổn định xã hội. Cho nên điều ta đã cố làm là tạo nên một phong trào tâm linh mới hầu con người không còn chú mục vào vấn đế tối hậu về sáng thế, không còn tranh cãi với những ai có quan điểm khác mình về sáng thế, mà thay vào đó, chú mục vào chính tâm mình và tìm cách phần nào điều ngự được tâm mình.

Đây là một cái nhìn thực dụng và thực tế chắc chắn đã góp phần tạo ra một lực ổn định hơn cho xã hội. Do có rất nhiều người chấp nhận đạo Phật và sẵn sàng chuyển đổi tâm mình, cho nên chính sự phát triển tâm thức này của họ đã tạo ra một mãnh lực tâm linh, ngăn chặn được một cuộc đại chiến, một cuộc tranh chấp võ trang bùng nổ trong xã hội. Mãnh lực ổn định này có được là nhờ số đông Phật tử đã dốc lòng điều ngự chính tâm mình, và qua đó họ đã duy trì được sự cân bằng tâm linh tuyệt vời cho xã hội của họ.     

Và ta cho con hình ảnh này vì con là người tâm linh – và cũng có rất nhiều người tâm linh khác trên địa cầu hôm nay sẽ không bao giờ nghe được thông điệp này, và không cứ là họ cần nghe – phải, con là người tâm linh, con có tiềm năng hôm nay trở thành một mãnh lực tâm linh có thể giữ được cán cân quân bình đối với các thế lực của nhị nguyên, là các thế lực mà con biết hiện đang lan tràn địa cầu, đang cố kéo địa cầu xuống vòng xoáy thoái hoá của chiến tranh, đang gây ra những tranh chấp tôn giáo sẽ hủy diệt tiềm năng thị hiện Thời Hoàng kim của Saint Germain.   

Điều duy nhất có thể chặn đứng vòng xoáy thoái hóa của bạo động tôn giáo chính là khi những người tâm linh trên địa cầu tự nhủ rằng: “Tôi sẽ không gây chiến với người anh em của tôi. Tôi sẽ nhìn thấu vào chính bản thân tôi và nhận ra là không thể đạt được hoà bình trên thế giới mà lại tiêu diệt những ai không giống mình. Chỉ có thể có hoà bình trên thế giới nếu tôi thoát ra khỏi các thế lực nhị nguyên là nguyên nhân thực sự của tranh chấp”.

Đừng kháng cự lại cái ác – hãy thăng vượt nó

Thật là không đúng – như một số nhà khoa học thời nay vẫn nói – khi bảo rằng tôn giáo là nguyên nhân chiến tranh trên hành tinh này. Không, nguyên nhân thực sự của chiến tranh là tâm thức nhị nguyên dẫn đến tình trạng không dung thứ đa dạng. Tôn giáo chỉ là cái cớ bề ngoài, chứ thật ra người ta lấy sự cố chấp của nhị nguyên rồi đem thể hiện ra ngoài thành tranh chấp võ trang. Người ta tìm cách dùng bạo lực để tiêu diệt một nhóm người khác bị dán nhãn là kẻ thù, nhưng kỳ thực chỉ là những con dê tế thần, là cái cớ để người ta không chịu nhìn vào cái xà trong mắt mình.

Hình ảnh mà ta mong muốn con nắm giữ không chỉ đơn giản là một hình ảnh, mà là sự thật rằng chỉ cần một số người tương đối nhỏ để duy trì sự cân bằng tâm linh cho cả hành tinh và ngăn hành tinh khỏi bị rơi xuống vòng xoáy hướng hạ, thay vì cho phép Dòng sông Sự sống nâng cao hành tinh vào vòng xoáy hướng thượng và thị hiện một xã hội hoàng kim nơi đa dạng sẽ kích hoạt thịnh vượng trên cả hai bình diện vật chất lẫn tâm linh. Sẽ có phát minh mới và sáng tạo mới liên tục đem lại giải pháp mới cho những vấn đề mà trong phin lọc của tâm thức cũ thì dường như hoàn toàn không có giải pháp. Tâm thức cũ được thay thế bởi một tự do mới, một sự sẵn lòng mới để nhìn vào những nan đề dưới ánh sáng mới, và khi đó lời giải đáp sẽ bật ra thật là hiển nhiên. 

Con hãy giữ lấy hình ảnh này – đó chính là sự thực – rằng nếu con sẵn sàng nhìn vào bất cứ gì trong tâm lý con, bất cứ gì có thể kéo con xa lìa khỏi hòa bình, nếu con sẵn sàng xem xét nó, trực diện với nó cho tới khi con hiểu – cho tới khi con thấy được sự giả dối của nó, cho tới khi con thấy nó đang thực sự làm hại con – khi đó con sẽ tức khắc khởi lên ý muốn để cho nó ra đi, ý muốn buông bỏ nó, không muốn tiếp tục củng cố khuôn nếp của nó, bởi vì con thực sự không muốn kháng cự lại khuôn nếp này. Con thấy nó như nó là, hoàn toàn không thực. Và một khi con thấy nó không thực thì con cũng thấy việc kháng cự hoàn toàn không cần thiết, hoàn toàn vô ích. Bởi vì khi một cái gì đó không thực thì kháng cự chẳng có ích gì. Bởi vì khi con kháng cự lại, con sẽ hướng năng lượng về phía nó, và như vậy con đã củng cố cho nó mạnh hơn, con tăng cường cái cảm giác, cái ảo tưởng là nó thực. Con củng cố ảo tưởng khiến cho cái không thực hiện ra là thực, khiến nó hiện ra là có thực chất nào đó giúp cho nó hiện hữu và tiếp tục hiện hữu.    

Thấu hiểu hàng ngũ tà lực

Các chân sư đôi khi có nhắc tới một số dòng sống đã được phép đầu thai trên hành tinh này, và – cùng với một số dòng sống nơi các cõi lý trí và tình cảm – chúng tạo thành một hàng ngũ mà các chân sư gọi là hàng ngũ tà lực. Con yêu dấu, đây là thế lực mà lúc nãy ta có nói là chúng đã phá hủy rất nhiều nền văn minh hoàng kim trong quá khứ.   

Các con là những người tâm linh, rất nhiều người tâm linh, đã đến một giai đoạn mà con thấy cần phải đọc lên những bài chú, hay phải kêu gọi sự phán xét đối với hàng ngũ tà đạo. Đây là một bước cần thiết, không những cho sự phát triển của hành tinh mà cả sự phát triển của chính con. Nhưng nhiều người trong số các con đã đạt đến điểm sẵn sàng tự giải thoát thực sự khỏi những tàn dư cuối cùng rất vi tế của tâm thức nhị nguyên. Và do đó, ta trong cương vị Chủ tể Thế gian – là đấng thực sự nắm giữ sự cân bằng tâm linh cho mọi dòng sống đầu thai trên địa cầu – ta đã quyết định ban cho con một lời dạy vượt khỏi tất cả những gì đã được các chân sư truyền dạy cho tới nay.    

Hãy cho phép ta dẫn con làm thử một thí nghiệm tư tưởng, gọi là để vận động trí tưởng tượng. Con hãy bắt đầu với hình ảnh này đã được sách vở và phim ảnh phổ biến gần đây, là hình ảnh cậu hobbit Frodo nhận lãnh chiếc nhẫn với sứ mạng phải đem nhẫn về nơi sinh tạo ra nhẫn [Lord of the Rings]. Khi cố thực hiện công việc này, cậu ta phải ra sức chiến đấu chống lại một tà lực dường như đang tràn ngập khắp vũ trụ, xuất phát từ một điểm trung tâm. Ở trung tâm này, hình như có một hoàng đế bóng tối đang ngự trị, một tay phù thủy không những chỉ đang điều khiển tà lực, mà còn điều khiển hàng triệu triệu những con Orc cùng những sinh vật khác nữa đang răm rắp tuân lệnh phù thủy.  

Ta mong muốn con thay đổi câu chuyện đi chút đỉnh. Bây giờ con hãy tưởng tượng con đang nhìn ra thế giới và thấy được một số người dường như đang tận tình phá hoại hoà bình và thịnh vượng của thế giới. Con nhìn sâu hơn và con nhận ra họ tận tình như vậy là vì họ ở trong một trạng thái tâm thức đặc thù. Con thấy họ ở trong tâm thức này chủ yếu là vì họ sợ hãi. Họ sợ rằng nếu họ không đeo đuổi một cách hành xử nào đó thì tai họa sẽ ập đến, như phải đời đời bị thiêu đốt dưới hỏa ngục nếu đó là điều khủng khiếp nhất họ có thể nghĩ được.    

Do sợ bị đày xuống địa ngục mà họ sợ cãi lệnh những ai đang ra lệnh họ phải nhân danh Thượng đế mà giết người. Và như vậy con thấy trên địa cầu có một hàng ngũ có thứ bậc, tương tự như những thời đại trước đã từng có những vị lãnh đạo tôn giáo – thậm chí vị lãnh đạo cao nhất như giáo hoàng trong đạo Cơ đốc – ra lệnh cho thuộc hạ của mình phải giao chiến với tín đồ một tôn giáo khác. Khi làm vậy, họ đã khiến cho con người phải giết hại con người nhân danh thượng đế của mình, đồng thời tuyên bố đó là một thượng đế thương yêu đã từng phán lời răn: “Ngươi chớ giết người”, rồi lại gửi đứa con một của mình xuống trần gian để dạy rằng phải giơ má bên kia và thương yêu kẻ lân cận như chính mình.

Cứ theo lô-gíc đó thì nếu con giết người khác nhân danh thượng đế đó, thì con sẽ tránh khỏi cái địa ngục rực lửa chắc chắn sẽ ập xuống địa cầu – khi các tín đồ kia được phép rao truyền tôn giáo của họ một cách thoải mái. Cho nên đúng là có một hàng ngũ của bóng tối trên địa cầu, nhưng khi con là một người tâm linh có tầm nhìn sâu hơn, con có thể thấy được là có một hàng ngũ phi vật chất đang giật dây – nếu có thể nói như vậy – những con rối đang nhảy múa khắp nơi quanh địa cầu. Và ngay cả những người có vẻ nắm quyền hành to lớn như các giáo hoàng và các hoàng đế, chỉ thực là những con rô-bốt dưới quyền sai khiến của một thế lực lớn hơn đứng đằng sau.  

Đối mặt với nỗi sợ hãi hàng ngũ tà lực

Con nên mở tâm tỉnh giác của con ra đối với sự hiện hữu của một thế lực vượt khỏi cõi vật chất. Lúc đầu, con có thể cảm thấy đôi chút sợ hãi thế lực này. Và con có thể nghĩ là nếu có một hàng ngũ bóng tối trên địa cầu thì có lẽ ở những cõi cao hơn – thế giới phi vật chất – có một hàng ngũ còn to lớn và quyền năng hơn nữa, một loại hàng ngũ có quyền năng vô hạn, hay hầu như vô hạn, trên tất cả những ai bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của chúng.

Và ý nghĩ này, tất nhiên, đã khiến cho rất nhiều người trên trái đất – từ mọi tôn giáo kể cả học trò của chân sư thăng thiên – vô cùng sợ hãi mình bị hàng ngũ bóng tối đó ảnh hưởng. Do nỗi sợ này mà con quá quan tâm, con cố giữ cho tâm thức mình trong sáng đến độ con đóng chặt lại – mà không hề hay biết – dòng chảy của Dòng sông Sự sống đang muốn xối qua bản thân con. Con đóng chặt lại khả năng sáng tạo của con khi con nghĩ rằng con phải cẩn trọng không được thử nghiệm khả năng này vì con sợ mở cửa ra cho hàng ngũ tà lực.     

Nhiều người tâm linh đã vượt quá giai đoạn “ngu si hưởng thái bình” và “không nhìn thấy cái ác, không nghe thấy cái ác” đành phải nhận ra sự có mặt của các tà lực này. Và quả thật là có tà lực – ta hoàn toàn không phủ nhận điều này. Hình ảnh mà ta muốn cho con ở đây là thực sự có một hàng ngũ tà lực, một thế lực của bóng tối được tổ chức thành hàng ngũ. Con có thể nhìn xuống trái đất và thấy từng cá nhân bị tà lực này sai khiến và làm cho đui mù, và một số trong bọn họ trở thành, chẳng hạn, những kẻ giết người hàng loạt.     

Ở một số thời điểm trong quá khứ đã từng có một hình thức quy mô hơn như vậy khi toàn bộ xã hội bị rơi vào vòng phù phép của hàng ngũ tà lực, và mọi người trong xã hội đó hợp lực giết hại thành viên của một cộng đồng khác. Và hiển nhiên nếu con muốn một ví dụ điển hình và hiện đại, đó là trường hợp của lực lượng Quốc xã tại Đức. Nhưng nếu con có gan nhìn kỹ hơn, con sẽ nhận ra cùng những yếu tố này trong rất nhiều xã hội khác. Ngay cả nước Mỹ hiện đại cũng có một số người đang nắm giữ quyền chức cao trọng đã rơi vào bùa mê của hàng ngũ tà lực và trở thành những công cụ gây chiến trên bình diện toàn cầu.        

Tuy nhiên, nếu con nhìn xa hơn những người đó – là người bị hàng ngũ tà lực che mắt hay chiếm hoặc – con sẽ thấy vượt trên họ có một hàng ngũ phi vật chất. Nói vậy thì con sẽ nghĩ ngay đến những loại hồn bóng xấu ác, quỷ dữ, hồn ma không xác, hay bất kỳ tên gọi là gì. Nhưng hình ảnh chủ yếu ở đây là những sinh thể hoàn toàn bị mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên, hoàn toàn chú tâm và tận tình trong công cuộc thể hiện một hình thức bóng tối nào đó – cho dù họ thường hay tin rằng họ làm vậy cho phúc lợi của số đông.   

Con hãy hình dung hàng ngũ tà lực này như một kim tự tháp, ở tầng dưới là những biểu hiện vật lý có thể thấy được, rồi ở trên có một tầng cao hơn, rồi lại một tầng cao hơn nữa, cho đến cái đỉnh của kim tự tháp. Con cũng biết kim tự tháp ở chỗ cao nhất chỉ là một điểm duy nhất, cho nên mới có hình ảnh rất phổ biến là đứng ngay đỉnh kim tự tháp tà lực là ác quỷ, hay Sa-tăng, hay Lucifer, hay bất kỳ nhân vật nào đó với danh tính khác nhau tùy theo truyền thống văn hóa hay tôn giáo.     

Một hành trình vào ảo ảnh bóng tối

Bây giờ con hãy tưởng tượng chúng ta đều mặc nguyên bộ áo giáp của Đại thiên thần Michael để trở thành bất khả xâm phạm đối với tà lực. Chúng ta cất bước lên đường giống như Frodo, đi vào thật sâu trong xứ Mordor là vùng sâu thẳm của bóng tối. Chúng ta du hành xuyên qua từng tầng lớp của hàng ngũ tà lực, di chuyển ngày càng cao hơn về phía đỉnh cao của kim tự tháp.  

Và khi đến gần hơn và gần hơn nữa, chúng ta bắt gặp những biểu hiện khác nhau của bóng tối y như Frodo đã gặp trong chuyến hành trình tới Mordor. Và tất nhiên, chúng ta chờ đợi là khi tới tuyệt đỉnh, chúng ta sẽ tìm thấy ngôi đền tối thượng của bóng tối, lâu đài tối thượng nơi chúa tể bóng tối cư ngụ, là nhân vật tối cao trong toàn bộ hàng ngũ tà lực. Và quả vậy, con yêu dấu, khi đâm xuyên qua từng tầng lớp sâu thẳm của bóng tối, chúng ta thấy được một ngôi đền như thế, một kiến trúc với đủ loại hình thù xấu ác, nào rồng rắn, đầu thú, hình tượng của đủ mọi vật có thể tưởng tượng trên trái đất.

Khi bước đến ngôi đền này thì chúng ta thấy cái gì đó lạ kỳ. Chung quanh đền có những sinh thể đang thờ phượng ngôi đền, nhưng họ lại sợ vào đền đến độ họ không bao giờ dám bước vào. Họ luôn luôn chỉ đứng bên ngoài. Những sinh thể này – nếu có thể nói như vậy –là tầng lớp cao nhất trong hàng ngũ tà lực mà chúng ta có thể thấy được từ vị trí bên ngoài ngôi đền. Và chúng ta thấy họ bị thôi miên, hoàn toàn tập trung vào việc quảng bá hay duy trì một ý tưởng đặc thù mà họ tin đã được chính chúa tể bóng tối trao cho họ.

Nhưng chúng ta cũng phát hiện là không một sinh thể nào đã gặp tận mặt chúa tể để nhận được ý tưởng đó hay khuôn mẫu đó từ chúa tể. Họ tin rằng ý tưởng đã được trao cho tổ tiên họ trong một quá khứ xa xôi và họ chỉ giản dị tiếp tục tuân theo những mệnh lệnh đó. Mệnh lệnh được truyền xuống tầng lớp ngay bên dưới, và tầng lớp này sẽ mù quáng tuân hành theo mà cứ tưởng là nó đến thẳng từ chúa tể. Cứ như thế, lệnh được ban xuống cho tới tầng dưới cùng của kim tự tháp. Và bây giờ thì chúng ta có thể thấy, những sinh thể cao cấp nhất mà mình đã gặp trong cuộc hành trình – nếu có thể nói như vậy – tuy rằng họ có quyền hạn to lớn đối với kẻ bên dưới họ nhưng chính họ thì lại bị nỗi sợ hãi sai khiến. Họ không phải là sinh thể quyền lực mà những ai theo họ tưởng lầm.    

Chúng ta nhìn thấu qua họ và thấy họ chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch vì họ bị sai khiến bởi sợ hãi. Trong nỗi sợ này, họ chỉ máy móc làm theo những gì họ tưởng là mệnh lệnh của chúa tể họ. Và mặc dầu họ tin chúa tể tà lực là đối trọng của Thượng đế – và do đó cũng quyền năng như Thượng đế – họ thật sự không có bằng chứng nào bởi vì họ chưa từng gặp chúa tể tận mặt. Khi chúng ta nhận ra nỗi sợ hãi này – và tất nhiên chúng ta vẫn còn được toàn bộ áo giáp của Đại thiên thần Michael bảo vệ – chúng ta mới nghĩ: “Ừ nhỉ, có lẽ mình nên làm điều mà tất cả bọn họ vẫn sợ làm. Có lẽ mình nên bước vào ngôi đền và xem mặt mũi của chúa tể bóng tối ra sao, hình như y có quyền năng không kém gì Thượng đế?”    

Và bây giờ, con yêu dấu, chúng ta gom góp tất cả can đảm và bước qua cổng đền, chúng ta gặp một hội trường lớn, và ở cuối hội trường là một chiếc ngai lớn. Nhưng quá đỗi ngạc nhiên, chúng ta khám phá ra là không có ai ngồi trên ngai kia mà chỉ có một chú chuột nhắt đã lẻn vào đền để kiếm đồ ăn, nhưng giờ đây chú không tìm thấy và nhanh như cắt chú chạy đi mất khi chú nghe thấy tiếng chân chúng ta bước tới. Và như vậy, chúng ta đứng ngay trước ngai vàng của bóng tối – và chúng ta chợt hiểu, con yêu dấu. Chúa tể của bóng tối không hề có!  

Hãy ngừng trao quyền cho những gì không thực

Chưa hề bao giờ có một chúa tể tà lực! Chưa bao giờ có một sinh thể xấu ác nào là đối trọng của Thượng đế và do đó có quyền năng như Thượng đế. Con yếu dấu thấy đó, chúng ta nhận ra trong chớp nhoáng là tất cả các tầng lớp của hàng ngũ tà lực đang thờ phượng một ảo ảnh hoàn toàn. Họ đang thờ phương một cái gì không có, một cái gì không có thực chất. Và như vậy chúng ta hiểu được một điều vô cùng thâm sâu. Những sinh thể ở những tầng dưới của kim tự tháp sợ cãi lệnh những tầng trên vì họ tưởng kẻ ở trên có quyền hạn trên họ, và ở một mức độ nào đó thì điều này không sai, bởi vì những kẻ ở trên có một số quyền năng tà thuật mà họ có thể sử dụng để trừng phạt kẻ dưới.

Nhưng chúng ta cũng thấy toàn bộ cấu trúc dẫn đến tầng cao nhất là những sinh thể đứng bên ngoài ngôi đền, và những kẻ này thờ phượng một chúa tể họ nghĩ đang ngự trị bên trong. Họ nghĩ là chúa tể có mặt ở đó, chúa tể là có thật, chúa tể thực sự có quyền hạn trên họ, chúa tể sẽ tiêu diệt họ nếu họ không vâng lời. Nhưng chúng ta thấy những sinh thể này, mặc dù họ có quyền hạn trên kẻ dưới, lại là những sinh thể đáng thương nhất – bởi vì họ nghĩ chúa tể có quyền hạn trên họ. Nhưng vì chúa tể không có ở đó và ngôi đền thì trống rỗng, thật là không có quyền hạn nào đang chi phối họ, và do đó không có ai để mà tiêu diệt họ nếu họ bất tuân.

Và như vậy chúng ta chợt hiểu là hàng ngũ giả dối này – tuy rằng nó có vẻ có quyền hạn trên địa cầu, hay trên các cõi lý trí hay cảm xúc – thật sự không có quyền lực nào hết. Tất cả chỉ là một ảo tưởng, và cái gì không thực thì không thể có quyền lực nào trên cái thực – trừ khi cái thực bị rơi vào ảo ảnh rồi lầm tin rằng bóng tối có thực. Chỉ bằng cách quả quyết rằng bóng tối là thực thì cái thực mới trao quyền cho bóng tối. Và chúng ta chợt nhận ra, những kẻ ở những tầng dưới của kim tự tháp đang sử dụng chính năng lượng của họ để nuôi mãi ảo ảnh. Khi làm vậy, họ gửi gấm năng lượng của họ vào một khuôn tạo sinh giả trá, tức họ cống hiến năng lượng của họ để tạo ra một thế lực, là chính cái thế lực mà những kẻ ở tầng trên sử dụng để kiểm soát họ.      

Nói cách khác, kẻ bị kiểm soát chính là kẻ đã ban bố năng lượng cho kẻ kiểm soát mình. Cho nên nếu kẻ bị kiểm soát chịu ngừng lại, ngừng cung cấp năng lượng cho kẻ thống trị mình, thì họ sẽ tước đi quyền hạn của kẻ thống trị. Và khi con thấy sự thể này được lặp đi lặp lại ở mỗi tầng của kim tự tháp thì con thấy rõ là hoàn toàn không đúng – như được kể lại trong nhiều truyền thuyết khắp thế giới – hoàn toàn không đúng là những kẻ đứng ngay dưới chúa tể bóng tối nhận được quyền lực từ chúa tể.

Vì con thấy đó, không hề có chúa tể nào hết, vậy thì làm sao họ có thể nhận được quyền lực từ một cái gì không có? Con đã thấy rõ, toàn bộ kiến trúc đồ sộ của hàng ngũ tà lực không hề được nuôi dưỡng bởi chúa tể. Họ được nuôi dưỡng bởi những tầng ở ngay bên dưới, và cứ thế tầng tầng lớp lớp xuống mãi cho tới những con người đang đầu thai, tuy không hoàn toàn thiếu vắng ánh sáng và còn có chút thực chất và một chút ánh sáng, nhưng những người này đã bị lừa gạt để làm ô uế ánh sáng của mình qua ảo ảnh, và như vậy chính họ đang nuôi dưỡng toàn bộ kiến trúc to lớn kia của tà lực. Và chúng ta chợt nhận ra là cái ác không có thật, và hình dạng của cái ác không có quyền năng gì trên con người – ngoại trừ những gì con người trao cho bóng tối khi mình làm tha hóa ánh sáng của mình trong ảo ảnh của bóng tối. Những ảo ảnh này, con người tin là có thật.

Vượt qua ảo tưởng bóng tối có quyền năng

Con yêu dấu, các con là người tâm linh, rất nhiều người trong số các con đang đứng ngay ở điểm con sẵn sàng thể nhập được đầy đủ sự thật mà ta vừa trao cho con. Các con sẵn sàng bước tới cái bước sẽ đưa các con, một cách toàn diện và dứt khoát, ra khỏi tầm với của các thế lực nhị nguyên. Bước này sẽ đưa con tới một nơi mà ông hoàng của thế gian có muốn tới cũng không thể nắm được gì trong con, không thể ép buộc con phản ứng tiêu cực rồi đem ánh sáng con ra nuôi sống bóng tối.

Các con đứng ngay ở điểm mà chỉ một bước nữa sẽ giải thoát con, để con có thể ngồi như đức Phật dưới gốc cây mà đối mặt với ma quỷ của Mara, các thế lực của thế gian. Nhưng dù chúng cố cám dỗ hay công hãm con biết mấy, thì trong con không có vướng mắc nào để chúng khiến con trao quyền cho ảo ảnh của chúng. Bởi vì con đã nhìn thấu qua ảo ảnh và con không bị lay động, vì con đã mãi mãi buông bỏ mọi điều không thực.   

Nhiều người trong các con đang đứng ở điểm khi chỉ một sự quay đầu thật nhẹ trong tâm thức cũng sẽ đột nhiên mở ra cho con viễn quan toàn bộ về tính không thực của mọi thứ tối tăm, xấu ác. Điều này, con yêu dấu, sẽ không xóa bỏ ngay lập tức mọi bóng tối trên địa cầu, bởi vì Luật Tự quyết cho phép nhiều người tiếp tục tin vào ảo tưởng của bóng tối, nhưng sự kiện con vượt qua được ảo tưởng đó sẽ bao gồm hai khía cạnh quan trọng.    

Trước hết, tất nhiên, con sẽ thoát khỏi lực lôi kéo của nhị nguyên, thoát khỏi nỗi sợ hãi hàng ngũ tà lực. Con nay neo chặt vào sự an bình bất tận của Phật, sự an bình bất tận của Ki-tô, sự an bình bất tận của Mẹ Thiêng liêng, sự an bình bất tận của Cha Thiêng liêng, sự an bình bất tận của đức Thánh linh. Và do neo chặt vào an bình đó, con có thể bước lên một tầm mức hoàn toàn mới nơi con cầm giữ cân bằng cho địa cầu, hầu con có thể phụng sự như là một đối trọng cho những ai còn bị mù quáng bởi nhị nguyên và còn nghĩ rằng họ phải tuân theo chúa tể của xấu ác cũng như những kẻ ở trên họ trong hàng ngũ tà lực. Họ thường không nhận ra những kẻ này là hàng ngũ tà đạo, mà lại tưởng là chức sắc trong chính tôn giáo mình, hay quan chức trong đảng phái chính trị của mình, hay bất kỳ ảo tưởng nào khác trên địa cầu nhằm lừa gạt họ trao cho tà lực sự vâng lời cùng năng lượng, mà lại cứ tưởng mình đang phục vụ Thượng đế hay những lý tưởng cao thượng nào đó.   

Đây thực sự là cách con giữ được đối trọng cho các thế lực bóng tối khi con nhận ra là chúa tể bóng tối không hề có. Không có thực thể nào trong thế lực bóng tối. Nhưng đồng thời con cũng nhận ra là rất nhiều anh chị em của con trong nhân loại vẫn còn bị đui mù bởi cái ảo ảnh rằng bóng tối có thật, rằng bóng tối thật có quyền năng trên họ. Và con phải nhìn nhận còn rất nhiều người chưa sẵn sàng buông bỏ ảo ảnh này.

Và tại sao họ chưa sẵn sàng chứ con yêu dấu? Bởi vì họ chưa sẵn sàng đoái nhìn tới bóng tối. Họ chưa sẵn sàng công nhận rằng khi họ tham gia vào một cuộc chiến đấu nhị nguyên – cho dù họ tin họ đang chiến đấu cho một chính nghĩa cao đẹp – thì họ cũng đang phục vụ cho hàng ngũ tà lực. Họ sợ phải công nhận điều này vì họ sẽ cảm thấy hối hận, sẽ tự trách móc đến độ mất đến hàng bao nhiêu kiếp để chữa lành vết thương. Ngay cả những người sẵn sàng thừa nhận rằng chiến đấu không bao giờ là chủ trương của Đại đoàn Ánh sáng, thì họ vẫn sợ không dám nhìn tận mặt hàng ngũ tà lực, dõi nhìn lên tuốt cái chóp đỉnh để rốt cuộc phát hiện ở trên đó cũng không có gì và vì vậy không có quyền gì.     

Thật là cần thiết phải có một tỷ lệ nào đó của loài người giữ được cân bằng, hầu giúp cho phần còn lại có đủ thì giờ trau dồi sự chín chắn và lòng dũng cảm để nhìn thẳng vào bóng tối và thấy được nó thật sự là gì, rồi từ đó mới dùng quyền tự quyết của mình để mà từ bỏ. Cần có người giữ cân bằng để cho những ai bị mù quáng bởi bóng tối khỏi nhận chìm cả địa cầu xuống một lốc xoáy bạo động sẽ cản trở sự thị hiện của Thời Hoàng kim.

Hãy giữ viễn tượng thức tỉnh khỏi ảo tưởng bóng tối

Con cần giữ vững viễn tượng là nhân loại sẽ tự kéo mình ra khỏi chu kỳ bạo động và lần hồi tự nâng mình lên tâm thức của Thời Hoàng kim. Viễn tượng mà con cần giữ là ngày càng có nhiều người thức tỉnh, mở mắt ra với các giá trị khoan dung, đa dạng, sáng tạo, và loài người sẽ tìm ra câu giải đáp cho những nan đề của mình qua sáng tạo chứ không phải kiểm soát. Phải tìm ra những giải pháp sáng tạo thay vì cứ lặp đi lặp lại lối suy nghĩ máy móc rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách áp đặt một giải pháp nhất định, một hệ tư tưởng nhất định. Kỳ thực, giải pháp đó không là giải pháp vì nó sẽ chỉ khiến cho cuộc chiến đấu nhị nguyên càng thêm kịch liệt mà thôi.  

Ta mong muốn con giữ vững viễn tượng là sự thức tỉnh này sẽ lan rộng ra như những vòng nước trên mặt hồ. Con hãy hình dung con người hoàn toàn thức tỉnh trước sự thật của ánh sáng và bóng tối – thấy được sự không thực của bóng tối, thấy được sự thực của Thượng đế, sự thực trong lời dạy của Ki-tô bảo rằng với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ – và nhất định Thời Hoàng kim có thể thị hiện, trồi dậy y như con chim phượng hoàng vươn lên từ ngọn lửa tranh chấp mà con đang chứng kiến trên thế giới.      

Ta mong muốn con giữ vững viễn tượng là nhân loại sẽ thức tỉnh trước giá trị của sáng tạo, giá trị của sự sáng tạo mà mỗi người đã mang sẵn – rằng mọi người sẽ đóng góp phần mình để đưa ra những giải pháp mới lạ, hay hỗ trợ những giải pháp mới lạ, cho những nan đề đã gây ra xung đột từ bao ngàn năm, kể cả, hỡi con yêu dấu, những giải pháp sáng tạo trong địa hạt tôn giáo và tâm linh, hầu tôn giáo không còn là tác nhân gây ra xung đột bạo động làm thế giới rực lửa, không còn gây vòng xoáy mà con người không thể thoát khỏi, và cứ thế họ sẽ giết hại một cách phi lý và máy móc tất cả mọi tín đồ của tôn giáo khác, tựa như những con rô-bốt đã bị tà lực hoàn toàn chiếm dụng.     

Một viễn tượng thức tỉnh

Để giúp con giữ vững viễn tượng đó, ta sẽ trao cho con hình tư tưởng này. Ta nói với con, con yêu dấu, là Phật không rắc rối. Tâm Phật không phức tạp. Thật ra hàng ngũ tà đạo mới cố làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp, bởi vì càng phức tạp bao nhiêu thì con người sẽ càng khó nhìn thấu qua ảo ảnh bấy nhiêu. Cho nên chúng đã xây đắp hết lớp phức tạp này tới lớp phức tạp khác để cố đánh lạc hướng sự chú ý của con hầu con không thấy được sự thật đơn giản là bóng tối không thật.   

Ta đến đây để cho con một hình tư tưởng vô cùng giản dị. Đây là hình tư tưởng một trận mưa tuyết thật dày đặc, có bông tuyết rơi xuống khắp mọi nơi trên địa cầu. Bông tuyết màu hoàng kim khi nhìn từ xa, nhưng khi con nhìn gần hơn, con thấy mỗi bông tuyết đều đặc biệt, như con cũng biết mỗi bông tuyết vật lý đều mang hình dạng độc nhất. Nhưng những bông tuyết này thì không như bông tuyết vật lý. Mỗi bông tuyết thật ra là một tấm gương, và mỗi bông tuyết sẽ rơi xuống trước mặt một người trên trái đất. Và sẽ có đủ bông tuyết để mỗi người có được bông tuyết riêng của mình, tạo thành một tấm gương phản chiếu lại cho người đó những gì đang khiến người đó bị mắc kẹt trong giới hạn, mắc kẹt trong bóng tối. Và như thế, tuyết trao cho mỗi người một cơ hội để mình tự nhìn thấy mình dưới một ánh sáng mới.

Điều này không có nghĩa là mỗi người sẽ giác ngộ tâm Ki-tô hay tâm Phật, mà mỗi người sẽ có một cơ hội lớn hơn trước kia rất nhiều – dù là trong kiếp này hay trong nhiều kiếp trước – để thấy được điều gì trong tâm lý của mình đang giới hạn mình, đang ngăn cản mình là sinh thể mà mình là, đang ngăn chặn mình tiến tới và bước cái bước quyết định trên đường tu tâm linh.  

Thật ra nhiều người chưa tới mức bước lên được tâm Ki-tô hay ngay cả bước lên để nhận ra con đường dẫn tới tâm Ki-tô, con đường toàn vũ đằng sau mọi tôn giáo. Nhưng mỗi người đều có cơ hội bước tới, và nếu mọi người trên địa cầu đều nắm lấy cơ hội này thì hiển nhiên toàn hành tinh sẽ được nâng cao một cách phi thường. Nhưng bởi vì mỗi người đều có quyền tự quyết cho nên không phải ai ai cũng sẽ nắm lấy cơ hội. Nhưng con không cần quan tâm chuyện đó. Điều con giữ vững trong viễn tượng là tấm gương trước mặt mỗi người sẽ không ngừng phản chiếu lại đúng những gì mà người đó đang cần vượt qua để bước tới về hướng giải thoát. Và như vậy, người đó sẽ liên tục đối mặt với những gì họ cần khắc phục, và họ nhận được thật nhiều cơ hội để cuối cùng họ sẽ nhận diện ra con đường. Khi đó, họ sẽ nhìn vào gương và tự nhủ: “Tôi không thể cứ tiếp tục lặp đi lặp lại một cách ngu xuẩn những khuôn nếp cũ. Tôi cần vươn lên cái gì đó mới hơn, cái HƠN NỮA.”   

Đó là viễn tượng mà ta trao cho con. Nếu con giữ vững viễn tượng này – và tất nhiên là con sẽ tiếp tục tu tập bản thân, tu tập để đạt tới mức hoàn toàn buông bỏ ảo ảnh bóng tối, cái ảo ảnh rằng bóng tối có quyền hạn trên con – thì con sẽ tinh tấn khả quan trên mặt cá nhân. Nhưng con cũng có thể giữ vững viễn tượng  cùng sự cân bằng đó cho cả hành tinh và cả nhân loại để tất cả được tinh tấn vượt bực. Và khi đó – như người ta hay nói – sẽ là một bước nhảy vọt lượng tử.

Phật cũng có tình cảm

Hỡi con yêu dấu, ta có thể cam đoan với con là dẫu rằng Phật hoàn toàn không dính mắc với bất cứ biểu hiện nào trên địa cầu, điều này không có nghĩa là Phật không có tình cảm. Ta có những tình cảm tích cực. Ta có những tình cảm rất mãnh liệt đối với mọi người trên địa cầu, bởi vì nếu không thì ta đã không còn giữ trách vụ Chủ tể Thế gian và giữ cân bằng cho chúng sinh. Vì thế, ta cảm thấy một nhiềm vui tự nhiên rất lớn khi ta thấy những ai đang có nỗ lực phi thường để vượt lên trên tâm thức nhị nguyên và tiến gần hơn với tâm Phật.

Ta khen ngợi các con, và ta muốn trao cho con niềm vui trong tim ta, một niềm vui vượt ngoài nhị nguyên và do đó không thể, và không được, tạo ra nơi con niềm kiêu hãnh phàm phu. Niềm vui này phải khiến con vượt xa hơn niềm kiêu hãnh và con nhận ra thực tế là con đã có tinh tấn, là con đã đến gần hơn với an bình, và quả thật các con là những người tiên phong mở đường cho Thời Hoàng kim của Saint Germain.  

Như vậy con hãy tự xem mình là những cánh cửa mở mà qua đó ánh sáng của Đại đoàn Ánh sáng, đại đoàn chân chính, có thể chiếu rọi vào thế gian. Con hãy xem mình là một thành phần của Dòng sông Sự sống, là dòng chảy của cái LÀ, cái lực tập thể của Đại đoàn Ánh sáng đang tìm kiếm một cánh cửa rộng mở để biểu hiện ra thế gian. Nhưng tất nhiên, ánh sáng tôn trọng quyền tự quyết và sẽ chỉ có thể biểu hiện qua những ai sẵn lòng vượt lên trên nhị nguyên, vượt lên trên tâm thức máy móc đang muốn đóng chặt dòng chảy, và mở cửa ra để hợp nhất với dòng sống, để trở thành chính dòng sống. Đây là những người đang từ bỏ ảo mộng kiểm soát của tự ngã, đang sẵn sàng để cho ngọn gió của Thánh linh thổi theo ý muốn Thánh linh, và đi về những nơi chốn mà Thánh linh muốn đưa về, tức là bất cứ nơi nào ích lợi nhất cho Đại đoàn Ánh sáng.   

Trong số các con, rất nhiều người đã sẵn lòng dời chuyển đến một nơi khác, nhưng đặc biệt các con đã sẵn lòng dời chuyển trong tâm thức. Và đây là niềm vui thực sự trong tim Phật, một niềm vui mà ta mong muốn chia sẻ với con tối nay khi chúng ta đang bước ra ngoài chu kỳ cũ, bỏ lại chu kỳ đó như một cái vỏ rỗng, không hối tiếc và cũng không mong mỏi. Trong cuốn phim về thời Al-Andalus, cảm giác toát ra là một niềm mong mỏi u uất về một thời vàng son đã không còn. Và con có thể thấy được nhiều người thời nay nhìn lại quá khứ vàng son rồi nghĩ rằng hiện tại thật là thua kém và tương lai sẽ còn tệ hại hơn.     

Nhưng con – là những học trò của Đại đoàn Ánh sáng – con sẽ để cho mọi nhớ nhung về Thời Hoàng kim thuở trước tan đi, và thay vào đó con sẽ tập trung vào thực tế của Thời Hoàng kim, không những của tương lai, mà Thời Hoàng kim của ngày bây giờ, cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng là đồng nhất với tâm thức Phật, nơi ngay cả thời gian không được coi là thật mà là ảo tưởng, và nơi không có sự phân chia nào giữa bây giờ và Thời Hoàng Kim. Thời điểm bây giờ chỉ có thể ở trong cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng là nơi Thời Hoàng kim cũng đang thị hiện. Cho nên con hãy chấp nhận viễn tượng là mỗi người trong các con là trung tâm của vũ trụ cá nhân của con, và con hãy sử dụng lời dạy hồi nãy của ta về sự quyết tâm, để con xác quyết ngay bây giờ là trong vũ trụ cá nhân của con, Thời Hoàng kim là một thực tại đang hiển thị!

Và con hãy giữ vững xác quyết này, hầu con không để cho bất kỳ biến cố nào trên thế giới – bất kể chúng hiện ra như thế nào – khiến con bị sao lãng thay vì con hoàn toàn xác quyết và chấp nhận rằng trong vũ trụ cá nhân của con, Thời Hoàng kim của Saint Germain là một thực tại hiển hiện trong cái NGAY BÂY GIỜ vĩnh hằng, đang LÀ mỗi cái bây giờ mà con kinh qua.  Con yêu dấu, ngọn lửa quyết tâm của Phật là nền tảng cho an bình của Phật. Bởi vì với quyết tâm vô hạn, Phật bác bò các thế lực phản hòa bình, và đó là cách Phật giữ được an bình. Và như vậy, trong ngọn lửa của quyết tâm vô hạn, ta niêm ấn con, và ta gửi con làm sứ giả cho ta.

Và ta nói với con, “Hãy đi ra khắp thế giới và biến mọi người thành đệ tử của Phật bằng cách giúp họ thấy được Phật tánh của chính họ!” Và con yêu dấu, con chỉ có thể làm được điều này một cách mà thôi. Không phải bằng cách thuyết giảng giáo lý của Phật mà bằng cách LÀ Phật ngay nơi con đang ở. Con đã được niêm ấn! Được niêm ấn trong lòng biết ơn của ta, niềm vui của ta thấy con phát triển, phát triển về hướng sự tỉnh giác vô tận là tánh Phật, là tâm Phật.  

Một Phật quan về Hoa Kỳ và việc là Ki-tô trong hành động

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 8 tháng 4, 2007 tức ngày Chủ nhật Phục sinh, tại Washington D.C. (Hoa Kỳ). [Năm 2007 Hoa Kỳ còn tham chiến tại Iraq, nhưng đến cuối năm thì tuyên bố khởi sự rút quân]

Ta Gautama đến đây để chào đón con. Và chắc chắn một số người ở phương Tây sẽ tự hỏi tại sao Phật lại đến can thiệp vào ngày lễ Phục sinh của Ki-tô. Nhưng trên thiên đàng chỉ có Một. Vậy thì làm sao có thể có ngăn cách nào giữa Ki-tô với Phật? Và quả thế, ta đến để cho con Phật quan (Buddhic perspective) về việc là Ki-tô trong hành động.

Vì con thấy đó, con yêu dấu, có sự khác biệt về mức độ – không phải về bản chất – giữa sứ mệnh của Ki-tô và của Phật. Cả hai, theo một nghĩa nào đó, giống như Alpha với Omega. Sứ mệnh của Ki-tô Hằng sống trong hiện thân, của Ngôi Lời nhập thế, là đi ra ngoài tích cực tìm kiếm những ai bị vướng kẹt trong một hộp tư duy hay cái gì khác – hay như cách gọi trong đạo Phật, những ai bị vướng mắc sau tấm màn của Maya, tấm màn của ảo tưởng do Mara, những con quỷ của thế gian và ông hoàng của thế gian này dựng lên.

Vai trò của Ki-tô Hằng sống là đi ra ngoài thách thức ảo tưởng của mọi người để họ được đánh thức trước thực tại là có một cái gì khác, một cách sống khác vượt quá ảo tưởng. Ki-tô phải hướng ngoại, phải năng động, phải thách thức. Và do đó Ki-tô cũng hứng chịu sự giận dữ của những ai không muốn bị thách thức, không muốn thay đổi, không chịu soi gương và nhổ cái đà trong mắt mình.

Và một khi con người đã thức tỉnh và bước theo con đường quả vị Ki-tô, thì họ sẽ mở tâm ra với con đường của Phật, là con đường của sự không dính mắc. Ở điểm hai con đường gặp gỡ và trở thành song song với nhau là nơi dành cho những đệ tử đã trưởng thành hơn, có khả năng nhìn xa hơn hai tôn giáo vỏ ngoài là đạo Cơ đốc và đạo Phật. Họ thấy được là cả Ki-tô lẫn Phật đều đến địa cầu giảng dạy cùng một giáo lý toàn vũ, cùng một con đường phổ quát, chỉ có điều họ giảng dạy trong những bối cảnh văn hóa khác nhau và với những ngôn từ hơi khác.

Khi đệ tử trở nên mất cân bằng

Tuy nhiên vẫn có những sắc thái mà các đệ tử tiên tiến phải biết. Và đây là một điểm ta sẽ trình bày hôm nay. Quả thực một người có thể thức tỉnh với con đường quả vị Ki-tô và nắm bắt được phần nào con đường này, rồi y cất bước, y khởi sự hình thức phụng sự là nhận ra có rất nhiều việc trên thế giới cần thay đổi, còn rất nhiều ảo tưởng cần được thách thức. Và quả vậy, y bắt đầu thách thức các ảo tưởng đó, nhưng luôn luôn có rủi ro là y bị kẹt trong một ngõ cụt khi y trở nên mất cân bằng.

Có nhiều người tâm linh và mộ đạo đã thức tỉnh trước nhu cầu phải làm gì đó, phải đem lại một thời mới tốt đẹp hơn, một dạng xã hội cao hơn, một xã hội tâm linh hơn, hay ngay cả một thời đại hoàng kim. Họ có một trải nghiệm thức tỉnh hay sáng ngộ, họ trở nên nhiệt tâm phụng sự Thượng đế – cho dù họ xem Thượng đế là gì – hay làm việc cho các chân sư thăng thiên. Và họ ném mình vào công cuộc đó với lòng nhiệt huyết, nỗi háo hức to lớn.

Theo một nghĩa nào đó, các thày là chân sư thăng thiên rất thích nhìn thấy con người ở giai đoạn này, bởi vì chắc chắn họ sống động và ngoạn mục hơn là những người chỉ ngồi đó trước màn hình tivi, tưởng rằng mục đích cuộc sống là ăn popcorn và lướt qua các kênh truyền hình cho đến khi bộ não của họ trở nên đờ đẫn đến độ họ khó lòng nặn ra được một ý nghĩ cá biệt nào, vì họ đã bị áp chế bởi tâm thức đại chúng phóng ra từ tivi đến mức họ giống như người chết, một người đã chết về mặt tâm linh.

Nhưng tuy các thày hân hoan dõi nhìn những ai đang thức tỉnh, ta phải nói với con rằng rất nhiều khi các thày lại chứng kiến cùng những người này bước vào ngõ cụt khi họ chọn một cách tiếp cận mất cân bằng trong những việc họ xem là công việc phụng sự Thượng đế, có lẽ cả Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Các thày đã thấy sự thể này trong mọi tôn giáo, khi một tỷ lệ đệ tử trở nên gần như bận tâm quá đáng muốn tạo thay đổi trên thế giới. Và họ nôn nóng, họ “bốc lửa” như họ nói, đến mức họ mất hẳn mọi tầm nhìn lẫn cân bằng.

Đâu là nguyên nhân của sự kiện này, con yêu dấu? À, đó là vì họ không có Phật quan về ý nghĩa thế nào là Ki-tô trong hành động. Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con không thể hoàn toàn không dính mắc đến mức bảo rằng không có gì thực sự quan trọng. Con không thể chui vào tư duy xám mà nghĩ rằng rốt cuộc mọi chuyện sẽ ổn thỏa bởi vì, một cách nào đó, Giê-su hay một đĩa bay UFO sẽ đến cứu nguy hành tinh.

Là Ki-tô Hằng sống trong hành động, con phơi mình ra để người ta nhạo báng và lên án con. Con thường hay đi ngược lại tự ngã của họ, và con làm vậy vì con thực sự quan tâm. Con quan tâm đến độ con sẵn lòng để cho họ chối bỏ, đàn áp con. Thậm chí thày Giê-su còn quan tâm đến mức để họ đóng đinh thày trên thập tự giá hầu cho họ cơ hội nhìn thấy tâm nhị nguyên của họ được trình chiếu ra bên ngoài.

Là Ki-tô Hằng sống, con quan tâm. Đó là tại sao con đi ra ngoài, sẵn lòng làm xao động mọi người. Nhưng việc duy trì lòng quan tâm này là một thế cân bằng rất tế nhị. Vì con rất dễ trở nên bận tâm quá đáng, con bước qua lằn ranh và bị dính mắc muốn đạt một kết quả đặc thù qua hành động của mình. Con trở nên dính mắc muốn tạo một phản ứng đặc thù nơi người khác.

Đây là một lằn ranh rất tinh tế, là lằn ranh giữa việc ở lại trên con đường thẳng và hẹp của Ki-tô, và việc bước ra con đường rộng của phản Ki-tô. Vì con thấy đó, mặc dù con quan tâm về người khác và muốn đánh thức họ, con không bao giờ được quên là Thượng đế đã cho họ quyền tự quyết. Con chỉ cho họ tấm gương của con, cho họ hiểu biết, sáng ngộ, minh triết, Lời Hằng sống sẽ giúp họ tự do chọn lựa rời bỏ tâm thức nhị nguyên. Nhưng con không được dính mắc vào một kết quả đặc thù.

Biểu hiện bên ngoài của sự dính mắc này là những người đếm số. Hội thánh của họ có bao nhiêu thành viên? Môn phái của họ có bao nhiêu thành viên? Con hãy nhìn biết bao tín hữu đạo Cơ đốc tự hào tôn giáo mình lớn nhất thế giới. Nhưng thật  ra đạo Cơ đốc vô cùng đa dạng cho nên con khó lòng xem đó là một tôn giáo nhất thống.

Nhưng điểm bao quát hơn mà ta muốn nói lên là như sau: những ai chơi trò đếm số, so sánh tôn giáo mình với tôn giáo khác – và cảm thấy nhu cầu tôn giáo mình phải hay hơn – hiển nhiên đã chứng tỏ là họ dính mắc. Có thể họ vẫn phục vụ một động cơ trong sáng tương đối, nhưng có một sự dính mắc làm tha hóa động cơ của họ, thậm chí nó mở tâm họ ra với lời dối trá gian manh rằng mục tiêu có thể biện minh cho phương tiện.

Con không ở đây để thay đổi thế giới

Cho nên con yêu dấu, làm thế nào con sẽ bước trên sợi dây chênh vênh của Ki-tô Hằng sống trong hành động mà không rơi xuống quá xa vào một trong hai đối cực nhị nguyên? À, con phải trước tiên giữ vững một sự thật trong tâm con: Là Ki-tô Hằng sống, con không ở đây để chế tạo một thay đổi vỏ ngoài đặc thù trên trái đất! Con không ở đây để đưa Hoa Kỳ tới mức công nhận các chân sư thăng thiên. Con không ở đây để đem lại hòa bình thế giới. Con không ở đây để phơi bày nhóm thượng tôn quyền lực cùng sự khuynh loát nền kinh tế của chúng. Con không ở đây để lật đổ hệ thống ngân hàng quốc tế. Con không ở đây để lật ngược vụ án Roe vs. Wade.

Con hãy để ý là ta không bảo một số việc trên không là mục tiêu chính đáng cần đạt được và cần xảy ra. Nhưng con không ở đây để khiến nó xảy ra. Bởi vì những gì xảy ra trên địa cầu phải xảy ra qua quyền tự quyết của mọi người. Và do đó con thấy tại sao hình thức chính quyền tại Hoa Kỳ – tại sao Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập – bao gồm khái niệm “Chúng ta, nhân dân Mỹ”. Điều con có thể làm trong tư cách Ki-tô Hằng sống là đánh thức mọi người để họ có thể chọn những chọn lựa tốt nhất. Nhưng Ki-tô Hằng sống không hề là một nhà độc tài xông vào giành lấy quyền hành, hay tước quyền từ tay một kẻ độc tài khác mà mình xem là kẻ xấu, kẻ cực ác trong vở tuồng.

Khi con rơi vào cái bẫy nghĩ rằng con ở đây để tạo ra môt kết quả đặc thù – khi con ở đây để lật đổ chế độ của nhóm này hay nhóm kia, của tà lực này hay tà lực kia – thì con làm gì chứ? À, con làm điều mà Giê-su đã mô tả, rằng thế giới là một sân khấu và cuộc sống là một vở tuồng với nhiều vai khác nhau. Trên thế giới có nhiều vai đóng được quy định theo tâm thức nhị nguyên. Và có một vai do tâm rắn tạo ra nhằm đặc biệt gài bẫy những ai đã thức tỉnh con đường quả vị Ki-tô nhưng chưa đạt được sự cân bằng. Và họ khoác lấy vai này, tưởng rằng khi mình là đại diện của Ki-tô thì mình phải giao chiến, phải tiêu diệt các đại diện của phản Ki-tô, phải chống lại hành vi của những kẻ mình xem là đại diện của phản Ki-tô, hầu tạo ra một kết quả đặc thù.

Con có thấy cái bẫy này vi tế lắm không? Thật quá dễ dàng để một người đã thức tỉnh con đường tâm linh – đang bốc lửa muốn phụng sự Thượng đế và chính nghĩa của Ki-tô – bước vào vai trò đó mà không hay biết mình đang làm gì. Thế rồi họ đi trật đường, có khi hàng chục năm trời, nghĩ rằng mình đang làm việc cho Thượng đế, cho các chân sư thăng thiên, nhưng kỳ thực họ chỉ đơn giản diễn thêm một vai tuồng nhị nguyên, hầu như không đóng góp gì cho việc làm đích thực của chân sư thăng thiên là nâng cao mọi người khỏi tâm thức nhị nguyên.

Con có thấy điều ta nói? Quan tâm chủ yếu của các thày không phải là đem lại hòa bình thế giới, kéo Hoa Kỳ ra khỏi Iraq, lật ngược vụ án Roe vs. Wade, hay lật đổ nhóm thượng tôn tài chính. Quan tâm chủ yếu của các thày là đánh thức con người khỏi sự mù quáng do tâm thức nhị nguyên gây ra, vì khi con người thức giấc khỏi nhị nguyên, họ sẽ có những chọn lựa đúng đắn. Và như vậy một khi nhị nguyên được chinh phục thì mọi thứ khác sẽ tự nhiên rơi vào đúng chỗ. Con có thấy không? Như Ki-tô có nói: “Trước hết hãy tìm vương quốc Thượng đế và sự công chính của ngài, rồi mọi chuyện kia sẽ được bồi thêm cho con.”

Không dính mắc vào kết quả đặc thù

Qua hàng thiên niên kỷ, các thày đã chứng kiến những ai đi theo một tôn giáo chân chính – từ giáo lý của Abraham, giáo lý của Moses, qua giáo lý của chính ta trong tư cách là Phật, rồi giáo lý của Giê-su cho đến giáo lý của các chân sư thăng thiên – phải, các thày đã chứng kiến làm thế nào con người đã cất bước đi theo những lời dạy đó, nhưng với sự nóng lòng quá đáng, họ đã trở nên dính mắc với việc chế tạo những kết quả vỏ ngoài. Họ đã đi vào ngõ cụt tìm cầu trước tiên những chuyện của thế gian thay vì cố đạt được mục tiêu thực sự là thể nhập trọn vẹn giáo lý mà họ đi theo – thể nhập cho đến khi họ trở thành chính giáo lý, trở thành một với giáo lý, trở thành một với vị thày.

Và nếu con cố đạt trước hết mục tiêu hợp nhất đó và việc sử dụng đúng đắn các khả năng sáng tạo – nghĩa là sử dụng các khả năng sáng tạo của con một cách cân bằng – thì kết quả vỏ ngoài có thể sẽ được bồi thêm cho con, hay cũng có thể là không. Bởi vì một lần nữa, ý muốn của Thượng đế là con người có quyền tự quyết và họ được phép biểu hiện quyền tự quyết này trên trái đất. Chắc chắn các chân sư thăng thiên mong muốn nhìn thấy một số kết quả vỏ ngoài, và nói cho cùng, các thày mong muốn nhìn thấy vương quốc Thượng đế và Thời Hoàng kim của Saint Germain thị hiện trong vật lý trên trái đất. Nhưng những thứ đó không thể xảy đến qua việc con làm sai cách. Vì như Giê-su diễn tả: “Với con người thì không thể, nhưng với Thượng đế thì có thể, vì đối với Thượng đế mọi chuyện đều khả dĩ.”

Vậy đâu là điểm thứ nhì con phải suy ngẫm để tìm thấy cân bằng? Chính là điều ta từng giảng dạy trong tư cách là Phật – sự không dính mắc. Không dính mắc không giống như không quan tâm hay thờ ơ. Vì đúng là khi ta chứng quả Phật, không phải là ta không dính mắc đến độ thờ ơ. Và đó là tại sao ta đã không chỉ ở lại trong Niết bàn để trải nghiệm trạng thái cực lạc mà các thày vừa đề cập hồi nãy.

Ta đã tình nguyện trở lại địa cầu và giảng dạy, và qua đó ta đã phơi mình cho các thế lực trên trái đất tấn công. Không phải là các thế lực này có khả năng chạm đến ta, nhưng dẫu sao ta vẫn phải bước đi trong thế giới nhị nguyên và xử lý các đệ tử đến với ta ở đủ loại tầng tâm thức nhị nguyên khác nhau. Và mặc dù có rất ít ghi chép về điều này, nhưng ta có thể cam đoan với con là một số đệ tử này đến gặp mặt ta còn bị vướng kẹt rất sâu trong tâm thức nhị nguyên, và họ đã làm những chuyện với ta y hệt như một số môn đồ của Giê-su đã làm với Giê-su – như được minh họa qua cách cư xử của Peter muốn áp đặt hộp tư duy của ông lên Ki-tô Hằng sống, để Ki-tô Hằng sống bị ép uổng phải tuân theo hộp tư duy đó. Cho nên cũng có những đệ tử muốn ép uổng Phật Hằng sống phải nằm gọn trong hộp tư duy của họ thay vì cho phép Phật dẫn họ vượt ra khỏi hộp.

Không dính mắc là chìa khóa của quả vị Phật. Và không dính mắc là chìa khóa của quả vị Ki-tô. Và sự không dính mắc này đến từ cái hiểu mà ta vừa trình bày. Mục tiêu đích thực của các chân sư thăng thiên cho trái đất này là nâng cao tâm thức con người vượt ra khỏi nhị nguyên để họ với lên và khám phá Lời Hằng sống bên trong họ, và như vậy họ sẽ lấy những quyết định đúng đắn một cách tự nhiên – do họ có được cái mà một số môn đệ của ta sau này gọi là “sơ tâm”, là cùng cái tâm được Giê-su mô tả khi thày nói rằng trừ khi con trở thành như trẻ nhỏ thì con không thể vào được Nước Trời.

Tại sao sơ tâm là chìa khóa

Tại sao vậy chứ? Vì con có cái tâm trong sáng – tâm không dính mắc, tâm không thành kiến – không tìm cách ép uổng thế gian để nó nằm gọn trong hộp tư duy của con, không tìm cách ép uổng Thượng đế và Lời Hằng sống vào hộp tư duy của con. Con sẵn lòng xuôi chảy với Lời Hằng sống, sẵn lòng làm cánh cửa mở và cho phép Lời Hằng sống biểu đạt xuyên qua con, tức con chính là Dòng sông sự Sống, con xuôi chảy với dòng sông đó, rồi như vậy ánh sáng của dòng sông có thể chảy xuyên qua con và đánh thức người khác.

Con không thực sự tin là Giê-su lẫn ta đã đánh thức con người qua lập luận trí thức, phải không con? Con không thực sự tin là các thày khôn ngoan đến độ có thể đánh bạt trí thông minh của những kẻ thách đố các thày, phải không con? Chắc hẳn con đã đọc trong Kinh thánh là thày Giê-su đã khiến cho trí thông minh của người Pha-ri-si lẫn các thày thông giáo bị lúng túng, nhưng đến khi thày rời khỏi thì họ lại quay ngay về với kinh điển của họ và tìm ra những câu trích dẫn sẽ giúp họ đạp đổ hay phớt lờ những gì thày vừa nói, và qua đó họ cũng phủ nhận thày là Ki-tô Hằng sống.

Đạo Phật KHÔNG là một tôn giáo vô Thượng đế

Nếu con nghiên cứu lịch sử đạo Phật, con cũng biết là ta từng đặt vấn đề với các nhà Bà là môn trong đạo Ấn – họ cũng kiểm soát người dân của họ giống như giới tu sĩ đạo Do Thái vào thời Israel cổ. Và cũng vậy, họ đã chối bỏ ta bằng cách trích dẫn kinh Veda cùng mô hình vũ trụ của họ. Nhiều người trong số họ chối bỏ ta vì ta không nói đến Thượng đế hay các khái niệm siêu hình.

Con yêu dấu, tại sao ta lại không đề cập? À, ta có thể nói chắc với con là lý do không phải – như một số Phật tử hiện đại tin như vậy – là vì ta không công nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Không, ta thực sự có công nhận Thượng đế cùng sự hiện hữu của Thượng đế là nguồn cội của mọi sự sống. Nhưng ta cũng biết chìa khóa để vươn lên khỏi cuộc vật lộn nhị nguyên đã tiếp diễn trong lãnh vực tôn giáo là giúp mọi người đạt được một trải nghiệm nội tâm của tánh linh sự thật, của Lời Hằng sống. Bởi vì một khi họ có được trải nghiệm nội tâm này thì họ sẽ ít khả năng bị mắc bẫy trong cuộc vật lộn nhị nguyên nhằm chứng minh kinh điển này mới đúng, hoặc cách diễn giải kia mới hữu lý và hay hơn – trong khi kỳ thực mọi cách diễn giải kinh điển đều sai lạc vì chúng khởi lên từ tâm thức nhị nguyên.

Mục đích của ta là trước hết nối kết con người với Lời Hằng sống ngay bên trong họ, vì khi đó ai nấy sẽ có thể có một cách tiếp cận hoàn toàn mới về chủ đề Thượng đế cùng chủ đề thiên đàng và các khái niệm siêu hình. Cho nên ta đã quyết định chọn một thế đứng vô cùng thực tiễn nói rằng, trên cơ bản, chừng nào con người còn bị vướng kẹt trong ảo tưởng của Mara thì làm thế nào họ có thể biết chắc bất cứ gì về cõi tâm linh? Và vì vậy, nếu chúng ta muốn hiểu biết về các đề tài này thì chúng ta phải bước vào nội tâm, tạo được mối liên lạc trực tiếp với cõi tâm linh, rồi sau đó chúng ta mới có nền tảng thích đáng để nói chuyện về Thượng đế.

Nhiều Phật tử sau đó và nhiều Phật tử thời nay đã không hiểu được điều này, cho nên họ nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo vô Thượng đế. Và điểm này, tất nhiên, rất hợp ý một số người phương Tây, vì họ đã bị đốt cháy bởi lửa địa ngục và diêm sinh của những nhà thuyết pháp trong đạo Cơ đốc chính thống và cực chính thống, đến độ họ sẵn sàng đổ cả chậu nước dơ của giáo hội mà không dè trong chậu nước có một đứa bé, và họ chối bỏ luôn cả Thượng đế. Thế là họ quay sang đạo Phật trong ý muốn né tránh không muốn nhắc đến hai chữ T.Đ. mà họ nhất định không để vuột qua miệng họ.

Con không thể đạt được giác ngộ bằng cách xem giác ngộ là một tiến trình không kết thúc bằng sự hợp nhất với Thượng đế. Và đây là điểm các Phật tử thời nay có thể học được từ Giê-su, khi Giê-su nói lên công khai sự hợp nhất của thày với Thượng đế: “Ta với Cha ta là một.” Đúng là như vậy, chính ta cũng nói lên một điều tương tự, vì ta chẳng nói rằng mọi thứ đều là Phật tánh hay sao? Phật tánh chẳng phải là một cách khác để mô tả Thượng đế, mô tả LOGOS, là nguồn cội của tất cả hay sao? Quả thực những ai là đệ tử tâm linh nhạy bén có thể học được một số điều từ tấm gương của Phật. Và như con thấy trong bài thỉnh tuyệt vời mà các con vừa đọc, quả thực có một sự tương đồng giữa lời lẽ của Ki-tô với lời lẽ của Phật. Ngôn từ chỉ khác đôi chút nhưng ý tưởng được diễn tả thì giống nhau.

Đạo Phật phương Tây không phải là giải đáp

Ta khuyên con nên học một số kinh Phật giáo như Kinh Pháp Cú và một số kinh khác, từng quyển một, khi nào con thấy cảm hứng. Nhưng ta không muốn con rơi vào cạm bẫy tưởng rằng con phải trở thành một Phật tử trong thế giới Tây phương. Vì ta phải thẳng thắn nói với con là có nhiều người ở phương Tây tự nhận mình là Phật tử hay là người theo đạo Phật, nhưng họ tự hại thân khi họ đi theo một dạng Phật giáo Đông phương chẳng hạn như Phật giáo Tây Tạng. Và ta phải nói với con hai điều về hiện tượng này khiến ta hơi lo lắng – nếu dĩ nhiên một vị Phật không dính mắc có thể lo lắng về bất cứ chuyện gì.

Như đã xảy ra với đạo Cơ đốc, đạo Phật cũng đã phát triển khác xa với các ý tưởng ban đầu của ta. Và một trong những điều đã xảy ra trong đạo Phật – tương tự như trong đạo Cơ đốc và tất cả mọi tôn giáo khác – là một số khía cạnh của đạo Phật đã tập trung quá đáng vào các nghi thức vỏ ngoài. Con thấy một ví dụ điển hình nhất là Phật giáo Tây Tạng, họ có chùa chiền trang trí thật công phu, những bánh xe cầu nguyện để tín đồ quay không ngừng, tưởng rằng qua thiết bị máy móc này họ sẽ tăng triển tâm linh một cách nào đó. Ta không nói là không có tác dụng, nhưng tác dụng thật ít ỏi so với khi con đọc kinh và phú cho bài kinh ngọn lửa của tim con – như con cũng biết rõ sự khác biệt giữa bài cầu nguyện đọc máy móc với bài cầu nguyện đọc lên bằng tất cả trái tim nhiệt thành.

Cho nên đúng vậy như con thấy, Phật giáo Tây Tạng có quá nhiều nghi thức đến độ hầu như họ đã đánh mất cốt lõi những lời dạy ban đầu của ta. Điều này không có nghĩa là không có ai hiểu được cốt lõi đó, nhưng ta phải nói với con, số người này không nhiều lắm – không nhiều bằng số đạo sư đủ loại với cái tên lạ lẫm được quá nhiều người tầm đạo tại phương Tây sùng kính.

Một điều nữa mà ta muốn đề cập với con, con yêu dấu, là Phật giáo Tây Tạng đã không hoàn toàn đi lạc đường. Nhưng Phật giáo được phát triển ở Tây Tạng là có lý do. Và có một lý do vì sao Tây Tạng bị cô lập từ bao nhiêu năm trời, là vì ở đó có một mạn đà la những con người mang một tư duy đặc thù. Cho nên, ý ta muốn nói là như sau: Phật giáo Tây Tạng không thích hợp lắm cho tư duy người Tây phương vốn rất khác với tư duy người Tây Tạng.

Và ta cũng nói qua một điểm nữa – vì trong tương lai ta sẽ trình bày chi tiết hơn – rằng Phật giáo Tây Tạng đã quả thực trở thành một cái hộp tư duy khép kín, một hệ thống khép kín. Và đây chính là tại sao quốc gia Tây Tạng đã trở thành nạn nhân – điều không thể tránh được – của định luật thứ hai của nhiệt động học. Và thế lực ngoại lai nhảy vào xâm chiếm là những đoàn quân Trung quốc. Ta hoàn toàn không dung túng hay biện minh cho cuộc xâm lăng của Trung quốc, nhưng ta chỉ muốn chỉ ra sự kiện lô-gíc là nếu Phật giáo Tây Tạng đã không trở thành một cái hộp khép kín thì cuộc xâm lăng đã không xảy ra.

Cho nên con thấy đó, việc đem hệ thống khép kín của Phật giáo Tây Tạng xuất khẩu sang phương Tây không thực sự là con đường thích hợp. Và việc lưu đày đức Đạt lai Lạt ma và cố giữ lấy truyền thống Tây Tạng cũng không phải là con đường thích hợp. Bởi vì nếu Đạt lai Lạt ma hay người kế vị có bao giờ trở lại Tây Tạng thì chuyện này không thể xảy ra trong cùng một tình trạng như khi ra đi. Vì trừ khi có sự tự thăng vượt thì tình trạng của Tây Tạng không thể thay đổi đến mức đức Đạt lai Lạt ma có thể trở về nước.

Không dính mắc là chìa khóa cho tương lai nước Mỹ

Vậy bây giờ hãy để ta đi hết vòng tròn và trở lại với công việc các con đang làm ở buổi hội nghị này, công việc các con đang làm với bài thỉnh vừa qua. Và bài thỉnh đó thật là một nghi thức độc đáo chưa bao giờ được thấy trong suốt lịch sử ghi chép của hành tinh này. Ta không nói ra điều này để tạo bất kỳ niềm tự hào hay tự tôn nào, mà chỉ để công nhận: Đã bao giờ từng có một sáng kiến mãnh liệt đến như vậy để kết hợp lời dạy của Ki-tô với lời dạy của Phật?

Và sự độc đáo của nghi thức trên là những gì Mẹ Mary vừa mô tả, là nó đã đập vỡ các khối ở Trung Đông để ánh sáng từ bán cầu phía Đông có thể chảy sang bán cầu phía Tây. Và công việc các con đã làm trong hội nghị này là đập bể các chướng ngại chặn nghẽn luồng chảy ánh sáng vào bán cầu phía Tây, ngay đây tại Washington D.C.

Vì như các con thấy rõ, chính phủ Hoa Kỳ đã rơi vào đúng cái bẫy mà ta vừa mô tả trong bài giảng này. Quốc gia này đã được thày Saint Germain thành lập để đại diện cho ánh sáng của Ki-tô trong thế giới, đại diện cho sự thật của Ki-tô và ánh sáng của Ki-tô. Cho nên Hoa Kỳ có một vai trò hành xử không những như một thành lũy của tự do, mà còn là một đại sứ cho tự do, để đem đến khắp thế giới nền tự do cùng với một hình thức chính phủ khai sáng hơn.

Nhưng nước Mỹ đã trở nên mất cân bằng không kém gì các đệ tử ta mô tả hồi nãy, cứ tưởng rằng mình phải làm vậy bằng cách giao chiến với những kẻ mình xem là đại diện cho phản Ki-tô – cho dù đó là Đức Quốc xã, Liên Xô, Trung quốc hay khủng bố Hồi giáo. Ta không đang bảo là trên thế giới không có những thế lực đại diện cho phản Ki-tô, nhưng ta sẽ đơn giản nói – một lần nữa – là nếu con nghĩ con có thể đem lại Nước Trời qua bạo động và vũ lực quân sự để tiêu diệt mọi thế lực phản Ki-tô, thì con đã không hiểu lời dạy của Ki-tô. Vì chẳng phải là Giê-su đã dạy, đừng cưỡng lại cái ác mà hãy chìa má bên kia? À, làm thế nào con có thể chìa má bên kia và tiếp tục chìa má khi họ cứ tát con hết lần này đến lần khác? Con yêu dấu, con có khả năng làm được, nhưng chỉ khi nào con có được sự không dính mắc của Phật, không phải sao?

Bởi vì nếu không, khi họ đánh con lần đầu – hay lần thứ mười – con sẽ nổi giận và nghĩ mình phải làm gì đó để chặn họ lại. Nhưng con thấy không, điều mà Hoa Kỳ đã nên làm sau vụ 9/11 là – theo nghĩa đen và cũng theo nghĩa bóng và nghĩa tâm linh – chìa má bên kia. Và hành động này đã có thể đóng góp nhiều hơn cho việc phán xử các thế lực phản Ki-tô so với bất kỳ biện pháp quân sự nào tốn đến hàng tỷ và hàng ngàn tỷ đô la. Và những ngàn tỷ đó đã có thể dùng ích lợi hơn trong việc nuôi sống bầy chiên của Ki-tô.

Sự thức tỉnh mà thày Saint Germain vừa nói đến quả thực là sự thức tỉnh của dân tộc Mỹ trước thực tế là cho dù họ có một sứ mệnh và được Saint Germain đỡ đầu, họ đã đưa sứ mệnh này đi lầm hướng khi họ trở nên mất cân bằng, quá nôn nóng, quá chú tâm và dính mắc vào những kết quả vỏ ngoài đặc thù. Cho nên thay vì với tay lên vương quốc Thượng đế cùng sự công chính của ngài, thì họ đã tìm cách dùng sức mạnh quân sự vượt trội để ép buộc một kết quả mà họ tưởng phải xảy ra.

Sự mù quáng toàn diện của lớp thượng tôn quyền lực

Và tất nhiên, con thấy được những kẻ nêu gương, những kẻ thể hiện trạng thái tâm thức đó đến độ cùng cực, chính là các thành viên của lớp thượng tôn quyền lực. Vì ta có thể cam đoan với con, tuyệt đại đa số những người đó tuyệt đối tin rằng họ đang làm điều phải. Nhiều người còn tin là họ đang làm công việc của Thượng đế hay phục vụ đại nghĩa của Ki-tô. Vì họ thực sự tin là họ cao trội hơn người khác, cho nên họ phải cai trị mọi người, cai trị đất nước này.

Nhưng điều này hoàn toàn đi ngược lại mục đích thực sự mà ta vừa mô tả ở trên, cụ thể là các thày có mục đích đánh thức loài người, trong khi các thế lực phản Ki-tô, các thày giả của phản Ki-tô, muốn ép buộc mọi người phải đi vào cái mà họ gọi là Nước Trời theo tiêu chuẩn nhị nguyên của họ. Phải, các con đã đạt được một chiến thắng ở hội nghị này, một chiến thắng làm mềm nhũn cái tư duy cứng nhắc đã giam cầm Washington D.C. và toàn bộ chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đã khiến họ đui mù với Trung đạo – là con đường Trung đạo đã có thể tránh được nỗi xấu hổ của cả nước trong cuộc chiến Iraq. Cho nên các con đã dọn sạch một con đường may ra sẽ giúp cho chính phủ Mỹ khởi sự quay trở về – hay đúng hơn, lần đầu tiên bắt đầu tìm kiếm – con đường Trung đạo.

Với chiến thắng đạt được ở hội nghị này, các con đã hình thành một thái cực Omega cho chiến thắng đạt được trong tháng qua bởi nhiều người khắp thế giới qua Bài thỉnh Hiện tại Vĩnh hằng. Và điều này đã cho phép các thày tạo ra một mạn đà la vô cùng quyền năng, một cơn lốc năng lượng vô cùng mãnh liệt, nhờ vậy tất cả ánh sáng được cầu thỉnh bởi nhiều người khắp thế giới qua bài thỉnh trước giờ đây có thể được hội tụ lại, tập trung lại, vào nơi có nhu cầu lớn nhất ngay lúc này, tức là ở Washington D.C. đây.

Và như vậy con đã tham gia vào việc hình dung ánh sáng đi xuống trên Tượng đài Washington, lan tỏa đến mọi cơ quan của chính phủ liên bang, làm dịu đi cái tư duy đông đặc, những cái hộp tư duy, những mối vướng mắc với một thế giới quan đặc thù cho rằng thế giới phải tuân theo hộp tư duy hiện thời của mình thay vì với lên Lời Hằng sống, vượt khỏi mọi hộp tư duy và thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình.

Như Mẹ Mary và El Morya vừa trình bày, sự thật là để có một thay đổi đích thực ở vùng Trung đông, phải có trước tiên một thay đổi đích thực ở Hoa Kỳ. Vì nước Mỹ bây giờ đã dấn quá sâu vào Trung Đông – qua vụ can thiệp ở Iraq, liên hệ với Israel và nhiều nước khác – cho nên không có cách nào đem lại tình trạng hòa bình ở Trung Đông mà không có sự tham gia của Mỹ.

Nhưng không có cách đem lại hòa bình trừ khi Hoa Kỳ tỉnh trí lại, trước hết bước vào Trung Đạo và tìm được cân bằng, nhận ra ý nghĩa đích thực của việc làm đại diện cho Ki-tô trên thế giới là gì, thay vì mắc bẫy rơi vào một trong hai vai trò nhị nguyên do tâm rắn quy định. Cho nên ta cho các con và mọi người khắp thế giới biết rằng các con đã đạt được và xứng đáng được nhận một sự rải truyền ánh sáng thật hi hữu vào ngày Chủ nhật Phục sinh hôm nay, một tia sáng được các thày phóng ra về nơi có nhu cầu lớn nhất, tức là ngay đây ở thủ đô nước Mỹ.

Một đặc ân từ Chủ tể Thế gian

Qua bài thỉnh này, các con đã nhận được một đặc ân từ trái tim ta. Vì ta phải nói với con là trách vụ của ta, trách vụ tâm linh mà ta được ủy nhiệm, có tên là Chủ tể Thế gian. Có nghĩa là, trong nghĩa đen, ta cầm giữ thế giới cùng đời sống của mọi người trên thế giới trong tay mình. Sợi dây pha lê nối kết mỗi người trên địa cầu với Hiện diện TA LÀ của họ đi qua trái tim ta, và do đó xuyên qua trái tim của Phật mà mọi người có tiềm năng biểu lộ ngọn lửa Thượng đế trên địa cầu.

Vậy đặc ân ta ban cho các con hôm nay là ta sẽ neo trụ Hiện diện của ta nơi tòa nhà Quốc hội, dưới mái vòm của phòng rotunda trong tòa nhà Quốc hội. Và nếu có ai khắp thế giới sẵn lòng thì họ có thể neo trụ một phần ngọn lửa Thượng đế của họ ở đó biểu lộ qua tim ta và Hiện diện của ta. Vậy ta yêu cầu những ai nghe hoặc đọc bài truyền đọc này hãy hình dung là ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trung tâm tòa nhà Quốc hội. Và các con ngồi quanh ta trong tư thế hoa sen. Đừng để ý đến các thượng nghị sĩ và dân biểu đi ngang qua thấy đây là một cảnh tượng kỳ lạ. Hãy không dính mắc, vì chúng ta ở đây trong Hiện tại Vĩnh cửu. Và ta sẽ ở lại đây trong Hiện tại Vĩnh cửu vượt khỏi thời gian lẫn không gian.

Vậy con hãy hình dung cùng với ta là chúng ta đang ngồi đây trong an bình toàn hảo của Phật. Chúng ta không quan tâm đến những gì đang diễn ra trong Hạ viện lẫn Thượng viện. Chúng ta không quan tâm đến những suy tư phi lý của các vị dân cử. Chúng ta không quan tâm đến những quyết định của họ. Chúng ta chỉ lo ở lại trong An bình của Phật, neo trụ ánh sáng này nơi toà nhà Capitol để đối trọng lại.

Mặc dù có một số vị dân cử chắc chắn có thể xem là hiện thân của tâm thức phản Ki-tô, nhưng có nhiều vị dân cử khác của đất nước này có ý định tối ưu và họ đại diện cho tâm thức của dân tộc Mỹ trong trạng thái hôm nay. Không dễ dàng gì cho họ đến Washington D.C. để phải đối mặt với những áp lực dữ dội mà mọi người đang gửi tới họ từ khắp mọi nơi.

Cho nên chúng ta không ở đây để khiến các vị dân cử đó đưa ra những quyết định đặc thù. Chúng ta ở đây để neo trụ An bình của Phật có tiềm năng giải thoát một số vị đó khỏi những áp lực đang kéo họ vào hai đối cực nhị nguyên, và như vậy cho phép họ cảm nhận được một sự tĩnh lặng nội tâm sẽ nối kết họ lại với mục đích ban đầu, với mơ ước ban đầu khi họ lần đầu tiên quyết định ra ứng cử. Có lẽ nó sẽ nối kết họ lại với truyền thống đích thực của những vị sáng lập nước Mỹ cùng các nguyên lý tâm linh của dân tộc Mỹ, để họ nhận ra là họ không phải gục ngã trước áp lực của các nhóm vận động hành lang, các nhóm đặc quyền đặc lợi, của giới truyền thông, của các nghị sĩ khác, của chính đảng phái họ đang muốn họ phải tuân theo đường lối của đảng và chơi trò chính trị của đảng thay vì làm điều phải.

Thay vào đó, họ có khả năng bước vào bên trong chính họ. Họ có khả năng đứng lên bảo vệ những gì họ thực sự tin tưởng, những nguyên tắc chân thực của dân tộc này, và họ có thể nói: “Tôi đã chán những trò chính trị đảng phái. Trong tim tôi biết rõ điều gì là phải, và tôi sẽ theo đó nói lên ý nghĩ của mình trong hội trường này, tôi sẽ theo đó bỏ phiếu. Bởi vì tôi không được người dân bầu lên để làm con múa rối cho nhóm thượng lưu quyền lực. Tôi đã được bầu lên để đại diện cho “chúng ta, nhân dân Mỹ”, và tôi không quên là tôi đến từ “chúng ta, nhân dân Mỹ”. Tôi ở đây để đại diện người dân chứ không phải nhóm thượng tôn quyền lực cùng những trò lũng đoạn của chúng. Tôi sẽ giữ vững lập trường của mình dù chuyện gì có xảy ra. Và tôi sẽ giành lại chính quyền này khỏi tay nhóm thượng tôn quyền lực, trao nó lại cho người dân là người sở hữu chính quyền. Bởi vì tôi là một đại diện chân chính của Saint Germain.”

Các con là những đại diện chân chính của Saint Germain. Và bây giờ con hãy hình dung Ngọn lửa Tự do và Saint Germain cùng Hiện diện của thày đi xuống từ cao trong một luồng ánh sáng, neo trụ Hiện diện của thày ngay trong phòng rotunda của toà nhà Quốc hội. Sau đó sự Hiện diện đó uốn cong giống như vòng cung con thấy ở Saint Louis nơi Tượng đài Washington – giống như một vòng cung ánh sáng tạo ra hai tiêu điểm của Alpha nơi Tượng đài Washington và của Omega nơi toà nhà Quốc hội. Hình ảnh này tượng trưng cho những gì các thày đã nói trong hội nghị này, là sự kết tụ một chính quyền của Thượng đế – tức là một chính quyền nối kết với Thượng đế, đồng thời cũng là một chính quyền ở thái cực Omega, của dân, bởi dân và cho dân. Nhưng vẫn là một quốc gia duy nhất dưới Thượng đế, vì chúng ta là một dân tộc duy nhất dưới Thượng đế.

Và như vậy, con yêu dấu, thế là xong. Công việc của chúng ta đã hoàn tất. Công việc của hội nghị này đã hoàn tất. Với niềm vui to lớn, ta niêm các con trong sự an bình vô biên của Phật. An bình của ta sẽ ở với con. Ta để lại an bình của ta cho con. Con hãy đem an bình của ta theo con bất cứ nơi nào con đi đến. Và khi con cảm thấy sự căng thẳng của cuộc sống thường nhật ập tới, con hãy dành ra một ít thời gian – thỉnh thoảng – để nối kết với An bình của Phật, vì ta sẽ nâng đỡ con khi con đi qua cuộc đời. Ta sẽ nâng đỡ con miễn là quyền tự quyết của con cho phép, miễn là con tiếp tục không dính mắc. An bình. An bình. An bình. An bình.

Chìa khóa 32: Tương tác bất nhị

Chân sư Thăng thiên Đức Maitreya qua trung gian Kim Michaels.

Bây giờ thì chúng ta tới điểm mấu chốt đã từ lâu nay là lý do duy nhất ngăn cản những người thuộc thành phần mười phần trăm phía trên của nhân loại bước ra cai quản hành tinh này. Điểm này liên quan đến cách con cư xử với người khác, và điều tuyệt đối cơ yếu là những người tâm linh trong thời đại này có quyết tâm không khoan nhượng tìm ra cách đối xử với nhau một cách bất nhị. Chương này sẽ cống hiến một vài gợi ý.

Một trong những dối trá nhị nguyên hấp dẫn nhất là quan niệm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Một dối trá vi tế tương tự khác là quan niệm mọi việc trong vũ trụ vật chất có tính chất thực và thường hằng tối hậu. Và dối trá thứ ba là những chuyện xảy ra trong vũ trụ vật chất có tầm quan trọng thực sự trong thế gian này. Khi ba dối trá này kết hợp với nhau thì con có cơn bão tuyệt hảo khiến con người bị một sinh hoạt trong thế giới vật chất hoàn toàn bao trùm, khiến họ mù quáng và dính mắc tình cảm. Khi đó, con người bắt đầu hành xử như thể kết quả của nỗ lực của họ có tầm quan trọng tối hậu, tỷ dụ như sự sinh diệt, hay tiêu diệt và cứu rỗi, của thế giới. Và vì nỗ lực của họ có một tầm quan trọng vĩ đại như vậy, nên để đạt mục đích, họ được quyền đối xử với người khác một cách hiển nhiên đi ngược lại giáo lý của tôn giáo của họ. Tự ngã của họ lý luận rằng: việc mình bạc đãi người khác đâu có quan trọng vì hành động của mình nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn của con người hay cứu rỗi thế giới.

Sự điên rồ dựa trên tôn giáo này giản dị phải chấm dứt, và thày kêu gọi những ai đã đọc quyển sách này hãy đứng lên làm tiên phong cho một nền văn hóa trong đó con người trên trái đất đối xử với nhau như những sinh thể trên cõi tâm linh. Có nghĩa là đối xử không lừa đảo, khuynh loát, giả dối, phán xét, thiếu nhân từ, không dùng tình thương để kiểm soát hay một trong những trò chơi nhị nguyên khác. Thày kêu gọi con người hãy tìm ra cách tương tác với nhau một cách bất nhị.

Sự thực – như thày đã giảng trong các chương trước – là không có gì trong vũ trụ vật chất có tính chất thực tối hậu vì không có gì trong thế giới này đạt được sự thường hằng của thế giới tâm linh. Thế giới này không phải là một mỏ đá nơi con người tạc tượng đá, mà là một bãi chơi cát trong đó những lỗi lầm tương đối dễ xóa bỏ. Do đó, những diễn biến xảy ra trong thế gian này không có tầm quan trọng tối hậu và vĩnh viễn. Sự cứu rỗi của con nhiên hậu không tùy thuộc những hành động vỏ ngoài của con trong thế gian này, mà tùy thuộc trạng thái tâm thức của con. Lẽ tất nhiên, những gì con làm trong thế gian phản ánh trạng thái tâm thức của con, nhưng điểm quan trọng là con chỉ có thể bước vào cuộc sống vĩnh cửu khi con cải tạo tâm thức, chứ không phải hành động vỏ ngoài của mình.

Điều có tầm quan trọng tối hậu không xảy ra bên ngoài con – là kết quả của hành động của con – mà là những gì con cho phép xảy ra bên trong con trước những chuyện xảy ra bên ngoài con – là phản ứng của con. Do đó, con không có cái nhìn đúng khi con coi một sinh hoạt trên trái đất có thể đem lại sự tiêu diệt hay cứu rỗi của thế giới. Ta phải coi trái đất như một rạp hát trong đó mọi chuyện xảy ra chỉ là sân khấu, khung cảnh dàn dựng và dụng cụ sân khấu. Như văn hào Shakespeare – một sứ giả của Đại đoàn Thăng thiên – có nói: “Thế giới là một sân khấu”. Mỗi con người là một diễn viên tạm thời khoác vào một y trang, là xác thân vật lý và cá tính vỏ ngoài. Con biết là những gì được diễn bày trong một vở kịch chỉ là một câu chuyện, vậy mục đích của vở kịch là gì? Ấy, một vở kịch hay có tác dụng chuyển hóa cả diễn viên lẫn khán giả. Thày muốn nói là trái đất là một sân khấu được thiết kế để các diễn viên – con người – có cơ hội tham gia vào vở kịch – trong đó họ có thể đóng bất kỳ vai nào họ muốn – qua đó họ được chuyển hóa và đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn. Điều quan trọng không phải là những tình tiết trong vở kịch, mà là sự chuyển hóa của diễn viên. Tiến trình quan trọng hơn kết quả, hành trình quan trọng hơn điểm đến.

Những người tâm linh trưởng thành cần phát triển một ý niệm thiết thực về điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng. Thí dụ, việc một tôn giáo quy tụ được nhiều tín đồ và chiếm vai trò thượng phong trong một nước hay thế giới, không có tầm quan trọng hoàn vũ. Sự thành công, nhìn từ góc độ tâm linh, không giống sự thành công dưới con mắt đa số nhân gian. Đại đoàn Thăng thiên không hề có ước muốn thấy một tôn giáo chiếm thế thượng phong, vì các thày chỉ coi tôn giáo như một dụng cụ để nâng tâm thức con người. Nếu một tôn giáo – dù nhỏ thế nào – thực sự chuyển hóa con người và giúp họ tới gần tâm thức Ki-tô hơn, thì tôn giáo đó thành công. Nhưng nếu một tôn giáo chỉ dẫn con người tới trạng thái đui mù tâm linh và cuồng tín, thì nó không phải là một thành công, dù nó chinh phục được toàn thể thế giới. Một tôn giáo đạt được gì nếu nó chiếm được toàn thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn của các thành viên?

Điều thày muốn nói là mục đích thực của Đại đoàn Thăng thiên là nâng cao tâm thức con người, không phải là đạt một kết quả vỏ ngoài đặc trưng trên trái đất. Các thày quả thật có ước muốn thấy sự thể hiện của một Thời Hoàng kim hòa bình và thịnh vượng, vì một thời đại như vậy sẽ cho con người cơ hội lớn hơn để chú tâm vào việc tăng trưởng tâm linh. Tuy thế, sự khai mở của thời đại này chỉ là một phản ứng phụ của sự tăng triển tâm thức của một khối lượng tới hạn con người. Do đó, mục đích thật của các thày luôn luôn là việc nâng cao tâm thức, và con cũng cần coi đây là mục đích của mình. 

Một thí dụ cực đoan của quan niệm bất quân bình về sinh hoạt thế gian là chiến tranh, trong đó các cá nhân không quan trọng và mọi số lượng cá nhân có thể bị hy sinh để đạt mục đích đánh bại kẻ thù. Sứ mệnh quan trọng hơn con người. Nhưng thày hy vọng là con nay đã thấy quan niệm này hoàn toàn ngược với cách hành xử của Đại đoàn Thăng thiên. Với các thày, sứ mệnh không bao giờ quan trọng hơn con người, vì sứ mệnh chính là con người. Các thày chỉ có quan tâm duy nhất là nâng cao tâm thức con người và các thày không bao giờ giảm thiểu mục đích này để hoàn thành một mục đích vỏ ngoài trên trái đất. Do đó, thày mong muốn các người tâm linh điều chỉnh tư duy của mình và, giống như các thày, không bao giờ coi nhẹ mục đích chân thật nâng cao con người.

Có ích lợi gì chăng nếu các người tâm linh dùng quyển sách này để khai trương một tôn giáo mới và hành xử như thể nó là tôn giáo tối hậu thay thế tất cả các tôn giáo khác, và qua đó đối xử với con người giống như các tôn giáo đã từng đối xử? Sẽ không có ích lợi gì, và do đó điều cơ yếu là các con bỏ công sức điều chỉnh quan niệm của con về mục đích của tôn giáo. Con cần nghiên cứu cách các tôn giáo đối xử với con người và học hỏi các điểm tốt và xấu. Có rất nhiều thí dụ xấu, nhưng cũng có vài thí dụ tốt.

***

Để phát triển các tương tác bất nhị, con cần – như mọi sự – bắt đầu với chính mình bằng cách gỡ cây đà ra khỏi con mắt mình. Nền tảng của tương tác bất nhị là con trước tiên học cách đối xử bất nhị với chính mình. Khi Giê-su dạy con hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho chính mình (Luke 6:31), thì thày thực sự muốn nói là những gì con làm cho người khác, con đã làm cho chính mình. Nếu con đối xử giận dữ với người khác, thì đây là chỉ dấu con giận chính mình trong tiềm thức. 

Bước quan trọng nhất trên bước đường đúng hướng là con không cá nhân hóa cuộc đời mình, tức là con không coi cuộc đời xoay quanh cá nhân mình. Con cần suy ngẫm một cách nghiêm túc bài giảng của thày về bản sắc thực của con, và hoàn toàn thể nhập quan niệm cái ta biết là cốt lõi của con người con. Cái ta biết này hơn thân thể và cá tính vỏ ngoài của con, hơn cả cá tính mà con đã xây dựng qua nhiều kiếp đầu thai. Và khi con bắt đầu nối kết lại với cái ta cao của con, thì con nhận ra là những gì xảy ra trên trái đất không quan trọng bằng sự tiến triển của con trên Con đường Hợp nhất. Do đó, con không được để bất cứ gì trên trái đất đứng giữa con và sự hợp nhất đó, con không được cho phép bất cứ gì ngăn cản con đi bước kế tiếp trên Con đường Hợp nhất. Cách duy nhất để đạt mục đích này là con không bao giờ coi những chuyện xảy ra đều nhắm cá nhân mình, như vậy con khắc phục được sự dính mắc là nguyên do của mọi khổ đau, như Đức Phật đã dạy.

Con cần khắc phục cảm nhận con là một nạn nhân, đây cũng chính là một dấu ấn của tâm thức sa ngã. Vậy con hãy để thày hỏi con một câu hỏi giản dị. Con có một hợp đồng thành văn do Thượng đế ký, nói rằng nếu con đồng ý đầu thai trên trái đất thì con được bảo đảm một số lợi nhuận và được bảo vệ khỏi một số hoàn cảnh không vui? Và nếu con không có một bản hợp đồng như vậy, thì tại sao con lại sống cuộc đời mình như thể con có hợp đồng đó, và qua đó nghĩ rằng con có quyền được hưởng một số điều và bất mãn khi con không được chúng? Nhiều người dường như nghĩ rằng một nhân quyền căn bản là cuộc sống đáp ứng những chờ đợi của họ. Sự thực là quyền căn bản của con là quyền thử nghiệm và trải nghiệm kết quả các chọn lựa của mình, qua đó con vượt lên trên những chờ đợi nhị nguyên, vượt lên trên cả thân phận con người.

Lý do độc nhất của mọi khổ đau con người là những chờ đợi không thiết thực, và những chờ đợi này do tự ngã con người và các thày giả tạo ra. Các sinh thể này rất khéo léo đặt con người vào một thế bí trong đó họ chờ đợi cuộc đời phải diễn bày một cách nào đó, nhưng chờ mong này hoàn toàn không thiết thực. Do đó, con người bỏ ra toàn cuộc đời theo đuổi củ cà rốt treo lủng lẳng trước mũi mình trong khi không có hy vọng gì đạt tới nó. Con người mang bản án phải sống cuộc đời bất toại nguyện và không hạnh phúc trong đó họ chẳng mấy khi tiến bộ tâm linh vì họ không khắc phục được các chờ mong giả tạo và nhiều khi chỉ giản dị “không thiết sống nữa”.

Như thày có giảng, hành tinh địa cầu hiện nay là một môi trường hỗn tạp, do đó chờ đợi có sự toàn hảo của cõi thiên đường trên trái đất giản dị là điều không thiết thực. Để tránh chờ mong quá nhiều và coi cuộc đời quá hệ trọng, con cần nhận biết một cách có ý thức là không có gì trên trái đất có thực tính tối hậu và có tầm quan trọng vĩ đại. Con giống như một diễn viên trên sân khấu, và thân thể và hoàn cảnh sống bên ngoài của con chỉ là sân khấu cho vở tuồng. Con biết dư là diễn viên trong vở kịch là một người thật khoác lên y phục và trang điểm mặt. Nếu diễn viên thiện nghệ thì có thể tự đồng hóa mình với vai tuồng, thậm chí có thể tạm thời cảm thấy y thực sự là Hamlet. Tuy nhiên, khi vở tuồng chấm dứt thì y trút bỏ bộ y phục và quay trở lại con người thực của y. Nếu người diễn viên không chịu trút bỏ bộ y phục và tiếp tục đóng vai Hamlet bên ngoài rạp hát, thì con sẽ tức khắc coi đây là hiện tượng mất trí. Do đó, như một người tâm linh, con cần tách mình ra khỏi sự điên cuồng tập thể cứ muốn đồng hóa mình với và như vai trò mình đang diễn xuất trên trái đất, qua đó coi cuộc đời quá hệ trọng và coi mọi tình huống như xoay quanh cá nhân mình.

Lý tưởng thì con không bao giờ nên coi mọi chuyện như xảy tới riêng cá nhân mình, vì con cần nhận ra con là một sinh thể tâm linh không thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện gì xảy ra trên trái đất. Như Giê-su có nói, đừng sợ kẻ có thể giết thân thể, mà sợ kẻ có thể tiêu diệt cả thân thể lẫn linh hồn trong địa ngục (Matthew, 10:28). Nhưng ai có thể tiêu diệt linh hồn con? Con có thể đã được lập trình để tin rằng ác quỷ hay các tà lực khác có quyền năng áp chế con và tiêu diệt linh hồn con, nhưng thày hy vọng là các bài giảng của thày đã giúp con thấy đây không phải là sự thật. Không có lực thế gian nào có thể phá hủy cái ta thật của con – trừ sinh thể có quyền kiểm soát quyền tự quyết của con, tức là chính con. Con là người duy nhất có thể phá hủy linh hồn của con, vì con là người quy định bản sắc của mình. Con quả thật có thể chối bỏ trách nhiệm này và cho phép người khác – kể cả tự ngã của con – lấy quyết định hộ con, và lúc đó họ có tiềm năng phá hủy bản sắc thấp của con. Nhưng con phải cho phép họ làm chuyện này, và con có thể – bất cứ lúc nào – lấy lại quyền quy định bản sắc của mình. Sự thực là không hề có một địa ngục mà con không thể thoát ra – đây là một quan niệm do các thần giả chế ra để dọa con người và khiến họ khuất phục. 

Con cần lấy lại quyền làm chủ tâm mình và quy định lại ý niệm bản sắc của mình, để nhận ra con là một sinh thể tâm linh đang tạm thời đóng một vai trong vở tuồng “Hành tinh Trái đất”. Do đó, con không nên coi nó hệ trọng hơn là con coi một vở tuồng. Con có nghe câu ngạn ngữ “vẻ đẹp nằm trong mắt người thưởng ngoạn”. Giống như vậy, xúc phạm nằm trong tâm người cảm thấy bị xúc phạm. Quả thật là có một số người cố tình muốn xúc phạm con, nhưng con là người quyết định cho phép họ xúc phạm mình và qua đó cho phép họ có quyền lực trên tâm mình. Tâm con là thành quách của con, và cái ta biết cần phải hoàn toàn làm chủ những gì xảy ra trong tâm con.

Điều quan trọng nhất mà mọi người tầm đạo cần nhận ra là không có tương quan nguyên nhân-kết quả trực tiếp giữa những gì xảy ra bên ngoài và bên trong tâm con. Vì mọi chuyện xảy ra bên ngoài chỉ ảnh hưởng được tâm con bằng cách đi xuyên qua con – nếu con chấp nhận lời kêu gọi làm chủ tâm mình. Con là người quyết định để cho hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng tâm mình, và chìa khóa – hay bị lãng quên – để đạt được điều ngự và tự do tâm linh là điều khiển việc ngoại cảnh ảnh hưởng – hay đúng hơn, không ảnh hưởng – tâm mình. Nếu con muốn cai quản cuộc đời mình, thì con phải cai quản cách con đáp ứng lại ngoại cảnh. Con cần tạo cho mình tư duy không bao giờ để ngoại cảnh ép buộc mình có tư tưởng hay tình cảm tiêu cực. Trái lại, con hoàn toàn có tự do chọn lựa cách con phản ứng lại ngoại cảnh. Con không bao giờ cho phép người khác ép con đi vào khuôn nếp phản ứng tiêu cực, và do đó con không bao giờ cho họ quyền lực trên tâm con. Điều này chỉ xảy ra khi con không còn cá nhân hóa đời mình và không coi những gì xảy ra đều xoay quanh cá nhân mình. Trước khi con làm chủ hành động của mình thì con phải làm chủ phản ứng của con.

Những gì người khác làm tới con thì họ chỉ làm tới con người vỏ ngoài mà họ thấy, và con biết con hơn con người đó rất nhiều. Con quả thực nên xem những gì người khác làm tới con, họ không thực sự làm vì họ chống con. Họ chỉ giản dị đóng vai trò của họ trong vở tuồng hành tinh – trải bày qua hành động các vướng mắc tâm lý chưa giải quyết của họ. Ngay khi họ tự đồng hóa họ với vai trò của họ, thì con vẫn không cần đồng hóa với vai trò của mình và nhìn họ như vai trò của họ. Chúng ta hãy đào sâu thêm chủ đề này.

***

Thày có giảng là một sinh thể Ki-tô đi vào cuộc đời để cho con người chọn lựa thực giữa thực tại của Ki-tô và ảo tưởng của phản-Ki-tô. Tuy nhiên, con không thể khiến con người hiểu sự khác biệt bằng suy luận trí năng, do đó con cần chứng minh sự khác biệt. Một cách để làm việc này là chứng tỏ con không phản ứng lại cuộc đời và người khác một cách nhị nguyên. Con không cho phép ngoại cảnh hay người khác tước đi sự an bình nội tâm của con, sự hợp nhất giữa con và con người cao của con. Con nói cùng với Giê-su: “Ông hoàng của thế gian – có nghĩa là toàn bộ các lực nhị nguyên – sẽ tới và không tìm thấy gì nơi con” (John 14:30). Các lực nhị nguyên không tìm thấy dấu vết nhị nguyên hay dính mắc trong con người con qua đó chúng có thể ép con phản ứng một cách nhị nguyên. Nếu con muốn ở trong tâm thái không bị cám dỗ phải phản ứng một cách nhị nguyên, thì con phải bước vào trạng thái tha thứ vô điều kiện và không ngừng.

Giống như mọi trường hợp khác, con phải bắt đầu với chính mình bằng cách tha thứ mình vô điều kiện. Chúng ta hãy xem xét quan niệm tha thứ vô điều kiện. Tự ngã của con và các thày giả đã lập trình con để con tin rằng mọi thứ đều có điều kiện, kể cả tình thương và lòng tha thứ. Đây là hệ quả trực tiếp của tâm thức nhị nguyên, biến mọi quan niệm thành nhị nguyên. Lòng tha thứ thực sự là một quan niệm bất nhị, nhưng tự ngã biến nó thành nhị nguyên bằng cách nói rằng nó phải có một đối cực. Từ đó nảy sinh quan niệm để bụng nhớ những gì người khác làm tới mình, và quan niệm không được cứu rỗi nếu không được tha thứ. Các quan niệm này không có thực trong Thượng đế và chỉ hiện hữu trong bóng tối của tâm nhị nguyên. Con lúc đó có một cấu trúc tư tưởng cho rằng nếu con không được tha thứ thì một chuyện rất tai hại sẽ xảy ra cho con. Nó cũng cho rằng con chỉ được tha thứ khi con hội đủ một số điều kiện trên thế gian, và các điều kiện này do tâm nhị nguyên quy định. Nếu con hội đủ điều kiện thì con được tha thứ, nếu không thì con không được tha thứ.

Nhưng sự thực là lý do con cần được tha thứ là vì con đã ăn trái cấm, là tâm thức nhị nguyên. Nếu con tin lời dối trá nhị nguyên về tha thứ, thì con sẽ không bao giờ tìm thấy tha thứ thực sự. Con sẽ nghĩ là con cần hội đủ một số điều kiện nhị nguyên để được tha thứ. Nhưng sự thực là Thượng đế đã cho con quyền tự quyết, và do đó Thượng đế đã cho con cơ hội nếm mùi nhị nguyên. Lẽ tất nhiên Thượng đế không muốn con – một phần của chính Ngài – bị vĩnh viễn kẹt trong nhị nguyên. Do đó, Thượng đế sẽ tức khắc tha thứ con ngay lúc con quyết định rời bỏ ảo tưởng nhị nguyên và bước lên một bực cao hơn trên Con đường Hợp nhất.

Con có thấy điều thày muốn nói chăng? Con không cần hội đủ bất cứ điều kiện thế gian nào – bất cứ điều kiện nào do nhị nguyên quy định – để được Thượng đế tha thứ. Cơn mưa vĩnh hằng của lòng tha thứ của Thượng đế rơi xuống kẻ thiện lành và kẻ không thiện lành (Matthew 5:45). Vấn đề là kẻ không thiện lành không thể nhận lãnh cơn mưa vì họ không thể buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên của họ. Sự thực là kẻ thiện lành cũng thường không thể nhận lãnh, vì họ nghĩ họ cần hội đủ một số điều kiện vỏ ngoài thì mới được Thượng đế tha thứ. Nhưng, như thày đã cố giảng, lòng tha thứ của Thượng đế không có điều kiện, do đó con chỉ cần buông bỏ những điều kiện nhị nguyên mà con đã cài vào tâm mình thì sẽ nhận được sự tha thứ của Thượng đế – chính những điều kiện này đã khiến con nghĩ là có khoảng cách giữa con và lòng tha thứ của Thượng đế. Một khi con nhận ra khoảng cách đó lại là một ảo tưởng nhị nguyên, thì con sẽ hoàn toàn trầm mình trong ngọn Lửa Tha thứ của Thượng đế. Lúc đó con nhận ra là con không cần phải làm gì trên thế gian để xứng đáng nhận lòng tha thứ của Thượng đế. Con chỉ cần giản dị chấp nhận nó, có nghĩa là con phải ngưng làm một số chuyện thế gian, con cần phải ngưng hành động và phản ứng dựa trên tâm thức nhị nguyên. Mỗi bước con đi về hướng tha thứ dựa trên ảo tưởng nhị nguyên chỉ dẫn con đi sâu thêm vào khu rừng rậm của nhị nguyên.

Như một thí dụ, con hãy xem xét là vào thời của Giê-su người Do Thái tin rằng họ có thể đền bù tội lỗi bằng cách dùng súc vật để tế thần. Nhưng họ phạm tội vì họ không thương cảm mọi sự sống. Vậy làm sao giết súc vật vô tội lại có thể đền bù chuyện này? Con có thể tế thần hàng ngàn gia súc – biến ngôi đền của Thượng đế thành một lò sát sinh – mà không tới gần hơn sự tha thứ của Thượng đế. Cách duy nhất để giải thoát mình khỏi tội lỗi là nâng mình lên khỏi ảo tưởng nhị nguyên đã khiến mình gây tội.

Những người tham gia các tôn giáo và phong trào tâm linh có khuynh hướng rất đậm nét dùng giáo lý vỏ ngoài để dựng lên điều kiện ngăn cản họ chấp nhận là họ đã được Thượng đế tha thứ. Tất cả mọi tôn giáo vỏ ngoài đều dựng lên những điều kiện mà con phải hội đủ trước khi được cứu rỗi hay được tha thứ tội lỗi. Thày hy vọng là con nay đã bắt đầu thấy là những điều kiện này luôn luôn do tâm thức nhị nguyên quy định và thường do các thày giả dựng lên, với mục đích khiến con tin rằng con cần họ và tôn giáo vỏ ngoài để được cứu rỗi hoặc khiến con theo đuổi một mục tiêu bất khả thi. Vậy, một lần nữa, điều kiện duy nhất mà con cần hội đủ để được cứu rỗi và tha thứ là con buông bỏ tất cả các điều kiện nhị nguyên đang đặt con bên ngoài vương quốc Thượng đế – vì chúng khiến con chú tâm vào thế giới bên ngoài và do đó ngăn cản con khám phá vương quốc Thượng đế bên trong mình (lẽ tất nhiên, con cũng cần cân bằng nghiệp quả và trong sạch hóa năng lượng đã tha hóa). Con có thấy chăng, vì lòng tha thứ của Thượng đế vô điều kiện, nên con không cần hội đủ điều kiện nào để nhận lãnh nó? Trái lại, chú tâm vào điều kiện sẽ ngăn cản con nhận lãnh cái được trao vô điều kiện và do đó chỉ có thể nhận vô điều kiện.

***

Trong quan niệm con đường tâm linh có một sự vận hành nội tại mà tự ngã của con và các thày giả sẽ tìm cách lợi dụng để chống phá sự tiến triển của con. Ý niệm của con đường là con hiện đang ở một tầng thấp hơn và con tiến lên một tầng cao hơn. Trong quyển sách này, thày đã khẳng định mục đích chính yếu của con đường tâm linh là tâm thức Ki-tô, và con có thể nhìn chính mình và nhận ra là con chưa ở trong tâm thức Ki-tô. Tự ngã của con có thể dùng điều này để khiến con cảm thấy thiếu khả năng hay cảm thấy tội lỗi vì mình chưa đạt được mục đích. Nói cách khác, tự ngã sẽ tìm cách lấy những gì thày mô tả về Con đường Hợp nhất và biến chúng thành những điều kiện mà con phải thành tựu – qua đó con lại leo lên một cỗ máy chạy bộ nhị nguyên không dẫn tới đâu. Thày gợi ý phương pháp sau đây để tránh chuyện này xảy ra.

Có một cầu thang hình xoắn ốc dẫn con ra khỏi bầu cõi này, và ở trên cao nhất là trạng thái bất tử của sự thăng thiên. Mỗi bậc thang tựơng trưng cho một khai ngộ đặc thù, và muốn đạt khai ngộ, thì con phải nhìn thấu và buông bỏ một ảo tưởng nhị nguyên. Làm sao con đạt khai ngộ? À, con cần phơi bày ảo tưởng nhị nguyên để con thấy nó như nó là. Con phơi bày làm sao? Bằng cách con đã được tạo ra để làm, tức là dùng khả năng đồng-sáng tạo của mình để thử nghiệm.  Thượng đế ban cho con quyền tự quyết và quyền thử nghiệm, và cách tốt nhất để học hỏi là làm một thử nghiệm và sau đó lượng định kết quả. Vũ trụ vật chất giản dị là một bộ máy phản hồi tâm linh vĩ đại được thiết kế để cho con một phản hồi khi con làm công việc đồng-sáng tạo bằng cách cho con một trải bày vật lý của những hình tư tưởng mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Sự thách thức là con cần khắc phục nỗi sợ thử nghiệm, để con có thể trở về trạng thái tự nhiên – trạng thái thơ ngây của trẻ thơ – trong đó con yêu thử nghiệm. Con thử nghiệm mà không có cảm xúc tiêu cực nào, con chỉ giản dị học hỏi từ mỗi thí nghiệm, bất kể kết quả của nó. Làm sao con phóng chiếu các hình tư tưởng? Con phóng chiếu qua bốn tầng của tâm, có nghĩa là các hình ảnh sẽ bị nội dung của tâm ảnh hưởng. Con giờ đây đã sống nhiều kiếp trong vũ trụ vật chất, và như chúng ta đã thấy, đây là một môi trường đầy nguy hiểm trong đó hầu như không thể tránh bị tâm thức nhị nguyên ảnh hưởng. Do đó con đã mang vào một số niềm tin nhị nguyên, đã bị một số vết thương tâm lý và tích lũy năng lượng tha hóa trong bốn tầng của tâm, và tất cả những cái này sẽ ảnh hưởng những hình ảnh mà con phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Mọi khía cạnh của hoàn cảnh vỏ ngoài của con đều là một phản ánh của những hình tư tưởng mà con giữ trong tâm. Tự ngã của con và các thày giả muốn con nhìn tình trạng này theo quan điểm nhị nguyên, đánh giá thành công và thất bại. Nếu con làm điều gì có một hậu quả kém thoải mái thì con đã làm một lỗi lầm, và nếu cuộc đời của con không đạt được một chuẩn mực thế gian nào đó, thì con đã thất bại.

Nhưng sự thực là tất cả những gì xảy ra cho con đều là một cơ hội để con xem xét những hình tư tưởng của mình, khắc phục một ảo tưởng nhị nguyên và chữa lành một vết thương tâm lý. Do đó một hành động thực sự không phải là một lỗi lầm mà là một cơ hội để con bước lên bực kế tiếp của cầu thang hình xoắn ốc. Mỗi hậu quả giúp con phơi bày ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý đã khiến con phóng chiếu một hình ảnh bất toàn lên tấm gương vũ trụ. Và bằng cách quán sát mình một cách cởi mở, con có thể biến mọi hành động – ngay cả những gì thế gian gọi là lỗi lầm – thành một bàn đạp giúp con tiến bộ. Ngay lúc con bỏ lại đằng sau một ảo tưởng nhị nguyên thì Thượng đế tức khắc tha thứ tất cả những gì con đã làm với trạng thái tâm thức đó (con vẫn phải cân bằng nghiệp, là năng lượng tha hóa, nhưng con được tha thứ ngay tức khắc).

Khi con chấp nhận tiến trình này thì con đi vào trạng thái liên tục tự tha thứ mình, trong đó con không coi những lỗi lầm là vấn đề cá nhân của mình. Thày muốn nói gì khi thày nói con không coi mọi việc xoay quanh cá nhân mình? Như thày đã giảng, cái ta biết có nhiệm vụ quy định ý niệm bản sắc của con. Sau khi con rơi vào tâm thức nhị nguyên thì con bắt đầu tạo hình tư tưởng về con người con nghĩ con là, thay vì tạo ý niệm bản sắc dựa trên một trải nghiệm trực tiếp của thực tại neo chặt trong Hiện diện TA LÀ. Hình tư tưởng đó chỉ giản dị là một hình ảnh mà con đã dán lên chính mình, và tuy nó không thực nhưng nó được duy trì bởi niềm tin của con là nó có thực và thường trực. Thí dụ, nếu con phạm một lỗi lầm, thì con có thể rơi vào cạm bẫy nghĩ rằng: “Tôi là một người xấu”, qua đó con dán hình ảnh một người xấu lên trên bản sắc của con, nghĩ rằng nó có thực và thường trực.

Có một khác biệt cơ yếu khi con nói, “Tôi hành động một cách không xây dựng” và “Tôi là một người xấu”. Ta có thể dễ dàng thay đổi một hành động, trong khi ta coi “người xấu” là một sắc thái thường trực. Con có lẽ đã từng nghe khái niệm “phỉ báng tên Thượng đế”. Ấy, tên của Thượng đế là “TA LÀ” (Exodus 3:14), do đó mỗi khi con gán điều gì giới hạn hay tiêu cực sau các từ “Ta là”, thì con đang phỉ báng tên Thượng đế vì con dùng nó để củng cố một hình ảnh tiêu cực về chính mình, một hình ảnh chối bỏ con là một với Thượng đế.

Khi con nhận ra con hơn mọi hình ảnh mà con đã tạo ra trong thế giới nhị nguyên, thì con có thể mau chóng buông bỏ những hình ảnh giới hạn về mình đó. Lúc đó con có thể phát triển thái độ không lên án mình khi con “phạm một lỗi lầm”, vì làm như vậy chỉ củng cố ý niệm là con xấu một cách thường trực. Thay vào đó, con thẳng thắn nhìn vào bài học mà con có thể học và sau đó buông bỏ niềm tin nhị nguyên đằng sau hành động. Chiến thuật của tự ngã và các thày giả là khiến con tin rằng, một khi con đã phạm một lỗi lầm, thì con mãi mãi mang tội và sẽ không bao giờ giải thoát khỏi nó. Nay thày đã cho con thấy là con được giải thoát ngay giây phút con buông bỏ ảo tưởng nhị nguyên đang giới hạn con. Vậy con hãy ra đi và không phạm tội nữa (John 8:11).

Khi con chấp nhận khái niệm tha thứ vô điều kiện thì con sẽ không còn cảm thấy bị đe dọa bởi các lỗi lầm của mình nữa, do đó con có thể sẵn sàng nhìn nhận chúng, học bài học và tiến lên làm chuyện khác. Một khi con đã đi vào tiến trình liên tục tha thứ chính mình, thì con có thể chuyển sang liên tục tha thứ người khác. Con đang cư xử như hiện nay vì con đang ở trên một bực nào đó của cầu thang hình xoắn ốc. Con có một số vết tương tâm lý và một số niềm tin nhị nguyên khiến con đôi khi hành động một cách không tương xứng với các lý tưởng cao nhất của con. Nhưng, thay vì lên án mình đã làm như vậy, con cần tha thứ và tiến lên làm chuyện khác. Chuyện này cũng áp dụng cho những người khác.

Ngay cả những người có vẻ xấu ác nhất chỉ giản dị làm những việc mà họ đang làm vì cá tính vỏ ngoài của họ bị ảnh hưởng bởi những vết thương tâm lý và niềm tin nhị nguyên của họ. Thày muốn nói thật rõ là Thượng đế chưa bao giờ tạo ra bất cứ sinh thể xấu ác nào. Thực sự thì không có người xấu hay ác. Có những bản sắc xấu và ác mà tâm thức nhị nguyên đã tạo ra, và một số người đã chọn lựa mang vào những bản sắc đó. Nhưng những bản sắc đó giống như những bộ y phục mà diễn viên mặc vào trong vở tuồng, và đằng sau mặt ngoài đó là cái ta biết của một người đồng-sáng tạo hay một thiên thần của Thượng đế. Mục đích của cuộc sống trên trái đất là vươn lên trên các bản sắc giả và trở thành người mà con thực sự là. Do đó, con luôn luôn cố gắng giải thoát mình khỏi các bản sắc giả. Lòng tha thứ vô điều kiện đối với chính mình và người khác giải thoát con khỏi cảm giác bị đe dọa. Và một khi con không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì con có nền tảng để tương tác với họ một cách hoàn toàn mới, không nhị nguyên. Điều này dẫn chúng ta tới một quan niệm rất quan trọng.

***

Con chắc có thấy một nhà ảo thuật lôi một con thỏ ra khỏi một cái mũ mà con tưởng rỗng tuếch. Do đó, ảo thuật dựa trên cái thấy. Tương tự, ta có thể nói là thế giới vật chất là kết quả của một trò ảo thuật, là ảo thuật giữ trong tâm một hình tư tưởng và phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con làm ảo thuật trắng khi con giữ trong tâm một hình ảnh chuyển hóa cuộc sống, và ảo thuật đen khi con giữ một hình ảnh tha hóa cuộc sống.

Nếu con giữ trong tâm một hình tư tưởng giới hạn hay tiêu cực về chính mình và các khả năng của mình, thì con thực sự đang áp dụng ảo thuật đen trên chính mình, và con có thể tạo nghiệp với chính mình khi làm vậy. Giống như vậy, khi con phóng chiếu một hình ảnh tiêu cực lên người khác, thì con có thể giới hạn sự phát triển của người đó, tùy theo mức độ yếu kém của người đó. Nhiều người thực sự đang làm ảo thuật đen lên những người mà họ cho là họ thương yêu nhất, như gia đình thân cận. Họ làm vậy khi họ giữ trong tâm hình ảnh nhị nguyên về những người đó, những hình ảnh dựa trên tình thương vị kỷ tìm cách kiểm soát người khác và khiến họ tuân theo ý kiến và đáp ứng nhu cầu của mình.

Điều thày muốn nói là những người tâm linh trưởng thành cần nhận thức tầm quan trọng của những hình tư tưởng mà họ giữ trong tâm về chính họ và người khác. Không có gì quan trọng hơn điều mà Mẹ Mary đã giải thích trong quyển sách của Mẹ, về giữ niệm tinh khôi. Trong thời gian Mẹ Mary nuôi lớn Giê-su, Mẹ luôn luôn nhìn quá cá tính vỏ ngoài và hành vi của Giê-su, và giữ trong tâm viễn quan về sự hoàn thành sứ vụ tâm linh của Giê-su. Mẹ Mary đã phải làm việc này cho tới lúc cuối cùng, ngay cả khi đứng dưới chân cây thập tự.

Khi con giao tiếp với những người tâm linh khác, con cần khắc phục mọi ý niệm cạnh tranh với người khác. Tất cả các con là phần nối dài của Thượng đế, các con đều là những cá nhân độc đáo, do đó hoàn toàn không có nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau. Một lần nữa, những ai trong các con có khả năng cao nhất nên chú tâm vào việc có tinh thần hợp nhất cao nhất. Trong hợp nhất đó, ghen tỵ và cạnh tranh tan biến đi. Con thấy rõ ràng là chỉ khi nào con nâng người khác lên thì con mới thực sự nâng mình lên. Khi con người bước vào mọi sinh hoạt với tinh thần này, thì những nỗ lực của họ sẽ nhân lên lẫn nhau, và đây là ý nghĩa thật của câu chuyện ẩn dụ về nhân lên các ta-lăng. Chúng ta đã quá nhiều lần thấy các người tâm linh đi vào một sinh hoạt tôn giáo với thái độ bất hài hòa với nhau, và do đó nỗ lực của họ vô hiệu hóa và xóa bỏ lẫn nhau và kết quả là sinh hoạt thất bại hay không đạt được tiềm năng cao nhất. Nhưng khi con người sinh hoạt hài hòa, thì các nỗ lực của mỗi người sẽ nhân lên các nỗ lực khác và tổng thể sẽ hơn – có thể hơn rất nhiều – tổng số các thành phần.

Nhưng con phải làm gì khi một sinh hoạt gồm lẫn lộn nhiều loại người, trong đó có những người đang thật sự đi trên Con đường Hợp nhất, và một số khác vẫn còn đi trên con đường tách biệt? Điều thày đã giảng trong quyển sách này là tất cả mọi sinh hoạt tâm linh hay tôn giáo sẽ thu hút những người bị quáng mắt bởi tâm thức nhị nguyên muốn dùng sinh hoạt để hoàn thành các mục tiêu của tự ngã của họ. Một sinh hoạt có thể thu hút những người bị chìm đắm trong tâm thức sa ngã đến độ họ sử dụng sinh hoạt để đạt quyền lực và kiểm soát, thậm chí những người chỉ đơn giản muốn phá hoại tất cả những gì tích cực và tâm linh. Những người này được gọi là những người phá hoại và họ đồng hóa với một bản sắc sa ngã được tạo ra bởi ý muốn phá hủy tất cả những gì xác nhận thực tại và cái đẹp của Thượng đế.

Thày có thể bảo đảm là nhiều sinh hoạt tâm linh đã bị phá hủy bởi những người tìm cầu quyền lực hay muốn tàn phá, vậy ta làm sao tránh được chuyện này? Ta có thể tránh kết quả này bằng cách tạo một môi trường trong đó ta nói thật rõ ràng là mục đích của cộng đồng là đạt cái duy nhất. Điều này bao gồm sự hợp nhất chiều dọc, qua đó mỗi thành viên cố gắng đạt hợp nhất với cái ta cao của mình, và sự hợp nhất chiều ngang, qua đó tất cả các thành viên cố gắng đạt hợp nhất với các thành viên khác. Khi các thành viên của cộng đồng chấp nhận lời khuyên thôi cá nhân hóa cuộc đời của thày, và ngưng cảm thấy bị đe dọa, thì những thành viên còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ cảm thấy khó kiểm soát được cộng đồng. Do đó, họ thường bỏ đi, và nếu họ không ra đi thì họ sẽ thấy khó đạt được địa vị quyền lực. Một số trong họ cũng có thể sẽ được chuyển hóa khi giao tiếp với những người ít nhị nguyên hơn. Nếu họ từ chối không chuyển hóa, thì sự từ chối này sẽ nhất thiết đưa tới sự xét xử của họ, và họ có thể mất cơ hội đầu thai trở lại trên trái đất. Do đó, mục tiêu nâng tâm thức của nhân loại sẽ được tiến triển khi cho phép những người đó tham gia vào cộng đồng mà không để họ phá hủy sinh hoạt.

***

Làm sao con giữ niệm tinh khôi? Bằng cách luôn luôn giữ viễn quan là đằng sau mặt ngoài và cá tính là cái ta biết. Cái ta biết đó là một phần nối dài của Thượng đế, và con phải tuyệt đối kính trọng nó – trong người khác cũng như trong chính con. Con luôn luôn nhìn quá hành động và tâm thái cận kề của người khác, và con nhìn thấy tiềm năng tâm linh của người đó. Con hình dung người đó thức tỉnh và bỗng nhiên nhận ra những niềm tin và hành động nhị nguyên của mình, vứt bỏ chúng như con trút bỏ một cái áo choàng nặng chĩu đang ngăn trở động tác của con. 

Nhưng giữ niệm tinh khôi không có nghiã là con mù lòa, vì chỉ có tình thương có điều kiện mới khiến con mù lòa. Khi con thương yêu một người có điều kiện, thì “tình thương” của con do ham muốn thúc đẩy, do đó con từ chối không chịu thấy là người đó có thể không đáp ứng được ham muốn của con. Điều này khiến con mù lòa tâm linh, nhưng khi con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình và khắc phục nhu cầu kiểm soát người khác, thì con có cái nhìn tâm linh thấu suốt.

Thày không muốn nói là con không nên để ý đến những điểm bất toàn của người khác. Thày chỉ muốn nói là con nên thấy là những bất toàn này tạm bợ và không bao giờ khẳng định là chúng thường hằng. Con luôn luôn thấy là khi một người cư xử một cách nhị nguyên, thì đó là vì cái ta biết đã nhập vào, đã đồng hóa với một bản sắc nhị nguyên. Con nhận ra rằng khi cái ta biết còn giữ chặt sự đồng hóa đó, thì người đó sẽ cư xử một cách nhị nguyên, và do đó con cần thận trọng. Nhưng con không bao giờ cho phép mình thấy tình trạng này thường trực và phán xét người đó là “người xấu”. Con làm tất cả những gì có thể làm để giúp người đó thấy các niềm tin nhị nguyên của họ, nhưng con làm việc này một cách không dính mắc và đầy tình thương. Con không có phận sự thay đổi người khác mà chỉ cho họ một chọn lựa bằng cách giúp họ thấy có cái gì vượt lên trên nhị nguyên. Do đó, con làm hết sức mình và không dính mắc vào những chọn lựa của người khác.

Khi con thiện nghệ hơn trong việc nhận diện và nhìn thấu suốt các bản sắc nhị nguyên, thì con có thể bắt đầu cư xử với người khác như họ là con người thật của họ, và con nói chuyện với họ mà không xác nhận các bản sắc nhị nguyên của họ. Trong một số trường hợp, làm như vậy cũng đã đủ để người đó vuột ra khỏi sự đồng hóa với bản sắc bên ngoài và nối kết lại với cái ta tâm linh của họ. Con hãy suy ngẫm là có biết bao nhiêu người đã lớn lên với một cá tính nào đó, tỷ dụ như là một người chuyên bắt nạt người khác. Khi các người khác cho phép họ bị người đó bắt nạt, khi họ rút vào bên trong hay chống lại người bắt nạt, thì họ xác nhận hình ảnh mà người bắt nạt có về chính mình. Nhưng khi con từ chối đối xử với người đó giống như người thông thường đối xử với một người chuyên bắt nạt – khi con chìa má bên kia – thì con không xác nhận hình ảnh mà người đó có về chính họ. Và điều này cho người đó một cơ hội – có thể là lần đầu tiên trong đời – bước ra ngoài bản sắc tạm bợ, xem xét nó và tự hỏi: “Đây có phải là con người thật của tôi chăng, hay tôi hơn cái bản sắc này?”

Khi những thành viên trưởng thành nhất của một sinh hoạt tâm linh luôn luôn tìm cách vươn lên trên nhị nguyên và luôn luôn tìm cách đi vào hợp nhất bất nhị với nhau, thì họ có thể tạo một môi trường trong đó nhị nguyên không thể nảy nở, và do đó những người còn bị nhị nguyên làm mù quáng không thể chơi những trò chơi tự ngã. Thí dụ, trong một sinh hoạt tâm linh luôn luôn nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên, ta có thể chờ đợi là tất cả mọi thành viên đều cố gắng khắc phục sự mù quáng của mình. Do đó, không có lý do gì phải cả nể và tránh phơi bày ra ánh sáng khi một thành viên cư xử một cách nhị nguyên. Nhưng con có thể làm việc này mà không có cảm xúc tiêu cực, và như vậy con không cho người đó một cái cớ để phản ứng lại với tình cảm tiêu cực.

Một khuôn nếp quá thông thường là con thấy một bất toàn nơi người khác nhưng không nói gì. Khi người đó tiếp tục cư xử như vậy thì con càng ngày càng thêm bực bội, cho tới khi con không thể giữ trong bụng nữa. Con lúc đó thách thức người đó, nhưng con thách thức với một bùng nổ năng lượng tiêu cực. Người kia phản ứng lại năng lượng tiêu cực của con và cảm thấy con không biết điều, và do đó có thể phớt lờ, phản luận hay chối bỏ thông điệp của con. Nói cách khác, khi con có cảm xúc tiêu cực, thì con cho tự ngã của người kia một cái cớ tuyệt hảo để phớt lờ không nghe sự thực đằng sau hành động và lời nói của con. Qua lối tương tác này, hai bên thường bị lừa vào một vòng xoáy hướng hạ giữa họ, cắt đi sự giao tiếp và nuôi dưỡng xung đột nhị nguyên. Trái lại, nếu con diễn bày các quan sát của mình mà không có dấu vết tiêu cực hay phán xét, thì con không cho tự ngã của người kia một cái cớ để chối bỏ thông điệp của con. Tự ngã lúc nào cũng có thể tìm ra một cái cớ, nhưng con có xác suất lớn hơn nhiều là người kia sẽ thực sự lắng nghe những gì con nói thay vì để cho tự ngã gạt phăng đi.

Con hãy ghi nhớ là con có quyền phát biểu là hành động và lời nói của người khác có tác động ra sao trên con. Nếu con không còn cá nhân hóa cuộc đời mình, con có thể tránh phản ứng bằng cách muốn người kia bị tổn thương. Không cá nhân hóa cuộc đời không có nghĩa là con không có cảm xúc, nhưng nó có nghĩa là con không bị chìm đắm vào cảm xúc và bị nó làm mù quáng. Do đó, con chỉ đơn giản mô tả cảm xúc của mình mà không tìm cách tổn thương người kia. Và khi con không lên án người kia và chỉ giản dị nói lên việc làm của người đó đã ảnh hưởng con ra sao, thì con có xác suất cao hơn đánh động được con người thật của người kia, có thể đang trốn tránh đằng sau một bức tường phòng thủ nhị nguyên.

Lẽ đương nhiên, ta có thể viết cả một quyển sách về cách tương tác với người khác, nhưng điều chính yếu mà thày muốn nói là khi con người không còn cá nhân hóa cuộc đời họ, thì họ cũng không cá nhân hóa mối liên hệ với người khác. Và khi họ không còn cảm thấy bị người khác đe dọa, thì đa số các trò chơi tự ngã tan biến đi. Mục đích chung của một sinh hoạt bất nhị là đem con người vào hợp nhất. Do đó, con có thể liên hệ với người khác với thái độ căn bản muốn đi vào hợp nhất với họ trong tâm Ki-tô, và con có thể chờ đợi là họ cũng đồng ý đi vào hợp nhất với con. Khi con phóng ra thông điệp, “Hãy đi vào hợp nhất với tôi trong Ki-tô”, thì con ít xác suất thu hút những người rất dính mắc vào tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Vì những người đó không hề có ý định từ bỏ những bản sắc tách biệt của họ để đi vào hợp nhất với người khác trong Ki-tô.

***

Trong quyển sách này, thày đã giải thích rõ ràng là có một số sinh thể đã sa ngã từ một cõi cao hơn và vì đã quá đồng hóa với bản sắc sa ngã của họ, nên họ rất khó tách ý niệm bản ngã của họ khỏi tâm thức nhị nguyên. Lẽ tất nhiên, các sinh thể đó lúc nào cũng còn tiềm năng thức tỉnh, và đó là lý do vì sao một số các sinh thể đó vẫn còn được phép đầu thai trên trái đất, và cũng là lý do vì sao họ được phép gia nhập các tổ chức tâm linh nơi họ giao lưu với những người đang chân thành đi trên Con đường Hợp nhất. Tuy nhiên, con cũng nên thực tế và nhận ra là, bất kể con làm gì, có thể con sẽ không thể chuyển hóa những người đó. Do đó, con nên luôn luôn ghi nhớ là con không ở đây để thay đổi hay cứu rỗi người khác. Con ở đây để cống hiến họ một cơ hội để họ tự thay đổi, bằng cách cho họ thấy có cái gì khác tâm thức nhị nguyên. Và có khi, điều duy nhất mà con có thể làm là cho phép họ hành hạ con để bản sắc nhị nguyên của họ phơi bày ra rõ ràng.

Khi con đạt phân biện Ki-tô thì con có thể thấy là một số người hoàn toàn đồng hóa với tâm thức nhị nguyên, và họ thể hiện nó bằng cách kiểm soát người khác và tiêu diệt những ai không chịu bị kiểm soát. Lúc đó con có thể thách thức họ một cách rất thẳng thắn, giống như Giê-su đã làm khi gọi các thày thông giáo và Pha-ri-si là con của ác quỷ (John 8:44). Tuy nhiên, thày gợi ý là khi con chưa đạt được một trình độ tâm thức Ki-tô cao, thì con nên có phương cách tế nhị hơn và không bao giờ gọi một người khác là sa nhân hay thiên thần sa ngã. Tự ngã quá dễ lạm dụng những quan niệm này và gọi bất cứ ai không đồng ý với nó là thiên thần sa ngã. Đây tất nhiên là một hình thức ảo thuật đen sẽ tạo nghiệp cho con.

Thày gợi ý là các người tâm linh tạo một văn hóa trong đó mọi người có thể cởi mở nói về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Qua đó, ta có thể nói một người cư xử một cách nhị nguyên mà không phán xét và gán cho người đó một nhãn hiệu thường trực. Thày gợi ý là con đối xử với mọi người như họ là cái ta biết đang tạm thời bị kẹt trong một ý niệm bản sắc nhị nguyên. Con giữ niệm tinh khôi và làm tất cả những gì con có thể nghĩ để giúp người đó thức tỉnh và nhận ra họ hơn rất nhiều cái bản sắc vỏ ngoài đó. Một lần nữa, con hãy ghi nhớ là kết quả không quan trọng. Con chỉ ở đây để cho người khác một cơ hội chọn lựa. Nếu người đó chọn giữ chặt bản sắc nhị nguyên của họ, thì các thành viên của tổ chức tâm linh có quyền ngăn không cho họ chiếm địa vị quyền lực trong tổ chức. Con cũng có quyền trực diện họ với cơ hội cuối cùng để họ chọn từ bỏ một lối hành xử nhị nguyên – mà con phơi bày thật rõ ràng cho họ thấy – hoặc bị mời ra khỏi sinh hoạt.

***

Như thày có trình bày ở trên, con nên luôn luôn ghi nhớ là tự ngã có khuynh hướng lạm dụng mọi khái niệm. Tự ngã có thể dễ dàng dùng những khái niệm này để phán xét người khác, thậm chí để cảm thấy hơn người khác. Tự ngã cũng có thể dùng chúng để loại trừ những ai không đồng ý với nó bằng cách phán xét họ là thiên thần sa ngã không còn hy vọng cải tạo. Tuy nhiên, đối cực của phán xét (muốn loại trừ một số người) là khuynh hướng có cảm xúc dính mắc vào việc thay đổi hay cứu rỗi một người khác.

Thày có giảng là có nhiều sinh thể trong cõi tâm linh sa ngã vì họ đi theo lãnh đạo của họ. Vì các sinh thể này không tự họ chọn lựa chống lại Thượng đế, họ thường tìm được con đường tâm linh và tương đối dễ dàng bắt đầu vươn lên khỏi nhị nguyên. Tuy thế, điều cuối cùng họ khắc phục thường là sự dính mắc với lãnh đạo của họ. Để có thể khắc phục sự dính mắc đó, họ thường phải đầu thai cùng với người lãnh đạo và chọn lựa buông bỏ một cách có ý thức. Điều này thường đòi hỏi những sinh thể này thấy được là người lãnh đạo bị kẹt trong tâm thức sa ngã và buông bỏ người lãnh đạo một cách có ý thức. Tuy thế, điều này rất khó làm trừ phi con hiểu trọn vẹn điều thày giải thích trong sách. Cho nên, một số người đã tiếp tục đi theo một lãnh đạo từ kiếp này sang kiếp khác mà không có khả năng giải thoát mình và tiến đi bước tiếp.

Cũng có một số sinh thể cho phép mình sa ngã vì họ dính mắc với một sinh thể khác đã sa ngã. Họ không mù quáng đi theo người lãnh đạo nhưng cho phép mình sa ngã vì nghĩ rằng họ có thể cứu vớt sinh thể kia. Một số các sinh thể này nay đã tiến lên những tầng cao của con đường tâm linh, nhưng như thày đã giải thích, quả vị Ki-tô là trở nên tự túc trong tâm linh. Và con không thể nào tự túc được nếu con dính mắc vào bất cứ một sinh thể nào khác. Con phải cho sinh thể kia quyền tự quyết hoàn toàn vì nếu không con như thể đang dùng ảo thuật đen để ép uổng sinh thể kia phải thức tỉnh. Điều thày muốn nói là có sự khác biệt vi tế giữa việc giữ niệm tinh khôi, cho người kia tự do hoàn toàn và việc giữ một viễn kiến dựa trên mong muốn muốn cứu vớt người khác. Một số dòng sống đi xuống từ cõi tâm linh với sứ vụ cứu rỗi và một số trong những người này trong khi hiện thân đã dính mắc muốn cứu vớt một người khác. Ngay cả những người bắt đầu hiện thân trên trái đất và đã tăng trưởng tâm thức, cũng đã phát triển những mối dây ràng buộc như thế. Điều thày muốn nói là sẽ tới điểm trên con đường quả vị Ki-tô khi con phải buông bỏ tất cả những dính mắc đó. Như Giê-su đã nói, những ai yêu cha hay mẹ hay anh chị em nhiều hơn Ki-tô không xứng đáng theo thày – có nghĩa giản dị là con không thể đạt được tự túc tâm linh khi còn dính mắc với người khác (Luke 14:26).

Một khía cạnh khác của việc này là khi con dính mắc tình cảm muốn cứu vớt người khác, thì con giản dị không thể không cá nhân hóa quan hệ của con với họ và do đó con không thể có được quan hệ bất nhị mà thày nói tới. Những người tâm linh trưởng thành nhất phải nỗ lực vượt qua những dính mắc đó để họ có thể cho phép người khác thực thi quyền tự quyết của họ mà không coi cá nhân mình bị tổn thương khi người khác không lấy những chọn lựa mà họ nghĩ người khác nên lấy.

***

Một yếu tố cơ yếu của cách tiếp cận tâm linh bất nhị là tìm cách giao tiếp với nhau vượt lên khuôn khổ của những trò chơi nhị nguyên mà con người thường dùng. Và một phương hướng chính đáng là đặt mọi sự giao tiếp trên lòng nhân từ.

Bên phương Đông, danh tính Maitreya được liên kết với lòng nhân từ (metta), nhưng thày là hiện thân của lòng nhân từ thiêng liêng vô điều kiện. Lòng nhân từ này vượt lên trên các đối cực nhị nguyên. Một khía cạnh là nó vượt lên trên cảm xúc thế phàm như sợ, giận, đổ lỗi hay bất cứ cảm xúc nào khác tìm cách hạ người khác xuống thay vì nâng họ lên. Lớp mười phần trăm bên trên lẽ tự nhiên cần tìm ra một phương cách giao tiếp thoát khỏi những cảm xúc đó và điều này sẽ bắt đầu xảy ra một cách tự nhiên khi con người bắt đầu buông bỏ yếu tố cá nhân trong cuộc sống mình như thày đã mô tả rồi. Sự thật là nhiều người tâm linh ngày nay đã tiến bộ rất nhiều trong việc phát triển một phương cách giao tiếp với nhau không còn những dạng thiếu nhân từ hiển nhiên.

Đáng tiếc thay, nhiều người tâm linh đã rơi vào đối cực nhị nguyên ngược lại như thày đã mô tả ở trước là họ trở nên thụ động. Họ nghĩ rằng nhân từ là không bao giờ thách thức người khác, có nghĩa là mình phải chấp nhận bất cứ gì họ làm. Như thày đã giải thích, làm thế không phải là tình thương thật cũng không phải là lòng nhân từ thật. Lòng nhân từ thật là khi con không muốn người khác bị mắc bẫy trong một ảo tưởng nhị nguyên. Con cho họ mọi cơ hội để trải nghiệm có một chọn lựa khác, có cái gì trên nhị nguyên. Con làm điều này dù nó đòi hỏi con phải rất thẳng thắn và rất cứng rắn khi con thách thức ảo tưởng của tự ngã của họ.

Suy cho cùng, tự ngã có một mục tiêu rõ ràng là không để bị phơi bày, thách thức hay nói ngược lại. Do đó, nó sẽ nói là nếu con thách thức một người khác thì con đang không nhân từ với người đó. Nhưng con chỉ đang “không nhân từ” với tự ngã của họ, trong khi con đang rất mực nhân từ với con người thật của họ. Vì con người thật là cái ta biết và con đang vô cùng nhân từ khi con giúp nó thoát khỏi ngục tù của tự ngã. 

Sự thật là khi con giúp người khác thấy những tin tưởng nhị nguyên của họ, con đang cực kỳ nhân từ với họ. Điều này đặc biệt đúng với những người bị quá kẹt trong nhị nguyên đến độ họ hành động một cách xấu ác vì họ không thấy được họ đang hành động như thế hay vì họ không hề quan tâm. Những người đó sẽ có khuynh hướng chống lại sự thách thức của con, thường là một cách hung hãn và điều này khiến nhiều người tâm linh rút lui và buông xuôi. Tuy nhiên những ai thật sự có tình thương và lòng nhân từ vô điều kiện sẽ tiếp tục thách thức nhị nguyên mà không dính mắc vào phản ứng của người khác.

***

Con cần minh định thật rõ là con có quyền là nhân chứng cho sự thật mà con thấy, ngay cả khi cần phơi bày và thách thức niềm tin nhị nguyên của người khác. Con có quyền là Ki-tô trên trái đất bất kể số người bị tự ngã làm mù quáng nói ngược lại với con. Con cần làm điều này mà không chế thêm dầu vào ngọn lửa tranh chấp nhị nguyên và do đó con phải hành động mà không có chút tính cá nhân nào. Con phải cố gắng không để mình bị lôi kéo vào phản ứng nhị nguyên cho dù người khác phản ứng một cách nhị nguyên.

Lúc nào cũng có hai phản ứng nhị nguyên, một là phản ứng với cảm xúc tiêu cực, hai là rút lui và im lặng. Con phải bỏ cả hai phản ứng này. Tùy xem người kia bị vướng mắc sâu như thế nào trong nghị nguyên con sẽ làm điều gì có khả năng cao nhất để vực người đó ra khỏi ảo tưởng. Với một số người con sẽ thành công nếu con rất dịu dàng và cảm thông. Với một số người khác có thể cách hay nhất là con rất hứng khởi và tạo nhiều cảm hứng cho họ, trong khi với một số người khác nữa thì con lại cần hành động một cách rất thẳng thắn nhưng không bị xúc cảm chi phối.

Một khía cạnh của việc thức tỉnh người khác là tự ngã của họ đã dựng lên một bức tường kiên cố chung quanh tâm của họ, và con phải tìm được cách đâm thủng bức tường để chạm tới cái ta biết ở bên trong. Cái ta biết này giống như nàng công chúa trong câu truyện thần thoại người đẹp ngủ trong rừng. Công chúa bị bà mẹ ghẻ xấu ác tức là tự ngã làm mê ngủ và giờ đây cô mê ngủ đằng sau lớp lớp bụi gai – là những ảo tưởng nhị nguyên và vết thương tâm lý. Điều thày muốn nói là thường khi cái ta biết tự đồng hóa sâu đậm với bản sắc nhị nguyên đến độ nó không thể đánh thức nó ra khỏi cơn mê ngủ. Do đó, con phải tìm ra phương cách đâm thủng các hàng rào phòng thủ để chạm tới cái ta biết và giúp nó thấy được là có một chọn lựa khác nhị nguyên.

Dù đây là một vấn đề cá nhân, thày phải nói với con rằng đối với nhiều người mắc kẹt trong nhị nguyên, cách duy nhất để con chạm tới họ là con phải rất thẳng thắn và hoàn toàn không nhượng bộ. Thật vậy con phải đứng trên tảng đá Ki-tô theo đúng nghĩa đen của nó và không cho phép những người này lay chuyển con. Nhiều người kẹt cứng trong trò chơi tự ngã muốn kiểm soát người khác đến độ trong vô thức của họ, họ sẽ tìm cách kiểm soát con khi con thách thức họ. Nếu con nhượng bộ họ để họ kiểm soát con vì con nghĩ rằng con phải có lòng nhân từ, con chỉ củng cố thêm niềm tin của họ vào các tin tưởng của tự ngã. Ví dụ như trường hợp những người mắc kẹt trong tinh thần tự cao, khi con nhượng bộ họ con đương nhiên củng cố ảo tưởng là họ cao cấp hơn con.

Cách duy nhất để giải thoát người khác là thách thức họ và tiếp tục làm thế mà không bao giờ để họ bịt miệng mình. Con phải chống lại những nỗ lực bịt miệng của họ nhưng con không đấu tranh nhị nguyên với họ. Con làm như thế bằng cách con không bao giờ tìm cách chứng minh họ sai nhưng con chỉ giản dị nói lên sự thật của con, nói đi nói lại nhiều lần nếu cần thiết. Đây quả thực là cách duy nhất chạm tới được những người hoàn toàn bị mắc kẹt trong tự ngã của họ, và đó là lý do vì sao Giê-su đã rất cứng rắn chống lại những thày thông giáo và Pha-ri-si. Làm như thế sẽ luôn thành công chăng? Chắc chắn là không, và đó là lý do tại sao con phải minh định rõ là con không làm thế để thay đổi người khác nhưng để cho họ có cơ hội chọn lựa thay đổi. Do đó, khi con cho họ cơ hội này, nỗ lực của con đã là thành công – bất kể người khác đáp ứng ra sao.  

Đối với những người ít mắc kẹt trong tự ngã, có khi con chỉ cần khôn khéo hơn tự ngã của họ, làm cho nó bị ngỡ ngàng khi con đáp ứng một cách bất nhị. Tự ngã rất giỏi dùng lô-gíc nhị nguyên để chống trả mọi thách thức và biện minh cho niềm tin và hành động của nó. Con thật sự không bao giờ thắng được tự ngã khi dùng trí năng để phân tích và suy nghĩ. Con sẽ không bao giờ thắng được một cuộc tranh cãi nhị nguyên và khi sự tương tác của con với một người khác nằm trong khuôn khổ nhị nguyên thì mục đích tâm linh đã bị mất. Cho nên con phải vượt lên trên suy nghĩ nhị nguyên và dùng một dạng lô-gíc bất nhị. Đó là lý do tại sao một số vị thày tâm linh dạy bằng công án, là các câu đố mà người học trò không thể hiểu được bằng trí phân tích.

Thường khi con có thể giúp người khác khi con đưa ra những công án liên quan đến đời sống thực. Điều này có nghĩa là con phải đặt những câu hỏi giúp họ nhìn chính họ và cuộc sống của họ một cách mới lạ, vượt lên trên cách suy nghĩ cố hữu của họ. Khi con đã bắt đầu đạt được phân biện Ki-tô và một sự hiểu biết vững chắc về sự khác biệt giữa nhị nguyên và bất nhị, thì điều này không khó làm. Khi con gỡ cái đà khỏi mắt mình, thì con sẽ thấy rõ ràng cách giúp người khác khắc phục ảo tưởng của họ. Nhị nguyên luôn luôn có hai đối cực, có nghĩa là không có một quan điểm nhị nguyên nào tự nó độc lập, lô-gíc và nhất quán. Khi một tin tưởng nhị nguyên bị đẩy tới mức tột cùng lô-gíc thì những khiếm khuyết của nó sẽ bị phơi bày ra.

Sau hết, có một số người đã bắt đầu vượt lên trên nhị nguyên, và con có thể giúp họ bằng cách cho họ thêm cảm hứng. Tuy thế nhiều người trong nhóm này lại bị rơi vào một trạng thái tuyệt vọng và trầm cảm. Họ thường cảm thấy cuộc sống trên thế gian này tệ hại đến độ họ không thiết có mặt ở đây nữa. Để thức tỉnh họ, con cần vững chắc trong sự lạc quan và chống lại hàng triệu lý cớ của họ bằng nhiệt tâm trùm khắp. Những người này thường không làm điều gì xấu cần phải phơi bày. Vấn đề của họ là họ không làm gì cả và giúp họ thoát ra khỏi trạng thái tê liệt tâm linh này là cả một sự khó khăn. Nhiều người sẽ hiểu và đồng ý với mọi điều mà con nói về con đường tâm linh nhưng họ không muốn làm gì hết với các điều này. Cho nên, con cần thật cứng rắn và kiên trì để vực họ ra khỏi sự thụ động đó. Đó là lý do tại sao Giê-su nói giúp những người nóng hay lạnh dễ hơn là giúp những người âm ấm (Khải huyền 3:15-16).

Quả thực con có thể tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể trao đổi một cách cởi mở và tự do về tự ngã và các lề thói của nó khiến nó khó lẩn trốn và che giấu các trò chơi của nó. Và khi một môi trường như thế đã được vài người thiết lập, nó có thể là chất xúc tác để lan truyền tới các tổ chức tâm linh rộng lớn hơn. Rốt cuộc, toàn bộ giọng điệu thảo luận tôn giáo toàn cầu có thể thay đổi và đặt căn bản trên lòng nhân từ thật sự – một lòng nhân từ đầy thương yêu nhưng không bao giờ chấp nhận bất cứ điều kiện nào cho phép tự ngã ẩn núp.

***

Khi con có một nhóm người quyết tâm theo Con Đường Hợp nhất và đang trong tiến trình thôi cá nhân hóa cuộc đời họ, thì con có thể tạo ra cái mà nhiều người tâm linh ao ước và Đại đoàn Thăng thiên muốn thể hiện trên trái đất, đó chính là một cộng đồng tâm linh thật sự. Nhiều người bị thu hút bởi các phong trào tâm linh và tôn giáo chính thực là vì họ mong ước có được một cộng đồng tâm linh như cộng đồng đang hiện hữu trên cõi tâm linh mà họ còn giữ được trong ký ức nội tâm. Cộng đồng nghĩa là “đến với nhau trong hợp nhất” và điều này lẽ tất nhiên chỉ đạt được khi thành viên là những cá nhân đi theo Con Đường Hợp nhất. Chỉ khi con đạt được một mức độ hợp nhất với cội nguồn của con, với cái ta cao của con, thì con mới có thể đạt được hợp nhất với người khác.

Nhưng thày phải nói với con rằng, giống như với mọi thứ khác, tâm nhị nguyên có thể hủ hóa khái niệm cộng đồng và tạo ra một ao ước cộng đồng giả. Trong quá nhiều trường hợp, các phong trào tâm linh hay tôn giáo đã thị hiện một cộng đồng giả trong đó những người lãnh đạo tạo nên một đẳng cấp nắm quyền tuyệt đối và các thành viên khác chỉ nhắm mắt đi theo. Đây là sự trải bày của sự vận hành tương tác mà thày đã mô tả ở phần trước, giữa những người muốn được cao hơn người khác và những người không muốn lấy quyết định. Đáng tiếc thay, các cộng đồng tôn giáo đã thường trở thành nơi cư trú cho hai loại người này khiến cộng đồng bị suy mòn bởi các trò chơi quyền lực và biểu hiện khác của tự ngã.

Một cộng đồng như thế thường trở nên càng ngày càng cứng nhắc và chú trọng vào các quy luật vỏ ngoài. Nó tạo ra một hình tư tưởng về người thành viên lý tưởng và ép buộc mọi người chui vào khuôn mẫu đó. Hậu quả là những người tầm đạo trưởng thành hơn cảm thấy họ phải mặc một chiếc áo tù khóa tay để có thể hòa đồng với tập thể, và họ quyết định rút lui. Như thày đã nói, hợp nhất không có nghĩa là giống nhau. Con không giúp người khác phát triển tâm linh bằng cách ép họ phải loại bỏ cá tính của họ. Con giúp họ bằng cách giúp họ chạm tới cái ta cao của họ và cho phép họ biểu hiện cá tính thiêng liêng của họ.

Có một ước mơ phổ biến nơi một số người tâm linh về một sự cứu rỗi tập thể mà con được hưởng bằng cách giản dị làm thành viên của một cộng đồng vỏ ngoài và tuân thủ những quy luật của nó. Dù được ngụy trang khéo léo thế nào chăng nữa, đây giản dị chỉ là giấc mơ không thiết thực của tự ngã về một cứu rỗi tự động trong đó Thượng đế phải chấp nhận tự ngã khi nó đáp ứng một số điều kiện thế gian. Như thày đã giảng trong sách này, Con đường Hợp nhất là con đường cá thể. Tuy thế, khi con bắt đầu khám phá cá tính tâm linh của mình, thì con sẽ không cảm thấy bị đe dọa khi con ở trong một cộng đồng và làm việc với người khác.

Thời Bảo bình là thời đại của cộng đồng, và đã đến lúc con vượt lên trên hình ảnh của người tâm linh đi độc hành độc bộ hay ngồi đơn độc trong hang núi. Quả thực thách đố của thời đại này là những người tâm linh hiện thân và biểu hiện cá tính của họ trong lúc cùng làm việc trong cộng đồng. Thày có thể khẳng định với con là trong cõi tâm linh các thày đều là những cá thể, nhưng các thày đều làm việc với nhau trong tinh thần cộng đồng chân chính. Lý do là vì các thày đã khắc phục mọi biểu hiện của tự ngã, kể cả ý muốn vi tế muốn tách mình ra khỏi người khác đã khiến một số người tâm linh tìm nơi vắng vẻ cô đơn. Có hai lý do chính khiến người đi tìm tâm linh cần một cộng đồng:

  • Thực tế giản dị là – như thày đã tìm cách giải thích nhiều lần – con sẽ không thị hiện quả vị Ki-tô trọn vẹn trừ khi con giúp những người khác và điều này hiển nhiên phải xảy ra trong một môi trường cộng đồng.
  • Con cần những người khác để giúp con thấy điều con không thể thấy từ bên trong hộp định kiến của chính mình. Hiển nhiên, khi con tương tác với những người đang nỗ lực đi trên Con đường Hợp nhất, thì các con có thể giúp lẫn nhau khắc phục nhị nguyên.

***

Một khuôn mẫu cho một cộng đồng tâm linh là cộng đồng mà Phật và Giê-su đã thiết lập, nhưng trong thời Bảo bình con cần tiến thêm một bước nữa. Cả Giê-su lẫn Phật đều ở mức chứng đạt rất cao so với các môn đồ và do đó hai thày ở vị thế lãnh đạo hiển nhiên. Hai thày cư xử như những vị thày và tất cả các thành viên khác là đệ tử. Trong thời đại này, có nhiều người hơn tới gần mức biểu hiện quả vị Ki-tô, và các thày không muốn những người này thành lập những nhóm đệ tử nho nhỏ hoạt động độc lập với nhau. Trên cõi tâm linh, các thày đều đã đạt quả vị Ki-tô và đều làm việc chung với nhau, và mô hình này cần được lập lại trên trái đất. Để chuyện này có thể xảy ra được, một cộng đồng cần được tạo ra trong đó nhiều người có quả vị Ki-tô cao có thể chia sẻ vai trò lãnh đạo và hướng dẫn.

Quả thực, một cộng đồng lý tưởng sẽ nhận ra chân lý trong lời của Giê-su nói rằng tự mình không làm được gì cả (John 5:30) nhưng chính là đấng Cha trong thày làm hết mọi việc (John 14:10). Do đó, thành viên của một cộng đồng tâm linh chân chính – ngay cả những người tâm linh tiên tiến nhất (hay đúng hơn, đặc biệt là những người tâm linh tiên tiến nhất) – biết là tự mình họ, họ không làm được gì cả. Chính đấng Thánh thần làm mọi việc qua các cá nhân, và đấng Thánh thần thổi nơi nào ngài muốn (John 3:8).

Trong một hoàn cảnh, đấng Thánh thần sẽ đưa ra một ý qua trung gian một người và trong hoàn cảnh khác, đấng Thánh thần có thể dùng một người khác. Nói cách khác, thay vì theo khuôn mẫu cũ của thời đại trước với một nhóm lãnh đạo cố định không được thay thế hay thách thức, thì một cộng đồng Bảo bình xem đấng Thánh thần là lực lãnh đạo chân chính, và họ cho phép đấng Thánh thần dùng bất cứ ai cho mỗi công tác cá biệt. Như thế trường hợp lý tưởng là có một nhóm người trong cộng đồng đủ trưởng thành về tâm linh để làm dụng cụ cho đấng Thánh thần và họ có thể bước vào và bước ra vai trò lãnh đạo tùy theo sự hướng dẫn đến từ trên.

Tuy thế một cộng đồng như vậy phải nhìn nhận rằng đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai và như một vị thày tâm linh thường thích nói, “Nếu vị thày là một con kiến, hãy nghe lời nó.” Nói cách khác, một cộng đồng chân chính phải nhìn nhận rằng chức vụ trong một tổ chức vỏ ngoài không bao giờ được che phủ sự lãnh đạo chân chính của đấng Thánh thần. Cho nên, nếu đấng Thánh thần dùng một người có vẻ không quan trọng để mang lại một ý mới, ý này phải được dùng.  Không cần mất thì giờ trơi chò trơi tự ngã cổ hủ cho rằng một ý kiến chỉ có giá trị khi nó được trình bày và được chấp nhận bởi một “người quan trọng.”

Lẽ tất nhiên, một cộng đồng như thế phải dựa trên phân biện Ki-tô cho nên tự ngã con người, sa nhân và thần linh giả không thể lấn chiếm. Cho dù đấng Thánh thần có thể dùng bất cứ ai, nhưng không phải bất cứ điều gì có vẻ tâm linh đều đến từ đấng Thánh thần duy nhất. Nó có thể đến từ vô số phàm linh nhị nguyên.

Tại sao có nhiều cộng đồng tâm linh thất bại hay trở nên cứng nhắc? Như thày đã đề cập ở trước, đó là vì khi nó lớn tới một mức nào đó, thì nó sẽ thu hút những người bị mù quáng trong sự tìm cầu quyền lực và kiểm soát nhị nguyên. Từ đó lãnh đạo thế phàm khởi lên và thay thế lãnh đạo của đấng Thánh thần. Một cộng đồng tâm linh chân chính nhận ra rằng trách nhiệm cơ bản của mình là thiết lập và duy trì sự nối kết trực tiếp với cõi tâm linh và Đại đoàn Thăng thiên. Do đó, một cộng đồng như thế trở thành một tiền đồn của Đại đoàn Thăng thiên và các thày là những vị lãnh đạo thật. Cộng đồng không cho phép sự khởi sinh của một nhóm lãnh đạo bị mù quáng bởi nhị nguyên nhưng cộng đồng cho phép Đại đoàn Thăng thiên lãnh đạo qua trung gian của đấng Thánh thần.

***

Thày có thể giảng nhiều hơn về đề tài thiết lập một cộng đồng tâm linh, nhưng thày quả thật đã trao truyền đủ cho những ai có tai để nghe và mắt để thấy. Thày không có ý định dùng quyển sách này để đem lại một bộ luật về việc thiết lập một cộng đồng tâm linh. Điều này chỉ dẫn tới việc tạo nên một cấu trúc cứng nhắc buộc con người tuân theo luật lệ vỏ ngoài và dẹp bỏ cá nhân tính.

Mục đích của vũ trụ vật chất là cho những người đồng-sáng tạo của Thượng đế và các dòng sống khác cơ hội sử dụng khả năng đồng-sáng tạo của họ và nhận phản hồi qua hoàn cảnh vật lý và qua các sinh thể khác. Khi các sinh thể tăng triển tâm Ki-tô thì hành động của họ thẳng hàng với mục tiêu của đấng Sáng tạo một cách tự phát, và điều này cũng khiến họ đi vào hợp nhất với các sinh thể khác. Nhiều sinh thể vẫn còn đang thí nghiệm với việc biểu hiện khả năng và quy định bản sắc của mình, do đó chuyện tự nhiên là họ không có nhiều khả năng cộng tác với người khác. Nhưng những sinh thể trưởng thành nhất đã bắt đầu nhận ra họ là ai – là các phần cá biệt của một Sinh thể lớn hơn – và như vậy đã có thể bắt đầu biểu hiện khả năng sáng tạo trong khuôn khổ rộng lớn hơn của viễn quan và mục tiêu của đấng Sáng tạo. Khi ta hiểu điều này một cách đúng đắn, thì ta sẽ không thấy điều này giới hạn nỗ lực sáng tạo của mình, và đòi hỏi mình dẹp bỏ cá nhân tính.

Chỉ tâm thức nhị nguyên mới vẽ vời như thể đây là sự va chạm giữa cá tính con người. Sự thực là cá tính tâm linh của con được quy định bởi các sinh thể tâm linh có khả năng quy định hàng tỷ cá tính mà không tạo ra xung đột nào. Vì sao các thày sinh hoạt hài hòa trên cõi tâm linh? Bởi vì các thày đã hợp nhất với cá tính thiêng liêng của mình, và qua đó các thày bổ túc lẫn nhau một cách tự nhiên và không cố gắng. Cá tính của các thày không xóa bỏ hay đối chọi cá tính của người khác. Các cá tính phóng đại nhau lên và do đó các thày có thể sáng tạo rất nhiều hơn khi làm việc chung thay vì hành động riêng lẻ. Các thày không cảm thấy đây là một sự phiền toái hay hy sinh, vì các thày hoàn toàn vui sướng khi thấy các biểu lộ cá tính người khác, và các thày rất hân hoan khi cùng nhau sáng tạo. Khía cạnh Alpha của việc đồng-sáng tạo là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với cái ta cao của con. Khía cạnh Omega là con đồng-sáng tạo trong sự hài hòa với các huynh đệ tâm linh, mà con cảm thấy đang cùng ở trong hợp nhất.

Việc đi vào hợp nhất trên trái đất là nền tảng xây dựng dòng chảy hình số tám chân chính giữa cõi tâm linh và cõi vật chất. Các con ở dưới này có thể hình thành cực Omega cho cực Alpha của Đại đoàn Thăng thiên. Và chỉ khi nào một số lượng tới hạn con người kết hợp trong tình đoàn kết tâm linh thực sự, thì vương quốc Thượng đế mới thị hiện trên trái đất vật lý. Vì sao con nghĩ Giê-su nói: Một lần nữa, ta nói với các con, nếu hai người trong các con trên trái đất đồng ý những gì họ cầu xin, thì họ sẽ nhận được từ Cha ta trên thiên đàng. (Matthew 19:19)?

Vũ trụ vật chất không được tạo ra để một sinh thể có thể nâng mình lên vị trí cao hơn tất cả người khác – dù một số sa nhân có vẻ nghĩ như vậy. Vũ trụ vật chất chỉ trở thành vương quốc Thượng đế khi một số lượng tới hạn con người họp nhau lại trong tinh thần đoàn kết tâm linh thật sự. Câu trích lời Giê-su trong đoạn trước cũng không mô tả toàn bộ vấn đề, vì cụm từ “hai người trong các con” không chỉ giản dị chỉ hai người. Cụm từ đó ám chỉ con người – mỗi cá nhân cũng như là như tập thể – khắc phục ảo tưởng nhị nguyên để đạt được điều mà Giê-su mô tả trong một đoạn trích khác: Ánh sáng của thân thể là con mắt: do đó khi con mắt của con là một, thì toàn thân thể tràn đầy ánh sáng; nhưng khi con mắt ác độc, thì thân thể của con đầy bóng tối. (Luke 11:34)

Khi viễn quan của nhân loại vẫn còn bị phân chia bởi ảo tưởng nhị nguyên, thì toàn hành tinh sẽ đầy bóng tối. Nhưng khi thành phần mười phần trăm phía trên tập họp cùng nhau với một viễn quan duy nhất – viễn quan của Ki-tô – và quyết tâm hợp nhất, thì cộng đồng của họ – rốt cuộc sẽ bao gồm toàn hành tinh – sẽ tràn đầy ánh sáng. Do đó, việc thành lập một cộng đồng tâm linh chân chính vượt thăng mọi biên giới và phân chia nhị nguyên, là công việc quan trọng nhất mà nhóm mười phần trăm phía trên có thể làm được trong thời đại này. Do đó, thày nói với con: “Con hãy đi vào hợp nhất với ta trong Ki-tô” và sau đó đi vào hợp nhất giữa các con.

***

Thày biết là có nhiều người cảm thấy là thày đã trình bày quá nhiều thông tin khiến các con choáng ngợp. Thày cũng biết là có một số người cảm thấy thày chưa trao đủ thông tin. Nhiều người sẽ cảm thấy tinh thần trách nhiệm cao độ trong việc tăng trưởng chính mình và giúp đỡ người khác, thậm chí nâng toàn hành tinh vào vương quốc Thượng đế. Nhiều người trong số các người có tinh thần trách nhiệm nhất sẽ cảm thấy mong muốn thành công, và họ mong muốn nhận được hướng dẫn rõ ràng hơn những gì thày đã trao truyền.

Thày hiểu ước muốn đó, nhưng thày muốn con nhìn quá nó. Thày không có mục đích qua quyển sách này dạy các con làm mọi việc. Tại sao vậy? Bởi vì thày không muốn phát hành một quyển sách – giống như những gì đã xảy ra quá bao lần với các kinh điển tôn giáo – sẽ thay thế tâm Ki-tô của con. Thày không có ý định cho con một cái cớ để tuân theo luật lệ vỏ ngoài thay vì đi tìm hợp nhất với cái ta cao của con. Mục đích của thày là thức tỉnh con để con đi Con đường Hợp nhất, và cho con đủ chỉ dẫn để con neo chặt mình vào con đường quả vị Ki-tô chân chính.

Con hãy ghi nhận những gì thày đã giảng ở trên, là quả vị Ki-tô có nghĩa con trở nên tự lực tâm linh. Điều này có nghĩa con không cần một quyển sách hay một đạo sư bên ngoài để dạy con phải làm gì và làm cách nào. Con nhận những hướng dẫn đó từ bên trong, từ cái ta cao của con. Do đó, mọi việc con làm trở nên sự biểu lộ chân thật của con người con là, tức là một cá nhân độc đáo mà Thượng đế đã tạo ra và cá nhân độc đáo mà con đã đồng-sáng tạo dựa trên nền móng thiêng liêng của con.

Thày không muốn biến con thành một con trừu mù quáng đi theo thày. Ước muốn của thày là thấy con biểu lộ sự tròn đầy của quả vị Ki-tô cá biệt, độc đáo của con, qua đó con có thể biểu hiện – dưới này – sự tròn đầy mà con là trên kia. Do đó, thày không thể nói cho con biết con phải là Ki-tô như thế nào. Vì khi con là Ki-tô, thì con sẽ ngưng hành động qua bản sắc nhị nguyên được tạo ra trong thế giới này. Con lúc đó chỉ hành động xuyên qua bản sắc trọn vẹn của con, là sự kết hợp toàn hảo giữa bản sắc Alpha, được neo chặt trong Hiện diện TA LÀ, và bản sắc Omega ở bên trên mọi sắc thái nhị nguyên. Do đó, con có thể thật sự nói “Ta và Cha ta là một” và “Cha ta làm việc và ta làm việc”.

Sự thách đố của quả vị Ki-tô là không có tiêu chuẩn nào trong việc là Ki-tô – và đây là một điều tự ngã không thể hiểu và chấp nhận. Do đó, những ai vẫn còn mắc kẹt trong nhị nguyên sẽ muốn thày định ra luật lệ, để họ cảm thấy, khi họ theo sát các luật lệ này, thì họ sẽ là Ki-tô. Quả vị Ki-tô là cá tính tuyệt đối, nhưng cá tính đó hài hòa với tổng thể. Do đó, quả vị Ki-tô chân chính cần được biểu lộ qua việc giúp đỡ người khác, nâng cao tổng thể. Như thày có giảng, chính việc từ chối khai ngộ này đã khiến một số sinh thể sa ngã, và kết quả là trái đất đã đi vào một vòng xoáy hướng hạ. Do đó, để khắc phục sự sa ngã, một số lượng tới hạn con người cần đạt được khai ngộ này và khoác vào quả vị Ki-tô trọn vẹn trong khi vẫn đi trên trái đất trong thân thể vật lý.

Khi con bị mắc kẹt trong nhị nguyên, thì con làm một số việc vì con có một hình tư tưởng khiến con nghĩ con phải làm việc này hay việc kia. Con làm vậy để tránh bị trừng phạt hay để nhận một phần thưởng – con hành động để nhận một phản ứng. Quả vị Ki-tô có nghĩa là con buông bỏ mọi hình tư tưởng nhị nguyên về chính mình, về con là ai và con phải cư xử như thế nào. Thay vào đó, con làm việc con làm như một biểu hiện của con người con là – là cá tính thiêng liêng của con và bản sắc Ki-tô của con. Con không còn hành động vì tương quan trừng phạt-phần thưởng nhị nguyên nhưng con hành động vì tình thương thuần khiết muốn biểu hiện con người của con và để phụng sự tất cả. Con lúc đó tôn thờ Thượng đế trong tâm linh và sự thực thay vì nhảy múa quanh con bê vàng của bản sắc nhị nguyên. Con không còn một hình tư tưởng giữa cái ta cao và cái ta thấp của con, nhưng để cho bản sắc Alpha biểu hiện tự do xuyên qua bản sắc Omega. Do đó, hai khía cạnh Alpha và Omega của con người con đã họp nhau trong sự hài hòa toàn hảo, điểm khởi đầu và điểm chấm dứt đã nhập một trong HIỆN TẠI vĩnh cửu.