Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels ngày 5/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Sự thật là gì? À, đây là một câu hỏi mà tâm đường thẳng ưa thích, vì nó nghĩ nó có thể định nghĩa một cách rất rõ ràng: Sự thật ngược lại với Không thực. Sự thật là một cái gì ta có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể đặt trên một thang điểm đường thẳng, với sự thật ở một đầu và không thực ở đầu kia.
Quả thật, tâm đường thẳng có thể làm chuyện này với tất cả mọi đức tính của Thượng đế, nhưng nó cảm thấy là nó thật sự kiểm soát được sự thật. Sa nhân đã từ rất lâu, từ lúc họ sa ngã, cảm thấy là họ kiểm soát được sự thật. Họ tin rằng họ có thể quy định sự thật. Lẽ đương nhiên, họ đã không loan báo cho mọi người, tỷ dụ như trên địa cầu, là họ đã quy định sự thật. Thay vào đó, họ loan báo là sự thật được trao truyền bởi một thẩm quyền tối hậu. Do đó, đó là sự thật, chân lý cao nhất có thể có.
21.1. Định nghĩa giản dị nhất của sự thật
Sự thật quả thực là gì? Sự thật là cái gì dẫn con tới gần cái một hơn. Không thực là gì? Không thực là cái gì mang con ra xa cái một. Đây là định nghĩa giản dị nhất của sự thật mà ta có thể đưa ra, ít nhất là trên trái đất.
Lẽ đương nhiên, tâm đường thẳng sẽ rất bất mãn với định nghĩa này, vì làm sao từ đó có thể định nghĩa sự thật là gì? Nhất định phải có một sự thật tối hậu. Nói nó dẫn con tới gần hơn không đủ. Nhất định phải có một chân lý tối hậu, và lúc đó con ở trong cái một. Sự thực là chỉ có đấng Sáng tạo là chân lý tối hậu, như vậy có nghĩa là ở bất cứ tầng nào của tạo vật của Ngài, ở bất cứ tầng nào của thế giới hình tướng, có một chân lý có thể nắm bắt và hiểu ở tầng đó.
Lẽ đương nhiên, địa cầu ở thấp hơn tầng của đấng Sáng tạo rất nhiều, và đó là lý do vì sao các thày đã rất nhiều lần nói là không thể trao truyền một chân lý tuyệt đối trên trái đất, nhưng ta quả thật có thể nói là chân lý tuyệt đối không có ở đâu ngoại trừ nơi đấng Sáng tạo. Bất kỳ con đang ở tầng nào trên bước đường tiến tới hợp nhất với đấng Sáng tạo, nếu con chưa là một với đấng Sáng tạo, đó là vì con vẫn còn thấy một khoảng cách. Do đó có một chân lý giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Cho nên, mục đích của đường tu không bao giờ là hiểu chân lý tối hậu, nhưng là thấy chân lý sẽ dẫn con lên tầng kế tiếp.
21.2. Các tầng thể hiện tiềm năng của cái ta
Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ bất mãn vì nó sẽ nói: “Ồ, như vậy phải có nghĩa là có điều gì sai ở bất cứ tầng nào cho đến khi tới tầng đấng Sáng tạo. Ngay cả các sinh thể trong bầu cõi thứ nhất đã thăng thiên từ rất lâu, đã có rất nhiều thời gian để tăng triển và vượt thăng chính họ, họ vẫn sống trong ảo tưởng.” Một lần nữa, đây lại là tâm đường thẳng, nó phải nghĩ theo kiểu tâm đường thẳng. Nó hoạt động với thang điểm nhị nguyên, và trên một thang điểm nhị nguyên có cực đoan này và cực đoan ngược lại, cả hai đều tối hậu, ta hoặc có sự thật tối hậu hoặc giả dối tối hậu. Con có thể nói là khi con chưa tới sự thật tối hậu thì con vẫn bị ảnh hưởng bởi một sự giả dối, nhưng không phải vậy. Một khi con hợp một với tâm thức Ki-tô, trở thành Ki-tô Hằng sống, thì con biết và trải nghiệm tâm Ki-tô đó, và đó là tâm của cái Một. Con biết là mọi sự là một, nhưng con cũng thấy và trải nghiệm các tầng tâm thức có cấp bậc và con tiến lên theo một tiến trình đường thẳng dẫn con từ nơi con đang ở tới đấng Sáng tạo. Đây không phải là một ảo tưởng.
Một khi con đã thăng thiên từ trái đất thì con không còn ở trong ảo tưởng nữa vì con biết thực tại bên dưới mọi sự là cái một. Con chỉ giản dị ở một tầng nào đó trong tiến trình thể hiện cái ta, và con biết con đang trên con đường dẫn tới những tầng thể hiện cái ta cao hơn cho tới khi con đạt tới trạng thái tối hậu của thể hiện cái ta mà các thày đã gọi là tâm thức đấng Sáng tạo. Đúng ra phải nói đây là trạng thái tối hậu trong thế giới hình tướng này. Con không ở trong ảo tưởng vì con trải nghiệm cái một, và con thậm chí không đặt vấn đề cao hơn hay thấp hơn vì con thuộc vào một tiến trình, một tiến trình luôn luôn tự thăng vượt, là vũ khúc hoàn vũ của sự tự thăng vượt.
Thày Serapis Bey có nói tới sự gia tốc không ngừng, và đây là một khái niệm quan trọng mà con cần xem xét. Lẽ tất nhiên, tâm đường thẳng sẽ gặp khó khăn khi nó xem xét sự tự thăng vượt bất tận, liên tục, gia tốc này. Nó lúc nào cũng đi tìm cái tối hậu, nhưng nó cũng sẽ hỏi tại sao nó cần tự thăng vượt nếu nó đã đạt được một tầng cao? Tại sao con cần tự thăng vượt khi con đã tới tầng 96 và đã trải nghiệm tâm Ki-tô, tại sao con cần tiếp tục tự thăng vượt?
21.3. Dòng sông sự Sống luôn luôn tự thăng vượt
Sự thực là toàn thể tạo vật của đấng Sáng tạo, toàn thể thế giới hình tướng, là cái mà các thày đã gọi là Dòng sông sự Sống. Một dòng sông là gì? Nó là nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu dòng sông ngừng chảy thì nó không còn là một dòng sông nữa. Nó là một hồ nước. Không sớm thì muộn phẩm chất, độ trong sạch của nước trong hồ nước sẽ suy giảm. Nước có thể bốc hơi, nhiều chất cặn và bợn nhơ sẽ có thể xâm nhập nước hồ, và dần dần nước sẽ bắt đầu nhiễm độc. Vì sao nước không nhiễm độc khi ở trong dòng sông? Bởi vì nước di động. Các phân tử nước di dộng và phủi đi những bợn nhơ. Chúng hòa lẫn với khí oxy, cũng giúp trong lọc nước.
Con thấy là toàn thể tạo vật của đấng Sáng tạo là một sự chuyển động lên cao, không ngừng tự thăng vượt. Điều này không có nghĩa là con, như một cá nhân, không thể nói: “Tôi đã đạt một tầng nào đó. Tôi muốn vui hưởng tầng này trong một thời gian.” Con có quyền làm như vậy, nhưng nếu con ở một tầng nào đó quá lâu, thì tâm con sẽ bắt đầu trở nên cũ kỹ. Do đó con sẽ không theo kịp hướng đi lên của Dòng sông sự Sống. Con sẽ ở dưới tầng mà con có thể tới nếu con chịu thăng vượt.
Những người sáng suốt vẫn đang tiếp cận Dòng sông sự Sống thì biết rằng họ có thể đứng yên và vui hưởng cuộc sống trong một thời gian ở một tầng nào đó, nhưng họ sẽ có trực giác khi nào đến lúc tiếp tục tiến bước. Nhiều người trong các con là những người tâm linh đã có cảm nhận đến lúc bước vào một chu kỳ mới. Đã đến lúc cất bước và làm chuyện gì khác. Chân lý chuyển động không ngừng. Có một chân lý ở tầng 48 giúp con khắc phục ngã tách biệt, ảo tưởng ở tầng 48 và vươn lên tầng 49. Có một chân lý khác ở tầng 49, và một chân lý khác ở tầng 50, vân vân. Không phải chỉ có một chân lý. Lẽ tất nhiên, đó là điều tâm đường thẳng muốn: “Hãy cho tôi chân lý, chân lý cao nhất, chân lý tuyệt đối.” Nếu vậy thì đây nhé: Chân lý tuyệt đối là không có chân lý tuyệt đối. Hay ta cũng có thể nói là có nhiều chân lý tuyệt đối. Chân lý mà con có thể nắm bắt ở tầng tâm thức của con là chân lý tuyệt đối ở tầng đó. Lẽ tất nhiên, chân lý là cái giúp con tới gần cái một hơn. Ta không thể đặt cái dẫn con tới cái một lên một thang điểm nhị nguyên, có chân lý ở đầu này và không thực ở đầu kia.
21.4. Khái niệm nhị nguyên về sự thật tối hậu
Sự thật Hằng sống không phải là đối ngược của một sự giả dối. Chỉ những gì do tâm thức nhị nguyên quy định mới có một đối ngược. Tâm thức nhị nguyên quy định cái này là giả dối và đối ngược của nó là sự thật, nhưng cả hai đều xuất phát từ nhị nguyên, và vì vậy cả hai đều tương đối. Chúng chỉ hiện hữu khi có cái kia, có thang điểm nhị nguyên, có tâm thức nhị nguyên. Con có thể nói: “Nhưng phải chăng sự thật dẫn con lên tầng kế tiếp cũng tương đối với tầng đó?” Phải, nhưng không trên một thang điểm nhị nguyên. Khi con ở trên một thang điểm nhị nguyên, con có thể nói: “Đây là một sự không thực” và con có thể bắt đầu tiến về phía đối cực kia trên thang điểm. Con có thể nghĩ con đã đi một hành trình dài từ sự không thực tương đối đến sự thật tương đối, nhưng con đã không tới gần cái một hơn. Con vẫn ở trong nhị nguyên, và đó là lý do vì sao khi con nghĩ con là một người tốt đang nắm giữ chân lý thì con không đến gần cái một hơn. Ý nghĩ này chỉ tiếp tục giam con trong nhị nguyên.
Thày có thể bảo đảm với con là những người tin rằng họ có chân lý tối hậu là những người mà thày khó tiếp cận nhất. Vì sao họ lại cần đến Thượng sư của Tia thứ Năm khi họ đã có chân lý tuyệt đối rồi? Thày có thể cống hiến gì cho những người đã có chân lý tuyệt đối được quy định ở đây trên trái đất? Con có thể nói: Nhưng, thày, Hilarion, là một chân sư thăng thiên! Thày ở một tầng tâm thức cao hơn, do đó lẽ dĩ nhiên thày có thể cống hiến cái gì đó cho những người chưa thăng thiên. Nhưng những người kia không thấy vậy đâu. Con hãy nhìn sự kiện trang mạng Hỏi Giê-su Thật (https://askrealjesus.com/) đã xuất hiện trên mạng được hơn 20 năm. Con có thực sự nghĩ là các vị Hồng y của Giáo hội Công giáo chưa nghe tới hay chưa xem trang mạng này? Họ có thay đổi gì chăng dựa trên các điều được công bố trên đó? Họ có mở lòng xem xét là Chân sư Thăng thiên Giê-su có thể hiện đang hướng dẫn con người tu tập? Lẽ dĩ nhiên là không. Tại sao họ lại cần Chân sư Thăng thiên Giê-su khi họ đã có chân lý tuyệt đối trong giáo điều của họ?
Con thấy là nhiều người khác, tỷ dụ như người cộng sản, duy vật, tranh đấu môi sinh, triết gia thuộc trường phái này hay trường phái nọ, lãnh đạo tôn giáo này tôn giáo kia, họ đều không cần đến các chân sư thăng thiên. Họ không muốn các chân sư thăng thiên. Họ không muốn các đức tính thiêng liêng, vì họ muốn trải nghiệm ý niệm cao trội hơn người mà họ có khi họ tin là họ có chân lý tuyệt đối. Nếu con tin rằng con có chân lý tuyệt đối, thì có thể nào có chân lý nào cao hơn? Bất cứ ai, ngay cả các chân sư thăng thiên, có gì để cống hiến cho con? Lẽ tất nhiên, các con là đệ tử chân sư thăng thiên đã thăng vượt tầng tâm thức này, nhưng con cần nhận ra là các ngã tách biệt của con, các ngã tách biệt còn sót lại, chưa thăng vượt tầng tâm thức đó. Cái Ta Biết của con đã thoát khỏi sự đồng hóa hoàn toàn với các ngã đó, nhưng con vẫn còn các ngã đang pha màu tầm nhìn của con, và khiến con tin rằng con đã đạt được một tầng hiểu biết tối hậu hay một tầng tâm thức tối hậu nào đó.
21.5. Mở lòng đón nhận một chân lý tuần tự cao hơn
Đây là điều đã xảy ra cho nhiều đệ tử tâm linh qua các thời đại, nhưng điều đó cũng đã xảy ra cho các đệ tử chân sư thăng thiên, đặc biệt là trong các đợt truyền giáo trước, khi họ nghĩ là họ đã có giáo lý cao nhất hay sự tiết lộ sau cùng mà các chân sư thăng thiên ban ra, và do đó tại sao họ lại cần gì khác? Tại sao họ lại cần tiết lộ tuần tự?
Con luôn luôn cần xem chừng khuynh hướng này nơi một ngã tách biệt hay thậm chí sự hình thành một ngã tách biệt khiến con nghĩ: “Tôi đã đi trên con đường tu nhiều năm rồi. Tôi đã dụng công nhiều rồi. Tôi đã đọc nhiều bài chú rồi. Chắc chắn là tôi đã đạt một trình độ nào đó rồi.” Con quả thật có. Con đã tiến bộ, con đã đạt một tầng nào đó, nhưng chưa phải là tầng tối hậu. Nếu con đã đạt tầng cao nhất có thể đạt được trên địa cầu thì con đã thăng thiên. Khi con đã đạt được tầng tối hậu có thể đạt được trên trái đất thì con sẽ không còn trên trái đất nữa. Nếu con còn ở trên trái đất thì, ấy, con vẫn còn một tầng cao hơn để con vươn tới, và làm sao con vươn lên tầng đó? Bằng cách với tới chân lý cao nhất mà con có thể nắm bắt ở tầng hiện nay của con, và chân lý đó sẽ dẫn con lên tầng kế tiếp.
Trong đợt truyền giáo này, con không dễ bị kẹt vào trạng thái tâm thức đó nếu con nghiên cứu và cố gắng thể nhập giáo lý. Các thày đã nói rõ về nhu cầu tiến bộ liên tục hơn là trong các đợt truyền giáo trước. Tuy nhiên, tự ngã lúc nào cũng là tự ngã, và nó lúc nào cũng làm những gì tự ngã vẫn làm: nó tìm cách chặn sự tiến bộ của con ở bất cứ tầng nào. Con cần mở lòng đón nhận một chân lý tuần tự cao hơn. Đó là một phần vì sao các thày đã trao truyền các giáo lý tuần tự cao hơn, nhưng cá nhân con cần mở tâm đón nhận khai ngộ kế tiếp giúp con nhìn thấu suốt ảo tưởng hiện thời của con, và như vậy con vươn lên tầng kế tiếp.
21.6. Tặng phẩm và bài hình dung của thày Hilarion
Con nhận được khai ngộ này từ đâu? Con sẽ nhận được từ Hiện diện TA LÀ của con. Con sẽ nhận nó từ các chân sư thăng thiên của con, nhưng con cần phải yêu cầu, con cần phải mở tâm ra đón nhận. Như các thày đã nói rất nhiều lần, các thày sẽ không vi phạm quyền tự quyết của con. Con chắc chắn có thể yêu cầu thày, Hilarion, chỉ cho con thấy chân lý kế tiếp. Con có thể đọc bài chú Chân sư Thăng thiên Hilarion. Con có thể dùng quyển sách Những Khai ngộ Thần bí về Viễn kiến để hòa điệu với thày. Con có thể tìm trong bài chú của thày hai câu thực sự hấp dẫn con, học thuộc lòng hai câu này, thiền quán về chúng, và con sẽ thấy con nhận được hướng dẫn của thày nếu con gần Tia thứ Năm. Con có thể dùng nhiều dụng cụ, nhưng thày sẽ cho con ở đây một dụng cụ đơn giản như các Thượng sư khác đã làm.
Đây là dụng cụ giản dị đó: con đi vào một căn phòng yên tĩnh, con ngồi tư thế thoải mái, nhắm mắt lại và con hình dung con có hai con mắt. Nếu con nghĩ về chuyện này thì con biết là con có hai mắt để thấy được chiều sâu. Con có thể lượng định khoảng cách giữa con và một vật một cách chính xác hơn vì con có cái nhìn song đôi đó. Có hai mắt không phải là nhị nguyên. Các thày không bao giờ nói rằng khi con thoát khỏi nhị nguyên thì hai mắt của con sẽ bắt đầu di chuyển gần nhau hơn cho tới khi chúng hợp thành một con mắt ở giữa trán của con.
Lẽ tất nhiên, con có một mắt thứ ba, đó là luân xa mắt thứ ba, nhưng bài hình dung này dựa trên con có hai mắt, và con hình dung hai mắt di chuyển xa nhau ra cho đến khi chúng cách thân thể con một quãng. Sau đó, con dùng mắt nhìn về phía trước và con thấy trước mỗi mắt là một đường thẳng. Con theo đường thẳng đó nhìn về quãng xa. Nếu con có chút hiểu biết về hình học, thì con biết là phối cảnh sẽ khiến con thấy giống như hai đường thẳng sẽ càng ngày càng gần nhau hơn khi con càng đi ra quãng xa.
Con cũng có thể biết thuyết không gian-thời gian cho rằng tất cả các đường song song sẽ rốt cuộc nhập một, gặp nhau. Con chỉ cần phóng chiếu về khoảng xa, thật xa để hai đường thẳng từ hai mắt con càng ngày càng gần nhau hơn cho tới khi tới một điểm, bất kể điểm này xa tới đâu, hai đường thẳng nhập một và trở nên một đường. Sau đó, con tiếp tục hình dung con theo đường thẳng đó xa nhất mà con có thể hình dung. Khi con đã hình dung đường thẳng duy nhất đó thì con rút sự chú ý của con trở về trán, trở về mắt thứ ba của con. Sau đó, con cho phép mình trải nghiệm viễn quan một mắt đó.
Một lần nữa, đây là một bài thực tập giản dị mà nhiều người sẽ cho là quá thô sơ, nhưng nếu con cảm thấy gần Tia thứ Năm thì con hãy thực tập bài này và sẽ thấy là kinh nghiệm không thô sơ chút nào và có thể sâu sắc hơn những gì con tưởng tượng lúc này. Sự thật rất giản dị. Chỉ có trong nhị nguyên thì sự thật mới có vẻ phức tạp bởi vì sa nhân muốn sự thật phức tạp. Họ muốn biến mọi chuyện thành phức tạp để họ có vẻ cao trội hơn người khác vì họ có thể nắm bắt, hiểu hay quy định hệ thống tư duy tinh vi, trí thức và đường thẳng đó. Họ là những người quá ư thiện xảo trong khi con người không hiểu được do đó họ phải tuân theo các lãnh đạo.
Con hãy nhìn xem cách Giáo hội Công giáo đã phóng chiếu trong suốt 17 thế kỷ là con người không thể hiểu thực tại tâm linh và phải được giảng dạy với từ ngữ thật đơn giản. Con hãy thấy là họ đã suốt bao năm đốt sách, từ chối không chịu dịch Thánh kinh để con người không thể tự mình đọc Thánh kinh mà phải trông cậy vào sự diễn giải của các linh mục Công giáo. Sa nhân lúc nào cũng nghĩ rằng con người không thể biết sự thật. Chỉ có họ mới biết được sự thật. Lẽ dĩ nhiên, một sa nhân sẽ không bao giờ biết được sự thật cho tới khi y bắt đầu với tới sự thật Ki-tô duy nhất mà y có thể hiểu ở tầng tâm thức hiện tại của mình và sau đó tiếp tục với lên sự thật kế tiếp cho tới khi y không còn là sa nhân nữa.
21.7. Sự thật như là kết quả của vun bồi hiểu biết
Như Giê-su có nói, tâm thức Ki-tô ở khắp mọi nơi. Ở mỗi tầng tâm thức, có một biểu lộ của tâm thức Ki-tô có khả năng đập tan ảo tưởng ở tầng tâm thức đó và giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Có một chân lý ở mỗi tầng tâm thức, nhưng đó không phải là chân lý tối hậu. Đó là chân lý giúp con vươn lên tầng kế tiếp. Tiến trình này sẽ tiếp diễn từ tâm thức hiện tại của con cho tới tiềm năng cao nhất của con là tâm thức của đấng Sáng tạo.
Do đó, chân lý không thể bị gò bó vào bất cứ tầng nào, và vì vậy không ai trên cõi thăng thiên tuyên bố hay tin rằng vị ấy đã đạt được chân lý tối hậu. Các thày đều trải nghiệm chân lý là Dòng sông sự Sống đang hằng sống, tuôn chảy, mà con có thể lần theo về cội nguồn. Và cũng có chân lý cao nhất mà con có thể đạt được trong thế giới hình tướng. Lẽ đương nhiên, vượt quá nơi đó là cái mà các thày đã gọi là cái Tất cả, nhưng các thày không muốn mô tả bằng lời vì nó quá xa vời các hình tướng và khái niệm mà con có trong thế giới hình tướng này.
Một số các con sẽ được lợi ích nếu con suy ngẫm là con đã lớn lên với một quan niệm rất sai lệch về chân lý, đặc biệt là nếu con đã theo học bất cứ học viện cao đẳng nào, tỷ dụ như một viện đại học. Nhiều người coi những viện giáo dục cao đẳng này như các nơi vun bồi hiểu biết và minh triết, và họ nghĩ là nếu họ tích lũy hiểu biết lâu đủ thì họ sẽ đạt được chân lý. Một số còn nghĩ là họ đã đạt được chân lý rồi, ít nhất là trong một số lãnh vực của đời sống. Nhiều người trong các viện giáo dục cao đẳng tin rằng viễn quan duy vật và thuyết tiến hóa của Darwin biểu hiện chân lý tối hậu mà không có hiểu biết nào có thể vượt qua. Lẽ tất nhiên, đây là một ảo tưởng, như lịch sử đã chứng minh. Đã có nhiều giai đoạn trong lịch sử khoa học khi các khoa học gia, ít nhất là các khoa học gia duy vật, đã nghĩ rằng họ đã đạt được hiểu biết tối hậu, tỷ dụ như của các định luật vật lý học. Lúc nào cũng đã có một hiểu biết cao hơn xuất hiện và thay thế hiểu biết cũ.
Như các thày có nói, các định luật của Newton đã không trở nên vô hiệu lực, nhưng niềm tin các định luật của Newton mô tả sự vận hành cơ bản của bộ máy hoàn vũ đã được thay thế bởi một hiểu biết cao hơn dưới dạng thuyết tương đối (relativity) và vật lý lượng tử (quantum physics). Nhiều khoa học gia đương thời biết rằng thuyết tương đối và vật lý lượng tử là hai thuyết không tương hợp. Lẽ tự nhiên, hiện trạng này không thể là hiểu biết cao nhất. Rốt cuộc sẽ có một lý thuyết về mọi thứ (theory of everything), tuy rằng nó cũng sẽ không bao giờ đầy đủ. Ít nhất sẽ tới một điểm có một lý thuyết bao trùm những yếu tố cơ bản về sự vận hành của thế giới.
Tuy nhiên, thuyết này nhất định phải bao gồm tâm thức. Lẽ tất nhiên các thày cảm thấy khích lệ là một số khoa học gia đã bắt đầu nhìn nhận chuyện này và thăm dò ý nghĩa là gì và một lý thuyết khoa học bao gồm tâm thức sẽ như thế nào, khi lý thuyết này không coi tâm thức như một hiện tượng nằm trên sự vận hành của não bộ mà là một sắc thái căn bản của vũ trụ. Các khoa học gia này đã bắt đầu công nhận là vũ trụ không thể xuất hiện nếu không có một hình thức nhận thức nào đó, mà một số đã gọi là “tác nhân có nhận biết”.
Nếu con đã tiếp thu bất cứ giáo dục cao đẳng nào thì một việc xây dựng mà con có thể làm là xem xét các ngã tách biệt mà con đã có thể tạo ra khi con đáp ứng với môi trường tư duy đó. Nó phóng chiếu đến con là mục đích của nếp sống hàn lâm là tích lũy hiểu biết và dữ liệu cho tới khi đạt được một hiểu biết tối hậu nào đó.
21.8. Tổng thể hơn các thành phần cộng lại
Con cũng có thể được lợi ích nếu con suy ngẫm là con đã bị lập trình, nói theo nghĩa bóng, bởi nền giáo dục cao đẳng để theo phương pháp giản hóa (reductionist), đã có từ thời Aristotle. Ông này đưa ra quan điểm nếu ta nên nghiên cứu các thành phần càng ngày càng nhỏ cấu tạo thế giới vật chất thì rốt cuộc ta sẽ tới được các thành phần cơ bản của vật chất. Khi ta hiểu được cách các thành phần này vận hành thì ta hiểu được cách toàn thể vũ trụ vận hành. Đây là phương pháp đã hướng dẫn khoa học từ rất lâu nay, nhưng phương pháp này hoàn toàn sai lạc. Phương pháp giản hóa sẽ không bao giờ tìm ra cách thế giới vận hành, một phần vì nó không bao gồm tâm thức, và phần kia vì nghiên cứu các thành phần không thể cho biết cách tổng thể vận hành.
Con không thể xem xét một tổng thể, tỷ dụ như thân thể con người, và hiểu được cách nó vận hành bằng cách xem xét các thành phần càng ngày càng nhỏ cấu tạo nên nó, như các tế bào, phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản. Chắc chắn là cơ thể được cấu tạo bởi hạt cơ bản, nhưng con có thực sự tin rằng – và đúng là các nhà duy vật tin điều này, nhưng có phải vậy mà tin tưởng này có giá trị? – nếu con hiểu tất cả mọi chuyện có thể hiểu về các tỷ tỷ hạt cơ bản cấu tạo thân thể vật lý, thì một ngày kia con sẽ giải thích được vì sao con thích sôcôla hơn các loại kẹo khác? Làm sao mà thông tin này có thể được ghi mã vào các hạt cơ bản? Nhưng đó là một phần của đời sống của một con người, vì theo câu ngạn ngữ nhân gian, tổng thể hơn các thành phần cộng lại. Do đó, nếu con muốn hiểu tổng thể thì con cần nhìn vào, nghiên cứu tổng thể, thay vì chỉ nghiên cứu các thành phần. Lẽ dĩ nhiên, nếu con muốn hiểu con người vận hành ra sao thì con phải nghiên cứu tâm con người. Con phải nghiên cứu tâm thức.
Khoa học gia đã quy định cái mà họ gọi là bài toán khó khi nghiên cứu tâm thức, đó là: Làm sao các thành phần không có nhận thức cấu tạo não bộ vật lý lại có thể tạo ra trải nghiệm có nhận thức? Đây chỉ là một bài toán khó khi họ tiếp cận vấn đề với tầm nhìn duy vật. Tâm thức không do các thành phần của não bộ tạo ra. Tâm thức là một cái gì độc lập với não bộ có thể tương tác với não bộ, và phần nào nhập chung vào não bộ, nhưng não bộ không tạo ra tâm thức. Chính tâm thức đem lại sinh hoạt và sự sống cho não bộ và thân thể vật lý. Con sẽ không bao giờ hiểu được con người bằng cách xem xét não bộ.
21.9. Tâm thức là gì?
Con cần xem xét tâm thức, là lẽ tất nhiên câu hỏi đặt ra là: Tâm thức là gì? Tâm thức có thể được xem là thực tại nền bên dưới mọi sự, nhưng con không thể hiểu tâm thức nếu con chỉ nhìn nó như thực tại nền. Tâm thức có nhiều biểu lộ, nhiều tầng. Ở một tầng, ta có thể nói tâm thức là cái có tiềm năng mang hình tướng và duy trì hình tướng trong một khoảng thời gian, và đây là loại tâm thức đưa đến sự hiện diện của các vật vô tri giác.
Sau đó có một tầng tâm thức cao hơn biểu lộ như các hình tướng sống, các sinh thể, có sự sống, có khả năng thay đổi, thích nghi với môi trường, sinh sản. Tầng tâm thức này kích động tiến trình mà khoa học gia gọi là tiến trình tiến hóa, một tiến trình mà họ cho là vô thức. Tiến trình này không thực sự vô thức, vì làm sao một sinh vật có thể thích nghi với môi trường khi nó không có một dạng tâm thức cho nó khả năng nhận tín hiệu từ môi trường và điều chỉnh cách cư xử của nó theo tín hiệu? Thậm chí tiến trình tiến hóa cũng không là một tiến trình duy vật vô thức, ngay cả khi nó ứng dụng vào sự tiến hóa của thú vật.
Lẽ tất nhiên, sau đó là tầng tâm thức cao hơn mà ta có thể thấy nơi con người. Đây là tiềm năng cho phép con người tự nhận biết, là khả năng chọn lựa một cách có ý thức và cố ý cách con đáp ứng với môi trường. Ở tầng tâm thức của thú vật, các sinh thể không đáp ứng một cách có ý thức và cố ý. Thú vật đáp ứng dựa theo những gì đã được ghi mã trong tâm thức của chủng loại, tâm thức tập thể của chủng loại. Các cá nhân hầu như bị tâm thức tập thể đó hoàn toàn sai khiến, và do đó đáp ứng theo những trải nghiệm mà chủng loại đã tích lũy trong một thời gian dài dựa trên kinh nghiệm sinh tồn. Ở mỗi cá nhân, đây là một tiến trình vô thức. Với con người, con có tiềm năng ý thức về tiến trình này, biết chính mình và quyết định là con không chỉ đáp ứng trên căn bản trải nghiệm tập thể. Con sẽ đáp ứng như một cá nhân, và con sẽ thăng vượt tập thể.
Lẽ đương nhiên, đây chính là nền tảng của con đường tâm linh, mà chủ yếu là con không chỉ giản dị làm theo tâm thức tập thể. Con không chỉ đơn giản làm theo cách hành xử mà con đã được dạy dỗ trong nền văn hóa nơi con khôn lớn. Con nhìn nhận là có cách sống khác hơn cách sống bình thường này. Con có thể hơn một con người phàm bình thường. Con có thể chọn nâng tâm thức mình ngày càng cao hơn một cách có hệ thống. Lẽ tất nhiên, nếu các khoa học gia chịu nghiên cứu tâm thức thì họ sẽ nhận ra, như một số đã bắt đầu nhận ra, là phải có các tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, vì nếu không có những tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, thì làm sao địa cầu, mặt trời, các thiên hà được tạo ra?
21.10. Tầng tâm thức thị hiện vũ trụ
Có những người khóa mình vào suy luận trí năng và nói rằng mặt trăng không có đó khi không có ai nhìn nó. Vũ trụ chỉ hiện hữu khi được quan sát. Vì họ không nhìn nhận là có thể có các tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức con người, nên họ nghĩ chính sự quan sát của con người khiến vũ trụ thị hiện. Lẽ dĩ nhiên, đây là một ngõ cụt và quả thực là một lối suy nghĩ nực cười, khi ta thấy trình độ tâm thức của con người trên trái đất.
Giải đáp hợp lý duy nhất là có một tâm thức cao hơn đã hình dung các thiên hà, toàn vũ trụ. Đây chính là tầng tâm thức đã thể hiện vũ trụ, và đây cũng là tầng tâm thức đã duy trì vũ trụ từ đó tới nay. Vậy thì vũ trụ có đó chăng khi không có ai nhìn? Theo đúng lý thuyết thì không, nhưng lúc nào cũng có ai đang nhìn. Lẽ tất nhiên, ai đó không phải là một sinh thể mà là toàn thể đại đoàn các chân sư thăng thiên, lên đến tận đấng Sáng tạo.
Đấng Sáng tạo đã quy định các hàm số của sự sáng tạo và lúc nào cũng đang nhìn. Nhiều sinh thể khác đã quy định hàm số ở các tầng cấp khác, đi xuống tận nơi con đang ở trên trái đất. Như các thày là chân sư thăng thiên đã giảng, các Elohim đã tạo ra trái đất và mang nó vào biểu hiện vật lý. Các vị đó duy trì nó bằng cách nhìn nó, nhưng các vị ấy làm việc theo khung sườn của các chân sư thăng thiên ở trên họ, ở tầng thái dương hệ, tầng thiên hà, tầng vũ trụ và ở các bầu cõi cao hơn bầu cõi này.
Con là con người đang đầu thai không thể vươn tới nhận biết của bầu cõi cao nhất, của những tầng tâm thức cao nhất, nhưng con có thể cảm nhận xuyên qua tâm thức Ki-tô là con thuộc vào toàn bộ đại đoàn chưởng giáo, lên đến tận đấng Sáng tạo. Con là một nối dài của đại đoàn chưởng giáo, con là một người đồng-sáng tạo với đại đoàn. Đây là điều cho con ý niệm tối hậu về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống và hướng đi của mình, mình đang đi đâu, mình muốn tới đâu, điều mình muốn đồng-sáng tạo, những gì mình muốn trải nghiệm, cách mình vươn lên các tầng tâm thức cao hơn để có thể đồng-sáng tạo hơn những gì mình có thể làm ở tầng hiện tại.
21.11. Xem mình là một thành phần của đại đoàn chưởng giáo toàn vũ
Cốt lõi của việc kết nối với các chân sư thăng thiên là tới điểm nhận ra con là một phần của đại đoàn đó, lên đến tận đấng Sáng tạo. Có thể là con không thể hình dung tầng tâm thức của đấng Sáng tạo, nhưng ít ra con có thể hình dung tầng tâm thức ngay trên con, tức là các thày, các Thượng sư? Con có thể kết nối với các thày chăng? Lúc đó con sẽ kết nối với toàn thể đại đoàn chưởng giáo, và con sẽ có được một ý niệm bản sắc mới, một ý niệm mới về mục đích đời mình, ý niệm mình thuộc vào một kế hoạch vĩ đại đang trải bày, và con sẽ có một tầm nhìn mới về cuộc đời trên trái đất.
Như các thày có nói: các thày hiểu là đầu thai trên trái đất vào lúc này khó khăn như thế nào. Khi con có được ý niệm con thuộc vào đại đoàn chưởng giáo thì con có thể tránh bị các điều kiện trên trái đất đè nặng, tránh đồng hóa mình với chúng, tránh bị ý muốn thay đổi chúng ám ảnh và cưỡng chế. Con có thể hoàn toàn xoay chuyển tầm nhìn của mình. Con khắc phục mọi thái độ dựa trên thiếu hụt và đi vào tâm thái tích cực, nhận ra là con đã tới một điểm tốt lành rồi và thực sự không có gì trên trái đất có thể ngăn cản con tiếp tục thăng vượt chính mình và vươn lên các tầng tâm thức cao hơn. Các thày là Thượng sư chỉ muốn thấy vậy nơi mỗi người và tất cả chúng con. Ở thời điểm này, đây chính là điều mà các thày đã hiến dâng cuộc đời mình để giúp con đạt được, để con có thể vươn lên tầng tâm thức mà các thày đã đạt tới khi thăng thiên và sau đó, lẽ tất nhiên, lên cao hơn nữa như các thày đã làm.
Con yêu dấu, đây là điều mà thày muốn trao cho các con. Nếu con cảm thấy đồng điệu với Tia thứ Năm, thì thày tin rằng bài giảng này sẽ có lợi ích cho con và giúp con kết nối với thày và các vị chân sư khác thuộc Tia thứ Năm, và qua đó tạo điều kiện để con kết nối với Hiện diện TA LÀ của con. Tới đây thì thày niêm con trong Ngọn lửa Sự thật mà thày LÀ cho địa cầu.