Khác biệt giữa tỏa rạng vào tâm thức tập thể và phóng chiếu tâm lý  

Hỏi: Các chân sư có thể vui lòng nhận xét về sự khác biệt giữa việc tỏa rạng vào tâm thức tập thể và việc phóng chiếu tâm lý.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. Đăng ngày 27/1/2023.

Có nhiều cách để mô tả sự việc này. Một sự phóng chiếu tâm lý có thể được xem là một phóng chiếu nhằm can thiệp vào tâm người khác hầu ảnh hưởng đến quyền tự quyết của họ. Có thể có những người – chẳng hạn thành viên trong gia đình con – phóng ra một số cảm xúc, một số ý tưởng hay ngay cả một ý niệm bản sắc vào tâm con, hầu khiến con tự đồng hóa với một nhóm người hay khiến con ở lại trong nhóm đó. Nếu vậy thì đó là một sự phóng chiếu tâm lý vì ý định là để ảnh hưởng tâm con, hạn chế quyền tự quyết của con và giữ con trong một tâm thái nhất định.

Khi các chân sư nói đến việc tỏa rạng vào tâm thức tập thể, chúng tôi không muốn nói đến việc ảnh hưởng đến những chọn lựa mà người khác có thể có. Chúng tôi muốn nói đến việc trao cho họ một chọn lựa, giải thoát họ để họ tự do lấy một chọn lựa mà hiện thời họ không thể lấy vì có những điều họ không thể nhìn thấy.

Khi chúng tôi toả rạng một ý tưởng, hay khi con đọc bài chú bài thỉnh, hay khi con lắng nghe một bài truyền đọc, thì chúng tôi không đang tìm cách ép buộc con người phải lấy một chọn lựa được định sẵn. Chúng tôi cố gắng toả rạng một ý tưởng khiến cho người đó nhìn ra là kỳ thực họ có một số tùy chọn mà họ không thể nhìn thấy trước đó.

Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang ảnh hưởng những gì họ chọn lựa mà chỉ mở rộng các chọn lựa mà họ có thể nhìn thấy, và như vậy chúng tôi trao cho họ một sự chọn lựa tự do hơn. Đây là cách giản dị và cơ bản nhất để giải thích điều này.

Bùa phép và bùa chú

Hỏi: Thày Giê-su nghĩ gì về những nhóm tôn giáo và tâm linh sử dụng bùa phép và bùa chú?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Một trong những lời dạy chủ chốt của ta là, “Trước tiên hãy tìm vương quốc của Thượng đế và mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con.” Tầm quan trọng của câu này nằm ở chỗ vương quốc của Thượng đế là một biểu tượng cho tâm thức Ki-tô. Khi con kết hợp ý nghĩa đó với câu, “Ai vì ta mà mất sự sống thì sẽ được sự sống,” con nhận ra là chìa khóa để thể hiện tâm thức Ki-tô là sự buông bỏ mọi dính mắc, thèm khát cùng mọi ham muốn những đồ vật của thế gian.

Con cũng nhận ra là khi con đạt được tâm thức Ki-tô, những điều thực sự quan trọng sẽ được Thượng đế bồi thêm cho con, hay nói cách khác, những hoàn cảnh vỏ ngoài trong đời con sẽ phản ánh một cách tự nhiên mục đích tâm linh của con khi con hiện thân trong kiếp này.

Khi con thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc tìm kiếm tâm thức Ki-tô và thể hiện trọn vẹn sự buông bỏ mọi đồ vật thế gian, thì con cũng nhận ra sự vô ích hão huyền của việc sử dụng bùa phép để đạt được những thứ con muốn có trong thế gian. Điều nguy hiểm trong ma thuật đó là nếu con còn mảy may dính mắc nào đối với đồ vật của thế gian, thì con hầu như không thể tránh được xâm phạm quyền tự quyết của người khác. Điều này sẽ bắt buộc vi phạm Luật Tự quyết – và như ta đã khẳng định rất nhiều lần trên trang mạng này – là định luật căn bản nhất của vũ trụ này. Nó quan trọng đến độ khi con xâm phạm quyền tự quyết của người khác thì con cũng phải gánh chịu nghiệp quả nặng nhất mà con có thể tạo ra.  

Do đó ta mạnh mẽ khuyến cáo tất cả mọi người hãy tìm kiếm tâm thức Ki-tô thay vì tìm cách sử dụng bùa ngải, bùa phép hay bất kỳ hình thức ma thuật nào, cho dù đó là ma thuật đen hay ma thuật trắng, để đạt được những thứ mà con muốn. Khi con chứng ngộ tâm thức Ki-tô, con sẽ không bao giờ vi phạm quyền tự quyết của một người khác. Nhưng cho đến khi con chứng ngộ tâm thực Ki-tô thì con sẽ rất dễ rơi vào sự vi phạm quyền tự quyết của người khác và khi đó con sẽ gây ra nghiệp chướng vô cùng nghiêm trọng.