Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 1 tháng 1, 2011.
Phật TA LÀ. Gautama là danh tính mà trong hơn 2500 năm qua người ta đã gắn liền với dòng sống mà thày là. Con yêu dấu, 2500 năm có vẻ là một thời gian rất dài nhưng đối với Phật, có ý nghĩa gì mà nói về thời gian? Bởi vì đây là ảo tưởng vĩ đại phát sinh từ tâm thức tách biệt cho rằng người ta có thể chia dòng chảy của sự sống thành nhiều khúc, rồi dán nhãn là quá khứ, hiện tại với tương lai. Hay đúng hơn chúng ta phải nói: dán nhãn như là quá khứ và tương lai thôi, vì quả thực những ai bị mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên không bao giờ có thể sống trong hiện tại. Họ sống trong quá khứ hay trong tương lai vì họ không bao giờ hướng chú ý vào bên trong để mà thực sự trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại, và như vậy trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại chính là hiện tại vĩnh cửu. Hiện tại này vượt khỏi quá khứ, vượt khỏi tương lai – bởi vì nó chuyển động khi con chuyển động xuyên qua không gian của Phật.
Con thấy đó, ảo tưởng do tâm thức nhị nguyên tạo ra là có một sự chuyển động xuyên qua thời gian. Nhưng sự thật nhìn từ góc độ của Phật là: thời gian không có. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa không gian là tất cả cái gì có đó để con chuyển động xuyên qua. Con không chuyển động trong thời gian mà con đang chuyển động trong không gian, là không gian cung cấp khoảng trống cho đủ loại hình tướng có chỗ tồn tại. Là không gian cho phép con di chuyển từ khởi điểm của con đến một điểm không phải là kết thúc, mà là sự hợp nhất với cội nguồn của con, với Đấng Sáng tạo của con, với tất cả những gì hiện hữu.
25.1. Ảo tưởng vật chất tách biệt với Tánh linh
Như con cũng biết – nếu con nghĩ về những gì các nhà vũ trụ học đã nói với con – trái đất đang chuyển động theo một quỹ đạo hình bầu dục quanh mặt trời. Nhưng có bao nhiêu người nghĩ đến sự kiện mặt trời cũng đang chuyển động trong không gian? Và do đó, mặt trời đang đi theo một quỹ đạo lớn hơn nhiều quanh trọng tâm của nó so với trái đất. Và như vậy nếu con nhìn quỹ đạo của trái đất trong không gian thực tế, con sẽ thấy là quỹ đạo này không bầu dục mà tương tự như một hình xoắn ốc đi theo một hướng rõ rệt. Tất nhiên, nếu con lùi lại xa hơn nữa và nhìn quỹ đạo thực của mặt trời, con sẽ thấy là mặc dù mặt trời di chuyển xung quanh một trọng tâm, nhưng trọng tâm này cũng đang di chuyển xuyên qua không gian. Và như thế ngay cả quỹ đạo của mặt trời cũng theo một hình xoắn ốc.
Nghĩa là không có gì đứng yên một chỗ, không có gì đi theo vòng tròn, không có vòng tròn nào là khép kín vì toàn bộ vũ trụ đang giãn nở. Và đó là tại sao thời gian không thực. Thời gian là ảo ảnh, là trò bịp của tâm bị mù quáng bởi Maya, bởi ảo tưởng rằng vật chất là thực, bởi ảo tưởng rằng tự thân Đấng Mẹ là thực, tồn tại độc lập với Đấng Cha.
Và con thấy đó – như thày đã trình bày năm ngoái cũng vào thời điểm Tân niên – năm của Đấng Con đã là thử thách để học cách phân biện từ góc nhìn của Ki-tô giữa cái không thực và cái thực. Nhưng trong năm nay, năm của Đấng Mẹ, sự phân biện này cần được đưa vào sâu hơn nếu nhân loại muốn vượt qua các cuộc điểm đạo mà năm nay biểu tượng.
Bởi vì thật vậy, khả năng phân biện mà con cần thu hoạch trong năm sắp tới, trong chu kỳ khai ngộ sắp tới, là học cách nhìn xuyên thấu ảo tưởng cho rằng Đấng Mẹ, năng lượng của vật chất, tách biệt khỏi nguồn cội của nó – tức là, tất nhiên, Đấng Cha hay Tánh linh. Con hãy nhìn hành tinh này, nhìn xem biết bao người bị đui mù trong ảo tưởng rằng họ sống trong một thế giới tách khỏi nguồn cội của nó, tách khỏi Tánh linh. Nhìn xem biết bao người bị đui mù trong ảo tưởng rằng Tánh linh không có, rằng ngoài thế giới vật chất ra thì không có gì. Nhìn xem biết bao người phủ nhận bản chất tâm linh của họ, phủ nhận thực tế họ là những sinh thể tâm linh chỉ tạm thời cư ngụ trong một thế giới vật chất.
Nhưng đây có phải là một thế giới của vật chất, hay có một thực tại thâm sâu hơn rằng con là một sinh thể tâm linh đang ngụ trong một thế giới của Tánh linh? Bởi vì khi con là biểu hiện của Tánh linh thì mọi thứ khác trong thế giới vật chất cũng là một biểu hiện của Tánh linh. “Không có ngài thì không có tạo vật nào được tạo thành,” như Kính thánh đạo Cơ đốc đã nói. Và con cũng tìm thấy cùng khái niệm này trong đạo Phật, đạo Ấn, đạo Lão, đạo Hồi và hầu hết các truyền thống tôn giáo hay tâm linh khác.
Tuy nhiên mặc dù các giáo lý đó được dành cho những ai có mắt để nhìn, hầu hết mọi người lại không có mắt để mà nhìn. Hầu hết đều đi theo một tôn giáo và họ có thể học hỏi giáo lý của tôn giáo đó, họ có thể tin theo nghĩa lý bên ngoài, nhưng họ không tin theo nghĩa là họ trải nghiệm, họ chứng nghiệm trong nội tâm những gì giáo lý dạy. Và như vậy, họ có thể đọc đi đọc lại kinh sách mà không thực sự trải nghiệm được sự thật thâm sâu vượt khỏi chữ nghĩa, sự thật không thể nào tóm bắt bởi ngôn từ, không thể nào gói ghém trong cỗ xe bất toàn của ngôn từ.
Vì làm thế nào ngôn từ có thể chứa đựng Tánh linh – ngoại trừ tất nhiên khi ngôn từ được diễn giải bởi một sinh thể biết rõ bản chất tâm linh nội tại của mình và vì vậy có khả năng phú cho ngôn từ một ý nghĩa sâu sắc hơn, một năng lượng tinh tế hơn? Cho nên con có thể dùng từ ngữ như những viên đá lót đường để băng qua dòng sông tâm thức hầu sang được bờ bên kia, nơi có Tánh linh chờ đón để cho con sự chứng nghiệm về chính nó, để cho con một hé thoáng rằng vượt khỏi tâm màn của vật chất chỉ có một thực tại duy nhất. Vượt khỏi hằng hà sa số hình tướng khác nhau đang kích thích giác quan của con, đang níu kéo sự chú ý của con, chỉ có một thực tại duy nhất, một Tánh linh duy nhất.
25.2. Thấy dòng chảy tâm thức đằng sau mọi hình tướng
Khi con thấy được điều này cho dù chỉ trong một thoáng, con có thể bắt đầu vén tấm màn lên để con không phải băng qua dòng sông nữa. Vì bây giờ con thấy rõ, thật không đúng mà bảo rằng Tánh linh ở bên kia bờ sông và vật chất thì tách khỏi Tánh linh. Con thấy Tánh linh cũng chính là dòng sông, và Tánh linh cũng là vật chất. Con khởi sự khi con thấy Tánh linh là một dòng chảy tâm thức chứ không phải là Thượng đế bất biến được mô tả sai lầm bởi nhiều tôn giáo vỏ ngoài – hay đúng hơn, được mô tả bởi các nhà thuyết pháp giả hiệu của các tôn giáo vỏ ngoài đó, khi họ dựng lên đủ loại giáo điều và cách diễn giải khác xa kinh sách và nội dung tâm truyền của kinh sách. Và con phải tự hỏi làm thế nào người ta có thể tiếp tục tin vào những cách diễn giải này, được quảng bá liên tục bởi những kẻ xưng mình có quyền điều khiển quần chúng qua việc củng cố ảo tưởng rằng con người bị tách khỏi nguồn cội của mình, tách khỏi Thượng đế của mình. Và do đó, người ta mới cần đến các nhà thuyết pháp giả hiệu kia, lớp thượng tôn quyền lực kia, để đến gần Thượng đế vì họ không thể tự mình tìm thấy Thượng đế.
Thực tại sâu hơn là quả thực Thượng đế là Thượng đế hằng sống. Thượng đế là một dòng tâm thức, và khi con bắt đầu thấy Thượng đế là một dòng tâm thức thì con có thể dần dần nhận ra chính mình cũng là một dòng tâm thức. Xong con có thể vượt xa hơn và thấy ngay cả thế giới vật chất cũng là một dòng tâm thức. Đó là khi con bắt đầu ngộ ra Thượng đế Cha là một dòng tâm thức đã tự biểu lộ dưới dạng các hình thể vật chất. Và mặc dù các hình thể này có vẻ tách biệt – chúng có vẻ riêng biệt, tách rời khỏi Tánh linh và tách rời lẫn nhau – nhưng chúng không thực sự tách biệt. Mặc dù chúng có vẻ phần nào liên tục, thậm chí phần nào thường tồn, chúng vẫn chỉ là những dòng tâm thức.
Sự kiện mà các nhà khoa học đã quan sát chính xác rằng toàn bộ vũ trụ vật chất đang giãn nở, quả là một bằng chứng cho thấy đó là một dòng tâm thức. Bởi vì con yêu dấu, con hãy thử nhìn vào huyền thoại khoa học – con hãy lưu ý thày nói rõ “huyền thoại” – về vụ Nổ Lớn (Big Bang), và con thử xem xét khái niệm này. Ở một thời điểm xa xôi, toàn bộ vũ trụ vật chất mà con biết từng bị dồn nén vào một điểm độc nhất, một điểm dị biệt. Thế rồi, tất cả những gì đã từng hiện hữu và sẽ hiện hữu – dưới dạng vật chất và năng lượng – đã bị ném tung ra mọi phía trong một vụ nổ khổng lồ.
À, nếu thật sự đúng như vậy thì làm sao con có thể giải thích là vũ trụ vật chất không chỉ đang giãn nở mà lại còn giãn nở với tốc độ càng ngày càng nhanh? Con không có cách nào giải thích là năng lượng ban đầu của vụ nổ Big Bang lại có thể khiến cho vũ trụ giãn nở ngày càng nhanh hơn. Bởi vì năng lượng tạo sự gia tốc sẽ đến từ đâu? Nó không thể đến từ vụ nổ nguyên thủy, vì hiển nhiên lô-gic sẽ bảo con rằng nếu toàn bộ lực đẩy đã được phóng ra ngay từ đầu, thì vũ trụ đã phải ngừng gia tốc ỏ nhịp độ đó và cuối cùng đã phải bắt đầu co lại. Thế nhưng quan sát và đo đạc chứng minh là điều này đã không xảy ra, vì vũ trụ vẫn đang giãn nở ngày càng nhanh hơn. Cho nên câu hỏi đặt ra là: “Cái gì đang thôi thúc sự gia tốc?” Đó không thể là một lực vật chất bởi vì một lực như vậy không có. Cho nên cách giải thích lô-gic, hợp lý duy nhất về lực đang thực sự thôi thúc vũ trụ chính là sự kiện vũ trụ là một dòng tâm thức.
25.3. Độ gia tốc của vũ trụ
Và điều này – con yêu dấu, con hãy chú ý ở đây – là đặc tính thiết yếu của tâm thức. Tâm thức có khả năng làm những gì mà vật chất không thể làm như một thực thể tách biệt, nếu con hình dung như vậy. Vật chất không thể tự thăng vượt, vật chất không thể vượt quá trạng thái mà nó đã được sinh tạo. Nhưng tâm thức thì có khả năng đó. Tâm thức có thể tái sáng tạo chính nó, tâm thức có thể thăng vượt chính nó, tâm thức có thể chọn để cho cái cũ chết đi và được tái sinh, được phục sinh vào một trạng thái cao hơn.
Đây là điều đã thôi thúc Đấng Sáng tạo sáng tạo, và đây cũng là điều đang thôi thúc tạo vật của Đấng Sáng tạo giãn nở ngày càng nhanh hơn. Và giống như toàn bộ vũ trụ vật chất giãn nở ngày càng nhanh hơn, thì con như một sinh thể cá biệt tự nhận biết cũng đang bị chính sức mạnh này của sự sống bắt buộc phải mở rộng tâm thức của mình hầu theo kịp những gì xảy ra trong vũ trụ. Và tất nhiên, đây chính là yếu tố đang phóng trái đất xuyên qua không gian.
Vậy thì điều gì sinh ra cái mà thày vừa gọi là ảo tưởng thời gian? Đó chính là sự kiện các cư dân trên trái đất đang không mở rộng tâm thức của mình theo cùng nhịp độ mà trái đất đang được kéo đi xuyên qua không gian bởi lực giãn nở của toàn bộ vũ trụ vật chất, cũng như của toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên nơi con hiện hữu. Con không đơn độc trong vũ trụ này. Con người trên địa cầu không phải là sinh thể tự nhận biết độc nhất trong vũ trụ vật chất. Có vô số, vô số hành tinh khác với nhiều dạng sống trí năng, và tuyệt đại đa số những hành tinh này đều đang ở trong một vòng xoắn ốc gia tốc, tức là các cư dân ở đó đều đang gia tốc tâm thức của mình. Đây là điều đã tạo ra hiện tượng tương đương với cái mà các nhà khoa học gọi là bức xạ nền vũ trụ (cosmic background radiation). Có một lực nền vũ trụ lan ra – mà theo truyền thống đạo Cơ đốc gọi là Thánh linh – được tạo ra bởi tất cả các sinh thể tự nhận biết trong vũ trụ vật chất đang mở rộng và thăng vượt trạng thái tâm thức của mình.
Đây chính là nhịp độ gia tốc của toàn bộ vũ trụ vật chất. Sự mở rộng tâm thức này là yếu tố thôi thúc vũ trụ vật chất cùng các hành tinh và dải thiên hà vật lý dời xa nhau ngày càng xa hơn với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Đó là, nếu có thể gọi như vậy, độ tăng trưởng nền của vũ trụ nơi con sinh sống. Các cư dân trên trái đất không đang mở rộng trạng thái tâm thức của mình ở mức độ đó mà ở một mức chậm hơn. Và điều này có nghĩa là trong không gian tuyệt đối, trái đất đang tụt hậu so với vị trí mà đúng lý nó phải ở, nếu nó đã phát triển đồng nhịp với toàn thể vũ trụ.
Sự chậm trễ này tạo ra ảo tưởng thời gian. Chậm trễ tạo ra sự cọ sát là nguyên nhân của biết bao vấn nạn trên trái đất dường như không có giải pháp. Thực tế là trái đất đang bị lực nền lan ra của vũ trụ kéo theo xuyên qua không gian với một tốc độ không ngừng gia tăng. Một hành tinh cần gì để di chuyển trong không gian với tốc độ không ngừng gia tăng? À, con nhìn xem chuyện gì xảy ra cho một vật trên trái đất, chẳng hạn một chiếc xe, khi con gia tăng tốc độ. Lực cản của không khí sẽ tăng lên, sự cọ sát cũng tăng lên, và con cần nhiều sức mạnh hơn để khắc phục. Cho nên để trái đất tăng trưởng, có vẻ như con cần một sức mạnh luôn luôn lớn hơn – và đây là điều xảy ra hiện nay.
Nhưng kịch bản này có một giải pháp khác, vì con chỉ cần sức mạnh lớn hơn để đẩy một vật thể có tỉ trọng không thay đổi. Nhưng nếu trái đất ngày càng ít dày đặc thì khi nó được đẩy tới nhanh hơn, sự cọ sát sẽ ít hơn và lực cưỡng lại cũng ít hơn. Và như thế trái đất có thể di chuyển trong không gian với tốc độ gia tăng mà không cần sức mạnh gia tăng.
25.4. Lực đẩy vũ trụ là sự thăng vượt tâm thức
Thật vậy, điều sẽ khiến cho chuyện này khả thi là sự thăng vượt tâm thức, sự gia tốc tâm thức, qua đó con buông bỏ ý niệm bản sắc cũ vốn có một độ dày đặc nào đó. Và khi điều này xảy ra ở quy mô tập thể – qua việc nhân loại nâng cao tâm thức tập thể – thì toàn bộ hành tinh sẽ trở nên bớt dày đặc. Và do đó nó có khả năng di chuyển trong không gian ngày càng nhanh hơn mà không cần lực lớn hơn.
Điều này sẽ đem đến một cuộc cách mạng, không chỉ trong tư tưởng con người mà còn trong toàn xã hội. Khi đó con sẽ thấy là con không cần đến sức mạnh đó – sức mạnh vật lý, tình cảm, lý trí đó – để duy trì các cấu trúc cũ. Chúng sẽ được thay thế, không phải bởi những cấu trúc mới mà bởi sự sẵn lòng xuôi chảy với dòng chảy sự sống. Con không còn tìm cách giam giữ, đóng hộp dòng ánh sáng trong cấu trúc của con hầu tạo cho mình một cảm giác trường tồn, liên tục. Con không phải rút tỉa ý niệm bản sắc của mình từ cấu trúc nữa, mà con đạt được ý niệm bản sắc của mình bằng cách nhìn vượt quá cấu trúc, vượt cả cấu trúc của chính địa cầu.
Bởi vì giờ đây con thấy mình chính là sự biểu hiện của dòng tâm thức. Con đang trôi theo dòng tâm thức này, và khi con không còn cảm thấy mình bị chết đuối trong dòng chảy thì đâu cần gì phải bám vào một cấu trúc nữa? Tại sao con phải bám vào bờ sông hay nắm lấy thắt lưng an toàn nếu con không sợ chết chìm?
Vì con biết đó, niềm vui lớn nhất là xuôi chảy với Dòng sông sự Sống, là trôi theo chính dòng chảy. Con chỉ buông mình, và con an bình với dòng chảy cuộc sống thay vì chống cự lại, ép uổng nó vào những hộp tư duy của mình, cố nhét nó vào cái hộp tư duy mà nhận thức của con đã bày ra. Nhận thức này phát xuất từ tự ngã, từ ngã tách biệt, luôn luôn lo sợ sẽ đến lúc nó không còn tồn tại nữa. Thật vậy, đây là cái giá mà con phải trả khi con bị chậm trễ so với độ gia tốc của vũ trụ. Ngay khi con bắt đầu tụt hậu đằng sau phần còn lại của vũ trụ thì một khoảng cách được tạo ra, và từ khoảng cách này nảy sinh nỗi sợ chết, là nỗi sợ rằng sẽ đến lúc con không còn hiện hữu như một sinh thể tự nhận biết.
Nhưng nỗi sợ này chỉ có thể tồn tại vì sinh thể tự nhận biết mà con là giờ đây cảm nhận cuộc sống xuyên qua phin lọc – xuyên qua cấu trúc, nhận thức – của tự ngã, thay vì cảm nhận cuộc sống qua sự nhận biết thuần khiết mà con đạt được khi con nhận diện mình là cái Ta Biết, là một biểu hiện của chính Bản thể Đấng Sáng tạo. Như cái Ta Biết, con thấy mình là cánh cửa mở, là tấm kính trong suốt như Giê-su vừa giải thích thật cặn kẽ. Và con biết rằng dòng chảy sự sống, dòng chảy tâm thức mà Hiện diện TA LÀ của con vốn là, có thể xuôi chảy không cản trở, không cố gắng. Con không cần dùng đến sức mạnh để cố duy trì sự tồn tại hư ảo của ngã tách biệt, mà con có thể xuôi chảy không chút nỗ lực theo dòng tâm thức đang muốn biểu hiện qua con, là chính Hiện diện TA LÀ của con.
25.5. Không còn kháng cự
Tại sao con lại cần sức mạnh, tại sao con lại cần kháng cự một khi con nhận diện mình là ai, một cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ? Con chấp nhận điều này, và con xuôi chảy với dòng tâm thức là chính Hiện diện đang chảy xuyên qua bản thể con. Và thay vì nghe thấy tiếng gầm của dòng nước và tưởng đó là mối đe dọa – rằng một ngày kia dòng nước sẽ ập tới và nhận con chìm – thì giờ đây con chỉ trôi theo dòng chảy. Và con nghe thấy không phải một tiếng gầm rú hăm dọa hủy diệt, mà tiếng róc rách êm ả của dòng suối an lạc mà Đấng Sáng tạo đang biểu lộ qua con.
Con sẽ trải nghiệm niềm an lạc này khi con giản dị buông bỏ cảm giác là con cần cưỡng lại bất cứ gì, con cần bám giữ bất cứ gì, con cần tiêu diệt bất cứ gì. Đó chính là cảm giác rằng vật chất có thực thể, vật chất có thường tồn, vật chất khiến con vấp ngã, ngăn con trôi theo dòng chảy. Con cho rằng con cần phải chấp nhận vật chất là thường tồn trong dạng hiện thời của nó, và vì vậy nó có quyền lực trên con. Hay con phải chấp nhận rằng vật chất trong dạng hiện thời là chuyện sai trái, cho nên con phải thay đổi hay hủy diệt nó. Vì vậy con đang ở đây để cứu nguy thế giới hay để tiêu diệt cái ác, và trong cả hai trường hợp con vẫn phải thay đổi một điều gì đó bên ngoài chính con. Và từ đó mới nảy sinh những tấn tuồng cuộc đời, nảy sinh tư duy cuồng đại mà các thày đã nói đến suốt hai năm qua.
Nói về thời gian thì hai năm là một thời gian đủ dài để con bắt đầu nhận ra lời dạy sâu hơn đằng sau lời nói. Chắc chắn con có thể trốn tránh bằng cách biện bác lời nói của thày ở mức ngôn từ, nhưng khi làm vậy con sẽ hụt mất cốt lõi. Tất nhiên đó là quyền của con – nếu con muốn tụt hậu thêm nữa và trải nghiệm lực kháng cự ngày càng lớn hơn, lực đối chọi ngày càng mãnh liệt chống lại bản thể con, ngăn cản dòng chảy, niềm vui và hạnh phúc của con.
Con có thể cưỡng lại nếu con muốn, nhưng khi vũ trụ cứ thế bước tới, càng ngày con người sẽ càng khó lòng cưỡng lại Dòng sông sự Sống, dòng chảy của thay đổi, dòng chảy của gia tốc sẽ thôi thúc hành tinh này thực hiện một bước nhảy lượng tử vĩ đại hầu cố bắt kịp, cố thu hẹp khoảng cách giữa điểm nơi hành tinh đang đứng với điểm mà đúng lý nó phải đứng nếu như cư dân ở đây đã đồng hành với độ gia tốc nền của toàn bộ vũ trụ.
Khoảng cách này phải được khép lại trước khi năm 2012 kết thúc để các chu kỳ có thể thay đổi. Không cứ là cần khép lại hoàn toàn, nhưng phải thu hẹp đáng kể. Bởi vì nếu không, sự kháng cự sẽ càng mạnh mẽ sau khi chu kỳ được đánh dấu bởi năm 2012 xoay chuyển. Và hệ quả sẽ là những biến cố vật lý, không hẳn ở tầm kích mà một số người đã tiên đoán, nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn những gì con đã chứng kiến cho tới giờ.
25.6. Người tâm linh có cơ hội thay đổi hành tinh
Những người tâm linh trên trái đất có một cơ hội vô cùng quan trọng để tác động tích cực đến xã hội trên bình diện toàn cầu. Con hãy lưu ý điều thày vừa nói. Con sẽ không có một tác động tích cực nếu con bị mắc kẹt trong tư duy cuồng đại, nếu con cho rằng con phải xông ra ngoài kia thay đổi người khác hay thay đổi xã hội dựa trên nhận thức nhị nguyên rằng có gì đó đã trật đường rày và phải được sửa chữa.
Đây không phải là chuyện chỉ ra một con dê tế thần, chỉ tay vào người khác và tìm cách ép buộc họ phải thay đổi, mà là chuyện chính con nhận lãnh trách nhiệm về trạng thái tâm thức của mình. Con gia tốc trạng thái tâm thức này, và như một cách biểu lộ tự nhiên khi con đã gia tốc, con chia sẻ sự Hiện diện của con, chia sẽ niềm vui, chia sẽ sáng ngộ của con với người khác và ngay cả trên bình diện rộng lớn với xã hội.
Con yêu dấu, nhiều các con đã tu tập theo giáo lý mà các thày đã trao truyền qua trung gian sứ giả này từ nhiều năm qua. Các con đã học hỏi trang mạng này được nhiều năm. Các con đã tiếp nhận, đã thể nhập, đã đọc thỉnh đọc chú, và tất cả những việc này đều rất tốt. Nhưng thày muốn nói là trong thời gian tới, việc này tự nó vẫn không đủ. Nếu con muốn vượt qua khai ngộ và đón nhận cơ hội sắp đến, con cần bắt đầu biểu lộ, cho đi, chia sẻ. Con chia sẻ Hiện diện của mình, con cho phép Hiện diện tỏa rạng xuyên qua con và nâng mọi người lên theo. Không phải là con sẽ bảo họ có gì sai trái, hay xã hội, hay vũ trụ, hay kế hoạch của Thượng đế có gì sai trái, mà con chỉ giản dị chia sẻ những điều mình đã ngộ ra, chia sẻ niềm vui, chia sẻ sự gia tốc của con.
Con chứng tỏ cho họ thấy những gì họ có thể thực hiện thay vì chê trách là họ không đang thực hiện. Đây là sự khác biệt cơ yếu giữa những ai hòa điệu với Dòng sông sự Sống – với các chân sư thăng thiên, với nhịp chuyển động của Thánh linh, với độ gia tốc nền của vũ trụ – và những ai đã lạc điệu với bước tiến của toàn thể, cứ tưởng rằng mình đang giúp cứu nguy thế giới. Kỳ thực họ chỉ đang tiếp tục trò chơi muôn thủơ mà sa nhân đã bày ra ở một bầu cõi xa xôi, là tìm cách ép buộc vũ trụ phải chui vào hộp tư duy của mình.
Nếu con đi theo con đường đó – vì tất nhiên con có quyền tự quyết làm như vậy – thì con sẽ tìm ra là trong thời gian sắp tới, con sẽ càng ngày càng khó lòng duy trì ảo tưởng rằng hộp tư duy của con là thực và con có thể ép vũ trụ phải tuân theo. Điều này con cũng sẽ nhận thấy trên quy mô hành tinh.
25.7. Chất vấn ảo tưởng vật chất
Dù sao đi nữa, con sẽ thấy là trong thời gian tới sẽ có sự gia tốc lên một tầng mức cao hơn nữa, qua đó con người – nếu có thể nói như vậy – bị sự gia tốc “ép buộc” phải chất vấn rất nhiều thứ mà cho tới giờ họ chưa bắt đầu chất vấn. Đây không chỉ là chuyện chất vấn tầng lớp thượng tôn quyền lực hay chất vấn giới thẩm quyền. Không, đây là việc chất vấn chính ảo tưởng mà vật chất đã tạo ra, hay đúng hơn được tạo ra bởi sự kiện là từ góc nhìn của tâm thức nhị nguyên, vật chất có vẻ rắn đặc, vật chất có vẻ có thật, vật chất có vẻ liên tục, thậm chí vật chất mang cả dáng vẻ thường tồn.
Đây là những ảo tưởng sẽ bắt đầu bị đe dọa trong thời gian tới. Những ngôi nhà mỏng mảnh xây bằng lá bài sẽ bắt đầu sụp đổ. Điều này sẽ xảy ra trong nhiều lãnh vực xã hội, kể cả thế giới tài chánh. Con cũng sẽ thấy nhu cầu chất vấn rất nhiều thể chế của xã hội chưa từng bị chất vấn, kể cả liệu thể chế dân chủ có đang thực sự vận hành trong tiềm năng cao nhất của nó hay không. Hay là dân chủ cần được nâng lên cao hơn, thay vì cứ cho rằng các nền dân chủ Tây phương đã đạt tới trình độ không thể nào vượt mặt.
Đây sẽ là một thách đố đặc biệt cho quốc gia Hoa Kỳ vẫn tự xem mình là cái nôi của nền dân chủ hiện đại, là dạng dân chủ tiên tiến nhất thế giới – một ảo tưởng sẽ được, và cần phải được, chất vấn trong những năm sắp tới. Bởi vì thật vậy, nước Mỹ đã tụt hậu rất xa so với viễn quan nguyên thủy của các nhà lập quốc, đặc biệt viễn quan của Saint Germain. Và tất nhiên từ ngày sáng lập nước Mỹ, Saint Germain đã không đứng yên ở cùng mức đó, và vì vậy ngày nay thày có một viễn quan còn rộng lớn hơn những gì thày đã có thể truyền đạt cho các nhà lập quốc thời bấy giờ.
Nhưng xa hơn nữa, con sẽ nhận thấy sự cần thiết chất vấn xem vật chất có thực hay không. Hiện đã có một phong trào từ khá lâu nay với nhiều người bắt đầu nhìn vào các khám phá của khoa học, mà chúng ta đã mô tả thỏa đáng qua vật lý lượng tử và nhiều hơn vậy. Những người này đã nắm lấy phát hiện của khoa học và bắt đầu chất vấn, liệu vật chất có sự tồn tại tách biệt hay không, hay liệu thực tại tiềm ẩn có phải là tâm thức.
Phong trào này, sự sẵn lòng chất vấn này, sẽ được gia tốc trong thời gian tới cho đến khi nó trở nên mạnh mẽ đến độ đa số mọi ngươi trên trái đất sẽ không thể làm ngơ được nữa. Khi ấy sẽ có một sự xoay chuyển, qua đó họ sẽ không muốn làm ngơ nữa vì họ thấy đó không phải là một đe dọa cho lối sống hay thế giới quan của họ. Kỳ thực đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để khuếch trương lối sống và thế giới quan của mình, đưa nó lên cao hơn một bực và mở ra những vận hội mới khó lòng nào có thể mơ ước trước đó.
25.8. Hình tư tưởng Bánh xe Chuyển pháp luân
Vậy hình tư tưởng thày muốn trao truyền năm nay là gì? À, đây là khái niệm bánh xe của Phật, Bánh xe Chuyển pháp luân, Bánh xe của Pháp, là biểu tượng truyền thống của đạo Phật. Năm ngoái thày đã cho con hình tư tưởng Thanh gươm Ki-tô chặt phăng những tấm màn che đậy ảo tưởng. Nhưng năm nay thày muốn trao cho con hình tư tưởng Bánh xe Chuyển pháp luân đang cuộn lại tấm màn của Maya, tấm màn tạo ra dáng vẻ rằng vật chất là thực, vật chất tách biệt khỏi Tánh linh, và vật chất có một độ dày đặc có thể che phủ Tánh linh mà từ đó nó đã đi ra.
Con hãy hình dung – trong đời con cũng như trên bình diện hành tinh – tấm màn này cuộn tròn lại như một cuộn giấy, để thực tại thâm sâu được phơi bày cho thấy vật chất, thế giới vật chất, cõi của Mẹ, là sự biểu hiện của Tánh linh, và Tánh linh là thực tại Một đằng sau mọi hình tướng mà con nhìn thấy.
Đây là một hình tư tưởng dũng mãnh, và con sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi con sử dụng trong cuộc sống cá nhân của mình. Vì các con là những người đi tiên phong trong tiến trình nâng cao tâm thức, các con phải đối mặt với khai ngộ mà nhân loại sẽ đối mặt. Con sẽ đối mặt với nó trong đời sống riêng tư, con sẽ bị thách thức bằng nhiều cách bởi các điều kiện trong đời mình có vẻ như vượt quá khả năng thay đổi của mình, có vẻ như rất thực, có vẻ như có quyền lực trên mình. Có những chuyện con phải làm, có những chuyện con phải thích nghi, và con cảm thấy mình bị hạn chế. Vì vậy con cần hình dung Bánh xe Chuyển pháp luân, Bánh xe của Pháp, và con hình dung thày đây, Phật Gautama, đang tung bánh xe này – nếu con cho phép thày – vào cuộc sống cá nhân của con để cuộn lại tấm màn ảo tưởng.
Điều này tất nhiên chỉ hiệu nghiệm trọn vẹn nếu con sẵn lòng chất vấn các cấu trúc mà có thể con chưa từng chất vấn trước đây. Con có thấy chăng tại sao việc chất vấn các cấu trúc của mình quan trọng đến vậy? Con buông bỏ các cấu trúc và do đó con trở thành một cánh cửa mở. Nhưng nếu con chưa bỏ hết được mọi cấu trúc thì con cũng đừng tuyệt vọng. Trái lại, con sẵn lòng bước lên cao hơn và sẵn lòng chất vấn. Và khi con chạm trán chướng ngại đó, lực kháng cự đó, thì con lui lại và nói: “Có điều gì tôi chưa nhìn thấy? Hỡi Hiện diện TA LÀ dũng mãnh, hãy chỉ cho ta thấy cái cấu trúc, cái ảo tưởng. Phật Gautama, hãy tung ra Bánh xe Chuyển pháp luân để cuộn tấm màn lại, hầu con có thể thấy điều gì ngăn cản con. Hầu con có thể trở thành cánh cửa mở và xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Hầu Dòng sông sự Sống của Hiện diện TA LÀ có thể chảy xối vào tình huống này, cuộn tròn lại lực kháng cự và làm tan biến mọi trở ngại. Hầu Tánh linh của con được giải phóng để có thể biểu đạt trong thế giới, trong hoàn cảnh này. Hầu con không chỉ được tự do mà con còn là nguồn cảm hứng cho người khác tìm được tự do của họ.”
Và đó là hình tư tưởng. Con cũng hãy dùng nó trong đời mình để suy ngẫm về ảo tưởng thời gian, suy ngẫm về những gì thày vừa cho con trong bài giảng này. Con hãy vượt quá ngôn từ, hãy thỉnh cầu sự hướng dẫn từ thày, từ Mẹ Mary sẽ con thêm lời dạy về vấn đề này, và tất nhiên từ chính Hiện diện TA LÀ của con. Con hãy thỉnh sự hướng dẫn và sẵn lòng suy ngẫm về bí ẩn của thời gian.
25.9. Phá vỡ hàng rào giữa hoạt động tâm linh và thế tục
Thật vậy, tất cả các con sẽ bị thời gian thách đố. Con sẽ cảm thấy trong những năm tới như thể mình ít thời gian hơn bao giờ hết. Đặc biệt con sẽ cảm thấy là càng ngày con càng khó lòng tìm ra thời gian để làm những gì mà cho đến nay con đã xem là hoạt động tâm linh. Con sẽ cảm thấy những hoạt động gọi là thường nhật hay thế tục sẽ lôi kéo sự chú ý của con, sẽ đòi hỏi con chú ý và bỏ thời gian vào đó.
Vậy thì đây là thử thách dành cho hầu hết những người tâm linh đã cất bước trên con đường quả vị Ki-tô đến độ họ bắt đầu hé thấy con đường quả vị Phật. Thử thách cho con là như sau: Liệu con sẽ duy trì ảo tưởng về một sự phân chia giữa các hoạt động mà con gọi là tâm linh và các hoạt động con gọi là thế tục? Bởi vì con chẳng bắt đầu nhận ra đây là một sự phân chia giả tạo hay sao?
Nếu mọi sự đều là biểu hiện của thực tại Một của Đấng Sáng tạo, nếu mọi sự là một dòng tâm thức, làm sao con có thể bảo hoạt động này là tâm linh và hoạt động kia thì không? Thực tại sâu hơn là mọi chuyện đều có thể được xem là hoạt động tâm linh, và thật sự không có phân chia nào giữa hoạt động tâm linh với thế tục. Con cần buông bỏ tấm màn mà con đã dựng lên trong tâm khi con khoác vào ảo tưởng của sa nhân bảo rằng thế gian tách biệt khỏi Tánh linh, và vì vậy thế gian sẽ kéo con ra khỏi hợp nhất với Tánh linh. Con cần buông bỏ ảo tưởng rằng con cần rút lui khỏi thế gian vào tu trong thiền viện, hay con cần đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật nơi con sẽ cảm thấy mình thật tâm linh khi mình bước vào căn nhà của Thượng đế, nhưng trong những ngày còn lại trong tuần thì con không thể là người tâm linh do các hoạt động thế tục của mình.
Con hãy sẵn sàng bước tới thật mạnh dạn trong tâm con, sẵn sàng hình dung Bánh xe Chuyển pháp luân đang đi khắp thế giới đập vỡ tan tất cả những nhà thờ, đền đài và nơi thờ cúng – con đập cho chúng vỡ tan, không theo nghĩa vật lý mà trong chính tâm con. Mục đích là để tâm con không còn một nơi thờ phượng nào đặc biệt, hầu con có thể xem mọi nơi đều là nơi đặc biệt, mọi hoạt động đều là hoạt động đặc biệt, mọi thời điểm đều là thời điểm đặc biệt. Bởi vì khoảnh khắc hiện tại là tất cả cái gì đang có, và chính trong khoảnh khắc hiện tại mà con phải là người tâm linh, con phải là cánh cửa mở cho Tánh linh biểu đạt ra ngoài. Con không thể là cánh cửa mờ trong quá khứ, con không thể là cánh cửa mở trong tương lai, mà con chỉ có thể là cánh cửa mở trong HIỆN TẠI.
Vì vậy, con đừng trì hoãn sự sống tâm linh trong con để mà có thể nói: “Ồ, chủ nhật tới tôi sẽ làm chuyện đó, hay năm tới, hay khi nào tôi vượt qua được thử thách này cái đã, hay khi nào tôi đạt được mức tâm thức kia, hay khi nào tôi đọc xong những bài thỉnh nọ, hay khi nào tôi lạy đủ một vạn lạy trên sàn nhà, hay điều này điều nọ.” Thay vào đó, con hãy nhân chân thực tế là con có khả năng là người tâm linh ngay bây giờ, rằng đây là giây phút hiện tại mà tôi là người tâm linh, tôi là cánh cửa mở.
25.10. Ngộ ra thực tại của thời gian và không gian
Thời gian là gì? Thời gian đã làm gì? Tấm màn của vật chất đã làm gì? Tấm màn của Maya đã làm gì? Như Giê-su có giải thích trong bài giảng vừa rồi, tất cả – tất cả – đều tuân theo Luật Tự quyết. Các sa nhân đã nói gì khi họ nổi loạn chống lại Thượng đế? Họ đã nói: “Chúng tôi đòi hỏi có một nơi mà ở đó chúng tôi có thể cảm thấy tách biệt khỏi Thượng đế và dòng tâm thức là chính Thượng đế, là phần còn lại của bầu cõi chúng tôi.” Và như vậy để ban cho họ nơi đó, một thế giới đã phải được dựng lên mang ảo tưởng rằng vật chất là thực, rằng vật chất che phủ Tánh linh và có thời gian hiện hữu. Nơi đó người ta có thể trì hoãn sự tự thăng vượt của mình và bám giữ ý niệm bản ngã của mình trong một thời gian.
Khi con tách ra khỏi đạo sư của con, khi con từ chối xác định vai trò của mình, khi con trốn tránh Maitreya, thì con đã đòi hỏi cùng cái đó giống như sa nhân: một nơi con có thể tin rằng mình tách biệt khỏi vị thày, tách biệt khỏi nguồn cội của mình. Một nơi con có thể tin rằng con có thể bám giữ ý niệm bản ngã của mình trong một thời gian. Đây là điều con đã yêu cầu – một cách không ý thức, nhưng để lấy những chọn lựa mà con đã lấy thì con đã yêu cầu điều này trong tiềm thức.
Nếu đây là cách con muốn tiếp tục tồn tại thì thày, Phật Gautama cũng như tất cả các chân sư thăng thiên, sẽ cúi đầu trước chọn lựa tự quyết của con. Thày chấp nhận chọn lựa này nhưng thày cũng sẽ nói: “Nếu vậy thì con chưa sẵn sàng gia nhập Tăng đoàn của Phật. Và như vậy thày không có gì khác để cống hiến cho con.”
Thày chỉ có gì cống hiến cho những ai đạt tới điểm sẵn lòng chất vấn các chọn lựa cũ của mình, chất vấn ý niệm bản sắc và nhận thức hiện thời của mình. Đó là những người sẵn sàng nói: “Tôi không còn muốn khoảng không gian này nơi tôi có thể tin là mình tách biệt. Tôi không còn muốn bám giữ bản sắc hiện thời của tôi trong một thời gian tương lai. Tôi muốn thăng vượt ý niệm bản sắc hiện thời và bước đến gần hơn sự hợp nhất với nguồn cội của tôi. Đây là mong muốn của tôi, đây là chọn lựa của tôi, và tôi sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về sự kiện tôi chính là người phải chọn lựa. Và tôi là người phải sẵn sàng cho phép Bánh xe Chuyển pháp luân cuộn lại tấm màn ảo tưởng đã cho phép tôi cầm giữ ý niệm tách biệt này, ý niệm của một cái ta tách biệt có thể tồn tại trong thời gian, hay ngay cả chỉ tồn tại mà thôi.”
Thời gian là Mẹ, không gian là Phật. Con thấy chăng là Mẹ trong tình thương của Mẹ đã cho phép những đứa con của mình bám giữ ảo tưởng rằng chúng có thể tạo ra gì đó – một cái ta tách biệt, một dạng sống trên một hành tinh – và cái đó có thể tồn tại trong chiều dài thời gian? Thậm chí cả ảo tưởng rằng cái ta tách biệt có thể đạt được một cảm giác thường tồn nào đó, hay một sự bất diệt, hay được chấp nhận vào vương quốc Thượng đế. Đây chính là ảo tưởng mà Mẹ cho phép con cầm giữ hầu con có được trải nghiệm đó, cho đến khi con chán chê trải nghiệm và sẵn sàng quyết định thăng vượt nó.
Thế nhưng ở một tầng sâu hơn, làm thế nào con có thể có được ảo tưởng rằng thế giới vật chất tách biệt khỏi Tánh linh, hay rằng Tánh linh không có? Điều gì cho phép ảo tưởng này tồn tại? Đó là sự kiện Phật cầm giữ sự cân bằng cho con. Phật cầm giữ cân bằng cho không gian, là không gian trải ra giữa nơi con đang đứng bây giờ và nơi đúng lý con sẽ đứng nếu con theo kịp độ gia tốc nền của thế giới nơi con sống. Chính tâm thức của Phật cho phép điều này xảy ra – một lần nữa, để con có thể trải nghiệm trạng thái tách biệt cho đến khi con chán ngán. Khi đó, con mong muốn và quyết định là con sẵn lòng để cho nó chết, để cho cái ý niệm bản ngã hư ảo chết đi, hầu con có thể bắt kịp lại nơi đáng lẽ con đã đến nếu con chịu gia tốc đồng hành với phần còn lại của vũ trụ – y như Phật đã từng làm.
Nhưng Phật thì đã cho phép mình bị đặt vào giữa, hầu lấp đầy khoảng không gian giữa nơi con đứng và nơi con đã có thể đứng. Chỉ có tình yêu của Phật mới cho phép khoảng không gian này hiện hữu. Nếu khỏng có khoảng không gian này thì hoặc con phải đi theo độ gia tốc, hoặc con không còn hiện hữu nữa trong cái chết thứ nhì. Và như thế, việc Phật tạo ra không gian đã thiết lập cái nền để Mẹ có thể cho con ảo tưởng thời gian. Kỳ thực thời gian không có.
Không gian không thực, theo nghĩa là khoảng không gian giữa nơi con đang đứng và nơi con đã có thể đứng, không thực. Nhưng thực tại sâu hơn là không gian cũng có thực, vì đó là điều cho phép các hình tướng hiện hữu. Đó cũng là điều cho phép các hình tướng này thăng vượt để càng ngày càng bắt kịp độ gia tốc tối hậu và trở thành một phần thường hằng của cõi tâm linh.
Vì thế mặc dù thày, Phật Gautama, không hiện hữu trong thời gian, nhưng thày cũng nhìn nhận là thày đã nói chuyện suốt một thời gian mà đối với một số người có vẻ rất dài, vì họ đã không sẵn lòng gia tốc tâm thức của họ trong lúc bài giảng này diễn ra. Cho nên đã tới một điểm họ bắt đầu cảm thấy một khoảng cách giữa trạng thái tâm thức của họ với trạng thái của thày – trạng thái đồng hành với thày khi thày truyền đọc.
Điểm này có thể khiến con dừng lại suy nghĩ, nếu con chưa bao giờ trụ vào trạng thái tâm thức của thày và độ gia tốc của thày, hay nếu con bắt đầu rớt lại phía sau khi con cảm thấy: “Khi nào thày mới ngừng nói đây nhỉ, vì tôi không thể chịu được nữa, thật là quá sức rồi.”
Lý do nó quá sức chịu đựng của con là vì con đã không sẵn lòng xuôi chảy với thày và thăng vượt trạng thái tâm thức cũ của con. Cho nên đây có thể là một chỉ dấu cho con thấy là con vẫn còn công việc phải làm. Con cần bước lùi lại và nhìn vào bản thân, nhìn xem tại sao con không thể giữ vững nhận biết của mình về Phật chỉ trong khoảng thời gian một giờ. Con thử nghĩ bao nhiêu lần con đã ngồi xem một bộ phim hơn một tiếng đồng hồ, và con thử tự hỏi: “Nếu tôi đã có thể bị cuốn hút vào một bộ phim, tại sao tôi lại không thể bị cuốn hút – ở cùng mức độ hay nhiều hơn – vào bài truyền đọc của Phật?” Lý do là vì một bộ phim thường thường không đòi hỏi con phải thăng vượt mức tâm thức của con. Nó cứ loanh quanh ở một mức nhất định và vì vậy nó chạy vòng tròn. Nhưng bài giảng của thày là một xoắn ốc đi lên, là sự gia tốc mà trái đất này đang theo xuyên qua không gian tuyệt đối.
Vì vậy nếu con muốn chạy lòng vòng trong khoảng không gian tạm thời của riêng mình thay vì đi theo vòng ốc xoắn hướng thượng xuyên qua không gian tuyệt đối – là không gian sâu hơn của Phật – thì con sẽ không thể theo kịp thày dù chỉ là một giờ. Nếu vậy thì làm sao con có thể đồng hành với độ gia tốc hướng thượng trong những năm sắp tới? Làm sao con có thể thăng vượt lực kháng cự sẽ gia tăng? Con thấy đó, chuyện này thật đơn giản: hoặc con sẽ trải nghiệm một sự kháng cự gia tăng, hoặc con sẽ trải nghiệm một sự thăng vượt gia tăng. Con chọn đi!