Các đạo sư nổi tiếng và tâm thức tập thể

Hỏi: Tại Hàn quốc có một số vị đạo sư độc lập nổi tiếng. Họ chỉ giảng dạy giáo lý tối thượng của họ về giác ngộ – tội lỗi – cho những ai quan tâm đến cách giải thích ngắn gọn của họ về tội lỗi mà không nhắc gì đến các chân sư thăng thiên, các sa nhân hay cả sự tái đầu thai của linh hồn con người. Là học trò của chân sư thăng thiên, đâu là quan điểm hay nhất và mối quan hệ tốt nhất với họ trong thời hoàng kim? Liệu chúng con xem họ là thày giả hay đạo sư chưa chứng đạt hay gì khác? Con mong được nghe ý kiến của thày Saint Germain về vấn đề này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là Cửa mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Ta không thể cho con một câu trả lời tổng quát vì vấn đề này rất cá nhân: Đâu là vai trò của con, điều gì được thảo vào Sứ vụ Thiêng liêng của con? Điều ta có thể nói một cách chung chung là bất kỳ vị đạo sư nào có được một số tín đồ hay một tiếng tăm nào đó tại một quốc gia là vì vị đó đã tìm ra cách thu hút một điều gì trong tâm thức tập thể. Nói cách khác, một số người tại nước đó cần đến trải nghiệm đặc thù đó để có thể học hỏi bài học của họ, và may ra họ sẽ phát triển được khả năng phân biện sẽ dẫn đến một dạng đạo sư cao hơn.

Có rất nhiều người – và con sẽ tìm thấy họ không những tại Hàn quốc mà khắp mọi nơi – xem sự phát triển tâm linh như một phương cách để cất mình lên cao. Nói cách khác, họ chỉ tập trung vào chính họ, họ tự nhấc mình lên một mức tâm thức cao hơn hầu họ có thể hoặc cảm thấy mình trội hơn mọi người, hoặc họ đứng ra đằng trước và chứng tỏ tính ưu việt của mình hầu ai nấy phải kính trọng, hay thậm chí đi theo hay tôn thờ mình.

Có một nhóm người bị hấp dẫn bởi loại đạo sư này, là các đạo sư với những lời tuyên bố trau chuốt về trình độ tâm thức của mình hay mức hiểu biết cao cấp của mình. Đơn giản là các tín đồ đó cần đến trải nghiệm đó trong một thời gian trước khi may ra họ sẽ chán chê để vươn lên một mức phân biện cao hơn và nhận ra loại đạo sư nào có khả năng đưa họ lên một trạng thái tâm thức cao hơn, hay loại đạo sư sẽ giữ họ kẹt lại trong ngõ cụt tâm linh nơi họ có thể cảm thấy mình cao trội nhưng không thật sự tinh tấn.     

Là một học trò của chân sư thăng thiên, con có thể hỏi: “À cái đó là gì đối với con?” Hầu hết các con có thể an toàn mà bỏ qua những loại đạo sư này. Nhưng nếu con có liên hệ với những người đi theo một đạo sư như vậy hoặc nếu chính con đã từng đi theo, thì có thể việc tìm cách giúp họ nhìn thấy nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng trong đa số trường hợp, con sẽ không giúp được gì bằng cách chạm trán với loại đạo sư đó, mà trái lại con có thể giúp cá nhân từng người bước lên một tầm hiểu cao hơn về loại thày tâm linh mà họ thật muốn. Và con có thể giúp họ nhìn ra là nếu có ai tìm cách thổi phồng tư cách, sự chứng đạt hay sự cao trội của mình, thì người đó đã không thực sự đạt đến một tầng tâm thức cao lắm.

Bởi vì khi con đạt đến các tầng cao hơn trên đường tu tâm linh, con buông bỏ ngã tách biệt và con không tìm cách nhấc mình lên cao. Con tìm cách nâng người khác lên cao. Con tìm cách nâng toàn thể lên cao. Con tìm cách giúp đỡ người khác.

Một lần nữa, đây là một vấn đề cá nhân, tùy cá nhân con cảm thấy thế nào. Nhưng ta khuyến khích con không nên dùng tâm vỏ ngoài để tự ép mình phải làm gì, mà chỉ đơn giản tập trung vào việc nâng cao tâm thức của mình, rồi để yên cho trực giác thúc giục con từ bên trong. Nó có thể sẽ gợi ý con nên làm gì và làm cách nào.

Giáo lý của chân sư thăng thiên và các đạo sư Ấn độ

Hỏi: Con là người Ấn độ, và con rất lấy làm lạ con là người Ấn độ duy nhất mà con quen biết đang theo học giáo lý của chân sư thăng thiên. Đất nước này có 1,3 tỷ dân và đã sinh sản ra rất, rất nhiều người trưởng thành về mặt tâm linh. Điều gì đang khiến cho nước con tụt hậu tâm linh đến như vậy? Và đâu là cách tiếp cận tốt nhất để đánh thức dân tộc con dậy? Con biết chân sư MORE đã từng nói là chính các đạo sư đã từ chối thừa nhận các chân sư thăng thiên, chẳng hạn những vị như Satguru, Sri Sri Ravi Shankar và phong trảo của Brahma Kumaris đều có rất đông người đi theo. Nhưng thực sự họ đã giúp cho tín đồ của họ được bao nhiêu? Con muốn biết suy nghĩ của các thày về điều này.


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 16/10/2020.

Trong quá khứ, các chân sư đã cố gắng với tay tới học trò tại Ấn độ qua phong trào Thông thiên học, nhưng kết quả đạt được khá giới hạn. Qua các đợt truyền pháp gần đây hơn là Phong trào I Am, Summit Lighthouse và đợt truyền pháp hiện thời, các thày lại đạt được kết quả ít hơn nữa khi cố mở ra với học trò tại Ấn độ. Tất nhiên, nguyên nhân phần nào là do Ấn độ có một truyền thống tâm linh vô cùng phong phú, phong phú hơn hầu hết mọi quốc gia phương Tây. Ở đây có một truyền thống đi tìm đạo sư. Tại Ấn độ vẫn còn một số đạo sư cá nhân chân chính, cho nên những ai cởi mở với đường tu tâm linh có thể tìm thấy những giáo lý này trong chính nền văn hóa của mình.

Ta cũng xin nói là tất nhiên, có một hàng ngũ những thày giả tà đạo tại Ấn độ, họ không chỉ tìm cách gạt gẫm người tầm đạo từ phương Tây mà ngay cả người Ấn nữa. Rõ ràng là trong tâm thức tập thể tại Ấn, có một sự tắc nghẽn chống lại việc thừa nhận các chân sư thăng thiên. Điều này không chỉ xảy ra tại Ấn mà con thấy nó xảy ra tại hầu hết mọi quốc gia. Ở hầu hết các nước chịu ảnh hưởng đạo Cơ đốc, đạo Cơ đốc đã tạo ra một sự tắc nghẽn chống lại việc chấp nhận chân sư thăng thiên, và ở Ấn độ cũng không khác gì. Tất nhiên, một phần là do truyền thống Ấn độ giáo không công nhận bất cứ gì vượt ra khỏi người Bà la môn cùng các vị thần của đạo Ấn, nhưng thôi…

Đây không phải là một vấn đề khiến cho chúng tôi quan tâm quá mức. Chúng tôi rất vui mừng có những học trò tại Ấn độ đang học hỏi giáo lý, nhưng thực sự chúng tôi không đang nỗ lực lôi cuốn một số đông đệ tử theo học đợt truyền pháp này tại Ấn độ.

Rõ ràng nếu con nhìn vào Ấn độ như một quốc gia, con sẽ thấy một số đạo sư đã trở nên danh tiếng hơn và quy tụ người theo học ngày càng đông đảo hơn. Nói chung, ta có thể nói là khi một đạo sư có rất nhiều người đi theo, thường đó là vì giáo lý của đạo sư không vượt lên trên một mức nào đó. Chính vì vậy mới có nhiều người cảm thấy tương hợp mà theo học. Một cách nào đó, vị đạo sư đã trao cho quần chúng những gì mà quần chúng mong muốn. Đạo sư cống hiến cho họ một con đường tiện lợi rất dễ theo, nhưng là một con đường không thực sự đòi hỏi họ phải nhìn vào chính bản thân mình, phải chữa lành tâm lý mình và nâng cao tâm thức.      

Bây giờ, nếu con nhìn rộng ra thế giới chứ không riêng gì Ấn độ, có một câu hỏi mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã từng tự hỏi: “Nếu đúng là loài người đang nâng cao tâm thức và sự tăng trưởng tâm thức này là do các chân sư thăng thiên đang làm vị thày phổ quát cho cả nhân loại, thì tại sao người ta không ngày càng công nhận các chân sư thăng thiên nhiều hơn?” Chẳng hạn, nếu một đạo sư đã đạt đến một mức tâm thức rất cao, tại sao vị ấy lại không nhìn nhận chân sư thăng thiên? Tại sao Paramahansa Yogananda đã không viết nhiều hơn về các chân sư thăng thiên trong cuốn sách của mình, ngoại trừ một vài đoạn nói bóng gió mà con có thể tìm thấy?   

Giải đáp cho câu hỏi này là không chỉ có một giải đáp duy nhất. Mỗi đạo sư chân chính đều có một nhóm người nhất định mà vị ấy đã trù định sẽ hướng dẫn. Tùy theo mức tâm thức của nhóm này, rất có thể là họ chưa sẵn sàng chấp nhận chân sư thăng thiên. Có nghĩa là nhiệm vụ của đạo sư không phải là khiến cho họ chấp nhận chân sư thăng thiên, mà là nâng cao mức hiện thời của họ lên tới một mức tâm thức mà từ đó họ có thể tiến xa hơn. Không cứ là mọi đạo sư chân chính đều sẽ có ngày công nhận chân sư thăng thiên, bởi vì không phải ai ai cũng sẵn sàng cho chuyện đó.    

Nhưng hiển nhiên còn có vấn đề hàng ngũ tà đạo, các đạo sư giả, không những tại Ấn độ mà khắp mọi nơi khác, và những kẻ này thì sẽ không công nhận chân sư thăng thiên, vì dĩ nhiên, chúng tôi là những vị thày có khả năng giải phóng người tầm đạo khỏi sự chi phối của đạo sư giả.

Con hãy nhìn vào địa cầu thì con có thể thấy được là các đạo sư chân chính cần nâng cao tâm thức của đệ tử, và nếu đệ tử cứ tiếp tục nâng cao tâm thức, thì cuối cùng hầu hết sẽ tìm thấy các chân sư và giáo lý của chân sư. Nhưng tuy vậy, con không thể nói là tất cả mọi người tâm linh trên địa cầu sẽ cần phải tìm thấy chân sư thăng thiên. Có những đường tu khác. Và điều quan trọng là luôn luôn có những người thực chứng được mỗi đường tu chân chính đó để cho rất nhiều người còn ở mức tâm thức chưa cao có thể tìm ra một con đường hấp dẫn đối với họ.       

Như ta đã nói, không phải ai ai cũng sẵn sàng đi theo đường tu mà chúng tôi cống hiến. Nhưng điều cũng cần nói là tất nhiên có nhiều đạo sư giả, và các đạo sư giả này sẽ dẫn con người đi lạc lối bằng rất nhiều cách, và họ sẽ cài đặt những nút tắc nghẽn trong tâm con người khiến cho con người không thể vượt quá một mức nào đó trên đường đạo. Có những đạo sư giả sẽ khiến đệ tử tiến tới một mức nào đó nhưng rồi bị kẹt lại, và sẽ rất khó khăn vượt qua được mức đó.   

Đối với những đệ tử đã đi theo đạo sư giả, họ sẽ thấy rất, rất khó lòng tìm lại được con đường chân chính nếu họ không sử dụng giáo lý của chân sư thăng thiên. Đó là vì chúng tôi là những vị thày duy nhất có mức tâm thức và kinh nghiệm cần thiết để giúp học trò khắc phục sự tắc nghẽn khởi sinh từ việc đi theo đạo sư giả. Hiển nhiên, rất nhiều đệ tử trong số này sẽ được lợi ích nếu họ xem đến giáo lý của chúng tôi. Nhưng tiếc thay, điều này đòi hỏi họ phải cởi mở hơn rất nhiều, phải sẵn lòng hơn rất nhiều, để nhìn xa hơn các giáo lý trước đây của họ. Đó là vì đạo sư giả thường có những phương thức vô cùng tinh vi để cài đặt tắc nghẽn trong tâm họ, và điều này sẽ ngăn cản họ nhận ra chân sư thăng thiên.

Làm thế nào nhận diện một thày giả

Hỏi: Liệu có sinh thể nào hiện đang giả mạo chính xác sự rung động của các chân sư thăng thiên hay không? Chẳng hạn như được mô tả trong sách “Những kiếp của tôi” khi Giê-su đã không nhận diện được người thày giả ở cõi bản sắc. Vậy làm thế nào phân biện và nhận ra họ thực sự là thày giả?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 6/10/2019.

Vâng con yêu dấu, đúng là có khá nhiều sinh thể ở các cõi cảm xúc, lý trí và bản sắc đang tìm cách làm ra vẻ họ là chân sư thăng thiên hay họ tiến hoá cao hơn trình độ tiến hoá của họ. Làm thế nào để con phân biện? À, có một số chỉ dấu vỏ ngoài và ta đã có trao truyền một số lời dạy trên trang mạng này về cách nhận diện thày giả. Con có thể tìm kiếm một số chỉ dấu vỏ ngoài nhất định. Nếu họ cố tự đặt mình cao hơn mọi người khác, nếu họ cố thu hút những người sẽ theo họ một cách mù quáng và mù quáng vâng lời họ, thì đây là những dấu hiệu của một thày giả.

Nhưng sâu hơn bên trong, cách duy nhất thật sự để phơi bày sự thể này là như các thày đã đề cập nhiều lần, con phát triển khả năng trực giác của mình để con có thể đọc được độ rung động. Con có thể đạt tới điểm con có khả năng cầm lên một quyển sách trong tiệm sách, đọc một vài dòng hay một vài đoạn, và con có thể cảm nhận là sách này không dành cho con hay sách này không phải là một giáo lý cao. Nói cho cùng, đây là cách con có thể biết được. Tất nhiên, con cũng có thể nói là nếu con đã trải nghiệm sự rung động của một chân sư thăng thiên chân chính qua các bài truyền đọc của các thày hay các vị sứ giả khác nhau, thì trải nghiệm này cũng có thể cho con một khung tham chiếu.

Không dễ dàng mà có được khả năng phân biện vì như các thày có nói, con có quyền tự quyết chọn lựa, nhưng tầng tâm thức hiện thời của con giới hạn những chọn lựa mà con có thể nhìn thấy.

Cho nên con có thể nói là một thày giả luôn luôn có một hậu ý ẩn giấu, một thâm ý ích kỷ nào đó. Một chân sư thăng thiên không cần gì ở con. Các thày không có mong muốn thao túng con hay ràng buộc con với các thày hay với bất kỳ một sứ giả, một tổ chức nào, nhưng thày giả thì luôn luôn có một mong muốn ích kỷ; họ muốn một cái gì đó từ con. Có điều, nếu con có một cái ngã tách biệt mang một tính vị kỷ nào đó, thì con sẽ không có khả năng nhận diện tính này nơi người thày. Con sẽ không thể nhận diện là thày có một động lực ích kỷ nếu chính con chưa khắc phục được tính đó trong bản thân con, và đó là tại sao sự phân biện có thể khá khó khăn và tại sao nhiều đệ tử tâm linh với nhiều thiện ý đã bị thày giả lừa gạt suốt nhiều năm trời. Con có thể nói là thày giả có thể thao túng con là vì con mang một số điểm mù nhất định, và con có điểm mù là vì ở trong con có một cái ngã mà con chưa nhìn ra. Do đó con không thấy được đây là một mong muốn vị kỷ, và con cũng không thể nhận diện nét vị kỷ của người thày.

Nhưng dẫu sao, con có thể ngộ đạt rất nhiều bằng cách phát triển trực giác và tất nhiên làm việc trên các ngã tách biệt của mình, hầu con gia tăng sự phân biện. Và chắc chắn con có thể đạt tới điểm con chỉ cần nhìn thoáng qua hình chụp của một vị thày tâm linh đang hiện thân – nếu đó là một đạo sư đang hiện thân – và cảm nhận đó không phải là một vị thày chân chính hay chắc chắn không là vị thày thích hợp cho con. Con có thể biết được khi cầm lên một quyển sách hay đọc một điều gì đó trên internet.

Con yêu dấu, thật không khó lắm để phát triển khả năng cảm nhận một lời dạy xuất phát từ cõi lý trí vì lời dạy này thường vô cùng phức tạp, vô cùng rắc rối. Nói chung, một lời dạy như vậy nhằm tạo cảm tưởng cho người khác là nếu họ có thể hiểu được, hay ít ra nếu họ nghĩ là họ có thể hiểu được, thì điều này có nghĩa là họ thật cao cấp, họ cao cấp hơn người khác.

Cũng có thể có một số lời dạy vô cùng mập mờ, khiến con phải đọc câu văn tới mấy lần mà vẫn không chắc chắn ý tác giả muốn nói gì hay ý định của tác giả là gì. Những loại giáo lý như vậy thường hay thu hút người ta, vì khi giáo lý mập mờ thì nó cho phép tự ngã diễn giải theo bất cứ cách nào nó muốn. Khi đó, nhiều người sẽ có thể dùng giáo lý để chứng thực những gì họ muốn tin, và đây là tại sao một số sinh thể nơi cõi lý trí đưa ra những lời dạy thật tối nghĩa để ai nấy khó lòng hiểu được chính xác họ muốn nói gì.

Hiển nhiên, việc trao truyền một lời dạy tâm linh tự thân nó đã khó khăn vì việc truyền đạt sự nhận biết quả cầu của một chân sư thăng thiên qua ngôn từ đường thẳng thật là khó khăn. Đó là tại sao nếu con nhìn vào các lời dạy của chân sư thăng thiên qua thời gian, con có thể thấy là trong quá khứ, các thày đã mơ hồ, đã thiếu rõ ràng hơn. Nếu con xem các giáo lý trước đây, con sẽ khó lòng hơn hiểu được ý nghĩa một cách chính xác. Con sẽ thấy là ngày hôm nay, các thày đã cố gắng ngày càng trực tiếp hơn, ngày càng chính xác hơn, để ít ra con thấy rõ được điều các thày đang cố nói là gì, nhưng tất nhiên, các thày vẫn gặp phải sự giới hạn của ngôn từ.

Đại đoàn Ánh sáng và hàng ngũ bóng tối

Hỏi: Có chăng một huynh đoàn của Ánh sáng và một huynh đoàn của bóng tối?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Quả là có một Đoàn Huynh đệ của Ánh sáng, và cũng có một huynh đoàn của bóng tối.

Huynh đoàn của Ánh sáng từ lâu đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như Saints Robed in White (các vị Thánh Áo trắng), the Great White Brotherhood (Đại đoàn Chưởng giáo), the White Lodge (Bạch đoàn), the Ascended Host, the heavenly Host (Đại đoàn Thăng thiên), các chân sư thăng thiên, và nhiều tên khác nữa. Vào thế kỷ 19, chúng tôi nhận được sự miễn phép đặc biệt để làm việc trực tiếp hơn với loài người và giúp những ai sẵn sàng lắng nghe biết đến sự hiện diện của chúng tôi.   

Chúng tôi đã truyền pháp tâm linh qua trung gian nhiều tổ chức và cá nhân. Hàng ngũ bóng tối đã cố gắng ngăn trở nỗ lực của chúng tôi bằng cách đưa ra một số lời dạy nhằm lừa dối con người. Vì vậy, không phải tất cả mọi lời dạy tự xưng là của chân sư thăng thiên đều thực sự đến từ chúng tôi. Sau đây ta sẽ giải thích chúng vận hành như thế nào.   

Ta đã có giảng chi tiết hơn về đề tài này ở một nơi khác, nhưng sau đây là một phiên bản ngắn gọn. Trong đạo Lão có biểu tượng Thái cực. Biểu tượng này mô tả hai lực bổ sung cho nhau, và sự tương tác hài hòa giữa hai thái cực sinh tạo ra toàn bộ vũ trụ. Đây là một lời dạy đúng đắn và một minh họa tuyệt vời của các nguyên lý thiêng liêng.

Con hãy để ý quan niệm chủ chốt ở đây: hai lực được mô tả trong Thái cực không loại trừ lẫn nhau. Cho dù hai thái cực có phẩm chất khác nhau, những phẩm chất này không đối nghịch với nhau. Cho nên khi hai lực, hay hai thái cực, kết hợp lại, sự tương tác đó tạo ra một khía cạnh mới cho thực tại. Tạo vật mới này hoàn toàn phù hợp với các quy luật của Thượng đế, và do đó nó bền vững. Nó sẽ không tự hủy diệt. Con cũng để ý thấy là hai thái cực không mang giá trị tương đối với nhau, và nếu bảo rằng một bên là thiện đối lập với bên kia là ác thì sẽ thật là vô nghĩa.

Các sinh thể sa ngã, hay sa nhân, đã tự đặt mình ra ngoài thái cực sáng tạo nói trên. Chúng đã nổi loạn chống lại dòng sáng tạo của Thượng đế, và chúng chỉ làm được vậy bằng cách bước vào tâm thức tách biệt, tâm thức nhị nguyên. Trong trạng thái tâm thức này, chúng không thể nhìn thấy một phẩm chất nào hoàn toàn không có đối nghịch. Cho nên hàng ngũ bóng tối không có khả năng nhìn thấy cái thiện tuyệt đối, hay vô điều kiện, của Thượng đế. Chúng chỉ thấy được cái thiện tương đối và cái ác tương đối. Nhưng cả hai thì đối nghịch lại với nhau và cùng khởi lên qua tâm thức nhị nguyên.

Nếu con đặt cái thiện tương đối và cái ác tương đối vào với nhau, chúng sẽ hủy diệt lẫn nhau, có nghĩa là chúng sẽ không bao giờ sáng tạo được một điều gì bền vững. Thật sự, thiện và ác tương đối sẽ luôn luôn bị khóa chặt vào thế phải đối chọi với nhau. Hàng ngũ bóng tối muốn con tin rằng con cần phải gia nhập cuộc đối đầu đó, và con cần phải phải giúp bên thiện tương đối chiến thắng bên ác tương đối. Tất cả chỉ là một màn hỏa mù, bởi vì nếu cái thiện tương đối tiêu diệt được cái ác thì đồng thời nó cũng tiêu diệt chính nó. Thế nhưng cái thiện tương đối sẽ không bao giờ tiêu diệt được cái ác tương đối, và bởi thế cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục mãi mãi.   

Điều con thấy được qua phân biện Ki-tô là hàng ngũ bóng tối đã hình thành hai đối cực ngay trong bọn chúng – bởi vì chúng bắt buộc PHẢI làm như vậy một khi đã ở trong nhị nguyên. Một trong hai đối cực này là cái mà mọi người đều thấy được là hắc đoàn, là những sinh thể có dáng vẻ đen tối, nghịch loạn rõ ràng. Đây là những sinh thể tìm cách lừa gạt con người tin rằng xấu ác chỉ đơn giản là trái nghịch của Thượng đế, và nếu xấu ác chiến thắng thì chính nghĩa vẫn được hưởng lợi. Chúng cố dụ dỗ những người quyền lực, chẳng hạn qua vũ lực thô bạo, qua ma thuật đen, trò phù thủy hay cúng lễ Satan. Chúng tìm cách giúp cho cái ác tương đối chinh phục địa cầu.   

Đối cực thứ hai là cái mà chúng tôi gọi là hàng ngũ giả trá, hay ngụy đoàn, là những sinh thể trông không có vẻ gì là đen tối. Ngược lại là đằng khác, chúng còn tỏ ra hoàn toàn vô hại, thâm chí tâm linh. Kỳ thực, một số những sinh thể này còn tự xưng mình là chân sư thăng thiên, nên chúng là kẻ mạo danh. Một phần đáng kể những bài đồng bóng từ những người tự xưng là chân sư thăng thiên mà con tìm thấy trên mạng internet là của những sinh thể này. Có một cách để nhận diện chúng là nhận ra rằng chúng tự coi mình là kẻ thù của các sinh thể bóng tối, và chúng sẽ lôi kéo con vào cuộc chiến đấu đó qua một lối lý luận vô cùng xảo trá mà chúng tôi gọi là lý lẽ của rắn. Chúng tìm cách giúp cho cái thiện tương đối chinh phục địa cầu bằng cách tiêu diệt xấu ác.

Một điểm khác biệt chính yếu khác giữa Đại đoàn Ánh sáng với hàng ngũ bóng tối là Đại đoàn Ánh sáng luôn luôn tìm cách kết hợp, trong khi hàng ngũ bóng tối tìm cách chia rẽ. Sự thật tâm linh căn bản nhất là toàn bộ vũ trụ được tạo ra từ bản chất của Thượng đế, tức năng lượng của Thượng đế. Cho dù hình dạng vỏ ngoài có là gì đi nữa, tất cả mọi thứ đều được tạo bằng bản thể của Thượng đế. Vì vậy, cho dù hình dạng vỏ ngoài có khác thì vẫn có một sự hợp nhất nền tảng vượt lên trên mọi sự khác biệt. 

Chìa khóa chủ yếu cho sự phát triển tâm linh là con người phải vượt qua ảo tưởng cho rằng có cái gì đó tách biệt khỏi Thượng đế, kể cả chính mình. Con người chỉ thực sự có một vấn đề duy nhất là sự cảm nhận mình tách biệt khỏi Thượng đế. Chìa khóa của phát triển tâm linh, chìa khóa của giác ngộ, là vượt qua ảo tưởng này của Maya.

Hàng ngũ bóng tối sẽ làm tất cả những gì chúng có thể nghĩ ra để ngăn cản con người vượt qua được ảo tưởng này. Chúng đã chọn đứng riêng ra khỏi Thượng đế. Một số còn tin rằng chúng đã tìm ra cách tạo dựng một thế giới nằm ngoài Thượng đế hay chống lại Thượng đế.

Kỳ thực, không có gì ngoài Thượng đế. Thượng đế là tất cả hiện hữu, và bản thể của Thượng đế ở khắp mọi nơi. Nếu Thượng đế ở khắp nơi thì làm sao có nơi nào mà không tìm thấy Thượng đế? Thượng đế thực sự ở mọi nơi, nhưng vì một số sinh thể đã được ban quyền tự quyết, chúng có thể tạo ra ảo tưởng là chúng tách rời khỏi Thượng đế. Nhưng ảo tưởng này chỉ hiện hữu trong tâm chúng thôi, và nó chỉ có thể tiếp diễn khi nào chúng còn trao sức mạnh cho nó bằng cách bám lấy ảo tưởng.

Thông điệp chính yếu của trang mạng của ta là khuyến khích mọi người bước đi trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô cá nhân. Khi con bước trên đường này, con sẽ lần hồi có khả năng nhìn xa hơn ảo tưởng cho rằng con và mọi thứ trong thế gian tách biệt khỏi Thượng đế. Con đạt được khả năng nhìn thấy sự hợp nhất đằng sau sự đa dạng. Con cũng bắt đầu có nhận biết trực giác, sự phân biện nội tâm, cho phép con nhìn thấu qua các ảo ảnh và dối gạt của hàng ngũ bóng tối.

Con đừng lầm, các thế lực đó đã tồn tại từ rất lâu và chúng đã học được cách cư xử tương đối khôn khéo. Chúng rất lành nghề trong việc tạo ra những tư tưởng hay hệ thống tín ngưỡng chứa đựng nhiều sự thật, nhưng đâu đó chúng lại bỏ vào một vài câu nhằm duy trì mãi mãi ảo tưởng tách biệt. Trong một số trường hợp, cách duy nhất để phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối là cảm thấy sự rung động. Khi con bước trên đường quả vị Ki-tô cá nhân, con sẽ học được khả năng đọc được độ rung và nói được sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối.     

Nếu con chưa có khả năng trực giác này, trang mạng này có đăng tải một số dụng cụ để giúp cho tiến trình học tập của con nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng sẽ rất hữu ích nếu con luôn nhớ rằng hàng ngũ bóng tối tìm cách chia rẽ trong khi Đại đoàn của Ánh sáng luôn tìm cách kết hợp.

Ghi chú của Kim Michaels: Nếu bạn muốn đọc những bài giảng chi tiết và đầy đủ về đề tài này, tôi xin giới thiệu quyển sách, Master Keys to Spiritual Freedom, do thày Maitreya truyền đọc. Trong đó bạn sẽ tìm thấy lời mô tả chi tiết nhất về sự kiện sa ngã.

Khả năng ngoại cảm và thị hiện

Hỏi: Con xin có câu hỏi cho thày Maitreya. Trong quyển sách (Master Keys to Spiritual Freedom), thày có mô tả những sinh thể đã sa ngã xuống bầu cõi thấp hơn là “đã thăng một bầu cõi”. Và thày mô tả một số trong nhóm đó đang ở đây, là họ có một thành đạt tâm linh cao độ nhưng một trạng thái tâm thức thấp kém. Con bị bối rối bởi sự khác biệt giữa thành đạt tâm linh và trạng thái tâm thức. Con xin thày làm rõ điểm khác biệt này.   


Trả lời của chân sư thăng thiên Maitreya qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Khi một dòng sống tăng triển trên đường đạo, nó sẽ có một số thành đạt. Đó có thể là sự thành đạt về cách điều khiển cõi vật lý, sử dụng các quy luật chi phối cõi đó. Do điều này mà một dòng sống có thể có khả năng, chẳng hạn, thị hiện một số hiện tượng ngoại cảm hay thậm chí cả vật chất. Con đã từng thấy trường hợp những người có khả năng ngoại cảm, hay họ có khả năng làm hiện ra thể chất vật lý. Tuy nhiên, những người này không có sự thành đạt tâm linh đích thực.

Điều cần hiểu thực sự ở đây là có những người có thể thành đạt tương đối về mặt sử dụng tâm trí để chế ngự vật chất, nhưng họ lại không có một mức thành đạt tương đương trong con tim – có nghĩa là họ sẽ sử dụng thành đạt của họ duy cho những mục đích vị kỷ. Thanh đạt trong tim có nghĩa là sử dụng thành đạt để nâng cao Tất Cả thay vì chỉ nâng cao chính mình so với người khác. 

Con thấy được sự khác biệt chứ – luôn luôn có rủi ro là mặc dù một người đã đạt được một mức thành thạo nào đó để điều khiển cõi vật chất, khả năng này có thể bị sử dụng cho những mục đích vị kỷ thay vì để thăng tiến cái Ta lớn rộng mà mọi sự sống đều là.  

Trả lời bổ túc của chân sư thăng thiên Giê-su ngày 15/9/2007.

Điều quan trọng là con cần nhận ra sự khác biệt giữa một thành đạt vỏ ngoài và trạng thái tâm thức nội tâm cao vượt. Như khoa học đã chứng tỏ, vũ trụ vật chất vận hành theo một số quy luật máy móc trên bản chất. Có một số quy luật khác cao hơn mà khoa học chưa khám phá ra, và một người nào đó có thể đạt được sự hiểu biết và một trình độ tinh thông nào đó để điều khiển những quy luật này mà đã không thanh lọc tâm thức vị kỷ của mình. Cho nên một trạng thái tâm thức cao vượt có nghĩa là một mức vị kỷ rất thấp nơi một người đã thăng vượt ảo tưởng của ngã tách biệt.  

Nói cách khác, khả năng của tâm trí hầu làm chủ vật chất có một khía cạnh khá máy móc, và một người có thể đạt được một số khả năng trên vật chất, tuy giới hạn nhưng vẫn có vẻ ấn tượng đối với người thường. Cho nên người đó có thể sản xuất ra những “điềm báo và hiện tượng kỳ lạ” mà không có trái tim trinh trắng là dấu hiệu của một trạng thái tâm thức cao vượt.     

Điều mà thày Maitreya đề cập trong sách của thày là những sinh thể bị sa ngã từ những bầu cõi cao hơn mặc dù họ đã đạt tới những địa vị vỏ ngoài quan trọng trong xã hội nơi các bầu cõi đó. Vì vậy họ có sự hiểu biết và thành đạt vỏ ngoài, nhưng họ chỉ sử dụng để tự nâng mình lên so với người khác thay vì để phụng sự mọi người và nâng cao Tất Cả. Lý do là vì, tất nhiên, các dòng sống này đã chưa khắc phục được tâm thức nhị nguyên, và họ vẫn xem mình là sinh thể tách biệt đứng riêng khỏi mọi người – và như thế, họ có tiềm năng khoác lấy vẻ ngoài là người tốt đẹp hơn mọi người khác. Cách xét đoán giá trị và sự so sánh vô nghĩa này chỉ có thể xảy ra cho những ai còn bị mù quáng bởi nhị nguyên.   

Một số dòng sống này vẫn còn hiện thân trên địa cầu hiện nay, và một số trong nhóm đó đã đạt tới những địa vị cao cả trong xã hội, hay họ đã leo lên được chỗ lãnh đạo tâm linh. Khi con lượng định bất kỳ vị thày tâm linh nào, điều quan trọng là con cần xem xét ý định của người đó. Một thước đo là nhìn vào cách người đó biểu đạt hiểu biết hay/và khả năng của mình. Họ có làm vậy để nâng cao mọi người hay họ làm vậy để nâng cao ngã tách biệt? Một cách để lượng định là cân nhắc những điểm sau đây: 

  • Vị thày có bày tỏ khả năng của mình để tạo ra một kết quả sẽ thực sự trợ giúp học trò hay đó là một sự phô trương “phù phiếm”? Chẳng hạn, nuôi ăn người nghèo và chữa lành người bệnh là giúp đỡ tha nhân, trong khi bẻ cong cái thìa hay thổi tro từ bàn tay sẽ không giúp ích được ai.
  • Vị thày có dùng khả năng mình để chứng tỏ rằng mọi người đều có tiềm năng đạt được sự điều ngự của tâm thức trên vật chất, hay là chỉ để đưa mình lên cao hơn mọi người? 

Nhưng ngay cả ở đây, sự phân biện cũng rất cần thiết. Người ta vẫn có thể làm một việc gì đó hữu ích – như chữa bệnh chẳng hạn – với một ý định nâng cao cái ngã tách biệt. Điều này có thể thấy được nơi một số nhà truyền giáo đạo Cơ đốc chữa lành người bệnh để chứng tỏ là mình có vẻ hay hơn người khác, hay để chứng tỏ tính ưu việt của nhãn hiệu Cơ đốc của mình – nhưng làm vậy thì thật xa rời giáo lý đích thực của ta.      

Ta đã từng cảnh báo về điều này trong một số lời dạy. Chẳng hạn trong câu này, ta có nói rõ là một số hoạt động có thể bị lạm dụng bằng vũ lực: “Và từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng đã phải chịu bạo lực, và kẻ bạo lực chiếm lấy bằng vũ lực” (Matthew 11:12)

Trong câu sau đây, ta cảnh báo về những kẻ đưa ra những điềm báo và hiện tượng kỳ lạ để lôi kéo quần chúng theo mình: “Bởi vì nhiều ki-tô giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, sẽ đưa ra những điềm báo và hiện tượng kỳ lạ to lớn, và nếu họ có thể, họ sẽ đánh lừa ngay cả những người được chọn”. (Matthew 24:24)

Chót hết, ta đã cảnh báo đừng nên theo những kẻ tự xưng mình là lãnh đạo nhưng lại đui mù vì họ chưa thấy được sự thật thiết yếu của con đường tâm linh, tức là ngã tách biệt chỉ là ảo ảnh: “Hãy để yên cho họ: họ là người mù lãnh đạo người mù. Và khi người mù lãnh đạo người mù, cả hai sẽ đều té xuống rãnh.” (Matthew 15:14)   

Có con rãnh ở cả hai bên con đường – mà ta gọi là con đường rộng dẫn tới hủy diệt – biểu tượng cho hai đối cực nhị nguyên. Nếu con đi theo những lãnh đạo mù tìm cách nâng cao ngã tách biệt thay vì để cho ngã tách biệt đó chết đi trên thập tự giá, con sẽ kẹt lại trong nhị nguyên thay vì bước đi trên con đường hẹp và thẳng – là con đường không có nhị nguyên vì đó là đường độc tuyến – sẽ dẫn đến tâm thức Ki-tô.