Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Portia qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/3/2013.
Portia, THÀY LÀ. Thày giữ một chức vụ tâm linh thường được gọi là Nữ thần Công lý. Nhưng thày cũng là Nữ thần Cơ hội, vì công lý là gì nếu không có cơ hội? Dựa trên những gì con được dạy trên trái đất thì con có thể không thấy ra điều này, vì con thường thấy hình ảnh của Nữ thần Công lý là hình tượng một phụ nữ, một tay cầm cân, tay kia có thể cầm kiếm và có một dải băng bịt kín đôi mắt.
Nhưng tại sao Nữ thần Công lý lại bị bịt mắt? Và tại sao cái cân thày cầm lại mất cân bằng? À, bởi vì loài người bị mất cân bằng. Loài người mất cân bằng trong tâm thức cá nhân, và tâm thức tập thể cũng mất cân bằng. Khi con mất cân bằng, con không có được một cái nhìn trong trẻo, mà con lại nhìn bằng nhận thức ô uế, rồi con phóng chiếu nhận thức này lên mọi thứ xung quanh con.
5.1. Nữ thần Công lý không bị đui mù
Đó cũng là lý do tại sao con người đã phóng chiếu nhận thức mất cân bằng của mình lên Nữ thần Công lý, cho rằng thày chắc hẳn đã đui mù vì thày cho phép nhiều chuyện họ nhìn thấy xung quanh họ xảy ra trên trái đất. Vì nếu Nữ thần Công lý không bị mù, thì làm sao chuyện này hay chuyện kia được phép xảy ra?
Nhưng con thấy đấy, Nữ thần Công lý, chức vụ mà thày đang nắm giữ, liên quan rất ít đến các tiêu chuẩn về công lý mà con người đã tạo ra trên trái đất. Như các thày đã giải thích nhiều lần, khi con ở trong tâm thức tách biệt, con sẽ thấy chính mình đang đối đầu với người khác. Nếu họ không tuân thủ theo cách con nghĩ mọi việc cần phải thế này hay thế kia, thì con sẽ khởi lên mong muốn đánh nhau, huỷ diệt hay trừng phạt họ. Nếu chính con không có quyền năng làm điều này với họ thì con sẽ muốn Thượng đế làm thay con.
Tại sao con không có quyền năng làm điều này? Vì như các thày đã giải thích, một khi con bước vào tách biệt, rõ ràng con bị kẹt trong khuôn mẫu hành động và phản ứng. Khi con phản ứng các tình huống một cách mất cân bằng thì phản ứng của con trở thành một hành động mất cân bằng, rồi con lại phóng chiếu hành động này vào tấm gương vũ trụ. Tấm gương có thể phản chiếu lại điều gì ngoại trừ gửi lại cho con những tình huống vật lý mất cân bằng tương tự?
Con có thể nghĩ người khác đang làm điều bất công với con. Nhưng theo Luật của Thượng đế, họ sẽ không thể làm được điều đó nếu con ở trong trạng thái tâm hoàn toàn hài hoà và cân bằng – trừ khi con đã cân bằng đến độ con tự nguyện hiến thân đem lại phán xử cho những kẻ sẵn sàng hãm hại cả người vô tội. Tuy nhiên, điều này cũng nằm trong phạm vi lớn hơn của Luật Tự quyết.
Vì vậy, thật đúng khi nói rằng không có bất công trong vũ trụ. Vì trên một hành tinh như trái đất, nơi con biết con không ở trong kịch bản lý tưởng – nơi tất cả mọi người đều biết trước như vậy khi họ đầu thai ở đây – thì làm sao con thật sự tạo ra một tiêu chuẩn nói rằng cuộc sống trên hành tinh này phải vận hành theo một chuẩn mực công lý nào đó? Hành tinh này là một phòng thí nghiệm cho phép con người trải bày trạng thái tâm thức hiện thời của họ và, nếu có thể nói như vậy, họ trở thành nghiệp quả cho nhau, là nghiệp quả mà tấm gương vũ trụ gửi trả lại cho họ.
Con người trên trái đất thường giữ vai trò gửi trả lại cho nhau những điều chính họ đã phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ. Con yêu dấu, làm sao điều này có thể là sự bất công khi con nhận chân là tấm gương không thể gửi lại cho con cái con đã không gửi ra? Có thể con đã gửi ra ở một kiếp trong quá khứ. Có thể con không nhớ con đã gửi ra. Nhưng thật sự con đã làm vậy, nếu không thì nó đã không phản chiếu lại con.
5.2. Tại sao con bị xâm hại
Tất nhiên, giờ đây khi nói điều này, các thày phải cho phép quyền tự quyết trải bày ra. Đúng vậy, một người có thể làm điều gì đó tới con do họ chọn làm vậy trong hiện tại. Ví dụ, họ có thể xâm hại một đứa trẻ ngây thơ, ngay cả một đứa trẻ đã không chọn có hành động nào trong quá khứ tạo ra quả báo ngày hôm nay. Hay nói cách khác, đứa trẻ đã không tạo nghiệp, có nghĩa là nghiệp quả đang không quay trở lại từ tấm gương vũ trụ.
Ví dụ, trong tình huống đứa trẻ bị xâm hại, một người lớn đã chọn làm hành động này ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khi đứa trẻ tình nguyện đầu thai xuống một hành tinh như trái đất thì nó đã biết trước điều nó sẽ gặp phải, do đó đây là kết quả mà nó đã chọn lựa. Con biết một phần lý do con tới đây đó là để sự Ngây thơ Thiêng liêng được hiện thân. Điều này có nghĩa là sẽ có những người bị kẹt trong tâm thức sa ngã sẽ cố xâm hại con theo cách này hay cách khác. Con có hiểu thày đang nói gì không? Con không thể đầu thai trên một hành tinh như trái đất mà không bị xâm hại bởi những người mắc kẹt trong tâm thức sa ngã. Đơn giản là không thể. Đây là điều con biết trước khi con tình nguyện đầu thai xuống đây.
Thày hoàn toàn hiểu có những người không tình nguyện đầu thai xuống đây bởi vì họ đến từ các hệ thống hành tinh khác hay họ sa ngã từ các bầu cõi trước. Nhưng dù là sa ngã hay được chỉ định cũng là kết quả của những chọn lựa mà con đã làm, và vì vậy một lần nữa con chịu trách nhiệm cho việc lựa chọn mình có mặt nơi đây. Nếu con tình nguyện xuống đây thì đó là điều con đã chọn. Con đã biết trước con sẽ bị xâm hại bởi những người có tâm thức sa ngã vì ánh sáng con đem tới sẽ khuấy động và khiêu khích họ.
5.3. Duy trì sự ngây thơ
Con đã biết thách đố là con phải đối mặt với một sự xâm hại, nhưng cho dù là sự xâm hại gì thì con vẫn phải giữ nguyên sự ngây thơ hoặc quay trở lại sự ngây thơ càng nhanh càng tốt. Con yêu dấu, vậy sự ngây thơ là gì? Đó là con không có những mong muốn phàm phu về cuộc sống trên trái đất phải như thế nào. Con như dòng nước. Con tuôn chảy. Nếu con tình cờ chảy qua một bờ vực thì con chảy xuống, nhưng rồi con tụ lại và chảy tiếp. Nếu con tình cờ chảy vào một ao tù trong chốc lát thì khi con nhận biết điều này, con vượt lên bờ ao và lại tuôn chảy. Đây là sự ngây thơ.
Vì con đang luôn luôn tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, tuôn chảy với Thánh Linh, con luôn luôn sẵn lòng đi tới nơi con muốn tới để phụng sự cuộc sống nhiều hơn nữa. Khi con hoàn thành lý do con cần có mặt ở một nơi nào đó, con lại mở tâm tuôn chảy tiếp, cho dù cái giá vỏ ngoài phải trả là gì vì con không đi tìm một điểm đến vĩnh viễn. Con tìm cách trở thành một công cụ khi con đang hiện thân, rồi con tìm cách vượt qua và bước tiếp khi con thấy đã đến lúc. Vì làm sao con có thể thăng vượt và bước tiếp khi con bám vào một điều gì đó trên trái đất, chẳng hạn một cảm nhận bất công, một cảm nhận có cái gì đó con phải chỉnh, có cái gì đó con phải sửa trên trái đất?
Đối với người tâm linh, việc chấp nhận sự có mặt của các sinh thể sa ngã, của tư duy sa ngã và tâm thức nhị nguyên là điều rất quan trọng. Đây là cách duy nhất khiến con có thể thật sự ra khỏi tình trạng bị mắc kẹt trong những hoàn cảnh bế tắc, những hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, những cái bẫy mà sa nhân đã cố giăng ra để con không thể biểu lộ Quả vị Ki-tô của con và thăng thiên, cũng như khiến con không thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con khi đang đầu thai. Chúng tìm cách làm tê liệt con bằng cách để con tận hưởng cuộc sống thoải mái trên trái đất, hoặc nếu con không được thoải mái, thì con cũng không thăng vượt được một tầng tâm thức nào đó, và vì vậy con không thể biểu lộ Quả vị Ki-tô vì việc biểu lộ Quả vị Ki-tô của con sẽ trở thành mối đe dọa đối với việc kiểm soát hành tinh của chúng.
Ý niệm vi tế mà các thày gọi là tư duy cuồng đại chính là một trong nhiều âm mưu, một trong rất rất nhiều âm mưu của chúng khiến con nghĩ rằng có điều gì sai trong kế hoạch của Thượng đế hay trong luật của Thượng đế. Đó là lý do vì sao cán cân của Nữ thần Công lý mất cân bằng. Đó là lý do Nữ thần Công lý bị bịt mắt, và đó là lý do vì sao nên có một thanh gươm để trừng phạt những kẻ phạm tội, vì trong tư duy cuồng đại luôn có một kẻ gánh tội, là những người đại diện cho sự xấu xa. Họ chính là vấn đề. Họ phải bị đập tan. Họ phải bị tiêu diệt, hay bất kỳ bản án nào con có thể nghĩ ra.
5.4. Công lý thiêng liêng
Chừng nào con còn mang cảm nhận bất công này, con sẽ bị nghiệp quả buộc chặt với trái đất, vì con đang gửi vào tấm gương vũ trụ ý niệm là có cái gì sai ở đây, và con là người có thể phán xét điều gì sai, ai làm sai và chuyện này nên xử lý thế nào. Vì con không tin Thượng đế có thể tìm ra cách giải quyết, con không tin công lý thiêng liêng thực sự được thực thi và thực thi hoàn toàn chính xác.
Con thấy đấy, công lý thiêng liêng là bất cứ điều gì con gửi ra đều được phản chiếu trở lại con; hoặc nếu con là một trong số những người Ngây thơ Thánh thiện thì cho dù bất cứ điều gì xảy ra với con trên trái đất cũng đều trở thành sự phán xử cho những ai có tâm thức sa ngã, và do đó điều này giúp trái đất tăng trưởng khi họ bị phán xử và loại khỏi hành tinh này. Nhưng một lần nữa, chính con đã chọn vai trò này bằng việc đầu thai trên trái đất, và trách nhiệm của con là duy trì sự ngây thơ hoặc quay trở lại sự ngây thơ, vì chỉ khi đó, khi con có được sự ngây thơ đó con mới có thể tuôn chảy dễ dàng khi Thánh linh kêu gọi con tuôn chảy.
Chỉ khi con tuôn chảy với Thánh Linh, con mới có thể buông bỏ những phàm linh mà con đã tạo ra trên trái đất, đây là những phàm linh đã cột chặt con vào một nơi nào đó, vào một kiểu tư duy nào đó và vào một tầng tâm thức nào đó. Nếu con không thể tuôn chảy thì con sẽ phải cưỡng lại, vì tuôn chảy là trạng thái tự nhiên của cuộc sống. Khi con ở trong trạng thái ngây thơ thì con đang tuôn chảy. Vì trong sự ngây thơ có gì phải nắm giữ? Có gì phải chỉnh sửa? Con cần phải nắm giữ hình ảnh gì về trái đất khi con biết trong cõi vật lý này mọi thứ thay đổi liên tục, mọi thứ đều chuyển động và nói cho cùng, mọi hình tướng trên trái đất đều không thật? Chúng không có quyền lực gì trên con vì con là một sinh thể tâm linh. Đây là một phần của sự Ngây thơ. Con biết cho dù chuyện gì có thể xảy ra trên trái đất cũng không thể chạm đến con vì con là nhận biết thuần khiết của Tánh Linh hằng sống.
Vì thày không mù quáng với những điều đang xảy ra trên trái đất nên thày hoàn toàn nhận thức được nhiều điều rất hung bạo ở đây. Nhưng con có thể bước lùi lại trong phút chốc và thấy các sa nhân đã tạo ra chính các hoàn cảnh như vậy bởi vì cách duy nhất chúng có thể gài bẫy con người vào trò chơi hành động-phản ứng là bức hại họ bằng một hành động quá đáng, hay bằng sự bất công đến mức họ cảm thấy phải hành động, phải làm một điều gì đó. Rồi họ rơi vào bẫy, phản ứng lại hành động của sa nhân, tìm cách trừng phạt sa nhân hoặc chỉnh sửa sự bất công. Vì vậy chính họ lại gửi ra một hành động mất cân bằng khiến cho một phản ứng mất cân bằng từ tấm gương vũ trụ buộc phải quay trở lại.
Công lý toàn vũ là khi con gửi ra một hành động từ một tầng tâm thức nào đó thì hành động đó sẽ được gửi trả lại con và nó sẽ thể hiện bằng những hoàn cảnh mất cân bằng trên trái đất. Một tâm mất cân bằng sẽ dẫn đến một tình huống vật lý mất cân bằng. Nhưng khi con nỗ lực cân bằng bốn thể phàm của mình bằng các công cụ mà các thày đã trao truyền, đó là bốn bài truyền đọc cùng với bốn bài thỉnh trước, thì con có thể phá vỡ trò chơi hành động-phản ứng này.
5.5. Cơ hội để cân bằng nghiệp quả
Thày biết rõ là nhiều người tâm linh quen thuộc với khái niệm nghiệp quả, nói chung là sự trở lại của những hành động mà con đã tạo ra ở kiếp trước. Và nhiều người đã lần lần mang cái nhìn định mệnh cho rằng bất kỳ xung lực nào con tạo ra trong kiếp trước chắc chắn sẽ quay trở lại con trong kiếp này hoặc một kiếp tới. Nhưng không phải như vậy. Luật vũ trụ nói rằng bất kỳ những gì con gửi ra sẽ phải quay lại con chừng nào con còn giữ nguyên trạng thái tâm thức mất cân bằng như khi con gửi ra hành động đó.
Nhưng nếu con thăng vượt trạng thái tâm thức đó, thì công lý vũ trụ sẽ ra lệnh cho những gì con gửi ra không quay ngược trở về con như một hoàn cảnh vật lý, hoặc con sẽ có các công cụ và sự hiểu biết để chuyển hóa nghiệp quả trước khi nó biểu lộ ở tầng vật lý. Đây là lý do vì sao trong thập niên 1930 người bạn yêu quý của thày, Saint Germain, đã xin sự đặc miễn để có thể công bố sự hiểu biết về ngọn lửa tím và cách sử dụng ngọn lửa này. Đây là lý do các thày đã trao cho con những giáo lý của cả bảy tia sáng. Vì thật sự, mặc dù ngọn lửa tím rất hữu hiệu để tiêu trừ nghiệp quả, nhưng con rất cần thỉnh cầu ánh sáng của cả bảy tia để tiêu trừ nghiệp quả mà con đã tạo ra khi con sử dụng bất cứ tia nào trong bảy tia một cách mất cân bằng.
Con thấy đấy, ngọn lửa tím quả thật có thể ngăn chặn nghiệp quá khứ quay trở lại ở tầng vật lý nhưng nó không thể chuyển hóa nghiệp ở tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Vì để làm được điều này, con phải thỉnh cầu ánh sáng của một tia cụ thể mà con đã tha hoá khi tạo ra nghiệp đó.
Điều thày muốn nói ở đây là: Khi con đã dùng dụng cụ của các thày để trong lọc bốn thể phàm, con có thể tới điểm nơi con cảm thấy mình vẫn chưa có được kết quả mà mình hy vọng mặc dù con đã làm nhiều công việc tâm linh – có lẽ làm nhiều hơn những gì thày trao cho con ở đây. Con vẫn chưa đem vào thị hiện những điều mà con muốn thấy, cho dù đó là sức khoẻ hay của cải, là một hoàn cảnh khác hơn, một mối quan hệ khác hơn hay một cơ hội để phụng sự tốt hơn. Con cảm thấy con đang dậm chân tại chỗ. Nhưng con thấy đấy, những gì con cần xem xét lại là con cần nhìn vào tâm thức của chính mình và tìm ra có yếu tố mất cân bằng nào không.
5.6. Tìm ra những tin tưởng mất quân bằng
Con có thể trong lọc bốn thể phàm nhưng con vẫn duy trì những quan điểm mất cân bằng nào đó, những tin tưởng mất cân bằng nào đó về cuộc sống, như thày đã mô tả, đó là những tin tưởng có gì đã sai trên trái đất này, có một sự bất công nào đó cần phải chỉnh sửa, và mọi người kể cả con cần phải chỉnh sửa sự bất công này. Nhưng con thấy đấy, khi con hành động từ một tư duy mất cân bằng, con không thể thoát khỏi chuỗi hành động-phản ứng.
Như các thày đã nói, con bị mắc kẹt trong cái vòng khép kín này, trong đó con thật sự đang phản ứng lại những hành động mất cân bằng mà chính con đã gửi ra trong quá khứ. Nhưng con vẫn đang phóng chiếu là người khác phải chịu trách nhiệm cho phản ứng của con, hay Thượng đế hay số phận phải chịu trách nhiệm cho phản ứng của con. Điều duy nhất còn lại là con hãy nhìn vào phản ứng của mình, hãy chịu trách nhiệm về phản ứng của mình và nói: “Tại sao tôi lại phản ứng như vậy?”.
Nếu con sẵn lòng làm vậy thì con có thể thật sự dùng khả năng mà các thày đã mô tả trước đây, đó là nếu con trụ vào tim mình và hoà điệu với luân xa tim ở giữa ngực, thì con sẽ có một công cụ đo lường rất tốt quả thật có thể giúp con lượng định mọi việc con gặp trên trái đất. Thầy More trong quyển sách Uy lực Sáng tạo Nội tâm [The Creative Power Within] đã giải thích bất cứ khi nào con gặp phải một điều gì – một ý tưởng hay một hoàn cảnh – thì con có thể áp dụng cách đo này: “Liệu việc này có nâng cao hay hạ thấp năng lượng của tôi không?”
Nhưng cũng có một cách khác đó là sử dụng khả năng trực giác, là con hình dung có một cái cân trong luân xa tim, giống như cái cân mà Nữ thần Công lý đang cầm, tức là có hai đĩa cân treo trên một cán cân cân bằng. Và bây giờ con hãy hình dung và cảm nhận: đĩa cân bên này có thấp hơn đĩa cân bên kia hay không, đồng thời con hoà điệu điều này trong tim. Nếu có thì con biết rằng cái gì đó đang kéo đĩa cân xuống. Rồi sau đó con xem lại giáo lý của các thày về tâm thức nhị nguyên, đó là luôn có hai cực. Con thấy việc đĩa cân bị kéo xuống là do một sự mất cân bằng, mất cân bằng ở cả hai đĩa cân.
Ở một bên, có một quan điểm mà con rất dính mắc, đó là con chắc chắn mình đúng. Dính mắc này tạo ra những năng lượng rất cô đọng ở tâm trí đến mức năng lượng này có một sức nặng kéo một đĩa cân xuống. Nhưng ở đầu bên kia của cán cân có một cực đối lập, đó là con cũng có một quan điểm mất cân bằng, có một điều gì đó con không nhìn thấy, hay một điều gì đó con không xem là quan trọng hay con xem nhẹ nó. Và vì vậy, đĩa cân bên này không đủ nặng để kéo cán cân bên kia xuống.
Con cân bằng cán cân bằng cách nào? Ấy, có phải cách giản dị nhất là con lấy bớt ở một bên và thêm vào bên kia cho đến khi cả hai bên cân bằng không? Vì ở đây thày không nói về tư duy xám của việc thỏa hiệp, hay con cần phải dễ thương, đáng yêu và tốt bụng với tất cả mọi người. Thầy đang nói về phân biện Ki-tô đích thực là con sẵn lòng nhìn vào sự mất cân bằng ở cả hai bên và chỉnh lại sự mất cân bằng này bằng cách vươn tới tâm Ki-tô. Đây thật sự là những giáo lý và công cụ đầy đủ mà các thày đã trao cho con để đạt được sự phân biện này. Con có thể xem xét thái độ và những tin tưởng của con về cuộc đời rồi điều chỉnh lại chúng bằng cách dùng cột trụ ở giữa cán cân đang giữ hai đĩa cân. Đó là cột trụ Ki-tô được neo ở tảng đá Ki-tô.
Con thấy đấy, đây là tính nhất thể nơi cột trụ thẳng đứng này và không điều gì có thể làm nó lung lay vì nó sẽ không nghiêng qua bên này hay bên kia. Vì vậy, nó là điểm an trụ. Cái cân, cái đĩa cân đang treo trên một cái cán nằm ngang được tảng đá Ki-tô bất động giữ cân bằng ngay tại tâm điểm. Nhưng thanh ngang đó giữ được hai đĩa cân trong bao lâu?
5.7. Một ý niệm bản ngã mới qua sự quân bằng
Con yêu dấu, các thày đã nói con đầu thai lần đầu trên trái đất với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm. Bản ngã này so ra quá hạn hẹp đến mức con thật sự không thể đi tới cả hai phía của cán cân, điều này có nghĩa là con không thể trở nên mất cân bằng. Nhưng ngược lại, con lại có một ý niệm tự nhận biết rất hạn hẹp; vậy thì làm sao con mở rộng ý niệm tự nhận biết lên đến tầng 144 được? Đó là bằng cách mở rộng cán cân cuộc sống cá nhân của con theo chiều ngang.
Cán cân càng dài thì ý niệm bản ngã của con càng rộng, ý niệm bản ngã của con càng bao la thì con càng đến gần tầng 144. Nhưng con yêu dấu, khi con nhìn vào một hình học đơn giản, hình học đòn bẩy đơn giản, thì con thấy khi cái cán nằm ngang trở nên càng lúc càng dài, thì mỗi bên tạo thành một đòn bẩy, có nghĩa là giờ đây chỉ cần một ít trọng lượng cũng khiến cán cân mất cân bằng.
Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là khi con ở những tầng thấp hơn của đường tu, chẳng hạn như tầng 48 và những tầng cao hơn một chút, con có thể cho phép mình có những quan điểm hơi cực đoan. Con vẫn còn non trẻ, con đang trải nghiệm và con cần thử nghiệm nhiều điều khác nhau để xem cái nào hiệu quả, cái nào không. Không có gì sai ở đây, giống như con thấy ở trẻ nhỏ, chúng bày tỏ những gì chúng nghĩ về điều này hay điều kia của cuộc sống một cách rất dứt khoát, rất chắc chắn, nhưng đây là điều tự nhiên mà trẻ nhỏ thường làm.
Nhưng con cũng thấy trong nhiều trường hợp khi người ta trưởng thành hơn, họ dẫu sao đã điều tiết được phần nào cái nhìn của mình và nhận biết là có nhiều cách khác nhau để nhìn một sự việc và tất cả các cách nhìn này đều có giá trị trong những hoàn cảnh nào đó. Con có một quan điểm sống tinh tế hơn, cân bằng hơn, rộng lớn hơn. Và đây là điều thày đang tìm cách dạy con.
Con càng đến gần những tầng tâm thức cao hơn thì việc giữ được trạng thái cân bằng lại càng quan trọng. Vì vậy, ngay cả một sự mất cân bằng nhỏ trong quan điểm sống của con cũng có thể tạo ảnh hưởng khiến một đĩa cân bên này hạ xuống và nâng đĩa cân bên kia lên. Và con yêu dấu, đó là lý do con cảm thấy như đang dậm chân tại chỗ và không thị hiện được điều gì, bởi vì con quá mất cân bằng. Thày có thể cam đoan với con, một khi cán cân của con cân bằng thì con mới có thể thị hiện cái con tìm kiếm.
5.8. Điều gì ngăn con thị hiện
Con thấy đấy, con có thể sẽ nghĩ theo cách này: Khi con trong lọc bốn thể phàm của con trong cõi vật chất, tức là con đang thực hiện việc này ở phần nửa dưới của hình số 8, điểm nối kết của hình số 8 nằm ở đường phân chia giữa thế giới vật chất – tức bốn tầng của thế giới vật chất – và thế giới tâm linh nơi Hiện diện TA LÀ của con neo trụ.
Khi con trong lọc bốn thể phàm, con đang tạo ra một động lượng, một chuyển động, đi xuyên từ nửa bên dưới của hình số 8, bắt đầu hướng lên phía trên hình số 8, và bây giờ chuyển động này chạm đến điểm nối kết và tạo ra một động lượng đi lên phần trên của hình số 8. Một khi nó lên đến đây, nó sẽ đạt được cái mà các khoa học gia hy vọng đạt được khi họ tìm kiếm hiện tượng siêu dẫn, tức là một dòng năng lượng có thể di chuyển xuyên qua vật chất mà không bị giữ lại. Hay nói cách khác, xung lực mà con gửi vào cõi tâm linh sẽ được Hiện diện TA LÀ của con nhân lên gấp nhiều lần và sau đó xung lực này sẽ quay trở xuống hình số 8 cho đến khi nó chạm điểm nối kết.
Nhưng có điều là, con càng tiến gần đến Quả vị Ki-tô thì việc giữ cân bằng càng quan trọng. Vì khi con đạt được Quả vị Ki-tô thì con – tức cái Ta Biết, ý niệm bản ngã, ý niệm nhận biết – ở ngay điểm nối kết của hình số 8. Điểm nối kết này là gì? Đó là một điểm dị biệt. Chỗ mất cân bằng ở đâu trong cái điểm nhỏ xíu này?
Vì vậy, trong các kiếp trước và kiếp này, con có thể đã dùng những dụng cụ tâm linh và làm nhiều điều tốt để tạo ra dòng chảy quay trở lại từ vũ trụ, từ Hiện diện TA LÀ của con. Nhưng khi con càng đến gần Quả Vị Ki-tô, thì ngay cả một sự mất cân bằng nhỏ nhất cũng có thể ngăn dòng chảy trở lại này đi qua được điểm kết nối để bước vào cõi vật lý.
Thày có thể nói với con là rất rất nhiều người tâm linh đã tạo nhiều phước đức. Họ đã tạo ra cái gọi là thiện nghiệp ở kiếp này hay các kiếp trước. Nghiệp này sẵn sàng đi vào thị hiện ở cõi vật lý. Nhưng tại sao nó lại không đi vào cõi vật lý được? Bởi vì vẫn còn vài sự mất cân bằng.
Thật ra trong viễn quan cao hơn của con, trong ý chí cao hơn của con, con không muốn dòng chảy tích cực này quay trở lại cõi vật lý bởi vì sự mất cân bằng sẽ tha hoá và hướng sai dòng ánh sáng này. Vì vậy chính con đã muốn giữ dòng ánh sáng lại, hơn là để nó bị tha hoá. Và đây là những gì thày đang tìm cách giúp con nhìn thấy – đó là nhiều người tâm linh thuần thành đã tạo được dòng chảy quay trở lại có thể đi vào cõi vật lý và biểu lộ ở những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn: như sức khỏe, của cải, cơ hội phụng sự. Nhưng dòng chảy này lại không chọc thủng xuống được vì họ vẫn còn mất cân bằng một chút ít nào đó.
Đối với nhiều người trong các con, đây là sự mất cân bằng rất nhỏ. Và các thày hy vọng với tất cả các bài thỉnh và giáo lý các thày đã ban ra ở đây, cùng với tất cả các bài thỉnh và giáo lý của bảy tia sáng đã được ban ra thành sách và sẽ được tiếp tục xuất bản trong tương lai, các thày có thể cho con động lực giúp con cuối cùng nhìn thấy được sự mất cân bằng là gì, thấy được nó, buông bỏ được phàm linh đó, buông bỏ được quyết định đó, và rồi công lý hoàn vũ sẽ thị hiện trong cuộc sống của con.
Con yêu dấu, không phải là thày, Portia, hay các thày trong Hội đồng Nghiệp quả đang giữ lại dòng chảy quay trở lại xứng đáng với nỗ lực của con. Chính con đã giữ nó lại bởi vì con không muốn dòng chảy đó bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng rất nhỏ mà con vẫn nắm giữ trong bản thể mình. Con có hiểu không? Đó là tại sao các thày nói không có bất công trong vũ trụ.
5.9. Tìm một viễn kiến cao hơn
Hãy kết nối với viễn kiến cao hơn, với bản thể cao hơn của con. Hãy nhìn ra một sự mất cân bằng hay vài sự mất cân bằng vẫn còn tồn tại. Hãy buông bỏ chúng, con yêu dấu. Hãy buông bỏ chúng. Hãy đến tâm điểm hoàn hảo nơi con đứng tại điểm kết nối của dòng chảy hình số 8 thẳng đứng, và con đứng ở ngay tâm điểm của cán cân tâm thức cân bằng nằm ngang, đây là nơi tâm thức con mở rộng nhất, bao quát nhất, nhưng cũng lại cân bằng nhất.
Đó là điểm tĩnh lặng nơi con có thể biết được: “Tôi tĩnh lặng và tôi là Thượng đế. Và vì vậy, ở trên tôi thế nào thì ở dưới tôi như vậy.” Và đây là sự thị hiện mà con muốn có. Con không muốn một sự thị hiện mất cân bằng ở bên dưới và sự thị hiện này không phản chiếu những gì ở bên trên. Con muốn Trên sao dưới vậy và đây là lý do, dù con không ý thức về điều này, con cầm nén lại không muốn thị hiện để những gì con biểu hiện trong cuộc sống sẽ không thị hiện một cách mất quân bằng, vì điều này sẽ tạo nên một chuỗi hành động-phản ứng khác mà con sẽ phải cân bằng và giải quyết.
Con không muốn lặp lại những khuôn nếp này, và đó là lý do tại sao chính con đang cầm nén lại không thị hiện, chờ đến khi con đạt được sự cân bằng toàn hảo sẽ mở toang cửa nước lũ của thiên đàng và đem vào thị hiện dòng chảy hồi quy đã được hứa hẹn: “Và Thượng đế phán rằng: con hãy chứng tỏ ngay đây, hầu ta đổ phước xuống cho con đến độ không có chỗ chứa hết.”
Phước lành này có thể đến, nhưng nó sẽ không đến cho đến khi con sẵn lòng cho nó đến bởi vì con biết con đang cân bằng và có thể nhận được phước lành trong một thái độ cân bằng. Con có hiểu không, con yêu dấu? Con là người chỉ trích mình tồi tệ nhất, nhưng ở một khía cạnh khác, con cũng là người thày tốt nhất của mình, vì con là người quyết định khi nào và bằng cách nào con muốn mọi thứ được thị hiện trong cuộc sống của con.
Chìa khoá là con trở nên có ý thức hơn về thái độ và những tin tưởng nằm ở tiềm thức của con và bất kỳ sự mất cân bằng nào cũng sẽ ngăn cản sự biểu lộ mà con mong muốn. Tất nhiên con cũng sẽ nhìn vào các mong muốn của mình và đảm bảo chúng không bị mất cân bằng, và tất nhiên cũng không bị mất cân bằng bởi tư duy cuồng đại muốn con chỉnh sửa những bất công bằng cách trừng phạt hay huỷ diệt người khác, hoặc muốn Thượng đế trừng phạt hay huỷ diệt họ. Nếu Thượng đế của con là một vị Thượng đế ngồi tận trên trời, giận dữ và muốn báo thù thì ngay đó, con đang có một sự mất cân bằng to lớn sẽ ngăn cản con thị hiện.
5.10. Đi tìm quân bằng sẽ mở lối cho thị hiện
Thị hiện, con yêu dấu. Con hãy suy ngẫm điều này vì không có một thế lực nào trên thiên đàng sẽ giữ lại quyền năng đồng sáng tạo của con. Con là người đang giữ lại quyền năng này, hoặc xuyên qua một sự mất cân bằng khiến con không thể gửi bất cứ gì lên thiên đàng để nó có thể nhân lên nhiều lần rồi quay trở lại, hoặc bởi vì con biết chưa tới lúc con có thể nhận được dòng chảy quay trở lại và sử dụng nó một cách khôn ngoan.
Vì vậy, thày nói với con một lần nữa: hãy tìm kiếm cân bằng. Vì chỉ trong cân bằng con mới có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Và như các thày đã hy vọng giúp con hiểu được, tuôn chảy chính là sự sống. Con có thể nghĩ về cái cân như một vật cố định, nhưng không phải vậy. Vì như các thày đã giải thích, có một dòng chảy, một dòng chảy ngầm gọi là Dòng sông sự Sống, là Thánh linh. Và bí quyết để tuôn chảy với dòng chảy này là cái cân cá nhân của con phải cân bằng bởi vì khi chúng không cân bằng, con sẽ đi tới đi lui, đi qua đi lại và tốn rất nhiều năng lượng để cưỡng lại dòng chảy của Dòng sông sự Sống, bắt nó phải tới nơi con nghĩ nó phải tới thay vì con buông mình vào dòng chảy, tuôn chảy với nó, và để cho Tánh linh đưa con tới nơi con có thể phụng sự cao nhất.
Đây là bí quyết để tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Đó là sự phụng sự vô ngã khi con buông bỏ những mong chờ và khao khát chỉ xoay quanh chính mình, mà con nhận ra con là một phần của tâm thức vĩ đại của Thượng đế, con là một phần của tổng thể, và con ở đây để giúp nâng cao tổng thể, chứ không vì những mục đích vị kỷ.
Vì vậy, vài người trong các con vẫn còn những mong muốn vị kỷ và mơ ước trở nên nổi tiếng, được công nhận, trở nên giàu có, có quyền lực để chỉnh sửa điều này hay điều nọ, hay thức tỉnh người khác hoặc bất kỳ điều gì khác. Và đây là lý do con đang vô thức giữ lại không cho chúng thị hiện bởi vì những mong muốn của con, viễn kiến của con không cân bằng.
Con yêu dấu, thày thật sự chỉ có một mong muốn dành cho con, đó là thấy con đạt được sự cân bằng để con có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, khi con có thể hoàn toàn nhận ra là không có bất công trong vũ trụ và con không bị trói buộc bởi bất cứ điều kiện nào trong cõi vật chất.
Đây là khi con nhận chân được vật chất. Khi con nhận ra: “Tôi không phải là vật chất và tôi không bị trói buộc bởi vật chất”, thì con đạt được một thực tại mới cho nên con cân bằng. Rồi con mới có thể là Trên sao dưới vậy.
Con yêu dấu, thày ở Trên. Thầy không neo mình trong bát cung vật lý. Đó là tại sao thày không thể thị hiện công lý thiêng liêng ở dưới này. Thầy không thể trở thành Trên sao dưới vậy vì thày đã thăng thiên. Cái đẹp và cái kỳ diệu khi con chưa thăng thiên là con có thể trở nên Trên sao dưới vậy.
Nhưng con không thể trở nên dưới này như con ở Trên kia khi con còn có những tin tưởng, những ham muốn và ý tưởng mất cân bằng về việc vũ trụ phải vận hành như thế nào. Vì vậy, con hãy sẵn lòng tuôn chảy với Tánh linh ở dưới này vì thày có thể đảm bảo với con, con yêu dấu, Hiện diện TA LÀ quả thật tuôn chảy với Tánh linh ở Trên. Hiện diện TA LÀ không tuôn chảy theo những ý tưởng và mong chờ phàm phu. Nó tuôn chảy với Thánh linh. Và đây là chìa khoá để là Trên sao dưới vậy.
Vì vậy, thày niêm con trong tình thương của Mẹ Công lý Toàn vũ cho trái đất, vì TA LÀ người mẹ này. Tên thày là Portia. Thày chúc con yên bình khi biết rằng không có bất công nào trong vũ trụ.
Lưu ý: Bài thỉnh đi kèm với chương này là: Bài ca sự Sống 5 – Biểu hiện