Hỏi: Đây là một câu hỏi liên quan đến câu đố, cái nào đến trước, con gà hay quả trứng? Cái nào đến trước, nam hay nữ? Con không hỏi người nam hay người nữ đến trước, mà con hỏi về nguyên lý. Nghĩa là nguyên lý nữ đến trước vì đã thụ động, tiềm ẩn sẵn trong pralaya, thời kỳ ngủ say của vũ trụ, trước khi nguyên lý nam linh hoạt trong manvantara, thời kỳ thị hiện. Kinh Dzyan nói rằng Mẹ Vĩnh hằng ngủ say trước khi trải ra. Con biết đó chỉ là cách diễn tả thi vị do một người tầm đạo quá sốt sắng cố hết sức mô tả. Tại sao tôn giáo của Nữ thần Mẹ là tôn giáo đầu tiên trên thế giới?
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.
Tôi xin giải quyết một cách dứt khoát câu đố muôn thuở về con gà và quả trứng. Con gà đến trước.
Bây giờ hãy xem đến những câu hỏi quan trọng hơn. Bài giảng sau đây chứa đựng một số lời dạy chi tiết về việc Thượng đế sáng tạo vũ trụ. Nói ngắn gọn, Thượng đế có một khía cạnh không thị hiện, mà ta sẽ gọi là Bản thể thuần khiết hay cái Tất cả. Thượng đế cũng có một khía cạnh nữa là Đấng Sáng tạo, là nguồn gốc thực sự của tất cả mọi thứ đã được tạo ra trong thế giới hình thể. Để bắt đầu sáng tạo, Đấng Sáng tạo lập ra một nguyên thể có khả năng đúc thành bất cứ hình tướng nào có thể nghĩ tới. Đây là nguyên thể mà Thánh kinh nói đến qua câu, “Hãy có ánh sáng.” Chúng tôi thường gọi nguyên thể này là Ánh sáng Mẫu-Vật.
Như ta giải thích, Thượng đế sáng tạo là nguyên lý hành động, hay nam, trong khi Ánh sáng Thượng đế là nguyên lý tiếp nhận, hay nữ. Cho nên tất cả mọi thứ trong thế giới hình tướng được tạo bằng khiá cạnh nữ của Thượng đế. Đó là tại sao một số tôn giáo dạy rằng mọi thứ được tạo ra từ Thượng đế Mẹ hay Nữ thần, và cũng vì vậy mà một số tôn giáo thờ phượng một vị thần nữ tính.
Cả hai khía cạnh nam và nữ của Thượng đế đã luôn luôn hiện hữu. Vì vậy, thật là vô nghĩa khi bàn đến chuyện Thượng đế là nam trước khi là nữ, hay ngược lại. Hai nguyên lý này, hay khía cạnh, không thể nào rời nhau ra, và hoàn toàn không nghĩa lý gì mà nói đến một nguyên lý mà không nói đến nguyên lý kia.
Câu hỏi ngàn đời về cái nào đến trước thật ra chỉ là một sản phẩm của tâm thức đường thẳng của con người, và tâm thức này nhìn mọi thứ dựa trên hoàn cảnh riêng của nó. Bởi vì kinh nghiệm của con người về cuộc sống là một cuộc đời có khởi đầu và có kết thúc, cho nên nó cũng lý giải là mọi thứ khác cũng phải có sinh có diệt.
Về mặt thế giới hình tướng, có thể nói là tất cả mọi thứ đều được tạo ra từ nguyên lý nữ, bản chất nữ của Thượng đế. Do đó, mọi thứ trong thế giới hình tướng được tạo ra từ Thượng đế Mẹ. Tuy nhiên, mọi thứ được tạo ra bởi Thượng đế Cha, nghĩa là ngay trong bản chất, sự sáng tạo đã bắt đầu với một cái thấy trong tâm của Thượng đế Cha. Chính khía cạnh nam của Thượng đế đã khởi đầu tíến trình sáng tạo. Và khía cạnh nữ của Thượng đế đã nhận lấy bất kỳ hình tướng nào được thấy trong tâm của Thượng đế.
Điều này không có nghĩa là khía cạnh nữ của Thượng đế không có tâm, hay tâm thức. Tuy nhiên khiá cạnh nữ đã cho phép – trong tình yêu thương – khiá cạnh nam tác động lên mình và thực hiện cái thấy của khía cạnh nam. Sự sáng tạo được khởi xướng bởi khiá cạnh nam của Thượng đế và được thực hiện bởi khía cạnh nữ của Thượng đế. Nếu con muốn dùng ý niệm khởi đầu và kết thúc, thì con có thể nói là sự sáng tạo bắt đầu như là một ý nghĩ, một cái thấy trong tâm thức của khía cạnh nam của Thượng đế.
Con nói rằng người Mẹ Vĩnh hằng ngủ say trước khi trải rộng ra. Điều này chắc chắn khả thi, bởi vì khía cạnh nữ của Thượng đế đã luôn luôn hiện hữu như một nguyên lý. Mẹ Thiêng liêng nằm tiềm ẩn, không linh hoạt, cho tới khi Mẹ được Cha Thiêng liêng tác động.
Ta không đồng ý rằng tôn giáo của Nữ thần Mẹ là tôn giáo đầu tiên trên hành tinh. Khi con người lần đầu tiên giáng xuống hành tinh này, họ vẫn không quên nguồn cội tâm linh của mình. Vì thế họ hoàn toàn nhận thức được cả Thượng đế Cha lẫn Thượng đế Mẹ, và họ giữ mối quan hệ linh động với cả hai. Quan hệ mà con người có với cha mẹ thiêng liêng của mình trước khi cuộc sa ngã xảy ra khác rất xa với bây giờ, và thật là không đúng nếu bảo rằng con người trước khi sa ngã đã thờ phượng Thượng đế, hay thậm chí có một tôn giáo như chúng ta thường hiểu ngày nay.
Như đã được giải thích ở nơi khác, chính khía cạnh nữ của mỗi dòng sống đã đầu tiên rơi xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn. Điều này xảy ra là vì khía cạnh nữ của dòng sống bắt đầu theo cách của thế gian thay vì giữ trọn vẹn theo khía cạnh nam của nó, tức là cái ta tâm linh. Một hệ quả của việc rơi xuống tâm thức thấp là các dòng sống quên mất nguồn cội tâm linh của mình, và vì thế cũng mất luôn kinh nghiệm trực tiếp về khía cạnh nam của Thượng đế.
Bởi vì các dòng sống sinh sống trong một thế giới được tạo ra từ chính bản chất của khía cạnh nữ của Thượng đế, họ không thể nào quên được hoàn toàn khía cạnh này của Thượng đế. Đó là lý do nhiều nền văn hóa sơ khai đã thờ phượng khía cạnh nữ của Thượng đế, dưới hình thức Mẹ Trái đất mà họ tin rằng đã đem lại sự sống cho họ. Chỉ sau khi nhân loại, sau một một tiến trình vươn lên rất chậm, nâng cao tâm thức mình lên một mức cao hơn, mà các dòng sống mới bắt đầu lại có một khái niệm rõ ràng về khía cạnh nam của Thượng đế.
Điều xảy ra ngày hôm nay là nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, đã quên mất khía cạnh nữ của Thượng đế và chỉ duy thờ phượng khía cạnh nam của Thượng đế. Đây là một ví dụ điển hình mà con người, do sự thiếu trưởng thành tâm linh và thiếu cân bằng, đã đu đưa từ cực đoan này sang cực đoan kia.
Điều sẽ xảy ra trong những thập niên tới là nhân loại sẽ nhận ra rõ hơn nhu cầu phải hiểu biết và có quan hệ với cả hai khía cạnh của Thượng đế. Sự thật đơn giản là cuộc sống tâm linh của con không thể trọn vẹn nếu con không giữ vững sự cân bằng lành mạnh giữa hai khía cạnh nam và nữ. Điều này không những chỉ áp dụng cho cách con nhìn Thượng đế mà cả cách con nhìn chính con.
Về nam và nữ, điều quan trọng là con cần nhận ra rằng vấn đề này không thể xác định một cách cứng nhắc, bởi vì có rất nhiều thái cực như vậy. Như ta vừa trình bày ở trên, Thượng đế có một khía cạnh không thị hiện và một khía cạnh sáng tạo. Hai cái này cũng hình thành một thế thái cực, trong đó cái Tất cả là khía cạnh nam và Thượng đế sáng tạo là khía cạnh nữ. Còn có một thái cực nữa giữa Đấng Sáng tạo của con và những tạo vật của ngài. Con thuộc về tạo vật của Đấng Sáng tạo của con, có nghĩa là đối với con, Đấng Sáng tạo là khía cạnh nam và con là khía cạnh nữ. Cho nên trong một nghĩa nào đó, nếu con thờ phượng Mẹ Thiêng liêng thì con đang thờ phượng chính con đó.
Rất nhiều tôn giáo thờ phượng Nữ thần Mẹ cũng xa vời thực tế y như những tôn giáo độc thần thờ phượng một Thượng đế Cha. Các tôn giáo đó xuất phát từ tâm thức tách biệt, trong đó con xem con tách biệt với đấng mà con thờ. Cách thực tế để nhìn mình là con hãy xem con là một biểu đạt của Đấng Sáng tạo, và như vậy con là một với Đấng Sáng tạo. Chỉ có duy nhất một tâm mà thôi, và khả năng tự nhận biết của con chính là một cá thể của tâm duy nhất đó, một cá thể không thể nào tách rời khỏi duy nhất. Vai trò của con trong cuộc sáng tạo là hành động như một phần nối dài của Thượng đế trên địa cầu mà qua đó con trở thành Mẹ Thiêng liêng trong hành động. Như vậy, thật không có ích gì thờ phượng một vị thần nam hay một vị thần nữ từ xa, bởi vì con đang là một Thượng đế nam lẫn nữ trong hành động.
Hiển nhiên trên cõi tâm linh có một trách vụ gọi là Trách vụ Mẹ Thiêng liêng do Mẹ Mary đảm trách. Và đương nhiên, trách vụ này đáng được tôn trọng và kính trọng y như những trách vụ khác trong cõi tâm linh. Tuy nhiên, kính trọng không đồng nghĩa với thờ phượng đấng đang đảm nhận trách vụ. Vậy thì kết luận là như sau: sự cảm nhận rằng con có bổn phận phải thờ phượng một thượng đế xa vời – dù là nam hay nữ – hoàn toàn dấy lên từ tâm thức nhị nguyên, là tâm thức nhìn thấy sự phân biệt giữa “cái tôi” và “cái khác tôi”. Phá bỏ được sự khác biệt này là tinh túy của con đường dẫn đến quả vị Ki-tô cá nhân, hay sự giác ngộ.