Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/12/2019 tại Tallinn, Estonia.
Ta là chân sư thăng thiên Phật Gautama. Ta sẽ trở ngược về một câu ta đã nói cách đây 2500 năm vào thời ta còn hiện thân trong một cơ thể vật lý trên địa cầu. Một trong những lời dạy cốt yếu của Phật giáo là mọi thứ đều là Phật tánh. Câu này thật sự nghĩa là gì? Nhiều người đã bị bối rối vì câu này. Nhiều Phật tử chân thành và có thiện chí đã suy đoán về câu này và đưa ra những thuyết cùng những cách diễn giải khác nhau, trong số đó có nhiều điểm có căn cứ phần nào. Ta hoàn toàn không muốn chỉ trích hay thay thế những thuyết đó nhưng ta muốn cho con một cái nhìn dựa trên tâm thức tập thể ngày hôm nay cũng như những giáo lý mà các chân sư thăng thiên đã ban ra cho tới giờ.
Nếu con hiểu mọi thứ đều là Phật tánh, điều này có nghĩa là Phật tánh phải vượt khỏi hình tướng. Con thử nhìn hình tướng trong vũ trụ, nhìn cái ghế này, nhìn tấm thảm kia, nhìn cửa sổ, nhìn cái bàn; liệu con có thể nói cái bàn đó là Phật tánh hay không? Con sẽ không nói như vậy, nhưng con sẽ nói là cái bàn được tạo ra từ Phật tánh. Nói cách khác, nếu con có thể nhìn đằng sau hình tướng, nhìn vượt khỏi hình tướng, thì con sẽ thấy Phật tánh. Điều này khó hiểu cho con người cách đây 2500 năm.
Với trí năng thời nay, việc nắm bắt điều này đã trở nên dễ dàng hơn một chút vì con đã lớn lên và được dạy dỗ khái niệm về cái ghế này, cái bàn này được cấu tạo bằng những đơn vị nhỏ hơn gọi là phân tử, nguyên tử, ngay cả hạt hạ nguyên tử. Cho nên con có thể nói mọi thứ đều là nguyên tử, và do đó cái ghế này cũng là nguyên tử. Tất nhiên, không có nghĩa là các hạt nguyên tử trông giống như cái ghế. Con cũng biết nguyên tử không thể nhìn thấy bằng mắt trần trụi và do đó nguyên tử không có cái mà bình thường con gọi là hình dạng. Chúng không có hình dạng của bàn ghế. Chúng có thể có một hình dạng nào đó như con đã được dạy dỗ suy nghĩ, nhưng đó không phải là cái gì con nhìn thấy được bằng giác quan. Cho nên con có thể nhảy vọt một bước và bảo rằng cái ghế được tạo bằng nguyên tử và nguyên tử được tạo bằng Phật tánh. Nhưng sự khác biệt là ở chỗ Phật tánh không có hình tướng. Nó không có hình tướng nào mà con có thể nhận thức, không có hình tướng nào mà con có thể nhận thức bằng một tâm trí vẫn tập trung vào vũ trụ vật chất này.
Điều con có thể nói là Phật tánh có tiềm năng khoác lấy hình tướng. Nhưng nếu Phật tánh không có hình tướng, tại sao con lại cần đến Phật tánh? Con cần đến nó bởi vì nếu không có một bản thể vô hình tướng có khả năng khoác lấy hình tướng, thì hình tướng được tạo ra như thế nào? Con có thể suy ra điều gì từ những khám phá của khoa học? Con lấy một vật mà mắt con có thể nhìn thấy, một hình dạng hữu hình như một cái ghế và con nhận ra là cái ghế đó không bỗng xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ trong hình tướng hiện thời của nó, nó không xuất hiện từ tự nhiên hay từ hư vô. Không lúc nào con có thể nói: “À bây giờ không có ghế, à bây giờ có ghế. Đùng một cái, thế là ghế hiện ra.” Đó không phải là cách thức mà vật được tạo ra, con biết chuyện này, con biết cái ghế làm bằng kim loại. Kim loại đó khởi đầu là các loại quặng dưới đất, nó phải được đào lên, phải được nấu chảy, phải được biến thành sắt, và chất sắt này phải được chế tạo thêm nữa để có hình dạng nhất định và trở thành chân ghế. Xong lại cần thêm gỗ cũng được chế tạo và ghép vào. Rồi thêm lớp đệm, thêm lớp vải, tất cả những thứ đó phải được chế tạo để làm cái ghế.
Nhưng tất cả những thứ đó mà con gọi là nguyên liệu cũng không xuất hiện hoàn toàn bất ngờ. Quặng sắt nằm dưới đất được tạo bằng những phân tử sắt, nhưng phân tử được tạo bằng những đơn vị nhỏ hơn gọi là nguyên tử, nguyên tử được tạo bằng hạt hạ nguyên tử, và thậm chí hạt hạ nguyên tử được tạo bằng sóng năng lượng. Cho nên khi con đi vào từng giai đoạn cần thiết để tạo ra một hình tướng, một hình tướng mà mắt thấy được, con bước xuống những tầng cấp ngày càng vi tế hơn. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là con lần hồi tiến tới những hình thức đơn giản hơn. Một cái ghế, hay ngay cả một công trình công phu hơn như toàn bộ tòa nhà này, là một cái gì vô cùng phức tạp. Nhưng phân tử thì ít phức tạp hơn, nguyên tử ít phức tạp hơn nữa, và hạt hạ nguyên tử còn ít hơn nữa. Cho nên con hướng về một trạng thái ngày càng ít phức tạp hơn, một hình tướng ngày càng ít rõ rệt.
Vì thế, thật khó mà nhảy được bước nhảy vọt kia và nói rằng: Phải tới một điểm chúng ta có một chất cơ bản, ít ra là chất cơ bản mà chúng ta có thể nhận thức từ vũ trụ này, và chất cơ bản này không có hình tướng nhưng lại có tiềm năng khoác lấy bất kỳ hình tướng nào. Chất này, chúng ta có thể gọi là Phật tánh. Phật tánh, một cách nào đó, là nhiều hơn thế nữa, nhưng ít ra – để giúp con hình dung hay nhận thức được – chúng ta có thể nói Phật tánh là chất cơ bản mà từ đó mọi hình tướng được nặn ra.
Bây giờ sẽ có người bảo là điều trên không phù hợp với hệ tư tưởng khoa học hiện thời, nhưng đó là vì hệ tư tưởng khoa học hiện thời dựa trên một sự bất nhất nhận thức (cognitive dissonance). Khoa học đã chứng minh là con có thể bước xuống những tầng ngày càng sâu hơn, vượt khỏi những hình thức mà mắt người có thể nhìn thấy. Kết luận hợp lý là phải có một chất cơ bản nào đó mà từ đó tất cả mọi thứ được tạo ra. Vấn đề với khoa học là khoa học bị hệ tư tưởng duy vật chi phối đến độ cho rằng không thể có bất cứ gì ngoài vũ trụ vật chất. Và theo cách nhận thức của các nhà chủ nghĩa duy vật, điều này có nghĩa là không thể có một chất nào mà không có hình tướng, bởi vì cái đó sẽ là hư vô, và như người ta hay nói, không có gì có thể hiện ra từ hư vô. Điều này hoàn toàn đúng, không có gì có thể hiện ra từ hư vô, hay chính xác hơn, không có vật gì có thể hiện ra từ hư vô, mà mọi vật hiện ra từ Phật tánh, tức là chất cơ bản. Ý tưởng một chất cơ bản vô hình tướng nhưng lại là nguồn gốc của mọi hình tướng, hoàn toàn phù hợp với các khám phá của khoa học. Có lẽ nó không phù hợp với hệ tư tưởng duy vật, nhưng chẳng qua hệ tư tưởng duy vật chỉ là một trong nhiều cách diễn giải những khám phá của khoa học. Thậm chí hệ tư tưởng duy vật còn không giải thích được tất cả mọi khám phá của khoa học hiện thời, và qua đó con có thể thấy được sự thiếu sót của nó.
Cho nên có một chất cơ bản gọi là Phật tánh mà từ đó mọi hình tướng được tạo thành. Điều này thật sự nghĩa là gì? À, có một khái niệm mà nhiều người rất gắn bó và xem là vô cùng quan trọng. Đó là khái niệm “thực tại”. Một vật hoặc có thật, hoặc không có thật. Nhưng nếu tất cả mọi thứ mà con nhìn thấy trong vũ trụ vật chất được hình thành từ một chất cơ bản vô hình tướng, thì liệu con có thể nói rằng mọi hình tướng mà con thấy là thực hay không? Chúng không có hiện hữu riêng biệt, chúng không có hiện hữu độc lập. Nếu không có Phật tánh, nếu không có chất cơ bản, thì sẽ không thể có hình tướng. Mỗi hình tướng mà con thấy, cái bàn, cái ghế, mặt trời, các vì sao, tất cả đều được tạo ra từ cùng một chất cơ bản. Chất cơ bản cấu tạo cái ghế này có thể được biến hóa, hay đúng hơn, nó có thể được đem trở lại trạng thái vô hình tướng của nó, rồi được sử dụng để nặn ra một hình tướng hoàn toàn khác như một đóa hoa hay một ngôi sao ở xa tít, đó là vì trong Phật tánh đó, trong sự vô hình tướng cơ bản đó, không có thời gian, không có không gian, không có ý niệm địa phương (locality).
Một khi hình tướng, một khi chất cấu tạo cái ghế này, được đem trở lại trạng thái vô hình tướng, nó có thể tức khắc (tức là vượt thời gian) được sử dụng để hình thành một ngôi sao ở xa hàng triệu năm ánh sáng. Vậy liệu con có thể bảo cái ghế này là thực khi nó không có sự hiện hữu độc lập, tự đủ nào hay không? Nó có một sự hiện hữu lệ thuộc, vì rốt cuộc nó phụ thuộc vào Phật tánh, nhưng tự thân nó không thể hiện hữu. Cái ghế này sẽ có nghĩa là gì nếu không có sàn nhà để đặt ghế trên sàn, hay không có một người để ngồi vào ghế? Liệu ghế có đi vào được hiện thực nếu không có những người nghĩ ra nhu cầu ngồi cao hơn sàn nhà? Cho nên, đúng vậy, không có vật gì có thể hiện ra từ hư vô, nhưng Phật tánh không phải là hư vô.
Cho nên con thấy được là mọi vật, mọi hình tướng, đều có một nguồn gốc lệ thuộc, một nguồn gốc phụ thuộc vào lẫn nhau – một lý duyên khởi. Vật không hiện ra trong hư không, nó không hiện ra từ hư không. Nó được tạo bằng một chất cơ bản, nhưng nó được tạo ra vì một lý do, một mục đích. Ghế đã không thể hiện hữu nếu không có sàn, nếu không có tường, nếu không có mái, nếu không có người, nếu không có tất cả những thứ đó. Nó đã không thể được tạo ra nếu không có một địa cầu với quặng sắt, nếu không có cây cối mọc lên thành gỗ, vân vân… cho nên con thấy là không có gì, không có hình tướng nào, có thể được xem là thực trong ý nghĩa tối hậu. Không một vật nào hiện hữu tự thân nó, hiện hữu một cách độc lập. Mọi thứ đều nối kết. Mọi thứ đều nối kết lẫn nhau. Toàn bộ vũ trụ là một tổng thể nối kết duy nhất, một tổng thể tương kết duy nhất. Thật ra điều này phù hợp với các khám phá của khoa học. Các nhà khoa học đã phát hiện là ý niệm địa phương và tách biệt không hiện hữu. Thực tại sâu xa hơn là tính phi địa phương (non-locality), tính tương kết (interconnectedness). Thực tại mà con nhìn thấy khi con đạt được cái mà ta gọi là “giác ngộ” là một thực tại nơi không có vật gì tách biệt ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Mọi thứ đều tương kết. Không chỉ có vậy, mà con còn thấy được là không có vật nào là thường hằng.
Khoa học đã cho thấy điều gì mà nhiều tôn giáo đã không chỉ ra? Khoa học cho thấy là có một tiến trình rất dài đã lần hồi hình thành những hình dạng khác nhau. Không có sự sáng tạo tức khắc, mà sự sáng tạo xảy ra lần hồi khi những gì được tạo ra trước – hay đã đi vào hiện hữu trước – trở thành nền tảng cho những gì đi sau vào hiện hữu. Cho nên một lần nữa, nguồn gốc hình thành tương kết có thể đi trở ngược về rất, rất xa. Ta biết là tâm đường thẳng sẽ nói là phải có một điểm khởi đầu tuyệt đối, nhưng chúng ta hãy gác lại chuyện này một bên để xét thấy rằng chúng ta có thể đi trở ngược lại thời gian trong quá trình lần hồi đó, thì một lần nữa, nó chứng minh tính tương kết của tất cả.
Vậy đâu là mục đích của toàn bộ tiến trình duyên khởi đó, là nơi thực tại sâu xa của Phật tánh khoác vào tất cả những hình tướng khác biệt đó? Mục đích là gì? Các nhà duy vật quả quyết là không có mục đích gì hết; tất cả chỉ xảy ra tình cờ. Tình cở là gì chứ? Họ có thể giải thích được tình cờ là gì chăng? Thế nào là tính ngẫu nhiên (randomness)? Hãy định nghĩa đi. Không thể được. Tại sao vậy chứ? Tại vì tính ngẫu nhiên đích thực không có hình tướng, và trong hệ tư tưởng duy vật, chỉ có những gì có hình tướng mới được xem là thực. Bất nhất nhận thức. Họ tuyên bố là họ có một thế giới quan, nhưng thế giới quan nhằm giải thích mọi vật đã có thể ra đời như thế nào thì phải dựa vào một điều gọi là sự tình cờ, sự ngẫu nhiên. Thế giới quan của họ bảo rằng chỉ vật nào có hình tướng mới thực, nhưng tình cờ và ngẫu nhiên không có hình tướng thì làm sao chúng là thực được đây? Và nếu chúng không thực, làm thế nào chúng có thể tạo ra tất cả những hình tướng mà họ bảo là có thực? Bất nhất nhận thức.
Thêm một tầng lớp bất nhất nhận thức nữa: Con là ai mà tuyên bố rằng chỉ có thế giới vật chất là hiện hữu? Con là ai? Con là sinh thể có khả năng tự nhận biết (self-awareness). Lý do duy nhất con có thể bảo một cái gì đó có thực hay không thực là vì con tự nhận biết. Tự nhận biết đến từ đâu? Liệu con có thể giải thích làm thế nào sự tình cờ và ngẫu nhiên sản xuất ra được khả năng tự nhận biết, là khả năng tìm kiếm trật tự ở mọi nơi? Làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra? Con có giải thích được không? Nếu con không giải thích được thì có lẽ cách giải thích của con không trọn vẹn, thậm chí cách đó có thể là không thực nữa. Vì vậy, nếu con cởi mở đi tìm một cách giải thích khác, thì đó là như sau.
Tất cả những hình tướng mà con thấy trong thế giới vật chất, vật lý, hữu hình, đã được tạo ra vì một mục đích duy nhất: để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một trải nghiệm nào đó. Các con là con người, các con tự xem mình là dạng sống tiến bộ nhất trên địa cầu. Một lần nữa, bất nhất nhận thức. Con tuyên bố, con nghĩ con là một trong những dạng sống chót hết, nếu không là dạng sống xuất hiện chót hết trên trái đất. Có nghĩa lý gì mà bảo rằng dạng sống tiến bộ nhất đã được tạo ra chót hết? Chẳng hữu lý hơn hay sao là nói rằng tất cả những gì đã được tạo ra, tất cả các hình tướng đã xuất hiện, đều xoay quanh dạng sống tiến bộ nhất hầu mang lại cho các sinh thể tự nhận biết này một trải nghiệm nhất định nào đó? Con thử nhìn một nhà hát, mục đích của nhà hát là gì? Để mang lại cho khán giả một trải nghiệm. Liệu nhà hát có xuất hiện từ một tiến trình ngẫu nhiên? Liệu nhà hát có tự nó xây dựng lên, rồi sau khi xây dựng, tự dưng có khán giả ngẫu nhiên hiện ra? Chẳng hữu lý hơn hay sao là nói rằng ngay từ đầu, nhà hát đã được xây dựng với trọng tâm là khán giả?
Thế giới là gì? Trong thế giới ngày nay, người ta có một khái niệm xuất phát từ công nghệ, hẳn là do khoa học đề xướng, gọi là máy giả thực tại (reality simulator). Con có thể đeo vào một cặp kính, đi vào một căn phòng được xây đặc biệt, và bỗng nhiên con nhìn thấy trước mắt một môi trường nhân tạo. Mục đích làm ra máy giả thực tại là gì? Là đem lại cho người sử dụng máy một trải nghiệm cụ thể.
Con sẽ có thể nói trải nghiệm đó không dựa trên thực tại, và người đó không đang trải nghiệm một thế giới có thực. Nhưng người đó cho đó là thế giới thực, y trải nghiệm như thể đó là thế giới thực, và do đó dưới nhãn quan của y, y đang có một trải nghiệm thực. Và bởi vì y có trải nghiệm đó cho nên y có thể thay đổi tâm thức, xoay chuyển tâm thức của mình – tức là y có một thế giới quan đổi khác. Y có thể cảm thấy mình bị ứ một loại trải nghiệm nào đó và rốt cuộc y quyết định mình đã chán ngán trải nghiệm đó rồi. Bây giờ y muốn một trải nghiệm khác hơn.
Một số người có thể hoài nghi và bảo: “Ồ chuyện này hoàn toàn vô lý, không có gì người đó trải nghiệm là thực cả, vậy điều gì khiến bạn chắc chắn là những gì bạn trải nghiệm trong thế gian là thực?” Liệu có khó khăn lắm hay không để làm bước nhảy và nói: “Những gì tôi trải nghiệm trong máy giả thực tại có vẻ thực khi tôi ngồi trong máy.” Vậy chẳng phải là hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại tinh xảo hơn bất cứ gì mà loài người từng chế tạo ra? Chắc chắn con có thể nói là khi con ở trong bầu cõi địa cầu, ở trong một cơ thể vật lý trên địa cầu, những gì con trải nghiệm qua cơ thể đó và những giác quan đó dường như vô cùng hiện thực, phải không con? Và nếu con là một nhà duy vật, con có thể nói: “Nhưng đâu là ích lợi của một trải nghiệm không thực?” Thật không có gì quan trọng thế giới mà con trải nghiệm trong máy giả thực tại có thực hay không. Điều quan trọng là, trải nghiệm mà con đang có, trải nghiệm nhất thời mà con đang có, ảnh hưởng như thế nào lên tâm thức của con? Trải nghiệm thì nhất thời nhưng tâm thức của con thì cứ tiếp nối, và một trải nghiệm nhất thời có thể tác động lên tâm thức của con, đặt nó vào một con đường mới, tạo cho nó một hướng đi mới, mang lại cho nó một ý niệm mới về bản ngã. Đây chính là công dụng của máy giả thực tại.
Điều duy nhất con cần làm là làm bước nhảy đó và nhận ra địa cầu là một bộ máy giả thực tại. Con có thể nói, bởi vì mọi thứ đều là Phật tánh cho nên mọi thứ cũng có thể trở về trạng thái thuần khiết vô hình tướng của nó rồi chuyển thành một hình tướng khác. Không một hình tướng nào trên trái đất là thực ở mức cùng cực. Các nhà khoa học cũng biết ngay cả trái đất cũng đã không luôn luôn hiện hữu và sẽ không hiện hữu mãi mãi. Cho nên theo một định nghĩa khoa học, chúng ta phải nói là không có gì trên địa cầu là thực. Nhưng điều đó có quan trọng lắm không? Điều quan trọng là đối với mấy tỷ sinh thể tự nhận biết đã bước vào máy giả thực tại có tên là trái đất, thế gian có vẻ thực, và vì nó có vẻ thực cho nên nó đem lại cho họ một trải nghiệm khiến tâm thức của họ, ý niệm bản ngã liên tục của họ, xoay chuyển. Đó là toàn bộ mục đích.
Cho nên chúng ta có thể nói, hành tinh địa cầu là một bộ máy giả thực tại được thíết kế để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một loại trải nghiệm đặc thù. Đâu là trải nghiệm mà địa cầu đã được thiết kế để cho con? Có hai loại trải nghiệm, hai loại rất khác nhau mà địa cầu được thiết kế để cho con. Một loại là những trải nghiệm “trầm mình”, là khi con có cảm giác mình đang sống trong một thế giới có thực. Trong tâm con hoàn toàn đồng hóa với cơ thể vật lý và con tự xem mình là một sinh thể có thực, sinh sống trong một thế giới có thực, và thế giới này tác động lên cách nhìn của con về chính con. Nói cách khác, con bị thế gian quy định. Đây là trải nghiệm trầm mình – tuyệt đại số loài người trên hành tinh vẫn ở trong loại trải nghiệm này, vẫn ở trong giai đoạn trầm mình. Họ nghĩ thế giới là thực, họ nghĩ trải nghiệm của họ là thực, và không những họ tin chắc mình ở trong một thế giới thực, mà ngay cả nhận thức của họ về thế giới, ý tưởng của họ về loại thế giới mà họ đang sống, cũng là thực.
Điểm độc đáo của chiếc máy giả thực tại của địa cầu là nó có thể chứa bảy tỷ sinh thể tự nhận biết: họ đều sống trong cùng một môi trường – mặc dù môi trường vỏ ngoài chung quanh hành tinh có thể khác, nhưng họ sống trên cùng một hành tinh – vậy mà mỗi người lại có một trải nghiệm chủ quan cá nhân về hành tinh đó. Nói cách khác, đối với rất nhiều người, môi trường vỏ ngoài là giống nhau, nhưng đối với mỗi cá nhân thì trải nghiệm bên trong lại khác nhau. Tại sao như vậy? Bởi vì như ta đã trình bày, toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng là để đem lại cho các sinh thể tự nhận biết một trải nghiệm đặc thù. Làm thế nào họ có được trải nghiệm đó? À, họ không có trải nghiệm đó bên ngoài tâm họ đâu. Cho dù các triết gia có nói gì, con không thể trải nghiệm thế giới như thế giới là, bởi vì con trải nghiệm thế giới qua tâm con, và điều này có nghĩa là các đặc tính của tâm con sẽ ảnh hưởng đến cách con nhìn thế giới. Ngay cả khoa vật lý lượng tử cũng đã chứng minh là tâm của nhà khoa học ảnh hưởng những đo đạc mà họ quan sát trong thử nghiệm. Cho nên mỗi con người có một trải nghiệm đặc thù của mình. Mỗi con người tin chắc trải nghiệm của mình là thực.
Nhưng cảm nhận thực tại đó đến từ đâu? Nếu thật là mọi thứ được tạo ra từ một chất cơ bản và không có hình tướng nào là thường hằng hay độc lập, thì không hề có thực tại nào bên ngoài tâm con người. Cho nên cảm nhận thực tại phải đến từ bên trong tâm con người – chứ nó đến từ đâu nữa? Vậy làm thế nào hai người có thể sống trong cùng một môi trường mà lại có trải nghiệm rất khác nhau về môi trường đó, chẳng hạn như một tín đồ sùng đạo Cơ đốc tin chắc thế giới vận hành y như Kinh thánh mô tả, trong khi người thứ hai có thể là một người cũng không kém sùng bái như lại sùng bái chủ nghĩa duy vật, sẽ tin chắc thế giới vận hành y như được mô tả trong thánh kinh duy vật? Đó là vì mỗi người mang trong tâm mình cái mà chúng ta có thể gọi là một bộ phin, lọc lựa ra một số tín hiệu đến với mình qua giác quan. Tâm loại bỏ đi một số tín hiệu, và đối với những tín hiệu được phép đi qua, tâm chồng lên trên đó một hình ảnh. Cho nên đối với tín đồ Cơ đốc, thế giới quan Cơ đốc sẽ có vẻ thực, trong khi đối với người duy vật thì thế giới quan duy vật sẽ có vẻ thực. Trong ý nghĩa tối hậu, cả hai thế giới quan đều không thực. Thậm chí, chuyện tranh luận xem cái nào thực hơn cái nào – cái nào đúng hơn cái nào – cũng không có nghĩa lý. Giản dị, chúng chỉ là những thế giới quan được tạo ra trong máy giả thực tại trên địa cầu, và máy giả thực tại là một cái máy chuyên làm đồ giả. Đó không phải là thực tại, mà chỉ mô phỏng thực tại. Có nghĩa là không một thế giới quan nào có thể được chế tạo trong máy là thực. Nó chỉ có vẻ thực khi con nhìn nó từ một góc cạnh nào đó qua một phin lọc nào đó trong tâm – một bộ phin hay một trạng thái của tâm lọc lựa ra một số tín hiệu hay chồng lên những tín hiệu khác một cách diễn giải nào đó. Khi con không chất vấn phin lọc đó, khi thậm chí con không nhận ra đó lả một phin lọc, thì những gì con trải nghiệm xuyên qua phin lọc sẽ có vẻ rất thực đối với con. Đây là “giai đoạn trầm mình” của máy giả thực tại có tên là địa cầu.
Vậy giai đoạn kia là gì? Là “giai đoạn tỉnh ngộ”. Giờ đây con đang bắt đầu thức tỉnh từ cảm nhận mình sống trong một môi trường thực nơi mọi chuyện mình trải nghiệm đều thực. Nhưng làm thế nào con thức tỉnh khỏi cảm nhận đó chứ? Nó chỉ xảy ra sau khi con sẵn lòng tra vấn thế giới quan, tra vấn phin lọc của con – là phin lọc đã loại bỏ ra một số tín hiệu và áp đặt một cách diễn giải trên những tín hiệu mà nó để cho lọt qua. Khi con khởi sự tra vấn thế giới quan này, đó là lúc con bắt đầu tỉnh ngộ. Con thấy gì trên địa cầu chứ? Con thấy là mọi người đã tạo dựng nhiều thế giới quan khác nhau. Đi trở ngược thời gian, con thấy một số nền văn minh đã hiện hữu trên địa cầu nhưng bị phân rẽ bởi khoảng cách, phân rẽ bởi đại dương. Đã có một nền văn minh Maya với thế giới quan khác hẳn thế giới quan của châu Âu vào cùng thời, nhưng do bị chia cách bởi Đại tây dương, cả hai thế giới quan đều không hay biết gì về nhau. Cho nên một nền văn minh có thể tồn tại nhiều thế kỷ mà thế giới quan không hề bị thách thức. Chuyện này cũng tốt thôi, vì nó hoàn toàn phù hợp với công dụng của bộ máy giả thực tại.
Đã có một thời khi có sự cần thiết là những nền văn minh bị chi phối bởi những thế giới quan cá biệt phải sống tách biệt và không tương tác với nhau để thế giới quan không bị thách thức. Đã có một thời khi con người được hoạch định để sống trong bộ máy giả thực tại gọi là địa cầu và không có gì sẽ thách đố thế giới quan của họ. Suốt một thời gian rất đài, họ được phép có trải nghiệm xuyên qua thế giới quan của họ. Nhưng con thấy đó, tâm con người không bao giờ chịu ngồi yên. Con người là một sinh thể không được sinh tạo trong một trạng thái tĩnh tại, mà đã mang sẵn trong bản chất một niềm khao khát vô cùng sâu sắc muốn tăng trưởng.
Do mong muốn tăng trưởng này mà con người không thể nếm mãi cùng một trải nghiệm một cách vô hạn định. Con người không thể trầm mình mãi mãi trong kinh nghiệm đó mà vẫn cứ bảo: “Ôi sao trải nghiệm này quá tuyệt vời!” Có thật không? Con không thể có trải nghiệm đó mãi mãi. Con không thể ở trong cùng trải nghiệm đó mãi mãi vì sẽ tới lúc con bị chán ngấy. Con muốn cái gì hơn thế. Có một giai đoạn khi con chán chê một loại trải nghiệm và giờ đây con muốn một loại trải nghiệm khác. Con muốn một cái gì khác hơn. Đó là tại sao con thấy có những người từng đầu thai trong một nền văn minh suốt nhiều kiếp lại muốn thay đổi, và họ đầu thai trong một nền văn minh khác để họ nếm một trải nghiệm khác mặc dù họ vẫn ở trên trái đất. Cũng sẽ tới một điểm khi giờ đây con không chỉ muốn một loại trải nghiệm khác trong khả năng mà máy giả thực tại địa cầu có thể cống hiến, mà con muốn nhiều hơn những gì con có thể có được trên địa cầu. Đây là thời điểm khi một dòng sống khởi sự giai đoạn tỉnh ngộ.
Yếu tố nào hướng dẫn loại trải nghiệm mà người ta có? Bao lâu họ cần trải nghiệm như vậy? Phải, đó là quyền tự quyết. Tuy nhiên, điều gì cho con khả năng có loại trải nghiệm mà con có thể có trên địa cầu? Như ta vừa nói, cái ghế không tự dưng hiện ra từ hư vô. Một người không hiện ra từ hư vô. Để có thể chế tạo những loại trải nghiệm có mặt trong máy giả thực tại địa cầu, phải cần có nhiều người. Đó là khi con thấy một nền văn minh xuất hiện, có thể với hàng triệu người, và trải nghiệm mà họ có được sẽ tùy thuộc vào sự có mặt và tương tác của tất cả những con người đó. Điều này tạo ra một sự nối kết nào đó giữa các sinh thể này.
Có thể nói mỗi sinh thể tự nhận biết đã, như các chân sư có giảng, khởi đầu với một ý niệm bản sắc chỉ nhỏ như cái chấm. Nếu con sống một mình trong toàn vũ trụ, con sẽ khó lòng mở rộng ý niệm bản sắc đó – chắc chắn con sẽ cần một thời gian rất dài. Nhưng vì con không một mình, vì có những sinh thể tự nhận biết khác trong thế giới của con, cho nên bằng cách tương tác với các sinh thể này, con sẽ khuếch trương được ý niệm bản ngã của mình nhanh chóng hơn. Do con phần nào bị thách đố, con thấy được nhiều cách khác để nhìn cuộc sống, nhiều cách khác để giải thích thế giới. Đây chính là yếu tố giúp cho máy giả thực tại thực hiện mục đích dễ dàng hơn, tức là khiến cho sự nhận biết của những sinh thể đang ngụ trong máy được tăng triển và ý niệm bản ngã của họ được mở rộng. Cho nên có một điểm khi một nhóm người cần sống chung với nhau dưới hình thức nhóm, nhưng họ vẫn cần sống biệt lập để xây dựng ý niệm bản sắc mà họ đã tạo ra trong nhóm.
Cũng đến một thời điểm khi mong muốn trải nghiệm một cái gì hơn nữa trở thành một nét chủ yếu trong tâm của ít nhất một số người, nhưng làm thế nào chuyện đó xảy ra được đây? Làm thế nào con có thể trải nghiệm một điều gì khác lạ hay một điều gì hơn nữa nếu mọi người đều bị kẹt trong cùng một thế giới quan? Trong một số trường hợp, người ta có thể đặt lại vấn đề thế giới quan của mình, nhưng chuyện này chỉ xảy ra khi người ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn tỉnh ngộ – đây chính là thời điểm con bắt đầu tra vấn thế giới quan của mình một cách tự nguyện trong nội tâm. Nhưng rất khó thực hiện sự chuyển đổi này trực tiếp từ giai đoạn trầm mình sang giai đoạn tỉnh ngộ. Đại khái có một bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn đó, là khi một nền văn minh không thể tiếp tục đứng cô lập mãi, và nó tiếp xúc với một nền văn minh khác đã phát triển riêng rẽ suốt một thời gian rất dài. Như con thấy ví dụ nền văn minh Maya đã trải qua hàng bao thế kỷ phát triển tới mức những năm 1500. Nền văn minh châu Âu cũng đã bỏ ra một thời gian rất dài để phát triển cho tới điểm mốc đó. Nhưng giờ đây cả hai gặp gỡ và đây là cơ hội cho cả hai thăng vượt trạng thái cũ. Ta cũng biết một số người sẽ bảo là sự gặp gỡ đó đã đem đến hậu quả thảm khốc cho người Maya khi văn minh của họ bị người Âu châu tiêu diệt tàn bạo. Tuy vậy, đó vẫn là một cơ hội cho cả hai khám phá ra một cách sống khác, một cách nhìn khác về cuộc sống, và đó là một cơ hội tăng triển.
Tất nhiên, con có thể nói là khi hai nền văn minh với thế giới quan khác hẳn nhau bỗng nhiên gặp gỡ, chuyện gì bắt buộc sẽ xảy ra? Cả hai đều đang cảm nhận thế giới quan của mình không chỉ là một thế giới quan mà là thực tại – một thực tại dựa trên một thẩm quyền cao hơn, một chân lý tối hậu nào đó. Do đó sẽ không thể tránh được xung đột, không tránh được va chạm, và ai nấy đều cảm thấy thế giới quan của mình bị đe dọa. Mục đích là gì chứ? Mục đích là khi một nhóm dòng sống, ví dụ mấy tỷ người liên hệ với máy giả thực tại địa cầu, đã phát triển tới một mức nào đó, thì sẽ có một số dòng sống đã phát triển gần hơn tới giai đoạn tỉnh ngộ, trong khi những dòng sống kia vẫn bám vào thế giới quan cũ cùng cảm nhận về thực tại mà thế giới quan này cung cấp, cho nên họ từ chối đặt lại vấn đề. Nếu những người bám víu này cứ được để yên, có thể họ sẽ ở lại trong máy một thời gian rất, rất dài. Thật sự, họ có thể bị kẹt cứng trong thế giới quan đó. Chính vì mọi người, mọi dòng sống sinh sống trong một bộ máy giả thực tại được nối kết với nhau mà mới có sự kiện một số sẽ kéo theo những người khác đi lên, và điều này phù hợp với định luật tự quyết.
Hơn thế nữa, khi con sống trong một nền văn minh biệt lập với một thế giới quan nhất định, con có thể có một trải nghiệm nào đó, nhưng chuyện gì xảy ra khi hai nền văn minh đụng độ? Phải chăng đó cũng chỉ là một trải nghiệm khác hơn, một loại trải nghiệm khác mà con có thể có trong máy giả thực tại? Đầu tiên, con trải nghiệm là chỉ có một thế giới quan, tức là thế giới quan của nền văn minh của con. Sau đó con trải nghiệm là có những thế giới quan khác nữa – và quả thật là có rất nhiều thế giới quan khác hẳn nhau. Tất cả đều quả quyết là mình thực, là mình dựa trên một thẩm quyền cao hơn. Chuyện gì xảy ra khi người ta nhìn ra điều này? Đúng vậy, một số sẽ cố bám vào niềm tin rằng chỉ có thế giới quan của mình mới là đích thực và họ phải ép buộc người khác tuân theo. Nhưng có những dòng sống khác sẽ bắt đầu nghĩ: “Nếu từng nấy thế giới quan khác nhau đều quả quyết là mình thực, thì lôgíc cho thấy tất cả đều không thể thực cùng một lúc. Tất cả không thể đều thực khi chúng khác nhau đến như vậy, thậm chí còn đối chọi lẫn nhau.” Đây là lúc sinh thể khởi đầu giai đoạn thức tỉnh. Y bắt đầu chất vấn một cách ý thức những thế giới quan khác nhau, rồi y đạt tới điểm y bắt đầu tự vấn: “Tại sao con người tạo ra những thế giới quan đó? Tại sao chúng ta cần tới thế giới quan?” Y bắt đầu đặt vấn đề: “Có phải tất cả mọi thế giới quan trên địa cầu đều hạn chế, có phải chúng không mô tả toàn bộ cách vận hành của thế gian? Có chăng một thế giới quan nào cao hơn chưa được thị hiện trên địa cầu?”
Sau đó sẽ đến một giai đọan cao hơn khi con bắt đầu hỏi: “Nếu như không có thế giới quan nào là thực một cách tối hậu thì sao? Nếu như chuyện bàn cãi xem thế giới quan nào là thực, là tối hậu, cũng là vô nghĩa? Nếu như tôi chỉ cần ngừng cảm thấy mình bị đe dọa bởi các loại thế giới quan khác biệt? Nếu như tôi nhìn nhận và nhận ra là một thế giới quan chỉ có một công dụng mà thôi, và công dụng này không phải để quy định thực tại là gì, không phải để mô tả cách vận hành tối hậu của thế gian là gì? Mà công dụng duy nhất của một thế giới quan là để đem lại cho một nhóm người một trải nghiệm nào đó? Vậy tại sao tôi phải lo ngại người khác có thế giới quan khác với tôi? Tại sao tôi lại không nghĩ: Mình hãy tập trung vào thế giới quan của mình cũng như trải nghiệm mình có được qua thế giới quan đó? Mình hãy vui hưởng trải nghiệm đó, trầm mình vào trải nghiệm đó, nếm mùi trài nghiệm đó cho tới khi mình chán chê, và khi mình chán chê, đâu là những chọn lựa mở ra cho mình? Phải, khi đó mình sẽ đi tìm một thế giới quan khác sẽ cho mình một trải nghiệm khác. Chuyện này không có gì sai trái.”
Con có thể xoay chuyển như vậy chỉ trong một kiếp đầu thai, nhưng nếu không, chắc chắn con có thể xoay chuyển thế giới quan từ kiếp này sang kiếp khác. Cuối cùng có thể con sẽ đạt tới một điểm khi con nhận ra nếu địa cầu thật sự là một bộ máy giả thực tại, thì nếu như có gì ở ngoài bộ máy đó thì sao? Nếu như có một thế giới khác ở ngoài máy giả thực tại thì sao? Khi con bước vào căn phòng được xây đặc biệt trên địa cầu để chiếu lên môi trường giả tưởng, con biết là bên ngoài vẫn có một thế giới mà con gọi là thế giới thực tại. Nếu như tất cả những gì mà con đã coi là thực chỉ là một cái máy giả thực tại lớn hơn? Nếu như có một cái gì đó bên ngoài bộ máy đó? Và nếu cái đó là thực hơn, có thể đó chính là thực tại bên ngoài bộ máy? Nói cách khác, những gì mà các chân sư gọi là hành tinh tự nhiên – là những hành tinh đã bước vào vòng xoáy hướng thượng luôn luôn tự thăng vượt – có thể được xem là thế giới thực, trong khi các hành tinh phi tự nhiên là máy giả thực tại. Con cũng có thể nói, toàn bộ bầu cõi chưa thăng thiên là một loại máy giả thực tại, và chỉ cõi thăng thiên mới là thế giới thực, cho dù con muốn nhìn như thế nào.
Tuy nhiên, con cũng có một chọn lựa là đạt tới điểm con nhận ra: “Tôi đã chán chê máy giả thực tại trên địa cầu, tôi đã chán chê những loại trải nghiệm mà tôi có thể có trong máy này rồi. Nếu như tôi “tốt nghiệp” thì sao? Nếu như tôi có thể vĩnh viễn bước ra khỏi bộ máy này thay vì cứ đầu thai lại hoài hoài?” À, làm thế nào con làm được chuyện này? Con yêu dấu, con phải nhận ra là mỗi thế giới quan – bất kỳ thế giới quan nào mà con có thể có bên trong máy giả thực tại tên là địa cầu – cuối cùng cũng không thực. Mỗi thế giới quan như vậy được cung cấp, hay được tạo ra, được sản sinh ra, để tạo điều kiện cho một loại trải nghiệm nhất định nào đó.
Giờ đây con có thể nhìn địa cầu và nói: “Thế còn tất cả những xung đột và cuộc chiến thì sao? Mục đích là để làm gì?” Địa cầu là một loại máy giả thực tại đặc biệt. Con thử nghĩ xem, các sinh thể tự nhận biết được sinh tạo với một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm rồi được ban cho quyền tự quyết để khuếch trương ý niệm bản sắc đó. Khi con mang một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm, làm thế nào con có thể nhận ra là mọi thứ đều liên kết với nhau? Làm thế nào con có thể nhận ra lý duyên khởi mà ta vừa nói đến? Đó, con hiện ra như một sinh thể tự nhận biết, con tự trải nghiệm như một sinh thể riêng biệt, khác biệt mọi sinh thể khác. Con sống trong một môi trường và con cũng khác biệt môi trường đó. Vậy làm thế nào con bắt đầu xây dựng một ý niệm bản sắc? Con phải bắt đầu bằng cách tự xem mình là một sinh thể tách biệt. Đây chính là điều mà một máy giả thực tại như địa cầu được thiết kế để giúp con làm. Nó chỉ được thiết kế để cho con một loại trải nghiệm đặc biệt là trải nghiệm của một sinh thể tách biệt.
Các chân sư có nói là có những hành tinh tự nhiên, và trên hành tinh tự nhiên, con cũng khởi đầu với một ý niệm bản sắc nhỏ như chấm. Con tự xem mình phần nào như là một sinh thể tách biệt, nhưng con nhận ra bản sắc con là nhiều hơn cái bản sắc nhỏ như chấm đó. Đó là tại sao trên các hành tinh tự nhiên, con không có những xung đột giữa các sinh thể tự nhận biết với nhau. Trên địa cầu, con có xung đột vì như các chân sư đã giải thích, một hệ quả cùng cực của quyền tự quyết được ban cho con là con phải có khả năng thám hiểm tất cả mọi cõi lựa chọn mà con có thể. Điều này có nghĩa là con phải có khả năng trải nghiệm trạng thái của một sinh thể hoàn toàn tách biệt có thể làm bất cứ gì mình muốn bất kể hậu quả cho các sinh thể tách biệt khác. Con có thể làm bất cứ gì con muốn và tin tưởng là mình sẽ tránh được hậu quả của việc mình làm.
Hành tinh địa cầu cho con trải nghiệm đó khi con không có cảm giác là mình kết nối với cái ta cao hơn của mình. Con không có cảm giác kết nối nào với những sinh thể khác. Con phủ nhận sự kiện hành động của con gây hậu quả cho người khác, hoặc hậu quả đó quan trọng đối với họ, và nó sẽ tác động lên chính con. Trên một hành tinh tự nhiên nơi các sinh thể nhận biết mọi thứ đều nối kết, họ biết mọi chuyện mình làm sẽ ảnh hưởng đến tổng thể. Trên địa cầu, con có thể có trải nghiệm mình không liên quan gì đến tổng thể, mình là một sinh thể tách biệt sinh sống giữa những sinh thể tách biệt khác, cho nên mặc dù con thấy được hành động của mình gây ra hậu quả vật lý, nó vẫn không gây ra bất kỳ hậu quả nào xa hơn, và nó không có tác động đến tổng thể.
Vấn đề là một khi người ta bước vào cảm nhận tách biệt này, họ có một cảm nhận mạnh mẽ về thực tại rằng: “Chuyện này thực. Chúng ta thực sự là những sinh thể tách biệt. Chúng ta đang sống thực sự trong một thế giới tách biệt. Chúng ta là những sinh thể cao trội trên địa cầu. Chúng ta quan trọng hơn mọi người khác. Tôn giáo chúng ta là tôn giáo chân chính duy nhất và do đó điều cần thiết và chính đáng là chúng ta giết hết những ai không theo tôn giáo chúng ta.” Đây là một trải nghiệm mà con có thể có trong máy giả thực tại trên địa cầu và nó nằm trong toàn bộ phạm vi của quyền tự quyết. Nhưng điều gì xảy ra khi người ta bị mắc kẹt trong loại trải nghiệm đó? Đúng vậy, có một cơ chế an toàn là mặc dù họ trải nghiệm mình là sinh thể tách biệt nhưng kỳ thực họ không tách biệt chút nào, vì họ luôn tương kết với tất cả mọi sinh thể khác ở trong cùng bộ máy giả thực tại, và do đó khi có một số người tỉnh ngộ, điều này sẽ kéo mọi người khác lên theo.
Đó là tại sao con đã thấy trong nhân loại, trong xã hội loài người, có một chiều hướng tiến hóa. Nhiều công nghệ mới đã được khởi xướng cho phép những nền văn minh biệt lập bắt đầu tương tác với nhau, và con thấy được thế giới đã trở nên ngày càng nối kết như thế nào, và mạng lưới internet là giai đoạn mới nhất của chiều hướng này. Bây giờ con thấy các thế giới quan của loài người sẽ bắt đầu chạm trán với nhau nhiều hơn, và đó là vì tập thể loài người đã bước vào khởi đầu của giai đọan tỉnh ngộ. Có mốt số người vẫn còn bám chặt vào tâm thức tách biệt, nhưng chuyện này hoàn toàn phù hợp với định luật tự quyết khi trong máy giả thực tại có những người bị những thế giới quan khác thách đố hầu họ có cơ hội chất vấn thế giới quan của họ.
Con sẽ có thể nói: “Nhưng rất nhiều người không đang nắm lấy cơ hội đó”. Điều này tất nhiên cũng đúng cho kiếp sống này, hay có lẽ cho nhiều kiếp sống, nhưng dù sao đi nữa trong giai đoạn mà địa cầu đang trải qua, hay nhân loại đang trải qua, thì cách cấu trúc của địa cầu khiến con không thể sống trên hành tinh này mà không nhận thức được những thế giới quan khác đang có mặt và không bị thách đố trong thế giới quan của mình. Sẽ tới một điểm, sẽ tới một thời điểm cho hầu hết mọi người khi họ sẽ cởi mở hơn để chất vấn thế giới quan của mình. Điều này sẽ xảy ra đặc biệt là vì con sẽ không mãi mãi đầu thai với cùng một thế giới quan. Nhiều người khi tái đầu thai sẽ chuyển sang một nền văn minh khác hay một thế giới quan khác, cho nên mọi người sẽ đều có cơ hội chất vấn thế giới quan của mình. Sự kiện này nằm trọn trong phạm vi của quyền tự quyết bởi vì mọi người trên địa cầu đều nối kết, cho nên khi một số bắt đầu thức tỉnh, điều hoàn toàn tự nhiên là họ sẽ kéo theo số còn lại, sẽ thách đố số còn lại cũng phải đặt lại vấn đề thế giới quan của mình.
Dựa vào đó, chúng ta có thể nói: “Liệu điều này có đem lại ý nghĩa gì cho nỗ lực khiến người khác chất vấn thế giới quan của họ hay không?” Con nhìn xem khi tín đồ các tôn giáo tin chắc là mình nắm chân lý đích thực duy nhất, hay khi người cộng sản tin chắc là họ có hệ thống chính trị chân chính duy nhất, hay người duy vật tin chắc là họ nắm thế giới quan đúng đắn duy nhất, rồi họ trở thành những nhà truyền giáo ráo riết đi cải đạo người khác, liệu điều đó có đem lại ý nghĩa gì hay không? Tất nhiên là nó đem lại ý nghĩa vì đó là thêm một trải nghiệm mà con có thể có. Trong nguyên tầm trải nghiệm mà máy giả thực tại địa cầu cống hiến, con có thể cảm nhận: “Tôi có thế giới quan cao nhất cho nên tôi cần đi cải đạo mọi người”. Và con mang cảm nhận đó suốt mấy kiếp sống cho tới khi con chán chê và con bước lên một tầm nhìn cao hơn. Bây giờ thì con có thể tập trung trải nghiệm thế giới quan mà con đã chọn, nhưng cuối cùng thì con sẽ bước lên và bắt đầu tra vấn mọi thế giới quan hiện hành trên trái đất để tìm cái gì cao hơn.
Đây là lúc cuộc xoay chuyển có thể xảy ra trong tâm con, vì bước kế tiếp trong nhận biết cao hơn là khi con nhận ra địa cầu là một bộ máy giả thực tại. Nó đúng là thế đó. Nhưng điều con nhìn thấy trong máy giả thực tại địa cầu là con nhìn thấy máy, con nhìn thấy căn phòng con đã bước vào, nhưng máy không chạy được một mình. Bên ngoài căn phòng có nhân viên điều khiển máy, và những vị điều khiển máy giả thực tại trên địa cầu là những sinh thể đã từng, phần lớn, ở trong máy đó và gọi là đã tốt nghiệp. Họ đã chán ngán những trải nghiệm trong máy và họ đã bước ra ngoài, nhưng thay vì bỏ đi luôn, họ đã hiến thân mình để giúp những ai vẫn còn trong bộ máy.
Cho nên ở một mức nào đó, sự chọn lựa mở ra cho con là con nhìn vào thật nhiều những thế giới quan có mặt trên trái đất và nhận ra là chúng đều được tạo ra trong máy giả thực tại. Có lẽ một số trong số đó đã nhận được sự đóng góp từ bên ngoài bộ máy, nhưng sau đó người đời đã sử dụng khả năng tâm thức cố hữu của họ mà phóng chiếu lên các xung lực đến từ ngoài, rồi dựng lên một thế giới quan mới, và thế giới quan này thì được tạo ra bên trong bộ máy. Cho nên một khi con ngộ ra được điều này, con có thể nói: “À, nếu như tôi có thể nhận được trực tiếp từ những vị điều khiển máy ở ngoài thì sao?” Khi đệ tử sẵn sàng, vị thày sẽ xuất hiện. Đó là tại sao suốt bao nhiêu thời đại, một số người đã sẵn sàng tiếp nhận từ ngoài bộ máy giả thực tại và họ đã nhận được.
Khi ta, Phật Gautama, bước chân trên trái đất trong một cơ thể vật lý 2500 năm về trước, có phải ta đã tự mình nghĩ ra giáo lý đạo Phật hay chăng? Liệu ta là một sinh thể vẫn sống trong máy giả thực tại mà lại đưa ra được giáo lý đó? Không đâu. Ta nhận ra sự giới hạn của những thế giới quan mà ta tiếp cận thời đó, và ta đã mở tâm ra để với lên điều gì đó nằm vượt ngoài bộ máy. Và ta đã nhận được, và điều đó đã trở thành giáo lý đạo Phật. Giáo lý này được ban truyền từ bên ngoài bộ máy, và tất nhiên kể từ thời đó, đã có những người không trực tiếp liên lạc với các vị điều khiển máy bên ngoài đã sử dụng thế giới quan cố hữu của họ để đè chồng lên những ý tưởng tạo ra giáo lý mà ngày nay con gọi là đạo Phật. Một số người đã giữ được một độ thuần khiết nào đó của lời dạy ban đầu. Một số khác đã áp đặt một cách diễn giải rất khác với lời dạy ban đầu. Nhưng rất, rất ít người đã dùng lời dạy ban đầu của Phật giáo để nối kết với các vị điều khiển ở ngoài bộ máy.
Khi Giê-su bước chân trên trái đất 2000 năm về trước, thày cũng đã đạt đến mức tâm thức chất vấn mọi thế giới quan mà thày nhìn thấy trên địa cầu. Thày cũng ngộ ra là rất nhiều thế giới quan được tạo dựng hoàn toàn bên trong máy giả thực tại. Chúng dựa trên trải nghiệm của những người bên trong bộ máy. Họ lấy những trải nghiệm đó và đè chồng lên thế giới quan. Điều này cũng tốt thôi vì nó đem lại cho họ một trải nghiệm, và cảm giác trải nghiệm đó là thực. Vấn đề là, nếu thế giới quan do các điều kiện hiện hành trong máy tạo ra không thể giúp con bước ra ngoài bộ máy, thì nó sẽ giữ chặt con lại ở trong đó.
Cho nên Giê-su đạt tới điểm khi thày sẵn lòng nhìn ra điều đó. Và thày đã nhìn ra. Thày ngộ được sự giới hạn của những thế giới quan đó. Thày sẵn sàng chất vấn chúng. Thày sẵn sàng đạt tới điểm nói rằng: “Có thể nào tự mình ta không thể làm được gì? Hay có điều gì đó mà Cha ở bên ngoài ta con thể cho ta, một viễn quan khác hơn là những gì ta có thể nhận được từ bên trong thế gian này?” Và Giê-su với tay ra, và như định luật nói rõ, khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày phải xuất hiện, và Giê-su được ban cho một lời dạy từ bên ngoài bộ máy. Người đời đã làm gì với lời dạy đó chứ? Phải, như Giê-su vừa nói trong bài giảng của thày hôm nay, người đời đã hoàn toàn bóp méo nó đi.
Điều mà thày gọi là “tâm thức Sa-tăng” là cái mà ta gọi là “tâm thức hiện hữu bên trong máy giả thực tại”. Tâm thức đó có khả năng nhận thức một cái gì đó bên ngoài bộ máy, nhưng một khi nó bắt được liên lạc với bên ngoài, nó lại muốn buộc cho sáng ngộ đó phải ép mình vào trong thế giới quan đã được tạo ra trong máy. Nói cách khác, thay vì sử dụng sự tiếp xúc đó với bên ngoài để thăng vượt máy giả thực tại, nó lại sử dụng để củng cố và xác nhận chính cái thế giới quan đã giam nó trong máy.
Có người sẽ bào: “Nhưng đó có chẳng phải là một trải nghiệm khác mà người ta có thể có, khi người ta cảm thấy thế giới quan của mình được xác nhận bởi một thẩm quyền tối thượng, dù họ gọi đó là Thượng đế hay một cái tên nào khác?” Tất nhiên đó là một loại trải nghiệm khác, nhưng một lần nữa, vì mọi sinh thể ở trong bộ máy được nối kết với nhau, điều hoàn toàn bình thường là một số người sẽ với lên một trải nghiệm cao hơn và đem xuống được một điều gì đó có thể thách đố thế giới quan hiện hữu. Dựa vào đó con có thể nói: “Có một số thế giới quan trên địa cầu bảo là có điều gì đó không ổn với tạo vật của Thượng đế và đó là lý do chúng ta chứng kiến bao nhiêu cảnh khốn cùng, bao nhiêu đau khổ và xung đột trên địa cầu.” Nhưng nếu dựa vào viễn quan mà ta vừa trao cho con, không có gì đã đi trật đường.
Địa cầu là một máy giả thực tại được thiết kế để đem lại cho các sinh thể ở bên trong một loạt những trải nghiệm khác nhau. Họ có quyền tự quyết chọn lựa loại trải nghiệm nào họ muốn. Theo một nghĩa nào đó, họ không chọn lựa giữa những trải nghiệm đã từng có, mà họ phần nào có tự do ấn định trải nghiệm của họ, và điều này họ vẫn làm khi họ tạo ra tất cả những thế giới quan đó đụng độ với nhau. Không có gì đã bị trật đường. Vấn đề duy nhất là: “Liệu cá nhân con đã đủ chán chê những trải nghiệm con đang nhìn thấy trên địa cầu hay chưa?” Nếu con đã đủ chán thì con có thể làm hai chuyện. Con có thể tìm cách bắt liên lạc với những vị điều khiển máy bên ngoài bộ máy, và đem xuống một xung lực sẽ giúp con định ra một thế giới quan khác hơn sẽ mang lại cho con một trải nghiệm mà chưa ai trên địa cầu từng nếm mùi. Chuyện này hoàn toàn chính đáng. Nhưng chọn lựa kia là con nhận ra là con đã chán ngán tất cả mọi loại trải nghiệm – là loại trải nghiệm mà con có thể có trên trái đất, loại trải nghiệm mà con có thể có như một sinh thể tách biệt. Con muốn bước lên cao hơn và đi vào nhận thức sâu xa là mặc dù con đã khởi sự như một sinh thể nhỏ như cái chấm, giờ đây con đã khuếch trương ý niệm bản sắc của mình đến mức con ngộ ra là con không phải là một sinh thể tách biệt, mà con là thành phần của một tổng thể tương kết. Thay vì trải nghiệm những gì con có thể trải nghiệm như một sinh thể tách biệt, con muốn có trải nghiệm mình nối kết.
Cho nên khi con đạt đến điểm này, đó là lúc con có thể khởi sự giai đoạn chót của tiến trình tỉnh ngộ có thể dẫn con tới điểm vĩnh viễn bước ra khỏi bộ máy giả thực tại của địa cầu, mà hiển nhiên các chân sư gọi là thăng thiên. Liệu có tên gọi nào khác hay không? Tất nhiên là có, nhưng các chân sư đang trao cho con một lời dạy mà các thày không bảo là lời dạy tối hậu, mà là một lời dạy được thiết kế đặc biệt để giúp cho những ai sẵn lòng bước ra khỏi bộ máy càng nhanh càng tốt. Đối với nhiều người, việc này có thể thực hiện được trong một kiếp người, vì con đã làm xong nhiều chuyện trong các kiếp trước rồi. Cho nên đó là mục đích duy nhất. Các thày không có mục đích cho con chân lý tối thượng vì một lý do vô cùng giản dị. Mục đích giáo lý của chân sư không phải là cho con thêm một loại trải nghiệm để con có thể nếm mùi trong máy giả thực tại địa cầu. Mục đích giáo lý của chân sư là để giúp con vĩnh viễn rởi khỏi máy giả thực tại.
Liệu có những giáo lý nào khác có thể giúp con rời khỏi máy giả thực tại hay chăng? Chắc chắn là có. Đạo Phật là một giáo lý đã giúp được một số người. Đạo Cơ đốc trong dạng thuần khiết cũng đã giúp được một số người. Ngay cả đạo Hồi cũng đã giúp được một số người khi họ đi theo con đường thần bí. Có những giáo lý khác cũng đã giúp được con người. Nhưng những gì các chân sư thăng thiên ban truyền ngày hôm nay được dựa trên tâm thức tập thể của ngày hôm nay. Do đó nó đã được hoạch định cho những ai đã đạt tới những mức độ tỉnh thức cao hơn và đã sẵn sàng bước những bước cuối cùng. Đó là điều mà ta muốn trao cho con trong bài giảng này. Đối với một số người, đây chỉ là chuyện tầm phào. Một số người khác sẽ đọc bài này và bảo là chuyện ngớ ngẩn, vô nghĩa lý. Một số khác sẽ đọc và bảo bài này không thể nào là của đức Phật. Một số khác sẽ đọc và bảo bài này không thể nào của các chân sư thăng thiên. Hãy mặc cho họ có trải nghiệm đó. Điều quan trọng là bài này là gì đối với con?
Con đi theo những lời dạy đánh động được nội tâm của con, những lời dạy mà con biết có thể giúp con bước ra khỏi máy giả thực tại, và khi con thật sự rời khỏi bộ máy đó, chắc chắn ta sẽ ở đó để đón chào con, cùng với Giê-su, Saint Germain, chân sư More, Mẹ Mary và nhiều vị chân sư thăng thiên khác nữa. Thật ra, các thày có thể sẽ đứng xếp hàng để đón chào con. Nhưng một lần nữa, vì các thày ngụ trong tâm duy nhất cho nên chuyện đó cũng hoàn toàn tốt thôi.
Với lời đó, con yêu dấu, ta biết ơn con đã cho phép ta đưa ra lời dạy vừa rồi, bài giảng vừa rồi. Lời dạy đó đã không thể trao cho bất cứ ai, mà chỉ cho những người đã mở tâm mình ra để có khả năng và lòng mong muốn tiếp nhận được. Và con thấy đó, luôn luôn có lý duyên khởi đang vận hành. Chúng tôi là các chân sư thăng thiên không thể truyền rải một điều gì đó trên địa cầu “từ hư vô”. Chúng tôi phải cần đến một ai đó bên trong máy giả thực tại nâng cao tâm thức mình đến mức có khả năng nhận được. Và vì thế ta vô cùng biết ơn. Như vậy, ta niêm ấn buổi hội nghị này trong Ngọn lửa Biết ơn của Phật.